BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode CN-Times font |
Abhidhammattha
Saṅgaha
Vi Diệu Pháp Toát Yếu
Nārada Mahā Thera
Phạm Kim Khánh dịch
Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn CN-Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli. |
|||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chương VII SAMUCCAYA-SAṄGAHA-VIBHĀGO
Chú Giải: 1. Vatthudhammā, Thực Thể. Bốn thực tại cùng tột, hay chân đế, đề cập trong sáu chương đầu có thể được phân loại là 72 vatthudhammā, thực thể, tức là hiện tượng tồn tại với những bản chất thiên nhiên cố hữu dính liền. (1+52+18+1 = 72) a) 1 -- Tất cả 89 loại tâm được xem là một vì tất cả đều có chung đặc tính là "hay biết'. b) 52 -- Tất cả những tâm sở (cetasikas) được quan sát riêng rẽ bởi vì mỗi tâm sở có những đặc tính riêng biệt. c) 18 -- Tất cả những sắc pháp được cấu tạo (nipphanna) được quan sát riêng rẽ vì có những đặc tính khác nhau. d) 1 -- Niết Bàn (Nibbāna) là một, vì đặc tính của Niết Bàn là thanh bình an lạc. h. Tất cả 72 đều là những thực thể chủ quan và khách quan được mô tả ở những chương trước. Trong chương nầy 72 sẽ được trình bày lẫn lộn. 2. Āsava, Hoặc Lậu. Xuất nguyên từ "ā" + căn "su", trôi chảy. Ðuợc gọi như vậy vì āsava (hoặc lậu) trôi chảy đến tận đỉnh cao của những kiếp sinh tồn và hiện hữu chí đến chặp tư tưởng Gotrabhū, Chuyển Tánh, (tức chặp tư tưởng tức khắc trước chặp tâm Ðạo, Magga, của vị Nhập Lưu, Sotāpatti). Trong vô lượng tiền kiếp, những āsavas (hoặc lậu) nầy hiện hữu ngủ ngầm bên trong tất cả những ai còn là phàm nhân, có thể được xem là chất độc dược cực kỳ nguy hiểm làm say đắm chúng sanh và có thể trồi lên mặt trong tất cả những cảnh giới sinh tồn. Ô nhiễm, Hư Hỏng, Ðồi Bại, Nhơ Bẩn, Chất Ðộc, Bợn Nhơ là một vài danh từ được xem là gần ý nghĩa với phạn ngữ "trứ danh một cách vô danh" nầy. [Lời người dịch: Danh từ āsava thường được chuyển ngữ là hoặc lậu. Hoặc là mê tối, lầm lạc, như trong chữ mê hoặc. Lậu là rỉ ra, tiết lộ ra, và gây bợn nhơ. Ở đây là bợn nhơ tinh thần, phiền não tham, sân, si v.v... Lậu tận là diệt trừ phiền não. Khi lục căn tiếp xúc với lục trần không còn gây ra những ý tưởng bất thiện]. Trong bốn Āsavas (Hoặc Lậu), kāmāsava (dục lậu) có nghĩa là luyến ái theo dục lạc của ngũ trần, bhavāsava (hữu lậu) là luyến ái theo đời sống ở cảnh Sắc Giới và Vô Sắc Giới, diṭṭhāsava (tà kiến lậu) là sáu mươi hai loại quan kiến lầm lạc [*] và avijjāsava (vô minh lậu) là trạng thái vô minh liên quan đến Tứ Diệu Ðế, đến đời sống quá khứ, vị lai, đến cả hai, đời sống quá khứ và đời sống vị lai, và Ðịnh Luật Tùy Thuộc Phát Sanh. [*] Xem Brahmajāla Sutta - Dīgha Nikāya -- Kinh Phạm Vỏng, Trường A Hàm, số 1. 3. Ogha, Ngập Lụt. Xuất nguyên từ "ava" + "han", gây tổn thương hay sát hại. Chúng sanh bị chìm đắm trong luồng trôi chảy của trận lụt vĩ đại, bị quay cuồng giữa những dòng nước xoáy mãnh liệt, bị lôi cuốn thẳng ra biển cả rồi bị nhận chìm xuống tận đáy như thế nào, những trận ngập lụt (ogha) của đời sống cũng lôi cuốn chúng sanh rồi đẩy vào, nhận chìm trong những hoàn cảnh khốn cùng như thế ấy. 4. Yoga, Trói Buộc. Xuất nguyên từ căn "yuj", trói buộc (như buộc chặt ách vào cổ bò). Yogas, là những trói buộc