BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật Pháp Giảng Giải

Đại Trưởng Lão U Thittila
Tỳ kheo Pháp Thông dịch

Nguyên tác: "Essential Themes of Buddhist Lectures",
Venerable Sayadaw Ashin U Thittila


Bài 12:

ÐỐI THOẠI

(NHỮNG PHÁT TRIỂN HƯỚNG ÐẾN
SỰ THỐNG NHẤT ÐẠO CHÚA TRÊN THẾ GIỚI)

T"dialogue" dùng ở đây liên quan đến phong trào hướng về sự thống nhất Ðạo Chúa trên toàn thế giới, điều này nghĩa là cuộc Ðối Thoại hay đàm phán giữa các giáo hội Thiên Chúa riêng rẽ, để dọn đường cho một cuộc đại hoà hợp giữa các giáo hội lại với nhau. Tuy nhiên, theo lá thư đặc biệt hay còn gọi là bức thông tri của Ðức Giáo Hoàng gởi đến các vị Hồng y, giáo sĩ, giáo dân và "đến mọi người có thiện tâm", Ðức Giáo Hoàng hiện này đã đem vấn đề này lên một bình diện rộng lớn hơn chỉ là cuộc đối thoại hướng về sự thống nhất đạo chúa trên toàn thế giới. Vì vậy, bần Tăng cũng nhân cơ hội này đóng góp một số bài về đề tài chung của phong trào thống nhất trên quan điểm của một Phật tử.

Giáo lý do Ðức Phật thiết lập được mọi người biết đến như là Phật giáo, có thể cô đọng lại trong một bài kệ là:

"Không làm các điều ác,
Luôn làm mọi điều thiện
Giữ cho tâm trong sạch
Ðó lời chư Phật dạy". (Pháp Cú)

Nghĩa là, những ý tưởng bất thiện cần phải được loại trừ và những tư tưởng thiện cần được phát huy. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần tránh làm mọi điều ác không thôi thì chưa đủ, cần phải có một nỗ lực cao quý để thay điều ác bằng điều thiện mới đúng lời Ðức Phật dạy. Tất cả những điều này tạo thành tiến trình tự tu dưỡng, và trong tiến trình này mỗi cá nhân qua những ý nghĩ, lời nói và hành động từ ái của mình, sẽ giúp cho những người chung quanh, làm cho họ được an vui. Như vậy, đạo Phật không chủ trương vị kỷ cá nhân, cũng không phải là lối xử thế tiêu cực, mà đích thực đạo Phật là một triết lý năng động, trong đó một hệ thống luân lý và đạo đức được Ðức Phật đề ra đúng theo chuẩn mực. Thực vậy, đạo Phật rất chú trọng đến giới luật, và chỉ có qua giới luật này người ta mới có thể đạt đến sự giải thoát. Chính vì vậy đạo phật có thể bổ khuyết cho mọi tôn giáo khác, và trong thực tế đạo phật đã làm được điều đó. Chẳng hạn như ở Trung Hoa và Nhật Bản, đạo Phật đã bổ túc cho các tôn giáo bản xứ, đạo Phật không loại trừ các tín ngưỡng địa phương mà chỉ đơn thuần khích lệ mọi người thức tỉnh đạo lý, phát huy luân thường và hiểu biết sâu sắc hơn. Về phương diện này, đạo Phật có thể được xem như là một tác nhân của việc đạo đức hoá con người, và là một động lực thúc đẩy nền văn minh nhân loại.

Là một Tôn giáo có nền tảng là giới luật - đạo đức, đạo Phật không cần phải tranh cãi với bất kỳ tôn giáo nào, vì lẽ không một tôn gió nào xứng với danh xưng lại đối kháng với những nguyên tắc luân thường đạo lý, mà điều này được xem là đồng nghĩa với đạo Phật. Chính trên căn bản này mà người con phật luôn luôn sẵn lòng để bước vào cuộc đối thoại chân thực với các giáo hữu của mọi tôn giáo khác, thực sự ra thì hàng Phật tử Thái Lan đã thực hiện bước đầu đi đến vấn đề này rồi.

Một hội nghị giao lưu tôn giáo được tổ chức tại Bangkok (Băng Cốc - thủ đô Thái Lan) dưới sự bảo trợ của Bộ Tôn Giáo Thái Lan vào ngày 26 tháng 10 năm 1964. Hội nghị đã được thủ tướng Thái chính thức khai mạc, ông nói rằng tình hình thế giới hiện nay là vấn đề không tôn giáo nào có thể tự cô lập mình khỏi các tôn giáo khác được. Chính vì tầm quan trọng đó mà mọi người có tôn giáo, dù thuộc bất kỳ tín ngưỡng nào cũng nên đến và làm việc cùng nhau vì sự an toàn và phát triển của cả tôn giáo lẫn xứ sở mình. Ông tin chắc một điều rằng, không có gì phải sợ hãi đối với những con người chân thật, dù họ thuộc tín ngưỡng nào cũng vậy, vì những người này không đe doạ bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Ông nói tiếp, cái mà chúng ta nên sợ là loại người mà bản chất vô đạo, phi luân. Thủ tướng Thái kêu gọi một sự hợp tác chung giữa những người có tôn giáo, yêu cầu họ canh chừng và bảo vệ những giáo hữu cũng như nhân dân của họ chống lại những ý thức hệ chính trị nguy hiểm đang tìm cách huỷ diệt mọi tôn giáo.

