BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
PHẬT GIÁO VÀ GIÁO DỤC
Nandasena
Ratnapala
Tỳ kheo Trí Quang dịch
Theo nhà Phật, giáo dục có nghĩa là đem kiến thức và kỹ năng lại cho con người, giúp y thị vận dụng kiến thức và kỹ năng thích hợp với những tình huống trong đời sống, sau cùng là phát triển giới đức, thiền định và trí tuệ. Ðức Phật Gotama đã đưa ra nhiều thí dụ chỉ dẫn cách làm thế nào để có thể thực hiện lối giáo dục này. Phương pháp của đức Phật là tiệm tiến. Tuần tự tiến bộ khởi từ bước thấp nhất là điểm căn bản của một quá trình như thế. "Khi dạy học trò, chúng ta dạy họ đếm một, hai, ba, và tiếp tục dạy họ đếm lên đến một trăm". Phương pháp này được minh họa qua ảnh dụ đại dương: "Ví như đại dương lài thoai thoải, dần dần trở nên sâu hơn, không trũng đột ngột. Cũng giống vậy, trong pháp và luật này, việc huấn luyện là tuần tự, tu hành tuần tự, đạo lộ tiến hóa tuần tự, không có đốn ngộ thình lình" (Udàna. V. 3; VIN 11, 237-66). Ở thí dụ khác, ông tự so sánh mình với người nài voi đang điều một con voi đã thuần hóa để chế phục và bắt những con voi hoang dại. Ngay sau đó, con voi hoang dại được huấn luyện trong môi trường mới bằng nhiều phương pháp thúc tiến làm cho nó hội nhập và thích nghi thế giới xung quanh. Khi đối nhân xử thế, người ta phải biết tùy cơ ứng biến phù hợp từng cá tính và tình huống đặc biệt. Xin cử trường hợp Alavaka, chính nhờ dụng lực và đấu trí mà y được "tỉnh ngộ". Alavaka hạ lịnh khiến đức Phật Gotama phải rời chỗ ngồi và ra khỏi nơi y cư ngụ. Ðức Gotama vâng lời ba lần; nhưng đến lần thứ tư, ông cưỡng lại mệnh lệnh (SnA I. 239). Trước thái độ bất tuân của đức Gotama, Alavaka quyết định giở trò tranh luận hơn thua: "Ta sẽ hỏi ngươi. Nếu ngươi trả lời không xong, chớ trách ta vặn vẹo tâm ngươi, tách đôi quả tim hoặc nắm chân quăng qua sông". Nghe đức Gotama đối ứng tất cả câu hỏi đưa ra, Alavaka tâm phục khẩu phục quy ngưỡng (SnA. I. 230-66). Chúng ta thấy đức Gotama áp dụng cùng cách trên để cảm hóa Suciloma (S.I. 207-66), một đại phi nhân như Alavaka. Khi gặp đức Gotama, y dọa: "Ngươi sợ ta không?". Ðức Gotama khẳng khái đáp: "Sao ta lại sợ ngươi chứ!". Ngay sau đó, Suciloma hỏi bất cứ vấn đề đều được đức Gotama trả lời thỏa mãn. Ðó là cách đấu trí với nhau. Nhưng, trước khi tranh luận, một cuộc 'kiểm tra sức mạnh' đã xảy ra. Alavaka yêu cầu đức Gotama phải đi ra, rồi kêu đi vào. Ðến lần thứ ba, đức Gotama tỏ ý bất tuân. Thái độ của đức Gotama biểu bày thông điệp cho Alavaka biết:'Không nên dụng lực trong tình huống này'. Suciloma cũng lượng được đức Gotama khi nghe ông trả lời: "Sao ta lại sợ ngươi chứ!". Cuộc đấu trí thú vị nhất là trong giai thoại kể về Angulimala, tên sát nhân gây tử vong gần một ngàn người. Thật khó tưởng tượng nỗi tánh khí của kẻ giết nhiều người như thế. Tuy nhiên, đức Gotama muốn 'vực' y qua cơn khát máu. Ông bước đi thật nhanh, và khi Angulimala gọi ông 'dừng lại', ông đáp: "Bần đạo đã dừng rồi; nhưng chú em thì chưa". Angulimala không hiểu ý chỉ, thắc mắc: "Vậy là sao? Ông thầy tu này đang đi nhưng nói với mình rằng ông ta đã dừng, còn mình đã dừng rồi thì ông lại bảo là chưa. Mình phải hỏi cho ra lẽ". Angulimala bị thốc một đòn tâm lý, và nhờ đòn này xeo y ra khỏi dòng tâm cảm hiếu sát