BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Bodhinyāna
Giác Minh
Những Lời Dạy Của Ngài AJAHN CHAH

Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumanā Lê Thị Sương
chuyển ngữ từ Anh sang Việt

[07]

Ðọc Cái Tâm Thiên Nhiên

(Dưới đây là những lời khuyên dạy của Ngài Ajahn Chah đến một nhóm thiền sinh tu sĩ vừa mới xuất gia tỳ khưu, giữa mùa An Cư Kiết Hạ năm 1978, sau khi đọc kinh buổi chiều)

Ðường lối thực hành của chúng ta là tận tường nhìn sự vật và thấy sự vật rành mạch, rõ ràng. Chúng ta kiên trì cố gắng và đều đặn chuyên cần, nhưng không hấp tấp vội vàng. Cũng không quá lơ đễnh buông lơi để bê trể. Ðây là vấn đề tuần tự dò dẫm lối đi và dần dần góp nhặt, gom chung lại. Tuy nhiên, mọi tập trung nầy đều hướng về một cái gì. Pháp hành của chúng ta có một mục tiêu.

Ðối với phần đông chúng ta, lúc bắt đầu hành thiền thì không có ý gì khác ngoài lòng mong muốn. Chúng ta khởi sự hành thiền vì ham muốn. Vào giai đoạn nầy tâm ham muốn của chúng ta là ham muốn một cách sai lầm. Ðó là si mê, là ham muốn ảo huyền, là lòng ham muốn pha lẫn với tà kiến. Nếu ham muốn không lẫn lộn với tà kiến như thế đó thì ta nói là ham muốn với trí tuệ, pannà [*]. Ham muốn với trí tuệ thì không phải là si mê. Ðây là ham muốn với chánh kiến. Trong trường hợp nầy ta nói rằng được vậy là nhờ Ba La Mật, nói cách khác, là do thiện nghiệp tích trử từ trong quá khứ. Dầu sao không phải là trường hợp của tất cả mọi người.

[*] Danh từ "pannà" nầy (phiên âm là "bát nhã") có nhiều ý nghĩa khác nhau, từ kiến thức thông thường đến sự hiểu biết sâu sắc, chí đến tuệ Minh Sát, thấu triệt thâm sâu vào Chân Lý (Dhamma, Giáo Pháp). Mặc dầu có thể được dùng trong nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng danh từ nầy luôn luôn hàm xúc sự thấu triệt Chân Lý ngày càng thâm sâu, dần đến tột đỉnh là tuệ Minh Sát và Giác Ngộ.

Vài người không muốn có tâm ham muốn, hoặc họ muốn có tâm không ham muốn. Bởi vì họ nghĩ rằng pháp hành của chúng ta nhằm Chấm Dứt ham muốn. Tuy nhiên, nếu không ham muốn, nếu không có ý muốn hành ắt không thực hành.

Chúng ta có thể tự mình nhận thấy điều nầy. Ðức Phật và tất cả các vị đệ tử của Ngài hành thiền để chấm dứt ô nhiễm. Chúng ta phải muốn hành thiền và phải muốn chấm dứt ô nhiễm. Chúng ta phải muốn có tâm an lạc thanh bình, và phải muốn không vọng động. Tuy nhiên, nếu tâm ham muốn nầy mà lẫn lộn với tà kiến thì nó chỉ đem lại cho ta nhiều khó khăn phiền phức hơn. Nếu thành thật với chính mình ta sẽ nhận thức rằng chúng ta thật sự không hiểu biết gì cả, hoặc những gì ta hiểu không mang lại hậu quả tốt đẹp nào, vì chúng ta không thể xử dụng nó một cách thích nghi.

Tất cả mọi người, kể cả Ðức Phật, đều bắt đầu như thế ấy, với lòng muốn hành thiền, muốn có tâm thanh bình an lạc, muốn tâm không bị vọng động và đau khổ. Hai loại ham muốn kể sau có giá trị y hệt bằng nhau. Nếu không hiểu biết đúng mức thì cả hai -- muốn tâm không bị vọng động và muốn không đau khổ -- đều là ô nhiễm. Ðó là ham muốn điên cuồng, ham muốn không có trí tuệ.

Trong pháp hành của chúng ta, ta nhìn thấy tâm ham muốn nầy là, hoặc lợi dưỡng buông trôi theo dục lạc, hoặc khổ hạnh khắc kỷ ép xác. Chính Ðức Phật, Ðức Bổn Sư của chúng ta, cũng đã bị dính kẹt trong tình trạng xung đột nầy. Ngài hành theo nhiều phương pháp khác nhau, nhưng rốt cùng rồi cũng rơi vào hai cực đoan nầy. Ngày nay chúng ta cũng rơi vào tình trạng giống y hệt như vậy. Ta vẫn còn bị cặp đôi nầy chi phối và vẫn còn tiếp tục tách rời, xa lìa Con Ðường.

Dầu sao đó là phương cách mà ta phải bắt đầu. Ta phải bắt đầu như những chúng sanh phàm tục, những chúng sanh có nhiều ô nhiễm, những chúng sanh ham muốn mà không có trí tuệ, ham muốn mà không có chánh kiến. Nếu chúng ta không hiểu biết thích nghi thì cả hai loại ham muốn nầy sẽ chống lại ta. Dầu muốn hay không muốn, đó vẫn là ái dục (tanhà). Nếu thông suốt hai điểm nầy ta sẽ không biết phải làm cách nào để đối phó với chúng khi nó phát sanh. Chúng ta sẽ cảm thấy rằng tiến tới là sai lầm, thối lui cũng sai lầm, mà ta không thể dừng lại. Làm bất luận gì rồi ta chỉ thấy rằng vẫn còn ham muốn thêm nữa. Ðó là vì kém trí tuệ và còn ái dục.

Chính ở ngay tại đây, với ý muốn và ý không muốn, ta có thể thấu hiểu Giáo Pháp. Giáo Pháp mà chúng ta đang mong tìm hiện ở ngay tại đây, nhưng ta không trông thấy. Chúng ta lại cố gắng chấm dứt lòng ham muốn. Chúng ta muốn sự vật phải như thế nầy và không phải như thế nào khác. Hoặc chúng ta muốn sự vật không phải như thế nầy mà phải như thế nào khác. Ðúng ra, hai điều nầy cũng là một. Chúng là hai thành phần của một cặp.

Có lẽ chúng ta không nhận thức rằng Ðức Phật và tất cả những vị đệ tử của Ngài đều có loại ham muốn nầy. Nhưng Ðức Phật thông suốt vấn đề muốn và không muốn. Ngài tận tường thấu triệt rằng nó chỉ giản dị là sinh hoạt của tâm, và những sinh hoạt tâm linh tương tợ chỉ phát sanh trong chớp nhoáng, rồi tan biến. Những loại ham muốn như vậy luôn luôn liên tục tiếp diễn. Khi có trí tuệ thì ta biết nó là vậy và không tự mình đồng hóa với nó. Trong thực tế nó chỉ là sinh hoạt của cái tâm thiên nhiên. Khi nhìn nó tận tường ta trông thấy rành mạch, rõ ràng nó là vậy.

