BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
CÓ HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ TRONG
TRUYỀN THỐNG
PHẬT GIÁO HAY KHÔNG?
Nandasena
Ratnapala
Tỳ kheo Trí Quang dịch
Cơ sở cần thiết để xác minh một học thuyết chính trị đậm tính Phật giáo được tìm thấy trong Maha Parinibbana Sutta (Kinh Ðại Bát Niết Bàn, D. II, 72-66). Ở đây, đức Gotama đề cập đến tập đoàn vua chúa nền cộng hòa dưới danh xưng Licchavi, và giải thích đặc điểm mô thức chính trị xây dựng trên bảy điều luật hay bảy nguyên tắc quan trọng mà các vua chúa này đã áp dụng triệt để, không vi phạm một mảy may. Ðức Gotama xem trọng bảy điều luật đó vì nếu một quốc gia vận dụng chúng đúng đắn sẽ mang lại kết quả tiến bộ rõ rệt, và chính phủ được lòng dân tin yêu sẽ không bao giờ suy tàn. Những điều luật đó củng cố sự thống nhất và lòng tin trong dân chúng. Chỉ khi nào bảy điều luật bị vi phạm trắng trợn, đoàn thể chính trị hay bộ máy nhà nước do hành xử trái nguyên tắc dẫn đến suy vi, cuối cùng là tàn lụi. Căn bản trên bảy điều luật của vua chúa Licchavi, đức Gotama đã rút ra một bộ luật và thừa nhận chúng như nguyên tắc căn bản tạo khối đoàn kết vững mạnh cho cộng đồng Phật giáo. Bảy điều luật này quan trọng vì chúng được thực thi cụ thể, không phải lý thuyết suông. Các vua chúa xứ cộng hòa Licchavi áp dụng chúng trong quan hệ chính trị hằng ngày. Thậm chí khi đức Gotama cải biến chúng thành các phiên bản năm phạm trù phù hợp cộng đồng tu sĩ Phật giáo, ông vẫn nhấn mạnh đến việc ứng dụng . Ðiều luật đầu tiên đề cập về việc cần tổ chức họp mặt thường xuyên. Các buổi hội họp như thế nhằm mục đích đi đến những quyết định, đặt biệt là những quyết định chính trị. Theo tương truyền, có 7,707 vua chúa Licchavi. Có thể so sánh tất cả nhân vật trong cơ quan chính trị nền cộng hòa này như các đại diện của dân chúng. Những cuộc họp do các nhà lập pháp tổ chức có ý nghĩa tiêu biểu. Chúng ta không đủ bằng chứng để cả quyết phải chăng những vua chúa này được bầu cử hay được bổ nhiệm giữ những chức vụ họ định đặt. Có thể chính vì gia thế đặc biệt nên nhân dân chấp nhận họ làm đại diện. Ðiều luật quy định cần thiết phải có các buổi hội họp thường xuyên của giới lập pháp ám chỉ rằng họ là đại diện của nhân dân. Hoặc qua bầu bán hoặc qua lựa chọn, nhân dân chấp nhận họ như các đại diện xứng đáng. Ðể nhìn thấu đáo đường ra các vua chúa như thế, cách hay nhất là ta trở lại những kinh văn nặng chất sử liệu tìm thấy trong văn học Phật giáo. Mahasammata, có nghĩa Ðại Tuyển (hay Tổng Tuyển Cử) là danh hiệu đặt cho vị trị vì đầu tiên do nhân dân đã tuyển cử."Ông Ðại Tuyển được chọn lựa tại một cuộc quần tụ nhân dân đông đảo vào thời gian tài sản riêng tư và gia đình bị xâm hại. Người ta bổ nhiệm ông nhằm duy trì luật lệ và trật tự xã hội; bù lại, theo khả năng của mình, ông ấy được nhân dân san sẻ bầy đàn gia súc và các vụ mùa như để trả công phục vụ" (A.L. Basham, tác phẩm Aspects of Ancient Indian Culture, New Delhi, 1956, Page16). "Theo thuyết thỏa hiệp xã hội của nhà Phật, chủ quyền trong ý nghĩa quyền lập pháp tối cao được trao cho hay thuộc về khối quần chúng nhân dân" (K.N. Jayatilleke, tác phẩm The Principles of International Law in Buddhist Doctrine..., quyển II, Hague, 1977, 127). Khi nhân dân chịu trách nhiệm tuyển cử vua chúa, thì không có chuyện cha truyền con nối, không đặt vấn đề chỉ con vua thừa tự ngôi báu vì đó là di sản gia phụ. Thậm chí một người trở thành vua vì những quyền lợi định đặt cũng cần phải đạt sự thuận tình của nhân dân nếu muốn tiếp tục an vị. "Hỡi con trai, thiên luân xa này tiêu biểu cho quyền lực chính trị không phải là một phần di sản của cha. Nếu con tự chỉnh đốn mình theo các nguyên tắc quân vương thiên hạ, rất có thể luân xa, châu ngọc, biểu tượng quyền uy lại khởi lên" (D. III, 60). Trong truyện Uluka (J.270), người ta thấy cách thức hội đồng nhân dân chọn lựa vị vua đầu tiên (atite pathamakappika sanni patitva). Nhân vật được chọn lựa có một dáng vẻ thanh lịch dễ coi, tác phong uy nghi, sức khỏe tốt. Như vậy, không thể xem nhẹ thể hình vua chúa hay người cầm quyền. Truyện Uluka còn cho ta thêm thông tin về cơ cấu bầu bán giới cầm quyền như đã mong đợi trong hệ thống chính trị nhà Phật. Từ sự liên hệ này, Sen phát biểu trong Studies in the Buddhist Jatakas (Calcutta, 1974, 86) "Ta có thể suy luận hợp lý rằng nếu vấn đề tuyển cử quốc chủ từng nêu ra trước hội đồng, điều diễn ra theo sau đại để là mô thức đã tả trong câu chuyện này": Khi loài chim tề tựu tuyển con cú làm vua, một con quạ phản đối đại diện như thế vì tướng mạo kỳ cục. Con quạ bày tỏ những luận điểm phủ quyết việc chọn con cú. Sau khi lắng nghe lời quạ nói, chim khác đề nghị rằng hội đồng nên thực hiện cuộc đầu phiếu ổn định vụ việc. Thế là, loài chim bỏ phiếu chống việc con cú làm vua (J.270). Không chỉ trong vụ việc tuyển cử người cầm quyền, mà trong suốt giai đoạn y yên vị hoặc tại chức, ý kiến quần chúng luôn được xem trọng. Thiên luân xa tượng trưng cho tiếng nói của nhân dân. Miễn khi nào vị vua trị nước đúng luật pháp (dharma), thiên luân xa giữ nguyên trạng, không biến mất (D. III, 60). Có năm điều đáng lưu ý: 1) Thiên luân xa là biểu tượng của công luận hay những mong muốn của nhân dân 2) Khi vua hay giới cầm quyền mất lòng dân, thiên luân xa tự dưng biến mất. Ðây là hiện tượng nhân dân không tin cậy giới cầm quyền. 