BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Ðức Phật, Giáo Pháp và Tăng Già

Etienne Lamotte
Trí Nguyệt lược dịch


DẪN NHẬP

Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng già là ba yếu tố tạo thành Phật giáo. Ba yếu này gọi là ba yếu tố quí báu, đáng trân trọng, Ba yếu tố đáng quan tâm suy nghiệm, học tập, thực hành để hướng tới an lạc thật sự cho mỗi phật tử.

Đức Phật được gọi là Sàkyamuni Gaulama (Thích-ca Mâu-ni Cồ-đàm), bậc hiền triết thuộc dòng họ Sàkya. Sanh trong bộ tộc Sakya ở Ấn, nay là Nepal, giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước tây lịch, Ngài là một hoàng tử lớn lên trong nhung lụa, kết hôn và có một trai. Khi Ngài nhận ra sự phũ phàng của tuổi già, bệnh tật và cái chết đang đè nặng thân phận con người, Ngài từ giã cung điện tiến vào rừng sâu và trở thành một đạo sĩ khổ hạnh. Nhưng phương pháp cực kỳ khổ hạnh không đem lại cho Ngài trí tuệ giải thoát. Khi dùng một ít thức ăn trở lại, Ngài nhận ra Chân lý Trung đạo. Như thế vào năm 35 tuổi, Ngài giác ngộ, tức là thành Phật. Ngài chứng Niết bàn (hữu dư y Niết bàn), tức là sự dập tắt tham, sân và vô minh. Như vậy Ngài không còn phải luân hồi tái sanh nữa hay có quan điểm cho rằng Ngài đạt được bản thể vĩnh viễn. Không còn bất kỳ thứ phiền não nào trong Ngài có thể phát khởi. Sự ra đi vĩnh viễn của Ngài lúc 80 tuổi chỉ là mất đi một cơ thể mỏi mòn suốt 50 mươi năm trường thả gót chân khắp khu vực trung Ấn, đó là Niết bàn tối hậu (vô dư y Niết bàn).

Đức Phật không phải thiên thần, chỉ là con người như mọi người, nhưng con người ấy đã đạt được chân lý, Dharma. Trong cái vũ trụ bao la, với tất cả mọi loài chúng sinh đang trong vòng sinh tử vô tận này, ngay cả chư thiên, thần, không ai có thể giúp Ngài tìm ra giải thoát. Bằng mọi cố gắng, mọi năng lực sẵn có của Ngài, Ngài khám phá ra chân lý rằng tất cả mọi vật, từ con người cho đến sơn, hà, đại địa, đều vô thường, đau khổ và không có thực thể.

Bài pháp đầu tiên của Phật là Kinh Chuyển Pháp Luân. Trong thời pháp ấy Ngài đã giảng về bốn chân lý: tất cả đều khổ; nguyên nhân khổ: tham ái; khổ diệt và phương pháp diệt khổ bằng Bát chánh đạo. Sau đó, Ngài dạy giữ giới hạnh để thiền định và do thiền định mà đạt trí tuệ giải thoát.

Những người sống trong thế gian này với đầy đủ sự nghiệp và mọi thứ tiêu khiển cũng có thể thực hành Bát chánh đạo. Vì vậy đức Phật thiết lập phương pháp Trung đạo, giữa hưởng thụ và khổ hạnh bằng cách thành lập Tăng đoàn. Trong phương diện này Ngài đã làm theo phương thức của các du sĩ khổ hạnh đương thời, một người hay trong một nhóm nhỏ. Thành viên của Tăng đoàn, tăng và ni, phải tự tu tập và giải thoát, nhưng họ cũng phải bảo tồn giáo pháp để người khác có thể noi theo.

ĐỨC PHẬT

Phật Thích Ca Mâu Ni là một trong những vị toàn giác thấy được chân lý, giảng giáo pháp và thành lập Tăng đoàn. Đức Phật, Giáo pháp, Tăng già là ba tiêu điểm mà chúng sinh hướng tới để tìm cầu giải thoát (qui y Tam Bảo - Phật Pháp Tăng).

Đức Phật là vị lương y; Giáo pháp là phương thuốc; Tăng già là người chăm sóc và cho thuốc bệnh nhân. Kiến lập Tăng đoàn là một trong những phật sự quan trọng của Phật. Khi đức Như Lai nhập Niết bàn tối hậu, Ngài không làm gì được nữa cho chúng sinh và giáo pháp của Ngài sẽ không tồn tại nếu không có Tăng đoàn kiết tập và bảo trì.

Vị Phật cuối cùng trong hiền kiếp ra đời vì lợi lạc và hạnh phúc cho tất cả, diệt trừ khổ đau của tật bệnh, già suy và chết cho chúng sanh là đức Thích Ca Mâu Ni.

Theo truyền thống, Phật Thích Ca Mâu Ni trụ thế 80 tuổi. Nhưng thời gian nhập Niết bàn của Ngài vẫn còn là một nghi vấn lớn. Ngày nay, phật tử ở Sri-Lanka, Burma, Thailand, Kampuchea và Laos cho rằng thời gian đó khoảng 543 trước tây lịch. Thời gian này không được các sử gia Ấn Độ và Tây phương chấp nhận chính thức, vì ngày Phật Niết bàn liên quan chặt chẽ với ngày đăng quang của hoàng đế A Dục, một sự kiện quan trọng được các nguồn tài liệu Hy Lạp kiểm chứng và khẳng định rằng đó là khoảng 268-267 trước tây lịch.

Trong các tài liệu xưa đều dùng cả hai bộ Biên niên sử: Đại Bộ cho rằng thời gian Phật Niết bàn trước thời gian vua A Dục đăng quang là 218 năm, tức là khoảng 486 năm trước tây lịch; Tiểu Bộ thì ghi rằng thời gian Phật Niết bàn trước ngày đăng quang của vua A Dục khoảng 100 năm, tức là 368 năm trước tây lịch. Vì tính đơn giản, bộ Biên niên sử lớn được đại đa số chấp nhận, mặc dù ngày nay có khuynh hướng đang tiến hành nghiên cứu ngày Phật Niết bàn một cách mạnh mẽ.

Phật ra đời trong dòng họ của vua Sudhodana và hoàng hậu Maya vào khoảng 564 trước tây lịch tại Kapilavathu, nay là vùng lãnh thổ Nepal. Ngài thuộc bộ tộc Sakya của dòng dõi Gautama. Tên Ngài là Sidhartha, nhưng thông thường Ngài được gọi là Gautama hoặc Sakyamuni (Bậc hiền giả của bộ tộc Sakya). Đệ tử thường xưng Ngài là Thế Tôn (Lord hay Blessed One). Ngài tự xưng là Như Lai (Tathagata), một tôn hiệu khó hiểu, có nghĩa là một người đã đạt được chân lý như các vị đã đạt được trước đó. Sakyamuni là một vị Bồ tát, có nghĩa là Phật tương lai. Ngài thành Phật ngay trong đêm thứ 49 của quá trình bảy tuần lễ thiền quán dưới cội cây bồ đề.

Tuổi thanh xuân của Ngài lướt nhanh trên nhung lụa và lạc thú; Ngài kết hôn lúc 16 tuổi và Yasodhara đã sinh cho Ngài một trai tên là Rahula. Tuy nhiên, vấn đề lớn và bí ẩn trong cuộc sống như già, bệnh, chết khiến Ngài buồn rầu cho kiếp nhân sinh. Giống như thế hệ trẻ lúc ấy, Ngài cố tìm phương pháp đạt đến bất tử (amrta). Theo Ngài đây là vấn đề lớn liên quan tới sự sống miên viễn và sự chấm dứt hẳn vòng luân hồi, chuỗi dài của nhiều kiếp sống đưa chúng sinh vào bể khổ. Vào năm 537 trước tây lịch, khoảng 29 tuổi, Ngài âm thầm rời cung điện Kapilavathu chấp nhận cuộc sống của một du phương khất sĩ (Parivrajaka Sramana). Ngài đi về hướng nam đến vương quốc Magadha (nay là miền nam bang Bihar) của vua Bình Sa Vương đang trị vì. Ngài học đạo với hai đạo sĩ Yoga và dưới sự hướng dẫn của họ, Ngài hiến trọn cuộc đời cho việc hành thiền và một số phương pháp có thể đưa Ngài đạt đến những cảnh giới có cuộc sống cao hơn, nhưng tất cả đều không đáp ứng được nhu cầu giải thoát. Quá bất mãn với những học thuyết của các đạo sĩ Yoga, Ngài quyết định tập trung mọi nổ lực vào chính mình. Ngài đến Uruvila, nơi năm vị tu sĩ đã theo Ngài. Trải qua sáu năm (537-532), Ngài chú tâm vào phương pháp khổ hạnh nhịn đói và nín thở. Qua thời gian, Ngài gần như kiệt sức vì hai phương pháp đó. Tất cả mọi cố gắng đều vô ích khi khổ hạnh như vậy, thậm chí không làm cho Ngài đạt được bất cứ thần thông nào. Vì vậy Ngài từ bỏ phương pháp đó. Từ đó năm người bạn đồng tu xa lánh Ngài và họ đi đến Vườn Nai, nay là Saranath, gần Benares (Varanasi).

Từ đây, Ngài phải tự chiến thắng mình. Sau sáu năm dài khổ hạnh kiệt sức, Ngài quyết định thay đổi phương pháp và bắt đầu dùng thức ăn trở lại, sau bữa ăn đầu tiên đó, Ngài tắm tại sông Ni Liên Thuyền và phục hồi sức lực. Vào một buổi chiều Ngài đến Bodha Gaya, ngồi dưới cây bồ đề để thiền quán. Ngài không hướng tâm đến các cõi trời có tưởng hoặc không tưởng mà hai đạo sĩ Yoga đã dạy Ngài, Ngài chỉ hướng tâm tìm ra nguyên nhân sống và chết trong thế giới hiện tượng. Trải qua một đêm đáng nhớ nọ (531 trước tây lịch), Ngài đạt giác ngộ và chứng thành Phật quả vô thượng. Trong đêm đó Ngài chứng ba loại trí tuệ: (1) Thấy biết một cách tường tận về những kiếp sống quá khứ của chính Ngài, (2) Thấy biết được sự sống chết của tất cả chúng sinh và (3) Trí tuệ tận diệt các vi tế vô minh đã khiến Ngài chìm đắm trong sinh tử qua bao nhiêu kiếp. Ba thứ trí tuệ này đã đưa đến sự quán chiếu và thấu triệt bộ máy Duyên khởi và sự tận diệt vòng luân hồi nhân quả của cuộc sống hiện tượng tâm, vật lý này. Ngài đã tuần tự quán chiếu, đầu tiên quán theo chiều thuận, sau đó quán theo chiều nghịch về 12 nguyên nhân hay 12 sự liên kết tạo ra sự khởi đầu và sự tận diệt, và như vậy Ngài đã thoát ra khỏi quỹ đạo tái sanh và đây là kiếp sống cuối cùng của Ngài trong trục luân hồi.

Liên tục thiền quán trong 7 tuần tại Bodha Gaya, đức Phật đã chứng được giáo lý có công năng mở cửa bất tử, diệt tận khổ đau và đem lại Niết bàn an tịnh. Giáo lý này gọi là Pháp, là Qui luật, Giáo lý của sự giải thoát, không phải sự cứu rỗi do trung gian của lực lượng ngoại giới nào. Giáo pháp này thâm diệu, khó hiểu, khó ngộ. Đức Phật do dự có nên giảng giáo pháp này hay không cho tới khi nhận lời cầu thỉnh của Phạm thiên Shampati. Ngài trở lại Benares (Vườn Nai), giảng bài pháp đầu tiên "Chuyển Pháp Luân" (Dharmacakrapravartana Sutra) cho năm tu sĩ đã từng theo Ngài trước kia. Trong bài pháp ấy đề cập đến Tứ Diệu Đế và kế đến là bài pháp giảng về Vô Ngã (Anatman), nói lên tính chất vô ngã của tất cả hiện tượng vật thể: Không có Ngã và cũng không có gì thuộc về Ngã. Bài pháp tại Benares đã mở đầu cho cuộc du hóa của Phật suốt 45 năm sau này (531-486). Ngài đã đi khắp vùng Trung Ấn Hà để giảng giáo pháp, thuyết phục ngoại đạo, hóa độ đồ chúng vào Tăng đoàn. Tăng đoàn được Phật thành lập chỉ là một đoàn thể giống như những đoàn thể tôn giáo khác đang tồn tại lúc ấy.

Tuổi già đã bào mòn mọi năng lực Ngài, Phật nhất định rời Rajagrha để đến thị trấn Kusinagari thuộc nước Malla. Nửa đường Ngài bị bệnh lị, Ngài dừng ở ngoài thành, trong rừng Upavarta. Ở đó, nằm giữa hai gốc cây, Ngài lần lượt trải qua các trạng thái thiền định và như ngọn đèn cạn dầu, Ngài đã thực sự vào cảnh giới thanh tịnh Niết bàn tối hậu. Dân Malla tại Kusinagara chủ trì lễ trà tỳ nhục thân Ngài, và dân chúng các vùng phụ cận cùng chia nhau xá lợi để tôn trí trong các tháp, đền kỷ niệm để đảnh lễ.

