|
(3)
An tịnh và Minh sát
Có rất nhiều phương pháp tu
Thiền. Trong quyển "Thanh Tịnh Ðạo" (Path of Purification) có hơn
40 cách được liệt kê, nhưng chỉ có hai phương hướng, hai con đường ta
phải đi đến: An tịnh và Minh sát (Chỉ và Quán, Samatha và Vipassana). An
tịnh và Minh sát luôn đi đôi với nhau. Giống như phương hướng và mục
tiêu. Ta phải biết con đường để đi đến mục tiêu.
Ta cần phải thực tập cả hai phương cách, An tịnh và
Minh sát, để đạt được những kết quả mà Thiền sẽ mang đến
cho ta. Phần đông chúng ta đều muốn được an lạc. Ai cũng muốn được
bình yên, muốn được có cảm giác vui sướng mãn nguyện. Trong Thiền
định, nếu ta thoáng bắt được cảm giác an lạc đó, ta sẽ hạnh phúc
biết bao. Nhiều người đã thoả mãn khi đạt được đến trình độ
đó. Nhưng an lạc không phải là mục đích của Thiền. Ðó chỉ là phương
tiện đưa đến cứu cánh. An lạc là phương tiện. Sự tỉnh thức
trong nội tâm mới là cứu cánh. Phương tiện rất cần thiết nhưng không
thể lầm lẫn chúng với cứu cánh. Nhưng vì phương tiện đó tạo ra sự
thoải mái, dễ chịu, ta trở nên bám víu vào chúng.
Vấn đề của chúng ta là luôn chạy đuổi theo sự dễ
chịu và xa lánh sự khó chịu. Vì chúng ta coi mục đích của cuộc đời là
được dễ chịu, hạnh phúc, nên dường như ta chẳng có mục đích gì cả trong
cuộc đời. Không thể nào tước bỏ hết tất cả những điều khó
chịu, đau khổ trong đời, mà chỉ giữ lại những gì ta ưa thích. Chừng nào ta
còn coi đó là mục đích của mình thì ta không có mục đích gì cả. Trong
Thiền cũng thế.
Như thế thì làm cách nào chúng ta có thể đạt
được sự an lạc, và điều đó ảnh hưởng đến chúng ta như thế
nào? Bằng cách thực tập chú tâm vào hơi thở, dần dần ta sẽ tìm được sự
an lạc. Tâm ta sẽ ngưng suy nghĩ trong một giây phút nào đó, và ta sẽ cảm
thấy hoàn toàn thư thái, dễ chịu. Tâm suy nghĩ không bao giờ được thư
thái, vì suy nghĩ là một quá trình chuyển động, và bất cứ sự chuyển
động nào cũng tạo ra ma sát. Tuy nhiên ta có thể tìm được sự an lạc
trong một giây phút nào đó, hay dài hơn, nếu ta tiếp tục tu tập và
tăng thời gian tham Thiền lên. Ðiều đó không có gì khó. Có thể
lúc đầu ta thấy khó khăn, nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại, một chút duyên
lành và một nơi yên tĩnh, ta có thể làm được điều đó.
Chắc rằng chúng ta đều có duyên lành, nếu
không ta đã không có mặt nơi này. Những người có ác nghiệp sẽ không
tìm được đến với Thiền, hoặc giả như có, họ cũng không trụ
lại. Do đó nói ta có sẵn duyên lành là vậy.
Về lòng kiên nhẫn, bạn cũng không thiếu,
nếu như bạn đã chịu khó đọc đến những dòng này. Chỉ cần thêm
một yếu tố nữa đó là ý chí, sự quyết tâm. khi ngồi xuống
chiếu Thiền, bạn cần tự nhủ : "Tôi sẽ chú tâm vào từng hơi thở,
nếu tôi có lơ là, tôi sẽ bắt đầu trở lại". Cần làm như thế
để giữ cho tâm thăng bằng, giống như người đi trên dây xiếc.