cột chặt chúng sanh vào vòng quanh những kiếp sinh tồn sanh tử-tử sanh vô cùng tận của vòng luân hồi. 5. Ganthas, Thắt Chặt. Là những gì thắt chặt tâm với thân, hoặc là những gì thắt chặt thân trong hiện tại với thân trong những kiếp vị lai. Nơi đây danh từ kāya được dùng trong ý nghĩa "một khối" hay "cơ cấu" -- tinh thần hay vật chất. 6. Upādāni, Chấp Thủ. Xuất nguyên từ "upa" + "ā" và căn "dā", cho. Thủ, upādāna là ái ở mức độ cao. Vì lẽ ấy trong pháp Paṭicca Samuppāda (Thập Nhị Nhân Duyên hay pháp Tùy Thuộc Phát Sanh), có câu: "Vì có taṇhā (ái dục) nên có upādāna (thủ)". Taṇhā, ái dục cũng như tên trộm rình mò trong đêm tối để trộm một vật. Upādāna giống như chính hành động trộm cắp. 7. Attāvādūpādāna, Thuyết Về Linh Hồn Trường Cửu. Bản chú giải đề cập đến hai mươi mốt lý thuyết về linh hồn trường cửu (bản ngã vĩnh tồn) liên hệ đến Ngũ Uẩn như sau: (i) Linh hồn (bản ngã) cùng với thân (cơ thể vật chất, sắc) là một,
Bốn thuyết về linh hồn trường cửu (bản ngã) liên hệ với bốn Uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành, thức) phải được hiểu cùng một thế ấy. 8. Nīvaranāni, Triền Cái. Xuất nguyên từ "ni" + căn "var", gây chướng ngại, ngăn cản. Ðuợc gọi như vậy vì nó chận ngang con đường hướng về tình trạng an lạc của cảnh trời và hạnh phúc Niết Bàn. Theo bản chú giải, danh từ nầy có nghĩa là cái gì cản ngăn con đường hướng về các tầng Thiền (Jhānas) v.v..., của những tư tưởng thiện, hay cái gì không để cho các tầng Thiền phát triển, hay cái gì ngăn chận con mắt trí tuệ. Xem A Manual of Buddhism, trang 113-115, và The Buddha and His Teachings, chương 37. Thông thường Nīvaranas, các pháp Triền Cái, được xem là có năm. Cả hai cặp -- hôn trầm và thụy miên, phóng dật và lo âu -- được kể chung vì chức năng (kicca), nguyên nhân (āhāra = hetu), và những yếu tố đối nghịch của các pháp nầy giống nhau. Chức năng của hôn trầm và thụy miên là chểnh mảng tinh thần, trì độn; chức năng của phóng dật và lo âu là băn khoăn áy náy, không yên. Nguyên nhân của hôn trầm và thụy miên là tình trạng lười biếng, của phóng dật lo âu là bất mãn, buồn phiền, chẳng hạn như vì cái chết của một người trong thân quyến v.v... Nghị lực đối nghịch với cặp hôn trầm và thụy miên; tình trạng an tĩnh đối nghịch với phóng dật lo âu. Tham dục được ví như nước pha lẫn với nhiều màu sắc khác nhau; sân hận, như nước nấu sôi; hôn trầm và thụy miên, như nước đầy rong rêu, phóng dật và lo âu, như nước bị gió làm chao động; hoài nghi, như nước đục, đầy bùn nhơ. Cũng giống như khi ta nhìn xuống mặt nước đục đầy bùn nhơ thì không thể thấy cái bóng của mình, cùng thế ấy, vì bị những chướng ngại tinh thần, gọi là pháp triền cái, cản ngăn ta không thể thấy cái gì dẫn đến tình trạng an lành và hạnh phúc cho chính ta và cho kẻ khác. Pháp Triền Cái tạm thời bị các tầng Thiền (Jhānas) đè nén. Khi chứng ngộ Ðạo Quả Thánh các chướng ngại nầy sẽ hoàn toàn bị loại trừ. Hoài nghi, hay do dự không quả quyết, bị loại trừ khi chứng đắc Tu Ðà Huờn; tham dục, sân hận và lo âu bị loại trừ khi chứng đắc A Na Hàm; phóng dật và lo âu, khi đắc Ðạo Quả A La Hán. 9. Anusaya, Tâm Tánh Ngủ Ngầm (Tùy Miên). Xuất nguyên từ "anu" + "si", nằm, ngủ. Anusayas là những gì, vì chưa hoàn toàn