[03]
CHƯƠNG
PHÁP BA CHI
-ooOoo-
[68] Ba bất thiện căn (akusalamūla),
cội rễ của điều ác xấu:
1. Tham (lobha), sự ham muốn, ưa thích.
2. Sân (dosa), sự phẫn nộ bất bình.
3. Si (moha), sự mê lầm ngu dốt.
D. III.275; It. 45.
[69] Ba bất thiện tầm (akusalavitakka), sự suy
nghĩ không tốt, suy nghĩ quấy:
1. Dục tầm (kāmavitakka), sự suy nghĩ ham muốn
hưởng dục lạc, khởi sanh phiền não dục.
2. Sân tầm (byāpādavitakka), sự suy nghĩ bực bội bất mãn,
hướng tâm đến phẫn nộ.
3. Hại tầm (vihiṃsāvitakka), sự suy nghĩ ác độc, mưu hại
chúng sanh.
A. III.446.
[70] Ba thứ lửa (aggi), lửa phiền não, lửa đốt
nóng nội tâm; lửa phải dập tắt:
1. Lửa tham (rāgaggi), sự ái luyến cảnh trần,
sự đắm nhiễm vật khả ái làm tâm nóng nảy.
2. Lửa sân (dosaggi), sự phẫn nộ, thù hận làm nóng nảy
nội tâm.
3. Lửa si (mohaggi), sự ngu muội, không thông hiểu pháp cần
hiểu, không thấu triệt bốn chân lý, không thấu triệt
nhân quả, sự si mê ấy khiến sanh phiền não đốt nóng.
Ðây là 3 thứ lửa mà Ðức Phật dạy phải
trừ khử.
D. III.21; It. 92.
[71] Ba thứ lửa (aggi), thứ lửa phải phụng sự
(aggipāricariyā):
1. Lửa đáng cúng dường (āhuneyyaggi), tức là
ám chỉ cha mẹ; cha mẹ là người đáng được con cái
cung phụng nuôi dưỡng.
2. Lửa gia đình (gahapataggi), là ám chỉ người
trong gia đình như vợ con, nhân công... là những người cần
được đối đãi tử tế, chu cấp nuôi nấng.
3. Lửa đáng cúng dường (dakkhiṇeyyaggi) tức
là ám chỉ các hạng Sa Môn, Bà La Môn, bậc giới hạnh xuất
gia, đáng cho người tín ngưỡng cúng dư?ng.
D. III.217; A. IV.44.
[72] Ba sự lợi ích (attha), mục đích mong cầu:
1. Sự lợi ích hiện tại, lợi ích ngay trong
đời này (diṭṭhadhammikattha).
2. Sự lợi ích tương lai, lợi ích đời sau
(sampa-rāyikattha).
3. Sự lợi ích tối cao, lợi ích cứu cánh (para-mattha), tức
Níp-bàn.
Nd2 26.
[73] Ba sự lợi ích (attha):
1. Lợi ích cho mình, tự lợi (attattha).
2. Lợi ích cho người khác, lợi tha (parattha).
3. Lợi ích cho cả hai, lưỡng lợi (ubhayattha).
Nd2 26.
[74] Ba trọng tâm (adhipateyya), ba điểm lấy làm
trọng yếu, ba khía cạnh xem trọng:
1. Lấy mình làm trọng (attādhipateyya). Tức là
làm việc gì cũng quyết định theo ý kiến riêng, lấy
mình làm chuẩn cứ.
2. Lấy đời làm trọng (lokādhipateyya). Tức
là làm việc gì cũng lấy biểu quyết chung, dựa vào ý kiến
tập thể hay dựa vào dư luận công chúng mà làm, lấy ý
kiến mọi người làm chuẩn cứ.
3. Lấy pháp làm trọng (dhammādhipateyya),
nghĩa là làm việc gì cũng y cứ đúng pháp luật, lẽ phải
mà làm; làm việc lấy sự nguyên tắc khuôn phép làm chuẩn.
Ðối với người thường lấy mình làm trọng
thì nên có chánh niệm tự kiểm để hành động không sai lạc;
với người thường lấy đời làm trọng thì nên biết cân
nhắc, có trí tuệ phán đoán để không sai lạc; với người
thường lấy pháp làm trọng thì nên am tường và biết áp
dụng luật pháp đúng mức.
Ðối với vị lãnh đạo, người cai quản thì
nên lấy pháp làm trọng (dhammādhipateyya).
D. III.220; A. I.147.
[75] Ba pháp vô thượng (anuttariya):
1. Sự thấy vô thượng (dassanānuttariya), tức
là thấy bằng trí tuệ, chứng ngộ chân lý, chứng ngộ
Níp-bàn.
2, Sự hành vô thượng, (paṭipadānuttariya), tức
là thực hành pháp chân chánh, thực hành bát chánh đạo.
3. Sự giải thoát vô thượng
(vimuttānuttariya); tức là sự giải thoát khỏi phiền não,
thoát khỏi luân hồi sanh tử.
D. III.219; M. I.235
[76] Ba pháp hành bất vạy (apaṇṇakapaṭi-padā);
sự thực hành thẳng tiến, không cong quẹo; sự thực hành
căn bản để tiến đạt sự giải thoát.
1. Thu thúc lục căn (indriyasaṃvara) tức là sự
phòng hộ sáu nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) ngăn
ngừa không để tham ưu ác bất thiện pháp sanh khởi do
duyên thấy, nghe...
2. Tiết độ ẩm thực (bhojane mattaññutā), tức
là sự thọ dụng vật thực biết cách tiết chế, không
tham đắm thức ăn... khi ăn biết tri túc và quán tưởng.
3. Luôn khi tỉnh thức (jāgariyānuyoga), tức là
mọi lúc mọi nơi đều có sự nỗ lực tự kiểm soát, gội
rửa tâm không để ngũ triền cái chi phối, ngày đêm cố
gắng tu tập trong thiện pháp.
A. I.113.
[77] Ba pháp cần thắng tri (abhiññeyya-dhamma),
pháp cần thông đạt, cần thấu rõ:
Tức là ba tính chất hay giới (dhātu):
1. Dục giới (kāmadhātu) là sắc pháp, tâm dục
giới và sở hữu tâm tương ưng.
2. Sắc giới (rūpadhātu) là tâm thiền sắc giới và sở hữu
tâm tương ưng.
3. Vô sắc giới (arūpadhātu) là tâm thiền vô sắc giới
và sở hữu tâm tương ưng.
D. III.275
[78] Ba thắng hành (abhisaṅkhāra), pháp hành có
Tư - cetanā - làm trưởng, Tư tạo ra quả dị thục:
1. Phúc hành (puññābhisaṅkhāra), tức là Tư
thiện dục giới và sắc giới, thành thiện nghiệp tạo
quả vui cõi hữu sắc.
2. Phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāra), tức là
tư bất thiện thành bất thiện nghiệp tạo ra quả khổ.
3. Bất động hành (āneñjābhisaṅkhāra), tức
là tư thiện vô sắc giới, tâm thiền vô cùng tinh tế,
thành thiện nghiệp tạo quả sanh vào cõi vô sắc.
Ba loại hành này thuộc về qui luật y tương
sinh (paṭiccasamuppāda).
Ps. III.206; Vbh. 135.
[79] Ba vô vi tướng (asaṅkhatalakkhaṇa), hay trạng
thái của Níp-bàn:
1. Không sanh (na uppādo paññāyati)
2. Không diệt (na vayo paññāyati)
3. Không đổi khác (na ṭhitassa aññathattaṃ paññāyati).
A. I.152.
[80] Ba lậu hoặc (āsava); phiền não ngâm tẩm
chúng sanh, làm cho chúng sanh ẩm đọng cấu uế
1. Dục lậu (kāmāsava): tính ái tham cảnh dục.
2. Hữu lậu (bhāvāsava): tính ái tham thiền lạc và mong mỏi
sự tái sanh trong tam giới.