Trí Tuệ Phát Sanh Do Kinh Nghiệm Hằng Ngày

Như vậy, chính tại nơi đây mà pháp hành quán niệm dẫn chúng ta đến trí tuệ minh mẫn. Hãy lấy thí dụ anh thợ chài kéo lên một con cá to trong lưới. Quý Sư nghĩ thế nào về cảm giác của anh ta trong khi kéo chài lên? Sợ làm sẩy một con cá to anh ta lính quýnh hối hả, chiến đấu với cái chài. Vội vàng chụp nhanh lấy đầu lưới và rán sức kéo lên. Nhưng cá đã vượt thoát ra khỏi lưới trước khi anh hay biết. Anh đã cố gắng quá sức.

Vào những ngày xa xưa người ta cũng nói như vậy. Vào thời ấy người thợ chài được dạy là phải từ từ kéo lưới lên và cẩn thận gom túm cái chài lại mà không để mất cá. Pháp hành của chúng ta cũng cùng thế ấy. Chúng ta từ từ dọ dẫm đường lối và thận trọng góp nhặt, gom chung lại mà không để mất mát. Ðôi khi chúng ta không cố tâm làm như vậy. Có thể chúng ta không muốn nhìn, hoặc có thể chúng ta không muốn biết, nhưng vẫn tiếp tục làm như vậy. Chúng ta tiếp tục muốn như vậy. Pháp thực hành phải như thế nầy: Nếu chúng ta cảm nghe thích hành thiền, hãy cứ hành. Nếu cảm nghe không thích, vẫn cứ hành y như vậy. Chúng ta chỉ tiếp tục hành thiền.

Nếu chúng ta thực hành một cách nhiệt thành, oai lực của đức tin sẽ cho ta đầy đủ khả năng để thực hiện điều mong muốn. Nhưng vào giai đoạn nầy chúng ta chưa có trí tuệ. Mặc dầu tinh tấn chuyên cần chúng ta không thọ hưởng được bao nhiêu lợi ích của pháp hành. Ta có thể tiếp tục thực hành như vậy trong một thời gian lâu dài rồi một cảm nghĩ sẽ phát sanh rằng ta không tìm ra Con Ðường. Ta có thể cảm nghe mình không thể tìm được an lạc và thanh bình, hoặc ta không được trang bị đầy đủ để thực hành. Hoặc nữa, ta có thể cảm nghe Con Ðường quá xa xôi, quá viển vông, không thể tìm ra. Rồi ta bỏ cuộc!

Ðến mức nầy chúng ta phải hết sức, thật hết sức thận trọng. Phải tận lực vận dụng đức hạnh nhẫn nhục chuyên cần và kiên trì chịu đựng. Cũng chỉ như kéo lên một con cá to trong lưới, phải từ từ dò dẫm đường lối. Chúng ta thận trọng túm con cá lại trong lưới và dần dần kéo lên. Cuộc chiến đấu sẽ không quá khó khăn. Chúng ta không dừng tay mà nhè nhẹ kéo lưới lên một cách liên tục. Như thế ấy, sau một lúc cá sẽ mệt mỏi, kiệt lực và không còn vùng vẩy nữa. Ta sẽ dễ dàng bắt nó. Thông thường là vậy. Chúng ta thực hành từ từ, tuần tự tiến hành và góp nhặt, gom chung lại những ý nghĩ rời rạc.

Ðó là đường lối quán niệm của chúng ta. Nếu không có kiến thức hay trình độ học hỏi nào về Giáo Lý thuần túy lý thuyết chúng ta hãy quán niệm theo đúng với kinh nghiệm hằng ngày của mình. Hãy xử dụng kiến thức mà mình sẵn có, kiến thức thâu thập từ kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày. Ðối với tâm, loại kiến thức nầy là thiên nhiên. Trên thực tế, dầu có nghiên cứu học hỏi cùng không chúng ta vẫn có sẵn cái tâm hiện thực ngay tại nơi đây. Tâm là tâm, dầu ta có học hỏi nghiên cứu cùng không. Vì lẽ ấy ta nói rằng dầu Ðức Phật có thị hiện trên thế gian cùng không mọi sự vật vẫn là vậy. Mọi sự vật đã có hiện hữu đúng theo bản chất thiên nhiên của nó. Hoàn cảnh thiên nhiên nầy không thay đổi, cũng không di chuyển đi nơi nào khác. Ðường lối thiên nhiên chỉ là vậy. Ðiều nầy được gọi là Sacca Dhamma, Giáo Pháp đúng với Chân Lý. Tuy nhiên, nếu không thông hiểu Chánh Pháp nầy ta sẽ không thể nhận ra nó.

Do đó chúng ta thực hành quán niệm theo đường lối nầy. Nếu không đặc biệt tinh thông kinh điển ta hãy quán chiếu chính cái tâm của mình. Hãy nghiên cứu học hỏi và "đọc"nó. Chúng ta hãy thường xuyên và liên tục quán niệm -- tự nói chuyện với mình. Ta sẽ thấu hiểu dần dần bản chất thiên nhiên của tâm.

Kiên Trì Tinh Tấn

Chí đến lúc có thể dừng cái tâm lại khi chúng ta tiến đạt đến trạng thái vắng lặng, tâm vẫn còn y như trước. Vì lẽ ấy Ðức Phật khuyên dạy, "Hãy tiếp tục hành thiền, hãy kiên trì thực hành!" Có thể ta suy tư, "Nếu chưa biết thì làm sao thực hành?" -- Chí đến khi ta có thể hành thiền một cách thích nghi trí tuệ mới phát sanh. Do vậy, hãy cứ tiếp tục thực hành. Nếu thường xuyên thực hành, không chểnh mảng ngừng nghỉ, ta sẽ bắt đầu quán xét đến việc mình đang làm. Ta sẽ bắt đầu khảo sát pháp hành của chúng ta. Không có gì xảy diễn trong tức khắc. Do đó, lúc ban sơ ta sẽ không nhận thấy thành quả rõ rệt nào của công phu hành thiền. Ðây cũng giống như thí dụ người muốn làm ra lửa, cọ xát vào nhau hai que củi. Anh tự nghĩ, "Người ta nói ở đây có lửa", và ra sức hăng hái cọ xát hai que củi. Anh cọ mạnh mẻ và tiếp tục cọ dữ dội không ngừng. Anh muốn có lửa. Anh vẫn mong muốn có lửa. Nhưng lửa không phát sanh. Anh thối chí, nản lòng, và ngưng lại, nghỉ một lúc. Rồi anh bắt đầu trở lại công việc cọ xát hai que củi đến mệt và ngừng nghỉ. Chẳng những anh mệt mỏi mà ngày càng nản chí, và cuối cùng bỏ cuộc hoàn toàn, "ở đây không có lửa!" Trong thực tế anh có cố gắng làm việc, nhưng làm không đúng mức. Anh cọ xát hai que củi, nhưng cọ không đến mức tạo đủ sức nóng khả dĩ làm cho lửa phát sanh. Lửa lúc nào cũng vẫn tiềm tàng hiện hữu ở đó nhưng người kia không thực hiện công tác của mình đến nơi đến chốn.

