BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ốc Đảo Tự Thân
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema
Việt Dịch: Diệu Liên - Lý Thu Linh


II. Xây Dựng Nền Tảng

-ooOoo-

Chương 3

Quan Điểm Và Ý Kiến

Bát Chánh Đạo, con đường đi đến giải thoát Niết bàn, bắt đầu bằng Chánh kiến. Vậy chánh kiến là gì? Trong Phạm Võng kinh (Brahmajala-sutra), Đức Phật liệt kê sáu mươi hai quan điểm, tất cả đều là những quan điểm sai lầm vì chúng bị che phủ bởi màu sắc của cái ghét, cái ưa do ảo tưởng về Ngã tạo ra. Đó là điều quan trọng cần ghi nhớ. Quan điểm, ý kiến thường dẩn đến tranh luận, sân hận, lo lắng, sợ hãi, tạo ra kẻ thù, mà chưa chắc rằng chúng đúng. Làm sao chúng có thể hoàn toàn đúng khi chúng ta còn chưa đạt được Giác Ngộ.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không thể có ý kiến hay quan điểm. Nhưng nên nhớ: ý kiến, quan điểm chỉ là những thói quen suy nghĩ của ta về một vấn đề gì đó, những định kiến về thế giới ta đang sống. Chúng ta không thể không có ý kiến, quan điểm nhưng cần nhớ rằng chúng không phải là chân lý tuyệt đối. Do đó, ta có thể chấp nhận quan điểm của người khác, mà không phải đưa đến những cuộc tranh cãi để giành phần thắng về mình. Chúng ta có thể nói: "Đây là quan điểm của tôi, và đó là ý kiến của bạn". Hai quan điểm có thể trái ngược nhau, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải trở nên giận dữ, cãi cọ vì nghĩ rằng chỉ có quan điểm của mình là đúng.

Thí dụ. Có bốn người bạn đi qua một khu rừng, trong bọn họ, có một người là nhà thực vật học. Anh ta đi, tay mang sổ, viết để ghi xuống tên các loại cây, phác họa các dáng cây. Anh tỏ vẻ rất thích thú trong công việc đó. Một người khác lại là người chăm sóc bảo vệ rừng. Anh ta chỉ chăm chú xem những gốc cây nào đã bị hư hoại để anh đốt đi, hầu tránh lan bịnh sang các cây khác. Người thứ ba lại là một nhà bảo vệ môi trường, trong đầu anh phác họa ra những kiến nghị để bảo vệ rừng cho những thế hệ tương lai. Và người thứ tư là một nhà chăn nuôi bò sữa. Trong đầu anh đầy những toan tính xem anh cần phải đốn bao nhiêu cây để làm chuồng cho đàn bò của anh. Cùng một cánh rừng, nhưng mỗi người có một cái nhìn riêng. Nếu mỗi người họ đều cương quyết bảo vệ cho quan điểm của mình là đúng, thì chắc họ sẽ khó là bạn của nhau lâu dài. Mỗi người đều cho quan điểm của mình là đúng, trong khi có bao nhiêu cách nhìn khác nhau về khu rừng, và họ cũng nghĩ rằng họ đúng theo cách nhìn của họ. Thật ra ai cũng có cái lý của mình, nhưng không có ai là hoàn toàn đúng cả. Mỗi quan điểm được tạo nên bởi cái yêu, cái ghét của riêng mỗi người.

Chánh kiến của Đức Phật là Samma ditthi. Chánh kiến là bước đầu trong Bát chánh đạo, nhưng cũng không thể thiếu ở các phần tu tập khác. Là bước khởi đầu, chánh kiến dẩn dắt ta vào con đường đạo, ở giai đoạn cuối cùng, chánh kiến trở thành chánh định, tức là trí tuệ của chân lý tuyệt đối. Nhưng trước khi đến được nấc thang cuối cùng, ta phải tin tưởng rằng tâm cấu uế có thể được thanh tịnh hóa, rằng tất cả những phiền nào, khổ đau không ở ngoài ta, không phải là do lỗi của thế giới bên ngoài. Chánh kiến ban đầu đó là viên gạch lót đường để ta đi vào con đường tâm linh. Giáo lý của Đức Phật chia làm ba phần: sila, samadhi và panna. Sila là giới luật, samadhi là định và panna là trí tuệ. Nhưng Bát chánh đạo bắt đầu bằng trí tuệ như cánh cửa vào các cửa khác.

Một khía cạnh khác của chánh kiến là nghiệp. Tất cả những việc ta làm, nói, nghĩ suy đều tạo ra ảnh hưởng lẫn nhau. Khi ta có ý nghĩ thiện, lời nói lành sẽ theo sau, và từ lời nói lành, sẽ dẩn đến hành động tốt. Nghiệp quả tức thời (vipaka) của những hành động, lời nói, ý nghĩ nầy là sự bình an, hỉ lạc trong tâm, giúp cho sự thiền định của ta được dễ dàng, trái với tâm thiền định trong bất mãn, khổ đau. Thiền định mang lại cho ta sự bình an, hạnh phúc, nhưng ta sẽ không thể tọa thiền nếu như ta ở trong trạng thái tâm khổ đau, bất mãn. Vì chỉ có tâm an lạc mới có thể thực tập hạnh buông xả. Nghiệp quả của tâm ý ta ảnh hưởng rất lớn đến việc thiền quán của ta. Nên nhớ mỗi khi ta có vọng tưởng hay hành động gì, là ta đang tạo ra nghiệp quả cho mình, mà chúng ta thì không ngừng vọng tưởng, nghĩ suy suốt ngày đêm. Cuộc đời đầy những chuyện bình thường. Lâu lâu ta mới gặp phải một vài thăng trầm, biến cố lớn lao. Thường ta chỉ phải trã lời những câu hỏi không quan trọng lắm như: Tôi sẽ phản ứng thế nào trong hoàn cảnh nầy? Giải quyết những đòi hỏi kia ra sao? Làm sao tôi vượt được hoàn cảnh nọ? Tâm tôi đang nghĩ gì? Những suy nghĩ của tôi có ích lợi gì không? Tốt đẹp không? Tất cả những sự lựa chọn nầy, từ sáng đến tối, góp phần tạo ra các nghiệp quả của ta. Dầu chúng không tạo ra những hậu quả trầm trọng, nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến các trạng thái của tâm khiến việc thiền định của ta khó có kết quả. Nên nhớ rằng mỗi lựa chọn của ta đều quan tr?ng vì đó là quyết định của chính ta. Đừng để ta phải làm nô lệ cho những tình cảm của mình hay bị trói buộc bởi các hành động của mình. Sự lựa chọn nào cũng tạo ra nghiệp.

Trong phạm vi của các nghiệp quả, ta chẳng có nhiều sự lựa chọn. Nếu các quyết định của ta càng khôn khéo, thì ta càng có nhiều cơ hội. Nếu muốn việc hành thiền của ta được có kết quả, ta cần phải luôn tỉnh thức trong mọi nghĩ suy, hành động. Chánh kiến giúp ta hiểu rằng ta là chủ nghiệp của mình, rằng các ý kiến của cá nhân ta không thể là chân lý tuyệt đối. Ai cũng có quyền có ý kiến, chỉ nên nhớ không phải lúc nào ta cũng đúng. Nếu biết suy nghĩ như thế, ta sẽ ít xung đột với người khác khi quan điểm, ý kiến của họ không giống ta. Đó là những bước đầu trên con đường đạo. Con đường dẫn ta đến sự thật tuyệt đối về con người mà ta gọi là 'tôi’, với những khó khăn, niềm vui, nổi khổ, hy vọng, ước muốn, hoài ức riêng. Dần dần ta sẽ nhận ra rằng con người nầy có những tình cảm, suy nghĩ hoàn toàn khác với cái nhìn của chánh kiến về nó, vì có quá nhiều phiền não trong tâm trí nó. Muốn có được tâm an lành, ta phải thay đổi bao quan niệm của mình. Và để có thể hiểu rõ được chính mình, ta cần tâm tĩnh lặng, tâm được kiềm chế để có thể xoay chuyển nó ra khỏi những thói quen, định kiến về con người của mình.

Tất cả chúng ta đều có những suy nghĩ về chính bản thân mình - về khả năng, ưu điểm hay khuyết điểm của mình. Tất cả chỉ là những quan điểm, không phải là chân lý tuyệt đối. So với thế giới tương đối ta đang sống, chúng cũng có cái đúng, cái sai. Nhưng trên bình diện tuyệt đối, cái tuyệt đối bao trùm vũ trụ, thì tất cả đều không có nghĩa lý gì. Chân lý tuyệt đối là mọi thứ đều biến đổi (vô thường). Tất cả chúng ta chỉ là hiện thân của những biến đổi không ngừng ở thân, ở tâm. Bốn yếu tố (đất, nước, gió, lửa) đã cấu tạo nên chúng ta, không có yếu tố nào là chánh yếu. Tuy nhiên tâm khó chấp nhận những điều nầy trừ khi thiền định có thể mang lại cho ta những an lạc, hạnh phúc hoàn toàn không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Tâm phiền não không thể nào chấp nhận rằng không có một thực thể nào đó đang hứng chịu những khổ đau.

