BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chỉ là một cội cây

Ajahn Chah
Tỳ kheo Khánh Hỷ chuyển dịch

Quyển 2-B


 

2.50 Người chủ nhà

Tâm là gì? Tâm chẳng có hình dáng gì cả. Sự nhận biết cảm giác tốt hay xấu, chúng ta gọi là tâm. Giống như người chủ của căn nhà. Chủ thì ở ngay trong căn nhà, nhưng khách khứa thì chỉ đến viếng anh ta trong chốc lát, hay tạm trú vài hôm. Chủ nhà là người tiếp đón, đãi đằng khách khứa. Vậy ai đã nhận cảm giác? Và sự nhận biết cảm giác nầy là gì? Và ai đã xả bỏ những cảm giác này? Cái đó ta gọi là tâm, nhưng mấy ai thấy được điều đó. Họ tự nghĩ quẩn quanh: "Tâm là gì? Tâm là gì?" Ðừng bận tâm vào chuyện đó, đừng tự tạo lấy phiền não cho mình làm gì. Cái gì đã thu nhận cảm giác? Cái gì thương cảm giác này và ghét cảm giác kia? Ai đó vậy? Có thực sự có kẻ thương kẻ ghét đó không? Chắc chắn là có nhưng mà ta không thể thấy được. Ðó là cái mà ta gọi là "tâm".

2.51 Ðứa trẻ thơ ngây

Thật vậy, như bạn biết, con người chúng ta, cách chúng ta làm, cách chúng ta sống, cá tính riêng của chúng ta v.v...thật ra chẳng khác nào những đứa con nít. Con nít thì chẳng biết gì. Khi quan sát những đứa trẻ chạy nhảy la hét, ta thấy sự nô đùa của chúng chẳng có mục đich gì cả. Nếu tâm chúng ta không được huấn luyện thì chẳng khác nào những đứa con nít ấy. Nếu lời nói của chúng ta thiếu ý thức, hành động của chúng ta thiếu trí tuệ, chúng ta sẽ bị thoái bộ mà không biết. Trẻ con thì vô tâm, không biết gì, nó chạy nó nhảy lung tung. Tâm thiếu huấn luyện cũng vậy. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật dạy chúng ta phải luyện tâm mình.

2.52 Ðứa trẻ

Hãy nhìn sự yêu và ghét khởi lên từ các giác quan mà không dính mắc vào chúng. Trong việc hành thiền đừng kỳ vọng kết quả thật nhanh và tiến bộ tức thì. Một đứa trẻ phải biết lật, biết bò trước khi nó học đi rồi học chạy. Phải quyết tâm giữ gìn giới luật và thực hành thiền không gián đoạn.

2.53 Ngứa đầu

Khi đau khổ nổi dậy, nếu ta không biết cách đối trị, thì ta không thể nào thoát khỏi đau khổ được. Giống như ta ngứa đầu mà lại gãi chân. Rõ ràng rằng nếu ngứa đầu mà gãi chân thì không thể nào hết ngứa đầu được.

2.54 Chìa khóa

Nếu chúng ta chỉ giữ giới theo truyền thống mà không biết ý nghĩa của giới luật thì dầu vị thầy có dạy cho ta chân lý đi nữa, việc thực hành của ta cũng bị thiếu sót. Mặc dầu chúng ta nên nghiên cứu và tụng đọc kinh điển, nhưng muốn lợi ích thật sự thì phải thực hành. Khi không phát triển việc thực hành thì chúng ta không thể nào hiểu rõ cốt tủy của Phật giáo. Không hành thiền là một khiếm khuyết khiến ta không thể nào lãnh ngộ được tinh túy của Phật giáo. Việc thực hành cũng như chiếc chìa khoá để mở cái rương. Nếu dùng đúng chìa để mở khóa thì dầu ổ khóa có kiên cố đến đâu ta chỉ cần vặn nhẹ cũng sẽ mở được ổ khóa. Nếu không có chìa khoá thì chúng ta không thể nào biết được những gì đựng bên trong rương.

2.55 Dùng chì đổi vàng

Bậc A La Hán thì thật sự khác người thường. Ðối với chúng ta những điều dường như đúng và có giá trị thì đôi khi đối với các Ngài là sai, là không có giá trị. Dùng những vật thế tục để cố gắng làm vui lòng bậc A La Hán thì chẳng khác nào dâng tặng chì thay cho vàng. Chúng ta nghĩ: "Ðây là một khối chì thật lớn, thật nặng, tại sao ông ta không chịu đổi miếng vàng bé teo này để lấy khối chì?"

2.56 Giã biệt bạn xưa

Tham sân si là nguồn gốc của mọi đau khổ. Ta phải học cách chế ngự tham sân si và giải thoát chúng ta ra khỏi vòng kiểm soát của chúng. Ðiều đó thật khó thực hiện, vì chẳng khác nào phải xa rời người bạn đã sống với nhau từ thời thơ ấu, muốn chia tay nhau thật là không dễ chút nào.

2.57 Cái bật điện và cái bát

Trong việc thực hành trước tiên chúng ta phải có tâm định kiên cố để cho trí tuệ phát sinh. Ðịnh tâm chẳng khác nào cái bật điện đã được bật lên. Nếu chưa bật điện lên thì không có ánh sáng. Cũng như định tâm là cái bát trống và trí tuệ là thức ăn đựng trong bát, nếu không có chiếc bát thì lấy gì để đựng thức ăn?

2.58 Con rắn mối

Kinh điển đưa ví dụ một người nọ muốn bắt một con rắn mối đang lẩn trốn trong đụn mối. Ðụn mối có sáu cái lỗ, nếu con rắn mối chạy vào đó thì làm thế nào để bắt? Ông ta phải bịt năm lỗ hang, chỉ chừa lại một lỗ và phải ngồi canh chừng ở cửa này. Khi con rắn mối chạy ra, thế là bụp! Ông ta chụp lấy. Khi quan sát tâm cũng phải làm như vậy đó. Ðóng hết tất cả các cửa giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chỉ chừa lại tâm. Ðóng ở đây không có nghĩa là bưng tai, bịt mắt, nín thở mà phải thu thúc năm cửa giác quan chỉ chừa lại cửa tâm để quan sát. Hành thiền chẳng khác nào việc bắt rắn mối vậy.

