BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Bodhinyāna
Giác Minh
Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumanā Lê
Thị Sương
chuyển ngữ từ Anh sang Việt
[01] Vài Ðoạn Ngắn Của Giáo Pháp T ất cả quý vị đều có niềm tin nơi Phật Giáo từ nhiều năm qua vì đã được nghe nhiều người đề cập đến những Lời Dạy của Phật Giáo -- nhất là các nhà sư và các thầy dạy học ngoài đời. Trong vài trường hợp Giáo Pháp được giảng dạy một cách bao quát và mơ hồ đến độ khó hiểu, khó nhận thức, để có thể đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Trong những trường hợp khác, Giáo Pháp được thuyết giảng với ngôn ngữ quá cao siêu hay với những danh từ quá đặc biệt chuyên môn làm cho phần đông khó lãnh hội, nhất là khi lời dạy theo quá sát văn tự của kinh điển. Sau cùng, có một lối giảng bình dị, thông thường, không quá mơ hồ cũng không quá sâu sắc, không quá rộng rãi bao quát cũng không quá bí ẩn -- chỉ vừa phải cho người nghe lãnh hội và thực hành để tự mình thọ hưởng lợi ích của Giáo Huấn.Hôm nay Sư muốn chia sẻ với quý vị lời thuyết giảng Giáo Pháp mà trong quá khứ Sư thường áp dụng để dạy đệ tử; Giáo Huấn mà Sư hy vọng sẽ có thể mang lợi ích đến cho từng cá nhân quý vị đang ngồi đây lắng nghe. Người Có Ước Vọng Ðạt Ðến Phật Pháp Người có ước vọng đạt đến Giáo Pháp của Ð ức Phật (Buddha-Dhamma, Phật Pháp) trước tiên phải có đức tin, hay niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo để làm nền tảng. Người ấy phải thấu hiểu ý nghĩa của Phật Pháp như sau:Phật, Buddha - Người giác ngộ, người thông suốt, người có tâm trong sạch, sáng ngời và thanh bình an lạc. Pháp, Dhamma - Các đặc tính của sự trong sạch, sáng ngời và thanh bình an lạc phát sanh từ Giới, Ðịnh, Tuệ. Vì lẽ ấy, người có nguyện vọng tiến đạt đến Phật Pháp là người gia công trau giồi và phát triển Giới, Ðịnh, Tuệ bên trong mình. Ði Trên Con Ðường Của Phật Pháp Lẽ dĩ nhiên, những ai muốn về nhà mình đến nơi đến chốn sẽ không chỉ giản dị ngồi yên một chỗ rồi suy tư về cuộc hành trình. Vị ấy phải thật sự dấn thân vào cuộc đi, bước từng bước một theo đúng chiều hướng, để cuối cùng về đến nhà. Nếu đi lạc đường họ có thể gặp phải những khó khăn như bị đầm lầy hoặc các chướng ngại khác, cản ngăn mà không thể đi bọc vòng quanh. Hoặc nữa, trong khi lầm đường lạc nẽo họ có thể rơi vào những hoàn cảnh hiểm nguy và sẽ không bao giờ về được đến nhà. Người về đến nhà có thể nghỉ ngơi thoải mái và an giấc ngon lành -- nhà cửa mình là nơi có đầy đủ tiện nghi cho cả thân lẫn tâm. Giờ đây họ thật sự về đến nhà. Tuy nhiên, nếu khách lữ hành chỉ đi ngang qua trước nhà, hoặc chỉ đi vòng quanh nhà, thì không thọ nhận được lợi ích của người đã về đến tận nhà.Cùng thế ấy, đi trên con đường nhằm đạt đến Phật Pháp là công trình mà mỗi người chúng ta, từng cá nhân, phải tự mình gia công nỗ lực, bởi vì không ai khác có thể làm cho ta. Và chúng ta phải dấn thân đi dài theo con đường Giới, Ðịnh, Tuệ cho đến khi tìm được quả phúc cao thượng của trạng thái tâm trong sạch, sáng ngời và thanh bình an lạc, vốn là quả lành của cuộc hành trình trên con đường. Dầu sao sự hiểu biết suông qua sách vở và kinh điển, qua