Mỗi lần lao đao, ta phải lấy lại thế cân bằng. Vì thế ta cần có
sự quyết tâm.
Khi cảm giác an lạc, thư thái dấy lên - cái cảm giác
mà Phật gọi là sự an lạc ngay giờ phút hiện tại - rồi qua đi, không
thể khác được, vì bất cứ điều gì đã có thì phải hoại, phản ứng
đầu tiên mà tâm phải có là nhận ra tính cách vô thường của sự vật, chứ
không phải để thất vọng kêu lên: "Ồ, nó lại qua mất
rồi". Hoặc là "cảm giác vừa rồi dễ chịu quá, làm sao để có
lại cảm giác ấy", như cách ta vẫn phản ứng lâu nay.
Sống theo Pháp, làm theo Pháp, là những hành động
không bình thường. Khác với mọi người chung quanh. Khi Phật còn ngồi
dưới cây bồ đề, trước khi giác ngộ, khi Sujata mang dâng sữa trong tô
vàng đến Ngài, cô cũng cúng dường luôn chiếc tô quý. đức Phật
sau khi uống xong, đã thả chiếc tô vàng xuống dòng sông trước mặt, và
nói nếu như cái tô chảy ngược với dòng nước sông, Ngài sẽ giác ngộ.
Và cái tô đã chảy ngược dòng. Ðiều đó có thể xảy ra không? Có
lẽ pháp thoại đó muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng khi ta sống với Pháp,
chúng ta phải đi ngược lại với dòng chảy của bản năng, của các khuynh
hướng tự nhiên. Chúng ta phải đi ngược lại với những sự dễ dãi, thoải
mái, những gì tất cả mọi người khác đều theo đuổi. chảy ngược
dòng bao giờ cũng khó hơn là thuận, xuôi theo dòng.
Cảm giác thoải mái tự tại mà ta cảm nhận được
trước hết ở thân, rồi đến tâm, cũng sẽ qua đi. Chúng ta phải nhận
ra tính cách vô thường của nó, để ta có thể sử dụng nó cho một mục
đích. Nếu không, ta chỉ sử dụng cảm giác an lạc đó cho sự thoải mái
của riêng ta. Mà chỉ để thoải mái cho thân ta là ta đã ích kỷ, chỉ
biết đến riêng mình, không phải là để tiến tới vô ngã, là
cái gốc của những điều Phật dạy.
Giaó lý của Phật hướng ta đến vô ngã. Ngài
nói: "Ta chỉ dạy một điều, đó là Khổ và sự giải thoát, chấm dứt
khổ đau". Ðiều đó không có nghĩa là tất cả khổ đau trên đời
đều chấm dứt. điều đó có nghĩa là nếu không có một cái Tôi
để đón nhận khổ đau, thì không có khổ đau. Cái Tôi sẽ biến mất.
Nếu không có ai ở đây có vấn đề, thì làm gì có vấn đề?
Nếu dùng cảm giác tự tại chỉ cho riêng mình, thì ta đi ngược lại với
lời Phật dạy.
Luôn luôn trở về với hơi thở sẽ giúp ta đạt
đến trạng thái an lạc. Chánh niệm, trong Bát chánh đạo, dạy ta sự
chú tâm đúng, đưa đến Thiền định. Theo dõi hơi thở là việc
cần làm, nhưng không có ai đạt được thiền định chỉ bằng ao ước hay
một vài buổi ngồi thiền. Tất cả cần có thời gian. Do đó khi ngồi
thiền, ta cần đưa bất cứ vọng tưởng nào dấy lên trở về với sự
tỉnh thức. Bất cứ ý tưởng nào cũng thế, chúng không phải đến
để phá rối chúng ta, cũng không phải là dấu hiệu chứng tỏ ta không
thích hợp với Thiền, cũng không phải cảm giác làm ta thấy quá nóng hay
quá lạnh. Không có gì giống như thế cả. Vọng tưởng không phải là
kẻ phá rối trật tự của chúng ta. Chúng là ông thầy của chúng ta.