3. Vô minh lậu (avijjāsava): tính si mê, lầm lạc, không hiểu
biết chân lý.
D. II.81; S. IV.256
[81] Ba pháp cần sanh khởi (uppādetabba-dhamma):
Tức là 3 loại Trí (ñāṇa).
1. Trí tri quá khứ (atītaṃsañāṇa): trí thẩm
xét về quá khứ, biết rõ nhân duyên liên quan quá khứ.
2. Trí tri vị lai (anāgataṃsañāna): trí thẩm
xét về tương lai, biết rõ hậu quả sẽ phát sanh sau
này.
3. Trí tri hiện tại (paccuppannaṃsañāṇa):
trí thẩm xét hiện tại, xác định được thành phần
nhân quả của pháp đang diễn ra.
D. III. 275
[82] Ba nghiệp (kamma), hành động gây quả:
1. Thân nghiệp (kāyakamma), nghiệp do thân tạo
ra, hành động bằng thân có tốt có xấu.
2. Khẩu nghiệp (vacīkamma), nghiệp do khẩu tạo ra, hành động
tốt xấu bằng lời nói.
3. Ý nghiệp (manokamma), nghiệp do ý tạo ra, tư duy tốt hoặc
xấu.
M. I.373.
[83] Ba thiện căn (kusalamūla), nguồn cội của
pháp tốt, cội rễ của đức lành:
1. Vô tham (alobha) tính không dính mắc, không
ái cảnh, đồng nghĩa ly dục, trái nghĩa tham.
2. Vô sân (adosa), tính không nóng bực, không
bất bình đối với cảnh, đồng nghĩa từ tâm, trái nghĩa
sân hận.
3. Vô si (amoha), tính không mê muội, không mù
mờ đối với cảnh, đồng nghĩa trí tuệ, trái nghĩa si mê
hay vô minh.
D. III.275.
[84] Ba thiện tầm (kusalavitakka), sự suy nghĩ tốt,
tư duy thiện:
1. Xuất ly tầm (nekkhammavitakka) sự suy nghĩ bỏ
ái tham, suy nghĩ ly dục.
2. Vô sân tầm (abyāpādavitakka) sự suy nghĩ liên hệ lòng
từ, mát mẻ, không sân hận.
3. Bất hại tầm (avihiṃsāvitakka) sự suy nghĩ liên hệ
tâm bi, xót thương chúng sanh đau khổ, không có lòng mưu hại.
A. III.446.
[85] Ba thiện xảo (kosalla) , sự khéo léo, sự
điêu luyện.
1. Thiện xảo sự tiến hóa (āyakosalla), biết
rành rẽ đường hướng tiến hóa và nhân sanh tiến hóa.
2. Thiện xảo sự thối hóa (āpāyakosalla), biết
rành rẽ đường hướng thối hóa và nhân sanh thối hóa.
3. Thiện xảo phương tiện (upāyakosalla), biết
rành rẽ phương pháp hay cách thức để thành đạt.
D. III.220; Vbh. 325
[86] Ba loại trí (ñāṇa) trong tứ đế:
1. Sự thật trí (saccañāṇa), trí nhận hiểu
bốn sự thật, như là biết: "Ðây là Khổ"; biết:
" đây là Khổ tập"; biết: "Ðây là Khổ diệt";
biết "Ðây là Khổ diệt hành lộ".
2. Sở dụng trí (kiccañāṇa) , trí nhận hiểu
tính ứng dụng trong bốn đế, như là biết "Khổ cần
biến tri"; biết "Khổ tập cần đoạn trừ";
biết "Khổ diệt cần tác chứng"; biết "Khổ
diệt hành lộ cần tu tập".
3. Sở tác trí (katañāṇa), trí rõ biết điều
đã làm đối với tứ đế, như là biết rõ "Khổ cần
biết đã biết", "Tập cần trừ đã trừ",
"Diệt cần chứng đã chứng", "Ðạo cần tu tập
đã tu tập".
Ba trí này liên quan trong bốn thánh đế. Tứ
đế được Ðức Thế Tôn giác ngộ theo ba luân (parivaṭṭa)
mười hai thể (ākāra), tức là ba trí này xoay vòng theo bốn
đế thành ra mười hai. Sự giác ngộ ấy gọi là tri kiến
như thật (yathābhūtaṃ ñāṇadassanaṃ). Ðức Thế Tôn đã
giác ngộ tứ đế với tri kiến như vậy nên Ngài được
danh xưng là bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác (sammāsambuddho).
[*] Ba loại trí [ñāṇa] . xem [81].
[87] Ba loại ái (taṇhā):
1. Dục ái (kāmataṇhā), sự khát vọng, sự
mong muốn hưởng ngũ dục lạc, sự tham ái duyên theo mắt,
tai, mũi, lưỡi và thân.
2. Hữu ái (bhavataṇhā), sự khát vọng mong mỏi
sự tái sanh cõi sống mới, sự ái luyến thiền lạc, và
sự ước muốn liên hệ với hữu kiến hoặc thường kiến
(sassatadiṭṭhi).
3. Phi hữu ái (vibhavataṇhā), sự khát vọng
mong muốn bản thân hủy diệt, mong mỏi cho tiêu hoại, sự
ước muốn liên hệ với phi hữu kiến hoặc đoạn kiến
(ucchedadiṭṭhi).
A. III.445; Vbh. 365
[88] Ba triết thuyết ngoại giáo (titthāyatana):
1Ṭhuyết tiền định (pubbekatahetuvāda hay
pubbekatavāda). Một số người chấp rằng "tất cả cảm
thọ mà chúng sanh lãnh lấy, vui hay khổ, đều do có sẵn
vận mệnh đã an bày,"
2. Thuyết tạo hóa (issarakaraṇavāda), cung gọi
là thuyết sáng tạo chủ. Một số người cho rằng: Ṁọi
cảm thọ mà chúng sanh nhận lãnh, vui hay khổ đều là do
một vị trời tối cao, thượng đế, tạo ra."
3. Thuyết vô nhân (ahetuvāda). Tức là có thuyết
cho rằng: Ṁọi cảm thọ vui khổ phát sanh không do nhân
duyên gì cả, tự sanh rồi tự diệt."
Cả ba triết thuyết này đều không đúng, Ðức
Phật phủ nhận cả. Ðó là triết lý ngoại giáo sai lệch
nhân quả.
A. I.173; Vbh. 367.
[89] Ba tạng kinh điển Phật giáo, Tam tạng
(tipiṭaka):
1. Tạng Luật (vinayapiṭaka) gồm 21.000 pháp
môn, phân thành 5 bộ, có 8 quyển.
2. Tạng Kinh (suttantapiṭaka) gồm 21.000 pháp
môn, phân thành 5 bộ, có 25 quyển.
3. Tạng Vi diệu pháp (abhidhammapiṭaka) gồm
42.000 pháp môn, phân thành 7 bộ, có 12 quyển.
Tam tạng giáo lý bằng tiếng Pāli cả thảy 45
quyển, gồm có 84.000 pháp môn.
Tạng Luật 5 bộ, 8 quyển là:
1. Bộ Ðại phân tích (mahāvibhaṅga) còn gọi
Tỳ-khưu phân tích luật (bhikkhuvibhaṅga). Bộ luật này giải
rộng 227 giới tỳ-khưu, tức là các sik-khāpada trong pāṭimokkha
của tỳ khưu tăng. Ðược 2 quyển.
2. Bộ Tỳ-khưu ni phân tích (bhikkhunīvi-bhaṅga).
Bộ luật này giải rộng 311 giới của tỳ-khưu ni. Ðược
1 quyển.
3. Bộ Ðại phẩm (mahāvagga) . Bộ luật gồm
mười chương -- khandhaka, nói đến các sự kiện tăng sự
thông thường như lễ uposatha (phát lồ) pavāraṇā, (tự tứ)
v.v... Ðược 2 quyển.
