BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện
"The Spectrum of Buddhism"

Hòa thượng Piyadassi
Phạm Kim Khánh dịch

Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, xuất bản, 1995.


-7-

THUYẾT TÁI SANH TRONG PHẬT GIÁO

(Những Câu Chuyện Tái Sanh Ly Kỳ và Trẻ Con Thần Ðồng) [1]

Ðã có chăng đời sống trước khi được sanh ra? Sẽ có chăng đời sống sau khi chết? Ðây là những vấn đề mà ta phải đề cập đến một cách nghiêm chỉnh và vô tư. Những vấn đề có tầm triết lý quan trọng như thế ấy phải được mỗi người suy tư khách quan khảo sát, không để cho thành kiến hay tin tưởng riêng tư của mình ảnh hưởng. Không nên vội vã chấp nhận hay bác bỏ điều gì khi chỉ nhìn thấy bề mặt. Phải xem xét tỉ mỉ, quán trạch tận tường, trước khi đi đến kết luận. Có nhiều hiện tượng tâm lý lạ lùng xảy diễn ngay trước mắt ta mà nhà khoa học không ở trong vị trí có thể thông hiểu hay giải thích. Dầu sao, các nhà khoa học không vội vã phủ nhận điều mà họ không thể giải thích. Trong luồng trôi chảy của tâm và cơ thể con người còn nhiều kỳ diệu để cho các khoa học gia bận tâm khảo sát trong nhiều năm.

Quan Ðiểm

Có chăng một Thần Linh Tạo Hóa? Linh hồn có thật sự hiện hữu không? Có chăng một kiếp sống quá khứ và đời sống sau khi chết? Ðiều gì xảy đến con người khi họ lìa đời, rời nơi cư ngụ tạm thời này? Kiếp sống vị lai sẽ xảy diễn ở nơi nào và bản chất của nó ra sao? Ðây cũng vậy, là vài vấn đề trong những vấn đề đã gây khó khăn và rối loạn cho người suy tư, sáng suốt, xuyên qua các thời đại.

Trước khi cố gắng trình bày lời giải đáp của người Phật tử cho câu hỏi: "Có chăng đời sống sau khi chết?" một giáo lý vô cùng quan trọng và rất căn bản trong Phật Giáo phải được sáng tỏ, bởi vì nếu không thấu triệt tận tường giáo lý này thì quan điểm của Phật Giáo về đời sống sau khi chết ắt vô ý nghĩa. Toàn thể giáo huấn của Ðức Phật tuyệt đối không ý niệm một Thần Linh Tạo Hóa vĩnh cửu, ban thưởng và hình phạt những việc làm tốt hay xấu của chúng sanh, và một tự ngã trường tồn hay một bản ngã xem như một thực thể bất diệt. Không chấp nhận hai điểm ấy -- ý niệm về Thần Linh Tạo Hóa và một bản ngã trường tồn bất biến -- là hai điểm đặc thù của Phật Giáo, Nam Tông hay Bắc Tông.

Có chăng một đời sống sau khi chết? không phải là câu hỏi được nêu lên ngày hôm nay hay hôm qua. Những tôn giáo, cổ xưa và hiện đại, những hệ thống triết học -- ngoại trừ thuyết duy vật, vốn chủ trương rằng con người là không có gì và khi chết sẽ tuyệt diệt -- đều có đề cập đến vấn đề tối quan trọng này dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Phật Giáo chủ trương có một chuỗi dài những kiếp sống, đời sống lặp đi lặp lại, hay để dùng một danh từ thường được dùng trong Phật Giáo, vòng luân hồi (samsàra). Ðây không phải giáo thuyết cho rằng sau kiếp sống này nhất định chỉ còn một kiếp nữa.

Một cách hợp lý, có thể có bốn quan điểm khác nhau trong vấn đề tái sanh, tức sau kiếp sống này vẫn còn sự sống. Chúng ta có thể nói: i. rằng sau khi chết chúng ta sẽ còn sống sót dưới hình thức "đầu thai" vào một cảnh vô hình, tức thuyết cho rằng sau khi chết chỉ còn một kiếp sống; ii. rằng chết là tuyệt diệt, tức thuyết duy vật, phủ nhận mọi sự sống sau khi chết; iii. rằng không thể tìm ra một giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi này, hoặc không có giải đáp thỏa đáng, tức thuyết hoài nghi hoặc chỉ tin những gì giác quan có thể thực nghiệm; iv. rằng ta có thể trở lại trong nhiều kiếp sống kế tiếp trên thế gian hay trong những cảnh giới khác, tức thuyết tái sanh. Kinh điển Phật Giáo ghi nhận nhiều giả thuyết khác nhau của mỗi quan điểm này.

Người theo chủ nghĩa duy vật ở mọi thời đại tin rằng không có chi hiện hữu ngoài vật chất. Theo sự tin tưởng như vậy, họ không quan tâm đến vấn đề có đời sống trước khi sanh, và sau khi chết vẫn có đời sống. Ðối với họ, chí đến cái tâm cũng là sản phẩm của vật chất, và sau khi cơ thể vật chất này tan rã "cá tính con người" cũng chấm dứt.

Thuyết tái sanh trong Phật Giáo, hay sự trở-thành-trở-lại (punabbhava), bắt nguồn từ sự Giác Ngộ của Ðức Phật, không phải từ một truyền thống tín ngưỡng nào của dân tộc Ấn Ðộ. Như đã được ghi trong kinh điển Phật Giáo (Mahà-saccaka Sutta, Majjhima Nikàya, Trung A Hàm), chính trong đêm Thành Ðạo Ðức Phật thành đạt khả năng thông suốt các tiền kiếp của Ngài. Khi tâm hoàn toàn lắng động, sáng tỏ, trong sạch và không còn mảy may khuyết điểm, đã tẩy sạch mọi ô nhiễm, nhu thuận và thuần thục, kiên cố vững chắc và không thể bị khuấy động, Ngài chứng đắc Túc Mạng Minh, biết rõ các tiền kiếp của mình.

Ngài dùng thiên nhãn thông (dibbacakkhu) có thể trông thấy, ngoài những sự vật khác, những chúng sanh sống trở lại trong nhiều cảnh giới khác nhau, mỗi người tùy theo nghiệp, hay hành động của mình.

Chúng ta có thể nhận xét một cách lý thú rằng những khảo cứu trong ngành siêu tâm lý học hiện đại đã chấp nhận cái được gọi là thần thông, hay những hiện tượng siêu thường. Trong ngành tâm lý học thực nghiệm, càng ngày người ta càng chú tâm nhiều đến những gì tri giác cảm nhận ngoài giác quan, và thành quả thâu gặt hình như đã vượt ra ngoài mọi hiểu biết thông thường.

Những trường hợp trẻ con hồi nhớ tiền kiếp đã được đem ra ánh sáng, không phải chỉ trong các nước Á Châu như Miến Ðiện hay Ấn Ðộ, Tích Lan và các quốc gia Phương Ðông, mà trong những quốc gia Tây Phương cũng vậy. Bác Sĩ Ian Stevenson, M.D. Ðại Học Virginia, Hoa Kỳ, đã trình bày các thành quả của những cuộc khảo sát và nghiên cứu của ông trong nhiều quyển sách, hai trong những quyển ấy là: Twenty Cases Suggestive of Reincarnation và Sri Lanka Cases of Reincarnation Type.

Hai quyển sách khác cũng đáng được chú tâm đến là: Reincarnation -- An East-West Anthology và Reincarnation in World Thought -- A Living Study of Reincarnation in all Ages, do Joseph Head và S.L. Cranton chọn lọc từ những tôn giáo, triết học, khoa học, và những đại tư tưởng gia cổ kim trên thế giới, sưu tập và biên soạn. Sách do nhà xuất bản Julian Press, Inc., New York ấn hành vào những năm 1961 và 1967.

Các triết gia thời cổ Hy Lạp như Empedocles và Pythagoras đã từng dạy về thuyết tái sanh và triết học của Plato, dành một phần quan trọng thừa nhận thuyết này.

Trường Hợp Hiển Nhiên Về Ðời Sống Sau Khi Chết

Các khám phá của ngành tâm lý học trong những ngày gần đây chứng minh rằng dưới sức thôi miên mạnh mẽ thâm sâu, một người đứng tuổi có thể sống trở lại những ngày thơ ấu của mình, và kinh nghiệm những gì đã được chôn vùi sâu ẩn trong tiềm thức. Những kỷ niệm của thời sơ sinh, và trong vài trường hợp, của thời kỳ trước khi sanh, được khơi dậy và phơi bày bề mặt bằng cách này. Ðôi khi người bị thôi miên có thể hồi nhớ những kinh nghiệm trong thời thơ ấu nhất, và trong vài trường hợp, kinh nghiệm của những kiếp sống quá khứ. Những sự kiện này đã được kiểm nhận. Rồi có trường hợp những trẻ em không bị thôi miên, hồn nhiên hồi nhớ tiền kiếp của mình. Trong quyển sách của ông đề tựa The Evidence of Survival from Claimed Memories of Former Incarnations Bác Sĩ Stevenson có đề cập đến nhiều trường hợp hồn nhiên hồi nhớ các tiền kiếp. Ông tường thuật với nhiều chi tiết những trường hợp đã xảy diễn tại những quốc gia khác nhau như Cuba, Ấn Ðộ, Pháp và Sicily. Trong phần II của quyển sách ông phân tách tỉ mỉ tánh cách xác thực của những trường hợp trên, nhằm khảo sát xem có thể chăng có những giải thích sự hồi nhớ tiền kiếp như bằng cách giả mạo, hồi nhớ nguồn gốc chủng tộc, siêu tiềm thức, khả năng nhận thức quá khứ và tương lai.

