BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện
"The Spectrum of Buddhism"

Hòa thượng Piyadassi
Phạm Kim Khánh dịch

Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, xuất bản, 1995.


-18b-

NHỮNG BÀI VIẾT NGẮN (tiếp theo)

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY, ÐẠI THỪA, VÀ ZEN

Hai sắc thái quan trọng của Phật Giáo phổ cập ngày nay là Phật Giáo Ðại Thừa và Phật Giáo Zen. Tuy nhiên, vào lúc ban sơ, không có giáo lý nào là Theravàda (Nguyên Thủy) và Mahàyàna (Ðại Thừa). Những gì Ðức Phật dạy được gọi là Giáo Pháp và Giới Luật (Dhamma-Vinaya). Ba tháng sau khi Ðức Phật nhập diệt, những vị đệ tử kế cận của Ngài triệu tập một Hội Nghị để đọc lại Dhamma (Giáo Pháp) và Vinaya (Giới Luật). Ðại Ðức Ànanda, vị thị giả của Ðức Phật trong hai mươi lăm năm, đọc lại Dhamma (Giáo Pháp); Ðại Ðức Upali đọc lại Vinaya (Giới Luật).

Trong Hội Nghị này, những đoạn của Dhamma (Giáo Pháp) được chỉ định cho các vị Trưởng Lão (Theras) và chư môn đệ của những vị này học thuộc lòng. Như vậy Dhamma (Giáo Pháp) được truyền khẩu từ thầy sang trò. Không thêm, không bớt, trong kỳ Hội Nghị này.

Một trăm năm sau khi Ðức Phật nhập diệt, một cuộc Hội Nghị Thứ Nhì được triệu tập và chỉ có vài vấn đề liên quan đến Vinaya (Giới) được thảo luận, không có Dhamma (Giáo Pháp). Tại kỳ Hội Nghị Thứ Nhì này vài nhà sư "cấp tiến" có chiều hướng muốn thay đổi vài giới phụ thuộc. Tuy nhiên, những vị có khuynh hướng chính thống không đồng ý và nói rằng không nên thay đổi điểm nào. Do đó một nhóm các nhà sư rời Hội Nghị và thành lập Mahàsanghika -- Ðại Cộng Ðồng.

Vào thế kỷ thứ ba trước D.L. dưới triều đại Hoàng Ðế Asoka (A Dục), một cuộc Hội Nghị Thứ Ba được triệu tập để thảo luận và đọc lại cả hai, Dhamma (Giáo Pháp) và Vinaya (Giới Luật). Giáo Huấn mà được Hội Nghị này thừa nhận và chấp thuận được gọi là Theravàda -- Giáo Huấn của những vị Trưởng Lão. Sau kỳ Hội Nghị Thứ Ba này, con của Hoàng Ðế Asoka, vị A La Hán Maha Mahinda đến Sri Lanka (Tích Lan), có đem theo Tipitka, Tam Tạng kinh điển, và những chú giải được đọc lại trong Hội Nghị Thứ Ba. Kinh điển này được viết bằng tiếng Màgadhi (Pàli), ngôn ngữ mà Ðức Phật nói. Chí đến lúc bấy giờ, không có nơi nào nhắc đến Mahàyàna (Ðại Thừa).

Lần đầu tiên mà hai danh từ Mahàyàna và Hinayàna được đề cập đến là trong kinh Saddharma- pundarìka Sutra (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh) -- trong khoảng thế kỷ thứ nhất trước D.L.và thế kỷ thứ nhất sau D.L.. Nhưng những yànas (thừa) ấy không thấy ở đâu trong Kinh Ðiển Pali, Tipitaka, hay trong văn học Pali. Cũng không thấy niên sử Dìpavamsa và Mahàvamsa, của Sri Lanka đề cập đến.

