BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Hoa Sen Chánh Pháp
(Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)

Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải


Cuốn 7

Phẩm 24: Bồ Tát Diệu Âm [^]

Lúc bấy giờ, từ nơi gò thịt nổi trên đỉnh đầu và từ nơi lông trắng giữa hai đầu mày, là hai trong ba mươi hai tướng đại trượng phu, đức Thế tôn phóng ra ánh sáng, chiếu qua những cõi Phật ở hướng đông nhiều bằng một trăm tám vạn ức trăm triệu hằng sa. Qua khỏi số lượng ấy thì có một thế giới hệ tên là Tịnh quang trang nghiêm, đức Phật giáo chủ danh hiệu là Tịnh hoa tú vương trí như lai, đủ mười đức hiệu. Ngài đang thuyết pháp cho đại chúng bồ tát cung kính bao quanh và nhiều đến vô số lượng vô giới hạn.

Ánh sáng từ nơi lông trắng của đức Thế tôn chiếu đến thế giới hệ Tịnh quang trang nghiêm. Tại đây có vị bồ tát danh hiệu Diệu âm. Vị ấy từ lâu đã gieo trồng các gốc rễ công đức, hiến cúng thân gần vô lượng trăm ngàn vạn ức đức Phật, hoàn thành đầy đủ tuệ giác rất sâu, thể hiện định Cờ đẹp, định Hoa sen chánh pháp, định Phẩm chất trong suốt, định Trò chơi chúa tể tinh tú, định Không còn vin theo, định Ấn tín tuệ giác, định Biết hết tiếng nói chúng sinh, định Quy tụ hết thảy công đức, định Trong suốt, định Thần thông dạo chơi, định Đuốc tuệ, định Chúa tể mọi sự trang nghiêm, định Ánh sáng trong suốt, định Kho tàng trong suốt, định Đặc biệt, định Vòng xoay thái dương, thể hiện các định vĩ đại cùng loại như vậy, nhiều đến như trăm ngàn vạn ức hằng sa.

Khi ánh sáng của đức Thế tôn chiếu đến thân thể của ngài Diệu âm, thì vị bồ tát ấy liền thưa đức Tịnh hoa tú vương trí như lai, rằng bạch đức Thế tôn, con nên qua thế giới hệ Kham nhẫn để lễ bái thân gần và hiến cúng đức Thích ca thế tôn, lại gặp vị bồ tát thái tử của đức Pháp vương là ngài Văn thù, gặp bồ tát Dược vương, bồ tát Dũng thí, bồ tát Tú vương hoa, bồ tát Thượng hạnh, bồ tát Trang nghiêm vương, bồ tát Dược thượng. Đức Tịnh hoa tú vương trí như lai bảo bồ tát Diệu âm, ông chớ có khinh thị Kham nhẫn mà sinh ra ý nghĩ thế giới hệ ấy thấp kém. Thiện nam tử, thế giới hệ Kham nhẫn chỗ cao chỗ thấp chứ không bằng phẳng, đủ các thứ núi đá núi đất, và đâu đâu cũng dơ cũng xấu. Ở đó thân Phật thấp nhỏ, thân bồ tát cũng vậy. Vậy mà thân ông cao đến bốn vạn hai ngàn do tuần, còn thân Như lai cao đến sáu trăm tám chục vạn do tuần. Thân ông mà cũng đã đẹp nhất, với ngàn vạn phước tướng, với ánh sáng tuyệt diệu. Nên ông đến Kham nhẫn thì đừng khinh thế giới hệ ấy: đừng sinh ý tưởng thấp kém đối với Phật, với bồ tát và với đất nước của thế giới hệ ấy. Bồ tát Diệu âm thưa với đức Phật của mình, bạch đức Thế tôn, nay con đến thế giới hệ Kham nhẫn là do sức của đức Thế tôn -- do thần thông du hóa, do công đức trang nghiêm và tuệ giác trang nghiêm của đức Thế tôn.

Thế rồi bồ tát Diệu âm không đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, thân không dao động mà chỉ nhập định. Do định lực này mà tại Linh sơn, cách pháp tòa của đức Thế tôn không xa, xuất hiện tám vạn bốn ngàn hoa sen quí báu, với vàng Diêm phù đàn làm cuống, bạch ngân làm cánh, kim cương làm tua, ngọc chân thúc ca làm đài. Bồ tát Văn thù, vị thái tử của đức Pháp vương, thấy những hoa sen ấy thì thưa, bạch đức Thế tôn, vì lý do gì mà điềm lành như vầy hiện trước ra đây, là có mấy ngàn vạn hoa sen với vàng Diêm phù đàn làm cuống, bạch ngân làm cánh, kim cương làm tua và ngọc chân thúc ca làm đài? Đức Thế tôn bảo ngài Văn thù, ấy là đại bồ tát Diệu âm muốn từ quốc độ của đức Tịnh hoa tú vương trí như lai, cùng tám vạn bốn ngàn bồ tát bao quanh, sẽ đến quốc độ Kham nhẫn này để hiến cúng thân gần và lễ bái Như lai, lại muốn hiến cúng và nghe kinh Pháp hoa.

Ngài Văn thù thưa, bạch đức Thế tôn, vị bồ tát ấy đã trồng thiện căn nào và làm công đức gì mà có thần lực vĩ đại như vầy? Vị bồ tát ấy tu tập định nào, xin đức Thế tôn dạy cho chúng con biết tên của định này. Định này chúng con cũng muốn nỗ lực tu tập. Tu tập định này mới thấy được sắc tướng lớn nhỏ và uy nghi tới ngừng của vị bồ tát ấy. Xin đức Thế tôn dùng thần lực làm cho vị bồ tát ấy đến đây để chúng con được thấy. Đức Thế tôn bảo ngài Văn thù, đức Đa bảo phật đà, một đức Phật nhập diệt đã lâu, sẽ làm hiện ra cho chư vị thấy sắc tướng của bồ tát Diệu âm. Bấy giờ đức Đa bảo phật đà bảo bồ tát Diệu âm, thiện nam tử, hãy đến đây; bồ tát Văn thù, vị thái tử của đức Pháp vương, muốn thấy thân ông.

Ngay lúc ấy, bồ tát Diệu âm ẩn mất tại quốc độ của mình, cùng tám vạn bốn ngàn bồ tát xuất phát. Bao nhiêu quốc độ mà vị bồ tát ấy đi qua đều chấn động sáu cách, đều mưa xuống hoa sen bằng bảy chất liệu quí báu, đều có cả trăm ngàn nhạc khí chư thiên không đánh mà tự kêu lên. Vị bồ tát ấy mắt như cánh hoa sen xanh to lớn, và hợp lại cả ngàn vạn mặt trăng thì mặt vị bồ tát ấy vẫn sáng đẹp hơn. Thân vị bồ tát ấy màu sắc hoàng kim, được trang sức bởi vô lượng trăm ngàn đặc điểm, uy đức rực rỡ, ánh sáng chiếu tỏa, tướng quí đủ cả, và bền chắc như thân Na la diên. Vị bồ tát ấy ngồi trên đài (261) bằng bảy chất liệu quí báu, thăng lên không gian cách mặt đất bảy cây đa la, với các vị bồ tát bao quanh mà đến Linh sơn của quốc độ Kham nhẫn.

Đến rồi, bồ tát Diệu âm bước xuống khỏi đài ngọc, lấy chuỗi ngọc giá trị cả trăm cả ngàn, cầm đến chỗ đức Thích ca thế tôn, đầu mặt lạy ngang chân ngài, dâng lên mà thưa, bạch đức Thế tôn, đức Tịnh hoa tú vương trí như lai của con xin kính vấn an đức Thế tôn, rằng ngài ít bịnh ít phiền, sinh hoạt bình thường (262) được thư thái không? Ngài sống yên vui không? Bốn đại chủng trong cơ thể của ngài được điều hòa không? Việc đời ở đây ngài chịu nổi không? Chúng sinh ở đây ngài hóa độ dễ dàng không? Ở đây có hay không có những kẻ lắm tham dục, sân hận, ngu si, ganh ghét, keo lẫn và ngạo mạn? Ở đây có hay không có những kẻ bất hiếu cha mẹ, bất kính tu sĩ, thấy biết sai lầm, tâm tính bất thiện, không chế ngự năm thứ giác quan? Bạch đức Thế tôn, chúng sinh ở đây chiến thắng được ma quân thù địch (263) không? Đức Đa bảo phật đà nhập diệt đã lâu, đã ở trong ngôi tháp bằng bảy chất liệu quí báu, có đến nghe kinh Pháp hoa không? Đức Tịnh hoa tú vương trí như lai của con xin kính vấn an đức Đa bảo phật đà có yên ổn, ít phiền, chịu đựng ở lâu được không? Bạch đức Thế tôn, con ước nguyện được thấy thân đức Đa bảo phật đà, xin đức Thế tôn làm cho con được thấy. Đức Thế tôn nói với đức Đa bảo, bồ tát Diệu âm muốn được yết kiến ngài. Đức Đa bảo nói, Diệu âm, rất tốt việc ông đến đây để được hiến cúng đức Thích ca thế tôn, được nghe kinh Pháp hoa, và được gặp những vị như bồ tát Văn thù.