Trên đây là vài nét phác họa về cuộc đời đức Phật, chứ không đề cập tới cuộc đời huyền thoại của Phật như hầu hết mọi người đã biết. Huyền thoại là sự rập khuôn về lịch sử của các Phật quá khứ cũng như Phật tương lai với vài sự khác nhau nhỏ. Theo truyền thống, những sự phi thường, kỳ diệu đánh dấu những sự kiện của đời Ngài từ khi nhập thai đến lúc trà tỳ đã qua đi nhanh chóng trong im lặng để rồi tạo ra một lịch sử có nhiều vòng hào quang hợp lý hơn. Muốn đạt đến sự thật lịch sử mà bỏ đi những yếu tố phi thường, kỳ diệu là không hợp lý. Nhưng lịch sử không thể hoàn toàn dựa vào huyền thoại. Hơn nữa, bản phác thảo của tôi không dựa vào quan điểm của Ấn Độ cho rằng tất cả chúng sinh đều xoay vần trong luân hồi vô tận, có khi sanh vào cõi trời, cõi người, tất cả mọi cuộc sống đều liên quan đến những cuộc sống khác, vì vậy không có một lịch sử nào là hoàn chỉnh cả. Bản phác thảo của tôi chỉ riêng đề cập đến cuộc sống cuối cùng trong quỹ đạo luân hồi của Phật Thích Ca, vì vậy có thể bị chống đối mãnh liệt. Kiếp sống cuối cùng này để rồi Ngài thành Phật, nhưng để hoàn thành việc chứng ngộ, Ngài đã tự mình trang bị nhiều trí tuệ, nhiều công đức qua nhiều kiếp sống vô tận trong các loại hình như người, vật hay chư thiên.

Nếu bắt đầu từ quan điểm này, thì lịch sử thật của Phật Thích Ca phải kể từ vô lượng kiếp ngược về quá khứ khi Ngài mới phát tâm bồ đề cho đến ngày quyết định thành Vô thượng đẳng chánh giác vì hạnh phúc, lợi ích cho tất cả chúng sinh. Sau khi phát tâm bồ đề, Ngài phải thực hành Bồ tát đạo. Công hạnh Bồ tát phải tích lũy rất lâu, có thể kéo dài tới ít ra ba đại kiếp, trải qua các địa vị Bồ tát. Suốt đại kiếp thứ nhất, Ngài phải phát tâm kiên cố quyết định thành Phật; cuối đại kiếp thứ hai, Ngài phát đại nguyện trước Phật Nhiên Đăng và sau đó được thọ ký thành Phật; trong đại kiếp thứ ba, Ngài trú tâm kiên cố, không còn thoái chuyển, cuối cùng, trong 91 tiểu kiếp, Ngài thực hành vô lượng công đức để thành tựu 32 tướng tốt của một bậc vĩ nhân phi thường: một là thành Phật, hai là làm chuyển luân thánh vương.

Đối với Phật giáo, không có gì có một bản chất thực ngã; tất cả, Phật kết luận, chỉ tồn tại trong cái giả danh. Những gì có giả danh chỉ là một tập họp của những yếu tố tâm, sinh lý sanh ra và tiêu diệt từng phút từng giây qua nhiều kiếp sống quay cuồng trong luân hồi, trái với những gì Bà La Môn khẳng định rằng là cái tự ngã được hiểu như là một thực thể thường trụ, vững chắc, vĩnh viễn. Phật giáo nói rằng cái tự ngã không tồn tại bất cứ nơi đâu, vì không có ngã và không có gì thuộc về ngã (ngã sở).

Cũng như tất cả chúng sinh, Phật Thích Ca Mâu Ni, xuyên qua nhiều kiếp sống từ vô thủy, đã sanh ra trên cõi đời này, cũng mang thân ngũ uẩn giả họp này. Ngũ uẩn giả họp là bất tịnh, do tham ái và vô minh làm nhiễm ô và trói buộc trong tam giới. Sau khi trở thành Bồ Tát, Ngài tu tập và phát triển Giới, Định, Huệ, nhắm tới hai mục đích: giải thoát sanh tử và chứng thành Phật quả. Qua thực hành lục Ba la mật, đặc biệt là Bố thí, Ngài đã thành tựu năm phần giải thoát thân đối trị với năm uẩn bất tịnh đã tạo ra cái tự ngã sai lầm. Năm phần giải thoát đó gọi là: Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Bồ Tát lần lần thành tựu lục Ba la mật, nhưng chưa chứng ngộ hoàn toàn.

Sau khi giác ngộ, đức Thích Ca Mâu Ni cũng vẫn là một con người, vì năm uẩn bất tịnh, kết quả của hành động trong quá khứ, vẫn sanh diệt liên tục trong Ngài, nhưng đồng thời Ngài cũng là một vị thánh nhân và là một vị Phật toàn giác. Ngài là một thánh nhân vì Ngài đã tận diệt những phiền não bất tịnh, thành tựu những thanh tịnh pháp, Ngài là bậc toàn giác tối thượng. Những đệ tử của Ngài sau này cũng đạt được sự giải thoát tương tự. Ít ra trong ý nghĩa này, tất cả đều bình đẳng nhau khi đã đạt được giải thoát, không có gì khác biệt. Tất cả như nhau, nhưng trình độ giác ngộ của họ không bằng sự hoàn toàn giác ngộ của chư Phật.

Đức Thích Ca Mâu Ni thành bậc toàn giác là nhờ trí tuệ và công đức tích lũy từ vô số kiếp. Sau khi Ngài giác ngộ, những công đức ấy chuyển thành những công dụng độ sanh của Phật, đặc biệt là sự toàn giác và lòng đại bi. Trí tuệ toàn giác là biết được những đặc tính chung và riêng của vạn vật, tức là tận cùng pháp tánh của muôn vật; lòng đại từ bi trải rộng đến tất cả mọi loài khiến cho thoát khỏi luân hồi. Thực ra, nếu 3 sự kiện: sanh, già và chết không có, thì đức Phật sẽ không ra đời, nhưng khi sanh, già và chết có mặt, thì Phật tự hiển hiện trong đó.

Không lâu sau khi giác ngộ, đức Phật lên đường tới Benares (Lộc uyển), giữa đường Ngài gặp Upaka và nói rằng: "Như Lai không có thầy, không ai có thể so sánh với Như Lai, trong thế giới này chỉ có Như Lai là đấng toàn giác, Như Lai vừa chứng được giác ngộ tối thượng; trong thế gian này Như Lai vượt qua tất cả và Như Lai là bậc toàn trí, toàn thức, ở đây, không có gì làm ô nhiễm Như Lai. Sau khi diệt trừ các thứ phiền não và không còn tham ái, Như Lai đã giải thoát; Như Lai tự chứng đạt giác ngộ, ai có thể là thầy của Như Lai? Không ai giống Như Lai, không ai bằng Như Lai; Như Lai tự điều phục nên đã chứng được giác ngộ. Ta là Như Lai, là thầy của chư thiên và loài người, là bậc toàn trí và đầy đủ các lực. Trong thế gian ta là bậc thánh; trong thế giới của chư thiên và loài người, không ai hơn ta; trong những thế giới chư thiên, ta đã chiến thắng ma quân, ta là bậc chiến thắng. Ai đã tận diệt được mọi nhiễm ô đều là những bậc chiến thắng như ta. Ta đã chiến thắng tội ác, đó là lý do tại sao ta là bậc chiến thắng".

Đức Phật đã dùng 45 năm cuối đời để giảng thuyết giáo lý, thành lập tăng đoàn và độ hàng tại gia cư sỹ. Khi nhân duyên hóa độ đã mãn, Ngài nhập vô dư Niết bàn (parinivàna), tức là Niết bàn không còn thân tứ đại ngũ uẩn nữa. Ngũ uẩn là năm yếu tố đã tạo ra cái tự ngã không thật của Ngài, một khi biến mất, thì không còn để lại dấu vết gì: "Giống như những trái xoài cùng đeo chung một cành phải chịu chung một số phận nếu cành xoài gãy nát, cũng vậy nhục thân của Như Lai đã làm gãy nát tất cả những gì có thể tạo ra tự ngã không thật. Khi Như Lai hiện hữu, chư thiên và loài người có thể thấy được, đến cuối đời, khi thân này hoại diệt, chư thiên và loài người sẽ không bao giờ thấy được Ngài nữa." ... "Giống như ngọn đèn trước gió biến mất vào yên lặng, cũng vậy, bậc hiền triết đã giải thoát danh và sắc (hay cũng gọi là năm uẩn bất tịnh) để đi vào cõi yên lặng vĩnh hằng. Những ai chứng được cảnh giới tịch tịnh này, không có gì có thể đo lường được, không có từ ngữ nào diễn tả được, không có trí óc nào có thể tưởng tượng được. Như vậy mọi lý luận đều chấm dứt." Khi các đức Phật hay các vị thánh đệ tử của chư Phật chứng nhập Niết bàn tối hậu, năm phần pháp thân thanh tịnh đã từng là nhân tố thánh thiện của quý Ngài cũng biến mất.

Cũng vậy, khi chư Phật viên tịch, những uẩn chất thanh tịnh hoặc không thanh tịnh đã tạo nên nhục thân của các Ngài biến mất không lưu lại dấu vết nào có thể tìm thấy được. Đó là các Thánh xuất thế. Khi Godhika đã chứng được thánh quả A la hán, Ngài tự sát và nhập vào cảnh giới Niết bàn tịch tịnh, Ma vương, một biểu tượng của độc ác và thâm hiểm cai trị khắp thế giới của tham dục, dùng khói và bóng đen che trùm khắp mười phương để truy lùng tông tích thần thức của Godhika, nhưng nó không tìm thấy thần thức của Ngài ở đâu cả, bỡi vì vị A la hán đó đang an trú trong cảnh giới Niết bàn hoàn toàn vắng lạnh, nơi ấy vắng bóng của tham dục, nên thức tướng của Ngài không thể tìm thấy được.

Những gì còn lại của một đức Phật sau khi Ngài chứng Niết bàn tối hậu? Các tỳ kheo không nên quá quan tâm đến một thi hài, một số xá lợi hay di vật. Ànanda, vị thị giả thân cận của Phật, đã hỏi rằng chúng con phải làm gì đối với nhục thân của Ngài sau khi viên tịch, đức Phật dạy: "Này Ànanda! đừng uổng phí thời gian để đảnh lễ nhục thân của ta, phải tự tu tập với tất cả mọi nổ lực và thiền quán vì sự thăng tiến tinh thần để giải thoát. Này Ànanda, trong những dòng dõi quí tộc, Bà La Môn và các danh gia vọng tộc sẽ có rất nhiều người trí thông minh tín kính Như Lai và họ sẽ lo chu toàn nhục thân của Như Lai."

Đức Phật ít quan tâm đến nhục thân của Ngài mặc dù đó là thân tướng có 32 dấu hiệu của một bậc vĩ nhân với vòng ánh sáng rộng bao quanh khoảng một gang tay. Vatkali, đệ tử của Ngài, quá yêu quý và kính trọng đến tướng hảo của Phật mà mất hết thời gian thiền quán, đức Phật không cho anh ta ở lại trong tăng đoàn nữa và nói: "Đối với bạn, có gì lợi ích trong cái thân bất tịnh này? Người nào thấy được pháp là thấy Như Lai"

Giáo Pháp, tức là Dharma, là di sản mà đức Phật truyền lại cho đệ tử của Ngài: "Hãy coi giáo pháp như là hải đảo an toàn và hãy an trú vào giáo pháp, không nên tìm cầu sự an trú nào khác." Nhưng, như chúng ta biết, đức Phật không những chỉ giảng dạy giáo pháp, mà Ngài còn thành lập giáo hội tăng đoàn, bao gồm 4 chúng đệ tử: tỳ kheo (bhiksu), tỳ kheo ni (bhiksuni), cận sự nam (upàsakà), và cận sự nữ (upàsikà).

Khi một đoàn thể xuất hiện không phải là hiện tượng tự nhiên, mà nó liên quan đến vấn đề thời gian và không gian ra đời của nó. Cũng vậy, tăng đoàn Phật giáo ra đời giống như các đoàn thể tôn giáo khác của Ấn Độ cho những người xuất gia mà không muốn quá xa lánh cuộc sống xã hội, họ là những du sĩ hoặc khất sĩ rày đây mai đó. Đức Phật và chúng đệ tử đều nhận thấy rằng tăng đoàn thuộc về lĩnh vực tôn giáo khá phổ biến ở Ấn Độ, nên không ngần ngại gì khi xác nhận những phương pháp tu tập của tăng đoàn có giới hạnh, thiền định và trí tuệ cao hơn. Trong Giáo pháp và Giới luật của Phật giáo, có một số giáo lý và một số thể chế tương tự như của Ấn Giáo và Bà La Môn Giáo. Ở đây không có ý nói rằng đức Phật và thánh chúng hoàn toàn lấy của người làm của mình. Đức Phật chỉ thẩm định giá trị thật và tiếp thu một cách có chọn lọc. Phật tuyên bố rằng: "Ta không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với ta mà thôi. Những gì người trí chấp nhận, ta chấp nhận".

Phật giáo phải đương đầu với nhiều sự chống đối giữa các đạo sĩ Bà La Môn và các tôn giáo đương thời, thỉnh thoảng không dung thứ, bằng cách chỉ trích họ. Nếu Phật giáo có chiến thắng được là do tính chất từ bi và trí tuệ của hệ thống giáo lý và phương cách hành trì hơn là do tranh luận. Đức Phật chỉ giảng thuyết giáo pháp nào mà có thể đưa đến an tịnh, trí tuệ, giác ngộ và dứt trừ tham dục. Ngài từ chối bàn luận những vấn đề không liên quan đến giác ngộ giải thoát. Một đặc tính khác nữa đưa đến sự chứng ngộ giáo pháp là từ chối những tư tưởng cực đoan. Đức Phật chỉ trích hai lối sống: quá tham đắm vào lạc thú, và khổ hạnh ép xác, cả hai đều vô nghĩa và vô dụng. Trong giáo lý có những điểm nào không trực tiếp liên quan đến giải thoát, Ngài đưa vào Trung đạo, tức là giữa hiện thực và hư vô.