bị loại trừ, còn nằm đó ngủ ngầm cho đến khi có cơ hội, trồi lên phát hiện trên mặt. Tất cả những khát vọng đều là anusayas, khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm. Nhưng có bảy là mạnh nhất. Khi còn là chúng sanh phàm tục, tức chưa đắc Quả Thánh, dầu đã thành đạt những cảnh giới Thiền cao tuyệt đỉnh, lúc tái sanh trở lại vào cảnh người cũng còn có thể bị những khuynh hướng tệ hại ấy tuôn tràn trổi dậy dễ dàng vì chúng nó chưa bị tận diệt, vẫn còn ngủ ngầm trong luồng nghiệp (tùy miên). 10. Saṁyojana, Thằng Thúc. Từ "saṁ" + căn "yuj", gát ách, trói buộc. Là những gì cột trói chúng sanh vào những kiếp sinh tồn của vòng luân hồi. Bằng bốn Ðạo (Magga) dần dần loại trừ những dây trói buộc nầy. 11. Kilesas, Ô Nhiễm, hay Phiền Não. Là những gì làm bợn nhơ, hay gây đau khổ cho tâm. 12. Trong phần phân loại bất thiện pháp danh từ kāma đôi khi áp dụng cho Dục Giới, và bhava cho Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Lobha (tham ái) hàm ý là cả hai -- kāmataṇhā và bhavataṇhā. Luyến ái duyên theo cảnh Sắc Giới và Vô Sắc Giới cũng được gọi là bhavataṇhā. Ba chữ -- sīlabbataparāmāsa (giới cấm thủ, tức tin theo những lễ nghi và nghi thức sai lầm), idaṁsaccābhinivesa (sự tin tưởng độc đoán rằng chỉ có đây là chân lý) và attavādūpādāna (lý thuyết về linh hồn trường tồn vĩnh cửu) -- hàm xúc ý nghĩa diṭṭhi, tà kiến. Cả hai danh từ kāmāsava và bhavāsava đều hàm ý là lobha (tham). Một cách chính xác, chỉ có ba hoặc lậu (āsava) là oghas, yogas, và ganthas (xem chú giải số 3, 4, và 5 cùng chương nầy). Khi hai cặp -- thīna-middha và uddhacca-kukkucca, hôn trầm dã dượi và phóng dật lo âu -- được xem là bốn tâm sở thì Nīvaraṇas, pháp triền cái có tám. Khi kāmarāga và bhavarāga (luyến ái duyên theo Dục Giới và luyến ái duyên theo Sắc Giới và Vô Sắc Giới) được nhập chung với ái dục thì anusaya (khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm, hay tùy miên) được biết là có sáu. Mười saṁyojanas (thằng thúc), theo Suttanta (Tạng Kinh), còn bảy khi kāmarāga, rūparāga, arūparāga đuợc bao gồm trong lobha, và diṭṭhi và sīlabbata- parāmāsa được bao gồm trong diṭṭhi. Mười saṁyojanas được xem là còn tám khi kāmarāga và bhavarāga đuợc bao gồm trong lobha, và diṭṭhi và sīlabbataparāmāsa trong diṭṭhi. Kilesa (ô nhiễm) chính xác là mười. Như vậy, ta sẽ thấy rằng 14 tâm sở bất thiện, với số lượng nhiều hay ít khác nhau, nằm trong chín loại bất thiện pháp. Lobha nằm trong tất cả. Đồ biểu 14
-ooOoo- Missaka-Saṅgaho
Chú Giải 13. Missakasaṅgaho, Những Loại Pháp Linh Tinh. Ðược gọi như vậy bởi vì trong phần nầy các loại tâm thiện (kusala), bất thiện (akusala) và bất định (avyākata) đều được pha trộn lẫn lộn. 14. Hetu, Nhân. Xem chương I, chú giải 23. 15. Jhānaṅga, Chi Thiền Jhāna, Thiền, đuợc giải thích là cái gì thiêu đốt tánh cách chướng ngại của các Triền Cái, hay cái gì bám sát nhìn vào đề mục. Cả hai ý nghĩa đều có thể áp dụng cho trạng thái "Thiền", được chứng đắc do tâm an trụ. Sáu Chi Thiền đều được dùng trong hai ý nghĩa nầy. Cũng những chi nầy, khi nằm trong một loại tâm thiện hay bất thiện và có thọ "ưu" phát hiện trong một tâm bất thiện, thì được gọi là jhānaṅgas trong ý nghĩa thứ nhì. Chỉ có thọ "ưu" là bất thiện; tất