Cùng một loại kinh nghiệm nầy làm cho người hành thiền chán nản rồi quanh quẩn thay đổi phương pháp. Và cũng một loại kinh nghiệm tương tợ xảy đến với chúng ta trong khi hành thiền. Nó xảy đến với mọi người, cùng một thế ấy. Tại sao? -- Bởi vì chúng ta còn dính kẹt trong ô nhiễm. Xưa kia Ðức Phật cũng có ô nhiễm, nhưng đối với vấn đề nầy Ngài có rất nhiều trí tuệ. Ngài sáng suốt vô cùng. Trong khi còn là phàm nhân Ðức Phật và chư vị A La Hán cũng chỉ như chúng ta. Còn là người thế gian nên dĩ nhiên chúng ta còn suy tư lầm lạc. Do đó, khi lòng ham muốn phát sanh ta không nhận thấy và khi lòng ham muốn không phát sanh, ta không nhận thấy. Ðôi khi ta cảm nghe khuấy động và đôi khi hài lòng. Lúc không có ham muốn ta mang máng nghe như có một loại hài lòng, nhưng cùng lúc cũng cảm nghe mơ hồ, rối loạn. Khi tâm ham muốn phát sanh có lẽ ta lại chứng nghiệm một loại hài lòng và mơ hồ rối loạn khác. Nó lẫn lộn pha trộn như thế.

Hiểu Biết Mình Và Hiểu Người Khác

Ðức Phật dạy ta quán niệm thân của mình -- thân quán niệm xứ -- như tóc, lông, móng tay móng chân, răng, da v.v.. toàn khắp châu thân. Hãy thử nhìn. Chúng ta được dạy là phải trạch quán ngay nơi đây. Nếu không trông thấy rõ ràng các phần ấy trong thân mình ắt ta không thể hiểu biết nó ở người khác. Ta sẽ không thấy rõ ràng nơi người khác mà cũng không thấy ở ta. Tuy nhiên, nếu thật sự ta hiểu biết và nhìn thấy rõ ràng bản chất thiên nhiên của chính thân mình thì mọi hoài nghi hay mọi điểm mơ hồ về người khác sẽ tan biến. Như vậy là bởi vì thân và tâm (rùpanàma, sắc và danh) của mọi người đều giống nhau. Không cần phải đi quanh đi quẩn để quan sát thân của tất cả mọi người trên thế gian vì chúng ta biết rằng cơ thể của ai cũng giống như của mình, của mình cũng giống như bất luận của ai khác. Nếu có được loại hiểu biết nầy thì gánh nặng của chúng ta sẽ trở thành nhẹ. Nếu không hiểu, dầu ta có làm gì, gánh nặng sẽ ngày càng nặng trĩu. Nếu muốn hiểu biết tất cả mọi người mà ta phải đi cùng khắp thế gian để quan sát thì quả thật là khó. Ta sẽ sớm nản lòng.

Giới Luật (Vinaya) của chúng ta cũng dường thế ấy. Khi nhìn vào Giới Luật ta thấy rất khó. Phải giữ chừng ấy giới và từng giới một. Phải nghiên cứu và học hỏi từng giới một. Phải quán xét pháp hành của mình để giữ cho nó thích nghi với từng giới. Chỉ nghĩ đến chừng ấy thôi, "Ồ, quả thật không thể được! Bất khả hành!" Chúng ta đọc và tìm hiểu ý nghĩa từng chữ của bao nhiêu giới luật, và nếu chỉ theo dõi suy tư của chúng ta khi học hỏi những từ ngữ ấy, chắc là ta sẽ quyết định rằng những giới luật ấy quả thật đã vượt qua khỏi tầm mức mà ta có thể hành. Ta không thể trang nghiêm thọ trì từng ấy giới luật. Bất luận ai có thái độ tương tợ đối với giới luật sẽ cảm nghĩ, "Nhiều giới quá! Không thể giữ hết."

Kinh điển dạy ta phải tự quán chiếu, tìm hiểu thái độ của mình đối với mỗi giới và nghiêm túc hành trì tất cả, từng giới một. Chúng ta phải thông suốt các giới và giữ gìn trong sạch tất cả. Ðiều nầy cũng giống như nói rằng muốn hiểu biết mỗi người ta phải đi cùng khắp và quan sát tất cả mọi người. Ðó là thái độ rất "nặng", quá nặng nề. Và như vậy là vì ta chấp theo từ ngữ. Nếu chúng ta đọc những kinh sách về giới luật thì đó là phương cách mà ta phải đọc, từng chữ một. Vài đạo sư dạy như vậy. Theo sát những gì kinh sách dạy. Học theo lối nầy không thể hành.

Ðúng thật ra nếu hành giáo lý như vậy pháp hành của chúng ta sẽ không tiến triển chút nào. Trong thực tế, đức tin của ta sẽ tan biến, niềm tin mà ta đặt vào Con Ðường sẽ không còn, bởi vì chúng ta chưa hiểu biết. Khi trí tuệ phát sanh chúng ta sẽ hiểu rằng mọi người trên khắp thế gian thật sự chỉ là một. Tất cả đều cũng như chính ta, chúng sanh nầy.

Như vậy, ta tự quán chiếu, khảo sát sắc và danh của ta. Khi nhận thấy và hiểu biết bản chất thiên nhiên của danh và sắc nơi chính mình ta sẽ nhận thức thân và tâm của tất cả mọi người. Và như vậy, bằng phương cách nầy gánh nặng của pháp hành sẽ suy giảm.

Ðức Phật đã chỉ giáo và ta đã lãnh hội, "Không ai có thể làm điều ấy cho ta". Khi học hỏi và thấu hiểu bản chất thiên nhiên của kiếp sinh tồn của mình ta sẽ hiểu biết bản chất của tất cả mọi cuộc sống. Mọi người thật sự đều như nhau. Tất cả chúng ta chỉ mang một "nhãn hiệu" và là "sản phẩm" của một công ty -- chỉ cái dáng bề ngoài có đôi chút khác biệt nhau. Chỉ thế thôi! Cũng như hai loại thuốc "Bort-hai" và "Tum-jai". Cả hai đều là thuốc an thần và chỉ có một loại công hiệu. Nhưng thuốc nầy gọi là "Bort-hai" còn thuốc kia là "Tum-jai". Thật sự không có gì khác biệt. (Trong một trường hợp khác Ngài Ajahn Chah dạy rằng nếu ta biết gìn giữ chính cái tâm của mình thì đó là nghiêm chỉnh trì giới).

Quý Sư sẽ thấy rằng lối nhìn vào sự vật như vậy ngày càng trở nên dễ dàng hơn khi ta dần dần tập hợp chung lại. Ta gọi đó là "dò dẫm đường lối", và đó là phương cách mà ta bắt đầu pháp hành. Ta sẽ trở thành quen thuộc và tinh thông hơn. Chúng ta tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhận thức. Và khi sự nhận thức nầy phát sanh ta sẽ trông thấy rõ ràng thực tại.

Lý Thuyết Và Thực Hành

Vậy, hãy tiếp tục thực hành cho đến khi nhận thức rõ ràng thực tại.