Những tôn giáo có đại biểu tham dự tại hội nghị này là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, đạo Sikh và Bà La Môn giáo. Vị chủ toạ buổi hội nghị hôm đó nói rằng mục đích của hội nghị là nhằm cổ động cho sự hợp tác chung giữa các tôn giáo với nhau, đồng thời cũng để cổ vũ cho tình đoàn kết giữa những người có niềm tin nơi tôn giáo, để xây dựng sức mạnh đạo đức và để trao đổi những quan điểm hay ý kiến liên quan đến các vấn đề tôn giáo. Ðề tài của hội nghị là "Religion on the Light of life" (Tôn giáo trong ánh sáng cuộc sống), tại hội nghị này, đại biểu các tôn giáo đã tham gia và tự do bày tỏ quan điểm cũng như ý kiến của mình. Hội nghị thành công to lớn đến mức Ngài Tổng Giám Ðốc (Director General) đã hy vọng sẽ có thể tổ chức một hội nghị tương tự như vậy, trên một quy mô lớn hơn, nếu có thể sẽ mang tính quốc tế và vào một thời điểm nào đó trong năm 1965.

Muốn có một tiêu chuẩn đạo đức thích hợp, nhằm cổ động cho sự hợp tác chung và thúc đẩy tình đoàn kết giữa con người, Phật giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tâm từ (Mettà), đây là một loại tình thương bao la rộng khắp. Tâm từ có ý nghĩa lớn lao hơn cảm tình huynh đệ hoặc lòng nhân ái, mặc dù cả hai điều này là một phần của nó; tâm từ là lòng quảng đại tích cực, một tình thương được biểu lộ và chu toàn trong sứ mạng tích cực nhằm nâng cao tinh thần đồng loại. Ðức Phật dạy: "Ví như người mẹ hiền, suốt đời lo che chở đứa con một của mình, hãy phát tâm vô lượng cùng tất cả chúng sanh..." đây chính là mẫu mực mà con người cần phải có đối với con người.

Tâm từ phải đi đôi với sự giúp đỡ và sẵn lòng từ bỏ ích lợi cá nhân để cổ vũ cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của nhân loại. Chính tâm từ trong Phật giáo là nền tảng cho sự tiến bộ xã hội, và cũng chính tâm từ đã cố gắng phá bỏ mọi chướng ngại ngăn cách giữa người này và người kia. Không có lý do gì để xa lánh kẻ khác chỉ vì họ thuộc tôn giáo khác; bất luận tôn giáo nào xứng với danh xưng đều không giới hạn cho bất kỳ một xứ sở nào hoặc bất kỳ một quốc gia đặc biệt nào, mà nó là của chung. Tôn giáo là sự giáo dục tâm hồn, với quan niệm thanh lọc bản chất của chúng ta và nâng nó lên bình diện con người. Tôn giáo không chỉ là giáo thuyết, mà là thực hành, và tâm chúng ta cũng giống như thân, trở nên lành mạnh và trong sáng là nhờ sự luyện tập thực tế. Không một giáo thuyết nào chỉ đơn thuần nuôi giữ trong tâm như một đức tin tri thức lại có được lực truyền dẫn nào, không có giáo lý nào có giá trị thực sự trừ phi và cho đến khi nó được áp dụng có hiệu quả.

Ðức Phật dạy: "Một tư tưởng hay, một lời nói hoa mỹ nếu không có hành động tương xứng kèm theo, chẳng khác nào một bông hoa rực rỡ nhưng không có hương thơm, như vậy cũng chẳng ích lợi gì". Việc thực hành cuộc sống đạo đức chính là cốt lõi và điều cần yếu của tôn giáo, chính hành động chứ không phải sự suy đoán, và chính việc thực hành chứ không phải là lý thuyết mới đáng kể trong cuộc sống này; ước muốn làm, theo sau bởi hành động làm là đức hạnh chân thực; ước muốn không đáng kể bao nhiêu nếu nó không thực hiện được. Làm thế nào để biến những ý tưởng cao đẹp của mình thành hàng động, mới đích thực là ý nghĩa của tôn giáo.