Danh từ Mahàyàna rõ ràng được định nghĩa và được chọn vào khoản thế kỷ thứ hai, và Ngài Nàgarjuna (Long Thọ), nhà truyền bá Mahàyàna (Ðại Thừa) rất quan trọng, khai triển triết học Ðại Thừa, nhấn mạnh về tầm quan trọng của thuyết Sùnyatà -- tất cả mọi sự vật đều rỗng không. (Xem Màdhyamikakàrikà, Trung Quán Luận, của Ngài). Về sau có các Ngài Asanga, Vasubhandhu, Dharmakirti, Àryadeva, Dinnàga v.v... những vị mạnh mẽ ủng hộ Mahàyàna (Ðại Thừa Phật Giáo) và văn học Mahàyàna. Như vậy, vào lối 700 năm sau khi Ðức Phật nhập diệt, hai danh từ Mahàyàna (Ðại Thừa) và Hinàyàna (Tiểu Thừa) mới xuất hiện.

Những người kém hiểu biết xem Theravàda (Nguyên Thủy), hiện tồn tại ở Sri Lanka (Tích Lan), Burma (Miến Ðiện), Thailand (Thái Lan), Campuchia (Cam Bốt), Laos (Lao) và Bangladesh, là Hinàyàna (Tiểu Thừa). Họ không hiểu họ đang nói gì. Khi Phật Giáo du nhập vào Sri Lanka vào thế kỷ thứ ba trước D.L., do Ðại Ðức Mahinda đem sang, thì không có "yàna", hay "thừa" nào cả. Phái Hinàyàna (Tiểu Thừa) được khai triển tại Ấn Ðộ, không có chi liên hệ đến Phật Giáo Theravàda (Nguyên Thủy). Theravàda không liên can đến trường phái Mahàyàna (Ðại Thừa), cũng không liên can đến trường phái Hinàyàna (Tiểu Thừa). Theravàda tồn tại độc lập với cả hai yàna (thừa).

Vào năm 1950, khi hội Phật Giáo thế giới World Fellowship of Buddhists (WFB) được khai mạc tại Colombo, Sri Lanka, các thành viên từ cả Tây Phương lẫn Ðông Phương đều đồng thanh quyết định bôi bỏ danh từ "Hinàyàna" được dùng với ý khinh rẻ, khi đề cập đến Phật Giáo Theravàda (Nguyên Thủy) hiện có ngày nay.

Như vậy trong hiện tại không có phái Hinàyàna bất cứ ở đâu trên thế gian. Danh từ đã bị loại bỏ.

Mahàyàna (Ðại Thừa) và Theravàda (Nguyên Thủy) là hai trường phái Phật Giáo lớn trong thế gian ngày nay. Mahàyàna được truyền bá sang vùng Viễn Ðông - Trung Quốc, Nhật Bổn, Korea (Triều Tiên), Tibet (Tây Tạng) và Mongolia (Mông Cổ). Theravàda được truyền bá sang vùng Nam Á -- Sri Lanka, Burma, Thailand, Campuchia, Laos, Bangladesh và một vài phần ở Malaysia (Mã Lai), India (Ấn Ðộ) và Indonesia (Nam Dương). Ngày nay cả hai, Mahàyàna và Theravàda đều du nhập vào tận những nơi xa xôi của quả địa cầu. Nhiều quốc gia Tây Phương đã thành lập một Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo trong xứ mình, có thể được thêm vào danh sách.

Giáo lý của hai trường phái, Mahàyàna và Theravàda, gần giống như nhau. Cả hai đều bước theo dấu chân của Ðức Sakyamuni Gotama (Thích Ca Mâu Ni Cồ Ðàm), và xem Ngài là giáo chủ. Tứ Diệu Ðế, phần tinh túy của Phật Giáo, pháp tùy thuộc phát sanh (paticca-samuppàda), hay thập nhị nhân duyên, ba đặc tướng của đời sống (anicca, dukkha, anattà - vô thường, khổ, vô ngã), Bát Chánh Ðạo, vốn là pháp hành của Phật Giáo, đời sống trước khi sanh và sau khi chết, và Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo, đều y hệt như nhau.

Vài người tưởng rằng lý tưởng của Bồ Tát, hay Bồ Tát Ðạo, chỉ được đề cập đến trong Mahàyàna, và Theravàda chỉ nói đến Ðạo Quả A La Hán, một sự thành tựu cá nhân, và như vậy là ích kỷ. Tuy nhiên, người học đạo Phật một cách thận trọng và không thiên vị sẽ thấy lý tưởng của Bồ Tát trong văn học Theravàda.