Mỗi vọng tưởng là một ông thầy, "dạy"
cho ta biết tâm ta lăng xăng, không thể nương tựa, không thể tin
cậy được. Nó suy nghĩ về cả những điều ta không muốn nghĩ đến,
cả khi ta chỉ muốn được hoàn toàn yên tĩnh và tự tại. Ta biết được
trước hết là tâm không phải là một phần tuyệt vời của chúng ta, dù
rằng nhờ nó ta có thể thu thập được kiến thức, có thể hồi
tưởng, có thể hiểu một số khái niệm và phạm trù. Tuy nhiên nó
là một cái tâm lăng xăng, luôn thay đổi và nó sẽ làm những gì chúng ta
đòi hỏi ở nó.
Ðiều thứ hai, ta cần nhớ, là khó thể tin vào
tâm. Ta không nên tin vào tất cả mọi tư tưởng qua đầu ta. Chúng đã
đến không mời mọc, thì tự chúng cũng sẽ ra đi. Chúng chẳng có ích
lợi gì, nhất là khi ta đang ngồi thiền. Chúng có thể làm những gì
đã xảy ra trong quá khứ. Hay chỉ thuần là vọng tưởng. Ðôi khi chúng làm
ta khó chịu hay chỉ nhẹ nhàng như một giấc mơ. Có khi chúng đến lộn xộn
không đầu đuôi. Chúng nhanh chóng đi qua đầu ta, trước khi ta kịp nhận mặt
chúng. Vậy tại sao ta lại tin vào những điều mình thường suy nghĩ?
Trong lúc ngồi Thiền, chúng ta có cơ hội để
quan sát tâm - tư tưởng đi qua trong đầu - và luyện tập không để bị
chúng lôi kéo. Thế thì tại sao trong đời sống hàng ngày, ta lại tin vào
chúng và để chúng lôi kéo ta theo? Khi tâm nói "Người này thật
xấu", "Người kia nói láo", ta tin theo những điều đó. Khi
tâm nói "Tôi chán quá. Mệt mỏi quá", "Tôi cần thứ này"
hay "Tôi phải có thứ kia", ta nghe theo. Ta tin theo tất cả - nhưng tại
sao ta phải tin chúng? Trong khi tất cả mọi suy tưởng đều xảy ra theo
một tiến trình, trong đời thường cũng như lúc hành thiền. Tư tưởng
dấy khởi lên, dừng lại trong chốc lát, rồi qua đi không theo một mẫu mực nào
hay lý do nào.
Khi đã thực sự nắm bắt được ý nghĩa của
tiến trình này, ta có thể thay đổi những suy nghĩ hiện lên trong
đầu và các tư tưởng ta muốn nghĩ tới. Ðiều đó có thể thực
hiện được khi ta không còn tin vào những điều Tâm nói nữa, mà chỉ
quan sát tiến trình của chúng. Cũng như với không khí chung quanh ta. Ta
không nắm không khí trong tay và bảo rằng không khí là của riêng mình, dầu
rằng không có nó ta không thể nào sống nổi. Ðơn giản là không khí có
mặt ở mọi nơi. Tư tưởng cũng thế. Tiến trình của tư tưởng xảy
ra tự nhiên trong tâm ta, và khi nào chúng ta còn sống, tiến trình đó
triền miên tiếp tục, dầu rằng chúng không đáng tin, không thể dựa
vào. Bởi thế, nếu ta có thể gạt bỏ phần lớn các suy tưởng trong
đầu mình, thì lại tốt hơn.
Ta còn có thể quan sát về tâm ở một khiá cạnh
khác. Là khi ta ngồi thiền, nhưng không thể tập trung tư tưởng. Khi ta
buồn ngủ, không chú tâm. Ta hiểu rằng khi tâm không được "Giải
buồn", nó muốn ngủ. Tâm luôn muốn được tiêu khiển. Nó cần đọc
sách, coi tivi, thăm hàng xóm, nó cần được làm một thứ gì đó, bất cứ thứ
gì để giải buồn, để được bận rộn. Nó không chịu ngồi yên. Ðó
là một điều thú vị để biết về chính mình.
