BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Bodhinyāna
Giác Minh
Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumanā Lê
Thị Sương
chuyển ngữ từ Anh sang Việt
[09] Vấn Ðáp Vấn: Bạch Sư, con đã hết sức cố gắng thực hành nhưng hình như không tiến đến đâu. Ðáp: Ðiểm nầy rất quan trọng. Trong pháp hành, không nên cố gắng tiến đến đâu hết. Chính lòng ham muốn được giải thoát hoặc được giác ngộ sẽ làm trở ngại hành giả trên đường tiến đến giải thoát. Ta có thể chuyên cần đến đâu, có thể ngày đêm tích cực thực hành như thế nào, nhưng nếu tâm vẫn còn vọng móng thành tựu điều gì ắt không bao giờ tìm ra thanh bình an lạc. Năng lực phát xuất từ lòng ham muốn ấy là nguyên nhân tạo hoài nghi và phóng dật. Dầu ta có gia công đến đâu và tinh tấn chuyên cần trong thời gian bao lâu, trí tuệ vẫn không khởi phát từ lòng ham muốn. Như vậy, chỉ giản dị buông bỏ. Hãy chuyên cần quán chiếu tâm và thân, danh và sắc, nhưng không cố gắng thành tựu bất luận gì. Chí đến pháp hành nhằm thành đạt giác ngộ cũng nên buông bỏ, không bám vào nó. Vấn: Bạch Sư, còn ngủ thì sao? Con phải ngủ nhiều hay ít thế nào? Ðáp: Chớ nên hỏi Sư. Sư không thể nói. Ðối với vài người, mỗi đêm ngủ trung bình bốn tiếng là đủ. Dầu sao, điều cần thiết là ta phải tự quan sát và tự hiểu biết mình. Nếu cố gắng quá sức, ngủ quá ít, ta sẽ cảm nghe cơ thể dã dượi, kém thoải mái, và không thể giữ vững tâm niệm. Ngủ quá nhiều sanh hôn trầm hoặc phóng dật. Hãy tự tìm lấy mức quân bình cho chính mình, thận trọng tự quán chiếu tâm và thân, và theo dõi tìm hiểu nhu cầu ngủ của mình cho đến khi nhận ra mức độ vừa phải, tốt đẹp nhất. Nếu đã tỉnh giấc mà còn trăn trở dật dựa ngủ nướng, thì đó là ô nhiễm. Vừa khi tỉnh giấc là phải tức khắc củng cố chánh niệm. Vấn: Bạch Sư, còn về vấn đề thọ thực? Nên ăn bao nhiêu? Ðáp: Ăn cũng như ngủ. Phải tự mình lượng định, tự mình hiểu biết bao nhiêu là đủ. Thức ăn phải được tiêu thụ để cung ứng nhu cầu của cơ thể. Hãy nhìn nó như một món thuốc. Có phải chăng là ăn nhiều quá chỉ làm cho ta buồn ngủ sau bửa ăn và ngày càng mập ra. Hãy dừng lại! Quán chiếu thân và tâm mình. Không cần phải nhịn đói. Thay vì nhịn ăn, hãy chứng nghiệm chút ít vật thực nào mà ta ăn. Hãy tìm ra mức thăng bằng tự nhiên của cơ thể mình. Sớt chung lại vào bát tất cả các thức ăn như các nhà sư sống trong rừng, ta có thể lượng định số thực phẩm mà mình tiêu thụ. Hãy thận trọng theo dõi, tự quan sát mình trong khi ăn, tự hiểu biết mình. Tinh hoa của Giáo Pháp chỉ là vậy. Không cần phải làm gì đặc biệt. Chỉ tự quán chiếu, tự quan sát, nhìn cái tâm. Chừng đó ta sẽ nhận thức mức thăng bằng tự nhiên cho pháp hành của mình. Vấn: Bạch Sư, tâm của người á Ðông và của người Tây Phương có khác nhau không? Ðáp: Trên căn bản thì không có gì khác. Ngôn ngữ và những tập tục bề ngoài có thể thấy là khác, nhưng tâm của con người có những đặc tính thiên nhiên như nhau nơi tất cả mọi người. Tham và sân trong tâm người á Ðông cũng giống như tham và sân trong tâm người Tây Phương. Ðau khổ và sự chấm dứt đau khổ của tất cả mọi người đều như nhau. Vấn: Bạch Sư, có nên đọc sách thật nhiều hay nghiên cứu kinh điển, xem đó là một phần của pháp hành không? Ðáp: Giáo Pháp của Ðức Phật không nằm trong sách vở. Nếu muốn thật sự trông thấy những gì Ðức Phật dạy, không cần phải bận tâm với sách vở. Hãy quán chiếu tâm mình. Hãy thận trọng quan sát xem những cảm giác và những xúc động đến và đi như thế nào, xem coi những ý nghĩ đến như thế nào và đi như thế nào. Không nên bám níu vào bất luận gì. Chỉ giác tỉnh, ghi nhận và hay biết bất cứ gì mình thấy. Ðó là con đường dẫn đến chân lý mà Ðức Phật dạy. Hãy sống tự nhiên. Tất cả những gì ta làm ở đây trong cuộc sống hiện tại, là cơ hội tốt đẹp để thực hành. Tất cả là Giáo Pháp. Khi làm những công tác lặt vặt thường ngày, hãy làm với chánh niệm. Nếu có đi đổ ống nhổ hay rửa phòng vệ sinh, chớ nên nghĩ rằng mình làm công việc cho ai, hay mình đang giúp cho ai một ân huệ nào. Có Giáo Pháp trong tác động đổ ống nhổ. Ðừng nghĩ rằng chỉ lúc ngồi lại ngay thẳng và tréo hai chân theo thế kiết già mới là hành thiền. Vài thiền sinh than phiền rằng ở đây không có đủ thì giờ để hành thiền. Vậy có đủ thì giờ để thở không? Ðó là pháp hành thiền của ta: luôn luôn chú niệm, sống tự nhiên trong lúc làm bất luận gì. Vấn: Bạch Sư, tại sao chúng con không được trình pháp với Thiền Sư mỗi ngày? Ðáp: Nếu quý thiền sinh có gì thắc mắc trong pháp hành và cần phải được rọi sáng thì cứ tự nhiên đến gặp các vị Thiền Sư và nêu lên câu hỏi. Nhưng ở đây không cần các buổi trình pháp hằng ngày (theo đó mỗi thiền sinh có thể trình với Thiền Sư những gì phát sanh đến mình trong lúc