Thế gian, tự nó như là một cơ thể, tuy rằng vấn đề kết hợp về vật chất và tương hệ lẫn nhau về kinh tế, mặc dù có giá trị rất lớn, một mình nó cũng không đủ để tạo một gia đình hoà hợp, đối với vấn đề này chúng ta đòi hỏi phải có ý thức cộng đồng ở con người, nghĩa là phải có một trách nhiệm hỗ tương quan hệ cá nhân giữa con người với nhau. Khoa học đã chứng minh rằng cấu trúc cơ bản của tâm người là đồng nhất trong mọi chủng tộc, sở dĩ có những khác biệt là do hoàn cảnh lịch sử và các giai đoạn phát triển. Không nhìn nhận tính đồng nhất của thế gian ngày nay trong mọi lĩnh vực của nó, tinh thần cũng như xã hội, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có được sự hoà hợp giữa các tôn giáo.

Ðể dọn đường cho sự hoà hợp tôn giáo này, chúng ta phải nhận thức được tính đồng nhất của thế gian, và hiểu được rằng tất cả chúng ta cùng chung một gia đình. Cuộc sống là một bánh xe khổng lồ chuyển động liên tục. Bánh xe vĩ đại này chứa trong nó vô số những bánh xe nhỏ tương xứng với cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi trong số đó có một mẫu mực riêng của nó. Bánh xe lớn và những bánh xe nhỏ, toàn thế gian và cá nhân mỗi người được liên kết với nhau một cách mật thiết và không thể tách rời ra, đại gia đình nhân loại đan kết vào nhau một cách khắn khít đến độ mỗi đơn vị hay cá nhân đều tuỳ thuộc lẫn nhau để tăng trưởng và phát triển.

Ðể phát huy hết cái tốt trong chúng ta, mỗi người phải cố gắng mô phỏng trong chính cái bánh xe cuộc đời của mình, theo mẫu mực như thế nào đó để hài hoà với mẫu mực của bánh xe vũ trụ. Muốn cho tất cả những bánh xe xoay vần trong sự hài hoà thì mỗi cá nhân phải phát triển được hết cái tốt của mình, điều này có thể có được nhờ thực hiện những phận sự hàng ngày với lòng từ ái, lễ độ và chân thật. Cái lý tưởng được đặt ra trước chúng ta là sự phục vụ hỗ tương và tình huynh đệ thiết thực. Trong mọi ý nghĩ của chúng ta, mọi cảm xúc, mọi lời nói và việc làm của chúng ta, những điều mà chúng ta hành động và phản ứng đối với người khác; trong một ý nghĩa đích thực thì mỗi cá nhân chúng ta phải có trách nhiệm đối với toàn thể cộng đồng.

Con nguời sống cần có nhau, phải học cách thương yêu lẫn nhau, chia sẻ gánh nặng của nhau; sự phục vụ hỗ tương là tiếng gọi bất diệt đối với nhân loại, vì chúng ta đều bị ràng buộc như nhau bởi những mối ràng buộc của con người. Nơi đâu có con người hiền đức, một con người thực sự cao thượng và chánh trực, làm việc vì những động cơ trong sạch và với lòng bi mẫn, bất kể người ấy thuộc tín ngưỡng nào, họ cũng vẫn là người mà hàng Phật tử kính trọng. Vào lúc lâm chung; bất luận niềm tin tôn giáo của anh ta là gì, người Phật tử cũng biết rằng anh ta sẽ thọ hưởng những quả báo xứng đáng cho những việc anh ta làm, trong lần tái sinh mới, điều này không tuỳ thuộc vào đức tin hay những lễ nghi mà lúc đương thời có thể anh đã thực hiện, mà hoàn toàn nhờ vào những công đức hay phước báu do thân, khẩu, ý, những thiện nghiệp anh đã tạo cho những người chung quanh, cái đạo đức mà anh đối xử với mọi người. Anh ta có thể là một người Thiên Chúa, một người Hồi giáo, Ấn Ðộ giáo, Phật giáo, một người hữu thần hay vô thần thì điều đó cũng không làm khác đi được. Trong quy luật nhân quả của vũ trụ, những hành động của người đó sẽ tạo ra thiện quả ở thế gian này cho bản thân họ cũng như cho những người khác, và đúng thời họ cũng sẽ đạt đến đích giải thoát - thực ra mà nói thì họ có thể gần kề mục tiêu giải thoát hơn những người chỉ tự nhận mình là Phật tử suông. Chính trên căn bản này mà Phật pháp rộng mở cho tất cả mọi người thuộc mọi tín ngưỡng khác nhau, và người con Phật sẵn sàng mở rộng vòng tay huynh đệ đối với toàn nhân loại.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Pháp Thông đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2002)

Xem: Nguyên tác Anh ngữ


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 16-08-2002