Có hai cách để hiểu Phật pháp: một cách tuyệt đối hay tương đối. Một cách tương đối là tất cả chúng ta đều phải cố gắng đạt được tâm định. Trên bình diện tuyệt đối, thì chẳng có ai, thực thể nào để cố gắng. Để đạt được trí tuệ tuyệt đối, ta phải dựa vào thực tế tương đối của mình. Nếu tôi không cố gắng, không thể nào tôi đạt được chân lý tuyệt đối. Có giai đoạn của suy tư và nhận thức. Chúng ta sẽ không đạt được mức độ của tâm linh sâu lắng trừ khi ta đã trãi qua giai đoạn đầu.

Ở giai đoạn đầu, chánh kiến chỉ có tính cách tương đối: ta nhận thức được rằng ta có thể tu sửa bản thân, có hiểu biết về nghiệp quả, hiểu biết rằng tất cả mọi quan điễm của ta đều chỉ có giá trị tương đối. Thực hành Bát chánh đạo dần dần sẽ giúp ta đến được mức độ thứ hai, đạt được chân lý tuyệt đối.

Một phần khác của Bát chánh đạo là chánh tư duy. Điều tối quan trọng trên con đường tâm linh là cần phải có sự suy nghĩ đúng. Ban đầu, có thể ta sẽ bắt đầu bằng một mục đích ích kỷ, chỉ quan tâm cho sự giải thoát của chính mình. Ta có thể đã tìm đến Đạo vì một mục đích sai lầm. Nhưng điều đó có thể thay đổi. Qua thực hành, tư duy của ta có thể thay đổi cho phù hợp với đạo pháp.

Đức Phật có người em bà con là ngài A-nan. Ngài A-nan không thể quyết định là nên xuất thế đi tu hay ở lại thế gian lập gia đình như bao người khác. Vì Đức Phật, người anh bà con nổi tiếng của mình, ngài Anan cũng muốn đi tu. Nhưng theo sở thích của mình, thì ngài muốn lập gia đình. Cha mẹ của ngài Anan quá mệt mỏi vì sự lưỡng lự của Ngài. Họ đi hỏi vợ và định ngày cưới gả cho ngài Anan. Đức Phật được mời làm khách danh dự. Sau buổi thọ trai, trước khi đám cưới bắt đầu, Đức Phật nói với Ngài Anan rằng: "Anan, hãy đến, mang bình bát của ta về tu viện". Ngài Anan không dám từ chối, vì Đức Phật là khách mời danh dự, và là người được tôn kính nhất trong họ tộc. Dầu không mấy sẳn lòng, ngài Anan vẫn bưng bình bát theo sau Đức Phật. Khi họ về đến tu viện, Đức Phật bảo ngài Anan ngồi xuống một lát. Ngài Anan trã lời là Ngài rất bận, không thể ở lại. Đức Phật lại hỏi tại sao ngài Anan lại phải vội vã thế. "Bữa nay là ngày cưới của con. Thế tôn đã đến dự tiệc rồi". Đức Phật nói: "Tại sao ngươi muốn lập gia đình? Có gì quan trọng trong việc kết hôn?" Ngài Anan thưa: "Cô ấy rất đẹp. Con thương cô ấy và muốn lập gia đình với cô ấy. Con phải đi đây, bạch Thế tôn". Đức Phật trã lời: "Nếu ngươi ở đây với ta, tu tập theo lời ta chỉ dẩn, ngươi có thể có năm trăm người đàn bà đẹp hơn thế nữa." Ngài Anan hỏi: 'Thật sao?" Đức Phật trã lời: "Đúng vậy". Vì thế ngài Anan đã ở lại tu viện với Đức Phật. Thỉnh thoảng, ông lại đến hỏi Đức Phật: "Năm trăm cô gái đẹp Đức Phật đã hứa với con đâu?" Đức Phật trã lời: "Ta đã nói rồi, khi nào ông tu chứng đắc, ông sẽ được gặp thôi. Giờ thì trở về tu tập thêm". Ngài Anan trở về, tin giữ giới luật, chứng đắc, và không còn hỏi về năm trăm cô thiếu nữ đẹp nữa. Thật ra điều mà Đức Phật hứa với ngài Anan là nếu ông tu hành chứng đắc, ông sẽ được gặp các vị chư thiên đẹp đẽ gấp bao nhiêu lần những người đàn bà đẹp ở thế gian. Rỏ ràng đây không phải là lý do chánh đáng để đi tu, nhưng ở thời điểm đó, đối với ngài Anan thì chỉ có nói thế mới giữ được ông ở lại. Qua bao công phu tu luyện, ông đã thay đổi quan niệm của mình. Tóm lại, ngài Anan đã không có động lực chính đáng lúc ban đầu, nhưng sau đó ông đã đạt được kết quả chánh đáng.

Chánh tư duy phải đi đôi với ý chí gắng công tu tập, trong lúc thiền định cũng như trong đời sống hàng ngày. Hai phần nầy: chánh kiến và chánh tư duy là những bước đầu trên con đường Bát chánh đạo.

Đức Phật so sánh chúng sanh với bốn loại thuyền. Một loại dưới đáy có lổ hổng. Chúng ta muốn chế bao nhiêu nước vào đây cũng được, vì nó lại chảy ra ngay. Đối với loại người nầy, khi họ nghe Phật pháp, họ nghe tai nầy và để ra tai khác. Loại thuyền thứ hai có những vết rạn. Khi ta đổ chánh pháp vào đó, nó từ từ, từ từ rỉ ra cho đến khi trên thuyền lại trống không như lúc trước. Lọai thuyền thứ ba thì chứa nước bẩn thỉu lên đến mạn thuyền. Ta không thể chế thêm nước trong sạch vào đó, vì tất cả đều trở thành là nước tù ao. Chiếc thuyền có ích duy nhất là chiếc thuyền thứ tư, không có lổ hổng, không có vết rạn và hoàn toàn trống không. Sự trống không ở đây không có ý nghĩa tiêu cực, nhưng hàm ý là nói về tâm không lo lắng, sợ hãi hay u phiền, tâm đó rộng mở để đón nhận Phật pháp vào lòng. Tâm đó không chứa đựng các định kiến về con người và thế giới mình đang sống. Nếu những quan điểm, suy nghĩ của ta đã không đem lại hạnh phúc, an bình trong đời sống hiện tại của ta, thì tốt nhất hãy buông bỏ tất cả để làm chiếc thuyền trống mà chở Phật pháp qua sông. Khi tâm đã tràn đầy chánh pháp, ta sẽ dần dần thay đổi cách suy tư để có được chánh kiến.

Khi đã được giác ngộ, giải thoát, có nghĩa là ta không thấy có gì quan trọng nữa. Không có gì đáng để bám chặt, chất chứa trong tâm trí. Khi tâm không có định kiến, nó có thể quan sát sự vật bằng con mắt của đứa trẻ. Thí dụ nếu nhìn một cái cây với tâm định kiến, ta sẽ thấy đó chỉ là một cây trong cái nhìn xưa củ, quen thuộc của ta. Ta không thực sự thấy sự sống trong cây đó. Chúng ta có thể thích nó vì nghĩ là cây mang lại dưỡng khí cho ta, hay không thích vì nghĩ kiến có thể làm tổ trên đó. Có thể ta chăm chút cây vì nó sinh quả cho ta. Hay đốn bỏ cây, vì bóng cây không cho rau cỏ mọc lên, nhưng ta chẳng bao giờ thực sự nhìn thấy nó là gì.

Khi tâm không còn những định kiến, thì ta có thể nhìn thế giới quanh ta dưới một khía cạnh khác. Hoàn toàn khác với bây giờ. Mọi thứ đều luôn thay đổi. Như khi ngồi trên xe lửa, ta có cảm giác như cảnh vật chung quanh ta di chuyển. Thật ra là xe lửa đang chuyển động nhưng ta không thế thấy điều đó. Chúng ta cũng thế, đang ngồi trong một chiếc xe lửa đời chuyển động, nhưng ta tưởng mình bất động. Đó là một cái nhìn sai lệch. Nhưng nếu ta có thể nhìn mọi vật quanh ta, và kể cả chính ta nữa, bằng con mắt không có định kiến, ta có thể đến gần với thực tại tuyệt đối, từ đó phát triển chánh kiến, trí tuệ nội tâm. Điều đó phù hợp với những điều Đức Phật dạy -tự mình phải thực hành, mà không nên tin một cách mù quáng. Chỉ khi nào ta có kinh nghiệm của bản thân thì ta mới có thể tiến gần đến chân lý, không kể đó là kinh nghiệm gì. Còn nếu như ta chỉ nói về những điều ta nghĩ, ta tin, thì ta chỉ phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm. Và càng có nhiều ý kiến, ta càng khó có cái nhìn đúng về thế giới quanh ta, hay có được sự thanh tịnh thiết yếu cho thiền định.