Những công trình khảo cứu trong lãnh vực tâm linh học cũng cho thấy trường hợp hiển nhiên chứng minh có sự sống sau khi chết. Phật Giáo chủ trương rằng ta có thể tái sanh vào một cảnh giới vô hình, tùy theo nghiệp -- hay những hành động bằng thân, khẩu, ý -- đã tạo. Giờ đây, niềm tin rằng phần tâm linh sẽ tiếp tục diễn tiến sau khi chết sẽ đúng thực đến mức độ nào? Ðiều ấy có thể kiểm chứng không? Vài người có thể hỏi làm sao ta biết được rằng sẽ còn sự sống sau khi chết? Ai là người đã trở lại từ cõi chết để nói cho ta biết cảnh giới kế liền sau khi chết là thế nào? Những người ấy hẳn không hay biết gì đến những khảo nghiệm có tánh cách khoa học mà những tổ chức như hội London Psychical Research Society, được thành lập từ năm 1882 do một nhóm khoa học gia của Ðại Học Cambridge, đã thực hiện và xác nhận rằng hiển nhiên có tái sanh.

Ðịnh Luật Vô Thường Nghiêm Khắc

"Ðầu thai", reincarnation, một danh từ quen thuộc hơn đối với người Tây Phương, có nghĩa là phần tâm linh, được xem như một thực thể tinh thần đơn thuần, sống trở lại trong một thể xác (incarnation) khác. "Chuyển sinh linh hồn", transmigration, là có một "linh hồn" trường cửu và trường tồn bất biến, di chuyển từ một cơ thể vật chất sang một cơ thể khác. Cả hai danh từ -- đầu thai và chuyển sinh linh hồn -- đều không thích nghi để diễn đạt khái niệm của người Phật tử. Ðối với Phật Giáo, không hề có một thực thể tinh thần không biến đổi, không có một "tự ngã" hay một "linh hồn" trường tồn bất biến. Các nhà viết sách Phật Giáo thường dùng danh từ "tái sanh", rebirth. Ðây là danh từ gần nhất và ít bị chống đối nhất, nhưng cũng chưa phải là hoàn toàn thỏa đáng. Tuy nhiên, các nhà viết sách Phật Giáo không dùng danh từ tái sanh trong ý nghĩa có một cái gì nguyên vẹn, thường còn, nhập trở lại vào một thể xác mới. Danh từ Pali dùng trong kinh điển Phật Giáo là punabbhava, nghĩa là sự trở thành đổi mới, hay tiếp tục sống trở lại trong một kiếp mới.

Ðể thấu hiểu thuyết tái sanh hay chủ thuyết cho rằng sau khi chết vẫn còn có sự sống, cần phải khảo sát một vài định luật hay nguyên tắc. Ðịnh luật hay nguyên tắc căn bản đầu tiên cần phải được khảo sát để lãnh hội thuyết tái sanh là định luật vô thường (anicca), quy định rằng trên thế gian này không có chi thường còn hay tịnh, không biến chuyển. Nói cách khác, định luật phổ cập và không ngừng nghỉ này chi phối tất cả. Thấy một dòng sông ta có thể nghĩ rằng nó là như vậy, nhưng không có giọt nước nào, bất luận lúc nào, đứng nguyên một chỗ y như trong khoảnh khắc trước đó. Chí đến người nhìn nó cũng không còn y hệt là một, trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Chúng ta đang sống trong một thế gian luôn luôn biến đổi, trong khi ấy chính chúng ta cũng không ngừng chuyển biến. Ðó là định luật nghiêm khắc. Ðức Phật rành mạch chỉ dạy: "Tất cả các pháp hữu lậu, hữu tri hữu giác hay vô giác vô tri, đều là vô thường (sabbe sankhàrà aniccà)."

Một điểm quan trọng của định luật vô thường ấy là, mặc dầu tất cả mọi sự vật đều phải đổi thay, nhưng không có chi hoàn toàn tan mất hay tiêu diệt. Chỉ đổi thay hình thức. Như vật ở thể rắn có thể đổi thành thể lỏng, và vật ở thể lỏng đổi thành hơi, nhưng không bao giờ có chi hoàn toàn tan biến. Vật chất là sự biểu hiện của năng lực và như vậy, không thể bị mất tan hay tiêu diệt, đúng theo nguyên lý của khoa học, cũng được gọi là định luật bảo tồn năng lượng.

Một điểm quan trọng khác của định luật vô thường là không có một lằn ranh rõ rệt phân chia hoàn cảnh hay trạng thái này với hoàn cảnh hay trạng thái kế tiếp đó. Cái này hòa lẫn vào cái kế. Thử nhìn các lượn sóng nhô lên rồi tan biến trên biển cả. Mỗi lượn nhô lên thì tràn xuống để giúp cho lượn kế nổi lên, rồi lượn này cũng vậy, nhô lên và tràn xuống, giúp cho lượn kế nữa nổi lên, mỗi lượn lẫn hòa vào lượn kế. Không có một lằn ranh giới giữa lượn sóng này với lượn kế. Tất cả những tình trạng đổi thay trên thế gian cũng dường thế ấy. Vô thường biến đổi là một tiến trình liên tục xảy diễn, một luồng biến chuyển hay một sự chảy trôi -- một ý niệm hoàn toàn hòa hợp với tư tưởng khoa học hiện đại.

Hai định luật hay quy tắc căn bản khác phải được khảo sát để thấu hiểu thuyết tái sanh là định luật trở thành và định luật liên tục. Trong khi luật vô thường nói rằng không có chi là thường còn mà luôn luôn biến đổi thì định luật trở thành nói rằng tất cả mọi sự vật, trong mỗi khoảnh khắc, đều ở trong tiến trình đang trở thành một cái gì khác. Như vậy, luật trở thành là hệ luận hay sự nối tiếp tự nhiên của luật vô thường. Không có bất luận vật nào, trong một điểm thời gian nào, mà không ở trong tiến trình đang trở thành một cái gì khác. Không ngừng trở thành là đặc điểm căn bản dính liền với tất cả mọi biến chuyển.

Ðịnh luật liên tục tùy thuộc vào định luật trở thành. Trở thành dẫn đến liên tục và như vậy, định luật liên tục là hệ luận, một nối tiếp tự nhiên của định luật trở thành. Bởi vì có sự liên tục không gián đoạn nên ta không thấy rõ một lằn ranh phân chia tình trạng hay trạng thái này với tình trạng hay trạng thái kế đó.

Luật hành động và phản ứng của hành động là một định luật hay quy tắc căn bản khác phải được khảo sát để thấu hiểu thuyết tái sanh. Luật này quy định rằng mỗi hành động đều tạo hậu quả, hay phản ứng của hành động. Quy tắc hậu quả theo sau hành động, tức quả theo liền nhân, áp dụng trong mọi lãnh vực, dầu là nhân do thiên nhiên hay con người tạo. Ðây là một định luật phổ thông, áp dụng cho tất cả mọi sự vật trong thế gian, vật chất cũng như tinh thần. Ðịnh luật này cũng được gọi là nhân quả. Khi luật nhân quả liên hệ đến những hành động của con người thì được gọi là luật nghiệp báo (kamma), và nơi đây chúng ta đề cập đến nghiệp báo trong ý nghĩa này.

Nếu sanh là khởi điểm và chết là mức cùng tột của đời sống thì chúng ta không cần phải bận tâm lo âu hay tìm hiểu vấn đề đau khổ hay bất toại nguyện. Một trật tự tinh thần trong vũ trụ, thực tại của những gì đúng hay sai, chánh hay tà, sẽ không có ý nghĩa gì đối với ta. Hưởng thụ những gì vui sướng và cố tránh những phiền lụy bằng mọi cách, hình như là điều nên làm trong cuộc sống ngắn ngủi này. Tuy nhiên, quan niệm như vậy không giải thích vấn đề bất bình đẳng trong nhân loại và nói chung, con người ý thức rằng phải có nguyên nhân đạo đức tạo nên những hoàn cảnh bất đồng, những chênh lệch giữa người và người, do đó có nhu cầu tìm hiểu nguyên nhân của điều bất hạnh này.

Ðịnh Luật Nghiệp Báo

Giáo lý nghiệp báo (kamma) trong Phật Giáo nên được phân biệt với những giáo lý về nghiệp mà các tư tưởng gia không phải Phật Giáo đã truyền dạy trước, trong khi, và chí đến sau thời Ðức Phật. Kamma, nghiệp báo, là định luật theo đó nguyên nhân đạo đức uốn nắn vận mạng chúng sanh và đưa đến tái sanh.

Danh từ "kamma" trong tiếng Pali (Nam Phạn), tức ngôn ngữ mà Ðức Phật dùng, và chữ "karma" trong Sanskrit (Bắc Phạn), theo ngữ nguyên, có nghĩa "hành động", hay "việc làm". Tuy nhiên, không phải tất cả hành động đều được xem là kamma (nghiệp). Tóc mọc, móng tay ra dài và sự tiêu hóa vật thực chẳng hạn, đều là những loại tác động nhưng không phải kamma (nghiệp). Những phản ứng tự nhiên, không có tác ý hay ý muốn làm, cũng không phải kamma mà chỉ là những sinh hoạt không có ý nghĩa đạo đức.

