BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chỉ là một cội cây

Ajahn Chah
Tỳ kheo Khánh Hỷ chuyển dịch

Quyển 1-B


 

1.36 Con chó chóc

Một lần nọ Ðức Phật thấy một con chó chóc, một loại chó sống trong rừng. Con chó chạy ra khỏi rừng, nơi cư ngụ của nó. Nó đứng một lát lại chạy vào bụi rậm. Sau đó lại chạy ra, rồi lại chạy vào một bộng cây. Sau đó lại chạy ra, đứng một lát, nó lại chạy, rồi lại nằm, nằm một lát, nó lại nhảy đi. Thì ra con chó chóc này bị lác. Lác làm nó ngứa ngáy khó chịu, bởi thế nó chạy cho đỡ ngứa, nhưng rồi vẫn không hết ngứa nó bèn đứng lại. Vẫn cảm thấy khó chịu, nó bèn nằm xuống, rồi lại nhảy vào bụi rậm. Chẳng bao giờ nó chịu ngừng nghỉ. Ðức Phật thấy thế dạy các đệ tử rằng: này các thầy tỳ khưu, các thầy có thấy con chó chóc lúc chiều không? lúc đứng, nó đau khổ, lúc chạy, nó đau khổ, lúc ngồi, nó đdau khổ, lúc nằm, nó đau khổ. Nó than trách đứng làm nó khổ, ngồi làm nó khổ, nó than trách chạy, nó than trách nằm, nó than trách bộng cây, nó than trách bụi rậm.

Thật ra không phải những điều trên làm nó bất an. Cái mà làm cho nó bất an chính là bệnh lác. Chúng ta chẳng khác nào một con chó chóc. Sự bất mãn, sự không hài lòng của chúng ta phát sinh từ tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm của chúng ta. Bởi vì không thực hành pháp thu thúc lục căn nên ta than trách sự đau khổ bên ngoài. Dầu sống ở Thái lan, ở Việt nam hay ở Miến điện, ở Mỹ hay ở Anh quốc chúng ta đều không hài lòng , tại sao chúng ta lại không hài lòng ? Bởi vì chúng ta có sự hiểu biết sai lầm, chỉ có vậy thôi, thế nên bất kỳ đi đến đâu ta cũng không hài lòng. Khi con chó chóc lành bệnh lác thì đi đâu nó cũng thoải mái, cũng hài lòng. Cũng vậy khi không còn tà kiến, không còn hiểu biết sai lầm, thì đi bất kỳ nơi đâu ta cũng cảm thấy thoải mái hài lòng.

1.37 Con dao tây

Hãy nhìn con dao tây. Toàn thể con dao là một khối sắt không rỉ. Mỗi con dao có mũi dao, lưỡi dao và sống dao. Bạn có thể chỉ cầm lưỡi dao lên không? bạn có thể chỉ cầm sống dao hay cán dao lên không? lưỡi dao, cán dao, sống dao đều là một phần của con dao tây và dính liền nhau không thể tách rời ra được. Khi cầm dao lên thì bạn cầm mọi bộ phận của nó. Cũng vậy, nếu bạn cầm cái tốt lên thì đồng thời bạn cũng cầm cái xấu lên. Người ta thường tìm kiếm điều tốt mà loại bỏ điều xấu. Nhưng họ không biết rằng chẳng có gì không tốt hay không xấu cả. Nếu bạn không học tập điều này thì bạn sẽ không có sự hiểu biết thật sự. Nếu bạn cầm cái tốt lên thì cái xấu cũng dính liền theo. Nếu bạn cầm hạnh phúc thì đau khổ cũng đeo theo. Hãy huấn luyện tâm cho đến khi nó vượt lên trên cả tốt và xấu. Ðó là lúc hoàn tất việc học hành.

1.38 Gút thắt

Chúng ta xem hạnh phúc và không hạnh phúc là bất ổn không vững bền và vô thường. Ðồng thời cũng hiểu biết rằng các loại cảm giác cũng không tồn tại lâu dài và không nên bám víu vào chúng. Chúng ta nhìn sự vật theo cách này vì ta có trí tuệ. Chúng ta hiểu biết sự vật theo bản chất tự nhiên của chúng.

Cũng như cầm một đầu dây có thắt gút, nếu chúng ta kéo theo chiều thích hợp thì gút thắt sẽ được nới lỏng và sợi dây sẽ thẳng trở lại. Ðó cũng giống như trường hợp hiểu biết rằng sự vật không phải luôn luôn ở mãi trong một trạng thái. Trước đây chúng ta tưởng rằng sự vật luôn luôn phải diễn biến theo một chiều nào đó mà không biến đổi cách khác. Bởi thế chúng ta đã kéo cái gút thắt làm cho nó càng chặt hơn. Sự thắt chặt này là đau khổ. Sống theo lối này sẽ bị nhiều thúc ép và căng thẳng. Thế nên chúng ta nới lỏng nút thắt một chút rồi buông thõng tự nhiên. Tại sao chúng ta nới lỏng nút thắt? Bởi vì nó đã bị thắt chặt. Nếu không dính mắc vào nó thì chúng ta có thể nới lỏng dễ dàng. Ðó không phải là điều kiện cố hữu. Chúng ta dùng những lời giảng dạy về vô thường làm căn bản cho chúng ta. Chúng ta thấy rằng cả sự hạnh phúc và không hạnh phúc đều không trường cửu. Không nên ỷ lại hay nương tựa vào chúng. Tuyệt đối không có vật gì trên thế gian này mà không bị luật vô thường chi phối. Với sự hiểu biết như vậy, chúng ta sẽ dần dần chấm dứt sự tin tưởng vào những loại tình cảm và cảm giác diễn ra trong tâm chúng ta. Khi chúng ta chấm dứt sự tin tưởng này thì sự hiểu biết sai lầm hay tà kiến của chúng ta cũng giảm thiểu. Ðó là ý nghĩa của sự cởi bỏ các gút thắt, tiếp tục làm cho gút thắt càng ngày càng lỏng hơn, dần dần sự chấp giữ dính mắc được bứng tận gốc.

1.39 Chiếc vá

Chỉ nghe giáo pháp mà không thực hành thì chẳng khác nào chiếc vá nằm trong nồi canh nó nằm trong nồi canh mỗi ngày mà chẳng hưởng được chút hương vị nào của canh cả. Bạn hãy suy gẫm điều này mà nỗ lực thực hành.

