BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode CN-Times font |
Abhidhammattha
Saṅgaha
Vi Diệu Pháp Toát Yếu
Nārada Mahā Thera
Phạm Kim Khánh dịch
Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn CN-Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli. |
||||||||||||||
Chương III PAKI.N.NAKA-SAṄGAHA-VIBHĀGO
Chú Giải 1. Tất cả tám mươi chín loại tâm vương được xem như một đơn vị nguyên thuần vì lẽ tất cả đều có chung một đặc tính là hay biết đối tượng. Năm mươi hai tâm sở thì được đề cập đến một cách riêng rẽ vì mỗi tâm sở có một đặc tính riêng biệt. (1+52 = 53). 2. Cittuppāda theo nghĩa đen, là điểm xuất phát, hay khởi nguyên của tâm. Ở đây danh từ nầy có nghĩa là chính cái tâm (cittam'eva cittuppādo). Trong các trường hợp khác cittuppāda bao gồm chung tâm sở cùng với tâm vương (aññattha pana dhammasamūho) -ooOoo- I. Vedanā-Saṅgaho
Chú Giải 3. Vedanā, Thọ là một tâm sở quan trọng nằm trong tất cả các loại tâm. Ðặc tính của thọ là cảm giác (vedayita-lakkhana). Thọ phát sanh do xúc tạo duyên. Như vậy, chuyển ngữ danh từ nầy là cảm kích thì không mấy thích hợp. Cảm giác được định nghĩa là "một cảm tưởng có sự hay biết, không bao gồm sự nhận diện hay hình dung đối tượng". Cảm kích được giải thích là "những thành phần của trực giác liên quan đến giác quan hay là, phương cách theo đó một chủ thể có ý thức bị biến đổi bởi sự hiện diện của đối tượng." [1] Như vậy cảm giác gần với vedanā hơn là sự cảm kích. Vedanā (thọ) biến đổi luồng tâm và tác hành như một năng lực nâng đỡ và tiêu diệt đời sống. Như thọ hỷ thì nâng đỡ đời sống, còn thọ ưu thì gây trở ngại. Do đó vedanā, thọ, có một vai trò rất quan trọng trong kiếp sinh tồn của một người. Kinh nghiệm mùi vị của một vật là tác dụng của vedanā (anubhavana rasa). Những sự ưa thích hay ghét bỏ tùy thuộc nơi tánh cách đáng ưa thích hay đáng ghét bỏ của ngoại cảnh. Thế thường, ưa hay ghét phát sanh một cách máy móc, tự động. Tuy nhiên đôi khi, bằng cách vận dụng ý chí, ta có thể quyết định loại thọ mà không bị đối tượng chi phối. Thí dụ như thông thường, khi nhận thấy một người thù nghịch thì ta không vui, có thọ ưu, và trạng thái không vui hay thọ ưu ấy khởi sanh đến ta một cách tự nhiên, máy móc. Nhưng một người có tri kiến chân chánh, trong trường hợp tương tợ sẽ rải tâm Từ (Mettā) đến người được xem là thù nghịch ấy và do đó, chứng nghiệm một loại thọ hỷ. Như Socrates chẳng hạn, uống chén thuốc độc với tâm hoan hỷ và đối diện cái chết một cách vui vẻ. Một lần nọ có người bà la môn kia tuôn ra một tràng những lời chưởi mắng Ðức Phật nhưng Ngài vẫn giữ thái độ mĩm cười và đáp lại bằng tâm Từ. Ðạo sĩ Khantivādi bị một ông vua say rượu ngược đãi tàn tệ, vẫn thành thật ước mong cho ông vua hung bạo kia được sống lâu, thay vì nguyền rủa vua. Một người khác đạo cuồng tín có thể chứa chấp tâm bất mãn khi thấy Ðức Phật. Cái thọ của người ấy lúc bấy giờ là ưu, không vui. Cùng thế ấy, khi thấy đạo sư của một tôn giáo khác người Phật tử cuồng nhiệt có thể cảm nghe không vui trong lòng. Cái gì là chất ăn thức uống cho một người có thể là độc dược cho người khác. Như khoái lạc vật chất chẳng hạn, thường được người ở hạng trung bình đánh giá rất cao. Nhưng một đạo sĩ ẩn dật hiểu biết, người có khuynh hướng trau giồi và phát triển thiền tập, sẽ cảm nghe hạnh phúc hơn khi từ khước khoái lạc vật chất ấy, và tình nguyện sống đời nghèo nàn thiếu thốn trong cảnh vắng vẻ an tĩnh. Người thiên về dục lạc sẽ thấy sống như thế không khác nào ở cảnh địa ngục. Ðúng vậy, cái gì là thiên đàng của một người có thể là địa ngục cho người khác. Cái gì là địa ngục cho một người có thể là thiên đàng cho người khác. Thiên đàng hay địa ngục đều do chính ta tạo nên, và ít hay nhiều, chính do tâm tạo. "Nầy chư Tỳ Khưu, có hai loại thọ: lạc và khổ." Ðức Phật dạy như vậy. Ðúng. Rồi bây giờ tại sao ta lại nói có loại thứ ba là thọ xả, không lạc cũng không khổ? Bản chú giải ghi nhận rằng loại thọ xả không đáng bị khiển trách được bao hàm trong thọ lạc, và loại đáng bị khiển trách được bao hàm trong thọ khổ. Lại nữa, Ðức Phật dạy rằng bất luận loại cảm giác nào mà ta kinh nghiệm trên thế gian nầy đều là thọ khổ. Ðó là do bản chất luôn luôn biến đổi của tất cả các pháp hữu vi. Ðứng trên phương diện khác, nếu xét về tất cả những hình thức của thọ như thuần túy tinh thần thì chỉ có ba loại là hỷ (sukha), ưu (dukkha), và xả (adukkhamasukha). Sách Athasālini giải thích như sau:-- Danh từ sukha có nghĩa "cảm giác thích thú"(sukha vedanā), "căn nguyên của hạnh phúc"(sukha-mūla), "đối tượng vui thích" (sukhārammaṇa), "nguyên nhân của hạnh phúc" (sukha hetu), "tạo duyên cho hạnh phúc khởi phát" (sukhapaccayaṭṭhāna), "thoát khỏi phiền não" (abyāpajjhā), Niết Bàn", v.v... Trong từ ngữ "bằng cách loại trừ sukha", danh từ sukha có nghĩa là cảm giác thích thú. Trong lời nói "sukha là dứt bỏ, không luyến ái gì trong thế gian nầy", danh từ sukha là căn nguyên của hạnh phúc. Trong câu "Bởi vì, nầy Mahāli, hình sắc là sukha, là rơi vào và đi xuống sukha". Ở đây sukha là đối tượng của sự thích thú. "Phước báu, nầy chư Tỳ Khưu, là đồng nghĩa với sukha", trong câu nầy, sukha là nguyên nhân của thích thú. "Nầy chư Tỳ Khưu, không phải dễ gì thành đạt sukha của cảnh trời bằng cách mô tả." Những ai không thấy Nandana ắt không hiểu biết sukha". Ở đây sukha có nghĩa là tạo duyên cho trạng thái thích thú khởi sanh. "Những trạng thái ấy hợp thành cuộc sống sukha trong chính thế gian nầy". Ở đây, sukha là không phiền não. "Niết Bàn là sukha tối thượng". Ở đây, sukha là Niết Bàn. Theo những đoạn được trích dẫn trên người đọc có thể hiểu các ý nghĩa khác nhau của danh từ sukha. Riêng ở trường hợp của chương nầy danh từ sukha được dùng trong nghĩa cảm giác thích thú thuộc về vật chất, thọ lạc. Niết Bàn được ghi nhận là hạnh phúc (sukha) tối thượng. Nói vậy không có nghĩa là có cảm giác thích thú ở Niết Bàn, mặc dầu danh từ sukha đã được dùng. Niết Bàn là hạnh phúc giải thoát. Chính sự kiện thoát ra khỏi đau khổ là Niết Bàn. Danh từ dukkha có nghĩa là "cảm giác đau đớn, thọ khổ", "căn trú của sự đau đớn", "đối tượng đau đớn", "nguyên nhân của sự đau đớn", "tình trạng tạo duyên cho sự đau đớn phát sanh". "Bằng cách loại trừ dukkha" -- ở đây dukkha là cảm giác đau đớn. "Bởi vì, nầy Mahāli, hình sắc là dukkha, là rơi vào và đi xuống đau đớn". Ở đây dukkha là đối tượng của sự đau đớn. "Tích tụ điều bất thiện là dukkha". Ở đây dukkha là nguyên nhân của đau khổ. "Nầy chư Tỳ Khưu, không phải dễ gì nghe mô tả những cảnh khổ mà nhận thức được dukkha". Dukkha ở đây là "hoàn cảnh tạo duyên cho trạng thái đau khổ phát sanh". Trong trường hợp đặc biệt của chương nầy, danh từ dukkha được dùng theo nghĩa cảm giác đau đớn, sự đau khổ thuộc về vật chất, thọ khổ. Trong bài kinh Chuyển Pháp Luân Dhammacakka Sutta, Ðức Phật kể ra tám loại dukkha, khổ, đó là: 1. Sanh là khổ, Tất cả những điều trên là nguyên nhân của dukkha. Khi Ðức Phật ngỏ lời cùng chư Thiên và nhân loại, Ngài đề cập đến tám loại dukkha. Khi chỉ nói riêng cho người, Ngài nhắc đến mười hai loại. Thay vì vyādhi (bệnh), Ngài nói soka (phiền muộn), parideva (ta thán), dukkha (đau đớn), domanassa (âu sầu), upāyāsa (thất vọng), là đau khổ. Tất cả năm điều nầy đều được bao gồm trong danh từ vyādhi (bệnh) và hàm xúc trạng thái bất điều hòa, vật chất và tinh thần. Soka, domanassa, và upāyāsa (phiền muộn, âu sầu, và thất vọng) thuộc về tinh thần. Dukkha và parideva (đau đớn, ta thán) thuộc về vật chất. Dầu tám hay mười hai loại dukkha, trong thực tế không có sự khác biệt rõ rệt giữa hai công thức. Adukkha-masukha là cảm giác không thích thú cũng không đau đớn. Ðây là thọ xả. Trạng thái nầy tương đương với cả hai, sự thản nhiên lãnh đạm, và sự thản nhiên khắc kỷ. Danh từ Pāli, upekkhā (xả), bao hàm một ý nghĩa rộng rãi hơn, được dùng thường hơn danh từ nầy để chỉ cảm giác không vui không buồn. Trong một loại tâm bất thiện, upekkhā (xả) là thản nhiên, lãnh đạm, bởi vì đó là trường hợp của một loại tâm do vô minh xúi giục. Trong một loại tâm quả vô nhân (ahetuka-vipāka), như một cảm giác chẳng hạn, upekkhā chỉ giản dị là một cảm giác xả, không có giá trị đạo đức, không có tánh cách thiện hay bất thiện. Danh từ adukkha-m-asukha, không đau đớn cũng không thỏa thích, chỉ áp dụng vào trường hợp nầy. Upekkhā tiềm tàng ngủ ngầm trong một loại tâm Ðẹp thuộc Dục Giới (Kamāvacara Sobhana Citta), có thể là một trong những trạng thái sau đây: sự thản nhiên suông (không có tánh cách lãnh đạm vì không có vô minh), cảm giác xả suông, cảm giác vô tư, không thiên vị hay nghiêng ngã về bên nào, sự thản nhiên khắc kỷ, và hoàn toàn quân bình. Trong tâm Thiền (Jhāna), upekkhā là trạng thái quân bình hoàn toàn, tâm xả, phát sanh do định. Tâm xả nầy có cả hai tánh cách, đạo đức và trí thức. (Xem chương I, chú giải 42). Theo một lối phân hạng rộng rãi hơn, Vedanā được chia làm năm loại là: a. Sukha -- cảm giác thích thú thuộc về vật chất, lạc. Ðến mức cùng tột, tất cả những cảm giác đều thuộc về tinh thần, bởi vì thọ là một tâm sở. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa sukha và dukkha. Trong 89 loại tâm chỉ có hai liên hợp hoặc với sukha hoặc với dukkha. Trong hai loại tâm ấy, một là thân thức liên hợp với thọ lạc, và loại kia là thân thức liên hợp với thọ khổ. Cả hai loại tâm nầy đều là tâm quả, hậu quả của nghiệp thiện (kusala kamma) và nghiệp bất thiện (akusala kamma). Thí dụ như sự xúc chạm êm dịu đem lại thọ lạc. Ðụng mạnh vào mũi nhọn đem lại thọ khổ. Ðây là hai trường hợp trong đó ta kinh nghiệm hai loại thọ kể trên. Bây giờ, một câu hỏi có thể được nêu lên. -- Tại sao chỉ có thân thức liên hợp với thọ lạc và thọ khổ? Trong những thức khác như nhãn thức, nhĩ thức v.v... tại sao chỉ có thọ xả? Trong phần mở đầu quyển Triết Học Khái Luận, Ông Aung cung cấp lời giải đáp như sau: "Chỉ có xúc giác (thân thức) mới đem lại những cảm giác đau đớn hay thích thú tích cực. Những giác quan kia chỉ liên hợp với thọ xả. Sự xúc chạm giữa mặt nhạy (pasāda rūpa) của những giác quan khác và các đối tượng tương ứng -- cả hai đều là tánh chất phụ thuộc của thân -- không đủ mạnh để tạo nên cảm giác đau đớn hay thích thú về vật chất. Nhưng trong trường hợp của xúc giác thì có sự xúc chạm của một phần hay của tất cả những tánh chất căn bản -- thành phần có đặc tính duỗi ra, cứng hay mềm (paṭhavi, đất), thành phần có đặc tính nóng hay lạnh (tejo, lửa), thành phần có đặc tính di động (vāyo, gió) -- sự xúc chạm nầy đủ mạnh để gây cảm kích cho những tánh chất căn bản của thân. Cũng như đặt bông gòn trên hòn đe thì không có gì, nhưng cái búa đập bông gòn trên hòn đe sẽ có ảnh hưởng nhiều đến hòn đe." -- (Compendium of Philosophy, trang 14) Trong trường hợp của xúc giác thì có sự tiếp chạm mạnh. 'Các thành phần chánh yếu của vật chất', Tứ Ðại [2] của đối tượng trực tiếp chạm mạnh vào những thành phần tương ứng của cơ thể. Trường hợp các thức khác như nhãn thức, nhĩ thức v.v... chỉ có sự tiếp xúc suông mà không có sự xúc chạm đủ mạnh, do đó không tạo cảm giác đau đớn hay thích thú về vật chất. Mặc dầu thọ phát sanh do xúc có thể là sukha, dukkha, hay upekkhā, tiến trình javana không nhất thiết phải liên hợp với một loại thọ giống như vậy. Thí dụ như khi Ðức Phật bị một mảnh đá bay trúng vào chân thì Ngài nghe đau, trạng thái đau đớn thuộc về cơ thể vật chất, nhưng tiến trình javana phát sanh do cảm giác đau không nhất thiết đồng phát sanh cùng thọ khổ. Ngài không bị cái đau làm chao động mà trong lúc ấy giữ tâm hoàn toàn bình thản. Cảm giác nổi bật mạnh mẽ nhất trong tâm Ngài là xả, upekkhā. Cùng thế ấy, khi nhìn thấy Ðức Phật, một người hiểu biết chân chánh tự nhiên có một loại nhãn thức liên hợp với thọ xả (upekkhāsahagata cakkhu- viññāṇa), nhưng luồng javana vẫn là thiện. Thọ đồng thời phát sanh với javana sẽ là somanassa (hỷ). Ðiểm phức tạp nầy phải được hiểu biết rõ ràng. Somanassa (trạng thái tâm tốt -- thọ hỷ) và Domanassa (trạng thái tâm không tốt -- thọ ưu} thuần túy thuộc về tinh thần. Năm loại thọ nầy có thể được thâu gọn lại thành ba, ba còn hai, và hai còn một, như sau: i) Sukha + somanassa; upekkhā; dukkha + domanassa (Upekkhā bị chìm mất trong sukha, và cuối cùng sukha bị chìm mất trong dukkha). 4. Sukha, Thích Thú Sukha, trạng thái thích thú về vật chất, phải được phân biệt rõ ràng với somanassa, sự hoan hỷ thỏa thích về tinh thần. Cũng như dukkha, đau đớn về vật chất, phải được phân biệt rõ ràng với domanassa, trạng thái ưu phiền, thuộc tinh thần. Chỉ có một loại tâm liên hợp với sukha. Cùng thế ấy, chỉ có một loại tâm đồng thời phát sanh cùng dukkha. Cả hai loại tâm nầy đều là quả của những hành động tốt và xấu. Thí dụ như khi Ðức Phật bị Tỳ Khưu Devadatta gây thương tích, Ngài có một loại thân thức liên hợp với thọ khổ. Ðó là hậu quả của một hành động bất thiện của Ngài trong quá khứ. Khi ngồi trên một cái ghế có đầy đủ tiện nghi, chúng ta có một loại thân thức liên hợp với thọ hỷ. Ðó là hậu quả của một hành động tốt trong quá khứ. Tất cả những hình thức đau đớn hay thỏa thích đều là hậu quả không thể tránh của nghiệp đã tạo. 5.- 6. Người đọc sẽ ghi nhận rằng tâm phát sanh cùng thọ hỷ nhiều hơn tất cả các loại tâm khác. Như vậy, trong kiếp sống của một người, có nhiều lúc thỏa thích hơn là đau khổ. Ðiều nầy không mâu thuẩn với lời dạy rằng đời sống là đau khổ (dukkha). Khi nói rằng đời sống là dukkha, đau khổ, danh từ dukkha không được dùng theo nghĩa thọ khổ, mà dukkha có nghĩa là áp bức, trở ngại (pīḷana, bất toại nguyện). Người đã đọc một cách thận trọng đoạn mô tả dukkha trong kinh Dhammacakka Sutta (Chuyển Pháp Luân) sẽ thấy rõ điều nầy. 6. Ðó là bốn loại tâm Thiền Thiện (Kusala Jhāna), bốn tâm Thiền Quả (Vipāka Jhāna), bốn tâm Thiền Hành (Kriyā Jhāna) và ba mươi hai tâm Thiền Siêu Thế (Lokuttara Jhāna). (4 + 4 + 4 + 32 = 44). 7. Chỉ có thọ ưu trong hai loại tâm liên quan đến sân (paṭigha). Khi nổi giận chúng ta cảm nghe không vui, thọ ưu. Có phải nơi nào có thọ ưu là có sân không? -- Phải. Sân dưới hình thức thô kịch hay vi tế. (Xem chương I, chú giải 10) 8. Ðó là 6 Bất Thiện (Akusala), 14 Vô Nhân (Ahetuka), 12 Ðẹp (Sobhana), 3 Thiền Sắc Giới (Rūpa Jhāna), 12 Thiền Vô Sắc (Arūpa Jhāna), 8 Siêu Thế (Lokuttara). (6 + 14 + 12 + 3 + 12 + 8 = 55). Ghi chú: [1] Dictionary of Philosophy, trang 108. [2] tức paṭhavi, tejo, vāyo (thành phần có đặc tính duỗi ra và chiếm không gian, thành phần có đặc tính nóng hay lạnh, và thành phần có đặc tính di động). Āpo, nước, thành phần có đặc tính làm dính liền, không có kể ở đây, vì không thể dùng giác quan để tri giác thành phần nầy được. -ooOoo- II. Hetu Saṅgaho
Chú Giải: 9. Xem chương I, chú giải số 9. Muốn biết rõ đầy đủ chi tiết về hetu (nhân), xin xem Dhammasaṅghani Hetu-gocchakaṁ, Phần 1053-1083; Buddhist Psychology trang 274-287. Theo sách Atthasālini có bốn loại hetu, nhân. i. Hetu-hetu, nguyên nhân của nhân, hay duyên sanh nhân. Có ba nhân thiện, ba nhân bất thiện, và ba nhân bất định (abyākata, không có tánh cách đạo đức, không thiện cũng không bất thiện). Ở đây danh từ hetu được dùng trong ý nghĩa rễ cây. ii. Paccaya-hetu, điều kiện tạo nhân, hay nguyên nhân tác dụng như phương tiện. "Bốn Ðại Chánh Yếu (Mahābhūta, Tứ Ðại), nầy chư Tỳ Khưu, là nguyên nhân (hetu), là những điều kiện (paccaya, duyên) để Sắc Uẩn (Rūpakkhandha) biểu hiện". Ở đây hetu được dùng trong nghĩa tương quan tạo duyên (paccayahetu). Có sự khác biệt tế nhị giữa hetu (nhân) và paccaya (duyên). Hetu (nhân) có nghĩa là rễ (mūla). Paccaya là yếu tố hỗ trợ (upakāraka dhamma). Hetu ví như rễ cây, và paccaya như phân bón, nước, và đất, những yếu tố giúp cho cây trưởng thành. Sự khác biệt nầy phải được hiểu biết rành rẽ. Cũng nên ghi nhận rằng đôi khi hai danh từ hetu và paccaya được xem như đồng nghĩa. iii. Uttama-hetu, nguyên nhân hay điều kiện chánh (chí thượng nhân). Một đối tượng (trần cảnh) đáng được ưa thích tác động như nguyên nhân chánh (uttama) để tạo quả lành và đối tượng không đáng được ưa thích tác động như nguyên nhân chánh tạo quả xấu. Ở đây, hetu là nguyên nhân chánh. iv. Sādhāraṇa-hetu, nguyên nhân hay điều kiện chung, thông thường (phổ biến nhân). Vô minh là nguyên nhân (hetu), điều kiện (paccaya, duyên), để hành (saṅkhārā) phát sanh. Ở đây hetu có nghĩa là nguyên nhân tổng quát, thông thường. Cũng như tinh chất của đất và nước là nguyên nhân thông thường giúp tạo tánh chất ngọt hay đắng của trái cây, cùng thế ấy, vô minh là nguyên nhân thông thường của hành. Mặc dầu danh từ hetu có nhiều ý nghĩa tương tợ, không khác nhau xa, ở đây hetu được dùng theo nghĩa rễ, căn nguyên, nhân. 10. Tất cả những loại tâm Vô Nhân (Ahetuka Cittas) đều không có nhân nào. Do đó những loại tâm nầy không có tánh cách đạo đức, không thiện cũng không bất thiện. Bảy trong những loại tâm nầy là quả của những hành động bất thiện, tám là quả của những hành động thiện,và ba chỉ là hành suông, hành động không tạo quả. (7+8+3 = 18) (Xem chương I, Ahetuka Cittāni - trang 38) 11. Tức là: 89 - 18 = 71 12. Là loại tâm liên hợp với hoài nghi (vicikicchā) và tâm kia, liên hợp với phóng dật (uddhacca). Ðó là hai tâm duy nhất chỉ có một nhân là nhân si. Hoài nghi (vicikicchā), vốn là một loại tâm yếu, không đủ năng lực để quyết định kiếp sống tương lai. Cả hai, hoài nghi và phóng dật, là hai thằng thúc, tức dây trói buộc cột chúng sanh vào vòng luân hồi. Hoài nghi được tận diệt khi chứng đắc Ðạo (Magga) của tầng Thánh đầu tiên, và phóng dật chỉ được tận diệt khi đắc Ðạo của tầng thánh thứ tư, A La Hán Ðạo. 13. Tám loại tâm bất thiện đầu tiên liên quan đến lobha (tham) và moha (si). Hai loại tâm bất thiện kế đó bắt nguồn từ dosa (sân) và moha (si). Nên ghi nhận rằng moha (si) nằm trong tất cả những loại tâm bất thiện. 14. Mười hai tâm Ðẹp (cũng được gọi là Tịnh Hảo hay Tịnh Quang Tâm) thuộc Dục Giới (Kāmāvacara Sobhana Cittas) nầy (đã được đề cập đến trong chương I) không liên hợp với tri kiến (ñāṇa) và do hai nhân alobha (không-tham) và adosa (không-sân) tạo điều kiện để phát sanh. Hai nhân nầy hiện hữu cùng một lúc trong các tâm thiện. 15. Mười hai tâm Ðẹp thuộc Dục Giới còn lại, liên hợp với tri kiến, do tất cả ba nhân thiện tạo điều kiện. Cùng thế ấy, 15 tâm thuộc Sắc Giới, 12 thuộc Vô Sắc Giới và tám loại Siêu Thế (15 + 12 + 8 = 35), luôn luôn liên hợp với ba nhân. Nên hiểu rằng không phải như vậy là không bao giờ có tâm bất thiện, do ba nhân bất thiện tạo duyên, phát sanh trong cảnh Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Ðiểm cần phải biết ở đây là trong các loại tâm Cao Thượng (Ðại Hành) không có nhân bất thiện. Không giống như các tâm thiện (Kusala Citta) khác, những tâm Siêu Thế (Lokuttara Citta), mặc dầu liên hợp với ba nhân thiện, không có năng lực tái tạo, tức không tạo nghiệp. 16. Abyākata, Bất Ðịnh Theo nghĩa trắng, là cái gì không biểu hiện. Danh từ nầy được áp dụng cho cả hai, tâm Quả (Vipāka) và tâm Hành (Kriyā). Vipāka tự nó là quả và như vậy, không tạo nghiệp. Kriyā là hành động không tạo nghiệp, không bao giờ trổ quả. Rūpa (Sắc) cũng được xem là abyākata (bất định), bởi vì tự nó không tạo thêm quả. Ahetuka -- những loại tâm vô nhân = 18 Tổng cộng: 18 + 2 + 10 + 12 + 12 + 27 + 8 = 89 -ooOoo- III. Kicca-Saṅgaho
Chú Giải 17. Kicca, Nhiệm Vụ, Tác Dụng. Trong chương I, tâm cốt yếu nhất được phân loại tùy theo bản chất thiên nhiên (jāti), và tùy theo cảnh giới (bhūmi). Trong phần nầy những nhiệm vụ hay tác dụng khác nhau của tất cả 89 loại tâm được giải thích với đầy đủ chi tiết. Mỗi loại tâm có một nhiệm vụ riêng biệt. Có vài loại tâm đảm nhiệm nhiều tác dụng, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, với những khả năng khác nhau. Tất cả đảm trách mười bốn nhiệm vụ đặc biệt. 18. Paṭisandhi, Tâm Nối Liền Theo nghĩa trắng, danh từ paṭisandhi là "nối liền". Loại tâm mà ta kinh nghiệm lúc được mẹ thọ thai có tên là paṭisandhi, thức nối liền. Ðược gọi như vậy vì tâm nầy nối liền hai kiếp sống, quá khứ và hiện tại. Có nơi gọi là tâm tục sanh. Tâm nối liền (paṭisandhi citta) nầy, cũng được gọi là thức tái sanh, khởi phát do chặp tư tưởng có nhiều năng lực lúc chết ở kiếp trước tạo điều kiện, và được xem là cội nguồn của luồng sống trong kiếp hiện tại. Trong suốt kiếp sống chỉ có một chặp tâm nối liền. Những thành phần tâm linh chứa đựng trong chặp bhavaṅga (hộ kiếp) mà về sau sẽ phát sanh vô số lần trong kiếp sống, và trong chặp tử tâm (cuti citta, tâm chết) mà chỉ phát sanh một lần duy nhất lúc chết, giống hệt như thành phần tâm thức kết hợp trong paṭisandhi citta (tâm nối liền). 19. Bhavaṅga, Hộ Kiếp "Bhava" + "aṅga" = yếu tố của đời sống, hay điều kiện, nguyên nhân không thể không có của kiếp sinh tồn. Trong một điểm thời gian nhất định ta chỉ có thể có một chặp tư tưởng (sát-na tâm) mà thôi. Hai chặp tư tưởng không thể cùng tồn tại trong một lúc. Mỗi chặp tư tưởng duyên theo vài loại đối tượng (trần cảnh). Không thể có tâm phát sanh mà không có đối tượng, tinh thần hay vật chất. Khi một người đang ngủ mê trong trạng thái không mộng mị, người ấy có một loại tâm ít nhiều tiêu cực, thụ động hơn là tích cực. Loại tâm ấy cũng giống như loại tâm sơ khởi, lúc được mẹ thọ thai, hay loại tâm cuối cùng, lúc chết. Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) gọi loại tâm nầy là bhavaṅga, hộ kiếp. Cũng như tất cả các loại tâm khác, loại tâm nầy bao gồm ba sắc thái: sanh (uppāda), trụ (ṭhiti), và diệt (bhaṅga). Luôn luôn sanh và diệt trong từng khoảnh khắc, nó trôi chảy như một dòng suối, không bao giờ tồn tại giống nhau trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Khi một đối tượng (trần cảnh) nhập vào dòng tâm thức, xuyên qua giác quan, chặp bhavaṅga dừng lại, và một sát-na khác phát sanh, thích ứng với đối tượng. Không những chỉ trong lúc ngủ say không mộng mị mà trong khi tỉnh cũng vậy, chúng ta có loại tâm nầy nhiều hơn tất cả các loại tâm khác. Do đó bhavaṅga (hộ kiếp) trở thành thiết yếu, không thể thiếu trong đời sống. Bà Rhys Davids và Ông Aung so sánh bhavaṅga với "trạng thái tri giác tối tăm, chưa lên đến thức", trong một "giấc ngủ không mộng mị" của Leibniz. Ta không thể đồng ý, bởi vì bhavaṅga tự nó là một loại tâm. Không có sự tri giác tối tăm ở đây. Vài người cho rằng bhavaṅga là tiềm thức. Theo Dictionary of Philosophy, tiềm thức là "một ngăn trong tâm mà vài nhà tâm lý học và triết học chủ trương là nằm phía dưới thức". Theo quan điểm của các triết gia Tây Phương, tiềm thức và thức cùng tồn tại trong một lúc. Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), không thể có hai loại tâm cùng tồn tại trong một lúc, bhavaṅga cũng không phải là một cảnh giới nào ở phía dưới. Sách Compendium lại nói thêm rằng "bhavaṅga có nghĩa là một trạng thái thuộc về cơ năng của tiềm thức". Như vậy đó là trạng thái tiềm thức -- "nằm dưới ngưỡng cửa" của tâm, do đó ta quan niệm có thể có sự sống chủ quan liên tục. Như vậy nó trùng hợp với "subliminal consciousness" [1] của F.W. Myer. Tự điển Dictionary of Philosophy giải thích "subliminal" (sub, dưới -- limen, ngưỡng cửa) là những tiến trình tư tưởng vô ý thức, đặc biệt là những cảm giác nằm phía dưới ngưỡng cửa của tâm". Một cách chính xác, bhavaṅga cũng không trùng hợp với subliminal consciousness. Trong triết học Tây Phương hình như không có chỗ cho bhavaṅga. Bhavaṅga được gọi như vậy bởi vì nó là điều kiện chánh yếu cho kiếp sống chủ quan liên tục. Khi tâm không thâu nhận một đối tượng từ bên ngoài, ta có loại tâm bhavaṅga [2]. Tức khắc sau một tiến trình tâm cũng có một chặp bhavaṅga. Do đó loại tâm nầy cũng được gọi là vīthimutta, tự do, không dính mắc trong một tiến trình. Ðôi khi nó tác động như một trái độn giữa hai tiến trình tâm. Danh từ Việt ngữ thường được dùng để phiên dịch chữ bhavaṅga là "hộ kiếp" [3]. Cái gì giúp cho đời sống tiếp diễn. Trong sách nầy danh từ được giữ nguyên vẹn. Theo sách Vibhāvini Tikā, bhavaṅga phát sanh giữa những chặp: 1. Paṭisandhi (nối liền) và āvajjana (hướng tâm), 20. Āvajjana, Mở Ra, hay Hướng Về Khi một đối tượng nhập vào dòng bhavaṅga của tâm, chặp tư tưởng liền kế đó gọi là bhavaṅga calana (bhavaṅga rung động). Tức khắc kế đó nữa có một chặp khác phát sanh, được gọi là bhavaṅga upaccheda (bhavaṅga dừng lại, dứt dòng). Vì lẽ dòng bhavaṅga trôi chảy vô cùng mau lẹ, đối tượng từ bên ngoài không làm phát sanh tức khắc một tiến trình tâm. Chặp bhavaṅga sơ khởi diệt. Chừng ấy dòng trôi chảy mới được kiểm soát. Trước khi thật sự chuyển qua một chặp tâm mới, bhavaṅga rung động trong một chặp (sát- na). Khi chặp bhavaṅga dừng lại,. một chặp tâm phát sanh, hướng về đối tượng. Nếu đối tượng thuộc về vật chất thì chặp tâm nầy được gọi là ngũ môn hướng tâm, hay ngũ khai môn (pañcadvārāvajjana). Trường hợp đối tượng thuộc về tinh thần chặp tâm nầy là manodvārāvajjana, ý môn hướng tâm, hay ý khai môn. Trong một tiến trình tâm mà đối tượng thuộc về vật chất, sau chặp hướng tâm liền phát sanh một trong ngũ quan thức. (Xem chương I, chú giải số 27). Āvajjana phát sanh giữa bhavaṅga và pañcaviññāṇa (ngũ quan thức), và giữa bhavaṅga với javana. 