Hãy tưởng tượng bạn phải ở một mình trong một tuần,
chỉ ở một mình, không có bất cứ thứ gì để tiêu khiển. Bạn sẽ coi
đó là cực hình. Mà thực vậy, vì tâm không thể chịu đựng nổi. Nó luôn
cần được "Cho ăn", giống như thân cần được ăn, tâm cũng vậy. Nó
cần một thứ gì đó từ bên ngoài, vì chính tự nó không thể thỏa mãn
với chính mình. Khi ngồi thiền, ta sẽ khám phá ra điều đó về
tâm.
Nhưng các vọng tâm thì vô thường. Chúng dấy lên,
rồi qua đi. Chúng không luôn có mặt như hơi thở của ta. Nếu chú tâm ta
sẽ nhận biết khi nào vọng tưởng dấy khởi. Khi chúng qua đi, dễ nhận
biết hơn là khi nào chúng đến. Ta không thể giữ chúng lại phải
không? Tất cả những suy nghĩ nửa giờ trước đây đã qua đi phải không?
Vô thường và vô sở hữu : Ta đâu có làm chủ được
chúng phải không? Và chúng cũng chẳng đáng để ta giữ lại phải không?
Vậy tại sao ta muốn làm chủ chúng? Muốn nghĩ chúng là ta? Sao không nghĩ
chúng chỉ là một hiện tượng tự nhiên hiện ra, rồi tan mất. Chỉ có
thế. Cũng thế, với thân này - nó có thực là ta không? Nó cũng chỉ
là một hiện tượng tự nhiên phát sinh ra bằng khái niệm, và tan
biến đi qua cái chết, một định luật tự nhiên, một sự kiện tự
nhiên mà nếu còn chấp Ngã ta không thể nào chấp nhận được điều
đó.
Chấp Ngã hay Ngã mạn không có nghĩa là ta tự cao, kiêu
mạn. Chấp ngã đồng nghĩa với u mê, chưa giác ngộ. Chỉ có các vị A la hán
là không có ngã mạn. Ngã mạn có nghĩa là ta đang nhìn thế giới và
chính ta từ quan điểm của "cái Tôi", qua cái nhìn đó, thế
giới bên ngoài cũng như người chung quanh ta trở nên là mối đe doạ của
chúng ta, vì "cái Tôi" của ta dễ vỡ, dễ bị chạm, và dễ đau khổ.
Tất cả các vọng tâm dấy lên, khi ngồi thiền sẽ
giúp cho chúng ta hiểu về chính mình hơn, về tính cách vô thường
của các hiện tượng của thân, tâm về tính vô sở hữu của chúng.
Nếu ta thật sự làm chủ những suy nghĩ của mình, thì tại sao ta lại không
làm chủ những suy nghĩ đáng có? Ai muốn làm chủ một đống rác? Như tôi sẽ
cố gắng để những vật thuộc sở hữu của tôi trở thành quí báu.
Ðiều thứ ba ta rút ra được từ sự quán tâm là:
đây là Dukkha (đau khổ) hay sự không vừa lòng, thỏa mãn. Dukkha không chỉ có
nghĩa là sự khổ đau mà còn bao gồm cả tất cả những điều không như
ý, là một khái niệm bao quát hơn gồm tất cả những gì ta đã kinh
nghiệm qua, cả những việc vừa ý cũng làm ta khổ vì chúng sẽ qua
đi (vô thường). Sự không như ý của quá trình tư duy sẽ hiện ra rất
rõ trong thiền quán, vì ở đây trong lúc ta thực sự muốn chú tâm, ta lại
chỉ toàn ngồi suy nghĩ vẩn vơ.
Ta phải nhận biết về tính cách vô thường,
không như ý và vô ngã bằng chính kinh nghiệm bản thân của mình.
