BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Pháp Giảng Giải

Đại Trưởng Lão U Thittila
Tỳ kheo Pháp Thông dịch

Nguyên tác: "Essential Themes of Buddhist Lectures",
Venerable Sayadaw Ashin U Thittila


Bài 25:

CÁC CẤP ÐỘ THANH TỊNH VÀ TUỆ

Bảng tóm tắt này có thể giúp hành giả đối chiếu các cấp độ phát triển khác nhau đã nêu ra ở đây, với những kinh nghiệm cá nhân của hành giả. Từ đó hành giả có thể tự mình xác quyết cấp độ nào mình đã đạt đến liên hệ tới sự thuần thục của trí tuệ nội quán.

Trình tự tu tập thiền quán niệm xứ (Sapipatthàna vipassanà) của bất cứ hành giả nào cũng sẽ phải trải qua các cấp độ khác nhau của:

A. Bảy bước thanh tịnh (Visuddhi); và
B. Mười bảy tuệ minh sát (Vipassanà nàna).

Các cấp độ khác nhau của bảy bước thanh tịnh (Visuddhi) được liệt kê trong phần A, mười bảy tuệ minh sát (Vipassanà nàna) được liệt kê ở phần B.

A1. Giới thanh tịnh (Sìla visuddhi):

Cấp độ này được đạt đến nhờ giữ nghiêm ngặt giới luật mà Ðức Phật đã ban hành cho người tại gia và xuất gia.

A2. Tâm thanh tịnh (Citta visuddhi):

Cấp độ này được đạt đến khi sự chú tâm hay quán chiếu của hành giả chuyên nhất vào đề mục hành thiền không bị dao động.

B1. Tuệ phân tích danh sắc (Nàma -Rrùpa pariccheda nàna):

Trong khi hành thiền (quán chiếu), vấn đề trở nên rõ ràng là chỉ có hai tiến trình, tâm và thân (hay danh và sắc), như vậy cấp độ tuệ thứ nhất đã đạt được.

A3. Kiến thanh tịnh (Ditthi visuddhi):

Ngay khi hành giả hiểu rõ được các hoạt động đa dạng của thân là một, và cái biết được những hoạt động này là điều khác, cũng như hành giả biết rằng không có thực thể nào khác ngoài hai điểm chính này, lúc đó hành giả đã đạt đến kiến thanh tịnh.

B2. Tuệ thấy rõ nhân quả (Paccaya pariggahanàna):

Trong lúc hành tiền, hành giả ghi nhận được nhân đi trước và quả tiếp theo sau, như vậy cấp độ tuệ thứ hai đã đạt đến.

A4. Ðoạn nghi thanh tịnh (Kankhàvitarana visuddhi):

Khi hành giả đã ghi nhận rõ tiến trình nhân trước - quả sau trong lúc hành thiền, hành giả lấy làm thoả rằng chỉ có hai yếu tố này hiện hữu trong quá khứ, và cũng chỉ có chúng hiện hữu trong tương lai. Như vậy, hành giả đã nhận thức một cách rõ ràng tiến trình nhân - quả và đạt đến cấp độ đoạn nghi thanh tịnh.

B3. Tuệ thấy rõ Vô Thường, Khổ, Vô Ngã (Sammasana nàna):

Trong lúc hành thiền, hành giả ghi nhận các đối tượng cứ tiếp nối nhau xuất hiện rồi biến mất; nhờ vậy hành giả hiểu rõ bản chất thực sự của vô thường, khổ và vô ngã. Do vậy, hành giả đạt đến cấp độ tuệ thứ ba này.

