BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Xu hướng thời đại và Tịnh độ Di-Lặc

Thích Pháp Hiền


Namo Tassa bhagavato Arahato Sammà-Sambuddhassa.
Kính lễ Đức Thế Tôn, Bậc A-la-hán Chánh-Đẳng-Giác

Khuynh hướng tự nhiên và rất chung của loài người từ muôn thuở là ngưỡng vọng về một thế giới lý tưởng. Tịnh độ của Phật giáo, cũng là cảnh giới lý tưởng, nhưng thể theo căn tính cũng như đặc thái và trình độ văn hóa xã hội của chúng sinh theo từng thời đại mà hoằng truyền các loại, các dạng cho phù hợp, nhất là trong khung cảnh của Phật giáo phát triển, hay của Bồ-tát thừa (thường gọi là Đại thừa). Tịnh độ của Bồ-tát thừa rất đa dạng, như trong kinh nói: khắp thập phương đều có Tịnh độ. Nhưng, ở Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Quốc, khi nói đến Tịnh độ, hầu hết đều nghĩ ngay đến Tịnh độ của Phật A Di Đà (Amita) ở phương Tây; chỉ ít người còn biết đến Tịnh độ của Phật A Súc (Aksobhya-Akkobbha: Bất Động) ở phía Đông, và Tịnh độ tại thế gian và trong tương lai của Phật Di Lặc (Maitreya-Metteyya).

Khung cảnh thế giới đã đổi khác, trình độ nhận thức của con người thời đại đã tăng tiến rõ rệt, các nền văn minh Đông và Tây đang ngày càng giao tiếp nhau, trí giả Tây phương đến với đạo Phật ngày càng nhiều, ý thức về mình và về việc làm của mình ngay trong kiếp sống này đang chuyển sang hướng tích cực, tư tưởng Tịnh độ Di Lặc đang được trí giả thời đại ở cả Đông lẫn Tây chú tâm nghiên cứu và đưa ra như một hướng tu và hành của người Phật tử trong thời đại mới. Bài này xin ghi lại vắn tắt một vài điểm chính yếu của xu hướng này. Và, trước khi trình bày vài điểm chính của pháp môn Tịnh độ và Tịnh độ Di Lặc, chúng ta cần lượt qua vài vấn đề nền tảng trong sự chuyển hướng tư tưởng của thời đại.

I. Tổng quan về xu hướng thời đại

Trên mọi bình diện, khung cảnh sống và sinh hoạt của con người thời đại chúng ta, so với vài thập niên trước, đã thay đổi và đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt. có thể nói rằng thế giới đang thay đổi dạng, một cách toàn diện và triệt để, để tiến tới việc hình thành một trật tự quốc tế mới, một khung cảnh sống mới, và hẳn nhiên một mô hình con người mới.

Tại sao là hẳn nhiên phải có mẫu người mới? – Vì rằng con người nói ở đây là con người hiện thực, hiện hữu trong không gian và thời gian. Mỗi chúng ta đều là con người hiện thực, đang sống tại thế gian, trên trái đất và cùng với sự vật; sinh ra, lớn lên, được giáo dưỡng và hành hoạt trong một khung cảnh nhân sinh của một cấu trúc văn hóa xã hội cụ thể. Mà, như mọi người đều biết: xã hội nào, con người nấy; con người nào, xã hội nấy; hay nói theo kiểu nhà Phật: Y báo (khung cảnh sống), chánh báo (con người) tương ưng. Các vị cha đẻ của các chủ thuyết chính trị, xã hội..., như J.J. Rousseaux, Karl Marx, chẳng hạn, khi đưa ra chủ thuyết của mình, cũng đều có đặt vấn đề phải có những con người mới. Và, cũng trong ý ấy, mà mẹ của Mạnh tử đã ba lần chuyển chỗ ở, chỉ vì muốn cho con mình – là Mạnh tử khi còn nhỏ – tìm được một chỗ ở có các điều kiện hoàn cảnh tốt mà học hành, hướng thiện và nên người.

Sao gọi rằng đây là sự thay đổi toàn diện và triệt để? – Lịch sử loài người, trong mấy trăm năm qua, cho thấy: sinh hoạt của con người – trong cách sống, suy nghĩ, cảm nhận và quan hệ – cũng như khung cảnh của sinh hoạt đó, trên mọi mặt – chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa – đều đã thay đổi từng bước, theo đà phát triển của trình độ khoa học - kỹ thuật. Tuy nhiên, sự thay đổi trong mấy trăm năm qua ấy, tuy đã diễn ra một cách toàn diện, trên mọi mặt, nhưng chưa phải là triệt để vì, một cách chính danh mà nói, nó vẫn chủ yếu chỉ nhằm "cải cách" hay "hiện đại hóa" các cấu trúc thượng tầng, dựa trên một số quan niệm và "giá trị cổ điển", được lựa chọn và được xem là nền tảng. Kiểu cải cách này, từ mấy thập niên qua, đã bị xem là không giải quyết được gì cả; và các quan niệm cùng giá trị nền tảng ấy cũng bị xem là không dùng được nữa

Cuộc thay đổi ngày nay đặt ra nhu cầu phải đặt lại vấn đề một cách triệt để; dẫn trí tuệ nhân loại vào việc đi tìm những giá trị nền tảng khác. Max Weber đã tiên đoán có hai khả thể cho tương lai nhân loại: "một là sẽ có một cuộc canh tân ở lãnh vực tinh thần, hoặc nhờ nơi sự xuất hiện của các nhà tiên tri hoàn toàn mới, hoặc có sự phục sinh mạnh mẽ của những tư tưởng hay ý hệ cũ"; hai là "sự sơ cứng có tính cơ học được trang điểm bằng một loại phô trương nhố nhăng rỗng tuếch"; tức là nói con người không thể hoàn tất điều gì cả, hay ít ra là nói đến "tính bất khả của những chuyên gia không linh hồn, không có tầm nhìn và của những khoái lạc không trái tim". Quan điểm này bị xem là "bi quan", trên khả năng của con người; cũng bị xem là thần bí vì con tưởng nghĩ với ý chờ đợi sự tiên tri thần khải, để đem đến cho nhân loại những nền tảng giá trị "mới". Nhưng qua đó, với tầm cỡ bác học của Max Weber, chúng ta thấy sự bế tắt tư tưởng, có thể nói là toàn diện, của chung một bộ phận trí thức Tây phương.