4. Bộ Tiểu phẩm (cūlavagga). Bộ luật gồm
12 chương, nói đến những nghi thức tăng sự đặc biệt
như phạt cấm phòng tăng tàng (saṅghadisesa) v.v... Ðược
2 quyển.
5. Bộ Tạp sự (parivāra). Bộ luật hệ thống
nội dung luật giới bổn và luật Tăng sự. Ðược 1 quyển.
Tạng kinh 5 bộ, 25 quyển là:
1. Trường bộ kinh (dīghanikāya), tập hợp những
bài kinh dài; cả thảy 34 bài kinh; được 3 quyển.
2. Trung bộ kinh (majjhimānikāya), tập hợp những
bài kinh lượng pháp trung bình; có cả thảy 152 bài kinh;
được 3 quyển.
3. Tương ưng bộ kinh (saṃyuttanikāya), tập hợp
những đoạn kinh có liên quan sự kiện với nhau; gồm 5 phẩm,
có 56 phần tương ưng, cả thảy 7.762 bài kinh; được 5
quyển.
4. Tăng chi bộ kinh (aṅguttaranikāya), gồm những
kinh được xếp theo nhóm pháp số, pháp có chi phần từ một
đến nhiều chi (aṅga) , gồm có 11 phần, cả thảy 9557
bài kinh, phân ra được 5 quyển.
5. Tiểu bộ kinh (khuddakanikāya), tổng hợp những
đoạn kinh, những lời dạy rời rạc, đúc kết thể loại
từ các kinh điển trong bốn bộ trước. Tiểu bộ kinh
Pāli có 9 quyển, gồm 15 tiểu tập: Tiểu tụng (khud-dakapāṭha)
1 quyển, Pháp cú (dhammapada), Cảm thán (udāna), Như thị
thuyết (itivuttaka), Kinh tập (suttanipāta) 4 tiểu tập này
gom lại 1 quyển, Thiên cung sự (vimānavatthu), ngạ quỉ sự
(petavatthu), Trưởng lão tăng kệ (theragāthā), Trưởng lão
ni kệ (therīgāthā) 4 tiểu tập này gom lại 1 quyển, Bổn
sanh (jāṭaka) 2 quyển, lịch sử (niddesa), 2 quyển, Ðạt
thông (paṭisambhidā) 1 quyển, Thinh văn sử (apa-dāna), Phật
tông (buddhavaṃsa), Hạnh tạng (cariyā-piṭaka) 3 tiểu tập
này gom thành 1 quyển.
Tạng vi diệu pháp gồm 7 bộ, 12 quyển là:
1. Pháp tụ luận (dhammasaṅginī), gom những
pháp đề thành từng nhóm, định nghĩa từng loại. Có 1
quyển.
2. Phân tích luận (vibhaṅga), phân tích các
đề tài trọng yếu và giải thích theo hai hệ khế kinh
và Diệu pháp. Có 1 quyển.
3. Chất ngữ luận (dhātukathā), đúc kết chư
pháp đối chiếu theo uẩn, xứ, giới, đế. Ðược ½ quyển.
4. Nhơn chế luận (puggalapaññatti) chủ yếu
trình bày các pháp được chế định, nhất là giải
thích các loại người. Ðược ½ quyển.
5. Ngữ tông luận (kathāvatthu) trình bày và
nhận xét các quan điểm tranh luận giữa các bộ phái
trong thời kỳ kết tập lần thứ ba. Ðược 1 quyển.
6. Song đối luận (yamaka) lập luận các vấn
đề người cõi bằng hình thức vấn đáp, lý luận ngược
xuôi. Ðược 2 quyển.
7. Vị trí luận (paṭṭhāna, cũng gọi
mahākaraṇa) giải rộng hai mươi bốn duyên hệ, định lý
nhân quả. Gồm 6 quyển.
Tam tạng giáo lý này chung quy chia ra hai hệ
Pháp (dhamma) và Luật (vinaya) . Xem [43].
[90] Ba tướng, tam tướng (tilakkhaṇa), tướng
trạng của pháp hữu vi:
1. Tướng vô thường (aniccatā)
2. Tướng khổ não (dukkhatā)
3. Tướng vô ngã (anattatā)
Tam tướng pháp hữu vi còn một tên gọi khác
là "phổ thông tướng" -- sāmaññalakkhaṇa.
S. V.1; Dhp. 277-9.
[91] Ba y chỉ (Tisaraṇa), chỗ nương tựa, chỗ
tưởng nhớ, đối tượng để chúng sanh qui y:
1. Ðức Phật (Buddha), vị Ðạo Sư đã tự
giác ngộ, còn gọi là Phật Bảo.
2. Giáo Pháp (Dhamma), lời dạy của bậc Ðạo Sư hay Ðức
Phật, còn gọi là Pháp Bảo.
3. Tăng chúng (Saṅgha), hàng đệ tử xuất gia của Ðức
Phật, còn gọi là Tăng Bảo.
Chúng sanh nào hướng tâm niệm tưởng ân đức
tam bảo, hiểu biết tam bảo đúng đắn, lấy đối tượng
tam bảo làm hướng đạo, như thế gọi là qui y tam bảo.
Xem [121]: Ratanattaya - Tam bảo.
Kh. 1.
[92] Ba kiến thức (diṭṭhi) thuộc tà kiến, sự
quan niệm sai lệch:
1. Vô hành kiến (akiriyadiṭṭhi), sự thấy rằng
không có hành động, không có quả báo của hành động.
2. Vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi) sự thấy rằng
không có nhân của quả, hay cho rằng mọi sự kiện xảy
ra chẳng phải do nghiệp.
3. Vô hữu kiến (natthikadiṭṭhi) sự thấy rằng
mọi sự kiện đều không có: không có ân đức cha mẹ,
không có thiện ác quả báo, không có tái sinh luân hồi
v.v...
M. I.404.
[93] Ba trạng thái khổ (dukkhatā), khổ thực tính,
tình trạng bất ổn của pháp hữu vi:
1. Khổ khổ (dukkhadukkhatā), trạng thái khổ
do khổ thọ của thân và tâm, như là thân đau đớn, tâm
buồn bực... sự khổ mà thông thường chúng sanh đều nhận
biết.
2. Biến hoại khổ (vipariṇāmadukkhatā), sự
bất ổn do biến diệt thay đổi, như là sự an lạc đang
có bổng diệt mất.
3. Hành khổ (saṅkhāradukkhatā) sự bất ổn
do tình trạng vận hành sanh diệt của pháp hữu vi khiến
cho thân tâm luôn xáo trộn bất an.
D. III.216; S. IV.259, V.56.
[94] Ba ác hạnh, sở hành xấu (duccarita):
1. Thân ác hạnh (kāyaduccarita) , thân hành ác
như sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
2. Khẩu ác hạnh (vacīduccarita), miệng nói
không tốt như nói dối, nói chia rẽ, nói độc ác, nói
vô ích.
3. Ý ác hạnh (manoduccarita), ý suy nghĩ quấy
như tham lam, sân hận, tà kiến.
D. III.214; Dhs. 1305.
[95] Ba pháp khó thể nhập (duppaṭivijjha-dhamma),
pháp khó thông đạt:
1. Sự xuất ly các dục (kāmānaṃ nissaraṇaṃ)
ám chỉ "thiền sắc giới", vì thiền sắc giới
là trạng thái tâm định do ly dục ly các bất thiện pháp
ngăn trừ 5 triền cái. Nên gọi thiền sắc giới là sự
xuất ly các dục.
2. Sự xuất ly các sắc (rūpānaṃ nissaraṇaṃ),
ám chỉ "thiền vô sắc" vì thiền vô sắc là trạng
thái tâm định do vượt khỏi các sắc tưởng, chú tâm
trên đề mục vô sắc, nên gọi thiền vô sắc là sự xuất
ly các sắc.