Hệ thống tư tưởng Theravàda (Nguyên Thủy) không phủ nhận lý tưởng của Bồ Tát, nhằm trở thành Phật để cứu độ kẻ khác ra khỏi samsara (vòng luân hồi), hay những kiếp sinh tồn triền miên tiếp diễn. Tuy nhiên không có những giới luật nghiêm khắc buộc tất cả đều phải thành Phật. Ta có quyền lựa chọn con đường giải thoát cho chính mình tùy khuynh hướng và nguyện vọng của mình. Nếu muốn trở thành Phật, ta sẽ phải trau giồi đầy đủ các Ba-la-mật [*] (pàramità), hay phẩm hạnh tuyệt hảo, những đức hạnh dẫn đến Ðạo Quả Phật (xem Chương 1, ghi chú về "Bồ Tát"). Những ai mãn nguyện với lý tưởng A La Hán có thể theo con đường của mình, cũng thực hành các pháp paramitàs. Không có gì bắt buộc. Truyền thống Mahàyàna (Ðại Thừa) dạy rằng tất cả những ai theo Ðại Thừa đều chuẩn bị để trở thành Phật nhằm cứu độ chúng sanh, vấn đề là ai sẽ cứu độ ai, vì tất cả là Phật.

[*] Quý vị lưu tâm đến vấn đề này có thể đọc bài viết có rất nhiều tài liệu về "Theravàda-Mahàyana and the Bodhisatva Ideal in Buddhism," do tác giả Dr. Walpola Rahula Thera, Buddhist Missionary Society, Kuala Lumpur.

Phật Giáo Zen

Cả hai, Phật Giáo Mahàyàna và Theravàda đều bắt nguồn từ Ấn Ðộ, nơi phát nguyên tư tưởng và triết học Ðông Phương. Một cách gián tiếp, Phật Giáo Zen cũng bắt nguồn từ Ấn Ðộ. Ðức Bodhidharma (Bồ Ðề Ðạt Ma) là một nhà sư Phật Giáo từ Ấn Ðộ đến Trung Quốc vào thế kỷ thứ sáu. Ngài là con thứ ba của một vì vua Bà La Môn ở Nam Phần Ấn Ðộ. Ngài là một học giả uyên thâm và trí tuệ sâu sắc, có một sự thúc giục mạnh mẽ khiến ra đi, truyền bá những lời dạy của Ðức Phật ở các lãnh thổ xa xôi. Do vậy, Ngài cổi bỏ y phục của người cư sĩ và mặc vào áo tràng của nhà sư Phật Giáo. Ngài đã có hành thiền và đã trau giồi và thành đạt tâm vắng lặng. Ðức Bodhidharma rời quê nhà, vượt trùng dương và những vùng đất rộng, đến Trung Quốc. Ngài để lại cho đàn hậu tấn nhiều sách vở và nhiều lời dạy.

Nguồn Gốc Của Danh Từ Zen

Trong Phật Giáo có một danh từ rất quan trọng liên quan đến pháp hành thiền (bhàvanà). Ðó là danh từ Jhàna trong tiếng Pali, dhyàna trong Sanskrit. Bỏ âm sau cùng, "a", còn lại jhan, được phiên âm sang tiếng Trung Hoa là chan. Chí đến nay người Trung Hoa dùng danh từ chan để nói thiền samàdhi, định. Nhân vật đầu tiên đem chan từ Trung Quốc sang Nhật Bổn là Dosho. Khi pháp hành chan du nhập vào Nhật Bản, vào thế kỷ thứ mười hai, thì danh từ chan trở thành zen trong tiếng Nhật.

Jhàna có nghĩa là tâm an trụ trọn vẹn và thâm sâu vào đề mục, hay tâm định vững chắc dẫn đến minh sát (vipassana). Chính tâm an trụ hay định thấy sự vật như thật sự sự vật là vậy, trong bối cảnh thích nghi.