Là một danh từ kỹ thuật, chữ "kamma" được dùng trong kinh điển nguyên thủy để chỉ những hành động có tác ý (sankàrà, hành). Những hành động này có thể là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala), hoặc không thiện không bất thiện (avyàkata, trung lập, không có tánh chất đạo đức) biểu lộ bằng thân (kàya-kamma, thân nghiệp), bằng lời nói (vacà-kamma, khẩu nghiệp), hoặc bằng tư tưởng (mano-kamma, ý nghiệp). Nói cách khác, nghiệp có thể được tạo do việc làm bằng thân, lời nói hay ý nghĩ. Và chính những sinh hoạt có tác ý của chúng ta được gọi là nghiệp (kamma). Như vậy, danh từ kamma (nghiệp) được dùng để chỉ những hành động có tác ý, thiện hay bất thiện, biểu lộ bằng ý nghĩ, lời nói, hay việc làm. Các hành động này sẽ quyết định phần nào những hậu quả lành hay dữ. Kamma là hành động, hậu quả của hành động được gọi là kamma-vipàka, quả. "Ðã có ý muốn, con người hành động bằng thân khẩu, hay ý, và sẽ gặt hái những hậu quả tương xứng. Tất cả chúng sanh đều có những hành động (kamma) của chính mình, cố hữu dính liền theo với mình, là tâm tánh bẩm sinh của mình, là họ hàng thân thuộc, là nương tựa của mình." [2]

Tác động vô cùng tận này của nghiệp (kamma) và quả (kamma-vipàka), tức hành động và phản ứng của hành động, nhân và quả, hột và trái, liên tục vận chuyển không gián đoạn, và trở thành diễn tiến chuyển biến mãi mãi tiếp nối của những hiện tượng tâm-vật-lý của kiếp sinh tồn.

Giờ đây ta thấy rõ rằng nghiệp (kamma) vốn là tác ý, một động lực. Ðã có ý muốn, con người hành động bằng thân, khẩu, ý, và hành động đưa đến phản ứng của hành động. Ái dục trổi dậy biểu lộ ra ngoài bằng hành động. Hành động tạo quả. Ðến lượt nó, quả đưa đến những ý muốn mới, ái dục mới. Tiến trình nhân và quả, hành động và phản ứng của hành động là một định luật thiên nhiên.

Tác động của nghiệp có đặc tánh là hoàn toàn công bình, bởi vì nghiệp là kế toán viên rất chính xác. Do đó mỗi người nhận lãnh đúng phần của mình đáng nhận, quả tương xứng với nhân.

Kamma, nghiệp báo, chính nó là một định luật mà không cần phải có một nhân vật làm ra luật; một nguyên nhân ngoại lai, một quyền lực vô hình, nhằm xử phạt những hành động tội lỗi và ban thưởng những hành động tốt không có chỗ đứng trong tư tưởng Phật Giáo. Con người luôn luôn thay đổi, hướng đến tốt hay đến xấu. Sự biến đổi ấy không thể tránh, và trọn vẹn tùy thuộc nơi tác ý của chính mình, nơi hành động của chính mình. Ðây chỉ là định luật bảo tồn năng lượng tự nhiên phổ cập trong vũ trụ, nới rộng vào lãnh vực đạo đức.

Mặc dầu thông thường chúng ta hiểu rằng theo định luật nghiệp báo thì hành động tạo nghiệp sẽ trổ sanh quả, nhưng phải nhận định rằng còn những yếu tố nhân khác cũng góp phần vào và lắm khi phối hợp chung lại để quyết định hậu quả. Một nguyên nhân riêng rẻ không thể tạo một quả, càng không thể tạo nhiều quả.

Theo Phật Giáo, sự vật không phải vô-nhân-sanh (a-hetuka, được sanh ra mà không do nguyên nhân), hoặc nhất-nhân-sanh (eka-hetuka, được sanh ra do một nguyên nhân duy nhất). Một số sự kiện tác động chung để trợ duyên hợp thành kinh nghiệm của con người. Vạn pháp do duyên sanh (paticcasamuppanna, tất cả mọi sự vật đều được sanh ra do những gì khác tạo duyên) và con người, do sự hiểu biết chính mình và thiên nhiên, có thể thấu đạt, kiểm soát và làm chủ mình.

Tương quan nghiệp báo không phải là yếu tố quyết định, hay định mạng. Nghiệp là một trong nhiều yếu tố tạo duyên (điều kiện), quyết định bản chất của quả sẽ trổ sanh, và hành động của ta trong hiện tại có thể dập tắt hay đổi thay nghiệp quá khứ. Rõ ràng giáo huấn về nghiệp được dạy trong Phật Giáo không phải là chủ thuyết tiền định hay định mạng. Có thể ghi nhận rằng Phật Giáo bác bỏ mọi hình thức định mạng: dầu là định mạng tự nhiên do thiên nhiên quyết định (sabhàvavàda), định mạng do thần linh quyết định, thiên mạng (issarakaranavàda), hay định mạng do nghiệp quyết định (pubbakammavàda), tức là tất cả đều do nghiệp quá khứ, hay do sự phối hợp nào của nghiệp quá khứ quyết định.

Theo Phật Giáo, con người như thế nào là vì được tạo duyên do định luật huyết thống (bìja-niyàma, theo định luật này thì giống nào sanh giống nấy, như hột lúa thì sanh cây lúa, hột cam thì sanh cây cam); do môi trường sinh sống và những định luật vật lý (utu-niyàma, như hiện tượng thời tiết, mưa gió v.v...); do những định luật tâm lý (citta-niyàma, như những nguyên tố cấu tạo tâm, lịch trình diễn tiến của tâm, năng lực của tâm) bao gồm di sản nghiệp báo đã tích trử (kamma-niyàma, định luật nghiệp báo); không phải một định luật nào hoặc tất cả những định luật kể trên quyết định. Con người còn có phần tự do ý chí (attakàra) hay sự nỗ lực cá nhân (purisakàra) của mình mà nhờ đó có thể biến đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh sống của chính mình (bằng cách hiểu biết nó), để đem lợi ích lại cho mình và cho kẻ khác.

Vòng Quanh Sinh Tồn

Không cần phải học rộng hiểu nhiều mới biết được thế nào hành động tạo nên phản ứng của hành động, thế nào hậu quả theo liền nguyên nhân, hột sanh ra trái, nhưng khi nói rằng năng lực hùng mạnh của nghiệp, hay những hành động có tác ý, sẽ trổ quả trong một kiếp sống vị lai, sau khi cơ thể vật chất này tan rã, thì ắt là khó hiểu thấu.

Theo Phật Giáo, không có đời sống nào sau khi chết hoặc sự sống nào trước khi sanh, mà không có liên quan đến nghiệp, tức những hành động có tác ý. Nghiệp báo và tái sanh cùng đi chung với nhau. Nghiệp báo là hệ luận hay sự tiếp nối tự nhiên của tái sanh, và ngược lại, tái sanh là hệ luận của nghiệp báo. Tuy nhiên, ở đây chúng ta phải hiểu rằng lý nghiệp báo trong Phật Giáo không phải là một chủ thuyết triết học theo đó hành động của con người không được tự do, mà quyết định bởi những động cơ được xem là những động lực ngoại lai ảnh hưởng đến ý muốn, hoặc những động cơ đã được Thần Linh hay nguyên lý nào từ bên ngoài sắp xếp trước. Không có đời sống vĩnh cửu ở cảnh trời hay ở địa ngục trong tư tưởng Phật Giáo. Sanh đến trước tử, rồi tử đến trước sanh, và như vậy sanh tử, tử sanh, liên tục tiếp nối nhau. Mặc dầu vậy, không có một tự ngã trường tồn hay một thực thể nhất định, chuyển dịch từ kiếp sống này sang kiếp khác. Dầu con người là một đơn vị tâm-vật-lý bao gồm tâm và cơ thể vật chất, phần tâm linh, hay tâm của con người không phải là một linh hồn hay bản ngã trong ý nghĩa một thực thể trường tồn vĩnh cửu, không biến đổi. Tâm là một động lực, một toàn thể động lực liên tục, có khả năng huân tập trí nhớ, không những của kiếp này mà cả những kiếp sống quá khứ.

Linh hồn trường cửu hay bản ngã mà các tôn giáo khác đề cập đến, được gọi trong kinh điển Phật Giáo là atta, hay àtma trong Sanskrit. Danh từ vô ngã, anattà, trong Pali và anàtma trong Sanskrit, được dùng để phủ nhận một linh hồn hay một bản ngã. Lý vô ngã (anattà) trong giáo lý nhà Phật, hàm ý không có một linh hồn hay bản ngã, không phủ nhận sự hiện hữu một cá nhân hay một nhân vật. Phật Giáo dạy không có một cá nhân trường cửu, không có một linh hồn hay một bản ngã không biến đổi. Theo Phật Giáo, cá nhân hay nhân vật không phải là một thực thể bất biến mà là một tiến trình sanh và diệt, một tiến trình của sự dinh dưỡng, của sự thiêu đốt, của luyến ái, mà không có chi giống như một thực thể bất động.