cả còn lại là thiện, không có tánh cách thiện hay bất thiện, và bất định. Xem chương I. 16. Maggaṅgāni, Chi Ðạo. Nơi đây danh từ được dùng trong ý nghĩa phổ thông, tức là cái gì dẫn đến trạng thái hạnh phúc, trạng thái bất hạnh, và Niết Bàn (sugatidugatīnaṁ nibbānassa ca abhimukhaṁ pāpanato maggā -- Bản Chú Giải). Trong mười hai Chi Ðạo, bốn yếu tố sau cùng dẫn đến trạng thái bất hạnh; tất cả còn lại dẫn đến hạnh phúc và Niết Bàn. Một cách chính xác, mười hai Chi Ðạo kể trên là chín tâm sở nằm trong những loại tâm khác nhau. Trong bốn chi bất thiện, tà kiến là tâm sở hiểu biết sai lầm bất thiện (diṭṭhi cetasika), tà tư duy, tà tinh tấn, và tà nhất điểm tâm là ba tâm sở vitakka, vāyāma, và ekaggatā cetasika (tầm, tinh tấn, và nhất điểm tâm) nằm trong các loại tâm bất thiện. Chánh kiến có nghĩa paññā cetasika (tâm sở trí tuệ); chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh nhất điểm tâm là những tâm sở tầm, tinh tấn, niệm, và nhất điểm tâm nằm trong những loại tâm thiện và bất định. Chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng là ba tâm sở virati, tiết chế, nằm chung trong các loại tâm siêu thế và riêng rẽ nằm trong những loại tâm thiện tại thế. Tám loại tâm đầu tiên chỉ nằm chung trong tám loại tâm siêu thế. Bát Chánh Ðạo có nghĩa là tám tâm sở đặc biệt nầy. 17. Indriya, Căn, hay khả năng kiểm soát. Ðược gọi như vậy bởi vì những loại tâm nầy có một năng lực kiểm soát trong lãnh vực riêng của mình. Năm căn đầu là năm giác quan, đã có được mô tả trước. Căn thứ sáu và căn thứ bảy được gọi chung là bhāvindriya, tánh căn (tức tánh nam hay tánh nữ). Mạng Căn là cả hai, danh mạng căn và sắc mạng căn. Căn số 10, 11, 12, 13, và 14 là năm loại thọ. Căn số 15, 16, 17, 18, và 19 cả hai được xem là những khả năng, Căn, và những năng lực, Lực, bởi vì hai loại nầy chi phối những loại tâm đồng phát sanh và khắc phục những năng lực đối nghịch. Ba Căn cuối cùng thật vô cùng quan trọng và thuộc về siêu thế. Danh từ anaññātaṁ có nghĩa là Niết Bàn, trước đây chưa từng bao giờ được biết. Ðến khi thành đạt tầng Thánh đầu tiên (sotāpatti) mới chứng ngộ Tứ Diệu Ðế lần đầu tiên. Do đó tuệ giác của Sotāpatti Magga, Tu Ðà Huờn Ðạo, được gọi là anaññātaṁ ñassāmi't'indriyaṁ. Sáu loại tuệ giác ở khoảng giữa, từ Tu Ðà Huờn Quả đến A La Hán Quả được gọi là "aññā" (xuất nguyên từ "ā" = tuyệt hảo + căn "ñā", hiểu biết), tuệ giác tối thượng. Bởi vì trí tuệ nằm trong bảy loại tâm siêu thế nầy kiểm soát tất cả 37 Yếu Tố của sự Giác Ngộ. (tức 37 bồ đề phần, hay 37 phẩm trợ đạo) nên gọi là Indriya, Căn, hay khả năng kiểm soát. Một vị A La Hán được gọi là Aññātāvī bởi vì Ngài đã chứng ngộ trọn vẹn bốn Chân Lý Thâm Diệu. Yếu tố cuối cùng là tuệ giác tối thượng của vị A La Hán trong tầng A La Hán Quả. 18. Balāni, Lực. Chín "Lực" nầy được gọi như vậy bởi vì không thể bị những năng lực đối nghịch làm chao động, và bởi vì các loại tâm nầy giúp tăng cường những loại tâm khác đồng phát sanh. Bảy Lực đầu tiên là thiện; hai Lực cuối cùng là bất thiện. Bảy Lực đầu tiên, theo thứ tự, đối nghịch với những trạng thái không có đức tin, lười biếng, lơ đểnh, phóng dật, vô minh, không hổ thẹn tội lỗi, và không ghê sợ hậu quả của tội lỗi. Hai Lực bất