Như vậy, lẽ dĩ nhiên Zen là thiền -- trực tiếp nhìn ngay vào bản chất của chính mình, hay ngộ (Satori trong tiếng Nhật, Wu trong tiếng Trung Hoa). Pháp hành Zen bắt đầu với nguyện vọng thành đạt giác ngộ. ở Nhật, thiền Zen rất sống động và rõ ràng là một phần của cuộc sống hằng ngày. Phật Giáo Zen đã trở thành phổ cập ở Tây Phương và người Phương Tây rất ham mộ sùng kính. Pháp hành thiền của Phật Giáo là một lối thực hành của thời đại chúng ta, khi mà con người mãi lúng túng rối ren với những cảm giác bất an toàn mạnh mẽ trong xã hội vật chất hiện đại.

Mặc dầu Zen không phải là một hệ thống căn cứ trên luận lý và phân tách, có thể có một yếu tố trí thức trong Zen. Zen xác nhận sự chứng nghiệm thực tại một cách trực tiếp. Ðây không phải là tiêu cực suông hay chỉ là "không không" suông dẫn đến cái gọi là tâm "rỗng không".

Một lần nọ Wu, vị Hoàng Ðế đầu tiên của triều nhà Liang (trị vì từ năm 502 đến 549) hỏi Ngài Bodhidharma, Tổ Thứ Nhất của phái Zen ở Trung Quốc, về mục tiêu cùng tột và thánh thiện cao cả nhất của Phật Giáo. Vị hiền triết được tường thuật là đã trả lời: "Sự rỗng không mênh mông và không có chi là thánh thiện cao cả trong đó." Cái không (sùnyatà) là một giáo lý thâm sâu của Ðức Phật, và giáo huấn sùnyatà, hư không hay rỗng không, của Ngài Nàgarjuna (Long Thọ) căn cứ trên giáo lý Theravàda (Nguyên Thủy). Ðây là lời của Ðức Phật (Sutta Nipàta 1119, kinh Mogharàja Sutta. XChương 8)

"Này Mogharàja, hãy luôn luôn giữ chánh niệm,
Hãy nhìn thế gian là rỗng không (sunna).

Thỉnh thoảng Zen có thể hình như quá bí ẩn, quá huyền diệu để có thể hiểu, và đầy mâu thuẩn, nhưng nghĩ cho cùng, đây là một giáo lý và một kỷ cương đơn giản. Zen nhằm đến mục tiêu tự mình giác ngộ và giúp cho kẻ khác cũng giác ngộ như mình.

Trong Zen có những lời "cầu nguyện" nhưng đó là nói lên những nguyện vọng của mình (patthanà hay pràrthanà):

1. Dầu chúng sanh vô số kể, tôi cầu xin cho tất cả đều được cứu độ.
2. Dầu khát vọng vô cùng tận, tôi cầu xin cho tất cả đều tận diệt.
3. Dầu Giáo Pháp vô lượng, tôi cầu xin học được tất cả.
4. Dầu Phật Ðạo tối thượng tối cao, tôi cầu xin có ngày thành tựu.

Vài Danh Từ Phật Giáo Zen

i. Ngồi tréo chân trong thế "định", tiếng Nhật là zazen. Trung Hoa là tso-chan theo đúng nghĩa từ chữ là "ngồi dhyàna" hay "ngồi Zen".

ii. Ngộ (satori, tiếng Nhật, và wu là tiếng Trung Hoa), không phải là đắc thiền, trong trạng thái không hay biết gì cả, cũng không phải một trạng thái tâm lạ thường.

iii. Koan là một loại vấn đề mà vị thiền sư đặt ra để thiền sinh giải quyết.

iv. Kyosaku là đập với một thiền trượng để giúp Zen (thiền) được chứng nghiệm thâm sâu hơn.

v. Zendo, thiền đường.