2.59 Mất chỗ nào tìm chỗ đó

Nếu bạn biết rằng tốt xấu đúng sai, đều nằm trong bạn thì bạn không cần tìm kiếm chúng ở nơi nào khác. Chỉ cần tìm ở nơi mà chúng khởi sinh. Nếu bạn không làm như vậy thì chẳng khác nào mất vật ở nơi này lại tìm nơi khác. Mất ở nơi nào phải tìm nơi đó, dầu cho lúc đầu bạn không tìm ra đi nữa thì bạn cũng hãy tiếp tục tìm kiếm ở nơi mà bạn đánh rơi. Nhưng thông thường bạn đánh mất vật ở chỗ này mà lại đi tìm chỗ khác. Bằng cách đó bao giờ bạn mới tìm được vật bị mất? Hành động thiện hay ác đều nằm bên trong bạn. Bạn cứ cố gắng kiên trì liên tục tìm kiếm ngay tại chỗ này thì một ngày nào đó nhất định bạn sẽ tìm được.

2.60 Lá sen

Ðức Phật nói rằng bậc giác ngộ là người đã xa lìa phiền não. Ðiều đó không có nghĩa là họ chạy trốn phiền não. Họ chẳng bao giờ làm như thế cả. Phiền não vẫn nằm đấy. Ðức Phật so sánh điều này với lá sen trong hồ nước. Lá sen và nước cùng có mặt. Lá và nước tiếp xúc với nhau nhưng lá không ướt. Nưóc có thể ví như phiền não và lá sen là tâm giải thoát. Tâm của người hành thiền thì không chạy đây đó. Nó nằm yên tại một chỗ. Khi tốt và xấu, hạnh phúc và đau khổ đến, người hành thiền chỉ đơn thuần nhận biết mà không để chúng thấm ướt tâm. Nói cách khác người hành thiền không dính mắc vào cái gì cả.

2.61 Những đóa sen

Chúng ta có thể xem tâm như một đóa sen. Một số hoa sen còn nằm trong bùn, một số vượt ra khỏi bùn nhưng vẫn còn ở dưới mặt nước và một số khác đã nở rộ và tỏa hương thơm dưới ánh mặt trời. Bạn muốn mình là loại hoa nào đây? Nếu bạn thấy mình còn nằm dưới mặt nước thì phải coi chừng lũ cá và rùa.

2.62 Khối nước đá

Cơ thể suy tàn như thế nào? Hãy xem xét một khối nước đá. Nguyên thể của nước đá chỉ là nước. Chúng ta làm nước đông lại và nó tạm thời trở thành nước đá, rồi sau đó nước đá lại tan thành nước. Cục nước đá suy tàn thế nào thì cơ thể ta cũng như vậy. Tất cả chúng ta là những khối mang bản chất suy tàn. Khi sinh ra, chúng ta đã thừa kế tính chất suy tàn đó. Chúng ta không thể nào tránh được điều này. Vừa mới sinh ra là ta đã nhận lấy già, đau, và chết. Bây giờ cơ thể này còn đang cứng giống như cục nước đá. Nhưng hãy nhìn kỹ hơn cái thân thể này. Nó già lão suy kiệt theo định luật tự nhiên và suy tàn như khối nước đá đó.

2.63 Trái xoài

Chúng ta thường xem định và huệ là hai cái gì riêng biệt, nhưng thật ra chúng chẳng có gì khác nhau. Chúng khởi sinh cùng một nơi nhưng theo hai hướng khác nhau giống như trường hợp một trái xoài. Trái xoài lúc đầu nhỏ và xanh, rồi lớn dần lên cho đến khi chín mùi. Trái xoài lúc nhỏ, trái xoài lúc lớn và trái xoài lúc chín, dầu trải qua ba thời kỳ khác nhau, nhưng cũng vẫn là một trái xoài. Chỉ có điều kiện thay đổi mà thôi. Trong việc thực hành giáo pháp cũng như vậy một điều kiện gọi là định tâm và điều kiện khác gọi là trí tuệ, nhưng thực ra định và huệ chỉ là một, giống như trường hợp trái xoài vậy.

2.64 Người bán hàng

Ðừng thất vọng chán nản nếu như việc thực hành của bạn không đạt được kết quả nhanh chóng. Ðiều quan trọng là hãy tiếp tục hành thiền với lòng kiên trì bất thối. Ðừng vội từ bỏ việc hành thiền. Bạn phải có thái độ như bà bán hàng liên tục rao hàng mà không lười biếng. Bà ta cương quyết bán hàng và chỉ ngừng rao khi đã bán hết hàng.

2.65 Thịt

Ngày nay, cái mà mọi người đều muốn là tiền. Họ nghĩ rằng chỉ cần có tiền thì trăm sự đều xong. Vì thế họ lao vào kiếm tiền mà không dành thì giờ làm việc phước thiện. Vậy chẳng khác nào họ có thịt nhưng không muốn có muối để ướp và bảo quản thịt. Họ cất thịt đâu đó trong nhà để thịt bị thối rữa. Người muốn có tiền không những phải biết cách làm ra tiền mà còn phải biết cách sử dụng hay cất giữ tiền nữa. Bạn không thể nào chỉ mua thịt rồi để đâu đó quanh nhà, miếng thịt sẽ bị thối. Ðiều phước thiện khởi sinh từ một tâm thiện đã có trước, nếu biết được nguyên nhân theo cách này thì người ta sẽ biết cách tạo nhân bởi vì quả sẽ tự nhiên theo sau. Nhưng thường người ta không tạo ra nhân đúng. Người ta rất muốn có phước thật nhiều, nhưng lại không muốn tạo ra nguyên nhân để có được phước đó. Những suy nghĩ sai lầm này đều mang lại điều tai hại, bối rối, hoang mang.

2.66 Thịt dính ở kẻ răng

Thật là khó để mà từ bỏ dục lạc ngũ trần. Hãy xem dục lạc ngũ trần như một mẩu thịt dính ở kẽ răng. Khi lấy mẩu thịt ra bạn thấy thoải mái một lát. Có thể bạn nghĩ rằng từ giờ về sau bạn không bao giờ ăn thịt nữa, vì ăn thịt mắc răng khó chịu lắm. Nhưng lần sau ngửi thấy mùi thịt thơm ngon, bạn không thể nào kềm chế được. Bạn lại ăn nữa và lại mắc răng lần nữa. Khi bị mắc răng bạn phải khươi nó ra lần nữa và bạn lại cảm thấy dễ chịu lần nữa. Nhưng sự thoải mái này chỉ có thể kéo dài một thời gian cho đến khi bạn lại ăn thịt lần nữa. Chuyện là như vậy đó. Dục lạc ngũ trần cũng thế thôi. Khi dính vào sẽ thấy đau khổ, khi buông ra sẽ thấy dễ chịu.