Hơn nữa, giáo lý Phật giáo rất dung hòa. Những đệ tử của Ngài, ai đã đi vào con đường đưa đến tận diệt tham dục, không đòi hỏi phải từ bỏ những niềm tin và phương pháp tu tập từ truyền thống cũ. Rõ ràng là trong khi những nghi lễ truyền thống cũ của họ không có hiệu quả, Phật giáo cũng không hoàn toàn cấm. Bất kỳ nguồn gốc của họ là gì, những vị thần, thánh, trời trong hệ thống Hindu, Vệ đà, Bà La Môn (Phạm thiên, Tứ thiên vương...) và vô số những thần linh khác (Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn thát bà, A tu la, Khẩn na la, Ma hầu la dà...), chưa kể các vị Thọ thần, Thủy thần và Sơn thần, tất cả đều có một vị trí trong Phật giáo và họ đóng một vai trò hộ pháp khá quan trọng trong suốt cuộc đời đức Phật. Nhưng họ không được thừa nhận là những vị trời, thần bất tử, vĩnh viễn và không biến đổi. Tuy nhiên, họ cũng làm được điều tốt rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ và kính trọng: họ ngưỡng mộ những ai ngưỡng mộ họ và kính trọng những ai kính trọng họ.

GIÁO PHÁP

Giáo pháp của Phật rất hoàn chỉnh trong ngôn từ lẫn nghĩa lý, thanh tịnh, thuần nhất không xen tạp. Từ khi đạt giác ngộ cho đến khi nhập niết bàn tối hậu, những gì đức Phật đã giảng đều là sự thật (chân lý). Mặt trời, mặt trăng và các tinh tú có thể rơi xuống, quả địa cầu có thể bay bổng lên, các đại dương có thể khô cạn, nhưng giáo pháp của bậc giác ngộ nói ra không thể nào không đúng sự thật. Giáo lý của Phật có 4 đặc tính: (1) khéo nói, hợp với văn chương, (2) làm vui lòng người và thích họp mọi trình độ, (3) đúng luật và mang lại lợi ích, và (4) là sự thật muôn đời.

Đức Phật rất trân trọng pháp mà ngài đã chứng được. Vài tuần sau khi giác ngộ, khi ngài đang thiền định dưới bóng cây Banyan, Phật đã dùng thiên nhãn nhìn khắp thế gian để tìm một đạo sỹ hay một Bà la môn nào đáng tôn kính để ngài tôn kính và phụng sự. Tìm khắp không ra, ngài quyết định hiến dâng đời ngài để ngưỡng mộ, kính trọng và phụng sự cho chân lý mà tự ngài nổ lực chứng được.

Giáo lý Duyên Khởi, một quy luật chủ đạo và chi phối sự sanh ra và mất đi của hiện tượng giới, đã thiết lập một tiêu đề lớn cho toàn bộ giáo lý Phật giáo. Lý Duyên Khởi này đã được các đức Phật trong nhiều đời chứng ngộ và thuyết giảng, chứ không phải do chư Phật hay ai đó tạo ra, và dù chư Phật có ra đời hay không, giáo lý này cũng vẫn có mặt vĩnh viễn và bất biến. Ai thấy được lý Duyên khởi là thấy được Pháp, và ai thấy được Pháp là thấy được lý Duyên Khởi. Giáo lý Nhân Quả-sự quan hệ của một chuỗi dài nguyên nhân và kết quả-là một cái gì đó rất khó hiểu. Tương tự như vậy, như chứng đạt sự an tịnh trong thế giới đa phức, không còn chấp trước vào những pháp hữu vi, diệt ham muốn, trừ tham dục, dứt phiền não và chứng niết bàn v.v…đều là những phạm trù rất khó nắm bắt. Lo lắng sự chứng đắc của mình không mang lại kết quả hiện thực nào, đức Phật do dự thuyết pháp, nhưng, đáp ứng lòng lời thỉnh cầu của Phạm thiên Shampati, ngài tới Benares và bắt đầu thuyết pháp (chuyển Pháp luân).

Đức Phật giảng dạy giáo pháp, nhưng không bắt buộc mọi người phải chấp nhận giáo pháp đó qua niềm tin một cách đơn giản. Rõ ràng là để có thể tiếp nhận giáo lý này, mọi người phải tự chuẩn bị đầy đủ một trình độ tương xứng, nếu chỉ có lòng tin suông thì không đủ. Giáo pháp này mang tính giải thoát ở mức độ thuyết phục tự nhiên, không gò bó. Mặc dù toàn bộ lịch sử đức Phật mang đầy tính chất kỳ diệu phi thường, Ngài chưa bao giờ sử dụng thần thông để chứng minh sức thuyết phục của giáo lý. Ngài rất không đồng ý những điều kỳ lạ thần bí nào mà không có giá trị giáo dục. Ngài lên án hàng trăm chuyện thô bỉ, không giá trị của các đạo sỹ lừa bịp thiên hạ mà các tu sỹ Bà la môn đương thời lấy đó mưu sinh. Ngài đã từng tẫn xuất một số vị tỳ kheo ra khỏi tăng đoàn vì biểu dương thần thông một cách sai lầm. Có lần ngài quở trách nặng nề một tỳ kheo đã dùng thần thông bay lên và đi lại trên hư không chỉ vì tranh vài đồng xu và danh dự. Nhân đó, Ngài nói rằng đó là tư cách của hạng gái điếm tự phơi bày thân thể mình để lấy vài đồng xu. Đức Phật cố gắng thuyết phục các tỳ kheo bằng những điểm giáo lý như:

"Này các tỳ kheo! có phải các thầy biết và suy nghĩ thế này "những gì chúng ta nói và làm là do tôn kính bậc Đạo sư?"

"Bạch Thế Tôn, chúng con không nghĩ như vậy."

"Các thầy khẳng định điều gì, có phải tự các thầy xác nhận, tự các thầy thấy biết, tự các thầy hiểu?"

"Bạch Thế Tôn, đúng như vậy."

Giáo pháp mà đức Phật chứng ngộ quá hoàn mỹ từ chiều sâu lẫn chiều rộng đến nỗi không thể nào có sự mâu thuẫn trong đó, là giáo pháp của muôn đời được các đức Phật giảng dạy bằng nhiều phương tiện khác nhau. Chư Phật đều giống nhau trong phương diện trí tuệ, chí nguyện, thanh tịnh và vì lợi ích chúng sinh mà sanh ra đời, nhưng khác nhau về tuổi thọ, đẳng cấp, dòng họ, kích thước, thời gian trụ thế của giáo pháp v.v…, ví dụ, Phật Thích Ca Mâu Ni trụ thế 80 năm, thuộc đẳng cấp tướng sỹ, dòng họ Gautama, và ngài đoán trước rằng giáo pháp của ngài trụ thế chỉ một ngàn năm.

Chúng ta có thể mong đợi đấng Toàn Giác dạy đủ mọi chuyện, nhưng việc đó không bao giờ xảy ra. Ngài có thể biết hết những vấn đề rắc rối của loài người hay những giải pháp mà các đạo sỹ Bà la môn đề xuất. Thế giới loài hữu tình phù du ngắn ngủi hay trường tồn bất diệt? Nguồn gốc cuộc sống và cơ thể con người giống nhau hay khác? Thánh nhân có tồn tại sau khi chết hay không? Đức Phật từ chối giải thích những vấn đề như vậy, vì hiểu biết những vấn đề đó không đưa đến bất kỳ một sự tiến bộ nào trên con đường đến thánh quả, vì nó không đem lại an tịnh và giác ngộ. Các tu sỹ Hindu đã tốn quá nhiều thời gian để bàn thảo những vấn đề ấy, nhưng những cuộc tranh cãi đó đã không đi đến kết thúc và dĩ nhiên không bao giờ giải quyết được. Đức Phật không bao giờ tham dự những cuộc tranh luận như vậy. Nguyên nhân chính mà đức Phận im lặng là vấn đề đặt ra trong những câu hỏi như thế là sai, không đúng theo phương pháp lý luận. Trả lời khẳng định hay phủ định cũng đều rơi vào một trong hai cái nhìn cực đoan của thường kiến và đoạn kiến. Trong vấn đề như vậy, đức Phật chọn giải pháp dung hoà họp lý giữa khẳng định và phủ định, và ngài khuyên bảo các đệ tử cũng hành xử như vậy: "Hãy xem xét những gì không đáng nói, Như Lai đã không nói, những gì đáng nói, Như Lai đã nói rồi." Đức Phật không thể dạy tất cả mọi chuyện cho đệ tử và ngài cũng không có ý định như vậy. Một ngày nọ, khi ngài đang ở tại xứ Kausàmbì trong rừng cây Simsapà, ngài nhặt một nắm lá trong tay và hỏi các tỳ kheo:

"Các thầy nghĩ thế nào, số lá trong tay Như Lai nhiều hay lá của tất cả cây trong rừng nhiều?

"Bạch Thế Tôn, số lá trên tay ít hơn so với lá trong rừng."

"Cũng vậy, này các tỳ kheo, những gì ta biết như lá trong rừng và những gì ta dạy cho các thầy như lá trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, ta không hành động như các vị đạo sư nắm chặt bàn tay để giữ những điều bí mật riêng, bỡi vì Như Lai đã dạy cho các thầy Tứ Diệu Đế (bốn sự thật). Đó là giáo lý có lợi ích; bốn chân lý đó là nguyên lý căn bản của đạo xuất thế; đó là giáo lý đưa đến thoát ly, xả bỏ, đoạn trừ phiền não, an tịnh, thắng trí, toàn giác và niết bàn. Đó là lý do tại sao Như Lai đã giảng dạy như vậy."

Giáo pháp của Phật chỉ thuần một tính chất (rasa), đó là tính chất giải thoát. Mục tiêu và kết quả của giáo pháp ấy là chấm dứt đau khổ ở thế gian. Nói một cách nghiêm túc, giáo pháp đó không phải là bộ bách khoa của kiến thức tôn giáo, mà là phương pháp giải thoát đức Phật đã tìm ra. Giáo pháp của ngài mở ra rộng rãi, không có gì bí mật riêng rẽ. Ngài thuyết giảng cho tất cả mọi người, không phân biệt dòng họ, giai cấp,chỉ họ phương pháp tu tập để đạt giác ngộ như ngài. Tuy nhiên, không phải chỉ hoàn toàn dựa vào ngài mà có thể chứng ngộ. Ngài chỉ là "Người chỉ đường" (Màrgàkhyàyin), mọi người tự chính mình đi mới có thể đạt tới mục đích.

Ý nghĩa của giáo pháp không thể thay đổi, chỉ thay đổi cách diễn đạt. Vì lòng từ bi, đức Phật đã điều chỉnh và thay đổi cách diễn đạt giáo pháp để phù họp với từng đối tượng, ngoại đạo, cư sĩ hay tỳ kheo, vì chân lý không thể giảng cho mọi người cùng một thời gian và cùng thuật ngữ, mà cần phải diễn đạt cẩn thận. Nếu pháp đó thích họp cho người thông minh lanh lợi có khả năng nhận thức, thì cũng có thể có hại cho những người không đủ thông minh để có thể trong thời gian ngắn hiểu được. Một số các vị thanh văn có thể hiểu được giáo pháp, nhưng một số khác không hiểu, thậm chí không nghe được tiếng nói của Phật. Đức Phật là người vô cùng khéo léo trong việc thuyết giảng giáo pháp. Ngài giảng pháp tùy theo căn cơ và trình độ của người nghe cao hay thấp. Ngài nâng cao các phương tiện thiện xảo lên nhiều cách để đưa chúng sanh đến giải thoát; xuyên qua tính đa dạng và linh động, giáo pháp của ngài thỉnh thoảng gây ra nhiều vấn đề lúng túng cho các nhà chú giải, nhưng tất cả đều được chứng minh bằng lòng từ bi của ngài. Cũng có khi dường như ngài tự mâu thuẫn. Phàlguna, một người cố chấp vào niềm tin sự hiện hữu của linh hồn và bản ngã, hỏi Phật: "Thế nào là linh hồn có thể sờ mó, cảm giác, ham muốn và hiểu biết được?" Đức Phật trả lời: "Ta không chấp nhận có bất kỳ linh hồn nào có thể sờ mó, cảm giác, ham muốn và hiểu biết." Ngược lại, khi Vatsagotra, một người không bao giờ tin vào sự hiện hữu của một linh hồn, hỏi Phật rằng có thật là cái tự ngã không hiện hữu hay không, đức Phật từ chối trả lời phủ định "Để không xác nhận giáo lý của các đạo sỹ và Bà la môn, người ta tin vào thuyết đoạn diệt."

Tính đa dạng trong thống nhất, tính độc nhất trong đa dạng, giáo pháp này là một hệ thống giáo lý trong đó những chân lý được thuyết giảng không phải do đức Phật phát minh, nhưng do đó mà ngài chứng được trí tuệ thanh tịnh và truyền lại cho đệ tử. Nhục thân (màmsakàya) của Phật có 32 dấu hiệu cao quí của bậc vĩ nhân và có ánh sáng xung quanh, chư thiên và loài người không bao giờ thấy nữa và cũng không thiết phải tìm cầu thân tướng như vậy, vì đó không phải là pháp thân. Pháp mà đức Phật giảng, nói theo ẩn dụ, mới thật là thân Phật, vì nó đưa chúng sanh đến niết bàn và không hạn cuộc thời gian. Nếu thỉnh thoảng giáo pháp ấy có tối nghĩa, thì là do chúng sanh không hiểu rõ; chân lý không bao giờ bị che mờ. Mặt trời soi sáng ban ngày; mặt trăng soi sáng ban đêm; lửa soi sáng được ban ngày và đêm, nhưng lúc còn lúc mất; giữa những ánh sáng như vậy, đức Phật là ánh sáng không thể so sánh được. Vì vậy, không phủ nhận tính chất thực của lịch sử Phật, chúng ta nên kính trọng ngài không những là bậc hơn cả ánh sáng, mà còn là người chỉ đường nữa. Để tưởng nhớ ngài, các đệ tử nói: "Đúng vậy, đức Thế Tôn rất đáng được mọi người tôn kính, là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sỹ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật."