để đến cao độ nhận thức hợp lý. Ðức Phật Gotama lập tức nắm lấy thời cơ: "Này Angulimala, bần đạo luôn dừng lại vì bần đạo đã ngăn mình tránh gây khổ hại bất cứ ai. Nhưng chú em, chú em chưa dừng việc làm khổ hại hữu tình. Do đó, bần đạo nói rằng bần đạo đã dừng, và chú em cũng phải biết mình nên dừng lại" (VIN I, 196; Thag 866-89). Trong nỗi tiếc thương đứa cháu gái quá cố, bà Visakha với quần áo, đầu tóc ướt đẫm sầu não gặp đức Gotama. Khi biết chuyện, đức Gotama cũng dùng cách lý luận khuyên giải bà ấy nhận thức bản chất đời sống. Ông hỏi: "Bà Visakha này, có phải bà momg muốn được nhiều con cháu như thị dân Savattha?" "Dạ phải", bà lão trả lời. Ðức Gotama hỏi tiếp: "Mỗi ngày có bao nhiêu người chết ở thành phố Savatthi này?" "Thưa Ngài, có ngày mười người chết; có ngày chín người, tám người, hoặc năm ba người. Có ngày chỉ một người chết. Thành phố không ngày nào không có ai đó chết." "Thế thì, bà Visakha có nghĩ rằng quần áo và đầu tóc của bà mãi không bao giờ ướt?" "Quả thực không, thưa Ngài. Bây giờ tôi không còn muốn quá nhiều con cháu nữa." Ðức Gotama mới giải thích cho bà ấy nghe nguyên do hệ lụy làm tăng sầu não ra sao: "Những ai có hàng trăm đối tượng ái luyến sẽ có hàng trăm sầu não. Những ai có chín mươi đối tượng ái luyến sẽ có chín mươi sầu não. Những ai không có đối tượng ái luyến sẽ không sầu não" (Udana. VIII. 8). "Sầu não và bi ai hay mọi thứ khổ đau trên đời khởi lên do ái luyến; không ái luyến thì không khởi lên sầu não, bi ai. Hạnh phúc thay những ai không sầu não vì không có đối tượng ái luyến; người tìm kiếm tịnh lạc vô ưu không nên ái luyến mọi đối tượng trên đời". Phương pháp gạn lọc câu hỏi thật chỉnh hợp với tình huống được đức Gotama phát huy tối ưu và tiếp tục sản sinh thêm nhiều câu hỏi ở những tình huống khác như ông đã vận dụng trong mẫu này. Nói riêng giai thoại kể trên, bà Visakha nhờ tự bản thân lần lượt tìm câu trả lời mà nhận ra hành trạng phù phiếm của mình. Ðôi lúc người ta thấy các đệ tử của đức Gotama cũng vận dụng đúng phương pháp này, thậm chí còn dùng nó để trắc nghiệm cơ trí tha nhân. Khi đức Mahinda đến Srilanka truyền bá đạo pháp, ông gặp vua đảo quốc thời ấy. Nhằm trắc nghiệm trí tuệ của nhà vua trước khi thuyết giảng giáo lý, đức Mahinda chỉ tay về phía một cây nọ, đồng thời dọ hỏi: "Thưa đại vương, cây này mang tên gì vậy?" "Cây này được gọi là cây xoài." "Có cây xoài khác bên cạnh cây này, phải không?" "Vâng, có nhiều cây xoài." "Và còn có những cây khác bên cạnh cây xoài này và những cây xoài kia, phải không?" "Thưa Ngài, có nhiều cây, nhưng chúng là cây, chứ không phải cây xoài." "Bên cạnh những cây xoài kia và những cây không phải là xoài, còn có cây nào khác?" "Có cây xoài này, thưa Ngài" (MHV, XIV, 16-19) Ðức Gotama thường dùng ảnh dụ lấy từ đời thường để minh họa quan điểm ông đang nói với người nghe. Sona là một người chơi đàn Vina [1] nổi tiếng; sau khi trở thành tỳ kheo, vị ấy không thể đạt cứu cánh tinh thần. Ðức Gotama nói với vị ấy: "Hãy nhớ, Sona, những ngày còn ở nhà, ông không giỏi đàn địch hay sao?" "Dạ...nhớ chứ, thưa Thế Tôn." "Ông hãy nhớ, Sona, khi các dây đàn quá dùng, nó có thể chơi đúng cung bậc khoan nhặt như ý?" "Quả thực không, thưa Thế Tôn." "Và ông hãy nhớ, Sona, khi các dây đàn