2.67 Con cuốn chiếu

Khi có nhiều người sống với nhau, như chúng ta đang ở trong tu viện này, thì họ vẫn có thể hành thiền một cách tốt đẹp thoải mái, nếu quan điểm của họ hòa đồng với nhau. Bảo rằng ở đông người thì không thể sống hài hòa được là không đúng. Hãy nhìn thử con cuốn chiếu. Nó có rất nhiều chân phải không? Thoạt nhìn nó bạn nghĩ rằng nó di chuyển khó khăn lắm, nhưng nó di chuyển theo thứ tự và nhịp điệu riêng của nó. Việc thực hành của chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta thực hành đúng thì dầu cho có cả trăm cả ngàn người đi nữa chúng ta cũng sống một cách hài hoà.

2.68 Tiền, sáp và phân gà

Luật lệ và những chế định được thiết lập chỉ nhằm mục đích khiến cho mọi việc được thuận lợi thế thôi. Lấy một ví dụ, ngày xưa người ta dùng hàng hóa vật chất làm tiền. Nhưng vật chất này khó cất giữ nên người ta mới bắt đầu dùng tiền xu và tiền giấy. Giả sử về sau có một đạo luật lấy sáp ong và phân gà làm tiền, thế là người ta bắt đầu chém giết lẫn nhau vì sáp ong và phân gà. Chuyện là như thế đó. Những thứ mà người ta dùng làm tiền chỉ là một sự chế định do chúng ta đặt ra. Nó được gọi là tiền bởi vì chúng ta quyết định như vậy. Sự thực tiền là gì? Nó chẳng là gì cả. Khi mọi người đồng ý với nhau về một vấn đề gì đó thì một khế ước, một quy định được đặt ra. Thế gian này chẳng qua cũng chỉ là một sự chế định, nhưng thật khó khăn để làm cho một người bình thường biết điều này. Tiền bạc của chúng ta, nhà cửa của chúng ta, gia đình của chúng ta, thân bằng quyến thuộc của chúng ta chỉ là sự chế định mà chúng ta đã đặt ra và ta thật sự tin rằng tất cả chúng là của ta. Nhưng nhìn dưới ánh sáng của giáo pháp chẳng có gì thuộc về ta cả. Nếu ta không sáng suốt mà cứ khư khư cho rằng nó là của chúng ta thì chúng ta sẽ đau khổ.

2.69 Con khỉ

Khi biết rằng bản chất của tâm là liên tục thay đổi ta sẽ hiểu tâm như thế nào. Ta phải biết rằng tâm luôn luôn thay đổi, lúc thiện lúc ác. Nếu ta biết điều này thì dầu lúc ta đang suy nghĩ hay phóng tâm, ta cũng cảm thấy bình an. Giả sử bạn nuôi một chú khỉ con. Con khỉ không thể nào giữ được sự yên tĩnh lâu dài. Nó thích nhảy nhót leo trèo chụp nắm chỗ này chỗ nọ. Ðó là đặc tính tự nhiên của khỉ. Giờ đây bạn đến chùa và thấy một con khỉ nữa. Con khỉ này cũng không ở yên một chỗ. Nó nhảy nhót lung tung, tuy vậy nó không làm bạn khó chịu. Bởi vì chính bạn cũng đang nuôi một con khỉ nên bạn biết được bản tính của loài khỉ. Chỉ cần biết được bản tính tự nhiên của một con khỉ thôi thì cho dầu đi đến tận đâu và gặp bao nhiêu con khỉ, bạn cũng không cảm thấy khó chịu, bởi vì bạn đã hiểu loài khỉ. Khi ta đã hiểu loài khỉ rồi ta sẽ không cư xử như khỉ. Nếu ta không hiểu loài khỉ chúng ta có thể hành động giống như khỉ. Khi thấy khỉ dơ tay với chỗ này chỗ nọ ta nổi đóa. Nhưng nếu ta hiểu bản tính tự nhiên của khỉ ta sẽ thấy rằng con khỉ ở nhà và con khỉ ở chùa cũng giống như nhau. Vậy thì tại sao ta bực mình với chúng? Thấy được bản tánh của khỉ giống nhau là đủ, ta sẽ được bình an.

2.70 Ổ kiến lửa

Dục lạc ngũ trần chẳng khác nào một tổ đầy kiến lửa. Ta lấy một khúc cây chọc vào ổ kiến cho đến khi những con kiến leo lên khúc cây, bò lên mặt rồi cắn mắt và tai của ta. Nhưng ta vẫn chưa biết là ta đang lâm vào tình trạng như vậy. Trong những lời dạy của Ðức Phật có nói rằng, khi ta thấy sự tai hại của một điều nào đó thì dầu cho nó có tốt đẹp đến đâu đi nữa, ta vẫn biết nó tai hại. Khi ta chưa thấy sự tai hại của một vật gì đó thì ta thấy rằng vật đó tốt. Nếu ta chưa thấy được tai hại của vật gì đó thì ta không thể nào tránh được nó.

2.71 Bà cố

Phần đông đợi cho đến khi già khọm, tuổi già xế bóng mới bắt đầu đến chùa hành thiền. Tại sao phải đợi đến lúc đó mới chịu đến chùa? Khi bạn nói với một bà cụ, mẹ ơi! Ði chùa với con. Bà cụ trả lời: "Con đi đi, ta bị lãng tai.". Bạn có hiểu tôi muốn nói gì không? Khi tai bà ta còn tốt thì bà ta nghe những gì? Bây giờ khi trọng tuổi rồi, tai bà không còn nghe rõ, đi đến chùa nghe pháp cũng không nghe được gì. Ðừng đợi đến khi thể lực kiệt tận mới bắt đầu nghĩ đến việc thực hành giáo pháp.

2.72 Người nói dối

Thói quen tham lam sân hận si mê của chúng ta luôn luôn lừa dối chúng ta, nhưng nếu ta kiên trì tỉnh thức cuối cùng ta sẽ bỏ được chúng. Cũng giống như có một người già thường đến và kể đi kể lại cho chúng ta một câu chuyện xạo. Khi ta biết được sự thật những gì mà người ấy kể cho chúng ta, ta sẽ không tin tưởng người ấy nữa. Nhưng phải mất một thời gian lâu dài trước khi ta nhận biết điều này bởi vì sự lừa dối cứ hiện diện thường trực không để ta có cơ hội nhìn thấy bản chất thật sự của sự vật.