Bấy giờ bồ tát Hoa đức thưa rằng, bạch đức Thế tôn, bồ tát Diệu âm trồng thiện căn nào và tu công đức gì mà có thần lực như vầy? Đức Thế tôn bảo bồ tát Hoa đức, quá khứ có đức Phật danh hiệu Vân lôi âm vương, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp. Quốc độ của ngài tên là Hiện nhất thế thế gian, thời kỳ của ngài tên là Hỷ kiến. Trong một vạn hai ngàn năm, bồ tát Diệu âm diễn tấu mười vạn chủng loại nhạc khí hiến cúng đức Vân lôi âm vương như lai, lại dâng lên ngài tám vạn bốn ngàn bát ứng khí làm bằng bảy chất liệu quí báu. Do yếu tố này kết quả mà ngày nay sinh tại quốc độ của đức Tịnh hoa tú vương trí như lai và có thần lực như vầy. Hoa đức, ý ông nghĩ thế nào, vị bồ tát Diệu âm hiến cúng âm nhạc và kính dâng bát ngọc nơi đức Vân lôi âm vương như lai có phải ai khác, mà chính là vị bồ tát Diệu âm hiện thời. Hoa đức, vị bồ tát ấy đã hiến cúng thân gần vô lượng chư Phật, đã gieo trồng từ lâu bao nhiêu gốc rễ công đức ở nơi chư PhạẤt ấy. Sau đó, vị bồ tát ấy cũng đã gặp thêm trăm ngàn vạn ức trăm triệu chư Phật nữa, đồng đẳng với số cát của sông Hằng.

Hoa đức, ông chỉ thấy bồ tát Diệu âm qua cái thân ở đây, nhưng vị bồ tát ấy biểu hiện đủ loại thân hình, ở khắp mọi nơi và giảng nói Pháp hoa cho các loại chúng sinh. Hoặc biểu hiện thân Phạn vương, thân Đế thích, thân Tự tại, thân Đại tự tại, thân Thiên đại tướng quân, thân Tỳ sa môn thiên vương, hoặc biểu hiện thân Luân vương, thân quốc vương, thân trưởng giả, thân cư sĩ, thân tể quan, thân bà la môn, hoặc biểu hiện thân tỷ kheo, thân tỷ kheo ni, thân ưu bà tắc, thân ưu bà di, hoặc biểu hiện thân phụ nữ trưởng giả, thân phụ nữ cư sĩ, thân phụ nữ tể quan, thân phụ nữ bà la môn (264) , hoặc biểu hiện thân đồng nam, thân đồng nữ, hoặc biểu hiện các thân thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la và ma hầu la dà, những người không phải người -- bồ tát Diệu âm biểu hiện các thân hình như vậy mà giảng nói Pháp hoa. Những chỗ địa ngục ngạ quỉ súc sinh và những nơi tai nạn, vị bồ tát ấy cứu giúp được cả. Thậm chí vị bồ tát ấy còn biểu hiện thân hình nữ nhân ở trong hậu cung của các vua chúa mà giảng nói Pháp hoa.

Hoa đức, bồ tát Diệu âm là vị có năng lực cứu giúp cho các loại chúng sinh ở quốc độ Kham nhẫn. Vị bồ tát ấy biến thể các loại thân hình như trên, ở trong quốc độ Kham nhẫn mà giảng nói Pháp hoa cho các loại chúng sinh, nhưng thần thông và tuệ giác của vị bồ tát ấy không vì vậy mà giảm bớt chút nào. Vị bồ tát ấy đem bao nhiêu là tuệ giác mà soi sáng cho quốc độ Kham nhẫn, làm cho các loại chúng sinh ở đây ai cũng được biết đến vị bồ tát ấy (265) . Đối với chúng sinh trong hằng sa quốc độ khắp cả mười phương, vị bồ tát ấy cũng làm như vậy. Do vậy, những ai nên dùng thân hình thanh văn mới được độ thoát (266) thì vị bồ tát ấy biểu hiện thân hình này mà thuyết pháp, những ai nên dùng thân hình duyên giác mới được độ thoát thì vị bồ tát ấy biểu hiện thân hình này mà thuyết pháp, những ai nên dùng thân hình bồ tát mới được độ thoát thì vị bồ tát ấy biểu hiện thân hình này mà thuyết pháp, những ai nên dùng thân hình Phật đà mới được độ thoát thì vị bồ tát ấy biểu hiện thân hình này mà thuyết pháp. Cứ như vậy, đủ các chủng loại, vị bồ tát ấy tùy kẻ nào nên dùng thân gì để hóa độ thì biểu hiện thân ấy cho họ. Đến nỗi có kẻ nên dùng sự nhập diệt mới được độ thoát, thì vị bồ tát ấy cũng biểu hiện nhập diệt. Hoa đức, bồ tát Diệu âm thành tựu đại thần thông lực và đại tuệ giác lực như thế đó.

Bồ tát Hoa đức thưa, bạch đức Thế tôn, như vậy là bồ tát Diệu âm đã gieo trồng rất sâu gốc rễ pháp lành; vị bồ tát ấy ở trong định nào mà ở đâu cũng có năng lực biểu hiện thân hình để hóa đôể chúng sinh như vậy? Đức Thế tôn dạy bồ tát Hoa đức, thiện nam tử, định của bồ tát Diệu âm tên là Hiện các sắc thân. Vị bồ tát ấy ở trong định này nên lợi ích được như vậy cho vô lượng chúng sinh.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết phẩm Bồ tát Diệu âm này ngang đây thì tám vạn bốn ngàn bồ tát cùng đi với bồ tát Diệu âm đều thực hiện định Hiện các sắc thân, vô lượng bồ tát ở thế giới hệ Kham nhẫn cũng thực hiện định này, lại còn thực hiện các pháp tổng trì.

Bồ tát Diệu âm hiến cúng đức Thế tôn và bảo tháp của đức Đa bảo rồi trở về thế giới hệ của mình. Những thế giới hệ mà vị bồ tát ấy đi qua lại chấn động sáu cách, lại rưới xuống hoa sen quí báu, lại diễn tấu trăm ngàn vạn ức chủng loại nhạc khí. Về đến thế giới hệ của mình, bồ tát Diệu âm, với tám vạn bốn ngàn bồ tát bao quanh, đến chỗ đức Tịnh hoa tú vương trí như lai mà thưa, bạch đức Thế tôn, con đến thế giới hệ Kham nhẫn làm lợi ích cho chúng sinh, bằng cách yết kiến lễ bái và hiến cúng đức Thích ca thế tôn và bảo tháp của đức Đa bảo phật đà, lại gặp vị bồ tát thái tử của đức Pháp vương là ngài Văn thù, gặp bồ tát Dược vương, bồ tát Đắc cần tinh tiến lực, bồ tát Dũng thí, và các vị đồng đẳng; con cũng làm cho tám vạn bốn ngàn vị bồ tát đi theo con đây được định Hiện các sắc thân.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết hoàn tất phẩm Bồ tát Diệu âm đến và đi thì bốn vạn hai ngàn thiên nhân được tuệ giác Không sinh, bồ tát Hoa đức được định Pháp hoa.


 Phẩm 25: Quan Âm Đại Sĩ: Vị Toàn Diện (267)  [^]

Vào lúc bấy giờ, bồ tát Vô tận ý đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, trần vai bên phải, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, Quan âm đại sĩ vì lý do gì mà danh hiệu là Quan thế âm?

Đức Thế tôn dạy bồ tát Vô tận ý, thiện nam tử, vô số trăm ngàn vạn ức chúng sinh bị mọi sự đau khổ, nghe nói đến Quan âm đại sĩ mà một lòng trì niệm danh hiệu của ngài, thì đại sĩ tức khắc nghe thấy âm thanh ấy và họ được thoát cả.

Trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ thì vào lửa dữ, lửa ấy không đốt được, và đó là do thần lực của vị đại sĩ này. Nếu bị nước lớn trôi cuốn mà trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ, thì tức khắc được chỗ nước cạn. Trăm ngàn vạn ức người, vì kiếm bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu, và những thứ quí báu cùng loại, nên ra biển cả; giả sử bị trận gió lớn trong bầu trời u ám thổi bạt thuyền tàu sa vào đảo quốc la sát, trong những người ấy đến nỗi chỉ có một kẻ trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ, những người ấy cũng vẫn thoát được cái họa la sát. Vì những lý do như vậy mà vị đại sĩ này danh hiệu là Quan thế âm.

Người nào sắp bị hành hình mà trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ, thì dao gậy trong tay đao phủ tức khắc gãy ra từng đoạn và người ấy thoát được. Giả sử đầy cả đại thiên thế giới là dạ xoa, la sát, muốn đến hại người nào mà nghe người ấy trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ, thì những quỉ dữ này không thể nhìn người ấy bằng mắt dữ, huống chi làm hại. Bất cứ có tội không tội, người nào bị gông cùm xích buộc mà trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ, thì những hình cụ ấy đứt và hỏng cả, và người này tức thì thoát được. Giả sử đầy cả đại thiên thế giới là giặc cướp, có người cầm đầu một đoàn người đi buôn, mang cầm vàng ngọc quí giá mà đi qua con đường nguy hiểm; trong đoàn ấy có kẻ nói, các thiện nam tử, đừng sợ, chúng ta nên hết lòng mà trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ. Vị đại sĩ này có thể ban cho mọi người sự không sợ hãi; chúng ta trì niệm danh hiệu đại sĩ thì sẽ thoát được giặc cướp trên con đường này. Đoàn người đi buôn nghe nói thì đồng thanh mà niệm nam mô Quan thế âm bồ tát. Nhờ sự trì niệm danh hiệu đại sĩ mà tức khắc thoát được. Vô tận ý, thần lực Quan âm đại sĩ đồ sộ đến như thế ấy.

Ai có tính đa dâm mà thường xuyên trì niệm tôn kính Quan âm đại sĩ thì thoát được tính ấy. Ai có tính đa sân mà thường xuyên trì niệm tôn kính Quan âm đại sĩ thì thoát được tính ấy. Ai có tính đa si mà thường xuyên trì niệm tôn kính Quan âm đại sĩ thì thoát được tính ấy. Vô tận ý, Quan âm đại sĩ có thần lực vĩ đại, ích lợi rất nhiều như vậy. Do vậy mà mọi người nên thường xuyên tâm niệm đại sĩ.

Nữ nhân nào muốn cầu con trai mà lễ bái hiến cúng Quan âm đại sĩ, thì sinh được con trai vừa có phước đức vừa có trí tuệ. Nữ nhân nào muốn cầu con gái mà lễ bái hiến cúng Quan âm đại sĩ, thì sinh được con gái đoan chính, đẹp, có gốc rễ phước đức gieo trồng trong đời trước và được mọi người mến trọng. Vô tận ý, Quan âm đại sĩ có thần lực như vậy, ai tôn kính lễ bái thì được phước chứ không phải vô hiệu quả.

Vì lý do này mà mọi người nên trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ. Vô tận ý, ai trì niệm danh hiệu liệt vị bồ tát (268) nhiều bằng sáu mươi hai ức hằng sa, và suốt đời hiến cúng đồ ăn đồ uống đồ mặc đồ nằm và dược phẩm, thì ý ông nghĩ thế nào, thiện nam hay thiện nữ ấy được phước nhiều không? Rất nhiều, bạch đức Thế tôn. Bồ tát Vô tận ý thưa như vậy, và đức Thế tôn lại nói, ai trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ, và đến nỗi chỉ lễ bái hiến cúng được một thì gian mà thôi, phước người này với phước người trước chính xác đồng đẳng, không khác gì nhau, và hưởng thụ đến trăm ngàn vạn ức thời kỳ cũng vẫn không thể cùng tận. Vô tận ý, trì niệm danh hiệu Quan âm đại sĩ được phước không có số lượng và không có giới hạn như vậy.

Bồ tát Vô tận ý lại thưa, bạch đức Thế tôn, Quan âm đại sĩ du hóa thế giới hệ Kham nhẫn này như thế nào? Đại sĩ thuyết pháp như thế nào cho chúng sinh? Phương cách thích nghi của đại sĩ là như thế nào?

Đức Thế tôn dạy bồ tát Vô tận ý, thiện nam tử, người ở thế giới nào nên hóa độ bằng thân hình Phật đà thì Quan âm đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình Duyên giác thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình Thanh văn thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp. Người nào nên hóa độ bằng thân hình Phạn vương thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình Đế thích thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình Tự tại thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình Đại tự tại, thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình Thiên đại tướng quân thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình Tỳ sa môn thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình quốc chúa thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình trưởng giả thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình cư sĩ thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình tể quan thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp, người nào nên hóa độ bằng thân hình bà la môn thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp. Những người nên hóa độ bằng những thân hình tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, thì đại sĩ biến thể những thân hình ấy mà thuyết pháp. Những người nên hóa độ bằng những thân hình phụ nữ của trưởng giả, cư sĩ, tể quan và bà la môn, thì đại sĩ biến thể những thân hình phụ nữ ấy mà thuyết pháp. Những người nên hóa độ bằng những thân hình đồng nam và đồng nữ, thì đại sĩ biến thể những thân hình ấy mà thuyết pháp. Những ai nên hóa độ bằng những thân hình tám bộ thì đại sĩ biến thể những thân hình ấy mà thuyết pháp. Ai nên hóa độ bằng thân hình thần Chấp kim cang thì đại sĩ biến thể thân hình ấy mà thuyết pháp (269) .

Vô tận ý, Quan âm đại sĩ hoàn hảo năng lực như vậy: dùng mọi thân hình vào mọi thế giới mà hóa độ cho chúng sinh. Do vậy mà chư vị nên hết lòng hiến cúng Quan âm đại sĩ. Trong nỗi kinh hoàng, trong cơn nguy cấp, trong sự hoạn nạn, Quan âm đại sĩ có thể cho người sự không sợ hãi, nên thế giới hệ Kham nhẫn này ai cũng tôn xưng là Người cho sự không sợ.

Bồ tát Vô tận ý liền thưa, bạch đức Thế tôn, nay con xin hiến cúng Quan âm đại sĩ. Thưa rồi, vị bồ tát này cởi ngay xâu chuỗi đủ thứ ngọc quí đang mang nơi cổ, giá trị trăm ngàn lạng vàng, hiến lên Quan âm đại sĩ mà thưa, bạch đại sĩ, xin đại sĩ nhận cho một cách hiến cúng theo chánh pháp bằng xâu chuỗi ngọc quí giá này. Nhưng Quan âm đại sĩ không nhận. Bồ tát Vô tận ý lại thưa, bạch đại sĩ, xin đại sĩ thương tôi và thương chúng sinh mà nhận cho. Lúc ấy đức Thế tôn dạy Quan âm đại sĩ, hãy thương bồ tát Vô tận ý, thương bốn chúng tám bộ mà nhận xâu chuỗi ngọc ấy. Quan âm đại sĩ tức khắc thương mà nhận, và phân xâu chuỗi ngọc ấy làm hai phần, một phần hiến cúng đức Thế tôn, một phần hiến cúng bảo tháp của đức Đa bảo.

Đức Thế tôn nói, Vô tận ý, Quan âm đại sĩ với thần lực tự tại như vậy mà du hóa thế giới hệ này.

Bấy giờ bồ tát Vô tận ý lại thưa hỏi đức Thế tôn bằng lời chỉnh cú sau đây (270) .