3. Sự xuất ly hành (saṅkhatassa nissaraṇaṃ),
ám chỉ "Níp-bàn", vì Níp-bàn là trạng thái tịch
tịnh các hành, vắng lặng pháp hữu vi. Nên gọi Níp-bàn
là sự xuất ly Hành.
Ba pháp này được gọi là xuất ly giới (nissāra-ṇīyadhātu).
D.III.257: Dasuttara sutta.
[96] Ba hạng chư thiên (deva):
1. Ðịnh danh thiên (samatideva), tức là chư
thiên do định đặt danh gọi, như gọi Ðức vua, hoàng hậu
và Thái tử là "bậc thiên tử" v.v...
2. Hóa sanh thiên (upapattideva), tức là chư thiên
hóa sanh ở các cõi trời, đây là chúng sanh hữu phước
hơn nhân loại.
3. Thanh tịnh thiên (visuddhideva), tức là các
bậc thanh tịnh đại phước, như Ðức Phật Toàn giác, Ðộc
giác và chư Thinh Văn giác.
Nd2 307; Kh. A. 123.
[97] Ba Thiên sứ, sứ giả cõi trời, hiện tượng
báo tin (devadūta):
1. Sự già (jiṇṇa)
2. Sự bệnh (byādhita)
3. Sự chết (mata)
Các thiên sứ này báo tin cuộc sống, khiến
cho bậc trí tuệ giác tỉnh tu hành. Có chỗ giải 4 hạng
thiên sứ, và 5 hạng thiên sứ (xem chương 4 và 5 chi).
A I.138.
[98] Ba môn, ba cửa tạo nghiệp (dvāra)
1. Thân môn (kāyadvāra), cửa tạo nghiệp do
thân hành động.
2. Khẩu môn (vacīdvāra), cửa tạo nghiệp do khẩu hành động.
3. Ý môn (manodvāra), cửa tạo nghiệp do ý hành động.
Dhp. 234
[99] Ba loại pháp thực tính (dhamma):
1. Pháp thiện (kusaladhamma), pháp có tính chất
tốt, khéo, thành nhân cho quả vui, có căn thiện phối hợp.
Pháp thiện gồm 37 tâm thiện và 38 sở hữu hợp tâm thiện.
2. Pháp bất thiện (akusaladhamma), pháp có
tính chất xấu, cấu uế, là nhân cho quả khổ, có căn bất
thiện phối hợp. Pháp bất thiện gồm 12 tâm bất thiện
và 27 sở hữu hợp tâm bất thiện.
3. Pháp vô ký (abyākatadhamma), pháp có tính chất
phi thiện phi bất thiện, không thành nhân tạo quả dị thục.
Gồm có 52 tâm quả, 20 tâm tố, cùng 38 sở hữu hợp tâm
vô ký, kể cả 28 sắc pháp và Níp-bàn.
Các pháp thuộc Tâm, xem [439]; pháp thuộc sở hữu
tâm, xem [438]; pháp thuộc sắc pháp, xem [49], [208] và [433].
Dhs. 91, 180, 234.
[100] Ba pháp cố định, định luật
(dhamma-niyāma):
1. Chư hành vô thường (sabbe saṅkhārā
anic-cā), tức là mọi pháp hữu vi đều có biến đổi.
2. Chư hành khổ não (sabbe saṅkhārā
duk-khā), tức là mọi pháp hữu vi đều có tính bất ổn.
3. Chư pháp vô ngã (sabbe dhammā anattā), tức
là các pháp thực tính hữu vi và vô vi đều không có quyền
kiểm soát điều khiển bởi linh hồn tự ngã.
Ba pháp này còn gọi là tam tướng phổ thông
(sāmaññalakkhana) . Ðược gọi là định luật, nghĩa là cố
nhiên có mặt, chắc chắn chi phối pháp thực tính dù Ðức
Phật xuất hiện hay không cũng thế; Ðức Phật chỉ giác
ngộ và tuyên thuyết các định luật ấy.
A. I.285.
[101] Ba ấn chứng, hiện tượng (nimitta), dấu
hiệu để xác định trong việc tu tiến nghiệp xứ:
1. Biến tác tướng (parikammanimitta) hay cũng gọi
là chuẩn bị tướng, tức là dấu hiệu sơ khởi; nghĩa là
sau khi ấn định một thứ đề mục nghiệp xứ để tu tập
như là hình dạng kasiṇa v.v... thì vị ấy chú tâm và cảm
nhận được đề mục. Ðó gọi là Biến tác tướng.
2. Thủ trì tướng (uggahanimita) hay sơ tướng,
tức là tướng phát sanh do nhập tâm vào đề mục, thậm
chí nhắm mắt lại vẫn cảm nhận hình dáng của đề mục.
Thủ trì tướng sanh khởi cho cả 40 đề mục-kammaṭṭhāna.
3. Tương tợ tướng (paṭibhāganimitta), tướng
này tương tợ như uggahanimitta, nhưng phát sanh từ tưởng
mạnh, có sự thanh khiết không cấu nhiễm đề mục, chỉ
sanh khởi khi đến trạng thái cận định, và có thể tưởng
rộng ra hoặc thu hẹp kích cỡ đề mục theo như ý. Tương
tợ tướng này phát sanh đối với 22 đề mục là 10 kasiṇa,
10 asubha, 1 thân hành niệm, 1 niệm số tức quan. Khi paṭibhāganimitta
phát sanh, tâm trú trong cận định, tương đồng sanh với
cận định, và sau đó hành giả sẽ chứng đạt kiên cố
định appanāsamādhi. Bởi thế, paṭibhāganimitta còn được
gọi là upacārabhāvanā (cận hành tu tiến), hay appa-nābhāvanā
(an chỉ tu tiến).
Comp. 203; Vism. 125.
[102] Ba loại tuệ (paññā):
1. Tuệ tư (cintāmayapaññā), tuệ phát sanh do
suy nghĩ lý lẽ, quán sát nhân quả.
2. Tuệ văn (sutamayapaññā), tuệ phát sanh do
nghe pháp, do đàm luận chánh pháp, học hỏi với người
khác.
3. Tuệ tu (bhāvanāmayapaññā), tuệ phát sanh
do tu tập thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipas-sanā); tức
là tuệ sanh trong tâm thiền hiệp thế và thiền siêu thế.
D. III.219; Vbh. 324.
[103] Ba nghiệt chướng pháp (papañcadham-ma);
pháp chướng ngại, khiến cho không thể nhập chân lý, làm
cho lệch hướng chánh đạo:
1. Ái tham (taṇhā) sự mong muốn cảnh ưa thích,
sự khao khát cảnh vừa lòng.
2. Tà kiến (diṭṭhi), quan niệm sai lầm, cố
chấp tà thuyết; hiểu thấy không đúng chân lý.
3. Ngã mạn (māna), sự kiêu ngạo, tự đắc,
tự cao, hoặc tự ti mặc cảm.
Trong bộ Vibhaṅga, nói đến ba pháp papañca như
sau: dục vọng (chanda), ngã mạn (māna), và tà kiến (micchādiṭṭhi).
Nd1 280; Vbh. 393; Netti 37-38.
[104] Ba sự đạt tri (pariññā), sự biết rõ,
sự hiểu thấu; sự liễu tri các pháp:
1. Trí đạt tri (ñātapariññā) , tức là sự
rõ biết thật tướng riêng biệt của các pháp, như biết
rõ śắc có đặc tính bị bức não, Thọ có đặc tính bị
cảm nhận"..
2. Thẩm đạt tri (tīraṇapariññā), tức là
sự nhận thức rõ tướng phổ thông của các pháp như là
" sắc là vô thường, thọ là vô thường..."
3. Trừ đạt tri (pahānapariññā) tức là sự
liễu tri pháp bằng cách đoạn trừ thường tưởng... do
ý thức sự vô thường... không cho tham dục phát sanh.
Ba sự đạt tri này là trí hiệp thế, có 5 uẩn
làm cảnh, có phận sự là biến tri khổ đế trong tứ thánh
đế. Nếu nói theo pháp hành thì được xếp là kiến tịnh.
