BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Hoa Sen Chánh Pháp
(Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)

Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải


Phần Phụ Lục

Có 6 phụ lục tất cả, không đủ lắm nhưng vẫn hơn cả số mà lời tựa của Tùy dịch (Chính 9/134) nói chính văn đã thiếu. Nhưng muốn cứu xét những phụ lục này, và những gì còn và cần nữa, đều phải đối chiếu các bản dịch của Pháp hoa, nhất là phải đối quán luận Pháp hoa mà làm chuẩn - Luận ấy phải được coi là uy quyền nhất. Đừng nghĩ chính văn không có là thiếu, các bản khác có là đủ.

Phụ Lục 1 [^]
cho ghi chú số 113,
trích Tùy dịch (Chính 9/153-155)

Hơn nữa, Đại ca diếp, đối với chúng sinh, Như lai thuần hóa cho một cách đồng đều. Ví như ánh sáng mặt trời mặt trăng chiếu khắp thế giới, kẻ hiền người dữ, chỗ cao chỗ thấp, vật thơm đồ thối, tất cả đều được chiếu soi đồng đều chứ không thiên vị. Cũng y như vậy, Đạica diếp, ánh sáng tuệ giác Biết tất cả của bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, thì tiến hành đồng đều trong việc thuyết pháp cho tất cả năm loại chúng sinh, đúng như sự tin hiểu của họ đối với cỗ xe vĩ đại, cỗ xe duyên giác và cỗ xe thanh văn. Nhưng tuệ giác của Như lai không vì vậy mà tăng lên hay giảm bớt, chỉ phát lộ đúng với phước đức và trí tuệ của họ đã tu tập. Do vậy, Đại ca diếp, không có ba cỗ xe, chỉ vì việc làm khác nhau của chúng sinh mà giả thiết ra ba cỗ xe ấy.

Đại ca diếp, vị tôn giả lấy tuệ giác làm sinh mạng, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, nếu không có ba cỗ xe thì vì lý do gì mà hiện tại vẫn gọi thanh văn, duyên giác và bồ tát? Đức Thế tôn bảo vị tôn giả lấy tuệ giác làm sinh mạng: Đại ca diếp, ví như người làm đồ gốm, trộn đất sét đồng đều mà làm. Đồ ấy có cái đựng đường cát, có cái đựng sữa đặc, có cái đựng sữa lỏng, có cái đựng đồ dơ. Đất sét không khác biệt, nhưng tùy vật đựng ở trong mà đồ được gọi khác nhau. Cũng y như vậy, Đại ca diếp, ở đây chỉ có cỗ xe duy nhất là cỗ xe vĩ đại, không có cỗ xe thứ hai hay cỗ xe thứ ba.

Đại ca diếp, vị tôn giả lấy tuệ giác làm sinh mạng, lại thưa, bạch đức Thế tôn, chúng sinh tin hiểu khác nhau, nhưng khi giải thoát ba cõi thì sự niết bàn của họ là một hay hai, ba? Đức Thế tôn dạy vị tôn giả lấy tuệ giác làm sinh mạng: Đại ca diếp, nếu biết niết bàn là thực thể bình đẳng của các pháp thì niết bàn ấy cũng một chứ không hai ba. Đại ca diếp, vì ý niệm này, Như lai sẽ giả thiết ví dụ cho tôn giả. Người có trí sẽ hiểu được ý nghĩa Như lai nói đến qua sự ví dụ.

Đại ca diếp, ví như người mù bẩm sinh nói rằng không có sắc đẹp sắc xấu và không có người thấy được sắc đẹp sắc xấu, không có nhật nguyệt tinh tú và không có người thấy được nhật nguyệt tinh tú. Có người khác, hiện diện trước người mù bẩm sinh, bảo có sắc đẹp sắc xấu và có người thấy sắc đẹp sắc xấu, có nhật nguyệt tinh tú và có người thấy nhật nguyệt tinh tú. Người mù bẩm sinh dẫu nghe nói như vậy cũng không tin tưởng chấp nhận. Bấy giờ có vị lương y biết rành mọi bịnh, gặp người mù bẩm sinh, ông nghĩ như vầy: Người này vì hành vi tội ác đời trước mà đời này sinh bịnh. Bịnh sinh thì có bốn loại: đau nhức, nóng nảy, uể oải và ba loại đồng đều. Vị lương y muốn trị bịnh cho người mù bẩm sinh, lại nghĩ đến phương tiện: Bao nhiêu dược liệu thông thường hiện hành không thể trị lành bịnh này. Chỉ núi chúa Tuyết sơn có dược liệu đủ cả bốn tên: dược liệu thích ứng mọi màu sắc tính vị và trường hợp, dược liệu chữa lành mọi bịnh, dược liệu chữa khỏi mọi độc, dược liệu đem lại yên vui cho bất cứ ở đâu. Đó là bốn tên của dược liệu. Vị lương y thương xót người mù bẩm sinh, nghĩ như vậy rồi lại tìm cách đến núi chúa Tuyết sơn. Đến rồi, ông trèo lên trên đỉnh, đảo xuống dưới chân, và đi ngang quanh thân, tìm kiếm khắp cả. Tìm khắp cả rồi, ông được dược liệu có đủ bốn tên. Đem về nhai bằng răng mà cho dùng, giã bằng cối đá mà cho dùng, hoặc trộn với dược liệu khác nấu chín mà cho dùng, hoặc trộn với dược liệu sống khác mà cho dùng, hoặc châm chích thân mình có lỗ huyệt mà cho vào, hoặc nướng với lửa hay trộn với dược liệu khác nữa thành đồ ăn thức uống mà cho dùng. Người mù bẩm sinh nhờ phương tiện thích hợp như vậy nên phục hồi thị giác.

