BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Nghiệm Của Một Thiền Sinh

Daw Khin Myo Chit
Dhammesaka lược dịch

Nguyên tác Anh ngữ: "A Buddhist Pilgrim’s Progress"
Xuất xứ:
http://www.edhamma.org


Câu truyện sau đây là phần hai của loạt bài hai kỳ đăng trên Tạp Chí Người Bảo Vệ (The Guardian Magazine), Ngưỡng Quang (Yangon), Miến Điện, số tháng Hai 1963 (trang 13-19) do nữ cư sĩ Daw Khin Myo Chit.

Tôi tập thiền lần đầu với sự chỉ dạy của Sư U Sasana. Tôi hứa với Sư là sẽ thử ngồi thiền ba lần. Khi trở về nhà sau buổi thiền tập đầu tiên tôi cảm thấy khoẻ khoắn mặc dù đã cố sức nhiều trong buổi ngồi thiền. Tuy nhiên, đêm đó tôi thức giấc trong cơn nóng lạnh. Chồng và con tôi vẫn còn ở thiền viện trong khi tôi ở nhà một mình.

Tôi nhớ điều Sư nói với tôi: “Bất kỳ điều chi xãy đến cho thân này, không làm gì hơn là giữ chánh niệm vào những việc đó. Cô sẽ cần đến sức mạnh của chánh niệm. Để đạt sức mạnh đó, hãy thở mạnh và chánh niệm vào sự tiếp xúc của hơi thở ở cửa mũi. Khi chánh niệm đủ mạnh hãy chánh niệm vào cơn đau cho đến khi chúng biến mất.”

Vì không có ai giúp nên tôi phải tìm vào sức mạnh bên trong mình. Tôi ngồi dậy và thở mạnh sao cho mình không để ý đến cảm giác nóng sốt. Ngay khi thở cơn sốt giảm dần và tôi bắt đầu đổ mồ hôi. Đôi ba phút sau tôi ngủ yên trở lại. Sáng hôm sau tôi thấy khoẻ và tươi tỉnh. Không còn thấy cơn sốt đâu nữa.

Làm việc nhà xong xuôi tôi đi đến thiền viện. Tôi trình Sư những việc xãy ra dêm qua và ngồi thiền lần thứ hai. Buổi ngồi thiền không có gì khác lắm so với lần đầu. Có giây phút trong khi thở mạnh tôi cảm thấy mình không thể tiếp tục thở nữa. Với những lời khích lệ của Sư Sasana, tôi lấy hết sức vượt qua để thấy mình có thể tiếp tục thở nữa và thấy thích thú. Bằng cách này tôi hoàn tất buổi ngồi thiền lần thứ ba như tôi đã hứa với Sư.

Sư nói với tôi "Bây giờ cô biết thiền tập ra sao rồi. Nếu thấy thích hãy tiếp tục hành thiền. Nếu không thích cô cứ làm việc khác." Chồng con tôi trở về từ thiền viện. Sau khi thu xếp chuyện nhà, chúng tôi thấy nên tiếp tục hành thiền.

Với sự chúc lành và đồng ý của Sư chúng tôi thực tập ở nhà và khám phá vài điều nơi mình. Điều đó là chúng tôi có thể không thực tập đúng cách nếu không có sự trông chừng của Sư.

Sau vài lần ngồi thiền dưới sự trông coi của Sư chúng tôi biết được tiêu chuẩn phải đạt được trong mỗi lần ngồi thiền. Nếu thở đúng cách và giữ không đổi thế ngồi khi bị đau, không ngừng lại khi mệt, không để bất kỳ cảm giác nào trong thân làm chi phối hơi thở -- chúng tôi có thể đối đầu cảm giác khó chịu sinh khởi trong nửa buổi còn lại. Đáng buồn sao chúng tôi luôn luôn không giữ nổi những điều trên. Khi không có ai coi chừng chúng tôi không tuân theo các sự chỉ dẫn, nên không bao giờ chúng tôi thực tập chánh niệm được tốt đẹp khi quán vào các cảm thọ trong thân thể. Kết quả là chúng tôi không đạt được sự bình an sau mỗi lần ngồi thiền. Sau khi khắc phục được sự thất vọng lớn lao nơi sự bất tín của mình, chúng tôi đối diện một sự thật không lấy gì tốt đẹp về mình. Chúng tôi nghĩ phải đi đến thiền viện để được hành thiền dưới sự trông coi của Sư.

