BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Hoa Sen Chánh Pháp
(Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)

Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải


Viết Tắt [^]

Chính: Đại tạng kinh bản Đại chính; thí dụ Chính 9/1t10 là Chính, tập 9, trang 1, khoảng trên (giữa: g, dưới: d), dòng 10.

Vạn: Tục tạng kinh bản chữ Vạn; thí dụ Vạn 42/10A là Vạn, tập 42, tờ 10, mặt trước (sau: B).

Chính văn: Diệu pháp liên hoa, cũng gọi là Tần dịch, của ngài La thập; bản này là chính văn của bản dịch của tôi.

Tấn dịch: Chánh pháp hoa.

Tùy dịch: Thiêm phẩm pháp hoa.

Anh dịch: của Kern.

Luận: luận Pháp hoa.


Ghi Chú  [^]

Ghi Chú (1)
Xét bản chữ Phạn của các kinh đều gọi đức Bổn sư là Thế tôn. Dịch là Phật, chỉ là dịch chủ muốn vắn tắt. Thế tôn ở đây là hóa thân mà cũng là báo thân (Vạn 52/301A). Tôi dùng chữ Thế tôn để hầu hết gọi đức Bổn sư, và ngài tự xưng thì hầu hết dùng chữ Như lai.
 
Ghi Chú (2)
Nhưng có vị sẽ là A la hán, như chính ngài A nan.
 
Ghi Chú (3)
Sự sơ hở, chính văn là lậu, dịch sát là sự rỉ lọt. Chỗ nào lậu chỉ cho phiền não thì dịch bằng chữ này. Nhưng vô lậu thì tùy chỗ mà dịch là không sơ hở, không sai sót, thuần khiết, hoàn thiện.
 
Ghi Chú (4)
Hiện hữu, chính văn là hữu, tức 3 cõi, có sống chết, có nghiệp báo.
 
Ghi Chú (5)
Tên các vị này phần nhiều gọi tắt theo thông thường mà vẫn dễ tra cứu.
 
Ghi Chú (6)
Tu học tiếp tục và tu học hoàn tất, chính văn là học vô học (hữu học, vô học), cũng có chỗ sẽ dịch tắt là còn học, học xong.
 
Ghi Chú (7)
Tuệ giác vô thượng là dịch nghĩa và tắt chính văn A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Tuệ giác vô thượng còn là dịch các chữ vô thượng đạo, vô thượng trí, vô thượng tuệ.
 
Ghi Chú (8)
Tổng trì, chính văn có chỗ còn dịch âm là đà la ni. Tổng trì là nắm giữ ghi nhớ một cách bao quát. Nguyên tổng trì có 4: pháp, nghĩa, chú, nhẫn; 3 thứ thực chất là niệm với tuệ, riêng chú thực chất là định, lại thường hay gọi bằng tên chung là đà la ni (tổng trì). Nhưng kinh Pháp hoa này nói tổng trì thì có: nghe nhớ, xoay chuyển vô số (phẩm 17), biết hết tiếng nói của chúng sinh (phẩm 23), minh chú (phẩm 26), xoay chuyển, xoay chuyển vô số và nghệ thuật thuyết pháp (phẩm 28). Gồm lại thì có 5, thực chất chỉ có 4: Một, Nghe nhớ (văn trì) là nghe và nhớ hết các pháp được nghe. Hai, Xoay chuyển (triền, cũng có thể dịch là Vòng xoay) là xoay chuyển sâu vào nội dung của mỗi pháp được nghe nhớ. Phụ thuộc tổng trì này là tổng trì Xoay chuyển vô số (bách thiên vô lượng triền, dịch rõ là tổng trì Xoay chuyển trăm ngàn vô số) là xoay chuyển sâu rộng vào mọi sự tương quan của mỗi pháp được nghe nhớ. Ba, Nghệ thuật thuyết pháp (pháp âm phương tiện, dịch rõ là tổng trì Phương tiện trong tiếng nói thuyết pháp) là biết ngữ văn và biết cách sử dụng thích hợp về ngữ văn ấy để thuyết pháp đã được nghe nhớ. Phụ thuộc tổng trì này là tổng trì Biết hết tiếng nói của chúng sinh (giải nhất thế chúng sinh ngữ ngôn). Bốn, Minh chú (đà la ni: tổng trì, thêm để dễ đọc dễ hiểu là Tổng trì minh chú) là do định mà phát ra những chữ gồm nhiều ý nghĩa và thần dụng. Cứu xét 4 tổng trì của Pháp hoa trên đây thì thấy chỉ là 3 trong 4 tổng trì (là pháp, nghĩa và chú, trừ nhẫn), lại thấy trừ minh chú, 3 tổng trì còn lại rất ăn khớp với 4 tài hùng biện.
 
Ghi Chú (9)
Tài hùng biện (biện tài) có 4: thông suốt giáo pháp (pháp) thông suốt ý nghĩa của giáo pháp (nghĩa) thông suốt ngữ văn của giáo pháp (từ) thông suốt biện thuyết về giáo pháp (biện, chính văn gọi là lạc thuyết: biện thuyết hoan hỷ). Trong 4 thứ, 3 thứ đầu là yếu tố hùng biện, thứ 4 mới là hùng biện, và 4 tài hùng biện này chính văn có chỗ còn gọi là vô ngại hay vô ngại trí, dịch là 4 trí thông suốt.
 
Ghi Chú (10)
Dịch sát là chuyển đẩy bánh xe chánh pháp không thoái chuyển. Không thoái chuyển là không đi lui, đi lệch hay ngừng lại. Pháp không thoái chuyển là để dạy cho bồ tát đệ bát địa sắp lên (Vạn 52/486B).
 
Ghi Chú (11)
Nhưng kinh Đại bát nhã (cuốn 570) nói chủ thế giới hệ Kham nhẫn chính là Phạn vương Trì kế, Trì kế là Thi khí (Vạn 52/313A). Theo đó thì câu này phải dịch: Phạn vương chủ thế giới hệ Kham nhẫn là Phạn vương Thi khí, cùng các Phạn vương đại loại như Phạn vương Quang minh...
 
Ghi Chú (12)
Các tên dịch nghĩa trong đoạn này còn lấy của Tấn dịch và Vạn 52/313A.
 
Ghi Chú (13)
Cũng có nghĩa "bản kinh dạy cho bồ tát và nói về vấn đề của Phật".
 
Ghi Chú (14)
Một cõi Phật (Phật quốc, Phật độ, Phật thế giới) là một hay nhiều đại thiên thế giới.
 
Ghi Chú (15)
Cũng có thể dịch: Đức Thế tôn đang nhập định, cảnh tượng hiếm có này, được biểu hiện bởi sự thể ngoài tầm nghĩ bàn ấy... Dịch như vậy là coi sự nhập định của Phật là sự bất khả tư nghị, sự ấy hiện ra thần biến (tham chiếu Vạn 52/320B).
 
Ghi Chú (16)
Chỉnh cú, chính văn là kệ, là chữ dịch âm và gọi tắt. Chữ này được dịch nghĩa là tụng, và là thể thơ. Nhưng dịch ra Hoa văn rồi dịch lại Việt văn, thì chỉ là lối văn câu và chữ không so le, nên tôi gọi là chỉnh cú. Số thứ tự của văn chỉnh cú Pháp hoa thì dò Anh dịch mà ghi.
 
Ghi Chú (17)
Con Phật, chính văn là Phật tử, dịch rõ là con trai của Phật, đích tử của Phật. Nhưng chữ Phật là chính văn dùng cho vắn tắt. Thật ra có chỗ là con Phật, có chỗ là con đức Tối thắng, có chỗ là con đức Thiện thệ, có chỗ là con đức An trú (tham chiếu Tấn dịch), và kinh này phần nhiều dùng để chỉ cho bồ tát.
 
Ghi Chú (18)
Tuệ giác Phật, hay tuệ giác Phật đà, trí Phật, Phật tuệ, chính văn là Phật đạo (hay Phật trí, Phật tuệ). Phật đạo có nghĩa là trí của Phật, đường của Phật, thành quả của Phật, giáo pháp của Phật. Nhưng nghĩa chính là trí của Phật. Được biết ngài La thập cũng dịch bồ đề là giác, như chữ vô thượng giác trong Phạn võng (Chính 24/100g). Nhưng phần nhiều ngài hay dịch là đạo, với cái nghĩa triết lý của chữ ấy, để hình dung trí Phật biết là ví như cảnh vật hiện trong thể chất trong suốt, hơn là ví như ngọn đèn chiếu soi cảnh vật. Dùng chữ tuệ giác là để dễ hiểu mà thôi. Chỗ nào chữ đạo được dùng với nghĩa đường đi (pháp tu) hay nghĩa khác thì sẽ dịch rõ như vậy, ít nhất là so với Anh dịch.
 
Ghi Chú (19)
Xe liễn là xe do người đẩy, xe dư là xe do người khiêng (nên cũng có thể dịch là cỗ kiệu). Cả 2 nguyên là xe vua dùng.
 
Ghi Chú (20)
Giáo pháp của Phật ví dụ như xe, với ý nghĩa chở người đến chỗ muốn đến. Xe ấy có 3 (tam thừa): cỗ xe thanh văn (thanh văn thừa) cỗ xe duyên giác (duyên giác thừa) cỗ xe Phật đà (Phật thừa). Cỗ xe sau còn gọi là cỗ xe duy nhất (nhất thừa) cỗ xe Phật đà duy nhất (nhất phật thừa) cỗ xe vĩ đại (đại thừa).
 
Ghi Chú (21)
Mui trần hoa myլ chính văn là hoa cái. Cái là che, đậy; là cái nắp, cái vung, mui xe, lọng dù. Dụng cụ thờ phụng và nghi vệ của Phật giáo thì cái là bảo cái, là lọng dù. Riêng chữ kép lọng dù thì ta lọng khác dù khác, còn chữ cái thì lọng cũng cái, dù cũng cái, và nhiều xứ nghi vệ lọng là dù, nên tôi dùng chữ kép lọng dù. Ở đây, hoa cái có thể dịch là hoa và lọng dù, lại có thể dịch là lọng dù hoa myջ nhưng dịch mui trần hoa myՠthì hơn. Sau này chữ cái còn có ở nhiều chỗ, và tùy chỗ mà dịch.
 
Ghi Chú (22)
Kinh hành, cũng gọi là hành đạo, vốn chưa phải nhiễu Phật, cũng không phải tản bộ. Kinh hành là đi trên đường đất nhất định, nếu đất thấp ướt thì lát gạch đá, nếu đi không thẳng thì vạch đất hay dăng dây, và chỗ đi là chỗ trống vắng trong núi rừng, trước cửa tăng xá, trước nhà giảng, trên nền tháp, trên nền tăng xá (nay là tự viện). Đi thì đi tới đi lui, không mau chậm, không lắc mình, không cúi thấp hay ngước cao, và quan trọng là thu nhiếp giác quan, chỉ nghĩ đến đề tài thiền quán hay pháp đang tu. Nay, thay vào có thể niệm Phật. Kinh hành làm khi ngồi thiền mà buồn ngủ, khi mới ăn xong, khi cần vận động: kinh hành để được linh hoạt, có sức, không bịnh, tiêu thực và kiên định.
 
Ghi Chú (23)
Kẻ thượng mạn (hay tăng thượng mạn: kiêu ngạo với cái chưa có mà chỉ tự thêm lên cho là có) ở đây chỉ cho những người chủ trương La hán đã hoàn toàn, đã là Phật đà, đã đủ rồi. Họ chống đối Pháp hoa vì kinh này tuyên bố La hán chưa hoàn toàn, chưa phải là Phật đà; Phật đà mới hoàn toàn, và ai cũng có thể trở thành Phật đà, kể cả các vị La hán.
 
Ghi Chú (24)
Nguyên lý tuyệt đối vắng lặng, chính văn là tịch diệt pháp.
 
Ghi Chú (25)
Bản thể tất cả vạn hữu, chính văn là chư pháp tánh. Khái niệm đối kháng lẫn nhau, chính văn là nhị tướng. Tâm không vướng mắc, chính văn là tâm vô sở trước, tức là sự bất quan tâm: tâm trí không bị cảnh vật chi phối mê hoặc, không vướng mắc các phạm trù tư tưởng phản ảnh khái niệm đối kháng lẫn nhau.
 
Ghi Chú (26)
Màn được kết ngọc, chính văn là châu giao lộ man (hay bảo giao lộ man, bảo man), dịch rõ là màn được đính kết các thứ ngọc một cách giao xen với nhau và lộ bủa cả ra. Dịch như vậy vì tra cứu thấy từ ngữ châu giao lộ man lấy của Tấn dịch. Tấn dịch ở đây không dùng từ ngữ này, nhưng chỗ khác, nhất là phẩm 11 thấy không ít, phẩm 4 cũng thấy có. Những chỗ này cho thấy đừng đọc lộ man là chữ kép, mà chữ kép là giao lộ. Ngay từ ngữ tắt là bảo man cũng đã chứng tỏ như vậy. Vậy giao là giao tạp (giao xen với nhau) lộ là lộ bố (lộ bủa cả ra). Châu giao lộ man là màn (man) được đính kết các thứ ngọc (châu, anh, bảo) một cách giao lộ. Nhưng Tấn dịch cho thấy lộ man còn nói về trướng màn lầu đài đẹp, nhất là đẹp vì kết ngọc hay trang hoàng bằng ngọc, mà được sắp đặt một cách giao lộ: giao lộ châu anh vi đại bảo trướng, Chính 9/80g13; trùng các giao lộ, Chính 9/87t28; giao lộ trướng, Chính 9/103g18; thất bảo giao lộ chi trướng, Chính 9/132g22.
 