quá căng thẳng, nó có thể chơi đúng cung bậc khoan nhặt như ý?" "Cũng không thể, thưa Thế Tôn." "Nhưng khi các dây đàn không quá dùng cũng không quá căng thẳng, mà hài hòa thang âm, nó có thể chơi đúng cung bậc khoan nhặt như ý hay không?" "Chắc chắn được, thưa Thế Tôn." "Giống như thế, Sona, giải đãi sẽ dẫn đến xáo động; còn chuyên cần quá sức sẽ sanh ra lười biếng. Do vậy, ông nên chuyên cần một cách chừng mực, thể nhập các các tính năng tinh thần [2], tại đấy quán triệt thực tại." (GS.III, 267). Ðôi khi lý trí không bị những lý do tâm lý tác động. Kisgotam mất đứa con duy nhất, lòng ngập ngụa sầu khổ, ôm xác chết lang thang cầu khẩn thiên hạ chỉ bày thần dược cứu đời con trẻ. Ðức Gotama hiểu tinh thần cô đang bấn loạn; và để giúp cô vượt qua tình cảnh bi thảm, ông bảo cô tìm mang về nắm hạt đậu từ một nhà không có quyến thuộc chết. Kisagotami đã đi xin hạt đậu từ nhà này sang nhà khác. Cô xin thì họ cho. Nhưng trong mọi ngôi nhà này, cô đã nghe không nhà nào không từng xảy ra cái chết. Sau một thời gian, cô nhận ra rằng cái chết không phải là sự cố bất thường. Có sanh ắt phải có diệt. Nhờ sự nhận thức này, lý trí trong cô bừng sáng. Như thế là cách đức Phật Gotama giúp cô giác ngộ (Dh.A., Kisagotamiya vatthu katha). Ðức Gotama cũng bày tỏ thái độ đầy hiểu biết và cảm thông khi hành xử với cô khùng Vasetthi cùng cách này. Nhờ đức Gotama giàu lòng nhân từ tế độ, cô giũ mình thoát khỏi nỗi kinh sợ, khủng hoảng tinh thần, và có thể lãnh hội lời ông giảng dạy (Therigatha 131-138). Trường hợp Patacara càng bi thảm. Vì mất chồng, mất những đứa con thân yêu, mất cả mẹ cha, cô hóa nên điên loạn, bị thị dân ném đá, xua đuổi. Ðức Gotama đã giúp cô bình phục ý thức và dạy cô rằng khổ lụy tiếc thương những người chết là vô ích. Patacara hồi tâm; trong lúc nhìn dòng nước mình rửa chân chảy đi, cô đã triển hành suy quán kiếp người và đã đạt đạo an tĩnh (DhP., Patacara vatthu katha). Qua lời giảng dạy thiết thực, Ðức Gotama thúc giục những cá nhân, đoàn thể tìm lại chính mình hơn là thưởng lãm trần cấu. Lần nọ, khi gặp nhóm công tử Bhadda đang lùng sụt tầm nã một ả bán phấn buôn hương cuỗm tư trang lẩn trốn, ông hỏi: "Các công tử nghĩ thế nào, tìm kiếm một phụ nữ bỏ chạy và tìm kiếm nội tại thì điều gì tốt hơn?" Những công tử này hiểu ra rằng việc tìm lại chính mình mới là điều thật sự cần thiết (VIN 1-3). Ðức Gotama thường gặp trẻ em và dùng cơ hội đó để nhắc nhở và giáo dục chúng. Một ngày, ông thấy bọn trẻ bắt cá trong cái hồ cạn. Ông hỏi bọn trẻ như sau: "Các cháu có sợ đau khổ và không thích bị đau khổ?" "Dạ thưa Ngài, đau khổ thì khoái sao được, ai mà không sợ nó", bọn trẻ nhanh nhẩu đáp. "Nếu sợ và không thích đau khổ, các cháu đừng làm bất cứ hành vi xấu ác, dù công khai hay lén lút. Bằng như các cháu làm điều xấu ác bây giờ hay mai sau, các cháu sẽ không thoát khỏi đau khổ, dù cố gắng tránh né nơi đâu" (Udana, Chapter V). Vào dịp khác, ông thấy một đám thiếu nam đang cầm cây đánh đập con rắn. Ðược hỏi, chúng trả lời: "Nếu không làm như thế, rắn sẽ cắn tụi cháu". Ðức Gotama giải thích cho các em nghe rằng người hay thú đều mong cầu an lạc, hạnh phúc, nay chúng tấn công kẻ khác thì cuối cùng bản thân chúng cũng không đạt được phúc lạc gì (Udana Chapter II). Ðể khuyên