Chính nỗi "bi quan" này đẩy con người thời đại vào trạng thái cô đơn đầy bất an, lo sợ, dù đang sống trong các điều kiện vật chất đầy đủ với trình độ khoa học kỹ thuật cao. Điều này có thể hiểu được vì, thật vậy, vấn đề đặt ra trước mắt người thời đại có một tầm vóc rất lớn, liên hệ đến cả các lãnh vực có tính nền tảng nhất: môi sinh, giá trị xã hội, và cả ở mức độ khái niệm nền tảng về con người và về vũ trụ. Kỹ thuật có thể giúp giải quyết các khó khăn ở mặt vật chất, hay kinh tế, nhưng vấn đề môi sinh chỉ có thể giải quyết được khi nào chính xã hội muốn điều đó và đặt thành tiêu chuẩn giá trị: ý muốn này là nền tảng nhất. Và công vic then chốt và cấp bách trước mắt là xây dựng lại các kiến thức và khái niệm cơ bản về tính bản nhiên của con người và vũ trụ, tức là ở bình diện siêu hình học, hay đạo học, để từ đó xây dựng lại cái khung văn hóa cơ bản, các giá trị đạo lý và thẩm mỹ, nhưng quy tắc làm nền cho thái độ sống, với chính mình, với người khác và với thiên nhiên.

Một bộ phận trí thức Tây phương khác lạc quan hơn trên khả năng của con người. Một số lớn của bộ phận này đã tiếp cận với Phật giáo; đã chiêm nghiệm hình ảnh và bước đi, cùng khả năng siêu vượt của một con người cụ thể là Thái tử Tất Đạt Đa; đã suy gẫm nhiều trên những lời dạy của vị Thái tử này sau khi chứng đạt Giác ngộ thành Phật; đã rút tỉa từ những lời dạy đó những điểm mốc căn bản, ở cả mặt lý thuyết lẫn thực hành, và diễn đạt lại để làm nền tảng cho một cấu trúc tư tưởng về con người và vũ trụ; rồi, từ đó, xây dựng nên một hệ thống đạo lý hoàn toàn nhân bản làm nền tảng cho một dạng xã hội thuận theo nhu cầu của con người sống trong khung cảnh điều kiện mới của thời đại.

Trong chiều hướng đó, từ vài thập niên nay, nhiều hội thảo quốc tế được mở ra ở trình độ cao, một số điểm mốc tư tưởng có tính nền tảng đã được thiết lập; từ đó, các mặt nghiên cứu áp dụng đã trải qua các bước đi khởi đầu và đang mở rộng – các nỗ lực này đã và đang tạo nên một khích lệ lớn, cũng với một hướng nhìn tích cực. Hẳn nhiên, con đường đi tới vẫn còn dài, và đến nay chưa ai có thể đoán chắc được, trong chi tiết, con người và khung cảnh trật tự mới của ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, không ai trong chúng ta có thể biết chắc được chiều mai mình sẽ mua bánh mì ở tiệm nào, nhưng nhu cầu bánh mì cho chiều mai thì rất rõ; cũng thế, chúng ta có thể đoan chắc rằng, trong tiến trình của nhân loại hướng đến ngày mai, một số giá trị nền tảng sẽ tiếp tục tồn tại, có thể là dưới các dạng thể hiện mới, sau khi đã được bổ túc cho hoàn chỉnh hay thích hợp hơn – qua đó, chúng ta có thể thấy được xu hướng của thời đại.

 II. Các giá trị nền tảng sẽ tiếp tục tồn tại

Quá trình trở thành trong mấy trăm năm qua của lịch sử nhân loại đánh dấu một bước nhảy lớn của kiến thức khoa học và của tư tưởng tự do. Như mọi người đều biết, tự do tinh thần là mẹ sanh của tư duy và phát minh khoa học và kỹ thuật; tự do trao đổi là cốt lõi của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường và khả năng kỹ thuật tạo nên chủ nghĩa tư bản, còn gọi là chủ nghĩa tự do. Phản ứng đối với chủ nghĩa tự do này đưa đến sự thành hình hai chủ hướng chính trị - xã hội, chi phối khung cảnh thế giới của gần như toàn bộ thế kỷ 20: một bên, là chủ nghĩa mác-xít – cho rằng đó chỉ là đạo đức giả, một thứ tự do dùng để ngụy trang các hành động khai thác bóc lột, làm tha hóa, nô lệ hóa người công nhân kỹ nghệ khốn khổ; bên khác, tạm gọi là chủ nghĩa nhân quyền – nó dẫn đến các cuộc tranh đấu cho các quyền tự do gọi là căn bản của con người (Nhân quyền), làm nền cho thể chế dân chủ (tự do và bình đẳng trong việc tạo thành và thực thi các quyết định tập thể); cả hai, trở thành chỉ hướng cho các cuộc đấu tranh giành độc lập quốc gia, cho mọi nỗ lực nâng cao mức sống và giải phóng con người khỏi những kềm chế của nhu cầu vật chất.

Ngắn gọn, tư tưởng tự do kiến văn khoa học kỹ thuật là mẹ sanh của xã hội hiện đại. Các giá trị khác chỉ là phương tiện, là các mặt áp dụng hay các khía cạnh đặt thù của hai yếu tố này; và chúng chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại, vì cần thiết; chẳng hạn như: quan niệm về công lý (hay bình đẳng), tinh thần trách nhiệm bản thân và lòng vị tha, cùng với các thị hiếu đặc thù có tính văn hóa truyền thống, đều là sự thể hiện của tự do, cũng là các phương tiện cho sự phân bố tự do và hạnh phúc, cho lối sống an lạc, cho sự hòa hợp xã hội.

Lý tưởng tự do đi đôi với ước vọng tìm cầu hạnh phúc – hai giá trị này thuộc lãnh vực đạo lý. Và, trên lãnh vực tri thức, kiến thức khoa học đi đôi với nguyên lý nhân quả phổ quát, hay với thuyết tất định (nhân nào thì quả nấy). Và tư tưởng Tây phương từ lâu cho rằng bốn giá trị này không thể tương hợp nhau, bởi nhiều lý do! Tức là có sự mâu thuẫn trầm trọng giữa tự do với hạnh phúc, một bên, và với thuyết tất định, bên khác:

1.Có lẽ ước vọng được sống hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng và duy nhất của con người muôn thuở. Mục tiêu tự do, hoặc được xem là tương đương và gắn liền với mục tiêu hạnh phúc, hoặc chỉ được xem là phương tiện của hạnh phúc. Nhưng tư tưởng Tây phương từ lâu đã đánh giá rằng tự do đối nghịch với hạnh phúc, nhất là trong khung cảnh hiện nay.

