BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện
"The Spectrum of Buddhism"

Hòa thượng Piyadassi
Phạm Kim Khánh dịch

Trung tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, xuất bản, 1995.


-5-

SUY GẪM VỀ PHẬT NGÔN

Tự Do Khảo Sát

Ðức Phật hướng dẫn các môn đệ Ngài theo đường lối phân biện và nghiên cứu tìm hiểu. Ðặt niềm tin vào bất cứ gì không phải là tinh thần Phật Giáo. Sau đây là cuộc đàm thoại giữa Ðức Bổn Sư và các đệ tử Ngài:

"Nếu bây giờ, hiểu biết và bảo tồn điều này, các con nói chăng rằng: 'Chúng ta tôn vinh Ðức Bổn Sư, và vì tôn kính Ngài ta phải quý trọng những gì Ngài dạy?'"

"Bạch Ngài, không."

"Ðiều gì các con xác nhận, này chư đệ tử, có phải chăng chỉ là những gì các con nhận thức, trông thấy và nắm vững?"

"Bạch Ngài, đúng vậy." Và cũng tương hợp với thái độ hoàn toàn chân chánh để khảo sát chân lý, trong khái luận Phật Giáo bằng tiếng Sanskrit (Bắc Phạn) về phương thức luận lý, Jnànasàra-samuccaya, 31, có đoạn:

"Cũng như người khôn ngoan sáng suốt thử vàng bằng cách đốt, cắt và cọ chà (trên đá thử vàng), cùng thế ấy, các con phải làm như vậy trước khi chấp nhận lời của Như Lai, khi đã thận trọng khảo sát chớ không phải chỉ vì tôn kính Như Lai."

Một lần nọ, dân chúng Kàlàma của xứ Kesaputta đến gần Ðức Phật và bạch: "Bạch Ðức Thế Tôn, có những đạo sĩ ẩn dật và những vị bà la môn đến tại Kesaputta. Về quan kiến của chính họ, họ tuyên ngôn và giải thích dong dài đầy đủ; nhưng về quan điểm của người khác thì họ phỉ báng, khinh rẻ, chê bai và bóp méo. Vã lại, Bạch Ðức Thế Tôn, những vị đạo sĩ và bà la môn khác cũng vậy, đến Kesaputta và cũng làm y như vậy. Khi lắng tai nghe họ, Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con hoài nghi và hoang mang, không biết đàng nào nói đúng và đàng nào sai."

Ðức Bổn Sư mở lời khuyên dạy:

"Ðúng vậy, này người Kàlàma, hoài nghi như vậy là đúng, nêu lên những câu hỏi về những gì mình còn nghi ngờ và những gì chưa được sáng tỏ là đúng. Còn ngờ vực trong một vấn đề ắt có hoang mang lưỡng lự."

"Không nên để tập tục cổ truyền, những lời đồn đãi, những luận thuyết suông, hay những kết luận hấp tấp dẫn đi sai lạc, hoặc sau khi vội vã suy tư và chấp nhận một lý thuyết nào, hoặc vì lòng tôn kính một vị đạo sĩ. Nhưng này người Kàlàma, khi các con tự mình hiểu biết rằng: "Những điều này bất lợi, đáng bị khiển trách, bị những bậc thiện trí chỉ trích chê bai; những điều này khi được thực hiện và đảm nhận, dẫn đến mất mát và phiền lụy -- chừng ấy dĩ nhiên, hởi người Kàlàma, các con hãy bác bỏ."

"Giờ đây, người Kàlàma, các con nghĩ thế nào? Khi tham ái, sân hận và si mê khởi sanh trong tâm một người, sự khởi sanh ấy tạo lợi ích hay gây mất mát cho người ấy?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, điều ấy gây mất mát."

"Giờ đây, hởi người Kàlàma, bị tham ái, sân hận và si mê ức chế thấm nhuần, người ấy có gây tội ác và sai lầm dẫn dắt kẻ khác đến mất mát và sầu muộn lâu dài không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, có."

"Ðúng vậy, này người Kàlàma, các con nghĩ thế nào? Những điều ấy tạo lợi ích hay gây bất lợi?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, gây bất lợi."

"Những điều ấy có đáng bị khiển trách không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, đáng bị khiển trách." "Những điều ấy có bị bậc thiện trí chỉ trích không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, có bị chỉ trích."

"Nếu thực hiện và đảm nhận, những điều ấy có dẫn đến mất mát và sầu muộn không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, những điều ấy dẫn đến mất mát và sầu muộn."

"Như vậy, này người Kàlàma, đây là lời của Như Lai khuyên nhủ các con hôm nay: 'Không nên để dẫn dắt đi sai lạc, nhưng khi tự các con hiểu biết rằng: Những điều ấy gây bất lợi và dẫn đến mất mát và sầu muộn ... các con hãy bác bỏ,' đó là lý do tại sao Như Lai tuyên ngôn những lời trên."

"Hởi người Kàlàma, không nên để ... dẫn dắt đi sai lạc như vậy. Nhưng khi tự các con hiểu biết: Những điều này tạo lợi ích, không bị khiển trách, được bậc thiện trí tán duơng: Khi được thực hiện và đảm nhận những điều này đưa đến hạnh phúc và lợi ích -- chừng đó, này người Kàlàma, sau khi đã đảm nhận, hãy ẩn náu trong ấy."