những thời Pháp hay những bài kinh, chỉ giống như kiến thức của người xem bản đồ hay nghiên cứu kế hoạch đi đường, dầu có phải trải qua hằng trăm kiếp sống đi nữa, cũng sẽ không bao giờ biết được trạng thái trong sạch, sáng ngời, và thanh bình an lạc của tâm. Chỉ hoang phí thì giờ mà không bao giờ thành đạt những lợi ích của pháp hành. Các bậc Ðạo Sư là những người chỉ vạch cho ta hướng đi trên con đường. Sau khi đã nghe lời dạy của Thầy, có đi theo con đường cùng không, có gia công thực hành để thọ hưởng những quả lành của con đường cùng không, hoàn toàn do nơi mỗi người chúng ta.Một lối nhìn khác là so sánh pháp hành với lọ thuốc mà vị bác sĩ trao cho bệnh nhân. Trên chai thuốc có những dòng chữ chỉ dẫn rành mạch với đầy đủ chi tiết về phương cách dùng thuốc. Tuy nhiên, dầu có đọc đi đọc lại hằng trăm lần những lời chỉ dẫn ấy, và chỉ làm có thế thôi, bệnh nhân ắt phải chết, không thọ hưởng lợi ích nào của thuốc. Có thể trước khi lìa đời người bệnh ấy sẽ chua cay trách móc, than phiền rằng thầy dở, thuốc xấu, không chữa được bệnh anh! Anh ta sẽ nghĩ rằng vị bác sĩ là hạng lang băm, hạng lương y giả mạo, còn thuốc thì không công hiệu, trong khi ấy anh chỉ phung phí thì giờ để quan sát lọ thuốc và đọc lời chỉ dẫn. Anh không theo đúng lời dặn của bác sĩ, không uống thuốc. Nếu thật sự tuân hành theo lời chỉ dẫn của bác sĩ và đều đặn uống thuốc, bệnh nhân sẽ bình phục. Nếu là chứng bệnh trầm trọng bệnh nhân sẽ cần phải uống thật nhiều thuốc, còn như chỉ ốm đau sơ sài thì người bệnh chỉ cần uống một ít cũng đủ lành bệnh. Sở dĩ phải uống nhiều thuốc là vì chứng bệnh của ta trầm trọng. Ðó chỉ là tự nhiên, và nếu thận trọng suy tư, tự chính ta có thể thấy rõ điều nầy. Bác sĩ biên toa cho thuốc để tiêu trừ chứng bệnh của thân. Những lời dạy của Ðức Phật được ban truyền để chữa trị những chứng bệnh tâm thần, đem tâm trở về trạng thái lành mạnh thiên nhiên. Như vậy Ðức Phật có thể được xem là vị bác sĩ cho thuốc để chữa bệnh của tâm. Trong thực tế, Ngài là bậc Tối Thượng Y Vương trên thế gian. Những chứng bệnh tâm linh ấy đều có hiện hữu bê n trong mỗi người chúng ta, không loại trừ ai. Như vậy, mỗi khi thấy bệnh mà ta hướng cái nhìn về Pháp Bảo để tìm nương tựa, tìm phương thuốc trị liệu cho căn bệnh tâm linh của mình, thì có hợp lý chăng? Trên "con đường Phật Pháp" ta không đi bằng thân. Cuộc hành trình phải được trải qua bằng tâm mới thành đạt lợi ích. Và khách lữ hành có thể được phân làm ba nhóm người ở ba mức độ khác nhau như sau:Mức độ thứ nhất: bao gồm những người hiểu biết rằng họ phải tự mình gia công thực hành, và họ cũng hiểu biết phải thực hành như thế nào. Họ quy y Tam Bảo, trở về nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng và lập tâm nhất quyết chuyên cần thực hành Giáo Pháp. Những người ấy chỉ tự mình tách rời ra khỏi những phong tục tập quán quen thuộc mà họ đã theo, và dùng lý trí tự mình quán chiếu bản chất thiên nhiên của vạn pháp. Ðó là nhóm người "Phật tử có đức tin".Mức độ trung bình: bao gồm những người nỗ lực thực hành cho đến khi đức tin nơi Giáo Pháp trở nên vững chắc, tức niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng của mình không thể còn bị lay chuyển. Các vị nầy cũng thấm nhuần, tiến sâu vào sự hiểu biết bản chất thật sự của tất cả các pháp hữu vi. Các Ngài dần dần buông bỏ, giảm bớt bám níu và luyến ái, không nắm giữ sự vật, và tâm tiến đạt đến mức sâu sắc thấu triệt Giáo Pháp. Tùy thuộc mức độ buông bỏ -- tức không luyến ái -- và trí tuệ, các Ngài tiến dần từ bậc Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm, đến A Na Hàm, hay nói một cách giản dị, các Ngài tuần tự chứng đắc các tầng Thánh. Mức độ cao nhất: bao gồm những vị mà pháp hành đã đưa các Ngài đến trạng thái thân, khẩu, ý của Ðức Phật. Các Ngài đã vượt lên trên thế gian, ra khỏi thế gian, và qua khỏi mọi hình thức bám níu và luyến ái. Các Ngài được tôn là bậc A La Hán (Arahat), hoàn toàn giải thoát, mức độ cao siêu nhất trong các tầng Thánh.Làm Thế Nào Thanh Lọc Giới Ðức? Giới đức là thu thúc và kiểm soát thân, khẩu, khép hành động và lời nói của mình vào khuôn khổ kỷ cương. Về phương diện nghi thức, giới luật được phân làm hai hạng: giới cho người cư sĩ tại gia và giới của hàng xuất gia, tỳ khưu và tỳ khưu ni. Tuy nhiên, một cách tổng quát, đặc tính căn bản của giới luật là "tác ý", "ý muốn" nằm phía sau hành động và lời nói. Khi có chánh niệm, tự hay biết mình, ắt chúng ta suy tư chân chánh và có "ý muốn làm" chân chánh. Công trình tự hay biết mình và gom tâm chú niệm sẽ dẫn đến giới đức thanh cao trong sạch -- giới tịnh.Ðó chỉ là lẽ dĩ nhiên, khi ta mặc áo quần dơ dáy và mình mẩy của ta cũng nhơ bẩn thì tâm sẽ cảm nghe kém thoải mái, bực bội, và khó chịu. Trái lại, nếu chúng ta giữ thân mình sạch sẽ và quần áo tươm tất gọn gàng thì tâm sẽ cảm nghe nhẹ nhàng khoan khoái và dễ chịu. Cùng thế ấy, khi giới đức không được thanh tịnh nghiêm trì, thân và khẩu ắt nhơ bẩn và đó là nguyên nhân làm cho tâm ưu phiền, sầu muộn và nặng nề. Chúng ta đã xa lìa pháp hành chân chánh, và điều nầy gây trở ngại, không để cho ta thấm nhuần, ăn sâu vào tinh chất nguyên thể của Giáo Pháp trong nội tâm. Trạng thái lành mạnh trong sạch của thân và khẩu tùy thuộc nơi mức độ mà tâm được chân chánh rèn luyện, vì tâm điều khiển hành động và lời nói. Vì lẽ ấy chúng ta phải gia công thực hành pháp luyện tâm. Thực Hành Thiền Tập Thực tập an trụ tâm là pháp hành làm cho tâm trở nên vững chắc, không chao động. Pháp hành nầy đưa tâm đến trạng thái an tĩnh, vắng lặng. Thông thường, cái tâm không được rèn luyện của chúng ta luôn luôn di động, khó kiểm soát, khó điều khiển. Tâm bay nhảy điên cuồng hoang dại theo những mê loạn của giác quan giống như nước chảy tán loạn đầu nầy đầu kia, tìm đến nơi thấp nhất. Mặc dầu vậy, các chuyên viên nông nghiệp và các kỹ sư hiểu biết phải làm thế nào để kiểm soát và dùng nước vào những việc có lợi ích nhất cho nhân loại. Con người thông minh, biết cách giữ chứa nước lại, biết xây đấp những hồ chứa thật rộng lớn, và đào kinh -- tất cả những công trình nầy chỉ nhắm vào mục đích duy nhất là dẫn nước và làm cho nước trở nên hữu dụng. Hơn nữa, nước được tích trữ trong hồ chứa lại được xử dụng để tạo điện lực, ánh sáng và các công dụng khác cũng do nhờ ta biết kiểm soát lưu lượng, không