hành thiền và được vị Thiền Sư chỉ dạy, sửa sai, hoặc khuyến khích). Nếu Sư giải đáp ngay tất cả những thắc mắc nhỏ nhặt, ắt thiền sinh sẽ không bao giờ thông hiểu tiến trình hoài nghi trong tâm mình. Ðiều chánh yếu là chính thiền sinh phải học tự quán sát mình, tự vấn mình, tự "trình pháp" với mình. Hãy thận trọng lắng nghe các bài giảng của Thiền Sư -- ở đây vài ngày có giảng một lần -- rồi so sánh pháp hành của mình với những lời chỉ dạy ấy. Có giống vậy không? Có gì khác không? Tại sao ta hoài nghi? Ta nghi ngờ gì đây? Chỉ bằng cách tự quán sát mình ta mới có thể thông hiểu. Vấn: Bạch Sư, đôi khi con lo lắng về đường lối thọ trì giới luật của nhà sư. Nếu tình cờ con làm chết một côn trùng, điều ấy có phải là tạo nghiệp bất thiện không? Ðáp: Sìla, hay giới luật, rất thiết yếu cho pháp hành. Nhưng không nên bám chặt, dính kẹt trong đó một cách mù quáng. Trong khi phạm giới sát sanh, cũng như vi phạm các giới khác, yếu tố quan trọng là tác ý, ý muốn làm, cái chủ tâm đưa đến hành động. Hãy hiểu biết cái tâm của mình, không nên quá lo âu về giới luật của nhà sư. Nếu nghiêm túc trì giới một cách thích nghi thì giới đức hỗ trợ cho pháp hành. Nhưng có vài sị sư quá bận tâm lo lắng về các giới nhỏ nhặt đến độ ngủ không an giấc. Giới luật không phải là cái gì phải mang theo như một gánh nặng. Nền tảng của pháp hành là giới luật. Giới đức trong sạch, thọ trì các hạnh đầu đà, và hành thiền. Giác tỉnh chú niệm và thận trọng nghiêm trì 227 giới chánh và nhiều giới phụ là lợi ích lớn lao. Giới luật giúp làm cho cuộc sống trở nên đơn giản. Không cần phải đắn đo nghĩ ngợi hay bận tâm lo lắng phải hành động như thế nào, và như thế, tránh cho ta khỏi suy tư, mà chỉ giản dị gom tâm chú niệm. Giới luật giúp cho tăng chúng sống chung với nhau một cách hòa hợp, Phật sự tiến triển tốt đẹp và, từ bên ngoài nhìn vào, thấy mọi người hành động điều hòa và cùng hướng về một lý tưởng. Giới luật và luân lý còn là nền tảng vững chắc mà, đứng vững hai chân trên đó, hành giả có thể tiến đến định và tuệ. Bằng cách hành đúng theo giới luật của hàng xuất gia và các hạnh đầu đà chúng ta bắt buộc phải sống đơn giản, sống tri túc, chỉ giới hạn sở hữu trong những vật dụng thật sự cần thiết. Như vậy, chúng ta có trọn vẹn pháp hành của Ðức Phật: "Không hành ác, hành thiện, sống đơn giản và thanh lọc tâm". Ðó là luôn luôn giác tỉnh theo dõi, quán chiếu cái tâm của mình, thận trọng chú niệm trong tất cả các oai nghi đi, đứng, nằm. ngồi, luôn luôn tự hiểu biết mình. Vấn: Bạch Sư, có những ngày tâm con bị hoài nghi khuấy động. Hoài nghi pháp hành, hoài nghi tiến bộ của mình, hoài nghi luôn đến vị Thiền Sư. Khi hoài nghi phát sanh thì con phải làm sao? Ðáp: Hoài nghi là tự nhiên. Vào buổi ban sơ ai cũng hoài nghi. Ta có thể học hỏi rất nhiều nơi hoài nghi. Ðiều quan trọng là không nên tự đồng hóa mình với hoài nghi, xem nó là mình, mình là nó, có nghĩa là không nên để dính kẹt trong đó. Nó sẽ cuốn tròn quấn chặt tâm mình trong một vòng lẩn quẩn vô cùng tận. Thay vì tự đồng hóa với nó, hãy theo dõi quan sát toàn thể tiến trình của hoài nghi, của tâm phóng dật. Xem coi ai hoài nghi, hoài nghi đến và đi như thế nào. Chừng đó ta không còn là nạn nhân của hoài nghi nữa. Ta sẽ bước ra ngoài, vượt ra khỏi hoài nghi, và tâm sẽ trở nên vắng lặng. Ta sẽ có thể nhận thấy tất cả sự vật đến như thế nào và đi như thế nào, rồi để cho tất cả trôi qua, buông bỏ những gì mà trước kia ta bám níu. Ta buông bỏ những hoài nghi. Chỉ giản dị nhìn nó. Ðó là phương cách chấm dứt hoài nghi. Vấn: Bạch Sư, còn các pháp hành khác thì sao? Hiện nay có rất nhiều thiền sư và rất nhiều hệ thống dạy thiền khác nhau. Ðiều nầy làm cho người muốn tìm học thiền rất hoang mang. Ðáp: Cũng giống như đi ra thành phố. Ta có thể đến phố từ hướng Bắc, hướng Ðông, hay hướng Nam, từ nhiều ngã đường. Các hệ thống ấy thường chỉ khác nhau bề ngoài. Dầu đi ngã nầy hay ngã khác, dầu đi chậm hay nhanh, nếu giữ vững chánh niệm thì tất cả đều như nhau. Ðiểm chánh yếu mà tất cả các pháp hành chân chánh đều phải đạt đến là không bám níu. Ðến mức cùng tột, tất cả các hệ thống hành thiền đều cũng phải được buông xả. Cũng không nên bám vào thầy tổ. Nếu một hệ thống dẫn đến buông bỏ, không bám níu vào gì hết thì đó là pháp hành chân chánh. Có thể quý vị muốn ra đi, lên đường, đến viếng các vị Thiền Sư khác và thử thực hành phương pháp của các hệ thống khác. Vài người trong quý vị đã làm như vậy rồi. Sự ham muốn đó là tự nhiên. Quý vị sẽ nhận thấy rằng hằng ngàn câu hỏi được nêu lên và kiến thức uyên bác bao nhiêu trong nhiều hệ thống sẽ không đem quý vị đến chân lý. Rồi quý vị sẽ chán nản. Quý vị sẽ thấy rằng chỉ đến lúc