Thật thú vị nếu như ta biết rằng mắt chỉ thấy hình thể, màu sắc, tai chỉ nghe âm thanh. Tất cả mọi thứ còn lại đều là sản phẩm của tâm. Không có một thực tại tuyệt đối nào đúng như những điều ta đã nghe, hay thấy, nhưng ta luôn phản ứng theo các căn trần. Khi ta nghe tiếng chim hót hay tiếng chó sủa, thực tại đó chỉ là tiếng động. Nhưng tâm nói "Chó sủa. Oàn ào quá, sao chúng không im đi, tôi đang cần im lặng để toạ thiền". Hay "May mà tôi không nuôi chó". Tất cả những thứ đó là phản ứng của tâm. Khi mắt nhìn thấy màu sắc, hình thể, nó giải mã chúng qua những ý thức dựa trên ký ức. Thật sai lầm khi chúng ta nắm bắt một ý tưởng rồi cho đó là của mình, cho đó là chân lý. Thí dụ, cái ta nhìn là một khối, đứa trẻ có thể coi đó một toà nhà. Điều khác biệt là do mức độ trưởng thành khác nhau. Sự suy nghĩ của tôi không cần phải là chân lý. Chúng chỉ là khái niệm, có thể sai cũng như cảm giác của ta. Thế giời bên trong và thế giới bên ngoài không giống nhau. Hãy nhớ rằng quan điểm chỉ là quan điểm, và trên một bình diện tuyệt đối, cả thế giới nầy, kể cả chúng ta, không giống như ta nghĩ.

-ooOoo-

Chương 4

Điều Phục Tâm

Phiền não đôi khi dấy khởi là do thân tứ đại bất ổn, nhưng phần lớn là do tâm. Tâm tạo ra bao đau khổ cho ta, nên ta cần phải biết điều phục tâm.

Chính tâm khiến ta cảm thấy hạnh phúc hay đau khổ –chứ không do nguyên nhân nào khác. Ta thường phản ứng theo bản năng trong mọi hoàn cảnh, vì thế ta cần theo dõi tâm từng giờ từng phút.

Môi trường tốt nhất để làm điều đó là lúc hành thiền. Trong thiền, có hai trạng thái: thiền định (samatha) và thiền quán (vipassana). Nếu ta có thể đạt được thiền định, dù chỉ trong một thời gian ngắn, điều đó chứng tỏ việc tọa thiền của ta có nhiều tiến bộ. Nhưng nếu tâm định đó không được dùng để thiền quán, thì cũng chỉ làm lãng phí thời gian. Nếu tâm ta được định, hỉ lạc sẽ phát triển, nhưng ta nên nhớ rằng niềm hỉ lạc đó chỉ thoáng qua. Chỉ có thiền quán thì không thay đổi. Khi định càng sâu, ta càng có thể chịu đựng được bao phiền não, chướng ngại. Lúc ban đầu bất cứ tiếng động, sự khó chịu hay vọng tưởng nào cũng có thể làm ta bị lôi cuốn, nhất là khi tâm đã không được an định suốt trong ngày.

Lúc nào ta cũng cần nhớ rỏ về tính vô thường (anicca) của vạn pháp, không chỉ trong lúc toạ thiền. Chánh niệm là trung tâm điểm trong lúc toạ thiền, để đi vào thiền định. Chúng ta chỉ có thể dành một ít thời gian cho việc tọa thiền, nhưng ta có thể dành tất cả thời gian còn lại để quán sát tâm mình. Đó là nơi khiến mọi việc trên thế gian nầy xảy đến cho ta. Không có gì có thể hiện hữu ngoài tâm.

Càng quán sát tâm và thấy được những gì tâm có thể mang đến cho ta, ta càng cần phải chăm chút cho nó hơn. Một sai lầm lớn nhất của chúng ta là coi thường tâm. Không biết rằng tâm có khả năng mang đến niềm vui hay phiền não cho ta. Chỉ những khi ta có thể giữ vững bình tỉnh, an lạc, dầu cho bất cứ hoàn cảnh gì xảy ra cho ta, lúc đó ta mới có thể nói là ta đã phần nào kiểm soát được tâm. Nếu không, có nghĩa là tâm nằm ngoài vòng kiểm soát của ta, và lúc đó ta chỉ là kẻ nô lệ cho tư tưởng của mình.

Cái hại của kẻ thù gây cho kẻ thù
Hay oan gia đi với oan gia
Không bằng cái hại của tâm niệm hành ác
Gây ra cho ta.
Chẳng phải cha mẹ
Hay thân bằng quyến thuộc
Nhưng chính tâm niệm chánh thiện
Khiến ta thêm tốt hơn. -- (Kinh Pháp Cú 42- 43; TTS)

Theo lời dạy của Đức Phật, không có gì quan trọng hơn là làm chủ được tâm. Tuy nhiên ta không phải chỉ có điều phục tâm trong lúc tọa thiền - đó chỉ là một trong những cách thực tập đặc biệt. Giống như khi bạn học đánh tennis. Bạn thực hành với huấn luyện viên ngày nầy, qua ngày nọ, cho đến khi bạn có thể tìm thấy sự thăng bằng, đủ bản lĩnh để tự đấu một mình. Chiến trường để ta luyện tâm chính là cuộc sống hằng ngày -bao gồm tất cả mọi hòan cảnh ta phải đương đầu.

Chánh niệm là phương tiện hổ trợ đắc lực nhất của ta, nghĩa là ta cần phải có mặt trong từng giây phút sống. Nếu tâm lúc nào cũng bị theo dỏi, nó không thể tạo ra những chuyện phiền não về thế giới hay bạn bè quanh ta, hay khiến ta mong cấu thứ nầy, thứ kia. Tất cả những sự suy tưởng trong đầu ta có thể xảy ra triền miên, nhưng khi một khi ta chánh niệm thì tất cả đều ngưng bặt. Có chánh niệm nghĩa là có mặt từng giây phút, không chừa một kẻ hở cho bất cứ tư tưởng nào có thể len lỏi vào. Lúc nào ta cũng có mặt ở giây phút hiện tại, bất cứ đó là gì -lúc đi, đứng hay nằm ngồi, cảm thấy hạnh phúc hay khổ đau- và ta duy trì thái độ biết mà không có sự phán đoán, phân biệt, 'chỉ biết'.

Có chủ đích rỏ ràng hàm ý một sự đánh giá: thí dụ nói chúng ta hiểu được mục đích của tư tưởng, hành động hay lời nói của mình, nghiã là chúng ta biết là mình có hành xử khéo léo không , có đạt được những điều mình mong muốn không. Ta cần tạo cho mình một khoảng cách để ta có thể đánh giá mình một cách khách quan, vì nếu ta tự gắn mình với một sự kiện nào đó, thì ta khó thể giữ được sự khách quan. Chánh niệm đi đôi với chủ đích rõ ràng tạo được cho ta khỏang cách cần thiết đó.

Bất cứ sự đau khổ nào xảy đến cho ta, dầu lớn hay nhỏ, triền miên hay thoáng chồc đều do tâm tạo tác. Tất cả những gì xảy ra cho ta đều do chính ta tạo cho mình, không có ai khác. Tất cả chúng ta đều vào vai trong vở kịch 'cuộc đời'. Đôi khi người khác tình cờ có mặt cạnh ta, thế là ta nghĩ là họ có trách nhiệm về sự bất hạnh của mình. Thực tế là tất cả những gì ta làm đều do tâm hành của ta điều khiển.

Càng quán sát tâm trong lúc toạ thiền, ta càng dễ đi vào định. Khi ta quan sát từng trạng thái của tâm lúc vọng tưởng dấy khởi, hay khi ta ngưng không đuổi theo chúng, ta sẽ dễ có thái độ bàng quan hơn. Vọng tưởng không ngừng đến rồi đi, giống như hơi thở vào ra của ta. Nếu ta bám víu vào chúng, phiền não sẽ lập tức phát sinh. Khi ta tin các vọng tưởng nầy là ta, nhất là những suy tưởng tiêu cực, ta sẽ tìm cách để phản ứng, chống cự lại. Hành động nầy tạo ra phiền não, khổ đau.

Phương châm của Đức Phật về tứ vô lượng tâm đáng cho ta ghi nhớ: "Không để ác tâm phát khởi, nếu nó chưa phát khởi. Không duy trì ý xấu nếu nó đã phát khởi. Phát khởi thiện tâm nếu nó chưa phát khởi. Duy trì thiện tâm nếu nó đã phát khởi".