Phục hồi thị giác rồi thấy hết trong ngoài, xa gần, ánh sáng trời trăng tinh tú, thấy hết vật sắc, và kêu lên như vầy: ôi chao, sao tôi ngu vậy, trước đây tôi nghe nói mà không tin. Nay, giờ này, tôi thấy được hết cả. Tôi hết đui mù rồi. Tôi đã được thị giác. Không ai hơn tôi nữa! Ngay lúc ấy có vị tiên nhân đủ cả năm thần thông: thị giác thần kỳ, thính giác thần kỳ, biết tâm lý người, tự nhớ đời trước và biến hóa thần kỳ, bảo người ấy, chàng trai, anh chỉ có thị giác bình thường, ngoài ra không biết gì cả, vì sao anh kiêu căng trong khi chưa có trí tuệ và tài giỏi? Vị tiên nhân lại bảo, anh vào ngồi trong phòng thì bên ngoài có vật sắc gì anh đã không thấy không biết. Anh cũng không biết được tư tưởng lương thiện hay tư tưởng độc ác của ai. Giới hạn cách anh năm do tuần thì âm thanh của nói năng, của trống, của ốc, của gì nữa anh cũng không nghe không biết. Chỗ nào cách anh chỉ một lô xá, anh không cất đôi chân thì không thể đến được. Mới sinh và mới lớn mà bụng mẹ anh và những gì anh làm, anh cũng không biết không nhớ. Anh có tài giỏi trí tuệ gì đâu, sao anh bảo anh thấy biết hết? Chàng trai, anh đang lấy tối làm sáng, như trước đây anh đã lấy sáng làm tối! Chàng trai liền hỏi vị tiên nhân: bằng phương tiện nào, và con phải làm việc làm trong sáng nào để được những sự thấy biết ấy? để, với sự tin cậy vào ngài, con cũng sẽ được những khả năng đặc biệt như ngài? Vị tiên nhân bảo: muốn như vậy thì anh phải đến ở trong hang núi trống vắng, ngồi yên mà tư duy chánh pháp, hủy diệt phiền não. Thì anh sẽ đạt được khả năng đầy đủ của thần thông.

Người ấy tiếp nhận ý nghĩa của vị tiên nhân nói, tức thì xuất gia, ở chỗ trống vắng, chuyên giữ tâm ý duy nhất, cắt đứt ái dục khao khát, và được năm thần thông. Được năm thần thông rồi, nghĩ rằng trước đây ta làm những việc khác với việc ta làm bây giờ, do vậy mà ta đã không có một khả năng tốt đẹp nào khả dĩ tự biết. Nay thì ta nghĩ chỗ nào là đến chỗ ấy. Trước đây ta thật ít trí ít tuệ, sống thật đui mù!

Đại ca diếp, giả thiết ví dụ này là Như lai muốn chư vị hiểu biết ý nghĩa của Như lai nói. Trong ý nghĩa ấy, chư vị nên biết người mù bẩm sinh là tất cả chúng sinh lưu chuyển trong sáu loài, chưa biết chánh pháp nên phiền não làm tối tăm thêm lên cho vô minh mù lòa, vô minh mù lòa nên hạnh nghiệp tập hợp, hạnh nghiệp tập hợp nên danh sắc cho đến cả khối đau khổ lớn lao được tích lũy, sinh thêm vô minh mù lòa, và chúng sinh lưu chuyển mà sống trong đó.

Duy có Như lai siêu thoát ba cõi, thương xót chúng sinh ba cõi như người cha hiền từ thương đứa con một. Thương xót như vậy nên Như lai bước xuống, vào trong ba cõi, thấy chúng sinh sống trong lưu chuyển, không biết chính xác phương cách thoát khỏi sự lưu chuyển ấy. Như lai đem mắt Phật mà nhìn thì thấy như vậy. Thấy rồi, biết chúng sinh ấy, theo đức hạnh đã làm đời trước, có người sân hận ít dầu dục vọng nhiều, có người dục vọng ít dầu sân hận nhiều, có người có một ít trí, có người có tuệ khéo léo, có người thuần thục trong sáng, có người kiến thức sai lầm. Chính vì đối với tất cả những người như vậy mà Như lai phương tiện nói ra ba cỗ xe.

Vị tiên nhân đủ cả năm thần thông là bồ tát, phát bồ đề tâm, được vô sinh nhẫn, tự tỉnh và thức tỉnh chúng sinh về tuệ giác vô thượng. Vị lương y vĩ đại là Như lai : nên thấy như vậy. Người mù bẩm sinh là chúng sinh ngu tối: nên thấy như vậy. Các bịnh đau nhức, nóng nảy, uể oải và đồng đều là dục vọng, sân hận, ngu si và sáu mươi hai kiến thức sai lầm : nên thấy như vậy. Dược liệu đủ bốn đặc tính là các cửa ngõ không, không sắc tướng, không ưa thích và niết bàn: nên thấy như vậy. Dùng thuốc bịnh dứt là không, không sắc tướng, không ưa thích và niết bàn mà được tu niệm chính xác thì vô minh diệt, vô minh diệt thì hành diệt, cho đến cả khối đau khổ lớn lao cũng diệt. Tư duy tu tập như vậy thì tâm trí không còn đặt mình vào trong điều tốt hay điều xấu.

Người đui mù phục hồi thị giác là các vị thanh văn duyên giác: nên thấy như vậy. Các vị này cắt đứt sự ràng buộc của phiền não đã tạo ra lưu chuyển nên giải thoát phiền não, giải thoát sự lưu chuyển trong sáu loài ba cõi. Chính vì thành quả này mà các vị thanh văn duyên giác nghĩ rằng không có pháp nào khác cần phải tu chứng thêm nữa, nghĩ rằng ta đã đạt đến niết bàn. Như lai, lúc ấy, lại giảng giải cho họ: đối với các pháp mà chưa thấu triệt tất cả thì làm sao có niết bàn cứu cánh? Các vị này, Như lai đem tuệ giác vô thượng mà hoán cải, làm cho họ phát tâm tuệ giác vô thượng, không ở sinh tử, không đến niết bàn. Họ tỏ ngộ ba cõi và mười phương đều Không: đều như ảo thuật, như cảnh mộng, như sóng nắng, như tiếng vang. Họ xét thấy các pháp không sinh không diệt, không buộc không mở, không tối không sáng. Thấy pháp rất sâu như vậy nên sự thấy ấy không thấy gì mà vẫn thường thấy những sự tin hiểu khác nhau của chúng sinh đầy trong ba cõi.

Khi ấy đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghiệa đã nói, nên nói nhưng lời chỉnh cú sau đây.

