BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập I - Thiên Có Kệ


  

[11] Chương XI

Tương Ưng Sakka

-ooOoo-

Phẩm Thứ Nhất

I. Suvìra (S.i,216)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

"-- Này các Tỷ-kheo." -- Bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

4) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, các Asùra (A-tu-la) tấn công Thiên chủ. Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Suvìra:

" -- Này Suvìra thân yêu, các Asùra ấy tấn công chư Thiên. Này Suvìra thân yêu, hãy đi nghênh đánh các Asùra".

" -- Thưa vâng, Tôn giả".

Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Suvìra vâng đáp Thiên chủ Sakka, nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

5) Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Suvìra:

" -- Này Suvìra thân yêu, các Asùra ấy tấn công chư Thiên. Này Suvìra thân yêu, hãy đi nghênh đánh các Asùra".

" -- Thưa vâng, Tôn giả"

Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Suvìra vâng đáp Thiên chủ Sakka, nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

6) Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Suvìra:

" -- Này Suvìra thân yêu, các Asùra ấy tấn công chư Thiên. Này Suvìra thân yêu, hãy đi nghênh đánh các Asùra."

" -- Thưa vâng, Tôn giả."

Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Suvìra vâng đáp Thiên chủ Sakka, nhưng phóng dật không chịu làm gì.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thiên tử Suvìra:

Không nỗ lực, tinh cần,
Vẫn đạt được an lạc,
Suvìra hãy đi,
Giúp ta đạt pháp ấy.

8) (Suvìra):

Kẻ nhác, không nỗ lực,
Và không làm việc gì,
Mọi ước vọng thành đạt,
Hướng tối thượng là gì?
(Này Sakka).

9) (Sakka):

Kẻ nhác, không nỗ lực,
Chứng được tối hậu lạc.
Suvìra hãy đi,
Giúp ta đạt pháp ấy.

10) (Suvìra):

Này Thiên chủ Sakka,
Không làm, chứng lạc ấy,
Không sầu, không nhiệt não,
Hướng tối thượng là gì?
(Này Sakka).

11) (Sakka):

Nếu không có làm gì,
Thời không có tái sanh,
Ðường ấy hướng Niết-bàn.
Suvìra, hãy đi,
Giúp ta đạt pháp ấy.

12) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka ấy, sống nhờ quả công đức của mình, trị vì và cai trị chư Thiên ở Tam thập tam thiên, sẽ là người tán thán nỗ lực và tinh tấn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông làm cho sáng chói, vị ấy khi các Ông xuất gia trong pháp luật khéo thuyết như vậy, nỗ lực, tinh cần hay tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng được những gì chưa chứng, để ngộ được những gì chưa ngộ.

II. Susìma (S.i,217)

1) Trú ở Sàvatthi, tại Jetavana.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "-- Này các Tỷ-kheo." "-- Bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

4) -- Này các Tỷ-kheo, thuở xưa các A-tu-la tấn công chư Thiên. Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Susìma:

" -- Này Susìma thân yêu, các A-tu-la ấy tấn công chư Thiên. Này Susìma thân yêu, hãy đi nghênh đánh các A-tu-la."

"-- Thưa vâng, Tôn giả."

Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Susìma vâng đáp Thiên chủ Sakka, nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

5) Lần thứ hai, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Susìma... nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

6) Lần thứ ba, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi Thiên tử Susìma... nhưng phóng dật, không chịu làm gì.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thiên tử Susìma:

Không nỗ lực tinh cần,
Vẫn đạt được an lạc,
Susìma hãy đi,
Giúp ta đạt pháp ấy.

8) (Susìma):

Kẻ nhác không nỗ lực,
Và không làm được gì,
Mọi dục (Kàma) đều thành đạt,
Hướng tối thượng là gì?
(Này Sakka)

9) (Sakka):

Kẻ nhác không nỗ lực,
Chứng được tối hậu lạc,
Susìma hãy đi,
Giúp ta đạt pháp ấy.

10) (Susìma):

Này Thiên chủ Sakka,
Không làm, chứng lạc ấy,
Không sầu, không nhiệt não,
Hướng tối thượng là gì?
(Này Sakka).

11) (Sakka):

Nếu không có làm gì,
Thời không có tái sanh,
Ðường ấy hướng Niết-bàn,
Susìma, hãy đi,
Giúp ta đạt quả ấy.

12) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka ấy, sống nhờ quả công đức của mình, trị vì và cai trị chư Thiên ở Tam thập tam thiên, sẽ là người tán thán, nỗ lực và tinh tấn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông làm cho sáng chói vị ấy khi các Ông xuất gia trong pháp luật khéo thuyết như vậy, nỗ lực, tinh cần, tinh tấn để đạt được những gì chưa đạt, để chứng những gì chưa chứng, để ngộ những gì chưa ngộ.

III. Dhajaggam: Ðầu Lá Cờ (S.i,218)

1) (Thế Tôn) trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "-- Này các Tỷ-kheo." "-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn." Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

4) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một cuộc chiến dữ dội khởi lên giữa chư Thiên và các Asùra.

5) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên:

" -- Này thân hữu, khi các Ông lâm chiến, nếu sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên; lúc ấy, các Ông hãy nhìn nơi đầu ngọn cờ của ta. Khi các Ông nhìn lên đầu ngọn cờ của ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược sẽ tiêu diệt.

6) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của ta, thời hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, cũng sẽ tiêu diệt.

7) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên cũng sẽ tiêu diệt.

8) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, cũng sẽ tiêu diệt."

9) Này các Tỷ-kheo, khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên chủ Sakka, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược được khởi lên, có thể sẽ biến diệt và sẽ không biến diệt.

10) Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì Thiên chủ Sakka chưa đoạn diệt tham, chưa đoạn diệt sân, chưa đoạn diệt si, còn nhát gan, hoảng hốt, hoảng sợ, hoảng chạy.

11) Và này các Tỷ-kheo, Ta nói như sau: Này các Tỷ-kheo, khi các Ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: "Ngài là Thế Tôn, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn".

12) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.

13) Nếu các Ông không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: "Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu."

14) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

15) Nếu các Ông không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc như pháp hành, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời."

16) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

17) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.

18) Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói vậy xong, bậc Ðạo Sư nói tiếp:

Này các vị Tỷ-kheo,
Trong rừng hay gốc cây,
Hay tại căn nhà trống,
Hãy niệm bậc Chánh Giác.
Các Ông có sợ hãi,
Sợ hãi sẽ tiêu diệt.
Nếu không tư niệm Phật,
Tối thượng chủ ở đời,
Và cũng là Ngưu vương,
Trong thế giới loài Người,
Vậy hãy tư niệm Pháp,
Hướng thượng, khéo tuyên thuyết.
Nếu không tư niệm Pháp,
Hướng thượng, khéo tuyên thuyết,
Vậy hãy tư niệm Tăng,
Là phước điền vô thượng.
Vậy này các Tỷ-kheo,
Như vậy tư niệm Phật,
Tư niệm Pháp và Tăng,
Sợ hãi hay hoảng hốt,
Hay lông tóc dựng ngược,
Không bao giờ khởi lên.

IV. Vepacitti hay Kham Nhẫn (S.i,220)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana... (như trên)...

2) Thế Tôn thuyết như sau:

3) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, cuộc chiến xảy ra giữa chư Thiên và các Asura, rất là khốc liệt.

4) Này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la gọi các A-tu-la:

"-- Này Thân hữu, trong cuộc chiến đang khởi lên giữa chư Thiên và loài A-tu-la, rất là khốc liệt, nếu các A-tu-la thắng và chư Thiên bại, hãy trói Thiên chủ Sakka (hai tay, hai chân) và thứ năm là cổ và dắt vị ấy đến trước mặt ta, trong thành của các A-tu-la."

5) Còn Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên:

"-- Này Thân hữu, trong trận chiến giữa chư Thiên và các loài A-tu-la, trận chiến rất khốc liệt, nếu chư Thiên thắng và các loài A-tu-la bại, hãy trói Vepacitti, vua các A-tu-la (hai tay, hai chân) thứ năm là cổ, và dắt vị ấy lên trước mặt ta, trong giảng đường Sudhamma (Thiện Pháp)".

6) Nhưng này các Tỷ-kheo trong trận chiến ấy chư Thiên thắng và các loài A-tu-la bại.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên trói A-tu-la vương Vepacitti, trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, rồi dẫn đến trước mặt Thiên chủ Sakka, trong giảng đường Sudhamma.

8) Tại đây, này các Tỷ-kheo, vua các A-tu-la, Vepacitti bị trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, khi Thiên chủ Sakka đi vào và đi ra khỏi giảng đường Sudhamma, nhiếc mắng, mạ l Thiên chủ Sakka với những lời thô ác, độc ngữ.

9) Rồi này các Tỷ - kheo, người đánh xe Màtali nói lên những bài kệ với Thiên chủ Sakka:

Này Thiên chủ Sakka,
Có phải là Ông sợ,
Hay vì Ông yếu hèn,
Nên mới phải kham nhẫn,
Khi Ông nghe ác ngữ,
Từ Vepacitti?

10) (Sakka):

Không phải vì sợ hãi,
Không phải vì yếu hèn,
Mà ta phải kham nhẫn,
Với Vepacitti.
Sao kẻ trí như ta,
Lại liên hệ người ngu?

11) (Màtali):

Kẻ ngu càng nổi khùng,
Nếu không người đối trị,
Vậy với hình phạt nặng,
Kẻ trí trị người ngu.

12) (Sakka):

Như vậy theo ta nghĩ,
Chỉ đối trị người ngu,
Biết kẻ khác phẫn nộ,
Giữ niệm tâm an tịnh.

13) (Màtali):

Hỡi này Vàsana,
Sự kham nhẫn như vậy,
Ta thấy là lỗi lầm,
Khi kẻ ngu nghĩ rằng:
"Vì sợ ta, nó nhẫn"
Kẻ ngu càng hăng tiết,
Như bò thấy người chạy,
Càng hung hăng đuổi dài.

14) (Sakka):

Hãy để nó suy nghĩ,
Như ý nó mong muốn,
Nghĩ rằng, ta kham nhẫn,
Vì ta sợ hãi nó.
Trong tư lợi tối thượng,
Không gì hơn kham nhẫn.
Người đầy đủ sức mạnh,
Chịu nhẫn người yếu kém,
Nhẫn ấy gọi tối thượng,
Thường nhẫn kẻ yếu hèn.
Sức mạnh của kẻ ngu,
Ðược xem là sức mạnh,
Thời sức mạnh kẻ mạnh,
Lại được gọi yếu hèn.
Người mạnh hộ trì pháp,
Không nói lời phản ứng,
Bị mắng nhiếc, mắng lại,
Ác hại nặng nề hơn.
Bị mắng, không mắng lại,
Ðược chiến thắng hai lần.
Sống lợi ích cả hai,
Lợi mình và lợi người,
Biết kẻ khác tức giận,
Giữ niệm, tâm an tịnh,
Là y sĩ cả hai,
Chữa mình và chữa người,
Quần chúng nghĩ là ngu,
Vì không giỏi Chánh pháp.

15) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka ấy đã tự nuôi sống với quả công đức của mình, đã ngự trị và cai trị chư Thiên Tam thập tam thiên, sẽ nói lời tán thán nhẫn nhục và nhu hòa.

16) Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy làm chói sáng pháp luật này bằng cách trong khi xuất gia trong pháp và luật khéo giảng này, hãy thật hành kham nhẫn và nhu hòa.

V. Thắng Lợi Nhờ Thiện Ngữ (S.i,222)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) -- Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, một trận chiến kịch liệt xảy ra giữa chư Thiên và các Asura.

3) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:

" -- Này Thiên chủ, hãy chấp nhận, ai khéo nói, người ấy thắng."