Ta càng nhanh chóng thực hành được những điều trên, ta càng thêm có lợi lộc. Nhưng đó là một phần của những gì ta có thể thực hành được khi ngồi thiền. Khi ta có thể thực tập buông bỏ được các vọng tưởng dấy khởi khi ta đang toạ thiền, thì ta cũng có thể hành động như thế đối với các tư tưởng bất thiện trong đời sống hàng ngày. Khi ta có thể ngưng các tư tưởng lo ra để chỉ chú tâm vào hơi thở, thì ta cũng có thể xử dụng phương pháp đó để bảo vệ tâm ta trong bất cứ lúc nào. Chúng ta càng có khả năng khép cánh cửa tâm lại đối với những suy tưởng khiến tâm đau khổ, thì cuộc sống của ta càng thêm dễ chịu. Khả năng nhận biết và buông bỏ không đồng nghĩa với sự đè nén. Tâm an lạc là tâm tràn đầy lòng từ bi.

Đau khổ là do tự chính mình gây ra cho mình. Nếu chúng ta thực sự muốn tránh khỏi những khổ đau, ta cần phải luôn quán sát tâm. Ta cần phải quay trở vào để thực sự hiểu tâm ta muốn gì? Động lực nào khiến ta phản ứng? Ta phản ứng như thế nào? Có trăm ngàn động lực, nhưng chỉ có hai phản ứng. Một là thái độ hỉ xả, hai là chấp chặt, tham đắm.

Bất cừ hoàn cảnh nào cũng có thể là một bài học tốt cho ta. Hôm nay ta phải đứng chờ hơi lâu ở ngân hàng, thì đó là bài thực tập tính kiên nhẫn của ta. Dầu sự thực tập có thành công hay không, không quan trọng. Cái chánh đó là kinh nghiệm học tập của ta. Tất cả mọi việc ta làm đều là một sự thực tập, và thử thách đối với ta. Đó là mục đích sống của tất cả nhân loại, đó là lý do hiện hữu của ta. Ta dùng thời gian sống ít ỏi trên mặt đất nầy là để học hỏi, và trưởng thành. Ta cần nhìn cuộc đời của mình giống như một lớp học bổ túc. Tất cả những mục đích khác đều là sai lầm.

Chúng ta chỉ là những người khách ở đây, với những hạn chế của một người khách. Nếu ta biết xử dụng th?i gian của mình để tìm hiểu nội tâm của chính mình - về những gì ta yêu, ta ghét, những sự lo lắng, sợ hãi của chúng ta- thì ta đã sống một cuộc đời rất xứng đáng. Một cuộc sống như thề đòi hỏi ta phải có nhiều nghệ thuật sống. Đức Phật gọi đó là 'sự nôn nóng' (samvega), khiến ta cảm thấy phải thực hành điều đó ngay bây giờ, mà không thể chờ đợi tương lai, hay một ngày nào đó khi ta có thêm thì giờ. Tất cả đều là những kinh nghiệm học hỏi, và thời gian bắt đầu là ngay bây giờ.

Khi ta gặp khổ đau -người bạn thân thuộc của mọi người- ta hãy hỏi: "Bạn từ đâu đến?" Khi được trã lời, ta phải gặn hỏi lại nữa, và tiếp tục đào sâu thêm nữa. Chỉ có một câu trã lời đúng sự thật, nhưng không phải ta dễ tìm thấy nó ngay. Đôi khi ta phải đi qua bao câu trã lời trước khi ta đến được đích cuối cùng, nhận ra được đó là do cái Ngã của ta. Khi đã đi đến câu trã lời đó, ta biết là ta không cần phải hỏi thêm nữa, vì đó là sự bắt đầu của trí tuệ. Sau đó ta có thể quán sát tại sao tự Ngã của ta lại tạo ra đau khổ cho ta. Chúng ta đã làm gì? Đã phản ứng như thế nào? Khi đã tìm ra nguyên nhân, ta có thể buông bò những cái nhìn sai lầm. Lúc đó ta sẽ tự thấy nhân quả tức thời của hành động mình, và ta sẽ không bao giờ quên điều đó. Từng giọt nước có thể làm đầy thùng, từng sửa đổi nho nhỏ giúp ta thanh lọc được tâm. Từng giây phút đều xứng đáng công lao của chúng ta.

Ta càng nghiệm thấy từng giây phút đều đáng cho ta chú tâm, tâm càng thêm sự tinh tấn. Không có giây phút nào trôi qua vô ích, mỗi giây phút đều quan trọng, nếu ta biết xử dụng chúng một cách khéo léo. Tâm ta trở nên mạnh mẽ hơn. Và chỉ cần những giây phút nhỏ nhoi đó đủ góp lại thành một cuộc đời thực sự đáng sống làm sao.

-ooOoo-

Chương 5

Vô Minh

Vô minh không có nghiã là chúng ta không có kiến thức. Vô minh trong ngôn ngữ Phật giáo chỉ có một ý nghĩa duy nhất -vô minh về Tứ Diệu Đế. Vô minh là khởi đầu của bánh xe sanh tử (samsara), khiến luân hồi chẳng thể dừng dứt. Tứ diệu đế là cốt lũy của Phật giáo. Nếu là Phật tử mà không nắm rõ ý nghĩa của tứ thánh đế nầy, thí chúng ta đã bỏ qua cái cốt lõi.

Có thể chúng ta đã biết về vài khía cạnh của giáo lý Đức Phật, thấy chúng cũng thường, không có gì quá khó hiểu. Có thể khi nghe về sự Giác Ngộ giải thoát, ta cũng thấy hứng thú. Hoặc ta cũng cảm thấy thú vị khi khám phá ra rằng ta không cần phải phản ứng, khi có ai đó nói với ta những lời bất lịch sự. Hay ta cũng hy vọng được vào định sau những giờ tọa thiền dài lâu. Tất cả những điều nói trên đều nằm trong những lời giáo huấn của Đức Phật. Nhưng nếu chúng ta không thể nắm vững được cái căn bản, thì chúng ta chỉ đi quanh quẩn bên những cái vi diệu của Phật pháp. Rồi từ đó lại sinh tâm nghi hoặc. Lại khiến chúng ta bắt đầu tự hỏi không biết có nên tiếp tục hành thiền, tiếp tục tu tập hay đi tìm một cách sống vui vẻ, dễ chịu hơn.

Bản chất của cuộc đời, như ta đã biết trong cõi người nầy, là sự bất như ý (dukkha). Không có gì hoàn toàn ở đời, ngược lại, cuộc đời luôn đầy những thứ phiền não của thân tâm. Được sinh ra cũng khổ, đúng ra đó là bắt đầu của mọi cái khổ khác. Nếu với tất cả những gì ta đã biết, đã có, đã kinh qua mà ta vẫn thấy không được bình an, tròn đầy ở nội tâm, thì ta có con đường nào khác không? Con đường nào có thể mở ra cho chúng ta?

Câu trã lời của Đức Phật là sự bất tử, hay Niết bàn, nghĩa là không còn có luân hồi trở lại. Hay mục đích của ta là được tái sinh trong những điều kiện hoàn cảnh tốt hơn, nhiều của cải vật chất hơn, nhiều bè bạn, nhiều sức khỏe, nhiều trí tuệ hơn? Hay là ta mong được sinh lên cõi trời? Đó là điều mong ước của nhiều người. Họ tin ở một thế giới khác luôn tốt đẹp hơn thế giới họ đang sống. Có thể cũng đúng. Cũng có những điều người ta có được ở cõi trời rất hấp dẩn. Nhưng nếu ta biết sự thật rằng sinh là khổ, thì dù sinh ở cõi nào thì cũng là khổ.

Làm thế nào để có cái 'không chết'? Đó là Niết bàn, vì không còn tái sinh nữa ở đó, và khi không còn sinh thì làm sao có tử? Nếu có cái bất tử, không hoại diệt, và chúng ta biết rằng sinh là đau khổ, ta đâu còn lựa chọn nào khác hơn là con đường đến bất tử? Nhưng nếu chỉ hành thiền không ngừng nghỉ, với hy vọng đạt được sự may mắn kia, cũng như chỉ học hỏi phần nào về giáo lý của Đức Phật thì chưa đủ. Chỉ đủ khi tận trong tim ta thốt lên lời nói: "Không có lựa chọn nào khác hơn là đạt được Niết bàn giải thoát'.

Và chúng ta không thể có được sự tin tưởng mạnh mẽ đó nếu như ta đã không từng trãi qua đủ mọi điều khổ đau. Dỉ nhiên ta không cầu mong điều đó sẽ xảy ra cho ai, nhưng ta biết chỉ có những kinh nghiệm đau thương mới có thể chuyển đổi được con người. Có rất nhiều câu chuyện ở thời Đức Phật còn tại thế về bao người phụ nữ đã phải chịu quá nhiều đau khổ khi mất mát người thương, gia đình, đến nổi họ không còn lựa chọn nào khác. Ngày nay, trong xã hội của chúng ta lại có quá nhiều lựa chọn. Ta có thể chọn lựa đi biển, hay du lịch qua Aán độ, tìm một mối quan hệ mới. Xét về các sự lựa chọn nầy, đôi khi ta thấy ngại ngùng, vì ta thấy mỗi sự lựa chọn đều đem lại cảm giác xúc chạm (căn trần), có nghĩa là rất phù du, thoáng qua. Ta cần có nhận thức rỏ ràng như thế, nếu không sự phát triển tâm linh của ta sẽ gặp trở ngại. Trong thiền có câu nói rằng: "Khi đi, bạn đi. Khi chạy, bạn chạy. Nhưng đừng có đi ngã nghiêng thế kia". Vì thế nếu ta đã chọn lựa một con đường đi, hãy đi đàng hoàng, vững vàng đến đích.