1.40 Lá cây

Hiện giờ chúng ta đang ngồi trong một khu rừng yên tĩnh, ở đây nếu không có gió thì lá cây yên tĩnh. Khi gió nổi lên thì lá rơi lả tả và quay cuồng theo gió. Tâm ta cũng giống như những chiếc lá này. Khi nó tiếp xúc với pháp trần thì cũng tùy theo pháp trần mà quay cuồng vũ lộng. Bởi vì chúng ta hiểu biết giáo pháp quá ít nên tâm bị pháp trần lôi cuốn không ngừng. Lúc có cảm giác vui vẻ hạnh phúc thì bị cảm giác vui vẻ lôi cuốn. Khi có cảm giác buồn rầu đau khổ thì bị cảm giác buồn rầu đau khổ nhận chìm. Tâm không ngừng quay cuồng hỗn loạn.

1.41 Mái nhà dột

Ða số chúng ta chỉ nói về việc hành thiền mà không thực hành. Sự thực hành của chúng ta giống như một người ngụ trong căn nhà mà mái nhà bị dột một bên mái nên người ấy phải ngủ phía bên kia. Khi mặt trời chiếu vào phía này thì người ấy lăn qua phía khác. Lúc nào người ấy cũng suy nghĩ, khi nào ta mới có căn nhà tươm tất như người khác đây? nếu mái nhà dột khắp nơi, người ấy sẽ choàng dậy, rời khỏi căn nhà. Ðó không phải là phương pháp tốt đẹp, nhưng đa số chúng ta đều làm như thế.

1.42 Lá thư

Chỉ cần biết cái gì đang xảy ra trong tâm bạn. Ðừng vui hay buồn về nó. Cũng đừng dính mắc. Nếu bạn đau khổ hãy nhìn nó, hiểu nó, rồi xả bỏ nó đi. Giống như một lá thư bạn phải bóc lá thư ra trước khi muốn biết nội dung lá thư.

1.43 Khúc gỗ

Nếu chúng ta đốn một khúc gỗ và thả xuống dòng sông, khúc gỗ sẽ xuôi theo dòng trôi đi. Nếu khúc gỗ không bị mục hay bị tấp vào bờ thì cuối cùng nó sẽ trôi ra biển. Cũng vậy, tâm thực hành trung đạo nếu không dính mắc vào hai thái cực lợi dưỡng và khổ hạnh thì cuối cùng sẽ đạt được chân bình an. Khúc gỗ trong ví dụ này là tâm ta.

1.44 Gỗ

Nếu bạn không chịu bỏ thì giờ huấn luyện tâm mình thì tâm sẽ giữ mãi đặc tính hoang dã mê muội, thuận theo bản tánh tự nhiên của chúng. Bạn có thể huấn luyện để bản tánh này thay đổi và đem lại lợi ích. Hãy lấy cây ra làm thí dụ so sánh. Nếu ta chỉ để cây ở trong trạng thái thiên nhiên thì ta chẳng bao giờ có được căn nhà làm bằng gỗ. Cũng không thể dùng gỗ để làm các vật liệu kiến trúc hay các vật dụng trong nhà. Tuy nhiên nếu muốn làm nhà người thợ cất nhà phải tìm cây ở trạng thái thiên nhiên và họ sẽ cưa xẻ cây để cất nhà. Trong một thời gian ngắn người thợ có thể cất được căn nhà.

Hành thiền và phát triển tâm cũng tương tự như vậy. Bạn phải sửa đổi huấn luyện tâm mình như đốn cây thiên nhiên trong rừng và chế biến thành vật hữu dụng. Phải huấn luyện tâm để tâm trở nên tinh tế hơn, chánh niệm, tỉnh thức và nhạy bén hơn.

1.45 Con dòi

An vui hạnh phúc không tùy thuộc vào chuyện chúng ta giao tiếp nhiều hay ít người trong xã hội này. An vui, hạnh phúc chỉ đến từ chánh kiến. Khi bạn có sự hiểu biết đúng đắn thì an vui hạnh phúc sẽ đến. Nếu có sự hiểu biết đúng đắn thì bất kỳ sống ở nơi nào bạn cũng cảm thấy hài lòng. Nhưng phần lớn chúng ta không có chánh kiến, không có sự hiểu biết đúng. Người thiếu chánh kiến chẳng khác nào con dòi sống trong đống phân. Con dòi sống trong phân, lấy phân làm thực phẩm, phân là chỗ cư trú lý tưởng nhất. Nếu lấy cây khươi một con dòi ra khỏi đống phân, nó sẽ ngọ ngọe và cố gắng trở về lại với đống phân.

Chúng ta cũng thế, thầy giáo dạy chúng ta hãy nhìn một cách đúng đắn nhưng chúng ta thấy không hài lòng, chúng ta chỉ làm theo lời thầy trong chốc lát rồi lại vội vã trở về với thói quen cố hữu và quan kiến riêng của mình. Bởi vì chúng ta cảm thấy rằng chỉ có những thói quen và quan kiến này mới đem lại an vui hạnh phúc cho chúng ta. Nếu không nhìn thấy những hậu quả tai hại của tà kiến thì chúng ta không thể nào rời bỏ những quan kiến sai lầm này được.

Việc hành thiền thật khó khăn, bởi thế chúng ta cần phải lắng nghe lời dạy của thầy, loại bỏ sự hiểu biết sai lầm, loại bỏ sự chấp giữ quan kiến là điều thiết yếu của chúng ta trong việc thực hành. Nếu có chánh kiến thì bất cứ đi đến nơi nào chúng ta cũng có an vui hạnh phúc.

1.46 Quả xoài

Chúng ta nói rằng giới, định và huệ là con đường mà tất cả các bậc thánh phải đi qua để đến nơi giác ngộ. Tuy phân chia ra làm giới, định, huệ nhưng cả ba chỉ là một. Giới là định, định là giới, định là huệ, huệ là định. Cũng giống như trái xoài khi còn là hoa, ta gọi đó là hoa xoài, khi trở thành trái ta gọi đó là trái xoài. Khi chín, ta gọi là xoài chín. Hoa xoài, xoài non, xoài chín đều là xoài, nhưng nó liên tục thay đổi. Trái xoài lớn trưởng thành từ trái xoài nhỏ. Trái xoài nhỏ phát triển thành trái xoài lớn. Ta có thể gọi chúng với những cái tên khác nhau, hay gọi tất cả chúng chỉ bằng một tên cũng thế thôi.