Ðại hạnh, pàramità (pàrami, Ba la mật) của Bồ Tát hay của người học Zen là: Dàna, sìla, kshànti, dhyàna, prajnà -- Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Trong Phật Giáo Theravàda có mười Ba la mật, paramitàs (xem Chương 1)

Những vị quan tâm đến Phật Giáo Zen có thể đọc :

- The Essentials of Zen Buddhism -- An Anthology of the Writings of Daisetz T. Suzuki, do Bernard Phillips biên sọan;

- Zen Buddhism and Psychoanalysis, do tác giả D.T. Suzuki, Erich Fromm và Richard De Martino;

- Zen Flesh, Zen Bones, do Paul Reps biên soạn (a Pelican Book).


Giấc Mơ Lạc Quan Của Một Con Ong

[*]

"Ðêm sẽ qua, bình minh tươi đẹp sẽ đến,
Vầng thái dương sẽ ló dạng, hoa sen sẽ nở nụ cười."
Kẹt bên trong đóa hoa sen, ong suy nghĩ như vậy.
Rồi đùng! đùng! Một thớt voi bẻ nát cọng sen!

Trời đã về chiều, mặt trời từ từ lặn ở hướng Tây. Ðàn chim bay lả bay la về ổ, trong khi ấy thú rừng bắt đầu thả rong đi tìm mồi. Giờ đây có một con ong -- ong bé nhỏ bận rộn -- đang vo vo quanh quẩn bay tìm chút ít mật ăn đỡ dạ. Rồi ong thấy một ao hồ đầy hoa sen đang tung nở, và lòng hoan hỷ thỏa thích, ong đáp hạ xuống trên một đài hoa mềm mại và làm tiệc với những giọt mật ẩn kín trong nhụy sen. Ong không làm tổn hại sắc đẹp của hoa, chỉ hút vài giọt mật. Nhưng than ôi, trong khi mặt trời lặn thì những tai hoa mịn màng như tơ lụa cũng từ từ khép lại, gài kẹt người khách bụng đói bên trong. Nhưng ong không tuyệt vọng. Dưới đây là những ý nghĩ thoáng qua trong tâm của con vật bé nhỏ nằm kẹt trong ngục tù hoa sen với đầy những thức ăn ngon miệng.

"Ðêm sẽ qua, nhường chỗ cho bình minh tươi đẹp; mặt trời sẽ mọc, và hoa sen sẽ nở tung, rồi ta sẽ sớm sủa rời bỏ cái ngục tù này, bay về với đồng bọn."

Nhưng bất hạnh thay! Ðiều bất ngờ xảy diễn. Thớt tượng oai vệ, chúa tể của rừng núi, dỏng dạc bước dài theo con đường xuống ao hồ. Voi uống nước no bụng rồi rải tung nước mát, tưới lên hai bên hông to lớn của mình, và vừa lúc ấy cảm nhận mùi thơm ngọt ngào của hoa sen tươi tốt -- chính cái bông mà ong đang bị mắc kẹt trong đó.

Trong bỗng chốc voi hùng dũng bỏ vòi quấn ngang cọng sen và răng rắc nghiền ngấu -- lá, hoa,và ong, biến dạng trong cái bụng khổng lồ! Và con ong bé nhỏ, trái với niềm hy vọng lạc quan, đi vào cõi chết.

Ðời sống là vậy! Một giây lát ở đây, rồi vĩnh viễn mất dạng. Ai có thể đoan chắc rằng ta sẽ thấy ngày mai? Tất cả đều trôi qua: cành hoa tươi xinh đẹp, giọng chim du dương lảnh lót, và tiếng ong đều đặn bay vo vo.

Mọi kết hợp đều chấm dứt trong chia ly, mọi cuộc sống đều đi dần đến cái chết. Và trong vũ trụ bí ẩn này, chúng ta sống, chúng ta thương yêu nhau và vui cười với nhau, bởi vì "khi đời sống chảy trôi suôn sẻ như một bài ca thì không khó gì tỏ ra dễ mến." Nhưng "khi sầu muộn đến, nó không đến đơn độc, mà từng đoàn, từng cả đạo binh" (Shakespeare trong Hamlet), và toàn thể thế gian là hình ảnh của đau khổ.