2.73 Giẻ rách

Nếu chúng ta thấy mọi vật không vững bền thì giá trị của chúng sẽ mất đi. Mọi vật đều trở thành vô nghĩa. Tại sao ta cứ nắm giữ mọi vật mà chúng chẳng có giá trị gì. Phải xem sự vật chẳng khác nào miếng giẻ chùi chân. Chúng ta giữ nó chỉ để chùi chân mà thôi. Chúng ta cần phải tập để nhìn thấy rằng mọi cảm giác đều có giá trị như nhau, bởi vì chúng có cùng bản chất không bền vững.

2.74 Người làm ruộng

Tinh tấn hành thiền liên tục không lơ là buông trôi như vài người làm ruộng biếng nhác sau đây. Lúc đầu họ làm rất hăng say, nhưng việc chưa xong, họ đã dừng nghỉ. Họ chẳng thèm thu thập dụng cụ, cứ bỏ mặc đó rồi thong dong rảo bước đi. Một thời gian sau khi đất đã khô cứng, họ nhớ lại thửa ruộng bèn trở lại làm thêm một ít, chẳng bao lâu sau lại bỏ dở lần nữa. Làm việc như thế thì chẳng bao giờ có được một đám ruộng màu mỡ tươi tốt. Nếu thật sự muốn tiến bộ thì đừng hành thiền lơ là như những người làm ruộng biếng nhác này.

2.75 Khách dự tiệc

Người ta sống một cuộc sống mù quáng, quên rằng cái chết sẽ đến, cũng giống như những người say sưa chè chén ở bữa tiệc. Họ không nghĩ đến việc bài tiết về sau, cho nên họ đã chẳng để ý xem nhà vệ sinh ở đâu. Cuối cùng khi chuyện phải đến, họ không biết phải làm gì và họ sa vào một trạng thái hỗn loạn.

2.76 Bàn đạp máy may

Khi ngồi thiền chúng ta chỉ cần theo dõi hơi thở. Ðừng tìm cách kiểm soát điều khiển hơi thở. Nếu thúc bách hơi thở, cố ý thở dài ra hay thở ngắn lại, thì bạn sẽ bị mất thăng bằng và tâm không được bình an thoải mái. Ta hãy để hơi thở diễn ra một cách điều hòa tự nhiên. Cũng giống như khi ta sử dụng bàn đạp máy may, ta không thể nào thúc ép nó. Ta đạp lên đạp xuống và để nó điều hòa tự nhiên, nếu thúc ép thì bàn máy sẽ không hoạt động trơn tru dễ dàng. Trước khi muốn may thực thụ, ta phải tập đạp máy may cho nhuần nhuyển thuần thục, sau đó máy may sẽ hoạt động một cách tự nhiên.

Theo dõi hơi thở cũng tương tự như vậy, không cần quan tâm đến hơi thở dài hay ngắn, mạnh hay yếu, chỉ cần ghi nhận hơi thở để nó hoạt động tự nhiên và theo dõi nó.

2.77 Mẫu bánh ngọt

Nếu bạn vẫn còn có hạnh phúc và vẫn còn có đau khổ, thì bạn là người còn đói chưa no. Ðiều đó giống như bạn đang ăn một miếng bánh mà bạn ưa thích, chưa ăn hết thì bánh đã rơi khỏi tay bạn. Bạn có cảm thấy tiếc miếng bánh đã mất không? Khi cảm thấy mất mát bạn sẽ cảm thấy đau khổ vì thế bạn cần phải vất bỏ cả hạnh phúc lẫn đau khổ. Thực phẩm chỉ cần cho người còn đói thôi. Ðúng theo chân lý thì hạnh phúc chỉ là đau khổ ngụy trang nhưng dưới hình thức thật vi tế khiến chúng ta không nhận thấy được. Nếu bạn dính mắc vào hạnh phúc, thì chẳng khác nào dính mắc vào đau khổ, nhưng bạn không nhận ra được điều này. Bởi vậy hãy thận trọng khi hạnh phúc khởi sinh thì đừng quá vui mà bị cuốn hút vào trong mê loạn. Khi đau khổ đến, thì đừng thất vọng, đừng để mình bị nhận chìm trong đau khổ. Hãy xem hạnh phúc và đau khổ có giá trị ngang nhau.

2.78 Trồng cây ăn trái

Việc thực hành của chúng ta chẳng khác nào việc trồng cây ăn trái. Khi trồng cây ăn trái, muốn có trái nhanh người ta có thể dùng phương pháp chiết nhánh dâm cành, nhưng cây chiết nhánh thì không sống lâu và không có sức chịu đựng tốt. Một cách khác là trồng thẳng bằng hạt, trồng theo lối này thì cây có sức chịu đựng tốt hơn và sống lâu hơn. Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy.

2.79 Tiêm thuốc độc

Có hai loại đau khổ, đau khổ thông thường và đau khổ đặc biệt. Ðau khổ thông thường là đau khổ phát sinh từ các hiện tượng nhân duyên tự nhiên của các pháp. Ðau khổ đặc biệt là đau khổ đến từ bên ngoài. Ðể hiểu rõ sự khác nhau của hai sự đau khổ này ta hãy theo dõi ví dụ sau: Giả sử bạn đau và đến gặp bác sĩ và bác sĩ quyết định tiêm thuốc cho bạn. Khi cây kim đâm vào da bạn, thì bạn sẽ thấy đau, đó là chuyện tự nhiên, khi cây kim được rút ra, bạn sẽ hết đau, và đó cũng là chuyện tự nhiên. Ðây là loại đau khổ thông thường chẳng có vấn đề gì cả, bởi vì mọi người đều trải qua loại đau khổ này. Loại đau khổ đặc biệt là loại đau khổ phát sanh từ sự dính mắc chấp giữ một vật gì. Ðau khổ đặc biệt chẳng khác nào bị tiêm một mũi thuốc độc, bây giờ không còn là cái đau thông thường nữa mà là cái đau dẫn đến sự chết.