NỘI DUNG GIÁO PHÁP

Dharma, tức là giáo lý Phật giáo - Pháp, là nói gọn của Tứ Diệu Đế (àryasatya) được đức Phật giảng thuyết trong bài pháp đầu tiên tại Benares (vườn nai). Bốn chân lý đó là: (1) Tất cả đều khổ (duhkha), (2) Nguyên nhân của khổ (duhkhasamudaya) là tham ái (trsna), (3) Niết bàn - chấm dứt khổ (duhkhanirodha), và (4) Phương pháp chấm dứt khổ - Bát chánh đạo.

Chân lý thứ nhất: Tất cả đều khổ.

Chân lý thứ nhất nói lên ý nghĩa các hiện tượng tâm-sinh lý của sự sống đang bị một quy luật biến đổi, trong tự chính những hiện tượng đó sanh ra và mất đi không ngừng. Theo kinh nghiệm trực tiếp khi nghiên cứu con người, điều đáng chú ý là trong con người có 5 phạm trù hiện tượng riêng biệt nhưng liên hệ chặt chẽ với nhau. Năm phạm trù ấy gọi là 5 sự nhóm họp-ngũ uẩn (skandhas), đó là:

1) Vật chất hay sắc chất (rùpa), có 4 yếu tố (đất, nước, gió và lửa) hoặc những thứ tinh tế hơn từ 4 yếu tố trên (chất cứng, chất ẩm ướt, tính chuyển động và hơi nóng).

2) Cảm thọ (vedana), thích thú, không thích thú và tự nhiên. Những cảm thọ này do 6 giác quan (indriya) tiếp xúc với 6 đối tượng (visaya) thành ra 12 cơ sở nhận thức (àyatana). Sáu giác quan bên trong: 1- Mắt, 2- Tai, 3- Mũi, 4- Lưỡi, 5- Thân, 6- Ý tiếp xúc với sáu đối tượng bên ngoài: 1- Cảnh sắc, 2- Âm thinh, 3- Hương vị, 4- Mùi vị, 5- Va chạm, 6- đối tượng tinh thần. Năm giác quan đầu, mỗi thứ đều có riêng đối tượng của chúng: như mắt liên hệ tới cảnh sắc, tai liên hệ tới âm thinh, v.v…Ý (manas) liên hệ tới không những đối tượng của riêng nó (pháp trần), mà còn liên hệ tới những đối tượng của năm giác quan kia.

3) Tưởng (samjnà), năng lực tri giác, liên quan tới 6 đối tượng của giác quan.

4) Hành (samskàra), ý muốn, phản ứng của ý muốn với 6 đối tượng.

5) Thức (vijnàna), hiểu biết đặc tính của 6 đối tượng bên ngoài. Có 6 sự hiểu biết: hiểu biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Cho nên toàn bộ cuộc sống được định nghĩa trong các thuật ngữ của Ngũ Uẩn (skandha)-năm phạm trù, Thập Nhị Xứ (àyatana)-12 sự nhận thức và Thập Bát Giới (dhàtu)-18 nguyên lý cơ bản. Ba sự phân loại trên xuất hiện rất sớm trong kinh điển nguyên thủy và có thể hoán chuyển nhau. Học thuyết Ngũ Uẩn được truyền bá rộng rãi nhất. Xứ và Giới sau này mới phát triển thêm. Ngũ Uẩn là những pháp duyên sinh, bỡi vì chúng sanh ra từ nhiều nguyên nhân và điều kiện. Pháp duyên sinh lúc nào cũng mang 3 hay 4 đặc tính: sanh (utpàda), trụ (sthity), dị (anyathàtva) và diệt (vyaya). Mỗi phạm trù đều có bản chất hoặc đặc tính riêng của nó, nhưng tất cả đều mang một dấu ấn chung của vô thường, khổ, vô ngã.

"Này các tỳ kheo! các thầy nghĩ thế nào, các Uẩn, Xứ, Giới thường hay vô thường?"

"Bạch Thế Tôn, chúng đều vô thường."

"Và những gì vô thường là khổ hay vui?"

"Bạch thế Tôn, chúng là khổ."

"Như vậy có thể nào nói rằng những gì vô thường, khổ và biến hoại là của tôi, là tôi và là tự ngã của tôi?"

"Bạch Thế Tôn, không thể được."

Phải quán sát các pháp duyên sinh như sau:

1) Chúng rất phù du ngắn ngủi vì sanh ra và mất đi trong qũy đạo biến dịch không ngừng. Thân thể thay đổi từng giây từng phút từ sanh, già, bệnh và chết. Các cảm thọ, tưởng và hành tiếp nối nhau và không giống nhau. Cũng vậy, thức sanh diệt liên tục cả ngày lẫn đêm như dòng thác từ trên núi cao đổ xuống, giống con khỉ nhảy nhót trong rừng, chuyền từ cành này sang cành khác. Chúng ta hãy tưởng tượng sông Hằng cuốn theo bọt nước và một người có óc nhận xét sẽ hiểu được rằng bọt nước vốn trống rỗng, không có thật thể, không có bản chất thật. Cũng vậy, sắc chất nếu được quán sát, chúng ta sẽ thấy rằng chúng trống rỗng, không thật thể, không có bản chất thật, cho đến bốn uẩn còn lại cũng vậy: "Sắc như bọt nước, thọ như bong bóng nước, tưởng như ảo ảnh, hành như thân cây chuối, và thức như bóng ma." Không thể phủ nhận rằng tất cả những gì đã sanh ra đều phải chịu sự biến hoại.

2) Các pháp là khổ, vì chúng rất phù du. Các nguyên lý của khổ: tự trong nó khổ, khổ từ các sự kiện duyên sinh đưa lại và khổ là do sự thay đổi. Tất cả đều khổ, không có gì sanh ra, chỉ có khổ và không có gì mất đi, chỉ có khổ mà thôi. Nếu tất cả hiện tượng tâm, vật lý của sự sống – Uẩn, Xứ, Giới – đều mang nhãn hiệu vô thường và bị đánh dấu là khổ, thì những hình thức tái sanh liên tiếp nối theo và thế giới này là một sân khấu ảo thuật. Samsàra- vòng luân hồi, luôn tiếp tục quay tít: "Không thể nào tìm ra sự khởi đầu của bất kỳ một chúng sinh nào, vì tất cả đều bị vô minh dẫn dắt, bị tham ái trói buộc, đi lang thang vô định, không mục đích, từ kiếp sống này qua kiếp sống khác." Theo quan điểm của Phật giáo, nguồn gốc của học thuyết luân hồi đã có từ các truyền thống xa xưa của Ấn Độ, luân hồi thông qua 5 hình thức tái sanh (pancagati) và trong tam giới (traidhàtuka). Năm hình thức tái sanh là: địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, nhân loại và chư thiên. Ba hình thức đầu được coi là xấu, vì khổ nhiều hơn vui, trong nhân loại, khổ vui ngang nhau và trong thế giới chư thiên vui nhiều hơn khổ. Tuy nhiên, bất cứ niềm vui nào và ở đâu, tất cả sự sống đều khổ, bỡi vì chúng như giọt sương mai trước nắng hồng, và hạnh phúc đi đến tan hoại là khổ. Do vô thường phá hoại, tất cả những sự sống chỉ là một điểm rất nhỏ trong chuỗi dài đau khổ biến hoại vô tận: "Lang thang trên lộ trình sanh tử vô tận, chúng sanh đã cất bước vô định không mục đích từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, cho nên số lượng nước mắt chúng sanh rỏ xuống trong vòng luân hồi nhiều hơn nước của 4 đại dương." Ngũ thú chúng sanh luân hồi trong tam giới là: a) Dục giới (kàmadhàtu): trong thế giới này chúng sanh hưởng thụ 5 thú vui (sắc, thanh, vị, xúc, pháp). Thế giới này gồm cả địa ngục, súc sanh, ngạ qủy, nhân loại và chư thiên của 6 cõi trời thấp nhất vẫn còn chìm đắm trong ngũ dục. b) Sắc giới (rùpyadhàtu): thế giới này là trú xứ của 7 cõi trời Phạm thiên, họ là những chúng sanh có thân thể vi diệu nhẹ nhàng, không còn tham đắm ngũ dục, nhưng họ vẫn còn tham đắm vào kết quả của 4 trạng thái thiền định. c) Vô sắc giới (àrùpyadhàtu): thế giới này thuộc về của những cõi trời cao hơn, họ không có thân thể, chỉ tồn tại qua một dạng tâm linh thanh tịnh, và họ huởng thụ hạnh phúc của sự chứng ngộ vô sắc thiền trong đó họ đắm nhiễm vào các cõi Hư không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi phi tưởng xứ, một cảnh giới cao tột ngoài tầm hiểu biết của nhận thức con người.

3) Pháp duyên sinh không phải là ngã, cũng không phải thuộc về ngã, vì chúng phù du và đau khổ. Phật giáo là giáo lý Vô ngã (anàtmavàda) và như vậy là hoàn toàn ngược với Bà la môn giáo và Ấn giáo, hai tôn giáo này tin vào sự hiện hữu của một cái "Ngã" thường còn, vĩnh cửu, vững chắc và bất biến. Đức Phật giải thích rằng ngũ uẩn là vô ngã, bỡi vì nếu sắc, thọ, tưởng, hành, thức là thực ngã, thì chúng sẽ không bị hoại diệt và chúng không bị ý muốn trói buộc, ví dụ, nói: "ước mong cơ thể tôi như thế này, ước mong cơ thể tôi không như thế này, v.v…" Trong khi Ngã và những gì thuộc về Ngã không tồn tại trong chân lý, trong quy luật, thì thật là một sự điên rồ khi nói: "Thế giới của 5 phạm trù nhóm họp là tự ngã của tôi; sau khi chết, tôi sẽ thường còn, vững chắc vĩnh viễn và bất biến."

Bị mê tín trong niềm tin của Ngã, phàm phu vô minh tự cho thân thể là Ngã, cái tự ngã này có sắc, sắc ấy hiện diện trong Ngã và Ngã có mặt trong sắc, cho đến thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy. Phàm phu vô minh, do vậy, cố chấp vào 4 loại nhận thức sai lầm liên quan tới ngũ uẩn, cho nên niềm tin vào Ngã được so sánh như một dãy núi có 20 đỉnh cao. Phải nên công nhận rằng niềm tin vào tự ngã không phải là một quan điểm hoàn toàn sai trong ý nghĩa rằng việc đó không phải là nguyên nhân trực tiếp của mê tín và đày đọa. Thật ra, người nào tin vào tự ngã để mong cầu hạnh phúc sau khi chết, họ sẽ làm việc thiện như bố thí, trì giới – những việc làm này chắc chắn sẽ đưa họ tái sanh trong thế giới loài người hay cõi trời. Tuy nhiên, niềm tin vào cái ‘Tôi’ như vậy không đúng với tinh thần Phật giáo. Phật giáo nhắm tới việc nhổ tận gốc rễ của tham ái và đạt niết bàn. Nhặt một chút phân trâu, đức Phật nói với một vị tỳ kheo: "Tin vào sự hiện hữu của tự ngã thường còn, vững chắc, vĩnh viễn và bất biến, giống như cục phân này, sẽ phá hoại cuộc sống giải thoát nhằm tận diệt khổ đau." Ngài lại nói: " Ta thấy những ai cố chấp vào niềm tin như vậy sẽ sanh ra sầu, bi, khổ, ưu, não".

Với ngôn ngữ thông thường, đức Phật đã dùng những thuật ngữ như: sự sống (being), con người (man), cá thể (person) hay tự ngã (self). Những nhãn hiệu như thế để cho thuận tiện khi đề cập tới một hiện tượng vô ngã, khổ, vô thường và duyên sinh phức họp. Giống như những bộ phận của chiếc xe, một khi ráp lại, gọi chung là xe, cũng vậy, bất cứ chỗ nào, tìm ra được 5 uẩn đều gọi là chúng sinh. Thật ra không có cái gì gọi là linh hồn hay ngã cả, trong ngũ uẩn hay bất cứ nơi nào khác không thể tìm có Như Lai. cho nên, ngay trong kiếp sống hiện tại, Như Lai cũng không được thừa nhận là một thực thể. Tự nhiên có một ý kiến nảy ra chống đối rằng: làm sao mà Phật giáo thời kỳ nguyên thuỷ có thể khẳng định sự thật của học thuyết luân hồi trong khi từ chối sự hiện hữu của một thực thể? Câu trả lời rất đơn giản. Cái gì đi từ kiếp sống này qua kiếp sống khác đương nhiên không phải là linh hồn thường còn, vững chắc, vĩnh viễn và bất biến, mà chỉ là một chuỗi dài liên tục của 5 uẩn vô thường, khổ và vô ngã, luôn luôn thay đổi và tái sanh.