Giới định và huệ cũng tương quan với nhau như vậy. Cuối cùng thì mọi nẻo đều dẫn đến giải thoát. Trái xoài lúc mới xuất hiện chỉ là hoa, dần dần trưởng thành rồi chín. Chúng ta phải có cái nhìn về giới, định và huệ như vậy. Dầu người ta đặt cho nó cái tên gì cũng không thành vấn đề. Mỗi khi nó được sinh ra, nó sẽ trưởng thành và chín mùi rồi sau đó nó đi về đâu ? chúng ta hãy quán xét điều này. Nhiều người không muốn bị già. Khi tuổi già đến với họ, họ lấy làm tiếc nuối. Những người này không nên ăn xoài chín. Tại sao chúng ta lại muốn xoài chín, nếu chúng không chín đúng thời, ta ủ chúmg, thúc ép cho chúng chín cho mau, có phải vậy không? nhưng khi tuổi già đến với ta thì sự tiếc nuối tràn ngập tâm hồn. Nhiều người khóc lóc, sợ hãi tuổi già và chết. Nếu sợ hãi và tiếc nuối như vậy thì không nên ăn xoài chín mà chỉ nên ăn hoa xoài thôi. Nếu thấy được những điều này thì sẽ thấy giáo pháp. Mọi chuyện đều rõ ràng và chúng ta có an bình hạnh phúc thật sự.

1.47 Thuốc và trái cây

Nhiều người cảm thấy nóng nảy và khó chịu khi thấy người khác không hành thiền. Không nên làm thế, hãy tiếp tục quan sát họ, đừng nói điều gì chống đối họ. Họ sẽ đến với giáo pháp khi những yếu tố trí tuệ nơi họ chín mùi đó. Cũng giống như trường hợp bán thuốc. Ta quảng cáo thuốc của chúng ta ai đau đầu hay đau bụng hãy đến mua, người nào không thích thuốc của ta thì hãy cứ để họ tự nhiên. Họ như những trái còn xanh, không thể thúc ép cho chín mau được. Hãy để họ như vậy, hãy để cho họ tự trưởng thành, già và chín mùi một cách tự nhiên. Nếu bạn biết suy tư như thế, tâm bạn sẽ bình an. Bởi vậy không cần phải thúc ép ai cả, chỉ cần quảng cáo thuốc là đủ. Người nào bị bệnh sẽ tự động đến mua.

1.48 Thương gia

Khi làm một việc gì cũng phải làm một cách chánh niệm, sáng suốt. Khi đã thấy một cách rõ ràng, thì chẳng cần phải chịu đựng thúc ép mình nữa. Bạn gặp khó khăn và tự mang gánh nặng vào mình vì bạn quên mất một điều. Ðó là quên chánh niệm sáng suốt. An bình tĩnh lặng sẽ đến khi bạn làm mọi công việc trên đời với tất cả thân và tâm của mình, nghĩa là làm với chánh niệm và giác tỉnh. Bất cứ việc gì chưa được làm trọn vẹn đều khiến bạn cảm thấy không hài lòng, những điều này sẽ theo bạn và làm khổ bạn dầu bạn đi đến bất cứ nơi nào. Bạn muốn hoàn tất mọi chuyện nhưng đó là điều không tưởng. Không thể nào hoàn tất mọi chuyện được.

Hãy lấy trường hợp của các nhà buôn thường đến đây thăm tôi. Họ nói "Bạch sư khi nào con trả xong nợ, mọi việc được thu xếp ổn thỏa con sẽ trở thành một nhà sư," họ nói như vậy, nhưng đến khi nào họ mới trả hết nợ? và thu xếp xong công việc của mình? chẳng khi nào họ xong được. Họ dùng nợ mói để trả nợ cũ, vừa thanh toán xong món nợ này họ đã vay món nợ khác. Người nhà buôn nghĩ rằng khi họ hết nợ họ sẽ an vui hạnh phúc nhưng không khi nào có thể trả hết nợ. Ðó là đường lối mà thế gian làm cho chúng ta điên cuồng rối lọan. Chúng ta cứ chạy loanh quanh như vậy mãi chẳng hề thấy được hoàn cảnh đáng thương của mình.

1.49 Dầu và nước

Dầu và nuớc khác nhau cũng như người trí và kẻ thiển trí vậy. Ðức Phật sống với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nhưng một vị Alahán đã vứt bỏ mọi bợn nhơ nên ngài không bị dính mắc vào hình sắc, âm thanh, mùi vị và sự xúc chạm. Ngài không bị các loại này chi phối. Trên bước đường trở thành bậc giác ngộ, Ngài đã xả bỏ dần dần các dục lạc trần thế cho đến lúc ngài hiểu rằng tâm chỉ là tâm và sự suy nghĩ chỉ là sự suy nghĩ. Ngài phân biệt được chúng và không trộn lẫn chúng lại với nhau. Tâm chỉ là tâm. Tư tưởng, cảm giác chỉ là tư tưởng, cảm giác. Hãy để cho sự vật chỉ là sự vật. Hãy để cho hình sắc chỉ là hình sắc, âm thanh chỉ là âm thanh, mùi chỉ là mùi, vị chỉ là vị, sự xúc chạm chỉ là sự xúc chạm và tư tưởng chỉ là tư tưởng. Tại sao chúng ta bối rối băn khoăn và dính mắc vào chúng? Nếu ta có cảm giác và suy tư theo lối này thì ta sẽ có tâm xả bỏ không còn chấp trước nữa. Tư tưởng và cảm giác của chúng ta sẽ nằm một bên và tâm của chúng ta sẽ nằm một bên, như nước và dầu cùng đựng chung trong một chai, nước nằm theo phần nước, dầu nằm theo phần dầu.

1.50 Trẻ mồ côi

Cuối cùng con người bị bệnh thần kinh, tại sao vậy? bởi vì họ không hiểu biết. Họ chỉ chiều theo các xung động tình cảm mà không biết cách săn sóc tâm mình. Tâm không có người chiếu cố thì chẳng khác chi trẻ con không có cha mẹ chăm nom săn sóc. Trẻ mồ côi không nơi nương tựa nên rất bất an và đau khổ. Cũng vậy nếu tâm không được săn sóc huấn luyện làm cho thuần thục bằng chánh kiến thì sẽ gặp nhiều phiền toái.