để nó tự nhiên trôi chảy một cách hoang phí và ứ đọng trong các vũng đầm nhỏ. Tâm ta cũng vậy. Ðược chứa giữ và kiểm soát, được cần mẫn và kiên trì rèn luyện, tâm sẽ đem lại những lợi ích to tát không thể lường. Ðức Phật dạy, "Tâm được kiểm soát đem lại chân hạnh phúc. Vì lẽ ấy các con hãy gia công tu tập, rèn luyện tâm mình để thành đạt lợi ích cao thượng nhất". Các con thú mà ta thấy quanh đây cũng thế, như voi, ngựa, bò, trâu v.v.. đều phải được tập luyện mới có thể dùng được. Chỉ khi nào được rèn luyện đầy đủ, sức mạnh của con vật mới thật sự hữu dụng cho ta. Một cái tâm được rèn luyện thuần thục sẽ đem lại phước lành không biết bao nhiêu lần nhiều hơn là tâm buông lung hoang dại. Ðức Phật và chư vị Thánh đệ tử của Ngài đều khởi đầu y như chúng ta -- với cái tâm không được rèn luyện. Vậy mà về sau, hãy xem các Ngài đã trở nên đối tượng kỉnh mộ tôn sùng của tất cả chúng ta như thế nào, và hãy nhìn xem bao nhiêu lợi ích mà chúng ta đã thọ nhận từ những lời dạy của các Ngài. Quả thật vậy, hãy nhìn xem những lợi ích mà toàn thể thế gian đang thọ hưởng do những vị đã trải qua suốt công trình luyện tâm và thành đạt tự do cùng tột. Một cái tâm được cẩn trọng kiểm soát và rèn luyện ắt cũng được trang bị hoàn hảo để hỗ trợ chúng ta trong mọi nghề nghiệp, ở mọi hoàn cảnh. Một cái tâm được uốn nắn và khép vào khuôn khổ kỷ cương sẽ giữ cho cuộc sống quân bình, công ăn việc làm dễ dàng hơn và phát triển dưỡng nuôi lý trí để điều hành các sinh hoạt của ta. Cuối cùng, hạnh phúc của chúng ta sẽ tăng trưởng cùng nhịp, tương xứng với pháp luyện tâm thích nghi. Công trình luyện tâm có thể được thực hiện theo nhiều đường lối, với nhiều phương thức khác nhau. Phương pháp hữu ích nhất và có thể được tất cả mọi người -- với những tâm tánh khác nhau -- áp dụng thực hành là pháp "niệm hơi thở". Ðó là trau giồi và phát triển tâm, chú niệm hơi-thở-ra, thở-vào. ở tu viện nầy chúng tôi tập trung sự chú ý vào chót mũi và gom tâm hay biết nơi hơi-thở-vào và hơi-thở-ra bằng cách niệm thầm hai chữ "BUD-DHO" như câu chú. Nếu hành giả muốn dùng chữ nào khác để niệm, hoặc không niệm chữ nào mà chỉ chú tâm vào hơi gió di chuyển ra vào cũng được. Hành giả thay đổi, tự điều chỉnh, tìm lối thực hành nào thích hợp nhất với mình. Yếu tố chánh yếu trong pháp hành là luôn luôn giữ chánh niệm, luôn luôn ghi nhận, hay biết hơi thở trong khoảnh khắc hiện tại, để theo dõi gom tâm vào mỗi hơi-thở-vào và mỗi hơi-thở-ra, ngay lúc nó xảy diễn. Trong khi đi kinh hành, hãy cố gắng luôn luôn giữ tâm niệm ở cảm giác của bàn chân chạm xuống đất. Pháp hành thiền nầy phải được kiên trì thực hành, càng liên tục càng tốt, để mang lại kết quả tốt đẹp. Không nên chỉ hành một thời gian ngắn trong ngày rồi ngưng luôn một hai tuần hay cả tháng mới hành trở lại. Hành gián đoạn như thế sẽ không gặt hái thành quả. Ðức Phật dạy nên siêng năng hành thiền, và chuyên cần hành thiền, có nghĩa là ta phải tận lực cố gắng, giữ cho pháp hành luôn luôn liên tục, không gián đoạn. Khi hành thiền chúng ta nên tìm một nơi yên tĩnh, thanh vắng, để có thể hành mà không bị ngoại cảnh làm xao lãng. Trong vườn hoặc dưới một cội cây