(45) Ví như ánh sáng
mặt trời mặt trăng
đồng đều soi khắp
đại thiên thế giới,
đối với tốt lành
hay với xấu ác
ánh sáng như vậy
không thêm không bớt.
(46) Ánh sáng rực rỡ
tuệ giác Như lai
cũng là bình đẳng
in như nhật nguyệt,
giáo hóa tất cả
các loại chúng sinh
mà không thiên vị
thêm lên bớt đi.
(47) Như người thợ gốm
làm các đồ gốm
bằng cách đồng đều
hòa trộn đất sét,
nhưng các đồ ấy
hoặc chứa đường cát
hoặc chứa sữa lỏng
chứa bơ hay nước.
(48) Hoặc có những cái
chứa đồ dơ bẩn,
hoặc có những cái
chứa để sữa đông.
Đất sét được dùng
là một mà thôi,
nhưng người thợ gốm
làm đủ các đồ.
(49) Như tùy vật chứa
trong các đồ gốm
mà biết những tên
của các đồ ấy,
Như lai cũng tùy
ý muốn khác nhau
mà biết chúng sinh
một cách đầy đủ.
(50) Do đó Như lai
tuy nói ba xe
nhưng mà phán định
thì chỉ xe Phật.
Vì không tuệ giác
nên phải lưu chuyển
mà không biết đến
nguyên lý vắng lặng.
(51) Nhưng ai có thể
thấu triệt về Không,
kẻ ấy rời xa
chấp pháp chấp ngã:
kẻ ấy nhận thức
tuệ giác chính xác
mà chư Như lai
đã được thành tựu.
(52) Đặt mình vào trong
tuệ giác trung bình
thì được mệnh danh
là bậc Duyên giác;
được dạy một phần
về tuệ giác Không
thì được mệnh danh
là bậc Thanh văn.
(53) Nếu toàn giác được
tất cả các pháp
thì được mệnh danh
đấng Chánh biến tri.
(54) Ví như có kẻ
bẩm sinh đui mù
không hề thấy được
nhật nguyệt tinh tú,
do vậy kẻ ấy
nói như thế này:
không làm gì có
vật sắc này kia.
(55) Với kẻ bẩm sinh
đui mù như vậy,
lương y vĩ đại
lòng rất xót thương,
nên đến Tuyết sơn
một tòa núi chúa,
đi lên đi xuống
đi ngang quanh núi.
(56) Ông tìm thấy được
dược liệu hoàn hảo,
đủ cả bốn tên
mà tên chung là
đủ các sắc vị
thích ứng mọi bịnh,
rồi đem pha chế
mà chữa trị cho.
(57) Hoặc dùng răng nhai
hoặc giã cối đá
hoặc là châm chích
chuyền vào cơ thể,
chữa lành cho kẻ
đui mù bẩm sinh.
(58) Kẻ ấy sau khi
phục hồi thị giác,
thấy được ánh sáng
mặt trời mặt trăng
và mọi cảnh sắc,
thì nghĩ trước đây
mình nói không có
là nói ngu muội.
(59) Chúng sinh lưu chuyển
ở trong ba cõi
bẩm sinh đui mù
rất là vô trí,
bánh xe duyên khởi
làm họ lăn quay,
ngu muội chịu lấy
mọi đường khổ sở.
(60) Chính trong thế giới
ngu muội như vậy
mà đại lương y
Như lai toàn trí
xuất hiện với tính
từ bi xót thương.
(61) Như lai vận dụng
phương tiện khéo léo
diễn giảng chánh pháp
vốn rất vắng lặng:
Như lai giảng giải
tuệ giác tối thượng
của chư Như lai
cho người ưu việt;
(62) Như lai giảng giải
tuệ giác trung bình,
làm thầy dẫn dắt
những người trung bình;
người ấy sợ hãi
thế giới lưu chuyển,
thì giảng mặt khác
của tuệ tối thượng.
(63) Còn chư thanh văn
chỉ thoát ba cõi
bằng cái tuệ giác
thấp kém của mình,
mà đã nghĩ rằng
ta được niết bàn
hoàn toàn thanh khiết
vô cùng an lạc.
- Nhưng phải toàn giác
tất cả các pháp,
mới được gọi là
niết bàn bất tử -
(64) Cho nên Như lai
đối với thanh văn
xót thương cho họ,
bảo rằng lầm rồi,
đừng có cho mình
là bậc toàn giác.
(65) Khi anh ở trong
cái phòng kín đáo
thì ngoài có gì
anh đã không biết,
nên anh đúng là
một kẻ trí nhỏ.
(66) Khi ở trong phòng
đoán biết ở ngoài
hoặc đã làm gì
hoặc chưa làm gì,
đoán biết như vậy
vẫn chưa là biết,
huống chi là anh
kẻ không biết gì?
(67) Cách năm do tuần
tiếng gì phát ra
anh không nghe được,
huống chi xa hơn?
(68) Người khác thương anh
hay là ghét anh
anh không biết được,
vì sao mà anh
sinh ra ngạo mạn
cho mình biết hết?
(69) Muốn đến một nơi
cách một lô xá
mà không cất bước
anh không đến được.
Và những sự gì
xảy ra cho anh
khi anh còn ở
trong bụng mẹ anh,
anh đã quên liền
cái thời kỳ ấy.
(70) Được năm thần thông
mới gọi biết hết;
anh đúng là kẻ
thật sự ngu muội
khi không biết gì
mà nói biết hết.
(71) Muốn biết tất cả
và được thần thông,
anh hãy đến ở
những chỗ trống vắng,
tập trung tư duy
vào pháp trong sáng,
thì những thần thông
có thể xuất hiện.
(72) Người ấy tiếp nhận
ý nghĩa được dạy,
đi đến ở nơi
những chỗ trống vắng,
tập trung tư duy
nhập vào thiền định,
rồi được đủ hết
năm thứ thần thông,
sau đó không lâu
đủ các thành quả.
(73) Cũng y như vậy,
chư vị thanh văn
có cái tư tưởng
mình đã niết bàn,
thì Như lai nói
chư vị chỉ là
yên nghỉ chút ít,
chưa phải niết bàn.
(74) Như vậy chính là
Như lai phương tiện
nói cho họ rõ
đạo lý như vầy:
tách rời toàn giác
không có niết bàn.
(75) Tuệ giác biết hết
cả ba thì gian
thì vô giới hạn;
hành vi làm đủ
sáu ba la mật
thì cực trong sáng;
và không, không tướng,
cùng với không nguyện;
(76) thêm nữa chí nguyện
vô thượng bồ đề;
và bao pháp khác
hướng đến niết bàn:
(77) bốn hạnh thanh khiết,
bốn cách nhiếp hóa;
vị Tiên xuất chúng
đã nói đủ cả
những pháp như vậy
để dạy chúng sinh.
(78) Hơn nữa nếu biết
bản chất các pháp
toàn như ảo thuật,
hay như mộng cảnh,
hoặc như cây chuối
trong ruột không chắc,
hoặc là tương tự
với những tiếng vang.
(79) Biết cả ba cõi
bản chất là thế,
không buộc không mở,
thì biết niết bàn (a).
(80) Các pháp đồng đẳng
toàn thể là Không,
không có đặc thù
hay là cá thể;
và chính Không ấy
cũng không hề thấy:
không nhìn thấy có
một pháp nào cả.
(81) Thấy được như vậy
là bậc đại trí,
thấy được pháp thân
một cách hoàn toàn.
Cái thấy như vậy,
ba xe không có,
chỉ có ở trong
cỗ xe duy nhất.
(82) Tất cả các pháp
toàn là bình đẳng,
sự bình đẳng ấy
bình đẳng mãi mãi;
tuệ giác thấy biết
nguyên lý như vậy
thì đó : niết bàn
bất tử, an lạc.

