BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


HỆ PHÁI NAM TÔNG - THERAVÀDA

KINH NHẬT TỤNG CỦA CƯ SĨ

TỲ KHEO TĂNG-ÐỊNH HỢP SOẠN


  

IV - NGHI THỨC VÀ LỄ GIÁO CỦA PHẬT TỬ TẠI GIA
(Gihii Puujaasikkhaapadavidhii)

Tiến Sĩ Tỳ Kheo DŨNG CHÍ


NGHI THỨC VÀ LỄ GIÁO CỦA PHẬT TỬ TẠI GIA
(Phần này trích bài soạn của Tỳ Kheo Dũng Chí)

Trong gia đình, người con phải chu toàn bổn phận, phải cư xử với mọi người nhất là những bậc sinh thành, như cha mẹ, thế nào cho đúng cách của một người con lễ giáo. Trong xã hội một người công dân tốt phải hành xử sao cho vẹn toàn mọi bổn phận trung quân ái quốc. Trong mọi lãnh vực chúng ta đều phải theo đúng qui tắc, khuôn thước lễ giáo riêng, để hành theo cho thành một người trọn vẹn. Xét về lãnh vực tôn giáo, thì vấn đề lễ nghi đối với Phật tử chân chính rất quan trọng, nếu người Phật tử biết tôn kính chư Tăng, xử sự cho hợp lẽ đạo đúng nghi thức, lúc nào cũng vâng lời và giữ đúng cương vị của mình thì mục đích cao thượng mới đoạt thành. Mặt khác vui thích trong việc học đạo, làm phước và dẫn dắt mọi người để có cùng chung một lý tưởng, có thế trí tuệ ta mới phát sinh và mới có thế giữ vững mức quân bình giữa cuộc sống tinh thần và vật chất hiện tại.

Nói về nghi thức trong các buổi lễ dành riêng cho tín đồ, ta nhận thấy hầu hết các tôn giáo nhỏ lớn đều có. Nhưng khác hẳn các tôn giáo ấy, đạo Phật có những nghi lễ thường thức rất giản dị, bởi theo kim chỉ nam của đạo thì càng giản dị càng tốt. Ðạo Phật không quan trọng hóa tha lực mà tin tưởng ở tự lực, chỉ có tự lực mới tìm ra chơn lý. Sở dĩ có một số nghi thức giản dị là vì để đáp ứng cho tinh thần vị tha của người Phật tử, mà không ngoài chính tín và bất vụ lợi. Chúng tôi xin tuần tự trình bày một cách khiêm tốn những phần nghi thức và lễ giáo sau đây

PHẦN NGHI THỨC

NGHI LỄ QUY Y

Lễ quy y theo Phật giáo là một buổi lễ tổ chức đơn giản cho cá nhân hay tập thể, xin gia nhập vào hàng ngũ Phật tử. Lễ này có thể tổ chức tại gia, chùa chiền và bất cứ ngày giờ nào không nhất định, lúc nào chúng ta muốn nương theo Tam Bảo, vui thích và trong sạch để được trở thành một người Phật tử chơn chánh. Trước hết chúng ta cung thỉnh một vị sư hay chư Tăng đến dưới chân Phật đài, xin thọ phép quy y Phật, Pháp, Tăng. Khi đối diện chư Tăng người quy y phải đọc bài quy y: "Bạch hóa chư Ðại Ðức Tăng tôi là người thiểu trí lầm lạc... (Xin xem quyển kinh Nhật Hành của Hòa Thượng Hộ Tông.)", kế đó vị sư hướng dẫn người quy y học theo câu lễ Phật, rồi tuần tự đọc lời nguyện quy y Tam Bảo "Tôi đem hết lòng thành kính xin quy y Phật..." Sau khi đã thọ phép quy y xong rồi, vị sư đại diện cho Tăng Bảo sẽ hướng dẫn người quy y tụng theo lời thệ nguyện thọ trì ngũ giới.

Cuối cùng vị sư giảng giải sự lợi ích của sự nghiêm trì giới luật cũng như khuyến khích Phật tử nên duy trì cho được trong sạch, vì khi đã quy y thọ giới rồi là chúng ta đã trở nên một người Thiện nam hoặc Tín nữ tức là con hoặc đệ tử Phật, thì giới luật phải chấp nhận và nghiêm trì suốt đời, khi đã giảng về sự lợi ích của giới luật xong, vị sư tụng bài kinh phúc chúc cho tân đệ tử được dồi dào sức khỏe, tu hành tinh tấn. Sau đó Phật tử đọc lên bài hồi hướng phước báu phát sinh do lòng trong sạch của mình đến chúng sanh.

Nói đến một người Phật tử đúng nghĩa trong Phật giáo, là người phải được quy y và thọ giới trước Phật đài có chư Tăng chơn chánh chứng minh. Vì đạo Phật quan niệm giới luật đóng vai một vai trò rất quan trọng, cũng như lời răn dạy của cha mẹ trong gia đình vậy. Trong Phật giáo, ngoài những giới luật mà chư Tăng phải nghiêm trì, Ðức Phật còn lưu ý đến hàng tại gia cư sĩ, cần có giới luật để duy trì và nhớ rằng mình đã quy y Tam Bảo nên tuyệt đối thi hành giới cấm, khi có sự sân hận, lòng muốn giết hại chúng sanh, thì giới luật là giáo điều ngăn trở không cho chúng ta vi phạm, được vậy tam quy mới bảo đảm và duy trì.

NGHI THỨC LỄ BÁI TAM BẢO

Lễ bái Tam Bảo là một nghi thức công phu sáng chiều ở tại chùa chiền, tư gia và những nơi công cộng trong các buổi lễ Phật giáo. Dưới chân Phật tổ hay trên lễ đài phải được trang hoàng theo nghi thức Phật giáo chơn truyền, nghĩa là ta chỉ tôn thờ duy nhất một tượng Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Những vật cúng dường được bày trước tượng ảnh Phật tổ là hương, đèn và bông hoa, ngoài ra chúng ta không nên dâng những vật thực để cúng dường.

Trở lại vấn đề lễ bái, trước hết chúng ta đảnh lễ 3 lần, rồi bắt đầu tụng những bài kinh được phổ thông áp dụng như sau:

- Bài kinh dâng hoa cúng Phật (Phạn, nghĩa).
- Lễ Phật (đọc 3 lần).
- Lễ bái Ân Ðức Phật, Ân Ðức Pháp, Ân Ðức Tăng (Phạn, nghĩa).
- Rải tâm từ bi
- Hồi hướng phước báu đến tất cả chúng sanh (Xem quyển Nhật Hành của Ngài Hộ Tông.).

Trên đây là nghi thức giản tiện nhất được phổ thông áp dụng khắp thế giới theo Phật giáo Nam Tông và rất đúng theo chánh pháp.

NGHI LỄ THỌ NGŨ GIỚI, BÁT QUAN TRAI GIỚI

Nghi thức thọ giới của người cư sĩ chia làm hai phần:

a) Nghi thức được chưng bày cho người Phật tử xin thọ trì ngũ giới, sự trang hoàng và lễ vật rất giản dị, Phật tử khi thọ giới có vài điều kiện nhu:

- Hết lòng thành kính Tam Bảo.
- Tùy khả năng, mua sắm chút ít hương, hoa đến chùa cúng dường Ðức Phật.
- Thành kính cung thỉnh chư Tăng đến trước Phật đài.

Ngũ giới người Phật tử có thể thọ bất cứ lúc nào cũng được. Song theo thói thường thì lễ thọ ngũ giới được bắt đầu vào trước mọi cuộc lễ, những cuộc lễ ấy như: lễ cầu an, cầu siêu, trai Tăng, thuyết pháp v.v... Bởi theo Phật giáo người Phật tử trước khi làm việc gì phải nghĩ tới giới hạnh của mình, vì vậy mà người Phật tử xin thọ trì giới hạnh cho trong sạch khi bắt tay vào việc, để hòa điệu với thời gian công tác phước thiện.

Người thọ giới cũng có thể cung thỉnh chư Tăng về tư gia hành lễ. Phật tử khi thọ trì ngũ giới nên đọc bài cung thỉnh chư Tăng truyền giới: "Bạch hóa Chư Ðại Ðức Tăng chúng tôi xin thọ trì ngũ giới...(Xin xem quyển Nhựt Hành của Ngài Hộ Tông.)". Ðiều cần yếu là họ phải thật tâm thệ nguyện trước Tam Bảo có chư Tăng chứng minh, dù bất cứ hoàn cảnh nào, hay gặp những biến cố tai hại đến đâu cũng nguyện một lòng trung thành với lời nguyện.

b) Nghi thức thọ trì Bát quan trai giới cũng tương tự như trên, Bát quan trai giới có hai lối thọ trì:

- Phật tử nguyện thọ trì Bát quan trai kỳ một tháng 8 ngày.
- Nguyện thọ bát quan trường, tức suốt đời gìn giữ Bát quan trai hay còn gọi là trường trai.

Ðến ngày giới người Phật tử khi thọ trì phải đọc bài xin thọ Bát quan trai giới: "Bạch hóa chư Ðại Ðức Tăng con xin thọ trì tam quy và Bát quan trai giới...." Có điều bất cứ nghi lễ nào, không chỉ lễ thọ giới, bao giờ cũng dành nơi danh dự cao ráo cho chư Tăng an tọa, vì chư Tăng là một trong ngôi Tam Bảo, chúng ta cần phải tôn kính.

NGHI THỨC THỜ PHƯỢNG TẠI GIA

Ngày xưa người Việt Nam ta tin tưởng rằng hình tượng Phật mà họ thờ phuuợng đều có quyền năng ban bố phước lành, hành phạt con người. Vì thế ông cha ta không dám cho thờ phuuợng hình ảnh Phật tại tư gia, cho rằng nhà thế tục thường có bệnh hoạn, ô uế, e có tội với đấng thiêng liêng.

Nhưng ngày nay khi Phật tử học hỏi giáo lý cao siêu của nhà Phật được chu đáo và sâu rộng, nên ta đã hiểu rõ thế nào là tội phước. Riêng sự thờ phuuợng tại gia không có gì là trở ngại cả. Hình tượng chỉ là những vật vô tri vô giác, không có gì gọi là linh thiêng đáng sợ. Song, có sợ chăng là ở chổ kim ngôn quí báu của Ngài được tôn kính đúng đắn hay không. Ta là Phật tử con của Phật, tại tư gia có tôn thờ hình ảnh Ngài là để những khi trong gia đình có chuyện gì, hay lo sợ, ngước lên bàn thờ, ta nhìn thấy gương mặt từ bi của Ðức Phật thì sự lo đó cũng bớt đi phần nào, cũng như những lúc ta cảm thấy có gì hơi lỗi đạo, nói năng cộc cằn, chửi rủa nhau hay đánh đập, âm mưu hãm hại kẻ khác là điều không xứng đáng đối với người con Phật. Hằng ngày khi ra vào ta nhìn thấy gương mặt từ bi vô lượng của Chí Tôn, ta cũng cảm thấy biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, ta sẽ không dám hành động những điều sai trái với lương tâm.