Sau một thời gian -- dài hay ngắn tùy khả năng và khuynh hướng riêng của ta -- một loại kiến thức mới sẽ phát sanh. Kiến thức nầy được gọi là Trạch Pháp (Dhamma Vicaya, quán chiếu và phân biệt rành mạch Giáo Pháp). Và đây là đường lối mà Thất Giác Chi khởi sanh trong tâm (Bojjhanga, Thất Giác Chi, là bảy yếu tố của sự giác ngộ). Trạch Pháp là một trong bảy yếu tố ấy. Sáu chi còn lại là niệm, tấn, lạc, an, định và xả.

Nếu có học về Thất Giác Chi ắt ta hiểu những gì kinh sách dạy, nhưng vẫn không thật sự thấy Thất Giác Chi. Thất Giác Chi thật sự chỉ phát sanh trong tâm. Do đó Ðức Phật ban truyền cho chúng ta những Lời Dạy khác nhau. Tất cả các bậc Toàn Giác đều giáo truyền con đường để vượt thoát ra khỏi khổ đau, và Giáo Huấn của các Ngài được lưu truyền đến nay là Giáo Huấn có tính cách lý thuyết. Lý thuyết nầy vốn phát nguyên từ pháp hành, nhưng rồi trở thành những lời dạy suông có tính cách từ chương, hay chỉ là những ngôn từ, những chữ được ghi chép trong kinh sách.

Thất Giác Chi thật sự đã tan biến, bởi vì ta không nhận thức nó bên trong chúng ta. Chúng ta không thấy nó trong tâm mình. Nếu vạn nhất có phát sanh, nó sẽ phát sanh từ công phu thực hành. Nếu nó phát sanh từ pháp hành thì đó là những yếu tố của Giáo Pháp dẫn đến giác ngộ, và đó là những chỉ dẫn cho thấy rằng đường lối thực hành của ta là đúng. Nếu hành không đúng nó sẽ không khởi phát.

Nếu thực hành đúng, chúng ta sẽ thấy Giáo Pháp (Dhamma). Vậy, hãy tiếp tục thực hành, dò dẫm dần dần con đường và tiếp tục quán trạch. Không nên nghĩ rằng điều mà chúng ta đang mong tìm có thể ở đâu khác hơn là ngay tại đây.

Một trong mấy đệ tử đầu tiên của Sư đã theo học lớp Pàli tại một ngôi chùa có trường học, trước khi đến đây. ở trường vị sư ấy không thành công nên đến đây thử học phương pháp nầy. Vị sư ấy đến đây, tại Wat Pah Pong nầy, với ý định học pháp môn hành thiền nhằm phát triển khả năng phiên dịch Pàli. Vị ấy có một loại nhận thức về thiền như thế ấy. Rồi Sư giảng cho vị ấy về phương pháp của chúng ta. Vị ấy hiểu sai hoàn toàn, nghĩ rằng đây là vấn đề chỉ ngồi lại hành thiền rồi tự nhiên thấy rõ ràng mọi sự vật.

Nói đến kiến thức về Giáo Pháp thì cả hai, nhà sư có pháp học và vị có pháp hành, đều dùng những từ ngữ như nhau. Tuy nhiên, kiến thức thâu thập được do pháp học và kiến thức do pháp hành không giống hệt như nhau. Hai kiến thức nầy có thể hình như là một, nhưng trong đó có một là thâm diệu hơn, sâu sắc hơn cái kia. Loại kiến thức phát xuất từ pháp hành dẫn đến trạng thái quy hàng, từ bỏ. Cho đến khi có sự quy hàng trọn vẹn chúng ta vẫn kiên trì, nhẫn nại gia công quán niệm. Nếu có tham hay sân hoặc có tâm ưa thích khởi sanh chúng ta không hờ hững lờ hẳn, không màng biết đến nó. Chúng ta không gác bỏ qua một bên mà giữ nó lại và quán trạch, xem từ đâu nó đến và đến bằng cách nào. Nếu trạng thái nầy đã có sẵn trong tâm, ta hãy quán chiếu, xem nó hoạt động chống ta như thế nào. Chúng ta nhìn nó tận tường và hiểu biết những khó khăn mà chính mình đã tự tạo cho mình, vì lầm lạc tin tưởng và đi theo nó. Loại hiểu biết nầy không thể tìm ở đâu khác hơn là trong cái tâm thanh tịnh của ta.

Cũng vì lẽ ấy mà người có pháp học và người có pháp hành hiểu lầm nhau. Thông thường những vị chú trọng riêng biệt về pháp học nói, "Các nhà sư đặc biệt chuyên về pháp môn hành thiền chỉ có những ý kiến riêng tư. Họ không nắm vững căn bản Giáo Lý". Trong thực tế cả hai -- pháp học và pháp hành -- chỉ là một. Nếu nghĩ đến vấn đề nầy như ta nghĩ đến bề mặt và bề trái của bàn tay ắt không khỏi nhằm lẫn. Nếu lật ngửa bàn tay ta thấy hình như bề lưng biến đâu mất. Ðúng ra thì bề lưng bàn tay không biến tan đâu mất mà chỉ bị che dấu phía dưới. Nói rằng không thấy nó, không có nghĩa là nó biến mất mà chỉ có nghĩa là nó bị che khuất đâu phía dưới. Ðến lúc lật úp bàn tay trở xuống thì không thấy lòng bàn tay. Cũng không phải lòng bàn tay biến mất mà nó chỉ bị che dấu phía dưới.

Phải ghi nhớ nằm lòng điểm nầy khi nghĩ đến pháp hành. Nếu nghĩ rằng nó đã "biến mất" ta gạt bỏ qua một bên để đi học, hy vọng sẽ thâu hoạch thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, dầu có học Giáo Pháp nhiều đến đâu ta vẫn không thông suốt, vì không hiểu biết Chân Lý. Nếu ta thông hiểu bản chất thật sự của Giáo Pháp nó sẽ trở thành sự buông bỏ. Ðó là quy hàng, từ khước, dứt bỏ luyến ái (Upadàna, Thủ), không còn đeo níu gì. Hoặc có còn bám níu đi nữa nó cũng ngày càng suy giảm. Ðó là sự khác biệt giữa pháp học và pháp hành.

Khi nói về pháp học, ta có thể hiểu pháp nầy như sau: mắt của chúng ta là đề tài để học, tai của chúng ta là đề tài để học -- tất cả là đề tài để học. Ta có thể hiểu hình sắc là thế nầy, thế kia, nhưng ta vẫn bám níu vào hình sắc và không biết con đường để thoát ra khỏi "sắc". Ta có thể phân biệt âm thanh, nhưng vẫn còn vương víu trong "thinh". Hình sắc, âm thanh, hương, vị, những cảm giác của thân và những cảm tưởng, tất cả đều là cạm bẩy, những cái lưới để rập bắt tất cả chúng sanh.