Ghi chú (a): Chính văn bất tri, chữ bất rõ ràng chép sai.

 
Phụ Lục 2
cho ghi chú số 133,
trích Tấn dịch (Chính 9/94-95)

Đức Thế tôn dạy: Tốt lắm, đúng như tôn giả nói. Như lai nhìn thấy một cách thấu suốt bản tính của chúng sinh, nhận thức hành vi đạo đức của họ sâu cạn thế nào rồi mới thuyết pháp cho. Như dạy cho thanh văn thì bằng cỗ xe thấp nhỏ. Khi làm cho những sự dơ bẩn như dục vọng và hận thù được loại bỏ, mới dắt họ đến tuệ giác vô thượng mà các vị bồ tát theo đuổi.

Sự thể như một người hướng dẫn hiền từ, thương người nghèo khốn, cơm áo không có, xin cũng không ra, bần cùng đến nỗi không có chút gì để sống. Ông gióng trống tuyên cáo cả nước: ai muốn đi ra biển cả lấy ngọc? Khi ai cũng đến, ông huấn dụ: ai không tiếc thân mình, không lo cha mẹ, không bị vợ con, thì ra biển cả kiếm ngọc với ta! Nghe vậy, nhiều người lui về. Ai nghèo quá, muốn đi kiếm ngọc mà không tự liệu được cái mặc cái ăn nên phân vân bất quyết, thì ông biết, gọi bảo: nếu đi thì ta cho quần áo lương thực, không để đói lạnh đâu. Họ mừng lắm, tuân lệnh của ông, cùng nhau lên thuyền, ngó gió căng buồm, đi ra biển khơi.

Họ không bị cá mập, không vấp núi ngầm, quái vật cũng không tác quái. Họ đến được gần cung điện đức vua biển cả. Người hướng dẫn vào tâu xin đức vua ban cho ngọc như ý. Ông nói: người phàm chúng con nghèo quá, không sống nổi, cầu xin đức ngài ban cho để cứu lấy người xa kẻ gần của đức ngài! Đức vua biển cả tức khắc chuẩn y thỉnh nguyện của ông: ai muốn gì thì cứ bảo đến lấy. Người hướng dẫn quay lại, nói rõ, và bảo cả đoàn đi lấy. Nhưng người đi lấy thì ít, kẻ không chịu đi lấy thì nhiều. Họ sợ đến đức vua biển cả thì e chết chìm mà không trở về được. Người hướng dẫn bảo những người chịu theo: cứ lấy tùy thích! Họ lấy bạc, vàng, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, xa cừ, mã não, và ai cũng lấy đầy thuyền của mình. Người hướng dẫn ra lệnh trở về. Họ tuân lệnh, và về đến nước mình thì bà con làng xóm cùng mang thực phẩm, âm nhạc và ngựa xe đến đón, vui chơi với nhau đến 7 ngày đêm rồi mới về nhà ở. Bấy giờ mới hỏi nhau lấy được ngọc gì. Thì biết kẻ khờ dại chỉ lấy toàn ngọc tạp, người khôn ngoan chỉ lấy ngọc như ý.

Người hướng dẫn liền lên lầu cao, tay nâng ngọc như ý, nhìn khắp mọi phương hướng mà nói: ngọc này hãy mưa xuống đủ hết 7 thứ quí báu! Lời nói ứng nghiệm tức thì, 7 thứ quí báu xuất hiện khắp nước. Những người khôn ngoan khác được bảo chia nhau mà đi các nước, họ cũng làm và cũng được như vậy. Những người khờ dại bấy giờ mới than: chúng ta cũng ra biển mà ức không được ngọc ấy! Người hướng dẫn bảo, ta đã nói rõ mà anh không lấy, bây giờ oán thán nỗi gì? Nghe thế, họ bỏ hết ngọc tạp, cùng nhau trở lại biển cả, đến xin đức vua cho ngọc như ý. Họ được cho cả, và trở về cũng được mưa xuống 7 thứ quí báu.