" -- Này Vepacitti, ta chấp nhận, ai khéo nói, người ấy thắng."

4) Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên và các Asura sắp các hội chúng và nói:

" -- Hội chúng này sẽ phán đoán ai khéo nói, ai không khéo nói."

5) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:

"-- Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ".

6) Ðược nói vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với Vepacitti, vua các A-tu-la:

"-- Này Vepacitti, ở đây, Ông là vị Thiên lớn tuổi hơn. Này Vepacitti, hãy nói lên bài kệ".

7) Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, vua các A-tu-la, Vepacitti nói lên bài kệ này:

Kẻ ngu càng nổi khùng
Nếu không người đối trị,
Vậy với hình phạt nặng,
Kẻ trí trị người ngu.

8) Này các Tỷ-kheo, các A-tu-la tán thán bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la. Còn chư Thiên thời im lặng.

9) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:

"-- Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ".

10) Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ này:

Như vậy theo ta nghĩ,
Chỉ chế ngự người ngu,
Biết kẻ khác phẫn nộ,
Giữ niệm, tâm an tịnh.

11) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên tán thán bài kệ của Thiên chủ Sakka, còn các A-tu-la thời im lặng.

12) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với Vepacitti, vua các A-tu-la:

"-- Này Vepacitti, hãy nói lên bài kệ"

(Vepacitti):

Hỡi này Vàsava,
Sự kham nhẫn như vậy,
Ta thấy là lầm lỗi,
Khi kẻ ngu nghĩ rằng:
"Vì sợ ta, nó nhẫn".
Kẻ ngu càng hăng tiết,
Như bò thấy người chạy,
Càng hung hăng đuổi dài.

13) Này các Tỷ-kheo, các A-tu-la tán thán bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la, còn chư Thiên thời im lặng.

14) Rồi Vepacitti, vua các A-tu-la, nói với Thiên chủ Sakka:

"-- Này Thiên chủ, hãy nói lên bài kệ".

15) Khi được nói vậy, này các Tỷ kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ này:

Hãy để nó suy nghĩ,
Như ý nó mong muốn,
Nghĩ rằng ta kham nhẫn,
Vì ta sợ hãi nó.
Trong tư lợi tối thượng,
Không gì hơn kham nhẫn.
Người đầy đủ sức mạnh,
Chịu nhẫn người yếu kém,
Nhẫn ấy gọi tối thượng.
Thường nhẫn kẻ yếu hèn,
Sức mạnh của kẻ ngu,
Ðược xem là sức mạnh,
Thời sức mạnh kẻ mạnh,
Lại được gọi yếu hèn.
Người mạnh hộ trì pháp,
Không nói lời phản ứng.
Bị mắng, nhiếc mắng lại,
Sẽ hại nặng nề hơn.
Bị mắng, không mắng lại,
Ðược chiến thắng hai lần.
Sống lợi ích cả hai,
Lợi mình và lợi người,
Biết kẻ khác tức giận,
Giữ niệm, tâm an tịnh,
Là y sĩ cả hai,
Chữa mình và chữa người,
Quần chúng nghĩ là ngu,
Vì không giỏi Chánh pháp.

16) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên tán thán bài kệ của Thiên chủ Sakka, còn các A-tu-la thời im lặng.

17) Rồi này các Tỷ-kheo, hội chúng chư Thiên và A-tu-la nói như sau:

18) "Những bài kệ của Vepacitti, vua các A-tu-la, nói lên là những lời bạo lực, những lời đao kiếm, đưa đến đấu tranh, bất hòa, gây hấn.

19) "Còn những bài kệ, Thiên chủ Sakka nói lên là những lời không thuộc bạo lực, những lời không thuộc đao kiếm, không đưa đến đấu tranh, không đưa đến bất hòa, không đưa đến gây hấn, thắng lợi đã về Thiên chủ Sakka, nhờ khéo nói".

20) Như vậy, này các Tỷ-kheo, thắng lợi về Thiên chủ Sakka nhờ khéo nói.

VI. Tổ Chim (S.i,224)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, giữa chư Thiên và các A-tu-la, xảy ra cuộc chiến rất ác liệt.

3) Này các Tỷ-kheo, trong cuộc chiến ấy, các A-tu-la thắng trận, chư Thiên bại trận.

4) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên bại trận thời lui về phương Bắc, còn các A-tu-la đuổi theo họ.

5) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với người đánh xe Màtali:

Hỡi này Màtali,
Hãy giữ cho gọng xe,
Tránh khỏi các tổ chim,
Giữa các cây bông gòn.
Thà trao mạng sống ta,
Cho các A-tu-la,
Còn hơn khiến các chim,
Trở thành không tổ ấm.

6) "-- Thưa vâng, Tôn giả".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali vâng đáp Thiên chủ Sakka, liền đánh xe trở lui, cỗ xe có ngàn con tuấn mã kéo.

7) Rồi này các Tỷ-kheo, các A-tu-la suy nghĩ: "Nay cỗ xe có ngàn con tuấn mã kéo của Thiên chủ Sakka đã trở lui. Lần thứ hai, chư Thiên sẽ tiến đánh các A-tu-la". Nghĩ vậy, họ sợ hãi lui vào trong thành phố A-tu-la.

8) Như vậy, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka lại thắng trận, nhờ theo Chánh pháp.

VII. Không Gian Trá (S.i,225)

1) Ở Sàvatthi.

2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka trong khi Thiền tịnh độc cư, khởi lên ý nghĩ sau đây: "Dầu ai là kẻ thù của ta. Ðối với họ, ta không có gian trá".

3) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, với tâm của mình biết tâm của Thiên chủ Sakka, liền đi đến Thiên chủ Sakka.

4) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka thấy Vepacitti, vua các A-tu-la, từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với vua A-tu-la:

"--Hãy đứng lại, này Vepacitti, Ông đã bị bắt".

5) "-- Này Thân hữu, tâm của Ông trước như thế nào, chớ có bỏ tâm ấy".