Cách thờ phuuợng thì ta nên thiết lập bàn thờ Phật ngay giữa nhà, nơi danh dự và trịnh trọng nhất, nơi ấy cũng phải cao ráo hơn các bàn thờ tổ tiên. Trên bàn thờ chỉ được tôn thờ một vị Thích Ca mà thôi, trước là một lư hương, bên cạnh là một bình hoa, cùng hai chưn đèn nến là đủ. Nên lưu ý theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận dùng chuông mõ, vì vậy không cần thiết phải sắm những vật không hợp lệ này.

LỄ SÁM HỐI LỆ

Theo nghi thức Phật giáo Nam Tông thì mỗi tháng có hai kỳ Sám hối, đó là ngày 14 và 30, nếu tháng thiếu thì 14 và 29. Ðây là một trong các phương pháp Sám hối, nó có tác dụng nhắc nhở cho chư Phật tử biết rõ điều nào là tội lỗi, điều nào nên tránh, điều nào nên làm, và như thế nào để gìn giữ thân khẩu ý cho trong sạch.

Có lẽ trong chúng ta ai cũng sẽ có một nghi vấn về vấn đề này thì phải? Ðúng vậy, vì lẽ Sám hối lệ đọc lên bài Sám hối vào những ngày nhất đinh như đã ghi ngày 14, 29, 30, thì chỉ có ở Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam mà thôi, chứ các nước cùng một tôn phái không có lễ này. Phật tử thay vào đó những ngày giới Bát quan, những ngày bát giới rất quan trọng đối với các hàng tín đồ Phật giáo thế giới. Phật tử vào những ngày ấy thường mang vật thực đến chùa, làm lễ trai Tăng và sống suốt thời gian nghiêm trì bát giới 24 tiếng đồng hồ tại chùa.

Như vậy, nghi lễ sám hối ta có sai chơn truyền chánh pháp hay không? Xin thưa là hoàn toàn không sai, có lẽ quí Ngài truyền giáo nghĩ rằng trong những ngày trên là ngày sám hối và làm lễ Phát lồ của chư Tăng có trong kinh Luật. Thế thì thiết tưởng ngày sám hối, để Phật tử tại gia có dịp chính mình thốt lên bằng khẩu trước Phật đài lời sám hối tội lỗi. Cũng nhờ cơ hội như thế để Phật tử tập họp đến chùa nghe kinh thính pháp hầu sớm lãnh hội được chơn lý.

Còn vấn đề sám hối có hết tội hay không là còn tùy ở sự ăn năn hối lỗi của đương sự. Nếu chúng ta hối hận và làm lành trở lại thì đó cũng là một phương pháp giúp ta không tái phạm nữa.

Nghi thức lễ sám hối thì chẳng có chi rườm rà cả, trong những ngày kể trên, sau khi lễ Phật quí Phật tử chỉ cần đọc bài sám hối và nguyện từ nay sẽ không dể duôi để bị tái phạm những điều tội lỗi (nếu có).

NGHI LỄ THUYẾT PHÁP

Theo Phật giáo thì sự hoằng pháp độ sanh là một vấn đề tối cần cho nền đạo giáo. Có sự thuyết pháp giảng đạo thì quảng đại quần chúng mới được hấp thụ giáo lý từ bi vô lượng của nhà Phật. Nên các Giáo hội Phật giáo đã và đang đặt vấn đề phổ biến giáo lý được phổ cập khắp nơi, khuyến khích mọi người Phật tử ý thức việc thuyết pháp giảng đạo là một trong những điều trọng yếu để phổ biến và sự hiểu được phước báu của việc truyền bá Phật pháp.

Nên muốn được thông hiểu dồi dào trí tuệ, người Phật tử trước hết cần phải có sự tôn kính Pháp Bảo. Khi tổ chức thuyết pháp ta cần trang hoàng nơi pháp tọa được cao ráo, sau đó tuần tự những nghi thức chúng ta phải thực hiện như:

- Khi thỉnh Pháp sư an tọa, Phật tử đảnh lễ 3 lần.
- Ðọc bài xin thọ trì tam quy ngũ giới hay Bát quan trai giới.
- Khi Pháp sư đã truyền giới xong, chư Phật tử đọc bài cung thỉnh Pháp sư. (Xin xem quyển Nhựt Hành của Ngài Hộ Tông)
- Khi Pháp sư thuyết pháp xong Phật tử đọc sám hối Phật, Pháp, Tăng, vì e thân, khẩu, ý, bất tịnh trong khi nghe pháp.
- Kế đến Pháp sư phúc chúc, sau khi xong chư Phật tử hồi hướng phước báu đến các bậc ân nhân và tất cả chúng sanh.

Trên đây là nghi thức rất giản dị, song người Phật tử cũng cần phải thông hiểu. Chúng tôi hy vọng rằng dù sao cũng giúp ích quý vị một vài ý niệm về nghi lễ truyền đạo theo nhà Phật.

NGHI LỄ NHIỄU PHẬT

"Nhiễu Phật" tiếng Sanskrit gọi là Pradaksina, trong quyển kinh Mahaavessantarajaataka hay Mahaajaataka (Chương Juujaka), Pradaksina hay nhiễu vòng, là sự tỏ lòng cung kính hay thương yêu, đi nhiễu chung quanh người hay vật ba vòng. Xưa kia có vị Bà La Môn tên là Juujaka (Juujaka tên một vị hành khất Bà la Môn có trong sự tích Mahaavessantarajaataka. Ông là 1 kẻ tham ăn quá độ, 1 hôm vì thọ thực quá nhiều, bể tung dạ dày chết tại chỗ. Bởi lòng quá tham lam sau khi chết Ông còn bỏ lại nhiều tiền của, do Ðức Vua Srii Saijaya xuất cho Ông để chuộc lại KarisnaPaajalaa.) của xứ Kaalinga. Ông Juujaka là người rất thương vợ, để chứng tỏ sự yêu thương đó, trước khi ông rời khỏi nhà ông đã đi nhiễu ngôi nhà và vợ ông ta là nàng Amittataapanaa ba lần rồi mới ra đi, trong chuyến đi đến Bồ tát Vessantara để xin hai đứa con của vị Bồ tát là Krisna Paajaalaa đem về làm tôi tớ phụng sự bà vợ (Juujaka VI. 521 - 4).

Do tích của vị Bà La Môn thời Ðức Thế Tôn còn tại tiền, là một mẫu chuyện điển hình cho sự tôn kính người hay vật đáng tôn kính thời xưa, cho nên về sau Phật tử Ấn Ðộ và các nước Phật giáo trên thế giới thấy việc làm có ý nghĩa nên chấp nhận và phổ biến.

Ngày nay chư Tăng và Phật tử bốn phương nhiễu Phật đi ba vòng ngôi chánh điện, điển hình như: Lễ dâng y Ca sa, lễ xuất gia, thiện nam tín nữ thường đội y, bát, tứ vật dụng đi nhiễu chung quanh chánh điện để tỏ lòng tôn kính Ðức Phật, Pháp Bảo và chư Tăng, trước khi đem vào chánh điện cúng dường, vậy chúng ta nên hiểu rõ nghi lễ nhiễu Phật chỉ là môt phong tục của người Ấn Ðộ thời xưa chứ không phải theo kinh luật.

LỄ AN VỊ PHẬT

An vị Phật là một nghi thức do các hàng tín đồ xưa tổ chức là một nghi lễ rất rườm rà, lắm khi sai lệch tôn chỉ từ bi và giáo lý chơn truyền của Ðạo Phật, điển hình như: làm lễ khai nhãn, hay truyền oai lực từ tượng Phật cũ sang tượng Phật mới v.v... đây là những việc làm không cần thiết và không liên quan đến việc thực hành theo giáo lý của Ðức Phật.

Tại sao chúng ta thờ phuuợng và lễ bái Ðức Phật, trong khi Ngài không có mặt để thọ lãnh sự lễ bái đó, mà chỉ là một hình tượng vô tri vô giác. Ðứng trước pho tượng Phật người Phật tử chỉ hồi nhớ lại những đặc tánh của Ngài, chúng ta phải tri ân vì Ngài đã khám phá chơn lý và vạch ra con đường giải thoát cho chúng sanh. Do đó không có việc xem tượng Phật là một thần linh cần phải truyền oai lực.

Vậy người Phật tử muốn làm lễ an vị Phật, chỉ cần thỉnh tượng Phật về tư gia, tịnh xá, niệm Phật đường hay chùa chiền, an vị một nơi trang nghiêm và thỉnh chư Tăng chứng minh lòng thành của mình đối với Tam Bảo bằng thân, khẩu, ý, cúng dường đến chư Tăng sau khi các vị tụng kinh như: Lễ bái Tam Bảo, Phật cảm thắng ma vương... Ðó là một cách an vị Phật rất giản dị và đúng theo nghi thức Phật giáo.

LỄ DÂNG CÚNG TÀI SẢN CHÙA, ÐẤT, VẬT DỤNG

Cũng như các cuộc lễ dâng cúng như y phục, vật thực, chỗ ngụ và thuốc ngừa bệnh, chư Tăng cũng có quyền thọ nhận tài sản của chư Phật tử như: Ðất đai, chùa chiền, cốc liêu v.v...

Người Phật tử vì tin rằng Tăng là phước điền của nhân loại, thì với lòng trong sạch khi họ có bất cứ vật dụng nào mà chư Tăng thọ dụng được, và có lợi ích cho Tăng già, thì họ sẵn sàng cúng dường. Vì đó cũng là một cách dứt bỏ lòng bỏn xẻn dâng cúng tài sản đến chư Tăng. Người Phật tử tin rằng khi dứt bỏ tài sản mà mình quí mến thì sẽ giúp cho tâm dứt được lòng keo kiệt mắc dính với tài sản. Mặt khác sẽ được phước báu do công lao của họ tạo nên, hầu gặt hái được phước lành, hồi hướng đến thân nhân quyến thuộc đã quá vãng cũng như còn tại tiền được những phần phước cao quí.

Nhưng tài sản dâng cúng như cốc, liêu đến chư Tăng cũng phải làm đúng theo luật lệ nhà Phật, nghĩa là: phải đúng thước tấc bề ngang, bề dọc như luật dã quy định. Khi dâng cúng người Phật tử phải đến trước Phật đài và phải có chư Tăng chứng minh người Phật tử đọc lên bài dâng cúng và hài tên trước chư Tăng những vật mình hiến dâng cho Tam Bảo bằng Paali hay nghĩa.

LỄ THỌ ÐẦU ÐÀ

Tiếng "Ðầu Ðà" âm từ Phạn ngữ Dhuta"nga nghĩa là: Chi pháp của người dứt phiền não. Có 13 pháp đầu đà dành cho các vị Tỳ Khưu tinh tấn hành đạo:

1- Mặc y xấu.
2- Mặc Tam y.
3- Thường xuyên đi khất thực.
4- Ði khất thực từng nhà.
5- Khi thọ thực chỉ ngồi dùng một chỗ.
6- Thọ thực trong bát.
7- Không dùng vật thực mình đã từ khước không nhận.
8- Trú ngụ trong rừng.
9- Trú ngụ gần dưới cội cây.
10- Ngụ nơi đồng trống.
11- Ngụ nơi mộ địa.
12- Ngụ nơi Tăng đã cho phép ở đầu tiên.
13- Ngăn oai nghi nằm.