Chân lý tất cả là khổ khẳng định sự hiện hữu của năm thủ uẩn và phủ nhận tự ngã. Năm phạm trù đó là một sự tiếp nối liên tục của những hiện tượng tâm, vật lý hiện hữu, nhưng vô thường, vì chúng đã từng xuyên qua nhiều kiếp sống trong đêm dài tăm tối của luân hồi, nhưng những hiện tượng đó không phải là Ngã và không thuộc về Ngã. "Thế gian này trống rổng, không có Ngã và không có Ngã sở hữu." Từ đây, lần đầu tiên, xuất hiện học thuyết ‘Tánh Không’ đã thu hút được các triết gia Phật giáo và phát triển nhanh rộng.

Chân lý thứ hai: nguyên nhân của khổ

Hiện tượng của 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới đều vô thường, khổ và vô ngã và không có sở hữu của ngã, nhưng chúng không phải hiện hữu một cách tự nhiên; chúng có nguồn gốc là tham ái (trsna). Chúng sanh ra và mất đi trong quy luật duyên sinh (pratìyasamulpàda), trong hành động do thói quen, và thói quen do tình cảm tác động. Luân hồi không có điểm khởi đầu, một dòng sống nối tiếp vô tận. Từ cái vòng luân hồi ấy, chúng ta có quan điểm là tái sanh trong 3 thời gian riêng biệt, quá khứ, hiện tại, tương lai và quán sát để biết bằng cách nào mà ngũ uẩn có mặt trong 3 thời gian ấy. Chúng ta thấy rằng năm uẩn phải chịu chung một quy luật của 12 phạm trù nhân duyên, mỗi phạm trù gắn liền với, hay, chính xác hơn, là tiền đề cho phạm trù kế tiếp. Quy luật Duyên Sinh này, theo truyền thống, được xác định như sau: "Cái này hiện hữu là do cái kia hiện hữu; ngược lại, cái này mất đi là do cái kia mất, tức là do cái này hoại diệt nên cái kia hoại diệt."

Mỗi một phạm trù trong 12 phạm trù nhân duyên là một hiện tượng phức tạp của ngũ uẩn, nhưng nó có tên riêng là do nó có một vị trí quan trọng hơn. Tất cả 12 phạm trù nhân duyên đều mang một tính chất như nhau: vô thường, nương tựa vào nhau trong điều kiện thích họp để phát sinh, để rồi bị hủy hoại, tan rã, biến đổi và tiêu diệt. Công thức của giáo lý Duyên Sinh như sau: Hành có mặt là do Vô minh, Thức có là do Hành, Danh và Sắc hiện hữu là do Thức, Lục nhập có là do Danh sắc, Xúc có là do Lục nhập, Thọ có là do Xúc, Ái có là do Thọ, Thủ có là do Ái, Hữu có là do Thủ, Sanh có là do Hữu và Lão tử có là do Sanh. Mười hai phạm trù này diễn tả tính duyên sinh của ngũ uẩn trong 3 thời kỳ: Vô minh và Hành diễn ra trong kiếp sống quá khứ; 8 chi còn lại, từ Thức đến Hữu đang diễn ra trong kiếp sống hiện tại; Sanh và Lão Tử sẽ diễn ra trong kiếp sống tương lai. Giải thích theo chiều thuận là sinh, ngược lại, giải thích theo chiều nghịch là diệt.

Mười hai phạm trù nhân duyên này bao gồm một tiến trình của hành động và một tiến trình của sanh; vì vậy, chúng vừa là nhân vừa là quả cho nhau. Hơn nữa, Vô minh, Ái và Thủ là những đam mê; Hành và Hữu là hành động; và những phạm trù như Thức, Thọ, Sanh, Lão và Tử là kết quả, trong đó chúng tiếp tục dòng sống trong luân hồi vô tận. Quy luật này chỉ ra rằng luân hồi không có điểm bắt đầu: si mê và hành động dẫn đến sanh, sanh dẫn đến si mê, và hành động đưa đến kết quả, v.v…Tuy nhiên, ‘ những gì có sanh ra là phải hoại diệt.’ Trong thuật ngữ đơn giản, hệ thống giáo lý Duyên Sinh được hệ thống hoá: (1) si mê, (2) hành động, (3) kết quả; si mê khiến hành động và hành động tạo ra kết quả.

1) Si mê, cũng gọi là vô minh, khát ái và chấp thủ, là một trạng thái tinh thần của tham ái và ảo tưởng. Từ ‘Khát Ái’ được dùng ở đây có nhiều nghĩa: (1) tham dục của 5 giác quan – dục vọng trổi dậy và bám rễ vào những đối tượng lôi cuốn và ham thích trong hiện tại, (2) thèm khát sự sống, đặc biệt là sự sống ở những thế giới cao hơn, như, Sắc giới và Vô sắc giới, (3) thèm khát sự đoạn diệt, từ quan điểm này mà có niềm tin rằng mọi vật chấm dứt sau khi chết. Tham dục, bao gồm những ảo tưởng, là gông cùm rất kiên cố. Nó rất có hại cho những lạc thú của ngũ quan và cũng hại đến những quan niệm như không thể có một khái niệm nào sống mãi hay hoàn toàn tiêu diệt. Vô minh đầu độc hành động bằng 3 cách: tham lam, sân hận và si mê, đó là nguồn gốc của mọi tội ác và nguyên nhân của hành động sai lầm. Do tham lam thiêu đốt, sân hận kích động và si mê làm mù quáng, bị chôn vùi và tuyệt vọng, con người tự mình đọa lạc trong ngũ dục.

2) Hành nghiệp là ý muốn, tự nguyện chuyển thành những hành động bằng thân, miệng và ý. Một số tư tưởng gia Ấn Độ cho rằng hành nghiệp là thực thể của vật chất, là vi trùng làm nhiễm độc cơ thể. Phật giáo tiến một bước khá dài là đặt hành nghiệp vào tư tưởng, và vị trí mới mẻ này đã tạo điều kiện và quyết định toàn bộ sự phát triển triết học Phật giáo. Hành động thực sự chỉ là hành động, nó quan trọng chỉ khi nào có yếu tố của tư tưởng và ý chí vào đó. Hành nghiệp là của cá nhân và không thể chuyển giao được. Hành nghiệp là tài sản, là người thừa kế, là sự nghiệp, là họ hàng và là chỗ nương tựa của chúng sanh. Con người là thừa tự của hành nghiệp đã tạo ra trong quá khứ. "Nghiệp xấu là do anh làm, không phải do cha, mẹ hay bất cứ người nào khác. Anh là người duy nhất đã tạo ra nghiệp xấu và chỉ có anh mới gặt hái kết quả đó." Thực ra, hành nghiệp điều khiển chúng sanh đi đến tái sanh tốt hoặc xấu.

3) Hậu quả của hành động xảy ra trong ngũ uẩn, lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Những hành động đã làm và tích luỹ không kết quả trong đất, nước, gió hay lửa, mà là trong hiện tượng của sự sống (uẩn, xứ, giới) mà chủ nhân cuộc sống đã mong muốn. Khi ngũ uẩn là khổ và luân hồi cũng khổ, thì tất cả những hậu quả của hành động cũng khổ. Cho dù hậu quả khổ hay vui, những hành động cũng đều có hại trong suốt hành trình luân hồi. Muốn chấm dứt dòng thác luân hồi và đau khổ, chỉ có một phương pháp là vô hiệu hóa hành nghiệp bằng cách loại trừ vô minh và tham ái ra khỏi hành động. Chỉ có không hành động mới dẫn đến triệt tiêu hành động. Cho dù có thể diệt trừ đau khổ hay không, ta cũng còn có thể thấy sự tận diệt (niết bàn) tồn tại. Chân lý thứ ba sẽ trả lời vấn đề trên.

Chân lý thứ ba: sự chấm dứt đau khổ-Niết bàn

Hai chân lý trước chỉ riêng đề cập đến thế giới hiện hữu, chân lý thứ ba này ở một thế giới hoàn toàn khác: không do điều kiện môi trường, không có sanh, trụ, dị, diệt; thậm chí ngôn ngữ và tư duy không đạt đến: dùng năm giác quan không thể nhận biết được các bậc thánh trong cảnh giới niết bàn hoàn toàn vắng lặng. Niết bàn được diễn tả như sau:

1) Đó là sự tận diệt tham, sân và si. Sự tận diệt vô minh làm vô hiệu hóa hành nghiệp và ngăn chận hậu quả của nó.

2) Niết bàn là chấm dứt tái sanh và 5 thủ uẩn. Cuộc sống các vị A-La-Hán như đại dương sâu thẳm, mênh mông, không ngằn mé và không thể dò biết được, vì đã giải thoát 5 thủ uẩn. Các bậc thánh đã tận diệt, nhổ tận gốc 5 thủ uẩn. Ngũ uẩn không thể phát sinh trở lại trong các vị ấy. Ai đạt tới cảnh giới niết bàn hoàn toàn vắng lặng thì như cánh én lướt qua hư không, không để lại dấu vết. Khi một vị thánh tận diệt vô minh không có nghĩa là dòng sinh mạng của ngài cũng chấm dứt; có nghĩa là thân tứ đại, ngũ uẩn của ngài vẫn tồn tại tuỳ theo thọ mạng trong kiếp sống hiện tại; đây gọi là Hữu dư y niết bàn. Tuy nhiên, sau khi chết, tất cả những yếu tố thanh tịnh hay không thanh tịnh của các bậc thánh đều đi vào cõi hư vô, và các vị ấy an trú trong cõi niết bàn hoàn toàn vắng lặng; đó gọi là Vô dư y niết bàn.

3) Niết bàn là sự chấm dứt khổ đau. Xa lìa sanh tử, niết bàn đánh dấu sự chấm dứt khổ đau, nhưng sự chấm dứt này không phải là Thiên đàng; nó ra ngoài không gian và thời gian, thật sự, không có bất cứ nơi nào tìm ra niết bàn. "Đó là cõi không phải đất, nước, gió, lửa; không phải cõi Hư không vô biên hay Thức vô biên, cũng không phải cõi Vô sở hữu xứ hay Phi tưởng phi phi tưởng; không phải trong thế giới này hay ở thế giới khác, cũng không phải trên mặt trăng hay mặt trời. Ta phủ nhận rằng nó có sanh và có diệt. Nó chỉ là sự chấm dứt khổ đau."

4) Niết bàn là hạnh phúc tối thượng đạt được từ biển khổ sanh, lão, bệnh và tử, nhưng lúc cảm tưởng không còn nữa thì những gì tạo ra hạnh phúc đó cũng không.

5) Niết bàn là trạng thái vắng lặng, vì hoàn toàn không bị lệ thuộc trong 4 chu kỳ: thành, trụ, hoại và không, trái ngược với ngũ uẩn sanh, trụ, dị và diệt. Phật giáo thời kỳ nguyên thủy chấp nhận sự thật của pháp duyên sinh và từ đây suy nghiệm ra sự thật của pháp phi nhân duyên, đặc biệt là Niết bàn, cho nên nói rằng: "Không có gì sanh ra, hình thành, tạo ra và duyên sinh; nếu không có sanh thì sẽ không có vấn đề giải thoát những gì sanh, hình thành, tạo ra và duyên sinh."

Chân lý thứ tư: con đường đưa đến chấm dứt đau khổ-Bát chánh đạo

Đức Phật đã vạch ra con đường dẫn đến tận diệt đau khổ-Niết bàn. Tứ Diệu Đế liên quan đến con đường dẫn đến tận diệt khổ đau: đây là sự đoạn diệt vô minh và tham ái, và mang lại giải thoát từ thế giới Hữu, thế giới của khổ đau, đó là Bát Chánh Đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định; nhưng Bát chánh đạo được hệ thống hóa thành 3 phạm trù: Giới, Định và Tuệ. Tam vô lậu học rất cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là Tuệ, bằng những phương tiện của trí tuệ mà tâm ta giải thoát mọi cấu nhiễm.

1) Giới (sìla) bao gồm ý thức và thân nghiệp không làm những chuyện phi đạo đức như: cướp đoạt mạng sống chúng sanh, trộm cướp và tà hạnh; khẩu nghiệp không nói dối, nói khiêu khích, nói lời độc ác và không nói lời chia ly; ý không tham, sân và tà kiến. Mục đích của giới là tránh những suy nghĩ và hành động nào có thể phương hại đến người khác. Trì giới nâng cao giá trị đạo đức con người khi người trì giới có phát nguyện và lập hạnh; đó gọi là phát nguyện thọ trì giới pháp. Dựa trên những điểm căn bản của giới luật, có thể chia ra nhiều cuộc sống khác nhau: như bổn phận thọ trì giới pháp của các tỳ kheo khó và gắt gao hơn tại gia cư sỹ.

2) Định (samàdhi) là tập trung tư tưởng vào một điểm. Trong thực tế, định là không xao lảng và là sự an tịnh của nội tâm. Định thông thường bao gồm 9 giai đoạn tu thiền được định nghĩa rõ trong nhiều tác phẩm, nhưng ở chương này không nêu ra, vì nó quá chi tiết. Bước đầu tu tập định, tâm ý vẫn để hoạt động tự nhiên gọi là truy tìm đối tượng tập trung và nghiên cứu đối tượng đó. Khi đang thực tập, tâm trí dần dần tự nó loại trừ nhiều tạp niệm lăng xăng và trở nên trong sáng. Cuối cùng, tâm ý thực sự thể nhập vào giai đoạn thứ 9, tức là giai đoạn ý thức thuần tịnh không còn cảm thọ và nhận thức nữa. Đây là giai đoạn mà hành giả dùng trí tuệ đoạn trừ vô minh và đạt giác ngộ, hay, nói một cách chính xác là, đạt đến cảnh giới Niết bàn. Tu tập thiền định, cuối cùng là hiểu rõ được bản chất thực bên trong của vạn vật, hành giả có đầy đủ 6 năng lực siêu nhiên gọi là 6 thần thông, 5 khả năng đầu chưa phải là thánh nhân, khả năng sau cùng mới chứng thánh quả. Những thần thông này: Thiên nhãn thông là năng lực thấy xa không hạn định khoảng cách, Tha tâm thông là hiểu rõ những tư duy của người khác, Thiên nhĩ thông là năng lực nghe xa không bị ngăn ngại bỡi vật gì, Túc mạng thông là năng lực nhớ lại những kiếp sống quá khứ, Thần túc thông là khả năng di chuyển theo ý muốn, và cuối cùng là Lậu tận thông là sự tận diệt mọi vô minh cấu nhiễm để quyết định giải thoát ngay trong hiện tại. Có một hệ thống gồm 4 trạng thái tu tập tâm gọi là Tứ vô lượng tâm rất phổ biến và rất được những người tu tập thiền quán ở Ấn Độ thực hành qua nhiều ngàn năm trước và sau Phật ra đời. Đó là: từ (maitrì), bi (karunà), hỷ (mudita) và xả (upeksà). Những trạng thái tâm này lan toả khắp 10 phương thế giới và mọi loài hữu tình, nên gọi là ‘vô lượng’.