dừng lại và quán chiếu thân và tâm của chính mình ta mới tìm gặp những gì Ðức Phật truyền dạy. Không cần phải tìm đâu ngoài ta. Rồi quý vị phải quay cái nhìn trở lại, đối diện với bản chất thiên nhiên của chính mình. Chính đây là nơi mà quý vị có thể thông hiểu Giáo Pháp.Vấn: Bạch Sư, hình như có nhiều vị sư ở đây không chuyên chú hành thiền. Các vị ấy buông lung lêu lổng hoặc không tinh tấn chú niệm. Thấy vậy con lấy làm khó chịu. Ðáp: Nhìn xem người khác làm gì không phải là thái độ chánh đáng. Hành động ấy không giúp được gì cho pháp hành của mình. Nếu cảm nghe khó chịu, hãy nhìn vào trạng thái khó chịu ấy trong tâm. Nếu giới hạnh của người kia không được tinh nghiêm, hoặc nếu người nọ là một nhà sư kém giới đức, xét đoán chuyện ấy không phải là phần việc của ta. Không thể khai triển trí tuệ của mình bằng cách nhìn xem người khác làm gì. Giới luật của hàng xuất gia là công cụ để được xử dụng trong pháp hành chớ không phải là khí giới dùng để chỉ trích, hoặc để bươi móc, tìm tòi vạch lỗi người khác. Không ai có thể hành thiền cho ta, mà ta cũng không thể hành cho ai khác. Hãy giác tỉnh, chú niệm vào điều gì mình đang làm. Ðó là đường lối thực hành. Vấn: Bạch Sư, đến nay con hết sức thận trọng trong việc thu thúc lục căn. Con luôn luôn nhìn xuống và luôn luôn giữ chánh niệm trong từng tác động nhỏ nhặt. Thí dụ như khi thọ thực, con phải mất rất nhiều thì giờ và hay biết từng chi tiết: nhai, ý thức mùi vị, nuốt v.v... Mỗi giai đoạn như vậy thì con rất thận trọng trong từng tác động. Con hành như thế có đúng không? Ðáp: Thu thúc lục căn là pháp hành chân chánh. Ðúng như vậy. Phải luôn luôn giác tỉnh. Suốt ngày hay biết điều gì xảy đến các giác quan. Tuy nhiên, không nên làm quá độ! Hãy đi đứng, ăn uống, và hành động một cách tự nhiên. Hãy phát triển tâm niệm một cách tự nhiên, hồn nhiên hay biết những gì xảy diễn bên trong chúng ta. Không nên cưỡng ép pháp hành, cũng không nên tự cưỡng bách mình có những thái độ vụng về khó coi. Ðó là một hình thức tham vọng khác. Hãy nhẫn nại. Cần phải nhẫn nại và bền chí kiên trì. Nếu ta hành động một cách tự nhiên và giác tỉnh chú niệm thì trí tuệ cũng phát sanh một cách tự nhiên. Vấn: Bạch Sư, có cần thiết phải ngồi thiền suốt một thời gian dài không? Ðáp: Không. Không cần phải ngồi từ giờ nầy sang giờ khác. Vài người nghĩ rằng càng ngồi lâu hành giả càng sáng suốt hơn. Sư có thấy những con gà mái ngồi trong ổ ngày nầy qua ngày kia! Trí tuệ phát sanh từ trạng thái giác tỉnh chú niệm trong mọi oai nghi. Ngay từ lúc vừa tỉnh giấc thì phải bắt đầu niệm. Và như thế, thực hành cho đến khi ngủ trở lại. Không nên lo lắng về điểm ngồi được bao lâu. Ðiều quan trọng chỉ là tỉnh thức, dầu trong lúc làm việc, lúc ngồi, hoặc lúc đi giải. Mỗi người có một khoảng thời gian ngồi tự nhiên vừa phải của mình. Vài người trong quý vị sẽ lìa đời vào lứa tuổi năm mươi, vài người khác ở tuổi sáu mươi, và vài người khác nữa vào độ cửu tuần. Cùng thế ấy, thời gian mà mỗi người có thể ngồi được cũng không giống nhau. Không nên thắc mắc hay lo âu về điểm nầy. Hãy cố gắng giữ tâm luôn luôn giác tỉnh và để cho sự vật trôi chảy theo bản chất thiên nhiên của nó. Chừng ấy tâm sẽ trở nên ngày càng vắng lặng hơn, dầu cảnh vật quanh ta như thế nào. Tâm sẽ giống như ao hồ tĩnh lặng giữa rừng sâu hoang vắng. Những loài thú hiếm hoi và kỳ lạ sẽ đến uống nước dưới hồ. Ta sẽ thấy rõ ràng bản chất thật sự của vạn hữu. Ta sẽ gặp đủ loại cảnh vật kỳ diệu, lạ lùng, đến rồi đi. Nhưng chính ta sẽ yên tĩnh, vắng lặng, tự tại. Những vấn đề khó khăn sẽ phát sanh, và trong tức khắc ta sẽ nhận thấy sự vật xuyên qua những khó khăn ấy. Ðó là hạnh phúc giác ngộ, hạnh phúc của chư Phật. Vấn: Bạch Sư, con có rất nhiều ý nghĩ. Tâm con quá đổi buông lung. Mặc dầu con cố gắng củng cố chánh niệm, tâm vẫn phóng dật. Ðáp: Không nên lo âu về điều nầy. Hãy giữ tâm an trú trong hiện tại. Bất luận gì phát sanh đến tâm, hãy nhìn nó mà không dính mắc. Hãy buông bỏ, để cho nó trôi qua. Cũng không nên muốn nó đi mất. Như vậy tâm sẽ đạt đến trạng thái thiên nhiên của nó. Không nên phân biệt tốt và xấu, nóng và lạnh, mau và chậm. Không có tôi và không có anh. Không có tự ngã chút nào, chỉ là vậy. Khi đi trì bình, không cần phải làm gì đặc biệt. Chỉ giản dị đi và thấy cảnh vật nào đến với ta như nó là vậy. Không cần phải bận bịu hay quyến luyến cảnh cô đơn vắng vẻ hay trạng thái ẩn dật. Dầu ở nơi nào, hãy tự hay biết mình bằng cách sống tự nhiên và tự quán chiếu, tự quan sát mình. Nếu hoài nghi phát sanh, hãy nhìn nó đến và đi. Quả thật rất giản dị. Không giữ lại gì cả. Cũng như ta đang đi trên con đường đổ dốc xuống và thỉnh thoảng gặp trở ngại. Gặp