Đức Thế tôn nói: phát ý nguyện tuệ giác vô thượng thì như người hướng dẫn đi ra biển cả. Thương người nghèo mà bảo họ cùng đi là người ấy giảng dạy kinh pháp cho mọi người. Ngó gió căng buồm là học tập tuệ giác phương tiện. Ba tai nạn cá mập, núi ngầm và quái vật là 3 sự không, không sắc tướng và không ưa thích (a). Biển cả là biển cả sống chết. Được ngọc như ý là được pháp thân vô thượng của Phật. Những người trở ra biển cả lấy ngọc như ý là các thanh văn nghe thấy đường đi bồ tát mà phát tâm ý quảng đại, được tuệ giác Không sinh. Trước đó họ chỉ lấy 7 thứ ngọc tạp đầy thuyền của mình là các thanh văn ấy, ngày trước, chỉ được 7 thành phần tuệ giác. Về nước bà con làng xóm đến đón là ai cũng đến nghe kinh pháp. Lên lầu cao cầm ngọc như ý nhìn khắp phương hướng là được tuệ giác Phật đà, hóa độ mười phương. Bảo những người khôn ngoan đi các nước khác mưa xuống 7 thứ quí báu là mỗi vị bồ tát đi đến một thế giới mà thành tựu tuệ giác tối chính xác. Những người khờ dại hối hận, bảo nhau trở ra biển cả là các thanh văn nghe thấy cỗ xe duy nhất, không có hai đường, bấy giờ mới quay lại phát tâm tuệ giác vô thượng, và sau đó cũng trở thành Phật đà với những danh hiệu tôn quí.

Lúc ấy đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

Chư vị tỷ kheo
hãy nghe cho kyա
Như lai ví dụ
để nói một ý.
Như người hướng dẫn
thương dân cả nước
nghèo khó thiếu thốn
khổ cực mãi hoài,
gióng trống rao lên
ai muốn ra biển?
Mọi người tập hợp,
ông lại khuyến cáo:
Ai không tiếc thân
không lo cha mẹ
không bận vợ con
hãy cùng ra biển;
ra đó bị nạn
thì đừng có hối!
Những người nghèo khốn
ý cũng muốn đi,
tự lo không nổi
nên phải do dự,
thì người hướng dẫn
cấp cho cơm áo.
Họ cùng ra khơi
cùng kiếm ngọc báu.
Và người hướng dẫn
đến tận cung điện
đức vua đại dương
tấu bạch với ngài.
Rồi ông quay lại
báo cho mọi người,
dặn lấy cho được
ngọc báu như ý.
Người khôn tuân lịnh
lấy ngọc như ý,
và khi về nước
ai cũng đến đón.
Và người hướng dẫn
lên trên lầu cao
xoay khắp phương hướng
mưa tràn châu ngọc.
Những người khôn ngoan
phân đi các nước,
cũng mưa châu ngọc
ai cũng được nhờ.
Những kẻ khờ dại
chỉ lấy ngọc tạp
mới tự hối tiếc:
Mình cũng ra khơi
mà đã không được
ngọc báu như ý!
Người hướng dẫn bảo
ta đã nói rõ,
các người không lấy
là lỗi các người
giờ còn trách ai.
Họ lại ra khơi
tìm ngọc như ý
và họ được liền.
Bồ tát nguyện lớn
thì được toàn giác.
Chán sợ sống chết
thì là thanh văn,
phụng hành về không
không tướng không nguyện,
vượt qua ba cõi
đến cửa niết bàn.
Nhìn thấy Như lai
chiến thắng ma quân
đạt đến tuệ giác
chính xác tối thượng,
giáo hóa tất cả
bằng cách xuất ra
vạn ức âm thanh
diễn tả chánh pháp,
mười phương chúng sinh
đều đến tiếp nhận,
chư thiên long thần
cùng đến tôn kính;
nhìn thấy bồ tát
được tuệ Không sinh;
nhìn thấy các vị
thanh văn đặc biệt
loại trừ ba độc
thấy suốt mười phương;
nhìn thấy như vậy,
có những La hán
đã tự hối tiếc:
ta cùng tu học
sao lại không được
những thành quả ấy?
Hết ngồi lại đứng
họ tự trách mình.
Như lai lúc ấy
nói cho họ biết,
rằng ba cỗ xe
chỉ là phương tiện
tùy theo các người
để mà dắt dẫn;
thật ra chánh pháp
chỉ xe duy nhất,
không xe thứ hai
huống xe thứ ba.
Các vị thanh văn
bấy giờ phấn khởi
tâm trí sáng lên
tựa như mặt nhật
xuất hiện rực rỡ
sau khi mây tan.
Như lai thọ ký
sẽ thành đại giác,
quốc độ thời kỳ
đều có danh hiệu

Ghi Chú (a)

Ba giải thoát môn, ở đây, thành "tai nạn" cho bồ đề tâm; ở phụ lục ba lại thành cơ bản.

 

Phụ Lục 3
cho ghi chú số 141,
trích Tấn dịch (Chính 9/99-100)

Đoạn này kinh Duy ma cũng có (Chính 14/556)

Đức Thế tôn dạy, chư vị tỷ kheo, pháp thì chỉ có cỗ xe duy nhất, không có hai cỗ xe. Pháp ấy là tuệ giác vô thượng. Quá khứ, vị lai, cũng như hiện tại, không có pháp nào khác. Ví như mọi dòng nước đều đổ về biển cả và hợp lại thành một vị, lại như mặt trời chiếu soi khắp cả mà bản thân không hề thêm lên hay bớt đi. Thiện nam hay thiện nữ nào muốn đạt đến tuệ giác vô thượng, thì nên biết xưa nay hay sau này, không có đường nào khác hơn là tu học kính giữ Pháp hoa, thấu triệt tuệ giác về Không, đến nỗi không chấp trước cả sáu ba la mật. Không lấy sự hiến cúng hương hoa âm nhạc làm sự hiến cúng, mà thấu đáo ba giải thoát, thực hiện ba minh đạt, tuệ giác tối thượng ấy mới thật là cúng phẩm.

Xa xưa, cách nay những thời kỳ khó mà xác định giới hạn, bấy giờ có đức Phật danh hiệu Dược vương như lai, đủ mười đức hiệu. Quốc độ của ngài tên là Đại tịnh, thời kỳ của ngài tên là Tịnh trừ. Ngài sống hai mươi thời kỳ bậc giữa. Đệ tử thì chúng thanh văn có ba mươi sáu ức vị, chúng bồ tát có mười hai ức vị. Vị luân vương của thời kỳ ấy tên là Bảo cái, ngự trị tất cả thành trì bốn phương. Luân vương cũng có ngàn vương tử, đẹp và mạnh. Lại có bảy người vật quí báu, trong đó có ba vị đại thần rất thần thánh, nên làm cho những kẻ thù địch hàng phục tất cả.