21. Pañcaviññāṇa, Ngũ Quan Thức. Phát sanh giữa ngũ môn hướng tâm và tiếp thọ tâm (sampaṭicchana). Thấy, nghe, hưởi, nếm, và xúc chạm được gọi chung là ngũ quan thức (pañcaviññāṇa). 22. Sampaṭicchana, Tiếp Thọ Tâm. Phát sanh giữa ngũ quan thức và tâm suy đạc (santīraṇa). 23. Santīraṇa, Suy Ðạc Tâm Phát sanh giữa tâm tiếp thọ và tâm xác định (votthapana). 24. Votthapana, Xác Ðịnh Tâm "Vi" + "ava" + căn "tha", đứng lên, làm cho vững, dựa trên, theo nghĩa trắng là quyết định hoàn toàn. Chính ngay lúc nầy bản chất của đối tượng được xác định một cách trọn vẹn. Ðây là cổng đưa dòng tâm vào tiến trình thiện hay bất thiện. Phân biệt đúng hay sai là ở giai đoạn nầy. Chính giai đoạn nầy quyết định tiến trình tư tưởng, tốt hay xấu, thiện hay bất thiện. Không có một hạng tâm riêng biệt gọi là votthapana (xác định). Chính manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm) làm nhiệm vụ quyết định. Tâm xác định phát sanh giữa những tâm: 1. suy đạc (santīraṇa) và tốc hành (javana) và 25. Javana Xuất nguyên từ căn "ju" chạy nhanh. Ðây là một danh từ kỹ thuật khác rất quan trọng, phải được hiểu biết rõ ràng. Thông thường danh từ nầy có nghĩa là lanh lẹ. Thí dụ như javanahaṁsa là con thiên nga lanh lẹ, javanapaññā, là lanh trí. Trong Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, danh từ nầy được dùng trong ý nghĩa thuần túy kỹ thuật. Ở đây javana là chạy. Ðược gọi như vậy vì trong suốt tiến trình tâm nó diễn tiến liên tiếp 7 hoặc 5 chặp cùng một thứ tâm, duyên theo một đối tượng duy nhất. Trạng thái tinh thần trong tất cả bảy hay năm sát-na ấy cũng giống nhau, nhưng tiềm năng khác nhau, mạnh yếu không giống nhau. Khi tâm bắt một trần cảnh, hay duyên theo một đối tượng, thường có bảy chặp javana phát sanh trong một tiến trình. Trường hợp chặp tư tưởng chấm dứt một kiếp sống -- chặp tử tâm -- hay khi Ðức Phật thực hành pháp Song Thông (Yamaka Pāṭihāriya), chỉ có năm chặp phát sanh. Trong tiến trình javana Siêu Thế của tâm Ðạo (Magga citta), chỉ có một chặp. Ðứng về phương diện đạo đức, giai đoạn javana là quan trọng hơn hết. Chính trong giai đoạn tâm lý nầy mà ta thật sự làm điều thiện hay điều bất thiện. Thí dụ như khi gặp người thù nghịch tức nhiên tư tưởng sân hận phát sanh đến ta một cách hầu như máy móc, tuy nhiên, một người sáng suốt và nhẫn nại có thể tự tạo cho mình một tâm niệm từ bi đối với người ấy. Chính đó là lý do tại sao trong kinh Pháp Cú, câu 165, Ðức Phật dạy: "Làm điều ác, do ta, Quả đúng thật vậy, hoàn cảnh, những khuynh hướng quen thuộc, môi trường sinh sống v.v... gieo ảnh hưởng đến tâm ta. Chừng ấy, ý chí tự do bị tùy thuộc nơi diễn tiến có tánh cách máy móc của cuộc sống. Nhưng, những năng lực ngoại lai ấy cũng có thể được khắc phục, và ta có thể vận dụng ý chí tự do của chính mình để phát huy những tư tưởng hoặc xấu, hoặc tốt. Một yếu tố ngoại lai có thể hướng dẫn cảm xúc của ta theo một chiều hướng nào. Nhưng chính ta trực tiếp chịu trách nhiệm về những hành động của ta. Trong bảy chặp javana thông thường, chặp thứ nhất có tiềm năng yếu kém hơn hết, bởi vì không có tiềm năng nào trước đó còn lại để nâng đỡ nó. Ðứng về phương diện nghiệp báo, quả của chặp tư tưởng ấy có thể trổ ngay trong kiếp hiện tại. Nghiệp ấy được gọi là Diṭṭhadhamma- vedaniya Kamma, hiện nghiệp. Nếu không có cơ hội trổ sanh trong kiếp hiện tại, nghiệp nầy trở thành vô hiệu lực (ahosi). Chặp javana yếu kế đó là chặp cuối cùng. Quả của chặp tư tưởng nầy trổ sanh trong kiếp kế liền sau kiếp hiện tại (Upapajjavedaniya, hậu nghiệp). Nếu không trổ sanh được trong kiếp ấy nó cũng trở thành vô hiệu lực (ahosi). Quả của năm chặp javana còn lại có thể trổ sanh bất cứ lúc nào, cho đến ngày Ðại Niết Bàn (Parinibbāna), và được gọi là Aparāpariya-vedaniya, nghiệp vô hạn định. Nên biết rằng javana thiện và bất thiện (kusalākusala) thuộc về phần tích cực của đời sống (kammabhava), hữu. Nó tạo điều kiện cho kiếp sinh tồn trong tương lai phát sanh (upapattibhava) [4]. Ngoài ra còn có javana Quả và Hành (Phala [5] và Kriyā). Trong những javana Hành, mà chỉ Ðức Phật và chư vị A La Hán mới có, tác ý (cetanā) không có khả năng tạo nghiệp. Thật rất khó tìm ra một danh từ có thể diễn đạt một cách thích nghi các ý nghĩa của Phạn ngữ javana. Vài người gợi ý dùng Anh ngữ "Apperception". Theo Dictionary of Philosophy, "apperception" là "tâm thấu triệt những trạng thái sâu kín bên trong chính mình bằng cách nhìn trở vào, tự quán chiếu, hay bằng cách suy tư". Leibniz, người đã tạo ra danh từ apperception, phân biệt chữ perception, tri giác (sự hiểu biết bên trong những trạng thái bên ngoài) và chữ apperception (trạng thái bên trong tự hay biết chính mình bằng cách suy tư). Trong Kant, danh từ apperception biểu lộ sự đồng nhất của tâm thức mình với, hoặc cái tự ngã theo kinh nghiệm (empirical apperception), hoặc với tự ngã thuần túy (transcendental apperception)". (Trang 15) Chú giải về danh từ "javana", Bà Rhys Davids viết: "Tôi đã trải qua suốt nhiều giờ để suy tư về danh từ javana, và rốt cùng đành bỏ đi danh từ apperception để tìm một chữ khác thích ứng hơn, hoặc để nguyên vẹn chữ javana mà không dịch, vì chữ nầy cũng dễ đọc như chữ "javelin" của chúng ta. Ta chỉ nhớ nó là một sắc thái tinh thần hoặc song song với điểm thời gian trong tiến trình thần kinh (nerve-process), khi cơ năng chính đã đến lúc sắp trở thành "cân cảm" (innervation, trạng thái của thần kinh sẵn sàng hoạt động). Các vị giáo sư ở Tích Lan (Sri Lanka) kết hợp chữ javana với chữ "động". Ðối với các nhà tâm lý học Tây Phương điểm quan trọng nổi bật nhất của danh từ là sự chung hợp trí thức và ý chí trong tâm lý học Phật Giáo..." -- (Compendium of Philosophy, Trang 249) Danh từ "xúc động" càng xa ý nghĩa của chữ javana hơn nữa. Như Bà Rhys Davids gợi ý, có lẽ giữ nguyên vẹn danh từ Pāli là sáng suốt hơn hết. Xem Compendium of Philosophy, trang 42-45, 249. Theo sách Vibhāvini Tikā, javana phát sanh giữa, 1. votthapana (xác định) và tadārammaṇa (đăng ký), 26. Tadālambana, hay Tadārammaṇa. Theo nghĩa trắng là "đối tượng kia". Tức khắc liền theo tiến trình javana có hai hoặc không có chặp nào cả, phát sanh cùng một đối tượng với javana. Do đó chặp tâm nầy có tên là tadālambana. Sau chặp tadālambana luồng tâm nhập trở vào bhavaṅga. Tadālambana phát sanh giữa, 1. Javana và bhavaṅga và 27. Cuti, Tử Tâm. Danh từ cuti, tâm chết, xuất nguyên từ căn "cu", ra đi, được giải phóng. Paṭisandhi (tâm nối liền) là điểm sơ khởi của một kiếp sống. Cuti (tâm chết) là mức cuối cùng. Chặp paṭisandhi đưa vào đời sống. Chặp cuti đưa thoát ra. Cuti tác động như một sự ra đi suông thoát khỏi đời sống. Ba chặp paṭisandhi, bhavaṅga, và cuti trong một kiếp sống hoàn toàn giống nhau vì có cùng một đối tượng và bao gồm những tâm sở đồng phát sanh với nhau. Cái chết xảy ra tức khắc liền sau chặp cuti. Cùng với cái chết, cơ thể vật chất tan rã và dòng tâm chấm dứt mặc dầu không tiêu diệt, bởi vì nghiệp lực làm cho luồng sống trôi chảy vẫn còn. Cái chết chỉ là giai đoạn báo hiệu cái sanh sắp đến. Cuti phát sanh giữa, 1. Javana và paṭisandhi và 28. Thāna, Sở. Theo nghĩa đen là nơi, trạm, hay cơ hội. Mặc dầu có tất cả mười bốn loại tác dụng, hay nhiệm vụ, nhưng nếu xét theo nơi chốn hay cơ hội làm nhiệm vụ thì chỉ có mười loại. Ngũ quan thức (pañcaviññāṇa) được xem chung là một, bởi vì tác dụng của năm thức nầy giống hệt nhau. 29. Một là akusala-vipāka (quả bất thiện), và một kia là kusala-vipāka (quả thiện). Tái sanh (paṭisandhi) trong cảnh thú, cảnh ngạ quỷ hay cảnh a-tu-la xảy diễn với loại tâm quả bất thiện (akusala vipāka) làm nhiệm vụ suy đạc, liên hợp với thọ xả, akusala vipāka upekkhāsahagata santīraṇa. Những chặp bhavaṅga và cuti trong kiếp sống ấy cũng giống hệt như chặp paṭisandhi nầy. Những người sanh ra mù, điếc, câm v.v... sanh ra với chặp paṭisandhi là loại tâm quả thiện làm nhiệm vụ suy đạc, liên hợp với thọ xả kusala vipāka upekkhāsahagata santīraṇa. Mặc dầu bị tật nguyền là quả của nghiệp bất thiện, sự kiện được sanh vào cảnh người là do nghiệp thiện. 