ô nhiễm cũng vậy. Chỉ nhìn, và chỉ khắc phục bằng cách để cho nó trôi qua theo con đường thiên nhiên của nó. Không nên suy tư về những trở ngại mà mình đã vượt qua. Không nên lo âu về những trở ngại mà mình chưa gặp phải. Hãy sống trong hiện tại, bám sát vào hiện tại. Không nên bàng hoàng lo âu về chiều dài của con đường mà mình phải trải qua, không nên băn khoăn nghĩ ngợi về mục tiêu mà mình phải đạt đến. Mọi sự vật đều biến đổi. Bất luận gì mà ta đi ngang qua, không nên vướng víu. Ngày kia tâm sẽ đạt đến mức thăng bằng tự nhiên của nó và vào lúc ấy pháp hành sẽ trôi chảy mà không cần ta lưu ý đến. Tất cả mọi sự vật sẽ đến và sẽ đi.Vấn: Bạch Sư, có khi nào Sư xem kinh sách của Ngài Lục Tổ Huệ Năng không? Ðáp: Trí tuệ của Ngài Huệ Năng quả thật bén nhạy. Giáo huấn của Ngài quả thật sâu sắc và người sơ cơ không dễ gì lãnh hội. Tuy nhiên, nếu thực hành đúng theo phương pháp của chúng ta và kiên trì tinh tấn, nếu chuyên cần tinh luyện trong hạnh buông bỏ, ta sẽ thấu đạt. Lần nọ có một đệ tử của Sư sống trong lều tranh. Vào năm ấy trời mưa thật nhiều. Ngày kia giông tố làm tróc phân nửa cái nóc tranh của tịnh thất. Vị sư ấy không màng sửa lại nóc lều, để mặc cho mưa dột. Nhiều ngày trôi qua như vậy. Hôm nọ Sư hỏi vị ấy về cái nóc tịnh thất. Ông ta đáp rằng mình đang hành pháp buông bỏ. Ðó là một lối buông bỏ không có trí tuệ. Nó cũng giống như thái độ bình thản, hay tâm xả của con trâu đang trầm mình dưới nước, không màng đến cơn nóng bức mùa hè. Nếu sống bình dị cuộc đời tốt đẹp, nếu sống nhẫn nhục và vị tha, ta sẽ thông hiểu trí tuệ của Ngài Huệ Năng. Vấn: Bạch Sư, Sư có dạy rằng thiền Vắng Lặng (Samatha) và thiền Minh Sát (Vipassanà) là hai pháp hành giống nhau. Xin Sư vui lòng giảng rộng thêm. Ðáp: Thật dễ hiểu. Thiền Vắng Lặng (Samatha) và thiền Minh Sát (Vipassanà) cùng đi chung với nhau. Trước tiên, do nhờ pháp hành gom tâm an trụ vào đề mục, tâm trở nên an tĩnh, vắng lặng. Tâm chỉ vắng lặng trong khi ta ngồi thiền, mắt nhắm. Ðó là thiền Vắng Lặng. Tâm định (samàdhi) căn bản nầy sẽ khởi duyên cho trí tuệ, hay tuệ Minh Sát, phát sanh. Ðến mức độ nầy tâm luôn luôn vẫn an tĩnh, dầu ta ngồi nhắm mắt hành thiền nơi vắng vẻ hay đi bách bộ giữa phố phường nhộn nhịp. Nó là vậy. Ngày nào còn là trẻ con giờ đây lớn khôn, ta đã là người đứng tuổi. Em bé thuở nào và người đứng tuổi hiện nay có phải là một không? Có thể nói là một. Hoặc, theo một lối nhìn khác, có thể nói là hai người khác biệt. Cùng thế ấy ta có thể nhìn tách rời thiền Váng Lặng và thiền Minh Sát. Chớ tin chắc Sư bằng lời. Hãy thực hành đi rồi tự mình sẽ thấy. Không cần phải làm gì đặc biệt. Nếu chăm chú quan sát, nhìn xem "vắng lặng" và "trí tuệ" phát sanh thế nào, quý vị sẽ tự bản thân thấu đạt chân lý. Trong những năm sau nầy người ta quá chú trọng đến danh từ. Họ gọi pháp hành của họ là Minh Sát, và coi rẻ thiền Vắng Lặng. Hoặc họ gọi thiền của họ là Vắng Lặng và hãnh diện nói rằng muốn thành công hành Minh Sát phải trải qua giai đoạn hành thiền Vắng Lặng. Tất cả những lời qua tiếng lại ấy là điên cuồng. Chớ nên bận tâm suy tư. Chỉ giản dị thực hành. Tự mình sẽ thấy. Vấn: Bạch Sư, trong pháp hành của chúng ta, có cần phải nhập định không? Ðáp: Không. Không cần phải nhập định. Phải củng cố trạng thái vắng lặng và gom tâm an trụ vào một điểm duy nhất. Rồi dùng tâm nhất điểm ấy tự quán chiếu, tự quan sát mình. Không cần phải có gì đặc biệt. Nếu trong khi hành thiền mà tâm định phát sanh thì cũng tốt vậy. Nhưng không nên cố bám, giữ nó lại. Vài người tiến đạt đến tâm định rồi lấy làm thỏa thích, dính kẹt luôn trong đó. ở vào trạng thái vắng lặng của tâm toàn định có rất nhiều thích thú, nhưng phải biết đúng giới hạn của nó. Nếu là người sáng suốt ta sẽ biết rõ tác dụng và giới hạn của tâm định, cũng như ta biết giới hạn của tuổi thơ, đến lúc nào phải hành động như người đứng tuổi. Vấn: Bạch Sư, tại sao thọ trì hạnh đầu đà, như chỉ ăn từ trong bát? Ðáp: Hạnh đầu đà giúp hành giả cắt bớt ô nhiễm. Bằng cách thọ giới, chỉ ăn trong bát, ta có thể dễ dàng chú tâm hơn vào thức ăn, xem đó là một thứ thuốc. Nếu đã tận diệt mọi ô nhiễm thì dầu thọ thực như thế nào cũng không thành vấn đề. ở đây, tại thiền viện, chúng ta áp dụng hình thức chỉ ăn trong bát nhằm giúp làm cho pháp hành đơn giản. Ðức Phật không bắt buộc tất cả các vị tỳ khưu phải thọ trì hạnh đầu đà, nhưng Ngài cho phép vị nào muốn, có thể tự khép mình vào khuôn khổ của giới luật khắc khe nầy. Những giới nầy giúp cho nếp sống kỷ cương thêm chặt chẽ và do đó, giúp tăng trưởng ý chí và năng lực. Ðây là những quy luật mà mỗi người nỗ lực gìn giữ cho mình. Không nên nhìn xem người khác thực hành như thế nào. Hãy