Mỗi tuần chúng tôi đến thiền viện ngồi thiền hai lần. Một tháng sau tôi bắt đầu thấy thở khó. Sau một hai phút thở mạnh, tôi thấy nghẹt lại với sự co thắt nơi ngực. Dù tôi có thể vượt qua bằng cách ráng hết sức thở mạnh hơn nhưng lại làm cho việc này trở nên tệ hơn. Khi tôi cố vượt qua trở ngại này, cơ thể tôi run lên và chiếc cổ sưng lên như muốn bể ra.

Tôi không thể vượt qua cơn khủng hoảng này dù Sư luôn bảo tôi nên cố gắng hơn nữa. Tôi cảm thấy Sư hỏi tôi làm chuyện mình không thể làm nổi. Khi tôi cố gắng để vượt qua cơn khủng hoảng, tôi mới thấy dường như tôi chỉ tìm cách né tránh cơn khủng hoảng thay vì can đảm khắc phục đề vượt qua.

Như con thú bị kẹt trong khu rừng đang cháy cố chạy tìm nơi trú ẩn, thay vì chạy cắt xuyên qua biển lửa, tôi tìm được cách tránh né cảm giác đau nhức phát lên trong mình khi tôi thở. Khi bị kẹt trong cơn đau quặn thắt, tôi không thể thở nổi dù chỉ thở nhẹ thôi. Không tuân theo lời thầy luôn nhắc tôi thở mạnh hơn để qua cơn khủng hoảng, tôi thấy mình nín thở một cách tự động.

Ngay khi lúc nín thở tôi kinh nghiệm một cảm giác bồng bềnh như một chiếc lông ngỗng vẫn vơ trong bầu trời mênh mông dễ chịu. Tiếng nói của thầy tôi nhắc tôi thở mạnh hơn dường như xa thẵm. Tôi rơi vào trạng thái lơ mơ, trong đó tôi thấy một ao nước thật lớn gợn sóng lấp lánh màu ngũ sắc. Cảnh tượng thật tuyệt vời, đẹp không tả nổi. Tất cả cơn đau nhức không còn nữa.

Khi nói lại với thấy tôi về kinh nghiệm này, Sư nói những trạng thái và cảnh tượng đó không được khuyến khích vì nó là chướng ngại hơn là có ích cho việc thiền tập của tôi. Nó không đem tôi tới gần chân lý tôi đang tìm.

Hơi thất vọng nhưng tôi cố gắng nghe lời Sư. Dù tinh thần có mạnh nhưng thịt da tôi lại yếu. Khi gặp sự đau nhức không chịu nổi, tôi thấy không có ý muốn vượt qua và thấy không có khả năng qua nổi. Đặc biệt thật khó nghe theo lời Sư khi tôi đã tự tìm cách đi vòng qua cơn đau và rơi vào vùng cảm giác đê mê.

Tham Dự Khoá Thiền Lần Đầu Tại Thiền Viện

Thầy tôi khuyên tôi đến thiền viện dự khoá thiền một tuần để tôi có thể vượt qua sự khó khăn tôi đang gặp phải. Tôi cứ chần chừ chưa làm theo và hết viện cớ nầy đến cớ khác. Một ngày nọ sau khoá thiền cuối tuần, tôi trở về nhà và đặt lưng xuống giường. Trong khoảng khắc tất cả đều trống không, tôi thấy cơ thể mình dường như không còn nữa. Không còn gì nơi cơ thể này ngoại trừ nhịp tim đập. Ngay cả trái tim cũng không còn nữa, chỉ còn tiếng thình thịch. Không còn gánh nặng của cơ thể, không còn tiếng thình thịch của nhịp tim chỉ đơn thuần là sự đê mê…chưa bao giờ tôi kinh nghiệm một cái gì giống như vậy.