3) Tuệ (prajnà) là phạm trù chính và tối thượng trong Bát chánh đạo. Tu tập thiền quán không thể thanh tịnh tâm được; để bảo đảm sự thanh tịnh, an lạc và Niết bàn, trí tuệ rất cần thiết. Đây không phải là trường họp chứng ngộ mơ hồ và không chính xác, hay nhiều cảm xúc hơn là trí tuệ. Đây là vấn đề của cái nhận thức rõ ràng và chính xác, bao gồm cả Tứ Diệu Đế và hiểu thấu tận cội nguồn những đặc tính của sự vật – hiện tượng vô thường, khổ và vô ngã – cũng như sự vắng lặng hoàn toàn của Niết bàn. Có sự khác nhau giữa trí tuệ phát khởi do học tập giáo lý, do quán chiếu nội tâm và do thực hành nhiều lần thành thói quen. Trí tuệ có thể thấy sâu xa được bản chất thật của mọi vật nếu hoàn toàn thanh tịnh, không còn vô minh và tà kiến. Theo quan điểm của Phật giáo thời kỳ nguyên thủy, trí tuệ đó không gì khác hơn là giáo lý Duyên Sinh, có thể đập gãy những kiết sử cuối cùng trong đời này và bảo đảm sự giải thoát của tâm thông qua kiểm nghiệm của trí tuệ. Những vị được trí tuệ này soi sáng và chứng thánh quả đều nhận biết sự giải thoát của họ và nói rằng: "Ta đã hiểu biết tứ diệu đế, không còn tái sanh; ta sống một cuộc sống phạm hạnh thanh tịnh; những việc đáng làm đã làm xong; từ nay và mãi mãi không còn kiếp sống nào nữa trong tương lai."

TĂNG GIÀ

Hệ thống tổ chức Tăng đoàn thời Phật tại thế

Tăng đoàn Phật giáo gồm có 4 hội chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni, cận sự nam và cận sự nữ. Người xuất gia khác với người thế tục qua cách ăn mặc, lối sống, đặc biệt là những khả năng tinh thần. Tất cả đều là đệ tử của đức Phật và đều mong cầu giải thoát giác ngộ. Người xuất gia đạt đến giác ngộ giải thoát mau hơn vì họ tu tập theo phương pháp trực tiếp dẫn đến Niết bàn; người tại gia tự phát nguyện tu theo Thiên thừa nên chậm hơn nhiều. Bốn hội chúng phải chung vai sát cánh với nhau chặt chẽ mới có thể làm cho tăng đoàn phát triển mạnh được: "Này các tỳ kheo! những Bà la môn, cư sĩ tại gia cung cấp y phục, ẩm thực, sàng tòa và y dược, họ cúng dường các thầy một cách đầy đủ. Các thầy cũng nên dạy cho họ giáo lý và cách sống một cuộc sống thanh tịnh. Sự chung vai sát cánh như vậy khiến cho cuộc sống tu hành có thể thực hiện được để vượt qua khỏi luân hồi và dứt trừ khổ đau. Nương tựa lẫn nhau như vậy, kẻ xuất gia người tại gia đều có bổn phận làm cho chánh pháp càng thêm vững bền. Người xuất gia giữ được cuộc sống tu hành là nhờ được cung cấp đầy đủ vật dụng cần thiết; người tại gia nhờ sự giảng dạy giáo pháp và tu tập theo giáo pháp mà gặt hái những quả báo tốt đẹp trong tương lai và an hưởng hạnh phúc tại các cõi trời."

Bản chất ưu việt của hàng ngũ xuất gia hơn hẳn tại gia, nhưng có một sự trái ngược rất rõ là người xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời không gia đình, dường như mang tính chất ích lợi tiêu cực, nhưng hàng tại gia mang tính chất ích lợi tích cực của lòng bố thí và từ bi. Trong hàng tại gia, sau đó, xuất hiện một khuynh hướng yêu cầu tính bình đẳng như giới xuất gia. Xu hướng đó không đề cập đến vấn đề chứng đạt Niết bàn, mà là triết học thừa nhận phật tánh bình đẳng của mọi người. Tư tưởng này được Phật giáo Mahàyàna (Bắc Tông) chấp nhận như là một quá trình phát triển, mở rộng đến hàng tại gia cũng có thể là chư Phật trong tương lai. Tuy nhiên, giai đoạn đầu của quá trình này, người hành đạo phải xuất gia để trở thành tỳ kheo trong tăng đoàn của Phật.

Tiểu Phẩm, là phần thứ hai của tạng luật, tường thuật những pháp thoại của Phật tại Benares, Uruvilvà và Ràjagrha suốt mấy tuần sau khi Phật thành đạo. Kế đó thì mới có phật tử tại gia và các tỳ kheo. Sau khi thành lập hội chúng tỳ kheo và nam nữ phật tử tại gia 5 năm, Phật lại cho phép phụ nữ xuất gia làm tỳ kheo ni. Những sự khác nhau giữa các phần của luật tạng truyền đến sau này đều được thọ trì nghiêm túc, nhưng tất cả tiến trình trong những cuộc pháp thoại đều giống nhau. Đức Phật dùng nhiều phương tiện để hóa độ chúng sanh; chủ yếu là phương pháp vừa răn vừa dạy. Nhóm 5 đạo sĩ của Kiều Trần Như đã từng hầu cận khi Phật chưa giác ngộ suốt những năm tháng khổ hạnh và cũng là nhóm đã từ bỏ ngài trước kia cũng được Phật hóa độ trong thời pháp đầu tiên tại Lộc Uyển (Benares). Sau khi nghe giải thích ích lợi của giác ngộ, một trong số 5 đạo sĩ, A Nhã Kiều Trần Như, chứng được quả thứ nhất-Dự lưu (srotàpatti) và xin xuất gia vào tăng đoàn; sau khi nghe giải thích Tứ diệu đế, Kiều Trần Như chứng A La Hán trong khi 4 vị kia chứng sơ quả và họ cũng xin xuất gia vào tăng đoàn; cuối cùng, sau khi nghe bài pháp giảng về Vô Ngã tướng, 4 vị đó cũng lần lượt chứng thánh quả. Như vậy, lần đầu tiên trên thế gian có Tăng đoàn gồm 6 vị A La Hán, luôn cả đức Phật.

Sau bài pháp tại Ba La Nại (Benares) kết quả là số lượng xuất gia, chứng thánh quả tăng lên 60 vị. Theo tài liệu tiếng Sanskrit, tỳ kheo Da-Xá (Yasa) đã là một cư sỹ tại gia trước khi vào tăng đoàn và chứng thánh quả. Bốn người anh em và 50 người bạn của Yasa xin xuất gia vào tăng đoàn trước khi chứng thánh trong khi mẹ và vợ của ông trước kia cũng xin quy y và trở thành phật tử tại gia. Những người khác cũng gặt hái nhiều lợi ích cùng một giáo lý nói rằng họ hiểu được diệu nghĩa của Tứ diệu đế, nhưng tâm họ chưa đoạn trừ hết những cấu bẩn của vô minh. Ngoại trừ bài pháp giảng cho nhóm 5 tỳ kheo của Kiều Trần Như, những pháp thoại sau này đều theo một nguyên tắc như sau: đức Phật dạy đồ chúng bằng cách đàm thoại những giáo lý tiệm tiến, những thuật ngữ đều cố định và không nhiều: Đồ chúng ngồi một bên, đức Thế Tôn trao đổi những pháp thoại tiệm tu tiệm tiến như: bố thí, trì giới, sanh thiên và giảng giải sự biến hoại, hư ảo và đọa lạc của ngũ dục lạc từ 5 giác quan cũng như những cơ duyên thuận tiện để thoát ly chúng. Khi đức Thế Tôn nhận thấy rằng tâm trí của đồ chúng đã đủ tín tâm, nhu hòa, phiền não lắng dịu, hoan hỷ và kiên cố, ngài mới dạy họ những giáo lý viên mãn của chư Phật quá khứ, đó là Khổ, nguyên nhân của khổ, sự đoạn diệt khổ và phương pháp để đoạn diệt khổ.

Được những giáo lý như vậy soi sáng, hội chúng hiểu được Tứ diệu đế, thấu suốt dây chuyền Duyên khởi, và chứng được pháp nhãn thanh tịnh, tức là quả Tu đà hoàn, bước vào giòng thánh-Niết bàn. Kết quả này được diễn tả như sau: "Giống như tấm vải trắng không có một vết bẩn có thể giữ được màu sắc, cũng vậy đối với đồ chúng, không hề thay đổi vị trí, số phận, mà vẫn chứng được pháp nhãn thanh tịnh, và hiểu rõ rằng những gì có sanh ra ắt phải hoại diệt." Đệ tử nào chứng được pháp nhãn thanh tịnh có thể là tại gia cư sĩ và cũng có thể xuất gia thọ giới. Những ai muốn trở thành Phật tử tại gia phải nói như vầy: "Bạch Thế Tôn, thật là vi diệu! giống như dựng một vật đã ngã đứng thẳng lên, giống như tìm được những thứ bị mất, giống như chỉ đường cho một người lạc lối hay mang đèn vào bóng tối cho những ai có con mắt sáng, cũng vậy, giáo pháp được đức Thế Tôn giảng dạy bằng nhiều cách. Con xin nương tựa Phật, nương tựa Pháp và nương tựa vào Tăng già. Ngưỡng mong đức Thế Tôn chấp nhận con là một Phật tử tại gia từ nay cho đến cuối đời." Lời phát nguyện như vậy hoàn toàn do người thọ giới tự nguyện nói lên và được đức Phật chấp nhận bằng cách im lặng. Tại gia phật tử phải giữ gìn 5 giới cấm. Người thọ giới nói rằng: "Tôi nguyện không bao giờ giết hại mạng sống của chúng sanh kể từ nay cho đến cuối đời, và cho đến trộm cướp, nói dối, tà hạnh và sử dụng chất kích thích cũng nói như vậy". Trong những ngày cố định nào đó, phật tử thuần thành có truyền thống thọ trì thêm 5 điều giới cấm nữa: không hành dâm, không ăn sau giữa ngày, không dùng mỹ phẩm và trang sức, không xem, nghe ca nhạc và không nằm giường nệm quá cao sang; những điều giới đó gọi là Bát quan trai.

Lễ xuất gia vào tăng đoàn hoàn toàn khác với lễ quy y, nếu đệ tử nào muốn gia nhập tăng đoàn. Thời Phật tại thế, lễ xuất gia được cử hành rất đơn giản. Đệ tử nào thấy được pháp, ngộ được pháp, hiểu được pháp, thấm nhuần pháp, dứt trừ nghi ngờ, không cần người nào khác giúp đỡ, đặt trọn niềm tin vào giáo pháp của đấng Đạo sư, cầu thọ giới và nói như sau: "Bạch Thế Tôn, trước mặt đức Thế Tôn, con nguyện xuất gia, từ bỏ gia đình, lãnh thọ giới pháp. Trước mặt đức Thế Tôn, con xin tu tập phạm hạnh." Trước lời thỉnh cầu như vậy, đức Phật nói rằng: " Thiện lai tỳ kheo! Giáo pháp đã được giảng nói; hãy tu tập phạm hạnh thanh tịnh để chấm dứt khổ đau vĩnh viễn." Mỗi khi đức Phật nói như vậy xong thì vị ấy tự cạo râu tóc, khoác y ca sa và ôm bình bát, đãy lọc nước, giống như vị tỳ kheo đã xuất gia thọ giới nhiều năm không khác. Lời tuyên bố "Thiện lai tỳ kheo", có thể nói với một hay nhiều người cùng một lúc, là một trong mười cách truyền giới được sử dụng trong Phật giáo. Thọ giới không nhất thiết phải chứng thánh quả cao tột, nhưng ít ra cũng đánh dấu được bước đầu tiên trong nếp sống phạm hạnh và cuộc đời tăng lữ. Thọ giới xong, vị tỳ kheo phải tu tập và cố gắng để chứng quả A La Hán, một quả vị cao nhất trong giòng thánh. Chỉ sau khi có chánh tư duy, cuối cùng nhờ đức Phật khuyên bảo thêm, thì tâm vị ấy mới giải thoát mọi vô minh cấu nhiễm. Sau khi thọ giới, vị tỳ kheo vẫn độc cư nhàn tịnh, tinh tấn, dũng mãnh và tự điều phục ác pháp. Như thế không lâu sau đó, ngay trong đời này, do nhận thức và thấu rõ 4 chân lý, lý duyên khởi, vị ấy chứng được quả vị tối thượng trong đời sống phạm hạnh, vì thiện nam tử ấy đã chính thức từ bỏ cuộc sống gia đình an trú nơi không gia đình. Vị ấy biết: " Ta đã hiểu được Tứ diệu đế, chấm dứt luân hồi, ta đã sống đời phạm hạnh, những gì đáng làm đã làm xong, từ nay và mãi mãi trong tương lai không còn tái sanh nữa."