"Giờ đây, này người Kàlàma,, các con nghĩ thế nào? Khi tâm không-tham-ái, không-sân-hận và không-si-mê khởi sanh đến một người, sự khởi sanh ấy tạo lợi ích hay gây mất mát cho người ấy?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, tạo lợi ích."

"Người ấy không bị tham ái, sân hận và si mê ức chế thấm nhuần, có xa tránh lỗi lầm và dẫn dắt kẻ khác đến hạnh phúc không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, có."

"Ðúng vậy, này người Kàlàma, các con nghĩ thế nào? Những điều ấy tạo lợi ích hay gây bất lợi?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, tạo lợi ích"

"Những điều ấy có đáng bị khiển trách không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, không đáng bị khiển trách."

"Những điều ấy đáng bị chỉ trích chê bai hay đáng được tán dương?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, đáng được tán dương."

"Khi được thực hiện và đảm nhận, những điều ấy có dẫn đến hạnh phúc không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, có dẫn đến hạnh phúc."

"Như vậy, đây là lời Như Lai khuyên nhủ các con hôm nay: 'Không nên để dẫn dắt đi sai lạc ... nhưng khi tự các con hiểu biết: Những điều này tạo lợi ích ... và dẫn đến hạnh phúc ... hãy đảm nhận và ẩn náu trong những điều ấy' đó là lý do tại sao Như Lai tuyên ngôn như vậy." (Ðoạn trên đây được trích từ Anguttara Nikàya, Tạp A Hàm, i, 188 Bài kinh số 65; cũng xin xem Anguttara Nikàya, i, 66; và Anguttara Nikàya ii, Kinh Bhadiya Sutta 193.)

Người đọc sẽ ghi nhận rằng bài kinh Kàlàma Sutta này mạnh mẻ bác bỏ tín điều và đức tin mù quáng và khuyến khích tự do khảo sát. Tuy nhiên, không nên vội vã kết luận rằng Ðức Phật dạy chỉ nên dựa trên kinh nghiệm bản thân để thực hành, rằng Ngài bác bỏ tất cả giáo lý và đức tin, và Giáo Pháp (Dhamma) của Ngài truyền dạy chỉ giản dị là một hệ thống giáo thuyết tự do, mời mọc mỗi người chấp nhận và tôn trọng bất luận gì mình thích. Người đọc nên thận trọng chú tâm đọc phần cuối cùng của bài kinh trong đó Ðức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ba nguyên nhân căn cội của những gì bất thiện (ba căn bất thiện): tham, sân, si và những đối nghịch với nó, ba căn nguyên từ đó xuất phát tất cả những gì là thiện (ba thiện căn): buông xả, thiện ý và trí tuệ. "Như vậy bài kinh này, thuyết giảng cho người Kàlàma, cung ứng một trắc nghiệm châu đáo, tận tường, để tăng cường niềm tin nơi Giáo Pháp, xem như một giáo lý đáng tin cậy, một lối sống dẫn đến giải thoát."

Ðể cho công trình thảo luận về bài kinh này được đầy đủ hơn, xin mời người đọc tham khảo bài viết rất sáng tỏ tựa đề "A Look at the Kàlàma Sutta" của tác giả Bhikkhu Bodhi, đăng trong bản tin Buddhist Publication Society Newsletter, số 9, vào mùa Xuân 1988.

Trong Phật Giáo không có sự cưỡng bách hay bắt buộc và không đòi hỏi nơi tín đồ một đức tin mù quáng. Từ ngoài nhìn vào, người có tánh hoài nghi sẽ lấy làm hoan hỷ lắng nghe lời kêu gọi nên khảo sát tận tường. Từ đầu đến cuối Phật Giáo được mở rộng cho tất cả những ai có mắt để thấy và có tâm để hiểu biết.

Một lần nọ, khi Ðức Thế Tôn ngự trong một vườn xoài tại Nàlandà, có Upàli, một tín đồ nhiệt thành của phái Nigantha Nàtaputta (Jaina Mahàvira), vâng theo lời dạy của Mahàvìra, vị giáo chủ, đến gần Ðức Phật với ý định duy nhất là tranh luận và thắng Ngài. Ðề tài là lý nghiệp báo mà cả hai vị, Ðức Phật và Mahàvìra, đều đã giáo truyền, mặc dầu quan điểm vẫn khác nhau. Sau cuộc thảo luận rất thân thiện, Upàli minh xác rằng lý lẽ của Ðức Phật là đúng hơn, chấp thuận quan điểm của Ngài và sẵn sàng trở thành một tín đồ Phật Giáo (upàsaka). Nhưng Ðức Phật nhắc nhở ông:

"Này Upàli, về vấn đề chân lý Ông phải khảo sát tận tường và cặn kẻ. Ðối với người danh tiếng như Ông, tốt hơn là phải khảo sát tận tường."

Tuy nhiên, nghe vậy Upàli càng hoan hỷ thỏa thích hơn và xin quy y, trở về nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng. Mặc dầu Upàli vững chắc đặt niềm tin nơi Ngài và muốn trở thành Phật tử, Ðức Phật khuyên ông nên tiếp tục tôn trọng và hỗ trợ các vị thầy cũ như xưa. (Upàli Sutta, Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 56)

Như vậy, Ðức Phật khuyên dạy tầm quan trọng của tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và đức khoan hồng đại độ, không vì khác tôn giáo mà chia rẽ nhau.