Trong tư tưởng Phật Giáo, không có chi phát sanh từ hư vô. Không có chi hiện hữu mà không do nhân nào tạo nên. Tất cả mọi sự vật, vô tri vô giác hoặc hữu giác hữu tri, đều phải do nhân tạo nên mới hiện hữu, vạn pháp đều do duyên sanh. Tuy nhiên, Phật Giáo không đề cập đến nguyên nhân đầu tiên. Không thể quan niệm khởi điểm của luồng sinh tồn của chúng sanh, và như Ðức Phật dạy: "Bánh Xe này của sự Sinh Tồn, chu trình này của sự liên tục (sự tuần huờn của vòng luân hồi), không có mức tận cùng mà ta có thể thấy, và khởi điểm của chúng sanh, một nguyên nhân đầu tiên, không thể biết." [3]

Khi Ðức Phật nhấn mạnh rằng cái được gọi là "chúng sanh" hay "cá nhân" không phải gì khác hơn là một phối hợp những động lực vật lý và tâm linh hay những năng lượng, một biến chuyển của sự liên tục, có phải chăng Ngài đi trước cả hai mươi lăm thế kỷ, ngành khoa học và ngành tâm lý học hiện đại?

Cơ thể tâm-vật-lý này không ngừng chuyển biến, tạo nên những tiến trình tâm-vật-lý mới trong từng khoảnh khắc và như vậy bảo tồn tiềm năng cho những tiến trình hữu cơ tương lai, không có khoảng trống giữa khoảnh khắc này với khoảnh khắc kế. Chúng ta sống và chết trong mỗi khoảnh khắc trong đời sống. Ðó chỉ là sự hợp thành và sự hoại diệt của một chúng sanh, sanh rồi diệt giống như các lượn sóng trên mặt biển.

Chuyển biến trong sự liên tục này, tiến trình tâm-vật-lý này vốn là điểm đặc thù của chúng ta trong đời sống, không chấm dứt khi ta chết mà tiếp tục không ngừng. Luồng trôi chảy tâm linh luôn luôn chuyển động này mang danh là ý chí, khát vọng, thèm muốn, hay ái dục (tanhà) và tạo thành nghiệp lực. Chính động lực hùng mạnh này, ý muốn sống này, giữ đời sống luôn luôn tiếp diễn. Theo Phật Giáo, chẳng những đời sống của con người mà đời sống của tất cả chúng sanh trong toàn thể tam giới đều do động lực dũng mãnh phi thường này lôi cuốn -- tâm này cùng với những tâm sở của nó, thiện hay bất thiện.

Như đã có thảo luận trước đây, theo lời dạy của chủ thuyết duy vật thì con người chấm dứt đời sống của mình sau khi chết. Tuy nhiên, theo Phật Giáo, động lực và tiềm năng không chấm dứt khi chết, động lực luôn luôn biến chuyển mà không bao giờ tan mất. Tiềm năng không di chuyển từ nơi này sang nơi khác mà có thể chấm dứt biểu hiện ở một nơi rồi bắt đầu biểu hiện ở một nơi khác. Bên trong con người, động lực hùng mạnh nhất là ý chí muốn sống, muốn tồn tại, muốn tiếp tục sống, muốn trở thành, trở thành thêm, và thêm nữa. Ðộng lực ấy không tan mất khi con người chết. Nó tự biểu hiện, tự đặt mình trở lại, tự cấu thành trong những điều kiện mới, điều hòa thích hợp với nó. Chính sự biểu hiện và tự đặt mình trở lại của luồng sống trong những điều kiện mới mẻ ấy được gọi là tái sanh, trở- thành-trở-lại, hay kiếp sống mới.

Tiến trình nghiệp (kammabhava) là năng lượng phát xuất từ kiếp sống hiện tiền, tạo điều kiện cho kiếp sống vị lai, trong một sự nối tiếp vô cùng tận. Trong tiến trình này không có cái chi diệt ở đây và sanh ở kia, không phải là cùng một người, mà cũng không phải là hai người hoàn toàn khác biệt (na ca so na ca anno). Việc có thể xảy diễn một cách hợp lý để chứng tỏ rằng có thể nhận ra một người mà không cần người ấy phải có một linh hồn trường cửu, được Giáo Sư A.J. Ayer của Ðại Học Oxford, một Phân Tích Gia Luận Lý Học nói như sau:

"Tôi nghĩ rằng, một cách hợp lý, rõ ràng có thể chấp nhận trường hợp đầu thai như sự kiện có thể có bằng cách chỉ đặt ra quy tắc rằng nếu một người được nhận diện về mặt vật chất như đang sống ở thời kỳ sau này, có những kỷ niệm và tâm tánh của một người được nhận diện đã có sống ở một thời trước, thì hai người có thể được xem là một, không phải hai." [4]

Luồng Trôi Chảy Của Tâm

Có chập tâm cuối cùng (cuti citta hay cuti vinnàna) của kiếp sống tức khắc trước đó; lập tức sau khi chập tâm này chấm dứt, nhưng trong khi chấm dứt, tạo duyên (điều kiện) cho chập tâm đầu tiên của kiếp sống hiện tại phát sanh, được gọi là thức-nối-liền, hay thức-tái-sanh (patisandhi vinnàna). Cùng thế ấy, chập tư tưởng cuối cùng của kiếp sống này tạo duyên cho chập tư tưởng đầu tiên trong kiếp kế nữa. Như vậy, chập tâm phát sanh và hoại diệt, nhường chỗ cho chập mới. Và luồng tâm cứ thế mãi mãi chảy trôi cho đến khi cuộc sinh tồn chấm dứt. Cuộc sinh tồn, nói theo một cách, là luồng tâm -- tức ý muốn sống, ý muốn tiếp tục sống.

Theo sinh vật học hiện đại, đời sống của một người bắt đầu từ giây phút kỳ diệu khi tinh trùng của người cha lẫn chen vào kết hợp với tế bào trứng, hay minh châu, trong bụng mẹ. Ðó là khoảnh khắc có sự sanh. Khoa học chỉ đề cập đến hai yếu tố vật lý chung ấy. Tuy nhiên, Phật Giáo nói đến yếu tố thứ ba, thuần túy thuộc về tâm linh.

Theo bài kinh Mahàtanhàsamkhaya Sutta, ghi lại một thời Pháp của Ðức Phật, "Do sự phối hợp của ba yếu tố, có sự thụ thai. Nếu mẹ và cha gặp nhau mà không nhằm đúng thời kỳ của mẹ và một chúng sanh sắp ra đời (gandhabba), thì hột giống không đậu. Khi cha mẹ gặp nhau vào đúng thời kỳ của mẹ mà không có sự hiện hữu của một gandhabba hay chúng sanh sắp được sanh, cũng không có thụ thai. Khi mẹ và cha gặp nhau vào đúng thời kỳ của mẹ và có sự hiện hữu của một chúng sanh sắp được sanh (gandhabba), ắt có mầm giống của đời sống." [5]

Yếu tố thứ ba, gandhabba, là một danh từ để chỉ thức-tái-sanh (patisandhi vinnàna). Ta có thể gọi đó là tiềm năng phát xuất từ người chết. Nhưng thức-tái-sanh này không phải là một bản ngã vĩnh cửu bất biến hay một thực thể tự kỷ để kinh nghiệm hậu quả của những hành động thiện hay bất thiện. Thức này cũng do những điều kiện (duyên) tạo nên. Nếu không có duyên ắt không có thức phát sanh.

Ái dục bám níu vào kiếp sinh tồn này, ý muốn sống này, mù mờ phảng phất, rộng lớn bao phủ tâm của con người, dầu ta có hay biết nó cùng không. Ái dục, cũng như bất luận tư tưởng nào khác, là biểu hiện của năng lượng, và như vậy không thể tan mất hay bị tiêu diệt. Ái dục dũng mãnh và dẻo dai này, ý chí muốn sống này, là một biểu lộ hùng mạnh và dẻo dai của năng lượng, và không thể cùng chết theo với người chết. Ái dục bám níu vào kiếp sinh tồn, làm cho người chết "sinh tồn trở lại". Ý muốn sống làm cho người chết "sống trở lại". Và chừng đó tâm của con người đeo níu, cố bám vào một kiếp sinh tồn khác.

Bởi vì ái dục luyến ái theo kiếp sinh tồn (bhavatanhà) là động cơ nổi bật nằm phía sau hầu hết tất cả những sinh hoạt của con người nên vào lúc sắp lìa đời nó càng tăng trưởng mạnh mẻ, con người càng bám níu chặt chẽ. Như lời dạy của chính Ðức Phật: Vào lúc lâm chung, ái dục nổi bật này trở thành sức bám níu hùng mạnh, ôm giữ chặt chẽ (upàdàna, thủ), lôi cuốn con người vào một kiếp sinh tồn khác. Tiến trình của chập tư tưởng cuối cùng mang theo với nó năng lực ôm giữ chặt chẽ ấy. Ðó là định luật thiên nhiên, không có chi là bí ẩn, hay chỉ bí ẩn khi chúng ta chưa thấu hiểu. Trong tình trạng khuấy động kinh hoàng, cố bám chặt chẽ vào đời sống vào mỗi giây phút trong cơn hấp hối, chúng sanh lìa đời chớp nhoáng gởi đi những nghiệp lực vào lòng bà mẹ sẵn sàng thụ thai, và kiếp sống mới bắt đầu.

