BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Ốc Đảo Tự Thân
Phương Pháp Luyện Tâm Thanh Tịnh Theo Phật Giáo

(Be An Island: the Buddhist Practice of Inner Peace)

Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema
Việt Dịch: Diệu Liên - Lý Thu Linh


MỤC LỤC

Lời tựa
Lời người dịch
Tưởng niệm

I. Khai Thị Tâm Trí

Chương 1: Nương Trú Tam Bảo
Chương 2: Pháp của Đấng Giác Ngộ

II. Xây Dựng Nền Tảng

Chương 3: Quan Điểm và Ý Kiến
Chương 4: Điều Phục Tâm
Chương 5: Vô Minh
Chương 6: Lý Duyên Khởi
Chương 7: Tâm Dễ Uốn Nắn

III. Hoà nhập vào cuộc sống

Chương 8: Sống Hòa Hợp
Chương 9: Giao Tiếp với Người
Chương 10: Biết Chấp Nhận Mình
Chương 11: Lý Tưởng Cô Độc
Chương 12: Tâm Bình An
Chương 13: Chiến Tranh Và Hòa Bình

IV. Những Điều Cốt Lõi

Chương 14: Nhiều Giọt Nước Sẽ Làm Đầy Hồ
Chương 15: Bất Nhị Nguyên
Chương 16: Tiềm Thức
Chương 17: Vô Khổ, Vô Nhiễm & Tự Tại

V. Hoàn Thiện Con Đường Tu

Chương 18: Đối Với Bản Thân
Chương 19: Tình Thương Yêu
Chương 20: Hãy Làm Điều Khó Thể Làm Được
Chương 21: Buông xả
Chương 22: Dọn Nhà Tâm

VI. Khái niệm giải thoát

Chương 23: Giải Thoát Ngay trong Giờ Phút Hiện Tại
Chương 24: Đạo quả

Phụ lục

-ooOoo-

Lời Tựa

Trước khi tịch điệt, 2500 năm trước, Đức Phật đã giảng pháp lần cuối. Bài pháp thoại nầy đã được ghi lại trong Kinh Đại Bát Nhã Niết Bàn (Trường Bộ Kinh -Maha Parinibbana Sutta -Great Passing Discourse) và đã được lưu giữ trong Tam Tạng Kinh điển Pali, những thánh điển của Phật giáo. Trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật đã chỉ dẩn cho chúng sanh bao giáo lý để đến được con đường giải thoát. Ở giai đoạn cuối đời, Đức Phật muốn nhấn mạnh với các đệ tử của Ngài là cần đem những lời giáo huấn đó áp dụng vào cuộc sống.

Trong Kinh Đại Bát Nhã Niết Bàn, khi ngài Ananda, vị đệ tử trung kiên và cũng là thân quyến của Đức Phật, bày tỏ ý muốn được Đức Phật truyền lại những lời giáo huấn cuối cũng đến các tăng ni, Đức Phật bảo rằng Ngài đã không giữ gì lại "trong nắêm tay như một vị Thầy còn muốn giữ lại điều gì đó". Và Ngài đã khuyên các đệ tử của Ngài không nên dựa vào sự dẩn dắt của Ngài. "Vi thế, Ananda, hãy làm ốc đảo tự thân, hãy an trú nơi chính mình, không nên tìm kiếm sự an trú ở bên ngoài; hãy xem Pháp là ốc đảo của mình, hãy xem Pháp là nơi an trú của ngươi".

Rồi Đức Phật tiếp: "Các hàng đệ tử của ta, Ananda, những người hiện tại bây giờ hay sau khi ta tịch diệt, biết nương tựa nơi ốc đảo tự thân... biết xem Pháp là ốc đảo của họ, và nương trú nơi Pháp... đó là những người sẽ đạt được đạo vô thường chánh đẳng, chánh giác, nếu họ dốc lòng tu tập".

Hai mươi bốn bài pháp thoại trong quyển sách nầy được giảng theo tinh thần của Kinh Đại Bát Nhã Niết Bàn, chú trọng vào sự thực hành nơi bản thân, "xem Pháp là nơi nương trú, là ốc đảo của chính mình". Các bài Pháp thoại nầy cố gắng giảng giải các giáo lý của Đức Phật, chính yếu dựa vào những bài kinh luận, các lời giải đáp của Ngài cho các hàng đệ tử.

Chương thứ nhất giúp các Phật tử hiểu ý nghĩa của việc 'nương trú' nơi Phật, Pháp và Tăng. Chương thứ hai bắt đầu bằng bài kệ tán thán Phật pháp, rồi tiếp tục khai triển thêm các phương pháp mở rộng nội tâm, kiến tánh, mà không cần phải dựa vào bất cứ cái gì bên ngoài ta. Cả hai chương nầy được đặt ở phần đầu của sách như một sự cúng dường, độc giả có thế đọc, nếu thích. Hoặc có thể đọc xong các chương khác, rồi trở lại hai chương đầu, có thể lúc đó ta sẽ tìm thấy chúng có ý nghĩa hơn.

Có thể, ngay lúc nầy, độc giả chỉ thấy đôi ba chương có ích cho mình. Nếu chỉ có thế, đó cũng là một khởi đầu tốt đẹp, vì lúc ấy Pháp Phật nhiệm mầu đã trở thành một phần của đời sống tâm linh của chúng ta, để từ đó có thế phát triển, tăng trưởng thêm cho đến khi chúng ta hoàn toàn hòa nhập với Phật pháp.