răn tiểu tăng Rahula, vốn là con trai ruột được sinh ra thời ông còn sống đời thế tục, ông dùng ảnh dụ và dẫn tình huống dung dị giúp Rahula nhận hiểu dễ dàng: "Rahula này, khi nào con muốn làm bất cứ điều gì thuộc về thân, lời nói hay ý nghĩ, con nên phản tỉnh sự tình giống như con soi gương soi: Nó có dẫn đến hại mình, hại người, hại cả hai hay không? Nó là sái quấy, mang lại kết quả não hại? Nếu con biết rằng nó dẫn đến hại mình, hại người, hại cả hai, nó là sái quấy thì, Rhula, con tuyệt đối không nên làm điều sái quấy như thế. Con nên từ bỏ nó; nên sám hối, tỏ bày lầm lỗi ngõ hầu ngăn ngừa trong tương lai..."(M.I.415-417). Ðức Gotama không chỉ chú trọng điều gì cần được dạy, ông cũng quan tâm đến phẩm chất của vị thầy truyền đạt lời giảng dạy kẻ khác. Một người làm công tác thông tin đại chúng phải có tám phẩm chất: "Y thị (1) biết lắng nghe kẻ khác, (2) biết gây sự chú ý, (3) học hỏi, (4) ghi nhớ, (5) nhận thức rõ, (6) làm cho người nhận thức rõ, (7) biết điều gì phù hợp và điều gì không phù hợp, và (8) không làm người nghe chán ngán (cf. Ananda Guruge, Narada Felicitation Volume, 1975, p.55).
Ðôi khi đức Gotama bắt đầu việc giảng dạy bằng hành động, nếu hành động đó thật cần kíp. Chẳng hạn, ông cung cấp cơm nước đầy đủ cho một nông dân đến bái kiến cầu pháp trong tình trạng đói lã trước khi tiếp chuyện chính thức với y. Ðiều này chứng tỏ rằng có thực mới vực được đạo (DhA. Annatara upasakassa vatthu katha). Sunita tuy mang thân phận bần cùng ngoại cấp nhưng vẫn được chấp nhận vào đoàn thể xuất gia (Theragatha VV.620-632). Có thể nói, đó là cách đức Phật Gotama biến chuyển lời dạy thành hành động. Khi về thăm hoàng thành của phụ vương, đức Gotama ôm bát đi xin ăn, nhận vật thực từ mọi tầng lớp dân chúng. Phụ vương ông, vua Suddhodana, tổn thương cõi lòng vì trông thấy cung cách này, dầu vậy, đức Gotama an nhiên trả lời rằng việc đi xin ăn là hạnh truyền kỳ của chư bậc giác ngộ. Ðiều này giáng một đòn quyết liệt vào hệ thống chế độ tập cấp đương thời vốn giữ khuôn lệ vua chúa và giới bà-la-môn không bao giờ đụng tới vật thực của hạng người hạ cấp. Ðức Gotama sẵn sàng tế độ bất cứ ai tìm nơi nương tựa tinh thần, ông lại còn đích thân tìm kiếm những mảnh đời khốn khổ -chí dù họ ở xa xôi đến đâu- để dẫn dắt đạo tâm và giúp đỡ họ. Một đứa trẻ tên Sopaka bị cha ghẻ đối xử bạc ác, vô nhân. Cậu bé bị cha ghẻ lôi vào bãi tha ma mộ địa, cột dính một xác chết và bỏ đi. Ðêm ấy, cậu bé khóc lóc thảm thiết trong nỗi sợ hãi, kinh hoàng, đau tức. Ðức Gotama đã đến với cậu, cởi mở dây trói và dẫn về tu viện, tại đó, cậu bé được thọ giới pháp của bậc xuất gia (Theragatha 7.1.4). Punna và Rajjumala là con sen tôi đòi thường bị bà chủ nắm tóc đánh đập, nên quyết định cạo nhẵn mái tóc xuân thì. Ðức Phật Gotama tìm gặp họ, an ủi, dạy dỗ, và giúp họ cải thiện thân phận (Therigatha VU.284-286; Vimanavatthu, VI.12). Có những giai thoại ghi nhận những hành động chuyển tải tinh thần giáo dục của đức Gotama gây ấn tượng và nhiều cảm xúc. Vị tỳ kheo nọ chịu khổ vì bệnh tiêu chảy. Ðức Gotama tự tay giúp vị ấy dọn dẹp vệ sinh mà không chỉ trỏ ai chăm sóc (Vin. 295-296). Vị tỳ kheo khác tên Tissa, toàn thân vị ấy bị ung nhọt đầy mủ máu hôi hám, các bạn đồng tu đều nhờm gớm xa