Vị luân vương này hiến cúng đức Dược vương như lai trọn năm thời kỳ bậc giữa. Cùng với thân quyến, ông dâng hiến ngài mọi thứ cần thiết. Hết năm thời kỳ bậc giữa rồi, luân vương bảo ngàn vương tử, ta đã phụng sự đức Thế tôn, các con phải tuân theo truyền thống ấy của ta. Ngàn vương tử nghe vương phụ dạy như vậy thì cùng nhau hiến cúng đức Dược vương như lai năm thời kỳ bậc giữa nữa, dâng lên ngài mọi thứ thượng hạng, không trái với điều gì cần thiết.

Trong số ngàn vương tử ấy có một người tên Thiện cái. Lúc yên tĩnh một mình, vương tử Thiện cái nghĩ, chúng ta hiến cúng đức Thế tôn như vậy mà có cách nào hơn nữa chăng? Vâng theo uy thần của đức Dược vương như lai, một thiên nhân ở trong không gian bảo vương tử Thiện cái, thiện nam tử, ông muốn biết chăng? Có cách hiến cúng chánh pháp mới thật tối tôn tối thượng. Vương tử Thiện cái hỏi, hiến cúng chánh pháp là thế nào? Thiên nhân bảo, ông hãy đến xin hỏi đức Dược vương như lai, ngài sẽ giải thích phong phú cho ông.

Vương tử Thiện cái liền đứng dậy, đi đến chỗ đức Dược vương như lai, đầu lạy sát đất, thưa rằng bạch đức Thế tôn, những người muốn phụng hành cách hiến cúng chánh pháp thì phải làm thế nào? Đức Dược vương như lai dạy, hiến cúng chánh pháp là thuận với ý nghĩa sâu xa của kinh điển Như lai huấn dụ mà khai hóa hết thảy tầng lớp thế giới, bằng cách làm cái việc khó làm là xả bỏ thế lợi mà xuất gia, cầu cho được kho tàng của bồ tát. Rồi ở nơi thanh vắng, đem trí nhớ bao quát mà nhớ hết. Đem sức mạnh tinh tiến mà đi tới, theo bánh xe chánh pháp không thoái chuyển. Thực hiện sáu pháp ba la mật của tuệ giác vô cực. Chân thành nắm lấy một cách chắc chắn tất cả thành phần tuệ giác mà Như lai đã huấn thị. Với tuệ giác Không sinh, hãy mở ra và bước vào kinh điển chính yếu. Đối với chúng sinh thì thực thi lòng thương rộng lớn. Đối với ma quân thì chiến thắng bằng cách hủy diệt những sự chấp trước các pháp. Thấu rõ mười hai duyên khởi, không thấy bản ngã, linh hồn, sinh thể, tồn tại. Chánh niệm về không, không sắc tướng và không ưa thích, chứ không bị lôi kéo bởi mọi sự diễn biến. Ngồi nơi bồ đề tràng mà chuyển đẩy bánh xe chánh pháp. Khuyến hóa tám bộ thiên long, làm cho ai cũng ưa thích, ngưỡng vọng. Mở cửa kho tàng chánh pháp mà hướng dẫn thánh hiền. Tuyên dương quảng bá các hạnh bồ tát. Tuyệt diệt đau khổ bằng ý thức không bản ngã, không bản thân. Chúng sinh vi phạm giới pháp thì xây dựng cho họ bằng giáo pháp thích hợp. Ma quân ngoại đạo, những kẻ rơi vào kiến thức thác loạn, bám vào lạc thú hư ảo, lòng thường khiếp sợ hoang mang, thì tán dương cho họ biết oai đức Phật đà để họ thoát sống chết, trừ hệ lụy, nhìn thấy sự yên ổn bất biến. Tuân hành những gì chư Phật xưa nay và sau này ca tụng. Tước bỏ hình dáng hoa myծ Được tổng trì, chứng pháp nhẫn. Mở mắt, dắt đường, giáo huấn cho tất cả tầm cỡ khác nhau. Vận dụng phương tiện ý nghĩa mà bồi dưỡng cho chánh pháp. Tất cả những điều trên đây gọi là hiến cúng chánh pháp. Đối với kinh pháp thì chú trọng pháp nhẫn. Diễn giảng kinh pháp mà thỏa mãn mọi sự chất vấn. Diễn tả những điểm chính yếu của kinh pháp mà bài trừ mọi sự thấy biết sai lạc. Với tuệ giác Không sinh mà biết không bản ngã, không linh hồn, vào sâu nguyên lý duyên khởi, không còn giận cãi, tranh chấp. Không bản ngã, không tồn tại, không nắm lấy lời này ý nọ, nên tâm không vướng mắc, trí không phóng túng: điều khiển tâm trí đứng vững vào sự không đứng lại. Nhận thức ý nghĩa mà Như lai muốn chỉ thị, nên hướng dẫn được cho những kẻ lầm lẫn ý nghĩa ấy. Loại bỏ mọi sự nương dựa thông thường, kẻ không có kiến chấp chỉ dựa vào chân lý, sống đúng khuynh hướng của chân lý chứ không vướng mắc, không hội nhập, hủy diệt dục vọng, loại trừ si mê, và vì vậy mà già bịnh sống chết tan rã tất cả. (Nói cách khác), nhìn rõ mười hai duyên khởi nên kiến thức không còn thác loạn. Thiện nam tử, đó là cách hiến cúng chánh pháp.

Vương tử Thiện cái từ đức Dược vương như lai nghe cách hiến cúng chánh pháp ấy thì được liền sự nhận định thuận với chánh pháp, nên cởi dải lụa choàng trên mình mà hiến lên ngài, thưa rằng, bạch đức Thế tôn, xin đức Thế tôn ban cho con một ân huệ thánh thiện, ấy là chứng minh cho chí nguyện của con: Sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn, con nguyện hộ trì chánh pháp bằng cách thực hiện sự hiến cúng chánh pháp ấy mà chiến thắng ma quân, tiếp dẫn hậu hiền. Đức Dược vương như lai nhận thức thành tâm của vương tử Thiện cái nên đã chuẩn nhận cho vương tử cái nguyện làm thành trì cho chánh pháp trong tương lai.