Ðầu Ðà là phương pháp hành đạo dành cho chư Tỳ Khưu Tăng, là một lối tu tích cực, mục đích giúp cho thiền định có hiệu lực nhiều. Bởi càng thu thúc trong giới hạnh và đề mục thiền định, con người càng định tâm được dễ dàng. Nhưng về sau các hàng cư sĩ khi hành thiền định cũng đem một phần trong phương pháp đầu đà ấy ra áp dụng. Như thọ đầu đà ngăn oai nghi nằm, vì Phật tử tại gia cũng gặt hái được nhiều kết quả trong pháp thiền quán, nên nay đã được phổ thông áp dụng cho mọi giới Phật tử. Nhất là áp dụng vào hai ngày Ðại lễ kỷ niệm là rằm tháng giêng và rằm tháng Tư... Trong những ngày ấy Phật tử thường tổ chức một đêm không ngủ không nằm, chỉ đi đứng và ngồi để kệ kinh, luận đạo, tham thiền hầu suy xét công đức sâu dày của Ðức Phật. Ðây cũng là phương pháp cúng dường Phật một cách cao thượng và trau dồi cho thân tâm trở nên thanh tịnh.

PHƯƠNG PHÁP THỌ ÐẦU ÐÀ

Khi đức Thế Tôn còn tại tiền, chư Tăng phải đến trực tiếp thọ Ðầu đà với Ðức Phật. Ðến khi đ?c Thế Tôn viên tịch, nghi thức thọ trì Ðầu đà được các đại Thinh Văn phụ trách, khi chư đại Thinh Văn không còn, lễ thọ Ðầu đà do các bậc A La Hán, A Na Hàm, Tư Ðà Hàm, Tu Ðà Huờn truyền giáo. Sau đó lễ thọ Ðầu đà do chư phàm Tăng giáo truyền đến những Phật tử nguyện thọ, Phật tử cũng có thể tự phát nguyện trước Phật đài.

Ðầu đà có ba bậc, lời nguyện thọ trì như sau:

- Bậc hạ: Tôi xin nguyện thọ trì hạnh Ðầu đà bậc hạ, ngăn oai nghi nằm (có thể dựa vào giường, ghế v.v...).

- Bậc trung: Tôi xin nguyện thọ trì hạnh Ðầu đà bậc trung, ngăn oai nghi nằm (được phép dựa).

- Bậc thượng: Tôi xin nguyện thọ trì hạnh Ðầu đà bậc thượng, ngăn oai nghi nằm (ngồi không dựa).

Ba phép này hành giả không được phép nằm trước khi mặt trời mọc, ngược lại gọi là đã phá phép Ðầu đà mà mình đã nguyện thọ trì.

LỄ DÂNG Y (KA.THINA)

Lễ này được tổ chức một năm chỉ có một lần từ ngày 16-9 đến 15-10 âm lịch. Nếu có thí chủ phát tâm trong sạch, muốn tổ chức lễ dâng y đến chư Tăng ở chùa nào, thì phải đến bạch với vị trụ trì ấy biết. Thí chủ trở về lo sắm y và các lễ vật phụ tùng như: mùng, mền, chiếu, gối và thuốc ngừa bệnh v.v... Một buổi lễ trai Tăng và bữa cơm thân mật của chư Phật tử tùy theo khả năng của thí chủ, còn nếu gia cảnh túng thiếu thì thí chủ có thể mua một ít vải về làm lễ dâng y cũng được. Với tâm trong sạch vui thích thì phước báu cũng bằng nhau, ngoài ra chúng ta cũng có thể rủ bạn bè tổ chức lễ dâng y, thì phước báu càng tăng thêm. Ðến ngày lễ thí chủ đem lễ vật đến chùa rồi chia ra mọi người mỗi phần đội đi nhiễu Phật ba vòng. Cách nhiễu Phật thì thường thường ta cho người đội Ðại y đi trước, kế bình bát, đến y vai trái sau đến lễ vật phụ tùng, nếu không còn vật chi chúng ta có thể cầm nhang, hoa xếp thành hàng đi nhiễu Phật ba vòng chung quanh chánh điện, giữ tâm vui thích với phước báu mà mình đang làm, và vừa đi vừa đọc bài kệ dâng y Ca sa (Bài kệ đã được phỏng theo Phật ngôn và phổ biến rộng rãi trong giới Phật tử Nam Tông). Sau đó đem y và các vật phụ tùng vào chánh điện, thỉnh chư Tăng và xin thọ tam quy, ngũ giới, xong rồi đọc bài dâng y như sau:

"Maya.m bhante ima.m ka.thina dussa.m sapparikkhaara.m bhikkhu sa"nghassa dema amhaaka.m diigharatta.m atthaaya hitaaya sukhaaya. Dutiyampi, Tatiyampi."

Nghĩa: "Bạch hóa chư Ðại đức Tăng chúng tôi xin thành kính dâng y Kathina này đến chư Ðại đức, cầu xin chư Ðại đức nhận lãnh cho chúng tôi được sự tấn hóa, sự lợi ích và sự bình an lâu dài. Lần thứ nhì, lần thứ ba".

Sau khi dâng cúng đúng luật lệ xong, chư Tăng hành lễ Tăng sự đứng theo luật, trước Phật đài nơi có kiết giới để thọ dụng y Ca sa. Ðây là một cách cúng dường đúng theo luật tạng, thí chủ sẽ hưởng được nhiều phước báu.

LỄ THÀNH HÔN

Hôn lễ theo Phật giáo, thông thường trước ngày chánh lễ, Phật tử cung thỉnh chư Tăng về tư gia trai Tăng, hoặc có thể đến chùa để cử hành hôn lễ.

Hôn lễ khởi đầu Phật tử lễ bái Tam Bảo, xin thọ trì Tam quy, ngũ giới, kế đó chư Tăng tụng kinh phúc chúc, nhất là Hạnh Phúc kinh, sau đó vị Pháp sư thuyết Pháp đại ý nêu lên gương sống lý tưởng trong gia đình, nhiệm vụ chồng đối với vợ và vợ đối với chồng theo kinh điển nhà Phật.

Sự cử hành hôn lễ tại chùa có rất nhiều sự lợi ích là: Ðôi tân hôn được chiêm ngưỡng dung nhan của Ðức Phật, cung thỉnh chư Tăng đến quy y, trì giới, để thực hành phận sự của người tại gia cư sĩ đúng đắn. Khi có sự buồn phiền trong gia đình hay muốn làm tội, nhớ ngày thành hôn tại nơi tôn nghiêm và những lời dạy của chư Tăng dưới Phật đài, mà không dám vi phạm điều tội lỗi.

LỄ MA CHAY

Mỗi khi trong gia đình có người lâm chung, tang quyến cung thỉnh chư Tăng quang lâm đến tư gia hoặc đến nghĩa địa để làm lễ cầu siêu độ. Thoạt tiên chư Tăng tụng kinh lễ bái Tam Bảo, thiện tín xin thọ trì ngũ giới, kế đó tang quyến mang vải trắng đến đắp lên nhục thân người quá váng để chư Tăng tụng kinh cầu siêu, và nhận lãnh vật dụng ấy.

Sau đó chư Tăng tụng kinh thích hợp với hoàn cảnh đại ý như:

"Tất cả các vật hữu lậu đều là vô thường.
Sanh lên và diệt hoại, đó là bản chất của tất cả.
Sanh ra kiếp chúng sanh rồi, nối tiếp hành trình.
Thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, là hạnh phúc tối thượng "...

Sau khi tụng kinh xong, vị Pháp sư thuyết pháp, ngụ ý nhấn mạnh đến tánh cách vô thường của vạn hữu. Tất cả chúng sanh, người lúc thiếu thời, người trưởng thành, cũng như lúc tuổi hạc đã cao tất cả đều phải chết, chúng sanh đều có sự chết là điểm cuối cùng.

Cuối cùng Phật tử hồi hướng phước báu đến người quá vãng như:

"Xin hồi hướng công đức này đến thân quyến tôi.
Ước mong các bậc ân nhân được thọ hưởng".

LỄ GIỖ TỔ

Giỗ tổ là phong tục tế lễ ông bà trong những ngày kỵ cơm. Hằng năm cứ đến ngày giỗ ông bà cha mẹ đã quá vãng, thì con cái trong gia đình tổ chức ngày lễ giỗ. Theo tục lệ người Việt Nam, cứ đến ngày ấy là con cháu đến nhà một người chỉ định trông nom phần hương khói để làm mâm cao cỗ đầy, đem lên bàn thờ và cùng nhau cúng vái.

Nhưng đối với Phật giáo thì Ðức Phật dạy Phật tử nên làm phước cúng dường đến chư Tăng, nhờ tạo được phước lành ấy, rồi hồi hướng đến ông bà cha mẹ, như vậy người quá váng có thể thọ nhận phần phước ấy. Nếu họ bị sa đọa thì sẽ được vơi bớt phần đau khổ ở cảnh địa ngục, bằng họ được sanh vào cõi an vui thì nhờ phần phước ấy họ sẽ được tăng thêm phần phúc huệ. Nhưng người Phật tử nên lưu ý sự hồi hướng phước báu đến người quá cố, không phải dợi đến ngày kỵ cơm, mà bất cứ ngày nào chúng ta tạo được phước lành, cũng có thể hồi hướng đến người ở bên kia thế giới. Vì Ðức Phật không cho sự tế lễ theo phong tục là có lợi, làm như thế người quá vãng chẳng được biết, nghe những điều ấy, việc làm đó chẳng qua là chúng ta tụ họp để tổ chức một buổi tiệc vui trong gia quyến. Ấy là không nói đến những buổi tiệc có sát sanh làm cỗ, rượu chè say sưa, đó là việc chẳng những vô ích đến người quá cố còn tạo thêm nhiều tội lỗi.

LỄ CẦU SIÊU ÐỘ

Buổi lễ tổ chức có thể thỉnh chư Tăng đến tư gia để tụng kinh cầu siêu cho những người quá vãng, không giới hạn thời gian. Buổi lễ cũng có thể tổ chức vào lúc Tang lễ đang tiến hành, khi quan tài của người quá vãng đang còn quàng tại tư gia, Niệm Phật đường hay chùa chiền.

Ta nên lưu ý trong những buổi lễ cầu siêu, chư Tăng sẽ tụng niệm những gì để cầu siêu cho người quá cố. Ở điểm này chúng ta nên hiểu rằng chư Tăng chỉ tụng những bài kinh như: năm điều quán tưởng, vô thường khổ não vô ngã v.v... mục đích tụng những bài kinh vừa kể là dành cho những người còn sống nghe để quán tưởng đời là vô thường, khổ não, vô ngã, chứ không phải tụng để cầu siêu cho người quá cố, người quá cố có thể siêu độ hay không là do chính họ tạo từ khi họ còn sinh tiền. Còn buổi lễ tạo phước lành để hồi hướng đến người quá cố, nhờ phần phước của tang quyến, có thể giúp người quá vãng được vơi phần nào khổ sở dưới địa ngục hay sẽ tăng thêm phần phước ở nhàn cảnh mà thôi.