nhìn cái tâm của mình và xem điều gì lợi ích cho mình. Một thông lệ khác của thiền viện là thiền sinh phải chấp nhận chỗ ở mà người ta chỉ định cho mình. Ðây cũng là một kỷ cương hữu ích nhằm giúp thiền sinh không bận bịu với chỗ ở. Nếu một thiền sinh đã ra đi rồi trở lại thì phải ở một chỗ khác. Ðó là pháp hành của chúng ta: không bám níu vào bất luận gì. Vấn: Bạch Sư, nếu việc sớt tất cả vật thực vào bát là quan trọng, tại sao chính Sư là thầy mà không làm như vậy? Sư không cảm thấy rằng điều quan trọng là vị thiền sư phải nêu gương cho thiền sinh sao? Ðáp: Ðúng, quả thật đúng là vị Thiền Sư phải làm gương cho đệ tử. Sư không quan tâm đến việc quý vị chỉ trích Sư. Quý vị muốn hỏi gì cứ hỏi. Tuy nhiên, điểm quan trọng là không nên trìu mến, bám níu theo vị thầy của mình. Nếu bề ngoài Sư thật sự là hoàn toàn thì ắt là nguy hiểm. Tất cả quý vị sẽ quá đổi trìu mến, quyến luyến Sư. Chí đến Ðức Phật, đôi khi cũng dạy đệ tử làm một việc rồi Ngài làm theo đàng khác. Lòng hoài nghi ông thầy có thể giúp quý vị. Quý vị nên nhìn phản ứng của mình, thử nghĩ xem có thể nào Sư sớt thức ăn từ bình bát ra dĩa để tặng cho những vị cư sĩ làm công quả quanh chùa được không? Quý vị nên tự quán chiếu và khai triển trí tuệ của mình. Chỉ thọ nhận nơi thầy những gì tốt đẹp. Hãy giác tỉnh hay biết pháp hành của mình. Nếu Sư nằm nghỉ trong khi quý vị phải ngồi ngay thẳng hành thiền, điều ấy có làm cho quý vị phiền giận không? Nếu màu xanh mà Sư nói là đỏ, đàn ông mà Sư gọi đàn bà, chớ nên tin lời Sư một cách mù quáng. Một trong các vị thầy của Sư có thói quen ăn thật nhanh và khi ăn gây nên nhiều tiếng động. Như vậy mà Ngài dạy đệ tử phải ăn từ từ và ăn với chánh niệm. Lúc ấy Sư nhìn thầy và lấy làm khó chịu, bực mình. Sư đau khổ. Nhưng thầy thì không! Sư chỉ nhìn thầy từ bên ngoài. Về sau Sư học được bài học. Vài người lái xe đi thật nhanh, nhưng cẩn thận. Có những người khác lái chậm nhưng thường gây tai nạn. Không nên bám chắc vào thông lệ, dính mắc trong hình thức bề ngoài. Nếu quý vị bỏ ra mười phần trăm thì giờ để nhìn người khác và tự nhìn mình suốt chín mươi phần trăm còn lại thì đó là hành đúng. Lúc ban đầu Sư thường nhìn vị thầy của Sư là Ajahn Tong Raht và đâm ra hoài nghi. Người ta tưởng là Ngài đã mất trí. Ngài làm những chuyện lạ đời và tỏ ra rất hung hăng đối với đệ tử. Nhìn bề ngoài thấy hình như Ngài giận dữ, nhưng bên trong thì không có gì. Không có ai trong đó hết. Quả thật đặc biệt tuyệt diệu! Ngài giữ tâm sáng suốt và giác tỉnh chí đến giờ phút viên tịch. Nhìn người từ bên ngoài làm cho cái "Ta" của mình phân biệt, so sánh. Không thể tìm ra hạnh phúc bằng đường lối ấy. Quý vị cũng sẽ không thể an lạc nếu để mất thì giờ đi tìm một người toàn hảo hoặc một vị thầy lý tưởng. Ðức Phật dạy chúng ta nên nhìn vào Giáo Pháp, chân lý, không nên nhìn người khác.Vấn: Bạch Sư, theo pháp hành của chúng ta, làm thế nào để khắc phục khát vọng? Ðôi khi con cảm thấy mình làm nô lệ cho nhục dục ngũ trần. Ðáp: Khi lòng tham dục trổi dậy, nên lặp lại thế quân bình bằng cách quán niệm đặc tính ô trược của cơ thể vật chất. Luyến ái, bám níu vào thân nầy là một cực đoan, và ta phải lập tâm ghi nhận trạng thái đối nghịch, bề trái của nó. Hãy quán chiếu thân nầy, xem như một xác chết và theo dõi nhìn tiến trình hư hoại của nó. Hoặc quán niệm các bộ phận của thân như phổi, mật, mỡ v.v... Ghi nhớ và hình dung phần uế trược đáng ghê tởm của thân mỗi khi tham dục phát sanh. Thực hành như vậy sẽ vượt thoát ra khỏi tham dục. Vấn: Bạch Sư, còn sân hận thì sao? Con phải làm gì khi cảm nghe mình nổi giận? Ðáp: Phải niệm tâm Từ. Nếu trong lúc đang hành thiền mà có tâm sở sân hận khởi dậy, hãy lập thế quân bình bằng cách khai triển những tư tưởng từ ái. Nếu có ai làm điều sai quấy hay tỏ ra giận dữ với mình, chính mình không nên nổi giận, vì cũng sân như họ thì ta còn si mê hơn họ nữa. Hãy sáng suốt. Hãy giữ vững tâm bi, thương hại họ vì họ đang đau khổ. Hãy phát triển tâm từ, với lòng chứa chan từ ái, xem họ như anh chị em ruột thịt thân yêu. Hãy lấy tâm từ làm đề mục quán niệm và ban rải tình thương đậm đà vô lượng vô biên đến toàn thể chúng sanh trong ba giới bốn loài. Chỉ có tâm Từ mới chế ngự sân hận. Ðôi khi có thể quý vị thấy các nhà sư hành động sai lầm và lấy làm khó chịu. Ðó là đau khổ một cách không cần thiết, chưa phải là đạt đến Giáo Pháp của chúng ta. Quý vị có thể nghĩ như vầy: "Vị nầy giới đức không chặt chẽ trong sạch như ta. Các vị kia không chuyên chú hành thiền như chúng ta. Các nhà sư nọ không tốt." Ðó là phần ô nhiễm to lớn của quý vị. Không nên so sánh. Không nên phân biệt. Hãy buông xả, để cho những ý kiến riêng tư của quý vị trôi