2.Ở bình diện kiến thức, sự phát triển tuyệt vời của khoa học và kỹ thuật, đặt nền trên nguyên lý nhân quả hay thuyết tất định (nhân nào thì quả nấy), cũng không đi cùng chiều với sự thể hiện của tự do – tự do hình như trở thành vô nghĩa trước nguyên lý nhân quả phổ quát. Thế nhưng, sự quan sát trên chính bản thân cho thấy khả thể của tự do hiện hữu một cách hiển nhiên.

Các mâu thuẫn này là nguyên nhân của những bất an thời đại mà các triết gia thường ghép với "trạng thái được tự do", với "khả tính phạm phải sai lầm" và với các tội phạm xã hội đủ mọi hình thức" chuyện thần thoại "Ulysse tự trói mình vào trụ". Freud nói tới "nhục dục tự do - libido libre"; các kinh tế gia tính toán cái giá phải trả của những quyết định; tinh thần trách nhiệm nhường chỗ cho dục vọng; nhiều bộ phận lớn của các dân tộc thuộc các quốc gia hiện đại, sau khi đã nếm hương vị tự do, lại từ bỏ tự do để giao vận mạng mình vào tay các lãnh tụ giỏi nịnh dân. Nói rộng ra, tự do là nguyên nhân của mọi thứ bất an, bất mãn, khủng hoảng tinh thần, đạo đức giả, lừa dối, sai lầm, có liên hệ mật thiết với các thảm trạng lớn của lịch sử cận đại. Và nó được dư luận nói chung xem như là vấn nạn lớn nhất của xã hội hiện đại. Một thử thách lớn được đặt ra, trực tiếp trên vấn đề đạo lý của trách nhiệm: trách nhiệm chỉ có thể xác định được trên nền tảng của tự do, nhưng tự do lại đang là vấn nạn lớn.

Con đường Phật giáo, đưa đến lý tưởng "giải thoát" hay "tự tại" – một dạng tự do cao cả, cũng là con đường của trí tuệ, giác ngộ. Ở đây, giải thoát và trí tuệ không hề mâu thuẫn nhau. Nhiều trí giả Tây phương đã nhận thấy rằng: Phật giáo không những hoàn toàn phù hợp với hai lý tưởng tự do và tri thức khoa học thời đại, mà còn có thể giúp cho tư tưởng thời đại thoát khỏi các mâu thuẫn nêu trên. Giải đáp mà họ tìm thấy nơi Phật giáo, cho các mâu thuẫn ấy đòi hỏi, trước hết, sự xét lại quan niệm quá hẹp hòi về tự do của tư tưởng thời đại, cùng với cách nhận định không thỏa đáng về các điều kiện cần thiết cho sự thể hiện tự do; từ đó, đưa đến một ý nghĩa khác mà khái niệm tự do có thể có và phải có. Và họ thấy rằng: các sai lầm này, nguyên nhân gây các thảm trạng con người trong lịch sử và trong xã hội hiện đại, xuất phát từ chỗ đã đặt tự do vào hàng đầu của các giá trị. Thật vậy, lịch sử của văn minh Tây phương thể hiện như một con đường hành hương trải bằng các cuộc giải phóng tuần tự trong nhiều lãnh vực, nhưng các giải phóng này không ngừng bị phản bội, bằng cách này hay bằng cách khác, và nhanh chóng rơi lại vào các hình thái nô lệ hoặc mới hoặc tương tự.

Lại nữa, lý Duyên khởi – với công thức: "cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt, cùng với tinh thần bất bạo động, lòng từ bi, hay "tình yêu vô ngã", và mười giới cấm thiện (thập thiện), của nhà Phật, cũng được các trí giả hiện nay xem như là có khả năng đem đến cho người thời đại một tầm nhìn bao quát cùng với các cơ sở tư tưởng và đạo lý đủ để xây dựng lại quan hệ môi sinh và xã hội, tạo nên một cõi sống nhân sinh đầy an lạc. Khắp nơi việc nghiên cứu đã và đang được tiến hành với một quy mô ngày càng mở rộng. Còn rất nhiều điều cần thảo bàn, nhưng rõ ràng là, với sự tham gia của bản tính dấn thân tích cực sẵn có nơi người Tây phương, việc nghiên cứu, cũng như việc thực hiện các kết quả nghiên cứu này, đều hướng đến việc xây dựng một cõi an lành tại thế gian. Trong khung cảnh đó, tư tưởng Tịnh độ Di Lặc đang là đề tài chính trong tâm tư của giới nghiên cứu, Phật tử và không Phật tử.

III. Lý tưởng tịnh độ Phật giáo

Về ngữ nghĩa: chữ Độ, trong Tịnh độ – Sanskrit: Ksetra; Pâli: Khetta; Hán âm: Sái hoặc sái độ – có nghĩa là Thế giới hoặc Cõi. Tịnhkhông nhiễm bẩn; và Tịnh độ là cõi thanh tịnh. Có hai cách hiểu: tiêu cực (phủ định) và tích cực (xác định): Trong Phật pháp, nói Tịnh tức là ngược với tạp nhiễm; cũng được hiểu là vô cấu, vô lậu – nặng nề tiêu cực, phủ định. Mà, không nhiễm bẩn, cũng là thanh tịnh. Tựa như, không có phiền não, tức là có trí tuệ; không có sân hận, tức là có từ bi; không có sai lầm tạp nhiễm, tức là có công đức thanh tịnh. Như vậy, nội dung của Tịnh cũng bao hàm ý nghĩa tích cực, xác định.