3) Chính nhân dân ảnh hưởng đến sự còn hay mất của thiên luân xa. Bất cứ khi nào vua hay giới cầm quyền hành xử trái với nguyện vọng công chúng, họ lập tức phản ứng, biểu lộ sự bất bình. Có nhiều phương cách bày tỏ phản ứng chống lại giới cầm quyền khi luật lệ đất nước bị coi thường. 4) Một vị vua hay người cầm quyền minh chính không thể phớt lờ công luận. 5) Một vị vua hay người cầm quyền không còn được nhân dân ủng hộ việc giữ quyền lực thì nên khôn ngoan rời khỏi chức vụ để không tổn thương và tránh hư hại vị thế của mình trong đời sống. Thường, vua hoặc người cầm quyền, sau khi thoái ngôi hay từ chức, sẽ ẩn dật để trầm tư đạo lý. Như kết quả của cuộc ra đi khôn ngoan này, y không mất sự tôn trọng nể nang từng hưởng thời yên vị, tại chức; trái lại, do trở thành bậc tu hành, lòng tôn trọng và quý kính dành cho y tự nhiên gia tăng hơn xưa. Như vậy, khi biết không còn được nhân dân ưa thích mình trong vai trò lãnh đạo, y rút lui một cách ôn hòa, giữ lấy tư cách hiền sĩ đáng kính trọng, không bị bẽ mặt ô nhục. Nguyên lý thứ nhất "những buổi hội họp thường xuyên của cơ quan chính trị" rõ ràng trở nên quan trọng khi ta xem xét cách lựa chọn giới cầm quyền và làm thế nào công luận chế ngự họ hữu hiệu. Ðây là một quá trình hai chiều. Vua chúa hay người cầm quyền dù được nhân dân lựa chọn và chấp thuận trên danh nghĩa địa vị xã hội .v.v. nhưng cuộc kiểm chứng đá vàng chỉ thật sự diễn ra qua công luận xét nét hoạt động của nhân vật đại diện. Mặt khác, vua hoặc người cầm quyền cố gắng thực hiện chức năng duy trì an ninh và trật tự. Ðể quá trình hai chiều vận hành êm thuận, việc hội họp thường xuyên giữa các nhà lập pháp là tuyệt đối cần thiết. Cá nhân hay các cá nhân được tuyển cử hoăïc thừa nhận như vua chúa hay người cầm quyền nên có một vài phẩm chất thuận lợi sau: 1) Y xuất thân nhà gia giáo, là con của bậc cha mẹ đàng hoàng, đứng đắn, không bị tai tiếng gièm pha. 2) Y có tướng mạo dễ coi, dễ gây cảm tình, dáng nhìn thanh lịch và nghiêm trang. 3) Y giàu sang, nhiều của cải, lắm vàng, lắm bạc để hưởng thụ, có kho hàng hóa, ngũ cốc, châu báu và các vựa lúc thóc. 4) Y có quyền uy thống lĩnh bốn binh chủng (tượng binh, kỵ binh, xa binh và cung tiễn binh) trung thành, có kỷ luật, uy danh lẫy lừng, làm cho những ai manh tâm xâm lược phải thoái chí. 5) Y là người có đạo tâm, người làm điều lành, bàn tay sẵn sàng mở ra, tấm lòng rộng lượng và hào phóng, là suối nguồn lợi lạc cho các sramana và brahmana -giới tu hành- , dân nghèo, dân du canh du cư, dân ăn xin, và những ai yêu cầu giúp đỡ. 6) Y có kiến thức phong phú về nhiều lãnh vực trong đời sống. 7) Y biết ý nghĩa điều gì được nói đến và có thể giải thích "lời nói này nên hiểu như vầy, như vậy" 8) Y thông minh, sáng suốt, có khả năng suy xét sự việc hiện tại, đã qua hay tiên liệu tương lai. (SBB, Vol.II, 175-176). Vị vua hay người cầm quyền mang trọng trách đại diện một nhà nước nên cần thiết phải có những phẩm chất này. "Xét về mặt tiêu cực, sức mạnh quyền lực thường bị biến dụng độc đoán, chuyên quyền, dẫn đến hành động tàn bạo khó đoán trước, và thói chiếm hữu làm của riêng. Vì khuynh hướng sang đoạt của người như thế đó, ta có thể so sánh vua chúa hay giới cầm quyền bất chính với bọn cướp bất lương" (B.G. Gokhale, bài báo "Early Buddhist Kingship" trong Journal of the Asiatic Society, quyển 26, 1966-67). Những phẩm chất trên là tư cụ lượng định sẵn có trong vị vua hay người cầm quyền. Tuy nhiên, khi hội ý chọn lựa nhân vật đại diện làm vua hay cầm quyền, người ta tiến hành soi xét hành vi của ứng viên. Thêm vào đó, nếu ứng viên trở thành vua hay người cầm quyền, y phải theo đúng pháp luật phù hợp lòng dân; muốn biết y thực hiện tốt công vụ hay không, điều đó chỉ được kiểm chứng qua công luận. Cũng trong giáo lý nhà Phật, người ta tìm thấy những lời khuyên vua chúa hay người cầm quyền luôn ý thức tính giả tạm của mọi vật, kể cả hiện thực huy hoàng của mình để y không tham quyền cố vị và luôn cố gắng đáp ứng những nhu cầu vật chất và phi vật chất của nhân dân. Tính chất quan trọng lẩn trong nguyên tắc tuyển cử được nhấn mạnh và đem ứng dụng vào cộng đồng tu sĩ Phật giáo. "Nền dân chủ (của cộng đồng tu sĩ Phật giáo) căn bản trên tư cách hội viên trưởng thành, tức là quyền biểu quyết của những tỳ kheo hay tỳ kheo ni từ tuổi 20 trở lên. Nhưng điều đầu tiên mà cộng đồng mong đợi họ chứng tỏ là phải có một nền tảng giáo dục và công hạnh tu tập nào đó dưới sự dìu dắt dạy dỗ của những bậc cao đạo uyên bác. Ðiều thứ hai là hội đồng tiến hành tăng sự không phân nhóm hành động bất đồng, mà phải đồng thuận, hòa hợp mọi thành viên tu hành trong cùng khu vực có địa dư nhất định" (Gokuldas De –1965, xv). Thuyết vương quyền nhà Phật có những yếu tố mang nhiều ý nghĩa. Như đã đề cập, vị vua do khối toàn dân tuyển cử (Mahajana sammata): "sau cuộc tuyển cử, vị vua là một hữu tình 'giống và không giống với chính họ' vì nhân loại bình đẳng, dù người được tuyển cử có một nhân cách hào hoa và oai phong" (K.N. Jayatilleke, tác phẩm "Dharma, Man and Law", Singapore, 1992, 68). Dấu hiệu hơn người trong y là bản tính bodhisattva (hữu tình hướng thiện) tiềm ẩn nhờ tu dưỡng đức hạnh, không phải nhờ gia thế, dòng dõi. Cơ quan vương quyền khai mở sự tiến hóa xã hội (D. III. 80). Quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp của vua