Quán trạch -- tức quán chiếu và phân biệt sự vật -- là phương cách thực hành Giáo Pháp của chúng ta. Khi có cảm thọ phát khởi, ta dùng trí hiểu biết để nhận thức. Nếu thông suốt pháp học ta sẽ lập tức hướng tâm về cảm thọ ấy và trông thấy điều nầy hay điều nọ phát sanh như thế nào rồi trở thành cái gì khác v.v... Nếu không học giáo lý theo đường lối nầy ta chỉ còn trạng thái thiên nhiên của tâm để làm công cụ khảo sát. Ðó là Giáo Pháp của ta. Nếu có đủ trí tuệ ta sẽ có thể quán chiếu trạng thái tâm thiên nhiên nầy của chúng ta và dùng nó làm đề tài để học. Ðúng y là một. Cái tâm thiên nhiên của ta là giáo lý. Ðức Phật dạy hãy nắm lấy bất luận tư tưởng hay cảm thọ nào phát khởi và quán trạch. Hãy dùng thực tại của cái tâm thiên nhiên của chúng ta làm pháp học. Chúng ta nương tựa vào thực tại ấy.

Thiền Minh Sát

Nếu đức tin của ta vững mạnh thì dầu có học giáo lý cùng không, điều ấy không quan trọng. Nếu cái tâm thành tín của ta dẫn chúng ta đến trạng thái phát triển pháp hành, dẫn đến tinh tấn chuyên cần và kiên trì nhẫn nại thì pháp học không còn thiết yếu. Lấy chánh niệm làm nền tảng cho pháp hành, chúng ta luôn luôn chú niệm trong bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi. Có chánh niệm ắt có trạng thái hiểu biết rõ ràng phát sanh cùng lúc. Sự hiểu biết rõ ràng có thể phát sanh nhanh chóng đến độ ta không thể phân biệt tách rời khỏi niệm. Nhưng có chánh niệm là có hiểu biết rõ ràng.

Khi tâm vững chắc không lay chuyển thì chánh niệm phát sanh nhanh chóng, dễ dàng, và trí tuệ cũng phát sanh. Mặc dầu vậy, đôi khi trí tuệ không đủ năng lực hoặc không phát sanh đúng lúc. Chánh niệm và hiểu biết rõ ràng mà thiếu trí tuệ ắt không đủ khả năng kiểm soát tình hình. Thông thường, có chánh niệm và hiểu biết rõ ràng làm nền tảng thì trí tuệ phát sanh để hỗ trợ. Nhưng dầu sao, phải kiên trì gia công khai triển trí tuệ bằng pháp hành thiền Minh Sát (Vipassanà). Như vậy có nghĩa là bất cứ gì phát sanh trong tâm cũng có thể là đối tượng của sự chú niệm và hiểu biết rõ ràng. Nhưng ta phải nhìn sự vật hợp đúng theo ba đặc tướng Anicca, Dukkha, Anattà. Anicca, Vô Thường, là căn bản. Dukkha, Khổ, hàm xúc đặc tính bất toại nguyện. Anattà, Vô Ngã, nói lên rằng không có một tự ngã, không có một thực thể cá biệt đơn thuần. Ta thấy rằng nó chỉ giản dị là một cảm giác phát sanh, không phải tự ngã, không có thực chất, và rồi tự nó sẽ biến tan. Chỉ có thế! Người còn mê hoặc, người không có trí tuệ sẽ bỏ lỡ cơ hội. Người ấy không thể xử dụng hoàn cảnh để tạo lợi ích cho mình.

Nếu trí tuệ hiện hữu ắt có chánh niệm và hiểu biết rõ ràng, ngay tại đây, cùng với trí tuệ. Tuy nhiên vào thời kỳ ban sơ nầy trí tuệ không sâu sắc toàn hảo. Vì lẽ ấy niệm và hiểu biết rõ ràng không hội đủ khả năng để chụp bắt tất cả mọi đối tượng làm đề tài, nhưng trí tuệ vẫn có sẵn đó để hỗ trợ. Trí tuệ sẽ nhận thấy đặc tính của chánh niệm là thế nào và loại cảm giác phát sanh là gì. Hoặc nữa, trí tuệ sẽ nhận thấy một cách tổng quát bất cứ chánh niệm hay cảm giác nào hiện hữu. Ðó là tất cả Giáo Pháp.

Ðức Phật dùng thiền Minh Sát (Vipassanà) làm căn bản. Ngài thấy rằng cả hai -- tâm chú niệm và sự hay biết rõ ràng ấy -- đều không chắc chắn vững bền và ổn định. Bất cứ gì bất ổn định mà ta muốn nó ổn định đều là nguyên nhân làm cho ta đau khổ. Chúng ta muốn sự vật phải như thế nào, vừa theo ý mình, nhưng phải đau khổ vì sự vật không phải vậy. Ðó là ảnh hưởng của tâm ô nhiễm, tâm kém trí tuệ.

Trong khi thực hành chúng ta có khuynh hướng bị dính mắc trong trạng thái muốn cho sự vật dễ dàng, vừa theo ý mình. Không cần phải đi đâu xa để nhận thức điểm nầy. Chỉ quay nhìn trở lại vào thân nầy! Nó có thật sự giống như ta muốn không? Lúc thì ta muốn nó như thế nầy, lúc kế đó ta lại muốn nó như thế kia, nhưng nó có thật sự như ý ta muốn không? Bản chất của thân và tâm đúng là vậy. Ðó chỉ giản dị là đường lối của nó.

Ðiểm nầy trong pháp hành của ta có thể bị sai lầm. Thông thường ta vứt bỏ đi những gì mình cảm nghe không thích. Bất luận gì không vừa lòng là ta loại bỏ. Chúng ta không chịu dừng chân lại để suy gẫm, xem đường lối mà ta thích hay không thích sự vật có thật sự hợp tình hợp lý không. Ta chỉ nghĩ rằng những gì mà ta cho rằng không vừa ý phải là sai quấy, và những gì ta vừa lòng phải là đúng.

Chính tại nơi đây mà ái dục khởi sanh. Khi chúng ta tiếp nhận ngoại cảnh xuyên qua tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, hay ý ắt có cảm giác ưa thích hay không ưa thích phát khởi. Ðiều nầy cho thấy rằng tâm còn chứa chấp đầy luyến ái. Do đó Ðức Phật truyền dạy Giáo Huấn Vô Thường. Ngài dạy chúng ta quán chiếu sự vật. Nếu bám níu, dính mắc vào cái gì không thường còn mà luôn luôn biến đổi thì lẽ dĩ nhiên phải chịu đau khổ. Không có lý do để ta muốn sự vật phải như thế nào tùy hợp sở thích hay tùy theo ý không thích của mình. Không thể làm cho sự vật phải là vậy. Chúng ta không có quyền năng hay loại quyền uy để làm vậy. Dầu ta muốn như thế nào, mọi sự vật đã có sẵn con đường thiên nhiên của nó. Ham muốn như thế ấy không phải là đường lối dẫn thoát ra khỏi đau khổ.

Ðến đây chúng ta nhận thấy rằng tâm si mê hiểu biết theo một đường và tâm không bị mê hoặc hiểu theo một lối khác. Khi tâm sáng suốt minh mẫn tiếp nhận một cảm giác thì liền thấy rằng đó là cái gì không nên bám níu, cái gì không nên tự mình đồng hóa với nó. Chính điểm nầy cho thấy rằng tâm có trí tuệ. Nếu không trí tuệ chúng ta chỉ đi theo trạng thái cuồng dại của mình. Sự cuồng dại nầy là không nhận thấy vô thường, khổ, vô ngã. Những gì ưa thích ta xem là tốt đẹp và chân chánh. Ðiều không hợp ý ta xem là không tốt. Chúng ta không thể đạt đến Giáo Pháp bằng lối nầy, trí tuệ không thể phát sanh. Không thấy rõ điểm nầy ắt trí tuệ không thể phát sanh.