Ðoạn nghi tịnh, Ðạo phi đạo tri kiến và Hành lộ tri kiến
tịnh; gồm 13 tuệ minh sát. Trí đạt tri là lãnh vực gồm
Tuệ phân định danh sắc và Tuệ hiểm duyên danh sắc; Thẩm
đạt tri là lãnh vực gồm Tuệ phổ thông tướng và Tiến
thối tuệ; Trừ đạt tri là lãnh vực gồm Diệt một tuệ,
Họa hoạn tuệ, Tội quá tuệ, Phiền yểm tuệ, Dục thoát
tuệ, Quyết ly tuệ, Hành xả tuệ, Thuận lưu tuệ và Chuyển
cấp tuệ.
Xem thêm [157] ariyasaccesu kiccāni, [337] visuddhi,
[378] vipassanāñāṇa.
Nd 53; Vism. 606.
[105] Ba pháp cần biến tri (pariññeyya-dhamma):
Tức là ba loại cảm thọ (vedanā):
1. Thọ lạc (sukhavedanā), sự cảm thọ dễ
chịu của thân và tâm. Tức là thân lạc và tâm hỷ.
2. Thọ khổ (dukkhavedanā), sự cảm thọ khó
chịu của thân và tâm, tức là thân khổ và tâm ưu.
3. Thọ phi khổ phi lạc (adukkhamasukha-vedanā),
sự cảm thọ không khổ không vui, cảm giác bình thường,
tức là thọ xả.
D. III.216, 275; S. IV.331
[106] Ba pháp cần đoạn trừ (pahātabba-dhamma):
Tức là 3 loại Ái (taṇhā). Xem [87].
[107] Ba sự đoạn trừ (pahāna):
1. Trấn phục đoạn trừ (vikkhambhanapa-hāna),
tức là trừ phiền não bằng cách áp chế, đè nén. Trường
hợp này như là hành giả an trú trong thiền, trong suốt thời
gian nhập thiền phiền não được áp chế không sanh khởi.
2. Nhất thời đoạn trừ (tadaṅgapahāna), tức
là trừ phiền não đối lập trong khoảnh khắc. Ví dụ như
ngay khi tuệ sanh phân tích danh sắc thì phiền não thân kiến
được khử trừ lúc ấy.
3. Tuyệt diệt đoạn trừ (samucchedapahāna), tức
là đoạn tuyệt phiền não bằng tâm Ðạo, tuyệt nhiên
không còn phát sanh trong tương lai.
Xem thêm [260] Nirodha.
Vism. 693.
[108] Ba cách thần biến (pāṭihāriya), sự hiển
lộ thần oai, phát huy điều kỳ diệu để nhiếp chúng khiến
họ qui phục:
1. Hóa thông thần biến (iddhipāṭihāriya), tức
là sự hiển lộ uy lực thần thông để nhiếp chúng. Như
Ðức Phật hiện song thông để nhiếp phục ngoại đạo.
2. Ký thuyết thần biến (ādesanāpāṭihāriya),
tức là sự tiên tri những điều sẽ xảy ra, hay là sự
nói ra đúng tư tưởng của người khác; như Ðức Phật
thọ ký cho nhân vật nào đó, hoặc Ngài dùng tha tâm
thông hiểu thấu tư tưởng của người đang tiếp xúc,
khiến họ khởi tịnh tín nơi Ngài...
3. Giáo giới thần biến (anusāsanīpāṭihariya),
tức là chỉ dạy, giáo dục, huấn dụ pháp âm, khiến kẻ
khác thuần phục; như Ðức Phật thuyết pháp hóa độ chúng
sanh.
Trong ba cách thần biến này, Ðức Phật chỉ
trọng tâm và tán thành cách "giáo giới thần biến"
thôi, Ngài cho đó là cách nhiếp phục thù thắng.
D. I.211; A. I.170; Ps. II.227.
[109] Ba pháp chủ thương (pāpaṇikadhamma)
Người chủ buôn bán phải có 3 pháp mới
thành đạt trên thương trường:
1. Có mắt (cakkhumā), nghĩa là có cái nhìn
tinh tế, biết xem hàng hóa tốt xấu, hàng nào tiêu thụ
nhanh chậm trên thị trường.
2. Quán xuyến (vidhūro), nghĩa là biết cách
mua vào bán ra, biết rõ nhu cầu của thị trường, biết rõ
những biến động kinh tế để kịp thời đối phó.
3. Ðược tín nhiệm (nissayasampanno) , nghĩa là
có được sự ủng hộ, tín nhiệm, tin cậy của khách
hàng, nhất là được người thế lực tin cậy.
Ðức Phật ám dụ ba chi phần này trong đời sống
thành đạt của vị tỳ kheo:
a. Tỳ khưu có mắt (cakkhumā) là có tuệ
nhãn thấy rõ tứ thánh đế.
b. Tỳ khưu quán xuyến (vidhūro) là tinh cần
chăm chỉ, không thối thất trong thiện pháp.
c. Tỳ khưu được tín nhiệm (nissayasampanno)
là vị ấy luôn luôn được tăng chúng tín cẩn nương tựa
về tinh thần pháp luật; các bạn đồng phạm hạnh biết
vị ấy đa văn quảng kiến, trì pháp trì luật nên nhờ
giải nghĩa chỉ giáo.
Ðó là yếu tố thành công của vị tỳ khưu.
A. I.116.
[110] Ba phước nghiệp sự, phúc hành tông
(puññakiriyāvatthu), tức là cơ sở tạo phước, điều kiện
làm phước:
1. Bố thí thành (dānamaya) tạo phước bằng
cách bố thí; phước này là phước vật.
2. Trì giới thành (sīlamaya) tạo phước bằng
cách trì giới; phước này là phước đức.
3. Tu tiến thành (bhāvanāmaya) tạo phước bằng
cách tu luyện tâm hay tu thiền; phước này là phước trí.
D. III.218; A. IV.239; It. 51
[111] Ba hạng con (putta):
1. Con hơn cha mẹ (atijātaputta), tức là con giỏi
hơn cha mẹ về tài năng, tốt hơn về đức hạnh.
2. Con bằng cha mẹ (anujātaputta), tức là con
bằng như cha mẹ về tài đức.
3. Con thua cha mẹ (avajātaputta), tức là con dở
hơn kém hơn cha mẹ về tài đức.
Hạng con thứ nhất còn gọi là (abhijātaputta).
It. 62.
[112] Ba pháp đa dụng (bahukāradhamma):
Tức là ba pháp tiến hóa (vuḍḍhi):
1. Thân cận chân nhân (sappurisasaṃseva), là
thường giao thiệp, giao du với bậc hiền tri.
2. Nghe diệu pháp (saddhammassavana), là nghe được
chánh pháp từ các bậc chân nhân.
3. Thực hành tuần tự pháp (dhammānudham-mapaṭipatti),
là hành theo chánh pháp đã được biết, thực hành thứ lớp
từ thấp đến cao.
Ba pháp này, trong kinh Pāli, còn gọi là pháp
làm tăng trưởng trí tuệ (paññāvuḍḍhi).
A. II.245; D. III.275.
[113] Ba huấn từ của chư Phật (Buddha-ovāda):
1- Không làm mọi điều ác sabbapāpassaka-raṇaṃ),
như là không sát sanh v.v...
2- Thực hiện các việc lành (kusalassūpa-sampadā)
, như là bố thí, trì giới v.v...
3-Trau dồi tâm trong sạch (sacittapariyoda-panaṃ),
như là có đức tin, tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác v.v...
Ba điều giáo huấn này được xếp trong bài
kinh ovādapaṭimokkha mà Ðức Phật đã thuyết vào ngày trăng
tròn tháng giêng. (māgha, puṇṇamī).