Bước theo dấu chân của Ðức Bổn Sư, Hoàng Ðế Asoka (A Dục), người Phật tử, trị vì xứ Ấn vào thế kỷ thứ Ba trước Dương Lịch, tuyên bố những lời được ghi tạc vào đá (Rock Edict XII) như sau:

"Ta không nên chỉ tôn thờ tôn giáo của mình và chê bai chỉ trích tôn giáo của kẻ khác, mà phải thành kính quý trọng tôn giáo của những người khác vì lý do này hay lý do khác. Hành động như thế ta giúp cho chính tôn giáo của ta trưởng thành và cũng hỗ trợ tôn giáo của người khác. Hành động trái ngược, ta đào mồ chôn chính tôn giáo mình và cũng gây tổn thương cho các tôn giáo khác. Bất cứ ai tôn thờ tôn giáo mình và chê bai chỉ trích tôn giáo khác cũng làm theo lòng nhiệt thành đối với tôn giáo mình, quả thật vậy, nghĩ rằng: 'Ta sẽ tôn vinh chính tôn giáo của ta.' Nhưng ngược lại, làm như vậy họ gây tổn thương trầm trọng cho tôn giáo họ. Do đó ta phải đoàn kết. Tất cả hãy lắng nghe và hoan hỷ lắng nghe giáo lý được dạy trong các tôn giáo khác."

Trong Phật Giáo không ai bị bắt buộc phải tin điều gì mà mình không biết trước. Giáo lý có tánh cách phân tách của Ðức Phật (vibhajjavàda) không chấp nhận đức tin mù quáng. Bằng nhiều phương cách, bản chất tuyệt đối triết lý-phân tách của Ngài đã minh bạch sáng tỏ.

Ngoại trừ Ðức Phật, không vị giáo chủ nào xuất hiện trên thế gian mà có đức tánh này một cách trọn vẹn và đầy đủ như thế. Ngài là vị triết gia phân giải tối thượng. Nơi đây "triết gia phân giải" có nghĩa là tuyên ngôn điều gì sau khi thấu triệt điều ấy trong nhiều đặc tánh khác nhau, sắp xếp những đặc tánh theo một thứ tự thích nghi, mỗi mỗi đều rõ ràng minh bạch. Sách Vimati Vinodani, một bình chú của Bản Chú Giải Tạng Luật nói rằng triết gia phân giải có đặc tánh của người tuyên ngôn điều gì sau khi đã đi sâu vào chi tiết; người ấy không nhìn sự vật một cách hợp nhất như một toàn thể, tức nhìn tất cả sự vật cùng chung trong một khối, mà sau khi phân chia theo đặc tướng nổi bật của nó, tất cả, một cách rõ ràng, riêng biệt, như thế mọi ý kiến sai sự thật và mọi hoài nghi đều tan biến, chân lý quy ước và chân lý tuyệt đỉnh (sammuti paramattha-sacca, tục đế và chân đế) có thể được thông suốt. Trong quyển Sàrattha-dìpani, một bình chú khác của Bản Chú Giải Tạng Luật, ta thấy như sau: "Một người binh vực và khuyến khích phương pháp phân giải là Ðức Bổn Sư, bởi vì Ngài xa lánh hai cực đoan thường kiến và tuyệt diệt, mà dạy pháp tùy-thuộc-phát-sanh (thập nhị nhân duyên), con đường ở giữa (Trung Ðạo)."

Cũng như nhà cơ thể học sành nghề phân giải một cánh tay hay một cái chân thành tế bào và các tế bào thành nguyên tử và điện tử, Ðức Phật phân tách tất cả những pháp hữu vi đến từng nguyên tố cơ bản. Do đó Ngài được tôn là Vibhajjavàdi, vị Thầy của Thuyết Phân Giải.

Chân lý của Giáo Pháp (Dhamma) chỉ có thể được nắm vững bằng trí tuệ minh sát, không bao giờ bằng đức tin mù quáng. Người tìm chân lý không thể thỏa mãn với sự hiểu biết trên bề mặt, mà lặn sâu để khám phá những gì tiềm ẩn phía dưới. Ðó là loại khảo sát mà Phật Giáo khuyến khích. Loại khảo sát này dưỡng nuôi chánh kiến.

Cũng như tin tưởng mù quáng là trái ngược với tinh thần của lời Phật dạy, van vái nguyện cầu một đấng thần linh ngoại lai tưởng tượng là đối nghịch với lối sống của người Phật tử. Ðức Phật, minh mẫn sáng suốt và trong sạch nhất giữa chúng sanh, quán chiếu tìm hiểu toàn thể vũ trụ, nhận thức rằng khái niệm về một thần linh tối thượng trị vì thế gian chỉ giản dị là một ảo mộng. Chính nổi niềm kinh sợ của con người gieo mầm cho vô minh tạo một nguyên lý ngoại lai toàn tri và có mặt cùng khắp. Và khi ý niệm được tạo ra, con người mãi sống trong nổi kinh hoàng của trẻ con, trong sự kinh sợ mà chính mình tạo, và tự gây cho mình những tổn thương không xiết kể.

Tôn sùng cao thượng nhất là kính bái con người cao cả nhất của nhân loại, những tâm hồn lớn mạnh và hùng dũng đã nắm vững chân lý thâm sâu, quét sạch vô minh, phiền não tai hại nhất, vị chúa tể ô nhiễm, đã gây tất cả mọi cuồng điên của chúng ta, và diệt tận cội rễ của tất cả mọi hình thức ái dục. Những người tận tường thông suốt chân lý mới thật sự có thể hỗ trợ ta, nhưng người Phật tử không van vái nguyện cầu các Ngài. Người Phật tử chỉ kính bái người đã khám phá chân lý và vạch tỏ cho mình con đường hạnh phúc. Hạnh phúc là cái gì ta phải chính mình thành tựu; không ai có thể làm cho mình tốt hơn hay xấu hơn.