LỄ CẦU AN LÀNH

Theo kinh Paritta (Paritta: Nghĩa là bảo vệ, hộ trì.) gồm những bài kinh sưu tầm trong Tam tạng Paali, là những bài kinh tụng để cầu cho người bệnh hay người gặp những nghịch cảnh. Ðây là những bài kinh đã được Ðức Phật tán thành cho các hàng Tăng chúng tụng niệm trong những dịp trên. (Dict. Pali Proper Names. G.P.Mallasekera, Vol. II trang 157.)

Thông thường buổi lễ được tổ chức tại tư gia hay chùa chiền. Phần nghi thức, trước hết Phật tử làm lễ Tam Bảo, xong quay trở lại đối diện chư Tăng đảnh lễ và xin thọ tam quy ngũ giới hay Bát quan trai giới (nếu là ngày giới). Ðoạn thỉnh chư Tăng tụng kinh Paritta hay cầu an. Buổi lễ diễn ra trong một giờ đ?ng hồ hay ít hơn, có thể tổ chức vào buổi chiều hay những giờ khác nếu thấy thuận tiện. Nếu buổi lễ tổ chức vào những buổi chiều thì Phật tử cúng dường những món giải lao như café, nước mía, mật ong v.v...

Người Phật tử tin rằng chư Tăng là các bậc nghiêm trì giới đức trong sạch, đáng cho người lễ bái cúng dường. Khi thỉnh chư Tăng đến tụng kinh cầu an và dâng tứ vật dụng đến chư Tăng, nhờ phước báu của lòng trong sạch đó, thí chủ xin cầu nguyện cho người bệnh hoạn hay cho những điều lo sợ trong gia đình đuợc tiêu tan và được an vui hạnh phúc.

ÐỂ BÁT CHƯ TĂNG

Theo Luật tạng, vị Tỳ Khưu xuất gia phải thệ nguyện trước Phật đài có chư Tăng chứng minh, là sẽ sống suốt đời bằng những món ăn đi trì bình, khất thực, tức là phải sống với Tam y bình bát, đó là tài sản duy nhất của các vị Tỳ Khưu. Chư Tăng là các bậc thừa hành theo giáo pháp từ bi của đức Thế Tôn. Về phần người Phật tử khi muốn bảo tồn Tam Bảo, thì công việc giúp ích cho chư Tăng duy trì ngôi Tam Bảo là bổn phận thiêng liêng, do đó khi chư Tăng đến nhà để trì bình, chúng ta hoan hỉ cúng dường những vật thực đến các Ngài. Nhưng điều cần ghi nhớ là những vật thực dâng cúng đó phải được nấu chín. Nếu trong nhà có dù một vá cơm hay đĩa muối với lòng trong sạch cũng có thể dâng cúng đến chư Tăng. Sự cúng dư?ng như thế người Phật tử sẽ có nhiều phước báu, vì Tăng và giới luật còn thì Phật Pháp mới trường tồn hưng thịnh.

Nghi lễ cúng dường để bát, muốn được nhiều phước báu thì người Phật tử phải mau mắn, khi chư Tăng đến, tự mình phải đem những vật thực sẵn có đến trước vị Sư, sau khi đã bỏ giày dép, xá chào và cung kính ta từ từ để vật thực vào bát một cách nhẹ nhàng. Khi để bát xong người Phật tử lui ra và xá chào. Ðó là cách để bát cúng dường đến chư Tăng đúng đắn.

 -ooOoo-

PHẦN LỄ GIÁO

KHI NGƯỜI PHẬT TỬ PHỤC SỨC

Nói đến cách phục sức là chúng ta liên tưởng ngay sự ăn mặc hay trang điểm cho hợp thời trang. Ta nhận thấy, mỗi quốc gia đều có bộ quốc phục riêng để dành khi ra đường hoặc vào những dịp hội hè đình đám hay những ngày lễ mang tính cách tôn giáo, cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, ngoài bộ quốc phục, chúng ta còn thấy rất nhiều loại y phục khác theo thời trang đã lan tràn khắp trong xã hội trên thế giới. Loại y phục này càng ngày càng trở nên thông dụng trong mọi tầng lớp dân chúng, khiến cho những ngày Quốc lễ hay Tôn giáo lễ cũng được mang ra sử dụng, điều này thật tai hại nếu chúng ta không ý thức được hoàn cảnh để tùy nghi phục sức.

Ðối với những nơi phồn hoa đô hội hay những cuộc vui chơi thì sự ăn mặc không nhất thiết, miễn sao thích hợp tánh ý mọi người thì thôi. Còn ở nơi trang nghiêm thờ phuuợng của các tôn giáo thì phải khác. Ðối với Phật giáo, sự phục sức rất quan trọng, vì dù sao bộ y phục gọn gàng và kín đáo cũng là một thể thức để phô bày cá tính và tư cách của mình. Mặt khác, với bộ y phục chỉnh tề tuy nó là lối phục sức cho thân xác bên ngoài, nhưng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần trừu tượng bên trong.

Tóm lại, người Phật tử muốn cho mục đích tu hành được trong sạch và trang nghiêm cần phải dè dặt mọi hành vi, cử chỉ kể cả lối trang sức cũng nên thận trọng. Cách ăn mặc tốt nhất trong những ngày lễ tôn giáo là nên mặc Quốc phục. Bởi vì sự đua đòi là điều có thể khiến cho ta khó tập trung tư tưởng về với qui luật của tôn giáo cũng như gây trở ngại cho bước đường tu và giải thoát nữa.

KHI NGƯỜI PHẬT TỬ ÐẾN CHÙA

Sự tôn sùng ngôi Tam Bảo là bổn phận thiêng liêng của người Phật tử. Khi chư Phật tử đến chùa thì phải tỏ lòng tôn kính Ðức Phật, Pháp Bảo và chư Tăng tuần tự như sau: trước tiên khi đến chùa ta phải cởi giày dép, khăn, nón rồi vào chánh điện để dâng hương cúng Phật. Sau đó tùy theo công việc riêng tư của mỗi người có thể làm bất cứ công quả nào như quét tước, lau chùi, hay lo những công việc khác như hộ độ chư Tăng hoặc những công việc cần thiết cho nhà chùa. Chúng ta cũng có thể tìm chư Ðại đức Tăng để học đạo; trong suốt thời gian có mặt tại chùa thì tâm hồn người Phật tử phải hướng thượng, lời nói nhã nhặn, đối với chư Tăng cũng như người liên hệ.

Vậy, mỗi người Phật tử khi đến chùa, cần phải học hỏi những gì mà chư Tăng chỉ bảo, hầu tô điểm thêm nghi thức đứng đắn và tạo cho mình được nhiều phước báu trong ngày vị lai.

LỐI XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ ÐỐI VỚI CHƯ TĂNG

Người Phật tử cũng có lối xưng hô đối với chư Tăng, cũng như trong gia đình con cái gọi các bậc sinh thành hay cách xưng hô với người thân kẻ sơ. Trong Phật giáo người Phật tử cũng có các bậc Thầy Tổ mà mình đã thọ quy giới, hay các vị Tăng, ni; trên phương diện xưng hô người Phật tử gọi các Ngài bằng Ðại Ðức, Sư, Thầy, Ni sư v.v... Bởi vì luật lệ đối với Tôn giáo nhất là Phật giáo chúng ta, về tôn ty trật tự như người nhỏ kẻ lớn rất quan trọng và dân chủ thật sự đối với thế hệ hiện tại.

Ví dụ: Một nhà vua khi xuất gia đầu Phật phải đảnh lễ hoặc xem một vị thứ dân xuất gia trước mình dù một giây phút và lối xưng hô cũng phải thưa gởi đối với bậc cao hạ hơn. Cũng vậy, Phật tử khi tiếp xúc với nhà sư thì cũng phải xưng hô với tất cả lòng thành kính. Chẳng hạn như khi đối diện với quý Sư ta chắp tay vái chào xưng hô con và nói những câu như "Thưa Sư" hay "Bạch Sư" con xin đảnh lễ v.v...

Người Phật tử muốn cho tôn giáo mình có một lối lễ giáo thanh nhã thì chúng ta là những người Phật tử cần phải chính mình thực hành theo cách xưng hô trình bày trên, và dạy dỗ cho con cái sớm biết lối xưng hô đối với nhà sư, đó là một việc rất tốt và lợi lạc.

KHI NGƯỜI PHẬT TỬ ÐỐI DIỆN VỚI CHƯ TĂNG TRÊN ÐƯỜNG ÐI HAY NƠI ÐÔ HỘI

Trong Phật Giáo có câu "Trọng Phật thì phải kính Tăng", qua câu nói trên ta thấy rằng sự kính trọng Tăng là một viêc rất đúng đắn. Vì chư Tăng là các bậc đã dứt bỏ tất cả vương vấn của đời thế tục, để đi theo con đường mà trước đây đức Thế Tôn đã đi và tìm ra chân lý. Do đó sự kính trọng chư Tăng đối với người Phật tử cần phải có. Nhưng sự kính trọng chư Tăng bằng cách nào? Ðối diện với các Ngài tại chùa và lúc gặp ở giữa đường hay nơi đô hội, phải vái chào làm sao? Ðó là những vấn đề đôi khi chúng ta không nghĩ đến, song nó cũng không kém phần quan trọng. Trong khi đến chùa, chúng ta phải đảnh lễ như ta cung kính đức Phật, sau đó ta hỏi thăm chư Tăng những việc gì cần thiết, về giáo lý nếu có thắc mắc, ta cũng có thể xin chư Tăng giải đáp những gì mình muốn biết. Nhưng khi gặp chư Tăng ở giữa đường hay những nơi đô hội ta chỉ chắp tay vái chào, thay vì quỳ xuống đảnh lễ. Vì làm như thế ta có thể gây cho những người chung quanh cảm thấy chướng mắt, dù hành động ấy vẫn được xem là sự tôn kính chư Tăng hiệp theo lẽ đạo.

KHI NGƯỜI TÍN ÐỒ CUNG THỈNH CHƯ TĂNG VỀ TƯ GIA

Giới luật đối với chư Tăng là việc tối cần. Vì trong kinh cũng có câu: "Giới luật còn, thì Phật Pháp mới còn". Bởi vậy, chư Tăng triệt để theo dõi từ hành vi, cử chỉ của mình từng sát na. Còn người Phật tử khi giao thiệp cũng phải dè dặt e phạm đến giới luật hay phẩm giá của nhà tu. Chẳng hạn khi thiện nam tín nữ cung thỉnh chư Tăng đi đến tư gia, một cách thành thật và tôn kính thì chư Tăng mới được phép đến tư gia ấy. Vì vậy để bảo tồn giới luật và tinh hoa tươi đẹp ấy của nhà Phật, Phật tử phải hết lòng thành kính đối đãi với chư Tăng khi đến tư gia của mình, bằng cách ta không nên ngồi nơi cao quý và dành chỗ thấp kém cho chư Tăng, không nên dùng những món ăn quý và dâng cho chư Tăng những món ăn không ngon, kém giá trị. Nếu sự việc có xảy ra chư Tăng không bao giờ tỏ thái độ, vẫn điềm nhiên; nhưng lần thứ nhì, có sự cung thỉnh chư Tăng sẽ không đến dự, mặc dù theo giới luật các Ngài không có quyền đòi hởi, phải xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Song vì phạm hạnh hay Tăng tướng của tôn giáo bị xúc phạm, nên luật bắt buộc chư Tăng phải xử sự như thế.