Tôi xin tri ân tất cả các ni, các sadi-ni, các nam nữ cư sĩ đã luôn tìm đến nghe các bài Pháp thoại của tôi. Không có họ, những bài gỉang nầy đã không được nói ra, và có lẻ quyển sách nầy cũng chẳng bao giờ thành hình.

Xin gửi lời cảm tạ đặc biệt đến các bạn tôi, những người luôn hiểu, luôn rộng lượng ủng hộï các công việc của tôi, cũng như việc xuất bản quyển sách nầy. Các Phật tử đã đánh máy từ các bài giảng thâu băng. Những người nầy đã cúng dường thời gian, công sức, và lòng từ bi trong việc truyền bá Phật pháp.

Cầu cho tất cả các vị đã giúp cho quyển sách nầy thành hình được nhiều thiện nghiệp. Mong rằng quyển sách nầy có thể mang hạnh phúc, niềm vui đến trong lòng bạn đọc.

Ayya Khema
Buddha-Haus, Đức quốc
Tháng 12, 1995

-ooOoo-

Lời Người Dịch

Lần nữa, tôi lại có duyên lành để hoàn tất việc chuyển ra Việt ngữ thêm một quyển sách của Ni Sư Ayya Khema: Be An Island- Ốc Đảo Tự Thân. (Hai quyển kia là: Being Nobody, Going Nowhere-Vô Ngã Vô Ưu và I Give You My Life -Quà Tặng Cuộc Đời).

Tuy nhiên, kinh nghiệm, sự hiểu biết của tôi về Phật pháp cũng chưa đủ là một li ti, li ti sương trên mênh mông biển cả Phật pháp. Vì vậy, kính mong nhận được những lời chỉ dẩn của các bậc tôn sư, của quý đạo hữu. Tất cả những sai sót trong bản dịch là do sự yếu kém của bản thân người dịch, hoàn toàn không liên hệ gì đến trí tuệ uyên thâm của Ni Sư Ayya Khema.

Lần nữa xin chân thành tri ân Ni Sư Ayya Khema đã để lại cho đời nhiều quyển sách về giáo lý Đức Phật rất hữu ích. Xin cảm nhận sự gia hộ của Ni Sư để tôi có thể hoàn tất được công tác dịch thuật.

Nguyện đem công đức nầy,
Hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh
Nguyện trọn thành Phật đạo.

TP HCM
Tháng 4, 2001
Diệu Liên - Lý Thu Linh

-ooOoo-

Tưởng Niệm

Vào ngày 2 tháng 11, 1997, Ni sư Ayya Khema (1923- 1997) đã qua đời vì bịnh ung thư ở tuổi 74. Pháp danh của Ni sư có nghĩa là "An lành và Yên ổn". Ni sư là tác giả của khoảng 25 đầu sách về Thiền và giáo lý Phật giáo. Ở Mỹ, Ni sư rất nổi tiếng qua quyển sách bán chạy nhất (best-selling) "Being Nobody, Going Nowhere: Meditation on the Buddhist Path" (Vô Ngã, Vô Ưu: Thiền Quán về Con đường Phật giáo).

Ni sư thọ giới xuất gia ở Sri Lanka vào năm 1979 và là một trong những người tiên phong trong việc tranh đấu cho ni giới trong tăng đoàn.

Ayya Khema sinh năm 1923, cha mẹ theo đạo Do Thái. Thời thơ ấu sống ở Bá Linh cho đến khi cuộc chiến bắt đầu, bà trốn chạy sang Ái Nhĩ Lan. Sau đến sống ở Thượng Hải, ở đó bà và gia đình bị quân đội Nhật cầm tù trong các trại giam dành cho tù nhân chiến tranh. Cha bà đã mất trong lúc bị giam cầm. Sau chiến tranh, bà chu du khắp nơi ở châu Á, nhất là các nước vùng Hy Mã Lập Sơn, và tu Thiền.

Năm 1964 Bà di cư sang Mỹ cùng chồng và hai con. Sau một thời gian nghiên cứu, thực hành thiền Phật giáo, Ni sư bắt đầu truyền dạy Thiền khắp thế giới. Năm 1978, Ni sư giúp thành lập tu viện Wat Buddha Dhamma theo truyền thống Theravada, nằm trong một khu rừng, gần Sydney, Úc. Ni sư cũng thành lập Trung Tâm Quốc Tế cho Nữ Phật Tử (International Buddhist Women’s Center) và Parappuduwa Nun’s Island, dành cho phụ nữ muốn tu học chuyên sâu về Phật giáo hay muốn thọ giới xuất gia.

Vào năm 1987, Ni sư tham gia tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên cho Ni giới, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đọc bài diển văn chủ yếu. Cũng trong năm đó, Ni sư là người đầu tiên phát biểu về Phật giáo ở Liên Hiệp Quốc.

Ni Sư Ayya Khema còn là giám đốc đở đầu cho Buddha-Haus thành lập ở Đức, năm 1989, và năm 1996 Ni sư chứng minh cho sự thành lập Tăng đoàn của tu viện Western Forest Monastery Tradition, là tu viện Phật giáo lâm tế đầu tiên ở Đức.

(Theo "In Memorium", Tricycle: The Buddhist Review, Spring 1998)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07

Source: Ðạo Phật Ngày Nay, http://www.buddhismtoday.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 07-05-2002