Có tiếng gọi xuống nhà ăn cơm chiều kéo tôi trở về đời sống thực tế hàng ngày, tôi cảm thấy mất mát cái gì đó. Kể từ đó tôi cứ nghĩ đến sự ngây ngất mà tôi đã đạt được và tự hỏi mong sao mình có thể kéo dài trạng thái đó lâu theo ý mình muốn. Có thể chăng nếu đi dự khoá thiền bảy ngày ở thiền viện, mình có thể làm được điều này?

Thế là tôi quyết định đi dự khoá thiền bảy ngày. Trong khoá thiền tôi bắt buộc phải ngồi thiền mỗi ngày bốn lần.

Có Phải Chân Lý Tôi Đi Tìm?

Vào ngày thứ ba của khoá thiền tôi có một kinh nghiệm phi thường. Khi bắt đầu hành thiền lúc bảy giờ sáng, tôi thở dễ hơn. Tôi hết bị ngăn trở bởi bất kỳ cơn đau dữ dội nào nữa. Khi chánh niệm vào các cảm giác nơi thân, tôi không thấy các cơn đau không còn nữa. Chỉ còn lại tiếng đập của tim. Tâm tôi đã bỏ sự thích thú của các cảm giác của da thịt, trở nên trong sáng khỏi dục vọng, lo âu, phiền não và tất cả các thứ độc hại khác làm nặng trĩu con tim này. Tâm tôi trở nên một hồ nước trong suốt và tĩnh lặng. Nhiều hình thể lấp lánh màu ngũ sắc nhảy múa trên mặt phẳng láng như gương làm tiêu tan những gì làm bằng da thịt và các cảm giác trở thành bình an tĩnh lặng. Tôi trực nhận sau đó các khoái lạc của da thịt thật rỗng không khi so sánh với sự bình an tĩnh lặng này. Khoái lạc giác quan chóng chán nhưng sự hỉ lạc này gia tăng từng giây phút. Sự nghỉ ngơi ngọt ngào, bình an và tĩnh lặng này làm tôi suy nghĩ phải chăng đây có thể là Chân Lý tôi đang mong tìm?

Tìm Ra Câu Giải Đáp

Tôi bắt đầu buổi thiền kế tiếp với sự nóng nảy mong có kinh nghiệm như trước. Tôi thở mạnh hết sức mình. Nhưng được một lúc tôi bị kẹt lại do sự đau quặn ở lồng ngực. Cổ họng trở nên khô rát. Đột nhiên có tiếng khò khè chạy lên xuống dọc theo cổ họng.

Cơ thể tôi chấn động và rung lên, tim tôi nặng trĩu. Tất cả dường như chết lặng hết trừ tiếng khò khè trong cổ họng. Không còn hơi thở nào còn lại trong người tôi. Khi tôi cố mở mắt, tôi thấy mình như bị một tấm vải đen thật lớn trùm phủ lên người. Tôi không thể nào mở miệng để khóc. Tôi cảm thấy ngạt thở như đang trong biển khói. Một cảm giác bực dọc sâu xa đến với tôi. Tôi cảm thấy thất vọng mọi chuyện mà tôi đã tin tưởng vào. Chiếc hồ chứa đựng sự đê mê nơi mà tôi từng ẩn trú không còn nữa. Nó đã đi mất trước sự đối diện với cơn đau quặn chết người đang chế ngự tôi.

Bây giờ tôi mới nhận thức rằng mình phải chánh niệm vào các cảm giác của cơ thể khi chúng đến, dù đó là cảm thọ sướng hay đau, bởi vì nó là cách duy nhất chấm dứt khổ đau; chánh niệm sẽ giúp tôi không đi lệch khỏi đường Đạo. Như thú bị kẹt trong lửa rừng, tôi phải mở đường thoát thân cho dù có đáng sợ mấy cũng không màng.

