BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Lập trường và phương pháp nghiên cứu Phật pháp

Pháp sư Ấn Thuận
Thích Hạnh Bình dịch


Bài dịch dưới đây được trích dịch từ tác phẩm "Hoa vũ tuyển tập", là bài nói chuyện của Hoà thượng Ấn Thuận cho lớp nghiên cứu sinh của Phật Quang Sơn, do Y Quang ghi lại. Hoà thượng Ấn Thuận là người Trung Quốc, hiện đang sống tại Đài loan. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngài cống hiến cho Phật giáo, bằng cách đem hết tâm lực nghiên cứu Phật pháp. Cho đến nay, Ngài đã viết trên dưới 40 tác phẩm. Trong đó, ba tác phẩm nổi tiếng là: (1) "Thuyết nhứt thiết hữu bộ vi chủ đích luận thư dữ luận sư chi nghiên cứu", (2) "Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành", (3) "Sơ kỳ Đại thừa Phật giáo chi khởi nguyên dữ khai triển". Ba tác phẩm này có giá trị học thuật cao, tác giả trình bày rất mạch lạc, có hệ thống, chú thích rõ ràng. Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm hay khác nữa. Nói chung, những tác phẩm mà Ngài viết được giới học thuật ở Đài loan, Nhật, Hồng Kông rất chú ý, được các trường Đại học ở đây đưa vào loại sách tham khảo cho khoa Triết ngành Phật học, là những loại sách gối đầu giường cho những ai nghiên cứu Phật học. Bài dịch dưới đây, với nhã ý giới thiệu về phương pháp nghiên cứu mới về ngành Phật học của Ngài cho độc giả người Việt nam chúng ta. Tôi hy vọng độc giả sẽ hài lòng với những ý kiến mới mẻ của Ngài.

-ooOoo-

Chư vị nghiên cứu sinh thân mến! Trong thời gian 4 năm gần đây, thân thể tôi (Ấn Thuận) càng lúc càng già đi và phát sinh nhiều bệnh hoạn. Các vị có nhã ý đến đây học tập Phật pháp, tuy lòng cảm thấy rất vui, nhưng thân thể không khỏe mấy, tâm trí cũng theo đó mà giảm sút đi nhiều, do vậy tôi cũng không biết lấy gì để nói chuyện cùng quí vị, giúp cho chư vị trong lãnh vực nghiên cứu Phật pháp.

Hiện nay các vị đang tu học ở Học viện, là thời gian đang nghiên cứu Phật pháp, cũng giống như tôi, một số người cho rằng, tôi cũng là người nghiên cứu Phật pháp. Thật ra, tôi chỉ là người kế thừa tư tưởng của hai vị Thái Hư và Pháp Tôn mà thôi. Sau khi đọc qua những tác phẩm của hai vị này, từ đó rút ra một số kinh nghiệm, và một cách tùy tiện nghiên cứu Phật pháp. Tôi không đủ phước đức bằng quý vị, có thời gian dài sống trong Học viện nghiên cứu và tu tập. Có thể nói sự học tập Phật pháp của tôi, chỉ nương vào tự lực, bằng cách học ở đây một chút, ở kia một tí (không có trình tự cũng như không được đào tạo một cách nghiêm túc). Có người hỏi tôi học như thế nào? Thật tình mà nói, tôi không biết phải trả lời như thế nào? Vì tôi chưa từng học tập ở bất cứ ai, do đó tôi cũng không biết bằng cách nào để chỉ dẫn người khác. Hôm nay các vị đến đây, tôi chỉ đem những kinh nghiệm bản thân mà trước đây tôi đã học, cùng những suy nghĩ của chính tôi trình bày cùng các vị nghe mà thôi. Ví như tại sao chúng ta phải học Phật? bằng cách nào để nghiên cứu Phật pháp?.v.v… đó là những vấn đề mà tôi lưu tâm. Ở đây, tôi xin được nói chuyện cùng các vị một cách tùy tiện, có thể là buổi nói chuyện vô ích, nhưng dù sao đi nữa, đây cũng là những kinh nghiệm của cá nhân, nó được trải qua quá trình suy nghĩ chọn lọc mà trước đây tôi đã tu học Phật pháp.

Khi tôi còn ở cố hương, tôi biết được Phật pháp một cách rất tình cờ. Thật sự mà nói, tình trạng Phật pháp ở Hải Minh (Trung Quốc) là cố hương của tôi rất là suy yếu, không giống như ở Đài Loan, Phật pháp rất hưng thịnh, ngược lại ở đó rất là đơn sơ, những sinh hoạt Phật giáo ở đây được duy trì dưới hình thức tụng kinh đám và các buổi lễ bái cầu nguyện, chỉ có thế thôi. Sau khi gặp Phật pháp, tôi tự tìm kinh luận để đọc, xem xong, lòng tôi xuất hiện hai giòng suy nghĩ, một là đạo lý Phật pháp rất thâm sâu, tinh thần (vị tha) rất vĩ đại; Thứ hai là tôi tự cảm thấy rằng, tinh thần Phật pháp và hình thức sinh hoạt Phật giáo là hai vấn đề không giống nhau. Cái được đại diện cho Phật giáo ở đây như những người xuất gia của quê hương tôi đã làm, cùng với Phật pháp mà tôi được tìm hiểu trong kinh luận hoàn toàn không giống nhau. Đối với vấn đề này, cách giải quyết của tôi không giống như đại sư Thái Hư hay vị Viện trưởng (Tinh Vân) của quý vị, có ý muốn cải thiện Phật giáo, đem hết lòng chấn hưng cải cách Phật giáo, riêng tôi chỉ muốn nghiên cứu một điều là, tại sao Phật pháp vi diệu cao sâu như thế, nhưng vì lý do gì trên thực tế Phật pháp lại thể hiện không giống như thế? Nguồn gốc của sự sai biệt này phát xuất từ đâu?