thiện cuối cùng chỉ nằm trong mười hai loại tâm bất thiện và củng cố vững chắc những loại tâm đồng phát sanh với nó. 19. Adhipati, Ưu Thế. Có quyền thế cao trội, hay quyền lãnh chúa. Sự khác biệt giữa adhipati và indriya nên được hiểu biết rõ ràng. Adhipati, quyền thế ưu trội, có thể ví như một ông vua, người lãnh đạo một quốc gia, có toàn quyền cai trị một vương quốc, là chúa của tất cả các vị bộ trưởng. Indriya, căn, ví như vị bộ trưởng của nhà vua, chỉ kiểm soát riêng biệt bộ của mình mà không thể lấn quyền qua một bộ khác. Như nhãn căn chẳng hạn, chỉ có thể kiểm soát những sắc pháp cùng tồn tại trong mắt mà không thể kiểm soát những khả năng của tai. Trong trường hợp của adhipati, thì có quyền thế hơn, chi phối toàn thể những yếu tố cùng tồn tại với mình mà không có sự đối kháng nào. Không có hai adhipati có thể tác hành cùng một lúc. Trái lại, Indriya ở những bộ phận khác nhau như mắt, tai, mũi v.v... có thể cùng tồn tại trong một lúc. 20. Citta, Tâm, hay Tư Tưởng. Nơi đây citta ám chỉ tiến trình javana. Vimaṁsā hàm xúc tuệ căn (paññindriya). 21. Āhāra, Vật Thực. Nơi đây danh từ āhāra đuợc dùng trong nghĩa chất dinh dưỡng, thức ăn. Kabalīkārāhāra, vật thực ăn được, cấp dưỡng chất bổ cho cơ thể vật chất. Phassāhāra, thức ăn của xúc giác, cấp dưỡng chất bổ cho năm loại thọ. Manosaṁ- cetanāhāra, thức ăn cho tâm, là những tâm sở tác ý (cetanas) nằm trong 29 loại tâm thiện và bất thiện tại thế. Những "thức ăn cho tâm" nầy cấp dưỡng chất bổ, hay tạo nên hiện tượng tái sanh trong tam giới. Viññaṇāhāra có nghĩa là vật thực cho thức tái sanh, cấp dưỡng những tâm sở và các sắc pháp (nāma-rūpa) đồng khởi sanh cùng một lúc. Có 19 loại thức tái sanh. Trong trường hợp những chúng sanh Vô Tưởng thì nó chỉ cung cấp sắc pháp. Trong cảnh Vô Sắc Giới thì nó chỉ cung cấp danh pháp. Trong kiếp sống của những chúng sanh có đủ năm uẩn thì nó cấp dưỡng cả hai danh và sắc. 22. Không có chi Thiền nằm trong mười loại thức, bởi vì cảm thọ yếu, và không có sự tri giác đối tượng. 23. Trạng thái không tinh tấn là mười sáu loại tâm, tức là mười loại thức, hai tiếp thọ tâm, ba suy đạc tâm, và ngũ môn hướng tâm (pañcadvārāvajjana). Tâm Nhất Ðiểm nằm trong đó cũng không mạnh lắm. 24. Vô Nhân là 18 ahetuka-cittas, tâm không có nhân. 25. Tâm Nhất Ðiểm nằm trong loại tâm có hoài nghi chỉ giúp tâm giữ quân bình. Tâm nầy không mạnh. 26. Không có adhipati, tâm sở ưu thế, trong những loại tâm không nhân (ahetuka) và tâm có một nhân (ekahetuka cittas). 27. Một cách chính xác có năm chi Thiền, bởi vì ba loại thọ có thể được xem là một; Chi Ðạo có chín vì tà tư duy, tà tinh tấn, và tà nhất điểm tâm được bao gồm, theo thứ tự, trong Tầm, Tấn và Nhất Ðiểm Tâm; Căn (Indriya) có mười sáu khi năm loại thọ được gom chung làm một, và ba loại tâm siêu thế nằm trong paññā, trí tuệ. -ooOoo- Bodhipakkhiya Saṅgaho