2.80 Cây viết quí giá

Nếu bạn không hiểu thế nào là bình an thì bạn không bao giờ tìm được sự an bình. Chẳng hạn bạn có một cây viết thật đắt giá và bạn luôn luôn dắt ở túi áo của mình. Nhưng một ngày nào đó bạn để cây viết đâu đó mà quên mất. Về sau bạn sờ tay vào chỗ thường dắt cây bút nhưng bạn không thấy bút đâu nữa. Bạn hốt hoảng và nghĩ rằng cây viết đã mất. Bạn hốt hoảng vì bạn có sự hiểu biết sai lầm. Bạn không thấy được chân tướng của sự vật bởi thế bạn bị đau khổ. Bạn luôn luôn bận tâm vì bi. mất cây viết quí giá đó: "Thật là tiếc quá! Ta đã bỏ ra một số tiền lớn để mua cây viết mà bây giờ lại đánh mất rồi." Nhưng rồi bạn lại nhớ ra: "ồ! Có thể trong khi đi tắm ta đã bỏ cây viết trong túi quần sau." Vào lúc bạn chợt nhớ ra được điều này mặc dầu chưa thấy cây viết bạn đã cảm thấy bớt khó chịu và nhẹ nhõm. Bạn không còn lo lắng tiếc nuối về cây viết nữa. Khi bạn đưa tay ra túi sau và tìm thấy cây viết ở đó thì bao nhiêu đau khổ tiếc nuối đều tan biến. Tâm bạn đã lừa dối bạn thật lâu, lo lắng bâng khuâng đến từ sự si mê không hiểu biết. Bây giờ đã thấy lại cây viết, không còn nghi ngờ băn khoăn. Sự bình an này có được là nhờ bạn thấy rõ nguyên nhân của vấn đề, nguyên nhân của đau khổ. Ngay sau khi bạn biết rằng cây viết còn nằm trong túi quần sau của mình thì đau khổ chấm dứt. Biết được sự thật, biết được chân lý thì sẽ có bình an.

2.81 Con cọp điên

Tâm của chúng ta giống như con cọp điên bị nhốt trong chuồng, nếu nó không nhận được những gì nó muốn thì nó sẽ lồng lộn gào thét. Phải dùng thiền để điều phục con tâm như vậy. Phiền não của chúng ta chẳng khác nào con cọp điên. Phải dùng chánh niệm, tinh tấn, kiên nhẫn và chịu đựng để tạo thành cái chuồng kiên cố, vững chắc để nhốt con cọp điên này lại. Và rồi chúng ta bỏ đói nó, đừng cho nó ăn những thức ăn quen thuộc mà nó thích, chẳng bao lâu sau nó sẽ chết.

2.82 Pháp hành của người chủ nhà

Ðời sống của một cư sĩ thật khó khăn mà cũng thật dễ dàng. Dễ dàng để hiểu cách sống tốt đẹp, nhưng khó khăn để áp dụng cách sống tốt đẹp này. Chẳng khác nào bạn đang cầm một hòn than nóng đỏ trên tay và than phiền rằng hòn than quá nóng. Thấy thế tôi bảo bạn vất hòn than nóng đi, nhưng bạn không chịu bỏ và trả lời rằng, tôi chỉ muốn nó trở nên lạnh kia. Vậy thì hoậc là bạn phải vất bỏ hoặc là bạn cần phải kiên nhẫn chịu đựng, thật là hết sức kiên nhẫn chịu đựng mới được. Bạn hỏi làm thế nào tôi có thể vất bỏ gia đình được? Chỉ cần vất bỏ phần dính mắc trong tâm bạn thôi. Bạn phải lo cho gia đình, nhưng đừng để tâm dính mắc vào gia đình. Dĩ nhiên bạn phải có trách nhiệm với gia đình của mình. Như con gà đẻ trứng bạn phải ấp cho đến khi trứng nở. Chỉ thế thôi, đừng dính mắc vào danh từ "gia đình". Nghĩ như vậy sẽ tạo thêm một sự đau khổ khác. Ðừng nghĩ rằng bạn sẽ hạnh phúc khi sống một mình, cũng đừng nghĩ rằng bạn sẽ hạnh phúc khi sống chung với người khác. Hãy sống với giáo pháp và tìm hạnh phúc thật sự trong giáo pháp.

2.83 Con khỉ

Tâm không được kiểm soát thì chẳng khác nào như một con khỉ nhảy nhót vô ý thức. Nó chạy lên lầu thấy chán rồi lại chạy xuống lầu, mệt mỏi, đi xem chớp bóng, lại chán nữa, đi ăn, cũng chán nữa. Những hành động này được điều khiển bởi những hình thức khác nhau của chán ghét và sợ hãi. Bạn hãy học cách kiểm soát tâm. Hãy nhìn bản chất thật sự của tâm: vô thường, bất toại nguyện và trống rỗng. Phải học cách làm chủ nó. Nếu cần thì xích nó lại. Hãy để nó tự làm cho nó mệt nhoài rồi chết. Thế là bạn có con khỉ chết. Hãy để cho khỉ chết thối rữa ra, bạn sẽ có xương khỉ. Cuối cùng bạn sẽ đạt được bình an thật sự. Ðừng lo cho khỉ nữa mà hãy lo cho chân lý của đời sống.

2.84 Sông và suối

Khi chúng ta bước vào dòng suối của giáo pháp thì chúng ta là một với giáo pháp. Dầu cho ta có đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng chúng ta hài hòa tương hợp với nhau. Cũng giống như sông và suối chảy ra biển, một khi đã vào biển cả thì chúng có cùng hương vị và cùng màu sắc.

2.85 Sợi thừng

Cố gắng chấm dứt đau khổ mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân của đau khổ thì chẳng khác nào cố gắng kéo một đầu dây thừng, trong khi đầu kia thì bị cột chặt vào một nơi nào đó. Bạn kéo đầu dây này trong khi đầu dây kia bị dính chặt thì sẽ không thể nào kéo được sợi dây. Muốn kéo sợi dây bạn phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao bạn không rút được sợi dây, chắc chắn là đầu dây kia bị mắc kẹt ở đâu đó nên không thể kéo ra được. Ðến ngay chỗ đầu dây đó, à! té ra có một gút thắt ở đây, bạn mở gút thắt ra và rút được sợi dây.

2.86 Cát và muối

Vì dính mắc những gì người ta kỳ vọng và đặt định từ trước nên nhiều vấn đề rắc rối xảy ra. Nếu nhìn một cách tinh tế và chân xác thì chẳng có vật gì hiện hữu cả. Nhà cửa chúng ta, gia đình chúng ta, tiền bạc chúng ta chỉ là những danh từ chế định mà ta đã gán cho nó. Dưới ánh sáng giáo pháp chúng không phải là của ta. Ngay thân thể này cũng không thực sự là của ta dầu cho ta không tin như thế, nó cũng không thể trở thành của ta được. Chẳng khác nào khi ta bốc một nắm cát rồi cùng đồng ý gọi nó là muối. Gọi như thế thì cát có thể trở thành muối được không? Ðược chứ, nhưng đó chỉ là sự thay tên đổi họ, chứ làm thế nào để cát trở thành mặn giống như muối được. Bạn không thể dùng cát này để nấu ăn thay muối được, bởi vì dù có đặt tên gì đi nữa thì cát vẫn là cát.

