BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Nghi thức Phật giáo Nguyên thủy

Tỳ kheo Thiện Minh

1. Nghi thức Quy y và Thọ giới

Quy là trở về, Y là nương tựa. Quy y là trở về nương tựa nơi Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng. Người đời muốn học chữ hoặc nghề nghiệp nào phải nương tựa nơi thầy cô, tin tưởng, siêng năng học tập thì sẽ thành công. Người tu thì phải nương tựa nơi Tam Bảo, có lòng tin vững chãi, siêng năng học pháp và hành pháp thì tin chắc hiện tại an lạc, tương lai giải thoát. Thông thường, Quy y thì đồng thời phải thọ trì Năm giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Gìn giữ năm giới vừa có nền tảng đạo đức trong cuộc sống vừa có chủng tử giải thoát cho tương lai. Quy y và gìn giữ năm giới là một nếp sống tốt đạo đẹp đời.

The truyền thống Phật giáo, quy y và thọ trì năm giới là tự nguyện chứ không ép buộc. Xuất phát từ lòng thành ngưỡng mộ Phật-Pháp-Tăng, người cư sĩ tự quyết định quy y và thọ năm giới. Từ ý niệm đó, họ đem lễ phẩm nhang đèn, bông hoa... tìm đến một vị tăng có nhân duyên xin nương nhờ và vị này quy y, truyền giới cho họ. Phần lớn là vị này hướng dẫn trực tiếp đời sống tinh thần của họ để tu tập đúng theo chánh pháp, nhưng chúng ta đừng quên rằng chúng ta quy y Tam Bảo chứ không phải quy y vị thầy hay vị sư nào đó. Có suy niệm như vậy chúng ta sẽ không chấp thủ và dính mắc vào vị thầy của mình, đương nhiên sẽ bớt đau khổ khi thấy thầy của mình bị sụp đổ.

2. Nghi thức thờ Phật

Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy sau khi quy y và thọ giới là trong nhà phải thiết lập một thờ trang nghiêm giữa nhà để tôn thờ tượng đức Bổn sư Thích Ca. Những người có điều kiện thường thỉnh chư Tăng đến nhà để cử hành lễ An vị Phật, nếu không có điều kiện họ thỉnh tượng Phật đem đến chùa nhờ chư Tăng chú nguyện trước khi tôn thờ. Gia đình Phật tử của Phật giáo Nguyên thủy thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca và thờ ông bà chứ không thờ nhiều tượng như những tôn giáo hay hệ phái khác. Nhưng tượng Phật Thích Ca phải để cao hơn bàn thờ của ông bà. Nghi thức thờ phượng đơn giản nhưng uyên thâm. Thường thường tại bàn thờ Phật có đặt một bát nhang, đôi đèn để hai bên và hoa quả. Chú ý là Phật giáo Nguyên thủy không sử dụng chuông, mõ và xâu chuỗi, cho nên đừng thỉnh các món đó tốn kém và để trên bàn thờ rườm rà.

Ngày xưa, ông bà chúng ta quan niệm rằng tượng Phật Thích Ca chỉ tôn thờ ở trong chùa, còn ở nhà không trang nghiêm, ô uế nên không được thờ. Quan niệm này không đúng theo truyền thống của Phật giáo. Người Phật tử ngày nay xem kinh đã hiểu rõ lý nhân quả nghiệp báo nên việc tôn thờ tượng Phật Thích Ca ở nhà là việc làm chính đáng. Khi hiểu rõ giáo lý, người Phật tử thờ Phật Thích Ca với tác ý là để tôn thờ lễ bái, tự nhắc nhở việc tự làm lành lánh dữ, chứ không phải để cầu nguyện van xin.

3. Nghi thức Tụng kinh

Tụng kinh là một hình thức giúp cho tâm tập trung và an lạc. Tụng kinh là một nghi thức có ngay trong thời đức Phật còn sinh tiền, tuy nhiên nghi thức đó giản dị không giống như thời nay. Trong kinh Tiểu bộ có kể những giai thoại khi đức Phật dạy các thầy Tỳ kheo phải tụng đọc những bài kinh, thường đa phần Ngài dạy những bài kinh đó là vì sự bất ổn trong công phu tu tập của chư Tỳ khưu và chư vị trình bạch với đức Phật, nhân cơ hội đó Ngài dạy những bài kinh này. Ví dụ như khi chư Tỳ kheo tu tập trong rừng bị phi nhơn quấy phá làm cho tâm chư Tỳ kheo khiếp đảm và sợ hãi, khi đức Phật biết chuyện này Ngài dạy bài kinh Mettasuttam (Kinh Lòng Từ); một lần khác, khi chư Tỳ kheo tu tập trong rừng bị rắn cắn, ngài dạy bài kinh Khadhaparittam v.v. Nội dung những bài kinh này khi tụng đọc giúp cho tâm của chư kheo tăng thêm lòng Ðại Bi, rải lòng Từ cho các chúng sinh và cầu mong mọi loài đừng oan trái lẫn nhau. Những bài kinh này chư vị thọ trì và tụng niệm một mình trong khi tu tập ở trong rừng.