Khi chưa xuất gia, tôi tự nghĩ rằng, Phật pháp là môn học rất thâm sâu phải dày công nghiên mới hiểu được Phật pháp. Nhưng tại sao Phật pháp được thể hiện ở nhân gian biến thành như thế? Thật ra, đó chỉ là những tập tục tín ngưỡng của dân gian. Cũng giống như hiện nay có những sinh viên đại học nghiên cứu Phật pháp mà trước đây không có, sự xuất hiện sinh viên nghiên cứu này chỉ có ở giai đoạn gần đây, do vậy, dẫn đến sự khác nhau giữa hình thức sinh hoạt Phật giáo và tinh thần Phật pháp. Vấn đề tìm hiểu của tôi là, tại sao lại xuất hiện hiện tượng này? Về sau tôi tiếp tục tìm hiểu qua kinh sách, đọc ở chỗ này chỗ kia, cuối cùng vẫn không tìm được câu trả lời. Sau khi cha mẹ tôi qua đời, cảm thấy rằng không còn gì phải lo lắng cho gia đình nữa, tôi quyết định xuất gia. Quan điểm và lập trường tu học Phật pháp và nghiên cứu kinh luận của tôi, không ngoài mục đích muốn hiểu rõ cứu cánh của Phật pháp là gì, đồng thời cũng muốn tường tận vấn đề nguyên nhân nào dẫn đến sự diễn biến của Phật pháp. Đây là những vấn đề luôn luôn tồn đọng trong tâm trí tôi, và chính nó là động cơ thức đẩy tôi luôn luôn lúc nào cũng nghiên cứu Phật pháp.

Trên căn bản, Phật pháp đề xuất, người xuất gia chỉ có 3 con đường thực hiện. Con đường tối thượng là sự tu tập, thứ hai là học tập Phật pháp, và con đường thứ ba là tu tập phước thiện, như làm những việc xây cất chùa tháp… Là tu học Phật pháp, nếu chúng ta cho rằng Phật pháp vốn là cái tốt đẹp, có ích lợi cho mọi người, thì sự tốt đẹp đó phải được thể hiện ngay bản thân người tu học, nếu chúng ta học Phật pháp mà không thể hiện được điều đó, thì làm cách nào chúng ta có thể khuyên dạy người khác tu học Phật pháp ư? làm như vậy là không hợp lý. Tôi tự hổ thẹn chính mình chưa có thể thực hiện con đường tu chứng, vì tôi còn đang trên con đường truy tìm Phật pháp, truy tìm cái nguyên lý căn bản của Phật pháp là gì? Quá trình diễn biến của Phật pháp như thế nào? Sự diễn biến của Phật pháp ngay tại Ấn độ như thế nào? Và sau khi Phật pháp được truyền đến Trung quốc sự diễn biến của nó như thế nào để hình thành hiện tượng Phật giáo như hiện nay? Đây là mục đích chính mà tôi tu học và nghiên cứu Phật pháp.

Do vậy, thái độ học tập Phật pháp của tôi, là tôi chỉ tin tưởng vào đức Phật không tin tưởng ở bất cứ ai, cũng không nhất định phải tin tưởng vào các bậc tổ sư, có người cho rằng là người Trung Quốc, nhất định phải tin tưởng vào giáo lý tư tưởng của những tổ sư người Trung Quốc, tôi hoàn toàn không đồng ý quan niệm này. Tất nhiên cái gì là chân chánh Phật pháp, tôi nhất định tin theo, ngược lại điều gì không phù hợp Phật pháp, tôi không thể tin theo, đó chỉ là quan điểm riêng của người Trung Quốc. Tôi là người tín ngưỡng Phật pháp, do đó, trên nguyên tắc tôi chỉ nghiên cứu truy tìm Phật pháp mà tôi tin tưởng, vì trọng tâm nghiên cứu của tôi là Phật pháp.

Đối với những học giả trên thế giới tôi hiểu không nhiều lắm, tuy nhiên tôi cũng đã viết khá nhiều tác phẩm, điều mà tôi viết nghiên cứu chủ yếu là truy tìm chân lý của Phật pháp. Tôi muốn lấy điểm căn bản, chân thành Phật pháp làm đối tượng tín ngưỡng. Khi chúng ta tường tận điểm then chốt của Phật pháp, nó có sự ảnh hưởng tốt đẹp đối với nhân loại trong đó có cá nhân tôi, đây là động cơ căn bản, chân chánh nghiên cứu Phật pháp của tôi.

Do đó, tự biết rằng, mặc dù ở phương diện tu chứng của tôi vẫn chưa thành đạt được gì, nhưng động cơ nghiên cứu tu học Phật pháp của tôi so với người khác không giống nhau. Có người nghiên cứu Phật pháp dường như đem Phật pháp biến thành một loại học vấn, do vậy khi nghiên cứu, họ đưa ra quan điểm này hay quan điểm nọ, nhưng Phật pháp cùng bản thân người nghiên cứu hoàn toàn không quan hệ gì với nhau. Trên nguyên tắc mà nói, đây không phải là thái độ học Phật pháp cho chúng ta. Vì người học Phật nên hiểu rằng, Phật pháp rất có quan hệ mật thiết đến đời sống hằng ngày của chúng ta, nếu như không ích lợi gì cho chúng ta, tại sao chúng ta phải nghiên cứu Phật pháp. Nếu như chúng ta không hiểu được điểm lợi ích của Phật pháp, tại sao chúng ta lại kêu gọi khuyến khích mọi người tin Phật pháp? Do đó, chúng ta càng hiểu được điểm lợi ích của Phật pháp bao nhiêu, thì chúng ta càng hiểu rõ điểm đặc sắc và tính lợi ích của Phật pháp bấy nhiêu, khiến cho chúng ta càng tăng thêm lòng tin tưởng đối với Phật pháp bấy nhiêu.

Có người hỏi, tôi tu học Tông phái nào? Thật sự mà nói, tôi không biết phải trả lời như thế nào? Vì có một số người nghĩ rằng, nên y vào một Tông nào tu học mới đúng. Tôi cho rằng, Tông phái chỉ là những phương tiện đem Phật pháp để đáp ứng tính đặc thù văn hóa tư tưởng của từng thời đại khác nhau, mà phát triển thành Tông phái khác nhau. Cũng giống như có nhiều con đường khác nhau cùng dẫn đến đỉnh núi. Riêng tôi không thuộc về Tông phái nào cả. Có người cho tôi là người nghiên cứu Tam luận Tông, có người gọi tôi là luận sư. Thật sự mà nói tôi không hiểu tại sao họ cho tôi như thế. Sự thực tôi không phải là người như thế đó, gọi tôi là người như thế nào cũng được, miễn là tôi tự hiểu rằng, tôi không phải là người như thế là đủ rồi.