1.51 Xe bò

Giả sử chúng ta có một chiếc xe và một con bò để kéo xe. Bánh xe tuy không dài nhưng vết xe lăn thì dài. Khi bò kéo xe thì vết xe sẽ theo sau. Bánh xe thì tròn nhưng vết xe thì dài. Hãy xem xét một chiếc xe đang đậu, ta không thấy bánh xe dài, nhưng một khi bò bắt đầu kéo thì vết xe trải dài ra phía sau. Khi bò kéo thì bánh xe lăn và vết xe xuất hiện. Nhưng rồi đến một ngày nào đó bò già yếu không kéo được xe, bò ra đi chiếc xe nằm lại đó. Bánh xe không còn lăn nữa. Rồi tới lúc chiếc xe lụn tàn rã ra từng mảnh trở về với tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Nương chiều theo thế gian pháp.

Người muốn tìm bình an bằng cách nương theo dục lạc ngũ trần sẽ lăn mãi không dừng và đến một lúc nào đó sẽ ra đi như con bò già và chiếc xe rã mục. Bao lâu còn cuốn theo thế gian này thì còn trôi lăn mãi không dừng nghỉ.Nếu chúng ta chấm dứt việc theo đuổi thì bánh xe sẽ không còn quay nữa. Chấm dứt ngay tại đây. Bao lâu ta còn theo đuổi thế gian này một cách mù quáng thì vết xe lăn vẫn còn. Tạo nghiệp xấu cũng như vậy, bao lâu chúng ta còn tiếp tục theo đi theo đường lối cũ thì sẽ không có chỗ dừng. Nếu chúng ta chịu dừng thì chắc chắn sẽ dừng được. Ðó là sự thực hành giáo pháp.

1.52 Mặt hồ tĩnh lặng

Hãy chánh niệm và để mọi chuyện thuận theo lẽ tự nhiên thì bất kỳ ở hoàn cảnh nào tâm bạn cũng bình an tĩnh lặng, nó sẽ tĩnh lặng như mặt nước hồ trong suốt trong rừng sâu. Những loài thú hiếm và quí sẽ đến đó uống nước. Rồi bạn sẽ thấy rõ ràng bản chất của mọi sự vật trên thế gian này. Bạn sẽ thấy rất nhiều điều kỳ diệu và tốt đẹp trên thế gian đến rồi đi, nhưng bạn vẫn an nhiên tĩnh lặng. Ðó là niềm vui của đức Phật.

1.53 Nước mưa

Thật ra tâm ở trạng thái tự nhiên sẽ thanh tịnh trong sạch như nước mưa. Nếu nhỏ một vài giọt phẩm màu xanh vào nước mưa trong suốt, nước mưa sẽ biến thành màu xanh, nếu nhỏ một vài giọt phẩm màu vàng vào nước, nước sẽ có màu vàng . Phản ứng của tâm cũng tương tự như vậy, khi một pháp trần mang màu sắc vui tươi dễ chịu nhỏ vào tâm thì tâm sẽ vui tươi, dễ chịu, khi một pháp trần mang màu sắc héo úa, khó chịu nhỏ vào tâm thì tâm cũng sẽ héo úa, khó chịu. Tâm bị nhuộm màu bởi các pháp trần như nước bị nhuộm màu bởi các lọai phẩm nhuộm. Nứoc mưa trong sạch không màu sắc khi gặp màu vàng sẽ đổi sang màu vàng, khi gặp màu xanh sẽ chuyển sang màu xanh. Nước sẽ đổi màu sắc liên hồi theo phẩm màu. Thực ra , dầu đã chuyển sang xanh hay vàng, bản chất tự nhiên của nước vốn trong suốt sạch sẽ. Bản chất của tâm vốn cũng trong suốt thanh tịnh nhưng tâm bị ô nhiễm vì bị các pháp trần nhuộm màu, bị mê loạn trong các xung động tình cảm.

1.54 Nước chảy

Cơ thể già và bệnh là chuyện tự nhiên chẳng có gì sai quấy cả. Bởi thế chẳng phải cơ thể chúng ta làm cho chúng ta đau khổ mà ý nghĩ sai lầm đã đem lại khổ đau cho chúng ta. Khi chúng ta thấy sai sự thật thì phiền não đương nhiên sẽ đến. Ví như nước trong dòng sông, bản tánh tự nhiên cuả nước là chảy xuống chỗ thấp. Nước từ đồi chảy xuống chẳng bao giờ nước chảy ngược lên đồi , đó là đặc tính riêng của nước. Ðứng bên bờ sông nhìn nước từ cao chảy xuống, nếu ta có ý muốn nước chảy ngược lên thì ta sẽ đau khổ, đau khổ vì chúng ta có ý nghĩ sai lầm hay tà kiến. Ý nghĩ của chúng ta đi ngược dòng. Nếu có chánh kiến ta sẽ thấy rằng nước phải chảy từ cao xuống thấp, vì không hiểu rõ và chấp nhận định luật tự nhiên này nên chúng ta luôn luôn bị dao động và buồn khổ và chẳng bao giờ tìm được sự bình an tâm hồn. Nước phải chảy từ cao xuống thấp, cơ thể chúng ta cũng vậy, nó phải trải qua giai đoạn trẻ trung , già yếu, bệnh hoạn rồi chết. Ðó là chuyện tự nhiên đừng kỳ vọng nó diễn biến theo đường lối phản tự nhiên. Chúng ta không có cách nào để cưỡng lại định luật sanh, già, bệnh và chết này, vậy đừng đi ngược dòng.

1.55 Con đường

Bất kỳ đang ở nơi nào cũng phải có thái độ tự nhiên và luôn luôn quán chiếu để tự hiểu mình. Nếu hoài nghi phát sanh hãy để nó đến và đi tự nhiên. Ðây là chuyện thật giản dị, hãy xả bỏ tất cả. Cũng giống như đi trên đưòng nhiều khi bạn gặp chướng ngại. Khi gặp phiền não hãy nhìn chúng, chế ngự chúng, rồi xả bỏ để chúng tự ra đi. Ðừng nghĩ tưởng tới những chướng ngại đã qua, đừng lo âu về những chướng ngại chưa đến. Hãy sống trong hiện tại, đừng quan tâm đến chiều dài của con đường, cũng đừng để ý tới nơi sẽ đến. Mọi chuyện đều thay đổi. Những gì đã gặp qua hãy xả bỏ. Cuối cùng tâm sẽ đạt được trạng thái quân bình. Bấy giờ dầu bạn đang ngồi nhắm mắt, hay đang rảo bước trong phố thị ồn ào, thì tâm bạn vẫn bình an tĩnh lặng.