Con người phải được tự do tìm hiểu mình và những quyền năng ngủ ngầm bên trong mình. Hãy để cho con người tập đứng vững một mình. Ý niệm chủ trương rằng cần phải có ai khác nâng đỡ từ thấp lên một tầng lớp cao hơn và cứu rỗi ta, có chiều hướng làm cho con người ươn hèn và yếu kém. Suy tư như vậy hạ thấp phẩm giá con người. "Tùy thuộc nơi một quyền năng ngoại lai thông thường có nghĩa là quy hàng, đem nỗ lực của mình ra đầu phục." Do đó, Ðức Phật kêu gọi hàng tín đồ nên tự mình nương tựa nơi mình. Ngoại trừ chính ta, không ai ban cho ta trạng thái thanh bình an lạc thật sự; người khác có thể gián tiếp giúp đỡ, nhưng giải thoát vượt ra khỏi mọi khổ đau, mỗi người phải cố gắng gia công cho chính mình.

Ngành tâm lý học khám phá những khả năng tiềm tàng ngủ ngầm bên trong con người, và chính con người phải nỗ lực trau giồi và khai triển những tiềm năng ấy. Mỗi cá nhân phải tận lực để tự giải thoát. Không ai trên quả địa cầu hay trên cảnh Trời nào có thể ban cho người khác đặc ân giải thoát chỉ vì người này van vái cầu lụy điều ấy. Khả năng uốn nắn đời sống mình nằm trong tay của chính mình.

"Chớ nên van vái!
Bóng tối sẽ không sáng hơn!
Ðừng hỏi Im Lặng, vì nó không biết nói!
Chớ nên phiền nhiễu cái tâm ưu phiền của bạn
Với những đau buồn ngụy tín!
Hởi các Anh, các Chị!
Không nên nguyện cầu cúng tế những thần linh bất lực
Với những quà biếu và nhạc thiều!
Không nên dùng máu huyết để hối lộ,
Hoặc dâng cúng bánh trái;
Mỗi người tự tạo ngục tù cho mình,
Phải tìm giải thoát từ bên trong các bạn."
-- Light of Asia, Sir Edwin Arnold

"Cái gì thúc đẩy người ta tin tưởng nơi Thượng Ðế không phải là luận lý có tánh cách trí thức chút nào. Phần đông người ta tin nơi Thượng Ðế bởi vì từ thủa bé thơ họ được dạy như vậy, và đó là lý do chánh. Như vậy tôi nghĩ rằng lý do hùng mạnh hơn tất cả là lòng mong mỏi muốn được an toàn, một loại cảm nghĩ như có được người anh cả trông nom. Ðiều này có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng sâu đậm, làm cho con người muốn có niềm tin nơi Thượng Ðế." (Bertrand Russel).

Nguyên Nhân Ðạo Ðức

Tôn giáo là cái gì người ta phải đến gần bằng lý luận và suy tư. Nếu, sau khi nghiên cứu tận tường, lời dạy nào cảm xúc thuận chiều với tâm và trí ta, hãy chấp nhận những nguyên tắc của nó vào lối sống mình. Cố gắng theo một tín ngưỡng khi không có lý do để mình thỏa mãn với tín ngưỡng ấy thì quả thật là điên rồ. Ta phải ngay thẳng. Phải thành thật với mình và với kẻ khác. Tự phỉnh gạt mình sẽ dẫn đến xung đột tâm lý và bất hạnh. Trong sự lựa chọn tôn giáo, không ai có quyền dẩm chân lên tự do của kẻ khác. Tự do tư tưởng là quyền của mỗi người từ lúc vào đời. ép buộc người khác đi lệch ra ngoài lối sống vốn thích hợp với tâm tánh và quan niệm họ, khuynh hướng và chiều hiểu biết của họ, quả thật là sai lầm. Cưỡng bách, dầu với hình thức nào, vẫn là tệ hại. Cưỡng bách một người phải theo tín ngưỡng mà người ấy không thích là loại cưỡng bách đen tối nhất. Cáng họng, bắt buộc người ta phải nuốt như vậy không thể là tốt đẹp cho bất cứ ai, bất cứ ở đâu.

Con người phải được phép trưởng thành theo đường lối nào sẽ đem lại cho họ sự mở mang tốt đẹp nhất. Mọi ép buộc nhằm khép tư tưởng vào một khuôn khổ nhất định là trực tiếp xen vào sự rộng mở tâm trí ấy. Người Phật tử xem sự dẩm chân như thế ấy là loại hẹp hòi tồi tệ nhất.