6) "-- Này Vepacitti, Ông có thể thề: ‘Ta không bao giờ gian trá’".

7) (Vepacitti):

Ác báo do vọng ngôn,
Ác báo do báng Thánh,
Ác báo do phản bạn,
Ác báo do vong ân.
Này Sujampati,
Ai gian trá với Ông,
Người ấy sẽ thọ lãnh,
Các quả báo như vậy.

VIII. Vua A-Tu-La Verocana hay Mục Ðích (S.i,225)

1) Nhân duyên ở Sàtthi.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang nghỉ trưa và ngồi Thiền tịnh.

3) Rồi Thiên chủ Sakka và A-tu-la vương Verocana vua các A-tu-la, đi đến Thế Tôn; sau khi đến liền đứng, mỗi người dựa vào một cột cửa.

4) Rồi A-tu-la Verocana, vua các A-tu-la, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Mọi người phải tinh tấn,
Cho đến đích thành tựu.
Khi mục đích thành tựu,
Thời chiếu diệu chói sáng,
Chính Verocana,
Ðã nói lời như vậy.

5) (Sakka):

Mọi người phải tinh tấn,
Cho đến đích thành tựu.
Khi mục đích thành tựu,
Thời chiếu diệu chói sáng,
Không gì tốt đẹp hơn,
So sánh với kham nhẫn.

6) (Verocana):

Tất cả loại chúng sanh,
Tự có mục đích mình,
Tại chỗ này, chỗ kia,
Tùy theo sự thích ứng.
Món ăn khéo chế biến,
Làm thỏa mãn mọi loài,
Khi mục đích thành tựu,
Thời chiếu diệu chói sáng,
Chính Verocana
Ðã nói lời như vậy.

7) (Sakka):

Tất cả loại chúng sanh,
Tự có mục đích mình,
Tại chỗ này, chỗ kia,
Tùy theo sự thích ứng.
Món ăn khéo chế biến,
Làm thỏa mãn mọi loài,
Khi mục đích thành tựu,
Thời chiếu diệu chói sáng,
Không gì tốt đẹp hơn,
So sánh với kham nhẫn.

IX. Các Ẩn Sĩ Ở Rừng hay Hương (S.i,226)

1) Ở Sàvatthi.

2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có nhiều ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện, sống cùng nhau trong những chòi lá trong rừng.

3) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka và Vepacitti, vua các A-tu-la, đi đến các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy.

4) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la, sau khi mang giày ống (hia), cầm đao kiếm, có lọng che, đi vào am thất bằng cửa chính, miệt thị và phạm thượng các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy.

5) Này các Tỷ-kheo, còn Thiên chủ Sakka thời cởi giày ống, giao kiếm cho người khác, xếp lọng, đi vào am thất bằng cửa phụ, đứng phía sau các ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy, chấp tay vái chào.

6) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy nói lên bài kệ với Thiên chủ Sakka:

Mùi hương các ẩn sĩ,
Ðã lâu ngày tu hành,
Xuất phát từ thân họ,
Ðược gió thổi mang đi,
Từ đó thổi đến người.
Ôi vị có ngàn mắt,
Mùi hương các ẩn sĩ,
Không được cho thanh tịnh,
Này vị vua chư Thiên.

7) (Sakka):

Mùi hương các ẩn sĩ,
Ðã lâu ngày tu hành,
Xuất phát từ thân họ,
Hãy được gió mang đi,
Như vòng hoa nhiều loại,
Ðược trang sức trên đầu.
Chư Tôn giả, chúng tôi,
Ước mong được hương ấy,
Không gì ở nơi đây,
Làm chư Thiên ghê tởm.

X. Ẩn Sĩ Ở Bờ Biển hay Sambara (S.i,227)

1) Ở Sàvatthi.

2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có nhiều vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện, sống cùng nhau ở trong những chòi lá, trên bờ biển.

3) Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, một trận chiến xảy ra giữa chư Thiên và các A-tu-la rất ác liệt.

4) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy suy nghĩ như sau: "Chư Thiên sống như pháp, các A-tu-la sống phi pháp. Chúng ta có thể nguy hiểm từ phía A-tu-la. Vậy chúng ta hãy đi đến A-tu-la vương Sambara và xin được bảo đảm vô úy".

5) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy, như nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, biến mất trong các chòi lá trên bờ biển và hiện ra trước mặt A- tu-la vương Sambara.

6) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy nói lên bài kệ với A-tu-la vương Sambara:

7)

Các ẩn sĩ chúng tôi,
Ðến với Sambara,
Ðể xin Ngài bảo đảm,
Thí cho sự vô úy.
Hãy làm như Ngài muốn,
Hãy thí cho chúng tôi,
Những người đang sợ hãi,
Ðược khỏi phải sợ hãi.

8) (Sambara):

Ẩn sĩ như các Ông,
Không thể có vô úy,
Ðã phục vụ Sakka,
Vị trí không tốt lành,
Các Ông xin vô úy,
Ta cho sự sợ hãi.

9) (Các ẩn sĩ):

Chúng tôi xin vô úy,
Ông lại cho sợ hãi,
Ta nhận vậy từ Ông,
Trọn đời, Ông sợ hãi!
Tùy hột giống đã gieo,
Ông gặt quả như vậy.
Làm thiện được quả thiện,
Làm ác bị quả ác,
Giống đã gieo và trồng,
Ông sẽ hưởng kết quả.

10) Này các Tỷ-kheo, các vị ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy, sau khi thốt lời chú nguyện chống A-tu-la vương Sambara, như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, liền biến mất trước mặt A-tu-la vương Sambara và hiện ra trong các chòi lá trên bờ biển.

11) Này các Tỷ-kheo, A-tu-la vương Sambara, bị các ẩn sĩ trì giới, tánh hiền thiện ấy chú nguyện như vậy, trong đêm ấy thức dậy hoảng hốt ba lần.

 

II. Phẩm Thứ Hai

I. Chư Thiên Hay Cấm Giới (S.i,228)

1) Tại Sàvatthi.