(1) Bạch đức Thế tôn,
đấng đầy tướng quí!
cho con hỏi lại:
vị con Phật này
vì lý do gì
tên Quan thế âm?
(2) Vào lúc bấy giờ
đấng đầy tướng quí
cũng dùng chỉnh cú
đáp lại như sau (271) .
(3) Này Vô tận ý,
hãy nghe cho khéo.
Việc làm Quan âm
là khéo đáp ứng
hết thảy mọi người
ở khắp mọi nơi,
với sự thệ nguyện
sâu rộng như biển -
một sự thệ nguyện
cực kỳ hùng vĩ,
vô cùng trong sáng,
và được đại sĩ
đã từng phát ra,
trong khi trải qua
vô số thời kỳ
không thể nghĩ bàn
phụng sự rất nhiều
vạn ức đức Phật.
(4) Nay đây Như lai
chỉ nói vắn tắt.
Ai nghe danh hiệu
hoặc thấy hình tượng
Quan âm đại sĩ,
chuyên tâm trì niệm
chứ không bỏ qua,
thì hết đau khổ
ở trong những nơi
còn có đau khổ.
(5) Bị kẻ ác ý
xô xuống hố lửa,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm tắt hố lửa
như bị nước tưới (272) .
(6) Trôi nổi biển cả
rồng, cá, quái vật,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm cho sóng nước
không thể nhận chìm.
(7) Trên đỉnh Tu di
bị xô rơi xuống,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm như mặt trời
đứng trong không gian.
(8) Kẻ ác đuổi rơi
chân núi đá cứng (273) ,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm không thương tổn
đến một mảy lông.
(9) Giặc thù bao vây
cầm đao muốn hại,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm giặc thù ấy
sinh ra hiền lành.
(10) Bị họa vua chúa
sắp bị hành hình,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm gươm đao phủ
gãy liền từng đoạn.
(11) Giam cầm gông xích
tay còng chân cùm,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm cho rời ra
mà thoát được liền.
(12) Trù, ếm, thuốc độc
muốn gây tai họa,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm cho về lại
nơi kẻ gây ra.
(13) Nếu bị la sát
rồng độc, quỉ dữ,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm chúng tức thì
không dám làm hại.
(14) Thú dữ bao vây
nanh vuốt ghê rợn,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm chúng mau lẹ
tháo chạy mất hút.
(15) Rắn rít tiết phun
hơi độc như khói,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm chúng tự đi
liền theo tiếng niệm.
(16) Dông tố sấm sét
mưa đá mưa lớn,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm cho tiêu tan
liền theo tiếng niệm.
(17) Chúng sinh khốn đốn
vì bao đau khổ,
cái nhìn tuệ giác
của Quan thế âm
đầy cả năng lực
cứu khổ cho đời.
(18) Quan âm đại sĩ
đầy thần thông lực
đầy tuệ giác lực
đầy phương tiện lực,
cho nên khắp cả
mười phương thế giới
không đâu mà không
biến thể xuất hiện.
(19) Chỗ dữ địa ngục
ngạ quỉ súc sinh,
cho đến khổ lớn
sinh già bịnh chết,
đại sĩ làm cho
dần dần hết sạch.
(20) Nhìn đúng sự thật,
nhìn thật trong suốt,
nhìn với tuệ giác
vô cùng vĩ đại,
nhìn bằng đại bi,
nhìn theo đại từ,
nên hãy thường xuyên
nguyện cầu chiêm ngưỡng.
(21) Là thể trong suốt
sáng không tỳ vết,
là vầng tuệ nhật
phá tan hắc ám,
là lửa rực sáng
xua tan tai nạn (274) ,
ngài trải hào quang
khắp cả trần gian.
(22) Bản thể đại bi
như sấm thức tỉnh,
ý thức đại từ
như mây dồn lớn,
đại sĩ mưa xuống
nước Pháp cam lộ
rưới tắt lửa dữ
của bao phiền não.
(23) Đối chất cửa quan,
kinh hoàng chiến trận,
năng lực trì niệm
Quan âm đại sĩ
làm cho giặc thù
lui bước tan rã.
(24) Tiếng cực tinh tế,
tiếng nhìn vào đời,
tiếng giống Phạn thiên,
tiếng như hải triều,
tiếng hơn tất cả
cung bậc trong đời,
nên hãy thường xuyên
chuyên tâm trì niệm.
(25) Hãy niệm liên tục,
đừng có hoài nghi;
trong cơn đau khổ,
chết chóc, nguy khốn,
Quan âm đại sĩ
vị Thanh tịnh ấy
là nơi nương tựa
cho bao chúng sinh.
(26) Là bậc trọn vẹn
phẩm chất hoàn hảo,
là mắt từ bi
nhìn xuống chúng sinh,
là biển dồn lại
vô lượng phước đức,
vị đại sĩ ấy
đáng kính đáng lạy (275) .

Bấy giờ bồ tát Trì địa liền đứng dậy từ chỗ mình ngồi, bước tới trước đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, người nào được nghe phẩm nói về Quan âm đại sĩ -- về diệu dụng tự tại, về thần lực biến thể một cách toàn diện, thì biết công đức người ấy đã có không ít.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết phẩm nói về vị Toàn diện này, trong các chúng có tám vạn bốn ngàn người cùng phát tâm tuệ giác vô thượng là tâm tuyệt bậc mà đồng bậc (276) .


 Phẩm 26: Tổng Trì Minh Chú (277) [^]

Lúc ấy bồ tát Dược vương đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, trần vai bên phải, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà thưa, bạch đức Thế tôn, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà biết tiếp nhận ghi nhớ, đọc tụng thông suốt hay sao chép ấn hành, thì được bao nhiêu phước? Đức Thế tôn dạy, Dược vương, thiện nam hay thiện nữ nào hiến cúng chư Phật nhiều bằng tám trăm vạn ức trăm triệu hằng sa, thì ý đại sĩ nghĩ thế nào, phước người này được nhiều không? Rất nhiều, bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn nói, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp hoa mà đến nỗi chỉ tiếp nhận ghi nhớ được một bài chỉnh cú bốn câu, nhưng có thể đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, lý giải ý nghĩa và làm đúng kinh dạy, thì công đức cũng rất nhiều. Bồ tát Dược vương thưa, bạch đức Thế tôn, con xin cho người diễn giảng Pháp hoa một bài tổng trì minh chú để hộ trì người ấy. Bồ tát Dược vương liền nói tổng trì minh chú ấy:

An nhĩ - man nhĩ - ma nễ - ma ma nễ - chỉ lệ - dà lê đệ - xa mế - xa lý đa vĩ - chiên đế - mục đế - mục đa lý - sa lý - a vĩ sa lý - tang lý sa lý - xoa duệ - a xoa duệ - a kỳ nị - chiên đế - xa lý - đà la ni - a lô dà bà sa - pha dá tỳ xoa nị - nễ tỳ thế - a tiện đa la nễ lý thế - a đàn đa ba lê du địa - âu cứu lệ - mâu cứu lệ - a la lệ - ba la lệ - thủ ca si - a tam ma tam lý - phật đà tỳ cát lợi diệt đế - đạt ma ba lợi đế - tăng dà niết cù sa nễ - bà xá bà xá du địa - mạn đa la - mạn đa la xoa dạ đa - bưu lâu đa - bưu lâu đa kiêu xá lược - ác xoa la - ác xoa dã đa dã - a bà lô - a ma nhã na đa dạ. (Dịch âm từ Phạn văn: A ni dê, ma ni dê, ma nê, ma ma nê, chít tê, cha ri tê, sa mê, sa mi ta, vi săn tê, mút tê, mút ta ta mê, sa mê, a vi sa mê, sa ma sa mê, sa dê, át sa dê, át si nê, săn tê, sa mi tê, đa ra ni, a lô ka ba sê, pra ti da vết sa ni, ni đi ru, a bi dăn ta ra ni vít tê, a bi dăn ta ra pa ri su đi, mút ku lê, mút ku lê, a ra đê, pa ra đê, su kăn si, a săm ma săm mê, bu đa vi lô ki tê, đam ma pa ri si tê, sam ga nia gô sa ni, ba da ba da vi sô đa ni, man trê, man tra sa da tê, ru tê, ru ta kao sa li dê, át sa dê, át sa da va na ta dê, va lô đa, a ma ni da na ta dê, soa ha). (277B)

Bạch đức Thế tôn, tổng trì minh chú này đã được sáu mươi hai ức hằng sa chư Phật tuyên thuyết. Ai xúc phạm người diễn giảng Pháp hoa là xúc phạm chư Phật như vậy. Đức Thế tôn tán dương, rằng tốt lắm Dược vương, đại sĩ thương tưởng và hộ trì người diễn giảng Pháp hoa mà tuyên thuyết tổng trì minh chú như vậy là ích lợi rất nhiều cho chúng sinh.

Bồ tát Dũng thí cũng thưa, bạch đức Thế tôn, con cũng xin hộ trì cho người đọc tụng, hơn nữa nhận giữ Pháp hoa, mà nói một bài tổng trì minh chú. Người ấy được tổng trì minh chú này thì dẫu quỉ ăn thịt người, quỉ bạo ác, quỉ xú uế, quỉ thây chết, quỉ ăn tinh chất, quỉ đói khát (278) , và những kẻ cùng loại, muốn dò xét tìm kiếm nhược điểm của người ấy cũng không thể có được cơ hội thuận tiện. Bồ tát Dũng thí liền đối trước đức Thế tôn mà nói tổng trì minh chú ấy:

Thoa lệ - ma ha thoa lệ - úc chỉ - mục chỉ - a lệ - a la bà đệ - niết lệ đệ - niết lệ đa bà đệ - y trí ni - vi trí ni - chỉ trí ni - niết lệ trì ni - niết lệ trì bà để. (Dịch âm từ Phạn văn : Ji va lê, ma ha ji va lê, út kê, mấc kê, a đê, a đa va ti, nờ ri ti dê, nờ ri ti da va ti, ít ti ni, vít ti ni, chít ti ni, nờ ri ti da ni, nờ ri ti da va ti, soa ha).