Trường Hợp Sanh Ðôi

Những trẻ em song sanh, cùng có chung một huyết thống, và cùng sống trong một môi trường. Tuy vậy, các nhà tâm lý học nhận thấy rằng chúng có tâm tánh và khí chất khác nhau. Rất có thể sự khác biệt ấy là do yếu tố thứ ba -- ngoài hai yếu tố truyền thống và giới thân cận -- đó là sự "mang chuyển" theo đến kiếp này những tinh xảo và thói quen của những kiếp sống trước.

Những trẻ thần đồng, có bẩm tánh thiên tài từ thủa còn bé, làm được những chuyện phi thường mà ta không thể nói là nhờ huyết thống của cha mẹ, ông bà, hoặc nhờ môi trường sinh sống, chỉ có thể là những trường hợp đặc biệt, các em mang theo những tài năng tinh xảo ấy từ những kiếp sống trước (xem  Những câu chuyện về trẻ em thần đồng, tiếp theo).

Hãy xem trường hợp được biết nhiều về hai trẻ sanh đôi người Thái, Chang và Eng. Hai em được sanh ra cùng một cha một mẹ và cùng sống trong một môi trường. Các chuyên viên tâm lý học nghiên cứu tác phong của hai em tường trình rằng bẩm tánh của hai em hoàn toàn khác biệt. Trong khi Chang có bịnh ghiền rượu thì Eng là người chống đối thói quen dùng chất say.

Các trường hợp ấy khuyến khích tâm hồn suy tư nghĩ đến việc tìm xem có yếu tố nào khác, ngoài hai yếu tố truyền thống và giới thân cận, ảnh hưởng đến tâm tánh con người. Nghĩ rằng một cơ thể tâm-vật-lý vô cùng phức tạp như con người mà lại phát sanh chỉ do sự phối hợp của hai yếu tố hoàn toàn vật chất là minh châu và tinh trùng của mẹ và cha thì quả thật là sai lầm. Phải có một yếu tố thứ ba, yếu tố tâm linh, thêm vào mới có thể đưa đến trường hợp thụ thai. Sự phối hợp của hai yếu tố thuần túy vật lý -- tinh trùng và minh châu của cha và mẹ -- không đủ để tạo nên một chủng tử, vốn là một hổn hợp vật chất và tâm linh. Phải có một yếu tố tâm linh, phối hợp với hai yếu tố vật chất để tạo nên một cơ thể tâm-vật-lý, một bào thai, một chủng tử.

Cái Gì Ði Tái Sanh?

Chúng ta đặt ra những danh từ như sanh, chết, lộ trình tâm v.v... để chỉ luồng tâm. Nhưng đó chỉ là những chập tư tưởng. Như đã giải thích ở phần trên, ta gọi chập tư tưởng cuối cùng là chết, và chập tư tưởng đầu tiên là sanh; sanh và tử đều phát sanh trong luồng trôi chảy của tâm, vốn là một chuỗi dài những chập tư tưởng liên tục nối tiếp. Không có một thực thể ổn định, thường còn, trong con người.

Ngày nào mà con người còn bám níu vào sự sống, vì vô minh, ái dục, và luyến ái, thúc đẩy, thì cái chết không phải là điểm chấm dứt cuối cùng mà sẽ còn tiếp tục quây quần trong vòng luân hồi. Ðó là tác động vô cùng tận của nhân và quả, do nghiệp lực vận chuyển mãi mãi, và nghiệp bị bao phủ trong lớp mây mờ vô minh và dưới sức lôi cuốn của ái dục hay khát vọng. Vì nghiệp hay hành động do chính chúng ta tạo, nên cũng chính chúng ta có quyền năng phá vỡ chuỗi dài hình như vô cùng tận ấy. Bằng cách tận diệt động lực lôi cuốn, ái dục ấy, khát vọng duyên theo kiếp sinh tồn ấy, ý ham muốn sống (bhava tanhà) ấy, vòng quanh sanh tử (samràra) sẽ chấm dứt. Dập tắt vĩnh viển, tận diệt ý ham muốn sống và sống trở lại ấy bằng pháp hành thiền minh sát (vipassanà), tiếp theo thiền vắng lặng hay thiền định (samàdhi). Xuyên qua công phu hành thiền, ta thấy mức tận cùng của những kiếp sống mãi mãi lặp đi lặp lại và đó là thực tại, là Niết Bàn (Nibbàna), mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo.

Người có óc tìm tòi có thể hỏi: Nếu không có một linh hồn trường cửu hay tự ngã, hay một thực thể nguyên vẹn được gọi là "Ta", để chuyển sinh vào một kiếp sống khác thì cái gì tái sanh? Thắc mắc này ngụ ý rằng bên trong con người sẵn có "cái gì" mà vào lúc chết có khả năng du hành hay di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Lại nữa, thắc mắc này cũng ngụ ý rằng "cái gì" ấy là ổn định và không biến đổi, bởi vì nó phải tồn tại vững bền xuyên qua kiếp sống nếu sẽ còn tiếp tục sống trong kiếp tới.

Như đã nói ở phần trước, con người bao gồm một luồng tâm và một luồng cơ thể vật chất. Luồng trôi chảy thân và tâm này biến chuyển từng giây từng phút, không có bất cứ gì vững bền bất động trước định luật vô thường. Tất cả đều ở trong tình trạng chảy trôi biến dịch. Như vậy, quả thật không thể nghĩ bàn đến một cái gì vững bền và không biến đổi bên trong con người. Với luồng trôi chảy không gián đoạn, không có chi hoàn toàn giống hệt như trong giây phút trước, cũng không có chi tuyệt đối khác hẳn.

Ðiều mà chúng ta gọi là đời sống ở đây là cơ năng sinh hoạt của năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm uẩn này bao hàm trọn vẹn cá tánh của một người, hay nói cách khác, ngũ uẩn ấy là cơ năng sinh hoạt của tâm và thân, vốn chỉ là động lực và năng lượng. Trong hai khoảnh khắc kế tiếp nó không bao giờ còn giống hệt như một. Người trưởng thành không hoàn toàn đúng là người ấy khi còn thanh niên, mà cũng không tuyệt đối là khác; chỉ có sự liên hệ giữa hai người, hay chỉ có sự liên tục. Cái mà hôm qua tôi gọi là ngày mai thì hôm nay là ngày nay. Ðứa bé mà nói, "Tôi" hiện hữu, trở thành người đứng tuổi và, vẫn một cách thành thật nói, "Tôi" hiện hữu, nhưng cả hai cá nhân mà người ấy gọi là "Tôi" không phải hoàn toàn là một. Tất cả mọi sự vật hợp thành người ấy đã đổi thay, dĩ nhiên là ta không thể trông thấy rõ ràng. Trên phương diện tâm linh càng khó cho ta nhận ra hơn, và cái "Tôi" của người bốn mươi tuổi hẳn không còn là cái "Tôi" của người ấy, thí dụ như lúc hai mươi.

Ta đã giải đáp thắc mắc: Nếu không có gì chuyển sinh từ kiếp này sang kiếp khác thì người được sanh ra trong kiếp sống sau này có phải là người chết kia không? Có phải chính người chết kia hay là người nào khác?

Nói rằng đó là hai người hoàn toàn khác biệt, không có gì giống nhau, thì không hẳn là đúng. Trong lúc ấy, nếu tuyên ngôn suông rằng hai người ấy là một thì có thể dẫn đến một số quan niệm sai lầm. "Không là một, cũng không là ai khác." Lại có thể hỏi: Nếu một người chết đưa đến một người được sanh ra, tức một người được sanh ra ở đây là có một người chết ở nơi khác, thì dân số trên thế gian phải còn nguyên vẹn, không đổi thay, tại sao vẫn tăng thêm hằng năm?

Sự tái sanh có thể xảy diễn chẳng những trên thế gian này nơi mà ta có thể kiểm kê dân số, mà cũng có thể xảy ra trong những hệ thống thế gian khác đã được đề cập đến trong kinh điển Phật Giáo. Cái chết của một người không nhất thiết phải đưa đến sự tái sanh của một chúng sanh trong cảnh người. Người chết có thể tái sanh vào một cảnh giới không phải cảnh người -- tốt hơn hoặc xấu hơn, tùy theo nghiệp mà họ đã tạo, thiện hay bất thiện.

Nếu chúng sanh đã có sanh và có sống trước đây, tại sao họ không còn nhớ gì đến kiếp trước? Như đã có đề cập ở phần trên, nhớ lại tiền kiếp không phải là trường hợp không thể có, nhưng rất hiếm hoi, rất ít người có thể nhớ lại tiền kiếp của mình. Có nhiều hơn là một giải đáp cho thắc mắc này. Trí nhớ của chúng ta không phải tuyệt đối hoàn hảo mà rất giới hạn. Nào ta có nhớ được chuyện gì xảy ra khi chào đời trong kiếp sống này, mặc dầu rõ ràng ta có được sanh ra. Ta hồi nhớ, và trí nhớ ta đi ngược dòng thời gian đến một điểm nào. Diễn biến đau khổ lúc lìa đời, khoảng thời gian giữa lúc được thụ thai và lúc lọt lòng mẹ, có thể có chiều hướng làm tan biến hay xóa bỏ mọi dấu vết của cuộc sống dĩ vãng.

