BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Ngạ Quỷ Sự

Tỳ kheo Minh Huệ dịch Việt
(dựa theo bản dịch Anh ngữ của Peter Masefield)


[4.4]

 

IV.12 ÂM-BA QUỈ SỰ
(AMBA PETAVATTHUVA.N.NANAA)

"Hồ sen này của ngươi thật vô cùng khả ái". Quỉ sự này được Bậc Ðạo sư kể lại khi Ngài đang ngụ ở Saavatthi, liên quan đến một Ambapeta .

Tương truyền rằng, tại Saavatthi có một gia chủ nọ có của cải đã trở nên cạn hết. Vợ của ông ta đã chết và ông ta có một đứa con gái duy nhất, là người mà ông ta bỏ lại ở nhà của một người bạn và rồi, khi mang hàng hoá mà ông ta đã mua với số tiền vay một trăm Kahaapana, ông ta lên đường với một đoàn thương nhân để buôn bán, và chẳng bao lâu quay về nhà với đoàn thương nhân sau khi đã kiếm được một món tiền lời gồm năm trăm Kahaapana, phụ thêm với số tiền vốn. Trên đường đi, những tên cướp đi đến đoàn thương nhân và bao vây họ, và những người trong đoàn thương buôn bỏ chạy tứ tán. Tuy nhiên, vị gia chủ, để những đồng Kahaapana trong một cái bị và giấu gần đó, nhưng những tên cướp lại bắt và giết ông ta. Vì lòng tham lam của cải nên ông ta phải tái sanh làm một peta trong chính chỗ ấy.

Khi những vị thương nhân trở lại Saavatthi, họ thuật lại biến cố ấy với đứa con gái của ông ta, nàng đầy bất an và khóc than thảm thiết cho cả cái chết của cha nàng và khóc vì lòng mong mỏi phương tiện kiếm sống của chính nàng. Một người đàn ông giàu có mà đã từng là bạn của cha nàng khi ấy an ủi nàng, nói rằng, "cũng như những cái nồi của người thợ gốm, tất cả đều có sự hoại diệt khi chúng kết thúc; Do đó đời sống của chúng sanh cũng có sự hoại diệt vì sự kết thúc, cũng vậy đời sống của chúng sanh cũng có sự hoại diệt vì sự kết thúc của nó. Cái chết là thông thường đối với tất cả và không có loại thuốc chữa trị nào. Bởi vậy, con đừng nên ưu bi và ta thán quá mức cho cha của con. Ta sẽ làm cha của con và con sẽ là con gái của ta. Ta sẽ làm điều gì phải được làm cho cha của con. Con có thể sống hạnh phúc trong ngôi nhà này, không lo lắng, cũng như nó là nhà của cha con vậy". Nỗi sầu khổ của nàng được lắng dịu khi nghe những lời dạy này của ông ta và nàng trở nên có đầy sự tôn kính và tôn trọng đối với ông ta, tựa như ông ta chính là cha của nàng vậy; và do những hoàn cảnh khốn khổ của nàng, nàng trở thành người giữ nhà cho ông ta.

Khi thời gian trôi qua, nàng muốn tổ chức những lễ cúng cho người chết đến cha của nàng. Nàng nấu một ít cháo và trong một cái bát bằng đồng, nàng đặt một số trái xoài ngọt và đã chín lụng và có màu đỏ của chất tỳ sương, nàng sai người tớ gái mang cháo, những trái xoài đi theo nàng đến tịnh xá, vào đảnh lễ Bậc Ðạo sư và rồi nói như vầy, "Cầu xin Bậc Ðạo sư rũ lòng bi mẫn mà thọ nhận vật thí này của con". Bậc Ðạo sư, tâm của Ngài bị rung động bởi lòng đại bi, khi làm cho ước muốn của nàng được thành tựu viên mãn, bèn tỏ ý muốn rằng Ngài sắp ngồi xuống. Quá vui sướng,nàng trải ra một tấm vải sạch và mới mà nàng đã đem theo, và sửa soạn một chỗ ngồi cho đức Phật cao quí, rồi dâng cúng chỗ ngồi này. Ðức Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được sửa soạn. Rồi nàng dâng món cháo đến Ðức Thế Tôn và Ðức Thế Tôn nhận lãnh món cháo. Rồi nàng cũng dâng cháo đến Chư Tăng, dành cho Chư Tăng. Sau khi nàng đã bố thí món cháo, một lần nữa với hai tay sạch sẽ, nàng dâng đến Ðức Thế Tôn những trái xoài và rồi Ðức Thế Tôn thọ thực. Nàng đảnh lễ Ðức Thế Tôn và tác bạch như vầy, "Bạch Ðức Thế Tôn, sự bố thí này mà con đã làm bằng vật thí gồm cái toạ cụ được trải ra, món cháo và những trái xoài, cầu xin cho vật thí ấy thấu đến cha của con"; Ðức Thế Tôn nói rằng, "chúc thành tựu như ý" Và ban lời phúc chúc. Nàng đảnh lễ Ðức Thế Tôn, đi vòng quanh Ngài và hướng về hướng phải rồi ra đi.

Ngay khi nàng hồi hướng phước thí ấy thì vị Peta ấy có được một rừng xoài, một công viên, một lâu đài, một cây như ý và một hồ sen như là sự vinh quang của Chư thiên. Rồi vào một dịp khác nọ, khi những thương nhân ấy đang đi để buôn bán, họ đi đến chính con đường ấy và cắm trại qua đêm ở chỗ mà họ đã ngụ lúc trước. Khi trông thấy họ, vị Vimaanapeta hiện ra trước mặt họ cùng với công viên lâu đài v.v... của vị ấy. Khi trông thấy vị peta ấy, những vị thương nhân bèn nói lên hai câu kệ này để hỏi về sự vinh quang mà vị ấy đã nhận được:

1. Hồ sen này của ngài thật vô cùng khả ái. Những bờ hồ xinh đẹp của nó bằng phẳng và nó có nhiều nước. Nó có nhiều hoa và lấm tấm khắp nơi những đàn ong - Làm sao ngài sanh ra mà có được cái hồ khả ái này?