Tôi y cứ vào quan điểm và lập trường này tiến hành nghiên cứu Phật pháp, dần dần phát hiện điểm căn bản của Phật pháp, cũng nhờ vậy mà tôi hiểu rõ được điểm bất đồng quan điểm giữa các Tông phái. Các vị cho rằng, quan điểm và tư tưởng của các Tông phái rất phức tạp, nhưng qua kinh nghiệm nghiên cứu của tôi, tôi không cho là như thế. Đại khái một vấn đề được đưa ra thảo luận, người này cho rằng như thế này, người khác cho rằng như thế kia, thành ra nhiều quan điểm khác nhau . Chẳng qua vấn đề nhiều ra, ngộ nhận càng chồng chất, dường như có rất nhiều vấn đề khác nhau. Tôi không phải là người thuần túy chuyên nghiên cứu về một Tông phái nào cả, tuy nhiên mỗi Tông mỗi phái tôi đều có nghiên cứu qua, nhưng có lẽ rất là khái quát, không phải chuyên sâu nghiên cứu, vì tôi không muốn là tử tôn của bất cứ Tông nào, cũng không muốn làm một Đại sư cho phái nào cả.

Phương hướng nghiên cứu của tôi là như thế, có thể có người cho rằng, lập trường nghiên cứu của tôi không phù hợp với trào lưu và thời đại. Mặc dù vậy, tôi vẫn viết ra những ý kiến của mình, tôi không cần phải lưu tâm đến những quan điểm như thế, những tác phẩm của tôi, nếu có người xem cũng tốt, không có người đọc cũng chẳng sao, viết xong một tác phẩm bèn in ra đó, không bận tâm đến độc giả, chỉ tự hiểu rằng đối với Phật pháp tôi thật sự thành tâm nghiên cứu là đủ rồi, tôi thật sự là người muốn truy tìm chân lý trong Phật pháp, muốn tường tận ý nghĩa cốt yếu của Phật pháp. Đối với Tam bảo tôi chỉ có một chút cống hiến như thế, điều đó tốt hay xấu tôi cũng không cần bận lòng suy nghĩ, trong thời gian dài vừa qua, thái độ nghiên cứu Phật pháp của tôi là như thế.

Với ý nghĩa này, tôi học tập Phật pháp cùng với Na khai phụ tử không giống nhau. Vì thành quả nghiên cứu của ông ta, giống như cửa hàng bách hóa, trong ấy cái gì cũng có, bạn cần cái gì, ở đó đều có thể đáp ứng cho bạn. Riêng tôi không có quan điểm nghiên cứu Phật pháp như thế, lý do mà tôi tìm tòi nghiên cứu Phật pháp ở chỗ này chỗ kia, mục đích chỉ muốn tìm tính căn bản Phật pháp ở nơi ấy, và sự diễn biến của nó mà thôi. Sự diễn biến này đối với Phật pháp có tác dụng tốt hay xấu. Trong Phật pháp, cái gọi là "phương tiện", chúng ta phải hiểu rằng, nó là cái luôn luôn gắn liền với thời gian và không gian, có nghĩa là nó ở một thời gian và không gian nhất định nào đo, nó có tác dụng rất là tốt cho Phật pháp, nhưng thời gian và không gian đổi khác đi, phương tiện là cái có thể trở thành một loại chướng ngại cho Phật pháp.

Trong kinh "Pháp Hoa" có câu, tôi rất tâm đắc: "Chánh chơn xả phương trên, đản thuyết vô thương đạo" "xả bỏ phương tiện một cách chơn chánh, mới có thể hiển bày đạo vô thượng". Thế nào gọi là xả? Đến một giai đoạn nào đó, cái gì vừa tốt hơn lại vừa thích hợp hơn, chúng ta nên chọn lấy cái đó, cái gì không còn thích hợp liền phải bỏ đi. Do đó, điều mà tôi nghiên cứu không phải cái nào cũng đồng ý và đề xướng, ngược lại tôi cũng không phải là một nhà phê bình, nên tôi cũng không dám phê bình. Có lẽ tôi là người sinh ra không thích hợp thời đại, cho rằng tất cả đều là phương tiện, không phải là cái cứu cánh, nếu như các vị không muốn tôi tiếp tục nói chuyện, tôi dừng ở đây, không có vấn đề gì cả, nếu như các vị muốn tôi tiếp tục nói chuyện, tôi chỉ biết nói như thế, nhưng các vị muốn tôi đề cập những vấn đề dễ nghe (là những vấn đề sai lầm trước đây) để các vị phụng hành, thật sự mà nói tôi không biết nói gì cả. Theo nguyên tắc nghiên cứu Phật học của tôi, điều kiện cần thiết phải là duyệt đọc phân tích kinh luận, đó là điểm then chốt cho việc nghiên cứu Phập pháp. Một phương pháp nghiên cứu như thế nào, nó phát triển như thế nào, được bao nhiêu người hoan nghinh, tôi đều không lưu tâm đến. Đây chính là động cơ và thái độ của tôi đối với việc nghiên cứu và học tập Phật pháp. Cho dù ai đó phê bình tôi là người cố chấp, tôi vẫn chấp nhận, vì tôi là người như thế.

Sau khi trải qua nhiều năm nghiên cứu, có thể nói, đó là thời gian Dân quốc trước năm 30 (1941), đối với Phật pháp, tôi có một cái nhìn tổng quan về sự phát triển và diễn biến của nó, Phật pháp qua sự diễn biến này, nó đối với xã hội hiện nay của chúng ta có một vài điểm còn thích hợp, phần còn lại chúng ta không cần thảo luận ở đây, vì nó chỉ thích hợp với một giai đoạn nào đó trong quá khứ, nhưng đối với hoàn cảnh hiện nay thì ngược lại. Tôi có được sự nhận thức này, vì lúc đó tôi viết tác phẩm: "Phật giáo ở Ấn Độ" . Tác phẩm này cái gì tôi nghĩ đến liền viết ra, chỉ muốn nói lên ý kiến riêng của mình, tuy nhiên phần dẫn chứng quá sơ sài, không giống như cách viết ở thời đại ngày nay, chịu ảnh hưởng văn hóa cận đại, tức là điều mà tác giả trình bày tuy chỉ là trình bày ý kiến của tác giả, nhưng cần phải rõ ràng trong việc trích dẫn căn cứ. Do đó tôi đem tác phẩm này viết thành nhiều tác phẩm lớn, phần dẫn chứng khá rõ ràng, những tác phẩm này có thể làm tác phẩm biểu trưng cho quan điểm và sự hiểu biết của tôi đối với Phật pháp.