1.56 Tảng đá

Xả bỏ hay làm với tâm trống không là 2 đề tài ít người hiểu được, vì chúng đi ngược lại quan niệm thông thường của người đời. nếu dùng ngôn ngữ của người thế gian để giải thích xả bỏ và làm với tâm trống không thì dễ gây nên lầm lẫn, vì con người luôn luôn có tư tưởng: "tôi có thể làm những gì tôi muốn". Có thể giải thích như vậy, nhưng ý nghĩa thực sự của nó như sau: Như trường hợp chúng ta khiêng một tảng đá nặng, khiêng được một lát ta cảm thấy nặng nhưng chúng ta không biết làm thế nào để vất bỏ, bởi thế ta luôn luôn chịu đựng gánh nặng này. Nếu có ai bảo chúng ta vất tảng đá đó đi, chúng ta sẽ trả lời, nếu vất bỏ nó đi thì tôi còn có gì đâu. Thậm chí nếu người ta giải thích cho chúng ta biết lợi ích của sự trút bỏ gánh nặng chúng ta sẽ không tin, mà tiếp tục suy nghĩ, nếu ta vất bỏ tảng đá này đi ta sẽ chẳng còn gì cả. Thế là ta tiếp tục khiêng tảng đá nặng cho đến khi không chịu đựng được nữa, mệt nhoài và đuối sức, lúc bấy giờ ta phải để tảng đá xuống. Khi đã bỏ tảng đá xuống bỗng nhiên ta cảm thấy lợi ích của sự vất bỏ tảng đá, ngay tức khắc ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, và ta tự hiểu được sức nặng lớn lao mà ta đã nhận chịu khi khiêng tảng đá. Trước khi vất bỏ tảng đá, chúng ta không biết đến lợi ích của sự xả bỏ. Về sau chúng ta có thể lặp lại việc khiêng tảng đá một lần nữa, nhưng bấy giờ chúng ta đã hiểu được hậu quả của việc mang gánh nặng, bởi thế chúng ta có thể dễ dàng vất bỏ nó đi. Sự hiểu biết rằng mang gánh nặng là vô ích và xả bỏ đem lại sự nhẹ nhàng, thoải mái là một ví dụ điển hình về sự tự hiểu chính mình. Tính tự tôn tự đại của chúng ta, sự dính mắc lệ thuộc vào tự ngã của chúng ta, chẳng khác nào tảng đá nặng, ta không muốn vất bỏ tự ngã, vì sợ rằng sau khi vất bỏ thì chẳng còn gì cả, nhưng cuối cùng khi ta có thể vất bỏ tự ngã thì ta sẽ tự mình ý thức được niềm an lạc thanh thản của sự không dính mắc .

1.57 Cái đinh vít

Nếu do việc hành thiền mà bạn thấy rõ chân lý thì sự đau khổ không còn là vết thương đối với bạn cũng như cái đinh vít đã được tháo mở. Khi bạn vặn cây đinh vít ngược chiều kim đồng hồ thì nó sẽ được tháo mở, tâm rút lui khỏi mọi sự cũng vậy. Tâm xả bỏ tất cả, tâm không còn bị cột chặt vào tốt, xấu, quyền sở hửu, khen, chê, hạnh phúc và đau khổ. Nếu không hiểu chân lý thì chẳng khác nào luôn luôn siết chặt cây đinh vít lại, bạn vặn chặt nó cho đến khi nó phản ứng lại và bạn sẽ bị đau khổ về mọi chuyện, khi bạn tháo mở lỏng tất cả, bạn sẽ tự do và an lạc.

1.58 Cấy mạ

Trong việc hành thiền cần có sự tinh tấn chánh niệm liên tục như cấy mạ. Trong khi cấy mạ nếu bạn cấy mạ ở nơi này vài hôm, lại nhổ lên cấy ở nơi khác, rồi chừng vài hôm sau bạn lại nhổ lên cấy ở một nơi khác nữa, cứ làm như thế mãi cây mạ sẽ không bao giờ tăng trưởng ra hoa và kết hạt được. Trong việc hành thiền cũng vậy, nếu bạn hành thiền độ 7 hôm lại nghỉ 7 tháng đi loanh quanh đây đó làm ô nhiễm tâm, sau đó trở về sống độc cư giữ im lặng trong 7 ngày nữa rồi lại tiếp tục ra đi thì việc hành thiền của bạn sẽ không phát triển. Bởi vậy cần phải hành thiền liên tục. Tuy nhiên đối với các cư sĩ tại gia vì bận rộn công việc làm ăn nên mỗi năm chỉ đi dự vài khóa thiền thì họ cần phải mỗi ngày để ra từ một đến hai tiếng để hành thiền và cố gắng ghi nhận chánh niệm các tác động hằng ngày càng nhiều càng tốt. Có như thế, việc hành thiền mới tiến triển tốt đẹp.

1.59 Con dao bén

Khi nói tâm tĩnh lặng ta muốn nói rằng tâm đứng yên không phóng đi đây đi đó. Cũng như khi có con dao bén, nếu ta không biết giữ gìn dao gặp thứ gì cũng cắt, như dùng dao để cắt gạch cắt đá, cắt kiếng v.v...thì dao sẽ chóng lụt. Chúng ta chỉ nên dùng dao để cắt các vật hữu dụng thôi. Tâm chúng ta cũng vậy, nếu để tâm lang bạt theo tư tưởng và cảm giác vô dụng hay vô giá trị thì tâm sẽ trở nên yếu kém vì nó chẳng có cơ hội để nghỉ ngơi. Nếu tâm không đủ năng lực thì trí tuệ sẽ không phát sinh bởi vì tâm thiếu năng lực là tâm không có định lực.