2. Và khu rừng xoài này của ngài thật vô cùng khả ái và có trái suốt bốn mùa. Nó đang nở hoa và lấm tấm khắp nơi những đàn ong, làm sao Ngài sanh ra mà có được lâu đài này?

Chú giải:

1. Ở đây VÔ CÙNG KHẢ ÁI: Surammaa= su.t.thu rama.niiyaa (phối hợp cách). BẰNG PHẲNG (samaa): Có những bề mặt ngang bằng. NHỮNG BỜ HỒ XINH ÐẸP (Supatitthaa): Những chỗ tắm xinh đẹp do bởi những chiếc cầu thang của chúng được làm bằng châu báu. NÓ CÓ NHIỀU NƯỚC (mahodakaa): Hồ sen ấy có nhiều nước

2. TRONG TẤT CẢ CÁC MÙA (sabbotuka.m): Nó tạo ra sự hạnh phúc do bởi những cây của nó v.v... đầy những bông hoa và mang những trái trong khắp các mùa. Vì lý do này người ta nói rằng, "và mang những trái" NÓ ÐANG NỞ ÐẦY HOA (Supupphita.m): Vườn xoài nở hoa thường xuyên.

Khi nghe qua điều này, vị Peta bèn nói lên câu kệ này để giải thích cái gì là nguyên nhân khiến vị ấy có được hồ sen ấy v.v...:

3. Một vật thí bằng những trái xoài chín, nước và cháo, được cho ra bởi con gái của tôi - chính do bởi điều này khiến cho tôi nhận được bóng che mát mẻ và khả ái này ở đây.

Chú giải:

3. Ở đây CHÍNH DO BỞI ÐIỀU NÀY... ÐƯỢC NHẬN LÃNH BỞI TÔI Ở ÐÂY (tena me idha labhati): Bởi vì vật thí ấy gồm những trái xoài chín, nước và cháo được cho ra bởi con gái tôi đến Ðức Thế Tôn và các vị Tỳ kheo, được cho ra bởi nàng dành cho tôi, chính do bởi vật thí này được cho ra bởi con gái của tôi nên những trái xoài chín được nhận lãnh bởi tôi ở đây trong rừng xoài Chư thiên này, trong tất cả các mùa, và cũng có được nước Chư thiên trong cái hồ sen Chư thiên khả ái nầy; Trong khi đó, chính do vật thí nầy gồm món cháo và tấm vải được trải ra nên bóng mát khả ái và mát mẻ này được tìm thấy trong công viên này, cung điện này và cây như ý này v.v... Ðược nhận lãnh ở đây, nghĩa là được thành tựu.

Khi đã nói như vậy, vị Peta dẫn những thương nhân đi và chỉ cho họ thấy năm trăm Kahaapana khi nói rằng, "Các người có thể lấy một nửa của số tiền này và cho nửa kia đến con gái của tôi, bảo nàng hãy làm sạch món nợ của tôi và sống thanh thản".

Ðến đúng lúc, những thương nhân đi đến Saavatthi kể cho đứa con gái của ông ta biết và cho nàng mọi thứ bao gồm phần tiền mà ông ta đã trao cho họ. Nàng trả một trăm Kahaapana đến những chủ nợ của ông ta và cho phần còn lại đến người đàn ông giàu có mà đã là bạn của cha nàng và, đối với chính nàng, vẫn ở lại làm người giữ nhà cho ông ta. Nhưng ông ta cho lại nàng món tiền ấy khi nói rằng, "Tất cả món tiền này là của riêng con". Và cho nàng làm nữ chủ trong ngôi nhà của đứa con trai đầu lòng của ông ta. thời gian sau, nàng có một đứa con trai và nàng thường nói câu kệ này khi nàng chăm sóc nó:

4. Hãy xem kết quả, ngay trong đời sống này, của sự bố thí, của sự thu thúc và tự chế. Tôi là một nữ nô lệ trong gia đình của chủ tôi, và bây giờ là nàng dâu của ông ta cũng là nữ gia chủ.

Rồi một hôm nọ Bậc Ðạo sư, sau khi đã xem kỹ sự chín muồi trong tâm của nàng, bèn phóng ra hào quang của Ngài và hiện ra tựa như đang đứng đối diện với nàng, và rồi nói lên câu kệ này:

5. Người mà không siêng năng, bị chinh phục bởi sắc khả ái của những kẻ không khả ái, bởi sắc tướng dễ thương của những kẻ không dễ thương và bởi sắc tướng khả ái của cái đem lại đau khổ.

Nghĩa là: Những người nào mà không siêng năng và chánh niệm không hiện hữu trong họ, thì bị ngự trị, bị chiến thắng và bị che mờ bởi sắc tướng hảo huyền của ba cái này.

Vào lúc kết thúc của câu kệ này, nàng được an trú trong quả Thánh Tu- Ðà- hườn; và ngày hôm sau, nàng bố thí vật thực đến Chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu, và rồi nêu lên vấn đề ấy với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho những người ấy.

-ooOoo-

IV.13 MỘC TRỤC QUỈ SỰ
(AKKHARUKKHA PETAVATTHUVA.N.NANAA)

"Khi một người cho ra thì không phải ngay ở đó". Ðây là quỉ sự về người bố thí một cái trục xe. Câu chuyện bắt nguồn như thế nào?