30. Ðó là loại tâm quả thiện thuộc Dục Giới (Kāmāvacara kusala vipāka). Tất cả những ai sanh vào cảnh người mà không bị tật nguyền được sanh ra với chặp paṭisandhi là một trong tám loại tâm nầy. Tất cả mười loại tâm trên đều thuộc về Dục Giới (Kāmaloka). 31. Ðó là năm loại tâm quả thuộc Sắc Giới (Rūpāvacara vipāka) và bốn loại tâm quả thuộc Vô Sắc Giới (Arūpāvacara vipāka). Những tâm Quả (Phala) Siêu Thế (Lokuttara) không được liệt kê vào đây bởi vì những loại tâm Siêu Thế nầy không đưa đến tái sanh. Như vậy, có mười chín loại tâm tác hành nhiệm vụ paṭisandhi, bhavaṅga và cuti. 32. Ðó là manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm), và pañcadvārāvajjana (ngũ môn hướng tâm), được đề cập đến trong mười tám loại tâm vô nhân (ahetuka citta). Loại ý môn hướng tâm phát sanh khi có một đối tượng tinh thần và loại ngũ môn hướng tâm khi tâm có một đối tượng vật chất. 33. Ðó là mười loại tâm quả, thiện và bất thiện, thuộc Dục Giới (kusala-akusala vipāka pañcaviññāṇa). 34. Là hai tâm tiếp thọ liên hợp với xả, được đề cập đến trong những loại tâm vô nhân (ahetuka). 35. Ðó là hai loại đồng phát sanh cùng thọ xả và một cùng thọ lạc. Ðây là hai loại đầu tiên tác hành nhiệm vụ paṭisandhi, bhavaṅga và cuti. Không nên hiểu rằng vào lúc tái sanh có sự suy đạc nào. Trong một lúc một loại tâm chỉ tác hành một nhiệm vụ. Tâm nầy chỉ làm nhiệm vụ tái sanh, nối liền hai kiếp sống, quá khứ và hiện tại. Tâm suy đạc (santīraṇa) liên hợp với thọ lạc phát sanh như tâm đăng ký (tadālambana) khi đối tượng phát hiện trước tâm là đáng được ưa thích. 36. Không có một loại tâm đặc biệt nào tên là votthapana (xác định). Chính manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm) làm nhiệm vụ ấy trong tiến trình tâm có ngũ môn hướng tâm (pañcadvārāvajjana) 37. Ðó là manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm) và pañcadvārāvajjana (ngũ môn hướng tâm), hai trong những tâm Hành Vô Nhân (Ahetuka Kriyā Citta). Vì không thưởng thức mùi vị của đối tượng nên nó không làm nhiệm vụ javana. Loại tâm Hành (Kriyā) còn lại, tiếu sanh tâm, tức tâm làm mĩm cười, tác hành nhiệm vụ javana. 38.-39. Ðó là: 12 loại tâm bất thiện + [8+5+4+4 = 21 thiện] + 4 Quả Siêu Thế +
[1+8+5+4 = 18 Hành] Danh từ Quả dùng ở đây không phải là Vipāka mà là Phala. Những tâm quả thuộc Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới (vipāka) không được xem là javana. Những tâm Ðạo (Magga) và tâm Quả (Phala) Siêu Thế phát sanh trong tiến trình javana được xem là javana, mặc dầu chỉ tồn tại trong thời gian một chặp tư tuởng (sát-na). 39. Mười một loại tâm nầy là tâm quả (vipāka citta). Khi làm nhiệm vụ đăng ký (tadālambana) thì không làm nhiệm vụ suy đạc (santīraṇa). Loại tâm suy đạc liên hợp với thọ lạc tác hành cả hai nhiệm vụ suy đạc và đăng ký. 40. Mỗi loại trong cảnh giới đặc biệt của nó. 41. Manodvārāvajjana. 42. Manodhātu, Ý Giới. Ý giới (manodhātu) đuợc áp dụng cho hai loại tâm, tiếp thọ (sampaṭicchana), và ngũ môn hướng tâm (pañcadvāravajjana). Tất cả những loại tâm còn lại, ngoại trừ mười loại ngũ song thức (dvipañca viññāṇa) đều được gọi là mano viññāṇa dhātu, ý thức giới. Xem chú giải số 99, cùng chương. Ghi chú: [1] Trang 266. [2] Susupti hay giấc ngủ mê, được ghi nhận trong kinh Upanishads "Trong ấy tâm và giác quan, cả hai được nói là tiêu cực". Indian Philosophy, trang 258. Radhakrishnan, [3] Radhakrishnan nói ... Bhavaṅga là sự sinh tồn của tiềm thức, sự sống phía dưới cái tâm, hay nói rõ hơn, sự sinh tồn tinh thần, tự do, không bị ảnh hưởng của tâm. Khi được nhìn một cách chủ quan bhavaṅga là sự sinh tồn phía dưới cái tâm, mặc dầu một cách khách quan đôi khi danh từ nầy được dùng trong nghĩa Niết Bàn. Indian Philosophy, trang 408. Chắc chắn đây không phải là quan điểm của Phật Giáo. Bhavaṅga cũng hiện hữu trong những loại tâm khi ta thức, tức khắc sau một tiến trình tâm (citta vīthi). Không khi nào bhavaṅga đồng nghĩa với Niết Bàn. [4] Xem chương VIII. [5] Nên ghi nhận danh từ Phala được dùng ở đây, thay vì Vipāka, quả. Trong tiến trình javana Siêu Thế, tâm Quả (Phala) tức khắc phát sanh liền theo tâm Ðạo (Magga). -ooOoo- IV. Dvāra-Saṅgaho
Chú Giải 43. Dvārā, Môn. Xuất nguyên từ "du", hai, và căn "ar" đi, vào. Dvārā là cái gì có tác dụng như một lối vào và một lối ra. Mắt, tai, mũi và các giác quan khác tác động như những lối ra vào, hay cửa, môn, để đối tượng nhập vào. Năm giác quan và tâm được xem là sáu cửa xuyên qua đó đối tượng có thể vào. Xem Compendium of Philosophy, trang 85, số 4. 44. Cakkhudvārā, Nhãn Môn. Là mặt nhạy của mắt. Các môn khác cũng phải được hiểu cùng một thế ấy. 45. Manodvārā, Ý Môn Trong phần trên có giải thích rằng khi một đối tượng nhập vào tâm, trước tiên bhavaṅga giao động trong một sát- na, và kế đó dừng lại. Tiếp theo, chặp ngũ môn hướng tâm phát sanh. Trong trường hợp đối tượng thuộc về vật chất, đây là một trong ngũ quan thức như nhãn thức, nhĩ thức v.v... Trong trường hợp đối tượng thuộc về tinh thần, thì đây là ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana). Chặp tư tưởng bhavaṅgupaccheda (bhavaṅga dứt dòng) tức khắc đến trước ngũ môn hướng tâm được biết là ý môn (manodvārā). Abhidhammāvatāra ghi nhận: "S'āvajjanaṁ bhavaṅgantu manodvāranti vuccati." Chặp bhavaṅga với āvajjana (hướng tâm) được gọi là ý môn (manodvāra). 46. Bản chú giải tóm lược 46 như sau: a/- 1; Bốn mươi sáu loại tâm phát sanh do nhãn môn, lấy hình sắc làm đối tượng (rūpālambana) . Một số tâm tương đương phát sanh do mỗi cửa trong bốn môn còn lại, với đối tượng tương ứng. 47. Yathārahaṁ, Tùy Theo. Nghĩa là, "tùy theo đối tượng đáng được ưa thích hay không, sự chú ý có chân chánh hay sai lạc, cá nhân có khát vọng hay không" (Vibhāvini Tīkā). Ông Aung nói, " Ngài Ledi Sayadaw cũng giải thích như vậy "tùy theo đối tượng, cảnh giới sinh sống, chủ thể, sự chú ý v.v..." 48. Tất cả những loại tâm thuộc Dục Giới đều phát sanh do năm cửa ấy. 49. Ðó là: 12 akusalas (bất thiện) + 1 ahetuka kriyā (vô nhân hành) + 16
sobhana kusala và kriyā (đẹp thiện và hành) + 10 Rūpāvacara kusala và
kriyā (thiện và hành thuộc Sắc Giới) + 8 Arūpāvacara kusala và kriyā
(thiện và hành thuộc Vô Sắc Giới) + 8 Lokuttara Magga và Phala (Ðạo và Quả