Ghi Chú (27)
Kịch nhạc, chính văn là kyՠnhạc, là kịch nghệ và âm nhạc. Nhưng lắm chỗ kyՠnhạc chỉ là diễn tấu nhạc khí, là âm nhạc.
 
Ghi Chú (28)
Một, chữ thọ ký (thụ ký) là 1 âm mà có 2 nghĩa với 2 cách viết. Nếu chủ từ là Phật thì thọ ký nghĩa là trao cho lời ghi nhận, chữ thọ có bộ thủ. Nếu chủ từ là người được trao cho lời ghi nhận thì thọ ký nghĩa là tiếp nhận lời ghi nhận ấy, và chữ thọ không có bộ thủ. Nghĩa trước thường nói. Nghĩa sau trong Pháp hoa vẫn có không ít. Nghĩa trước có lúc để nguyên, có lúc dịch là trao cho lời ghi. Nghĩa sau dịch là tiếp nhận lời ghi, cũng có khi dịch là tiếp nhận sự thọ ký. Hai, thọ ký trong Pháp hoa có 6 chỗ, 5 của Phật, 1 của bồ tát. Năm chỗ của Phật là 1, như các ngài Xá lợi phất, Đại ca diếp, v/v, ai cũng biết và danh hiệu bất đồng, nên thọ ký riêng biệt; 2, 500 và 1200 vị, như ngài Phú lâu na, v/v, vì danh hiệu đồng nhất, nên thọ ký cùng lúc; 3, các vị hữu học vô học cùng một danh hiệu, lại không phải vị nào ai cũng biết, nên thọ ký như nhau; 4, thọ ký riêng cho Đề bà đạt đa là biểu thị Như lai không hề oán ghét; 5, thọ ký cho tỷ kheo ni và thiên nữ (?) là biểu thị nữ nhân tại gia xuất gia mà tu bồ tát hạnh thì cũng đều chứng được Phật quả. Một chỗ của bồ tát là phẩm Thường bất khinh nói vị bồ tát này gặp ai cũng khen tặng, thi lễ, và nói tôi không dám khinh các người, vì các người đều sẽ làm Phật. Thọ ký như vậy biểu thị chúng sinh ai cũng có Phật tánh (Luận, Chính 26/9).
 
Ghi Chú (29)
Thời kỳ, chính văn là kiếp, là dịch âm và gọi tắt chữ kiếp ba, ý nghĩa là thì gian dài. Như vậy thời kỳ (kiếp) là nói về thì gian. Thì gian này có 2 căn cứ. Một, căn cứ sự sống lâu thêm lên hay bớt xuống của con người, và sự kết thành, tồn tại, hư rã và tan biến của vũ trụ. Hai, căn cứ ngày đêm năm tháng. Nói thời kỳ như ở đây, và nói thời kỳ có 3 bậc nhỏ, giữa và lớn (tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp) là nói theo căn cứ một, và khi chỉ nói thời kỳ thì hay chỉ cho thời kỳ bậc lớn hay bậc nhỏ. Cũng nên biết thời kỳ bậc nhỏ của ngài La thập dịch là thời kỳ bậc giữa của ngài Huyền tráng dịch.
 
Ghi Chú (30)
Là dịch 10 đức hiệu của Phật. Tựu trung, Như lai cũng dịch là như khứ, như tri, như thuyết, có nghĩa đức Phật này cũng như các đức Phật khác, nương như thật đạo (an ổn đạo) mà đến nơi thế giới này, mà đi khỏi thế giới này, mà biết và nói. Theo một ý kiến, Thế tôn là đức hiệu chung của 10 đức hiệu. Mười đức hiệu biểu thị 10 đức tính, và gọi là 1 đức Phật là phải có 10 đức hiệu như vậy.
 
Ghi Chú (31)
Phạn hạnh là sự không dâm dục, là từ bi hỷ xả, là hạnh niết bàn. Ở đây là hạnh niết bàn.
 
Ghi Chú (32)
Tuệ giác của Phật có 3. Một, tuệ giác biết toàn thể (nhất thế trí), biết về bản thể; tuệ giác thanh văn có phần tương tự tuệ giác này. Hai, tuệ giác biết đạo pháp (đạo chủng trí), biết về đạo pháp; tuệ giác bồ tát có phần tương tự tuệ giác này. Ba, tuệ giác biết tất cả (nhất thế chủng trí), biết bản thể, hiện tượng, đạo pháp. Riêng nhất thế trí, nhiều chỗ chỉ chung cho tất cả tuệ giác của Phật, thì được dịch là tuệ giác của đấng toàn giác, tuệ giác hoàn toàn.
 
Ghi Chú (33)
Bốn đại lục: 4 thiên hạ.
 
Ghi Chú (34)
Thời kỳ bậc nhỏ: coi lại ghi chú số 29 .
 
Ghi Chú (35)
Niết bàn có 2: diệt sạch phiền não và ác nghiệp mà thân sống chết đang còn thì gọi là niết bàn chưa toàn (hữu dư hay hữu dư y niết bàn); thân sống chết cũng không còn thì gọi là niết bàn hoàn toàn (vô dư hay vô dư y niết bàn).
 
Ghi Chú (36)
Là 3 trong 10 đức hiệu mà thường được nói đến như là thay cho 10 đức hiệu ấy.
 
Ghi Chú (37)
Có 1 thuyết vững vàng nói đáng lẽ đức Di lạc thành Phật trước đức Thích ca (Đại tỳ ba sa, Chính 27/890). Đức Di lạc không những là Phật đương lai, mà đức Bổn sư đã nói tất cả đệ tử hiện nay của ngài, sau này đều gặp đức Di lạc và được độ thoát cho (Chính 2/789 và 14/422). Đối với Pháp hoa, đức Di lạc là vị phát khởi ở đầu và tiếp dẫn ở cuối. Đoạn này nói về nguyên ủy của Pháp hoa thì chỉ là đối với ngài Văn thù, chứ chưa phải như các phẩm 7 và 20 nói. Còn câu chuyện Cầu danh thì chỉ để tỏ ra ngài Văn thù biết việc quá khứ mà thôi (Luận, Chính 26/4).
 
Ghi Chú (38)
Theo văn (có đến 3 chỗ ở trước) và theo việc, thì câu này không thể nói là tất cả cõi Phật (nhất thế chư Phật độ).
 
Ghi Chú (39)
Thật tướng: trạng thái thật, bản chất thật. Thật tướng vắng lặng, chính văn là tịch diệt tướng.
 
Ghi Chú (40)
Thật tướng thuần khiết, chính văn là vô lậu thật tướng.
 
Ghi Chú (41)
Cũng có nghĩa là con đường thông thường, nghĩa là con đường của chư Phật thì như nhau, đồng nghĩa với con đường vĩ đại.
 
Ghi Chú (42)
Coi ghi chú số 39 .
 
Ghi Chú (43)
Phương tiện là phương cách tiện lợi, thích nghi, hàm ý là tài khéo léo, nghệ thuật huấn dụ. Phương tiện là biểu hiện của Bát nhã mà kinh này gọi là sự thấy biết của Phật (Phật tri kiến). Phương tiện không phải chỉ là cách huấn dụ bằng ngôn ngữ. Chỉnh cú số 98 của phẩm 1 cho thấy sự phóng ánh sáng của Phật đã là phương tiện huấn dụ, nói cách khác, đó là thuyết pháp bằng sắc trần. Rồi cách dịch của ngài La thập trong chỉnh cú số 19 của phẩm 3 ngụ ý cho thấy giáng sinh, xuất gia, thành đạo và chuyển pháp luân, những sự ấy của Phật, đặc biệt phẩm 16 cho thấy sự nhập niết bàn của ngài, toàn là phương tiện không những để huấn dụ mà đã là huấn dụ. Còn ở đây, phẩm phương tiện này chủ ý nói về tam thừa: Phật phương tiện thiết lập tam thừa, và nay qui về nhất thừa, tuyên ngôn ai cũng làm Phật.
 
Ghi Chú (44)
Các pháp đạt đến tuệ giác vô thượng, chính văn là đạo pháp, chính văn của luận Pháp hoa trích dẫn nói rõ là a nậu đa la tam miệu tam bồ đề pháp (Chính 26/4). Vậy đạo là dịch nghĩa chữ bồ đề và dịch tắt cả chữ a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
 
Ghi Chú (45)
Ấy là căn cứ Vạn 52/338A-341B mà dịch. Theo thứ lớp, chính văn như sau: vô lượng, vô ngại, lực, vô sở úy, thiền, định, giải thoát, tam muội. Nhưng sự liệt kê này còn thiếu, quan trọng nhất là thiếu 18 sự đặc biệt (thập bát bất cọng pháp) (tham chiếu Luận, Chính 26/4).
 
Ghi Chú (46)
Đây là chính văn mà luận Pháp hoa trích giải: Xá lợi phất, chỉ Như lai với Như lai mới thuyết được pháp, vì chỉ Như lai với Như lai mới biết được thật tướng cứu cánh của pháp ấy. Xá lợi phất, chỉ Như lai mới biết được pháp, Xá lợi phất, chỉ Như lai mới thuyết được pháp: pháp ấy là gì, pháp ấy vì gì, pháp ấy như gì, pháp ấy tướng gì, pháp ấy tánh gì. Là gì, vì gì, như gì, tướng gì, tánh gì, tất cả những gì về pháp như vậy, Như lai thấy như hiện có trước mắt chứ không phải không thấy như hiện có trước mắt (Luận, Chính 26/4 và 14). Do đó mà biết 10 như vậy được liệt kê trong chính văn ở đây, là triển chuyển huấn thích 5 gì (Vạn 52/342B).
 
Ghi Chú (47)
Trong mười như vậy (hay 5 gì) tướng (biểu hiện) và tánh (thực chất) là tổng quát nên nêu lên. Còn các như vậy khác là những nghĩa lý của tướng và tánh.
 
Ghi Chú (48)
Chữ ngài tự nói (tự thuyết) ăn xuống đến 2 chỗ trong bài chỉnh cú số 23 ở dưới. Hai chỗ này vốn có và lẽ đáng phải nói tự thuyết đạo tràng sở đắc pháp..., tự thuyết ngã ý nan khả liễu... Nhưng chính văn đã dịch lược đi, nay phải bổ túc (tham chiếu Tấn dịch, Chính 9/68d20-23).
 
Ghi Chú (49)
Dịch như vậy là để cho sát với kinh này; kinh này nói tuệ giác La hán chưa hoàn toàn, các vị La hán phải đi tới tuệ giác Phật đà mới là hoàn toàn. Sát thì phải dịch: đã là thành quả rốt ráo? hay là con đường đang đi?
 
Ghi Chú (50)
Các căn ở đây là tín (tin tưởng) tiến (nỗ lực) niệm (ký ức) định (chuyên chú) tuệ (minh sát). Đó là 5 căn bản quan trọng, mở đầu cho các bồ đề phần pháp.
 
Ghi Chú (51)
Trấu lép, chính văn ở đây, và sau đây trong chỉnh cú số 40, là chi diệp. Chi diệp là nhánh lá, vụn vặt. Vụn vặt ở đây là trấu lép, rác rưới. Như vậy mới chỉnh đối với hạt chắc (trinh thật).
 
Ghi Chú (52)
Chính văn ở đây còn 4 chữ nữa: sử đắc thanh tịnh (cho được trong suốt), nhưng rõ ràng hoặc ở đây thừa, hoặc 3 câu dưới thiếu, nên tôi lược đi.
 
Ghi Chú (53)
Có 4 điều cần nói. Một, 4 chữ khai thị ngộ nhập, mà tôi thêm mỗi chữ 1 chữ nữa thành chữ kép khai mở, chỉ thị, tỉnh ngộ, nhập vào, là muốn giữ nguyên chữ và ý của chính văn. Chữ và ý ấy khá đơn giản: Phật xuất thế là để khai thị Phật tri kiến cho chúng sinh ngộ nhập. Hai, về thứ tự thì 4 sự này rất đúng với luận Pháp hoa (Chính 26/7 và 16). Ba, do 2 chỗ sau này nữa mà biết 4 chữ khai thị ngộ nhập cũng có nghĩa đều là của Phật: khai là mở mắt cho chúng sinh thấy Phật tri kiến, thị là chỉ cho chúng sinh thấy Phật tri kiến, ngộ là thức tỉnh cho chúng sinh thấy Phật tri kiến, nhập là dẫn chúng sinh vào con đường Phật tri kiến. Bốn, nhưng 4 sự cũng có nghĩa đều là của chúng sinh: đối với Phật tri kiến, khai là phát giác, thị là phát kiến, ngộ là phát hiện, nhập là hội nhập. Ngữ khí đoạn này cũng có nghĩa như vậy.
 