Tự thanh lọc, làm cho mình trở nên trong sạch, không phải do một nguyên lý ngoại lai nào mà chỉ đến với người tự do suy gẫm những vấn đề của chính mình mà không bị trắc trở hay chướng ngại. Những người khác có thể hỗ trợ nếu ta sẵn sàng nhận lãnh hay mong tìm được giúp đỡ. Hạnh phúc cao thượng nhất chỉ có thể đến do tự mình hiểu biết, tự mình chứng ngộ, tự mình thức tỉnh và lãnh hội chân lý. Ta phải gia công cố gắng thích nghi, phá vỡ những xiềng xích đã trói chặt chúng ta từ thủa nào và thoát đến tự do, vượt ra khỏi mọi sầu muộn bằng cách kiên trì tận lực chuyên cần, chớ không phải do nhờ trung gian của ai khác. Chư Tăng Phật Giáo không phải là những vị tu sĩ trung gian để hành lễ và cử hành những nghi thức cúng tế, không ban hành phép lành và rửa sạch tội lỗi. Một vị tỳ khưu lý tưởng không đứng ra làm trung gian giữa con người và một quyền lực siêu nhiên, bởi vì Phật Giáo dạy rằng mỗi cá nhân, dầu tăng sĩ hay thiện tín, chỉ đơn độc đảm nhận trách nhiệm thành đạt giải thoát cho mình. Do đó, không cần cầu cạnh ân huệ của một tu sĩ trung gian.

"Hành ác do ta,
Do chính ta, ta phải chịu đau khổ,
Ngưng hành động sai lầm do ta,
Trở nên trong sạch do chính ta.
Không ai cứu ta, ngoài chính ta,
Không ai có thể, và không ai có quyền năng;
Chính chúng ta phải tiến bước trên Con Ðường,
Chư Phật chỉ rọi sáng con đường."

Chính Ðức Phật, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, dạy rằng có thể giải thoát mà không cần thiết phải có một đấng cứu thế. Bằng những lời dạy và gương lành trong sạch Ngài giáo huấn lối sống chuyên cần, "Hãy gia công thành tựu giải thoát với chú niệm" (appamàdena sampàdetha) là di huấn tối hậu của Ðức Bổn Sư.

Mỗi chúng sanh là tạo hóa của mình; ngoài hành động của chính ta không thấy có tạo hóa nào khác trong thế gian. Bằng hành động ta tạo tâm tánh, cá thể, và tư cách cá nhân của mình. Tất cả chúng ta đều do mình tự tạo. Do đó Ðức Phật dạy rằng "Chúng ta là thừa kế của chính hành động của ta, là người mang theo với mình hành động của mình, hành động của chúng ta là thai bào từ đó chúng ta được sanh ra đời," (Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 135) và chúng ta phải trở nên tốt hơn, chỉ bằng cách sửa đổi hành động, tự tạo trở lại và thành đạt giải thoát, vượt ra khỏi mọi khổ đau. Có thể có phương cách nào khác chăng? Nếu xuyên qua vô minh và ái dục chúng ta mãi lạc bước, thênh thang trong đêm tối dài dẳng của vòng luân hồi mà không tự uốn nắn mình, thì làm sao có sự khác biệt lớn lao và những điểm dị đồng như thế giữa những chúng sanh mà ngày nay ta nhận thấy trong thế giới.

Giáo lý nghiệp báo (kamma), vốn là giải đáp duy nhất hợp lý nhằm giải thích toàn thể khối đau khổ gọi là thế gian, không thể bị loại bỏ. Ngoài lý nghiệp báo, tất cả những lối giải thích về kiếp sinh tồn luôn luôn biến đổi này hoàn toàn không thỏa đáng, bởi vì không chú trọng đến chức năng thật sự của phần tâm linh (nàma, danh), tuy vô hình, không thể sờ đụng, nhưng là yếu tố quyết định trong tiến trình trở thành (bhava, hữu). Nhưng khi chúng ta nhìn kiếp sống vô thường không ngừng biến chuyển này, mà phần chánh được uốn nắn do định luật nhân quả trong sắc thái tiềm ẩn của tiến trình tâm, ta hiểu biết chắc chắn rằng cái khuôn đúc tạo hình cho đời sống là vô minh, và vô số hình thức biến đổi vô thường là biểu hiện của nhiều loại ái dục đủ màu sắc, thúc giục và lôi cuốn tất cả, từ kiếp này sang kiếp khác, khởi sanh rồi hoại diệt, như bong bóng nước trong đại dương mênh mông của vòng luân hồi.

Chừng đó, ta nhận thức ý nghĩa của định luật nhân quả xuyên qua những hiện tượng trở-thành-trở-lại, tức tái sanh: chúng ta đang gặt hái những gì chính mình đã gieo trong quá khứ; đôi khi ta cũng thâu hoạch, ta biết vậy, những gì đã gieo trong kiếp sống hiện tiền. Cũng dường thế ấy, những hành động của chúng ta tại đây sẽ đúc khuôn cho kiếp sống vị lai và như vậy, chúng ta bắt đầu hiểu biết vị trí của mình trong vũ trụ huyền bí này.

Tuy nhiên, nên ghi nhớ rằng theo Phật Giáo, không phải tất cả mọi sự việc đều xảy diễn do nghiệp quá khứ. Như vậy chúng ta không nên vội vã khiển trách hay tán dương một vị Trời (Deva) hay một nhân vật tốt phước nào khi phải chịu đau khổ hay khi được thọ hưởng phước lành. Không, chí đến Ðức Phật cũng không thể cứu vớt chúng ta ra khỏi dây trói buộc của vòng luân hồi (samsàra). Mỗi cá nhân phải tự mình gia công nỗ lực cần thiết để tự giải thoát. Trong đôi tay phàm tục của chúng ta có sẵn quyền năng uốn nắn cuộc sống của ta. Một cách gián tiếp, người khác có thể giúp ta một tay, nhưng để giải thoát ra khỏi mọi đau khổ, mỗi người phải tự đặt mình trên hòn đe rồi tự mình ra công đập, uốn, giũa mài.