Ðức Phật củng cố vững chắc pháp hành thiền Minh Sát và dùng pháp nầy để quán trạch tất cả những cảm tưởng khác nhau. Bất luận gì phát sanh đến tâm, Ngài quán trạch như sau: Dầu ta có ưa thích nó như thế nào nó vẫn bấp bênh, bất ổn định, không chắc chắn. Nó là đau khổ, vì không ngừng phát sanh và hoại diệt, không chịu ảnh hưởng của tâm mình. Tất cả những sự vật ấy không phải là một chúng sanh, một tự ngã, không phải là của ta. Ðức Phật dạy ta chỉ xem nó là vậy, nó như thế nào xem như thế ấy. Ðó là nguyên tắc mà ta phải giữ vững trong khi hành thiền.

Bây giờ chúng ta thấu hiểu rằng ta không thể buồn vui theo ý muốn. Vui hay buồn chỉ phát sanh đến ta. Ðôi khi có lợi cho ta, lắm lúc không. Không thấu hiểu đúng những trạng thái vui hay buồn ấy ắt chúng ta không nhận định chân chánh. Chúng ta sẽ chạy theo ái dục, chạy đi xa, để theo đuổi những tham vọng của mình. Ðôi khi ta cảm nghe hạnh phúc, lắm lúc buồn khổ, nhưng đó là tự nhiên. Có lúc ta cảm nghe vừa lòng, khi khác thì phật ý. Cái gì thích ta cho là tốt, điều gì không thích ta nói là xấu. Bằng cách làm như vậy ta tách rời, xa dần, xa dần Giáo Pháp. Trong trường hợp nầy ta không thấu hiểu hoặc không nhận thấy Giáo Pháp và do đó chúng ta mù mờ rối loạn. Tham vọng tăng trưởng bởi vì lúc bấy giờ tâm không còn gì khác hơn là si mê.

Ðó là đường lối mà chúng ta bàn thảo đến tâm. Không cần phải đi đâu xa lìa khỏi ta để tìm hiểu. Chỉ nhìn những trạng thái tâm vô thường của mình. Chúng ta thấy rằng nó là bất toại nguyện và không phải là một tự ngã trường tồn bất biến. Nếu phát triển pháp hành theo chiều hướng nầy thì đó là thực hành thiền Minh Sát (Vipassanà). Chúng ta nói rằng đó là nhận thức những gì xảy diễn trong tâm, và chúng ta khai triển trí tuệ bằng cách nầy.

Thiền Vắng Lặng

Pháp hành thiền Vắng Lặng của chúng ta như thế nầy: Thí dụ chúng ta an trụ chú niệm vào hơi-thở-ra-thở-vào, xem đó là căn bản hay phương tiện để kiểm soát tâm. Bằng cách giữ tâm sâu sắc gắn bó theo dõi hơi thở, tâm trở nên vững chắc, vắng lặng và không chao động. Phương pháp thực hành làm cho tâm vắng lặng như vậy gọi là thiền Vắng Lặng (Samatha có nghĩa là vắng lặng, thiền nầy cũng được gọi là thiền Chỉ, thiền Ðịnh, đối với thiền Minh Sát, cũng gọi là thiền Quán, hay thiền Tuệ).

Pháp hành nầy rất cần thiết và ta phải hành loại thiền nầy thật nhiều bởi vì thông thường tâm ta chứa đầy khuấy động. Tâm rất bấn loạn và mù mờ. Chúng ta không thể nói từ bao nhiêu năm hay bao nhiêu kiếp sống nó đã là vậy. Nếu ngồi lại và quán niệm, chúng ta sẽ thấy trong tâm có rất nhiều những gì không đưa đến thanh bình, an lạc, vắng lặng và rất nhiều những phần tử mang lại rối loạn, mập mờ, không an tĩnh.

Vì lẽ ấy Ðức Phật khuyên dạy chúng ta nên tìm một đề mục hành thiền (công án) thích hợp với khuynh hướng riêng của mình, một đường lối thực hành thích nghi với bẩm tánh mình. Thí dụ như quán tưởng tới lui những phần trong thân như tóc, lông, móng tay móng chân, răng, da ... Pháp hành nầy làm cho tâm trở nên rất an lạc. Nếu niệm năm phần nầy mà tâm trở nên vắng lặng thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng công phu nầy thích hợp với khuynh hướng tâm tánh của mình. Bất cứ gì mà ta thấy thích nghi với khuynh hướng tâm tánh mình như vậy, hãy giữ lấy làm đề mục hành thiền và xử dụng nó để khắc phục ô nhiễm.

Một thí dụ khác là suy niệm về hiện tượng chết. Ðối với ai còn nhiều tham, sân, si mạnh mẽ và cảm nghe khó lòng tự chế lấy mình thì suy niệm về cái chết của chính mình là một đề mục hữu ích. Ta sẽ thấy rằng tất cả mọi người đều phải chết, dầu giàu hay nghèo. Người tốt hay người xấu đều chết. Tất cả mọi người đều phải chết! Phát triển pháp hành theo chiều hướng nầy sẽ làm khởi sanh thái độ buông bỏ, không bám níu. Càng thường xuyên thực hành, thời tọa thiền của chúng ta càng dễ dàng đem lại trạng thái vắng lặng. Ðó là vì pháp hành nầy thích nghi với bẩm tánh của ta. Nếu khuynh hướng tâm tánh của chúng ta không ưa thích pháp hành thiền Vắng Lặng nầy, nó sẽ không dẫn đến thái độ buông bỏ. Nếu đề mục hành thiền nầy thật sự thích hợp, ta sẽ thấy thái độ buông bỏ phát sanh đều đặn mà không gặp khó khăn lớn lao nào và chúng ta sẽ thường xuyên suy tư đến nó.

Về điểm nầy chúng ta có thể thấy một thí dụ trong đời sống hằng ngày. Khi quý vị cư sĩ Phật tử mang đến chùa những mâm vật thực để cúng dường chư Tăng thì chúng tôi sớt vào bát tất cả các món, mỗi thứ một ít. Khi độ xong mỗi thức ăn chúng tôi có thể nói thức nào vừa miệng nhất. Ðây chỉ là một thí dụ. Vật thực nào hợp với khẩu vị thì mình sẽ ăn, sẽ thấy nó thích hợp với mình. Còn những món khác thì để qua một bên.

Pháp hành an trụ chú niệm vào hơi-thở-ra thở-vào là một thí dụ điển hình cho loại đề mục thiền thích hợp với tất cả chúng ta. Khi đi quanh đi quẩn hành nhiều loại thiền khác nhau hình như ta cảm nghe không thoải mái. Nhưng lúc vừa mới ngồi lại niệm hơi thở thì ta cảm nghe dễ chịu. Ðiều nầy có thể nhận thấy một cách rõ ràng. Không cần phải đi tìm ở đâu xa vời, ta có thể xử dụng những gì ở ngay bên cạnh mình, và điều nầy thuận lợi cho ta hơn. Chỉ theo dõi hơi thở. Nó đi ra và trở vào, ra rồi vào. Chúng ta theo dõi bám sát, liên tục không ngừng niệm hơi thở-ra thở-vào như vậy trong một thời gian lâu.