Việc hóa độ 60 vị A La Hán đầu tiên rất nhanh chóng. Họ vượt thẳng từ quả thứ nhất đến quả thứ tư tột cùng của Thanh văn. Giáo lý Tứ Diệu Đế đã khiến họ chứng được pháp nhãn thanh tịnh; họ cầu xin được thọ giới; sau đó, tiếp theo vài thời pháp nữa, tâm họ liền xa rời mọi vô minh cấu nhiễm và chứng thánh quả. Sự nghiệp của đức Phật lâu dài và đa phức, vì ngài đã tìm ra chân lý mà không có sự giúp đỡ nào và ngài có một trí tuệ hiểu biết sâu rộng về chân lý đó: sự giác ngộ của A La Hán thấu rõ những đặc tính tổng quát của vạn vật, nhưng sự giác ngộ tối thượng của Phật là toàn trí, biết rõ từng chi tiết tận cùng pháp tánh của muôn vật.

Sáu mươi vị A La Hán không nương theo Phật và cũng không đi hoằng hóa chung với Phật. Sau này, suốt hành trình trong khu vực Trung Ấn, đức Phật dần dần có 1,250 vị tỳ kheo tùy tùng:1,000 vị đạo sĩ tóc dài là đồ chúng của ba anh em Ca Diếp (Kàsyapa) trước kia và 250 du sĩ ngoại đạo của Xá Lợi Phất (Sàriputra) và Mục Kiền Liên (Maudgalyàyana) hướng dẫn trước khi theo Phật. Phật không thích dùng thần thông trong việc hoằng pháp, tuy nhiên, để hóa độ 3 anh em Ca Diếp và số đồ chúng, ngài đã lần lượt sử dụng hàng loạt phép thần thông kỳ diệu. Khi họ chứng quả Tu đà hoàn, quả vị thứ nhất trong giòng thánh, họ cầu thỉnh Phật xin được thọ giới và lễ truyền giới được cử hành như cách thức đã nói trước đây, "Thiện lai tỳ kheo". Sau đó một thời gian, tại Gayàsirsa, họ nghe bài pháp nói về lửa (Fire Discourse) và tất cả đều xa lìa mọi vô minh cấu nhiễm, chứng thánh quả.

Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên từ thuở nhỏ đã đi cầu đạo giải thoát. Đầu tiên họ theo trường phái của Sanjaya, vị này có 500 vị du phương khất sĩ tùy tùng. Một ngày nọ, đang đi trên một con đường trong thành Vương Xá, Xá Lợi Phất gặp Asvajit, một trong năm vị tỳ kheo nhóm Kiều Trần Như được Phật độ tại Benares, và nghe vị này nói lại bài kệ 4 câu tóm tắt giáo lý của Phật như sau: "Các hiện tượng sinh ra từ nhiều nhân duyên và cũng từ nhân duyên mà mất đi, thầy tôi, đấng Đại Sa Môn, thường giảng nói như vậy." Nghe xong, Xá Lợi Phất liền chứng pháp nhãn tịnh. Về nhà, Xá Lợi Phất nói lại bài kệ ấy cho Mục Kiền Liên. Nghe xong, Mục Kiền Liên cũng chứng quả Tu đà hoàn. Hai người dẫn 250 du sĩ của Sanjaya cùng đến chỗ Phật cầu xin xuất gia vào tăng đoàn và họ được thọ giới với nghi tắc là ‘Thiện lai tỳ kheo. Liền khi đó tâm của 250 vị du sĩ đoạn trừ mọi vô minh cấu nhiễm và chứng A La Hán. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sau một thời gian mới chứng A La Hán: Mục Kiền Liên chứng thánh sau khi thọ giới 7 ngày và Xá Lợi Phất chứng thánh sau Mục Kiền Liên một tuần. Tôn giả Xá Lợi Phất là vị trí tuệ đệ nhất; Tôn giả Mục Kiền Liên là vị thần thông đệ nhất trong số 1,250 vị đệ tử tùy tùng của Phật. Hai vị này được mọi người khen ngợi là hai vị lỗi lạc nhất trong tăng đoàn, có thể nói là cánh tay phải và cánh tay trái của Phật trong 45 năm thuyết pháp.

Sau khi Phật thành đạo 5 năm, di mẫu của Phật là Mahà Prajàpatì Gautamì cùng với 500 phụ nữ dòng họ Sakya đến nơi đức Phật đang ngụ tại Vaisàli và xin Phật cho phép nữ giới xuất gia, từ bỏ gia đình sống cuộc sống tu sĩ không gia đình trong pháp và luật do đức Phật giảng thuyết. Các vị ấy cầu thỉnh 3 lần và đức Phật cũng 3 lần từ chối. Di mẫu ngài và 500 phụ nữ kia cùng nhau cắt tóc, mặc y vàng, đi đến chỗ Phật lần nữa để xin. Ananda, vị thị giả thân cận của Phật, ngỏ lời xin giùm cho họ, nhưng 3 lần xin, 3 lần bị từ chối. Sau đó, Phật chấp nhận họ với điều kiện là nếu phụ nữ thọ trì được 8 nguyên tắc không bao giờ có ngoại lệ sau đây thì có thể thay thế cho lễ truyền giới, và như thế họ mới có thể chứng đạt thánh quả trong nếp sống xuất gia phạm hạnh. Di mẫu và 500 phụ nữ vui vẻ chấp nhận đề nghị đó và với tâm hoan hỷ như vậy, họ đều được đắc giới. Tuy nhiên, với thân phận mới như thế họ không thể chứng thánh quả ngay lập tức được. Sau đó, khi họ được Tôn giả Nandaka giáo thị vài lần, họ mới thấy tiến bộ lần trong tiến trình giải thoát và chứng thánh; vì ngay cả vị tỳ kheo ni nổi tiếng nhất cũng chỉ chứng được Tu đà hoàn trong giai đoạn này.

TRÁCH NHIỆM CỦA TĂNG & NI SAU KHI PHẬT NIẾT BÀN

Tăng đoàn mở rộng cho những ai không bị ràng buộc, để tự quyết định và cho những ai không mắc tội phạm hay bị những bệnh truyền nhiễm. Tăng đoàn không phân biệt đẳng cấp, dù Phật rất quan tâm đến việc hóa độ những tỳ kheo thuộc dòng dõi quí tộc đã từ bỏ gia đình sống đời du phương khất sĩ, vì e rằng họ không thể chịu đựng nổi cuộc sống khổ hạnh. Các tỳ kheo không cần phải phát nguyện theo Phật suốt đời; Phật không cấm các tỳ kheo hoàn tục nếu không muốn tiếp tục cuộc sống xuất gia phạm hạnh nữa.

Gia nhập tăng đoàn tiến hành qua hai nghi thức riêng biệt được hệ thống hóa ngay sau khi Phật niết bàn: Xuất gia (pravrajyà) và Thọ giới (upasampad). Ngày nay, vài nơi còn có truyền thống thọ Sa Di (lower Ordination) và tỳ kheo (higher Ordination) riêng. Một người nào đó có thể không được nhận cho xuất gia nếu chưa đủ 8 tuổi trở lên. Khi đủ tuổi xuất gia, vị ấy cần phải nương vào hai vị Giáo thọ sư và Thân giáo sư để học tập. Khi đã khoác y vàng và cạo bỏ râu tóc, vị ấy quỳ trước Giáo thọ sư và nói 3 lần rằng: con nguyện nương tựa Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn. Sau khi phát nguyện như vậy rồi, Giáo thọ sư truyền cho 10 điều giới pháp. Mười điều giới này gần giống như 8 giới của cư sĩ thọ trì trong ngày Bát quan trai, chỉ khác nhau là vị này không được nhận vàng bạc châu báu. Sau khi xuất gia, vị ấy vẫn là người tập sự (Sa di), chỉ khi nào vị ấy đủ 20 tuổi, thọ tỳ kheo giới thì mới thật sự chính thức là thành viên của tăng đoàn.

Lễ truyền giới được tiến hành đầy đủ chi tiết như đã ghi trong bộ Yết Ma Hành Sự (karmavàcanà). Nghi lễ này phải có một hội đồng tăng già ít nhất là 10 vị. Phải sẵn sàng bình bát và 3 y, giới tử cầu thỉnh hội đồng thập sư 3 lần. Giới sư phải bảo đảm rằng giới tử đó hoàn toàn không có tiền án hay tội phạm gì và hỏi tên (pháp danh), tuổi, đệ tử của ai. Sau đó lễ truyền giới tiến hành như sau: đây là nghi thức tác pháp yết ma truyền giới phải thông 4 lần đề nghị (jnapticaturthakarman – bạch tứ yết ma) của hội đồng tăng già. Thật ra, chỉ có 1 lần đề nghị (tác bạch) và 3 lần xác nhận (yết ma) về việc đồng ý lời đề nghị của hội đồng thập sư.

Đầu tiên,thưa thỉnh: Giới sư thưa với hội đồng tăng già: "kính bạch chư đại đức lắng nghe: việc gì…, hôm nay…, có đề nghị gì…, có đệ tử của đại đức…muốn cầu thọ giới pháp. Nếu chư đại đức hoan hỷ, xin truyền giới cho…. Đây là tác bạch." Sau đó là 3 lần yết ma, tức là Giới sư tiếp tục: "Kính bạch chư đại đức lắng nghe: việc gì…hôm nay…có đề nghị gì…có đệ tử của đại đức…muốn cầu thọ giới pháp. Chư đại đức hoan hỷ truyền thọ giới pháp…, do…làm Giới sư. Vị nào đồng ý truyền giới thì im lặng; vị nào không đồng ý, xin chỉ giáo." Yết ma như vậy 3 lần. Sau lần thứ ba, nếu hội đồng tăng già im lặng, thì nghi thức truyền giới thành tựu và Giới Sư tuyên bố: "giới tử…đã lãnh thọ giới pháp từ hội đồng thập sư với đại đức…làm Giới sư. Hội đồng thập sư đồng ý như vậy, đó là lý do tại sao các vị im lặng. Tôi xin ghi nhận như thế". Sau lễ truyền giới, để quyết định thứ tự của vị tân tỳ kheo trong tăng đoàn, ngày, giờ thọ giới rất nên ghi nhớ. Giáo thọ sư phải dạy cho họ biết cuộc sống khổ hạnh trong tu viện qua 4 pháp: từ nay cho đến suốt đời phải cẩn thận biết đủ và an trú trong y phục, ẩm thực, ngọa cụ và y dược vừa phải. Vị tân tỳ kheo còn được dạy rằng nếu phạm một trong bốn trọng giới sau đây sẽ tự nhiên mất phẩm chất tỳ kheo và bị loại khỏi tăng đoàn: dâm dục, trộm cướp, sát sanh và vọng ngữ (chưa chứng thánh mà nói rằng đã chứng).

Nguyên tắc của ni giới tỉ mỉ hơn chư tăng. Dù cách nào đi nữa, trước khi được chấp nhận cho thọ giới, con gái dưới 20 tuổi và phụ nữ đã từng có cuộc sống hôn nhân phải trải qua thời gian 2 năm tập sự (thử thách). Trong thời gian đó vị tập sự phải thọ trì 6 điều giới tương đương với 6 giới đầu trong 10 giới của Sa di: không được sát sanh, trộm cướp, dâm dục, vọng ngữ, dùng chất kích thích và dùng thức ăn phi thời. Đến khi thọ giới, vị tỳ kheo ni tương lai đó phải chuẩn bị bình bát và y 5 điều, cùng với vị Giáo thọ ni và Hòa thượng ni, đầu tiên ra tác bạch trước hội đồng thập sư ni, kế đó là trước hội đồng thập sư tăng, và thọ giới trước hai bộ Tăng, Ni. Tám điều giới nghiêm định ni chúng phải thân cận và nương tựa vào tăng bộ. Những điều chính yếu là: ni chúng không nên an cư nơi không có tỳ kheo tăng, mỗi nửa tháng ni chúng phải đến cầu giáo giới nơi tăng bộ, ni chúng không được giáo giới hoặc quở trách tỳ kheo tăng; lễ thọ giới ni chúng phải qua tăng bộ cầu giáo thọ, sau khi an cư, cũng phải đến tăng bộ cầu sám hối và tự tứ. Bộ luật gồm những điều giới chi tiết cho đời sống phạm hạnh của tăng và ni gọi là Giới Bổn (Pràtimoksa). Giới của tỳ kheo tăng gồm có 220 điều được xếp theo hạng loại nặng nhẹ tùy theo hình phạt quy định. Bốn tội đầu tiên rất nghiêm trọng, nếu phạm, bị tẫn xuất khỏi tăng đoàn như đã đề cập ở trên. Những giới luật mà ni chúng thọ trì nghiêm khắc hơn của tăng. Giới luật của ni chúng chính thức gồm có 500 điều, gấp hai lần của tăng, nhưng trong thực tế hành trì chỉ có khoảng 290 hoặc 355 điều.