Bạch đức Thế tôn, tổng trì minh chú này được hằng sa chư Phật tuyên thuyết và tùy hỷ. Ai xúc phạm người diễn giảng Pháp hoa là xúc phạm chư Phật như vậy.

Bấy giờ Tỳ sa môn thiên vương, người hộ vệ thế gian, cũng thưa, bạch đức Thế tôn, con cũng vì thương tưởng chúng sinh và hộ trì người diễn giảng Pháp hoa mà xin nói một bài tổng trì minh chú. Tỳ sa môn thiên vương liền nói tổng trì minh chú ấy:

A lê - na lê - nâu na lê - a na lô - na lý - câu na lý. (Dịch âm từ Phạn văn : Át tê, nát tê, va nát tê, a na đê, na đi, ku ma đi, soa ha).

Bạch đức Thế tôn, không những con đem tổng trì minh chú này hộ trì cho người diễn giảng Pháp hoa, mà chính bản thân con cũng hộ trì cho người ấy, làm cho người ấy ở đâu thì trong chu vi một trăm do tuần không có mọi sự suy biến, tai họa.

Trì quốc thiên vương cũng hiện diện trong đại hội. Với chúng càn thát bà nhiều đến ngàn vạn ức trăm triệu cung kính vây quanh, vị thiên vương ấy bước tới chỗ đức Thế tôn, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, con cũng xin đem một bài tổng trì minh chú mà hộ trì cho người kính giữ Pháp hoa. Trì quốc thiên vương liền nói tổng trì minh chú ấy:

A dà nễ - dà nễ - cù l càn đà l chiên đà l ma đăng kỳ - thường cầu l phù lâu sa ni - ác để. (Dịch âm từ Phạn văn: A ga nê, ga nê, gao ri, găn đa ri, chăn đa li, ma tăn ghi, pút ka si, sam ku lê, vờ ru sa li, si si, soa ha).

Bạch đức Thế tôn, tổng trì minh chú này được bốn mươi hai ức đức Phật nói ra. Ai xúc phạm người diễn giảng Pháp hoa là xúc phạm các đức Phật như vậy.

Bấy giờ có những la sát nữ tên là Kết buộc, Không kết buộc, Răng cong, Răng đẹp, Răng đen, Nhiều tóc, Không chán, Cầm vòng hoa, Chỗ nào, Đoạt tinh chất (279) , mười la sát nữ ấy hợp cùng mẹ của năm trăm quỉ tử, và con với thuộc hạ của họ, đến chỗ đức Thế tôn, đồng thanh thưa rằng, bạch đức Thế tôn, chúng con cũng nguyện hộ trì cho người đọc tụng, hơn nữa nhận giữ Pháp hoa, loại trừ suy biến và bịnh hoạn cho người này. Kẻ nào dò xét tìm kiếm nhược điểm của người này thì chúng con làm cho họ không có được cơ hội thuận tiện. Đối trước đức Thế tôn, những la sát nữ nói tổng trì minh chú sau đây:

Y đề lý - y đề dẫn - y đề lý - a đề lý - y đề lý - nê lý - nê lý - nê lý - nê lý - nê lý - lâu hê - lâu hê - lâu hê - lâu hê - lâu hê - đa hê - đa hê - đa hê - đâu hê - nâu hê. (Dịch âm từ Phạn văn: I ti mê, i ti mê, i ti mê, i ti mê, i ti mê ; ni mê, ni mê, ni mê, ni mê, ni mê; ru hê, ru hê, ru hê, ru hê, ru hê ; sờ tu hê, sờ tu hê, sờ tu hê, sờ tu hê, sờ tu hê, soa ha).

Thà là ngồi lên trên đầu chúng con, chứ không được quấy phá người diễn giảng Pháp hoa! Quỉ ăn thịt người, quỉ bạo ác, quỉ đói khát, quỉ xú uế, quỉ thây chết, kẻ dùng chú tạo ra quỉ thây chết, kẻ dùng chú luyện ra sự bay trong không, quỉ gây điên, quỉ gây động kinh, quỉ thây chết của quỉ ăn thịt người tạo ra, quỉ thây chết của loài người tạo ra (280) , quỉ gây sốt cách nhật một ngày cho đến bảy ngày, quỉ gây sốt thường xuyên, quỉ biến hình nam, quỉ biến hình nữ, quỉ biến hình đồng nam, quỉ biến hình đồng nữ, tất cả quỉ quái trên đây, cho đến trong mộng cũng không được quấy phá người diễn giảng Pháp hoa (281) ! Đối trước đức Thế tôn, những la sát nữ lại thưa những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Nếu không thuận theo
minh chú chúng con,
quấy phá đến người
diễn giảng Pháp hoa,
thì đầu kẻ này
phải vỡ làm bảy,
rã rời tựa như
nhánh cây a lê!
(2- 4) Như hại cha mẹ,
như sự ép dầu,
như cân và đo
gian dối lừa người,
và như Điều đạt
phá hoại chư Tăng,
những kẻ xúc phạm
người giảng Pháp hoa
cũng sẽ bị họa
như những tội ấy.

Những la sát nữ nói những lời chỉnh cú ấy rồi lại thưa, bạch đức Thế tôn, chúng con cũng đích thân hộ trì cho người nhận giữ Pháp hoa bằng cách đọc tụng và tu hành theo kinh ấy, làm cho người này yên vui, khỏi bị suy biến, bịnh hoạn, thuốc độc.

Đức Thế tôn dạy, tốt lắm các la sát nữ, các người hộ trì cho người chỉ tiếp nhận ghi nhớ danh hiệu kinh Pháp hoa mà phước đã không thể lường được, huống chi hộ trì cho người tiếp nhận ghi nhớ kinh ấy một cách đầy đủ, lại còn hiến cúng cuốn kinh ấy bằng các loại hoa, vòng hoa, các loại hương liệu, bằng tràng phan, bảo cái, bằng kịch nhạc, bằng các thứ đèn như đèn bơ, đèn dầu, bằng các thứ đèn dầu thơm như đèn dầu hoa tô ma na, đèn dầu hoa chiêm bặc, đèn dầu hoa ba si ca, đèn dầu hoa ưu bát la, bằng hàng trăm hàng ngàn những thứ cùng loại. Chỗ nào (281B) , các người và thuộc hạ các người nên hộ trì cho người tiếp nhận ghi nhớ Pháp hoa như vậy.

Khi phẩm Tổng trì minh chú như thế này được tuyên thuyết thì có sáu vạn tám ngàn người thực hiện tuệ giác Không sinh.


 Phẩm 27: Việc Cũ Của Diệu Trang Nghiêm Vương [^]

Khi ấy đức Thế tôn bảo cả đại hội các chúng, xưa, cách nay hơn vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn thời kỳ vô số, có đức Phật danh hiệu là Vân lôi âm tú vương hoa trí, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp. Quốc độ của ngài tên Quang minh trang nghiêm, thời kỳ của ngài tên Hỷ kiến. Trong giáo pháp của ngài có quốc vương tên Diệu trang nghiêm, vương hậu tên Tịnh đức, có hai vương tử, thứ nhất tên Tịnh tạng, thứ hai tên Tịnh nhãn. Hai vương tử có đại thần lực, đại phước đức và đại tuệ giác, và từ lâu đi theo đường đi của bồ tát như bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tiến ba la mật, thiền định ba la mật, bát nhã ba la mật, phương tiện ba la mật, như từ bi hỷ xả, cho đến ba mươi bảy thành phần hỗ trợ tuệ giác cũng thấu suốt tất cả. Hai vương tử còn được các định của bồ tát như định Trong suốt, định Thái dương tinh tú, định Ánh sáng trong suốt, định Sắc tướng trong suốt, định Soi sáng trong suốt, định Trang sức lâu dài, định Kho tàng uy đức vĩ đại, đối với các định như vậy hai vương tử cũng thấu suốt toàn thể.