Khi Ðức Thế Tôn đang ngụ ở Saavatthi, thì có một vị Thiện nam nọ, là dân cư của thành Saavatthi chất đầy hàng hoá vào một số cỗ xe và đi đến videha để buôn bán. Ông ta bán hàng hoá của ông ta ở đó và chất đầy những hàng hoá mà ông ta đã mua lại, cho vào trong những cỗ xe của ông và rồi đi vào con đường dẫn đến Saavatthi . Khi ông đang đi dọc theo con đường ấy ở trong khu rừng thì cái trục xe của một trong những chiếc xe của ông bị gãy. Bấy giờ có một người đàn ông nọ mà sau khi đã rời khỏi ngôi làng của ông ta và đang cho người mang theo cái rìu và búa để đốn cây đem về, đang lang thang trong rừng và đi đến chỗ ấy. Ông ta trông thấy tâm trạng chán nản của vị thiện nam do vì cái trục xe bị gãy ấy, bèn nghĩ rằng, "Vị thương nhân này đang sầu khổ ở trong rừng do vì cái trục xe bị gãy ấy". Và khi đem lòng thương hại vị thương nhân ấy, ông ta đốn hạ một cây, làm một cái trục xe cứng cáp, tặng nó cho vị thương nhân và gắn nó vào cỗ xe. Ðến đúng lúc, ông ta chết và sanh làm một vị Chư thiên địa cầu trong cùng chỗ ấy ở trong khu rừng.

Khi đã quán xét về những nghiệp của mình vào lúc ban đêm, ông ta đi đến nhà của vị thiện nam ấy và nói lên câu kệ này khi đứng ở cửa nhà:

1. Khi người bố thí thì nó không phải chỉ nằm ở đó thôi đâu - người nên cho ra những vật thí đi; Khi người đã bố thí rồi thì người sẽ vượt qua cả hai, người đi đến cả hai bằng phương tiện này. Hãy giác tỉnh! Ðừng dễ duôi!

Chú giải:

1. Ở đây KHI NGƯỜI CHO RA THÌ NÓ KHÔNG PHẢI CHỈ Ở ÐÓ (Ya.m dadaati na ta.m hoti) khi người cho ra một thí vật thì nó không phải chỉ nằm ở đó, mà trong thế giới bên kia, quả của vật thí cũng sẽ hiện ra nữa vì có nhiều quả khả ái và đầy hoan hỷ nữa. DO ÐÓ NGƯỜI NÊN TINH TẤN CHO RA NHỮNG VẬT THÍ (deth'eva daana.m): Người cũng nên cho ra những vật thí thích hợp. Rồi vị ấy giải thích lý do: KHI NGƯỜI ÐÃ CHO, NGƯỜI SẼ VƯỢT QUA CẢ HAI (datvaa ubhaya.m tarati): Khi người đã cho những vật thí thì người sẽ vượt qua đau khổ và rủi ro cả trong đời này và trong đời sau nữa. NGƯỜI SẼ ÐI ÐẾN CẢ HAI BẰNG PHƯƠNG TIỆN NÀY (ubhaya.m tena gacchati): Người sẽ đến, người sẽ đạt đến, cả hạnh phúc trong đời này và trong đời sau bằng phương tiện của những vật thí này. Hơn nữa ý nghĩa nên được hiểu là, lợi ích và hạnh phúc dành cho cả chính mình và những người khác nữa. HÃY CẢNH GIÁC! ÐỪNG DỄ DUÔI! (jaagaratha mà pajjaha): Nghĩa là hãy tỉnh táo tìm kiếm những vật thí mà sẽ trổ sanh cả hai loại lợi ích và sự xua tan cả hai loại khổ đau bằng cách này. Hãy sửa soạn những món đồ vật để làm những vật thí và hãy siêng năng ở trong đó. Ðiều này được nói đến bằng cách lập lại ở đây để cho thấy sự tôn kính.

Khi vị thương nhân đã làm xong điều gì ông ta cần phải làm, ông ta quay về và đúng lúc đến tại Saavatthi vào ngày hôm sau. Ông ta đi đến Bậc Ðạo sư, đảnh lễ Ngài, và khi ngồi xuống ở một bên, ông ta nêu lên vấn đề với Ðức Thế Tôn. Bậc Ðạo sư lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Thời pháp đã đem lại lợi ích cho những người đã tụ họp ở đó.

-ooOoo-

IV.14 SÚC TÀI QUỈ SỰ
(BHOGASA.MHARA.NA PETAVATTHUVA.N.NANAA)

"Chúng ta tích lũy của cải". Ðây là quỉ sự về sự tích lũy. Nó bắt nguồn như thế nào?

Tương truyền rằng khi Ðức Thế Tôn đang ngụ tại Ve.luvana, có bốn người đàn bà ở thành Raajagaha đang bận rộn trong việc buôn bán thục tô, mật ong, dầu và ngũ cốc v.v... kiếm lợi một cách phi pháp bằng sự đong lường gian dối và bằng những mánh khóe bịp bợm khác. Vào lúc thân hoại mạng chung sau khi chết, họ sanh làm những nữ Ngạ quỉ trong một cái hào ở bên ngoài thành phố. Vào lúc ban đêm, họ bị hành hạ bởi nỗi đau khổ và đi lang thang phát ra tiếng kêu to lớn và kinh khủng khi gào lên rằng:

1. "Chúng ta tích lũy của cải đúng pháp và phi pháp. Bây giờ của cải này được hưởng bởi những người khác, trong khi số phận của chúng ta là đau khổ".