Người Tây phương thường nói đến Chân, Thiện, Mỹ. Trong Phật giáo chúng ta, ChânThực tướng, Chân như, Thắng nghĩa – rất được coi trọng. Thiện là cái đạo đức nằm trong các hành vi hay các hạnh tu mọi công đức, phù hợp vớ Thực tướng hay Chân như đó. Mỹ là cái đẹp, của hình sắc, âm thanh..., mà người học Phật cần phải luôn luôn cảnh giác vì chúng thường là duyên cho sự khởi sanh ngũ dục; ngũ dục là nhiễm bẩn, là không thanh tịnh, và chúng lại sanh ra mọi thứ không thanh tịnh khác, làm cho cái đẹp không còn là đẹp nữa, nên Phật giáo nhấn mạnh đến chữ Tịnh – nó bao hàm cả hai ý nghĩa: đẹp và thanh khiết. Cụ thể hơn, ở mức độ thế gian: theo Phật pháp, nhận thức rời khỏi sai lầm là Chân; hành vi không vướng vào tội ác là Thiện; Tịnh là sự cảm nhận không bị ô nhiễm bởi ái dục. Ở mức độ siêu thế gian, nói Tịnh là nói sự đoạn trừ mọi nghiệp quả, là dứt bỏ cái sức mạnh trói buộc làm cho ta phải lẩn quẩn mãi trong các đường sanh tử luân hồi. Tóm lại, Tịnh độ là cõi thanh tịnh, cõi trang nghiêm tịnh diệu.

Có thể nói rằng tinh túy của Phật pháp chỉ bao gồm trong một chữ Tịnh. Nhưng Tịnh cần phải được nhận định và hành động trên cả hai bình diện: thanh tịnh chúng sinh và thanh tịnh thế giới (cõi). Như, bên Phật giáo nguyên thủy thường nói: "Do tâm thanh tịnh, nên chúng sinh thanh tịnh", và bên Phật giáo phát triển: "Tâm tịnh thì quốc độ (thế giới) tịnh". Cả hai đều thấy chỗ trọng yếu là tu hành dứt trừ phiền não để làm sáng tỏ tính thanh tịnh vô lậu của bản tâm, nhưng ở mặt thực hành, thì: một bên đặc nặng vấn đề tu tập bản thân; bên kia lại chủ trương mỗi người hãy vừa thanh tịnh chính mình, vừa thanh tịnh cõi (cảnh) sống.

Chúng sinh nào, cõi sống ấy. Loài chim có cõi sống của loài chim; loài ong có cõi sống của loài ong. Người thiện, người ác, người tham, người sân, người si, v.v... mỗi mỗi đều có cõi sống tương ưng. Đặc tính của chúng sinh là chánh báo, đặc tính của cõi sống là y báo. Chánh báo nào y báo nấy. Đối lại, thường thì một y báo thiện ảnh hưởng tạo nên một chánh báo thiện; và một cõi sống bất thiện kềm giữ chúng sinh trong một lối sống bất thiện. Như có những trường hợp: có một số người sống trong khung cảnh này thì có thể phát huy được, nhưng trong khung cảnh khác thì không. Chánh báo và y báo luông tương tưng và tương tác qua lại lẫn nhau. Xây dựng trên quan điểm này, chủ trương của học pháp Bồ-tát thừa là: vừa hướng đến việc thanh tịnh cõi sống (tu phước đức), vừa hướng đến việc thanh tịnh thân tâm (tu trí tuệ); khác với học pháp thanh văn thừa: chủ yếu nhắm đến việc dứt trừ phiền não, thanh tịnh hóa bản tâm (tu giải thoát).

Nói cách khác, nếu tách rời phước đức để chỉ tu tuệ, hoặc tách rời trí tuệ để chỉ tu phước, đều không là căn khí của Bồ-tát thừa: có A-la-hán chỉ tu tuệ giải thoát, nhưng không bao giờ có Bồ-tát chỉ tu phước, hoặc chỉ tu tuệ. Mọi hành giả Bồ-tát thừa đều tu cả hai mặt. và mọi vị Bồ-tát, một khi đã thành tựu vô sinh pháp nhẫn cũng, cùng lúc, thành tựu luôn hai nhiệm vụ phải làm, là: "thành tựu chúng sinh" "trang nghiêm tịnh độ"; tức là: vừa khiến những chúng sinh, ngụ nơi một cõi sống nào đó, được có đủ thiện căn để thành tựu thiện pháp, hay thành tựu giải thoát; vừa khiến cho cõi sống (hay thế gian), nơi mình và những chúng sinh ấy trú ngụ, được chuyển hóa thành cõi thanh tịnh – chỉ khi nào được cả hai mặt: Pháp thân viên mãn (ở bản thân), và Tịnh độ viên mãn (ở cõi sống), thì vị Bồ-tát ấy mới thực sự thành Phật.

Ngắn gọn, theo Phật giáo phát triển, chư Phật, quá khứ, hiện tại và vị lai, khi còn là Bồ-tát, cùng lúc với việc tự tu (tự lợi) tiến đến Phật quả, đều làm mọi công việc trang nghiêm tịnh độ để nhiếp hóa những chúng sinh có duyên với mình (lợi tha), để cho họ có được các điều kiện hoàn cảnh thuận lợi mà tu tập. Trang nghiệm tịnh độ một bộ phận quan trọng trong phần tu phước, hay tu công đức; và chúng sinh nhận sự cảm triêu ân đức của chư Phật-Bồ-tát, sẽ hướng tâm về đó và cầu được vãng sanh ở đó. Qua đó mới thấy rằng học pháp Bồ-tát thừa, hay Phật giáo phát triển, còn gọi là Phật giáo đại thừa, chẳng những không thể tách rời tư tưởng Tịnh độ, mà còn đặc biệt phát huy tư tưởng trang nghiêm tịnh độ.

 IV. Trang nghiêm tịnh độ

Tịnh độ là hoàn cảnh (nơi) thanh tịnh và lý tưởng, nhiều tiện lợi, ít chướng ngại cho việc tu hành tiến đạt đạo quả. Nên việc chúng sinh mong cầu được sanh về đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng hầu hết những người tu tịnh độ, tại các nước Đông Á, như Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Quốc, chỉ biết phát nguyện cầu vãng sanh tịnh độ, mà không hề lưu ý đến việc trang nghiêm tịnh độ, thì quả là một điều đáng tiếc!