Chẳng qua, sự nghiên cứu Phật giáo Ấn Độ của tôi, cho đến hiện nay tôi chỉ viết có 2 tác phẩm: (1) "Thuyết nhứt thiết hữu bộ vi chủ đích luận thư dữ luận sư chi nghiên cứu", (2) "Nguyên thủy Phật giáo thánh điển chi tập thành". Ngoài ra, những tác phẩm khác mà tôi viết, đều có những nhân duyên đặc biệt, không phải là cái mà tôi muốn viết. Hiện nay thân thể tôi càng lúc càng bệnh hoạn, những gì trước đây muốn viết, nay không thực hiện được, nhưng tôi nghĩ rằng, cũng không có gì đáng hối tiếc, vì chúng ta ở trong vòng vô biên trong sinh tử, tôi có thể làm được gì đem hết sức làm việc đó. Làm được bao nhiêu đều dựa vào phúc đức nhân duyên tự mình và mối chằng chịt quan hệ với xã hội, không phải mình muốn làm cái gì thì làm được điều đó, do đó tôi chẳng có cái gì để hối tiếc cả. Giả sử thân thể tôi còn mạnh khỏe tôi muốn viết một tác phẩm rất quan trọng là, tường tận trình bày quá trình từ căn bản Phật pháp diễn biến đến Đại thừa Phật pháp, Ý nghĩa của Đại thừa Phật pháp là gì? cái gì được gọi là Đại thừa? Chúng ta không nên miệng nói đại thừa, nhưng trên thực tế lại không có tinh thần như thế. Công trình này có thể hoàn thành được hay không, tự mình không quyết định được, vì mạng người là vô thường, có thể tôi chỉ sống vài hôm nữa, nào ai biết được. Trên đây, tôi chỉ đề cập những vấn đề mang tính khái quát và tượng trưng về sự nghiên cứu của cá nhân tôi.

Trước đây tôi có viết qua tác phẩm gọi là "Dĩ Phật pháp nghiên cứu Phật pháp". Có nhiều người đọc qua, và hỏi tôi rằng, bằng phương pháp nào nghiên cứu Phật pháp? Đương nghiên phải duyệt đọc các Kinh luận, nghiên cứu lập trường tư tưởng và quan điểm của các Tông phái. Nhưng khi tiến hành công tác nghiên cứu, cần phải có phương pháp nghiên cứu, nó được gọi là "phương pháp luận". Riêng quan điểm và phương pháp nghiên cứu của tôi rất cố chấp, vì tôi là một tín đồ Phật giáo, tôi phải lấy phương pháp nghiên cứu Phật pháp từ trong Phật pháp. Thế thì phương pháp nghiên cứu ấy như thế nào? Đức Phật cũng từng chỉ ra rằng, có một loại chân lý rất phổ biến và hiện thật ở thế gian, có thể nói nó là sự thật tồn tại, phàm tất cả những hiện tượng tồn tại trên thế gian đều không thể tách rời nguyên tắc phổ biến này. Nguyên tắc đó chính là "Các hành đều vô thường, các pháp đều vô ngã". Tôi cho rằng, khi chúng ta nghiên cứu Phật pháp, nên vận dụng nguyên tắc này lại xử lý mọi vấn đề.

Nói một cách đơn giản, cái gọi là "Các hành đều vô thường", là để thuyết minh tất cả những tồn tại trên thế gian đều không ngừng biến hóa. Cũng vậy, những lời giáo huấn được Phật nói ra, sau đó được những đệ tử của Ngài hoằng dương. Sự hoằng dương này, chắc chắn không sao tránh khỏi sự diễn biến, tự nhiên những lời dạy đó hoặc nhiều hoặc ít cũng bị biến đổi. Ví như những quy chế mà Phật thiết định, chúng ta gọi là giới luật. Những quy chế này, tùy theo thời gian không gian khác nhau dẫn đến sự cải biến. Các vị cho rằng, nó hoàn toàn không cải biến, và không thể thay đổi ư? tôi không nghĩ như thế, và chắc chắn không thể như thế được. Như Phật giáo Thái Lan hiện nay, chế độ xuất gia của họ mọi người đều có thể xuất gia, có người chỉ nguyện xuất gia trong vòng 7 ngày, có người nguyện xuất gia 15 ngày. Một cách nghiêm túc mà nói, trên tinh thần giới luật, người xuất gia thọ giới cụ túc, cần trọn đời hành trì, không thể nói rằng tôi chỉ phát tâm thọ Tỳ kheo giới trong vòng 7 ngày hoặc 2 tháng. Nếu phát tâm xuất gia như thế, tất nhiên Tỳ kheo giới không thể thành tựu. Thế thì các vị cho quy chế xuất gia của họ hiện nay là tốt hay xấu? Đây không phải là vấn đề tốt hay xấu, mà cần phải hiểu rõ tùy theo hoàn cảnh mà có sự biến hóa mà thôi.

Nói đến "Các pháp là vô ngã" là đề cập đến thật tánh của tất cả pháp, chúng không thể tồn tại một cách độc lập. Ví như một quy chế nào đó được đưa ra, cần phải hiểu đến những nhơn tố của thời đại, hoàn cảnh của nó, nếu như tách rời hoàn cảnh và thời đại ra khỏi quy chế đó mà tìm hiểu quy chế đó, kết quả của sự tìm hiểú rất là trừu tượng vả lại không thật tế. Nếu như hiểu rõ phương pháp này, khi nghiên cứu vấn đề gì, chúng ta cần chú ý đến những gì liên quan đến nó, càng tường tận đối tượng bao nhiêu, kết quả nghiên cứu càng chính xác bấy nhiêu.