có tàng bóng mát mẻ, kín đáo, phía sau nhà hoặc nơi nào khác mà ta có thể ở một mình không bị khuấy động, là những nơi thích hợp. Nếu là tỳ khưu hay nữ tu sĩ thì ta nên tìm một cái cốc (tịnh thất nhỏ) thích nghi, một khu rừng yên tĩnh hoặc một hang đá hoang vu vắng vẻ. Cảnh núi non có nhiều nơi đặc biệt thích nghi với pháp hành. Trong bất luận trường hợp nào, dù ở đâu, chúng ta phải nỗ lực gia công chú tâm niệm hơi-thở-ra, thở-vào một cách liên tục. Nếu sự chú tâm xao lãng, hướng đến điều gì khác, hãy cố gắng kéo nó trở về đề mục. Cố gắng dẹp qua một bên tất cả những suy tư hay những lo âu khác. Không nghĩ đến bất cứ gì. Chỉ theo dõi bám sát vào hơi thở. Nếu ta giữ chánh niệm, ghi nhận và hay biết những ý nghĩ ngay lúc nó vừa khởi sanh và chuyên cần quay về đề mục hành thiền, tâm sẽ càng lúc càng trở nên vắng lặng. Khi tâm thư thái tự tại và an trụ vững vàng, hãy buông rơi hơi thở, không dùng hơi thở làm đề mục hành thiền nữa. Bây giờ hãy quán chiếu thân và tâm (danh và sắc), vốn bao gồm năm uẩn; sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Hãy theo dõi và quán sát năm uẩn ấy ngay lúc nó đến rồi đi. Ta sẽ thấy rõ ràng rằng ngũ uẩn là vô thường, rằng trạng thái vô thường làm cho nó là bất toại nguyện và không đáng được ưa thích, rằng tự nó đến rồi đi -- không có một cái "ngã" điều khiển sự vật. Chỉ có thiên nhiên, di chuyển theo định luật nhân quả. Tất cả mọi sự vật trên thế gian đều nằm trong những đặc tính bất ổn định, bất toại nguyện, và không có một tự ngã thường còn, hay một linh hồn trường cửu. Khi nhìn toàn thể kiếp sinh tồn dưới ánh sáng nầy mọi luyến ái và bám níu vào ngũ uẩn sẽ dần dần suy giảm. Ðó là do chúng ta thấy được những đặc tính thật sự của thế gian, bản chất thật sự của vạn hữu. Ta gọi đó là sự phát sanh trí tuệ. Trí Tuệ Phát Sanh Trí tuệ là nhìn thấy thực tướng những biểu hiện khác nhau của thân và tâm. Khi dùng cái tâm an trụ và được rèn luyện thuần thục của mình để quán chiếu năm uẩn ta sẽ thấy rõ ràng rằng cả hai, thân và tâm, là vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã. Thấy tất cả các pháp hữu vi với trí tuệ như vậy ta không còn luyến ái hay bám níu vào nó nữa. Bất luận gì thọ nhận, ta thọ nhận với chánh niệm. Chúng ta không quá đổi vui mừng. Khi vật gì của ta tan vỡ, hư hoại hay biến tan, chúng ta không quá âu sầu phiền muộn, và khi bị đau đớn chúng ta không buồn khổ -- bởi vì ta thấy rõ bản chất vô thường của tất cả mọi sự vật. Khi lâm bệnh và phải chịu đau nhức như thế nào đi nữa ta vẫn bình thản, giữ tâm xả, bởi vì tâm của ta đã được rèn luyện đầy đủ. Tâm thuần thục là nơi nương tựa thật sự. Tất cả những điều nầy được gọi là trí tuệ, cái trí tuệ thấu triệt chân tướng của sự vật ngay lúc nó vừa khởi sanh. Tuệ phát sanh do niệm và định. Ðịnh phát sanh từ nền tảng giới luật, hay đức hạnh. Tất cả những pháp nầy -- giới, định và tuệ -- tương quan với nhau rất mật thiết, đến độ không thể thật sự tách rời ra. Theo kinh nghiệm của pháp hành ta có thể nhìn ba pháp nầy như sau: Trước tiên, đặt tâm trong khuôn khổ kỷ luật để niệm hơi thở. Ðó là sự khởi sanh của Giới. Khi chánh niệm được kiên trì và liên tục an