Từ đâu mà có Tịnh độ? – thường thì người ta cho rằng vì có Phật A Di Đà. Họ không biết rằng Phật A Di Đà, không phải do cầu vãng sanh mà có Tịnh độ. Một số kinh của Phật giáo phát triển có nói đến trang nghiêm tịnh độ; tức là, trên bước đường tu hành tiến đến quả vị Phật, Bồ-tát ấy, hoặc là đã do chư Phật thực hiện, hoặc là do chính vị Bồ-tát ấy phát nguyện tạo ra, trong mục đích thiết lập môi trường thuận lợi cho việc tiếp độ và giáo hóa chúng sinh có duyên với mình. Đến khi thành Phật, thì quốc độ ấy cũng sẽ thành tựu viên mãn. Vậy mà nay ít ai còn nghe nói đến trang nghiêm tịnh độ. Tức là đã có sự sai lệch!

Kinh Đại Bát Nhã viết rằng: Tổng hợp các loại thế giới, các loại thanh tịnh lại thì thành thế giới viên mãn nhất. Bồ-tát phát nguyện tu hành để thực hiện nó. Tịnh độ Tây phương của Phật A Di Đà là một thí dụ cụ thể. Kinh Vô Lượng Thọ Phật viết: Phật A Di Đà, xưa kia khi là tỷ-kheo Pháp Tạng, có Phật Tự Tại Vương đã nói cho Ngài nghe 210 triệu tướng tịnh độ. Sau khi nghe các loại các kiểu tịnh độ như vậy, Ngài Pháp Tạng bèn phát nguyện phải thực hiện một Tịnh độ thanh tịnh nhất, viên mãn nhất. Tất cả các hành giả tu theo đạo Bồ-tát đều là: khi phát tâm học đạo, đương nhiên Bồ-tát cũng phải thực hiện Tịnh độ như vậy, không phải để cho bản thân mình thụ dụng (có chỗ an vui), mà là để tiếp độ và giáo hóa chúng sinh. "Nhiếp thụ đại nguyện độ vô biên tịnh" cũng là "phát nguyện trang nghiêm tịnh độ" – đây là nội dung nền tảng của học pháp Bồ-tát thừa, bởi vì: có Tịnh độ rồi, thì mới có thể nương vào tịnh độ để nhiếp hóa và tiếp dẫn chúng sinh; như thế, cũng có nghĩa là để cùng với chúng sinh có duyên với mình thực hiện Tịnh độ.

Trang nghiêm tịnh độ là căn bản chung của hạnh Bồ-tát. Kinh duy Ma Cật, phẩm Phật Quốc, có giải thích ý nghĩa "Bồ Tát trang nghiêm tịnh độ".Kinh viết: loại chúng sanh là tịnh độ Bồ-tát, có nghĩa là: Bồ-tát tu tịnh độ là do loại chúng sinh. Tịnh độ Bồ-tát không rời chúng sinh, lấy chúng sanh làm nền, cùng ở với chúng sanh, làm lợi lạc cho chúng sanh; có thể, mới có thể thực hiện được tịnh độ. Như vậy, lý tưởng tịnh độ, rõ ràng không phải là trốn tránh hiện thực. Trang nghiêm tịnh độ không phải là vì riêng mình, mà là vì đại chúng; nên phải dựa theo căn tính của mỗi loại chúng sanh mà thích ứng, để sáng tạo ra một tịnh độ ưu việt nhất, nơi m chúng sanh ấy có thể rút được lợi ích nhiều nhất. Vì vậy, khi bàn đến loại chúng sanh, Bồ-tát thường phải quan sát để trả lời các câu hỏi: 1/ Làm thế nào thì chúng sanh ấy có thể điều phục được phiền não, sinh thiện, diệt ác, khởi tâm tu tập công đức? 2/Với điều kiện nào thì chúng sanh ấy sẽ khởi thiện căn Bồ-tát thừ? 3/Phải với loại tịnh độ thế nào mới có thể khiến chúng sanh ấy khế ngộ được tri kiến Phật, nhập trí tuệ Như Lai? Đó là thuyết "ứng cơ hiện lộ" (tùy theo cơ duyên mà hiện tịnh độ; và Tịnh độ Dị Lặc là xu hướng ngày càng rõ nét, thể theo tâm cảnh của người thời đại, sẽ nói ở sau); có nghĩa là: trên bước đường tu hành và dựa vào sự tu hành của mình, Bồ-tát phải tùy theo loại chúng sanh mà thành tựu quả đức tiếp dẫn chúng sanh và trang nghiêm tịnh độ.

Ngắn gọn: phát tâm bồ đề, tu từ bi hỷ xả, lục độ, tứ nhiếp... thực hiện mọi hạnh công đức của Bồ-tát, đều nhằm thành tựu việc gieo nhân tịnh độ. Và trong Kinh Duy Ma Cật cũng có nói: Trực tâm là tịnh độ Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, không tuyên truyền lôi kéo chúng sanh đến sống ở tịnh độ của mình. Thâm tâm là tịnh độ Bồ-tát... Trực tâm, là lòng ngay thẳng, Bồ-tát phải lấy đó làm pháp môn, lấy đó để hóa độ chúng sanh; tức là hãy tiếp dẫn những chug sanh không có tâm hiểm độc, thúc đẩy họ vươn lên, và hoán cải cái tâm hiểm độc của chúng sanh thành cái tâm ngay thẳng. Những chúng sanh không có tâm hiểm độc đã kết pháp duyên với Bồ-tát, cũng như những chúng sanh tu lục độ vạn hạnh, được Bồ-tát vời đến để góp tay vào việc trang nghiêm tịnh độ, đến khi Bồ-tát thành Phật, thì họ cũng sẽ về sống nơi quốc độ ấy.

Như vậy, thực hiện tịnh độ là công trình chung của người tiếp dẫn và người được tiếp dẫn: Bồ-tát là người dìu dắt, gợi mở; cùng với những người đồng hành đồng nguyện kết thành bạn lữ, hòa hợp thành một khối, cùng tu phước huệ và cùng nhau xây dựng nên tịnh độ; từ đó, cùng với những chúng sanh khác triển chuyển thức đẩy nhau, mở ra một con đường với nhiều phương tiện, hay một khung cảnh thuận lợi cho việc tiến đạt đạo quả. Theo thuyết Phật, Tịnh độ đó là y báo của Phật hay cõi Phật tự thụ dụng. Theo thuyết Bồ-tát, đó là tịnh độ mà Bồ-tát đã nhờ nơi sức tu hành của mình của mình cảm háo được những chúng sanh có duyên với mình để cùng nhau tạo dựng nên.Đấy là ý nghĩa chân thực của Bồ-tát thừa. Không biết trang nghiêm tịnh độ, không biết tịnh độ từ đâu có, mà chỉ biết cầu sanh tịnh độ, thì đó chỉ là việc coi tịnh độ như là thiên đàng hay thiên quốc của các tôn giáo thần khải. Thật đáng tiếc!