lánh. Giống như giai thoại trên, đức Gotama cũng tự tay rửa vết thương, tắm và giặt giũ y phục dơ bẩn cho vị ấy. Ðó là tấm gương mô phạm cao quý đáng phải học theo. Sau buổi chăm sóc điều trị, đức Gotama giảng dạy cho vị tỳ kheo bệnh và đoàn thể xuất gia nghe pháp thích hợp (DhA., Putigatta-Tissa Atthakatha). Khi thấy người đối mặt những ngỏ cụt vấn đề, đức Gotama lập tức đưa ra lối thoát hữu ích. Chẳng hạn, quốc vương Kosala, vua Pasenadi, bất mãn trước tin hoàng hậu hạ sinh một công chúa. Ðức Gotama khuyên giải nhà vua rằng một bé gái có đức hạnh, thông minh hiển nhiên là tốt hơn một tu mi nam tử dở hơi (KS.I.iii). Khi thiện nam nọ sắp gả con gái về nhà chồng, đức Gotama, theo lời y mời, đã ban huấn từ trước hôn nhân (A.III. 26-28). Chúng ta có thể tìm thấy nhiều tình huống giáo dục khác qua những giai thoại tiền thân của đức Gotama trong Jataka. Ðể truyền đạt một nền giáo dục hữu hiệu, ta phải biết định hướng giảng dạy phù hợp cá tính của người nhận. Culapanthaka (DhA. IV, 180) bỏ công sức tu học khá lâu nhưng vẫn không lãnh hội diệu lý giác ngộ. Buồn tủi và tuyệt vọng, vị ấy ràn rụa nước mắt với quyết định rời thiền môn trở về sống đời thế tục. Vào lúc đó, đức Gotama gặp Culapanthaka, ông trao cho vị ấy mảnh vải trắng lau nước mắt. Culapathaka vò mảnh vải trong tay khi hầu chuyện. Không lâu sau, vị ấy chợt nhìn lại mảnh vải trắng đã trở nên dơ bẩn. Chỉ mảnh vải một thời trắng sạch nay vện màu dơ bẩn đủ làm tác nhân đánh động tâm tư Culapathaka nhận thức lẽ vô thường gặm nhấm hoàn vũ. Ðức Phật Gotama biết cá tính dị biệt của Culapanthaka, và ông dễ dàng dùng phương sách khai trí vị ấy nhận thức hiện thực. Mô thức giáo dục này cũng được ứng dụng tế độ Khema, một quý phi luôn thầm kiêu hãnh dáng vẻ trẻ đẹp sắc nước hương trời (A.I, 25). Tương truyền, đức Gotama đã dùng thần lực hóa hiện một hình dáng giai nhân tuyệt mỹ đang đứng phẩy quạt gần bên. Trông thấy giai nhân đó, Khema nghĩ ngợi: "Chà, công nương này chắc hẳn đẹp hơn mình nhiều". Ðức Gotama lần lượt chuyển hình dáng giai nhân từ tuổi trẻ xuân nồng ra người phụ nữ trung niên, cuối cùng, dáng vẻ trẻ đẹp hoàn toàn biến thành một bà già nhăn nheo, răn rún. Nhờ vậy Khema hiểu ra từ bấy lâu nay mình dính mắc cái đẹp hư ảo trong thế giới luôn đổi thay từng giây phút (DhA. Khemavatthu). Vẻ đẹp của cô gái bán phấn buôn hương tên Sirima đã làm mê hoặc tâm trí một vị tỳ kheo trẻ . Khi cô gái chết, vị tỳ kheo tràn ngập sầu khổ, bỏ ăn, chìm trong men rượu. Ðức Gotama nói nhà vua ra lệnh giữ thi thể khoảng bảy ngày. Vào ngày thứ bảy, ông yêu cầu nhà vua triệu tập mọi người đến nghĩa trang. Vị tỳ kheo trẻ đi đến nghĩa trang cùng nhiều người khác. Ðức Gotama chỉ vào thi thể ôi thối, hỏi rằng thi thể đó là ai. Mọi người trả lời: "Nó là thây xác của Sirima". Ông lại hỏi những người hiện diện nào muốn mua thi thể ngàn đồng vàng, một khoản tiền mà Sirima thường hưởng từ khách làng chơi sau đêm hoan lạc. Không ai lên tiếng, nên ông giảm giá dần dần, cuối cùng hỏi ai thích thì lấy miễn phí. Ðến mức cho không như thế cũng không ai muốn mang thi thể về chơi. Ðức Gotama mới phơi bày mục đích cho mọi người thấy rằng chí dù vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn vẫn không trường tồn dài lâu. Ðạo lý này đem lại hữu