1.60 Con rắn

Con người luôn luôn tìm cầu hạnh phúc và ghét đau khổ, nhưng hạnh phúc là một hình thức vi tế của khổ đau. Chúng ta có thể so sánh hạnh phúc và khổ đau với một con rắn. Ðầu rắn là đau khổ, đuôi rắn là hạnh phúc. Ðầu rắn rất nguy hiểm vì có răng độc nếu ta đụng vào đầu rắn, rắn sẽ cắn ngay. Nhưng nói chi đến đầu, bạn chỉ cần sờ vào đuôi rắn, rắn cũng quay đầu lại cắn bạn ngay, bởi vì cả đầu lẫn đuôi đều thuộc về một con rắn. Cũng thế hạnh phúc và đau khổ, vui và buồn đều khởi từ một con rắn đó là tham muốn. Bởi thế khi có hạnh phúc thì tâm chưa hẳn là có an bình thật sự. Chẳng hạn khi ta có được vật ưa thích như giàu sang, uy quyền, lời tán dương thì chúng ta hài lòng vui thích, nhưng tâm vẫn bất an vì lo sợ mất chúng, chính sự sợ hãi này không phải là trạng thái hạnh phúc. Sau này có thể chúng ta sẽ thực sự mất những thứ ấy, rồi sẽ thực sự đau khổ. Bởi vậy, nếu chúng ta không chánh niệm tỉnh thức ngay cả khi đang hạnh phúc thì đau khổ sẽ sẵn sàng nhảy vào, đó là trường hợp nắm phải đuôi rắn, nếu ta không buông ra ắt sẽ bị rắn cắn. Vì tất cả mọi thứ, cho dù đó là đầu rắn hay đuôi rắn, là việc thiện hay việc bất thiện, đều là những đặc tính của luân hồi không ngừng thay đổi.

1.61 Con nhện

Theo dõi một con nhện có thể giúp chúng ta phát sanh trí tuệ, nhện giăng tơ ở một nơi thuận lợi, rồi nằm một nơi chờ đợi. Một lát sau, một con ruồi bay đến sa vào lưới nhện, khi mồi vừa đụng vào lưới thì nhện tức tốc đến ngay, dùng tơ quấn chặt lấy ruồi rồi cất con ruồi vào một nơi, xong lại trở về trung tâm nằm yên lặng như trước. Ðiều này chẳng khác gì tâm chúng ta. Tâm chúng ta luôn luôn bị các loài côn trùng là các đối tượng giác quan xâm nhập. Lúc căn tiếp với trần thì tâm hay biết ngay, chẳng khác nào khi côn trùng đụng vào lưói, thì nhện tiến đến ngay. Khi tâm nhận thức đối tượng, nó sẽ suy đạt và xem xét một cách thận trọng rồi trở về trung tâm. Trở về trung tâm có nghĩa là sống chánh niệm với sự hiểu biết rõ ràng, luôn luôn tỉnh thức và làm mọi việc một cách chính xác, đó là trung tâm của chúng ta. Thật ra chẳng phải làm công việc gì nhiều, chúng ta chỉ y chiếu theo lối này mà sống một cách thận trọng là đủ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta để cho tư tưởng phóng túng thiếu tinh cần chánh niệm, và cho rằng ta chẳng cần phải hành thiền hay kinh hành và do vậy quên hết việc thực hành của chúng ta. Chúng ta không được cẩu thả thiếu thận trọng, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác như con nhện đợi chờ săn mồi. Ðó là phương pháp an trú của chúng ta - duy trì sự tỉnh thức, hành động chíng xác và luôn luôn chánh niệm và giác tĩnh với trí tuệ minh sát.

1.62 Nước chảy, nước đứng yên

Bạn đã từng thấy nước lưu chuyển chưa? bạn đã từng thấy nước lặng yên chưa ? Nếu tâm bạn bình an tĩnh lặng thì chẳng khác nào sự đứng yên của dòng nước lưu chuyển. Bạn đã bao giò thấy sự tĩnh lặng của dòng nuớc đang lưu chuyển chưa? Bạn chỉ thấy hoặc là nước lưu chuyển, hoặc là nước đứng yên, chứ chưa thấy sự đứng yên của nước lưu chuyển phải không? Khi tâm bạn bình yên tĩnh lặng bạn có thể khai triển trí tuệ, lúc ấy tâm bạn cũng giống như dòng nước lưu chuyển đứng yên, hầu như nó là tĩnh lặng nhưng nó đang lưu chuyển, bởi thế tôi gọi nó là " tịnh chỉ lưu thủy" nghĩa là nước chảy tĩnh lặng , trí tuệ phát sinh tại đây.

1.63 Trái ngọt

Mặc dầu trái cây có vị ngọt, nhưng chúng ta phải nếm trước khi biết vị của nó như thế nào. Thực ra trái cây dù chẳng ai nếm nó, nó vẫn ngọt như thường, nhưng chẳng ai hiểu biết điều này. Giáo pháp của Ðức Phật cũng giống như vậy, mặc dầu đó là sự thật nhưng nó sẽ không thật đối với những người không thật sự hiểu biết nó, dầu cho nó có tuyệt vời hay tốt đẹp bao nhiêu đi nữa thì đối với họ cũng vô giá trị.

1.64 Bình thủy

Hãy đọc chính mình chứ không phải đọc sách, chân lý không nằm bên ngoài, đó chẳng qua chỉ là trí nhớ chứ không phải là trí tuệ. Trí nhớ mà không có trí tuệ thì cũng giống như cái bình thủy trống rỗng, nếu không đổ nước vào bình thì bình sẽ trở thành vô dụng.

1.65 Người khát nước

Một khách lữ hành đi trên đường cảm thấy khát nước dữ dội, ông ta dừng lại bên đường xin nước uống. Người chủ nhà cho biết, nước thì có sẵn nhưng không uống được vì đây là loại nước đặt biệt phải nấu sôi nhiều lần để các chất độc bay đi, sau đó để nguội mới có thể uống được. Hiện nay chưa có nước sẵn, xin ông đợi vài tiếng nữa. Ô! nước trong vắt và phảng phất mùi thơm thế kia, có gì mà độc, xin cho tôi uống. Ô! Ông bạn muốn uống thì cứ uống, nước trong vắt có mùi thơm tho, vị thật tuyệt, nhưng uống vào, ông bạn sẽ bị bệnh và có thể chết, hay gần chết. Người lữ hành quá khát nước nên không chịu nghe lời người chủ, ông ta khát như người vừa mới mổ xong, bị cấm uống nứớc một thời gian, ông ta năn nỉ xin cho tôi uống, tôi khát quá dầu uống xong có chuyện gì xảy ra cũng được, tôi không chịu nổi nữa rồi. Nói xong, không đợi chủ nhà trả lời, người lữ hành múc nước uống, ông hớp một hớp, nuốt vào khỏi cổ và vị của nước thật ngọt, ông ta uống cho đã, cho đã thèm, và ngay sau đó ông ta đau một trận thừa chết thiếu sống. Người lữ hành đã không nghe lời người chủ nhà, bởi vì lòng tham ái của ông quá mãnh liệt. Nguời bị dục lạc ngũ trần chi phối, dính mắc một cách tương tự như vậy. Ðó là cách mà dục lạc ngũ trần trói buộc con người. Ðức Phật đã dạy rằng: "Dục lạc ngũ trần là thuốc độc", nhưng con người ta quá khát nên không nghe theo lời dạy của Ngài. Người ta uống sắc, thinh, hương, vị, xúc và thích thú trong sự hưởng dụng này, người ta uống, uống mãi nhưng cơn khát không bao giờ dứt, cho đến ngày người ta từ bỏ cõi đời.