2.87 Học sinh

Thực hành giáo pháp cũng như trò học viết chữ. Lúc mới tập viết, đứa trẻ không thể nào viết ngay hàng thẳng lối được. Chữ viết méo mó siêu vẹo. Nhưng dần dần qua nhiều lần thực tập, đứa trẻ sẽ viết khá hơn. Việc thực hành giáo pháp cũng như vậy. Lúc đầu bạn rất lúng túng, có lúc tâm an tịnh, có lúc tâm dao động. Bạn không biết gì là gì cả. Nhiều người cảm thấy chán nản. Nhưng đừng lo lắng, đừng thất vọng. Hãy tiếp tục cố gắng tinh tấn như trẻ em tập viết càng ngày càng viết đẹp ra. Từ chỗ viết cong queo xấu xí cho đến khi viết được chữ đẹp, tất cả đều phải trải qua một thời gian thực hành.

2.88 Ống thoát nước

Khi làm một cái đập nước bạn phải xây một ống thoát nước. Ðể rồi khi nước dâng lên quá cao thì nước có thể thoát đi một cách an toàn thông qua ống này. Khi nước đầy ngang miệng đập, thì ống thoát nước được mở ra. Bạn phải có một cái van an toàn như vậy. Hiểu biết vô thường là cái van an toàn của các bậc giác ngộ. Nếu bạn cũng có cái van như vậy thì bạn sẽ được bình an tự tại.

2.89 Mảnh chai trong chân

Ðức Phật dạy chúng ta phải dùng trí tuệ để làm phương tiện thoát ra khỏi sự đau khổ. Chẳng hạn bạn bị một cái mảnh chai găm vào chân. Thỉnh thoảng khi bạn bước lên vật gì cứng thì vật cứng ép vào mảnh chai khiến mảnh chai đâm sâu vào chân bạn làm cho bạn nhức nhối. Bạn bèn sờ nắn khắp chân nhưng chẳng tìm ra gì cả. Bạn nhún vai rồi tiếp tục đi. Nhưng sau đó khi đạp nhằm vật cứng nữa và bạn lại đau trở lại. Ðiều đó xảy ra nhiều lần, vậy cái gì làm cho bạn đau ở đây? Nguyên nhân là cái mảnh chai nằm trong chân bạn. Mỗi khi chân đau, bạn lại lấy tay sờ nắn quanh đó, nhưng bạn chẳng tìm thấy gì nên bạn bỏ qua. Cứ bị đau mãi như vậy khiến bạn có ý muốn lấy miếng mảnh chai ra. Cương quyết lấy nó ra bởi vì nó làm bạn đau. Sự tinh tấn trong việc hành thiền cũng giống như vậy. Bất kỳ chỗ nào đau, chỗ nào khó chịu, thì bạn phải quan sát và truy tầm. Chúng ta phải đương đầu với vấn đề chứ không phải chỉ nhún vai là đủ, nghĩa là phải lấy cái mảnh chai ra khỏi chân bạn. Chỗ nào tâm bạn bị bế tắc bạn phải ghi nhận. Khi nhìn vào bên trong nó, bạn sẽ hiểu nó, thấy rõ nó và chứng nghiệm được bản chất của nó.

2.90 Con ngựa bất kham

Tâm giống như một con ngựa bất kham, rất khó huấn luyện. Bạn phải làm gì khi bạn có một con ngựa chứng như vậy? Hãy cho nó nhịn đói một lát, nó sẽ đến gần bạn hơn. Khi nó đã biết nghe lời bạn hãy cho nó ăn một chút. Chúng ta phải huấn luyện tâm như vậy. Với chánh tinh tấn chúng ta có thể đạt được trí tuệ.

2.91 Cái gốc cây

Bạn phải tìm hiểu nguyên nhân cội nguồn của sự vật. Chẳng hạn bạn đang đi và vấp phải một gốc cây nhỏ. Bạn bèn lấy dao chặt nó đi, nhưng nó lại mọc trở lại và bạn lại dẫm lên gốc cây ấy lần nữa. Bạn lại tiếp tục chặt và gốc cây lại tiếp tục mọc lên. Cách tốt nhứt là bạn phải kiếm một cái xe kéo để bứng tận gốc nó lên. Nhưng bạn phải làm ngay, đừng lần lữa hẹn nay, hẹn mai. Ðiều đó giống như bạn nhủ thầm "Hôm nay ta nên đi chăng? Có nên đi không? Hay để ngày mai hãy đi" Qua đến ngày mai, bạn lại tự hỏi "Có nên đi hay là không đi?" Và bạn cứ tiếp tục tự hẹn ngày này qua ngày khác mà chẳng đi đâu cả cho đến ngày bạn chết. Bạn chỉ cần quyết định "Ði", vậy là đủ.

2.92 Thức ăn tráng miệng

Thực hành là trực tiếp quan sát tâm. Ðó chính là trí tuệ. Khi bạn đã xem xét và hiểu biết tâm mình thì bạn sẽ có đủ trí tuệ để hạn chế sự định tâm cũng như có đủ trí tuệ để bớt lệ thuộc vào sách vở. Nếu bạn đã thực hành thuần thục và không còn dính mắc, lệ thuộc vào bất cứ cái gì, lúc bấy giờ bạn hãy trở về với sách vở. Sách vở lúc bấy giờ cũng giống như đồ ăn tráng miệng, chúng giúp bạn chỉ dẫn kẻ khác. Hoặc bạn cũng có thể trở về với thiền vắng lặng vì bây giờ bạn đã có trí tuệ là không dính mắc vào bất cứ cái gì.

2.93 Quả xoài ngọt

Giáo pháp nằm ngay trong tâm bạn chứ không phải trong rừng. Ðừng nghe ai mà hãy lắng nghe tâm mình. Bạn chẳng cần phải đi nơi nào để tìm kiếm giáo pháp. Giáo pháp nằm ngay trong tâm bạn, cũng giống như trái xoài ngọt đã nằm sẵn trong trái xoài xanh.