Trong giờ thiền kế tiếp tôi gia tăng nổ lực gấp đôi trong khi thở, qua được trở ngại là cách duy nhất mà Sư đã dạy tôi --bằng chánh niệm và tận lực gia công hơn nữa. Khi đến lúc phải chánh niệm vào cảm giác, cả cơ thể tôi như biến thành một khối chì. Tất cả tứ chi trở nên tê dại và chết.

Giây phút đó tôi gia tăng sức chánh niệm sao cho tôi còn nhận biết nhịp đập của tim mình. Chẳng bao lâu cảm giác nặng như chì lại xuất hiện. Cơ thể tê dại này trở nên nặng nề; thế nhưng cảm giác nặng nề đáng sợ này cũng chỉ là cảm giác. Vì chỉ quán sát nhịp tim đập mà không bám víu vào ước muốn ngụp lặn trong vùng khoái cảm đê mê nữa, nên tôi có thể nhận biết cảm giác nặng đè như núi mà không bị sợ hãi.

Tôi tiến đến một trạng thái trong đó chỉ còn hai điều còn lại trong con người mà tôi gọi đó là chính tôi; các cảm giác và sự nhận biết, hay tâm chánh niệm vào các cảm giác này. Năng lực chánh niệm giữ các cảm giác trong gọng kềm của nó chặc chẽ như vật bị hai tấm kim loại ép chặc lại bắng vít. Tôi không biết mình đã ở trạng thái này bao lâu. Thình lình sức mạnh của chánh niệm trở nên mạnh đến nỗi dường như như các cảm giác bị sức chánh niệm ép chặc cho đến khi chúng hoàn toàn không còn gì nữa.

Giây phút đó giống như tôi đang đứng ở ngưỡng cửa Giải Thoát nếm hương vị đầu tiên của một Niềm Vui To Lớn. Chỉ một bước nữa thôi tôi sẽ thoát khỏi tất cả những gì xấu xa bất thiện. Như con chim đang đập cánh sửa soạn cho đường bay dài, tôi đã đứng bên bờ Giải Thoát. Từng đợt sóng phỉ lạc dâng lên trong người tôi.

Giây phút kế tiếp trước khi tôi biết chuyện gì đang xãy ra, tất cả trở nên tối sầm lại và tôi rơi vào nỗi tuyệt vọng sâu xa. Tôi không thể nào ngồi thiền tiếp. Tôi thất vọng và khóc thấy lòng mình tan nát. Thầy tôi nói vài lời an ủi và khuyên tôi hãy quên đi. Vào lúc đó thầy tôi, Sư U Sasana, lại đi vắng chỉ còn người bạn khác U Vinaya giúp tôi qua cơn khủng hoảng. Đêm đó tôi thấy buồn vô hạn cho cái gì đó mà tôi không biết. Như thể tâm tôi chưa ổn định trong lúc này.

Hai Trở Lực Lớn Đối Kháng Trong Thiền Tập

Sáng hôm sau tôi thức dậy tỉnh táo dù đã trãi qua ác mộng vào đêm trước. Nhưng hôm đó tôi như đang nằm mơ vì thế mà tôi qua hết các buổi thiền như làm công việc thường lệ.

Tôi không thấy thở khó nữa. Trong khi thở êm xuôi, một màn sương bao bọc người tôi; tôi thấy tôi như một hạt bụi nhỏ vẩn vơ trong vùng sương mờ thanh khiết và tôi ngắm một cách say mê. Khi tôi trở nên ý thức nhịp tim mình đang đập, nhịp tim đi trước và nhịp tim đi sau dường như chống lại lẫn nhau như hai lực thật lớn đối đầu cùng một lúc.