Ngày nay, dựa trên nền tảng căn bản đó, các vị trưởng lão biên soạn nghi lễ tụng niệm đầy đủ có cả phần đầu, phần giữa và phần cuối - cố nhiên không vượt xa lời dạy và những bài kinh của đức Phật. Thông thường một khóa lễ chia làm ba phần, phần đầu tán dương ân đức Tam bảo, phần giữa tụng những bài kinh Phật dạy như Ratanasutta (kinh Tam bảo), Mangalasutta (kinh Hạnh Phúc) v.v. Mục đích chính những kinh này khi chúng ta tụng đọc sẽ được tăng thêm đức tin và sự hiểu biết về Giáo pháp của đức Phật để thực hành đưa đến hạnh phúc, an lạc và giải thoát, chứ không mang tính thần quyền tha lựïc nào cả. Phần cuối là phần rải lòng Từ đến muôn loài và hồi hướng công đức đến cha mẹ, thầy tổ, chư Thiên v.v. Trước khi vào nghi lễ, những người tụng đọc phải đốt nhang đèn, đảnh lễ Tam Bảo tượng trưng cho Phật, Pháp, Tăng.

Nghi thức tụng niệm của chư Tăng và Phật tử về phần nội dung có căn bản giống nhau, nhưng cũng có những bài kinh chỉ có chư Tăng tụng đọc như các kinh Quán tưởng, kinh Phúc chúc đến Phật tử khi họ cúng dường đến Chư Tăng.

Do nhu cầu tín ngưỡng của một số đông Phật tử tại gia, nghi lễ Phật giáo ngày nay có thêm khóa lễ Cầu An, Cầu Siêu và hai thời Công Phu tối và sáng, nhưng vẫn không rời xa tinh thần Phật giáo truyền thống. Những nghi lễ đó giúp tạo duyên cho người tại gia dễ dàng thông hiểu căn bản chánh pháp, luôn được nhắc nhở rằng cầu an và cầu siêu có mục đích tụng đọc cho người sống nghe để có một đời sống không dể duôi và từ đó, cố gắng tinh tấn tu tâm, hành trì đạo pháp.

4. Nghi thức Sám hối

Sám hối là hình thức ăn năn những lỗi lầm đã phạm và hứa sẽ không tái diễn. Bởi vì phàm phu lắm chuyện trần ai, đôi khi giới luật được thọ trì nhưng gìn giữ không trọn vẹn. Vì thế ngày sám hối trở thành ngày quan trọng đối với bậc xuất gia lẫn người tại gia. Một tháng có hai ngày sám hối, đó là 14 và 30, nếu tháng thiếu thì là ngày 14 và 29.

Ngày sám hối là do đức Phật chế định trong dịp đại hội Thánh gồm có 1250 vị thiện Lai Tỳ kheo ở Trúc Lâm tịnh xá vào ngày trăng tròn tháng giêng âm lịch. Về phía chư Tăng vào những ngày này phải cạo tóc và phải sám hối với nhau. Nếu trong chùa có bốn vị Tỳ kheo trở lên thì phải cử hành lễ tụng Giới Bổn. Nghi thức tụng giới, trước tiên chư Tăng phải cử hành lễ Tam bảo, sám hối lẫn nhau (ngồi đối diện trình bạch những tiểu giới mà mình đã phạm với vị đồng phạm hạnh). Hai vị vấn đáp lẫn nhau xem nghi thức để tiến hành tụng giới bổn đầy đủ chưa, nếu đủ một vị đại diện chư Tăng thông thạo giới sẽ tiến hành tụng Giới Bổn. Nếu có thời giờ đầy đủ, các vị sẽ tụng hết 227 giới, còn không, các vị chỉ tụng những phần giới quan trọng như Bốn Bất Cộng Trụ và Mười Ba Tăng Tàng. Tụng giới là trùng tuyên lại những giới luật của các thầy Tỳ kheo phải gìn giữ. Ðiểm đáng chú ý là giới Bốn Bất Cộng Trụ khi vị tăng phạm đến thì không được sám hối mà phải hoàn tục, còn những giới luật còn lại nếu có phạm thì sám hối được. Còn Sa di khi sám hối xong phải xin thọ giới lại với các vị Tỳ kheo. Xin giới là hình thức sám hối của các vị Sa di.