Kinh Duy Ma Cật (quyển hạ) viết: Bồ-tát thành tựu tám pháp, không làm điều thương tổn ở thế giới này [thì chắc chắc, dù không cầu, vẫn] sẽ sanh về cõi tịnh độ. Tám pháp ấy là: 1/ Làm lợi lạc cho chúng sanh mà không mong cầu báo ơn, hoàn toàn xuất phát từ lợi ích của chúng sanh, không tính toán cho mình. 2/ Thay tất cả chúng sanh, nhận lấy mọi khổ não; mọi công đức thực hiện được đều đem bố thí hết, để cầu phúc lạc cho hết thẩy chúng sanh. 3/ Dùng tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, khiến chúng sanh được ngôi bình đẳng. 4/ Đối với hành giả tu theo pháp môn Bồ-tát thừa, thì coi như Phật, khởi tâm tôn kính. 5/ Đối với các kinh thâm áo chưa từng nghe, nghe xong không nghi ngờ, không sanh tâm bài báng chê bai. 6/ Cũng không cho đường mình tu là pháp môn "đại thừa", là thâm thúy vi diệu hơn pháp môn ‘tiểu thừa’ (hay Thanh văn thừa), tức là cần phải thật sự thông hiểu Phật pháp, biết lãnh hội chỗ tinh túy của mỗi pháp môn. 7/ Không đố kỵ đối với người khác được quý dùng. Khi mình được lợi dưỡng, không vì thế mà tỏ ra kiêu ngạo, phóng dật. 8/ Luôn luôn tu tỉnh sai lầm của bản thân, không nói điều thiếu sót của người khác, một lòng cầu mọi công đức. Tám pháp đó là đạo chính thường, đối với mình (tự lợi) và đối với người (lợi tha). Nếu theo đó mà tu thì dù không cầu sanh tịnh độ cũng chắc chắn sẽ vãng sanh tịnh độ.

Kinh Trừ các chướng Bồ-tát sở vấn viết: Bồ-tát nếu tu được mười pháp, thì được sanh về Quốc độ thanh tịnh của Phật. Mười pháp ấy là: Giới thành tựu, hành tâm bình đẳng, thành tựu thiện căn quảng đại, xa rời danh vị cùng lợi dưỡng thế gian, tịnh tín đầy đủ, tinh tấn, thiền định, tu tập nghe nhiều, lợi căn, hàng động từ tâm. Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã, Kinh Bảo Vân, Kinh Bảo Vũ, đều có nói mười pháp đó; và đều quy kết rằng: thành tựu thiện căn quảng đại đúng là bí quyết trọng yếu để vãng sanh tịnh độ. Hay, nói chung: các pháp nêu trên là món tư lương cần có để vãng sanh tịnh độ; mà pháp môn tịnh độ là thường đạo của Bồ-tát; hành trì các pháp trên, Bồ-tát không cầu sanh tịnh độ mà tự nhiên được sanh về tịnh độ.

 V. Các loại tịnh độ

Như đã nêu trên, Tịnh độ là cõi thanh tịnh, cõi trang nghiêm tịnh diệu; tư tưởng Tịnh độ quán triệt toàn bộ Phật pháp, là chỉ hướng của mọi tông phái, và Bồ-tát thừa chỉ đặc biệt phát huy nó mà thôi. Tuy nhiên, nó có nhiều kiểu, nhiều dạng, thể theo quan điểm của mỗi tông phái. Có thể chia làm ba loại: cõi chung cho cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát (tam thừa) và cõi riêng của Bồ-tát thừa.

1. Cõi chung cho ngũ thừa - Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Người, Trời: Đây là quan niệm không phải riêng của Phật pháp. Mọi người trong thế gian nói chung đều có thể có tư tưởng tịnh độ. Người Ấn Độ (cả Sanskrit lẫn Pâli) đều thừa nhận có một Uttarakuru (Hán âm là Uất –đầu-la-câu-lô, vừa có nghĩa là Bắc Câu-lô châu, một trong bốn châu, vừa có nghĩa là nơi "phước lạc vô thượng"). Ở Trung Quốc, đạo Nho cũng truyền bá một cảnh giới tương tự.

 2. Cõi chung cho tam thừa – Thanh văn, Duyên Giác, Bồ-tát: là cõi Tịnh độ Đâu-suất, của riêng Phật giáo, mà Kinh điển của Phật giáo Thanh văn cũng có nhắc tới. Theo Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu (Trung Bộ 123 – tạng Pâli, tương ứng với Kinh Vị Tằng Hữu Pháp bên Trung A-hàm 32 – tạng Sanskrit): trước khi giáng sanh xuống cõi nhân gian nhập vào mẫu thai để trở thành Thái tử Tất-đạt-đa (Sidhârtha). Tối hậu thân bồ-tát của Đức Thích Ca đã trú ngụ cùng với Thiên chúng ở cõi trời Đâu Suất. Ở đây Ngài đã thường xuyên thuyết pháp cho Thiên chúng và các bậc Thánh nghe. Và Hoàng hậu Maya, mẹ sanh của Thái tử Tất Đạt Đa, sau khi mạng chung cũng sanh về cõi này. Trong Thiên Cung Sự (Vimana Vatthu, tạng Pâli), Thiên cung được mô tả như là cõi trời cực kỳ trang nghiêm, có Tối hậu thân Bồ-tát thuyết pháp, là nơi tốt nhất trong các cõi trời khác. Kinh Di Lặc Thượng Sanh có nói rõ về tính trang nghiêm đặc biệt của Tịnh độ này, để khuyến khích mọi người tu hành và nguyện sanh về đó. Và nay Tối hậu thân Bồ-tát của Phật Di Lặc, đang trú ngụ và thuyết pháp ở Tịnh độ Đâu Suất (nên cũng gọi là Tịnh độ Di Lặc), cũng sẽ giáng sinh, để thực hiện Tịnh độ nhân gian – đây là mục tiêu ngưỡng vọng của mọi Phật tử; và Ngài sẽ giáng sinh thế nào? Kinh Di Lặc Hạ Sinh có giải thích tỉ mỉ.