Một trong hai lực này là sự ước muốn rơi nằm trong vùng yên lặng mát mẻ của cảm thọ lạc thay vì chánh niệm vào các cảm giác trên cơ thể; một lực khác là biết rằng cảm thọ lạc không phải là Mục Tiêu mong tìm; hơn thế nữa sự đê mê trong cảm thọ lạc không phải là nơi an toàn và tôi sẽ bất lực khi những cơn đau nhức chết người tấn công tôi.

Dù nhận thức được sự cần thiết phải rời khỏi vùng thọ lạc để đối diện với cảm thọ khổ bằng chánh niệm. sự ham muốn được vào vùng thọ lạc còn mạnh mẽ. Hai trở lực xâu xé nhau trong tâm tôi. Sự tranh chấp này tiếp tục trong suốt bốn ngày thiền tập còn lại. Khi đến lúc phải trở về nhà, tôi cương quyết đạt Đạo theo như cách thức của thầy tôi chỉ dạy.

Chỉ đến khi ở nhà tôi mới có thì giờ quán tưởng lại những kinh nghiệm trong khóa thiền vừa qua và suy gẫm lại. Tôi nhận thấy không phải dễ dàng luyện tâm mình. Những khủng hoảng thường gây trở ngại cho việc thở mạnh của tôi là do kết quả tự tâm tôi bị co cứng trượt khỏi đề mục là điểm đụng của hơi thở nơi cửa mũi. Với nổ lực mạnh mẽ tôi đã thành công giữ tâm trên các cảm giác; thân tôi chỉ còn hai thứ: các cảm giác và sự ý thức về các cảm giác này. Đây là bước quan trọng; với nhận thức này tôi đã đứng bên bờ giải thoát.

Thế nhưng tại sao trong khoảng khắc kế tiếp tôi bị rơi vào trong sự tuyệt vọng sâu thẵm ấy? Chỉ đến khi nhìn lại tôi mới nhận thấy tự tâm tôi quay đi chỗ khác. Lý do thật giản dị: Tôi không muốn thoát Khổ vì chấm dứt khổ có nghĩa chấm dứt sống. Sống và khổ không thể tách rời; nếu một người muốn hết khổ, đời sống cũng phải chấm dứt. Cho dù người ta có thể chấp nhận sống là khổ, nhưng lại không chấp nhận hệ luận chấm dứt khổ là chấm dứt sống. Tôi nhận thấy vì sự bám víu vào ham sống đã làm tôi quay trở lại từ bờ giải thoát.

Tôi nhận ra rằng muốn hết khổ tôi phải ngừng tham muốn vào sự sống. Chỉ khi nào ngừng tham muốn mới chấm dứt khổ. Tôi biết rằng phải theo lời chỉ dạy của thầy tôi , tôi phải chánh niệm vào các cảm giác khó chịu của cơ thể như nhức, đau và những khổ sở. Một lần nữa tôi thấy con đường Giải Thoát không phải là trầm mình trong vùng thọ lạc mà là sự chạy thoát xuyên qua biển lửa của các cảm thọ khổ. Nếu tôi muốn giải thoát, tôi phải can đảm. Con đường này -thực hành chánh niệm- như tôi đã làm theo, là con đường Đạo tôi phải đi.

Trên đường Đạo

Với sự tin tưởng không lay chuyển là thực hành chánh niệm chắc chắn sẽ dẫn tới Giải Thoát Khổ Đau, tôi tiếp tục gia công. Tôi đến thiền viện mỗi tuần một lần và tìm sự khuyên bảo và hướng dẫn của các thiền sư.

Cố gắng hết sức mình, tôi tiếp tục rơi vào vùng khoái cảm đê mê. Điều thoải mái duy nhất là chánh niệm đã giữ không cho tôi ở lâu trong vùng cảm giác đó. Tôi có thể thực tập để giữ chánh niệm lâu hơn trên các cảm giác khó chịu.

Khi tiếp tục thiền tập, trong một buổi thiền nọ tôi thấy tâm mình an trụ vững chắc trên các cảm giác. Tôi cố gắng chỉ chánh niệm lên các cơn đau mà thôi, cố giữ cẩn thận không để bị phóng tâm. Hết cách này cách nọ tôi thấy vẫn bị phóng tâm. Tôi rất bực bội vì tôi đã cố hết sức giữ chánh niệm. Tôi vẫn còn phóng tâm.

