[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


       

Tìm hiểu ngôn ngữ kinh tạng Phật Giáo
Thích Tâm Thiện, Sài Gòn, 1998


Tổng Kết

Từ sự trình bày trên, qua đó chúng ta thấy rằng ngôn ngữ trong kinh tạng Phật giáo quả thực rất đa dạng, phong phú, từ thể loại văn học cho đến thể loại ngôn ngữ. Hầu hết ngôn ngữ được dùng để chuyên chở đạo lý đều mang theo các hình ảnh biểu tượng, thí dụ; và có khi lại mang theo những ý niệm về thế giới siêu hình, như sự mô tả về các cõi trời "vô tưởng", các định "vô tâm" (41) v.v... Ðặc biệt là trong trường hợp của ngôn ngữ siêu hình, có thể xem đó như là một loại ngôn ngữ tâm linh, một loại ngôn ngữ chỉ dẫn con đường đi ra khỏi mọi ảnh tượng huyễn hoặc của tâm thức. Ở đây, siêu hình theo/trong Phật giáo không phải là một cảnh giới hay một quyền lực siêu nhiên có thể chi phối cuộc sống con người, và ngược lại, con người thì không bao giờ vươn đến hay nắm bắt được. Vì lẽ, Ðức Phật không bao giờ thừa nhận có một cảnh giới siêu hình thần bí nào. Trái lại, như đã đề cập, siêu hình ở đây chỉ được thiết lập trong tương quan mà thôi. Có nghĩa, nó là một mặt khác của thế giới thực tại, một biểu hiện khác của Tàng thức (42). Và đương nhiên chỉ có con người chi phối nó, chứ nó không thể chi phối con người. Cần ghi nhận rằng, thế giới, dù là hữu hình hay siêu hình, tất cả đều là biểu hiện của tâm thức; ngoài sự biểu hiện của tâm thức, sẽ không có bất kỳ một biểu hiện nào khác từ đâu và ở đâu.

Trong trường hợp của ngôn ngữ biểu tượng, vấn đề sẽ trở nên quan trọng đối với người đọc kinh. Vì lẽ, nếu không nắm bắt được những ý nghĩa biểu tượng sẽ không hiểu được ý kinh, và thường bị rơi vào các ảo tưởng. Sự lầm chấp vào các hoạt cảnh biểu tượng của kinh sẽ không giúp ích gì cho người đọc, mà trái lại, càng lầm chấp chừng nào thì mức độ vọng tưởng càng tăng lên chừng đó. Vì thế, trên mặt nhận thức, sự thông suốt về ngôn ngữ và các đặc trưng của nó được xem như điều kiện cần yếu - đối với người đọc kinh. Tất nhiên, những gì được nói về ngôn ngữ như đã trình bày chỉ là một phần cơ bản. Bởi lẽ, bản thân của ngôn ngữ là vô hạn; mọi khuôn mẫu được áp đặt lên nó đều được xem xét dưới góc độ tương đối của nhận thức. Vấn đề còn lại, đòi hỏi ở người hành trì, đọc tụng một mức độ thể nhập, một mức độ tư duy thiền định nhất định, để có thể đi vào soi sáng Phật lý. Như Ðức Phật đã dạy, tất cả pháp là bất định; do đó, giáo pháp của Phật cũng là pháp bất định. Tùy theo nhân duyên khác nhau mà nó biểu hiện khác nhau. Vì thế, ở đây không hề có bất kỳ một biểu thức nào mang tính cách định tính; tất cả những gì được bàn đến đều được xem như là những "nhận thức", mà qua đó, tác giả hy vọng giúp người học một "phương tiện nhập môn" khi đi vào nghiên cứu hệ thống kinh tạng Phật giáo.

Thích Tâm Thiện
Sài Gòn, 1998


Chú thích:

(*) Ví dụ, cái "chân" (một trong tứ chi) chỉ có một nghĩa nếu nó được dùng độc lập, như chân người, chân bàn, chân ghế v.v..., nhưng nếu được dùng trong ngữ cảnh khác nhau thì nó đương nhiên sẽ có nghĩa khác, ví dụ: "một chân trong hội đồng" v.v...

(1) Ða nghĩa (polysemy): từ có nhiều ý nghĩa hay có nhiều thông điệp khác nhau. Trái lại là đơn nghĩa, tức chỉ có một ý nghĩa và một thông điệp.

(2) Từ điển Phật học Hán-Việt, tập II, Phân viện NCPH, Hà Nội, 1994, tr.1466.
Phật học từ điển, tập III, Ðoàn Trung Còn, Phật học tùng thư, Sài Gòn, 1968, tr.1168-1169.
A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, W.E. Soothill, Oxford, England, 1954, tr.44-45.

(3) Kinh Pháp Bảo Ðàn ghi lại rằng Huệ Năng trong lúc dừng chân nghe một cư sĩ tụng kinh Kim Cương. Khi nghe đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" thì bỗng dưng đạt ngộ, tâm thể bừng sáng. Từ đó, Ngài đã chọn cho mình một lối đi, và về sau trở thành Tỗ thứ 6 của dòng thiền Trung Hoa.

(4) Kinh Trung Bộ, tập I, Viện NCPHVN, TP HCM, 1992, tr.303.

(5) Tiểu Bộ kinh (Khuddaha Nikayà), tập I, Thích Minh Châu, Tu thư Phật học Vạn Hạnh, 1982, tr.404.