Cái chết tự chính nó là một động lực bôi bỏ, bởi vì mỗi tâm thức cần phải đổi chiều để bắt đầu, ít hay nhiều là một tác động tẩy sạch tất cả bộ óc vật chất mới mẻ đang bắt đầu cấu hợp. Ðiểm khác nữa là bản chất của giai đoạn sinh tồn giữa lúc sanh ra làm người và cuộc sống trước. Theo Phật Giáo, có sự sống trong những cảnh giới không phải cảnh người và trong những cảnh ấy trí não không ghi nhận rõ ràng những xúc cảm và như vậy, một chuỗi dài những kiếp sống như thế giữa hai kiếp làm người có thể xóa bỏ tất cả kỷ niệm liên hệ. Tuy nhiên, một công trình khảo sát về tác phong của trẻ con sẽ chứng tỏ rằng chúng có mang theo vào cuộc sống mới một vài ý thức mà không có trong kinh nghiệm sống hiện tại. Tài năng tinh xảo của một vài trẻ con mạnh mẽ gợi ý rằng đó là những gì các em đã nhớ lại, hơn là mới được học.

Có những trường hợp cho thấy trẻ con còn nhớ lại những tài năng của mình trong tiền kiếp. Làm sao chúng ta giải thích được những trẻ thần đồng về âm nhạc, toán học, văn chương v.v...?

Ðiểm Tận Cùng Của Cuộc Hành Trình

Con người luôn luôn cảm thấy khó tin được rằng đời sống của mình sẽ chấm dứt khi cơ thể vật chất này tan rã. Câu hỏi: Chúng ta có còn sống nữa chăng sau khi chết? bao giờ cũng nổi bật trong tâm não con người, bởi vì nó dính liền với mọi vấn đề căn bản và mục tiêu trên thế gian.

Phải chăng không có một điểm chấm dứt trong chuỗi dài những kiếp sinh tồn? Ðức Phật chỉ dạy con đường:

"Này chư tỳ khưu, vì không thấu hiểu, không thấm nhuần bốn pháp (dhamma) mà chúng ta mãi giong ruổi, thênh thang lạc lối từ lâu, thật lâu rồi, trong vòng quanh luân hồi, cả các con và Như Lai. Bốn pháp ấy là gì? Giới, định, tuệ và giải thoát. Nhưng, này chư tỳ khưu, khi bốn pháp ấy đã được thấu hiểu và thấm nhuần, thì ái dục đeo níu theo đời sống cũng được nhổ tận gốc rễ, những gì dẫn đến kiếp sống mới đã bị tận diệt, và không còn tái sanh nữa." [6]

Không giới đức ắt không có định, không định tức không tuệ. Ba pháp ấy -- giới, định, tuệ -- là giáo huấn chủ yếu mà, khi được thận trọng trau giồi đầy đủ, sẽ nâng đời sống tinh thần của con người từ thấp lên những tầng lớp cao hơn, dẫn dắt con người từ bóng tối đến ánh sáng, từ khát vọng đến buông xả, từ khuấy động đến an tĩnh, từ ràng buộc đến châu toàn -- giải thoát.

Như vậy, người mong tìm giải thoát thực hành chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng (Sìla, Giới); người ấy thực hành chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định (Samàdhi, Định) và thêm nữa, thực hành chánh kiến, chánh tư duy (Pannà, Tuệ). Ðức Phật gọi đó là Bát Thánh Ðạo (hay Bát Chánh Ðạo), hay Trung Ðạo bởi vì con đường ấy tránh xa hai cực đoan: đắm say trong dục lạc, vốn là thấp hèn, phàm tục, và dẫn đến nguy hại; và cực đoan kia là ép xác trong nhiều hình thức khổ hạnh, vốn đau khổ, vô ích và dẫn đến nguy hại.

Người mong tìm giải thoát gia công cố gắng chân chánh chọc phủng những bức màn che lấp chân lý, từng lớp một, chí đến ngày hoàn mãn thiêu đốt tận cùng tất cả những cặn bã ô nhiễm, vượt đến siêu thoát, giác ngộ. Khi người ấy chết, ái dục bám níu vào đời sống cuối cùng cũng chấm dứt. Và do đó sanh, già, bịnh, than vãn, âu sầu, khốn khổ, tuyệt vọng và chết, cũng chấm dứt; tất cả mọi đau khổ đều chấm dứt. Bánh xe của vòng luân hồi lăn chậm dần đến lúc ngưng hẳn vận chuyển; cái trục vô minh, những cây căm tham ái, và vành xe sân hận của nó tan vỡ từng mảnh và cuối cùng chỉ còn là tro bụi, và đó là Niết Bàn -- "cái không sanh, không có khởi điểm, không được tạo ra và hiện hữu mà không do gì khác tạo duyên." [7]

Lặp Ði Và Lặp Lại

Lặp đi và lặp lại, hột bắp giống được gieo trồng;
lặp đi và lặp lại, trời trút đổ cơn mưa;
Lặp đi và lặp lại, người nông dân cày sâu cuốc bẩm;
lặp đi và lặp lại, quốc gia hưng thạnh;
Lặp đi và lặp lại, người hành khất van xin;
lặp đi và lặp lại, bậc từ tâm rộng lượng cho ra;
Và bố thí, người quảng đại phát tâm, hằng bố thí,
lặp đi và lặp lại, thọ hưởng hạnh phúc nhàn lạc.
Lặp đi và lặp lại, sửa được vắt ra từ vú bò;
lặp đi và lặp lại, bò con chạy theo mẹ;
Lặp đi và lặp lại, chúng sanh mệt mỏi và run sợ;
lặp đi và lặp lại, người cuồng si vào bào thai.
Lặp đi và lặp lại, sanh đến rồi tử đến;
lặp đi và lặp lại, người ta đem bạn đến nắm mồ.
Nhưng người thấy rõ không đi nơi nào để sanh;
người ấy không tái sanh vì đã thấu hiểu con đường;
Người ấy không tái sanh nữa, vào bất cứ cảnh nào.
[8]

NHỮNG CÂU CHUYỆN TÁI SANH

Nhiều người lần đầu tiên viếng một nơi nào và tin rằng trước đây mình đã có thấy nơi này. Những người khác lần đầu tiên gặp một người và tin chắc rằng đây là gương mặt quen thuộc. Những câu chuyện tương tợ gợi ý cho ta nêu lên câu hỏi:

Trước Kia Ta Có ở Ðây Không?
Phải Chăng Ðây Là Tái Sanh?

Dầu bạn tin có tái sanh hay không tin, rất có thể một vài lần trong đời sống bạn đã gặp vài người kể cho bạn nghe câu chuyện họ viếng thăm một nơi mà truớc kia chưa bao giờ bước chân đến, nhưng họ cảm nghe rõ ràng là nơi ấy rất quen thuộc, hay có người kia mà họ mới gặp lần đầu tiên nhưng có cảm tưởng rằng đó là người mà trước kia đã có gặp rồi.

Tại sao vậy? Bạn có tin chăng rằng từ thủa xa xôi nào trong quá khứ đương sự đã có thấy cảnh kia hay người nọ trong một giấc mộng, rồi bây giờ hồi nhớ lại? Hay bạn có nghĩ chăng rằng đó chỉ là vấn đề cảnh giống cảnh, người giống người?

Bạn sẽ thấy rằng người kể chuyện cho bạn sẽ quả quyết rằng phản ứng kỳ lạ của họ khác xa những cảm xúc trong giấc mộng. Nó quá sống động, quá hiển hiện.

Như vậy thì câu giải đáp là thế nào? Trước tiên, hãy khảo sát kinh nghiệm của những người hiện đang còn sống và những người ấy quả quyết rằng không có câu giải đáp nào khác hơn là học thuyết tái sanh.

Con Ðầu Lòng Của Bà

Câu chuyện sau đây do Parry Miller tường thuật và được đăng trong báo Sunday Times of Ceylon, ngày 13 tháng 01, năm 1954.

Giờ đây tôi xin tường thuật câu chuyện của một bà mẹ và con trai của bà. Tôi hầu chuyện với bà trong căn phòng cách Hyde Park Corner không xa.

Câu chuyện bắt đầu khi bà cho tôi xem bức ảnh của một phần mộ tại Kuala Lumpur, Malaya (Mã Lai Á). Ðó là ngôi mộ của người con trai năm tuổi của bà. Và trên mộ bia có những dòng chữ quả thật đặc biệt là duy nhất. Phía dưới bức tượng hình bằng đá của một em bé xinh xắn, có ghi tạc những chữ như sau:

Ðể tôn vinh Thượng Ðế
và để mến thương tưởng niệm
con yêu quý của chúng tôi
Philip Pryce Smith.
Sanh ngày 22 tháng 10, 1920
Mãn phần ngày 22 tháng 11, năm 1925
Tái sanh ngày 23 tháng 02, năm 1927.
Thượng Ðế chuyển động một cách bí ẩn
Những thần diệu của Ngài để thực hiện.

Và sau đây là câu chuyện mà Bà Smith mô tả là "kinh nghiệm lớn lao nhất trong đời tôi."

"Tôi lấy chồng, một kỷ sư, và sang sống tại Mã Lai Á", bà nói với tôi, "và Philip là con đầu lòng của chúng tôi. Nó là một đứa bé xinh xắn, vui tươi và, lẽ dĩ nhiên, là cả một thế giới của tôi. Rồi, trong một cơn mưa mùa oi ả ẩm thấp của tháng 11, thình lình bé ngã bịnh. Chứng kiết lỵ làm nó kiệt quệ, và sau khi đau chỉ có tám ngày là nó mất -- đúng một tháng trước ngày sinh nhật năm thứ năm của nó. Tôi sầu muộn đến cuồng trí. Từ bao giờ, tôi vẫn là một tín đồ nhiệt thành sùng đạo, tôi hy vọng như vậy. Nhưng tôi không thể hiểu vì sao một đấng Thượng Ðế giàu lòng từ thiện lại đem đi đứa con duy nhất của tôi."