D. II.49; Dhp. 183
[114] Ba Phật ân (buddhaguṇa):
1. Tuệ đức (paññāguṇa), Ðức Phật có
trí tuệ siêu phàm, vượt hơn chúng sanh trong tam giới.
2. Tịnh đức (visuddhiguṇa), Ðức Thế Tôn
thanh tịnh tam nghiệp tuyệt đối, Ngài không có khuyết
điểm về sở hành.
3. Bi đức (karuṇāguṇa), lòng bi mẫn của
Phật đối với chúng sanh là vô lượng.
Trong ba ân đức này, nói căn bản chỉ có
hai là tuệ đức và bi đức; Trong kinh điển ít khi nói đến
Tịnh đức, vì là đức tính phát xuất từ tuệ giác ngộ,
nên chỉ nói Tuệ đức là bao hàm.
Vism. Tīkā 1/1.
[115] Ba Phật hạnh (buddhacariyā):
1. Hạnh lợi ích cho đời (lokatthacariyā)
2. Hạnh lợi ích cho quyến thuộc (ñātatthacariyā).
3. Hạnh lợi ích giác ngộ (Buddhatthacariyā) .
Ở hạnh thứ ba này cần được hiểu ý nghĩa như sau, nếu
Ngài đã là vị Phật thì hạnh này nghĩa là Ngài hành lợi
ích cho chúng sanh theo Phật sự; nếu nói khi Ngài còn là bồ
tát thì điều này có nghĩa là ngài tạo thiện pháp vì mục
đích giác ngộ cho bản thân.
Trong ba Phật hạnh, hạnh lợi
ích cho đời, có trong Tam tạng. Khu. Cū 30/ 667/ 322; Khu.
Pati. 31/ 449/ 329; 715/ 615.
A.A. I.98; Dh. A. III. 441.
[116] Ba tính pháp thoại của Ðức Phật
(Buddhadhammadesanā):
1. Ngài thuyết pháp bằng sự chứng ngộ,
trình bày giáo pháp đã được thắng tri (abhiññāyadham-madesanā).
2. Ngài thuyết pháp hợp theo nhân duyên (sanidānadhammadesanā),
tức là thuyết pháp có nguyên nhân, có người hữu duyên.
3. Ngài thuyết pháp với sự kỳ diệu nhiệm
mầu, (sappaṭihāriyadhammadesanā), tức là có tính nhiếp phục
cao, thính chúng sẽ bị cuốn hút bởi tính huyền diệu của
thời pháp.
Trong ba đặc tính trên, điều 1 là đặc tính
nhất định trong thời pháp thoại của Ðức Phật.
M. II.9; A. I.276.
[117] Ba Hữu, ba cõi tái sanh (bhava)
1- Dục hữu (kāmabhava), tức là cõi dục,
cõi tái sanh gồm 11 cõi là 4 cõi khổ, cõi nhân loại và 6
cõi chư thiên.
2- Sắc hữu (rūpabhava), tức là cõi sắc giới,
gồm 16 cõi là 3 cõi sơ thiền, 3 cõi nhị thiền, 3 cõi tam
thiền và 7 cõi ngũ thiền.
3- Vô sắc hữu (arūpabhava), gồm 4 cõi, thiền
vô sắc: không vô biên xứ v.v...
D. III. 215; M. I.294.
[118] Ba sự tu tiến (bhāvanā), sự tu tập theo
đề mục thiền hay nghiệp xứ:
1. Tu tiến sơ khởi (parikammabhāvanā), tức là
sự tu tiến bước đầu ghi nhận đề mục như vòng kasiṇa,
hoặc suy niệm về ân đức Phật... Tóm lại là sự xác
định sơ tướng.
2. Tu tiến cận hành (upacārabhāvanā), tức là
tiếp tục tu tập đề mục đó cho đến khi Tợ tướng
sanh khởi; đồng thời năm triền cái cũng lắng xuống. Cấp
tu tiến này thuộc định dục giới, sanh khởi theo được
cả 40 đề mục; cận hành tu tiến này sẽ chấm dứt ở
sát na gotrabhū trong lộ tâm đắc thiền.
3. Tu tiến kiên định (appanābhāvanā), tức là
đạt đến tâm định kiên cố; phát triển tợ tướng cận
định cho đến khi chứng đạt tâm thiền, tức là tâm
sanh tiếp nối gotrabhū . Tầng định này sanh khởi trong 30
đề mục: định sơ thiền sanh khởi bằng 26 đề mục là
10 kasiṇa, 10 đề mục bất mỹ: 4 đề mục vô lượng tâm,
1 đ? mục thân hành niệm, 1 đề mục số tức quan. Ðịnh
nhị thiền sanh khởi bằng 15 đề mục là 10 kasina, 4 vô lượng
tâm, 1 số tức quan. Ðịnh tam thiền và định tứ thiền
cũng vậy. Ðịnh ngũ thiền sanh khởi bằng 12 đề mục là
10 kasina, xả vô lượng tâm, số tức quan. Ðịnh vô sắc
thiền sanh khởi bằng 4 đề mục vô sắc, mỗi thứ một
bậc định.
Comp. 203
[119] Ba pháp cần tu tập (bhāvetabbadham-ma):
Tức là ba loại định (samādhi)
1. Ðịnh hữu tầm hữu tứ (savitakkasavicāro
sa-mādhi) , nghĩa là loại định vừa có tầm vừa có tứ.
Tức Ðịnh trong sơ thiền.
2. Ðịnh vô tầm hữu tứ (avitakkavicāramatto
samādhi) , là loại định không có tầm nhưng còn tứ. Tức
là định trong nhị thiền.
3. Ðịnh vô tầm vô tứ (avitakkāvicāro
samā-dhi), loại định không còn tầm cũng không còn tứ. Tức
là định trong tam thiền trở lên.
D. III.275: Dasuttara sutta
[120] Ba sự phân bố tài sản (bhogavibhāga)
1. Ekena bhoge bhuñjeyya, một phần dùng để nuôi
sống bản thân và gia đình quyến thuộc.
2. Dvīhi kammaṃ payojage, hai phần dùng để đầu
tư công việc nghề nghiệp...
3. Catutthañca nidhāpeyya, một phần tư dùng để
dự phòng hoặc làm phước.
D. III.188.
[121] Ba ngôi báu, tam bảo (ratanattaya):
1. Phật bảo (buddharatana, Ðức Phật như báu
vật của nhân thiên, Ngài đã tự giác ngộ chân lý và dạy
người khác tu tập để giác ngộ như Ngài.
2. Pháp bảo (dhammaratana), Giáo pháp như báu vật
của nhân thiên, giáo pháp của Ðức Phật toàn hảo và hướng
thượng.
3. Tăng bảo (saṅgharatana), Tăng chúng như báu
vật của nhân thiên, Tăng như phước điền, Tăng là đệ
tử xuất gia trong giáo pháp Ðức Phật.
Tam bảo, còn được gọi là tam y chỉ, là chỗ
nương tựa cao quí, đối tượng qui y của chư tín đồ Phật
giáo.
Kh. 1.
[122] Ba thế giới hữu tình (loka):
1. Nhân giới (manussaloka) thế giới loài người.
2. Thiên giới (devaloka) , thế giới các vị trời cõi dục.
3. Phạm thiên giới (brahmaloka), thế giới các vị phạm
thiên cõi sắc và vô sắc.
Ba thế giới hữu tình này chỉ nói đến các
cõi mà có chúng sanh hữu trí nương trú.
D.A. I.173; M.A. I.397
[123] Ba thế giới vũ trụ (loka):
1. Hữu vi thế giới (saṅkhāraloka), tức là
chỉ tất cả pháp thực tính bị tạo tác theo duyên.
2. Chúng sanh thế giới (sattaloka), tức là chỉ
tất cả các loài chúng sanh noãn, thai, thấp, hóa, đa dạng
chúng sanh hữu mạng quyền.
3. Không gian thế giới (okāsaloka), tức là
nói đến phạm vi v?n hành của thái dương hệ, các hành
tinh, địa phận quốc độ v.v...