ích chẳng những cho bản thân vị tỳ kheo si tình mà còn cho cả hội chúng tham dự: "Hãy nhìn tấm thân xinh đẹp nhiều người ái mộ, một khối bệnh tật, một đống lở lói, trong đó không gì thường hằng, không gì bền vững" (DhA.147). Thỉnh thoảng đức Gatama cũng giáo dục người trong tình huống đặc biệt sau một kế hoạch hành động thực tế đã vạch sẵn. Có lần, lão bà-la-môn nọ bị đám con giàu sang hất hủi đến xin đức Gotama giúp đỡ, ông đã dạy lão bài kệ và khích lệ lão đọc to lên khi nào công chúng tụ tập tại hội trường địa phương. Kế hoạch hành động này gây dự luận buộc đám con bất hiếu phải đón rước cha già về phụng dưỡng (S.I.175-177). Còn cách đức Gotama giáo dục Nanda, hoàng đệ cùng cha khác mẹ với ông, có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Hoàng tử Nanda nặng tình thương một công nương; thậm chí khi đã trở thành tỳ kheo, vị ấy vẫn không thể tập trung hành phạm hạnh vì tơ lòng quấn quít hình bóng giai nhân. Ðức Gotama dùng thần lực dẫn Nanda lên thiên giới. Trên đường, Nanda tình cờ mục kích cảnh tượng một con khỉ cái ở khu đất đang rực cháy. Lên đến thiên giới, Nanda ngẩn ngơ tấc dạ khi nhìn những nàng tiên diễm lệ thướt tha trước mắt. Ðức Gotama liền hỏi: "Thế nào? Ông hãy so sánh tình nương của ông với các tiên nữ này xem sao?". Nanda trả lời: "Ồ, thưa Thế Tôn, so với các tiên nữ thì nàng giống như con khỉ cái mình thấy tại khu đất cháy". "Nếu ông cố gắng hành đạo, tôi hứa sẽ mai mối một tiên nữ cho ông", đức Gotama nói. Nanda ngậm phải miếng mồi. Nhưng khi các tỳ kheo đồng tu bắt đầu chọc ghẹo rằng Nanda tu hành chẳng qua chỉ vì muốn cưới tiên nữ, thì vị ấy cảm hổ thẹn, từ bỏ ý định, quyết chí đạt đạo giác ngộ. Ðôi khi đức Gotama dùng nhãn quan xét những xử kiện sẽ xảy ra, và qua đó tìm cách giáo dục người. Chẳng hạn trường hợp ông giáo dục người nông dân chủ mảnh ruộng nơi ông cùng đức Ananda, vị đệ tử của ông, viếng thăm vào một buổi sáng. Tại mảnh ruộng đó có gói đồng tiền vàng bị bọn trộm đêm đánh rơi trong lúc mang vàng bạc và nhiều vật quý khác. Thấy của rơi, đức Gotama nói với đệ tử: "Ananda, ông có thấy con rắn độc không?". Người nông dân nghe điều này; sau khi đức Gotama rời khỏi, y nhìn quanh tìm con rắn và đã thấy gói vàng. Y lấy khăn phủ lên, rồi tiếp tục công việc đồng áng. Lúc ấy, những khổ chủ mất trộm đi đến mảnh ruộng, họ khám phá gói vàng giấu dưới khăn, nên bắt người nông dân giải về triều. Nhà vua quả quyết rằng y phạm tội, ra lệnh hành hình. Người nông dân không bào chữa được, chỉ còn biết lẩm bẩm lập đi lập lại cuộc đối thoại giữa đức Gotama và Ananda như y đã nghe: "Ananda, ông có thấy con rắn độc không?", "Dạ thấy, thưa Ngài". Các pháp quan hỏi người nông dân muốn kêu ca gì, thì y mới kể lể tất cả việc diễn ra vào ban sáng. Sự thể được tường trình bẩm báo nhà vua, vua cho hoãn xử phạt. Vào chiều hôm đó, vua cầu kiến đức Gotama. Ðức Gotama xác chứng lời bị cáo đã nói. Khi vụ án oan khiên sáng tỏ, nhà vua thả bổng người nông dân (DhA. 108). Ðức Gotama không chỉ tận tụy quan tâm giáo dục cá nhân hữu duyên mà cũng trong việc giáo dục từng nhóm hay cộng đồng lớn nhỏ. Chư tỳ kheo được giáo dục như thế dựa trên giới luật ban hành phù hợp lợi ích chung riêng. Còn quần chúng thì được giáo dục bất cứ khi nào cần thiết. Dư luận