bắt nguồn từ sự thật rằng y đại diện cho nhân dân và mọi công vụ y làm được nhân dân mặc nhiên đồng thuận. Thêm vào tướng mạo hào hoa, vị vua còn toát cốt cách oai phong, thông minh đĩnh đạc, có "khả năng quở phạt và ban thưởng nhân dân" (patibalo niggahapaggaham katum). Có bằng chứng cho ta thấy hệ thống chính trị Phật giáo hoàn toàn giới hạn quyền lực của nhà vua. Trong truyện Jataka số 96 kể rằng, khi một ma nữ (yaksani) yêu cầu nhà vua nhường triều chính cho thị, thì vị vua này trả lời: "Ái khanh ôi, ta không có quyền gì trên thần dân cư ngụ khắp vương quốc. Ta không phải chủ nhân của họ. Ta chỉ có trách nhiện xét xử những ai gây rối loạn hay làm điều tổn hại". Luật thứ hai của các vua Licchavi đề cập đến tinh thần tiến hành những cuộc họp. Nền tảng tạo lập luật này là tính thống thất. Trong lúc tụ tập, trong lúc tham biện, trong lúc ra quyết định và lúc thực thi quyết định, tính thống nhất phải được duy trì liên tục. Người ta có thể kiểm chứng thực tế ý nghĩa và tầm quan trọng của tính thống nhất qua xã hội tu sĩ. Nguyên tắc cơ bản của tính thống nhất là bày tỏ lòng tôn trọng tất cả cá nhân tham dự hội nghị. Mọi sắc thái ý kiến được trình bày và bàn bạc thấu đáo. Giới lãnh đạo Licchavi "cho thảo luận và tranh cãi" (ite sabbepi patipuccha vitakka ahetum). Hiểu biết quan điểm và ý kiến của người khác hay thấu cảm là một thượng sách giải quyết những xung đột tư tưởng. Người ta có quyền công khai trình bày những ý kiến trái ngược nhau nhưng khi ra một quyết định, phải đặt "tính thống nhất" lên trên nhằm đồng thuận một giải pháp có thể chấp nhận đối với tất cả. Tính thống nhất này báo hiệu quyết định sẽ được thực thi tốt sau đó và không hoài công tổ chức hội nghị. 1) Hội nghị phải thảo luận tất cả vấn đề khởi lên, không gạt bỏ thậm chí một ý kiến tầm thường. 2) Một quan điểm, dù nó đại diện cho thiểu số, phải được thảo luận thấu đáo. Ðây không chỉ là sự chấp nhận mà là sự đánh giá đúng tầm vóc vấn đề. Những ý kiến loại trừ lẫn nhau được khuyến khích và chịu chất vấn lý lẽ. 3) Những quyết định đưa ra sau cuộc thảo luận dài, phải làm chắc rằng quyết định sau cùng và quá trình thực thi quyết định có sự đóng góp ý kiến và đồng thuận của tất cả. Trong khi thực thi quyết định, mọi người nên đạt tính thống nhất, tức là năng động đóng góp ý kiến; quần chúng đóng góp sẽ làm tăng thêm ý nghĩa và thay đổi chiều kích thời hiệu của quyết định. 4) Những quyết định đồng thuận như thế có giá trị chuẩn mực; nhưng nếu không thể đạt sự nhất trí, Phật giáo khuyến khích chấp nhận quyết định đa số qua cách bỏ phiếu kín. Trong trường hợp này, cần lập tỉ mỉ những thủ tục tiến hành bỏ phiếu. Nếu làm quyết định mang tính dân chủ thiếu sự kiểm tra và cân nhắc thận trọng có thể dẫn tới hậu quả báng bổ nền dân chủ. Ðể đảm bảo điều này, phải kiểm tra tư cách tất cả những ai tham dự quá trình bỏ phiếu, chẳng hạn, xem xét họ hội đủ tiêu chuẩn đã ban cho người biểu quyết hay không. Thủ tục bỏ phiếu được đề ra cẩn thận. Trước tiên, nhất trí tuyển cử một viên chức đặc biệt mang đức tính không thiên vị, hiểu biết rõ ràng luật lệ và thủ tục bỏ phiếu. Vai trò, phẩm chất hay những đặc tính nào viên chức này nên có được mô tả chi tiết, và nhấn mạnh việc nhất trí tuyển cử y là bước đầu hệ trọng trong thủ tục bỏ phiếu. Phận sự chủ yếu của viên chức kiểm phiểu là đảm bảo một cuộc tuyển cử sạch và công bằng theo đúng luật pháp. Có thể dùng phương pháp bỏ phiếu kín (Gulhaka), bỏ phiếu công khai (Vivataka), hay rỉ tai. Vị thẩm phán (ám chỉ viên chức kiểm phiếu được toàn thể hội nghị tín nhiệm) có đặc quyền quyết định nên tiến hành phương pháp bỏ phiếu nào, và cũng có quyền khuyên nhủ các thành viên về những vấn đề liên quan pháp luật, đạo đức, nếu y lo sợ xảy ra tình trạng vi phạm tính công bằng. Xét những quyền hành người ta đã cho viên thẩm phán, ta thấy đây không chỉ là sự tán thành có ý nghĩa quan trọng từ đại đa số, mà còn phù hợp với tinh thần và tính xác đáng của thuật ngữ pháp lý, tức là Pháp Luật. Luật thứ ba của dân Licchavi đi sâu vào trọng tâm hệ thống dân chủ, đó là áp dụng luật hiện hành hoặc làm cho nó có hiệu lực. Họ không duy trì những điều luật vô hiệu lực, cũng không tuyên truyền phổ biến những điều luật không thể áp dụng vào đời sống xã hội thực tiễn. Giới ra quyết định phải biết tâm trạng và cảm xúc của nhân dân. Họ không nên tiếp tục công bố những luật gây mâu thuẫn với nhân dân. Nên thông hiểu lợi hại của những phong tục tập quán trong nhân dân và, nếu cần thiết, hệ thống hóa những luật mới bằng cách kết hợp hài hòa những giá trị cổ truyền. Việc lưu ý mối quan hệ giữa luật và lệ hay phong tục tập quán cho thấy sự chính chắn của tư tưởng chính trị nhà Phật. Vấn đề kiểm soát xã hội không thể tách rời phong tục tập quán. Hầu hết hành vi con người căn bản trên phong tục tập quán trong khi luật do nhân định chỉ là một phần nhỏ tạo nên hành vi con người. Do đó, cá nhân hay tập thể ra quyết định chính trị càng phải quan tâm thêm về cơ sở của hành vi con người, tức là phong tục tập quán, đặc biệt là những thứ nào có giá trị và chuẩn mực nhất định. Văn hóa hay mô thức hành vi xã hội bao gồm di sản tinh thần và giáo dục được lớp người trước truyền lại thế hệ sau. Lý thuyết chính trị nhà Phật ghi nhận quá trình này như điều luật thứ tư: thế hệ trẻ cần lắng nghe và học hỏi vốn liếng trí tuệ của thế hệ trước. Qua