Ghi Chú (54)
Anh dịch có câu này.
 
Ghi Chú (54B)
Chỗ này đáng lẽ phải có một câu nữa, như sau "muốn đem sự thấy biết của Phật khai mở cho chúng sinh".
 
Ghi Chú (55)
Có bản chép sót chữ đạo, Tùy dịch cho thấy như vậy (Chính 9/140g9). Đạo ở đây là bát chánh đạo (bát chánh do lộ), Tấn dịch cho thấy như vậy (Chính 9/69d4).
 
Ghi Chú (56)
Lời này nên được chú thích bằng lời Anh dịch: ... đến việc họ được Như lai thực sự kêu gọi bước đến cỗ xe Phật đà...
 
Ghi Chú (57)
Pháp hạnh đối với Pháp hoa có 4 điều cần nói. Điều một, xét toàn kinh này thì thấy ngoài 2 pháp số 5, còn mấy tiết mục quan trọng nữa. Gồm lại thì pháp hạnh Pháp hoa có 10: tiếp nhận ghi nhớ (thọ trì) đọc xét văn nghĩa (độc) tụng được thuộc lòng (tụng) giảng nói cho người (thuyết, giải thuyết, vị tha nhân thuyết) sao chép ấn hành (thư, thư tả) nhớ nghĩ chính xác (chánh ức niệm) lý giải ý nghĩa (giải kỳ nghĩa thú) làm đúng kinh dạy (như thuyết tu hành), tùy hỷ và hiến cúng. Điều hai, tất cả 10 pháp hạnh này khi thì nói 5 thứ trước, khi nói xen lẫn, khi nói đại khái. Điều ba, tựu trung có 5 thứ cần cắt nghĩa: (1) Sao chép ấn hành. Xưa, qua thời kỳ truyền khẩu thì đến thời kỳ sao chép, chưa có sự ấn hành, mọi phương tiện đọc tụng, truyền bá và bảo tồn đều nhờ sao chép, nên sự ấy rất quí và có phước. Nhưng nay, sự ấy chính là sự ấn hành. (2) Đọc xét văn nghĩa. Chữ độc trong chính văn là học, nghiên cứu, không phải chỉ đọc như thường hiểu. Do đó phải dịch là đọc xét văn nghĩa, có chỗ dịch rõ là nghiên cứu. (3) Giảng nói cho người thì ngoài sự giảng dạy, trước hết còn có cái nghĩa loan báo loan truyền cho người biết đến kinh Pháp hoa. (4) Lý giải ý nghĩa, sát và rõ thì phải dịch là lý giải ý nghĩa đi về đâu, tức là hiểu thấu ý hướng của Phật nói. (5) Đặc biệt nói về chữ thọ trì. Thọ trì nghĩa đen là chịu nắm, tùy trường hợp mà có 3 cách dịch: cách một, dịch tiếp nhận ghi nhớ thì có nghĩa nghe và nhớ về Pháp hoa, sự nghe do đức tin và sự nhớ do ký ức; cách hai, dịch tiếp nhận kính giữ (hay nhận giữ) thì có nghĩa tiếp nhận sự ủy thác của Phật mà bảo tồn Pháp hoa; cách ba, trường hợp có cả 2 nghĩa trên thì tùy nghĩa nào nặng hơn mà dịch theo nghĩa ấy. Điều bốn, riêng cách dịch tiếp nhận kính giữ, chính văn có khi còn dùng chữ phụng trì hay chữ trì, thì dịch tắt là kính giữ, và sự kính giữ (hay tiếp nhận kính giữ) này phải hiểu là giữ bằng tất cả 10 pháp hạnh. Do vậy mà có chỗ nói kính giữ (trì) là đủ cả 10 pháp hạnh ấy.
 
Ghi Chú (58)
Ấy là dịch tên 9 thể loại trong 12 thể loại khế kinh (thập nhị bộ kinh):
1. Tản văn (tu đa la: khế kinh)
2. Chỉnh cú độc lập (dà đà: phúng tụng)
3. Việc cũ (bản sự)
4. Đời trước (bản sinh)
5. Việc hiếm (vị tằng hữu)
6. Nguyên do (nhân duyên)
7. Ví dụ (thí dụ)
8. Chỉnh cú thích ứng (kỳ dạ: ứng tụng)
9. Thảo luận (ưu ba đề xá: luận nghị)
10. Tự nói (tự thuyết)
11. Cực kỳ cao rộng (phương quảng)
12. Thọ ký thành Phật (thọ ký).
Dầu lược đi, nhưng 3 thể loại sau lại chính là sở trường của Pháp hoa. Kinh pháp Phật dạy, tức thánh điển Phật giáo, gồm có 12 thể loại như vậy: 3 thể loại thứ 1, 2 và 8 là chia theo văn chương; 9 thể loại còn lại là chia theo sự lý. Nhưng tuồng như 12 thể loại cũng có nghĩa 12 bộ kinh.
 
Ghi Chú (59)
Ấn tín thật tướng, chính văn là thật tướng ấn: dấu hiệu không thể lầm lẫn về bản chất thật của các pháp.
 
Ghi Chú (60)
"Vì vậy Như lai khai thị nguyên lý" là lấy Tấn dịch mà bổ túc (Chính 9/70d23).
 
Ghi Chú (61)
Thường tự vắng lặng: thường tự niết bàn. Đi trọn đường đi: thực hành trọn vẹn nguyên lý các pháp xưa nay thường tự vắng lặng.
 
Ghi Chú (62)
Chân lý bậc nhất: đệ nhất nghĩa.
 
Ghi Chú (63)
Có bản không chép phước tuệ mà chép phước đức. Tấn dịch cũng chỉ có đức (Chính 9/71t17).
 
Ghi Chú (64)
Coi các ghi chú số 66 và 67 .
 
Ghi Chú (65)
Chính văn chỗ nói tháp, chỗ nói miếu, chỗ nói tháp miếu, tất cả tuy nghĩa là tháp thờ Phật, nhưng cũng có nghĩa như ngày nay nói chùa tháp thờ Phật.
 
Ghi Chú (66)
Do 2 đoạn này nói mà biết các đoạn trước và sau nói đã thành Phật tuệ là nói tắt.
 
Ghi Chú (67)
Do 2 đoạn này nói mà biết các đoạn trước và sau nói đã thành Phật tuệ là nói tắt.
 
Ghi Chú (68)
Nghe danh (không phải chỉ có nghe) là so với Tấn dịch (Chính 9/71d18).
 
Ghi Chú (69)
Chư Phật ở đây là nói chung chư Phật, không phải chỉ nói chư Phật vị lai. Cả 2 bài chỉnh cú số 101 và 102 này dịch theo sự giải thích của Vạn 52/367B. Các pháp thường không cố định (chư pháp thường vô tánh) là tánh biến kế không thật. Giống Phật cũng phát từ các yếu tố (Phật chủng tùng duyên khởi) là tánh y tha duyên sinh (mà là phần thanh tịnh). Bản thể an trú (pháp trú) và bản thể nguyên vị (pháp vị) là 2 trong 5 hay 12 tên của chân như, và là tánh viên thành chân thật. Nói giản dị, vì cái xấu có thể dứt bỏ, cái tốt có thể làm thành, và vì như thế là do bản thể chúng sinh vốn nguyên vẹn trong suốt (thật tướng của chính thế gian cũng vẫn thường trú), 2 cái vì này chính là nhất thừa mà Phật dạy cho chúng sinh bỏ xấu, làm tốt, phục hồi thanh tịnh.
 
Ghi Chú (70)
Có bản chép hỷ xưng nam mô Phật, chép như vậy đúng hơn chép xưng nam mô chư Phật (tham chiếu Tấn dịch, Chính 9/72g29).
 
Ghi Chú (71)
Tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/72d17).
 
Ghi Chú (72)
Pháp không có khác nhau, chính văn là vô phân biệt pháp, cũng có thể dịch là pháp ngoài tầm nghĩ bàn.
 
Ghi Chú (73)
Câu này có nghĩa như vầy: Con là La hán (đã hết phiền não), lo buồn vì hoài nghi mình không được như Phật; nay nghe Phật nói thì hết cả nỗi lo buồn ấy.
 
Ghi Chú (74)
La hán tự cho mình hoàn toàn, nghĩ mình không thể được như Phật: như vậy là mình tự dối gạt mình.
 
Ghi Chú (75)
Đến ngồi nơi bồ đề tràng: một cách nói về sự thành Phật.
 
Ghi Chú (76)
Niết bàn ở đây, chính văn là diệt độ (hay diệt, độ). Diệt là dứt bặt, độ là vượt qua, 2 chữ cùng nghĩa, và có nhiều chỗ, như ở đây, ghép thành chữ kép. Những chỗ khác dùng chữ đơn là diệt hay độ, nhưng chữ độ được dùng nhiều hơn. Diệt độ như vậy là dị danh của niết bàn, giải thoát, nên có chỗ, như ở đây, tôi đổi ra niết bàn cho ăn với văn trên.
 
Ghi Chú (77)
Thế tôn nói rõ, những chữ này ăn xuống đến 2 bài chỉnh cú ở dưới.
 
Ghi Chú (78)
Dịch như vầy là coi lại sự tự thuật của Phật trong văn chỉnh cú của phẩm 2 (các số 54-69 và 107-134). Dịch sát chính văn thì hơi chuyển ý: Như nay đức Thế tôn từ giáng sinh, xuất gia, đắc đạo (đến) chuyển pháp luân, cũng đem (bao) phương tiện (ấy) mà thuyết (pháp này).
 
Ghi Chú (79)
Coi lại ghi chú số 76 .
 
Ghi Chú (80)
Đường ngã tám, chính văn là bát giao đạo (hay bát đạo), tôi suy luận mà dịch như vậy, và có nghĩa những con đường (chứ không phải chỉ có 8 con đường) có 8 nẻo giao mối với nhau.
 
Ghi Chú (81)
Vải, chính văn là y. Y ở đây không phải chỉ là áo, mà là vải choàng, khăn choàng, và thường là đồ tốt, đẹp, và cũng gọi là y. Chữ y trong Luật tạng chỉ cho tất cả đồ mặc và đồ dùng về vải, chỉ cho vải. Kinh này có chỗ chữ y chỉ nói về vải.
 
Ghi Chú (82)
Năm hợp thể: ngũ chúng (hay ấm, uẩn).
 
Ghi Chú (83)
Tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/75t19).
 
Ghi Chú (84)
Ngưu là bò. Thủy ngưu mới là trâu.
 
Ghi Chú (85)
Theo thứ tự, chính văn như sau: căn, lực, giác, đạo, thiền, định, giải thoát, tam muội.
 
Ghi Chú (86)
Theo thứ tự, chính văn là nhất thế trí, Phật trí, tự nhiên trí và vô sư trí.
 
Ghi Chú (87)
Người vĩ đại: ma ha tát.
 
Ghi Chú (88)
Chính văn có bản chép năng tận thọ (có khả năng tiếp nhận được hết), nhưng chép tận năng thọ (hết cả mọi người đều có khả năng tiếp nhận) mới đúng. Tham chiếu Tùy dịch (Chính 9/146g27).
 
Ghi Chú (89)
Câu này nên hiểu rõ thêm bằng câu sau đây: ... do phương tiện lực mà Như lai chỉ nói cỗ xe Phật đà (Tấn dịch, Chính 9/76g13).
 
Ghi Chú (90)
Nói chung mái lợp đúng hơn nói tranh lợp (phú chiêm).
 
Ghi Chú (91)
Ghi chú này từ đầu bài chỉnh cú 39-40 cho đến đây, và các tên khoa học đều lấy của Từ hải. Cú mèo (si): Scops semitorques. Chim cắt (điêu): tự điển nói là biệt danh của chim thứu, nhưng chính văn kinh này, ở đây và sau đây, đều có thể là loại riêng. Chim kiêu (kiêu): Strix uralensis. Chim thứu (thứu): Aquila chrysactus (kên kên?). Hổ mang (nguyên: hủy). Rắn độc (xà): các thứ rắn độc khác. Rắn phúc (phúc): Trigonocephalus blomhoffii. Bò cạp (hiết): Buthussp. Rít (ngô công): Scolopendra. Du diên: Thereuonema tuberculata. Cọp vách (thủ cung): Gecko japonicus, thuộc loại cắc kè, gọi là thủ cung (giữ cung) hay bích hổ (cọp vách) đều là hỗn danh, nhưng chữ thủ cung thì tục. Sâu chiếu (bách túc): Julus. Chồn dứu (dứu): Mustela itatis. Chồn cầy (li): Nyctereutus procynoides. Cáo (hồ): Vulpesvulpes japonicus. Dã can: linh cẩu? Bầy chó: Anh dịch là chó, chó rừng. Bò sát độc địa (độc trùng chi thuộc): Anh dịch là rết, rắn khổng lồ, rắn viper. Sinh sản ấp nuôi (phu nhủ sản sinh): phu là chim ấp trứng, nhũ là thú nuôi con (Vạn 52/400A).
 