Ngoài sự giải thoát, sự chọn lựa duy nhất còn lại là các cảm xúc. Đức Phật có rất nhiều lời khuyến cáo về sự nguy hiểm của lòng ham muốn nhục dục. Ta có thể tự kiểm chứng những lời nói của Đức Phật xem đó là đúng như sự thật hay chỉ là những câu chuyện thú vị ta chưa từng được nghe qua. Con đường đạo chỉ hiện hữu trong nội tâm chúng ta. Phật pháp không thể chỉ sống động trên các trang sách hay trong lời nói của ai đó; chúng phải sống trong lòng chúng ta. Ta phải suy xét xem có đúng thật là các niềm vui của ta là do sự xúc chạm mang đến, và tất cả những đau khổ của ta là do sự thiếu vắng của chúng hay do xúc chạm với cái mà ta không thích.

Chúng ta có hai lựa chọn. Một là ta có được các niềm vui của sự xúc chạm, hay là chọn con đường đạo vững chắc giúp ta thoát ra khỏi sinh, già, bịnh, chết, thoát ra khỏi mọi khổ đau. Điều đáng ngạc nhiên là rất ít người chọn lựa điều thứ hai. Sự đau khổ cũng là một cách giúp ta tự chuẩn bị để chọn con đường đạo, và nguyện cố gắng thực hành.

Chúng ta cần có can đảm để chọn con đường đạo pháp. Vì nếu ta chọn con đường thoát ra khỏi mọi khổ đau, ta cần phải từ bỏ bao tham đắm, bao thú vui nhất thời lại đằng sau. Điều đó đòi hỏi can đảm. Chúng ta phải buông bỏ rất nhiều thứ mà trước đó ta nghĩ là sẽ đem lại hạnh phúc, sự trọn vẹn cho ta. Ta cần can đảm rời xa chúng để tự đứng một mình. Điều đó không có nghĩa là ta phải khó chịu với các bạn bè củ của mình hay phải xa lánh người thân trong gia đình. Nhưng mà là ta bắt đầu nới lỏng các sợi dây ràng buộc, bám viú vào họ. Khi chúng ta nhận thức rõ ràng không có gì quan trọng hơn là đi theo con đường đưa đến giải thoát. Lúc đó tất cả năng lực, ưu tiên ta dành cho mục đích nầy.

Ta chỉ có thể thành công khi đã dồn hết mọi tâm sức vào một việc. Lùc đó tất cả các kinh nghiệm của ta -lạc thọ, khổ thọ hay không khổ không vui- ta đều biết đó là một phần của vạn pháp, và đó cũng là một cách thực tập. Nếu một khổ thọ nào đó dấy khởi, ta nhận biết ngay: "Đây là một cảm giác khó chịu, tôi đang phản ứng lại nó đây, nhưng tôi không cần phải làm thế, tôi có thể buông bỏ cả phản ứng". Trái lại, nếu lúc đó ta vẫn còn đắm theo các căn trần, thì điều đó khó thể thực hiện được. Không thể vừa có Bát chánh đạo, lại vẫn còn đắêm trong ham muốn nhục dục. Hơn thế nữa, Bát chánh đạo có thể còn mang đến cho ta một số những xúc cảm khó chịu vì nó đòi hỏi sự tự kỷ luật, tự làm chủ mình, có nghĩa là phải gò ép thân xác.

Ngoài ra ta cũng không thể mong đạt được kết quả chớp nhoáng. Nhưng ta biết đích tới của mình. Một khi đã có phương hướng, ta không cần phải lựa chọn, không lo lắng về các lời hướng dẩn, mà tràn đầy lòng tự tin. Lúc đó ta có thể hoàn toàn dựa vào trí tuệ vô lượng của Đức Phật, mà không cần phải tìm tòi, khám phá con đường đưa đến sự tỉnh thức tâm linh. Ta đã được thừa hưởng những lời giáo huấn rõ ràng của chư Phật để lại trong đời.

Có lẽ việc khó nhất còn lại cho ta là làm sao biết được điều gì là đúng cho cái mà ta gọi là 'tôi'. Chúng ta đặc biệt về gì? Có năm cái khổ -một là thân khổ và bồn cái khổ còn lại thuộc về tâm. Có bốn yếu tố và ba mươi hai phần của thân thể. Không có gì, không có ai đặc biệt hơn ai, ai cũng giống nhau. Mỗi cá nhân chúng ta không cần phải xem thứ gì là thích hợp cho mình. Tất cả những gì ta cần làm là lựa chọn giữa những thú vui của các căn trần hay sự đoạn diệt của khổ đau. Sự quyết định đó sẽ thay đổi cuộc đời ta.

Nếu ta không còn lơ là với Tứ diệu đế nữa mà coi chúng là trọng tâm trong cuộc đời ta, thì vô mình sẽ dần dần bị dập tắt. Rồi hoàn toàn biến mất khi ta đạt được sự thật thứ ba: Diệt đế. Đó là lúc ta đã đạt được giải thoát, Niết bàn, chấm dứt mọi khổ đau. Nhưng trước khi đến được nơi ấy, ngay bây giờ ít nhất ta có thể giảm bớt vô minh của mình bằng cách xét lại nguồn gốc của vô minh, đó là chấp Ngã, coi Ngã là ta.

Tất cả mọi giáo lý của Đức Phật đều nhằm giúp ta vững bước trên con đường đạo. Trong một bài giảng, Trưởng lão Xá Lợi Phất đã nói đến nhiều phương cách giúp ta tăng trưởng chánh kiến nhằm giúp cho trí tuệ của ta thêm phát triển. Điều quan trọng nhất, ta cần phải xem coi động lực nào thúc đẩy ta nói, suy nghĩ, hành động như ta đã làm. Khi sự liên hệ của ta và người không được êm thắm, khi chúng không hoà tan vào nhau như nước với sữa, ta cần phải nhìn lại động lực nào thúc đẩy ta làm thế. Không phải để tìm lỗi của người khác. Động lực giống như một tảng băng đá, ta chỉ có thể thấy những phần nổi. Vì thế nếu ta không thực tập tìm hiểu chính mình một cách cặn kẻ, ta sẽ không thể biết được mọi hành động là do Ngã thúc đẩy. Ta cần phải xem xét lại các động lực hành động của mình để thanh tịnh hoá tâm mình. Hãy tự hỏi: Ta hành động như thế nầy là vì ích lợi của kẻ khác hay vì cái Ngã của ta? Chúng bắt nguồn từ lòng tự tin hay sự sợ hãi? Ta phải suy xét lại các động lực, mục đích của mình vì chính ta tạo ra nghiệp cho mình. "Tôi làm chủ nghiệp của tôi, thừa hưởng nghiệp của tôi".

Nền tảng đạo đức của ta cần dựa trên chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mệnh. Không có những thước đo mẫu mực nầy, tất cả mọi nỗ lực cá nhân đều vô ích. Sức mạnh của chúng ta không phải ở thân thể, nhưng tùy thuộc vào lòng tin trong ta. Lòng tin nầy chỉ có thể có được khi ta biết mình trong sạch, không tội lỗi. Dựa vào kẻ khác chỉ khiến ta sinh ra yếu đuồi, một việc làm nguy hiểm. Vì kẻ khác cũng không ổn định, luôn thay đổi như ta. Mẹ, cha, chồng vợ, con cái, sư thầy -tất cả đều sẽ ra đi, thay đổi hay không ở bên cạnh khi ta cần đến họ. Ta cần làm người bảo vệ của chính mình, tự trông coi từng bước đi của chính mình.

Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định cần được bám trụ vững chắc trong ta. Chánh tinh tấn có nghĩa là luôn áp dụng những điều ta đã học không chỉ trong lúc tọa thiền mà trong mọi hoàn cảnh, ở mọi lúc, mọi nơi. Nếu trong một ngày mà ta không học được điều gì mới, hay không giúp đở được ai, không thương yêu ai, thì đó là một ngày lãng qua. Thời gian rất quí báu, mỗi ngày qua đi không thể tìm lại được. Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa tới. Chuyến bay tới có thể không hạ cánh, chuyến xe tới có thể không đổ bến. Ngay giờ phút nầy là giờ phút để tu tập. Vì ta đã thoát qua được bao tai nạn, không có nghĩa là ta sẽ thoát khỏi hiểm nguy. Vì thế, nếu ta không xử dụng một ngày của mình trọn vẹn, một ngày để học hỏi, quán sát nội tâm, tìm hiểu giáo lý, thì ta không thể có chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn cần được phát triển thành một thói quen tốt cho mọi người .