Ngoài Tịnh độ Di Lặc, Kinh Chính Pháp Niệm Xứ, liên quan đến Nhất thiết hữu bộ (Sarvâstivâda), còn nói đến cõi trời Dạ Mạ (Yama) có Bồ-tát Thiện Thời Nga Vương thường xuyên thuyết pháp cho Thiên chúng. Nơi Thiên cung thanh tịnh lại có Bồ-tát thuyết pháp, mà, về mặt tư tưởng cũng giống như của Bồ-tát Di Lặc thuyết pháp ở cõi trời Đâu Suất. Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahâyana-samparigraha-sâstra, của Mã Minh – Asvaghosa, Việt dịch – Trí Quang) có dẫn một đoạn, truyền thuyết cho là của Đại chúng bộ (Mahâsâmghika), nói rằng: Như Lai Thanh Nhã, ở cõi trời Nhị thiền sắc giới – Quang Âm thiên (Âbhassara) đã thuyết pháp để giáo hóa cho các Bồ-tát và vô số đại chúng Thanh văn, trong vô lượng trăm ngàn đại kiếp. Giáo điển Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) cũng nói rằng: Ở phía đông bắc của cõi này, có Nan Thắng Như Lai thuyết pháp. Trong Tăng Nhất A Hàm, có nói ở phía đông cõi này có Kỳ Quang Như Lai thuyết pháp; Mục Kiền Liên, bằng thần thông của mình, đã đến chỗ ấy – tích này cũng thấy trong giáo điển của Phật giáo phát triển. Điều này chứng tỏ rằng Phật giáo Thanh văn có tư tưởng về Thiên cung và các cõi Phật ở nơi khác; tức là, theo họ, bên cạnh cõi nhân gian uế nhiễm, còn có các cảnh giới thanh tịnh, ở đó có Phật và Bồ-tát thường xuyên thuyết pháp.

1.Cõi riêng của Bồ-tát thừa – chỉ thấy trong Giáo điển Bồ-tát thừa: Tịnh độ riêng của Bồ-tát thừa thì nhiều vô số. Ở đây, chúng ta có thể phương tiện trình bày thành bốn loại, thể theo mức độ sâu cạn về tu hành (kinh văn không phân chia rành rọt như vậy):

a. Cõi chung cho cả Thánh lẫn phàm; cũng là chung cả cho ngũ thừa.

b. Cõi chung cho cả Thanh văn và Bồ-tát; cũng là chung cả cho tam thừa. Ở đây có cả Thanh văn, Bích chi Phật, Đại Bồ-tát do ý sanh, không có phàm phu. Tông Thiên Thai gọi đó là cõi "Phương tiện hữu dư". Kinh Pháp Hoa cũng nói: hàng Thanh văn đạt được Quả Bất lia, nhập về một quốc độ khác và thành Phật luôn tại đó; quốc độ khác này chính là "cõi ý sanh thân"; và theo Kinh Lăng Già, thì đó là cõi Tịnh độ của "dữ hữu tâm địa Bồ-tát" – các Bồ-tát có đủ công hạnh, đạt được Tam muội nên có thể dụng ý sanh thân.

c. Cõi của chư Phật và chư Đại Bồ-tát; tức là chỉ riêng cho Bồ-tát thừa, không có Thanh văn Duyên giác. Tông Thiên Thai gọi đây là cõi trang nghiêm thực báo; Kinh Mật Nghiêm gọi là Tịnh độ Mật nghiêm – mật, vì không thể nghĩ bàn; và trang nghiêm, vì là cõi của chư Phật và chư Đại Bồ-tát.

d. Cõi lui tới của chư Phật đã chứng quả. Trong Kinh Nhân Vương có nói: Tam Hiền Thập Thánh cư quả báo, duy Phật nhất nhân đăng Tịnh độ. Còn được gọi là cõi Pháp tính; tông Thiên Thai gọi đó là Tịnh độ Thường Tịch Quang.

Và dưới đây, chúng ta chỉ lượt qua ý nghĩa của Tịnh độ Di Lặc.

 VI. Tịnh độ di lặc

Như trên đã nói, trước khi giáng sinh xuống cõi nhân gian nhập vào mẫu thai để trở thành Thái tử Tất Đạt Đa, tối hậu thân Bồ-tát của Đức Thích Ca đã trú ngụ và thường xuyên thuyết pháp cho Thiên chúng cùng các bậc Thánh ở cõi trời Đâu Suất; và Hoàng hậu Maya, mẹ sanh của Thái tử Tất Đạt Đa, sau khi mạng chung cũng sanh về cõi này. Đây là cõi Tịnh độ chung cho tam thừa Phật giáo, mà một số Kinh nguyên thủy cũng như phát triển có nói đến, và mô tả như là cõi trời cực kỳ trang nghiêm thanh tịnh. Tối hậu thân Bồ-tát của Phật Di Lặc, cũng đang trú ngụ và thuyết pháp ở Tịnh độ Đâu Suất này, và cũng sẽ giáng sinh để thực hiện Tịnh độ nhân gian.

Nói đến Phật A Di Đà, Phật Vô Lượng, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, là nói đến hình ảnh mặt trời lặn mà không mất, chỉ khuất bóng ở phương này để rồi tỏa chiếu ở phương kia, là nói đến tính vĩnh hằng vượt thời gian, hay tính thường tại từ kiếp này đến kiếp sau, từ cõi này đến cõi khác, của Minh tuệ vô lượng, của Phật quả cứu cánh. Nghĩ đến Phật Di Lặc, Phật của lòng từ, chúng ta nghĩ đến tâm cảnh tĩnh lặng của bậc Thánh giả, được biểu tượng qua hình ảnh bầu trời đêm trong trẻo thanh tịnh, nơi ấy có mặt trăng tròn đầy, ví cho lòng Từ ái, tỏa ánh sáng thâm trầm mát mẻ để xoa dịu chúng sanh, đưa chúng sanh ra khỏi những âu lo hãi sợ mà chúng sinh phải đối diện khi còn đang đắm chìm trong màn tối tăm (vô minh) dày đặc của tâm cảnh con người hiện sống ở cõi đời ô trọc này.