qua. Không nên bám vào nó mà chỉ tự nhìn chính mình. Ðó là Giáo Pháp. Quý vị không thể làm cho tất cả mọi người hành động theo ý muốn của mình, hoặc giống như mình. Lòng mong muốn tương tợ chỉ làm cho ta đau khổ. Và đó là sai lầm chung của phần lớn các thiền sinh. Nhìn người khác không thể khai triển trí tuệ cho mình. Chỉ giản dị tự quán chiếu, quay cái nhìn trở vào bên trong để quan sát những thọ cảm của mình. Ðó là phương cách để thấu đạt chân lý. Vấn: Bạch Sư, con thường hay buồn ngủ. Ðiều nầy làm cho con khó hành thiền. Ðáp: Có nhiều cách để khắc phục buồn ngủ. Nếu đang ngồi trong tối, hãy di chuyển đến một nơi có nhiều ánh sáng. Mở mắt ra. Ðứng dậy đi rửa mặt hoặc đi tắm. Thay đổi oai nghi, như đang ngồi đứng dậy đi. Ði kinh hành nhiều. Ði thụt lùi, lòng lo sợ đụng vật gì ở phía sau làm cho ta tỉnh thức. Nếu vẫn còn buồn ngủ hãy đứng yên ngay thẳng và tưởng tượng như mình đang ở một nơi sáng rực như ban ngày. Hoặc nữa, ngồi bên vực thẳm hay trên miệng một cái giếng sâu. Ta sẽ sợ mà không dám ngủ. Nếu đã làm tất cả mà không hết buồn ngủ, hãy đi ngủ. Thận trọng nằm xuống và cố gắng giữ tâm giác tỉnh, luôn luôn giữ chánh niệm cho đến khi an giấc, hãy dậy liền. Không nên nằm đó nhìn đồng hồ hay lăn qua trở lại, trăn trở ngủ nướng. Hãy bắt đầu niệm ngay từ lúc tỉnh giấc. Nếu thường ngày hằng buồn ngủ như vậy, hãy cố gắng bớt ăn lại và thận trọng tự quán sát trong khi thọ thực. Ðến lúc còn năm miếng ăn nữa là vừa thì dừng lại. Uống nước vào là đủ. Hãy đi ngồi thiền. Nhìn trạng thái buồn ngủ và đói bụng. Phải học giữ mức thăng bằng trong khi thọ thực. Thực hành như vậy quý vị sẽ cảm nghe tự nhiên tinh tấn hơn và ăn ít lại. Nhưng phải tự mình điều chỉnh, tìm mức độ quân bình vừa phải cho mình. Vấn: Bạch Sư, tại sao ở đây phải lễ lạy nhiều quá vậy? Ðáp: Lễ lạy rất quan trọng. Hình thức bề ngoài đó là một phần của pháp hành. Hình thức nầy phải được thực hiện một cách thích nghi. Khấu đầu đụng tới sàn nhà, đặt hai cùi chỏ gần đầu gối và hai lòng bàn tay trải nằm sát đất, cách nhau khoảng một tấc. Ðảnh lễ một cách khoan thai, luôn luôn giác tỉnh theo dõi tác động của mình. Ðây là một loại thuốc rất công hiệu để chữa bệnh ngã mạn. Ta nên lễ lạy thường. Trong khi lạy ba lạy ta có thể quán tưởng đến phẩm hạnh của Ðức Phật, của Giáo Pháp và của chư Tăng. Ðó là phẩm chất trong sạch toàn hảo, rạng tỏ sáng ngời và thanh bình an lạc. Như vậy ta dùng hình thức bề ngoài để tự huấn luyện. Thân và tâm sẽ trở nên điều hòa. Không nên sai lầm nhìn người khác đảnh lễ như thế nào. Nếu chú sa di trẻ tuổi đảnh lễ một cách vụng về cẩu thả hay vị sư già không thận trọng giác tỉnh, phận sự của ta không phải là xét đoán họ. Có người luyện tập khó khăn. Có người lanh trí học mau, cũng có những người khác chậm lụt phải mất nhiều thì giờ để học. Phán xét người khác chỉ làm tăng trưởng tính ngã mạn của mình. Thay vì nhìn người, hãy nhìn chính mình. Hãy lễ lạy thường để làm giảm suy tính ngã mạn.Những vị thật sự sống điều hoà với Giáo Pháp đã vượt qua khỏi những lễ nghi bề ngoài ấy. Mọi việc làm của các Ngài là một hình thức đảnh lễ. Ðối với các Ngài, đi là đảnh lễ; thọ thực là đảnh lễ; mọi việc làm là đảnh lễ. Ðó là vì các Ngài đã vượt ra khỏi mọi hình thức vị kỷ, không còn cái "Ta".Vấn: Bạch Sư, khi dạy các thiền sinh mới nhập môn, vấn đề khó khăn nhất mà Sư gặp phải là gì? Ðáp: Ý kiến. Họ có những quan điểm và những ý niệm riêng tư về tất cả. Về bản thân họ, về pháp hành, về giáo huấn của Ðức Phật. Ðến đây học có nhiều người trước kia đã ở những địa vị cao sang trong cộng đồng. Ngoài đời họ là thương gia giàu có, là những người tốt nghiệp đại học, những giáo sư, hay những công chức cao cấp. Tâm não họ còn đầy những ý kiến về tất cả mọi sự vật. Họ quá thông minh để còn phải lắng nghe ai khác. Cũng như tách nước. Nếu nước đựng trong tách đã dơ, đầy bụi bậm, đục ngầu và có mùi hôi thì không còn dùng được nữa. Chỉ khi nào ta đổ hết nước đó ra ngoài, cái tách mới có thể hữu dụng. Phải đổ trút hết những ý kiến, phải gội rửa làm cho tâm trống không, chừng đó ta sẽ thấy. Pháp hành của chúng ta vượt ra ngoài trí thông minh và ngu độn. Nếu nghĩ rằng, "Ta thông minh. Ta giàu có. Ta quan trọng. Ta thấu hiểu tất cả Giáo Pháp", quý vị chỉ che đậy chân lý anattà, vô ngã. Tất cả những gì quý vị thấy là tự ngã, ta, của ta. Nhưng Phật Giáo dạy buông bỏ tự ngã. Chỉ trống rỗng, chân không, Niết Bàn. Vấn: Bạch Sư, những ô nhiễm như tham hay sân thật sự có không, hay chỉ huyền ảo? Ðáp: Cả hai. Các ô nhiễm mà ta gọi là tham, sân, hay si chỉ là những danh từ, những cái tên, những hình dáng bề ngoài. Cũng chỉ như ta nói cái chén nầy to, nhỏ, đẹp, hay bất luận gì khác. Ðiều đó