Tôi hiểu sự quan trọng của việc giữ chánh niệm trên các cảm giác, phải giữ tâm chú vào một điểm không chút sai lệch. Nó giống như giữ thăng bằng một hạt gạo. Tình thế lúc đó rất mong manh đến nỗi chỉ trong nhấp nháy chỉ mới “À!" hay "Ồ!" thôi cũng làm tất cả đảo lộn hết.

Một Sự Đứt Lìa Từng Mảnh Kinh Khiếp

Ngoài mỗi tuần đến thiền viện tôi cố gắng hành thiền ở nhà. Dù rằng tôi thiền không được tốt như những lúc có sự hướng dẫn của Sư, nhưng ít ra nó cũng giữ việc thiền tập được liên tục. Dù làm người nội trợ lê mê công việc suốt ngày, tôi vẫn tìm cách thực tập dù chỉ đôi phút rãnh rỗi.

Một ngày nọ tôi đang hành thiền ở nhà tôi cảm thấy thân thể mình như bị đứt lìa từng mảnh với một tốc lực nhanh khủng khiếp tiến về cái gì đó mà tôi không biết là gì. Như chiếc xe đổ dốc đang đâm vào núi, tôi nghĩ mình sẽ bị tan thành từng mãnh. Một sự sợ hãi kinh khiếp trong tôi và tôi tự kéo mình ra khỏi cảm giác đó. Khi đã thoát ra khỏi sự khiếp sợ, tôi mới hiểu ra mình đã đánh mất một kinh nghiệm to tát. Tôi biết mình không nên sợ hãi khi đối diện với cảm giác kinh khủng đó. Với chánh niệm duy nhất ở lại trong tâm, cho dù chuyện gì xãy ra tôi cũng đừng nên nghĩ đến sự hiện hữu của con người mình trong đó.

Tôi trình với Sư về kinh nghiệm vừa qua, Sư nói, "Hãy nhớ trong sự mưu cầu Giải Thoát, Cô phải chuẩn bị buông bỏ đời mình. Không dễ gì tự bỏ con người mình cho cái gì đó mình chưa biết. Cô đang đi trên Con Đường mà Đức Phật và các Đệ Tử của ngài đã đi trước. Cô cần có can đảm để theo Con Đường đó. Không cần ai nói cho cô, bây giờ tự cô đã biết mình thiếu can đảm. Cô phải thực tập chánh niệm nghiêm túc hơn nữa cho đến khi cô sẵn sàng để nhận được món quà Pháp Bảo như Đức Phật đã chỉ dạy và thành đạt Giải Thoát.

Tôi biết mình gần đến mục tiêu thành đạt nhưng có hai điều giữa tôi và mục tiêu. Một là sự sợ hãi không tên như đã kể và thứ đến là vui thích trong sự mong cầu. Biết rằng mình đang cận kề mục tiêu nên tôi khó đè nén được sự mong cầu. Chỉ một thoáng ngạc nhiên ‘Ô!" hay "A!" là tất cả sẽ mất. Khi tôi thành công thu thúc cảm xúc vui thích này, tôi không thể khắc phục nỗi sợ hãi không tên kia. Luôn luôn có một trong hai điều xãy ra khi đến giây phút có tính cách quyết định cho sự thành tựu mục tiêu.

Một Kinh Nghiệm Không Quên

Tôi hiểu rằng do sự khao khát về tự ngã đã làm tôi sợ sệt không cắt đứt được các trói buột của khổ đau. Khi tôi hỏi thầy tôi làm thế nào khắc phục được nỗi sợ hãi không tên đó, nó xuất hiện mổi khi có sự bám víu vào cái tôi của mình, thầy khuyên tôi hãy thực tập chánh niệm rốt ráo hơn nữa. Sự thực tập chánh niệm là cái gì mình không bao giờ làm quá sức và dù cố làm bao nhiêu luôn luôn không bao giờ hoàn hảo.