Dân chúng lấy làm khiếp đảm khi họ nghe tiếng gào la này; và khi trời hừng sáng, họ tổ chức một cuộc bố thí vật thực lớn đến Chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu và khi thỉnh Bậc Ðạo sư và Tăng chúng đến, họ phục vụ các Ngài bằng vật thực thượng vị loại cứng loại mềm. Khi Ðức Thế Tôn đã thọ thực xong và tay rời khỏi bát, họ ngồi xuống ở gần kề và kể lại biến cố ấy. Ðức Thế Tôn nói rằng, "Nầy chư thiện tín, không có tai hoạ nào đến với các ngươi trong tiếng ấy cả. Ðó chỉ là bốn nữ Ngạ quỉ bị hành hạ đau khổ, đang ta thán kêu to trong nỗi thất vọng của chúng sau khi nói về ác nghiệp mà chúng đã làm, chúng đã nói câu kệ này:

2. Chúng ta tích lũy của cải đúng Pháp và không đúng pháp. Bây giờ của cải này được hưởng bởi những người khác, trong khi đó số phần của chúng ta là đau khổ".

Chú giải:

2. Ở đây CỦA CẢI (Bhoge): Những của cải và phương tiện đặc biệt như y phục và những vật trang sức v.v... Mà được biết đến là "của cải" (Bhoga), bởi vì những của cải ấy có thể được người ta hưởng dụng (paribhu~njitabbatthena): CHÚNG TA TÍCH LUỸ (Sa.mharimha) với tâm của chúng ta bị ngự trị bởi bợn nhơ của lòng bỏn sẻn, chúng ta chất lên, mà không cho đến một ai cả. ÐÚNG PHÁP VÀ KHÔNG ÐÚNG PHÁP (Samenavisamena ca): Phải đạo và sái quấy, nhưng có vẻ hợp pháp. TRONG KHI ÐÓ PHẦN CỦA CHÚNG TA LÀ ÐAU KHỔ (maya.m dukkhassa bhaaginii): Do chúng ta không có thiện hạnh đối với bất cứ ai và do bởi ác hạnh của chúng ta khiến bây giờ chúng ta phải lãnh lấy số phần đau khổ to lớn này ở trong cõi Ngạ quỉ, nghĩa là chúng ta đang chịu đau khổ lớn.

Khi Ðức Thế Tôn đã nói câu kệ như vậy mà được thốt lên bởi những Ngạ quỉ và kể lại biến cố ấy, Ngài lấy đó làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết pháp đến hội chúng đã tụ họp ở đó. Sau khi giải thích bốn chân lý cao thượng và sau khi kết thúc thời pháp ấy, nhiều người chứng đắc quả thánh Tu-Ðà-hườn v.v...

-ooOoo-

IV.15 THƯƠNG TỬ QUỈ SỰ
(SE.T.THIPUTTA PETAVATTHUVA.N.NANAA)

"Trong sáu chục ngàn năm". Ðây là quỉ sự về những đứa con trai của vị phú thương. Câu chuyện bắt nguồn như thế nào?

Ðức Thế Tôn đang ngụ ở Jetavana, tại Saavatthii . Lúc bấy giờ vua nước Kosala là Paasenadi, đang đi quanh thành phố trong uy quyền vĩ đại của vua, trong sự rực rỡ vĩ đại của vua, trang phục oai phong và cỡi trên con voi kiết tường nhất. Vị ấy trông thấy một người đàn bà có sắc đẹp giống như một nữ thần, nàng mở các cửa sổ ở gác trên của một ngôi nhà nọ và đang nhìn xuống xem sự vinh quang của vua. Với tâm bị ngự trị bởi sự tấn công dồn dập của những ô nhiễm đã nhanh chóng sanh lên trước một cảnh sắc mà vị ấy chưa hề trông thấy trước kia và dầu vị ấy đã có một hậu cung mà ở trong đó những cung nữ có những đặc tánh nổi bật như gia đình quí phái, sắc đẹp và thiện hạnh v.v.. Tuy nhiên đức vua vẫn đem lòng yêu thương người đàn bà ấy vì tâm của vị ấy phù phiếm và khó nhiếp phục. Ðức vua ra hiệu cho người đàn ông ngồi ở gần tựa như muốn nói rằng, "Ngươi hãy để ý chỗ ngụ có tầng gác ấy và người đàn bà ấy", và rồi đi vào hoàng cung. Mọi điều khác sẽ được hiểu như đã giải thích ở trước rồi trong quỉ sự Ambasakkhara nhưng có sự khác biệt này. Ở đây người đàn ông đi đến ngay trước khi mặt trời lặn, khi cổng thành bị đóng lại, và treo đất sét đỏ và những hoa súng mà anh ta đã mang về ở trên cột của cái cổng, và rồi đi đến jetavana để ngủ. Trong khi đó đức vua, là người đã đi ngủ trong phòng ngủ của vua, vào canh giữa nghe bốn tiếng, "Du, sa, na, so", tựa như được thốt ra trong nỗi thất vọng từ cuống họng.

Tương truyền rằng đây là những chữ đầu của những câu kệ được thốt ra bởi bốn đứa con trai của vị phú thương mà đã lâu là những dân cư của thành Saavatthi, và là những người mà trong thời thanh xuân của chúng đã say mê với sự ngã mạn về của cải và đi chung với vợ của những người đàn ông khác, nên đã gây ra nhiều tội lỗi. Về sau chúng chết và sanh ra trong một cái vạc sắt gần chính thành phố ấy. Khi chúng đang bị nấu sôi, chúng thường nổi lên ở bờ miệng của cái vạc sắt, mỗi người nói lên một câu kệ, nhưng ngay khi chúng thốt ra chữ đầu thì chúng bị những cảm thọ đau đớn giáng xuống và chìm vào cái vạc sắt.