Ghi Chú (92)
Chuyển một chút thì câu này nên dịch: Nghe có tiếng người, ông biết con ông ...
 
Ghi Chú (93)
Người có cái oai chúa tể như cái oai sư tử thì người ấy ngồi đâu, chỗ ấy cũng gọi là chỗ ngồi sư tử.
 
Ghi Chú (94)
Chính văn là thuyết đạo, chữ đạo này không phải đi với chữ thuyết như chữ thuyết đạo trong truyện Tàu. Anh dịch, dầu không tự chắc chắn, "ta đã giải thích theo phương cách này: Tỉnh ngộ trong ý thức trọn vẹn lòng ham muốn mạnh mẽ là nguyên lai của đau khổ".
 
Ghi Chú (95)
Không còn chỗ dựa, phải hiểu là không còn vướng mắc (Tấn dịch, Chính 9/78g16). Chân lý diệt khổ, dịch sát: chân lý thứ ba. Vì chân lý ấy, dịch sát: vì chân lý diệt khổ. Tu chân lý về đường diệt khổ, Tấn dịch: tu 8 đường chánh (Chính 9/78g18).
 
Ghi Chú (96)
Nên thêm: tuyên bố rằng niết bàn mà chưa được tuệ giác vô thượng là chưa thật niết bàn.
 
Ghi Chú (97)
Nên thêm: chứ không muốn đem lại niết bàn như vậy.
 
Ghi Chú (98)
Và "chung kết" (Tấn dịch, Chính 9/78g24).
 
Ghi Chú (99)
Tham chiếu Anh dịch.
 
Ghi Chú (100)
Là thời kỳ bậc giữa của ngài Huyền tráng dịch, tức thời kỳ bậc nhỏ của ngài La thập dịch. Tham chiếu Vạn 52/411B.
 
Ghi Chú (101)
Cũng có thể có nghĩa: có được cái gì thì liền mất ngay.
 
Ghi Chú (102)
Chính văn là vĩnh. Vĩnh là vĩnh viễn, là thì gian dài. Ở đây là nghĩa sau.
 
Ghi Chú (103)
Ấy là 3 pháp tam muội, chính văn là không, vô tướng là vô tác (vô nguyện).
 
Ghi Chú (104)
Chính văn là bản quốc. Bản quốc ở đây không phải là nước mình, xứ cũ, mà là chỗ cha đang ở. Toàn bộ sự lý của ngụ ngôn này cho thấy như vậy.
 
Ghi Chú (105)
Chính văn là nhất thành, nghĩa là một đô thành (nào đó). Dịch đô thành ấy để khỏi lặp lại chữ vừa dịch (coi ghi chú 104 trên) và khỏi bị hiểu lầm.
 
Ghi Chú (106)
Chính văn là phẩn, nhưng không phải chỉ là phân, mà là rác rưới dơ bẩn, có phân và nước tiểu.
 
Ghi Chú (107)
Khổ vì sự khổ thành tựu (khổ khổ) khổ vì sự vui hư mất (hoại khổ) và khổ vì vạn hữu diễn biến (hành khổ).
 
Ghi Chú (108)
Điển hình như trường hợp ngài Tu bồ đề nói về Bát nhã.
 
Ghi Chú (109)
Sát và thêm cho rõ thì phải dịch: ta cần gì? cần áo hay cơm? (chỉ cần có thế) mà đến nhằm chỗ này (để bị như vầy). Cũng có thể chuyển văn mà dịch: vị gì cơm áo mà đến nỗi này.
 
Ghi Chú (110)
Câu này nên hiểu rõ hơn bằng câu Anh dịch sau đây: ... đã không tuyên bố với chúng con rằng các người sẽ thành Phật, nhưng nói chắc chắn các người là đệ tử của ta, là con trai của ta.
 
Ghi Chú (111)
Sát và rõ thì dịch: ở trong trạng thái thân thể sống chết cuối cùng, nghĩa là được niết bàn chưa toàn. Niết bàn chưa toàn: coi lại ghi chú 35 .
Ghi Chú (112)
Câu này chính văn đặt dưới hết của đoạn này. Tôi dời lên đây cho dễ hiểu.
 
Ghi Chú (113)
Tất cả bản dịch khác tiếp đây còn có 1 phần nữa. Coi phụ lục 1.
 
Ghi Chú (114)
Trăm triệu, chính văn là na do tha, dịch nghĩa là cai: 100 triệu (Vạn 52/447B).
 
Ghi Chú (115)
Vòng hoa, chính văn là anh lạc. Anh lạc là chuỗi ngọc, nhưng cũng có chỗ chỉ là vòng hoa, có chỗ lại là vòng hoa ngọc (ngọc được chạm trổ hình hoa, và cũng gọi là chuỗi ngọc). Các hương liệu, dịch đủ là hương xoa (cũng là dầu thơm, sáp thơm) hương bột (cũng là phấn thơm) và hương đốt; nhưng đủ mà không đủ bằng chữ hương liệu. Lọng dù, chính văn là tăng cái. Cái: coi lại ghi chú số 21. Tăng là lụa dày. Ở chỗ khác, tăng cái có thể dịch là lụa vải và lọng dù, nhưng ở đây tăng cái là lọng dù làm bằng lụa dày, và dịch lọng dù là dịch tắt. Tràng phan là cờ và phan; phan là cờ bằng dải vải, gấm hay lụa rủ xuống.
 
Ghi Chú (116)
Hai câu này chính văn là trường biểu kim sát. Trường biểu (tiêu biểu lâu dài) chứ không phải cao biểu (tiêu biểu cao lên) (tham chiếu Tùy dịch, Chính 9/156). Kim sát nghĩa là cõi vàng, nguyên để gọi cõi Phật, sau cũng để tôn xưng tháp Phật (tôn xưng chùa Phật thì gọi là Phạn sát). Nhưng kim sát ở đây không phải chỉ cho tháp, mà chỉ cho vật tiêu biểu tháp. Vật ấy cũng gọi là kim sát. Vật ấy không phải duy nhất, nhưng quan trọng là sát trụ. Trên tháp, làm trụ cao vọt lên, có khoanh (khấc); 8 khoanh sắp lên là tháp Phật. Chóp trụ là hình viên ngọc vọt sáng. Có khi trụ này dựng riêng trước tháp, tức như ta gọi là trụ biểu. Có khi không có tháp mà chỉ có trụ, và trụ này chính là tháp. Chóp tất cả loại trụ nói trên đây đều làm bằng vàng, có khi còn mắc phan, gài hoa, và cũng làm bằng vàng, nên gọi là kim sát. Trong chóp tất cả loại trụ, nhất là loại sau hết, đều tôn trí xá lợi của Phật. Và dĩ nhiên đây là nói về tháp và trụ tháp thời cổ của Ấn độ.
 
Ghi Chú (117)
Tương quan xa xưa là dịch từ ngữ túc thế nhân duyên của ngài La thập ở cuối phẩm 6, và từ ngữ vãng cổ của ngài Pháp hộ (Tấn dịch). Tuồng như đó mới là nguyên đề, và ăn mạch hơn với các phẩm 6 ở trước và 8 ở sau. Nội dung phẩm này nói đến tương quan thầy trò từ xưa giữa Phật và các vị đệ tử thanh văn, từ đó cho thấy niết bàn của thanh văn chỉ là cái thành biến hóa để tạm nghỉ mà thôi, và có lẽ do vậy mà có tên là Ví dụ thành biến hóa (Hóa thành dụ). Mặt khác, trong phạm vi tương đối, phẩm này và phẩm 20 (Bồ tát Thường bất khinh) mới nói về nguyên ủy kinh Pháp hoa của đức Bổn sư.
 
Ghi Chú (118)
Pháp của tuệ giác chư Phật, chính văn là Phật pháp, gồm có (1) nội dung của tuệ giác ấy, tức các phẩm chất siêu việt, như tam minh, lục thông ..., như thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cọng pháp ...; (2) đối tượng của tuệ giác ấy, tức như các bài chỉnh cú số 3,4 và 5 của phẩm 2 nói. Hiện ra như ở trước mắt (hiện tại tiền, hiện tiền) là hiện rõ trong trí như thể ở ngay trước mắt.
 
Ghi Chú (119)
Rõ thì phải nói tự trang hoàng mình bằng 32 tướng đại trượng phu mà mỗi tướng được tạo ra bởi cả trăm phước đức.
 
Ghi Chú (120)
Bất tử, chính văn là cam lộ: dị danh của thuốc bất tử.
 
Ghi Chú (121)
Tập hợp được, chính văn phải chép tập là tập hợp mới đúng, chép tập là luyện tập là sai. Tham chiếu Tùy dịch (Chính 9/159g26).
 
Ghi Chú (122)
Chuyển đẩy bánh xe chánh pháp (chuyển pháp luân), chuyển đẩy mà dịch thật rõ thì phải là lăn đẩy thẳng tới phía trước: lăn đẩy thẳng thì không đi lệch, tới phía trước thì không ngừng, không đi lui. Còn bánh xe chánh pháp ở đây là 4 đế và 12 duyên khởi. Trước hết nói về 4 đế, thì có 3 chuyển 12 hành (3 lần chuyển đẩy với 12 phương thức): đối với mỗi đế, Phật thị (chỉ rõ ) khuyến (khuyến cáo) và chứng (làm chứng); 4 đế đều 3 chuyển, thành 12 hành, kê rõ như sau. Một là khổ đế: thị (đây là khổ) khuyến (đây là khổ, chư vị cần biết) chứng (đây là khổ, Như lai đã biết). Hai là tập đế: thị (đây là khổ tập) khuyến (đây là khổ tập, chư vị cần đoạn) chứng (đây là khổ tập, Như lai đã đoạn). Ba là diệt đế: thị (đây là khổ diệt) khuyến (đây là khổ diệt, chư vị cần chứng) chứng (đây là khổ diệt, Như lai đã chứng). Bốn là đạo đế: thị (đây là khổ diệt đạo) khuyến (đây là khổ diệt đạo, chư vị cần tu) chứng (đây là khổ diệt đạo, Như lai đã tu). Như vậy gọi là 3 chuyển 12 hành của chung 4 đế, và nói theo gốc. Nhưng 12 hành mà Phật chuyển như vậy mỗi hành làm cho người nghe (mà đầu tiên là 5 vị tỷ kheo do ngài Kiều trần như đứng đầu) phát sinh vô lậu tuệ với 4 hành nữa là nhãn: nhãn kiến, trí: quyết đoán, minh: chiếu liễu và giác: cảnh giác (chữ của Đại tỳ bà sa) thành ra 48 hành; 48 hành này cũng gọi là 3 chuyển 12 hành, và đó gọi là 3 chuyển 12 hành của riêng mỗi đế, và nói theo ngọn. Do 48 hành này, nghĩa là do nhãn trí minh giác của vô lậu tuệ, mà người nghe đầu tiên là ngài Kiều trần như đã được gọi là A nhã (Hiểu), và chuyển pháp luân có một cách giải thích: chánh pháp tứ đế như bánh xe được Phật lăn từ tuệ giác của ngài vào tâm trí của người nghe. Đó là nói về tứ đế. Còn 12 duyên khởi thì Phật có 2 cách chuyển: một, nói theo chiều lưu chuyển (vô minh sinh thì hành sinh ...); hai, nói theo chiều hoàn diệt (vô minh diệt thì hành diệt ...). Lưu chuyển là khổ đế và tập đế được nói rộng ra, hoàn diệt là diệt đế và đạo đế được nói rộng ra. Và như vậy cũng có thể gọi là một cách chuyển pháp luân về tứ đế.
 
Ghi Chú (123)
Không tham đắm các pháp, chính văn là bất thọ nhất thế pháp, dịch sát là không tiếp nhận các pháp. Các pháp ở đây là vạn hữu, là sắc thanh hương vị xúc, chứ không phải là Phật pháp. Các pháp như vậy dẫu tương quan nhau mà thực chất tách rời nhau (nhân duyên tánh ly), sự tách rời ấy gọi là các pháp không tiếp nhận nhau; thể hiện sự không tiếp nhận này gọi là không tiếp nhận các pháp. Không tiếp nhận các pháp có 2 cách: cách đốn ngộ là sự rơi rụng (thoát lạc) của Thiền tông nói; còn cách bình thường là sự không tham đắm mà Vạn 52/442B huấn thích, sự ấy chính là không ái và thủ trong 12 duyên khởi.
 
Ghi Chú (124)
Sơ hở, chính văn là lậu, coi lại ghi chú số 3 .
 
Ghi Chú (125)
Trình bày, thuyết phục, khuyến khích và tán thưởng, chính văn là thị giáo lợi hỷ, nghĩa đen là chỉ dạy lợi mừng. Đại trí độ luận (dịch chủ cũng là ngài La thập) cuốn 54 nói, thị là trình bày cho người nghe rõ về thiện ác, tốt(niết bàn) xấu (sinh tử) ..., giáo là thuyết phục cho người nghe bỏ ác làm lành, rời xấu theo tốt ..., lợi là chỉ ích lợi trong sự thực hành ấy màkhuyến khích cho người nghe ..., hỷ là tán thưởng sự thực hành ấy cho người nghe vui mừng ... Lối thuyết pháp của Phật đà và Bồ tát được trang nghiêm bằng 4 sự như vậy.
 