Có người hỏi tôi về phạm vi mà tôi nghiên cứu, tôi không biết phải trả lời cho họ như thế nào, vì tôi chỉ căn cứ vào sự hiểu biết của mình tiến hành nghiên cứu mà thôi. Tôi đọc qua những tác phẩm nghiên cứu của người khác, phần lớn là phạm vi nghiên cứu rất hẹp, không cần thảo luận đến những vấn đề khác. Chuyên sâu nghiên cứu một vấn đề đôi khi rất tường tận rất hay, nhưng đứng từ bình diện tổng thể Phật giáo mà luận cứu, liền phát sinh vấn đề trước sau mâu thuẫn không chính xác. Tôi cho là cần phải có cái nhìn thật rộng, thành quả nghiên cứu có lẽ tốt hơn.

Nếu như chúng ta không chú ý đến những vấn đề có liên quan đến chủ đề nghiên cứu, giới hạn phạm vi nghiên cứu, thành quả nghiên cứu chỉ giải quyết một vấn đề nhỏ, nhưng ý nghĩa tổng thể của Phật giáo, chắc chắn không thể đạt được thành tựu tốt. Vì vậy, phương pháp nghiên cứu Phật học của tôi là vô thường vô ngã; "vô thường" là muốn đề cập đến thời đại luôn luôn diễn biến; "vô ngã" là đề cập những mối quan hệ chằng chịt của nó. Nghiên cứu vấn đề gì cần phải chú ý đến vấn đề thời gian và không gian của nó, để tìm hiểu tại sao nó diễn biến như thế. Do vậy, mà tôi nói với các vị rằng: không có phương pháp nghiên cứu nào khác. Ở thế gian có khá nhiều phương pháp nghiên cứu, tôi chưa từng xem qua, tôi không hiểu mấy, tôi chỉ dùng vô thường vô ngã, làm phương pháp nghiên cứu Phật pháp, nó cũng chính là phương pháp luận cho công tác nghiên cứu của tôi.

Các vị còn đang trong thời kỳ học tập, tương lai của các vị không hẳn ai cũng đều làm công tác nghiên cứu, có vị đi hoằng pháp, có người nổ lực tu tập, có lẽ cũng có vị tiếp tục con đường nghiên cứu Phật pháp, do đó mà tôi đề cập đến vấn đề này.

Trong quá trình nghiên cứu, có một điều mà tôi rất chú ý là, cuối cùng trong Phật pháp có cái gì không đồng nhất? Có phải nó là cái đẹp nhất so với thời gian? Đối với vấn đề này, chúng ta phân làm hai phương diện lại thảo luận:

Thứ nhứt: Ở thời kỳ đức Phật còn tại thế, Ngài đã đề xuất một chế độ sinh hoạt rất hoàn mỹ đó là Giới luật, nhưng sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, có sự biến đổi thành chế độ sinh hoạt của Tòng lâm, có lẽ cho đến nay Phật giáo còn xuất hiện nhiều chế độ khác nữa. Điều chắc chắn là những chế độ đó có những điểm khác nhau, Trên thật tế người nghiên cứu về chế độ của thời đức Phật rất ít, thật ra tôi cũng chưa chuyên sâu nghiên cứu vấn đề này. Hiện nay, người Trung Quốc đề cập đến giới luật của Phật giáo là đề cập đến vấn đề: không ăn cơm vào buổi chiều, đến phòng vệ sinh phải đổi dép. Họ cho rằng, đây là những giới điều rất quan trọng, nhưng tinh thần chính yếu của giới luật họ không cần biết đến. Do đó, là người xuất gia, chúng ta cần phải nghiên cứu ý nghĩa chân chánh của giới luật.

Theo sự hiểu biết của tôi, giới luật của Phật giáo là một chế độ dành cho tập thể sinh hoạt, người tu tập cũng sống trong tập thể mà tu tập. Căn cứ quan điểm của giới luật, giới luật của Phật giáo không khích lệ cá nhân độc thân cư trú ở cốc am, vì nó rất dễ dàng hòa nhập với đời sống thế gian. Tuy nhiên, Phật giáo tôn trọng quan điểm của những người này. Tính đặc sắc của giới luật Phật giáo là gì? Nó là sự quản lý bằng pháp luật và sự cảm hóa bằng đạo đức, phối hợp hai điểm này chính là tính đặc sắc của giới luật Phật giáo. Khi một người xuất gia có những hành vi sai lầm, theo giới luật có rất nhiều nguyên tắc xử phạt, đôi khi cũng không nhất định phải dùng đến hình thức xử phạt mà lại dùng đến tinh thần bao dung của đạo đức, để cảm hóa người khác, nhưng đồng thời cũng có những quy định rất khắc khe để sửa đổi người phạm hạnh khi vấp phải sai lầm. Do đó, khi Phật còn tại thế, tuy có những người xuất gia với mục đích chân chính, nhưng vì không hiểu rõ tinh thần giới luật, nó là động cơ trở thành người không chân chính, nhưng những người này trải qua thời gian sống trong đoàn, qua sự huấn luyện của thầy bạn, với một hoàn cảnh sống tốt đẹp, sự giáo dục và hoàn cảnh sống đã dần dần thay đổi người ấy, và đã trở thành bậc long tượng trong Phật pháp. Trong tập thể sinh hoạt, mọi người đều có chung một mục đích, hành vi trong sạch, sống trong tinh thần hòa hợp, đây là tính đặc biệt của giới luật Phật giáo, nó có tác dụng rất lớn trong việc duy trì chánh pháp tồn tại ở thế gian.

Tổ chức sinh hoạt của Phật giáo, cùng với những tổ chức trong xã hội không giống nhau, vì tổ chức của Phật giáo đòi hỏi phải có hai phương diện là cảm hóa bằng đạo đức và quản lý bằng giới luật, qua tinh thần bình đẳng và pháp trị. Mỗi một giới điều được đề xuất không phải căn cứ một số ít người nào đó mà chế định. Như trong học viện, vấn đề gì mà phần lớn học viên không đồng ý, chắc chắc thầy giáo cũng sẽ không đồng tình. Những quy chế mà Phật đã chế định là quy chế được áp dụng một cách bình đẳng cho toàn thể thành viên của đoàn thể xuất gia, ngay cả đức Phật (khi còn tại thế) vẫn phải căn cứ quy chế mà phụng hành. Do vậy tinh thần giới luật của Phật giáo mang tính bình đẳng và dân chủ. Việc thực thi cảm hóa đạo đức và quản lý bằng quy chế, nhằm mục đích cùng phát hay việc tu học Phật pháp, nghiên cứu ý nghĩa của giới pháp, cho nên mọi người đều phải tận lực phụng hành.