Sau tang lễ cho con, chồng bà Smith gởi bà đi du ngoạn ở Miến Ðiện. Nhưng cơn buồn của bà vẫn không thể nguôi ngoai. Bà trải qua phần lớn thời gian trên tàu quỳ gối trong phòng và nức nở khóc trên giường, không thể kềm chế.

Một ngày vào đầu tháng 12, khi tàu di chuyển dần vào cảng Moulmein xứ Miến Ðiện, Bà Smith, bị dày vò đau khổ vì mất ngủ, quỳ gối trên sàn nhà trong phòng, một lần nữa. "Tôi trút hết nỗi lòng trước Thượng Ðế," bà trầm tĩnh nói với tôi, "và khi ngồi lên tôi cảm nghe có sự thúc giục kỳ lạ. Tôi tự cảm nghe có sự ép buộc phải nói chuyện với một người Miến Ðiện mà tôi nhìn thấy trên tàu. Tôi chưa bao giờ biết ông, chưa bao giờ nói chuyện với ông ta. Ðây là một thúc giục mà tôi cảm nghe không thể cưỡng lại, bắt buộc phải vâng theo. Sự thúc giục ấy cấp bách đến độ tôi chưa kịp ăn mặc chỉnh tề, chỉ vắt ngang một áo kimono, rồi vội bước nhanh ra khỏi phòng và đi ngay lên sân tàu.

"Kìa ông Miến Ðiện, đứng bên cạnh lan can tàu, đâm đâm nhìn cảng Moulmein nằm phía bên kia làn nước biếc. Tôi cũng nhìn. Tôi thấy một ngôi chùa lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời. Khó cho tôi mở đầu cuộc đàm thoại. Tôi cảm nghe như cứng lưỡi. Nhưng cuối cùng mắt tôi nhìn thấy trở lại ngôi chùa. Tôi đưa tay lên chỉ ngôi chùa và hỏi ông ta tên chùa là gì. Và khi ông nói cho tôi biết tên chùa thì tôi bạo dạn hỏi: "Theo tôn giáo của ông, ông tin chuyện gì xảy đến cho một đứa bé sau khi nó chết?"

"Câu trả lời của ông thật gọn, thật giản dị, 'Chúng tôi tin,' ông nói, 'đứa bé chết -- và rồi được sanh ra trở lại.'

"Bỗng chốc hình như tôi thấu hiểu mọi sự vật. Tôi cảm nghe hình như có sự sắp đặt nào để hướng dẫn tôi đến ngay người Miến Ðiện này, và ông ta được chỉ bảo để chuyển giao cho tôi bức thông điệp mà tôi hằng mong tìm và hằng van vái nguyện cầu để được. Và trong chốc lát tôi thấu hiểu rằng tất cả sẽ trở nên tốt đẹp, rằng đứa bé mà tôi mất sẽ trở lại với tôi.

"Về Mã Lai Á trở lại, tôi thuật cho bạn bè nghe câu chuyện và nói rõ niềm tin chắc của tôi vào lúc ấy. Lẽ dĩ nhiên là họ ngờ vực. Họ nghĩ rằng vì quá sầu muộn nên tôi đâm ra cuồng loạn. Tôi cũng vậy, cũng bắt đầu ngạc nhiên không biết có phải vì mất con, quá đau lòng, nên thấy cần phải chụp bám vào bất cứ gì để giải cơn sầu. Trong khi những nổi ngờ vực như thế ấy khơi dậy thì hầu như tôi cũng bắt đầu thất vọng trở lại. Rồi những tín hiệu khác lại đến với tôi. Tôi nằm mộng thấy con. Nó choàng tay vòng quanh cổ tôi và nói chuyện với tôi, 'Này mẹ, con đang trở về với mẹ,' nó nói. Và tôi thấy đó là điều mà tôi nghĩ rằng là một tín hiệu khác. Một tập hình của nó. Lúc ấy nó còn quá nhỏ để viết chữ thường, nhưng có thể quọt quẹt khắc những chữ hoa. Và một ngày kia, lật xem tập hình ấy của nó, tôi thấy nó viết bằng viết chì danh từ 'PAGODA' (chùa), chữ in. Tôi lấy làm ngạc nhiên. Tôi không thể hiểu làm thế nào nó gặp được danh từ ấy. Tôi chỉ có thể xem đó là một tín hiệu khác, báo trước cho biết những điều mới lạ.

"Và rồi, trong một điềm mộng khác vào khoảng tháng 03, năm 1926, lối 14 tuần sau khi Philip chết, nó lại nói với tôi một lần nữa là sẽ trở về. 'Này mẹ, con sẽ trở về với mẹ hai tháng sau lễ Giáng Sinh,' nó nói. Và gần 12 tháng sau, lúc ấy nhằm tháng 02, năm 1927, điềm mộng trở thành sự thật. Tôi hạ sanh Philip trở lại."

Ðúng vậy, đây là câu chuyện lạ lùng của Bà Smith. Bà và tôi đều biết trước những người còn ngờ vực sẽ nói gì. Nhưng niềm tin vững chắc của bà không phải chỉ vì tìm được nơi một giáo lý Ðông Phương niềm an ủi dễ chịu trong cơn sầu muộn. Con bà quả thật được bà sanh hai lần, rõ ràng như vậy. Bà nói với tôi, "Nếu tôi không còn tin rằng Philip của tôi ngày nay là hiện thân của Philip đã chết, có thể tôi không còn niềm tin nơi Thượng Ðế nữa."

Ngày nay Philip được 26 tuổi. Ông theo học trong một trường công nổi tiếng của người Anh và hiện là kỷ sư làm việc tại Úc Châu.

Cặp Trẻ Sanh Ðôi Nhớ Lại Ngày Ðã Chết Trong Kiếp Trước

Câu chuyện sau đây do John Macklin tường thuật và được báo Ceylon Sunday Observer đăng ngày 04 tháng 04, năm 1965.

Câu chuyện của cặp sanh đôi Pollock có lẽ là vòng khoen vững chắc nhất trong chuỗi dài những sự kiện hiển nhiên chứng minh thuyết tái sanh. Người ta bàn tán về những sự việc xảy diễn tám năm về trước -- những diễn biến xảy đến hai trẻ em đã chết, trước khi cặp song sanh chào đời.

Một ngày chủ nhật tháng 05, năm 1957 em Joanna Pollock, mười một tuổi, cùng em Jacqueline, sáu tuổi, vui vẻ vừa đi vừa chơi trên vỉa hè trong khi đi lễ nhà thờ, tại một thành phố miền ven biển vịnh Whitley Bay. Bỗng nhiên cảnh thanh bình an lạc của buổi sớm ngày hè thình lình tan vỡ. Một chiếc xe hơi quẹo quá nhanh tại một góc đường, trợt bánh đâm vào hai em. Cả hai đều tử nạn.

Ðối với anh bán sửa John Pollock và vợ, Florence, quả thật vô cùng khó mà chấp nhận rằng cả hai con đều chết. Và mỗi ngày càng cảm nghe khó hơn, vì hai vợ chồng Pollock nhất quyết tin chắc rằng Joanna và Jacqueline đã trở về ngôi nhà nhỏ bé nhìn xuống biển North Sea nước xám xanh.Câu chuyện hai bé song sanh đã trở thành vòng khoen vững chắc nhất trong chuỗi dài những sự kiện chứng minh thuyết tái sanh. Các nhà khảo cứu về tâm lý học xem đây là câu chuyện làm chấn động và khiêu gợi tánh hiếu kỳ nhiều nhất trong thập niên.

Gillian và Jennifer được sanh ra mười bảy tháng sau thảm kịch. Không có ai nói gì với hai em một cách rõ ràng về cái chết của hai người chị ... vậy mà, hai em biết rành mạch từng chi tiết nhỏ nhặt về câu chuyện tai nạn. Và tất cả những gì hai em nói, khi được kiểm lại, đều phù hợp với những diễn biến đã xảy ra. Jennifer, được sanh ra mười phút sau người chị sanh đôi Gillian, nay năm tuổi, giống hệt Jacqueline, người em trong hai bé tử nạn. Những bức hình chụp cho thấy giống nhau như khuôn đúc.

Từ đêm được sanh ra đời, Jennifer đã mang một vết thẹo lạ thường màu trắng, nhỏ chừng một phân rưởi Anh (1 1/2 inch), băng ngang trên trán. Trước kia Jacqueline cũng có một vết thẹo giống y hệt -- vì đã bị té vào năm lên ba. Còn có những điểm giống nhau kỳ lạ khác: Jennifer có cái bớt màu đỏ bầm bên hông khoảng bằng đồng tiền, thì Jacqueline hồi trước cũng có cái bớt đúng y vậy.

Hai vợ chồng Pollock thường ngày để ý đến sự giống nhau của hai trẻ, một đã chết và một tại tiền. Thí dụ như Jennifer thích viết. Không ai chỉ biểu, em có lối cầm viết đặc biệt, giữ cây viết chì giữa ngón giữa và ngón trỏ của bàn tay mặt, rồi dùng ngón cái đẩy tới. Jacqueline cũng cầm viết giống vậy...