Ghi Chú (126)
Phát tâm tuệ giác vô thượng, chính văn là phát a nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm, gọi tắt là phát bồ đề tâm. Phát bồ đề tâm có ít ra là 4 giai đoạn thành 4 ý nghĩa. Đầu tiên, phát bồ đề tâm là phát giác bản tánh tuệ giác vô thượng của tâm. Kế đó, phát bồ đề tâmlà lập chí nguyện mong cầu phát lộ tuệ giác vô thượng ấy. Kế đó nữa, phát bồ đề tâm là phát triển tuệ giác vô thượng ấy bằng cách đoạn trừ dần dần mọi sự vô minh phiền não. Sau hết, phát bồ đề tâm là phát lộ hoàn toàn tuệ giác vô thượng ấy.
 
Ghi Chú (127)
Tấn dịch khá rõ như vậy (Chính 9/92d26). Anh dịch cũng rõ.
 
Ghi Chú (128)
Tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/92g16) và Anh dịch.
 
Ghi Chú (129)
Toàn là do sinh, chính văn là giai tùng sinh duyên hữu, dịch rõ là: toàn là do sinh duyên mà có. Tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/93g12) và Anh dịch, biết sinh là sinh trong 12 duyên khởi, nhưng hữu thì không phải hữu trong 12 duyên khởi, nên sinh duyên là chữ kép (có nghĩa: sinh, 1 trong 12 duyên khởi nên gọi là sinh duyên; chứ không phải sinh duyên là các duyên phát sinh).
 
Ghi Chú (130)
Kệ đây không phải là văn chỉnh cú, mà chỉ là lối tính tổng số chữ của kinh luật luận. Tổng số chữ ấy gồm tất cả thể loại, kể cả loại chỉnh cú. Kệ ấy gọi là thú lô ca (sloka), mỗi bài có 32 chữ (nghĩa là mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có 8 chữ) và mấy bài là tổng số. Thí dụ nói Pháp hoa có 1 vạn bài kệ (hay tụng) có nghĩa 10.000 x 32 = 320.000 chữ. Nay nói những bài kệ nhiều bằng hằng sa là tổng số không thể tính được nữa, lại có nghĩa tất cả vạn hữu toàn là biểu thị Pháp hoa, toàn nói lên đạo lý kinh này.
 
Ghi Chú (131)
Tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/94g17).
Ghi Chú (132)
Thiếu 1 câu đáng ghi, "đối với chánh pháp vĩ đại thì mừng mừng tủi tủi" (Anh dịch: lòng đầy kính trọng) (Tấn dịch, Chính 9/94d2).
 
Ghi Chú (133)
Tiếp đây Tấn dịch có 1 đoạn nữa. Coi phụ lục 2.
 
Ghi Chú (134)
Bốn trí thông suốt, coi lại ghi chú số 9 .
 
Ghi Chú (135)
Xác tín, chính văn là thẩm đế, có nghĩa xác thực, xác tín, nhưng ở đây là xác tín, (Anh dịch: tin tưởng mạnh mẽ). Trong sạch: không vụ danh lợi.
Ghi Chú (136)
Thật quá rõ ràng để thấy Pháp hoa đề cao sự thuyết pháp, nên thọ ký cho ngài Phú lâu na đã đặc biệt, mà nói về pháp sư sau đây (phẩm 10) càng đặc biệt.
 
Ghi Chú (137)
Anh dịch ghi bài chỉnh cú này là số 32 và vị trí sau bài chỉnh cú số 31.
 
Ghi Chú (138)
Áo trong, dịch đúng là trong áo (y lý). Nhưng đối chiếu với bài chỉnh cú số 37 ở dưới, thấy áo đây là áo trong (nội y) và dịch sát và đủ là trong áo trong (nội y lý).
 
Ghi Chú (139)
Gieo vào chúng con chí nguyện tối thượng, chính văn là linh chủng vô thượng nguyện, dịch sát là làm cho chúng con gieo trồng chí nguyện tối thượng. Nhưng phải chuyển mà dịch như trên cho sát ý và việc.
 
Ghi Chú (140)
Giữ ở đây vừa là giữ trong trí (đa văn, ghi nhớ) vừa là giữ cho còn (trông coi, duy trì) và ngài A nan làm việc sau bằng chính việc trước.
 
Ghi Chú (141)
Một, người diễn giảng Pháp hoa, chính văn là pháp sư; pháp ở đây là Pháp hoa. Hai, Tấn dịch (Chính 9/99-100) đề phẩm này là Dược vương như lai, và trước hết có 1 đoạn khá dài; coi phụ lục 3.
 
Ghi Chú (142)
Lời này rõ ràng là thọ ký. Sự thọ ký này nên được thêm vào trong 5 chỗ thọ ký của Phật (coi lại phần Hai của ghi chú 28).
 
Ghi Chú (143)
Coi lại ghi chú số 57 . Không nên thấy ở đây đưa ra 5 pháp hạnh mà cho pháp sư Pháp hoa chỉ làm 5 pháp hạnh này, lại càng không thể cho Pháp hoa chỉ có 5 pháp hạnh này.
 
Ghi Chú (144)
Coi lại ghi chú số 115 .
 
Ghi Chú (145)
Chính văn là y phục. Y phục ở đây là vải lụa gấm vóc dùng làm khăn, đãy, bao, hộp mà che phủ bọc đựng cuốn kinh.
 
Ghi Chú (146)
Câu này nên được hiểu rõ hơn bằng câu Anh dịch sau đây: phải được coi là sẽ được hoàn myՠtrong tuệ giác tối thượng.
 
Ghi Chú (147)
Hiến cúng đủ cả là hiến cúng đủ hết những gì có thể hiến cúng, lại hiến cúng cho cả người và chỗ diễn giảng Pháp hoa, không phải chỉ hiến cúng cuốn kinh và chỉ hiến cúng những gì ở trên mới nói.
 
Ghi Chú (148)
Trang phục của Như lai là pháp y của ngài và phước tuệ của ngài. Ở đây vẫn có cả 2 nghĩa, nhưng nghĩa trước là chính.
 
Ghi Chú (149)
Anh dịch: người ấy mang vác Như lai trên vai.
 
Ghi Chú (150)
Mau được, chính văn là tức đắc, tức ở đây nghĩa là mau (Anh dịch là sớm).
 
Ghi Chú (151)
Tuệ giác tự nhiên: tự nhiên trí.
 
Ghi Chú (152)
Tuệ Biết tất cả: coi lại ghi chú số 32 .
 
Ghi Chú (153)
Bản kinh xác quyết cho các thanh văn, chính văn là quyết liễu thanh văn pháp, có nghĩa Pháp hoa là kinh có uy lực xác quyết mọi vấn đề quan trọng (pháp) của chư vị thanh văn. Nói cách khác, nguyên thỉ và tiểu thừa được chung quyết ở đây, trong kinh Pháp hoa.
 
Ghi Chú (154)
Bài chỉnh cú này Anh dịch ghi số 33 và vị trí đặt theo thứ tự ấy.
 
Ghi Chú (155)
Hộ trì (hộ niệm): truyền cảm hứng, ban phước cho.
 
Ghi Chú (156)
Các phía ở các tầng của tháp, dĩ nhiên là tháp rất lớn, phía nào cũng có một hay nhiều chỗ rỗng và lớn như phòng, cửa cuốn theo hình khám thờ, gọi là khám thất, nên Tấn dịch là cửa có mái hiên, Anh dịch là cửa cuốn.
 
 
Ghi Chú (157)
Chính văn là kỳ chư phan cái (các lọng dù có mắc phan phướn; chứ không phải là cờ phan và lọng dù, vì cờ phan đã nói rồi). Anh cũng dịch là hàng dù. Nhưng xét Tấn dịch đúng hơn; ở đó, Chính 9/102dl, dịch rõ là bảo cái (bảo cái bằng ngọc). Bảo cái này phải là trên tháp mới cao đến Tứ thiên vương thiên.
 
Ghi Chú (158)
Tôi dịch lại, và chấm câu thật sát, như sau, cho rõ thêm: Ngài có thể đem kinh Pháp hoa, (pháp dạy bồ tát và pháp Phật hộ niệm) của tuệ giác bình đẳng vĩ đại mà nói cho đại chúng. Ý nghĩa là Phật đem kinh Pháp hoa của tuệ giác Phật mà nói cho các chúng chúng sinh, vậy mà nói thật cả: đó mới là điều đức Đa bảo tán dương.
 
Ghi Chú (159)
Đọc lạc hơn nhạo: nói một cách vui vẻ chứ không phải ưa nói.
 
Ghi Chú (160)
So với phẩm 12 (thực là phần sau của phẩm này) thì biết chép hướng đông không đúng, hoặc phải như Tấn dịch (Chính 9/102d26) nói hướng đông mà ở dưới.
 
Ghi Chú (161)
Tấn dịch tiếp đây có 1 đoạn nữa. Coi phụ lục 4.
 
Ghi Chú (162)
Coi lại ghi chú số 57 .
 
Ghi Chú (163)
Ở đây là Sắc cứu cánh thiên, tột đỉnh của thế giới có hình sắc. Nếu nói tột đỉnh của thế giới có sống chết thì gồm cả Phi phi tưởng thiên trên nữa.
 
Ghi Chú (164)
Hoại kiếp là thời kỳ hư rã, 1 trong 4 thời kỳ là kết thành, tồn tại, hư rã và tan biến (thành trú hoại không) của đại thiên thế giới. Một trong 3 cái gọi là đại tam tai của hoại kiếp là hỏa hoạn, nên gọi là lửa hoại kiếp (tựa như nói lửa tận thế, dầu lửa hoại kiếp khác hẳn lửa tận thế).
 
Ghi Chú (165)
Coi lại ghi chú số 58 .
 
Ghi Chú (166)
Một, các bản dịch khác không để phẩm này riêng ra, mà chỉ là phần kế tiếp của phẩm 11. Do đó mà Anh dịch văn chỉnh cú vẫn đánh số liên tiếp theo phẩm ấy. Hai, Pháp hoa sớ của ngài Trúc đạo sinh (Vạn 150/396B) và Pháp hoa nghĩa ký của ngài Pháp vân (Vạn 42/80A) không có cả trường hàng và kệ của phẩm này, cũng không có trong phẩm 11. Nhưng điều này phải tồn nghi, vì lời tựa của Tùy dịch (Chính 9/134) nói chính văn chỉ thiếu kệ. Ba, nhưng nói thiếu kệ cũng phải tồn nghi, vì nói kệ của phẩm này do tiên hiền (?) tục xuất, mà xuất từ đâu thì không thấy nói. Dĩ nhiên Tùy dịch chỉ sao lại sự tục xuất ấy. Thêm nữa, lời tựa của Tùy dịch nói phẩm này và phẩm Phổ môn, chính văn thiếu kệ; nhưng, thí dụ trong Pháp hoa nghĩa sớ, phẩm Phổ môn không có kệ (Vạn 42/494B), còn phẩm Đề bà lại có (Vạn 42/455A).
 
Ghi Chú (167)
Cả 2 bài chỉnh cú ở dưới và lời này, tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/105), Anh dịch, lại xét câu trả lời của ngài Văn thù, thì thấy là thể hỏi, nên phải bổ túc 2 chữ vào lời này và chuyển văn mà dịch 2 bài chỉnh cú ở dưới.
 
Ghi Chú (168)
Chính văn là vô bất tông phụng giả, có thể dịch ai cũng thờ phụng. Nhưng xét ra, thấy dịch như đã dịch thì hơn: tôn thờ (phụng) như bậc đồng tông (tông) là kính mà thân.
 
Ghi Chú (169)
Chính văn có bản chép hựu văn: lại nghe (ngài Văn thù nói). Nhưng Tùy dịch chép hữu văn: có người nghe (ngài Văn thù nói). Như vậy hữu hơn hựu, nhưng bỏ cả 2 chữ cũng không hại gì.
 
Ghi Chú (170)
Chính văn là trì. Nói vắn tắt, trì là nắm giữ không mất: nắm giữ cho còn trong trí (ghi nhớ) là trì, mà nắm giữ cho còn trong đời (duy trì) cũng là trì. Ở đây là nghĩa thứ hai, và giữ đây là nhận nơi Phật mà giữ, nên dịch bằng chữ kép kính giữ. Kính giữ bằng mọi pháp hạnh, trong đó có sự diễn giảng, nên chỉ nói trì là đủ cả. Coi lại ghi chú số 57.
 
Ghi Chú (171)
Thiện quốc, dịch đúng là quốc độ tên Thiện (Tấn dịch là Nhân hiền).
 
Ghi Chú (172)
Bài này dịch như thế, thật ra là: chúng con không tiếc tính mạng; chúng con nguyẹẤn tương lai giữ pháp Phật ký thác là vì tuệ giác vô thượng.
 