trụ vào hơi thở cho đến khi trở nên vắng lặng, đó là sự phát sanh của Ðịnh. Ðến lúc công trình quán chiếu cho thấy rằng hơi thở là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, và tiếp theo đó là tâm buông bỏ, không luyến ái, đến với hành giả. Ðó là sự phát sanh của Tuệ. Như vậy có thể nói rằng pháp niệm hơi thở là một pháp môn tu tập nhằm trau giồi và phát triển Giới, Ðịnh, Tuệ. Cả ba cùng đến chung với nhau. Khi Giới, Ðịnh và Tuệ đều cùng được trau giồi và phát triển ta gọi là thực hành Bát Chánh Ðạo. Ðức Phật dạy rằng đó là con đường duy nhất dẫn thoát ra khỏi mọi khổ đau. Bát Chánh Ðạo cao siêu hơn tất cả các pháp, vì nếu thực hành thích nghi, đó là con đường đưa thẳng đến Niết Bàn, đến thanh bình an lạc. Ta có thể nói rằng pháp hành nầy thật sự đưa đến tận Ðức Phật và Giáo Pháp một cách chính xác. Những Lợi ích Của Pháp Hành Khi ta hành thiền như đã được giải thích ở phần trên, những quả lành của pháp hành nầy sẽ trổ sanh theo ba giai đoạn như sau: Trước tiên, đối với những vị hành giả ở mức độ "Phật tử có đức tin" thì niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Niềm tin nầy trở thành nguyên động lực thật sự dũng mảnh, hỗ trợ bên trong mỗi người. Các vị nầy cũng thấu hiểu tận tường hơn, bản chất "nhân sanh quả" của vạn pháp, rằng thiện nghiệp sẽ đưa đến quả lành và bất thiện nghiệp sẽ đưa đến quả dữ. Ðối với người như thế ấy hạnh phúc càng thêm dồi dào và nội tâm càng thêm thanh bình an lạc. Thứ đến là những vị đã thành đạt các Thánh Quả Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm, hoặc A Na Hàm. Niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng, của những vị nầy không còn có thể lay chuyển. Các Ngài vô cùng an lạc và vững vàng tiến bước trên con đường dẫn đến Niết Bàn.Thứ ba là chư vị A La Hán, bậc Toàn Thiện, những vị đang thọ hưởng loại hạnh phúc hoàn toàn vượt ra khỏi mọi hình thức đau khổ. Các Ngài đã là Phật, đã vượt ra khỏi thế gian và đã viên mãn hoàn tất cuộc hành trình trên Con Ðường của bậc Thánh Nhân. * * * Tất cả chúng ta đã có diễm phúc được sanh là m người và được nghe Giáo Huấn của Ðức Phật. Ðó là cơ hội ngàn vàng mà hàng triệu chúng sanh khác không được có. Như vậy, chớ nên hờ hửng dể duôi hoặc buông lung không chuyên cần. Hãy nhanh chóng tạo phước, hành thiện, và noi theo con đường của pháp hành từ đoạn đầu, đoạn giữa, đến mức độ cao thượng nhất. Không nên để thời gian trôi qua một cách hoang phí mà không có mục tiêu. Hãy cố gắng vượt đến chân lý của những lời dạy mà Ðức Từ Phụ đã ban truyền, ngay trong ngày hôm nay. Bây giờ, để chấm dứt thời Pháp hôm nay, Sư nhắc lại một bài ca dao của người Lào, đại ý như sau:"Nhiều cuộc vui đã tàn, nhiều lạc thú đã trôi vào dĩ vãng. Trời sắp xế chiều và màn đêm sẽ nhanh chóng rũ xuống. Giờ đây, đang say sưa với những dòng lệ tuôn rơi, hãy ngừng nghỉ và nhìn xem, không bao lâu nữa sẽ quá muộn để viên mãn hoàn tất cuộc hành trình."-ooOoo- Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 |
Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2002).
Xin xem thêm: Bản dịch Anh ngữ, "Bodhinyana"
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 28-06-2002