KHI NGƯỜI PHẬT TỬ CÚNG DƯỜNG TỨ VẬT DỤNG ÐẾN CHƯ TĂNG

Sự dâng cúng vật dụng đến chư Tăng là cách tạo nên nhiều phước báu của người Phật tử. Vì chư Tăng là những vị xuất gia, thì sự hộ độ của chúng ta đến các Ngài cũng là điều cần thiết. Hằng ngày ta dâng tứ vật dụng đến chư Tăng. Nói đến tứ vật dụng người Phật tử phải hiểu ngay là những món cần dùng cho tu sĩ Phật giáo như:

- Y phục: Tam y và những đồ phụ tùng.
- Vật thực: Các món ăn nhà Sư có thể dùng từ sớm mai cho đến giờ Ngọ
- Chỗ ngụ: Cốc, liêu, mền, chiếu, gối v.v...
- Thuốc ngừa bệnh: Sữa nước mía, mật ong, các thứ thuốc trừ bệnh.

Trong bốn món vật dụng, có thực phẩm là chúng ta dâng cúng đến chư Tăng từ bình minh vừa ló dạng cho đến 12 giờ trưa, còn ba món vật dụng còn lại người Phật tử có thể dâng cúng bất cứ lúc nào, nhưng điều đặc biệt chúng ta cần nhớ là:

a) Nếu là vật thực như trái cây có hạt nhỏ như: trái ổi, cam, lựu, ớt v.v... Khi cúng dường chúng ta cần phải làm cho đúng luật chế định tiếng Phạn gọi là Kappiya.

Ví dụ: Một dĩa trái cây vừa kể, trước khi dâng đến tay nhà sư ta chỉ cần cắt một trái để lên trên rồi dâng cả dĩa trái cây ấy, như thế được gọi là hợp lệ, nhà sư có dùng mà không sợ phạm tội giết hạt giống.

b) Tất cả các món vật dụng nhẹ, một người có thể bưng hoặc cầm được thì dâng đến gần nhà sư lối một hắc, một gang đưa tận tay chư sư. Còn những món vật dụng nặng nề hay không thể cầm được như cốc, liêu, giường, tủ v.v... chúng ta dâng chư Tăng bằng khẩu, nghĩa là đem những món ấy đến chùa và bạch với chư Tăng rằng: "Kính bạch chư Ðại Ðức Tăng, chúng con xin dâng những món (hài tên) này đến chư Tăng xin các ngài hoan hỷ thọ lãnh, cho chúng con được sự lợi ích. "

Lưu ý: Người Phật tử khi dâng cúng vật dụng phải là những vật dụng phát sinh hiệp theo lẽ đạo, được vậy thì phước báu mới được dồi dào, Bồ đề tâm mới phát triển.

KHI NGƯỜI PHẬT TỬ TỔ CHỨC LỄ

Bất cứ cuộc lễ nào thuộc Phật giáo, điển hình như dâng y, chúc thọ, trai Tăng, cầu siêu, cầu an v.v... Người Phật tử đều có thể tổ chức, muốn tổ chức những buổi lễ nói trên, trước hết chúng ta đến chùa bạch với vị trụ trì hoặc một vị tăng trưởng để xin được tổ chức.

Thí dụ: Như lễ trai Tăng chẳng hạn.

Công việc đầu tiên là lễ bái Tam Bảo, kế đó xin thọ tam quy và ngũ giới (có thể đọc Phạn ngữ hay nghĩa cũng được), sau khi thọ giới xong thí chủ đọc bài kinh dâng cúng rồi bắt đầu đem những món cần thiết mà thí chủ đã chuẩn bị, xin dâng cúng đến chư Tăng. Tiếp theo chư Tăng tụng kinh phúc chúc, lúc chư Tăng tụng kinh thì thí chủ phải thành tâm chắp tay tỏ lòng thành kính và chăm chú nghe kinh. Chư Tăng phúc chúc xong rồi thí chủ nên hồi hướng phước báu đến thân bằng quyến thuộc và sau đó đến tất cả chúng sanh.

Tóm lại, buổi lễ trên là buổi lễ thường xuyên được Phật tử lưu ý, nhưng khi bố thí tâm phải trong sạch, những vật dâng cúng đều hiệp theo lẽ đạo thì phước báu mới được tròn đủ.

KHI NGƯỜI PHẬT TỬ THÍNH PHÁP

Pháp bảo là ngôi quý báu thứ hai trong Tam Bảo. Chúng ta là tín đồ hay cư sĩ bao giờ cũng phải tỏ lòng tôn kính, vì Pháp bảo là kim ngôn cao thượng của đức Thích Ca Mâu Ni. Sự tôn kính đối với Pháp bảo có nhiều cách và trường hợp khác nhau. Sự tôn kính qua lời nói như chúng ta không bao giờ xem thường, hay phỉ báng Pháp bảo bằng cách chê bai làm hạ giá trị của Phật ngôn. Sự thính Pháp, bố thí Pháp có rất nhiều phước báu, là trí tuệ chơn chánh phát sanh, nên hằng ngày chúng ta đến chùa nghe pháp hoặc đóng góp ít nhiều công của để in kinh, phổ biến.

Chúng ta cũng có thể thuyết pháp hay giảng đạo, phiên dịch kinh điển nhà Phật, mục đích giúp ích cho mọi người thông hiểu giáo lý từ bi vô lượng của đức Phật. Khi thính Pháp thì chúng ta cũng phải tỏ lòng thành kính chăm chú nghe, suy luận những lời Phật ngôn mà Pháp sư trùng tuyên lại. Không nên nói chuyện làm ồn hoặc tỏ vẻ khinh thường Pháp thí hoặc có thể bất bình hay sân hận vì bài Pháp có ý xây dựng chung.

Nói tóm lại, khi thính pháp người Phật tử phải tỏ thái độ sùng kính Pháp bảo, ngồi nghiêm trang hai tay chắp lại ngay ngắn, tâm hồn tập trung theo dõi lời giảng dạy, hãy xuy xét, đắn đo điều hay lẽ phải hầu ghi nhớ để áp dụng trong đời sống thường nhật của chúng ta.

KHI NGƯỜI PHẬT TỬ TẠO PHƯỚC BÁU

Chúng ta là người Phật tử, đối tượng thiêng liêng của chúng ta là Tam Bảo. Ðặc biệt trong ngôi Tam Bảo, ngôi thứ ba tức Tăng bảo có một giá trị liên hệ mật thiết với chúng ta. Ðức Phật gọi Tăng bảo là phúc điền của chúng sanh, tức là ruộng phước, nơi mà chúng sanh đem những hạt giống lành gieo trồng trên những thửa ruộng ấy và sẽ gặt hái hoa quả ở ngày vị lai. Nhưng chúng ta cần phải sáng suốt, tìm những thửa ruộng màu mỡ trước khi gieo trồng hạt giống lành ấy. Nghĩa là phải tìm những vị tu hành đúng theo chơn truyền chánh pháp và nghiêm trì giới luật trong sạch mà bố thí cúng dường. Khi bố thí tâm phải trong sạch, ta cúng dường với ý niệm dứt lòng tham lam. Ðược vậy ta sẽ tạo được phước báu cao quí. Những người không hiểu biết giáo lý hành động theo ý muốn riêng tư, họ bố thí đ? cầu danh, trục lợi thì chắc chắn kết quả sẽ không được cao đẹp, mà lắm khi còn có tội hay tốn công mất của vô bổ nữa là khác.

Vậy, khi bố thí ta cũng nên ý thức trách nhiệm để xứng đáng là một người Phật tử ngoan đạo.

PHẬT TỬ KHI NGHE KINH

Trong các nghi lễ Phật giáo, tụng niệm cũng là một nghi thức của chư Tăng như: Tụng kinh cầu siêu, cần an, kinh chúc thọ cho các bậc ân nhân, kinh chúc an lành cho nhà vua v.v...

Theo Phật giáo Nguyên Thủy thì bất cứ các nghi thức tụng niệm nào nói trên đều được một người hay một nhóm đông Phật tử tổ chức và cung thỉnh chư Ðại đức đến tham dự. Trước hết Phật tử cần phải trang hoàng nơi hành lễ cho trang nghiêm, nơi chư Tăng an tọa phải cao ráo hơn tín đồ. Sau khi hoàn tất các việc trên, chúng ta làm lễ thọ trì Tam quy ngũ giới, rồi thỉnh chư Tăng tụng kinh. Khi chư Tăng đang tụng kinh Chư Phật tử phải chắp tay tỏ lòng tôn kính, chăm chú nghe, cũng như giữ gìn sự yên lặng. Ðó là cử chỉ tỏ cho mọi người thấy sự sùng kính Pháp bảo và nội tâm mình cũng giữ được đức tánh trang nghiêm không xao lãng.

Chư Tăng hết lòng tụng niệm, Chư Phật tử thành tâm ngưỡng mộ nghe theo, nhờ sự hòa hợp một lòng tôn sùng Pháp Bảo đúng đắn như vậy, chúng ta mới có thể chính mình hưởng được phước báu đầy đủ và hồi hướng đến các bậc ân nhân có hiệu lực.

PHẬT TỬ TÂM NIỆM TRONG NHỮNG NGÀY BÁT QUAN TRAI GIỚI.

Bát quan trai giới định kỳ là một phương pháp xuất gia tạm cho các hàng tại gia cư sĩ, những kỳ Bát quan 8 ngày trong tháng là ngày mùng 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30, trong những ngày giới các hàng cư sĩ phải đích thân đến chùa, hoặc cũng có thể phát nguyện tại tư gia dưới điện thờ Phật từ rạng đông, để sự thọ giới được trọn vẹn phước báu.

Nếu chúng ta không bận bịu cho cuộc sống hàng ngày, thì 24 tiếng đồng hồ ngày giờ nên đến chùa xin nguyện thọ và trong suốt thời gian nghiêm trì Giới Luật tại chùa, Phật Tử khép mình vào khuôn khổ như đọc kinh, niệm Phật, chú tâm vào đề mục thiền định, bốn oai nghi đi, đứng, nằm ngồi phải yên tịnh, kiểm điểm những giới cấm và quán xét xem đã có phạm điều nào trong 8 giới. Ðồng thời theo dõi từng sát na trước khi hành động và ngăn cản không để phạm điều luật.

Ngoài việc trau giồi cho thân, khẩu, ý được trong sạch và thanh tịnh, chúng ta cũng có thể làm công quả trong chùa như: quét tước, lau chùi, hộ độ chư Tăng tạo thêm phần phước thanh cao và gieo duyên lành để trở nên người Phật tử đúng đắn, hầu làm gương cho kẻ thế.