Tuy vậy, người nhìn đời sống với cặp mắt buông xả sẽ thấy sự vật đúng trong bối cảnh của nó. Người mà sự tu tập rèn luyện cho mình một tâm tánh trầm tĩnh và không giao động xuyên qua mọi thăng trầm của cuộc sống, người có thể mỉm cười khi mọi việc đều sai quấy -- người ấy, quả thật vậy, là con người có giá trị.

Kiêng cữ những chất say và luôn luôn tỉnh giác, vững chắc củng cố trong hạnh nhẫn nhục và đức tính trong sạch, người sáng suốt tự rèn luyện tâm. Và chỉ có cách tu tập như vậy mới thành tựu được tâm vắng lặng.

Một ít hiểu biết nào về hoạt động của nghiệp (kamma), và quả trổ sanh (kamma vipàka) như thế nào, rất cần thiết cho người thật sự có khuynh hướng trau giồi tâm xả. Dưới ánh sáng của định luật nghiệp báo ta sẽ có thể chấp thuận thái độ buông bỏ đối với tất cả chúng sanh, chí đến những vật vô tri vô giác. Nguyên nhân kế cận nhất của tâm buông xả là hiểu biết rằng tất cả chúng sanh là kết quả của hành động, kamma, của họ. Thế gian mà chúng ta đang tạm trú trong đó cũng tựa hồ như một đóa hoa sen rộng lớn, và tất cả chúng ta -- đàn ông và đàn bà -- đang cố gắng tranh đấu hút mật. Chúng ta tự tạo những giấc mơ, những niềm hy vọng, và chúng ta dự trù những kế hoạch cho ngày mai. Nhưng rồi một ngày nào, có thể là bỗng nhiên và bất ngờ, giờ phút không thể tránh mà Tử Thần, thớt tượng, Maccu Màra, phải đến, và xé tan, nghiền nát đời sống của chúng ta, và những niềm hy vọng của chúng ta trở thành hư không. "Gương mặt của đời sống chỉ là cái mặt nạ để che lấp, giấu sự chết ở phía sau. Hãy lắng nghe nhà thơ:

'Hãy học tập, học thật kỹ, thế gian là một giấc mơ và những hình trạng tạm bợ của nó chỉ là bụi bặm của những giấc mơ;
Thân này mà ta ấp ủ với nước hoa, còn phù du hơn là tai hoa đang héo tàn.
Tất cả những sở hữu của ta là xiềng xích trói buộc ta càng chặt chẽ hơn tình trạng nghèo nàn;
Tiền của, tài sản, tuổi thanh xuân và dục vọng, lôi cuốn ta như một đoàn xe, vào sa mạc tử vong của chúng.'"

Lịch sử đã chứng tỏ và lặp đi lặp lại, và sẽ còn chứng tỏ rằng trên thế gian này không có chi tồn tại lâu dài. Những quốc gia và những nền văn minh khởi lên, hưng thạnh, và suy tàn, không khác nào các lượn sóng trên biển cả, nhô lên rồi lụn tàn, nhường chỗ cho lượn mới, và cứ thế, thời gian cuốn tròn, giữ lại hồ sơ của tấn tuồng đời, ảo ảnh vô căn cứ và sự trôi chảy đang phai mờ, lịch sử của nhân loại.

Do đó lời của nhà hiền triết thời xưa:

"Tám ngọn núi to lớn và bảy biển cả,
Mặt trời, những vị trời ngồi đó để thống trị những vật ấy,
Bạn, tôi, vũ trụ, đều phải diệt vong.
Thời gian chiến thắng tất cả.
Tại sao còn say mê vở tuồng của Ma Vương?


[*] Câu chuyện này dựa trên một bản dịch của câu thứ tám, và cũng là câu cuối cùng, của bài Bramaràstaka, do thi sĩ người Ấn, Samkaràcàrya, sáng tác bằng chữ Sanskrit. Thi sĩ được xem là người đồng thời với nhà thơ trứ danh nhất của xứ Ấn Ðộ, Kàlidàsa.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01.a | 01.b | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
 10.a | 10.b | 10.c | 11 | 12.a | 12.b | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18.a | 18.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-10-2002