Nhưng trên thực tế, sinh hoạt Phật giáo hiện nay không còn mang ý nghĩa như thế, nghĩa là không y cứ vào tinh thần giới luật mà trụ trong tăng đoàn. Giả sử chúng ta nghiên cứu về giới luật một cách nghiêm túc, từ trong đó chúng ta rút ra nguyên tắc căn bản và tinh thần chơn chánh của giới luật, dùng phương thức hiện tại thực hiện giới luật, tôi nghĩ điều đó sẽ tốt hơn là chúng ta căn cứ vào quan niệm cá nhân, hay tham khảo tổ chức chính trị, hoặc mô phỏng những tổ chức khác để hoàn thành quy chế cho tổ chức Phật giáo, vì tất cả đều là những quy chế của tổ chức xã hội, không phù hợp với tinh thần Phật giáo. Tôi nghĩ cách làm này sẽ phù hợp Phật giáo hơn. Đây là tính đặc thù của Phật pháp, vì chúng ta hiểu rõ rằng, mục đích xây dựng của đức Phật không giống như những người ở thế gian. Trong khi nghiên cứu Phật pháp rõ được tinh thần Phật pháp như thế, tôi càng tăng thêm lòng tin tưởng đối với đức Phật.

Thứ hai là, tính logic (lý luận). Một mặt đức Phật sử dụng quy chế (để ràng buộc Tăng đoàn) và mặt khác đức Phật lại dùng hình thức giáo dục, có nghĩa là y cứ và chân lý mà hướng dẫn cho mọi người. Như chúng ta biết, hoàn cảnh sống của thời kỳ đức Phật và hoàn cảnh sống hiện nay hoàn toàn không giống nhau, qua hai bộ "Kinh Pháp Hoa" và "Kinh Hoa nghiêm" là 2 bộ kinh lớn, chúng ta có thể hiểu rõ điều đó. Chẳng qua (2 bộ kinh này) nghĩa lý hay về phương pháp tu hành, được giới thiệu một cách rất đơn giản. Trong đó, điều mà đức Phật muốn nói là ở vấn đề gì? những điều mà Ngài muốn nói đó cùng với thế gian phải chăng là không giống nhau? Điều mà tôi được hiểu, Phật pháp cùng thế gian có những điểm không giống nhau. Tôi nghĩ, các vị đã trải qua nhiều năm nghiên cứu chắc chắn rõ được điều này. Chúng ta cần phải xác định rằng, Phật pháp cùng thế gian pháp không giống nhau. Trên thế giới có rất nhiều tôn giáo, như ở Ấn Độ có Phật giáo, Ấn giáo, ở Trung Quốc có lão giáo, ở Tây Phương có Thiên chúa giáo. Quan điểm và mục đích của Phật giáo so với những tôn giáo khác chắc chắn có sự khác biệt. Trên phương diện Triết học cũng lại như thế, trên thế giới không biết có bao nhiêu nhà triết học, quan điểm triết học của từng phái cũng không giống nhau. Nếu như chúng ta cho rằng, Phật pháp là nền triết học vĩ đại, ngược lại chúng ta lại cho rằng Phật pháp và các nền triết học khác giống nhau. Đây là cách suy nghĩ điên đảo, vì đã giống nhau thì cần gì đến Phật pháp?

Phật pháp là những học thuyết, quan điểm sống mà các nhà tư tưởng ở thế gian không có. Ví như pháp "Duyên khởi tánh không". "Không" là khái niệm ngược với mọi người trong thế gian suy nghĩ (vì thế gian cho rằng, các pháp là thật có). Ý nghĩa của câu: "Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã" đều y cứ vào pháp "không" này mà hiển bày. Duyên khởi là nói đến tất cả những hiện tượng ở trong thế gian bao gồm thiên văn, địa lý, tự nhiên, động vật cho đến lãnh vực hoạt động tâm sinh lý của con người, tất cả đều nương vào nhân duyên mà tồn tại. Phật dạy pháp duyên khởi là pháp rất phổ biến. Y cứ vào nó, chúng ta mới hiểu quy chế của Phật giáo và những quy chế khác không giống nhau. Do vậy, tính luận lý và chế độ có sự quan hệ mật thiết, Phật pháp gọi nó là "Y pháp nhiếp tăng". Rõ được nguyên tắc của Duyên khởi, không luận ở phương diện tư tưởng, quy chế hay ở góc độ tu tập, chúng ta đều rõ rằng, Phật pháp và thế gian pháp có điểm không giống nhau. Trong thế gian có khá nhiều tư tưởng, gần với học thuyết Duyên khởi, nhưng ý nghĩa của nó không thể đạt đến mức độ triệt để về ý nghĩa.

Tại sao chúng ta phải tin Phật? Vì Phật là người đã hoàn toàn giác ngộ, sự giác ngộ ấy như thế nào? Các vị không biết, tôi cũng không biết. Một vấn đề không biết, thế thì tại sao chúng ta phải tin? Theo tôi cho rằng, sau khi đức Phật giác ngộ dưới cội cây bồ đề, vì lòng thương Ngài muốn tất cả chúng sanh cũng được giác ngộ như Ngài, do đó Phật đã nói pháp, giáo lý mà đức Phật đã nói ra, trong đó bao gồm những nguyên tắc sống (để đạt được hạnh phúc), nguyên tắc đó gọi là giới luật, cùng nguyên tắc sống của thế gian không giống nhau. Đây là một trong những điểm biểu thị nội dung chứng ngộ của Ngài cùng với thế gian không giống nhau, qua đó chúng ta có thể hiểu được những gì mà Ngài giác ngộ, giống như trong tâm người khác nghĩ gì, chúng ta không biết, nhưng người ấy nói ra, biểu lộ trên hành động, qua đó chúng ta có thể hiểu được người ấy. Nghiên cứu về nguyên tắc căn bản quy chế Phật giáo là sự thống nhất về mặt luận lý, từ nguyên tắc này tôi mới phát hiện điểm đặc thù của Phật pháp, nó siêu việt thế gian pháp và rất vĩ đại, tôi căn cứ từ những điểm này mà tin tưởng sự chứng ngộ của đức Phật.