Khi Ðức vua nghe tiếng ồn ào ấy, vị ấy đầy kinh hãi, bị giao động và tóc dựng đứng. Vị ấy trải qua phần còn lại của đêm trong đau khổ, và vào lúc trời rạng sáng sai gọi vị Tư Tế quan đến và kể cho ông ta nghe biến cố ấy. Khi vị Tư tế quan ấy biết được sự sợ hãi của đức vua, thì vị ấy, vì tham lam lợi lộc, suy nghĩ rằng, "một cách kiếm lợi dành cho ta và những Bà la môn đã sanh lên", Và nói rằng, "Tâu đại vương, một tai hoạ lớn chắc chắn đã sanh lên. Ngài phải cúng tế bốn cái của mỗi loài sinh vật". Khi nghe qua lời đáp lại này, đức vua bèn truyền lịnh cho những vị quan cố vấn đặc biệt rằng, "hãy sai sửa soạn bất cứ cái gì cần thiết cho cuộc cúng tế bốn vật của mỗi loại": Khi nghe qua lệnh truyền này, hoàng hậu Ma.llikaa nói với đức vua rằng, "Tâu đại vương, tại sao ngài lắng nghe những lời của những vị Bà la môn ấy và bây giờ muốn tổ chức những buổi lễ mà trong đó vô số chúng sanh sẽ phải bị giết hại? chắc chắn chính Ðức Thế Tôn là người vận dụng trí tuệ vô ngại trong tất cả các pháp, là người nên được hỏi đến và sau đó bệ hạ nên hành động đúng theo lời đáp lại của Ðức Thế Tôn".

Khi đức vua nghe qua điều mà nàng đã phải nói ra, vị ấy đi đến yết kiến Bậc Ðạo sư và nên lên vấn đề với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn nói rằng, "Tâu đại vương, không có tai hoạ nào đến với với bệ hạ dù bất cứ điều gì từ nguyên nhân ấy". Và rồi giải thích vấn đề ngay từ đầu về những chúng sanh mà đã sanh trong địa ngục vạc dầu bằng sắt. Rồi Ngài làm cho đầy đủ những câu kệ mà mỗi chúng sanh ấy bắt đầu nói ra, khi nói rằng:

1. Cả thảy chúng ta đều bị nấu sôi trong địa ngục đủ sáu chục ngàn năm - khi nào mới hết bị như thế này?

2. Sẽ không có sự chấm dứt - Tại sao có sự chấm dứt? không có sự chấm dứt ấy được vì đó là cách mà những ác nghiệp được làm bởi các bạn và tôi, thưa các Ngài.

3. Chúng ta đã sống một cuộc sống ác; dầu ở trong tầm tay nhưng chúng ta đã không bố thí từ đó - Dầu những vật thí ở trong tầm tay nhưng chúng ta không làm chỗ nương tựa cho chính chúng ta.

4. Như vậy, khi chúng ta đã đi khỏi đây và được sanh trong cõi người, tôi sẽ tỏ ra cởi mở, có giới đức và quyết tâm làm nhiều việc thiện.

Chú giải:

1. Ở đây TRONG SÁU CHỤC NGÀN NĂM: Sa.t.thi vassasahassaaani = vassaana.m sa.t.thisahassaani (phối hợp cách). Tương truyền rằng hễ chúng sanh nào sanh trong cái vạc sắt địa ngục sẽ đi xuống trong ba chục ngàn năm cho đến khi hắn đi đến mức thấp nhất, nhân đó hắn đi lên lại cũng trong ba chục ngàn năm cho đến khi hắn đến chỗ ở bờ miệng của nó. Ðể làm cho chúng ta nhận biết điều này, nó muốn nói lên câu kệ bắt đầu bằng: "Cả thảy chúng ta đã bị nấu sôi trong địa ngục trong sáu chục ngàn năm", Nhưng sau khi nói "sa" Nó bị rơi xuống bởi những cảm thọ đau đớn và chìm lại xuống dưới. Tuy nhiên, Ðức Thế Tôn đã làm cho nó đầy đủ và kể lại nó cho đức vua nghe. Phần này cũng sẽ được áp dụng trong những câu kệ còn lại. Ở đây KHI NÀO SẼ CÓ SỰ CHẤM DỨT NỖI KHỔ NÀY (kadaa anto bhavissati): Khi nào sẽ có sự chấm dứt, có sự kết thúc nỗi đau khổ này là bị nấu sôi trong địa ngục vạc dầu bằng sắt?

2. Vì đó là cách mà (tathaa hi): Cũng như sẽ không có sự chấm dứt có thể thấy được về nỗi khổ này của các anh và tôi, đó là cách mà những ác nghiệp được làm bởi các anh và tôi - Nó sẽ được xem như vậy bằng sự thay đổi của biến tố.

3. MỘT ÐỜI SỐNG ÁC (dujjiivita.m): Một đời sống đáng bị chê trách bởi những bậc trí tuệ. DẦU Ở TRONG TẦM TAY (Ye sante): Dầu những vật thí ấy ở trong tầm tay, có sẵn đối với chúng ta. CHÚNG TA ÐÃ KHÔNG BỐ THÍ na dada.mhase = na dadamha (thể văn phạm hoán chuyển): Ðể làm cho sáng tỏ ý nghĩa của điều mà hắn đã nói, khi ấy Ngài nói rằng, "Dầu những vật thí ở trong tầm tay, nhưng chúng ta không làm chỗ nương tựa cho chính chúng ta".