quần chúng đương thời vốn không chấp nhận phụ nữ tham gia vào vai trò lãnh đạo đời sống tinh thần hay tôn giáo, tuy nhiên, đức Gotama đã làm thay đổi dư luận quần chúng bằng cách áp dụng sách lược giáo dục tư tưởng và thúc đẩy dư luận điều chỉnh thái độ uyển chuyển hơn trong nếp cảm, nếp nghĩ về phụ nữ (Vin.II, 286-66). Biện pháp trừng phạt đoạn giao với nghịch đồ Devadatta chỉ có hiệu lực sau khi giáo dục cư dân quanh vùng Devadatta đang sống biết nguyên do trừng phạt và phương hướng thực hiện, dư luận quần chúng ủng hộ sẽ hậu thuẫn thuận lợi cho quyết định này. Có khi đức Gotama chỉ những tấm gương đập vào mắt mọi người để minh họa lời ông giảng dạy. Luật tạng đã lưu lại chuyện tỳ kheo Sagata (BD.II, 389) uống rượu say mèm, lăn mình ngủ trên sàn đất, chân duỗi về phía đức Gotama. "Này chư tỳ kheo," Ðức Gotama nói, "Sagata trước kia có tôn ngưỡng, kính trọng Như Lai không?" . "Có, thưa Thế Tôn". "Nhưng bây giờ thì sao, Sagata còn tôn ngưỡng, kính trọng Như Lai?". "Thưa không, Thế Tôn". "Chư tỳ kheo, có phải Sagata đã chế ngự con rắn hổ mang?". "Vâng, thưa Thế Tôn". "Nhưng, này chư tỳ kheo, bây giờ Sagata còn đủ khả năng chế ngự con rắn hổ mang?". "Thưa không, Thế Tôn". Sagata đã dùng công lực thu phục một con rắn hổ mang hung độc. Chính vào dịp biểu dương tài nghệ thành công, người xem chuốc rượu tưởng thưởng vị ấy. Ðức Gotama, nhân đó, lấy tấm gương Sagata nằm lăn trước ông để cảnh cáo chư tỳ kheo khác nhận thức tác hại của ẩm tửu. Câu chuyện liên quan Kumara Kassapa cho ta bài học về tấm lòng cảm thông và hiểu biết vấn đề của đức Gotama. Mẹ vị trưởng lão này gia nhập hội đoàn tỳ kheo ni, và người ta thấy bụng bà ngày to dần như phụ nữ mang thai. Dư luận bàn tán không biết bà thụ thai lúc sống đời thế tục ân ái với chồng hay sau khi trở thành tỳ kheo ni. Ðức Gotama bổ nhiệm một ủy ban điều tra gồm đức Upali, tín nữ Visakha...Là người có kinh nghiệm mang thai, sinh đẻ, tín nữ Visakha xét nghiệmthai nhi và biết rằng bào thai đã cấn từ những ngày vị tỳ kheo ni còn tại gia(31, 148; AA.I, 172). Văn học nhà Phật cho rằng có mười cách giúp phát triển giáo dục (A.V.137; cf.A.III, 80). Người ta đạt một nền giáo dục nào đó (1) nhờ sở hữu bất động sản, (2) nhờ của cải có sẵn và sản phẩm do lao động làm ra như lúa thóc...,(3) nhờ vợ chồng và con cái, (4) nhờ lực lượng làm công, giúp việc, (5) nhờ gia súc, (6) nhờ niềm tin (saddha), (7) nhờ nếp sống đạo hạnh, đức độ (sila), (8) nhờ lắng nghe (suta), (9) nhờ tấm lòng rộng rãi hào phóng (caga), (10) nhờ trí tuệ (panna). Tích lũy kiến thức hay giáo hóa tinh thần là một tiến trình nỗ lực liên tục. Nó diễn ra tuần tự, không đột khởi thình lình. "Này chư tỳ kheo, tôi không nói rằng kiến thức uyên nguyên có thể thành tựu cấp thời, trái lại, nó đạt được sau một tiến độ từ từ" (M.I, 479-481). Trong cuộc đàm thoại với Kasi, một mã sư chuyên huấn luyện ngựa, đức Gotama trình bày biện pháp giáo dục của ông. Thoạt đầu, đức Gotama hỏi mã sư này làm thế nào để huấn luyện ngựa. "Khi mềm dẽo, khi cứng rắn, thưa Thế Tôn. Cũng có khi con áp dụng cả hai, mềm dẽo lẫn cứng rắn", Kasi đáp. Xong, đức Gotama hỏi y sẽ làm gì nếu ba biện pháp trên không thể điều khiển ngựa. Ksi trảlời không ngần ngại: "Con phải giết bỏ nó, chứ sao!" Biện pháp giáo