Siêu Thế). 50. Là 3 santīraṇa (suy đạc) và 8 sobhana vipāka (quả đẹp) 51. Dvārā-vimutta, Không Tùy Thuộc Môn Nào Sách Vibhāvini Tīkā giải thích rằng các loại tâm nầy được gọi như vậy là vì: 1. không phát sanh qua một cửa giác quan nào như nhãn môn v.v... 2. Bhavaṅga tự nó là ý môn, và 3. hiện hữu tự chính nó, không cần phải duyên theo một đối tượng nào từ bên ngoài (trong kiếp sống hiện tại). Lý do đầu tiên áp dụng cho cuti (chặp tử tâm) và paṭisandhi (nối liền). Lý do thứ nhì áp dụng cho bhavaṅgupaccheda (bhavaṅga dứt dòng), và lý do thứ ba cho tất cả bhavaṅga và cuti. Trước kia đã có ghi nhận rằng những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti của một kiếp sống giống hệt nhau, bởi vì các đối tượng và các tâm sở đồng phát sanh giống hệt nhau, mặc dầu nhiệm vụ có khác. Vào lúc lâm chung, một tiến trình tâm phát sanh có khả năng tạo điều kiện cho kiếp sống tới. Ðối tượng của tiến trình tâm nầy có thể là: 1. một nghiệp (kamma), hay hành động, mà ta đã làm trong đời sống, và khi sắp chết nhớ lại hành động ấy một cách rõ ràng như đang xảy ra. Nói một cách chính xác, đó là sự lặp lại của loại tâm mà ta đã có ngay lúc thực hiện hành động. Hoặc có thể là 2. một biểu hiệu của nghiệp (kamma nimitta) đã gieo ấn tượng mạnh mẽ và rành mạch đến ta, trong khi ta thực hiện hành động. Hoặc cũng có thể là 3. biểu hiệu lâm chung, tượng trưng cho một vài đặc điểm của cảnh giới mà ta sẽ tái sanh vào (gati-nimitta) [1]. Tâm tái sanh (paṭisandhi) duyên theo một trong ba đối tượng ấy để phát sanh trong kiếp sống tới kế đó. Ðối tượng của những chặp bhavaṅga và cuti của kiếp sống nầy sẽ giống hệt như đối tượng của paṭisandhi trên. Do đó, phần trên có ghi rằng ba chặp tâm nầy sẽ không duyên theo một đối tượng nào từ bên ngoài. 52. Chúng nó phát sanh trong những môn tương ứng, như nhãn môn, nhĩ môn v.v... 53. Tất cả 26 loại javana Cao Thượng (Ðại Hành ) và Siêu Thế phát sanh do ý môn. 54. Hai loại sampaṭicchana (tiếp thọ) và pañcadvārā- vajjana (ngũ môn hướng tâm) chỉ phát sanh qua năm căn môn vật chất (ngũ quan). Người đọc nên ghi nhận rằng đôi khi tất cả loại tâm nầy được gọi chung là manodhātuttika (ba thành phần tâm, hay ba ý giới). 55. Tâm suy đạc phát sanh qua ngũ quan, liên hợp với thọ hỷ khi đối tượng phát hiện là đáng được ưa thích. Nó phát sanh do ý môn như một chặp đăng ký (tadālambana). 56. Ðó là manodvārāvajjavana tác hành những nhiệm vụ thuần túy như ý môn hướng tâm và như xác định tâm trong một tiến trình tâm phát sanh qua bất luận một trong năm môn vật lý nào. 57. Khi làm nhiệm vụ paṭisandhi, bhavaṅga và cuti các loại tâm nầy không tùy thuộc nơi môn nào. 58. Chín loại tâm quả thuộc Sắc Giới và Vô Sắc Giới phát sanh dưới hình thức paṭisandhi, bhavaṅga và cuti trong cảnh giới tương ứng. Do đó, các loại tâm nầy không tùy thuộc nơi môn nào. 59. Ðó là: Dvipañca viññāṇa (ngũ song thức): 10 Ghi chú: [1] Ðề cập đến đối tượng của chặp paṭisandhi citta (tâm nối liền), Ông Aung ghi trong quyển Compendium : Ṅhững loại tâm nầy duyên theo đối tượng, hoặc trong chính hành động tạo nghiệp, hoặc một tượng trưng của hành động quá khứ ấy (kamma nimitta), hoặc một dấu hiệu của những khuynh hướng (gati-nimitta) mà năng lực của hành động quá khứ ấy xác định." Trang 26. Nơi đây gati nimitta có nghĩa là một dấu hiệu, hay biểu tượng, của nơi chốn mà người lâm chung sẽ tái sanh vào, như lửa, thịt, cung điện trên cảnh trời v.v... -ooOoo- V. Ālambana Saṅgaho
Ghi chú: [1] Ông Aung phiên dịch đoạn nầy như sau: "hơn nữa, đối tượng của những loại tâm 'không tùy thuộc nơi căn môn nào' mà được gọi là thức tái sanh, bhavaṅga, và chết-trở-lại cũng có sáu hạng, tùy trường hợp. Thường nó bị bám vào (như đối tượng) trong kiếp sống tức khắc trước đó bằng đường lối của sáu cửa. Nó là đối tượng của những vật, hoặc hiện tại hoặc quá khứ, hoặc nó là những khái niệm. Và các danh từ nầy được gọi (theo danh từ kỹ thuật) là "karma", "dấu hiệu của karma' hay 'dấu hiệu của số phần'".-- (Compendium of Philosophy, trang 120.) Chú Giải 60. Ārammaṇaṁ hay Ālambanaṁ, Ðối Tượng. Ārammaṇaṁ xuất nguyên từ "ā" + căn "ram", bám vào, dính vào, thỏa thích. Ālambanaṁ xuất nguyên từ "ā" + căn "lamb", đeo níu theo. Cái gì mà chủ thể đeo níu hay dính vào, hay thỏa thích trong đó là ārammaṇa hay ālambana. Danh từ nầy có nghĩa là đối tượng, hay trần cảnh. Theo Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, có sáu loại đối tượng, mà ta có thể phân hạng là vật chất hay tinh thần. Mỗi giác quan có một loại đối tượng tương ứng. 61. Rūpa, Sắc, hay Hình Thể Vật Chất. Danh từ rūpa xuất nguyên từ căn "rup", biến đổi, hoại diệt. Theo ý nghĩa phân loại của danh từ, rūpa là cái gì biến đổi màu sắc tùy theo độ nóng, lạnh v.v... (sītuṇhādivasena vaṇṇavikāramāpajjatī' ti rūpaṁ). Vi Diệu Pháp, Abhidhamma, liệt kê 28 loại sắc (rūpa) mà một chương riêng biệt sau đây sẽ đề cập đến, tỉ mỉ và đầy đủ chi tiết. Ở đây danh từ "sắc" chỉ dùng theo ý nghĩa là đối tượng của nhãn thức, tức hình thể. Sách Vibhāvinī Tikā ghi, "Rūpa, sắc, là cái gì tự biểu hiện bằng cách đổi thay màu sắc, cái gì diễn đạt trạng thái đã thấm nhuần vào tâm." (vaṇṇavikāraṁ āpajjamānaṁ rūpayati hadayaṅgatabhāvaṁ pakāseti' ti rūpaṁ). Rūpa là nơi chốn, một dãy, phạm vi, hay cảnh giới của màu sắc (vaṇṇāyatana, sắc cảnh). Ðó là sự thể hiện của màu sắc. Nên hiểu rằng theo Abhidhamma, rūpa phát sanh từ bốn nguồn gốc là nghiệp (kamma), tâm (citta), hiện tượng thời tiết (utu), và vật thực (āhāra). 62. Sadda, Thinh, Âm Thanh. Phát sanh từ sự cọ xát của những thành phần có đặc tính duỗi ra (paṭhavi) trong vật chất. Có bốn thành phần trong vật chất là: thành phần có đặc tính duỗi ra (paṭhavi), thành phần có đặc tính làm dính liền lại (āpo), thành phần có đặc tính nóng, hay lạnh (tejo) và thành phần có đặc tính di động (vāyo). Bốn thành phần nầy thường được gọi là Ðất, Nước, Lửa, Gió, nhưng không phải đất mà ta đi trên đó hay nước mà ta uống v.v... Ðó là những đơn vị căn bản của vật chất. Bốn thành phần, hay đơn vị, nầy luôn luôn tùy thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau. Trong một thể chất nhất định thành phần nầy có thể trội hơn các thành phần khác, như trong đất thành phần paṭhavi, có đặc tính duỗi ra, trội hơn các thành phần kia, trong nước thì thành phần āpo có đặc tính làm dính liền, trội hơn, trong lửa, thành phần tejo trội hơn, và trong không khí, thành phần vāyo, có đặc tính di động, trội hơn. Khi một thành phần paṭhavi va chạm với một thành phần paṭhavi khác là có âm thanh phát sanh. Âm thanh phát ra do cả hai, tâm (citta) và hiện tượng thời tiết. Tiếng động có thể phát âm rõ ràng (vyākata) hoặc không phân minh (avyākata). 63. Gandha, Hương. Xuất nguyên từ căn "gandh", biểu lộ (sūcane). Hương, hay mùi, phát sanh từ cả bốn thành phần của vật chất. 64. Rasa, Vị Phát sanh do tất cả bốn thành phần của vật chất. Trong bốn thành phần (Tứ Ðại) ấy, chỉ phần nào có vị mới được xem là rasa. Nói cách khác, chỉ có vài vị của bốn thành phần ấy là rasa. 65. Phoṭṭhabbārammaṇa, Xúc Ðối tượng có thể cảm nhận bằng giác quan. Ðây không phải chỉ có sự va chạm suông. Ngoại trừ thành phần có đặc tính làm dính liền (āpo) của vật chất, tất cả ba thành phần còn lại đều được xem là đối tượng mà giác quan có thể cảm nhận. Thân không thể tri giác thành phần āpo trong vật chất. Khi ba thành phần của vật chất, cấu thành đối tượng của xúc giác, chạm vào mặt nhạy của thân liền phát sanh thọ lạc hay thọ khổ, tùy theo đối tượng có đáng được ưa thích hay không. Trong trường hợp các đối tượng khác, hậu quả chỉ là thọ xả (Upekkhā). 66. Dhammārammaṇa, Pháp Pháp, dhamārammaṇa bao gồm tất cả các đối tượng của tâm. Dhamma, pháp, bao gồm cả hai hiện tượng, vật chất và tinh thần. 67. Mặt nhạy của tất cả năm căn môn vật chất -- nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân -- được gọi là pasāda. Trong trường hợp của mắt, tai, mũi, lưỡi, mặt nhạy ấy nằm ở một vị trí nhất định, trong khi ấy mặt nhạy của thân trải rộng cùng khắp châu thân. Có tất cả năm loại pasāda rūpa tương ứng với năm giác quan. 68. Sukhuma rūpa, Sắc Vi Tế. Trong 28 loại rūpa (sắc), 16 loại đuợc sắp vào phân hạng vi tế (sukhuma, tế sắc) và 12 là thô kịch (odārika, thô sắc). Những đối tượng của 1. nhãn thức, 2. nhĩ thức, 3. tỷ thức, 4. thiệt thức và thân thức (vốn bao gồm thành phần 5. duỗi ra, 6. nóng, 7. di động) và năm pasāda rūpas (mặt nhạy của những căn tương ứng) thuộc về loại sắc thô kịch (thô sắc), 16 loại còn lại -- sẽ được đề cập đến trong một chương dành riêng cho sắc (rūpa) -- thuộc về loại sắc vi tế (tế sắc). Loại sắc được gọi là vi tế vì không có sự xúc chạm lẫn nhau. 69. Ðó là tất cả 89 loại tâm. Những loại tâm nầy đôi khi cũng được xem chung là một đối tượng, vì có đặc tính giống nhau là sự hay biết. 70. Là 52 tâm sở. 71. Ðó là một đối tượng siêu thế do tám loại tâm Siêu Thế hay biết. 72. Paññatti, Khái Niệm. Là cái gì làm biểu hiện. Có hai loại khái niệm là nāma paññatti (danh khái niệm) và attha paññatti (nghĩa khái niệm). Danh khái niệm là một danh từ hay một cái tên để chỉ đồ vật như bàn, ghế, tủ v.v... và nghĩa khái niệm là món đồ hay ý niệm mà danh từ trên diễn đạt. 73. Thời gian là gì? Một cách chính xác, thời gian chỉ là một khái niệm suông, và hiểu theo ý nghĩa tuyệt đối, thời