Có được chánh niệm trong từng giây phút là một lý tưởng có thể ta chưa nghĩ đến. Nhưng nếu ta không có quyết tâm phát triển chánh niệm từng giây từng phút, ta sẽ dễ dàng quên mình đang tu, đang cần hành pháp. Chánh niệm không phải chỉ là những lời nói hay một bài giảng xuông của Đức Phật, nó là một trạng thái tâm đầy ý nghĩa. Nó có nghĩa là ta phải có mặt ngay bây giờ, trong giây phút nầy, biết rất rõ những gì đang xảy ra ở bên trong hay bên ngoài ta. Nó có nghĩa là cảnh giác về các động lực hành động của mình, thực hành sửa đổi những tư tưởng, tình cảm xấu, không lành mạnh thành các tư tưởng lành mạnh. Chánh niệm là một tâm hành mà với thời gian nó sẽ giúp ta đoạn diệt được mọi khổ đau. Nó cho ta thấy rõ ràng không có gì xảy ra ngoài sự vận hành của năm uẩn -sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Ban đầu nhờ có chánh niệm ta không còn lo lắng, sợ hãi quá khứ, tương lai, và giúp ta trụ vững trong hiện tại. Dần dần chánh niệm giúp ta có cái nhìn đúng về Ngã.

Về chánh định, tất cả những gì ta có thể làm được là cố gắng hết mình. Một phần của định là sự buông bỏ, không chạy đuổi theo các âm thanh, màu sắc quyến rủ, mùi thơm, xúc chạm và tư tưởng. Trong khi thông thường ta rất thích các cảm giác xúc chạm, và đeo bám vào chúng mãnh liệt. Ta cũng cần có đủ tự tin trong khả năng thiền định của mình. Ta cần phải đạt được điều tưởng như khó có thể đạt đư?c nầy.

Tóm lại, ta cần chuẩn bị một nội tâm vững chãi để chấp nhận Tứ thánh đế và Bát chánh đạo như là trọng tâm điểm trong đời sống của ta. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. Nếu ta không chỉ tìm hiểu giáo lý của Đức Phật vì sự tò mò, thì ta cần phải dốc hết tâm lực để sống, để hành các chân lý đó, những chân lý mà ta tin tưởng chắc chắn rằng sẽ giúp ta đến Niết bàn, giải thoát.

-ooOoo-

Chương 6

Lý Duyên Khởi

Thập nhị nhân duyên (paticcasamuppada) được bắt đầu bằng Vô minh (avijja), qua đến hành, thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh rồi kết thúc bằng tử. Đã có sinh ắt phải có diệt. Trong suốt quá trình sinh diệt đó, chỉ có một lối thoát: giữa xúc và thủ. Đây là các nhân duyên sanh tử luân hồi của chúng sanh.

Tuy nhiên Đức Phật cũng dạy về những lý nhân quả siêu việt, cao thượng hơn. Bắt đầu bằng khổ đế (dukkha). Đó là sự tỉnh thức, tri kiến về những đau khổ không thể tránh được trong cõi nhân sinh. Khổ đế cần được nhận thức đúng như thực tướng của nó, là bước khởi điểm của cuộc hành trình về tâm linh của ta. Nếu chưa từng trãi qua khổ đau, ta không có lý do gì để tu tập. Nếu ta không nhận thấy khổ đau hiện hữu trùm phủ trên tất cả vạn vật, ta sẽ không có ý muốn thoát ra khỏi sự trói buộc của khổ đau.

Khi đã nhận diện được khổ đau, ta không còn tìm cách trốn chạy chúng trong những hoàn cảnh của thường tình thế tục. Ta sẽ không ham muốn được giàu sang hơn, được nhiều kiến thức hơn, sở hữu nhiều của cải hơn, hay kết thêm bạn bè. Thêm nữa, biết rằng ta không thể trốn tránh khổ đau vì nó đi đôi với sự hiện hữu trong cuộc sống, ta sẽ không thấy bị nó chế ngự. Ví như ta đã chấp nhận sấm sét như một hiện tượng không thể trốn tránh -biết rằng phải có mưa, có sấm sét, ta mới có thể trồng trọt- vì thế không thể vứt bỏ chúng. Cũng thế, ta không thể trốn tránh khổ đau. Không có khổ đau, con người không thể hiện hữu. Sẽ không có tái sinh, hoại, lão và tử. Hiểu được như thế, ta sẽ không còn tìm cách chạy trốn khổ đau. Do đó ta sẽ bớt khổ đau. Sự trốn tránh, chống đối khiến ta không thể chấp nhận khổ đau, và như thế lại càng làm ta đau khổ thêm bội phần.

Có khổ đau, ta mới có duyên tìm đến chánh Pháp, kinh điển Phật giáo. Thật vậy, đó là do duyên lành của ta. Có biết bao nhiêu chúng sanh chẳng bao giờ được biết đến Phật pháp. Ngay cả khi họ được sinh ra ở những xứ sở Phật giáo, họ cũng chẳng có dịp nghe được Pháp. Lại cũng có người không tìm đến Phật pháp vì họ vẫn tin rằng có thể tìm ra lối thoát trong cõi thế tục, nhưng đó là một phương hướng sai lầm. Nhưng ngay đối với những người không tin rằng có thể tìm được chân hạnh phúc trong cõi thế tục, chính họ cũng cần phải có duyên lành, mới có thể được nghe chánh Pháp. Có được như thế, tín tâm mới có thể thành tựu.

Tín tâm phải dựa trên sự tin tưởng, ủy thác. Nếu không, con đường đạo sẽ bị bít lối. Chúng ta tin tưởng, như đứa trẻ nắm tay người lớn băng qua đường. Đứa trẻ tin rằng người thân của mình sẽ trông chừng xe cộ, để tránh tai nạn có thể xảy ra. Vì đứa trẻ chưa đủ khả năng phán đoán lúc nào an toàn để qua đường, nó tin tưởng vào người có kinh nghiệm, từng trãi hơn.

Đối với Đức Phật, chúng ta cũng giống như đứa trẻ kia. Với tâm hồn ngây thơ, trong sạch của đứa trẻ, chúng ta hoàn toàn dựa vào giáo lý, phương pháp tu hành, nắm bàn tay của Chánh pháp để dìu dắt ta đi. Cuộc sống và sự tu tập của ta sẽ trở nên đơn giản hơn khi ta không mãi lưỡng lự, cân nhắc: "Chắc tôi phải đi nơi khác xem người ta tu cách nào". Có lựa chọn, cân nhắc mọi giải pháp, cũng chưa chắc là ta sẽ tu tập tốt hay sẽ thoát khỏi khổ đau. Lòng tin chân thành nơi chánh Pháp sẽ giúp cho tâm ta thêm kiên định. Rồi qua thực hành, ta mới có thể chứng nghiệm được lời Phật dạy. Nếu không, ta sẽ không bao giờ biết được sự thật.

Nếu ta cứ cố chấp xem đau khổ như một tai họa, trong ta sẽ không còn chỗ cho lòng tin. Vì lúc nào ta cũng đầy đau khổ, phiền não, ta quên rằng tất cả là do nghiệp quả của ta mang đến, không có gì hơn. Làm chúng sanh là phải thọ nghiệp báo của mình.

Phải thấu hiểu bản chất của khổ đau thật rõ ràng, ta mới có thể tin vào những giáo lý mà ta chưa từng thực hành. Niềm tin đó sẽ mang đến cho ta an lạc, trái lại con đường tu sẽ đầy khổ não. Là một yếu tố quan trọng trong đời sống tâm linh, nhưng an lạc ở đây không có nghĩa là khoái lạc, hưng phấn, rộn ràng. An lạc đem lại niềm vui, tự tại, vì biết rằng ta đã tìm ra con đường giải thoát mọi khổ đau. Đôi khi người ta lầm tưởng rằng người thánh thiện, sùng đạo phải có vẻ mặt buồn não, dáng đi thiểu não. Vậy mà không có ai ghi lại là Đức Phật đã từng khóc, trái lại Ngài luôn được minh họa với nụ cười luôn ở trên môi. "Thánh thiện' không có nghĩa là sầu não, mà có nghĩa là 'trọn vẹn'. Không có niềm vui, thì khó có thể có tự tại, tròn vẹn. Niềm vui nội tâm hàm chứa lòng tin tưởng rằng con đường chúng ta chọn không sai lầm, con đường đó sẽ mang đến thành tựu đạo quả qua các phương pháp chánh đáng.