Theo đúng Giới luật thì không có ngày sám hối của người Phật tử cư sĩ. Những nước Phật giáo Nam truyền khác trên thế giới cũng thế. Vào những ngày 14 và 15, hàng cư sĩ chỉ đến chùa xin thọ 8 giới, bố thí đến chư Tăng, thính pháp và tham thiền, chứ không giống cách sám hối của Phật tử Nam tông Việt Nam. Phật tử Việt Nam vào ngày sám hối tụ hội đến chùa theo giờ đã quy định, dâng nhang đèn, lễ Tam bảo, đọc bài sám hối và thính pháp. Bài sám hối này là của các vị trưởng lão trong phái đoàn truyền giáo của Hòa thượng Hộ Tông sáng tác bằng lối văn vần lục bát. Nội dung đề cập quả báu của năm giới và khuyến khích mọi người hãy gìn giữ để có hạnh phúc. Nếu ai lỡ phạm thì hãy ăn năn sám hối và nguyện đừng tái phạm nữa.

Tại sao giới luật không đề cập việc sám hối của Phật tử mà các trưởng lão Phật giáo Nam tông Việt Nam lại chế đọc bài sám hối, và như thế đó có đúng không? Câu trả lời sẽ là: cũng không sai; bởi vì bài sám hối đó có nội dung đề cập đến năm giới, cho nên trước khi thính pháp, ôn lại giới luật của người cư sĩ là một việc làm rất hay. Cách thức ôn lại giới luật đó không khác cách sám hối của chư Tăng thực hiện hàng tháng.

5. Nghi thức Trai tăng

Trong giới luật, đức Phật cho phép đời sống của Sa môn là phải đi khất thực để nuôi mạng, nhưng nếu có thí chủ thỉnh đến nhà trai tăng thì được phép đến đọ thọ thực. Ngày xưa đức Phật và hàng đệ tử sống bằng hạnh khất thực. Một lối sống giản dị, ít bận rộn, gần gũi với cuộc đời, tiện lợi trong việc tiếp độ chúng sinh.

Trai tăng nghĩa là cúng dường một bữa ăn đến những nhà tu hành. Hình thức trai tăng ngày này có thể thực hiện bằng nhiều cách, có thể tổ chức ở tư gia, ở chùa. Thông thường tổ chức như vậy là khi thí chủ có duyên sự trong gia đình như đám giổ ông bà cha mẹ, đám cuới, tân gia hoặc cầu phước, cầu an v.v. Nếu tổ chức ở tư gia, thì thường thỉnh 4 vị chư Tăng hoặc nhiều hơn. Nghi thức là thí thủ phải chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm và tứ vật dụng, để đến khi chư Tăng quan lâm, một vị đại diện trình lý do buổi lễ. Thông thường trong cuộc lễ, gia đình chủ nhà bắt đầu bằng lễ xin Quy y và thọ trì Năm giới, tác bạch cầu an gia đạo, cầu siêu thân bằng quyến thuộc đã quá cố , và tác cúng dường thực phẩm và tứ vật dụng đến chư Tăng. Sau đó đích thân gia đình phải dâng tận tay những lễ phẩm đến chư Tăng. Chư Tăng hoan hỷ thọ lãnh và khai kinh phúc chúc, cầu nguyện cho toàn thể mọi người trong gia đình. Dứt thời kinh thì Phật tử hồi hướng đến cho tất cả chúng sinh. Ðúng giờ thì chư Tăng độ ngọ. Nghi thức tổ chức ở chùa cũng tương tự như vậy, nhưng đôi khi có thêm phần thuyết pháp để gia đình có đầy đủ phước báu, vừa tài thí lẫn pháp thí.

Tổ chức trai tăng là một hành động tạo phước của người tại gia cư sĩ, đồng thời làm giảm thiểu tâm tham lam, bỏn sẻn, vun bồi lòng từ và hạnh bố thí. Bố thí là một việc làm rất khó, ngoại trừ chúng ta có lòng tin với Phật Pháp Tăng và có tình thường với nhân loại. Người tu cả xuất gia lẫn tại gia muốn tiến bộ trên con đường đạo trước tiên phải thực hiện hạnh bố thí, vì hạnh bố thí trong Thập độ Ba-la-mật là hạnh đứng hàng đầu. Chư Phật trong quá khứ giải thoát và giác ngộ phải thực hành trọn vẹn hạnh Bố thí trai tăng này.

6. Nghi thức Thuyết pháp

Thuyết pháp là gì? Là giảng Tứ diệu đế: khổ, nguyên của khổ, diệt khổ, và con đường dẫn đến diệt khổ. Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy, sau khi giác ngộ, đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên về bốn diệu đế này ở vườn Lộc Uyển Ba La Nại để tiếp độ 5 vị Kiều Trần Như.

Ngày nay hàng đệ tử của Ngài tiếp tục truyền thống đó, thuyết giảng Giáo pháp cho Phật tử để am hiểu lời dạy của đấng Giác Ngộ. Giáo pháp này sau khi đức Phật thị tịch, chư thánh tăng khéo gìn giữ và nhiều lần kiết tập. Người nào nghe và thực hành theo, có được công năng hạnh phúc an lạc và giác ngộ ngay trên cuộc đời này.