Ghi Chú (173)
Cổ đức mệnh danh 4 cách sống yên vui này là thân, miệng, ý, và nguyện, nghĩa là toàn bộ thân tâm sống đúng cách sống mang đầy tính cách giới luật, sống đúng tâm nguyện Pháp hoa. Nhưng riêng cách thứ nhất mà chỉ nói là thân thì rõ ràng không đủ; với chỗ đi và chỗ thân được nói, chứng tỏ cách này là căn bản. Thêm nữa, cũng nên xét để thấy 4 cách này là quảng diễn 3 pháp của phẩm 10.
 
Ghi Chú (174)
Chính văn là diệc bất hành bất phân biệt, tham chiếu Anh dịch, thấy câu này nghĩa là không tìm tòi, không thảo luận. Nhưng tôi muốn xuôi với văn khí ở trên (không đi theo pháp nào ...) nên dịch cũng không đi theo sự không nhận thức các pháp.
 
Ghi Chú (175)
Đâm nhau, vật nhau: đấu kiếm, đô vật. Hóa trang, chính văn là na la, nhiều chú thích nói là vẽ mình, kể cả vẽ mày mặt, có chú thích nói là lực sĩ đấu sức. Tôi chọn chú thích trước. Chiên đà la: thợ thịt, đao phủ. Ác luật nghi: thề làm ác, sống bằng nghề ác.
 
Ghi Chú (176)
Nhưng đây chỉ là nói sự tế nhị vì hạnh nguyện bất đồng, chứ không phải bảo kỳ thị, vô lễ, phạm luật tỷ kheo.
 
Ghi Chu (177)
Tục gọi là lại cái.
 
Ghi Chú (178)
Toàn thể chính văn này nói cho tỷ kheo để làm điển hình, nên đối tượng hay nói về nữ. Như vậy chói qua tỷ kheo ni thì đối tượng hay nói về nam. Nhưng răn không thân gần là cốt để giáo hóa, không phải không thân gần là không giáo hóa, là kỳ thị.
 
Ghi Chú (179)
Câu này chính văn là vô sở hữu tánh, nhất thế ngữ ngôn đạo đoạn. Vô sở hữu tánh là không thật có (hay rõ hơn: không phải mọi tánh cách có). Nhưng rõ ràng câu nhất thế ngữ ngôn đạo đoạn (nói giản dị: tất cả ngôn ngữ đều không thấu) đi một mạch với câu trên (vô sở hữu tánh), nên câu này cũng như nói nhất thế tâm hành xứ diệt (nói giản dị: tất cả tư duy đều không đạt), và tôi dịch như đã dịch. Dịch như đã dịch (không phải những sự sở hữu của tư duy) thì mọi phạm trù có không v/v của tư duy sở hữu đều không phải, chứ không phải chỉ phạm trù có mới không phải.
 
Ghi Chú (180)
Ba tạng tiểu thừa, chính văn là 3 tạng. Từ ngữ này là để gọi 3 tạng của Thượng tọa bộ do ngài Ca diếp chủ trì. Và ai thuộc cả 3 tạng này thì gọi là tam tạng học giả: học giả thuộc cả 3 tạng (Công đức luận, Chính 25/34). Nhưng từ ngữ này chứa đầy tính cách độc quyền: để những gì không có trong đó thì dám cho là phi Phật thuyết cả. Độc quyền như vậy cốt loại đại sĩ tạng và tạp tạng (đại thừa và bản sinh) mà3 tạng của Thượng tọa bộ đã lựa bỏ, nhưng 3 tạng của Đại chúng bộ, do ngài Ba sư ba, 1 trong 5 vị tỷ kheo đầu tiên chủ trì thì lấy cả, và gọi là 5 tạng. Cuối bách kỷ 1 hay đầu bách kỷ 2 sau Phật nhập diệt, ngài Đại thiên nhập đại sĩ tạng và tạp tạng vào 3 tạng chứ không để riêng ra nữa, nghĩa là hủy bỏ tính cách độc quyền nói trên. Nay, ở đây chính văn nói 3 tạng là chỉ 3 tạng của Thượng tọa bộ như đã nói trên, nhưng chỗ khác gọi rõ 3 tạng ấy là 3 tạng tiểu thừa. Tôi dùng từ ngữ này, vì từ ngữ này mới đúng với chính ý ở đây.
 
Ghi Chú (181)
Cả 2 bài chỉnh cú 5-6 này chính văn là cập tỷ kheo ni háo hý tiếu giả, thâm trước ngũ dục, cầu hiện diệt độ, chư ưu bà di, giai vật thân cận. Tôi ngờ chép sai thứ tự; đáng lẽ nên chép cập tỷ kheo ni háo hý tiếu giả, thâm trước ngũ dục chư ưu bà di, cầu hiện diệt độ, giai vật thân cận. Dịch thì có 2 cách. Một, dịch như đã dịch là tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/107d29 và 108t1) và Anh dịch. Hai, tham chiếu văn trường hàng "không thân gần bốn chúng cầu niết bàn của thanh văn" thì nên dịch: những tỷ kheo ni ưa thích cười giỡn, những nữ tín đồ quá ham ngũ dục, những người tìm kiếm niết bàn hiện tại, với những người ấy đều chớ thân gần.
 
Ghi Chú (182)
Ghi hết chính văn là thọ trì đọc tụng. Ghi hết như vậy thì vì thừa mà hóa quá thiếu: làm cho chữ thọ trì chỉ có nghĩa tiếp nhận ghi nhớ mà mất cái nghĩa tiếp nhận kính giữ; còn nói tiếp nhận kính giữ bằng cách đọc tụng, thì làm sao giữ được và khó gì lắm đâu. Nên đoạn dưới chính văn chỉ có chữ trì, và ở đây cũng phải như vậy.
 
Ghi Chú (183)
Thường thấy lắm người hay vi phạm huấn dụ này.
 
Ghi Chú (184)
Hay nơi vương miện.
 
Ghi Chú (185)
Căn bản và năng lực thuần khiết: ngũ căn và ngũ lực vô lậu.
 
Ghi Chú (186)
Ma nghĩa là sát hại thiện pháp, tuệ mạng và tính mạng. Ma có 4: hợp thể (ấm ma), phiền não, chết chóc và ma vương. Ở đây không nói ma vương, vì ma vương đã nói ở trên. Nhưng ma vương mới thật là ma, khêu gợi và lợi dụng 3 loại ma kia.
 
Ghi Chú (187)
Nhiều vị hơn nữa, tất cả từ ngữ này đều lấy chữ của văn chỉnh cú ở dưới. Dịch sát thì phải nói huống chi các vị: huống chi các vị chỉ dẫn theo ít hơn, tức là đệ tử được dẫn theo càng ít thì thầy dẫn theo càng nhiều.
 
Ghi Chú (188)
Chỉ 1 câu này cũng đủ thấy đức Di lạc nói không biết gì về các bồ tát dũng xuất từ đất, chỉ là một cách nói.
 
Ghi Chú (189)
Sát thì phải dịch: Như lai nay muốn phát lộ tuyên thị về trí tuệ của chư Phật, về sức mạnh thần thông tự tại của chư Phật, về sức mạnh sư tử vung mình của chư Phật, về sức mạnh thế lớn uy mãnh của chư Phật.
 
Ghi Chú (190)
Chữ thật của chính văn vừa có nghĩa thành thực mà không dối, vừa có nghĩa xác thực mà không lầm. Nay dịch không có lời nói không thật thì thật ra chỉ được nghĩa thành thực nhiều hơn.
 
Ghi Chú (191)
Phân tích (phân biệt) ở đây là lý luận và tranh luận.
 
Ghi Chú (192)
Chính văn là phân biệt, ở đây có nghĩa là phân biệt và nói.
 
Ghi Chú (193)
Dịch sát chính văn: hoặc nói thân mình hoặc nói thân người, hoặc chỉ thân mình hoặc chỉ thân người, hoặc chỉ việc mình hoặc chỉ việc người. Chỉ, chính văn là thị, vừa có nghĩa là chỉ, vừa có nghĩa là thị hiện.
 
Ghi Chú (194)
Rõ ràng phẩm này nói Phật thường trú bất diệt có nghĩa là vĩnh viễn tồn tại mà không có nhập diệt. Tức là nói đến sự sống lâu bất tận. Và lý do được đưa ra như câu này thì thật ít thấy. Câu bổ túc là tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/113d25).
 
Ghi Chú (195)
Tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/114d6). Ở đó nói bồ tát và chúng sinh. Bồ tát là số bồ tát dũng xuất.
 
Ghi Chú (196)
Tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/114d12) thì thấy câu này, và lý do này, chỉ là thêm cho rõ.
 
Ghi Chú (197)
Do câu này mà có thành ngữ Linh sơn tịnh độ. Nhưng thật ra vì khi Phật nói câu này (và kinh này) thì ở Linh sơn nên nói xuất hiện tại đó, mà thôi, không phải Phật chỉ ở đó và chỉ xuất hiện ở đó, nói cách khác, không phải chỉ có Linh sơn mới là tịnh độ của Phật. Phật ở ngay nơi chỗ mỗi người chúng ta, không bao giờ mất đi. Khi không còn ảo giác sinh diệt mất còn thì thấy Phật, thấy tịnh độ của ngài.
 
Ghi Chú (198)
Thành quả, ở đây và ở 2 phẩm sau, chính văn là công đức. Công đức (punyâbhi-samskâra?) phần chính chỉ cho thiện pháp (thiện nghiệp). Thiện pháp vừa là việc tốt, vừa là đức tính của việc tốt ấy, nên gọi là công đức. Như vậy công là đức, và công đức là chữ gọi mọi thành tích do bản thân công tích thành thục, bao gồm mọi đức tính hay phẩm chất tốt, mọi ích lợi tốt; trong mọi ích lợi tốt không những bao gồm cả phước đức và tuệ giác (là đức tính hay phẩm chất tốt) mà còn gồm cả chủ thể và khách thể (là thân thể và quốc độ trang nghiêm). Nhưng để y chữ công đức thì quen quá hóa ra gần như không hiểu gì cả, nên tùy chỗ mà để nguyên, hoặc đổi ra thành quả, ích lợi, đức tính, phẩm chất, và có khi là phước đức.
 
Ghi Chú (199)
Tuệ giác Không sinh (vô sinh pháp nhẫn), có thể thêm: tuệ giác Không phát sinh, và dịch sát: sự thể nhận Pháp không phát sinh. Nhẫn ở đây là nhẫn chịu, chấp nhận, thể nhận; nó là nhân của trí, có chỗ cũng tức là trí. Vô sinh pháp nhẫn cũng gọi là Bất khởi pháp nhẫn: tuệ giác Không nổi dậy. Không phát sinh (hay không nổi dậy) là không phát sinh phiền não ác nghiệp. Pháp không phát sinh là thật tướng (bản thể) vốn không phải phiền não, không sinh phiền não; thể nhận Pháp không phát sinh ấy gọi là tuệ giác Không sinh. Được tuệ giác này là được đến vị trí Không thoái chuyển (Bất thoái: a bệ bạt trí).
 
Ghi Chú (200)
Coi lại ghi chú số 8 .
 
Ghi Chú (201)
Chính văn chép: nhị thiên trung quốc độ (2 ngàn trung thiên thế giới). So với trên dưới, so với chỉnh cú (trung thiên giới), tham chiếu Tấn dịch (Chính 9/115g20) biết phải chép trung thiên quốc độ mới đúng.
 
Ghi Chú (202)
Trừ Bát nhã là vì chính Bát nhã là Phật tri kiến: là chủ thể của Pháp hoa.
 
Ghi Chú (203)
Chính văn là chư hữu đắc pháp giả. Đắc pháp là chữ trước đây tăng giới hay dùng, nhưng không thấy có trong từ điển, và ý được nói cũng không phải nghĩa ở đây. Ở đây có lẽ đắc pháp không phải là chữ kép. Tôi lượng định ý nghĩa mà dịch như đã dịch, và có nghĩa là sự tự cho đã được cái mà thực sự chưa được.
 
Ghi Chú (204)
Lời này của Phật rất là quan trọng. Nên xưa đã có 4 ý thú và 4 tất đàn để hiểu ý hướng của lời Phật. Những kẻ lợi dụng lời Phật để tự đề cao, cố ý hiểu những lời đề cao của Phật thành những lời phán quyết của ngài, những kẻ ấy phải nhớ lấy lời răn dạy này.
 
Ghi Chú (205)
Tăng xá, chính văn là tăng phường (khu vức của chư tăng cư trú, tức như chữ tự viện ngày nay). Tôi đổi ra tăng xá cho dễ hiểu (cũng với nghĩa đã nói).
 
Ghi Chú (206)
và.
 
Ghi Chú (207)
Tham chiếu Anh dịch.
 
Ghi Chú (208)
Coi lại ghi chú số 116 .
 
Ghi Chú (209)
Những tên hoa này là Trung hoa dịch nghĩa những tên hoa được dịch âm sau đây, kê theo thứ tự của chính văn: tu man na, chiêm bặc và a đề mục đa dà.
 