4. TÔI=so 'ha.m= So aha.m (phối hợp cách): Khi ấy (nuna): là một bất biến từ về sự suy xét điều được nói ra. TỪ ÐÂY (ito): Từ địa ngục vạc sắt này. ÐÃ ÐI (gantvaa): Ðã ra đi. ÐƯỢC VÀO CÕI NGƯỜI (yoni.m laddhaana maanusi.m): Có được cõi người, kiếp sống trong cõi người. CỞI MỞ (vada~n~nuu): có tánh rộng rãi hay tử tế với những người ăn xin. CÓ GIỚI ÐỨC (siilasampanno): Có giới hạnh. VÀ QUYẾT TÂM LÀM NHIỀU VIỆC THIỆN (kaahaami kusala.mbahu.m) Không rơi vào trong sự dễ duôi như trước kia chúng ta đã làm, ta quyết tâm làm nhiều việc thiện, nhiều việc phước, nghĩa là chúng ta sẽ tích lũy chúng.

Khi Bậc Ðạo sư đã nói những câu kệ này, Ngài thuyết giảng chánh pháp đầy đủ những chi tiết. Vào lúc kết thúc của thời pháp ấy, người đàn ông mà đã kiếm về đất sét đỏ được an trú trong quả thánh Tu- Ðà- hườn. Ðức vua đầy xúc động, bèn từ bỏ sự tham luyến vợ của người đàn ông khác và thoả mãn với vợ của chính mình.

-ooOoo-

IV.16: QUỈ SỰ VỀ SÁU CHỤC NGÀN CÁI BÚA
(SA.T.THIKUU.TA SAHASSA PETAVATTHUVA.N.NANAA)

"Tại sao ngươi, như một người điên?" Quỉ sự này được kể lại trong khi Bậc Ðạo sư đang ngụ ở Ve.luvana, liên quan đến một Ngạ quỉ nọ.

Tương truyền rằng, cách đây đã lâu ở trong thành phố Ba la nại, có một người què nọ có tài trong việc búng sỏi. Khi ông ta đã đạt đến sự toàn hảo như vậy về nghệ thuật búng sỏi, ông ta thường ngồi ở gốc của một cây đa ở cổng thành và bằng cách bắn vào những ngọn là của cây đa bằng những viên sỏi, ông ta thường tạo ra những mẫu hình về những con voi, những con ngựa, chiếc xe, người, những ngôi nhà tháp nhọn với những lá cờ, những cái lu đầy nước v.v... khiến cho chúng hiện ra trên những ngọn lá ấy. Những đứa trẻ của thành phố ấy thường trả công cho ông ta bằng những đồng tiền bỏ túi của chúng và bảo ông ta trổ tài theo ý thích của chúng. Rồi một hôm nọ, khi đức vua của thành Ba la nại rời khỏi thành phố, vị ấy đi đến gốc của cây đa ấy. Ðức vua trông thấy nhiều hình thức và mẫu mã khác nhau như hình của con voi v.v... dính vào những ngọn lá của cây đa ấy và hỏi mọi người rằng, "ai đã tạo ra những hình thể và những mẫu mã khác nhau bằng cách này trên những ngọn lá đa này?" Dân chúng chỉ về người què mà nói rằng, "Tâu bệ hạ, chúng được làm bởi người đàn ông ấy". Ðức vua gọi người đàn ông ấy đến và nói rằng, "Hãy nhìn đây, có thể nào để ngươi làm đầy bụng một người đàn ông bằng những viên phân dê trong khi ông ta đang nói chuyện, mà không để cho ông ta biết, nếu ta chỉ cho thấy ông ta?" "Tâu bệ hạ, điều ấy có thể được". Ông ta đáp lại.

Đức vua dẫn ông ta đi đến hoàng cung và, chán nghe những lời lãi nhãi của vị tư tế quan, đã cho gọi vị tư tế quan ấy đến. Ðức vua ngồi chung với vị Tư tế quan trong một chỗ cách biệt được bao quanh bởi một vách màng, và trong khi tham khảo ý kiến với vị Tư tế quan, bèn cho gọi người què đến. Người què đi đến mang theo một ống tre chứa đầy những viên phân dê, khi lưu ý chỗ ngồi của đức vua, ngồi xuống xoay mặt về phía vị Tư tế quan, và khi miệng của vị Tư tế quan hả ra thì ông ta bắn vào những viên phân dê xuyên qua một lỗ hở trên bức màng, viên này đến viên khác, đến đầy cuống họng của vị Tư tế quan. Do xấu hổ, không thể nôn ra trước mặt của đức vua, vị Tư tế quan đành phải nuốt hết tất cả những viên phân dê. Khi cái bao tử của vị Tư tế quan đã chứa đầy phân dê thì đức vua cho vị ấy ra về khi nói rằng, "Hãy đi, này ông Bà la môn, ông đã nhận lãnh kết quả của sự nói lảm nhảm của ông rồi đó. Khi ông đã uống thứ nước được làm từ trái cây được nghiền nát và những loại lá v.v.... Của cây Piya"ngu thì ông sẽ nôn ra. Bằng cách này ông sẽ hoàn toàn khỏe lại", và, thoả thích với điều mà người què kia đã làm, bèn cho ông ta mười bốn ngôi làng.

Sau khi có được những ngôi làng này, chính ông ta được hạnh phúc và vui sướng luôn. Ông ta sống đầy đủ tiện nghi, nhưng không quên lãng những điều lợi ích trong cả đời sống này và thế giới bên kia và ông ta thường cho bất cứ cái gì cần thiết đến mọi người như những vị sa môn và những vị Bà la môn; trong khi đó ông ta cho vật thực và sự hưởng công đến những người mà đã đến với ông ta khi họ rèn luyện nghệ thuật của ông ta. Rồi một người đàn ông nọ, đi đến với ông ta và nói như vầy, "Xin hãy làm thầy của con và dạy cho con về môn này, nhưng con không dùng gì đến vật thực của thầy gọi là sự trả công". Ông ta dạy cho người đàn ông ấy về môn búng sỏi của mình. Sau khi trở thành lão luyện trong nghệ thuật búng sỏi bằng cách bắn sỏi vào người, anh ta đã làm bể đầu của Ðức Phật Ðộc Giác Sunetta khi ngài đang ngồi trên bờ sông và Ðức Phật Ðộc Giác nhập Niết bàn ngay tại đó ở trên bờ sông. Khi dân chúng nghe tin về biến cố này, họ đánh anh ta ngay tại đó bằng những cục đất và những cây gậy v.v... Và đã giết chết anh ta.