Đức Thế tôn bảo, chư vị tỷ kheo, vương tử Thiện cái nhân cơ hội đức Dược vương như lai còn tại thế mà thoát ly gia đình, sống không gia đình để tu học chánh pháp. Với sự tinh tiến thường xuyên, tỷ kheo Thiện cái gieo trồng đủ hết gốc rễ công đức, nên không bao lâu mà được năm thần thông, được pháp tổng trì, được tài hùng biện, không ai thắng nổi. Sau khi đức Dược vương như lai nhập niết bàn, tỷ kheo Thiện cái lại hoàn thiện đủ cả về thần thông, tổng trì, các đại năng lực, các sự không sợ ; trong mười thời kỳ bậc giữa, tỷ kheo Thiện cái tiếp tục đẩy tới bánh xe chánh pháp mà đức Dược vương như lai đã chuyển đẩy. Tỷ kheo Thiện cái hộ trì chánh pháp như vậy nên trong một đời sống ấy mà hóa độ được một ngàn ức người phát tâm tuệ giác vô thượng, làm cho họ không còn thoái chuyển đối với tuệ giác ấy ; làm cho mười bốn tải người đứng vào vị trí thanh văn duyên giác; lại làm cho không biết bao nhiêu người được sinh chư thiên.

Chư vị tỷ kheo, chư vị muốn biết luân vương Bảo cái lúc ấy thì nay là Bảo diệm như lai, ngàn vương tử của luân vương Bảo cái lúc ấy là ngàn đức Phật trong Hiền kiếp mà khởi đầu là Câu lưu tôn như lai, chấm hết là Hân lạc như lai. Trong số ấy, vương tử Thiện cái chính là bản thân Như lai. Bởi sự thể này mà chư vị phải biết mọi sự hiến cúng không gì bằng hiến cúng chánh pháp. Xưa nay và sau này, chư Phật đều do hiến cúng chánh pháp mà ra. Và thiện nam hay thiện nữ nào muốn hiến cúng chánh pháp đối với chư Phật khắp các khu vức vũ trụ thì hãy tiếp nhận kính giữ Pháp hoa, đọc tụng, diễn giảng, phân tích cho ai cũng thấy chỉ có cỗ xe duy nhất, không có ba cỗ xe.

Vào lúc ấy, đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

Giả sử có ai
muốn biết pháp lớn
để dạy cho người
cùng thành Phật cả,
thì hãy tiếp nhận
kinh Pháp hoa này,
nói cho xa gần
những người chưa biết.
Như các dòng nước
cùng đổ về biển,
hợp thành một vị
chứ không khác nhau:
thanh văn duyên giác
cùng với bồ tát,
tất cả qui về
tuệ giác vô thượng.
Lại như nhật nguyệt
chiếu khắp gầm trời
lúa má, cây thuốc,
và cả gai góc;
Pháp hoa cũng vậy,
đem tuệ tối thượng
chiếu sáng ba cõi,
dẫn vào đồng nhất.
Xưa có Phật đà
danh hiệu Dược vương;
luân vương bấy giờ
tên là Bảo cái,
trong năm thời kỳ
hiến cúng lên ngài
đủ thứ cần thiết
không thiếu gì cả.
Lại dạy ngàn con
hiến cúng như mình.
Ngàn con vâng mệnh,
phấn chấn đầy lòng,
cũng năm thời kỳ
hiến cúng lên Phật
đồ ăn đồ nằm
cờ lọng kịch nhạc.
Vương tử Thiện cái
thanh vắng suy nghĩ
có cách nào hơn
cách hiến cúng này?
Thiên nhân trong không
nói cho biết rằng
hiến cúng chánh pháp
là cách hơn cả.
Vương tử hỏi lại
cách ấy thế nào,
thì thiên nhân bảo
hãy đến hỏi Phật.
Vương tử đến hỏi,
Phật dạy rõ ràng.
Kho tàng chánh pháp
tinh tế khó hiểu,
với ba tam muội
thì hiểu chính xác.
Và đại từ bi
thì thắng ma vương,
sáu hai ngụy thuyết
tự bị loại trừ.
Quán sát vô thường
khổ không vô ngã,
thì biết không ngã
không nhân, thọ, mạng.
Thích ứng nắm vững
tuệ giác Không sinh
thì chuyển đẩy được
pháp luân bất thoái,
làm cho các pháp
chiếu sáng lẫn nhau.
Mười hai duyên khởi
tương quan tương sinh,
nhưng biết được rằng
tất cả vốn Không
thì không tất cả
mở đầu kết cuộc.
Vương tử Thiện cái
liền được tuệ giác
thích ứng chánh pháp,
nguyện Phật nhập diệt
thì làm thành trì
giữ gìn chánh pháp.
Và nhờ tinh tiến,
vương tử thu hoạch
năm thứ thần thông
các pháp tổng trì
các tài hùng biện,
giáo hóa tất cả:
đưa ngàn ức người
đứng vững vào trong
tuệ giác vĩ đại,
mười bốn tải người
thực hiện tuệ giác
duyên giác thanh văn,
và vô số người
được sinh chư thiên.
Vì sự thể này,
Như lai ca tụng
hiến cúng chánh pháp
là cách tối thượng.
Ai muốn hiến cúng
bằng cách thức ấy
thì hãy nhận giữ
Diệu pháp liên hoa.
Hãy phân tích rõ
cho mọi người biết
về sự phương tiện
Như lai áp dụng,
nên không thật có
hai cỗ xe kia,
mà cùng qui về
cỗ xe duy nhất.