Vô minh là gốc của mọi cái biết sai lạc (tà kiến), dẫn đến mọi thứ chấp thủ, ái dục, tham đắm, sân hận..., rồi từ đó sanh ra biết bao cảnh khổ do mỗi người tạo ra cho chính mình, cho đồng loại và cho muôn loài thực và động vật khác; cũng là đưa đến tình trạng con người không còn biết mình là người, tha hóa trong những tư tưởng và hành động nguy hại xuất phát từ tâm trạng bất an đầy sân hận, làm cho môi trường sống của muôn loài bị hủy hoại và cảnh sống thế gian trở thành một trường tranh đoạt đầy vị kỷ. Bất an, sợ hãi, sân hận, vị kỷ, chỉ là những biểu hiện khác nhau của cùng một căn bệnh tha hóa của con người; chữa trị căn bệnh này, thiển nghĩ, chỉ có thể phải bằng lòng Từ – mỗi người tu tập lòng Từ, phát triển lòng Từ, thể hiện lòng Từ và hoằng dương lòng Từ.

Nhiều học giả thượng trí thuộc nhiều lãnh vực khác nhau của thời đại đã biết rằng: 1/ con người thời đại là con người đã phát triển cao khía cạnh lý trí, mà năng lực của lý trí là phân tích, đưa đến cái nhìn chia chẻ chuyện biệt, mầm mống của phân tranh; 2/ con người thời đại, muốn được cân đối, phải phát triển tình yêu, là tiếng nói của con tim, thuộc thế giới tình cảm, có khả năng kết hợp; 3/ nhưng vì còn chấp ngã, nên tình yêu của người thế gian là tình yêu vị kỷ, tình yêu chiếm hữu, mầm mống khác của mọi tranh chấp; 4/ từ đó, đã nói lên tầm quan trọng của việc phải làm sống dậy, xây dựng lại và phát triển "tình yêu vô ngã" (vô vị kỷ), cách nói khác của lòng Từ hay lòng Từ bi của nhà Phật, thuộc lãnh vực tâm linh, siêu vượt mọi ý tưởng chấp ngã, để làm nền tảng đạo lý cho việc phục hồi ý thức người, phục hồi cảnh sống người, chuyển hướng cái xã hội đang ngày càng lún nhanh vào con đường băng hoại.

Theo Phật pháp, cõi thế gian chúng ta đang sống thuộc về cõi Dục, là kết tinh của Dục; và mỗi chúng ta sanh ra ở cõi thế này là do dục nghiệp được kết thành bởi chính bao nhiêu việc làm vị kỷ của mỗi chúng ta trong quá khứ. Dục nghiệp này vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của căn bệnh vị kỷ sân hận sợ hãi; muốn dứt trừ hay muốn chuyển hóa chúng Kinh Phật, nguyên thủy cũng như phát triển, đều nói rằng không có gì hiệu quả hơn là tu tập và phát triển lòng Từ ái, cũng là "tình yêu vô ngã". Toàn bộ giáo thuyết Bồ-tát thừa cũng đặt nền trên việc gọi là phát tâm bồ đề: nguyện thành Phật để cứu độ chúng sinh – một Đại nguyện siêu ngã, vô vị kỷ. Và, không phải vô cớ mà Kinh Phật dạy rằng Phật Di Lặc, Phật của lòng Từ, sẽ giáng sanh để tiếp nối công trình hoằng pháp độ sanh của Phật Thích Ca, chuyển hóa cõi sống thế gian này thành Tịnh độ – một Tịnh độ được xây dựng trên nền tảng của lòng Từ.

Trên mặt sự, có thể tóm tắt rằng: 1/ Người tu theo Tịnh độ Di Đà, vì chỉ coi trọng phần phát triển lòng tin (tín) trên đức hạnh viên mãn của Phật, dễ dẫn người tu đến chỗ thụ động, chỉ biết niệm danh hiệu Phật (hành) để cầu vãng sanh (nguyện), mà quên đi phần tu tuệ và phần trang nghiêm tịnh độ; 2/ Tịnh độ tây phương lấy hình ảnh mặt trời lặn để biểu thị cho tính vĩnh hằng (lặn mà không mất, để rồi sẽ mọc lại ở phương Đông), cho sự viên mãn phúc lạc của vô lượng quang, vô lượng thọ, nhưng do bị biến chất mà pháp môn Tịnh độ Di Đà trở thành pháp môn học chết; 3/ Tịnh độ A Di Đà, vì là Tịnh độ ở phương khác, dễ bị hiểu lầm là trốn tránh hiện thực. Trong khi Tịnh độ Di Lặc là Tịnh độ ở chính cõi đời ô trọc này.

Nhưng ở mặt lý, Tịnh độ Di Đà và Tịnh độ Di Lặc có quan hệ mật thiết lẫn nhau: Tịnh độ A Di Đà, vì là tiêu biểu cho Phật quả, cho Thanh tịnh cứu cánh, là điểm đến của Đạo Phật, là lý tưởng tối hậu của mọi thực hành Chánh pháp; và Tịnh độ Di Lặc chính là hành trình thực hiện lý tưởng đó, cũng là phương cách thực hành Chánh pháp của Bồ-tát đạo. Và Kinh Chánh Pháp Hoa nói: Khi sắp thọ chung, được thấy ngàn Phật (của Hiền kiếp), không đọa vào đường ác. Do đó, thọ chung sanh về cõi trời Đâu Suất.

Thấy ngàn Phật của Hiền kiếp cũng là thấy Phật A Di Đà, vì Phật A Di Đà là một đặc thù hóa của chư Phật mười phương của Hiền kiếp. Và, sanh về cõi trời Đâu Suất là để được tu học bênh cạnh vô số Thiện tri thức và Thiên chúng ở đó, dưới sự chủ trì của Bổ Xứ Bồ-tát Di Lặc, để rồi cùng với Tối hậu thân Bồ-tát của Phật Di Lặc trở lại mà trang nghiêm cõi thế này. Chuyển hóa thế gian thành một Tịnh độ. Đây hẳn phải là mục tiêu mà mọi Phật tử đều hướng về, là nội dung đích thực của mọi hành nguyện Bồ-tát, và cũng là chỉ hướng cho mọi việc làm có trí tuệ của con người thời đại.

-ooOoo-

Source: Buddhism Today, http://www.buddhismtoday.com


[Trở về trang Thư Mục]