Khi anh ta chết, anh ta tái sanh trong đại địa ngục Aviici và bị nấu sôi trong nhiều ngàn năm trong địa ngục ấy. Trong suốt thời kỳ của Ðức Phật này anh ta sanh lên, do bởi dư báo của nghiệp ấy, làm một Ngạ quỉ không cách xa thành vương xá. Vì kết quả phải theo đúng với nghiệp, sáu chục ngàn cái búa được đưa lên vào buổi sáng, trưa và tối do bởi lực thôi thúc của nghiệp ấy và rồi giáng xuống trên đầu của hắn; nhân đó, cái đầu của hắn bị đánh và bị bể ra khiến hắn phải lãnh chịu những cảm thọ đau đớn cùng cực. Hắn thường té xuống đất, nhưng ngay khi những cái búa đã đi khỏi rồi thì hắn đứng dậy với cái đầu của hắn trở lại như cũ. Rồi một hôm nọ, Ðại Ðức Mahaamoggallaana đi xuống từ núi Kỳ xà quật, trông thấy hắn và hỏi hắn bằng câu kệ này:

1. Tại sao ngươi, như một người điên, lao đi chỗ này chỗ kia như một con nai bị khiếp đảm vậy? Không nghi ngờ gì ngươi là một kẻ làm ác - tại sao ngươi tạo ra tiếng ồn ấy?

Chú giải:

1. Ở đây NHƯ MỘT NGƯỜI ÐIÊN (Ummattaruupo va): Như người mà có tánh điên, như người bị phát điên. LAO ÐI CHỖ NÀY CHỖ KIA NHƯ MỘT CON NAI BỊ KHIẾP ÐẢM (Migobhanto va dhaavasi): lao đi chỗ này chỗ kia như một con nai bị hốt hoảng. Vì không thấy chỗ tránh né nào khi những cái búa sắt đang giáng xuống khiến hắn phải lao đi chỗ này chỗ kia hy vọng rằng, có lẻ nó sẽ không đánh ta ở chỗ này. Nhưng bị đưa lên bởi lực thôi thúc của nghiệp ấy chúng rơi xuống ngay trên đỉnh đầu của hắn ở bất cứ chỗ nào mà hắn đang đứng. TẠI SAO NGƯƠI TẠO RA TIẾNG ỒN ẤY (ki.m nu saddaayase tuva.m): Tại sao ngươi tạo ra âm thanh ấy, tại sao ngươi đi chỗ này chỗ kia tạo ra tiếng gào rất tuyệt vọng ấy?

Khi nghe qua điều này, Ngạ quỉ bèn đáp lại bằng hai câu kệ này:

2. Bạch Ngài, con là một Ngạ quỉ đã đi đến kiếp sống đau khổ của Yamma. Sau khi đã làm ác nghiệp, con đã đi từ đây đến thế giới của những Ngạ quỉ.

3. Cả thảy đủ sáu chục ngàn cái búa rơi xuống trên dầu của con và những cái búa này đập vỡ cái đầu của con.

Chú giải:

3. Ở đây SÁU CHỤC NGÀN CÁI BÚA (Sa.t.thikuu.ta sahassaani): Ðến sáu chục ngàn cái búa bằng sắt. CẢ THẢY (Sabbaso): Tổng số, tương truyền rằng cái đầu của hắn có cỡ bằng cái đỉnh núi, đủ lớn để sáu chục ngàn cái búa giáng xuống. Những cái búa đang giáng xuống ấy làm bể cái đầu của hắn đến mức độ mà ngay cả một chỗ để đầu của cọng tóc có thể xuyên qua cũng không có. Vì lý do này hắn tạo ra tiếng kêu đau đớn; vì lý do này khiến hắn nói rằng, "Cả thảy đủ sáu chục ngàn cái búa, rơi xuống trên đầu của con và những cái búa này đập bể cái đầu của con".

Rồi Trưởng lão dò hỏi về nghiệp mà hắn đã làm bằng hai câu kệ:

4. Bây giờ ác nghiệp nào được làm bởi ngươi do thân, khẩu hoặc ý? do kết quả của nghiệp nào khiến ngươi đã đi từ đây đến thế giới của những Ngạ quỉ?

5. Tại sao đủ cả thảy sáu chục ngàn cái búa rơi xuống trên đầu của ngươi, và tại sao những cái búa này đập bể cái đầu của ngươi?

Ngạ quỉ ấy nói lên ba câu kệ để giải thích nghiệp mà hắn đã làm:

6. Con đã trông thấy Ðức Phật Sunetta, là người mà trong đó các căn đã được tu tập, đang ngồi dưới một cội cây, đang thiền quán và không sợ gì từ bất cứ hướng nào.

7. Do một cú búng những viên sỏi của con, con đã làm bể cái đầu của Ngài - chính do kết quả của nghiệp ấy khiến con phải chịu đau khổ.

8. Ðủ cả thảy sáu chục ngàn cái búa rơi xuống trên đầu của con và những cái búa này đập bể cái đầu của con.