Ghi Chú (210)
Tùy hỷ: tán thành, tán trợ, tán thưởng, tán đồng, vui vẻ chấp nhận, nhưng vẫn không bằng nghĩa đen là mừng theo.
 
Ghi Chú (211)
Pháp hóa: sự giáo hóa, hóa cải, giáo dục của Pháp, nói cách khác, Pháp có cái năng lực ấy, nên gọi là Pháp hóa.
 
Ghi Chú (212)
Chư thiên có cái quả báo cung điện tùy thân, mọi sự di chuyển là cung điện ấy di chuyển theo ý muốn. Do đó mà có người dịch là xe trời.
 
Ghi Chú (213)
Chính văn là diệm (hay dương diệm), là giữa đồng nội mênh mông, ánh nắng với gió cuốn bụi lộng lên, xa trông như nước cuộn, hoặc nắng bốc hơi, xa trông như sóng gợn. Loài hươu khi khát hoa mắt hay thấy như vậy và chạy đến, nhưng đến thì dĩ nhiên không phải là nước: cái gọi là giá trị cuộc đời chỉ là ảo ảnh của chính cái gọi là khát ái.
 
Ghi Chú (214)
Câu này, ở đây cũng như ở 5 đoạn sau, hãy coi lại các ghi chú số 57 và 143 . Với các ghi chú ấy, câu này có thể nói như thế này là đủ và mới đủ: ... đối với Pháp hoa mà biết kính giữ bằng mọi pháp hạnh ... Nên dưới đây nhiều chỗ chỉ dùng chữ kính giữ (trì) ấy.
 
Ghi Chú (215)
Căn đây có thể hiểu là giác quan, mặc dầu khi nói về lưỡi và thân thì không hoàn toàn chỉ là nghĩa ấy.
 
Ghi Chú (216)
Chính văn là thanh tịnh, có nghĩa trong sạch, trong sáng, hoàn hảo, xuất sắc ...
 
Ghi Chú (217)
Không hỏng (bất hoại) là không bị rối loạn, không bị chế ngự, không bị suy yếu, bực bội, không bị cản trở.
 
Ghi Chú (218)
Hơi, chính văn hương. Hương có khi là thơm (phản nghĩa xú là thối), nhưng ở đây là hơi: hơi thơm hơi thối hay hơi gì cũng là hương.
 
Ghi Chú (219)
Chính văn chỉ là vô căn cập phi nhân. Vô căn: không đủ bộ phận (khuyết tật). Phi nhân: không phải nhân loại (quái thai). Nhưng so với câu chưa phân nam nữ thì phải dịch như đã dịch.
 
Ghi Chú (220)
Chính văn: chúng bảo hoa trang nghiêm, cũng có thể dịch: những vật thể rực rỡ khác.
 
Ghi Chú (221)
Những người trong 7 người vật quí báu (thất bảo) của luân vương thì có 4: bảo nữ (ngọc nữ) bảo trí (thủ tướng) bảo binh (tổng chỉ huy quân đội) và bảo tạng (tổng trưởng tài chính).
 
Ghi Chú (222)
Luân vương có vị cũng có cái phước như chư thiên, đi đâu thì cung điện tùy thân, và cung điện ấy được coi như xe (nên có người dịch là xe). Đó là 1 ý kiến. Ý kiến khác nói xe luân vương đi vừa lớn vừa đẹp như cung điện vậy. Tôi dịch theo ý kiến sau cho dễ hiểu.
 
Ghi Chú (223)
Dạ xoa: quỉ ăn thịt người. La sát: quỉ bạo ác. Tỳ xá xà: quỉ điên cuồng (hay quỉ ăn tinh khí).
 
Ghi Chú (224)
Là thanh văn, duyên giác, bồ tát.
 
Ghi Chú (225)
Tuy dịch như vậy mà tôi không yên tâm. Chính văn là tục gian kinh thư, trị thế ngữ ngôn, tư sinh (sự) nghiệp. Tra cứu Tấn dịch và Anh dịch thấy không rõ ràng, theo đó tuồng như chỉ có nghĩa đơn giản: châm ngôn phổ biến, cách ngôn răn đời, nghề nghiệp mưu sinh. Nghĩa đơn giản này quả thật quá nhẹ đối với chính văn. Nhưng dịch như đã dịch (học thuyết thế gian, lý thuyết chính trị, công nghiệp dân sinh) lại nặng thêm đối với chính văn ẩ Không những nặng thêm mà đã và sẽ còn bị lợi dụng bởi những kẻ đại ngôn loạn ngữ, sính nói những điều mà ít nhất phẩm 14 đã cấm k﮼/dt>
 
Ghi Chú (226)
Những chữ bổ túc là tham cứu Anh dịch. Những chữ này loại bỏ sự nói ngẫu nhiên mà hợp Phật pháp, nhất là loại bỏ sự nói phóng túng hoặc suy diễn theo tư ý mà tự cho là "theo Pháp hoa thì nói gì cũng hợp Phật pháp".
 
Ghi Chú (227)
Chính văn là tứ nguyệt (4 tháng), thực sự là nói 1 mùa của Ấn độ. Xứ này mỗi năm có 3 mùa, mỗi mùa có 4 tháng.
 
Ghi Chú (228)
Chính văn: tùy nghĩa thức thự đệ, dịch rõ là biết theo ý nghĩa nhất quán của các chi tiết khác nhau mà nhận thức sự thứ tự (không mâu thuẫn) của các chi tiết ấy.
 
Ghi Chú (229)
Coi lại ghi chú số 130 .
 
Ghi Chú (229B)
Ngài Văn thù chỉ biết nguyên ủy Pháp hoa ngang đây.
 
Ghi Chú (230)
Đoạn này tham chiếu Anh dịch mà chấm câu và dịch. Anh dịch cũng thấy đoạn này bất thường: không giống lắm với chỉnh cú số 9 lặp lại dưới đây, không nói ưu bà di mà chỉ nói ưu bà tắc, nhưng quan trọng nhất là chỉ nói tỷ kheo ni mà không nói tỷ kheo. Cũng nên biết Tư Phật (Sugataketana?) là tên một ưu bà tắc có tiếng đã nói đến trong kinh Thiên Phật nhân duyên (cũng do ngài La thập dịch, Vạn 49/183B dẫn). Tấn dịch có lẽ có bổ túc, như sau: 500 bồ tát đứng đầu bởi Hiền hộ, 500 tỷ kheo tỷ kheo ni đứng đầu bởi Sư tử nguyệt, 500 ưu bà tắc và 500 ưu bà di, vân vân (Chính 9/123g21).
 
Ghi Chú (231)
Vướng mắc các pháp (kế trước ư pháp, trước pháp), Tấn dịch sở đổ điên đảo: nhìn thác loạn (Chính 9/123d6). Như vậy vướng mắc các pháp là chỉ tin những khái niệm do nhận thức thác loạn.
 
Ghi Chú (232)
Tội tình, chính văn là tội, có lẽ có nghĩa tôểi báo. Nhưng ở đây nghĩa này không thích hợp lắm. Sự chịu đựng của ngài Bất khinh là hạnh nguyện, không phải là tội báo. Tội tình là chữ thông tục, tôi mượn chữ ấy mà dịch là giữ chính văn nhưng làm nhẹ bớt đi.
 
Ghi Chú (233)
Chính văn là nhân phi nhân, có 2 nghĩa với 2 cách dịch. Một, dịch là người và không phải người thì bao gồm loài người (là 4 chúng) và những loài không phải loài người (là 8 bộ). Hai, dịch là người mà không phải người thì chỉ cho 8 bộ: 8 bộ là những loài không phải loài người, nhưng khi đến nghe pháp thì hiện ra thân loài người. Ở đây là nghĩa thứ hai (loài người là 4 chúng thì đã nói ở trên).
 
Ghi Chú (234)
Đàn chỉ thường được dịch là gãymóng tay. Xét chữ và việc thì không đúng. Đàn chỉ nói 2 ý. Ý tốc độ (mau như đàn chỉ) thì dịch sao cũng được. Nhưng ý tiếng động nhỏ thì phải xét. Xét chỉ là ngón tay, không phải móng tay. Đàn chỉ là bật ngón tay, búng ngón tay, hay gõ ngón tay (vào vật khác): như vậy mới đúng chữ và việc, nhất là việc trong Luật, và có thể là việc ở đây. Thấy có người đập vào nhau cả 4 ngón tay của 2 bàn tay, gần như vỗ tay, cách ấy cũng đáng chú ý trong vài trường hợp làm theo Luật.
 
Ghi Chú (235)
Bảo cái bằng hoa, chính văn là bảo trướng. Trướng là che ở trên, nên cũng là bảo cái. Tấn dịch là bảo hoa cái (Chính 9/124g11), Anh dịch cũng tương tự.
 
Ghi Chú (236)
Chữ của Anh dịch.
 
Ghi Chú (237)
Cũng nên bổ túc mà dịch như vầy: phải coi những chỗ ấy như là bồ đề tràng mà chư Phật ở đó thành tựu tuệ giác vô thượng, (như là vườn Lộc uyển) mà chư Phật ở đó chuyển đẩy bánh xe chánh pháp, (như là rừng Sa la) mà chư Phật ở đó nhập vào niết bàn hoàn toàn.
 
Ghi Chú (238)
Các bản khác để phẩm này ở vị trí cuối cùng.
 
Ghi Chú (239)
Tùy dịch chép tập là tập hợp, không chép tập là luyện tập.
 
Ghi Chú (240)
Câu này chứng tỏ, và sự thật là như vậy, Pháp hoa là 1 trong những kinh pháp sâu xa. Ngoài kinh ấy còn có những kinh khác cũng là kinh pháp sâu xa. Pháp hoa sâu xa, nhưng không phải chỉ Pháp hoa mới là sâu xa, mặc dầu kinh ấy có nhiều sự khá độc đáo.
 
Ghi Chú (240B)
Tôi suy đoán kinh Pháp hoa đến đây đã hoàn tất. Các phẩm sau đây có lẽ thuộc bộ Pháp hoa, hơn là kinh Pháp hoa. Suy đoán này có 1 lý do có thể cho là sai, ấy là luận Pháp hoa có các phẩm ấy.
 
Ghi Chú (241)
Không có 8 nạn (Tấn dịch, Chính 9/125t23).
 
Ghi Chú (242)
Một lần nữa nên ghi chú thêm về bảo cái. Cho đến đây thì thấy rõ vật che trên đầu, chính văn có chỗ dịch cái, chỗ dịch trướng; Tấn dịch cũng vậy; như ở đây chính văn là trướng, Tấn dịch là cái (Chính 9/125t25). Chưa kể trong đoạn đầu phẩm 4, chính văn và Tấn dịch là trướng. Anh dịch là mái hiên. Vậy cái là lọng dù, mui xe, mái hiên, trướng (là vật che trên, che bao quanh mà rủ xuống là màn) và bảo cái trong tượng tranh và các chùa hiện nay; tất cả đều là cái với trướng, và theo chỗ mà có thể dịch là bảo cái. Đến đây cũng thấy phan là phan phướn, dải lụa hay vải.
 
Ghi Chú (243)
Cách (khứ) ở đây đáng lý phải dịch là cao hơn. Nhưng câu bồ tát thanh văn ngồi dưới cây ngọc cho thấy đài ngọc không phải dưới cây ngọc. Vậy cách có nghĩa vừa cao vừa xa.
 
Ghi Chú (244)
Dịch theo Vạn 50/156A. Chính văn thì thứ tự như sau: chiên đàn, huân lục, đâu lâu bà, tất lực ca, trầm thủy, giao hương.
 
Ghi Chú (245)
Tham chiếu Tấn dịch: thệ nguyện lấy thân làm đèn, vì tất cả chúng sinh mà tự đốt thân mình (Chính 9/125g16).
 
Ghi Chú (246)
Đây là 1 cách nói đem cho cả ngôi vua.
 
Ghi Chú (247)
Chính văn là kinh hành bỉ xứ. Chữ kinh hành ở đây, tham cứu các bản dịch khác thấy không phải lặp lại sự kinh hành trong trường hàng, không phải là sự kinh hành, và nếu có cho là như thế thì cũng không được, vì sự kinh hành chưa đủ để được định Hiện các sắc thân. Nên kinh hành ở đây chỉ là đã làm, đã đi. Còn bỉ xứ (chỗ kia, chỗ ấy) có thể chỉ đức Tịnh minh đức, cũng có thể chỉ con đường khổ hạnh, thành ra có nghĩa đã tu hành nơi đức Tịnh minh đức, hay đã tu hành theo con đường khổ hạnh (nơi đức Tịnh minh đức). Nếu phải chọn thì nên chọn nghĩa sau.
 
Ghi Chú (248)
Chính văn: Thế tôn do cố tại thế. Nghĩa là "như vậy là đức Thế tôn vẫn còn có thể ở đời thêm nữa". Nếu và nên chuyển thành câu hỏi mà dịch thì như đã dịch. Lại muốn sát lời và ý thì phải dịch theo lối đối thoại thông tục: ngài còn sống nữa chứ? Nhưng đừng dùng chữ ư hay chữ à kẻo phản ý hoàn toàn. Đây là Tấn dịch: xin đức Thế tôn thi ân, thương xót mười phương mà vẫn lại ở đời (vẫn ở đời thêm nữa) giáo huấn tất cả, độ thoát chúng sinh cho ai cũng được nhờ (Chính 9/125d19).
 