ứng dụng thực hành, nguyên tắc này nhắn nhủ thế hệ trẻ nên bày tỏ lòng kính trọng bậc cao tuổi hơn mình, gần gũi những ai có học thức để dồi trau văn hóa, mở rộng kiến thức. Mặc khác, thế hệ trước nên quan tâm thế hệ trẻ, hướng dẫn và dạy bảo họ, trao cho người trẻ năng lực quyết định chính trị dưới sự hướng dẫn của mình. Có thể dùng giáo lý nhà Phật triển khai thêm việc nhấn mạnh sự hoà nhập giữa hai thế hệ trong khi làm quyết định chính trị. Thường, người ta chấp nhận những bậc cao tuổi và trí thức hướng dẫn những người trẻ, tuy nhiên, có những trường hợp tuổi trẻ thông minh tài cao được coi trọng hơn người cao tuổi. Truyện tiền thân Ummagga kể rằng chàng trai có tên Mahosadha với trí tuệ xuất chúng đã làm những quyết định mang tính chính trị khôn khéo hơn các thành viên cao tuổi, khiến mọi người nể trọng. Sự xung khắc của thế hệ cao tuổi đối với thế hệ trẻ, đặc biệt trong quá trình làm quyết định chính trị, khó tránh khỏi khi hành vi của thế hệ cao tuổi không hoàn hảo. Nói cách khác, lý thuyết chính trị nhà Phật hàm ý rằng những người làm quyết định chính trị đừng bao giờ cố tình phủ nhận những chuẩn mực và giá trị đã thiết lập trong xã hội. Họ nên dẫn đầu đời sống gương mẫu bằng việc tuân thủ và giúp duy trì những luật họ ban hành. Hành vi như thế được xem là tấm gương cho tuổi trẻ. Phật giáo có nói đến mười phẩm chất hay đức tính mà vị vua hay người cầm quyền cần tu dưỡng để đạt mục đích thu phục nhân tâm. Ðiều luật thứ tư nhấn mạnh mối quan hệ giữa thế hệ cao tuổi và thế hệ trẻ. Ðây là mối quan hệ tương tác góp phần thống nhất các nhóm bảo thủ và cấp tiến trong xã hội, đồng thời bảo đảm tính tương tục của chính xã hội. Sự thống nhất này sẽ đàn hồi chủ nghĩa cực đoan bảo thủ và chủ nghĩa cấp tiến. Mỗi nhóm buộc phải tích cực kiểm soát hành động lẫn nhau. Ðiều luật kế tiếp nhắm đến việc bảo vệ các nhóm yếu trong xã hội. Hiển nhiên, phụ nữ già trẻ được thừa nhận thuộc nhóm như thế. Do đó, luật này ước định quyền lợi tự do của phụ nữ, bậc cha mẹ và xã hội nên chăm lo các nguyện vọng chính đáng của họ, không thúc ép họ vào những cuộc hôn nhân nghiệt ngã. Họ không bị bóc lột dưới mọi tình huống. Khi suy diễn thêm đạo luật này, ta có thể nói rằng một xã hội dân chủ không bao giờ cho phép các lực lượng mạnh thế bóc lột những nhóm nhỏ cộng tồn. Chính quyền nào dung túng mọi hình thức người bóc lột người, thì chính quyền và xã hội ấy không thể được gọi là một nền dân chủ. Hai điều luật sau cùng đề cập đến chức năng tinh thần và giáo dục trong một nền dân chủ. Truyền thống Phật giáo xem giáo dục như một phương diện quan trọng của chính sách quốc gia. Người ta nên cẩn thận sắp đặt mọi mục đích hướng tới. Theo Phật giáo, nội dung tinh thần của giáo dục do yếu tố tôn giáo cung cấp, vì vậy, cần xem trọng vai trò tôn giáo trong một nhà nước dân chủ. Quan điểm này không chỉ tạo thuận lợi cho một tôn giáo nào (như Phật giáo chẳng hạn), mà còn để bảo vệ và ủng hộ các tôn giáo khác. Vấn đề giáo dục gắn liền cả đời người, do đó, đừng bao giờ nghĩ chuyện hoàn vốn hay định lượng khoản chi phí bỏ ra và lãi thu về. Cũng trong luận điểm của mình, Phật giáo đặt thẳng vấn đề rằng một nhà nước dân chủ không nên đỡ đầu hay khuyến khích năm loại hoạt động kinh tế sai trái tinh thần nhân đạo [1] . Lý do cơ bản phía không chỉ là phí tổn xã hội nhiều hơn những hoạt động như thế gây ra, mà còn làm mất thăng bằng không cần thiết giữa con người và thiên nhiên, chẳng hạn, nó xâm hại và hủy hoại bừa bãi môi trường sinh thái, cuối cùng dẫn đến sự tàn diệt mọi sinh linh trên hành tinh này. Việc sản xuất vũ khí giết hại là một trường hợp tiêu biểu đáng phải giải trừ. Người cầm quyền hay chính phủ của nhà nước dân chủ theo khuôn mẫu Phật giáo nên thương yêu nhân dân như cha mẹ. "Giống như đứa con khỏa mạnh phải chăm sóc người cha cao tuổi, cũng vậy, đức vua phải quan tâm đến tất cả nhân dân" (J. Tr. III, 513). Lý thuyết chính trị Phật giáo đề cập đến và bài bác một số chính sách được người cầm quyền hay chính phủ thực thi trên nhân dân. Phổ biến nhất giữa các chính sách ấy là cách chước lễ nghi hay nghi thức. Có thể tôn giáo nào đó với hệ thống lễ nghi quy mô lôi kéo đông đảo nhân dân tham dự ảnh hưởng sâu rộng khắp đất nước. Vị vua đương triều dự tính: "Vì lợi ích và hạnh phúc lâu dài, ta phải thực hiện một cuộc tế lễ long trọng" (D. III, 135-137), nên đã sắp đặt việc tổ chức tế đàn vì lợi ích của y và vương quốc. Ý định của vua là tổ chức theo lễ nghi tôn giáo để cầu khẩn thần linh ban phúc lành. Nhưng viên thái sư lại chỉ cho vua thấy lễ nghi như thế chẳng khác gì đặt một gánh nặng khủng khiếp lên nhân dân do tăng thuế má và uổng phí những nguồn giá trị gồm cả việc giết thú vật trong cuộc tế đàn. Lý thuyết chính trị nhà Phật cho rằng chính sách này không đúng và vô ích. Hình phạt là chính sách kế tiếp. Vua hay chính phủ thường buộc những ai vi phạm luật phải chịu những hình phạt khốc liệt. Xét chính sách này, ta thấy có một số hiểm họa khó lường. Hình phạt do vua hay chính phủ quy định có thể khiến nhân dân bắt chước theo, vì họ nghĩ: nếu vua hay cơ quan nhà nước phạt chặt tay, chặt chân hoặc trảm đầu kẻ phạm tội, tại sao ta không tự mình làm điều đó. Chắc chắn trường hợp như thế xảy ra khi người lãnh đạo quốc gia chấp nhận duy trì hình phạt. Chính sách này còn mặt bất lợi khác vì dẫn đến sự kiện thuộc