Chúng ta cần phải ngồi xuống chiếu thiền với niềm vui trong lòng. Như thế thì tất cả quá trình hành thiền sẽ được kết quả tốt đẹp. Sẽ mang đến cho chúng ta sự tự tại, vì ta không còn đôn đáo tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài ta, mà nương trú nơi chính bản thân. Không cần phải tìm kiếm nơi đâu, không phải nhọc sức làm gì, tất cả đều ở trong ta. Sự bình lặng đó mang đến cho ta cảm giác có mặt đúng lúc, đúng nơi. Nó khiến tâm an tịnh, và từ đó diệt bỏ được lòng hoài nghi (vicikiccha).

Sự bình lặng khiến cho tâm dễ nhập định. Chính khổ đau giúp ta tìm được đúng đề mục thiền quán, nếu ta thực sự hiểu được tính chất của khổ đau. Ta không nên trốn chạy khổ đau, coi nó như một số phận nghiệt ngã hay oán trách người khác đã gây ra đau khổ cho mình. Chánh định giúp tâm thêm rộng mở. Trong khi tâm cố chấp, nhỏ hẹp, ô nhiễm khó thể thâm nhập pháp vi diệu. Nó có thể linh cảm có cái gì đó siêu việt hơn cái đang cóù, nhưng không thể nào đến được đó. Trừ khi tâm đã được an định.

Tâm định lúc đó có thể "tri kiến được thể tánh như như của sự vật", một câu nói Đức Phật thường dùng để diển tả một cách nhìn sự vật rất khác với cái nhìn sự vật bằng con mắt xét đoán hay bằng sự ao ước chúng phải như thế nầy,thế kia. Cho đến giờ phút nầy, chúng ta đã có khái niệm rõ ràng về những điều ta không thích, như những lúc sự việc xảy ra làm sụp đổ niềm tin về tự ngã, những lúc cái ta không muốn lại xảy ra cho ta. Nhưng khi đã biết nhìn và hiểu sự vật bằng chính bản thể của nó, trí tuệ của ta sẽ trở nên sâu xa hơn. Chúng ta sẽ nhận ra rằng trong thế giới của vô thường, khổ đau và vô ngã, ta không thể nắm giữ điều gì, không có gì bền vừng mãi, và có thể đem lại hoàn toàn thõa mãn cho ta. Không có ai, không có của cải, không có suy tưởng, không cảm thọ nào cả. Tất cả không có gì bền vững, chắc chắn để ta có thể nương tựa vào.

Đó là chánh kiến, khác hẳn với cái nhìn bình thường hằng ngày. Nó là kết quả của chánh định, từ thái độ không coi đau khổ như thù địch, tiêu cực. Vì khi ta tìm cách thoát khỏi đau khổ bằng cách cố quên nó, trốn chạy nó, đổ lỗi cho người khác, buồn phiền vì nó, hay tự trách mình, chúng ta chỉ tạo thêm đau khổ. Tất cả những cách đó đều chỉ là tự dối mình. "Nhìn sự vật đúng như bản thể của chúng" là bước khởi đầu trên con đường đạo của nội tâm; còn lại tất cả chỉ là những công tác chuẩn bị.

Đôi khi sự hiểu biết của ta có thể ví như những bức tranh bí mật trẻ con thường chơi. Có lúc bạn thấy nó, có lúc không. Khi có được tri kiến về bất cứ khía cạnh nào của Pháp, ta phải thường quán chiếu trở lại tri kiến đó. Nếu thật sự có được tri kiến đó, đau khổ không còn làm đau đớn được ta, ta chấp nhận chúng như mọi việc khác đã xảy đến cho ta. Sự lão hoại, bịnh hoạn, chết chóc không còn làm ta phải sợ hãi nữa. Còn gì nữa để sợ khi ta biết rằng tất cả vạn vật đều hoại diệt không ngừng. Thân ta ngày một hoại, tâm thì thay đổi từng phút giây.

Không có tri kiến về thực tại nầy, việc thực hành của ta không được dễ dàng. Ngược lại với tri kiến sáng suốt, việc thực hành của ta trở nên là điều duy nhất ta thấy cần phải làm. Mọi thứ khác đều tạm bợ, đều làm ta sao lãng việc thực hành. Nhờ có tri kiến sáng suốt đó, ta mới khởi được lòng nhàm chán đối với mọi quyến rủ của cuộc đời. Tất cả những hào nháng chỉ là thỏi vàng tầm thường của kẻ ngu, đem lại hạnh phúc cho ta phút nầy, thì phút sau đã đem đến bất hạnh. Các cảnh trần trong thế giới dễ đánh lừa ta, nhưng ta vẫn đeo bám theo chúng, do tập khí lâu đời mà ra. Vì thế ta sẽ tiếp tục chịu khổ đau cho đến khi ta nhìn ra được sự thật.

Ở Úc có một tấm biển đề: "Cuộc sống: Hãy hòa nhập vào đó". Có lẽ tốt hơn nên đề: "Cuộc Sống: Hãy xa rời nó". Cuộc sống và sự hiện hữu của ta bị trói buộc bởi những chuyển biến không ngừng của các trần cảnh -khi căn tiếp xúc với trần: nghe, thấy, nếm, xúc, tưởng. Chỉ khi nào ta đã có được cái nhìn rõ ràng về sự vật, ta mới biết nhàm chán, khi ấy dù cho cảnh trần có tuyệt vời đến đâu, cũng không lay chuyển được ta. Quỹ Ma Vương, kẻ dụ ta làm điều tội lỗi, sẽ phải bó tay, vì ta đã đuổi được hắn ra khỏi cửa. Nhưng hãy nhớ, hắn sẽ đợi ngoài cửa ngõ, rình chờ cơ hội đầu tiên để có thể xuất hiện trở lại, điều ấy có thể lắm chứ, nhưng chắc rằng hắn sẽ không bao giờ có thể ung dung tự tại bước vào nhà ta nữa.

Tri kiến nầy mang đến cho ta bao nhiêu niềm tin, khiến lòng ta cảm thấy mãn nguyện nhường bao. Ta sẽ khó thể bị lôi kéo khỏi con đường tu tập của mình. Khi Ma Vuong còn ở bên cạnh ta, ta còn chưa được hoàn toàn bình an. Ta còn phải lo sợ với những điều mới lạ khác có thể rù quến được ta. Tuy nhiên khi đã có được cái nhìn rõ ràng về sự thật của mọi vật, ta sẽ có được lòng nhàm chán, ta sẽ nhận ra con đường Đức Phật dẩn dắt ta đến tự tãi, bình an, tận diệt mọi khổ đau.

Thực ra khổ đau chính là người bạn thân thiết nhất, trung thành nhất. Ta khó lòng tìm được người bạn nào có thế giúp ích được ta nhiều như thế, nếu ta có cái nhìn đúng đắn về khổ đau, không chống cự, không phản kháng lại nó. Lúc ấy ta có thể dùng khổ đau làm lực đẩy để ta tu tập, trân trọng, biết ơn mỗi khi nó dấy khởi. Điều đó khiến nỗi đau của ta không còn sắc bén, mà khổ đau đã được chuyển hóa thành những kinh nghiệm quí báu nhất của chúng ta.

-ooOoo-

Chương 7

Tâm Dễ Uốn Nắn

Trong các bài giảng của Đức Phật, ta thường nghe thấy rằng "tâm dễ uốn nắn, dễ thay đổi, dễ xử dụng nhưng cũng rất kiên định". Làm sao tâm lại có thể có những đặc tính như mâu thuẩn nhau? Tâm của kẻ phàm phu, không biết tu lại có đặc tính cố chấp. Lúc nào nó cũng nhớ về những tổn thương, đau khổ, lúc nào cũng so sánh quá khứ với hiện tại, và luôn chấp chặt vào các khổ đau. Hơn thế nữa, chúng ta phần đông đều tin vào những suy nghĩ, các dự tính tràn đây trong tâm. Tâm chúng ta giống như bị rào bó trong một cái khung, trong đó chứa đựng tất cả những hiểu biết của chúng ta.

Có bao giờ ta nghĩ ra được điều gì mới mẻ không, điều gì chưa từng đi qua tâm trí ta? Có lần nào ta chiêm nghiệm được một chân lý vũ trụ? Nếu không có những sự kiện đó, tâm ta khác nào một cây kim quay mòn trên cái đĩa hát cũ, cứ chơi mãi một điệu nhạc nhàm chán ngày nầy qua tháng nọ.

Khi ta có thể chú tâm, ngưng suy nghỉ lung tung, ta mới có thể biết được sự trong sáng của tâm. Lúc đó tâm có thể được uốn thành một hình dáng mới thay vì chỉ cứng nhắc một khuôn mãu cũ. Chỉ khi nào ta phát hiện ra được điều gì hoàn toàn mới trong tâm, ta mới biết được rằng tâm có khả năng suy nghỉ khác trước.