B4(1). Tuệ sanh diệt (Udayabbaya nàna), giai đoạn khởi đầu:

Khi hành giả khéo tiến bộ trong việc thực tập thiền minh sát, hành giả có thể hành thiền trên những đối tượng theo yêu cầu mà không tốn nhiều nỗ lực. Ở giai đoạn này hành giả thường thường thấy một hào quang (Obhàsa), cảm giác rùng mình vì vui thích (Pìti: phỉ lạc), khinh an (Passadhi), quyết tâm (Adhimokkha), tinh tấn mãnh liệt (Paggaha), lạc (Sukha), tuệ giác thâm sâu (Nàna), chánh niệm vững chãi (Upatthàna), xả (Upekkhà) và một sự tham muốn nhẹ nhàng đối với trạng thái này (Nikanti). Hành giả cũng dễ dàng ghi nhận các đối tượng thiền quán về cách thức nó sanh khởi và biến mất như thế nào. Như vậy, hành giả đã đạt đến giai đoạn đầu của tuệ sanh diệt thứ tư.

A5. Ðạo, phi đạo tri kiến thanh tịnh (Maggàmagga nàna dassana visuddhi):

Nghĩa là thanh tịnh nhờ phân biệt con đường (Ðạo) chân chánh và con đường nào không chân chánh. Ở giai đoạn này một sự phân biệt rất minh triết khởi sanh như vầy: "Chỉ đơn thuần suy nghĩ đến sự kiện thấy hào quang và cảm nhận những trạng thái đặc biệt khác, thấy như vậy rồi tự mình thoả mãn với nó, đâu phải là sự thành tựu chân thực, ta phải tiếp tục việc hành thiền không ngừng nghỉ". Khi đã quyết định như thế, hành giả đạt đến cấp độ đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh.

B4(2). Tuệ sanh diệt (Udayabbaya nàna) giai đoạn cuối:

Trong khi tiếp tục việc hành thiền của mình không còn suy nghĩ nữa, hành giả có thể quan sát một cách rõ ràng sự khởi đầu và chấm dứt của mỗi đối tượng thiền quán (thân, thọ, tâm, pháp). Như vậy hành giả đã đến giai đoạn cuối của tuệ sanh diệt thứ tư.

A6. Ðạo tri kiến thanh tịnh (Patipadànàna dassana visuddhi):

Từ giai đoạn cuối của cấp độ tuệ thứ tư (Udayabbayanàna: sanh diệt tuệ), đến tuệ thuận thứ (anulomanàna) cấp độ tuệ thứ 13, hành giả hiểu biết rõ ràng pháp hành chân chánh, nghĩa là hành giả đã đạt đến tri kiến hiểu biết Ðạo Thanh Tịnh.

B5. Tuệ diệt (Bhanga nàna):

Tiếp tục hành thiền, hành giả nhận thức sâu sắc được sự kiện rằng đối tượng và sự tỉnh thức (awareness) luôn luôn biến mất (diệt). Như vậy, hành giả đã đạt đến tuệ diệt thứ năm.

B6. Bố uý tuệ (Bhaya nàna) hay trí quán sự kinh sợ của hiện hữu:

Tiếp tục hành thiền, hành giả nhận thức rõ rệt được sự kiện rằng các đối tượng và trạng thái luôn luôn biến mất (diệt), như vậy bản chất của chúng dễ tiêu hoại, từ đó hành giả cảm thấy kinh hãi và hoảng sợ khi thấy trạng thái thực của các pháp. Do vậy, hành giả đạt đến bố uý tuệ thứ sáu.

B7. Quá hoạn tuệ (Àdìnava nàna):

Tiếp tục hành thiền, hành giả nhận thức được rằng các đối tượng và trạng thái luôn luôn diệt mất. Vì vậy, bản chất của nó thật dễ tiêu hoại, hành giả cảm thấy nhàm chán hay ghê sợ khi thấy trạng thái thực của các pháp. Ðến đây hành giả đạt được tuệ quá hoạn thứ bảy.

B8. Vô dục tuệ hay yếm ly tuệ (Nibbidà nàna):

Tiếp tục hành thiền, hành giả do nhận rõ sự kiện rằng các đối tượng và trạng thái luôn luôn diệt mất, vì vậy bản chất của nó thật dễ tiêu hoại, hành giả cảm thấy chán nản đối với trạng thái thực của các pháp. Như vậy, hành giả đạt đến yếm ly tuệ hay vô dục tuệ thứ tám.