hạ của vua hay các viên chức nhà nước lợi dụng luật dưới danh nghĩa vua hay nhà nước để hiếp đáp dân lành. Ðó có thể là điều kiện khởi lên điều gì chúng ta gọi là rối loạn an ninh quốc gia. Sau cùng, những hình phạt khốc liệt trở nên phản tác dụng, dễ thường tạo điều kiện cho mọi cuộc nổi dậy chống đối trong xã hội. Tính vô hiệu của chính sách này hiển nhiên được kinh văn nhà Phật ghi nhận: "Hoàng thượng sẽ hành động sai trái. Chắc hẳn hoàng thượng nghĩ: 'Ta sẽ ngăn chặn bọn vô lại nhờ biện pháp giáng chức, lưu đày, phạt vạ, gông cùm và hành quyết'. Nhưng rõ ràng những biện pháp đó không có kết cuộc như ý, các phần tử chưa bị hành phạt vẫn tiếp tục quấy phá quốc độ..." (SBB. Vol.II. Para, 175-176). Ðể ứng phó với chính sách, người dân bắt đầu trang bị khí giới: "Chúng ta phải có gươm giáo sẵn sàng. Ðối với họ, những ai ta đánh cướp, ta sẽ giáng xuống họ đến chí tử, rồi cắt bỏ thủ cấp bịt đầu mối...", và các tay giang hồ này mài gươm, tiến vào làng mạc, thị tứ, thành đô, hoặc làm kẻ cướp đường. Những ai không may trở thành nạn nhân bị cướp, thì mạng họ cũng không còn (SBB. Vol. IV,Part I, 67-68). Câu chuyện Jataka số 520 đã giải thích rõ hành vi bạo động hay nhiễu hại khởi lên là do chính sách nhà nước hà khắc. Các viên chức thuộc tất cả phẩm cấp cậy quyền thế hiếp đáp người dân. Có hàng loạt sự việc phơi bày thực trạng này, xin nêu hai trường hợp đủ để chứng minh: 1) Một nông dân đang lo chuyện đồng án chờ đợi bữa ăn trưa. Bà vợ mang vật thực cho chồng, nhưng thuộc hạ của vua ép buộc giao nạp. Người phụ nữ đành quay về nấu vật thực khác. Ông nông dân, trong cơn đói cồn cào, sơ ý làm chấn thương chân lúc đang cày ruộng. Và khi nghe vợ tường thuật sự việc, ông nguyền rủa nhà vua. 2) Ông khác có một con bò, nhờ bán sữa bò mới duy trì đời sống gia đình. Viên chức địa phương cứ yêu cầu sữa hết lần này đến lần khác. Con bò tức giận vì bị vắt vú liên tục nên đá đổ bình sữa. Cáu tiết trước hành vi của con bò, người đàn ông đâm ra nguyền rủa nhà vua và giới quan lại. Những sự kiện như thế giải thích thực trạng nhiễu hại, loại hành vi bạo động khác cũng được kể ra. Một số người dân phỏng theo hành vi bạo ngược của vua quan. Câu chuyện sau đây cho ta thấy điều này. Ông lão nọ trở về nhà vào buổi tối, loay quay tháo gỡ các vật chướng ngại mà ông đã chắn trước cửa cái và cửa sổ chặn bước quân trộm cướp và quan lại. Từ sáng sớm, ông phải trốn biệt trong rừng nhằm tránh vua quan ở đó đến bóc lột. Lúc đang bận rộn dọn dẹp lối vào nhà, ông bị một que gai bung trúng mắt. Ông lão đau đớn buông lời ta thán rằng chính vì vua quan cai trị tàn bạo bằng các hoạt động phản xã hội nên chi người dân cố gắng làm bậy theo. Lý thuyết chính trị nhà Phật cũng nói về một chính sách hòa giải kém hiệu năng và có thí dụ giải thích sự thất bại thảm não của chính sách này. Ở đây, nhà vua triệu hồi những ai tham gia hoạt động chống xã hội. Biết rằng họ nghèo khó, y ban bố của cải và yêu cầu họ lo cho vợ chồng, con cái, phụng dưỡng cha mẹ, và làm các việc lương thiện như ủng hộ các bậc tu hành. Cách hành xử trở nên vô hiệu khi những người khác nghe tin bọn can phạm phản xã hội không bị hành phạt, lại được vua ban của cải. Chính sách hòa giải nhân từ nhưng không quán triệt nhân quả chứa đầy hiểm họa tiềm ẩn. Cách hành xử của vua không bao giờ có thể giữ mật. Dân chúng sẽ thấy những phạm nhân mang của cải vua ban về nhà, họ bắt đầu bàn tán: tại sao mình không lao vào các hoạt động phản xã hội để nhận của cải vua ban? Và họ ra tay hành động phạm pháp nhằm kiếm thêm tài sản. Mặt khác, khách quan nhận xét, những ai trong nhân dân đã phạm pháp thường gặp cảnh sống khó khăn, bức bối tương tợ và họ không có lối thoát. Nhà vua quên tìm hiểu cặn kẽ nguồn cơn của hành vi, chỉ đơn giản nghĩ rằng tài sản ban bố sẽ là một động lực đủ giúp dân chúng đoạn tuyệt cảnh sống bi đát thường ngày. Lý thuyết chính trị nhà Phật gợi ý xây dựng chính sách này căn bản trên một số nguyên tắc cần thiết để giải quyết ổn thỏa các vấn đề xã hội: 1) Nhà vua hay giới cầm quyền nên thiết lập "đường dây nóng" với nhân dân. Nói cách khác, nhà vua hay một chính phủ nhà nước dân chủ cần luôn luôn thăm dò ý kiến nhân dân thông qua các đại diện quần chúng; mở cuộc trao đổi quan điểm trong tinh thần hòa hợp, khuyến khích công luận lên tiếng. Những ý kiến như thế sẽ phản ảnh trung thực chính sách của giới cầm quyền. Câu chuyện về thiên luân xa đã đề cập trong văn cảnh trước minh họa cho điều này. Vả, còn có nhiều cách khác mà nhà vua hay người cầm quyền có thể áp dụng để theo kịp công luận. Một vị minh quân thường đi kinh lý giữa dân chúng như câu chuyện Gandhathindu (Jataka 520) ghi nhận. ý định của nhà vua là sẽ trực tiếp thị sát dân tình và đời sống của họ. Nhân dân có phương pháp truyền thống để bày tỏ ý kiến. Một phương pháp phổ biến là tập hợp với nhau, rồi la hét sao cho tiếng nói của dân lọt lỗ tai vua. Những cách như thế thúc đẩy giới cầm quyền xét lại những luật định ban hành và thay đổi phù hợp lòng dân. 2) Nhà vua hay chính quyền phải thiết lập và duy trì sự công bằng giữa mọi người. Công bằng được biết như là Dharma, có nhiều lời dạy của đức Gotama liên hệ với điều này. Một trong những lời dạy tương đối ngắn gọn là năm phương châm xử thế: tránh giết hại hữu tình, tránh việc trộm cắp; tránh chung chạ vợ chồng người, tránh hành vi gian dối hại cá nhân hay tập thể, tránh dùng các chất gây say. Nếu một người cầm quyền bất chính, tất nhiên cấp dưới làm bậy theo. Diễn trình sẽ lan rộng đến tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Phật giáo nói nó tác động xấu đến môi trường xung quanh, cuối cùng, thực vật và động vật bị hủy hoại, mưa sái thời, thiên tai gia tăng, nông sản thất mùa. Trong thời kỳ vua quan, giới cầm quyền bất chính, dầu, mật và các thứ tương tợ cũng như củ quả mất hương vị, chẳng những thế, cả quốc gia ngày một trở nên tồi tệ. Khi nào nhà vua hay giới cầm quyền minh chính, mọi vật phục hồi trạng thái thường nhiên (J. 334). Liên quan vấn đề này, thật thú vị để xem xét ý nghĩa của một bài kệ thường được người tu Phật nhắc đi nhắc lại khi thực hiện các hoạt động tôn giáo và xã hội:
Lý tưởng công bằng hay liêm chính vốn có mối quan hệ với thiên nhiên. Giới cầm quyền hay chính quyền nhà nước chỉ thành công khi quân bình thiên nhiên và con người; khi mưa đến đúng thời điểm và vụ mùa thu hoạch dồi dào. Nhờ vậy nhân dân nơi nơi no cơm ấm áo, vui đời hạnh phúc. Ðể tất cả điều tốt lành xảy ra, vua quan hay giới cầm quyền phải dẫn đầu nếp sống hành xử chánh trực. Sự quân bình vật chất và tinh thần phải được duy trì nhằm giữ hài hòa con người với thiên nhiên (J. 334). 3) Theo Phật giáo, nhân cách của giới cầm quyền rất quan trọng trong việc xây dựng thành công một nền dân chủ. Jataka 52 đã giải thích những phẩm chất này. Trước hết là nhấn mạnh phương châm từ bỏ lời nói dối hay gian dối khi cố ý lừa bịp công chúng. Chính sách mị dân bao giờ cũng dẫn dến những hậu quả tai hại. Trong luật truyền dạy cộng đồng tu sĩ, lời nói dối gạt gẫm một người hay nhiều hơn luôn bị xem là một tội lỗi nghiêm trọng (VIN. III, 37-66). Nhân cách quan trọng khác mà vua quan hay giới cầm quyền cần tu dưỡng lòng nhân từ, không thù hận. Người cầm quyền nên luôn hiểu rằng y là con người có quyền lực. Nếu y tức giận và làm những điều gì do cơn giận thúc đẩy, tự thân y không thể đảo ngược tác động của nó, khôg thể hốt lại đầy bát nước đã đổ. Lòng nhân từ không thiên vị đối với tất cả sẽ nâng cao chất lượng của Dharma hay sự công bằng y phân tỏa cho mọi người. Người cầm quyền không nên chi tiêu phung phí tài sản nhà nước vào các cuộc ăn chơi hoan lạc. Y không chỉ có phận sự giúp nhân dân làm giàu, mà còn phải biết khôn khéo bảo vệ của cải đó không thất thoát bừa bãi. Việc nghiện ngập chất say, cờ bạc, ham mê gái đẹp sẽ dẫn đến vung tay tiêu phí của cải nhân dân nhọc nhằn khổ cực kiếm được. Sau cùng, người cầm quyền đừng bao giờ cố tình tạo ra kẻ thù không cần thiết, không nên gây chiến tranh; và không nên mê mải những hoạt động thực hiện vì tham vọng của mình hay tập đoàn lãnh đạo. Y nên tận tụy với việc công, nhìn xa thấy rộng, thu phục nhân sĩ trí đức hợp tác chung lo đất nước. Người cầm quyền không nên nghe những lời nói hẹp lượng, sàm tấu, phù phiếm.v.v. không hành động nông nổi dựa vào nguồn thông tin cung cấp như thế. Tư tưởng Phật giáo xem sự xâm hại bên trong quốc gia cũng như bên ngoài lãnh thổ là càn quấy. Một văn bản nhà Phật đề cập đến hành động này như loại bất hảo cần phải tránh hành động: "Thưa đại vương, đừng ôm ấp thái độ thù nghịch đối với các vua lân bang. Bất cứ ai hận thù sẽ bị địch thủ đáp trả thù hận. Hãy phát triển mối giao hảo hữu nghị với các vua lân bang, hỡi chúa thượng muôn dân, thiên hạ luôn tôn trọng các đấng quân vương kết tình hữu nghị bên vững" (Mahavastu Trs. Bay Jones, 229). Khi một nhà vua trị nước với tư tưởng xâm hại, vận dụng các phương tiện bất chính, vương quốc của y trở nên suy yếu và phân rã vì những phe cánh bất đồng và phiến loạn nổi dậy đó đây. Khi nào nhà vua trị nước theo các nguyên tắc chánh trực, vương quốc trở nên "hùng mạnh, hưng vượng, phồn thạnh và được ngưỡng mộ'. Theo lý thuyết chính trị nhà Phật, sức mạnh được chia thành năm thành tố: Sức mạnh vũ trang, sức mạnh kinh tế, sức mạnh tương thân (nhóm, tập thể...), sức mạnh lai lịch (dòng dõi, gia thế....), sức mạnh trí tuệ (kiến thức, hiểu biết...). Trong năm loại, sức mạnh trí tuệ (panna balam)vượt trội hơn tất cả vì sự có mặt của trí tuệ thúc đẩy và dẫn dắt những sức mạnh thành tố khác vào chiều hướng đúng đắn. Không có trí tuệ, sức mạnh vũ trang (bahu balam) -bao gồm năng lực vật thể và thần thái có thể sai khiến đối tượng làm điều ta quyết định, dù họ đồng ý hay không- hóa ra hành vi man rợ thô bạo. Cũng thế là những sức mạnh khác. Một người sanh vào gia đình hay dòng dõi quyền thế nên có sức mạnh lai lịch (abhijacca balam), sức mạnh này do thuận duyên mang lại cần được trí tuệ hướng dẫn và kiểm soát. Sức mạnh kinh tế (bhoga balam) và sức mạnh tương thân đạt được nhờ nhân tâm liên kết ủng hộ (amaca balam) cũng phải như thế. Lý thuyết chính trị dưới dạng ứng dụng theo khuôn mẫu nhà Phật được xét qua Ummagga Jataka. Người ta chỉ cần so sánh câu chuyện này với Arthasastra của Kautilya để thấy sự khác biệt giữa thuyết chính trị nhà phật và thuyết chính trị Hindu. Thuyết chính trị nhà Phật không duy tâm và không xa rời thực tiễn như nhiều người lâu nay vẫn lưu ý. Trong Ummagga Jataka, chúng ta tìm hiểu lý thuyết nhà Phật được chuyển thành ứng dụng ra sao. Ðiểm nổi bật trong việc ứng dụng thuyết chính trị nhà Phật là đề cao tính siêu việt của sức mạnh trí tuệ vượt lên trên mọi sức mạnh khác. Mahosadha, vị anh hùng trong Ummagga