Một bữa nọ, tôi đi dự buổi nói chuyện của Martha Graham lúc đó đến viếng thăm Miến Điện. Tôi nghe người vũ công nổi tiếng này nói chuyện một cách thích thú. Tôi cố gắng giữ chánh niệm vào điểm tiếp xúc giữa thân và ghế ngồi mặc dù đang nghe.

Trong buổi nói chuyện, Martha Graham có nhắc đến một nam vũ công ba-lê nổi tiếng người có những điệu nhảy đẹp mắt. Cô kể lại người vũ công đó (tôi quên tên người này) đã tập dượt hàng trăm lần (cô có nhắc đến số lần) để chuẩn bị cho buổi trình diễn quan trọng, nhưng vẫn không sao đạt được sự hoàn hảo. Ngay đến khi dượt tuồng, người này cũng chưa thành công. Chỉ đến chừng khi trình diễn thật sự, người vũ công đã đạt sự hoàn hảo đây đó trong suốt mấy trăm bước nhảy. Martha Graham cho sự thành công đó bắt nguồn từ sự tập dượt hàng trăm lần thành công và thất bại, đã vượt lên cao điểm để sau cùng trở nên hoàn hảo khi trình diễn trên sân khấu thật sự.

Tôi vui mừng muốn nhảy nhỏm khi nghe điều ấy. Luôn luôn tôi đã bỏ sót vì lẫn trốn sự sợ hãi hoặc do tâm trượt khỏi vì náo nức mong đợi. Tất cả điều này không phảI là vô hiệu quả. Một ngày nào đó tôi sẽ vận dụng mọi thứ để chiến thắng bằng sự toàn hảo cuối cùng.

Một đêm nọ tôi rơi trong trạng thái nghỉ ngơi với tâm đang chánh niệm lên các cảm giác trong thân. Ban đầu các cảm giác này không khó chịu khi thân tôi chỉ co giựt nhè nhẹ. Sau đó cả thân người tôi trở nên rung chuyển như bị điện giật. Tôi không còn thấy an ổn nữa. Tôi phải tận dụng hết sức để chánh niệm vào các cảm giác. Cơ thể càng rung chuyển dữ dội hơn. Tôi tiếp tục giữ chánh niệm một cách vững vàng không chao động. Sự chánh niệm của tôi đã mạnh nhưng sự mãnh liệt của các cảm giác dường như cũng mạnh ngang bằng và thách đố lại. Chánh niệm và cảm giác đang đấu tranh sống còn với nhau trong đó không còn chỗ nào cho sự sợ hãi làm nảy sinh ý nghĩ "Mình sẽ thành cái gì đây?”. Khi hai điều, cảm giác và chánh niệm hiện hữu thì không còn chỗ nào cho cái Tôi nữa. Ảo tưởng về cái Tôi đã vỡ tan. Khi cảm giác gia tăng mãnh liệt, sức mạnh chánh niệm đáp ứng tương đương. Rồi đột nhiên các giây thần kinh như bung ra theo một sức căng dữ dội theo sau đó một tiếng nổ thật lớn. Điều kế đó tôi biết là mình đang ngồi xếp bằng, toàn thân tôi như bềnh bồng trên mây, không có gì để móc vào, không có gì để dính mắc vào. Thật là một giây phút khó tả.

Tôi nhìn trời đang rựng sáng, tôi đảnh lễ trước bàn thờ trong nhà với lời khấn đơn sơ:

Con xin quy y Phật
Con xin quy y Pháp
Con xin quy y Tăng

Đã biết bao lần trong đời tôi đã khấn niệm những lời này! Vậy mà lần này tôi lại thấy ý nghĩa từng chữ một. Tôi biết tôi đã được Tam Bảo tán thán. Không còn chi nữa hết ngoài sự bình an đang ở trong lòng mình.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 26-08-2002