 

Phụ Lục 4   [^]
cho ghi chú số 161,
trích Tấn dịch (Chính 9/102-103)

Đức Thế tôn bảo bồ tát Đại biện (Đại lạc thuyết): Ngôi tháp bằng bảy chất liệu quí báu này ở khu vức chính đông mà nằm ở dưới, cách đây vô số hằng sa cõi Phật, thường ở trong hư không mà chưa xuất hiện bao giờ. Nay, đức Đa bảo phật đà ở trong bảo tháp ấy, vốn thấy ta, Thích ca như lai, khi làm bồ tát thì vì chúng sinh mà không tiếc thân mạng, siêng năng không nhác trong việc thực hành những sự toàn hảo, ấy là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, nhất tâm, trí tuệ; là cần đầu cho đầu, cần mắt cho mắt, cần mũi cho mũi, cần tai cho tai; và tay chân, mọi bộ phận khác của bản thân; và hoàng hậu, vương tử, quần thần; và bảy thứ quí báu, xe thuyền, voi ngựa, quần áo, áo lông; và đô thành, quận huyện; tất cả mọi thứ, ai cần gì thì tùy thích, Như lai cho hết mà không tiếc, tự đưa mình đến chỗ được thành Phật đà - vốn thấy như vậy nên đức Đa bảo phật đà xuất hiện để trọng kính Như lai, muốn mời Như lai cùng ngồi trên pháp tòa sư tử của ngài mà giảng nói Pháp hoa, khai hóa tất cả, cho ai nấy cùng hưởng ân huệ. Rồi đây Như lai sẽ làm theo lời mời ấy: sẽ cùng ngồi pháp tòa của ngài mà phô diễn Pháp hoa. Đức Thế tôn nói lại việc này bằng chỉnh cú sau đây.

Ai nghe nói đến
Đa bảo phật đà,
và nhận thức được
danh hiệu của ngài,
thì không sợ chết
cũng chẳng sợ sinh,
không còn gặp nữa
khổ đau phiền lụy.
Tựa như nghe được
Dược vương như lai
và nếu trì niệm
danh hiệu của ngài,
thì bịnh tự lành
và biết đời trước.
Thế nên tất cả
mọi sự hiến cúng,
hiến cúng chánh pháp
mới thật tối thượng:
với tuệ giác Không
đạt đến Phật tuệ.
Cho nên Như lai
tuyên thuyết Pháp hoa,
dạy cả những ai
năng lực bất cập,
cho họ biết rằng
không ba cỗ xe,
và biết thích ứng
cỗ xe duy nhất.
 
Phụ Lục 5 [^]
cho ghi chú số 275,
trích Anh dịch (do Phật tử Lệ Pháp dịch)

(27) Ngài, thương xót thế gian như vậy, sẽ thành Phật, diệt trừ tất cả hiểm nguy và đau buồn. Con xin khiêm tốn cúi mình trước ngài, đức Avalokitesvara.

(28) Đức thế tôn này của thế giới, vị thủ lãnh này của các vua, là nguồn đức độ tu hành phong phú, ngài, được thế giới tôn thờ, đã đạt đến tuệ giác thuần khiết, tối thượng, sau khi gắng sức theo con đường của mình trong hàng trăm niên kỷ.

(29) Lúc thì đứng bên phải, lúc thì đứng bên trái đức bổn sư Amitabha của ngài, và quạt hầu vị ấy, nhưng do định lực, ngài vẫn hiện đến vinh danh các đức Gina ở mọi phương hướng.

(30) Về phía tây, nơi mà thế giới Sukhakara thanh khiết tọa lạc, và đức bổn sư Amitabha của ngài, đấng thuần hóa mọi người, cư trú cố định ở đấy.

(31) Ở đấy không có phụ nữ, sự giao hoan thì hoàn toàn không được biết đến ở đấy; ở đấy các con trai của đức Gina, khi xuất hiện trong cõi sống thì bằng cách hóa sinh; ở đấy ngài đang ngồi ở trong đài sen không ô uế.

(32) Và chính đức bổn sư Amitabha của ngài thì ngồi trên ngai trong một đài sen tinh khiết, xinh đẹp, và chiếu sáng như Sala-ma.

(33) Vị lãnh đạo thế giới mà kho tàng công đức của ngài được ca ngợi, thì không có sự tương tự nào trong thế giới ba cõi. Ôi vị tối cao của con người, xin hãy cho chúng con sớm được như ngài!

Ghi chú: Avalokitesvara: Quan tự tại (Quan thế âm). Amitabha: A di đà. Sukha-kara: Cực lạc. Gina: Tối thắng. Sala-ma?

 

Phụ Lục 6 [^]
cho các ghi chú số 277 và 289,
trích chú thích của Chính 9/58, 59 và 61.

(1) Phạn văn minh chú của bồ tát Dược vương: Anye manye mane mamane citte carite same samita visante mukte muktatame same avisame samasame (jaye) ksaye aksaye aksine sante samite dharani alokabhase pratyaveksani nidhiru abhyantaraniviste abhyantaraparisudhi mutkule mutkule arade parade sukanksi asamasame budhavilokite dharmapariksite samghanirghosani (nirghoni) bhayabhayavisodhani mantre mantraksayate rute rutakausalye aksaye aksayavanataye (vakkule) valoda amanyanataye svaha.

(2) Phạn văn minh chú của bồ tát Dũng thí: Jvale mahajvale ukkle (tukke) mukke ade adavati nrtye nrtyavati ittini vittini cittini nrtyani nrtyavati svaha.

(3) Phạn văn minh chú của Tỳ sa môn thiên vương: Atte (tatte) natte vanatte anade nadi kumadi svaha.

(4) Phạn văn minh chú của Trì quốc thiên vương: Agane gane gauri gandhari candali matangi pukkasi samkule vrusali sisi svaha.

(5) Phạn văn minh chú của các La sát nữ: Iti me iti me iti me iti me iti me nime nime nime nime nime ruhe ruhe ruhe ruhe ruhe stuhe stuhe stuhe stuhe stuhe svaha.

Phạn văn minh chú của bồ tát Phổ hiền: Adande dandapati dandavartani dandakusale dandasudhari sudhari sudharapati budhapasyanê sarvadharani avartani sarvabhasyavartane suavartane samghapariksani samghanirghatani (saddharmasupariksite) asamge samgapagate tradhvasam- gatulya (prante) sarvasamgasamatikrante sarvadharmasupariksite sarvasattvarutakausalyanugate simhavikridite anuvarte vartani vartali svaha.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09

Source: Buddhism Today, http://www.buddhism.today


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-09-2002