Thời ấy, đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai muốn dắt dẫn Diệu trang nghiêm vương và thương tưởng chúng sinh, nên cũng đã tuyên thuyết Pháp hoa. Sự thể như vầy. Hai vương tử đến chỗ của mẹ, chắp tay mà thưa, xin mẹ đi đến chỗ đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai. Chúng con xin đi theo hầu mẹ để được thân gần hiến cúng và lễ bái ngài. Ngài đang tuyên thuyết Pháp hoa ở giữa tất cả các chúng nhân loại và chư thiên. Chúng ta nên đến lắng nghe và tiếp nhận. Vương hậu bảo hai vương tử, vương phụ các con tin chịu kiến thức ngoài chánh pháp, vướng sâu vào học thuyết Bà la môn. Các con nên đến thưa với người cùng đi. Tịnh tạng và Tịnh nhãn chắp tay thưa mẹ, chúng con là con đấng Pháp vương, vậy mà sinh vào gia đình kiến thức sai lầm! Vương hậu bảo, các con nên lo nghĩ cho cha các con mà biểu hiện thần biến. Thấy được thần biến thì tâm trí vương phụ các con chắc chắn trong sạch và có thể chấp nhận cho chúng ta đi đến chỗ Phật. Hai vương tử nghĩ đến vương phụ nên vọt lên không gian với độ cao bảy cây đa la, biểu hiện các thần biến. Ở trong không gian mà đi đứng nằm ngồi. Trên mình ra nước thì dưới mình ra lửa, dưới mình ra nước thì trên mình ra lửa. Mình lớn ra đầy không gian rồi nhỏ lại, nhỏ lại rồi lớn ra. Thoáng mất trong không gian thì đã ở trên mặt đất. Vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất. Hai vương tử biểu hiện nhiều thần biến cùng loại như vậy, cốt làm cho tâm trí vương phụ tin hiểu một cách trong sáng.

Diệu trang nghiêm vương thấy thần biến của hai con đến như thế ấy thì lòng rất hoan hỷ, được sự chưa từng có, nên chắp tay, hướng lên hai vương tử mà hỏi, vị nào là bổn sư của các con, các con là đệ tử của vị nào ? Hai vương tử thưa, khải tấu vương phụ, đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai hiện đang ngồi trên pháp tòa dưới cây bồ đề bằng bảy chất liệu quí báu, ở giữa các chúng thế giới mà chư thiên và nhân loại có trong đó, tuyên thuyết phong phú về kinh Pháp hoa, ngài là bổn sư của chúng con, chúng con là đệ tử của ngài. Diệu trang nghiêm vương nói với các con, cha cũng muốn yết kiến bổn sư của các con. Chúng ta nên cùng đi.

Hai vương tử liền từ trong không gian mà hạ xuống, trở lại chỗ mẹ, chắp tay mà thưa, vương phụ nay đã có sự tin hiểu đủ khả năng phát tâm tuệ giác vô thượng. Chúng con đã làm việc Phật làm cho cha chúng con. Xin mẹ chấp thuận cho chúng con được xuất gia tu tập nơi đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai. Hai vương tử dùng lời chỉnh cú mà thưa lại về ý nguyện của mình:

(1) Xin mẹ buông thả
để cho chúng con
thoát ly gia đình
mà làm sa môn.
Phật đà là đấng
cực kỳ khó gặp,
chúng con ước nguyện
theo ngài tu học.
(2) Như hoa ưu đàm
lâu lắm mới có,
gặp được Phật đà
còn khó hơn nữa,
cơ hội thuận tiện (282)
cũng rất khó có;
xin mẹ cho phép
chúng con xuất gia.

Vương hậu Tịnh đức nói liền, mẹ cho các con xuất gia, vì lẽ Phật đà rất khó gặp được (283) . Hai vương tử tâu với cha mẹ, lành thay phụ hoàng mẫu hậu, xin cha mẹ đi liền đến chỗ đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai để thân gần hiến cúng. Bởi vì Phật thì khó gặp như hoa ưu đàm hiếm có; lại hiếm có như việc con rùa một mắt nổi chìm hoài trong biển cả mà cổ nó gặp được cái lỗ nơi tấm ván cây trôi nổi trong biển cả ấy (284) . Vậy mà chúng con nhờ phước đời trước sâu dày, đời này sinh ra đã gặp Phật và gặp pháp của Phật, nên xin cha mẹ chấp thuận cho chúng con xuất gia. Phật đã khó gặp mà cơ hội thuận tiện cũng khó có.

Bấy giờ hậu cung của Diệu trang nghiêm vương có tám vạn bốn ngàn người mà toàn là người có khả năng tiếp nhận ghi nhớ Pháp hoa. Bồ tát Tịnh nhãn thì đã thấu suốt từ lâu đối với định Hoa sen chánh pháp. Bồ tát Tịnh tạng thì đã vô lượng trăm ngàn vạn ức thời kỳ thấu suốt điểnh Thoát ly đường dữ, vì muốn làm cho chúng sinh thoát ly đường dữ. Vương hậu Tịnh đức thì được định Qui tụ của Phật, thấu suốt kho tàng bí mật của chư Phật. Hai vương tử bồ tát vận dụng phương tiện lực như trên, hoán cải khéo léo cho tâm trí vương phụ tin hiểu và ưa thích Phật pháp. Nên quốc vương Diệu trang nghiêm cùng với quần thần tùy thuộc, vương hậu Tịnh đức cùng với hậu cung thể nữ tùy thuộc, hai vương tử cùng với bốn vạn hai ngàn người, tất cả cùng lúc đi đến chỗ đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai. Đến rồi, ai cũng đem đầu mặt lạy ngang chân ngài, đi quanh ngài ba vòng rồi lui lại đứng vào một phía. Bấy giờ đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai thuyết pháp cho Diệu trang nghiêm vương với đủ cách trình bày, thuyết phục, khuyến khích và tán thưởng. Diệu trang nghiêm vương rất hoan hỷ, đẹp dạ.

Diệu trang nghiêm vương và vương hậu Tịnh đức mở chuỗi ngọc chân châu đang mang nơi cổ, giá trị cả trăm ngàn, tung rải lên trên đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai. Trong không gian, ngọc ấy hóa thành đài ngọc có bốn trụ. Trong đài có cái giường ngọc lớn, trải trăm ngàn vạn loại vải thiêng, và trên đó có đức Phật ngồi xếp bằng, phóng ra ánh sáng vĩ đại. Diệu trang nghiêm vương nghĩ thân Phật thật hiếm có, tuyệt đẹp, uy nghiêm, cao lớn, đặc biệt, có đủ hết thảy sắc tướng tinh tế bâểc nhất. Bấy giờ đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai nói với bốn chúng, các người thấy Diệu trang nghiêm vương đang chắp tay đứng trước Như lai đây không? Trong giáo pháp của Như lai, vị hoàng đế này sẽ làm tỷ kheo, tinh tiến mà tu tập và hỗ trợ các pháp tuệ giác vô thượng của Như lai, và rồi sẽ thành Phật đà với danh hiệu Sa la thọ vương, quốc độ tên Đại quang, thời kỳ tên Đại cao vương. Sa la thọ vương như lai có vô lượng bồ tát và vô lượng thanh văn, quốc độ bằng phẳng. Thành quả của Diệu trang nghiêm vương sẽ có đến như thế ấy.

Diệu trang nghiêm vương tức thì đem quốc chính giao phó vương đệ, rồi cùng vương hậu, hai vương tử và những người tùy thuộc đều xuất gia, tu tập trong giáo pháp của đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai. Sau khi xuất gia, Diệu trang nghiêm vương trải qua tám vạn bốn ngàn năm thường xuyên nỗ lực, tinh tiến tu hành Pháp hoa. Qua thì gian ấy, Diệu trang nghiêm vương được định Mọi sự trang sức đầy phẩm chất trong suốt, liền thăng lên không gian với độ cao bảy cây đa la mà thưa, bạch đức Thế tôn, hai con của con đã làm việc Phật làm, đem thần biến mà di chuyển tâm trí của con ra khỏi học thuyết sai lầm, làm cho con đứng vững trong giáo pháp của đức Thế tôn và được gặp ngài. Hai con của con đúng là bạn tốt của con, muốn khơi dậy gốc rễ điều lành đời trước để ích lợi cho con nên sinh vào gia đình con. Đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai bảo Diệu trang nghiêm vương, đúng như vậy, đúng như lời ông nói. Thiện nam hay thiện nữ nào biết gieo trồng gốc rễ điều lành thì đời đời được gặp bạn tốt, và bạn tốt thì có năng lực làm việc Phật làm, là trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng mà làm cho nhập vào tuệ giác vô thượng. Đại vương, ông nên ý thức bạn tốt là yếu tố lớn lao, cảm hóa dắt dẫn cho ông được thấy Như lai và phát tâm tuệ giác vô thượng. Đại vương, ông thấy hai vương tử không? Hai vương tử đã từng hiến cúng thân gần và tôn kính sáu mươi lăm trăm ngàn vạn ức trăm triệu hằng sa chư Phật. Nơi chư Phật ấy, hai vương tử đã tiếp nhận kính giữ Pháp hoa, thương tưởng chúng sinh thấy biết sai lầm mà làm cho họ đứng trong thấy biết chính xác.