Chúng ta tin rằng:

"Bất luận gì con người làm,
Ðiều ấy, chính con người sẽ gặp;
Người tốt gặp điều lành; và điều xấu đến với kẻ xấu;
Và như thế, tất cả hành động đều như hột giống,
Giống nào trổ quả nấy."

Chúng ta thấy một triều đại của định luật thiên nhiên nhân và quả vô cùng tận, và không có chi khác thống trị vũ trụ. Toàn thể thế gian đều do luật nhân quả chi phối. Trọn thế giới nằm vỏn vẹn dưới quyền điều khiển và kiểm soát của luật nhân quả vô cùng tận này, hay nói cách khác, hành động và phản ứng của hành động.

Trau Giồi Nội Tâm

Con người là một tiến trình danh và sắc luôn luôn biến chuyển, và yếu tố quan trọng nhất nằm trong tiến trình tâm. Kiểm soát tâm là trung tâm điểm, là phần nòng cốt của Giáo Pháp, những lời dạy của Ðức Phật. Hạnh phúc phải được tìm ra và phải được gia công làm cho nó trở nên tốt đẹp, toàn hảo, qua những yếu tố tinh thần bên trong, tâm thức của ta. Nhưng khi mà tâm bị nhơ bẩn, thì không thể thành tựu điều chi đáng giá trong đó. Vì lẽ ấy, Ðức Phật rất chú trọng đến trạng thái trong sạch của tâm, xem đó là điều kiện thiết yếu để tạo hạnh phúc thật sự và đưa đến giải thoát ra khỏi khổ đau. Ðức Bổn Sư thường nhắc nhở chư vị đệ tử:

"Hãy tự tìm các con,"
"
Hãy thuần hóa cái tâm của các con."
--(Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, 16)

"Người dẫn thủy nhập điền đào mương cho nước chảy,
Thợ làm tên uốn nắn mũi tên cho ngay thẳng,
Thợ mộc uốn gỗ.
Bậc đệ tử thiện trí tự kiểm soát mình."
-- (Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 80)

Giữ mình, tránh những hành động tham ái và tự rèn luyện để có những hành động không-tham-ái, tức vị tha, là con đường an lạc và thật sự hạnh phúc trong giáo thuyết của Ðức Phật. Hai bài kinh do Ðức Phật thuyết giảng --Trường A Hàm số 25 và Trung A Hàm số 22 -- nói lên rõ ràng tại sao Ðức Phật ban truyền Giáo Pháp, Dhamma, giáo huấn của đạo Phật.

1. Ðức Thế Tôn đã giác ngộ. Ngài dạy Giáo Pháp để giác ngộ kẻ khác.

2. Ngài đã tự kiểm soát. Ngài dạy Giáo Pháp để người khác tự kiểm soát.

3. Ðã thành đạt trạng thái tĩnh lặng, Ngài dạy Giáo Pháp để người khác thành đạt tĩnh lặng.

4. Ðã vượt qua bờ bên kia (ogha, dòng nước ô nhiễm), Ngài dạy Giáo Pháp để giúp người khác vượt qua (đáo bĩ ngạn).

5. Ðã chứng ngộ Niết Bàn (bằng cách dập tắt ngọn lửa của ô nhiễm, parinibbuto), Ngài dạy người khác để cho họ thành tựu Niết Bàn.

Giáo Pháp, Ðạo Giáo do Ðức Phật ban truyền, không phải để học hỏi suông hay chỉ để giữ làm của riêng. Ðức Phật rõ ràng dạy rằng Giáo Pháp là phương tiện đưa chúng sanh vượt thoát qua khỏi biển trầm luân đau khổ, đại dương mênh mông của vòng luân hồi (samsàra), những kiếp sống triền miên tiếp diễn, và đến tận bờ bên kia, chắc chắn và an toàn, của trạng thái Vô Sanh Bất Diệt, Niết Bàn. Giáo Pháp như chiếc bè để đưa khách lữ hành vượt qua vùng nước lũ.

Chỉ khi nào thuần thục, không còn được phép cưỡng kháng, và đi theo đúng con đường tiến bộ trật tự chân chánh, tâm mới trở nên hữu dụng, cho cá nhân người làm chủ nó và cho xã hội. Do bản chất thiên nhiên của nó, tâm vô trật tự là một món nợ cho cả hai, người làm chủ nó và cho kẻ khác. Tất cả mọi tàn phá trên thế gian đều do những người không biết đường lối kiểm soát tâm và không biết làm thế nào để giữ thân quân bình và trầm tĩnh. Do đó Ðức Phật dạy:

"Bất luận gì mà kẻ thù có thể gây cho kẻ thù --
Người oán hận cho người oán hận --
Một cái tâm hướng về chiều ác
Có thể gây nguy hại còn to lớn hơn nhiều."
--(Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 42)

Ðối với thế gian, địa vị xã hội, giai cấp, màu da, tài sản và quyền thế, không thể là phẩm giá của một người. Chỉ có tâm tánh mới làm cho con người là vĩ đại hay xứng đáng được tôn kính. "Tâm tánh là cái gì sẽ phát lộ khi ta sống cuộc sống mạnh bạo hướng về lý tưởng và sinh hoạt khéo léo. Cũng như kim cương là chất thán tố (carbon) dưới sức ép thật cao, cùng thế ấy, cuộc đời mà được sống dưới áp lực của tình trạng tinh thần tận lực và liên tục cố gắng cũng tạo nên châu báu của nó, tâm tánh." Chính tâm tánh làm sáng chói trí tuệ (apadàna sobhinì pannà).