2) -- Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

3) Bảy cấm giới túc là gì?

4) "Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa. Cho đến trọn đời, tôi không nói lời hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm ly cấu uế và xan tham, tôi sống trong gia đình với tâm bố thí, với tay sạch sẽ, hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các yêu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thực. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ, nếu tôi có phẫn nộ, tôi sẽ mau chóng dẹp trừ phẫn nộ ấy".

5) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

6)

Ai hiếu dưỡng cha mẹ,
Kính trọng bậc gia trưởng,
Nói những lời nhu hòa,
Từ bỏ lời hai lưỡi,
Chế ngự lòng xan tham,
Là con người chân thực,
Nhiếp phục được phẫn nộ,
Với con người như vậy,
Chư Thiên tam thập tam,
Gọi là bậc Chơn nhơn.

II. Chư Thiên (S.i,229)

1) Ở Sàvatthi, Jetavana.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

3) -- Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy là một thanh niên Bà-la-môn tên là Magha, do vậy được gọi là Maghavà.

4) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí từ thành này qua thành khác, do vậy được tên là Purindado.

5) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí một cách trọn vẹn (Sakkaccam), do vậy được tên là Sakka.

6) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí trú xứ, do vậy được tên là Vàsavo.

7) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy có thể trong một thời gian rất ngắn suy nghĩ đến ngàn sự việc, do vậy được tên là Sahassa akkha (ngàn con mắt).

8) Này các Tỷ-kheo, Sakka trở thành người chồng của một thiếu nữ A-tu-la tên là Sujà, do vậy được tên là Sujampati.

9) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka thống lãnh và trị vì Tam thập tam thiên, do vậy được gọi là Thiên chủ.

10) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

11) Thế nào là bảy cấm giới túc?

"Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng bậc gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa. Cho đến trọn đời, tôi không nói lời hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm ly cấu uế và xan tham, tôi sống trong gia đình với tâm bố thí, với tay sạch sẽ, hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các yêu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thật. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ, nếu tôi có phẫn nộ, tôi sẽ mau chóng dẹp trừ phẫn nộ ấy".

12) Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn làm người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

Ai hiếu dưỡng cha mẹ,
Kính trọng bậc gia trưởng,
Nói những lời nhu hòa,
Từ bỏ lời hai lưỡi,
Chế ngự lòng xan tham,
Là con người chân thực,
Nhiếp phục được phẫn nộ,
Với con người như vậy,
Chư Thiên tam thập tam,
Gọi là bậc Chơn nhơn.

III. Chư Thiên (S.i,230)

1) Như vầy tôi nghe.

2) Một thời Thế Tôn ở Vesàli, Ðại Lâm tại Trùng Các giảng đường.

3) Rồi Mahàli, người Licchavi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

4) Ngồi xuống một bên, Mahàli, người Licchavi bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thấy Thiên chủ Sakka không?

5) -- Này Mahàli, Ta có thấy Thiên chủ Sakka.

6) -- Bạch Thế Tôn, có thể vị ấy tương tự giống Sakka. Bạch Thế Tôn, thật khó thấy Thiên chủ Sakka.

7) -- Này Mahàli, Ta biết Sakka và các pháp tác thành Sakka. Chính do chấp trì các pháp ấy, Sakka được địa vị Sakka. Và Ta biết các pháp ấy.

8) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy là một thanh niên Bà la môn tên là Magha, do vậy được gọi là Maghavà.

9) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí từ thành này qua thành khác, do vậy được gọi là Purtindado.

10) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí một cách trọn vẹn, do vậy được gọi là Sakka.

11) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy thường bố thí trú xứ, do vậy được gọi là Vàsavo.

12) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị ấy có thể trong một thời gian rất ngắn, suy nghĩ đến ngàn sự việc, do vậy được gọi là Sahassa akkha (một ngàn con mắt).

13) Này Mahàli, Sakka trở thành người chồng của một thiếu nữ A-tu-la là Sujà, do vậy được gọi là Sujampati.

14) Này Mahàli, Thiên chủ Sakka thống lãnh và trị vì Tam thập tam thiên, do vậy được gọi là Thiên chủ.

15) Này Mahàli, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc, Sakka được địa vị Sakka.

16) Thế nào là bảy cấm giới túc?

"Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng cha mẹ. Cho đến trọn đời, tôi kính trọng bậc gia trưởng. Cho đến trọn đời, tôi nói lời nhu hòa.Cho đến trọn đời, tôi không nói lời hai lưỡi. Cho đến trọn đời, với tâm ly cấu uế và xan tham, tôi sống trong gia đình với tâm bố thí, với tay sạch sẽ, hoan hỷ thí xả, nhiệt tình đáp ứng các yêu cầu, sung sướng phân phối vật bố thí. Cho đến trọn đời, tôi nói lời chân thật. Cho đến trọn đời, tôi không phẫn nộ; nếu tôi có phẫn nộ, tôi sẽ mau chóng dẹp trừ phẫn nộ".

17) Này Mahali, thuở xưa, khi Thiên chủ Sakka còn là người, vị này chấp trì và thật hành bảy cấm giới túc. Nhờ chấp trì bảy cấm giới túc này, Sakka được địa vị Sakka.

Ai hiếu dưỡng cha mẹ,
Kính trọng bậc gia trưởng,
Nói những lời nhu hòa,
Từ bỏ lời hai lưỡi,
Chế ngự lòng xan tham,
Là con người chân thực,
Nhiếp phục được phẫn nộ,
Với con người như vậy,
Chư Thiên tam thập tam,
Gọi là bậc Chơn nhơn.

IV. Người Nghèo (S.i,231)

1) Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: "-- Này các Tỷ-kheo."

3) "-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn." Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

4) Thế Tôn nói như sau:

5) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một người ở tại thành Vương Xá này; người ấy nghèo khó, bần cùng, khốn khổ.

6) Người ấy chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ.

7) Người ấy do chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh tiếng.