Quan điểm về Phật học của tôi hoàn toàn không giống với những quan điểm của người khác. Ví như vấn đề tu hành và chứng ngộ, nó đương nhiên là việc làm tốt, nhưng chúng ta phải chú ý rằng, vấn đế tu chứng nó không phải chỉ giới hạn ở Phật giáo, mà các tôn giáo khác trên thế giới cũng đều đề cập, như Trung Quốc có Đạo giáo, Nho giáo; Ấn độ có Bà la môn giáo, 6 phái triết học; Tây phương có Thiên chúa giáo; nói chung mỗi Tôn giáo đề cập đến vấn đề tu hành và chứng ngộ, thậm chí họ dùng hình thức cầu nguyện cũng xem là một loại tu tập. (Theo tôn giáo) Tu hành trong ý nghĩa chân chính là giữa thân và tâm có một số kinh nghiệm đặc biệt, đây là điều tin tưởng của những người có niềm tin tôn giáo. Vấn đề này dù các vị có hay chưa đạt đến loại kinh nghiệm này, nhưng đây là điều đáng tin tưởng. Từ trong nội tâm hoặc trên thân thể đạt đến loại đặc thù kinh nghiệm này, là sự tu chứng của tôn giáo, đều phải y vào loại đặc thù kinh nghiệm này. Trong Phật giáo vấn đề thần thông cũng là một loại kinh nghiệm này.

Do đó, đề cập đến vấn đề tu hành không nhất định chỉ có trong Phật pháp, vì trên thế giới các tôn giáo đều đề cập đến tu. Thế thì trong việc tu hành đó, các vị đã thấy được những gì? Có được kinh nghiệm gì? những điều mà các vị thấy và có được những kinh nghiệm đó, thật khó để xát quyết bảo chứng, cái mà các vị thấy và kinh nghiệm được là Phật pháp. Thế thì, dựa vào phương pháp gì mà phân định điều này ư? Có hai phương pháp: 1) Phải chăng điều đó phù hợp với ý nghĩa căn bản của Phật pháp? 2) Hành vi biểu hiện như thế nào? Ở đây tôi xin kể một mẫu chuyện để rõ vấn đề. Người Trung Quốc chúng ta đôi khi rất kêu ngạo (tự cho mình là người rất thông thạo về thiền học). Có nhiều người Tây phương đến học thiền (chúng ta bèn bảo rằng): "Hàn sơn cũng rất thơm" thế là được "sùng bái". Đối với vấn đề này, tôi nghĩ rằng, đây là câu chuyện điển hình, nếu như chúng lấy nó làm mô phạm cho việc dạy Phật học (Thiền học), mọi người y vào đó mà học, thì chúng ta thử nghĩ, kết quả việc học của người ấy sẽ như thế nào? Phật giáo hay bất cứ một tôn giáo nào khác đều cần phải phương pháp chỉ dạy một cách hợp lý, người học cũng cần đem tâm bình thường để học. Trong quá khứ Phật giáo Trung Quốc có rất nhiều vị đại sư, tổ chức và xây dựng Phật giáo, hoằng dương Phật pháp, những vị ấy đều lấy tâm bình thường minh mẫn. Như việc giáo hóa độ sanh của đức Phật, cái gọi là "thần thông, giáo giới luân, ký tâm luân", ngay cả thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đều có thể giáo hóa, nhưng trọng tâm giáo hoá của Phật pháp là "Giáo giới luân", tức là dùng ngữ ngôn văn tự chỉ dẫn chúng sanh để học được hưởng sự lợi ích và hạnh phúc. Nhưng hiện nay, có một số người cường điệu việc tu hành bèn nói việc kiếp trước và đời sau, thần thông biến hoá.v.v… đây không phải là sự chân chánh tu hành của Phật pháp. Sau khi Phật chứng ngộ, những gì mà đức Phật biểu hiện, và sự hoạt động của Tăng đoàn là những sự việc có thật trên lịch sử là, không phải là những việc kỳ quái, như Hàn Sơn, Tế công, Phong tử, Lạc ma... Đức Phật là người sinh ở nhân gian, công việc giáo hóa, chủ yếu Ngài dùng lời lẽ phân tích chỉ dạy chúng sanh, không phải là hình thức thần thông biến hoá và những chuyện kỳ quái, vì ngoại đạo cũng có thần thông, giả sử chúng ta lấy thần thông để hoằng dương Phật pháp, thì Phật pháp cùng ngoại đạo giống nhau. Trong công tác nghiên cứu Phật học tôi rất chú trọng hai phương diện này, sự hiểu biết nó, làm cho lòng tin Phật pháp của tôi càng lúc càng tăng trưởng, đồng thời là động cơ thúc đẩy duy trì thân thể già yếu của tôi, vì trong Phật pháp dù ít hay nhiều tôi cũng góp phần cống hiến xây dựng Phật pháp .

Trọng tâm mà tôi nghiên cứu là điểm căn bản của Phật pháp, nếu như các vị yêu cầu tôi giảng về Duy thức học, chắc chắn tôi trình bày không tốt, nhưng nếu tôi trình bày về tư tưởng căn bản của Duy thức học, có thể nói tôi có nghiên cứu qua chút ít, tôi đọc sách vẫn còn mang tập quán của người Trung Quốc, rất chú trọng ở tổng thể. Cách viết sách hiện nay của tôi, chú trọng phần dẫn chứng, vì để thích ứng thời đại yêu cầu.

Chúng ta nghiên cứu Phật pháp, cần phải duyệt đọc những tư liệu gốc, là những kinh luận được dịch từ tiếng Ấn Độ và những bản chú giải của người Trung Quốc cổ đại. Trước hết chúng ta cần phải đọc và hiểu được nội dung của nó, nhưng như thế vẫn chưa đủ, như Khổng tử nói: "Ôn cố tri tân". Muốn đạt được tinh thần này, chúng ta không dừng ở chỗ đọc và hiểu, vì làm như vậy sẽ không có sự tiến bộ. Các vị căn cứ từ tinh thần "ôn cố", thông qua duyệt đọc kinh luận, để truy tìm sáng kiến mới, nhưng không phải ai sau khi duyệt đọc cũng có thể tìm ra sáng kiến mới, viết thành một bài khảo cứu, và phát biểu trên báo chí, có làm được cũng chưa chắc gì chính xác, nhưng không phải vì thế mà lùi bước. Tiến hành công tác nghiên cứu như vậy, Phật pháp càng ngày càng hưng thịnh và tiến bộ.