Không ai "biết" ba điều này mà chẳng từng kinh qua chúng.
Nếu ta không thực sự hiểu một cách trực tiếp bằng nội tâm của
mình thì chúng chỉ là những lời hoa mỹ, ở đầu môi. Vì nhiều người vẫn
kinh nghiệm những điều này từng giây phút, nhưng chẳng hề nhận ra
được chúng.
Chúng ta đang chết từng giây phút, nhưng chúng ta
cũng chẳng để ý đến điều đó. Cần phải có chánh niệm
để nhận biết chúng, và chánh niệm là điều ta có thể đạt
được trong quá trình tu tập thiền. Hãy quan sát sự không như ý trong
tiến trình tư duy như là một đặc tính không thể thiếu của nó.
Nếu ta có thể nhìn mọi sự vật như chúng
hiện hữu, bằng con mắt tỉnh thức thì ta đã hiểu điều Phật dạy.
Thiệt là vô ích để ngồi đó nghĩ "Giá mà tôi không suy
nghĩ", "Giá mà tôi có thể chú tâm", "Giá mà ngồi
thiền không khó thế này", hay "Giá mà chân phải tôi không
đau đến thế". Ðó là mộng. Ðó là ước mơ. Chúng ta không
thể chỉ ngồi mơ mộng hay ước mơ nếu chúng ta muốn thấu đạt được
nguyên nhân đã làm ta đau đớn.
Phật đã nói tất cả chúng sinh đều bệnh, và
Pháp là thuốc chữa. Phật có danh hiệu là Ðức Y Vương. Như với mọi
thứ thuốc chữa bệnh khác, nếu chúng ta chỉ biết về chúng hay
đọc toa thuốc thì không thể hết bệnh. Nhân loại đã đọc
toa thuốc hàng ngàn năm nay. Hãy ngưng đọc toa thuốc, để bắt đầu
uống thuốc. Khi đã phân biệt được sự khác biệt giữa đọc toa
thuốc và uống thuốc, ta sẽ dễ dàng biết mình phải làm gì.
Khi cảm giác khó chịu dấy lên vì phải ngồi chuyên một
chỗ, tâm thức sẽ lên tiếng phản đối, cằn nhằn. Nó vội nói "Tôi
không thích chút nào. Thiệt khó chịu hết sức. Tôi sẽ không chịu nổi
nữa. Tôi cần ngồi lên ghế", hay "Tại sao phải ngồi như thế
này? Tự cực hình mình à?" hay "Biết có đáng không. Biết có
đáng để chịu bao cực khổ ngồi thiền không?", và nhiều thứ
nữa... Tâm có khả năng nói với ta bất cứ điều gì. Nó có thể nói
về mọi vấn đề, và mọi khía cạnh của vấn đề. Nó vừa
đề cao một vấn đề đã quay ra hất đổ nó. Bất cứ tâm của ai cũng
làm thế được. Tâm có thể xoay ngang xoay ngửa.
Ðừng ngồi đó nghĩ "Tôi không thích chút nào,
chân phải của tôi, lưng tôi, cổ tôi - hay bất cứ thứ gì - đau quá".
Không. Hãy dùng các cảm thọ vừa dấy lên như một cách để tỉnh thức.