8) Ở đây, này các vị Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên bực tức, chán ghét, phẫn uất: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Thiên tử này thuở xưa làm người nghèo khó, bần cùng, khốn khổ. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh tiếng."

9) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên: "Này chư Thân hữu, chớ có bực tức với vị Thiên tử này. Này chư Thân hữu, vị Thiên tử này trước kia làm người, chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ; người ấy do chấp trì lòng tin trong pháp luật do Như Lai tuyên thuyết, chấp trì giới, chấp trì văn, chấp trì thí, chấp trì tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này và cọng trú với chư Thiên Tam thập tam thiên. Vị ấy chói sáng hơn chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng" .

10) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:

Ai tín thành Như Lai,
Bất động, khéo an trú,
Ai giữ giới thuần thiện,
Ðược bậc Thánh tán thán.
Ai tín thành chúng Tăng,
Chơn trực và chánh kiến,
Ðược gọi: "Không phải nghèo",
Ðời sống không hư vọng.
Do vậy người có trí,
Phải kiên trì Phật giáo,
Tín thành và trì giới,
Trí kiến đúng Chánh pháp.

V. Khả Ái, Khả Lạc (S.i,232)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên.

3) Ðứng một bên, Thiên chủ Sakka bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, địa cảnh nào khả ái, khả lạc?

(Thế Tôn):

Các cảnh vườn mỹ diệu,
Các khu rừng mỹ diệu,
Các ao sen khéo xây,
Ðược loài Người khả ái.
Thật sự chỉ đáng giá,
Thật là ít, nhỏ nhoi.
Tại làng hay tại rừng,
Chỗ đất thấp hay cao,
Chỗ nào La-hán trú,
Ðịa cảnh ấy khả ái.

VI. Tổ Chức Lễ Tế Ðàn (S.i,232)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta (Linh Thứu).

2) Rồi Thiên tử Sakka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Ðứng một bên, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Loài Người lễ tế đàn,
Chúng sanh mong công đức.
Ai làm các công đức,
Ðưa đến sự tái sanh,
Chỗ nào sự bố thí,
Ðược quả báo thật lớn?

4) (Thế Tôn):

Ai thành tựu bốn đạo,
Ai chứng đắc bốn quả,
Tăng chúng ấy chơn trực,
Giới, định, tuệ đầy đủ.
Loài Người lễ tế đàn,
Chúng sanh mong công đức.
Ai làm các công đức,
Ðưa đến sự tái sanh,
Bố thí cho chúng Tăng,
Ðược quả báo thật lớn.

VII. Kính Lễ (S.i,233)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang nghỉ trưa Thiền tịnh.

3) Rồi Thiên chủ Sakka và Phạm thiên Sahampati đi đến Thế Tôn; sau khi đến, mỗi người đứng dựa vào một cột cửa.

4) Rồi Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Ðứng lên bậc Anh hùng,
Bậc chiến thắng chiến trường,
Ðã đặt gánh nặng xuống,
Không mắc nợ một ai,
Bộ hành khắp thế giới,
Tâm Ngài khéo giải thoát,
Chẳng khác gì mặt trăng,
Trong đêm rằm (chói sáng).

5) Phạm thiên Sahampati:

-- Này Thiên chủ, kính lễ Như Lai không phải như vậy. Và này Thiên chủ, kính lễ Như Lai phải như thế này:

Ðứng lên, bậc Anh hùng,
Bậc chiến thắng chiến trường,
Lãnh đạo đoàn lữ hành,
Không mắc nợ một ai,
Bộ hành khắp thế giới,
Thế Tôn hãy thuyết pháp,
Có những người sẽ hiểu.

VIII. Sakka Kính Lễ (S.i,234)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Ở đây... Thế Tôn nói:

3) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với người đánh xe như sau:

" -- Này Màtali thân, hãy thắng ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe. Chúng ta hãy đi đến vườn cảnh để ngắm cảnh".

4) " -- Thưa vâng, Tôn giả".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali vâng đáp Thiên chủ Sakka; sau khi thắng một ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe, liền báo với Thiên chủ Sakka:

" -- Thưa Ngài, ngàn con ngựa khéo huấn luyện đã thắng vào cỗ xe. Nay Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời!"

5) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka từ cung điện Vejayanta đi xuống, chắp tay và đảnh lễ các phương hướng.

6) Rồi này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali nói lên những bài kệ với Thiên chủ Sakka:

Bậc Tam minh lễ Ngài,
Tất cả Sát-đế-lỵ
Ở trên cõi đất này,
Cũng đều đảnh lễ Ngài,
Kể cả bốn Thiên vương,
Bậc danh xưng Tam thập.
Dạ-xoa ấy tên gì,
Vị mà Ngài đảnh lễ,
Này Sakka?

7) (Sakka):

Bậc Tam minh lễ ta.
Tất cả Sát-đế-lỵ
Ở trên cõi đất này,
Cũng đều đảnh lễ ta,
Kể cả bốn Thiên vương,
Bậc danh xưng Tam thập.

(8)

Nhưng ta chỉ đảnh lễ,
Bậc thành tựu giới, luật,
Lâu ngày tu Thiền định,
Chơn chánh hành xuất gia,
Thành đạt và chứng được
Cứu cánh chơn Phạm hạnh.
Ngoài ra các gia chủ,
Làm công đức, giữ giới,
Nuôi dưỡng vợ đúng pháp,
Các cư sĩ như vậy,
Ta cũng sẽ đảnh lễ,
Hỡi này Màtali.

9) (Màtali):

Phải, tôi cũng được nghe,
Ở đời bậc tối thượng,
Sakka, Ngài đảnh lễ
Những vị Ngài đảnh lễ,
Tôi cũng đều đảnh lễ,
Ôi này Vàsava!

10) (Thế Tôn):

Maghavà nói vậy,
Vua Sujampati,
Ðảnh lễ các phương xong,
Lên xe dẫn đi đầu.