Vism . 204; D.A. I.173; M.A. I.397.
[124] Ba thế giới không gian (loka):
1. Dục giới (kāmaloka) , gồm 11 cõi dục.
2. Sắc giới (rūpaloka), gồm 16 cõi hữu sắc.
3. Vô sắc giới, (arūpaloka), g?m 4 cõi vô sắc.
Ba thế giới này có sách gọi là hữu
(bhava), nhưng không nhất định. Xem [117] Bhava.
[125] Ba luân của duyên sinh (vaṭṭa):
1. Phiền não luân (kilesavaṭṭa), gồm có
các chi là Vô minh, ái và thủ.
2. Nghiệp luân (kammavaṭṭa), gồm có các chi: Hành và
nghiệp hữu.
3. Quả luân (vipākavaṭṭa) , gồm có các chi là Thức,
danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh và lão tử.
[126] Ba minh (vijjā), sự thông suốt, sự thấu
đạt:
1. Túc mạng minh (pubbenivāsānussatiñāṇa)
trí nhớ biết các đời sống quá khứ của mình.
2. Sanh tử minh (cutūpapātañāṇa) trí biết
rõ sự sanh tử của chúng sanh theo duyên nghiệp. Còn có
một tên gọi khác là thiên nhãn trí -- dibbacakkhu-ñāṇa.
3. Lậu tận minh (āsavakkhayañāṇa) trí thấu
rõ sự đoạn tận lậu hoặc, liễu tri đạo lộ đưa đến
đoạn trừ các lậu hoặc; đây là trí giác ngộ cao tột.
Ba minh này còn gọi là ba trí; xem [356] Tám
Minh -- vijjā.
D. III.220, 275; A. V.211.
[127] Ba giải thoát (vimokkha): sự giải thoát dựa
theo cách tỏ ngộ tam tướng:
1. Không tánh giải thoát (suññatavimokkha), tức
là sự giải thoát do nương đề mục vô ngã tùy quán --
anatta -- mà nhổ lên ngã chấp thủ; nghĩa là tuệ quán thấy
danh sắc rỗng không rồi chứng ngộ Níp-bàn.
2. Vô tướng giải thoát (animittavimokkha), tức
là sự giải thoát do nương đề mục vô thường tùy
quán-anicca- mà nhổ lên đảo nghịch tướng; nghĩa là tuệ
quán thấy danh sắc vô thường rồi chứng ngộ Níp-bàn.
3. Vô nguyện giải thoát (appaṇihitavimokkha) tức
là sự giải thoát do nương đề mục khổ não tùy quán -
dukkha - mà nhổ lên khát vọng ái chấp; nghĩa là tuệ
quán thấy danh sắc là phiền toái rồi chứng ngộ
Níp-bàn.
Xem [140]: Ba định -- samādhi.
Ps. II.35; Vism. 657; Comp. 211.
[128] Ba sự kiêng tránh (virati) , sự kiêng ngăn
ác hạnh, kiêng trừ điều xấu:
1. Kiêng tránh do đối đầu (sampattavirati) tức
là do hoàn cảnh hiện tại không thể làm điều xấu; hoặc
khi gặp cảnh ngộ bèn suy xét đến danh dự bản thân hay
danh tự gia tộc mới không làm điều quấy. Sự kiêng
tránh này không phải do thọ trì học giới, không do tác
ý trước.
2. Kiêng tránh do thọ trì (samādānavirati) t?c
là do thọ trì học giới, do tác ý trước nên ngăn không
làm điều ác quấy.
3. Kiêng tránh do đoạn trừ (samucchedavirati),
cũng gọi là sự kiêng tránh do nhổ bỏ (setughāta-virati),
tức sự ngăn trừ ác hạnh của bậc đã chứng thánh đạo,
các vị ấy đã đoạn tuyệt điều ác, bứng gốc phiền
não nên không còn các điều quấy nữa.
Hai điều đầu là sự kiêng trừ không chắc
chắn, chỉ có điều thứ ba là sự kiêng trừ tuyệt đối
chắc chắn.
D.A. I.305; Kh.A. 142; Dhs A.103.
[129] Ba sự viễn ly (viveka) , sự lìa xa, sự
cách ly:
1. Thân viễn ly (kāyaviveka), tức là sự ẩn
cư nơi thanh vắng, sống một mình, tách biệt hội chúng,
sống xa lìa sự ồn ào.
2. Tâm viễn ly (cittaviveka), tức là tâm trú
an tịnh, tách biệt triền cái ách phược và tiềm miên
phiền não. Tâm thiền chứng, tâm thánh đạo thánh quả
được gọi là tâm viễn ly.
3. Sanh y viễn ly (upadhiviveka), tức là sự
tách biệt các hành, đoạn trừ sự tái sanh, ám chỉ
Níp-bàn.
Nd1 26, 140, 157, 314.
[130] Ba pháp thuộc phần thù thắng (vise-sabhāgiyadhamma).
Tức là ba thiện căn (kusalamūla). Xem [83].
D. III: Dasuttara sutta.
[131] Ba cảm thọ (vedanā).
xem [105] pháp cần biến tri.
[132] Ba hữu vi tướng (saṅkhatalakkhaṇa):
1. Sanh hiển hiện (uppādo paññāyati)
2. Diệt hiển hiện (vayo paññāyati)
3. Trụ biến đổi hiển hiện (ṭhitassa aññathat-taṃ
paññāyati).
A. I.152.
[133] Ba Hành (saṅkhāra), nói theo thực tính
pháp tạo tác:
1. Thân hành (kāyasaṅkhāra), tức là hơi thở
ra vô, sở hành của thân.
2. Khẩu hành (vacīsaṅkhāra), tức là Tầm và Tứ, sở
hành của khẩu.
3. Tâm hành (cittasaṅkhāra), tức là thọ và tưởng, sở hành
của ý.
Ba loại hành đây liên hệ với thiền diệt, tức
là khi nhập thiền diệt, các thực tính pháp tạo tác này sẽ
tuần tự diệt mất, trước là khẩu hành (tầm tứ) diệt,
kế là thân hành (hơi thở) diệt, sau cùng là tâm hành (thọ
tưởng) diệt.
M. I.301; S. IV.293
[134] Ba Hành (saṅkhāra) loại khác, nói theo
pháp tác thành nghiệp:
1. Thân hành (kāyasaṅkhāra), sự cố ý hành
động bằng thân, còn gọi là thân tư niệm-Kāyasañcetanā.
1. Khẩu hành (vacīsaṅkhāra), sự cố ý hành
động bằng lời nói, còn gọi là khẩu tư niệm-vacīsañcetanā.
2. Tâm hành (cittasaṅkhāra) hay ý hành (ma-nosaṅkhāra)
, sự cố ý hành động bằng tư tưởng, còn gọi là ý tư
niệm -- manosañcetanā.
Ba loại hành này ý nghĩa liên quan đến y
tương sinh -- paṭiccasamuppāda.
M. I.54, 390; S. Ī; Vbh. 135.
[135] Ba pháp cần tác chứng (sacchikātab-badhamma):
1. Túc mạng minh (pubbenivāsānussatiñā-ṇaṃ).
2. Sanh tử minh (catūpapātañāṇaṃ)
3. Lậu tận minh (āsavakkhayañāṇaṃ)
Còn gọi là tam minh (vijjā). Xem [126].
D. III.257: Dasuttara sutta.
[136] Ba diệu pháp hay chánh pháp (sad-dhamma):
1. Chánh pháp học (pariyattisaddhamma) tức là
những Phật ngôn cần phải học hiểu,
2. Chánh pháp hành (paṭipattisaddhamma) tức là
con đường Bát chánh cần phải tu tập.
3. Chánh pháp thành (paṭivedhasaddhamma) tức
là đạo quả, là pháp cần đắc chứng giác ngộ. Ðây
còn được gọi là adhigamasaddhamma;
Vin A. 225; A.A. V.33.