Cảm xúc là nền tảng của cuộc sống. Nhưng chúng ta phản ứng thế nào
là do sự tiếp xúc với các căn của ta: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và
thức (Ðức Phật nói về tâm, quá trình tư duy như là giác quan thứ 6 của
ta). Thí dụ như nếu ta không nhìn thấy, thế giới sẽ khác hơn bây
giờ. Hay điếc, hay câm... thiếu một giác quan nào cũng thay đổi cái
nhìn của ta về thế giới bên ngoài. Nhưng khi có đủ sáu căn, tiếp
xúc với sáu trần, từ đó sinh ra các phản ứng, các cảm thọ. Ðiều
đó không thể tránh. Chúng ta không thể không có cảm xúc. Một vị
A-la-hán cũng có cảm thọ dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Ai cũng có cảm
thọ. Cảm thọ trung tính có thể ta không biết đến vì ta
chưa có sự chú tâm đủ. Chúng ta chưa đủ chánh niệm. Nhưng với cái cảm
thọ dễ chịu ta nhận biết ngay, ta bám víu vào chúng, và tìm mọi
cách để giữ chúng lại. Mọi nền kinh tế trên thế giới
đều dựa vào việc tạo nên các cảm thọ dễ chịu, và tìm cách làm
cho người ta càng muốn thụ hưởng chúng nhiều hơn. Nếu mọi người
đều từ bỏ các cảm thọ dễ chịu, thì có mấy nền kinh tế trên
thế giới đứng vững được. Các cảm thọ dễ chịu phát sinh ra nhờ quạt
máy, tủ lạnh, nệm êm, nước nóng, nước lạnh, đủ loại thực phẩm và còn
nhiều, nhiều nữa.
Ai cũng có cảm thọ: dễ chịu, khó chịu hay trung
tính. Chúng dấy khởi liên tục. Phần đông chúng ta bỏ cả cuộc đời mình
để đi tìm, nắm giữ các cảm thọ dễ chịu, và xua đuổi, trốn tránh
các cảm thọ khó chịu. Một cuộc chiến đấu vô vọng. Không tưởng.
Vì không ai có thể nắm giữ mãi các cảm thọ dễ chịu. Cũng không có
ai có thể trốn tránh các cảm giác khó chịu mãi. Khi ta già đi các cảm
thọ khó chịu tăng lên so với lúc trẻ. Không có sự ngoại lệ đối với
ai cả. Ðó là định luật tự nhiên. Cái chết sẽ đến, đi kèm theo với
những cảm thọ khó chịu. Tuy nhiên các khổ thọ này không chỉ dành cho
tuổi già, cho những người gần đất xa trời. Các người trẻ nhất, mạnh nhất
cũng đầy những cảm giác, tình cảm khó chịu đau khổ.
Nếu ta quyết ngồi yên giây lát, tự soi lại
mình, không còn chạy trốn các cảm giác khó chịu, đau khổ, bám chặt vào các
cảm giác dễ chịu - có thể chỉ trong một buổi thiền - ta sẽ biết
về mình rất nhiều. Quan sát các khổ thọ dấy lên trong khi ngồi
thiền - điều này sẽ xảy ra cho nhiều người trong chúng ta - cũng
là một cách để tìm hiểu các phản ứng hành động của chính mình. Ta
muốn thay đổi cảm giác đó, muốn chạy trốn nó. Một phản ứng gần như phản
xạ, lập tức đối với cảm giác khó chịu là di chuyển, thay đổi thế
ngồi để tránh sự đau đớn càng sớm càng tốt.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta trốn tránh các khổ
thọ bằng cách trốn tránh, xa lánh những người đã tạo cho ta cảm giác
đó, chạy trốn hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác, thay vì nhận biết
các cảm thọ của mình và nói: "Ồ, nó đã dấy lên. Nó sẽ ở lại
giây lát, rồi đi qua. Không có gì tồn tại. Nếu ta nhận biết được
cảm thọ của mình, là ta đang soi lại nó trong chánh niệm, thay vì phản
ứng bằng hành động".
Phản ứng của chúng ta, bằng cách xua đuổi các khổ
thọ, bám giữ các lạc thọ, là lý do khiến chúng ta lẩn quẩn
trong vòng luân hồi sinh tử, vì ta không có một phương hướng, một ngã rẽ
nào khác. Ðó là sự chuyển động trong một vòng tròn. Ta không thể
thoát khỏi sức hút của nó. Ðó là một trò chơi quay vòng. Không có lối ra.
Chúng ta quay vòng, quay vòng theo lạc thọ, xua đuổi các khổ thọ, một
vòng tròn không kẽ hở. Chỉ có một cách để thoát khỏi sức hút đó, là
ngưng lại quan sát các cảm thọ và không phản ứng bằng hành động.