B9. Dục thoát tuệ (Muncitukam yatànàna):

Tiếp tục hành thiền, hành giả nhận thức rõ sự kiện rằng các trạng thái đều phải diệt, và hệ quả tất nhiên là đau khổ. Do thấy bản chất dễ tiêu hoại này, ước muốn thoát khỏi khởi sanh. Như vậy, hành giả đạt đến Dục thoát tuệ thứ chín.

* Giải thích thêm: Tuệ Quá Hoạn về ý nghĩa cũng như hai tuệ Bố Uý và Vô Dục. Do vậy, Cổ Ðức nói: "Tuệ Bố Uý chỉ có một nhưng ba tên khác nhau; Tuệ ấy thấy các hành là kinh khủng nên gọi là Tuệ Bố Uý. Nó làm khơi dậy tướng nguy hiểm trong các hành ấy, nên gọi là Tuệ Quá Hoạn. Nó trở thành vô dục đối với các hành ấy, nên gọi là Tuệ Vô Dục".

B10. Tuệ giản trạch (Patisankhà nàna):

Do thấu triệt các sự kiện trên mà hành giả thực hiện một nỗ lực đặc biệt và tiếp tục hành thiền để thành tựu sự thoát ly. Như vậy, hành giả đạt được cấp độ tuệ giản trạch thứ 10.

B11. Tuệ xả hành (Sankhàrupekkhànàna):

Tức là xả ly các pháp hữu vi, giờ đây hành giả ở trong trạng thái quân bình hay xả và tiếp tục việc hành thiền của mình một cách tự động. Như vậy, hành giả đạt đến cấp độ tuệ xả hành thứ 11.

Sáu tính chất của tuệ xả chấp các pháp hữu vi (xả hành tuệ: sankhàrupekkhànàna):

1) Vắng mặt sự sợ hãi và lạc thú.
2) Hoàn toàn thản nhiên trước hạnh phúc hay đau khổ.
3) Việc hành thiền thường thường tiến triển một cách tự động, không cần dụng công nhiều.
4) Trạng thái xả hay quân bình trong lúc hành thiền kéo dài một thời gian khá lâu.
5) Việc hành thiền càng lâu thì tâm càng trở nên vi tế hơn.
6) Tâm không lang thang đến các đối tượng khác mà chú tâm kiên định hơn.

B12. Tuệ xuất khởi - hay tuệ vượt thoát khỏi các khổ thú và các pháp hữu vi - dẫn đến đạo (Vutthà nagàmini nàna):

Từ trạng thái hành thiền kiên cố này, sự tiến triển tăng nhanh một cách rất rõ rệt, và hành giả lúc này đã có một tri kiến rõ ràng về nơi mà vị ấy sẽ đi đến. Như vậy, hành giả đạt đến tuệ xuất khởi thứ mười hai.

B13. Tuệ thuận thứ (Amuloma nàna):

Trong các trạng thái phàm tâm này, giai đoạn cuối của tuệ là tuệ thuận thứ. Như vậy, hành giả đã đạt đến tuệ thứ 13.

B14. Tuệ chuyển tánh (Gotra bhùnàna):

Tuệ vượt qua những trói buộc thế gian. Việc bước vào thánh đạo (Ariyamagga), trong sự chuyển tiếp gay go ở giai đoạn cuối của phàm tuệ, là tuệ vượt qua những trói buộc thế gian (chuyển tánh), và đánh dấu một tiến bộ đặc biệt chuyển sang trạng thái siêu thế. Như vậy, hành giả đã đạt đến cấp độ tuệ thứ mười bốn.

Ðây là giai đoạn chuyển tiếp giữa phàm và thánh hay giữa hiệp thế và siêu thế.

NHẬP LƯU THÁNH QUẢ (SOTÀPANA)

B15. Ðạo Quả tuệ (Maggaphala nàna):

Trạng thái sát trừ các phiền não, và trí thấy rõ đạo và quả (đạo quả tuệ) là sự thực chứng của việc diệt tận mọi pháp hữu vi. Như vậy, hành giả đạt đến trí kép thứ 15, trí thấy rõ đạo và trí thấy rõ quả (đạo quả tuệ).