không phải là thực tại. Ðó chỉ là những khái niệm mà ta đã tạo nên do lòng tham. Nếu muốn một cái chén to thì ta gọi cái nầy là nhỏ. Chính lòng ham muốn làm cho ta phân biệt. Còn chân lý trái lại, chỉ là cái gì thật sự là vậy. Nhìn theo đường lối nầy, quý vị có phải là đàn ông không? Quý vị nói là "phải". Nhưng nó chỉ là hình dáng bề ngoài của sự vật. Trong thực tế quý vị chỉ là sự hợp thành của những nguyên tố, những cấu hợp, những uẩn, luôn luôn biến chuyển. Nếu đã tự do, hoàn toàn giải thoát, tâm sẽ không còn phân biệt nữa. Không lớn, không nhỏ, không bạn, không tôi. Không có gì cả: ta nói Anattà, Vô Ngã. Trong thực tế, đến mức cùng tột cũng không có Attà, Ngã hay Anattà, Vô Ngã. Vấn: Bạch Sư, xin Sư vui lòng chỉ dạy thêm về lý nghiệp báo. Ðáp: Kamma, hay nghiệp, là hành động. Kamma là bám níu, hay dính mắc. Tất cả thân, khẩu, và ý đều tạo nghiệp khi ta bám níu. Chúng ta tạo thói quen. Những thói quen nầy làm cho ta đau khổ trong tương lai. Ðó là hậu quả của sự bám níu, những ô nhiễm của ta trong quá khứ. Tất cả mọi dính mắc hay bám níu đều dẫn đến tình trạng tạo nghiệp. Thí dụ như trước kia ta là tên trộm và nay trở thành một nhà sư. Ta đã ăn trộm, làm cho người khác buồn phiền, làm cha mẹ đau khổ. Trong hiện tại ta là một nhà sư. Nhưng khi hồi nhớ lúc nào đã tạo cảnh bất hạnh cho người khác thì ta cảm nghe bùi ngùi, vô phúc, đau khổ -- trong giờ phút nầy. Hãy ghi nhận rằng không phải chỉ có hành động bằng thân mới tạo nghiệp, mà lời nói và ý nghĩ cũng tạo duyên cho quả trổ sanh trong tương lai. Nếu trong quá khứ ta có một hành động từ ái, bi mẫn, giờ đây, khi nhớ lại, ta cảm nghe hạnh phúc. Trạng thái tâm hỷ lạc nầy là hậu quả của thiện nghiệp trong quá khứ. Tất cả mọi sự vật đều khởi sanh từ một nhân nào -- nhân được gieo trong quá khứ xa xôi hay, nếu ta tỉ mỉ quán xét, nhân mà ta tạo trong từng phút, từng giây, từng khoảnh khắc. Nhưng ta không cần phải bận tâm nghĩ ngợi về quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Chỉ nhìn thân và tâm, sắc và danh. Phải tự mình nhận ra hậu quả của nghiệp. Hãy nhìn cái tâm của mình. Thực hành đi, rồi sẽ thấy rõ. Nhưng còn nghiệp của người khác thì để họ lo. Không nên dính mắc, không nên nhìn người khác. Nếu Sư uống thuốc độc thì Sư đau khổ. Quý vị không cần phải chia sớt thuốc độc với Sư! Hãy nhận lãnh những gì tốt đẹp mà vị thầy hiến cho mình. Quý vị sẽ trở nên an lạc, tâm của quý vị sẽ giống như tâm của thầy. Nếu tinh tấn gia công quán niệm quý vị sẽ thấu rõ, sẽ tự mình lãnh hội. Ðó là thực hành Giáo Pháp. Khi chúng ta còn trẻ tuổi cha mẹ thường la rầy để khép chúng ta vào khuôn khổ kỷ cương, và ta phiền giận. Trong thực tế cha mẹ chỉ muốn giúp đem lợi ích lại cho ta. Phải nhìn xa, nhìn về lâu về dài. Cha mẹ thầy cô chỉ trích, và ta lấy làm khó chịu. Chỉ về sau ta mới thấu hiểu lý do. Pháp hành cũng vậy. Sau khi thực hành một thời gian lâu dài quý vị sẽ thấu hiểu. Những thiền sinh quá thông minh chỉ thực hành trong một thời gian ngắn rồi bỏ đi. Họ không bao giờ học hỏi được gì. Ta phải tách rời, bỏ đi bẩm tính thông minh của mình. Nếu nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác ta sẽ đau khổ. Rất đáng tiếc. Không cần phải bực mình, khó chịu. Chỉ nhìn. Vấn: Bạch Sư, đôi khi con có cảm tưởng như từ ngày xuất gia con càng gặp khó khăn nhiều hơn trước. Ðáp: Sư biết rằng vài người trong quý vị ở ngoài đời có cuộc sống vật chất đầy đủ tiện nghi và, nhìn từ bên ngoài, hình như có nhiều tự do hơn. Hiện nay quý vị đang sống tương đối khắc khổ. Do đó, trong khi thực hành vị đạo Sư thường để cho quý vị chờ đợi lâu, từ giờ nầy sang giờ khác. Vật thực và khí hậu ở đây cũng khác với khí hậu và vật thực ở quê nhà quý vị. Tất cả mọi người đều phải trải qua giai đoạn thực tập như vậy. Ðây là sự đau khổ có tác dụng chấm dứt đau khổ. Ðó là pháp tu học của quý vị. Khi bực mình, nổi giận và buồn tủi thì đó là cơ hội lớn lao để thấu hiểu cái tâm của mình. Ðức Phật dạy rằng ô nhiễm là thầy của ta. Sư xem tất cả thiền sinh đệ tử là con. Sư chỉ có tâm Từ trong lòng và chỉ nghĩ đến tình trạng an lành của quý vị. Có lúc hình như Sư làm cho quý vị buồn phiền hay đau khổ, nhưng đó chỉ vì lợi ích của chính quý vị. Sư biết rằng vài người trong quý vị học rộng hiểu sâu. Người ít học và có kiến thức khiêm tốn về những sự vật ở ngoài đời hành thiền có phần dễ dàng. Cũng như quý vị -- những người Tây Phương -- có một ngôi nhà thật rộng, cần phải quét dọn sạch sẽ. Công việc bề bộn. Nhưng khi đã dọn dẹp quét rửa xong quý vị sẽ có chỗ ở rộng rãi, ngăn nấp, đầy đủ nào nhà bếp, nào thư viện, phòng khách v.v... Quý vị phải nhẫn nại. Nhẫn nhục và kiên trì là hai đức tính thiết yếu cho pháp