IX. Sakka Ðảnh Lễ (S.i,235)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana...

2) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với người đánh xe Màtali:

" -- Này Màtali thân, hãy thắng ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe. Chúng ta hãy đi đến vườn cảnh để ngắm cảnh".

3) " -- Thưa vâng, Tôn giả".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali vâng đáp Thiên chủ Sakka, sau khi thắng một ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe, liền báo với Sakka:

"Thưa Ngài, ngàn con ngựa khéo huấn luyện đã được thắng vào cỗ xe. Nay Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời".

4) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, từ cung điện Vejayanta đi xuống, chắp tay kính lễ Thế Tôn.

5) Rồi Màtali, người đánh xe nói lên những bài kệ với Thiên chủ Sakka:

6)

Thiên, Nhân kính lễ Ngài,
Hỡi này Vàsava.
Dạ-xoa ấy tên gì
Vị mà Ngài đảnh lễ,
Này Sakka?

7) (Sakka):

Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác,
Ðời này với chư Thiên,
Bậc Ðạo Sư tối thượng,
Vị ấy ta đảnh lễ,
Này Màtali!
Những vị đã đoạn trừ,
Tham, sân và vô minh,
Bậc lậu tận, La-hán,
Vị ấy ta đảnh lễ.
Bậc điều phục tham sân,
Vượt khỏi (màn) vô minh,
Hoan hỷ đoạn tái sanh,
Các bậc thuộc hữu học,
Không phóng dật, tu học,
Vị ấy ta đảnh lễ,
Này Màtali.

8) (Màtali):

Phải tôi cũng được nghe,
Ở đời bậc tối thượng,
Sakka Ngài đảnh lễ,
Những vị Ngài đảnh lễ,
Tôi cũng đều đảnh lễ,
Ôi này Vàsava.

9)

Maghavà nói vậy,
Vua Sujampati,
Ðảnh lễ Thế Tôn xong,
Lên xe, dẫn đi đầu.

X. Sakka Ðảnh Lễ (S.i,235)

1) Tại Sàvatthi, ở Jetavana.

2) Ở đây... Thế Tôn nói như sau:

3) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka nói với người đánh xe Màtali:

" -- Này Màtali thân, hãy thắng ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe. Chúng ta hãy đi đến vườn cảnh để ngắm cảnh".

4) " -- Thưa vâng, Tôn giả".

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe Màtali vâng đáp Thiên chủ Sakka, sau khi thắng một ngàn con ngựa khéo huấn luyện vào cỗ xe, liền báo với Thiên chủ Sakka:

" -- Thưa Ngài, ngàn con ngựa khéo huấn luyện đã được thắng vào cổ xe. Ngài hãy làm những gì Ngài nghĩ là hợp thời".

5) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka từ cung điện Vejayanta đi xuống, chấp tay đảnh lễ Tỷ-kheo Tăng.

6) Này các Tỷ-kheo, rồi người đánh xe Màtali nói lên bài kệ với Thiên chủ Sakka:

7)

Chắc họ đảnh lễ Ngài,
Những người thân bất tịnh,
Chìm sâu trong thi thể,
Bị đói khát dày vò,
Có gì họ ưa thích,
Ðối những vị xuất gia,
Hãy nói cho được biết,
Sở hành các ẩn sĩ,
Nhờ vậy chúng tôi nghe
Ðược tiếng nói của Ngài,
Hỡi này Vàsava!

8) (Sakka):

Ðối với xuất gia ấy,
Ðiều khiến ta ưa thích,
Khi họ từ làng về,
Họ đi không tham vọng,
Vựa lúa, không cất chứa,
Không ghè, không nồi niêu,
Những gì họ tìm kiếm,
Có người khác sẵn sàng.
Do vậy, họ nuôi sống,
Theo cung cách tốt đẹp.
Họ là bậc Hiền trí,
Khuyên nhủ lời tốt đẹp.
Hay họ giữ im lặng,
Trong tư thế trầm tĩnh.
Chư thiên chiến Tu-la,
Loài Người cũng gây chiến.
Hỡi này Màtali!
Không chiến giữa gây chiến,
Trầm tĩnh giữa đao gậy,
Không chấp giữa chấp trước.
Vậy ta kính lễ họ,
Hỡi này Màtali!

9) (Màtali):

9) Phải, tôi cũng được nghe,
Ở đời bậc tối thượng,
Sakka Ngài đảnh lễ.
Những vị Ngài đảnh lễ,
Tôi cũng đều đảnh lễ.
Ôi, này Vàsava!

10)

Maghavà nói vậy,
Vua Sujampati,
Ðảnh lễ Tăng chúng xong,
Lên xe dẫn đi đầu.

 

III. Phẩm Thứ Ba (hay Sakka Năm Kinh).

I. Sát Hại Gì? (S.i,237)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.

3) Ðứng một bên, Thiên chủ Sakka nói lên bài kệ với Thế Tôn:

Sát vật gì, được lạc?
Sát vật gì, không sầu?
Có một loại pháp gì,
Ngài tán đồng sát hại,
Tôn giả Gotama?

4) (Thế Tôn):

Sát phẫn nộ được lạc,
Sát phẫn nộ không sầu.
Phẫn nộ với độc căn,
Với vị ngọt tối thượng,
Pháp ấy, bậc Hiền thánh
Tán đồng sự sát hại.
Sát pháp ấy, không sầu,
Hỡi này Vàsava!

II. Xấu Xí (S.i,237)

1) Tại Sàvatthi, Jetavana.

2) Tại đây... Thế Tôn nói như sau:

3) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có một Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to (Okotimako), đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka.

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên bực tức, chán ghét, phẫn uất: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Tên Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to lại đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka!".

5) Này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên càng bực tức, chán ghét, phẫn uất bao nhiêu, thời Dạ-xoa ấy càng đẹp hơn, càng dễ nhìn, càng dễ thương bấy nhiêu.

6) Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên đi đến Thiên chủ Sakka; sau khi đến, nói với Thiên chủ Sakka:

7) "-- Ở đây, này Tôn giả, có một Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to đến ngồi trên chỗ ngồi của Ngài. Ở đây, này Tôn giả, chư Thiên ở Tam thập tam thiên, bực tức, chán ghét, phẫn uất: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Dạ-xoa này xấu xí, thấp lùn, bụng to lại đến ngồi trên chỗ ngồi của Thiên chủ Sakka!". Nhưng này Tôn giả, chư Thiên ở Tam thập tam thiên càng bực tức, chán ghét, phẫn uất bao nhiêu, thời Dạ-xoa xấu xí, thấp lùn, bụng to ấy càng tốt đẹp, càng dễ nhìn và càng dễ thương bấy nhiêu. Thưa Tôn giả, có phải Dạ-xoa ấy sẽ trở thành Dạ-xoa nuôi dưỡng với phẫn nộ?"

8) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đi đến Dạ-xoa nuôi dưỡng bằng phẫn nộ ấy; sau khi đến đắp thượng y vào một bên vai, đầu gối phải quỳ trên đất, chấp tay vái Dạ-xoa nuôi dưỡng với phẫn nộ và nói lên tên của mình ba lần: "Thưa Tôn giả, tôi là Thiên chủ Sakka! Thưa Tôn giả, tôi là Thiên chủ Sakka!".

9) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka càng nói lên tên của mình bao nhiêu thời Dạ-xoa ấy càng trở thành xấu xí, thấp lùn, bụng to bấy nhiêu; và sau khi trở thành càng xấu xí, càng thấp lùn, bụng to hơn, vị ấy biến mất tại chỗ ấy.

10) Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, sau khi ngồi xuống trên chỗ ngồi của mình, làm cho hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngay lúc ấy, nói lên những bài kệ này:

Tâm ta không dễ dàng,
Ðể cho bị thất trận,
Không dễ bị lôi kéo,
Trong xoáy nước dục tình.
Người biết đã từ lâu,
Ta không còn phẫn nộ,
Phẫn nộ không chân đứng
Một chỗ nào trong ta.
Ta không nói ác ngữ,
Vì phẫn nộ giận hờn,
Và không có khen tặng,
Những đức tánh của ta.
Thấy được lợi ích mình,
Ta tự thân chế ngự.

III. Huyễn Thuật (S.i,238)

1) Tại Sàvatthi...

2) Thế Tôn nói như sau:

3) -- Này các Tỷ-kheo, thuở xưa A-tu-la Vepacitti, vua các A-tu-la bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh.

4) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka đi đến A-tu-la để hỏi thăm tình trạng bịnh hoạn.

5) Này các Tỷ-kheo, Vepacitti từ đàng xa trông thấy Thiên chủ Sakka đi đến, thấy vậy liền nói với Thiên chủ Sakka:

"-- Này Thiên chủ, hãy chữa bệnh cho tôi".

6) "-- Này Vepacitti, hãy nói tôi biết ảo thuật của Sambhara".

7) "-- Này Tôn giả, hãy chờ tôi hỏi ý kiến các A-tu-la."

8) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la hỏi ý kiến các A-tu-la:

" -- Chư Tôn giả, tôi có nên nói cho Thiên chủ Sakka, ảo thuật của Sambhara không?"

9) " -- Thưa Tôn giả, Ngài không nên nói cho Thiên chủ Sakka ảo thuật của Sambhara".

10) Rồi này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la nói lên bài kệ này với Thiên chủ Sakka:

Ông thuộc dòng Magha,
Là Sakka, Thiên chủ,
Là chồng của Sujà,
Ảo thuật dắt dẫn đến,
Vực sâu của địa ngục,
Tại đấy Sambhara,
Ðã sống một trăm năm.

IV. Tội Lỗi (hay Không Phẫn Nộ) (S.i,239)

1) Tại Sàvatthi... tại vườn ông Cấp Cô Ðộc.

2) Lúc bấy giờ hai Tỷ-kheo cãi lộn nhau. Ở đây, một Tỷ-kheo phạm tội, Tỷ-kheo ấy phát lộ tội phạm là tội phạm trước mặt Tỷ-kheo kia. Tỷ-kheo ấy không chấp nhận.

3) Rồi Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

4) -- Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai Tỷ-kheo cãi lộn nhau. Một Tỷ-kheo phạm tội. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ấy phát lộ tội phạm là tội phạm trước mặt Tỷ-kheo kia. Tỷ-kheo ấy không chấp nhận.

5) -- Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là ngu si: một vị không thấy phạm tội là phạm tội, một vị không chấp nhận phát lộ tội phạm đúng pháp. Này các Tỷ-kheo, hai vị Tỷ-kheo này là ngu si.

6) Này các Tỷ-kheo, hai Tỷ-kheo này là sáng suốt, một vị thấy phạm tội, một vị chấp nhận phát lộ tội phạm đúng pháp. Này các Tỷ- kheo, hai Tỷ-kheo này là sáng suốt.

7) Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên tại hội trường Sudhamma, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ này:

Hãy nhiếp phục phẫn nộ,
Giữ tình bạn không phai,
Không đáng mắng, chớ mắng,
Không nên nói hai lưỡi,
Phẫn nộ quăng người ác,
Như đá rơi vực thẳm.

V. Không Phẫn Nộ (Không Hại) (S.i,240)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo... Thế Tôn nói như sau:

3) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka, để làm hòa dịu chư Thiên ở Tam thập tam thiên tại hội trường Sudhamma, ngay trong lúc ấy nói lên bài kệ này:

Chớ để lòng phẫn nộ,
Nhiếp phục, chi phối người!
Chớ để lòng sân hận,
Ðối trị với sân hận!
Không phẫn nộ, vô hại,
Bậc Thánh thường an trú.
Phẫn nộ quăng người ác,
Như đá rơi vực thẳm.

[Hết Tập I : Kinh Tương Ưng Bộ]

-ooOoo-

Chương trước | Chương kế


Mục Lục các Tập (Thiên):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | Giới thiệu


[Trở về trang Thư Mục]

Revised: 30-11-2000