Dần dần tâm ta lắng dịu và ổn định. Những sinh hoạt tâm linh khác sẽ phát sanh nhưng ta cảm nghe còn xa lạ. Cũng như hai người phân lìa, sống xa nhau trong một thời gian sẽ không còn nghe gần gũi nữa. Chúng ta không còn cảm nghe có sự tiếp xúc mạnh mẽ nữa, hoặc có thể không còn nghe tiếp xúc gì cả.

Khi ta quen thuộc với pháp hành niệm hơi thở nó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu tiếp tục gia công thực hành chúng ta sẽ thâu đạt thêm kinh nghiệm và hiểu biết tinh thông bản chất của hơi thở. Ta sẽ hiểu biết hơi thở dài là như thế nào và hơi thở ngắn là như thế nào.

Nhìn theo một lối ta có thể nói đến thức ăn của hơi thở. Trong khi ngồi hay trong khi đi chúng ta thở, khi ngủ chúng ta thở, khi thức chúng ta thở. Nếu không thở ắt chúng ta chết. Suy tư về điểm nầy cho thấy rằng ta sống đây là chỉ nhờ vật thực. Nếu trong mười phút, một tiếng, hay một ngày mà ta không ăn những thức ăn hiểu theo lối hiểu thông thường, thì không sao. Ðó là loại vật thực thô kịch. Nhưng nếu không thở, dầu trong một thời gian ngắn đi nữa, ắt chúng ta sẽ chết. Nếu trong năm hoặc mười phút mà không thở ắt phải chết. Quý vị hãy thử xem.

Người hành pháp niệm hơi thở sẽ hiểu biết như vậy. Kiến thức phát sanh từ pháp hành nầy quả thật tuyệt vời. Nếu không quán niệm ắt chúng ta không thấy hơi thở là thức ăn, nhưng trong thực tế lúc nào chúng ta cũng đang "ăn" không khí vào, ra, vào, ra ... luôn luôn, không ngừng nghỉ. Ta sẽ thấy một điều nữa là càng quán niệm theo chiều hướng nầy pháp hành của chúng ta càng mang lại nhiều lợi ích hơn và hơi thở ngày càng vi tế. Cũng có thể hơi thở dừng lại. Ta cảm nghe hình như không còn thở. Trong thực tế hơi thở đi thông qua lỗ chân lông và được gọi là "hơi thở vi tế". Khi tâm hoàn toàn vắng lặng thì thông thường hơi thở dừng lại theo lối nầy. Chúng ta không cần phải giựt mình hay lo sợ. Nếu không còn hơi thở thì ta phải làm gì? Chỉ hiểu biết nó là vậy! Hiểu biết rằng không có hơi thở, thế thôi! Ðây là pháp hành chân chánh.

Nơi đây chúng ta đang đề cập đến đường lối hành thiền samatha, pháp hành nhằm phát triển tâm vắng lặng. Nếu đề mục hành thiền thích nghi với ta, nó sẽ dẫn đến loại chứng nghiệm nầy. Ðây chỉ là giai đoạn sơ khởi, nhưng bấy nhiêu đó trong pháp hành đủ dẫn dắt ta đi suốt con đường, hay ít ra cũng đưa ta đến mức độ có thể nhận thấy rõ ràng và tiếp tục gia công trong niềm tin vững chắc. Nếu tiếp tục quán niệm theo đường lối nầy ta sẽ càng tinh tấn hơn. Cũng như nước trong lu. Càng siêng năng châm nước, giữ cho lu lúc nào cũng đầy thì những côn trùng sống trong đó như lăng quăng v.v.. sẽ không chết vì bị khô cạn. Chúng ta gia công giữ cho pháp hành hằng ngày luôn luôn viên mãn cũng dường thế ấy. Tất cả đều trở về pháp hành. Chúng ta sẽ cảm nghe thoải mái và an bình. Trạng thái an lạc nầy phát sanh từ nhất điểm tâm, hay tâm niệm an trụ vào một điểm duy nhất.

Tuy nhiên, tâm nhất điểm nầy có thể rất phiền phức, bởi vì chúng ta không muốn bị những trạng thái tâm khác (tức những tâm sở khác) phá rầy. Trong thực tế, các tâm sở khác sẽ khởi phát, và nếu ta duyên theo đó thì chính nó là tâm nhất điểm.

Cũng như ta nhìn thấy những người khác nhau trước mắt, đàn ông có, đàn bà có. Nhưng cảm giác của ta khi thấy họ không giống như cảm giác mà ta có, khi nhìn cha và mẹ ta. Trong thực tế tất cả những người đàn ông đều là đàn ông giống như cha ta, và tất cả các bà đều là đàn bà như mẹ ta. Vậy mà khi nhìn họ ta không có cảm giác như khi nhìn cha và mẹ ta.

Ta cảm nghe rằng cha và mẹ ta quan trọng hơn. Ðối với ta, cha mẹ ta có giá trị hơn.

Trạng thái nhất điểm tâm của ta cũng vậy. Phải giữ thái độ đối với nó như đối với cha và mẹ ta. Tất cả những sinh hoạt tâm linh khác ngoài đề mục mà phát sanh thì chúng ta vẫn lưu tâm đến, cũng như ta lưu tâm đến các người đàn ông và đàn bà khác nhau, nói một cách tổng quát. Ta vẫn không ngừng nhìn thấy họ, nhưng chỉ ghi nhận sự có mặt của họ chớ không đặt họ ngang hàng, không cho họ có giá trị xứng đáng như cha và mẹ ta.

Tháo Gỡ Mối Gút

Khi pháp hành thiền Samatha tiến đạt đến mức độ vắng lặng, tâm sẽ trở nên sáng suốt và tỏ rạng. Những cảm xúc khác nhau mà thường phát sanh giờ đây cũng thưa thớt, ít dần. An lạc thanh bình và hạnh phúc dồi dào sẽ đến với ta. Có thể ta bám níu vào và luyến ái trạng thái hỷ lạc an vui ấy. Phải quán sát và suy gẫm rằng "hạnh phúc" ấy không bền vững, và phải quán tưởng rằng tình trạng "vô hạnh phúc" cũng không bền vững trường tồn mà vô thường, luôn luôn biến đổi. Ta sẽ thấu hiểu rằng tất cả những cảm giác đều phù du tạm bợ nhất thời, và không nên bám vào nó. Nhận thức sự vật như vậy vì có trí tuệ. Ta sẽ hiểu biết rằng sự vật là vậy, đúng theo bản chất thiên nhiên của nó.