Con người trong hiện tại là kết quả của nhiều triệu tư tưởng và hành động liên tục tiếp diễn. Không phải tự mình đã sẵn là vậy và không còn biến đổi, con người đang luôn luôn trở thành và sẽ còn luôn luôn trở thành. Tâm tánh của con người do chính mình đã chọn và đã quyết định trước. Tư tưởng, hành động mà mình đã chọn, thói quen lặp đi lặp lại ấy, sẽ là số phận mà con người trở thành.

"Tâm sáng chói lúc ra đời, chỉ những ô nhiễm bất cẩn làm bợn nhơ (pabhassaramidam bhikkhave cittam, tam ca kho àgantukehi upallilesehi upakkilittham)", Ðức Phật dạy như vậy. Và những người khác, cùng một ý nghĩa với Phật ngôn trên, nói lên điều ấy với những danh từ khác: "Do bẩm tánh thiên nhiên chúng sanh vốn dịu hiền, nhưng vì bất cẩn ta để cho các ác pháp làm hoen ố."

Bằng cách chú tâm và suy tư chân chánh về những gì ta gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, kiểm soát những khuynh hướng xấu và kềm chế những quyến rũ, ta có thể giữ tâm khỏi bị ô nhiễm. Khó mà từ bỏ những gì phỉnh gạt và nắm giữ ta trong vòng nô lệ; và khó mà trừ khử những tà ma quỷ quái thường vãng lai khuấy phá tâm con người dưới hình thức tư tưởng bất thiện. Những ma quái ấy là biểu hiện của tham, sân, si -- lobha, dosa và moha, đạo binh gồm ba đơn vị của Ma Vương (Màra). Chí đến khi vượt đến tuyệt đỉnh cao của trạng thái hoàn toàn trong sạch bằng cách liên tục rèn luyện tâm, ta không thể trọn vẹn đánh đuổi những người chủ nhà này.

Chỉ từ bỏ suông những hình thức bề ngoài như nhịn ăn v.v..., không có chiều hướng thanh lọc con ngưòi, những điều ấy không làm cho con người trở nên thánh thiện và tránh khỏi mọi tổn hại. Pháp hành khổ hạnh ép xác là một cực đoan mà Ðức Bổn Sư bác bỏ trong Bài Pháp Ðầu Tiên, kinh Chuyển Pháp Luân, cũng như Ngài đã loại bỏ lối sống lợi dưỡng, gọi đó là thấp hèn. Tránh xa hai cực đoan ấy Ðức Phật vạch tỏ cho thế gian con đường ở giữa -- Majjhimà Patipadà, Trung Ðạo -- dắt dẫn con người đến thanh bình an lạc, giác ngộ và Niết Bàn (upasamàya, sambodhàya nibbànàya). Spinoza viết: "Những gì thường xảy ra trong đời sống và được con người quý chuộng, xem là tốt đẹp nhất, có thể thâu gọn làm ba điều, giàu sang, danh thơm tiếng tốt, và tham vọng. Ba điều này làm cho tâm vọng động đến độ khó lòng có thể nghĩ đến gì tốt đẹp khác."

Khát vọng của con người quả thật là phiền nhiễu. Tham vọng của những chúng sanh mù quáng đã gây nên sân hận và tất cả những đau khổ khác. Kẻ thù của toàn thể thế gian là tham ái, do đó tất cả mọi điều xấu đến với chúng sanh. Khi bị trở ngại vì một nguyên nhân nào, tham ái này biến đổi thành sân hận. Và con người sa vào màn lưới mà chính mình đã giăng bằng khát vọng mong tìm khoái lạc, dường như nhện, trong màn lưới của nó. Nhưng khi được rèn luyện trong giới luật, phát triển trong thiền vắng lặng, và được rọi tỏ trong ánh sáng chân lý, bậc thiện trí liên tục cắt đứt trói buộc, phá tan màn lưới. Bậc thiện trí thức xem người tự chinh phục chính mình bằng cách diệt tận khát vọng là cao cả hơn người đã chinh phục hằng muôn ngàn quân nơi trận địa.

Tiết chế không dùng chất say, và gia công chuyên cần, vững vàng củng cố hạnh nhẫn nhục và đức tánh trong sạch, bậc thiện trí rèn luyện tâm mình. Thái độ lúc nào cũng trầm tĩnh cho thấy là con người thấm nhuần văn hóa. Giữ thái độ trầm tĩnh khi tất cả mọi sự việc quanh mình đều thuận lợi thì không phải là khó lắm. Nhưng nghiêm chỉnh điềm nhiên giữa những hoàn cảnh không thuận lợi thì quả thật là khó, và chính điều khó ấy đáng cho ta cố gắng thực hành; bởi vì do công phu tự kiểm soát chặt chẽ như vậy ta xây đắp tâm tánh dũng mãnh. Tự kiểm soát là chìa khóa mở cửa đến hạnh phúc. Ðó là chúa tể của giới luật, là năng lực nằm phía sau tất cả mọi thành tựu thật sự. Hành động của người không tự kiểm soát ắt không có mục tiêu, không nhất quyết vững chắc. Và người lợi dưỡng trong nhục dục ngũ trần như vậy cũng giống như chim gõ kiến thèm khát, ăn cây mã đề hoang dại đến lâm trọng bịnh. Người xưa có lời dạy:

"Nếu mãi nghĩ ngợi về nhục dục ngũ trần,
Ðiều này làm khởi sanh sức quyến rũ;
Từ năng lực quyến rũ tăng trưởng tham vọng;
Tham vọng bật cháy lòng khát khao mãnh liệt;
Khát vọng sanh buông lung, không thận trọng;
Rồi từ đó quên tất cả
Ðể cho mục tiêu cao cả ra đi
Và ngấm ngầm phá hoại tâm,
Cho đến khi mục tiêu, tâm và con người,
Tất cả đều hư hoại."