Ghi Chú (249)
Ở đây ám chỉ Pháp hoa.
 
Ghi Chú (250)
Chính văn là tam thế giới, Tấn dịch là Phạn thiên (Chính 9/126t1).
 
Ghi Chú (251)
Không phải một cánh tay, so với đoạn dưới thì rõ.
 
Ghi Chú (252)
Pháp hoa hay kể chư thiên, nhân loại và tu la. Tại sao kể tu la thì chưa thấy giải thích. Ở đây chính văn cũng kể tu la, nhưng không để được vì trên đã nói quốc độ đức Tịnh minh đức không có loài này.
 
Ghi Chú (253)
Ấy là nói theo cách phổ thông của dân tộc Ấn độ, không phải nói như vậy là công nhận tư tưởng này.
 
Ghi Chú (254)
Dịch đủ: như hồ nước trong mát có thể thỏa mãn tất cả người khát. Dịch tắt chỉ để cho chỉnh với những ví dụ tiếp theo mà thôi.
 
Ghi Chú (255)
Xưa hay đi buôn đường biển, và rất nguy hiểm. Phải có người rành đường, và ứng phó giỏi, cầm đầu mới đi được. Đi buôn đường bộ cũng vậy.
Ghi Chú (256)
Năm trăm năm sau, chính văn là hậu ngũ bách tuế, có 2 nghĩa. Nghĩa một, là 500 năm thứ 5 trong 2.500 năm sau Phật nhập diệt (2500 năm ấy chia đều 5 thời kỳ: được giải thoát, tu thiền định, nhiều học vấn, làm chùa tháp, thích tranh cãi). Nghĩa hai, là nửa sau của thiên kỷ sau Phật nhập diệt (tức 500 năm thứ 2 trong nghĩa một; cũng tức là thời kỳ tượng pháp, sau thời kỳ chánh pháp). Theo nghĩa một, có thể dịch rõ: 500 năm sau hết; theo nghĩa hai, có thể dịch rõ: 500 năm phần sau (lại có thể dịch rõ hơn: sau 500 năm phần trước sắp đi; dịch rõ hơn như vậy là nói tất cả thời kỳ sau thời kỳ chánh pháp). Ở đây, câu năm trăm năm sau, căn cứ văn tự thì chỉ cho nghĩa hai, nhưng Phật học đại từ điển nói chỉ cho nghĩa một. Nghĩa hai có phần hơn, vì quả thật những việc nói ở phẩm này, và nhất là ở phẩm 28, thì khó có trong 500 năm thứ 5 sau Phật nhập diệt. Nhưng nghĩa một cũng có ý: thời đại càng xa Phật thì tu hành càng khó, khó mà tu được mới là đặc biệt, mới là do năng lực hộ trì đặc biệt. Như vậy, nếu chuyển văn mà dịch rõ hơn như đã nói: "sau 500 năm sắp đi", thì được cả 2 nghĩa mà lại còn hơn cả 2 nghĩa nữa (vì bao gồm tất cả thời kỳ sau thời kỳ chánh pháp).
 
Ghi Chú (257)
Chính văn và Tấn dịch đều là bằng (đẳng). Nhưng có lẽ chỉ thẳng đà mà nói. Nói bằng thì phản ý hoàn toàn: định tuệ các vị khác không hơn nhưng có thể bằng định tuệ vị này; nếu các vị khác không bằng thì vị này chỉ Phật bằng mà thôi!
 
Ghi Chú (258)
Chỉ đoạn này cũng đã cho thấy nếu tôn Pháp hoa mà hạ Tịnh độ là kẻ chưa đạt.
 
Ghi Chú (259)
Chữ của Anh dịch. Chính văn chỉ nói không chết.
 
Ghi Chú (260)
Được biết nói rõ là tỷ kheo. Nhưng nói ai (giả) được cái bao quát cả 4 chúng.
 
Ghi Chú (261)
Dịch sát: vào lầu cao. Chính văn là đài : lầu cao hay đài cao. Tôi dịch theo vật sau.
 
Ghi Chú (262)
Chính văn là khởi cư: ăn uống thức ngủ hằng ngày.
 
Ghi Chú (263)
Coi lại ghi chú số 186 .
 
Ghi Chú (264)
Nói nôm na là vợ và con gái của những người này.
 
Ghi Chú (265)
Anh dịch: đã làm cho chính mình được biết đến ở thế giới Saha này.
 
Ghi Chú (266)
Độ thoát (hay độ, hóa độ, giáo hóa) có nghĩa là huấn luyện, giáo dục, cải hoán, lại có nghĩa đưa đi (qua bờ bến bên kia) loại bỏ (mọi sự xấu) di chuyển (khỏi vị trí cũ).
 
Ghi Chú (267)
Toàn diện, chính văn là phổ môn. Quan thế âm bồ tát phổ môn phẩm, cũng có thể dịch: phẩm nói về sự toàn diện của Quan âm đại sĩ. Về danh hiệu của đại sĩ, ngài Huyền tráng dịch Quan tự tại (nên đọc Quan), nghĩa là chúa tể của sự nhìn. Nhưng trước đó, ngài Pháp hộ dịch Quang thế âm, ngài La thập dịch Quan thế âm (sau này còn có ngài dịch Quan thế âm tự tại), và cách dịch này bị nói là sai ngoa. Thiết nghĩ không thể đồng ý liền là sai ngoa. Hoa nghiêm sớ sao của ngài Trừng quán nói: Bà lô chỉ đế dịch Quan, thấp phạt ra dịch Tự tại, nhiếp phạt ra dịch Âm ; Phạn bản tự có 2 tiếng nên dịch ra khác nhau (Vạn 11/291B). Như vậy nếu thấy đây là 1 vấn đề thì nên nêu lên và cứu xét cho kyծ
 
Ghi Chú (268)
Chỉ có Anh dịch nói là đức Phật.Nói như vậy thật đáng ngờ, nhất là đáng ngờ bản Phạn văn mà Anh dịch đã lấy làm chính văn.
 
Ghi Chú (269)
Trong kinh Địa tạng còn nói: Hoặc hiện núi rừng, dòng nước, đồng bằng, sông ngòi, ao hồ, suối giếng, lợi ích khắp cả mọi người, ai cũng được độ thoát.
 
Ghi Chú (270)
Theo lời tựa của Tùy dịch (Chính 9/134) thì chính văn và Tấn dịch đều không có văn chỉnh cú này. Văn chỉnh cú này do tiên hiền tục xuất. Tùy dịch thì dĩ nhiên chỉ sao lại sự tục xuất ấy.
 
Ghi Chú (271)
Bốn câu này đúng ra không phải văn chỉnh cú.
 
Ghi Chú (272)
Dịch sát: hố lửa thành ao hồ. Câu này có nghĩa như đã chuyển dịch, nếu không thì không chết lửa lại chết nước.
 
Ghi Chú (273)
Đá cứng, dịch sát: đá kim cương.
 
Ghi Chú (274)
Dịch rõ hơn: Ngài rực sáng như ánh lửa, xua tan mọi sự tai nạn. Cũng có thể dịch: Ngài có thể chế ngự mọi tai nạn trong đó có tai nạn gió và lửa.
 
Ghi Chú (275)
Anh dịch còn 7 bài chỉnh cú nữa, mang số 27-33. Coi phụ lục 5.
 
Ghi Chú (276)
Tuyệt bậc mà đồng bậc, chính văn là vô đẳng đẳng. Từ ngữ này tôn xưng Phật và pháp của Phật (như tâm tuệ giác vô thượng ở đây), và thường được dịch: không bậc nào (vô đẳng) sánh bằng (đẳng); hoặc sánh bằng (đẳng) với bậc không thể sánh bằng (vô đẳng), nói cách khác là đồng bậc với tuyệt bậc. Nhưng nói gì đi nữa, vô đẳng đẳng mà cắt nghĩa như vậy thì chỉ là nghĩa vô thượng, không có gì đặc thù cả. Bồ tát Thế thân, trong Thập địa kinh luận, cắt nghĩa như sau: Vô đẳng là Phật sánh với chúng sinh thì chúng sinh không đồng đẳng với Phật, còn Đẳng là Phật với chúng sinh thì pháp thân đồng đẳng. Tại sao không chỉ nói vô đẳng (mà còn nói đẳng)? Là vì biểu thị đồng đẳng chánh giác (pháp thân) (Chính 26/131). Như vậy tâm tuệ giác vô thượng (bồ đề tâm) cũng vừa là tuyệt bậc vì tâm khác không thể sánh bằng, vừa là đồng bậc vì ai cũng có tâm ấy và có thể phát tâm ấy.
 
 
Ghi Chú (277)
Có 4 điều cần ghi. Một, coi kyՠlại ghi chú số 8 ; ở đó đã nói minh chú là 1 trong các pháp tổng trì, nhưng thường được gọi bằng cái tên chung ấy (vì minh chú nắm nhiều nghĩa và nhiều thần dụng). Hai, Phạn văn 5 bài minh chú thì coi phụ lục 6. Ba, dịch nghĩa của 5 bài ấy thì coi Tấn dịch (Chính 9/130), lại coi Vạn 42/495B-496A, ở đó phối hợp dịch âm và dịch nghĩa rất rõ. Bốn, tôi ngờ rằng, lấy bài 5 mà nói, tự dạng Phạn văn hoàn toàn như nhau, nhưng dịch âm với dịch nghĩa thì hơi khác cho đến khác (coi Vạn 42/496A, khoảng trên, dòng 4, thì biết), mặc dầu theo Tùy dịch (Chính 9/187g17) thì dịch âm không khác.
 
Ghi Chú (277B)
Pháp hoa có 6 minh chú tất cả. Phạn văn của 6 minh chú ấy thì coi phụ lục 6. Còn dịch âm từ Phạn văn là nhờ hòa thượng Thích Minh Châu, được in ngay sau dịch âm từ Hoa văn của mỗi minh chú, để ai thích thì tụng theo.
 
Ghi Chú (278)
Tên dịch âm của 6 loại này thứ tự như sau: dạ xoa, la sát, phú đan na, cát dá, cưu bà trà, ngạ quỉ.
 
Ghi Chu (279)
Dịch nghĩa này phần nhiều theo chính văn, 3 tên Kết buộc, Không kết buộc và Chỗ nào (Hà sở) thì theo Tấn dịch (Chính 9/130).
 
Ghi Chú (280)
Tên dịch âm 11 loại này thứ tự như sau: dạ xoa, la sát, ngạ quỉ, phú đan na, cát dá, tì đà ra, kiền đà, ô ma lặc dà, a bạt ma ra, dạ xoa cát dá, nhân cát dá.
 
Ghi Chú (281)
Dịch như vầy là theo sát chính văn và Tấn dịch (Chính 9/130d4). Anh dịch hơi khác nhưng cũng có ý: Ngay như trong mộng, người ấy có thấy đàn bà đàn ông con trai con gái thì họ cũng không thể xúc phạm.
 
Ghi Chú (281B)
Là tên của la sát nữ thứ 9.
 
Ghi Chú (282)
Dịch đủ: cơ hội thoát được mọi sự khó khăn.
 
Ghi Chú (283)
Câu nói này, Tấn dịch (Chính 9/131g24) và Anh dịch đều là văn chỉnh cú.
Ghi Chú (284)
Ví dụ này nguyên nói thân người (lỗ tấm ván cây) khó được, nay chuyển ra Phật (lỗ tấm ván cây) khó gặp.
 
Ghi Chú (285)
Trăng sáng với màu sắc bạch mã não, chính văn là kha nguyệt. Phật học đại từ điển nói là kha (ngọc trắng) với nguyệt (mặt trăng). Nhưng tôi nghĩ kha là ngọc trắng (bạch mã não) và tự điển nói xe cẩn ngọc này gọi là kha xa, gọi lịch sự quê hương của người là kha lý ; vậy kha nguyệt là mặt trăng như ngọc kha, nên Anh dịch như sắc trắng của mặt trăng.
 
Ghi Chú (286)
Nói rõ hơn nữa: ở trong nhóm người cố định theo chánh pháp (chánh định tụ) mà thuộc về khuynh hướng bồ tát (bồ tát chủng tánh).
 
Ghi Chú (287)
Tên dịch âm của các loại này thứ tự như sau: dạ xoa, la sát, cưu bàn trà, tì xá xà, cát dá, phú đan na, vi đà ra.
 
Ghi Chú (288)
Coi lại ghi chú số 8 .
 
Ghi Chú (289)
Phạn văn minh chú này coi phụ lục 6, dịch nghĩa coi Tấn dịch (Chính 9/133g6), phối hợp dịch âm dịch nghĩa coi Vạn 42/498B khoảng trên, dòng 1.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09

Source: Buddhism Today, http://www.buddhism.today


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-09-2002