[137] Ba sự tri túc (santosa), sự bằng lòng, sự
biết đủ trong bốn món vật dụng:
1. Tri túc với thứ có được
(yathālābhasantosa), tức là khi phát sanh vật gì đến ta, dù
thô tế tốt xấu, ta cũng bằng lòng, không bất mãn,
không mong cầu vật khác nữa.
2. Tri túc theo sức mình (yathābalasantosa) tức
là chỉ chấp nhận thọ dụng vừa theo sức lực khả năng
hưởng thụ thôi, không muốn nhận lãnh quá tải của cơ
thể dung chứa...
3. Tri túc theo sự thích hợp (yathāsāruppa-santosa)
tức là chỉ chấp nhận thứ gì phù hợp với tướng mạo,
địa vị, sinh mạng và sở hành của mình thôi. Thí dụ:
một vị Tỳ kheo không hoan hỷ nhận vàng, bạc, ruộng đất...
vì đó không thích hợp với phạm hạnh sa môn.
Ba sự tri túc này áp dụng với 4 món vật dụng,
nên thành có 12 sự tri túc, nếu kể rộng.
Cũng nên hiểu rằng ba sự tri túc vừa nêu
trên chỉ có xuất xứ trong sớ giải atthakathā và ṭīkā ,
do các bậc Luận giải trình bày để giảng dạy cho tăng chúng
tu tập.
A.A. I.45; Kh. A. 145; Ud. A. 229, v.v...
[138] Ba ước lệ của bậc chân nhân
(sappu-risapaññatti) , hạnh kiểm mà bậc thiện nhân tán
thành:
1. Bố thí (dāna), tức là sự xả tài giúp
ích cho người khác.
2. Xuất gia (pabbajjā), tức là sự thoát ly
điều bận rộn phiền não, thọ trì pháp không não hại,
sống chế ngự, điều phục và hòa hợp.
3. Phụng dưỡng mẹ cha (mātāpitūpaṭṭhāna),
tức là sự cung phụng nuôi dưỡng cha mẹ khiến cho mẹ
cha được sống an lạc.
A. I.151
[139] Ba loại định (samādhi) , sự an trú tâm
vào cảnh:
1. Sát na định (khaṇikasamādhi), là tâm định
thoáng chốc; nói về định của sát na tâm thiện dục giới
suy tư trên đối tượng.
2. Cận hành định (upacārasamādhi), là tâm an
trú trong đề mục gần như vững vàng; cũng là định của
tâm thiện dục giới, nhưng sự an trụ này có trạng thái
khắn khít hơn chuyên chú hơn sát na định.
3. An chỉ định (Appanāsamādhi), là tâm định
kiên cố trong đề mục, đến mức kiên cố bất động;
Ðây là định của tâm thiền đáo đại.
Dhs A. 117; Vism. 144.
[140] Ba loại định (samādhi), trạng thái tâm
định trong sự giải thoát:
1. Không tánh định (suññatāsamādhi), tức là
định tâm trong đề mục vô ngã tướng minh sát cho đến
khi giác ngộ.
2. Vô tướng định (animittasamādhi) , tức là
định tâm trong đề mục vô thường tướng minh sát cho đến
khi giác ngộ.
3. Vô nguyện định (appaṇihitasamādhi), tức
là định tâm trong đề mục khổ não tướng minh sát cho
đến khi giác ngộ.
Xem [127] ba sự giải thoát (vimokkha).
D. III.219; A. I.299; Ps. I.119.
[141] Ba sự thành đạt (sampatti)1, hay tài sản,
điều thành tựu mong mỏi:
1. Sự thành đạt thân người
(manussasampatti); cũng có nghĩa là tài sản nhân loại.
2. Sự thành đạt thân chư thiên (devasampatti); cũng có nghĩa
là tài sản chư thiên.
3. Sự thành đạt Níp-bàn (nibbānasampati); cũng có nghĩa là
tài sản Níp-bàn hay tài sản thánh nhân.
Kh. 7; Dh. A. III.183.
[142] Ba sự thành tựu (sampatti) 2, điều kiện
thành tựu quả thí lớn:
1 . Thành tựu ruộng phước (khettasampatti), tức
là nói đến đối tượng thí, người thọ thí là bậc
chánh hạnh, bậc hội đủ các ân đức đặc biệt.
2. Thành tựu vật thí (deyyadhammasampatti), tức
là có vật thí đầy đủ, hợp pháp, thanh tịnh và thích
hợp lợi ích cho người nhận.
3. Thành tựu tâm lý (cittasampatti), tức là
tác ý bố thí có đầy đủ, có tâm tịnh tín, có tâm
hoan hỷ trong ba thời: trước khi làm, đang khi làm và sau
khi làm.
Ud. A. 199.
[143] Ba học pháp (sikkhā), thường gọi là tam
học (tisikkhā), là điều tu tập căn bản để rèn luyện
trau dồi thân khẩu ý và tuệ tăng tiến đến sự chứng đạt
mục đích Níp-bàn:
1. Tăng thượng giới học (adhisīlasikkhā), sự
học tập trau dồi giới hạnh đầy đủ đến mức thanh tịnh
thân và khẩu.
2. Tăng thượng tâm học (adhicittasikkhā), sự
học tập trau dồi thanh tịnh đến mức tâm định kiên cố.
3, Tăng thượng tuệ học (adhipaññāsikkhā),
sự học tập trau dồi trí tuệ minh mẫn đạt đến mức
phát sanh các tuệ minh sát.
Tóm lại, tam học là Giới, Ðịnh và tuệ.
D. III.220; A. I.229.
[144] Ba thiện hạnh (sucarita), sở hành tốt đẹp,
hành vi chơn chánh:
1. Thân thiện hạnh (kāyasucarita), sở hành tốt
đẹp về thân, tức là thực hành giới, ngăn trừ sự sát
sanh, trộm cắp và tà dâm.
2. Khẩu thiện hạnh (vacīsucarita) , sở hành
tốt đẹp về khẩu, tức là thực hành giới, ngăn trừ sự
nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác, nói vô ích.
3. Ý thiện hạnh (manosucarita), sở hành ý tốt
đẹp, nghĩa là tư duy không tham ác, không sân ác và có
chánh kiến.
Xem giải chi tiết ở phần Thập thiện nghiệp
[397].
D. III.215; Dhs. 1306.
[145] Ba bậc nhập lưu (sotāpanna), bậc Thánh Tu
đà huờn:
1. Nhất chủng sanh (ekabījī), bậc nhập lưu
mà chỉ sanh lại cõi dục giới một lần nữa rồi viên tịch.
2 . Lục chủng sanh (kolaṅkola), bậc nhập lưu
mà còn sanh lại cõi dục từ hai đến sáu lần nữa mới
đắc A-la-hán và viên tịch.
3. Thất chủng sanh (sattakkhattuparama), bậc nhập
lưu mà phải sanh lại cõi dục cho đến bảy lần, nhưng
đó là mức tối đa, vị ấy chắc chắn sẽ chứng A-la-hán
và viên tịch. Sở dĩ được phân ra như thế là do tuệ
minh sát các quyền (indriya) mạnh, trung và yếu theo tuần tự.
A. I.233, IV. 380, V.120; Pug. 3, 16, 74.
[146] Ba pháp thuộc phần hạ liệt (hāna-bhāgiyadhamma):
Tức là Ba bất thiện căn. Xem [68].
D. III.275
Ðầu
trang | Mục
lục |
Một Pháp: 1-11 | Hai Pháp:
12-67 | Ba Pháp: 68-146 | Bốn Pháp: 147-232 |
Năm Pháp: 233-284 |
Sáu Pháp: 285-315 | Bảy
Pháp: 316-342 | Tám Pháp: 343-364 | Chín
Pháp: 365-383 | Mười Pháp: 384-421 |
Trên Mười Pháp: 422-440 | Phụ
Lục: 441-442 |