A7. Tri kiến thanh tịnh (Nànadassana visuddhi):

Tuệ kép đã hoàn tất tri kiến thanh tịnh bằng sự nhận thức rõ Niết Bàn và liễu tri Tứ Thánh Ðế.

B16. Tuệ phản khán (Paccavekkhàna nàna):

Hành giả sau đó duyệt xét lại toàn bộ tiến trình hành thiền, làm thế nào mình đã đạt đến giai đoạn này và bằng cách nào để có thể quay trở lại (đạo quả tuệ). Như vậy, hành giả đã đạt đến cấp độ tuệ thứ 16.

B17. Quả tuệ lặp lại (Phala sàmpatti):

Hành giả một lần nữa tiếp tục việc hành thiền của mình. Khi hành giả tập trung với đủ sức mạnh, hành giả lại chứng đạt trạng thái quả tuệ như trước. Theo pháp này hành giả có thể tái tục lặp đi lặp lại nhiều lần trạng thái quả tuệ nếu muốn.

NHỮNG PHẨM CHẤT ÐẶC TRƯNG CỦA MỘT VỊ NHẬP LƯU (SOTÀPANNA ANGAMI)

Trong Dhammadàsa sutta (Pháp Kính Kinh) Ðức Phật có đề cập bốn phẩm chất đặc trưng chủ yếu của một bậc Nhập Lưu thánh đạo (tức vị Tu Ðà Hoàn). Sở dĩ kinh này được gọi là gương (kính) soi vì bất luận ai, bằng vào tuệ quán thuần thục có được những phẩm chất này, có thể yên trí rằng mình đã đạt đến đạo quả đầu tiên là Tu Ðà Hoàn (Sotàpanna).

Bốn phẩm chất này là:

1) Vị ấy có niềm tin bất động nơi Ðức Phật, bởi vì giờ đây vị ấy đã hiểu được những phẩm chất cao quý của một vị Phật.

2) Vị ấy có niềm tin bất động nơi Giáo Pháp (Dhamma), bởi vì nhờ nỗ lực một cách nhiệt tâm mà vị ấy chứng ngộ được sự thực cao thượng và thể nhập, cũng như diện kiến một cách minh triết với chân lý.

3) Vị ấy có niềm tin bất động nơi Tăng (Sangha), bởi vì giờ đây vị ấy đã hiểu những phẩm hạnh tuyệt với của họ.

4) Vị ấy giữ gìn ngũ giới (Pancasìla) một cách tự nhiên, vì đó là nền tảng luân lý đáng trân trọng của thánh chúng.

Từ đó vị ấy thoát khỏi tà kiến (Ditthi), vị ấy không còn chấp giữ quan kiến cho rằng các uẩn tạo thành tiến trình tâm và thân này là đàn ông, đàn bà, người hoặc thú v.v...

Vị ấy thoát khỏi mọi hoài nghi (Vicikicchà), vị ấy có niềm tin bất động nơi Ðức Phật, Giáo Pháp và chư Tăng.

Vị ấy thoát khỏi mê tín chấp giữ giáo điều, lễ nghi vô bổ (Sìlabbataparàmàsa: giới cấm thủ), vị ấy hiểu rõ rằng chẳng có pháp hành nào hơn được pháp hành trau dồi Bát Chánh Ðạo, và đạt đến thực tại nội chứng Tứ Thánh Ðế sẽ đem lại an lạc vĩnh cửu.

Vị ấy thoát khỏi tánh ghanh tỵ (Issà) và bỏn xẻn (Macchariya).

Ðức Phật xác nhận trong kinh Pháp Cú là:

"Ðắc quả Tu đà hoàn
Hơn chinh phục nhân gian
Hơn tái sanh thiên giới
Hơn bá chủ trần gian"
. (Pháp cú, 178)

Giờ đây, một điều gì đó chưa từng có trong cuộc đời này, thậm chí mơ cũng không thể, thực sự đã được chứng nghiệm.

- Hết phần Ðịnh -

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Pháp Thông đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2002)

Xem: Nguyên tác Anh ngữ


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 16-08-2002