hành. Khi còn là nhà sư trẻ tuổi Sư không phải khổ cực như quý vị. Sư nói tiếng mẹ đẻ và ăn thức ăn bổn xứ. Vậy mà đôi khi Sư cũng chán nản thất vọng, muốn huờn tục, thậm chí có lúc muốn quyên sinh. Loại đau khổ nầy phát sanh từ lối nhìn, lối thấy, lối hiểu biết sai lầm. Một khi đã thấy được chân lý ta không còn ôm ấp những quan kiến riêng tư gì nữa. Tất cả đều trở nên thanh bình an lạc.Vấn: Bạch Sư, do nhờ hành thiền con đã đạt đến trạng thái tâm an lạc. Giờ đây con phải làm gì? Ðáp: Như vậy là tốt. Làm cho tâm thanh bình an trụ. Rồi dùng tâm an trụ ấy quán chiếu thân và tâm. Khi tâm không an lạc cũng phải nhìn cái tâm không an lạc ấy. Rồi sẽ thấy an lạc thật sự. Tại sao? Vì lúc bấy giờ ta sẽ nhận thấy vô thường. Chí đến trạng thái an lạc cũng phải được xem là vô thường. Nếu bận bịu luyến ái, bám vào trạng thái an lạc ta sẽ đau khổ khi nó không còn nữa. Hãy dứt khoát buông trôi tất cả, chí đến trạng thái an lạc thanh bình. Vấn: Bạch Sư, có phải chăng Sư nói rằng Sư sợ những thiền sinh quá siêng năng? Ðáp: Ðúng vậy. Sư sợ thiệt. Sư sợ họ quá cần mẫn siêng năng. Họ cố gắng quá sức mà không có trí tuệ. Họ tự đưa đẩy vào hoàn cảnh đau khổ không cần thiết. Vài người trong quý vị quyết định giác ngộ, cắn răng chiến đấu không ngừng. Ðó là nỗ lực quá độ. Mỗi người đều giống nhau. Họ không thấu hiểu bản chất thiên nhiên của sự vật. Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Tâm và thân là pháp hữu vi. Chỉ giản dị nhìn nó mà không dính mắc bám vào. Có những người nghĩ rằng họ biết. Họ chỉ trích, họ tò mò quan sát, họ phán đoán. Ðược. Ðể cho họ có những ý kiến. Sự phân biệt và so sánh ấy là nguy hiểm. Cũng như con đường có khúc quanh thật gắt. Nếu nghĩ rằng người khác dỡ hơn, giỏi hơn, hay bằng ta, ta đã đi lệch ra khỏi khúc quanh. Phân biệt và so sánh chỉ dẫn ta đến đau khổ. Vấn: Bạch Sư, con đã hành thiền trong nhiều năm nay. Tâm con đã mở rộng và an lạc trong hầu hết các trường hợp. Giờ đây con muốn quay trở lại hành những tầng Thiền (Jhàna) cao hơn. Ðáp: Tốt lắm. Ðó là đường lối tu tập có lợi ích. Nếu đã có trí tuệ thì không còn sợ dính mắc trong các trạng thái hỷ lạc của tâm vắng lặng nữa. Trường hợp nầy cũng như mình muốn ngồi thiền trong một thời gian lâu dài. Thực tập như vậy là tốt, nhưng trong thực tế, pháp hành không liên quan đến oai nghi đi, đứng, hay nằm, ngồi. Vấn đề ở đây là nhìn thẳng vào tâm. Ðây là trí tuệ. Khi đã quan sát và thấu hiểu cái tâm, ta có đủ trí tuệ để hiểu biết giới hạn của tâm định, hoặc của sách vở. Nếu đã có hành và đã thông suốt hạnh buông bỏ, ta sẽ có thể quay trở về chồng sách vở. Sách sẽ như món ăn tráng miệng ngon ngọt. Nó sẽ giúp ta chỉ dạy người khác. Hoặc ta có thể trở lại hành các pháp thiền đưa đến tâm toàn định. Ta đã có đủ trí tuệ để thông hiểu và để không bám níu vào bất luận gì. Vấn: Bạch Sư, xin Sư vui lòng tóm lược những điểm chánh của buổi thảo luận hôm nay. Ðáp: Phải tự quán chiếu. Biết mình là ai. Hiểu biết thân và tâm của mình bằng cách chỉ giản dị nhìn. Khi ngồi, khi ngủ, khi ăn, hãy biết giới hạn của mình. Hãy xử dụng trí tuệ. Pháp hành không phải để thành tựu bất luận gì. Chỉ giác tỉnh chú niệm những gì xảy diễn. Toàn thể pháp hành của ta là nhìn thẳng vào tâm. Ta sẽ nhận thức: khổ, nhân sanh khổ, và sự chấm dứt đau khổ. Nhưng phải nhẫn nại. Thật nhẫn nại và thật kiên trì. Dần dần ta sẽ học. Ðức Phật dạy rằng đệ tử phải theo bên cạnh vị thầy của mình ít nhất là năm năm. Ta phải học giá trị của hạnh bố thí, của đức nhẫn nại và của tâm đạo nhiệt thành. Không nên thực hành quá khắc khổ. Không nên để dính kẹt trong hình thức bề ngoài. Tò mò nhìn xem người khác làm gì để chỉ trích là một thói hư, một tật xấu. Chỉ sống đơn giản, hồn nhiên, và nhìn sự vật. Ðối với hàng xuất gia, giới luật quả thật rất quan trọng. Giới tạo hoàn cảnh hòa hợp và đơn giản. Hãy xử dụng đúng mức các giới luật ấy. Nhưng nên ghi nhớ, điểm chánh yếu của giới luật là nhìn xem tác ý, cái chủ tâm của mình. Phải có trí tuệ. Không nên phân biệt và so sánh. Ta có lấy làm khó chịu và phiền giận một cái cây bé nhỏ trong rừng vì nó không ngay thẳng và to lớn như những cây khác không? Ðó là điên cuồng. Không nên phán đoán người khác. Trong đời có đủ hạng người. Không cần phải khuân vát gánh nặng mong muốn đổi thay tất cả. Vậy, hãy nhẫn nại. Nghiêm chỉnh thọ trì giới luật. Sống giản dị và hồn nhiên. Nhìn cái tâm. Ðó là pháp hành của chúng ta. Nó sẽ dẫn ta đến những trạng thái tâm không chấp ngã mà hoàn toàn vị tha. Ðến thanh bình an lạc. -ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2002).
Xin xem thêm: Bản dịch Anh ngữ, "Bodhinyana"
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 28-06-2002