Những học giả khảo sát vô cùng kinh ngạc trước sự hiển nhiên của trường hợp vợ chồng Pollock. Những vị này phỏng vấn hai em bé và nhận thấy rằng có những nơi và những vật mà chỉ có Joanna và Jacqueline biết còn Jennifer và Gillian chưa bao giờ biết hay thấy, nhưng hai em nói đúng y hết.

Gillian cũng vậy, có những cử chỉ giống y Joanna. Em có lối nói chuyện và lối dùng chữ, có bộ đi cách đứng và điệu bộ cầm tay em dắt đi chơi giống hệt Joanna.

Nhưng có lẽ điều làm kinh ngạc hơn cả là khi nói đến tai nạn, hai em thuật lại giống như chuyện ấy xảy đến cho mình. Gillian thường kể những chi tiết mà chưa bao giờ có ai nói cho em biết. Gần đây Bà Pollock thấy Gillian đặt tay trên vai Jennifer và mô tả một cách chính xác những vết thương của Jacqueline khi bị tử nạn.

Lần nọ, khi hai em dạo chơi, một người hàng xóm nhìn thấy hai em đứng khóc bên đàng, đúng ngay tại nơi mà trước kia thảm kịch xảy diễn -- và một lần nữa, chưa bao giờ có ai chỉ rõ cho hai em biết địa điểm này.

Có lần Jennifer hỏi mẹ, "Ông ... hiện giờ thì sao? Ông có còn bối rối phiền lụy như trước không?" Em nhắc đến tên người lái chiếc xe, biết người ấy ở đâu, và người ấy lái xe loại nào.

"Mới đây," người cha nói, "trong khi ở trên gác, tôi gặp hộp đồ chơi của hai trẻ bị tử nạn mà tôi đã gói lại kỹ càng. Tôi biết chắc rằng hai đứa nhỏ sanh đôi này không bao giờ thấy cái hộp ấy và không thể biết hộp chứa đựng gì. Tôi có ý định cho hai đứa nó đồ chơi trong hộp. Khi tôi vừa mở hộp ra thì Gillian nhảy vồ tới chụp lấy cái đồ chơi nhỏ để ép quần áo của cúp bế, và vui mừng la lên: "Kìa Cha, cái máy ép đồ chơi của con." Món đồ chơi này trước kia của Joanna và đó là món đồ chơi mà nó ưa thích nhất.

Chính những diễn biến như vậy -- và có rất nhiều chuyện -- làm cho những nhà khảo cứu buộc lòng phải đi đến kết luận là cặp song sanh Pollock trước kia đã có sống trên thế gian.

Một trong những người cuối cùng tin như vậy là cha của các em. Ông là người theo đạo Thiên Chúa, và tín ngưỡng này không chấp nhận thuyết đầu thai (Sử liệu ghi rằng vào thời xưa Giáo Hội Thiên Chúa nhìn nhận có đời sống trước khi sanh. Nhưng Ðại Hội Thiên Chúa lần thứ Nhì họp tại Constantinople vào năm 553 tuyên bố rằng tin như vậy là trái với giáo lý được Giáo Hội công nhận. Xem quyển Reincarnation, An East-West Anthology, trang 321 -- Tác Giả). Nhưng bởi vì hai trẻ chết nên ông có cảm tưởng kỳ lạ là sẽ có cặp gái sanh đôi sanh vào gia đình để thay thế. Bà Pollock chế giễu và xem ý nghĩ đó là chuyện nói đùa -- các vị bác sĩ chăm sóc bà cũng nghĩ như vậy. Các vị này chỉ nghe có một trái tim đập. Nhưng lúc sanh ra, là hai trẻ.

Lúc đầu Bà Pollock không thể chấp nhận ý nghĩ đầu thai. Giờ đây bà nói: "Bắt buộc tôi phải tin như vậy một cách nghiêm chỉnh. Hình thể vật chất giống nhau, những điều kỳ lạ mà chúng nó nói, và cách ưa thích đồ vật giống nhau, khiến tôi tin rằng phải có gì đây. Có người đến nhà thăm -- những người này chưa từng đến nhà từ khi Jacqueline và Joanna chết -- nhưng vừa gặp mặt là hai trẻ song sanh tức khắc nhận ra. Chúng nó luôn luôn biết cả tên của họ. Làm sao có thể giải thích những chuyện như vậy?"

Những nhà khảo sát tâm lý học cũng hỏi như vậy. "Khi hai trẻ đủ trưởng thành," John Pollock nói, "tôi sẽ cho chúng nó biết rằng tôi tin chắc, chúng quả thật là hai chị em đã chết và trở lại trần gian. Chừng ấy chúng có thể để cho một loại thôi miên nào đó giúp khám phá nhiều hơn về kiếp sống quá khứ của chúng." Chừng ấy, và chỉ đến chừng ấy, những tia sáng mới sẽ soi tỏ câu chuyện rối răm của cặp song sanh Pollock -- hai em gái mà hình như đã sống lần thứ nhì.

NHỮNG TRẺ THẦN ÐỒNG

Xuyên qua nhiều thế hệ, những trẻ thần đồng, những em có thiên tài lạ thường, luôn luôn là những trường hợp lịch sử hứng thú một cách sâu xa.

Jean-Louis Gardiac, "em bé kỳ diệu" của đền Chateau de Gardiac, Pháp Quốc, sanh vào năm 1719, lúc chỉ có ba tháng đã biết rành mẫu tự, và tiến bộ tinh thần của em nhanh chóng và vững vàng. Năm lên ba em có thể đọc chữ La Tinh dễ dàng, và lên bốn thì có thể chuyển ngữ trôi chảy từ La Tinh sang tiếp Pháp và tiếng Anh. Ðến năm lên sáu, trong khi phần đông trẻ con vào lứa tuổi ấy mới bắt đầu cấp sách đến trường thì Gardiac đọc rành chữ Hy Lạp (Greek) và chữ Do Thái (Hebrew), và đã vững chắc thông thạo ngành toán học, sử học và địa lý học. Cũng như nhiều trẻ em thần đồng, đời của em quả thật ngắn ngủi, nhưng ngoạn mục. Em qua đời tại Paris lúc bảy tuổi.

Ta có thể giải thích thế nào trường hợp của Mozart, soạn nhạc từ lúc năm tuổi? Wolfang Amadeus Mozart (1756-1791) chào đời tại Salizburg, Áo Quốc. Năm lên ba, rõ ràng em là một thiên tài kỳ diệu từ lúc ấu thơ. Những ngón tay tí teo của em bắt đầu khơi dậy những điệu khúc du dương và em sớm trở thành một nhạc sĩ tài năng, trình diễn với chiếc vĩ cầm bé nhỏ. Khi lên bốn, em viết khúc cầm (sonata). Ðến bảy tuổi, lần đầu tiên Mozart điều khiển Ðại Hòa Tấu.

Rồi có em thần đồng Josef Hofman, người Ba Lan, chơi dương cầm từ lúc mới mười một tuổi rưởi. Tay vói lên vừa tới cây đàn dương cầm thì đã chơi rành những bản nhạc cổ điển. Có chăng một giải đáp hợp lý nào ngoài chủ trương rằng đó là kết quả của sự hồi nhớ tiền kiếp?

Giải thích thế nào trường hợp của vài người như Sir William Hamilton? Khi lên ba ông đã nói rành tiếng Do Thái ... Mười ba tuổi thì William Hamilton có thể nói mười ba ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Ba Tư, tiếng Á Rạp và tiếng người miền Bắc Ấn Ðộ (Hindustani).

Ta có thể tranh luận, thí dụ như vậy, rằng những trẻ em thần đồng ấy chỉ thừa hưởng thiên tài của cha mẹ như một di sản. Nhưng điều kỳ lạ là phần lớn các trường hợp, cha mẹ hay gia đình các em không có những thiên tài trong ngành mà các em trở thành xuất chúng. Luật truyền thống xem hình như không thích nghi, không thể cung ứng một giải thích thỏa đáng. Trích từ "Reincarnation Fact or Fiction" tác giả Don Easterd, Ceylon Times Weekender, ngày 02 tháng 09, năm 1967.


Chú thích:

[1] Trong khi soạn thảo phần này của quyển sách, tác giả muốn ghi nhận mình đã xử dụng rộng rãi những tác phẩm sau đây: Rebirth Explained, V.F. Gunaratna, (Wheel 167/169), Survival and Karma in Buddhist Perspective, Giáo Sư K.N. Jayatilleka, (Wheel 141/143), và Rebirth As Doctrine and Experience (Collected Writings; Vol. II), Francis Story. Tất cả những sách trên đều do nhà xuất bản Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka phát hành.

[2] Cùla Kammavibhanga Sutta, Majjhima Nikàya, Trung A Hàm 135.

[3] Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, iii, 149, 151.

[4] A.J.Ayer, The Concept of a Person, London 1963, trang 137.

[5] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, trang 38.

[6] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, trang 16.

[7] Udàna, Khúc Ca Hoan Hỷ, quyển viii, cũng trong Sara Sutta, Devatà Samyutta.

[8] Upàsaka Vagga, Udaya Sutta, Samyutta Nikàya, Tạp A Hàm, do ÐÐ Soma Thera dịch.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01.a | 01.b | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
 10.a | 10.b | 10.c | 11 | 12.a | 12.b | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18.a | 18.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-10-2002