gian không phải là cái gì thật sự hiện hữu. Ðàng khác, không gian đối với vật chất cũng như thời gian đối với tâm. Một cách ước định ta nói đến quá khứ (atīta), hiện tại (paccuppanna), và tương lai (anāgata). Quá khứ được định nghĩa là cái gì đã vượt qua chính trạng thái của nó, hay đã vượt qua những sát-na sanh, trụ, diệt. (attano sabhāvaṁ uppādādikkhaṇaṁ vā atītā atikkantā atītā). Hiện tại là cái gì, vì lý do nầy hay lý do khác, đi vào, trải qua, hiện hữu ngay trong những sát-na sanh, trụ, diệt (taṁ taṁ kāraṇaṁ paṭicca uppādādikkhaṇaṁ uddhaṁ pannā, gatā, pavattā = paccuppannā). Tương lai là cái gì chưa đến hai trạng thái kia (tadubhayam' pi na āgatā sampattā). Theo Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) mỗi tâm gồm ba giai đoạn: uppāda (sanh), ṭhiti (trụ, phát triển), và bhaṅga (rã tan, chấm dứt, diệt). Theo quan điểm của một vài nhà chú giải, không có giai đoạn phát triển (ṭhiti, trụ), mà chỉ có hai giai đoạn sanh (uppāda) và diệt (bhaṅga). Mỗi chặp tư tưởng trôi qua, tức khắc có một chặp khác nối tiếp. Như vậy, thời gian là điều kiện tất yếu (sine qua non) của những trạng thái tâm. Ðơn vị của thời gian là một chặp tư tưởng, hay sát-na. Các nhà chú giải nói rằng sát-na tâm diễn tiến rất nhanh chóng, đến đổi trong thời gian một cái chớp, có hàng tỷ tỷ sát-na, hay chặp tư tưởng. Vật chất, cũng luôn luôn biến đổi, chỉ tồn tại trong thời gian mười bảy chặp tư tưởng, và đó là thời gian của một tiến trình tâm trọn vẹn. Quá khứ đã trôi qua. Tương lai chưa đến. Chúng ta chỉ sống trong từng chặp tư tưởng, và mỗi chặp tư tưởng nầy trôi vào quá khứ một cách chắc chắn, không thể tránh. Hiểu theo một ý nghĩa, chỉ có Hiện Tại là vĩnh cửu. Hiểu theo một chiều khác, cái được gọi hiện tại là giai đoạn chuyển tiếp giữa tương lai và quá khứ. Tự điển Dictionary of Philosophy định nghĩa "thời gian là một môi trường tổng quát trong đó tất cả những diễn tiến nối tiếp xảy ra, hoặc hình như nối tiếp xảy ra". Sách Atthasālini ghi nhận rằng thời gian là một khái niệm xuất nguyên từ hiện tượng nầy hay hiện tượng kia. Và tự bản chất của nó, thời gian không có hiện hữu mà chỉ là một khái niệm suông. (Taṁ taṁ upādāya paññatto kālo nāma. So pan' esa sabhāvato avijjamānattā paññatti-mattako eva). 74. Tất cả đối tượng của năm căn môn vật chất, tức giác quan, đều thuộc về hiện tại. 75. Yathārahaṁ, Tùy Trường hợp Tức là tùy theo javana thuộc Dục Giới, Siêu Trí Thức (Abhiññā, Diệu Trí, Thượng Trí, ta thường gọi là thần thông), và các javana Cao Thượng (Ðại Hành). Sáu loại đối tượng của javana thuộc Dục Giới, ngoại trừ tiếu sanh tâm (tâm làm mĩm cười), đều thuộc về hiện tại, quá khứ, vị lai và phi thời gian. Những đối tượng của tiếu sanh tâm thuộc về quá khứ, hiện tại và vị lai. Các đối tượng của những chặp javana mà do đó các trạng thái tâm Siêu Trí như Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ được phát triển, thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai và ngoài thời gian. Ðối tượng của những javanas Cao Thượng có thể, hoặc phi thời gian, hoặc thuộc về quá khứ. Niết Bàn là vĩnh cửu, vô thủy vô chung, nên không thuộc về quá khứ, hiện tại, hay vị lai. Niết Bàn ngoài thời gian. Khái niệm cũng ngoài thời gian. 76. Ðoạn khó hiểu nầy cần có vài lời giải thích. Người sắp lâm chung đôi khi hồi nhớ lại một vài hành động, thiện hay bất thiện, mà mình đã làm trong đời sống. Loại tâm -- thiện hay bất thiện -- của người ấy trong lúc thực hiện hành động giờ đây phát hiện trở lại như mới. Danh từ kỹ thuật gọi chặp tư tưởng ấy là"Kamma", Nghiệp. Ðó là một tư tưởng, vì lẽ ấy là một đối tượng tâm linh (dhammārammaṇa, cảnh pháp) thuộc về quá khứ mà ý môn duyên vào. Ðối tượng của những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti (nối liền, hộ kiếp và tâm chết hay tử tâm) của kiếp sống tới kế đó là dhammārammaṇa ấy. Ðôi khi đối tượng có thể là một dấu hiệu hay một biểu tượng liên quan đến hành động thiện hay bất thiện. Nó có thể là một trong năm loại đối tượng vật chất phát hiện xuyên qua sáu căn môn, như một đối tượng thuộc hiện tại hay quá khứ. Thí dụ như vào lúc lâm chung ta nghe Giáo Pháp. Trong trường hợp nầy, tiếng nói hiện tại mà nhĩ quan ta duyên vào là đối tượng của tâm đi tái sanh. Do đó ba chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti của kiếp sống sau kế đó là "biểu tượng của nghiệp", Kamma Nimitta nầy. Lại nữa, như trường hợp của một vị lương y lúc sắp chết. Ông có thể thấy trong tâm hình ảnh những bệnh nhân mà ông đã săn sóc. Ðây là một đối tượng vật chất (sắc) trong quá khứ, bây giờ phát hiện đến ông xuyên qua ý môn. Hay nữa, ta hãy lấy thí dụ trường hợp của một người đồ tể lúc lâm chung. Có thể người nầy nghe tiếng kêu la của những con thú mà mình đã làm thịt. Ðối tượng thuộc về âm thanh ở quá khứ giờ đây phát hiện trở lại đến người đồ tể, xuyên qua ý môn. Do đó Kamma-nimitta, "biểu tượng của nghiệp", có thể thuộc về quá khứ hay hiện tại, phát hiện xuyên qua một trong sáu căn môn. Trong một vài trường hợp, vài biểu tượng của nơi chốn hay cảnh giới mà người lâm chung sắp tái sanh vào như lửa, thịt, cung điện ở cảnh Trời v.v... có thể phát hiện đến người ấy. Ðối tượng nầy được xem là đối tượng hiện tại, mà người lâm chung duyên vào xuyên qua ý môn -- "biểu tượng lâm chung", Gati-nimitta. Như vậy, Gati-nimitta, biểu tượng lâm chung, là một đối tượng của nhãn quan, hiện tại ở một điểm thời gian, và phát hiện xuyên qua ý môn. Ta nên ghi nhận rằng những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti thuộc Dục Giới có những đối tượng là Kamma (Nghiệp), Kamma-nimitta, biểu tượng của nghiệp, hay Gati-nimitta, biểu tượng lâm chung, phát hiện xuyên qua một trong sáu môn, trong kiếp sống tức khắc kế đó. Trong trường hợp của tất cả những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti thuộc Sắc Giới, đối tượng luôn luôn là một Kamma-nimitta, biểu tượng của nghiệp, và biểu tượng của nghiệp nầy là một khái niệm (paññatti), như biểu hiệu kasiṇa, phát hiện xuyên qua ý môn. Ðối tượng của những chặp paṭisandhi, bhavaṅga và cuti thuộc về Sơ Thiền và Tam Thiền Vô Sắc Giới cũng là một khái niệm quá khứ như "ananto ākāso", không vô biên xứ, trong trường hợp Sơ Thiền, và khái niệm "natthi kiñci" vô sở hữu xứ, trong trường hợp Tam Thiền. Hai khái niệm trên nầy được xem là những Kamma-nimitta, biểu tượng của nghiệp, phát hiện xuyên qua ý môn. Như đã có giải thích ở chương I, tâm Nhị Thiền Vô Sắc Giới được phát triển bằng cách lấy Sơ Thiền Vô Sắc làm đề mục, và Tứ Thiền Vô Sắc được phát triển bằng cách lấy Tam Thiền Vô Sắc làm đề mục. 77. Yebhuyyena, Phần Lớn. Danh từ nầy được dùng ở đây để chỉ một sự tái sanh vào cảnh giới Vô Tưởng (Asañña), nơi mà chúng sanh không có tâm. Bản chú giải ghi rằng do năng lực của Nghiệp vài đối tượng như kamma-nimitta, biểu tượng của nghiệp, tự phát hiện đến paṭisandhi, tâm nối liền. 78. Theo Phật Giáo, một người thường trong thế gian được gọi là puthujjana (theo nghĩa đen là đám đông, hay là người sanh trở đi trở lại, chúng sanh trong tam giới). Những vị đã đắc ba tầng Thánh đầu tiên -- Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm -- được gọi là sekhas (theo nghĩa trắng là người đang trải qua một thời kỳ tu tập, người còn phải học nữa. Danh từ nầy thường được dịch là bậc hữu học). Những vị đã chứng đắc tầng Thánh cuối cùng (A La Hán) thì được gọi là asekhas (thường được dịch là bậc vô học), những người không còn phải trải qua thời kỳ tu tập nào nữa. Các vị sekhas (còn phải tu tập nữa) không thể thấu hiểu tâm Ðạo và tâm Quả của một vị A La Hán, bởi vì chưa đạt đến tầng ấy. Nhưng các Ngài có thể hiểu được những loại tâm tại thế của một vị A La Hán. Cùng thế ấy, hạng người phàm (puthujjana) không thể hiểu được tâm Siêu Thế của một vị Thánh sekha. 