Diệu trang nghiêm vương liền từ không gian hạ xuống mà thưa, bạch đức Thế tôn, ngài thật hiếm có. Do phước đức và tuệ giác nên trên đỉnh đầu của ngài nổi lên gò thịt mà từ đó ánh sáng rực rỡ chiếu tỏa. Mắt ngài thì dài và rộng với màu sắc xanh biếc. Lông trắng giữa hai hàng lông mày thì trắng ngời như trăng sáng với màu sắc bạch mã não (285) . Răng thì trắng, đều, khít, và thường xuyên lóng lánh. Môi thì đỏ và đẹp như trái tần bà... Đồng đẳng như vậy, Diệu trang nghiêm vương tán dương vô lượng trăm ngàn vạn ức những sự đặc thù của đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai rồi, đối trước ngài, ông nhất tâm, chắp tay mà thưa thêm nữa, bạch đức Thế tôn, thật là chưa từng có: giáo pháp của ngài thì có đủ phẩm chất tinh tế và ngoài tầm nghĩ bàn; giới pháp của giáo pháp ấy thì làm theo là yên vui, thích thú, tốt đẹp. Từ ngày hôm nay, con không đi theo tâm ý của mình nữa, không sinh ra nữa những thứ tà kiến, ngạo mạn, sân hận và bao nhiêu tư tưởng tội ác. Trình bạch như vậy rồi, Diệu trang nghiêm vương đảnh lễ đức Vân lôi âm tú vương hoa trí như lai mà lui ra.

Đức Thế tôn bảo đại hội các chúng, ý các người nghĩ thế nào, Diệu trang nghiêm vương có phải ai khác, mà nay là bồ tát Hoa đức. Vương hậu Tịnh đức thì nay là bồ tát Quang chiếu trang nghiêm tướng đang đứng trước Như lai đây; lúc ấy vì thương Diệu trang nghiêm vương và quyến thuộc của ông mà vị bồ tát này đã sống với họ. Còn hai vương tử thì nay là bồ tát Dược vương và bồ tát Dược thượng. Hai vị này thành tựu những công đức lớn lao đại loại như sự thể vừa nói, là vì ở nơi vô lượng trăm ngàn vạn ức đức Phật, hai vị này đã từng gieo trồng đủ loại gốc rễ công đức và hoàn thành những phẩm chất ngoài tầm nghĩ bàn. Người nào nhận thức được danh hiệu của hai vị bồ tát này thì cả thế giới, trong đó có chư thiên và nhân loại, cũng nên lễ kính người ấy.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết phẩm Việc cũ của Diệu trang nghiêm vương thì có tám vạn bốn ngàn người tách xa bụi bặm, tách rời dơ bẩn, được sự trong sáng của con mắt nhìn các pháp.


Phẩm 28: Sự Khuyến Khích Của Bồ Tát Phổ Hiền [^]

Bấy giờ, bằng thần lực rất tự tại và danh tiếng đầy uy đức của mình, đại bồ tát Phổ hiền, với sự tháp tùng của các vị đại bồ tát nhiều đến vô lượng vô biên không thể tính kể, từ hướng đông mà đến đại hội này. Những thế giới hệ mà ngài đi qua đều chấn động sáu cách, mưa xuống hoa sen quí báu, và tấu lên vô lượng trăm ngàn vạn ức chủng loại nhạc khí. Theo hầu bao quanh ngài còn có một đại chúng gồm cả tám bộ mà ai cũng biểu hiện uy đức và thần lực. Khi đến Linh sơn của thế giới hệ này, ngài đem đầu mặt lạy ngang chân đức Thế tôn, và theo chiều bên phải, ngài đi quanh đức Thế tôn bảy vòng, rồi thưa, bạch đức Thế tôn, từ cõi Phật của đức Bảo uy đức thượng vương như lai, con xa nghe tại thế giới hệ Kham nhẫn này đức Thế tôn tuyên thuyết Pháp hoa, nên cùng với vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức bồ tát, con đến đây để lắng nghe và tiếp nhận. Kính xin đức Thế tôn dạy cho con được biết, sau khi ngài nhập diệt thì thiện nam thiện nữ trong thời kỳ ấy làm sao để có được Pháp hoa? Đức Thế tôn dạy đại bồ tát Phổ hiền, thiện nam thiện nữ nào có bốn yếu tố sau đây thì sau khi Như lai nhập diệt vẫn được Pháp hoa: một là được chư Phật giữ gìn, hai là gieo trồng gốc rễ công đức, ba là đã ở trong nhóm người cố định theo chánh pháp (286) , bốn là phát nguyện cứu độ chúng sinh. Thiện nam hay thiện nữ nào có bốn yếu tố như vậy thì Như lai nhập diệt rồi cũng vẫn chắc chắn có được Pháp hoa.

Đại bồ tát Phổ hiền thưa, bạch đức Thế tôn, năm trăm năm sau, trong thời kỳ dữ dội vẩn đục ấy có ai tiếp nhận kính giữ Pháp hoa, thì con sẽ hộ trì bằng cách trừ khử suy biến tai họa cho những người này được yên vui. Con làm cho không một kẻ nào dò xét tìm kiếm mà được cơ hội thuận tiện để quấy phá những người này. Ma vương, con trai ma vương, con gái ma vương, dân ma vương, kẻ bị ma vương phụ nhập, quỉ ăn thịt người, quỉ bạo ác, quỉ ăn tinh chất, quỉ điên cuồng, quỉ thây chết, quỉ xú uế, kẻ dùng chú tạo ra quỉ thây chết (287) , và những kẻ cùng loại, tất cả những kẻ quấy phá nhân loại trên đây không ai có được cơ hội thuận tiện. Những người này hoặc đi hoặc đứng mà đọc tụng Pháp hoa, thì lúc ấy con cỡi voi chúa sắc trắng có sáu ngà, cùng các đại bồ tát đến tại chỗ mà tự biểu hiện thân mình để hiến cúng, hộ trì và an ủi tâm chí cho những người này, lại để hiến cúng kinh Pháp hoa. Những người này ngồi mà tư duy ý nghĩa Pháp hoa, thì lúc ấy con cũng cỡi voi chúa sắc trắng mà biểu hiện trước mắt, để nếu những người này có quên mất một câu hay một bài chỉnh cú nào của kinh Pháp hoa, thì con sẽ chỉ dạy và cùng đọc tụng cho những người này thông suốt như cũ.

Những người đọc tụng kính giữ Pháp hoa này được thấy thân con thì vô cùng hoan hỷ, càng thêm tinh tiến. Và nhờ thấy thân con mà tức thì được định, lại được các tổng trì tên là tổng trì Xoay chuyển, tổng trì Xoay chuyển vô số, tổng trì Nghệ thuật thuyết pháp, được các tổng trì mà đại loại là như vậy (288) .

Bạch đức Thế tôn, năm trăm năm sau, trong thời kỳ dữ dội vẩn đục, đối với Pháp hoa mà tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, bốn chúng ấy có ai tìm kiếm cho được, ai tiếp nhận ghi nhớ, ai đọc xét văn nghĩa, ai tụng được thuộc lòng, ai sao chép ấn hành, rồi muốn tu tập về kinh ấy, thì trong ba tuần bảy ngày hãy nhất tâm mà tinh tiến. Trọn vẹn ba tuần bảy ngày rồi, con cỡi voi trắng sáu ngà, có vô lượng bồ tát bao quanh, đem cái thân hết thảy chúng sinh ai cũng thích nhìn mà biểu hiện trước mắt và thuyết pháp cho những người này, với đủ cách trình bày, thuyết phục, khuyến khích và tán thưởng. Con lại cho những người này một bài tổng trì minh chú. Được bài tổng trì minh chú ấy thì không có một kẻ không phải loài người nào mà quấy phá được, cũng không bị mê hoăểc rối loạn vì người khác phái. Con cũng đích thân hộ trì cho những người này một cách thường trực. Kính xin đức Thế tôn cho phép con tuyên thuyết bài tổng trì minh chú ấy. Đối trước đức Thế tôn, đại bồ tát Phổ hiền liền nói tổng trì minh chú:

A đàn địa - đàn đà bà địa - đàn đà bà đế - đàn đà cưu xá lệ - đàn đà tu đà lệ - tu đà lệ - tu đà la bà để - phật đà ba chiên nễ - tát bà đà la ni - a bà đa ni - tát bà bà sa a bà đa ni - tu a bà đa ni - tăng dà bà lý xoa ni - tăng dà niết dà đà ni - a tăng kỳ - tăng dà ba dà địa - đế lệ a đọa tăng dà đâu lược - a ra đế ba ra đế - tát bà tăng dà địa tam ma địa dà lan địa - tát bà đạt ma tu ba lát đế - tát bà tát đỏa lâu đà kiêu xá lược a nâu dà địa - tân a tỳ cát l#273;ịa đế (Dịch âm từ Phạn văn: A đăn đê, đăn đa pa ti, đan đa va ta ni, đăn đa ku sa lê, đăn đa su đa ri, su đa ri, su đa ra pa ti, bu đa pát da nê, sa va đa ra ni, a va ta ni, sa va ba sờ da va ta nê, su - a va ta nê, sam ga pa rít sa ni, sam ga nia ga ta ni, a sam gê, sam ga pa ga tê, tra đoa sam ga tu li da, sa va săm ga săm ma ti răn tê, sa va đa ma su pa rít si tê, sa va sát toa ru ta kao sa li da nu ga tê, sim ha vít ri đi tê, a nu va tê, va ta ni, va ta li, soa ha).(289)

Bạch đức Thế tôn, vị bồ tát nào nghe được tổng trì minh chú ấy thì nên biết đó là do thần lực Phổ hiền. Pháp hoa mà lưu hành được tại đại lục Diêm phù, và có ai tiếp nhận kính giữ, thì nên nghĩ toàn là do thần lực Phổ hiền. Có ai tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nhớ nghĩ chính xác, lý giải nghĩa ý, làm đúng kinh dạy... thì nên biết người ấy đi theo đường đi Phổ hiền, nơi chỗ vô lượng vô biên chư Phật đã gieo trồng rất sâu gốc rễ pháp lành, và được chư Phật đưa tay xoa đầu. Ai chỉ sao chép ấn hành Pháp hoa, thì người ấy mạng chung là sinh lên tầng trời Đao lợi, tám vạn bốn ngàn thiên nữ diễn tấu kịch nhạc mà đón rước, người ấy tức khắc đội mão làm bằng bảy thứ quí báu, vui thích giữa các thiên nữ ấy. Chỉ sao chép ấn hành Pháp hoa mà đã như vậy, huống chi tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nhớ nghĩ chính xác, lý giải nghĩa ý, làm đúng kinh dạy... ? Nên, đối với Pháp hoa, ai tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, lý giải nghĩa ý..., thì người ấy mạng chung là được ngàn đức Phật trao tay cho, làm cho không còn sợ hãi, không sa vào đường dữ, và tức khắc sinh lên tầng trời Đâu suất, chỗ đức Di lạc, vị đại sĩ có ba mươi hai tướng đại trượng phu, có chúng đại bồ tát bao quanh, có trăm ngàn vạn ức thiên nữ làm tùy thuộc. Có những ích lợi như vậy, nên người có trí hãy kính cẩn mà đích thân sao chép ấn hành, khuyên người sao chép ấn hành, kính cẩn mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nhớ nghĩ chính xác, làm đúng kinh dạy... Bạch đức Thế tôn, chính con đem thần lực của con mà giữ gìn Pháp hoa, làm cho kinh này, sau khi đức Thế tôn nhập diệt, vẫn được lưu hành rộng rãi tại đại lục Diêm phù, không bị tuyệt tích.

Khi ấy đức Thế tôn tán dương, rằng tốt lắm Phổ hiền, tốt lắm việc đại sĩ giữ gìn Pháp hoa mà ích lợi yên vui rất nhiều cho bao nhiêu chúng sinh. Đại sĩ đã hoàn thành công đức ngoài tầm nghĩ bàn và từ bi vĩ đại sâu xa, đã phát tâm nguyện tuệ giác vô thượng liên tục từ xa xưa cho đến bây giờ, vậy mà bây giờ đại sĩ vẫn phát tâm nguyện đem thần lực Phổ hiền giữ gìn Pháp hoa ! Như lai đem thần lực của Như lai mà giữ gìn cho những người trì niệm danh hiệu Phổ hiền.

Phổ hiền, đối với Pháp hoa, người nào tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nhớ nghĩ chính xác, làm đúng kinh dạy, sao chép ấn hành..., thì đại sĩ nên biết người ấy thấy ta, Thích ca như lai, và như từ miệng ta mà nghe kinh Pháp hoa này; nên biết người ấy hiến cúng ta, Thích ca như lai; nên biết người ấy được ta, Thích ca như lai, khen rằng tốt lắm; nên biết người ấy được ta, Thích ca như lai, đưa tay xoa đầu ; nên biết người ấy được ta, Thích ca như lai, đem pháp y che phủ... Người ấy không còn ham thích lạc thú thế tục; không ưa thích kinh sách văn bút của ngoại đạo, cũng không thích thân gần bản thân của họ; không thích thân gần những kẻ hành nghề tội ác như kẻ thợ thịt, kẻ chăn nuôi heo dê gà chó, kẻ thợ săn, kẻ buôn bán nữ sắc... Người ấy tâm ý chân chất ngay thẳng, có sự nhớ nghĩ chân chính, có sức mạnh phước đức, không bị ba thứ độc tố quấy phá, cũng không bị quấy phá bởi sự ganh ghét, bởi sự kiêu ngạo vì bản ngã, bởi sự kiêu ngạo vì tự thị điều ác đã làm, bởi sự kiêu ngạo vì chưa được mà tự cho đã được. Người ấy ít ham muốn, biết vừa đủ, có năng lực tu hành theo đường đi Phổ hiền.

Phổ hiền, Như lai nhập diệt rồi, năm trăm năm sau, ai thấy người đọc tụng kính giữ Pháp hoa, thì nên nghĩ người ấy không bao lâu sẽ đi đến bồ đề tràng, chiến thắng các đạo ma quân, thu hoạch tuệ giác vô thượng, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp, đánh trống chánh pháp, thổi loa chánh pháp, mưa nước chánh pháp, ngồi trên pháp tòa sư tử ở giữa đại hội các chúng mà các chúng chư thiên và nhân loại bao gồm trong đó.

Phổ hiền, thời kỳ sau này, ai đọc tụng kính giữ Pháp hoa thì người ấy hết còn tham lam vướng mắc vào đồ mặc, đồ nằm, đồ ăn, đồ uống, và những vật giúp cho đời sống. Người ấy ước nguyện gì cũng không vô hiệu quả, ngay trong đời này mà đã nhận được kết quả của phước đức. Ai khinh chê người ấy, nói người ấy khùng, làm việc vô ích, rốt cuộc không được gì đâu, khinh chê như vậy thì kết quả tai hại là đời đời không mắt. Ai hiến cúng ca tụng người ấy thì ngay trong đời này đã được kết quả hiện thực. Ngược lại, thấy người kính giữ Pháp hoa mà chỉ trích lỗi lầm của người ấy, thì thật hay không thật gì, người chỉ trích cũng bị phung hủi ngay trong đời này. Ai chê cười người ấy thì đời đời răng và răng hàm vừa thưa vừa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay cong, chân quẹo, mắt lé, thân thể hôi thối, ghẻ mụt, máu mủ, bụng thủng, hơi hụt, bị những bịnh nặng và dữ như vậy. Thế nên, Phổ hiền, thấy người kính giữ Pháp hoa thì nên đứng dậy mà đón từ xa, nên kính như kính Phật.

Khi đức Thế tôn nói phẩm Sự khuyến khích của đại bồ tát Phổ hiền thì vô lượng vô biên bồ tát đồng đẳng với số cát của sông Hằng được tổng trì Xoay chuyển vô số, các bồ tát đồng đẳng với số bụi của đại thiên thế giới được trọn đường đi Phổ hiền.

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết hoàn tất kinh Diệu pháp liên hoa thì chư vị bồ tát mà đứng đầu là đại bồ tát Phổ hiền, chư vị thanh văn mà đứng đầu là tôn giả Xá lợi phất, cùng với các chúng nhân loại và loài khác, toàn thể đại hội đều cực kỳ hoan hỷ, tiếp nhận ghi nhớ lời đức Thế tôn dạy, đảnh lễ ngài mà cáo thoái.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09

Source: Buddhism Today, http://www.buddhism.today


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 06-09-2002