Chú Giải 28. Bodhipakkhiya, Bồ Ðề Phần. Cũng được gọi là 37 Phẩm Trợ Ðạo. Bodhi là Giác Ngộ, hay người có nguyện vọng thành đạt Giác Ngộ. Pakkhiya, theo nghĩa đen là "đứng về phía của". 29. Satipaṭṭhāna, Niệm Xứ. Sati = niệm, hay biết, hay chú tâm ghi nhận; paṭṭhānā = củng cố, thiết lập, áp đặt lên, nền tảng, xứ. Những Satipaṭṭhānās, niệm xứ, nầy được áp dụng để trau giồi và phát triển cả hai, tâm định và tuệ minh sát. Mỗi niệm xứ nhắm vào một mục tiêu riêng biệt. Quán niệm về bốn xứ nầy, một đàng, dẫn đến sự phát triển trạng thái không đáng được ưa thích (asubha), đau khổ (dukkha), vô thường (anicca), và vô ngã (anattā), và đàng khác, nhằm tận diệt tình trạng "đáng được ưa thích", khoái lạc, thường còn và có một thực thể vĩnh cửu trường tồn. Một cách vắn tắt, đề mục chú niệm có thể được chia làm hai phần là niệm về nāma, danh và niệm về rūpa, sắc. Thân quán niệm xứ, hay niệm thân, liên hệ đến rūpa, sắc. Hơi thở đuợc xem là một loại rūpa, sắc. Thọ Quán Niệm Xứ và Tâm Quán Niệm Xứ (Niệm Thọ và Niệm Tâm) đề cập đến những loại thọ cảm và những tư tưởng khác nhau. Niệm Pháp đề cập đến cả hai, danh và sắc. Trong trường hợp nầy thật rất khó mà tìm ra một danh từ Anh ngữ tương đương với Phạn ngữ Dhamma, thường được gọi là Pháp. Tốt hơn nên giữ nguyên danh từ Pāli nầy nhằm tránh mọi hiểu biết lầm lạc. Muốn có thêm chi tiết xin đọc Satipaṭṭhānā Sutta, Kinh Niệm Xứ và bản chú giải. 30. Sammappadhāna, (Tứ) Chánh Cần. Là một tâm sở, viriya, chánh tinh tấn, tác hành bốn nhiệm vụ. 31. Iddhipāda, (Tứ) Thần Túc. Là những phương tiện nhằm thành tựu mục tiêu, hay cứu cánh. Một cách chính xác, tất cả bốn đều thuộc về tâm Siêu Thế. Chanda, Dục là tâm sở "ý-muốn-làm". Viriya, Tấn, hàm xúc bốn sự Cố Gắng Cao Thượng. Citta, Tâm, là những loại Tâm Siêu Thế. Vimaṁsa, Trạch Quán, là tâm sở trí tuệ nằm trong Tâm Siêu Thế. Chỉ khi nào cả bốn pháp nầy hiện hữu trong Tâm Siêu Thế mới gọi là Iddhipāda, Thần Túc. 32. Indriyas và Balas, (Ngũ) Căn và (Ngũ) Lực. Năm chi của Ngũ Căn giống hệt như năm chi của Ngũ Lực, mặc dầu ý nghĩa gán cho mỗi căn và mỗi lực có phần khác nhau. 33. Sambojjhaṅga, Thất Giác Chi. Sam = nâng cao, tốt; bodhi = giác ngộ, hay người có nguyện vọng cố gắng để thành đạt sự giác ngộ; aṅga = yếu tố. Nơi đây Dhammavicaya, Trạch Pháp, có nghĩa là nhìn thấy danh và sắc đúng như danh và sắc thật sự là vậy. Ðó là tuệ minh sát. Passadhi, khinh an có nghĩa cittapassadhi và kāyapassadhi, tâm vương và trọn cơ cấu các tâm sở nhẹ nhàng an lạc. Upekkhā không phải là trạng thái lãnh đạm, thờ ơ, hay lạnh lùng, mà là tâm quân bình được gọi là tatramajjhattatā, buông xả. Dhammavicaya, vīriya, và pīti (trạch pháp, tinh tấn và phỉ) đối nghịch với hôn trầm dã dượi; passadhi, samādhi, và upekkā (khinh an, định, và xả) đối nghịch với uddhaca (phóng dật). 34. Maggaṅgāni, Chi Ðạo. Theo các bản chú giải, nơi đây danh từ Magga được dùng trong hai ý nghĩa khác nhau là (1) "cái gì mà những ai cố gắng thành đạt Niết Bàn mong tìm", và (2) "cái gì diệt trừ ô nhiễm trên đường đi của nó" (Nibbānatthikehi maggīyatī'ti vā kilese mārento gacchatī'ti maggo). Lẽ dĩ nhiên định nghĩa đặc biệt nầy đã được trình bày để phân biệt Bát Chánh Ðạo với những con đường thông thường. Một cách chính xác, tám chi của Bát Chánh Ðạo bao hàm tám tâm sở chung hợp nằm trong tâm siêu thế lấy Niết Bàn làm đối tượng. Sammādiṭṭhi, đuợc phiên dịch là Chánh Kiến, Quan Kiến, Niềm Tin, Sự Hiểu Biết, chân chánh. Sammādiṭṭhi được giải thích là hiểu biết bốn Chân Lý Thâm Diệu (Tứ Diệu Ðế). Nói cách khác, đó là hiểu biết chính cá nhân mình đúng như nó thật sự