PHẬT TỬ TÂM NIỆM HẰNG NGÀY

Khi đã nói là người Phật Tử, thì bao giờ cũng phải ý thức trách nhiệm và bổn phận của một người con Phật. Dù sống ở nơi phồn hoa đô hội, những đền chùa, thánh tích, hoặc bất cứ trong hoàn cảnh vui buồn nào, người Phật tử vẫn phải ghi nhớ và biết mình là người con Phật, tất cả những hành vi, cử chỉ đều phải được kiểm soát, tự phê phán khi mình hành động sai, quấy để đúng với tư cách của người đã thệ nguyện nương theo Tam Bảo. Hằng ngày ta nên tâm niệm, trước hết chỉ có Tam Bảo là đấng Tối thượng đáng cho ta nương theo, để lòng sùng kính được bảo tồn. Ta cần phải luôn nhớ đến 5 điều giới cấm, kiểm điểm từng giới một xem ta đã giữ gìn được trong sạch không.

Ngoài ra, ta còn phải kiểm điểm từng động tác qua tam nghiệp hay thân, khẩu, ý ta sẽ phạm chăng, nếu ta hành động như thế này hay thế kia. Mặt khác, chúng ta phải nhận thức cuộc đời là vô thường, khổ não và vô ngã và từng giây phút trong bốn oai nghi, tâm đều phải khắn khít trong đề mục thiền định. Khi có tâm niệm đúng đắn thì cuộc sống chúng ta không bị nhàm chán và lo âu, nỗi khổ niềm vui đối với người Phật tử là lẽ thường, không khiến cho chúng ta quá nông nổi khi có điều bất trắc xảy đến hay không quên mình để vui quá độ.

PHẬT TỬ ÐỐI VỚI CÁC NGHI LỄ THUỘC TẬP TỤC

Phật giáo là một tôn giáo, giáo hóa chúng sanh theo con đường giải thoát của Ðức Phật. Mục đích cứu cánh là Niết Bàn; người Phật tử chỉ nương theo hai Pháp học và Pháp hành, để tự tạo cho mình một hướng đi đến Chân Thiện Mỹ. Vì vậy những nghi thức trong Phật giáo được trình bày rất giản dị, không bày biện hay bịa đặt rườm rà, những sự chưng bày phuút tạp ấy không mang lại lợi lộc gì cho sự giải thoát.

Trước muôn ngàn phong tục tập quán của dân tộc, điển hình như ma chay, giỗ tổ, thí vàng v.v... Người Phật tử phải ý thức việc làm và cải cách như thế nào để những nghi lễ ấy hợp theo lẽ đạo.

Ví dụ: Ngày giỗ tổ xưa kia, ta mang vật thực lên giường thờ thắp hương đèn cúng vái, khi nhang đã tàn, vật thực được mang xuống rồi gia đình hội họp tất cả quây quần dự tiệc vui vầy. Thế là đã xong một nghi lễ theo thế hệ xa xưa. Nhưng với người Phật tử, chúng ta cho việc làm ấy xa chơn lý nhà Phật, và không ích lợi cho người quá cố, nên thay vì tổ chức như trên, người Phật tử cung thỉnh chư Tăng cúng dường vật thực hay để bát rồi hồi hướng phước báu cho người quá vãng.

Riêng phong tục có tính cách dị đoan, mê tín như cúng cô hồn, hay thí vàng là một tục lệ chung được phổ biến các nơi, do các nhà lãnh đạo mê tín ngày xưa bày ra, không ích lợi cho người quá vãng, cũng như người tại tiền, và sai chân lý nhà Phật, Phật tử không nên tham gia.

PHẬT TỬ KHI THỆ NGUYỆN

Nói về sự thệ nguyện trong Phật giáo thì dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc khác trên thế giới, khi đến đền, chùa và những nơi thờ phuuợng các thần linh, hay trong khi bố thí cúng dường đến ai người ta thường phát nguyện. Lời nguyện cầu của mỗi người tùy ở đức tin, sự hiểu biết và lòng hâm mộ của riêng tôn giáo mình. Lời thệ nguyện của một số người mê tín dị đoan thì họ thường xem các tượng Phật hay các thần linh là những đấng tối cao có quyền năng có thể ban ơn cho mình; họ nguyện cầu các đấng thiêng liêng ấy phò hộ cho tai qua nạn khỏi, tài lộc phát sanh, thành công như ý.... Họ xem các vị thần linh ấy như là những thần tượng có nhiều oai lực, thưởng phạt loài người, tin rằng với những lễ vật mà họ thành kính hiến dâng, lòng ngưỡng mộ tha thiết, van vái trước các hình tượng ấy thì các vị sẽ ban ơn bố đức cho họ. Với những cử chỉ và lòng tin sai lầm như vậy đã lưu truyền từ cổ chí kim, từ ông cha ta cho đến chúng ta ngày nay, cứ tin tưởng và làm như vậy. Rất hiếm có người hiểu rõ chơn lý từ bỏ các điều sai ấy thậm chí còn phổ biến tư tưởng dị đoan mê tín không căn cứ trong tôn giáo như Phật giáo để Phật tử hành động theo.

Phật tử là người hiểu rõ chơn lý ngày nay, đã ý thức được chánh tà, nên tự mình từ bỏ mê tín dị đoan, Không tin tưởng các vị thần linh, không lễ bái cúng dường, không cho rằng những vị đó có thể ban bố phước lành. Song đứng trước Phật đài, hay trong những khi làm việc lành người Phật tử có thể có những lời nguyện như:

a) Dưới ánh hào quang của đức Thế Tôn có Chư Tăng chứng giám lòng trong sạch của con, hôm nay con xin cúng dường trì trai giữ giới, phụng sự Tam Bảo và thực hiện pháp lành hợp theo lẽ đạo, qua hành động ấy con xin nguyện được đạo quả viên thành và Bồ đề tâm viên mãn.

b) Trước Phật đài có chư Tăng chứng kiến, do lòng trong sạch cúng dường hợp theo lẽ đạo, do nhờ oai lực phước báu ấy con xin nguyện sớm diệt trừ được lòng tham lam, khi tái sanh kiếp nào con hằng gặp chánh pháp, để sớm được giải thoát.

c) Dưới chân Phật Tổ có chư Tăng chứng minh, phước báu phát sinh do lòng trong sạch hành đạo hay cúng dường tài và pháp thí hợp theo lẽ đạo con xin hồi hướng đến cửu huyền thất tổ, Ông bà, cha mẹ, nội ngoại hai bên. Do phước báu ấy con cầu xin các vị ấy thoát khỏi khổ cảnh hay phúc được tăng bồi.

Người Phật tử có thể nguyện một trong những lời thệ nguyện trên, hoặc những lời phát nguyện tương tự nhưng không ẩn ý có tính cách mê tín dị đoan. Vì những lời thề nguyện sai trái ấy chẳng những không có hiệu quả mà còn có thể phạm tội là đàng khác. Hoặc chúng ta không cần phải nguyện chi cả mà chỉ cầu mong được thoát khỏi kiếp luân hồi.

BỔN PHẬN ÐỐI VỚI CHA MẸ

Theo Phật Giáo đối với cha mẹ cái ơn mà người con mang trong lòng không thể nào lường được, dù cho con có phải vì cha mẹ hy sinh đến tánh mạng đi nữa cũng chỉ có thể đáp lại phần nào trong muôn một công ơn sanh thành dưỡng dục mà thôi. Vì vậy đức Thế Tôn có dạy b?n phận làm con đối với cha mẹ có 5 pháp:

1. Nuôi dưỡng cha mẹ (Bhara.na).
2. Làm việc thay thế cha mẹ (Kiccakara.na).
3. Gìn giữ gia tộc được bền vững (Kulava.m sa.thapana).
4. Nết hạnh xứng đáng hưởng gia tài (Dayajjaa hapa.tipajjana).
5. Tạo phước hồi hướng khi cha mẹ đã quá vãng (Dakkhinaa.nuppadaana).

Cha mẹ là nguồn hạnh phúc vô bờ bến của các con, vậy bổn phận làm con, chúng ta hãy tôn trọng ý muốn của cha mẹ, trong lời nói, trong việc làm, cách đi đứng, trong tác phong hằng ngày, phải tạo cho cha mẹ đời sống an nhàn, làm việc giúp đỡ cha mẹ hy sinh những thích thú riêng mình để làm vui lòng cha mẹ. Giữ tiếng tốt cho gia đình, dù cha mẹ khuất bóng, luôn luôn tôn trọng thanh danh gia tộc như vật thiêng liêng cao cả.

Về mặt tinh thần, chúng ta không phải chỉ lo cho cha mẹ được đầy đủ tiện nghi vật chất là đủ, mà còn phải cố gắng tạo lập cho cha mẹ một đời sống tinh thần an vui hạnh phúc; hướng dẫn cha mẹ sống một cuộc đời đạo hạnh, bố thí, trì giới, tham thiền. Khi cha mẹ quás vãng, các con làm điều thiện, hồi hướng những quảr lành đó cho cha mẹ, vì khi cha mẹ qua đời đôi khi thọ sanh vào khổ cảnh, hằng ngày mong chờ thọ hưởng những phần phước cao quí của thân nhân quyến thuộc để có thể được siêu thoát, những hành động đó vẫn đem lại hạnh phúc cho người con hiếu thảo và cũng để tỏ lòng tri ân cha mẹ, hầu nêu gương hiếu đạo cho con cháu noi theo. Nếu người con có đầy đủ năm điều Phật dạy trên sẽ tạo cho mình trở nên một người con hiếu để, được mọi người kính vì và tạo cho mình một sự hạnh phúc cao thượng hiệp theo lẽ đạo.

CHA MẸ ÐỐI VỚI CON

Lòng thương lai láng của cha mẹ tựa hồ như nước mưa từ không trung rơi xuống, đem lại bao nhiêu hạnh phúc cho các con, không màng đến sự biết ơn. Thật vậy người làm cha mẹ không bao giờ trông dợi sự đền ơn trả thảo của con, một người cha lành, một người mẹ cao quí bao giờ cũng dành để cho con tất cả cái gì quí báu nhứt của mình, hy sinh tất cả và tìm hạnh phúc an vui của chính mình trong sự an vui hạnh phúc của con, dù giàu hay nghèo cha mẹ luôn luôn nghĩ đến vấn đề giáo d?c cho con, nếu phải tiêu xài bao nhiêu tiền của cũng không tiếc. Niềm vui sướng nhứt đời của cha mẹ là thấy con được nên người và sống đầy đủ trong sự yên lành vui vẻ.

Một khi cha mẹ muốn dắt dẫn con đi con đường thiện, cha mẹ phải làm gương, sống cuộc đời hiền lương đạo đức, con cái sẽ xu hướng theo hành động của cha mẹ và làm những việc của cha mẹ làm không cần hiểu lý do. Rất khó gặp được đứa con cao thượng khi cha mẹ hư hèn, cũng như cha mẹ đạo đức mà con cái hư hỏng, đó cũng do nghiệp lực của tiền kiếp, nhưng cũng ảnh hưởng một phần nào của cha mẹ mà thôi.