Giả như chúng ta cứ y cứ kinh luận một cách cứng nhắc, người trước nói gì, chúng ta cũng nói như thế ấy, một chút cũng không sai khác, thế thì có gì gọi là nghiên cứu, chắc chắn sẽ không có tiến bộ. Thế giới mà chúng ta đang sống luôn luôn ở trong trạng thái thay đổi, các hành là vô thường, ngược lại chúng ta dừng lại có nghĩa là lùi bước, vấn đề học vấn cũng như vậy.

Vấn đề học tập, có người không biết cách học, học một cách cứng nhắc, thầy giáo nói điều gì liền ghi chép điều ấy, không trải qua sự tư duy của chính mình, sau đó cứ y như thế mà phát biểu. Đứng về phương diện học vấn mà nói, cách học tập như vậy, sẽ không tiến bộ, ngay cả vấn đề rất đơn giản cũng không có thành quả tốt trong công tác nghiên cứu. Khi chúng ta đọc sách, cần phát hiện những điều mới mẻ ở trong đó, trước khi đọc tác phẩm nào, người đọc cần có một vài ý niệm cơ bản về nó. Qua quá trình đọc duyệt đọc, tự kiểm tra lại ý kiến chính mình, phát hiện nhận thức sai lầm của mình. Tự biết sai lầm, có nghĩa là đã tiến bộ. Nếu như 3 năm về trước tôi cho rằng cái này là như thế này, cho đến nay vẫn nghĩ như thế, không phát hiện điểm gì mới, điều đó đồng nghĩa với sự không tiến bộ. Nghiên cứu một vấn đề gì, chúng ta cần có nhiều thời gian suy tư về nó, qua nhiều góc độ khác nhau, để phát hiện chúng ta sai lầm ở điểm nào và tại sao sai, chúng ta không ngừng sửa đổi nhận thức sai lầm của mình, thế thì vấn đề chúng ta nghiên cứu càng lúc càng chính xác hơn, sự chính xác trong công tác nghiên cứu thì sự cống nhiến của chúng ta cho mọi người cũng sẽ tốt hơn. Do vậy chúng ta cần phát huy tinh thần "ôn cố tri tân", không nên dừng ở việc đọc hiểu, học thuộc lòng hay diễn giảng.

Một điểm nữa, Phật giáo là một tôn giáo. sau khi các vị nghe tôi trình bày xong, các vị nghĩ như thế nào về những quan điểm này, đối với các vị có tác dụng gì và lợi ích gì? Mục đích của Phật pháp là để giúp cho chúng ta giảm bớt phiền não, tăng trưởng lòng từ bi, nhiệt thành và hộ trì Phật pháp, nhưng hiện tại chúng sanh đang chịu nhiều đau khổ, thế thì chúng ta bằng cách nào để cứu độ họ. Sau khi chúng ta học Phật mà lòng chúng ta thật sự không khơi dậy những quan niệm này, chúng ta thuần tuý chỉ là những người xem những quan niệm này ở trên bàn mà thôi, không biến nó thành sự sống của chính chúng ta.

Tôi không cần thảo luận sự chân thật tu chứng, mà ngay cả trong lúc chúng ta nghiên cứu, phụng sự Phật pháp hay làm những việc phúc lợi xã hội, chúng ta cần phải lấy Phật pháp làm kim chỉ nam, chỉ đạo cho hành động chính mình, lấy nguyên lý cơ bản trong Phật pháp làm ngọn đèn soi sáng cho cuộc sống, có làm được như vậy, tuy chúng ta không làm được việc gì lớn lao, nhưng đối với tự thân chúng ta sẽ gặt hái nhiều điều tốt đẹp từ nơi Phật pháp. Nếu như các vị cảm thấy càng học càng nhiều phiền não, hoặc tự thấy rằng không ai bằng mình, sanh tâm khinh mạn, ngay cả xem thầy tổ, huynh đệ đều không bằng mình, chắc chắn người này sẽ gặt lấy khổ đau. Người chân chánh học Phật, cần phải cảm thông hiểu được nổi thống khổ của người khác, đem Phật pháp áp dụng vào cuộc sống, cải đổi những tập quán không tốt, tính nóng giận cũng nhờ đó mà được thay đổi. Phật giáo vốn là một tôn giáo, không là những loại tri thức của thế gian. Hy vọng các vị trong thời gian học tập, không nên quên điểm này, không nên xem Phật pháp cùng loại học vấn thế gian giống nhau, đem Phật pháp biến thành phi Phật. Giả sử như thành quả nghiên cứu của các vị có tốt bấy nhiêu đi nữa, viết bao nhiêu bộ sách trưng bày ở thư viện, đối với tự thân cũng không ích lợi gì.

Trong "Kinh Hoa Nghiêm", Thiện Tài Đồng tử đi các nơi học đạo, người mà Thiện Tài tham vấn, tất cả họ đều trình bày những điều mà họ biết, họ làm, không đề cập đến những vấn đề khác. Điều này có ý nghĩa rằng, không phải là người học muốn nghe thiền học, bèn đem thiền học nói chuyện cho người ấy, không phải là người học muốn cái gì, bèn nói cái ấy.

Thời gian qua tôi không nổ lực cho việc tu chứng, mà chỉ đem toàn bộ thời gian nghiên cứu Phật pháp. Tôi chỉ có thể làm được ở phương diện này, đã được trình bày một cách khái quát, các vị lấy đó tham khảo. Hy vọng tất cả chúng ta trong lúc học tập nghiên cứu Phật pháp tìm được niềm vui và sự lợi ích, đó là sự cống hiến cho Phật pháp. Vì cần ghi nhớ rằng, học Phật là chuyện rất dài thời gian tính, không phải là việc chỉ vài năm, vì vậy chúng ta cần tinh tấn nghiên cứu Phật pháp.

(Y Quang ghi)

-ooOoo-

Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com/ 


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 28-08-2002