1.66 Gai nhọn

Tất cả sự vật chỉ là sự vật, đơn giản thế thôi, chúng chẳng gây ra đau khổ cho một ai cả, cũng giống như cái gai nhọn. Cái gai nhọn có làm cho bạn đau khổ không? Không, nó chỉ là một cái gai nhọn, nó không làm phiền ai cả, nhưng nếu bạn đi và dẫm lên gai, bạn sẽ đau khổ, tại sao bạn đau khổ ? Vì bạn dẫm phải gai, gai chỉ làm công việc của nó, nó không làm hại ai cả, chúng ta đau là do lỗi của chúng ta. Thọ, tưởng, hành, thức hay vật chất cảm giác, tri giác, phản ứng của tâm và sự biết của tâm v.v... tất cả sự vật trên thế gian chỉ là sự vật, đơn giản thế thôi. Chúng sao, chúng vậy, chúng chẳng đụng chạm gì đến chúng ta, chỉ do chúng ta tìm đến chúng mà thôi, nếu đánh chúng, thì chúng đánh trả lại, nếu cứ để chúng yên thì chúng chẳng làm phiền ai cả, chỉ có kẻ ngu ngốc mới gây ra phiền lụy với chúng.

1.67 Cái bẫy

Ðức Phật dạy rằng đối tượng của giác quan là một cái bẫy, cái bẫy của ma vương. Ðó là bẫy của người thợ săn, và người thợ săn chính là ma vương. Nếu thú vật bị vướng vào bẫy của người thợ săn thì thật đáng tội nghiệp, chúng bị giữ cứng không vùng vẫy thoát thân được, chỉ còn nước nằm chờ người thợ săn đến. Bạn có bao giờ đi bẫy chim chưa ? Chim vừa đụng đến bẫy thì cổ bị vướng vào bẫy, một cái vòng giữ chặt lấy cổ, chim có bay hướng nào cũng không thoát được, càng vùng vẫy vòng cổ càng bị thắt chặt hơn, chim chỉ còn nước đợi người chủ của chiếc bẩy đến bắt thôi. Khi người chủ đến, chim lo sợ cuống quít, nhưng cổ đã bị thắt chặt, vô phương đào thoát. Bẫy của "sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp" đều như nhau cả, chúng bắt giữ và cột cứng chúng ta.

1.68 Khách lữ hành

Khách lữ hành đi xa, muốn trở về nhà, chuyện đương nhiên là không thể chỉ ngồi mà tưởng đến việc trở về là được. Họ phải thực sự lên đường ra đi, và đi đúng hướng mới có thể về đến nhâ. Nếu đi lầm đường có thể gặp khó khăn, như đầm lầy hoặc các chướng ngại khó khắc phục khác. Cũng có thể sẽ gặp hiểm nguy nếu không đi đúng đường. Những người đã về đến nhà có thể nghỉ ngơi và ngủ thoải mái. Nhà là một mái ấm, nhưng nếu người lữ hành chỉ đi tạt ngang nhà, hay chỉ đi quanh nhà thì sẽ không hưởng được các lợi lạc và sự thoải mái của người trở về nhà. Cũng vậy, nếu muốn tiến đến nơi an lạc, hạnh phúc do giáo pháp đem lại, chúng ta phải lên đường, phải tự đi lấy, không ai có thể đi thay cho chúng ta. Ngoài ra phải duyên theo giới, định, huệ để đi cho đến khi ta có được tâm thanh tịnh, sáng suốt, an lạc, hạnh phúc. Ðó là kết qủa của hành trình trên chánh đạo. Tuy nhiên, nếu chỉ có kiến thức sách vở lý thuyết kinh điển, thì đó mới chỉ là sự hiểu biết qua bản đồ và kế hoạch du hành mà chưa thực sự lên đường. Nếu chỉ hiểu biết qua lý thuyết mà không thực hành, thì dù có trải qua hàng trăm kiếp sống cũng không thể nào có được tâm thanh tịnh, sáng suốt và an lạc hạnh phúc. Ðó chỉ là sự phí phạm thời giờ mà không đem lại lợi ích thật sự của pháp hành. Các bậc thầy là những người chỉ cho ta con đường. Sau khi nghe lời giảng dạy của thầy, chúng ta có chịu tự đi hay không, và do đó có hưởng được lợi ích của sự thực hành hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào nơi ta.

1.69 Cây

Chúng ta học giáo pháp từ cây cối. Cây sinh ra có nguyên nhân và tăng trưởng theo tiến trình tự nhiên cho đến khi nở nụ, đơm hoa và kết trái. Ngay tại đây, cây giảng dạy giáo pháp cho chúng ta, nhưng chúng ta không hiểu. Chúng ta không đưa chúng vào trong để quán xét, vì thế chúng ta không hiểu cây đang dạy giáo pháp cho chúng ta. Khi trái xuất hiện, chúng ta chỉ biết ăn, mà không hề nhận thức rằng vị ngọt, chua là bản chất của trái cây, và đó là giáo pháp, là lời giảng dạy của trái cây. Tiếp đó lá vàng rồi rụng chúng ta dẫm lên lá, quét lá, chỉ có thế thôi, mà chẳng tìm hiểu sâu xa. Bởi thế không biết được thiên nhiên đang dạy ta. Về sau đến lúc cây đâm chồi nẩy lộc, lá non xuất hiện, ta cũng chỉ đơn thuần nhìn qua. Ðó không phải là chân lý được tìm thấy qua những phản tỉnh và suy tư bên trong. Nếu chúng ta biết đem tất cả vào trong và suy xét, chúng ta sẽ thấy sự sinh của cây và sự sinh của ta chẳng có gì khác biệt, cơ thể chúng ta được sinh ra và tồn tại, tùy thuộc vào điều kiện, tùy thuộc vào các yếu tố đất, nước, gió, lửa. Mỗi một bộ phận trong cơ thể của chúng ta biến đổi tùy theo bản chất của nó chẳng có gì khác biệt với cây cối - tóc, lông, móng, răng, da v.v...tất cả đều biến đổi. Nếu chúng ta hiểu bản chất tự nhiên của sự vật, chúng ta sẽ hiểu chính mình.