Vậy làm cha mẹ phải thận trọng trau dồi thân, khẩu cho trong sạch để tránh truyền nhiễm những tật xấu cho con về tinh thần và thể xác. Theo Phật giáo sau khi sinh thành, lúc dưỡng dục cha mẹ còn có năm đức độ đối với con:

1- Ngăn cấm không cho con làm điều ác (Paapaa .nivaarenti).
2- Hướng dẫn con làm điều lành (Kalyaa.no nivesenti).
3- Cho con học hỏi nghề nghiệp (Sippa.m sikkhaapenti).
4- Dựng vợ gả chồng cho con tùy gia phong (Pa.tirupena daarena sa.m yojenti).
5- Chia của cải cho con hợp thời (Samaye daayajja.m a niyyaadenti).

Trên đây là năm điều căn bản của cha mẹ đối với con nam, nữ với tất cả lòng bao dung độ lượng. Ngược lại nếu thiếu năm điều căn bản trên, kẻ làm cha mẹ không thể hiện đầy đủ bổn phận của mình đối với con cái.

BỔN PHẬN ÐỐI VỚI CHỒNG

Ðức tánh tự nhiên thuộc về những gì gọi là mềm mại, yếu ớt hay nhu mì v.v... thì thường thường tượng trưng cho nữ giới. Nên xưa nay nữ giới được xem như đại diện cho thành phần vừa kể.

Hôn nhân là cuộc sống chân thành giữa người vợ và người chồng, nhưng nhiều người đã làm cho đời sống gia đình trở thành một tội khổ, vì thiếu hiểu biết, thiếu khoan hồng và thiếu kiên nhẫn. Nếu chồng có một vài khuyết điểm vợ có thể sửa đổi bằng cách êm ái, dịu dàng, nhắc nhở và chịu đựng. Ngoài ra người vợ cũng phải biết đỡ đần những công việc để không làm phiền đến chồng..., được vậy đời sống gia đình mới hạnh phúc. Theo Phật giáo đức Phật có dạy người vợ cần phải có năm đức tính sau đây:

1. Biết sắp đặt việc nhà vén khéo (Susanvihitakammantaa).

Như đã nói vợ là nhân vật quan trọng trong gia đình. Bởi mỗi khi có người xa gần thăm viếng gia đình, nhà cửa được khen bị che là vén khéo hay vụng về cũng do người nội trợ.

2. Sự tiếp đãi và giúp đỡ quyến thuộc chồng như của mình (Susangahitaparijanaa).

Sự lo lắng, cung phụng của người vợ, cũng như kính trên nhường dưới đối với thân tộc của mình như thế nào thì người vợ kính mến chồng cũng áp dụng đối với quyến thuộc nhà chồng như của mình, đó là một đức tính tốt của người vợ hiền trong gia đình.

3. Biết giữ của chồng giao phó (Sambaha~nca anurakkhati)

Của cải chồng giao phó cất giữ, không nên tùy tiện xài phung phí, cờ bạc, đút lòn, cho riêng thân quyến mình. Bởi sự lén lút không thành thật với nhau, hạnh phúc sẽ bị đổ vỡ, sợi dây thân ái của đôi tâm hồn được bền chặt hay không đều do sự khôn khéo của người vợ trên lãnh vực này.

4. Không tư tình (Anaticaarinii).

Ðiều tà dục là một trong năm giới cấm trong Phật giáo. Vì là nguyên nhân khiến cho hạnh phúc gia đình tan nát và từ đó sẽ đưa con người sa vào bốn con đường ác đạo.

5. Giỏi dắn, siêng năng mọi việc trong gia đình (Dakkaa ca hoti analasaa sabbakiccesu).

Mọi việc trong gia đình là bổn phận của người vợ, từ việc nhỏ đến việc to đều phải chu toàn.

Trên đây là những Pháp của vợ hiền đối với chồng, là những đức tánh không thể khiếm khuyết được của bất cứ một người vợ lý tưởng nào. Nếu họ muốn cho gia đình được bảo tồn hạnh phúc thì phải học hỏi và áp dụng cho gia đình mình.

BỔN PHẬN ÐỐI VỚI VỢ

Nói về một người chồng đúng nghĩa trong gia đình phải có nhiều tư cách tốt đối với người vợ, để xứng đáng cho vợ hiền kính mến và thương yêu. Người chồng cũng không nên đối xử với vợ như người làm trong nhà, mặc dù chính mình là người "Tạo nồi cơm" cho gia đình, phải giúp vợ tạo hòa khí yên vui. Trong kinh Sangàlodasutta. Ðức Phật có dạy rằng đối với gia đình muốn được thành công như ý, người chồng phải có năm pháp sau đây:

1- Thương mến và nói lời dịu ngọt đối với vợ (Sammaana~naaya).

Phàm người chồng đứng đắn, ở với nhau đến răng long tóc bạc con đàn cháu đủ cũng luôn luôn có hành vi lịch sự đối với vợ hiền, dù bất cứ ở hoàn cảnh nào.

2- Không khinh bỉ hà hiếp vợ (Avimaana~naaya).

Người đàn ông không bao giờ sử dụng quyền thế khinh bỉ hay đánh đập vợ, dù có thiếu một trong những phận sự của người đàn bà đối với gia đình: Tòng phụ, tòng phu, tòng tử.

3- Không tư tình khiến vợ ghen tương sầu não (Anaticariyaaya).

Chồng đứng đắn luôn luôn một lòng thương vợ, không tư tình để hạnh phúc gia đình tránh khỏi sự tan nát đổ vỡ.

4- Phải tin cậy và phó thác cho vợ các công việc nội trợ (Issariyavossaggena).

Tâm lý người đời ai cũng vậy, riêng đối với gia đình thì vợ chồng đều phải có bổn phận đối với gia đình riêng của mình, khi có bổn phận tức là họ phải có quyền hành. Mọi việc trong ngoài có liên quan với gia đình, người chồng chẳng những giao trọn quyền cho vợ và trực tiếp khuyến khích mà phải bàn bạc trước khi quyết định một công việc gì. Phải tin cậy vợ không để sự nghi kỵ nẩy nở khiến tình thương yêu đầm ấm đối với vợ bị lợt lạt hay mai một.

5- Sắm cho vợ những vật trang điểm tùy sức (Alankaaraanupadaanena).

Ở đời con người dù thuộc lãnh vực nào của cải đều có giới hạn, nên nói rằng tùy sức hay khả năng, là vì ý muốn dạy con người phải thực hiện cho bằng được dù ít hay nhiều cũng phải có cho những điều cần thiết, vì thiếu nó thì hạnh phúc sẽ không thành đạt.

Trên đây là những pháp mà bất cứ người đàn ông nào cũng phải học hỏi, cũng có thể nói đó là năm đức tánh tốt của người chồng đối với vợ. Ðó là đức tánh không thể thiếu được nếu ai muốn gia đình đuợc dồi dào hạnh phúc hiệp theo lẽ đạo.

BỔN PHẬN HỌC TRÒ ÐỐI VỚI THẦY

Ðể đáp lại đức độ cao cả của một vị thầy đã dày công dạy dỗ dù văn hay võ, đời hay đạo cũng là thầy. Nhưng theo Phật giáo thì Thầy giáo dục đạo đức là vị thầy rất cao quí, vì thầy dạy có tánh cách hướng dẫn học trò ra khỏi thế gian, không như thầy giáo dạy chữ nghĩa hay võ nghệ vì còn luân chuyển trong thế gian. Chúng ta hãy ghi nhớ dù một giờ hay một ngày người giúp ta mở mang trí tuệ, học những điều hay cũng là một vị thầy đáng cho ta kính trọng và biết ơn. Theo Phật giáo học trò đối với thầy phải có đầy đủ năm điều sau đây:

1- Ðứng dậy tiếp rước khi thầy đến (Utthaanena).
2- Hầu hạ thầy y như thì giờ được ấn định (Paccuppa.t.thaanena).
3- Nên vâng lời thầy dạy bảo (Sussusaaya).
4- Hầu hạ giúp đỡ công việc lặt vặt cho thầy (Paricariyaaya).
5- Phải kính trọng thầy trong giờ học (Sakkacca.m sippuggaha.nena).

Qua năm điều vừa kể, chúng ta cũng đã nhận rõ được vai trò của mình là những đứa học trò phải làm gì để đối với thầy Tổ. Chúng ta chỉ y cứ bấy nhiêu lời đã được thốt ra kim khẩu của Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã lưu tâm, đã rải lòng từ bi, tế độ chúng ta để trở nên những người học trò tốt, đối với đức dộ khả kính của một vị thầy. Chúng ta nên hết lòng học hỏi và thực hành để vẹn toàn tài đức mai hậu.

BỔN PHẬN THẦY ÐỐI VỚI HỌC TRÒ

Người đời ai cũng có bổn phận. Ðối với gia đình cha mẹ có bổn phận lo cho con nên người; đối với quốc gia thì một vị Vua phải có bổn phận lo cho công dân an cư lạc nghiệp. Cũng vậy, đối với học trò thì thầy phải làm sao cho vuông tròn, xứng đáng là một vị Tổ sư.

Một vị thầy là người phải hết lòng tận tâm, tận lực dắt dẫn học trò, có bổn phận chỉ dạy và thương yêu chúng, giúp chúng mở mang trí tuệ hầu trở nên một người con ngoan trong gia đình và một công dân tốt cho quốc gia. Thầy có một trách nhiệm tương đương như cha mẹ, nên cần đòi hởi có một đức tính cao cả, một trách nhiệm và lòng vị tha như nhau. Theo Phật giáo thầy đối với học trò có năm điều:

1- Dạy dỗ để chúng trở nên người học trò tốt (Suviniitama.m vinenti).
2- Giảng dạy, huấn luyện chúng trở nên tài giỏi (Suggahita.m gaahaapenti).
3- Cần mẫn, giảng dạy đầy đủ (Sabbasippesu tamsamakkhaayinobhavanti).
4- Khen thưởng học trò trước bạn bè và những người có chức phận (Mittaamaccesu pativedenti).
5- Có thiện ý bảo bọc học trò mọi phương diện (Disaasu parittaana.m karonti).

Vì vậy, nếu muốn trở nên một vị thầy tốt đối với học trò thì trên đây là năm yếu tố căn bản để giúp một vị thầy thành công. Vậy ta nên suy sét và nhận định rõ ràng những điều ấy để được kết quả như ý theo Phật ngôn.

BỔN PHẬN CHỦ ÐỐI VỚI TÔI TỚ

Ðạo đức là nền tảng của con người. Người có đạo đức đối với đời hay đạo là những đóa hoa tươi thắm giúp cho con người nhìn thấy an vui và hạnh phúc. Vì thế, là chủ có đầy đủ oai quyền đối với tôi t?, dù ta có hành hạ, chửi mắng, đày đọa thế mấy kẻ tôi đòi cũng phải dằn lòng chịu đựng vì biết thân phận mình. Vậy là chủ hơn bao giờ hết chúng ta phải mở lòng rộng lượng đối với kẻ dưới tay, nên thưởng phạt công minh, dù sao họ cũng là một con người, mà là con người kém may mắn sống một cuộc sống vất vả, đi làm hầu tìm kiếm đồng lương để nuôi nấng kiếp sống tạm bợ này mà thôi, thì sự giúp đỡ hay thương yêu họ cũng là một đức tánh thể hiện lòng từ bi, nhân ái của ta đối với họ. Theo đạo Phật người chủ phải có năm điều đối với tôi tớ:

1- Phân công tùy sức lực người (Yathaa-balam kammanta savidhaanena).
2- Cung cấp thực phẩm và tiền công đúng mức (Bhattavettanaanuppadaanena).
3- Ân cần săn sóc tôi tớ khi có bệnh (Gilaanuppa.t.thanena).
4- Chia sớt món ngon vật lạ khi có (Acchariyaana.m rasaana.m sa.m vibhaagena).
5- Nên cho dưỡng sức trong khi mệt nhọc (Samaye vossaggena).