Vì thiếu kiểm soát mà trong tâm phát sanh đủ loại xung đột lẫn nhau. Muốn loại trừ xung đột ấy, ta phải kềm hãm lòng khát khao thèm muốn và nỗ lực sống cuộc đời tự chế và trong sạch.

"Thông thường chúng ta mãi bị trói buộc quá nhiều vào giác quan và trần cảnh, chúng ta chỉ sống trong thế gian vật chất mà lãng quên tiếp xúc với năng lực bên trong. Tuy nhiên, phải tập ẩn rút vào những thực tại bên trong. Bằng cách ẩn rút vào im lặng ta có thể học hỏi phương thức nhằm chế ngự những nhược điểm và những thiếu sót của kinh nghiệm bình thường. Không làm vậy cuộc sống của chúng ta thiếu ý nghĩa, không mục tiêu, thiếu hướng đi và không nguồn cảm hứng."

Không phải bao nhiêu luận lý và tranh biện về phương cách hoàn bị cải thiện đời sống mà dẫn chúng ta đến mục tiêu mong mỏi. Không phải bao nhiêu suy cứu hay khảo sát mà đem ta một tấc đàng đến gần đích hơn. Nhưng mỗi hành động thật sự buông bỏ và tách rời, xa lìa những đối tượng đã kích thích lòng khát khao, vốn dẫn dắt ta đi sâu vào đêm tối của vô minh và lừa phỉnh, đưa chúng ta vào tròng nô lệ của chúng, sẽ đưa chúng ta đến đích, đến hạnh phúc, đến thanh bình an lạc.

Không có gì mơ hồ trong giáo huấn của Ðức Phật. Ðã hiểu biết điều gì xấu là xấu, và điều gì tốt là tốt, tại sao cần do dự, không nhất quyết tránh điều xấu và mạnh dạn tiến bước trên con đường tốt? Theo trí minh mẫn sáng suốt của người Phật tử, họ không thể làm gì khác hơn là trau giồi điều tốt và lánh xa điều xấu. Ðối với người Phật tử, hành thiện là điều không thể không làm, nếu họ thông hiểu lời dạy của Ðức Bổn Sư:

Sabba pàpassa akaranam
Kussalassa upasampadà
Sacitta pariyodapanam
Etam Buddhànasàsanam.

"Gác bỏ qua mọi ác pháp
Không bỏ sót thiện pháp nào không làm,
Gội rửa tâm trong sạch --
Ðó là giáo huấn của các bậc Toàn Giác."
(Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 183)

Dầu sao, mỗi người có thể chiến thắng nếu họ muốn. Tất cả chúng ta không thể là chánh khách, nghệ sĩ hay triết gia vĩ đại, nhưng quan trọng hơn, nếu muốn vậy, chúng ta có thể là người tốt.

Lắm khi những cố gắng của chúng ta để thành đạt trạng thái toàn hảo không thành công viên mãn. Nhưng thất bại không quan trọng, ngày nào mà ta còn thành thật quyết tâm nỗ lực. Không ai bỗng nhiên nhảy vọt đến tận tuyệt đỉnh núi cao. Chúng ta leo từng bậc. Như người thợ bạc thiện xảo, từng chút, từng chút, thổi đi bợn nhơ của vàng, con người phải kiên trì, gia công thanh lọc đời sống mình, gạn lọc những ác pháp. Một em bé tập đứng và dần dần bước đi một cách khó nhọc. Cùng thế ấy, trong cuộc diễn hành đến trạng thái tuyệt hảo, tất cả những người lớn cũng di chuyển từng giai đoạn đến thành công cuối cùng, xuyên qua những thất bại lặp đi và lặp lại.

Con đường mà Ðức Phật chỉ vạch để chúng ta trau giồi tâm và làm cho tâm lớn mạnh là pháp hành thiền. Ðó là phương cách thận trọng phát triển tâm, nhằm thâu hoạch thành quả tuyển chọn, hạnh phúc tuyệt đối và an nghỉ tối thượng, không còn mảy may vương víu tới những phiền nhiễu của cuộc sống. Ðó là con đường luôn luôn giữ chánh niệm, không ngừng ghi nhận tất cả những hành động của mình. Trông chừng và hay biết đầy đủ, đó là yếu tố đưa pháp hành thiền đến viên mãn. Người mà lúc nào cũng giữ chánh niệm và tự hay biết mình, người ấy đã ở ngưỡng cửa của trạng thái Vô Sanh Bất Diệt -- Niết Bàn.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01.a | 01.b | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
 10.a | 10.b | 10.c | 11 | 12.a | 12.b | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18.a | 18.b

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-10-2002