Nếu trong lúc ngồi thiền, ta có thể làm được như thế dù chỉ
trong giây lát, thì ta cũng có thể làm được như thế trong các sinh
hoạt đời thường.
Tất cả chúng ta ai chẳng từng buồn phiền, khổ đau
trong cuộc đời. Người nầy nói lời trái tai ta không muốn nghe. Kẻ khác làm
những điều ta không muốn thấy. Ta bị hiểu lầm người ta không nhớ ơn
ta, không ngợi khen, không thương yêu ta. Người bỏ đi khi ta muốn giữ họ
lại. Họ ở bên ta, khi ta muốn xa lánh họ. không ai tránh khỏi những
đau khổ này. Chính Ðức Phật cũng không tránh khỏi. Ðức Phật chỉ khác
chúng ta là Ngài chỉ cảm nhận các cảm thọ, mà không phản ứng bằng hành
động.
Chỉ nhận biết các cảm thọ. Khi các cảm giác
khó chịu dấy lên vì phải ngồi lâu một chỗ, đừng trách móc ai, hay
việc gì. Không có ai hay việc gì tạo ra các cảm giác đó cả. Chúng
chỉ đến rồi đi. Quan sát và nhận biết các cảm giác đó, ta sẽ không
thể thay đổi được gì, trừ khi ta có thể tách mình ra khỏi cảm giác
khó chịu đó, để không đau khổ vì nó. Ta không thể làm khác hơn
thế. Trong hoàn cảnh này ta chỉ cần biết các cảm giác khó chịu cũng
chỉ là cảm giác. Không ai là chúng cả. Ta đâu có mời chúng đến. Vậy
tại sao lại nhận chúng là mình?
Trừ khi chúng ta nhận biết được những gì xảy ra
cho tâm khi những cảm giác này dấy lên, chúng ta sẽ lại rơi vào thói quen
phản ứng của mình. Những suy nghĩ quen thuộc, các phản ứng theo thói quen,
ngày này qua ngày khác đã tạo thành rãnh, thành nếp trong tâm tưởng ta.
Giống như một con đường sình lầy, khi bánh xe chạy qua chạy lại, các vết
lún, càng lún sâu thêm. Tâm của ta cũng thế. Các vết lún sâu, sâu
mãi cho đến lúc ta bị dính cứng một chỗ, không thể tiến tới
nữa.
Ðây là cơ hội, hoàn cảnh thuận tiện để chúng
ta quan sát phản ứng của tâm đối với các cảm giác khó chịu. Ðừng phân
tích "Ngồi như vậy máu không lưu thông được, không tốt cho tôi các
bác sĩ đã nói ..." Chỉ quan sát phản ứng của tâm. Tâm ta rất khôn
ngoan, lém lỉnh. Nó có thể làm tất cả mọi việc. Ta gọi nó là
nhà ảo thuật, cũng không sai. Nó có thể biến hóa ra con thỏ trong
chiếc nón không. Nó có thể phân tích lý luận đến chỗ mà
ta thấy tất cả mọi người khác đều sai, và ta thì luôn luôn đúng.
Ðó là điều ta phải luyện tập trong lúc tu tập
thiền: Không thể lúc nào cũng hoàn toàn đúng, 100% là đúng. Phần
lớn chúng ta tranh cãi đều để bảo vệ một lập trường, dựa trên
quan điểm của chính cá nhân ta. Vì ta chấp ngã, chấp có "cái
tôi" ảo tưởng, tất cả các quan điểm, ý kiến của chúng ta
đều được lọc qua con mắt của Ngã. Không thể là gì khác hơn
thế. Nếu ta nhìn qua một màu kính màu đen, tất cả mọi thứ bên
ngoài đều đen.