2.94 Quả đu đủ ngọt

Nếu biết sử dụng phiền não một cách khôn khéo thì sẽ mang lại nhiều ích lợi. Cũng giống như dùng phân gà và phân trâu để bón cho cây đu đủ. Phân thì thật dơ dáy, nhưng khi cây trổ quả thì trái đu đủ thật ngon ngọt. Bất cứ lúc nào phiền não xuất hiện, như sự nghi ngờ chẳng hạn, thì hãy nhìn vào nó, quan sát, theo dõi ngay tại đó. Ðiều này sẽ giúp cho sự thực hành của bạn phát triển và kết trái ngon ngọt.

2.95 Máy thu âm

Nếu việc nghe giáo pháp giúp cho bạn được bình an tĩnh lặng, thế là đủ rồi. Bạn chẳng cần phải cố gắng nhớ bài pháp làm gì. Có thể một số các bạn không tin điều này, nhưng nếu tâm bạn bình an tĩnh lặng nghe những gì đang nói và để nó trôi qua trong khi liên tục quan sát, thì bạn đã làm việc như một chiếc máy thu âm rồi. Một thời gian sau, mỗi khi bạn bật máy lên, tất cả đều được ghi lại đầy đủ. Ðừng sợ rằng chỉ ngồi nghe một cách chánh niệm để mọi sự việc trôi qua với tâm bình an tĩnh lặng thì chẳng được gì cả. Bởi vì ngay khi bạn bật máy thâu băng lên thì tất cả đều nằm ở đó.

2.96 Võ sĩ và người ăn trộm

Người có tri kiến sai lầm về việc hành thiền cũng giống như một người ăn trộm mướn luật sư cứu anh ta khi bị bắt quả tang. Nhưng sau đó lại tiếp tục tái phạm lần nữa. Hoặc giống như người võ sĩ sau khi thượng đài bị nhiều vết thương, chữa trị vết thương xong lại đi đấu võ lần nữa và lại mang thương tích. Mặc dầu cứ mỗi lần đấu võ là mỗi lần bị thương, anh võ sĩ vẫn cứ muốn thượng đài.

Mục đích của việc hành thiền không phải chỉ để tạo được một ít yên tĩnh trong một thời gian ngắn, tạm thời chấm dứt mọi đau khổ, khó khăn, nhưng là để nhổ tận gốc rễ nguyên nhân đã khiến chúng ta bất an.

2.97 Trộm và kẻ giết người

Nếu đời sống thế tục thuận lợi cho việc hành thiền thì Ðức Phật đâu có khuyến khích chúng ta đi tu làm gì. Thân và tâm chúng ta như những băng đảng cướp của, giết người. Chúng luôn luôn kéo chúng ta đến hầm lửa tham lam, sân hận, si mê. Ðời sống thế tục có rất nhiều khó khăn trở ngại. Ngũ dục luôn luôn lôi cuốn. Chúng mời gọi ta đến căn nhà ái dục với một giọng nói ngọt ngào thân thiện, "Ðến đây, hãy đến đây người bạn thân mến" và khi bạn đến gần thì cửa mở và súng nổ.

2.98 Tấm lưới cá chằng chịt

Hãy hiểu và theo dõi tâm. Tâm trong sáng nhưng nó bị ô nhiễm, bị nhuộm màu vì tình cảm, vì cảm xúc. Hãy huấn luyện tâm thế nào để tâm trở thành một mạng lưới dày chặt, rắn chắc, tóm gọn mọi cảm xúc, cảm giác rồi quan sát xem xét chúng cẩn thận trước khi phản ứng.

2.99 Cây

Chúng ta hãy lấy ví dụ về một cội cây để hiểu rõ sự bảo vệ và duy trì Phật Pháp bằng cách hành thiền. Cây gồm có rễ, thân, cành và lá. Các bộ phận lá, thân, cành đều tùy thuộc vào rễ bởi vì rễ đã hút chất bổ chuyển đến các cơ phận trên. Cây nhờ rễ để duy trì sự sống. Chúng ta cũng vậy, hành động lời nói của ta là thân, lá, cành, và tâm là rễ. Rễ hấp thụ chất bổ để nuôi dưỡng toàn thể thân cây, giúp cho cây đơm hoa, kết trái. Tâm tốt hay xấu, có chánh kiến hay tà kiến, đều thể hiện qua lời nói và hành động. Bởi thế, việc bảo vệ và duy trì Phật giáo bằng cách thực hành giáo pháp thật vô cùng quan trọng.

2.100 Hướng về phía ánh sáng

Có ai có thể điều khiển cây mọc khác đi cái lối mọc tự nhiên của nó không? Cây không thể chuyện trò, không thể chạy đây, chạy đó, nhưng nó có thể mọc theo lối riêng của nó để tránh các chướng ngại. Khi gặp chỗ hiểm hóc khó tăng trưởng, nó bèn vươn ra ngoài để nhận ánh sáng. Theo bản chất, cây chẳng biết gì cả. Nó chỉ sinh hoạt theo định luật của thiên nhiên, nhưng nó lại biết cách mọc thế nào để tránh khỏi nguy hiểm, nó biết vươn đến chỗ thích hợp cho sự tăng trưởng của nó. Chúng ta nên học theo cách sinh hoạt của cây. Nếu chúng ta muốn chữa trị đau khổ và nếu yêu hay ghét cũng đều là đau khổ, thì chúng ta phải tìm cách tránh xa chúng, đừng thân thiện, gần gũi, gắn bó với chúng. Khi hướng về với Ðức Phật thì đau khổ sẽ giảm bớt và cuối cùng sẽ bị tận diệt hoàn toàn.

2.101 Hư ngụy

Người thế tục thường nói những điều hư ngụy dối trá. Chẳng hạn bạn tình cờ gặp trên xe lửa một người bạn mà từ lâu bạn không liên lạc, bạn liền nói với người ấy "Tôi rất mừng được gặp bạn ở đây, tôi vừa định đi tìm gặp bạn đấy. Sao, độ rày thế nào?". Thực ra thì không phải vậy. Bạn chẳng hề nghĩ đến anh ta bao giờ, nhưng trong lúc vui miệng và quen miệng bạn thốt ra như thế thôi, chỉ để xã giao, cho có, vậy thôi. Thế nhưng như vậy là bạn đã nói điều hư ngụy hay nói dối rồi đấy. Lời nói không thật phát xuất từ sự vô tâm, vô tình của bạn, nhưng nó là hình thức vi tế của sự dối trá và thông thường người ta hay quen miệng nói như vậy. Ðó cũng là một loại phiền não cần phải tập vứt bỏ.