là vậy, hay hiểu biết sự vật đúng như sự vật là vậy, hiểu biết thực tướng của vạn pháp. Theo Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, đó là những tâm sở trí tuệ (paññā) có chiều hướng diệt trừ vô minh (avijjā). Chánh Kiến được sắp đứng đầu trong tám chi vì tất cả mọi hành động đều phải do trí tuệ điều hoà. Chánh Kiến dẫn đến Chánh Tư Duy, suy tư chân chánh. Sammāsaṅkappa, Chánh Tư Duy, là có Tư Tưởng, Nguyện Vọng, Ý Ðịnh, Ý Kiến, chân chánh. Theo Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, đây là tâm sở vitakka (tầm), hướng tâm về Niết Bàn, loại trừ những tư tưởng bất thiện kāma (tham dục), vyāpādā (oán ghét), hiṁsā (hung bạo), bằng cách vun quén đắp bồi những thiện pháp nekkhamma (xuất gia, hay buông bỏ), avyāpāda (không oán ghét, hay từ bi), và avihimsā (không hung bạo). Hai chi đầu của Bát Chánh Ðạo -- chánh kiến và chánh tư duy -- hợp thành nhóm Tuệ (Paññā). Chánh Tư Duy dẫn đến Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng. Ba chi nầy hợp thành nhóm Giới (Sīla). Sammāvācā, Chánh Ngữ, có nghĩa là tiết chế, hay kiêng cử, không nói dối, không nói đâm thọc, không nói thô lỗ cộc cằn, và không nói nhảm nhí. Sammākammanta, Chánh Nghiệp, liên hệ đến sự kiêng cử sát sanh, trộm cắp, và tà hạnh. Sammājīva, Chánh Mạng, có hai phần: Ðời sống chân chánh của chư vị tỳ khưu và của người cư sĩ. Ðối với hàng tại gia cư sĩ là không buôn bán khí giới, không buôn bán nô lệ, không buôn bán chất say, không buôn bán thú vật để làm thịt, và không buôn bán thuốc độc. Ba tâm sở "Tiết Chế" (virati) được bao gồm trong ba chi nầy. Sammāvāyāma, Chánh Tinh Tấn, là bốn sự Cố Gắng Cao Thượng (tứ chánh cần), được đề cập đến ở phần trên. Sammāsati, Chánh Niệm, là bốn loại quán niệm đã được đề cập đến ở phần trên. Sammāsamādhi, Chánh Ðịnh, là gom tâm vào một điểm. Ðó là tâm sở ekaggatā, "nhất điểm tâm". Ba chi sau cùng -- chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định -- hợp thành nhóm Ðịnh (Samādhi). Tám chi bao gồm Giới, Ðịnh, và Tuệ hay Minh Sát. 35. Tinh Tấn (viriya), phát sanh chín lần như sau: 4 Tứ Chánh Cần, 1 Tấn Thần Túc,1 Tấn Căn, 1 Tấn Lực, 1 Tấn Giác Chi, 1 Chánh Tinh Tấn. Niệm phát sanh tám lần như sau: 4 Tứ Niệm Xứ, 1 Niệm Căn, 1 Niệm Lực, 1 Niệm Giác Chi, 1 Chánh Niệm. Ðịnh phát sanh bốn lần như sau: 1 Ðịnh Căn, 1 Ðịnh Lực, 1 Ðịnh Giác Chi, và 1 Chánh Ðịnh. Tuệ phát sanh năm lần như sau: 1 Tuệ Thần Túc, 1 Tuệ Căn, 1 Tuệ Lực, 1 Tuệ Giác Chi, và 1 Chánh Kiến. Tín phát sanh hai lần như sau: 1 Tín Căn, 1 Tín Lực. Khi tâm Siêu Thế đặt nền tảng trên Nhị Thiền ắt không có tầm (vitakka). Khi đặt nền tảng trên Tứ Thiền và Ngũ Thiền thì không có Phỉ (pīti). Tất cả 37 chi của pháp trợ đạo nầy chỉ nằm chung trong Tâm Siêu Thế. Trong các loại tâm tại thế chỉ có riêng rẽ một vài loại, tùy trường hợp. Ðồ Biểu 15 Bồ Đề Phần (Boddhipakkhiya Saṅgaho)
-ooOoo- Sabbasaṅgaho