dục của đức Gotama cũng tương tợ. Ông mềm dẽo khích lệ: "Ðây là thân hành thiện, nó mang lại kết quả như thế; đây là lời nói thiện, nó mang lại kết quả như thế; đây là tư duy thiện, nó mang lại kết quả như thế. Con đường phúc lạc như thế này". Về biện pháp cứng rắn, ám chỉ lời ông dạy: "Ðây là thân hành bất thiện, nó mang lại kết quả như thế; đây là lời nói bất thiện, nó mang lại kết quả như thế; đây là tư duy bất thiện, nó mang lại kết quả như thế". Hoặc đức Gotama kết hợp cả hai biện pháp. Và khi cả ba biện pháp thất bại, đức Gotama đành phải áp dụng biện pháp đoạn giao với những ai bất trị, vô phương giáo dục (A.II, 112-113). Giới luật hay đạo hạnh được xem như mạng mạch Phật Pháp. Ðó chính là nếp sống kỹ cương, khuôn phép, nói theo ngôn ngữ thông thường. Nhu cầu truyền đạt nếp sống kỹ cương, khuôn phép như một phần quan trọng trong nền giáo dục nên được khai tâm từ sơ kỳ đời người. Nếu một người thuở thiếu thời không hấp thụ những giá trị đạo đức, y thị về sau có thể trưởng thành với tánh nết phản xã hội. Trong vấn đề giáo dục, cần lưu ý mức ảnh hưởng của môi trường xung quanh tác động đến cá nhân. Con quý tượng nọ trở nên hung dữ chỉ vì đã nghe bọn đạo tặc tập họp gần chuồng lặp đi lặp lại những lời đối thoại thô bỉ (J.26). Con tuấn mã của vua bắt đầu bước khập khiễng chỉ vì tập tành theo viên mã phu bị dị tật (J.I, 189). Hai con vẹt ngẫu nhiên được nuôi dưỡng trong hai môi trường khác nhau: một ở khu rừng ẩn sĩ an tĩnh nên lớn lên có giọng nói và tánh nết hòa nhã dễ thương, còn con khác ở chung sào huyệt thảo khấu nên lớn lên hung hăng, bắt chước chủ nhân nói năng lỗ mãng, tục tỉu. Ðức Gotama có phương pháp đặc biệt trong giao tế với thú vật, chim chóc cũng như với loài phi nhân. Sau khi giác ngộ, ông trải qua tuần thứ sáu dưới cội bồ đề. Trời đất gào thét giông tố cả tuần. Một con mãng xà to tên Mucalinda đã cuộn mình quấn quanh đức Gotama để giữ thân ông an ổn khỏi dầm mưa lạnh suốt bảy ngày. Có một dạo, đức Gotama lưu trú trong khu rừng Parileyya. Ở đây, một con voi đã giúp đỡ ông những nhu cầu hằng ngày. Chuyện kể rằng con voi biết dùng nhánh cây làm chổi để quét dọn sạch sẽ nơi đức Gotama cư ngụ. Thậm chí voi còn lo liệu nước nóng cho ông tắm. Sau đó, một con khỉ thích thú tham gia dự phần công đức cùng voi. Ðức Gotama dường như tiếp xúc tâm ý tương thông với những thú vật này khiến chúng nhận hiểu lời ông dạy. Chúng ta vẫn chưa đủ khả năng phát triển những phương pháp khoa học hiện đại đến mức độ lãnh hội trọn vẹn mọi khía cạnh trong hệ thống giáo dục của đức Gotama, đặc biệt trong giao tế với thú vật, chim chóc và loài phi nhân. Hy vọng sự tiến bộ về phương pháp và nghiên cứu khoa học trong tương lai sẽ giúp chúng ta thông hiểu sự việc. Cho đến nay, thiển nghĩ, những vấn đề như thế nên hoãn hồi phân giải. (Trích từ dịch phẩm XÃ HỘI HỌC PHẬT GIÁO, Bùi Thanhàn-Tríquảng dịch xong 2001. Nguyên tác: BUDDHIST SOCIOLOGY, tác giả: Nandasena Ratnapala). -ooOoo- Chú thích: [1] Loại đàn bốn dây của Ấn. (Người dịch chú thích thêm) [2] Các tính năng tinh thần như tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền. Người dịch chú thích thêm Tài liệu tham khảo viết tắt: Ud.: Udana -ooOoo- |
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 26-08-2002