VẬT DỤNG & CUỘC SỐNG CỦA TĂNG/NI

Tăng đoàn phật giáo là đoàn thể khất thực. Chư tăng không có tài sản sở hữu, không thể làm kinh tế, thương mại hay nhận vàng bạc châu báu. Họ nhờ vào sự hảo tâm của người thế tục cúng dường y phục, ẩm thực, nơi ở và thuốc thang. Vị tỳ kheo dùng 3 thứ y phục: y che phần trên cơ thể gọi là uttaràsanga, y che phần dưới gọi là antaravàsaka và y khoác ở ngoài gọi là samghàti. Thêm vào đó, ni chúng được phép buộc dây ngang lưng gọi là samkaksika và mặc thêm váy gọi là kusulaka. Những loại y phục này đều màu vàng hay đỏ sẫm. Tỳ kheo được phép dùng y phục do thí chủ may sẵn hoặc lượm lặt những miếng vải bị vất để khâu lại mà dùng. Giày dép là những thứ không cần thiết lắm. Vật dụng của tỳ kheo còn có bình bát, dây lưng, dao cạo râu tóc, kim may áo quần, túi lọc nước, gậy và tăm xỉa răng, cùng với 3 y. Những thứ này gọi là 8 vật dụng tùy thân rất cần thiết (asta pariskàra).

Tăng sĩ dùng thức ăn do đi khất thực hàng ngày vào mỗi buổi sáng. Đi trong im lặng, chậm rải và nhìn xuống, tỳ kheo, từ nhà này đến nhà khác, từ chỗ này đến chỗ nọ để nhận thực phẩm cúng dường, thông thường là những nắm cơm vo tròn. Cho đến giữa ngày, đúng thời cơm trưa, tỳ kheo lui về nơi an tịnh và dùng cơm: chỉ có bánh mì, cơm và uống nước trong. Uống rượu hoàn toàn cấm, thịt và cá có thể tạm dùng nếu tỳ kheo không thấy con vật đó chết, không nghe tiếng kêu của nó trước khi chết và người ta không vì mình mà giết thịt để bố thí. Dầu, bơ, mật ong và đường được cất giữ cho trường hợp bị bệnh và dùng như là một thứ dược liệu (không phải thức ăn thường). Dùng cơm không đúng lúc, tức là sau giữa ngày cho đến buổi sáng ngày hôm sau, là phạm giới. Tỳ kheo được phép nhận lời mời và dùng cơm tại nhà thí chủ. Nơi cư trú của tỳ kheo không cố định: có vị sống giữa thiên nhiên nơi rừng sâu núi thẳm, tránh mưa nắng dưới tàng cổ thụ; mộ số vị, phần đông, tạo một nơi cư trú (tinh xá) bằng lá, bằng tranh, bằng gạch đá hoặc trong hang động, vách núi v.v…gần làng xóm, thị trấn. Nói chung, tinh xá như vậy chỉ đủ cho một tỳ kheo cư trú. Nhiều tinh xá có thể tập trung một địa điểm và có thể cư trú số lượng tỳ kheo đông hơn. Khi tập trung như thế gọi là tu viện, có thể xây bằng đá, gạch hay gỗ.

Suốt 3 – 4 tháng mùa mưa, thường là từ ngày trăng tròn của tháng Asàdha (6 –7) đến ngày trăng tròn tháng Kàrtika (10 –11), các tỳ kheo, giống như các tu sĩ của những trường phái Bà la môn, bắt buộc phải an cư (varsopanàyikà) và ở một chỗ cố định. An cư xong, tỳ kheo có thể tiếp tục cất bước du phương hành đạo, nhưng không bắt buộc phải làm như vậy. Cuộc sống trong tu viện được tổ chức rất sớm kể từ khi các vị quốc vương và các gia đình hào phú cúng dường những tăng xá to lớn cho tăng đoàn toàn quyền sử dụng và điều hành luôn. Ngày nay, những tu viện lớn đều có văn phòng riêng, có vị phụ trách việc ẩm thực, có vị làm vườn, có vị thủ kho, có vị chuyên lo y phục, có vị lo cung cấp nước dùng hàng ngày, có vị phụ trách chén bát, có vị phụ trách hành chánh và những vị cao niên phụ trách dạy các chú tiểu, tân tỳ kheo.

Cuộc sống hàng ngày của tỳ kheo được quy định từng chi tiết. Tỳ kheo dậy từ rất sớm để hành thiền. Buổi sáng vào một thời điểm nào đó, tỳ kheo mặc y để ra ngoài, tay bưng bình bát và đi đến làng xóm gần đó khất thực. Khi trở về tu viện, tỳ kheo rửa chân và ngồi xếp bằng để dùng cơm trưa. Sau đó tỳ kheo lên giảng đường để dạy cho đệ tử. Hết giờ, tỳ kheo lui về nơi an tịnh, thông thường là dưới gốc cây, để hành thiền hoặc nghỉ trưa một chút. Khi hoàng hôn buông xuống là lúc pháp thoại rộng rãi cho mọi người, phần nhiều là những người thân tín, thích tìm hiểu. Bóng tối về mang lại cho tu viện một bầu không khí an tịnh. Tỳ kheo tắm rửa, sau đó lại giảng cho đệ tử và mở những cuộc đàm thoại cho đến canh một.

Cứ mỗi tháng hai lần, ngày trăng tròn và ngày đầu tháng, chư tăng chung một trú xứ hay cùng khu vực, luôn cả khách tăng, đều bắt buộc phải vân tập để làm lễ bố tát - tụng giới (uposadha). Truyền thống này, Phật giáo rút ra từ các trường phái khác. Lễ bố tát gồm có nghi thức chư tăng sám hối lẫn nhau. Chư tăng ngồi ở vị trí thấp hơn đã phân định theo thứ tự. Vị Thượng tọa lần lượt đọc những điều giới và cung thỉnh toàn thể chúng hội tự nói lên những vi phạm; vị Thượng tọa hỏi chư tăng 3 lần, nếu chư tăng hoàn toàn thanh tịnh, không vi phạm điều gì, thì im lặng và vị thượng tọa tuyên bố: "Trong đây, tức là trong điều giới đó, chư Đại Đức thanh tịnh, đó là lý do vì sao các ngài im lặng; tôi đã ghi nhận như thế." Người nào có tội mà vẫn im lặng thì tự ý vi phạm sự trang nghiêm thanh tịnh của mình.

Những cuộc lễ có thể là những cơ hội để cho tu viện giảm bớt không khí đơn điệu trong những ngày tháng dài tịnh tu. Những lễ lượt như vậy thay đổi khác nhau từng địa phương. Dù thế nào đi nữa, ngày lễ được tổ chức do toàn thể tăng già là lễ tự tứ (pravàranà) để đánh dấu cuối mùa mưa và kết thúc an cư. Đây chính là dịp tốt cho phật tử dâng cúng phẩm vật cho chư tăng, mời chư tăng về nhà thọ trai và tổ chức lễ hội linh đình vui nhộn. Kế đó là lễ dâng y (kathina), phật tử dâng cúng vải cho chư tăng và chư tăng nhuộm vàng hoặc đỏ sậm để may y.

LÝ TƯỞNG CỦA CHƯ TĂNG

Luật quy định chư tăng trong hệ thống giới điều chi tiết có khuynh hướng huấn luyện cho tỳ kheo trở thành một người đạo đức gương mẫu: nhu hòa, hiền diệu, thanh bạch, khiêm tốn, điều độ và đức hạnh. Tỳ kheo không nên đoạn tuyệt sanh mạng của bất cứ loài nào, ngay cả không uống nước không lượt, vì có thể có vi trùng trong đó. Không được kinh doanh thương mãi, tỳ kheo chỉ nhận thực phẩm và y phục do thí chủ dâng cúng. Tuy nhiên, tỳ kheo không được nhận cũng không được va chạm tới vàng, bạc, châu báu, nếu có sờ tới bảo vật, thì đó là trường hợp mang trả lại cho người chủ đã đánh rơi hoặc bỏ quên.

Theo tinh thần của Giới bổn-Ba la đề mộc xoa, luật cấm tỳ kheo một mình ở chung với phụ nữ, chung một phòng, đi kề nhau cùng đường, nắm tay, đùa cợt, hoặc trao đổi với nhau hơn 5-6 câu. Tỳ kheo không được nhận thức ăn hay y phục từ một ni cô không phải bà con. Trong mọi tình huống, tỳ kheo nên nhận với một thái độ khiêm tốn, đúng đắn và chánh niệm. Tuy nhiên, trách nhiệm giao phó cho tỳ kheo không bao giờ quá nặng nề và bảo thủ như thể tước đoạt khả năng suy tư và biến thành cái máy. Mỗi người tự duy trì cá tính của mình và nhắm tới mục đích tối thượng theo phương pháp mình chọn. Giống như Musila, tỳ kheo có thể tự mình ứng dụng để hiểu các hiện tượng hoặc, như Nàrada, dâng trọn cuộc đời cho phương pháp khổ hạnh và thiền định yoga. Phương pháp riêng tìm hiểu sự thánh thiện cá nhân không phải lúc nào cũng đưa đến một tâm hồn cao thượng, rộng lượng với bằng hữu và hy sinh cho người bất hạnh. Tuy nhiên, trong số lượng giới điều như vậy, có một điều khoản nào đó chuyên chở được tình thương thực sự mà con người có thể nhận thức khắp nơi. Một ngày nọ, đức Phật nhận thấy một tỳ kheo bệnh đang rên la vì đau bụng, nằm trên phân và nước tiểu vô cùng đau đớn, không người chăm sóc. Đức Phật tự tay mình tắm rửa cho vị ấy, thay giường chiếu và đỡ vị ấy lên giường. Sau đó, ngài tập họp các tỳ kheo lại và dạy rằng: "Này các tỳ kheo! các thầy không được cha hay mẹ mình chăm sóc khi đau ốm; nếu các thầy không chăm sóc lẫn nhau, thì ai chăm sóc các thầy? Từ nay trở đi, nếu ai muốn chăm sóc Như Lai, thì hãy chăm sóc người bệnh."

Tuy nhiên, đối với ai muốn đoạn trừ tận gốc rễ của lòng tham, tâm nhân đạo tự nó không phải không nguy hiểm. Tùy mỗi người tu tập hướng tới sự thánh thiện, không bị bận rộn với người thân mình. Không phải do tình thương dành cho anh em mình mà vị tỳ kheo tìm thấy hoan hỷ và hạnh phúc, nhưng vị ấy phải tìm thấy ngay trong hạnh nguyện, tu tập, thiền định và hiểu sâu vào chân lý. Nói chung, tỳ kheo dạy cho người thế tục cách hành trì lợi ích tích cực để có thể có đủ cơ hội bảo đảm giàu sang và sống thọ trong những kiếp tương lai. Nói riêng, tỳ kheo tự mình hạn chế trong ích lợi tiêu cực của sự xả bỏ và tính điềm tĩnh để dẫn đến sự thánh thiện trong thế giới này hay thế giới khác, dẫn đến sự tận diệt khổ đau, chấm dứt luân hồi và chứng niết bàn.

Tăng đoàn không có quyền lực

Suốt đời, đức Phật hóa độ rất nhiều vị thánh đệ tử. Chúng ta có thể thêm rằng Phật không trao cho các vị ấy một quyền uy hay cấp bậc nào kể từ khi tăng đoàn gây ảnh hưởng sâu đậm trong toàn bộ lịch sử Phật giáo. Phật tin rằng con người không thể là nơi đáng tin cậy để cho người khác nương tựa được, không ai có thể đủ uy quyền để quyết định mọi việc và giáo pháp này không dành riêng cho cá nhân nào. Trong các tu viện phật giáo, các tỳ kheo được giao phó những trách nhiệm đặc biệt để mỗi người tự hoàn thành, chứ không phải giao cho họ một quyền lực để quyết định người khác. Chỉ có phân ra vị trí trật tự dựa vào thời gian thọ giới mà thôi.

Phật từ chối thiết lập hệ thống giai cấp có chức quyền trong tu viện, nên ngài đã không giao tăng đoàn cho bất cứ một vị nào lãnh đạo. Nhìn thấy Phật càng ngày càng mỏi mòn vì tuổi già, Devadatta (Đề bà đạt đa), người anh em chú bác với ngài, muốn thay ngài để lãnh đạo tăng đoàn, nói: "Bạch Thế Tôn, Ngài hãy giao giáo hội cho tôi, tôi có thể lo lắng, chăm sóc, giữ gìn giáo pháp này một cách hoan hỷ." Phật từ chối lời thỉnh cầu mang tính danh lợi đó, nói: "Ngay cả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên ta còn không giao giáo hội này, huống chi Devadatta là người không đáng tôn kính, là kẻ không cao thượng."

Không lâu trước khi Phật niết bàn, tôn giả Ananda cung kính thưa rằng: đức Thế Tôn không nên vội ra đi mà không di chúc và chỉ định người thừa kế. Phật trả lời ngắn gọn: "Này Ananda, giáo hội trông mong gì ở ta? Đừng bao giờ hy vọng làm chủ hay điều khiển giáo hội, Như Lai không bao giờ chỉ giáo như vậy. Đã đến giờ Như Lai nhập niết bàn. Sau khi Như Lai niết bàn, mỗi người các thầy phải là hải đảo cho chính mình, là nơi nương tựa cho chính mình, không nên nương tựa kẻ khác. Như thế các thầy mới có thể đạt giải thoát giác ngộ vô thượng." Sau khi Phật niết bàn, ngoài việc đem hết lòng thành tôn kính đức Phật, các tỳ kheo phải tự mình tiếp tục sự nghiệp và hoằng dương giáo pháp./.

-ooOoo-

(Trích dịch từ sách: "Buddhism – Buddhist Monks and Nuns in Society and Culture". Sách xuất bản ở New York, Bicester và England năm 1984)

 

Source: Phật Học Thường Thức, Taiwan, http://www.phathocthuongthuc.com/


[Trở về trang Thư Mục]