79. Abhiññā, Siêu Trí Thức, Diệu Trí Abhiññā, Trí Thức Cao Thượng, Diệu Trí, có năm loại là: thiên nhãn thông (dibbacakkhu), thiên nhĩ thông (dibbasota), tri mạng thông (pubbenivāsānussati ñāṇa), tha tâm thông (paracittavijāñāṇa), và những năng lực thần thông (iddividha ñāṇa). Muốn đắc các pháp abhiññā, thần thông, phải đắc Ngũ Thiền Sắc Giới. Không phải chỉ hạng phàm nhân mà chí đến tâm Cao Siêu của bậc sekha cũng không thể thấu đạt tâm Ðạo và tâm Quả của một vị A La Hán. Chỉ có một vị A La Hán mới thấu hiểu được A La Hán Ðạo và A La Hán Quả. Trong một chương ở phần sau vấn đề abhiññā sẽ được đề cập đến một cách đầy đủ hơn. 80. Hai loại tâm nầy chỉ những bậc A La Hán mới có. 81. Ðây là manodvārāvajjana, ý môn hướng tâm, phát sanh trước mỗi tiến trình javana. Như vậy không có gì ngoài phạm vi của tâm nầy. 82. Ðó là những đối tượng thuộc Dục Giới, những đối tượng Cao Thượng (Ðại Hành), những đối tượng Siêu Thế, và những khái niệm (paññatti). 83. Ðối tượng của tâm Nhị Thiền Vô Sắc Giới là tâm Sơ Thiền Vô Sắc Giới. Cùng thế ấy Tứ Thiền Vô Sắc Giới lấy tâm Tam Thiền Vô Sắc Giới làm đối tượng. 84. Tức là: đối tượng của tâm Sơ Thiền Vô Sắc là khái niệm "ananto ākāsa", không vô biên xứ. Ðối tượng của tâm Tam Thiền Vô Sắc là khái niệm "natthi kiñci", vô sở hữu xứ. Những điểm nầy đã được giải thích ở chương I. Ðối tượng của tất cả các tầng Thiền Sắc Giới đều có đối tượng là những khái niệm như kasiṇa. 85. Ðó là 23 tâm Quả thuộc Dục Giới + 1 ngũ quan thức + 1 tiếu sanh tâm = 25. 86. Paritta, Thấp. Xuất nguyên từ "pari" + căn "dā", bẻ gãy, thâu ngắn lại, có nghĩa là thấp hơn, kém hơn. Danh từ nầy hàm xúc ý nghĩa Dục Giới. 87. Ðó là tâm Thiện, Quả và Hành của Nhị Thiền và Tứ Thiền Vô Sắc, viññāṇañcāyatana và n'eva saññā n'āsaññā-yatana (thức vô biên xứ và phi tưởng phi phi tưởng). 88. Ðó là 15 tâm Thiền Sắc Giới và những tâm Thiện, Quả, và Hành của Sơ Thiền và Tam Thiền Vô Sắc Giới (ākāsānañcāyatana, không vô biên xứ, và ākiñcaññāyatana, vô sở hữu xứ): 15 + 6 = 21. 89. Vohāra Ở đây, bao hàm những khái niệm như kasiṇa v.v... 90. Ðó là 12 loại tâm Bất Thiện và 8 loại tâm Thiện và Hành thuộc Dục Giới không liên hợp với tri kiến. 91. Ðó là bốn loại tâm Thiện thuộc Dục Giới liên hợp với tri kiến và tâm Thiện của Ngũ Thiền Sắc Giới (abhiññā kusala citta). 92. Ðó là bốn tâm Hành thuộc Dục Giới, tâm Hành của Ngũ Thiền Sắc Giới và ý môn hướng tâm (manodvārā- vajjana) -ooOoo- VI. Vatthu Saṅgaho
Chú Giải 93. Vatthu, Căn Xuất nguyên từ căn "vas", trú ngụ. Trong ý nghĩa đầu tiên vatthu là một khu vườn, một thửa đất, hay một lối đi. Theo nghĩa phụ thuộc, vatthu là nguyên nhân, hay điều kiện. Danh từ vatthu cũng áp dụng cho vật gì hiện hữu, tức một thể chất, một vật, một món đồ. Khi đề cập đến ba bảo vật để tôn thờ, Ðức Phật nói: "uddesikaṁ ti avatthukaṁ". Nơi đây avatthuka có nghĩa là không có vật thể, không có một vật hay một cái gì cụ thể. Vatthu là căn trú của giác quan. Có sáu căn trú vật chất, hay lục căn, tương ứng với sáu giác quan. Những căn trú nầy sẽ được mô tả với đầy đủ chi tiết trong một chương riêng biệt đề cập đến Rūpa, Sắc. 94. Trong chữ nầy có một phần "pi" có nghĩa là "cũng". Ðoạn nầy chỉ rằng ở đây có một ngoại lệ là trường hợp của những người sanh ra bị tật nguyền như câm, điếc, mù v.v... 95. Chúng sanh ở trong cảnh giới nầy cũng có đủ mũi, lưỡi và thân, nhưng các căn nầy không có khả năng nhạy, vì trong cảnh giới cao thượng nầy chúng sanh đã tạm thời dứt bỏ dục vọng kāmaraga, tâm đeo níu theo dục lạc. Những chúng sanh nầy có mắt và tai để dùng cho những mục tiêu cao cả, tốt đẹp. Cũng có ý căn, vì đó là căn trú của tâm. 96. Bởi vì cảnh giới nầy không có sắc tức không có hình thức vật chất nào. Chỉ có tâm, nhưng do năng lực của Thiền cũng không cần đến ý căn. 97. Thí dụ như nhãn thức tùy thuộc nơi phần nhạy (tức khả năng thấy) của mắt chớ không tùy thuộc nơi "con mắt bằng thịt". Các thức khác trong ngũ thức cũng tùy thuộc nơi mặt nhạy tương ứng như vậy. Mặt nhạy của năm giác quan phải được hiểu biết như sau: Cakkhu, Nhãn, hay Nhãn Căn, có nghĩa là sự thấy, giác quan của sự thấy, con mắt. Tuy nhiên trong quyển sách nầy, "mắt" hay "nhãn" luôn luôn được xem là khả năng thấy, nhãn quan, chớ không phải "con mắt bằng thịt" (maṁsa cakkhu). Về điểm nầy Ðức Sāriputta (Xá Lợi Phất) có nói rằng phần nhạy của nhãn quan mà do đó ta thấy hình sắc, nhỏ và tế nhị, có thể ví như đầu con chí. Sotappasāda, Nhĩ, hay Nhĩ Căn. Phần nhạy của tai, hay khả năng nghe. "Cái nầy nằm trong lỗ hõm của bộ phận cấu thành tai và có nhiều lông màu đỏ có hình thù như một cái bao ngón tay nhỏ (anguliveṭhana)" (Asl. 310). Ghānappasāda, Tỷ, hay Tỷ Căn. Phần nhạy của mũi. "Cái nầy nằm bên trong lỗ hõm của mũi, có hình thù như cái móng con dê. (Asl. 310). Jivhāppasāda, Thiệt, hay Thiệt Căn. Phần nhạy của lưỡi. "Cái nầy nằm giữa và bên trên bộ phận nếm, có hình thù như mặt trên của lá sen. (Asl. 310) Kāyappasāda, Thân, hay Thân Căn. Phần nhạy của thân. "Trong phạm vi của thân -- bản chú giải nói như vậy (Asl. 311) -- được trải ra cùng khắp châu thân như dầu loang khắp mặt vải". -- (Buddhist Psychology, trang 173-181) Hadayavatthu, Ý Căn. Theo các nhà chú giải, hadayavatthu (ý căn), là căn trú của tâm. Tập tục cổ truyền cho rằng bên trong lỗ hõm của trái tim có một ít máu, và ý căn tùy thuộc nơi máu nầy. Thuyết chủ trương rằng ý căn nằm trong trái tim được phổ biến mạnh mẽ vào thời Ðức Phật, và chắc chắn được sự hỗ trợ của kinh Upanishads. Ðức Phật có thể cũng theo thuyết ấy, nhưng Ngài không có lời dạy nào về điểm nầy. Ông Aung, trong bản khái luận của ông, lý luận rằng Ðức Phật không có nói gì về điểm nầy. Ngài không quả quyết rằng ý căn là trái tim hay cân não. Trong sách Dhammasaṅgani, danh từ hadayavatthu được gác hẳn qua một bên. Trong bộ Paṭṭhāna, thay vì dùng chữ hadaya như ý căn, Ðức Phật chỉ giản dị dạy "yam rūpaṁ nissāya" -- "tùy thuộc nơi phần sắc đó". Theo ý kiến của Ông Aung, Ðức Phật không muốn loại bỏ một chủ thuyết được phổ biến rộng rãi thời bấy giờ. Ngài cũng không nêu lên một thuyết mới nói rằng ý căn là cân não như các nhà khoa học hiện đại. (Xem Buddhist Psychology -- Introduction I xxviii, và Compendium of Philosophy, trang 277-279) 99. Dhātu, Giới Xuất nguyên từ căn "dhar", nắm giữ lại, mang theo. "Cái gì mang theo dấu hiệu của chính mình là dhātu". Ðược gọi như vậy bởi vì tự nó không có hiện hữu, hay không có sự sống (nissatta nijjīva). Ðể tiện việc phân biệt, có ba danh từ được dùng ở đây. Ðó là pañcaviññāṇadhātu, manodhātu, và mano-viññāṇa-dhātu. - Pañca-viññāṇa-dhātu, ngũ thức giới, áp dụng cho cặp ngũ quan thức hay ngũ song thức. - Mano-dhātu, ý giới, áp dụng cho hai loại, tiếp thọ tâm và ngũ môn hướng tâm (sampaṭicchana và pañcadvārāvajjana). - Mano-viññāṇa-dhātu, ý thức giới, được áp dụng cho tất cả những loại tâm còn lại. 100. Ba loại tâm suy đạc và tám loại tâm Ðại Quả không phát sanh trong cảnh Vô Sắc Giới vì ở cảnh nầy không có căn môn để phát sanh xuyên qua đó, cũng không có tác dụng. 101. Bởi vì trong cảnh Sắc Giới và Vô Sắc Giới chúng sanh đã chế ngự tâm sân nên hai loại tâm đồng phát sanh với sân không có ở cảnh nói trên. 102. Muốn chứng đắc tầng Thánh đầu tiên phải có nghe người khác dạy (paratoghosappaccaya). 103. Tiếu sanh tâm (tâm làm mĩm cười) không thể phát sanh khi không có cơ thể vật chất. Chỉ ở cảnh người chư Phật Toàn Giác và chư Phật Ðộc Giác mới có loại tâm nầy. 104. Không có tâm Thiền Sắc Giới phát sanh trong cảnh Vô Sắc Giới vì những vị tái sanh vào cảnh nầy đã chế ngự mọi ham muốn vật chất (rūpa). 105. Tất cả 43 loại tâm kể trên đều tùy thuộc nơi hadayavatthu (ý căn). 106. Ðó là 8 tâm đẹp (tịnh hảo) thiện, 4 tâm thiện Sắc Giới, 10 tâm bất thiện, 1 ý môn hướng tâm, 8 tâm đẹp hành, 4 tâm hành Vô Sắc Giới, 7 tâm Siêu Thế = 42. Các loại tâm nầy có thể phát sanh trong những cảnh giới mà chúng sanh có đủ năm uẩn, hoặc trong những cảnh giới mà chúng sanh chỉ có bốn uẩn (Vô Sắc Giới). 107. Ðó là 5 pañcaviññāṇadhātu (ngũ thức giới) + 1 manodhātu (ý giới) + 1 manoviññāṇadhātu (ý thức giới) = 7 108. Ðó là 1 nhãn thức, 1 nhĩ thức, 1 ý giới (manodhātu), 1 ý thức giới (manoviññāṇadhātu) = 4. 109. Ðó là nhãn, nhĩ, và ý căn. 110. Dhātu + eka = Dhātv'eka. Danh từ nầy hàm xúc ý nghĩa manoviññāṇadhātu (ý thức giới). -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2002)
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 15-06-2002