Chú Giải 36. Phân hạng cho tất cả như Ngũ Uẩn v.v... 37. Khandha, Uẩn. Danh từ Khandha có nghĩa là nhóm, khối, hay uẩn. Ðức Phật phân tách cái gọi là chúng sanh thành năm nhóm, hay Ngũ Uẩn. Tất cả những sắc pháp ở quá khứ, hiện tại, và vị lai đều được gọi chung là rūpakkhandha, sắc uẩn. Bốn uẩn kia -- thọ, tưởng, hành, thức -- phải được hiểu cùng một thế ấy. 38. Saṅkhāra, Hành. Nơi đây danh từ Saṅkhāra được dùng với ý nghĩa đặc biệt. Trong 52 tâm sở, thọ là một, và tưởng là một tâm sở khác. 50 tâm sở còn lại được gọi chung là Saṅkhāra, Hành. Các danh từ như những sự cấu hợp tinh thần, những khuynh hướng, những chiều hướng, những tổ hợp, không diễn đạt chính xác ý nghĩa của Phạn ngữ saṅkhāra. Chí đến "những sinh hoạt tinh thần có tác ý" cũng không thích nghi lắm. Những "trạng thái tinh thần" thì quá tổng quát, nhưng không làm cho người ta sai lầm. 39. Upādānakkhandha, Ngũ Uẩn Thủ. Ðược gọi như vậy vì nó hợp thành những đối tượng của sự bám níu, hay chấp thủ. Tám trạng thái tâm Siêu Thế cùng những tâm sở trong đó, và mười sắc pháp không do Nghiệp tạo không được xem là upādānakkhandha, ngũ uẩn thủ, vì không thể trở thành những đối tượng của sự chấp thủ. 40. Āyatana, Căn. Ðược dùng trong nghĩa nền tảng, phạm vi, căn cứ. Ðây là sáu cửa vào, lục nhập, làm nền tảng cho các giác quan. 41. Cakkhāyatana, Nhãn Căn. Là phần nhạy của mắt. Chính phần nầy cảm nhận sắc tướng của trần cảnh. Phần nhạy của bốn giác quan kia -- thinh, hương, vị, xúc -- cũng phải được hiểu cùng một thế ấy. 42. Manāyatana, Ý Căn. Không có một bộ phận riêng biệt làm nền tảng cho tâm giống như các căn môn khác. Ý căn có nghĩa là "sự hay biết của thức" (manodvārāvajjana) cùng với chặp "Bhavaṅga dứt dòng" trước đó (Bhavaṅgupaccheda). Xem chương I. 43. Dhātu, Giới. Dhātu có nghĩa là cái gì mang theo đặc tánh của chính nó. 44. Dhammadhātu, Pháp Giới. Dhammadhātu đồng nghĩa với dhammāyatana (pháp căn) nhưng khác dhammārammaṇa vì không bao gồm citta (thức), paññatti (khái niệm) và pasādarūpa (phần nhạy của sắc pháp). 45. Manoviññāṇadhātu, Ý Thức Giới. Trong 89 loại tâm, 76 loại được xem là ý-thức, ngoại trừ mười loại "năm cặp ngũ quan thức" (dvipañcaviññaṇa) và ba ý giới (= 2 loại tiếp thọ và 1 ngũ môn hướng tâm). 46. Ariyasacca, Thánh Ðế. Danh từ Pāli gọi chân lý là sacca, có nghĩa cái gì thật sự là vậy. Tiếng Saṁskrt tương đương là satya, hàm xúc ý nghĩa là một sự kiện chắc như vậy, không thể nghĩ bàn. Ðức Phật tuyên ngôn là có bốn chân lý như vậy liên hợp với cái được gọi là chúng sanh. Bốn chân lý ấy được gọi là ariyasaccāni, Tứ Thánh Ðế, bởi vì đã được khám phá do vị Thánh Nhân Tối Thượng, là Ðức Phật, đã tận diệt mọi hình thức ô nhiễm. Chân lý đầu tiên đề cập đến dukkha, một danh từ khó có thể chính xác chuyển sang một ngôn ngữ nào khác. Ta thường gọi là đau khổ, hay buồn phiền, sầu não. Về phương diện cảm thọ, dukkha có nghĩa là cái gì khó chịu đựng. Nếu xem là một chân lý trừu tượng, dukkha hàm xúc ý nghĩa khinh miệt (du) và trống rỗng (kha). Thế gian nằm trong đau khổ, và như vậy là đáng khinh miệt, không đáng cho ta bám níu. Thế gian là một ảo ảnh, không có chi là thực tế. Do đó thế gian là trống rỗng, hư vô. Vậy thế gian là sự hư vô đáng khinh miệt. Nguyên nhân của sự đau khổ ấy là ái dục, hay luyến ái (taṇhā), dắt dẫn ta sanh tử triền miên. Chân lý thứ ba là Niết Bàn, có thể được thành tựu trong chính kiếp sống nầy bằng cách hoàn toàn tận diệt tất cả mọi hình thức ái dục. Chân Lý thứ tư là Bát Chánh Ðạo hay con đường "Trung Ðạo". -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 22-06-2002