Nhận thấy tầm quan trọng của Giáo pháp. Chư Tăng thường xuyên tổ chức thuyết giảng vào những dịp lễ như Sám hối, ngày Chủ nhật, đám giổ, trai giới v.v. Ðiểm đáng chú ý trong kinh điển ghi lại là người bố thí pháp sẽ được phước báu nhiều hơn các sự thí khác. Chúng ta cần hiểu rộng thêm, bố thí pháp không hẳn chỉ có chư Tăng mà người cư sĩ cũng có thể làm được. Người cư sĩ học pháp và hành pháp, rồi đem sự hiểu biết đó truyền cho thân bằng quyến thuộc hoặc diễn giảng cho họ nghe về pháp của đức Phật mà mình đã hiểu, động viên họ vào đạo, quy y giữ giới, ấn tống kinh sách, truyền đạt băng giảng cho những người không có điều kiện đến chùa nghe giảng v.v. như thế cũng gọi là Bố thí Pháp.

Thông thường tổ chức nghi thức thuyết pháp trình cho chư Tăng là Phật tử phải tụng kinh Tam bảo trước, pháp sư quan lâm pháp tọa, Phật tử xin quy giới, đọc bài cung thỉnh pháp sư, như: "Phạm thiên ngậm ngùi khẩn khoản, Phật nhận lời nhưng chẳng dĩ hơi, quyết lòng mở đạo dạy đời..." Sau đó, pháp sư lễ bái Tam bảo, chia phước đến Tứ chúng và bắt đầu vào thời giảng. Khi chấm dứt, Phật tử cùng nhau hồi hướng.

7. Nghi thức Hành thiền

Trong Phật giáo, người xuất gia và tại gia có hai điều cần phải làm, đó là học pháphành pháp. Trong hai điều này, đức Phật thường ca ngợi và tán thán người đang hành pháp (hành thiền), vì Giáo pháp của Ngài hướng đến giải thoát và giác ngộ, không còn tham sân si mà hành thiền là một pháp môn duy nhất để tiến đến bờ giác.

Ngày xưa những vị đệ tử của đức Phật, hoan hỷ trong Giáo pháp và xuất gia đến đức Phật xin thọ trì một đề mục, rồi sau đó tìm đến một trú xứ thanh tịnh, ngồi kiết già, lưng thẳng, chánh niệm trong hơi thở, không màng đến những việc thế gian. Hành xuyên suốt như vậy đến khi đoạn trừ phiền não, lạu hoặc. Nếu trong khi hành thiền có gặp những chướng ngại thì chư vị trở về báo cáo với đức Phật và Ngài sẽ hướng dẫn những phương cách giúp cho họ tu tập để có hiệu quả hơn. Ðó là nghi thức hành thiền ngày xưa.

Ngày nay, dù rằng hình thức hành thiền theo phương pháp ngày xưa vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn, nhưng nhu cầu người hành thiền nhiều hơn nên trong một khóa thiền có số lượng tam dự đông. Do đó, nghi thức có phần đa dạng hơn nghi thức ngày xưa. Trong khóa thiền, mọi người thường thực hành tập thể. Một khóa như vậy có thể là một tuần, nữa tháng, một tháng, ba tháng, v.v. tùy theo điều kiện hoặc cũng có thể ít hơn, chừng một vài ngày. Những người đến với khóa thiền thường tinh tấn hành trì xuyên suốt, không vướng bận nhiều đến việc gia đình, và như thế, trong khóa tu họ sống trọn vẹn đời sống như bậc Xuất gia. Thường thường, trong khóa tu, họ phải thức dậy lúc ba giờ sáng, rồi bắt đầu 1 giờ thiền hành và1 giờ thiền tọa xen kẻ, hành trì cho đến 10 tối, ngoại trừ giờ ăn sáng, ăn trưa và những nhu cầu sinh hoạt riêng trong cuộc sống. Mỗi ngày hoặc cách một ngày họ phải đến trình báo cho vị thiền sư biết về sinh hoạt tu tập của mình (trình pháp) để ngài kịp thời hướng dẫn mình tu tập tốt hơn. Tổ chức một khóa thiền đông như vậy phải có nội quy và người điều hành tốt. Thậm chí cho đến việc ăn uống, những người điều hành phải bố trí nhân sự để chu toàn lo cho các hành giả. Do đó, hành giả đến trường thiền chỉ biết tu và gìn giữ thân tâm trong sạch.

Tỳ kheo THÍCH THIỆN MINH
Tháng 05-2001

-ooOoo-

Mục lục | Ðầu trang


[Trở về trang Thư Mục]