Hiểu như vậy giống như ta nắm được đầu dây mối nhợ đã thắt chặt cái gút. Nếu ta kéo sợi nhợ theo đúng chiều của nó cái gút sẽ được nới lỏng ra và bắt đầu mở dần. Nó sẽ không còn siết chặt nữa. Làm vậy giống như hiểu biết rằng nó không phải luôn luôn là vậy. Trước kia ta ngỡ rằng sự vật như thế nào thì luôn luôn nó phải như thế ấy, và vì hiểu biết sai lầm như thế ấy càng ngày ta càng siết chặt cái gút. Siết chặt cái gút là đau khổ. Sống như thế ấy rất căng thẳng. Do đó ta dần dần nới lỏng cái gút và ngơi nghỉ. Tại sao nới lỏng cái gút? Bởi vì nó siết chặt. Nếu không bám níu hẳn ta có thể nới lỏng. Nó không thường còn, và luôn luôn phải như vậy. Hãy dựa trên Giáo Lý Vô Thường và xem đó là nền tảng. Cả hai trạng thái -- hạnh phúc và bất hạnh -- đều không thường còn. Ta không thể ỷ lại nơi cái gì luôn luôn biến đổi. Tuyệt đối không có gì thường còn trên thế gian. Với loại hiểu biết nầy ta dần dần chấm dứt những cơn buồn vui và những cảm xúc phát sanh trong tâm. Hiểu biết lầm lạc sẽ ảnh hưởng ngược chiều, cũng với mức độ ấy, và càng tăng trưởng những khuấy động tâm linh. Ý nghĩa của sự tháo gỡ mối gút là vậy. Nó sẽ tiếp tục nới lỏng ra và dần dần ta sẽ buông xả, diệt trừ luyến ái tận gốc rễ.

Khi tiến đến trình độ thấy vô thường, khổ, vô ngã bên trong mình, trong thân và tâm nầy, trong thế gian nầy, một loại nhàm chán sẽ khởi phát đến ta. Ðây không phải là trạng thái nhàm chán mà ta thường chứng nghiệm trong đời sống hằng ngày, không phải là chán chê, không muốn biết, không muốn thấy hoặc nói năng điều gì. Cũng không phải là nhàm chán không muốn tiếp xúc, gần gủi hay liên lạc với bất cứ ai. Như thế ấy không phải thật sự là nhàm chán bởi vì còn có sự bám níu, còn luyến ái mà chưa buông bỏ và chưa sáng suốt hiểu biết. Chúng ta vẫn còn ham muốn và phật lòng và chúng ta còn bám níu vào sự vật, những sự vật làm cho ta đau khổ.

Loại nhàm chán mà Ðức Phật đề cập đến là một trạng thái tâm không có tham, sân và si. Ðây là nhàm chán bởi vì nhìn thấy mọi sự vật đều vô thường. Khi thọ hỷ phát sanh, ta nhận định ngay là nó không tồn tại lâu dài. Ðó là loại nhàm chán mà ta sẽ chứng nghiệm. Gọi đó là nibbida, chán nản. Nó có nghĩa là cách xa tham dục và khát vọng. Ta không thấy có gì đáng được ham muốn. Dầu sự vật có đúng theo ý thích hay ý không thích của ta không, điều đó không quan trọng. Chúng ta không tự đồng hóa với sự vật. Ta không cho nó một giá trị nào.

Thực hành như vậy ta không để cho sự vật có lý do gây khó khăn. Ta đã có thấy đau khổ và đã thấy rằng tự đồng hóa mình với những cơn buồn vui không thể tạo hạnh phúc thật sự. Nó làm cho ta bám níu vào hạnh phúc hay bất hạnh, vào ưa thích hay ghét bỏ, vốn tự nó là nguyên nhân sanh đau khổ. Khi vẫn còn bám níu như vậy chúng ta không thể có tâm buông xả, hay thái độ bình thản đối với sự vật. Có những trạng thái tâm được ta ưa thích, vài trạng thái khác thì ta không ưa. Cả hai, hạnh phúc và không hạnh phúc, ưa và ghét, đều là nguyên nhân sanh đau khổ. Chính loại bám níu nầy là nguyên nhân gây đau khổ. Ðức Phật dạy rằng bất luận gì tạo đau khổ tự nó là bất toại nguyện.

Tứ Diệu Ðế

Như vậy ta nhận thức rằng Giáo Huấn của Ðức Phật là hiểu biết đau khổ và nguyên nhân sanh khổ. Thêm nữa là hiểu biết trạng thái giải thoát vượt ra khỏi đau khổ và đường lối thực hành khả dĩ dẫn đến giải thoát. Ngài chỉ dạy ta bốn điều ấy. Khi thấu triệt bốn pháp nầy chúng ta sẽ có thể nhận chân đau khổ khi nó phát sanh. Ta cũng sẽ thấu triệt rằng có nguyên nhân tạo đau khổ. Cái khổ hẳn không phải từ đâu rơi xuống! Khi lòng muốn thoát khổ ta sẽ có thể diệt trừ nguyên nhân sanh ra nó.

Tại sao chúng ta thọ khổ, cái cảm giác bất toại nguyện nầy?

Ta sẽ thấy rằng bởi vì chúng ta bám níu vào những ưa thích và những ghét bỏ. Chúng ta sẽ thấu hiểu rằng chính những hành động của ta làm cho ta đau khổ. Chúng ta đau khổ vì chúng ta gán cho sự vật một giá trị. Do vậy ta nói thấu hiểu đau khổ, thấu hiểu nguyên nhân sanh khổ, thấu hiểu sự thoát khổ và thấu hiểu Con Ðường dẫn đến thoát khổ.

Khi thấu hiểu đau khổ ta nỗ lực gia công tháo gỡ cái mối gút. Nhưng phải biết chắc chắn chiều hướng nào là đúng để kéo đầu mối dây. Có nghĩa là phải biết bản chất thật sự của sự vật là thế nào. Chừng ấy luyến ái sẽ được tận diệt. Ðó là pháp hành của chúng ta nhằm chấm dứt đau khổ. Thấu hiểu đau khổ, thấu hiểu nguyên nhân sanh khổ, thấu hiểu trạng thái thoát khổ và thấu hiểu Con Ðường đưa vượt ra khỏi mọi đau khổ. Ðó là Magga (Con Ðường). Con đường ấy là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Khi có chánh kiến, hiểu biết chân chánh các pháp ấy, ắt chúng ta có Con Ðường. Những pháp ấy có khả năng chấm dứt đau khổ. Nó dẫn dắt chúng ta đến Giới, Ðịnh, Tuệ (Sìla, Samàdhi, Pannà).

Phải thông suốt bốn pháp nầy một cách rõ ràng. Ta phải muốn thấu triệt. Phải muốn nhìn thấy các pháp ấy tận mắt, thấy đúng thực tướng của nó. Khi thấy được tận tường bốn pháp trên ta gọi đó là Sacca Dhamma, Giáo Pháp đúng Chân Lý, hay Diệu Ðế.

Dầu ta có nhìn vào trong, nhìn về phía trước, hoặc nhìn bên phải hay bên trái, tất cả những gì ta thấy là Diệu Ðế, Sacca Dhamma. Ta chỉ giản dị thấy tất cả sự vật đúng như nó là vậy. Ðối với những ai đã tiến đạt đến Dhamma, Giáo Pháp, đã thấu triệt Giáo Pháp, dầu đi nơi nào, tất cả mọi sự vật sẽ là Giáo Pháp.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2002).

Xin xem thêm: Bản dịch Anh ngữ, "Bodhinyana"


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 28-06-2002