Jataka không ai khác chính là biểu tượng trí tuệ. Y trội hơn các nhân vật xung quanh. Và, bây giờ, chúng ta xem làm thế nào bốn loại sức mạnh khác trở thành vô hiệu khi đọ với trí tuệ của y. Mahosadha đại diện cho tuổi trẻ. Chính tuổi trẻ của y tương phản với giới thái sư cao tuổi. Thanh niên Mahosadha đọ trí với Kevatta, dường như là một nhân vật thoát ra từ tác phẩm Arthasastra với mưu mô, tính toán mang máu thịt của tác giả Kautilyan. Kết cuộc, Kevatta bị Mahosadha đánh bại như thừa nhận nguyên lý rằng sức mạnh chính trị được thế hệ trẻ vận dụng tốt hơn thế hệ già, dù Mahosadha ở cùng thời đại với thế hệ khác. Tuy vậy, truyện cho thấy Mahosadha vẫn tôn trọng người lớn tuổi và sẵn sàng làm lợi từ những lời khuyên của họ. Chàng trai thông minh này là biểu tượng mới của sức mạnh chính trị khởi lên từ lớp nông dân bình thường trong khi tất cả thái sư của các vua đều xuất thân từ những gia đình thượng lưu. Vì lý do đó, uy thế quyền lực trong con người Mahosadha phải được phân tích theo quan điểm: sức mạnh chính trị không dính dáng gì đến lai lịch gia thế, dòng dõi. Một cách đúng đắn, nó thuộc về thường nhân nói chung chứ không dành riêng cho ai tuyên bố nó là đặc lợi gắn liền lai lịch. Theo tư tưởng nhà Phật, có hai chính sách mà người cầm quyền một quốc gia có thể thực hiện như thuật trị nước:
2) Y có thể chế ngự lòng sân hay thù hận bằng lòng nhân từ, lấy thiện chinh phục ác, rộng lượng thắng xan tham, chân thật thắng giả dối, hư ngụy. Trong hai chính sách trên, chính sách thứ hai được xem như tốt nhất (Jataka 3,4). Sự lựa chọn căn bản trên giải tích bản thân và trên nền tảng đạo đức: Lấy bụng ta suy ra bụng người sẽ biết rằng tất cả nao núng trước hình phạt, và đều lo sợ cái chết, vì thế, tự kiềm chế mình không làm điều gì tổn thương kẻ khác (DhP. 129). Căn bản đạo đức này dựa vào kết quả kinh nghiệm phát sinh sau những hành vi sân hận. Người nào bị bạn cư xử tệ bạc sẽ cố gắng để phản hồi tương thích (chẳng hạn, "Nói năng thô lỗ với ai, người ăn miếng sẽ trả miếng" , DhP. 133). Mặt khác, ta có thể quan sát những kết quả như đau đớn thống thiết, tai họa, thương tích thân thể.v.v. mà người gánh chịu vì hành vi sân hận. Sau cùng, luật karma do hành vi như thế chắc chắn sẽ mang lại kết quả tiêu cực ngay hiện tại hay mai hậu. Phật giáo kiêng tránh bạo hành. Câu chuyện về con rắn hổ mang tu hạnh bất bạo hành đến độ bà lão quờ quạng nọ khi đi lượm củi đã nhặt nó làm "dây" bó. Con rắn tu tập từ bỏ bạo hành chịu đau đớn thể xác kinh khủng. Về sau, nó được khuyên giãy nảy và huýt gió dọa mấy bà tiều phu quáng mắt biết rằng nó là con rắn nguy hiểm để yên cái thân. Bất bạo hành trong Phật giáo có thái độ thực dụng trước các vấn đề đời sống, và không phải là một sự cam chịu tiêu cực hoàn toàn, không phải trơ mình bất động mặc ai muốn làm gì thì làm. Việc dùng sức mạnh vũ trang là một thuộc tính của nhà nước chính trị hay có chủ quyền. Trong Ummagga Jataka, Mahosadha dùng sức mạnh này vào một vài dịp. Khi Kevatta, thái sư của vua Vedeha cố gắng đẩy Mahosadha ra khỏi vũ đài chính trị, chàng trai đã trả đối thủ cùng một đòn hiểm, thậm chí y còn chà đầu Kevaỉỉa lên sàng đến đổ máu. Cũng Mahosadha bắt toàn bộ gia đình vua Culani làm con tin và đe dọa vua Culani rằng nếu y bị hại, thì tất cả con tin sẽ bị quốc chủ của y, vua Vedeha, cư xử tương tợ. Người ta không thể điều hành hay trị nước mà không viện tới những hành động như thế. Hành vi bạo lực là một phần của đời sống thế tục. Ta không thể tránh nó, đặc biệt trong các công việc chính trị. Phật giáo nhìn vào và kiểm tra ý chí của nhà chính trị trong khi thực hiện hành vi bạo lực. Nếu phải làm nó, nhà chính trị có tu dưỡng tinh thần nên điều chỉnh giảm thiểu bạo hành và hạn chế gây tổn hại tha nhân. Nó nên được thực hiện không vì mục đích cho đã đầy tham vọng ích kỷ, nhưng nhằm đáp ứng lợi ích chính đáng của số đông, tức là cứu nhiều người thoát đại họa. Lý thuyết chính trị và ứng dụng đi đôi với nhau trong truyền thống Phật giáo. Nhà nước hay vương quốc phải phòng ngừa ngoại thù. Ummagga Jataka cho thấy biện pháp phòng ngừa được thực thi trong số cách thức: 1- Xây dựng thành lũy, chiến hào.v.v. cản trở lực lượng ngoại xâm. 2- Dự trữ thực phẩm, nước và những nhu yếu khác phòng khi bị vây hãm. 3- Có một quân đội tinh nhuệ và giữ kỹ luật tốt đủ hiệu quả bảo an quốc gia. 4- Tổ chức mật vụ để đoán trước mọi hoạt động của địch. Mahosadha đã tiến hành công tác tình báo bằng cách dùng hai người và thậm chí dùng chim để dọ thám tin tức. Về vấn đề này, Arthasastra và Ummagga Jataka hầu như theo cùng chiến lược. Nhưng có hai điểm khác biệt giữa chính trị Phật giáo và chính trị Hindu: a) Bất cứ điều gì được làm, dù trong thời chiến hay thời bình, lý thuyết chính trị Phật giáo luôn đượm yếu tố đạo đức trong hành động. Tại sao phải làm hành động này? Nó là vì để tự mãn hay tiêu khiển, hay để bảo an con người? Hay còn nhiều động cơ nào nữa, như lợi ích của số đông? b) Hành động chính trị gắn liền trí tuệ. Xây dựng thành lũy, tháp canh .v.v. củng cố địa thế, dự trữ thực phẩmv.v. Còn nước, phải tính ra sao? Ðây không là một vấn đề nhỏ, có thể cư dân trong thành thiếu nước sử dụng. Mahosadha nghĩ ra một 'mẹo'. Y tưởng tượng làm thế nào đối phó một khi quân địch ngăn việc tiếp nước vào thành và với sự nhìn xa trông rộng, y vạch phương sách tâm lý vượt qua