Chúng ta xét thấy năm pháp vừa kể chứa đựng đầy tình thương của con người đối với con người, là những câu Phật ngôn vô cùng quý giá rất đáng cho chúng ta noi theo. Nếu con người ý thức được lời cao cả ấy của đức Như Lai thì chúng ta đương nhiên có một đức hạnh đáng khen vậy.

BỔN PHẬN TÔI TỚ ÐỐI VỚI CHỦ

Làm người khó, chịu khó để trở nên một con người trọn vẹn, nhất là làm tròn bổn phận của mình đối với mọi người, mọi giới, để được vuông tròn thì ít nhất ta cũng phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với phận sự mà mình gánh vác. Nên bổn phận tôi tớ đối với chủ là một việc khó, vì phải thực hiện đúng mức trách nhiệm của mình để khỏi phụ lòng chủ và cũng để xứng đáng ở đồng lương mà mình đã thọ hưởng và sự tin cậy ở những người chủ xứng đáng. Theo giáo lý nhà Phật có dạy tôi tớ đối với chủ có năm pháp:

1- Phải luôn thức sớm làm việc trước chủ (Pubba.t.thaayino).
2- Phải luôn nghỉ sau chủ (Pachaanipatino).
3- Chỉ lấy vật nào chủ đã cho (Dinnaadaayino).
4- Nên chú ý cẩn thận và kỹ lưỡng khi làm việc (Sukatakammaakaarakaa).
5- Nên nói những điều tốt của chủ (Kittiva.n.nharaa).

Muốn thể hiện bổn phận của một người tôi tớ cao đẹp, thiết nghĩ không gì hơn ta hãy căn cứ theo lời Phật dạy trên. Bởi nếu là một Phật tử chân chính thì bao giờ cũng phải lấy pháp Phật để áp dụng cho đời sống hiện tại, sự thành công tốt đẹp của một người Phật tử thì đối với kẻ tôi tớ dù là Phật tử hay ngoại đạo cũng sẽ thành công ít nhiều tùy đức tin của mỗi cá nhân.

Vậy thiết tưởng chúng ta cũng nên lấy kim ngôn cao thượng của Chư Phật để làm mẫu mực, và tin rằng sẽ được thành công không khó.

BỔN PHẬN ÐỐI VỚI BẠN HỮU

Tục ngữ ta có câu: "Học thầy không tày học bạn", thầy là người dạy mình, lẽ tất nhiên học thầy rất nhiều, nhưng bạn là người ở gần mình hơn, khi tâm sự, lúc vui đùa, bạn ảnh hưởng tới mình rất nhiều, nếu bạn hay thì mình tiêm nhiễm được cái hay của bạn, nếu bạn dở mình cũng bị lây cái dở của bạn nên ta học bạn nhiều hơn học thầy. Nghĩa bóng câu này nói tới ảnh hưởng của bè bạn đối với nhau là mạnh, người ta có thể nhờ bạn mà tấn tới được.

Vậy, bạn bè rất hệ trọng đối với đời sống con người, chúng ta nên giữ tình bạn được bền chặt để khi hữu sự trên bước đường đời không bị lẻ loi. Phật giáo có dạy rằng đối với bạn bè bằng những pháp sau đây:

1- Cho tiền của đến bạn (Daanena).
2- Nói lời tao nhã với bạn (Piyavajjena).
3- Tạo nên điều lợi ích cho bạn (Atthacariyaaya)
4- giữ tâm tính bình đẳng đối với bạn (Samaanattataaya)
5- Không có ý dối để giấu giếm chuyện riêng với bạn (Avisa.m vaadanataaya)

Thiết tưởng không phép lạ nào hơn lời vàng ngọc của Ðức Chí Tôn. Ngài là thầy chẳng những của nhân loại mà của cả chư Thiên nữa. Vậy, nếu chúng ta căn cứ theo Phật ngôn để áp dụng cho đời sống thường nhật thì tưởng không có gì quí báu cho bằng. Nên để sự duy trì tình bạn được tốt đẹp, chúng tôi khuyên mọi người nên thành tâm y theo lời được miêu tả trên.

BỔN PHẬN ÐỐI VỚI CHÚNG SANH

Chúng ta là người Phật tử ai cũng biết rõ tôn chỉ từ bi của đức Thích Tôn. Lòng từ bi bác ái của nhà Phật không hẹp hòi như của kẻ phàm phu, là một tinh thần rộng bao la chẳng những riêng đối với gia đình, với giống nòi, với quốc gia, với nhân loại mà đối cả với toàn thể chúng sanh không giới hạn. Vị Phật Tổ ra đời trước đây 25 thế kỷ, Ngài trước tiên cũng vì nhận thấy sự khốn khổ triền miên của chúng sanh; nên Ngài hy sinh cuộc đời vương giả, nhung lụa để đổi lấy màn trời chiếu đất, còn da bọc xương, để mưu cầu hạnh phúc cho muôn loài vạn vật chứ nào phải của riêng Ngài, của Hoàng tộc hay của Trung Ấn Ðộ. Chúng sanh vì không hiểu được sự vô thường biến đổi của vạn vật, khổ não, vô ngã của thể chất và tâm hồn, vì là phàm tình chỉ biết mê say trụy lạc với cảnh phù du mà lầm tưởng rằng vĩnh cửu.

Sanh ra ở đời con người đã phải chịu thọ hưởng những cảnh khổ của sự sanh, già, đau chết. Chúng ta có cùng một kiếp sống tạm bợ, thì sao chúng ta không thương yêu nhau?

Ðối với Phật giáo, chúng sanh là những con người, những con vật có thức tánh, song sở dĩ khác nhau ở giàu, nghèo hay người, thú lớn, nhỏ là vì nghiệp lực của mỗi chúng sanh đã tạo tác mà thôi. Vì vậy, đức Thế Tôn nhắn nhủ chúng ta hãy thể hiện lòng từ bi của người con Phật, chẳng những riêng cho cá nhân hay nhóm người, mà đối với chúng sanh vô hạn định, có như thế sự an vui tuyệt đối mới đến với ta. Trên đây là một vài nét đại cương về bổn phận của người Phật tử đối với chúng sanh, Phật tử chúng ta đã, đang và sẽ mãi mãi duy trì đức tính từ bi. Chúng ta áp dụng cho ta, cho mọi người không phân biệt thân sơ hay màu da chủng tộc, thú hay người; đó là đức tính đại từ bi của chư Phật Tổ và Phật tử khắp năm châu.

PHẬT TỬ VỚI PHÁP LỤC HÒA

Phật giáo dạy người Phật tử phải đối đãi với nhau bằng pháp Lục Hòa. Từ việc nhỏ đến việc lớn, đạo cũng như đời đều phải có sự hòa hợp mới thành tựu. Trong gia đình có sự hòa hợp thì sẽ có hạnh phúc; một quốc gia có sự hòa hợp sẽ được thịnh vượng; nhân loại có sự hòa hợp thì sẽ có hòa bình an lạc.

Lục Hòa có sáu pháp, cư xử với nhau cho thuận hòa, sự hòa thuận của đạo Phật là để đoạt được mục đích giải thoát; sau đây là sáu pháp Lục Hòa:

1- Thân hòa: Cùng ở chung hòa hợp một nơi (Metta.m kaayakamma.m).

Con người nếu biết hòa hợp thì dù không cùng huyết thống, nhưng khi đã sống chung, có chung một ý tưởng, một mục đích cao cả, dù ở chung bao nhiêu và bao lâu cũng có thể hòa thuận được.

2- Khẩu hòa: Lời nói ôn hòa không tranh cãi (Metta.m vaciikamma.m).

Chúng ta chỉ có thân hòa nhã với nhau chưa đủ, mà cần phải có cả khẩu hòa nữa. Khẩu luôn luôn nói lời dịu dàng, hòa nhã, không tranh cãi. Người có khẩu hòa gặp việc gì đem ra bàn cãi cho ra lẽ, thì cũng dùng lời nói ôn hòa nhã nhặn để bàn luận.

3- Ý hòa: Ý kiến hay tán thành (Metta.m manokamma.m).

Người Phật tử phải luôn luôn có tâm tánh hòa hiệp vui vẻ không thù hiềm ganh tỵ, bên trong tâm tính không còn thắc mắc, ganh ghét chất chứa. Muốn có ý hòa thì phải có tâm hỷ xả bỏ những điều buồn phiền, tư tưởng chơn chánh thì tâm mới hòa hợp.

4- Lợi Hòa: Lợi lộc hợp pháp nên chia nhau thọ hưởng (Laabhaa dhammikaa).

Khi có được sự lợi lộc chơn chánh phát sanh ta nên sống hòa hợp, nghĩa là cân phân đồng đều và chia xẻ cho nhau thọ hưởng, không thiên vị, kẻ ít người nhiều, kẻ tốt người xấu.

5- Giới hòa: Ðồng y giới luật tu hành (Siilasaama~n~nagato).

Giới luật là phần hệ trọng đối với người tu Phật cũng như trong xã hội, các đoàn thể, các nhà trường hay gia đình, đều cần phải có kỷ luật. Nếu một người hay một đoàn viên không giữ kỷ luật thì đoàn thể, gia đình hoặc nhà trường đó sẽ gặp nhiều trở ngại và sẽ bị tan rã. Mặt khác giới hòa cũng có ý muốn ám chỉ tùy một luật lệ nào của một tôn giáo.

Theo Phật giáo người Phật tử tại gia phải có Ngũ giới, Bát quan trai giới. Ðối với Tăng sĩ: Sa di có Thập giới, Tỳ Khưu Tăng: 227 giới, Tỳ Khưu Ni: 311 giới. Mọi giới tu hành đều phải biết bổn phận của mình gọi là Giới hòa.

6- Kiến Hòa: Kiến thức chân chánh (Di.t.thisaama~n~nagato).

Phật tử nên chỉ dạy cho nhau cùng hiểu biết kinh luật nhà Phật; người hiểu biết trước có bổn phận chỉ vẽ cho người sau cùng lãnh hội. Ðiều này rất hệ trọng, vì sự hiểu biết cần phải hiểu rõ chắc chắn chánh tà. Nếu sự hiểu biết sai lầm, truyền giáo lại không đúng chánh pháp sẽ trở thành tà vạy. Ngược lại sự hiểu biết chơn chánh sẽ giúp cho ta những người liên hệ được an vui hạnh phúc và phát sanh trí tuệ.

Vậy, người Phật tử chúng ta áp dụng y theo pháp Lục Hòa mà đức Thế Tôn đã giáo hóa, sẽ sống an vui và hợp theo lẽ đạo.

- HẾT -

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | Mục lục


Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 08-2001)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 14-08-2001