Ta nên thận trọng đối với những suy tưởng diễn ra suốt ngày trong tâm, vì chúng không có nền tảng đích thực; chúng chỉ là những bóng ảnh của bản ngã, của lòng tham muốn, và thói quen từ bao đời của ta. Chúng không dựa vào chân lý tuyệt đối. Nói thế không có nghĩa là ta có thể vứt bỏ chúng ngay, nhưng ta cần thận trọng đối với chúng. Chúng chỉ là những thói quen, chẳng tốt đẹp gì, chẳng dẩn đưa ta đến bình an, hạnh phúc.

Khi chúng ta chánh niệm hơn với những suy nghĩ của mình, ta sẽ kinh nghiệm được thế nào là sự kiểm soát những cái ta nghe, ta nhìn, ta cảm xúc -- ta có sự khám phá của trẻ thơ, dưới trí tuệ của người lớn. Tâm trẻ con không hoàn toàn trong sạch như ta nghĩ, nhưng chúng cảm nhận sự vật trực tiếp, không bị ảnh hưởng của những suy nghĩ như người lớn. Một khi đã trưởng thành, ta vẫn có thể cảm nhận sự vật như trẻ con, như thể ta chưa từng nghe, chưa từng thấy, nếm, xúc chạm hay nghĩ tưởng về điều đó bao giờ. Với cách nhìn hoàn toàn mới mẻ về các xúc cảm của mình, ta có thể nhận chân được sự thật như như - dầu chỉ là trong thoáng chốc.

Khi chúng ta chú tâm, chánh niệm, ta có thể nhận thấy rằng tâm bị chi phối bởi các thói quen thường nông nổi, thiếu trưởng thành, ngây ngô chứ không phải ngây thơ. Ta cũng sẽ nhận thấy là tâm có khả năng thay đổi, dễ uốn nắn. Biết được như thế là ta đã biết được con đường trở về với nội tâm.

Đức Phật đã so sánh tâm với vàng. Khi còn ở trạng thái thô ráp, chưa qua toi luyện, trong kim loại bằng vàng nầy còn có năm thứ kim loại khác. Những cặn bã nầy làm cho nó dòn, dễ vỡ, vì thế người thợ trang sức trước hết phải đun nóng vàng lên, để những chất cặn bả có thể được chiết lọc ra. Rồi những thợ đó sẽ dùng các dụng cụ của mình để uốn nắn vàng thành đủ loại trang sức. Đức Phật đã dùng truyện ngụ ngôn nầy để chỉ về năm chướng ngại hay ngũ uẩn trong tâm ta: đó là tham, sân, trạo cữ, hôn trầm và mạn nghi.

Tâm có thể giúp ta đạt được Giác Ngộ, nếu nó đã diệt trừ được năm uẩn đó, và trở nên trong sạch như vàng ròng. Lúc đó ta sẽ tìm được sự bình an cho tâm, và sống hòa hợp với mọi người chung quanh.

Quá trình tu tập thiền định có thể giúp ta kinh nghiệm được nhiều trạng thái của tâm thức, không giống như tâm bình thường ta hằng biết. Ý niệm về vô ngã hẳn là rất khác với những ý niệm ta đã từng biết. Nếu ta được nghe nói nhiều về vô ngã, ta có thể tạm biết về nó, nhưng sẽ không có gì thay đổi ở nội tâm nếu ta không thực sự thực tập vô ngã. Nếu bất cứ điều gì phát khởi trong tâm, ta đều đối mặt với nó như thể ta chưa từng thấy hay nghe về điều đó trước đây, thì -dù chỉ trong phút chốc, khi tâm hoàn toàn chìm sâu trong thiền định- mọi tập khí cũ sẽ tiêu tan.

Nếu ta không thể chuyển hóa, làm mới tâm, thì suốt đời ta chỉ lẩn quẩn với tâm cùn cụt. Nó cũng chỉ luôn là "cái tôi và những gì tôi muốn", hay "cái tôi và những gì tôi không muốn". Tâm hạn hẹp, tham lam đó không lợi ích gì cho hạnh phúc và an vui. Vì cái tôi mới nhỏ bé làm sao! So với vũ trụ bao la nầy, nó chưa bằng một đầu kim. Hãy luôn nhớ như thế để hạn chế sự bành trướng của cái ngã.

Khi nào ta có một sáng kiến hoàn toàn mới, một điều ta chưa bao giờ nghĩ đến, tâm ta theo đó cũng được phát triển. Sự mới mẻ đó được coi là tri kiến. Tuy nhiên nếu điều ta tri kiến được không ảnh hưởng gì đến hành động, tư tưởng của ta, có nghĩa là ta đã không thực sự hiểu ý nghĩa của nó, hay có hiểu cũng chỉ là một tri thức vô dụng

Tâm phóng khoáng có thể quan sát mọi sự vật quanh mình một cách khách quan. Phiền não, vô thường và vô ngã là những định luật tự nhiên trong vũ trụ, cũng như ái và các chấp thủ khác. Khi chúng ta nhớ được điều đó, những gì ta đã trãi qua không còn là của riêng ta, không còn đầy kịch tính nữa. Trái lại, ta cần nhớ đến sự trùm phủ của vạn pháp, đến thực tại tương đối mà ta sống trong đó. Cho đến lúc đó - cho đến khi ta có thể nhận biết và chuyển hóa cách suy nghĩ, hành động của ta- nếu không ta khó thể bước chân vào thế giới của các chứng nghiệm mới.

Tâm dễ chuyển hóa phóng khoáng, có thể thay đổi, dễ dàng chấp nhận tất cả pháp. Mỗi khi ta nhận biết được một chuyển đổi mới nào trong tâm, ta cần phải duy trì, ghi nhớ để có thể biến chúng thành quán tính, một bản năng. Một trong những dấu hiệu của các chuyển đổi đó là sự bớt đòi hỏi các tiện nghi, bớt quan tâm tới của cải, bớt ham muốn hay cố chấp. Thay vào đóù ta lại suy nghỉ xem có thể bố thí những gì, làm sao để phát triển đạo tâm, để tạo các nghiệp thiện. Tiến sâu hơn nữa, ta có thể tập từ bỏ làm một cá thể riêng biệt, mà hãy là một phần của vạn vật quanh ta, dù chỉ trong chốc lát. Vì khi ta còn bị vướng mắc vào sự phân biệt thân tâm của mình, ta khó tìm được chân hạnh phúc. Là ta tự giam mình trong ngục tù của 'tự ngã', chờ đợi ai đó giải thóat cho chúng ta. Trong khi chìa khóa nằm trong lòng bàn tay của ta.

Các phiền não ràng buộc tâm ta bằng những cấu uế rắn chắc, nhưng nếu chính ta không tự nhận biết như thế, thì sẽ không có sự thay đổi nào có thể xảy ra. Chúng ta không thể chờ đợi người khác giải phóng cho tâm trí mình. Sự giải thoát (mobbama) và bánh xe luân hồi (samsara), cả hai đều ở trong tim ta. Đôi khi, trong những giây phút ta tạm quên cái ngã của mình, khi ta hoàn toàn không quan tâm lo cho chính mình, ta có thể kinh nghiệm thoáng qua cái trạng thái của Niết bàn: đó là lúc 'cái tôi' của ta không còn quan trọng nưa, khi ta không có một định kiến nào trong đầu, khi chỉ có sự tỉnh thức mà không có chút tham ái nào. Lúc đó có thể ta mới ý thức tự ngã không phải là cái gì ta tưởng nghỉ, và diệt bỏ nó.

Đối với đa số chúng ta việc diệt bỏ cái ngã không phải là chuyện dễ làm, vì ta sẽ nghĩ rằng chúng ta tự đánh mất mình khi không có tự ngã. Trong khi thực ra là chúng ta có được tất cả -mọi giáo lý tâm linh đều đồng ý trên điểm đó. Bất cứ thứ gì ta xử dụng để xác định mình đều là tù ngục của chính ta. Buông bỏ là giải thoát. Khi chúng ta kinh nghiệm đôi phút giây của buông xả, ta thường nhầm lẫn đó là do hoàn cảnh hay người nào đó đã đem lại cho chúng ta. Thực ra, bất cứ khi nào chúng ta diệt bỏ được các chấp thủ, ta sẽ được gỉai thoát. Hãy nhường nhịn đôi chút, hãy buông bỏ đôi điều, đó là ánh sáng le lói ở cuối đường hầm, để báo hiệu cho ta biết sự tự do, giải thoát là có thật.

Niết bàn và luân hồi đều ở trong tâm. Luân hồi khổ ải có mặt khi ta còn có ý thức về ngã, và Niết bàn, chân hạnh phúc sẽ phát khởi khi ta có thể diệt trừ ngã chấp. Không có gì trên thế gian nầy - của cải vật chất, vinh quang, sự tán thưởng, danh vọng, tiếng tăm hay trí tuệ - có thể mang đến cho ta sự tự do và bình an vô hạn như thế.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07

Source: Ðạo Phật Ngày Nay, http://www.buddhismtoday.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 07-05-2002