1.70 Con rùa

Tìm kiếm sự bình an chẳng khác nào đi tìm rùa có râu vì không thể nào tìm được. Nhưng khi tâm đã thuần thục thì bình an sẽ tìm đến ta.

1.71 Cành cây và rễ cây

Vừa lúc sinh ra thì ta đã chết rồi. Cái chết và cái sống chỉ là một. Giống như một cội cây. Khi cây có cành thì phải có rễ. Khi cây có rễ thì phải có cành. Không thể có cái này mà không có cái kia được. Một điều thật buồn cười là người ta rất đau buồn đối với sự chết, trong khi tỏ ra hân hoan vui vẻ truớc sự ra đời của một hài nhi. Theo tôi, nếu thật sự muốn khóc thì hãy khóc khi có ai sinh ra, bởi vì sinh là tử, tử là sinh. Rễ là cành mà cành là rễ. Nếu bạn khóc hãy khóc cái rễ đó là sự sinh. Hãy nhìn thật kỹ để ý thức rõ ràng rằng : "Nếu không có sinh, thì sẽ không có tử".

1.72 Lúa

Người nghiên cứu học hỏi giáo pháp, mà không xuyên suốt được chân nghĩa hay nghĩa lý thật sự của giáo pháp thì chẳng khác nào một con chó ngủ trên đống lúa. Khi nó đói, nórời khỏi đụn lúa và chạy đi lang thang đây đó kiếm ăn. Mặc dầu sống ngay trên đống thức ăn, mà chó chẳng hề hay biết. Tại sao vậy ? Bởi vì nó không thấy được hạt gạo bên trong. Nó không thể ăn lúa được. Thực phẩm nằm đó, nhưng chó không thể ăn được. Nó không hiểu lúa đây chính là gạo. Có thể lâu ngày chó không tìm được thức ăn và có thể chó sẽ chết trên đống thức ăn. Con người ta cũng vậy, dầu có nghiên cứu học hỏi giáo pháp nhiều đến đâu đi nữa chúng ta cũng sẽ không thấy được giáo pháp nếu chúng ta không chịu thực hành. Vì không thấy giáo pháp nên không hiểu giáo pháp.

1.73 Con trâu

Ðức phật thực sự dạy chân lý. Nếu bạn xem xét nghiên cứu tường tận, bạn sẽ thấy giáo pháp là chân lý, và bạn sẽ không tranh biện với chân lý được. Nhưng chúng ta chẳng khác nào những con trâu. Nếu không cột 4 chân của trâu lại, thì chúng ta chẳng thể nào cho trâu uống thuốc được. Nhưng khi trâu đã bị buộc chặt 4 chân, trâu không còn làm gì được nữa, và bấy giờ nếu bạn muốn bạn có thể bắt nó uống thuốc, và trâu không thể nào cưỡng lại được. Chúng ta cũng vậy, chỉ khi nào bị đau khổ trói buộc ta hoàn toàn, bấy giờ chúng ta mới chịu bỏ si mê. Còn như vẫn có cách để trốn chạy, chúng ta sẽ không chịu dứt bỏ si mê một cách dễ dàng.

1.74 Gà rừng

Bao lâu chân trí tuệ chưa hiện khởi thì chúng ta thấy các căn và các trần là những kẻ thù. Nhưng khi trí tuệ khởi sinh thì chúng ta không còn xem chúng là những kẻ thù nữa. Bấy giờ chúng là cửa ngỏ để chúng ta có được sự hiểu biết dúng đắn và sáng suốt.

Một ví dụ dễ hiểu là thái độ của đám gà rừng. Ta đều biết rằng chúng rất sợ loài người. Bởi sống trong rừng nên tôi biết cách dạy chúng và học hỏi từ chúng. Tôi bắt đầu rải lúa cho chúng ăn. Thoạt đầu vì sợ sệt nên chúng không dám đến gần. Dần dần chúng quen đi, và bắt đầu mong đợi được cho lúa ăn. Ðầu tiên chúng tưởng rằng hạt lúa là kẻ thù nguy hiểm. Nhưng trong hạt lúa thì không có gì nguy hiểm. Chúng không biết lúa là thức ăn nên chúng sợ. Về sau, khi chúng thấy rằng không có gì phải sợ, chúng đến và ăn lúa một cách an lành. Ðám gà rừng là thế đó.

Sống trong rừng ở đây thì chúng ta học một cách tương tự. Khi trước, ta tưởng rằng các căn là trở ngại, và bởi vì ta không biết sử dụng chúng đúng cách nên chúng tạo nhiều vấn đề cho ta. Qua các kinh nghiệm tu tập, ta biết nhận diện chúng theo Chánh pháp. Ta học cách sử dụng chúng, như là đám gà rừng học cách ăn lúa. Từ đó, chúng không còn chống đối ta, và các vấn đề sẽ biến mất.

1.75 Sân đầy loại thú

Nhiều ngươì nghĩ rằng, những người tây phương đến học với ngài Achan Chah sẽ gặp trở ngại về vấn đề ngôn ngữ, nhưng thực ra không phải vậy. Có người hỏi ngài Achan Chah: "Làm sao ngài có thể dạy được những người học trò tây phương? Ngài có nói được tiếng Anh hay tiếng Pháp không? Ngài có nói được tiếng tiếng Ðức không?"

Ngài Achan Chah trả lời: "Không".
"Vậy làm thế nào ngài dạy cho họ?"
Ngài Achan Chah hỏi lại: "Nhà anh có nuôi trâu không?"
"Dạ có"
"Nhà anh có nuôi bò, chó hay gà không?"
"Dạ có".
"Vậy thì anh có dùng ngôn ngữ riêng của bò, gà, chó để nói với chúng không?"
"Dạ, dĩ nhiên là không."
"Vậy thì làm sao để lo cho chúng?"


[Quyển 1-A] [Quyển 1-B] [Quyển 2-A] [Quyển 2-B] [Lời giới thiệu] [Trang Gốc]

Chúng tôi có toàn bộ tập sách trong dạng WinWord với phông chữ Việt Unicode Times. Quý đạo hữu nào cần có bản nầy để ấn tống hoặc trích đăng cho các đặc san địa phương thì có thể gửi thư điện tử đến địa chỉ: binh_anson@yahoo.com hoặc anson@saigon.com .