2.102 Dây leo

Một đứa trẻ lớn lên chẳng khác nào một dây leo đang mọc. Dây leo mọc lớn lên và tựa vào một cây khác gần đó. Dây leo không tự tạo được hình dáng của riêng mình. Nó dựa vào một cây khác để tạo nên hình dáng cho mình. Nếu nó dựa vào cây mọc thẳng đứng thì dây leo cũng mọc thẳng đứng. Nếu nó dựa vào cây có hình dáng cong queo thì dây leo cũng mang hình dáng cong queo.

Cần phải hiểu kỹ rằng trẻ con chịu ảnh hưởng bởi hành động và cử chỉ mà bạn làm chứ không phải vào lời nói mà bạn dạy. Do đó việc tu hành của bạn không phải chỉ đem lại lợi ích cho chính bạn mà còn đem lại lợi ích cho con em bạn và cho những người quanh bạn nữa.

2.103 Chim kên kên

Nhiều người có trình độ đại học, có bằng cấp tốt nghiệp và thành công trên đường đời, nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống của họ thiếu thốn. Dầu cho có tư tưởng cao sa hay thông minh hoạt bát đến đâu đi nữa, tâm họ cũng chứa đầy những vô dụng và hoài nghi. Cũng giống như loài chim kên kên, chúng bay cao đấy nhưng nó ăn những gì?

2.104 Con trâu

Tư tưởng của chúng ta tùy thuộc vào pháp trần và bị pháp trần lôi kéo đến bất kỳ nơi nào mà chúng thích. Thật ra chẳng có pháp trần hay đối tượng giác quan nào có bản chất thật sự. Chúng đều là vô thường, khổ và trống không. Khi pháp trần khởi lên hãy quan sát và theo dõi xem chúng làm gì.

Theo dõi tâm chẳng khác nào chăn một con trâu trên đồng. Người chăn trâu thả cho trâu đi lại tự nhiên nhưng luôn luôn để ý canh chừng. Nếu trâu đi gần đến ruộng lúa, người chăn trâu sẽ quát lên một tiếng, thế là trâu sẽ thụt lùi lại ngay. Nếu trâu không nghe lời, người chăn trâu sẽ quất cho nó vài roi. Người chăn trâu không được lơ là bất cẩn, không được ngủ quên. Nếu y tham ngủ thì lúc thức dậy lúa đã bị trâu ăn sạch.

Tâm chẳng khác nào con trâu và lúa là các pháp trần. Người giác tỉnh là chủ nhân. Khi nhìn vào tâm, người giác tỉnh hiểu biết mọi sự. Họ biết rõ lúc tâm chiều theo pháp trần thì tâm sẽ như thế nào, và khi tâm không bị pháp trần chi phối, nó sẽ như thế nào? Quan sát và biết được tâm như vậy, trí tuệ sẽ phát sinh. Khi tâm gặp pháp trần, nó sẽ giữ chặt pháp trần đó như con trâu gặp lúa là ăn ngay. Bởi vậy bất kỳ tâm đi đâu đều phải quan sát theo dõi nó. Khi tâm đến gần "ruộng lúa" pháp trần, hãy la nó ngay. Nếu nó không nghe hãy quất cho nó vài roi.

2.105 Giếng nước và vườn cây ăn trái

Muốn tìm bình an trong thế gian này bạn cần phải có nhiều nỗ lực. Chẳng khác nào việc đào giếng để lấy nước. Nước chảy ngầm dưới đất, nhưng bạn phải đào giếng mới lắy được. Hoặc như bạn đã có sẵn một vườn cây ăn trái, trái chín đầy cành nhưng bạn phải hái mới được. Trái cây không thể tự động rơi vào miệng bạn.

2.106 Khúc gỗ

Chúng ta không thể nào tách rời thiền định và thiền minh sát. Muốn quan sát phải có sự định tâm, và muốn định tâm cần phải có sự quan sát để hiểu rõ tâm. Muốn tách rời thiền định và thiền quán thì chẳng khác nào cầm ở giữa khúc gỗ nâng lên và chỉ muốn một đầu được nhấc lên thôi. Khi nhấc khúc gỗ lên thì cả hai đầu đều được nâng lên cùng một lúc. Ta không thể tách rời hai đầu khúc gỗ được. Trong việc hành thiền cũng vậy, bạn chẳng cần phải phân biệt đâu là thiền định và đâu là thiền quán, chỉ cần biết đây là sự thực hành pháp bảo, thế là đủ.

2.107 Lạc hướng

Nếu bạn không hiểu rõ chân lý của sự khổ và phương cách tránh khỏi khổ đau, thì bạn không thể nào có được Bát Chánh Ðạo. Chánh đạo sẽ trở thành tà đạo: tà ngữ, tà nghiệp, tà dịnh, v.v.. Cũng giống như bạn muốn đi đến một ngôi làng nào đó. Bạn đi sai đường nhưng cảm thấy thoải mái, vì cảm thấy thoải mái nên bạn tiếp tục đi, nhưng kết quả là bạn sẽ không bao giờ đến được nơi mình muốn. Vì vậy dù đường đi có thoải mái, thuận tiện cho bạn cách mấy đi nữa, bạn cũng sẽ không đến được nơi mình muốn đến.

Kết

Chỉ cần một ít trí tuệ trực giác, chúng ta có thể thấy rõ ràng thế gian pháp. Chúng ta sẽ thấy rõ rằng tất cả mọi chuyện trên cõi đời này đều là thầy của chúng ta. Cây và dây leo, chẳng hạn, có thể cho ta thấy rõ chân lý của sự vật. Khi đã có trí tuệ thì chẳng cần phải học hỏi ai và chẳng cần phải học hỏi gì nữa, chỉ cần học hỏi ở thiên nhiên cũng đủ để ta giác ngộ.

Ajahn Chah

-oOo-


[Quyển 1-A] [Quyển 1-B] [Quyển 2-A] [Quyển 2-B] [Lời giới thiệu] [Trang Gốc]

Chúng tôi có toàn bộ tập sách trong dạng WinWord với phông chữ Việt Unicode Times. Quý đạo hữu nào cần có bản nầy để ấn tống hoặc trích đăng cho các đặc san địa phương thì có thể gửi thư điện tử đến địa chỉ: binh_anson@yahoo.com hoặc anson@saigon.com .