(6) Xem phần 'Lịch sử kết tập kinh điển' trong cuốn "Tìm hiểu nhân sinh quan Phật giáo", Thích Tâm Thiện, Thành hội PG TP HCM, 1998.

(7) Chữ "Tôi" trong câu "Tôi nghe như vầy", theo lịch sử, đó là sự tường thuật của Ngài A Nan. Vì thế, tôi tức là Tôn giả A Nan.

(8) Kinh Tăng Chi (II) ghi rõ: Lòng khát ái 6 căn, 6 trần và 6 thức, cộng lại thành 18. Nam có 18 và nữ có 18, cộng lại là 36 dòng ái. 36 x 3 (tức quá khứ, hiện tại và vị lai) thành 108 dòng ái. 18 dòng ái căn bản là: "Ta có mặt", "Ta có mặt trong đời", "Ta có mặt như vầy", "Ta có mặt khác như vầy", "Ta thường hằng", "Ta không thường hằng", "Ta phải có mặt không ?", "Ta phải có mặt trong đời này không ?", "Ta phải có mặt như vậy", "Ta phải có mặt khác như vậy", "Mong rằng ta có mặt", "Mong rằng ta có mặt trong đời này", "Mong rằng ta có mặt như vậy", "Mong rằng ta có mặt khác như vậy", "Ta sẽ có mặt", "Ta sẽ có mặt trong đời này", "Ta sẽ có mặt như vậy", "Ta sẽ có mặt khác như vậy".

(9) Bộc lưu (oghà): tức là dòng thác đỗ.

(10) Nam tạng chỉ cho các bộ kinh thuộc Phật giáo Nguyên thủy. Bắc tạng chỉ cho các bộ kinh thuộc Phật giáo phát triển (Mahayama) hay là kinh tạng Ðại thừa.

(11) Kinh "Ví dụ tấm vải" (Vatthupamasutta), "Ví dụ cái cưa" (Kakacupamasuttam), "Ví dụ con rắn" (Alaggadupamasuttam), "Ví dụ dấu chân voi" (Mahahatthipadopamasuttam), "Ví dụ lõi cây" (Mahasaropamasuttam) v.v... Xem Trung Bộ kinh, tập I, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, TP HCM, 1992.

(12) Vassika: Hoa lài.

(13) Thơ Nguyễn Gia Thiều.

(14) Anguttara Nikàya, Ph.2, tr.37.

(15) Deva: Trời.

(16) Gandhaba: Dịch là Càn Thát Bà.

(17) Yakka: Tên một loài quỷ (Dạ Xoa).

(18) Con người giác ngộ.

(19) Trích "Thiền luận", quyển Hạ, của Suzuki, bản dịch Tuệ Sĩ, Nxb TP HCM, 1992, tr.190...

(20) Xem "Tâm lý học Phật giáo", Thích Tâm Thiện, Nxb TP HCM, 1998.

(21) "The Path of Purification", Bhadantàcariya Buddhaghosa, The Corporate Body of the Buddha Educational Foundation, Taiwan, 1997.

(22) Phật tự thuyết, Tiểu Bộ kinh.

(23) Dẫn theo "Diamond Sùtra", Edward Conze, Rome edition, London, 1975.

(24) Xem "Bên kia bờ", trong phần Ngôn ngữ biểu tượng.

(25) Sáu Ba la mật: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, trí tuệ và thiền định.

(26) Prajnã paramittà hrdaya Sùtra: Prajnã là trí tuệ; Paramittà là bên kia bờ; Hrdaya là trái tim, là tinh thể, là cội nguồn; Sùtra là kinh.

(27) Theo các nhà triết học cỗ đại Ần Ðộ, OM là âm thanh vĩ đại cấu tạo nên vũ trụ vạn hữu. Âm thanh là một biểu hiện đặc thù của sự sống. Thế giới vũ trụ được tác thành cũng như hủy hoại theo âm theo xoáy trong chiều gió từ hữu cùng đến vô cùng.

(28) Xem bộ Mật tông - Kim cương thừa.

(29) Trong Thiền tông Phật giáo, câu "Linh Sơn vi tiếu" đã trở thành một thiền ngữ biểu tượng cho sự tâm truyền.

(30) Hành tức là hành uẩn: Cơ cấu và thế cách hoạt động của đời sống tâm thức.

(31) Các tông phải như Thiền tông, Tịnh độ tông, Chân ngôn tông, Thiên thai tông v.v... Những cái "tông" này cũng đều do con người dựng lập, còn bản chất của giáo huấn của Phật thì không có Tông nào hết.

(32) 5 uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

(33) 6 xứ: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

(34) 18 giới: Gồm 6 nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) + 6 ngoại xứ (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) + 6 thức căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức) = 18 giới.

(35) 12 nhân duyên: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão-tử.

(36) 8 thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức, a-lại-da thức.

(37) Xem "Tâm lý học Phật giáo", Thích Tâm Thiện, Nxb TP HCM, 1998.

(38) Xem kinh Trái tim tuệ giác vô thượng, phần trước.

(39) Trích kinh Ðại Phương Quảng, phần trước.

(40) Xem đoạn kinh vừa dẫn ở trước.

(41) Như trường hợp của Diệt thọ tưởng định.

(42) Xem "Tâm lý học Phật giáo", Thích Tâm Thiện, Nxb TP HCM, 1998.


Chân thành cám ơn Ðại đức Thích Tâm Thiện đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 10-1999).


[Mục lục]


[Main Index]

Last updated: 23-12-1999

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com