Khi ta đã thấu rõ tâm, các phản ứng của nó qua
thiền định, chúng ta dễ chấp nhận sự thật là khi ta nghĩ một điều,
bốn triệu người khác có thể nghĩ về một điều hoàn toàn khác
ta. Làm sao có thể là ta đúng và bốn triệu người còn lại sai? Chúng
ta tranh cãi bảo vệ cho những quan điểm - đôi khi có thể đúng -
nhưng chỉ đúng trong hoàn cảnh, cái nhìn của riêng ta. Chỉ có các vị
A-la-hán, những người đã không còn chấp Ngã, là có thể hoàn toàn
đúng.
Tất cả các phương pháp nhằm giúp ta đạt được sự
tỉnh thức, cần được áp dụng không phải chỉ trong lúc tâm đang theo dõi hơi
thở, mà cả khi tâm phản ứng theo cảm giác, hay sự suy tưởng. Ta cần phải
luôn áp dụng chúng để đạt được sự tỉnh thức, và từ đó đưa
đến sự an lạc. Mỗi phút tỉnh thức là mỗi phút an lạc. Khi không
còn cần phải để ý đến các suy tưởng của mình, ta dễ buông bỏ
chúng hơn. Khi không còn cần phải phản ứng theo các cảm giác, ta dễ buông bỏ
các hành động phản ứng. Mỗi phút an lạc cũng là mỗi phút tỉnh thức.
Cả hai đi đôi với nhau như hình với bóng.
Những điều Phật dạy đi ngược lại với bản năng
của chúng ta, do đó, không dễ cho ta chấp nhận, thấu hiểu. Chỉ có tâm
đã được tôi luyện mới có thể thấu hiểu được Phật pháp. Trong
khi tâm bình thường nghi ngờ, lý luận đó chỉ là việc làm lãng phí
thời gian, vô bổ. Muốn thật sự hiểu được Phật pháp bằng chính nội tâm
của mình, ta phải nhiếp tâm, giữ tâm tĩnh lặng, và tâm đó phải biết
bản chất thực của Ngã, chỉ là những hiện tượng đến rồi đi.
Tất cả có thể xảy ra trong lúc ta ngồi thiền và
theo dõi hơi thở.
An tịnh và Minh sát. Tuệ Minh sát là mục đích. An
tịnh là phương tiện. Nếu tâm không an lạc, tâm sẽ đầy những luồng
sóng, sóng của sự ghét, sự ưa. Các làn sóng sẽ phủ trùm mắt nhìn của ta.
Ta sẽ không thể soi thấy mình trên mặt hồ đầy sóng phủ. Mặt nước phải
lặng trong. Cũng thế mặt hồ tâm cũng phải lặng, trong trước khi tâm
được khai sáng. Lúc đó ta mới có thể thấy thấu suốt rõ ràng.
Thiền định cũng đem lại cho ta những kết quả
tương tự. Khi chúng ta chú tâm, theo dõi từng cử động, an lạc sẽ đến.
Nếu vọng tưởng có dấy lên, ta dùng chúng để nhận biết những
diễn biến của tâm.
Việc đặt tên các suy tưởng cũng là một cách
để theo dõi tâm, trong lúc ngồi thiền, cũng như trong các sinh hoạt
hàng ngày. Khi có tâm sân si dấy lên, người có chánh niệm sẽ biết
buông bỏ chúng. Ðó là phương thức để thanh tịnh hóa tâm. Và sự an lạc
của tâm tùy thuộc vào sự thanh tịnh hoá của tâm. Sự thanh tịnh hoá cũng có
thể đạt được qua tỉnh thức, qua sự "biết" chính mình.
Việc đặt tên cho ta biết tâm đang nghĩ gì. Nhưng khi thực tập
thiền, tất cả các tên đặt, các tư tưởng đều phải được buông bỏ.
Trong đời sống hàng ngày, những thứ tên gọi không ích lợi, không tốt
cần được buông xả. Khi ta đã làm được như thế là ta đã thanh tịnh
hoá tâm ta.
Con đường thanh tịnh hóa là con đường dẫn đến
sự chấm dứt mọi khổ đau.
[Chương trước][Mục
lục][Chương kế] |