Chú giải:

6. Ở đấy ÐỨC PHẬT (Sambuddha.m): đức Phật Ðộc Giác. SUNETTA (sunetta.m): người có tên ấy. NGƯỜI MÀ TRONG ÐÓ CÁC CĂN ÐÃ ÐƯỢC TU TẬP (bhaaviti~ndriya.m): Người mà trong đó các căn như tín căn v.v.. đã được tu tập bằng sự tu tiến của thánh Ðạo.

7. Do một cú búng những viên sỏi (saalittakappahaarena): Do sự đánh bằng cách búng đi những viên sỏi theo cách như sau: Sự thực hành về việc búng sỏi bằng những ngón tay hay một cái ná nhỏ. Một cách đọc khác là, Bằng sự đánh qua việc búng đi những viên sỏi (Saalittakappahaga.nena): CON LÀM VỠ: Bhindissa.m = bhindi.m (thể văn phạm hoán chuyển).

Khi nghe qua điều này Trưởng lão bèn nói lên câu kệ kết thúc, để cho thấy rằng quả của nghiệp trước mà bây giờ hắn đang nhận lãnh thật hoàn toàn đúng với việc mà hắn đã làm:

9. Thật đáng đời cho ngươi, một kẻ hèn hạ như ngươi, rằng cả thảy đủ sáu chục ngàn cái búa giáng xuống trên đầu của ngươi và những cái búa này đập bể cái đầu của ngươi.

Chú giải:

9. Ở đây ÐÁNG ÐỜI CHO NGƯƠI (dhammena): Nó đúng với nhân của nó (Ngươi, te = tava; thể văn phạm hoán chuyển). Quả này mà đến với ngươi thật hoàn toàn thích hợp với ác nghiệp mà ngươi đã làm trong việc xúc phạm vị Phật Ðộc Giác ấy. Do đó Trưởng lão chỉ cho thấy rằng điều này không thể được tránh né bởi bất cứ ai, dầu là Chư thiên hay ma vương hay Phạm thiên, hơn nữa ngay cả Ðức Phật Toàn giác.

Bấy giờ, khi Trưởng lão đã nói như vậy, ngài bèn đi từ đó đến thành phố để khất thực và khi ngài đã thọ thực xong, Ngài đi đến Bậc Ðạo sư vào buổi chiều và nêu lên vấn đề ấy với Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn lấy vấn đề ấy làm nguyên nhân cần thiết đã sanh lên và, trong khi thuyết giảng Pháp đến tứ chúng, cho biết những đức tánh kỳ diệu của Chư Phật Ðộc Giác và tánh cách mà các nghiệp không bị vô hiệu. Mọi người đầy xúc động, đầy niềm tin; Họ từ bỏ những ác nghiệp và thiên về những việc phước như bố thí v.v...

Phần trình bày quỉ sự về sáu chục ngàn cái búa đã kết thúc- Như vậy phần trình bày về ý nghĩa của phẩm thứ tư, Ðại phẩm, mà được tôi điểm bởi mười sáu câu chuyện trong những câu chuyện Ngạ quỉ này của bộ Khuddaka Nikaaya đã kết thúc.

- * * * -

NHỮNG LỜI NHẬN XÉT ÐỂ KẾT LUẬN

Như vậy:

1. Những kẻ mà đã sanh trong cõi Ngạ quỉ tất cả đều là những người đã làm ác nghiệp; Do bởi những ác nghiệp ấy, quả dành cho chúng là xấu và khốc liệt.

2. Sự chứng minh và giải thích điều này bằng lối vấn đáp là giáo lý cần thiết, khiến cho chúng sanh phải kinh cảm.

3. Bộ Ngạ quỉ ấy hình thành một thiện luận sự và được khéo thành lập trên một sự hiểu biết toàn diện về đề tài, nghĩa là, những quỉ sự mà đã được kiết tập bởi những bậc thầy vĩ đại.

4. Khi dựa vào trên đó, theo cách của bộ chú giải cổ xưa của chúng, để làm trong sáng ý nghĩa của chúng, tôi đã thực hiện phần trình bày này về ý nghĩa của chúng.

5. Nghĩa là, phần giải thích về ý nghĩa bên trong, làm sáng tỏ một cách đúng đắn những ý nghĩa bên trong ở nhiều chỗ trong đó.

6. Sự phân tích có thứ lớp này về những ý nghĩa vi tế mà bao gồm đến mười lăm phần tụng đọc về kinh bây giờ đã đến chỗ kết thúc rồi.

7-8. Do nhờ oai lực của bất cứ phước báu nào mà tôi đã làm được qua sự biên soạn bộ chú giải bằng cách này, cầu mong tất cả chúng sanh đều được thấm nhuần giáo pháp của đấng cứu rỗi thế gian và cầu mong tất cả chúng sanh được nếm hương vị giải thoát qua hạnh kiểm thanh tịnh và giới đức đầy đủ v.v...

9. Cầu mong cho giáo pháp của Ðức Phật toàn giác được trường tồn trong thế gian và cầu mong cho tất cả chúng sanh luôn luôn có lòng kính mộ giáo pháp ấy.

10. Cầu mong thần mưa cũng rơi xuống thích hợp và đúng lúc, và cầu mong chúa của quả đất sùng mộ giáo pháp chân chánh và trị vì thế gian theo đúng với chánh pháp.

Như vậy phần trình bày về ý nghĩa của những quỉ sự được thực hiện bởi Ðại Ðức Aacariya Dhammapaala, là vị Tỳ kheo và là bậc hiền trí cao quí và cũng là vị Sa môn trú ngụ trong tịnh xá Badaratittha, đã kết thúc.

- Kết thúc bộ Chú giải Ngạ quỉ sự -

-ooOoo-

Ðầu trang | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 1.4 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 4.1| 4.2 | 4.3 | 4.4 | Mục lục

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính
(Bình Anson, tháng 08-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 17-08-2001