khó khăn. Nếu muốn tìm một gương mẫu thực tiễn trong việc ứng dụng thuyết chính trị nhà Phật, người ta không thể chọn nhân vật điển hình nào tốt hơn vua Asoka ở Aán độ, một nhà nước hay một ông vua tu Phật nổ lực kiên tránh gây ra chiến tranh và bạo hành. Tuy nhiên, theo vua Asoka "nếu chẳng may họ bị dính líu chiến sự, họ nên vui thích giữ thái độ nhẫn nại và bày tỏ hòa hiếu đối với quân địch, luôn nhớ rằng chỉ có sự chinh phục bằng đạo lý mới là chính nghĩa vì lợi lạc hiện tại và mai hậu" (Rawlingson, "Asoka's own words", New Delhi, 1913, Page 26). Quốc gia nào theo Phật hay vị vua tu Phật nên thiết lập một tiêu chuẩn hành vi đức độ cho mình và mong đợi các cấp dưới noi gương. Vào mọi lúc, người cầm quyền sẵn sàng tư thế phục vụ nhân dân. "Dù ta đang ẩm thực, hay trong hậu cung, hay trên sàng nghỉ, đang du hành hay trong ngự uyển" Vua Asoka đã xuống chiếu chỉ như thế nhằm theo kịp yêu sách và nguyện vọng của nhân dân. Quan tâm đến bộ phận yếu kém trong vương quốc, vua Asoka tăng lực bộ máy chính trị giúp đỡ cho họ. "Những dân nghèo khó thất học bị chế độ tập cấp Hindu coi như thấp hèn hơn thú vật, và bị bạc đãi, khinh miệt. Nhưng trong mắt nhà vua nhân đức, tất cả con người là thân thuộc và, đặc biệt, vua ra lệnh đối xử tốt với dân bị tước tập cấp" (Tài liệu đã dẫn, Page. 30). Chính sách của vua Asoka triển khai không chỉ phục vụ con người mà cũng nhắm đến loài vật và cây cỏ. Các loại củ, quả, cây xanh che bóng mát và dược thảo được trồng khắp nơi . Việc chăm sóc, bảo vệ môi trường như đã nói trong Phật giáo có thể thấy qua các hoạt động của vua Asoka.Vua xuống chiếu chỉ cấm nhân dân không được đốt phá hay hủy hoại rừng, hạn chế giết thú bừa bãi. Ðường lối chính trị của vua Asoka tuy không đề cập Nirvana hay 'cá nhân' đạt an lạc tối hậu thoát khỏi tái sanh và đau khổ, nhưng rập khuôn thuyết chính trị Phật giáo dựa trên những lời dạy đạo đức của Phật Gotama. Vua thừa nhận tôn giáo nổ lực biến đổi đời sống con người tốt hơn ngay hiện tại và mai hậu, và nhìn các tôn giáo như thế với sự quý trọng và bao dung. Ðiều đó, lần nữa, làm chúng ta nhớ lại thái độ của đức Gotama nhìn những tôn giáo đương thời. "Ðức vua bày tỏ lòng quý trọng tất cả người theo đạo, dù họ là cư sĩ hay tu sĩ, bằng cách tặng quà, chào hỏi, và những hình thức trọng vọng khác. Các đạo giáo mang sắc thái tín ngưỡng dị biệt, nhưng ... Không nên tâng bốc tín ngưỡng mình hay chê bai tín ngưỡng người một cách vô lý. Chỉ nên chê bai khi đủ lý do. Tất cả tôn giáo đều đáng quý trọng vì lý do này hay lý do khác. Với lối hành xử như vậy, một người không những yên ổn theo tín ngưỡng của mình mà còn gieo thiện cảm trong các tín ngưỡng khác; ngược lại, khi ca ngợi và đề cao tín ngưỡng mình nhưng nhục mạ tín ngưỡng kẻ khác, thực tế, người ấy tạo tâm lý bất hòa trầm trọng nhất". Xét thuyết chính trị nhà Phật và qua những gương mẫu ứng dụng có thể thấy từ triều vua Asoka, cần rút ra một nguyên tắc chỉ đạo cho mọi phận sự và chức năng của nhà nước theo Phật: 1- Bước thứ nhất trong nguyên tắc chỉ đạo này là cần cung cấp "sự chăm sóc, trông nom, bảo vệ đến tất cả công dân, bao gồm người thuộc các loại ngành nghề, các tu sĩ và quân đội". Nên chiếu cố sự chăm sóc và bảo vệ đến cả loài thú vật (D. III, 61). Tất cả được đối xử với lòng khoan thứ, rộng lượng, thân thiện và tử tế. Còn 'trông nom' ám chỉ những biện pháp giúp nhân dân bảo vệ nhà cửa, quần áo.v.v. ngăn ngừa mất mát và các tai ương do thiên nhiên hay con người gây ra (tức là loại bảo hiểm nhà nước thực hiện khi quan tâm lợi ích của người dân). Người ta có thể triển khai thêm ý nghĩa này (căn bản trên các hoạt động chính trị của vua Asoka cũng như các vua Srilanka, xem CV. I, 128). Bao gồm các cơ quan làm công tác phúc lợi xã hội như chăm sóc người già, người bệnh. Tất cả tu sĩ, hay những ai theo tôn giáo (tức là sự khác biệt quan điểm) được tự do hoạt động đạo pháp; và thậm chí phải ban cho chim muông, gia súc cảm giác an toàn, thoải mái thoát khỏi mọi sợ hãi (abhaya-dana). 2- Thứ hai, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm rằng không có người nào sa lầy trong hoạt động bất chính. Phải giảm thiểu tội phạm đến mức zero. Ðể đạt mục đích này, phải quan tâm chu đáo các nhân tố (a) kinh tế, (b) xã hội, (c) tâm lý và xây dựng một hệ thống giáo dục hữu hiệu nhằm truyền trao những giá trị và thái độ đúng đắn trong nhân dân. 3- Nhà nước nên bảo đảm rằng không có tình trạng thất nghiệp hay đời sống công dân không gặp cảnh túng thiếu. Nhà nước năng động vận dụng mọi phương tiện giúp dân nghèo kiếm được tài sản, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phong phú để người dân có thể dễ dàng lựa chọn và hưởng thụ sản phẩm tiêu dùng như họ thích (dẫn từ DA III, 68 cf. K.N. Jayatilleke 1992, 85). 4- Nhà nước nên đặt mọi chính sách trên những nguyên tắc chánh trực và luôn hoạt động có sự tham khảo với các nhân sĩ trí thức và những nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm về lĩnh vực liên quan. (Trích từ dịch phẩm XÃ HỘI HỌC PHẬT GIÁO, Bùi Thanhàn-Tríquảng dịch xong 2001. Nguyên tác: BUDDHIST SOCIOLOGY, tác giả: Nandasena Ratnapala). -ooOoo- Chú thích: [1] Ở đây tác giả muốn nói đến năm loại hoạt động kinh tế sau: - Sản xuất và buôn bán vũ
khí Tài liệu tham khảo viết tắt:
-ooOoo- |
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 26-08-2002