BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Bảy giai đoạn thanh lọc

Bình Anson


 

Bảy giai đoạn thanh lọc tâm mà mỗi hành giả phải hành trì để khai phát tuệ giác được đề cập trong bài kinh 24, Trung Bộ kinh (Rathavinita Sutta, Kinh Bảy Trạm Xe) và trong bài kinh 34 của Trường Bộ kinh (Dasuttara Sutta, Kinh Thập Thượng). Ðây cũng là căn bản của bộ luận Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhimagga) do ngài Phật Âm (Buddhaghosa) viết ra: 3 chương đầu đề cập đến sự thanh lọc của giới đức (giai đoạn 1), chương 4 đến 13 là để hướng dẫn phần thanh lọc tâm qua hành thiền (giai đoạn 2), và các chương còn lại là để phát triển tuệ giác (giai đoạn 3 đến giai đoạn 7). Cách sắp xếp như thế cũng là để phản ảnh 3 nhóm tu học chính yếu của người con Phật để đoạn trừ phiền não (tam vô lậu học): Giới, Ðịnh, và Tuệ.

Ðể khai phát tuệ minh sát tiến đến giác ngộ Niết Bàn, người con Phật cần phải khai phát 16 tầng tuệ qua 7 giai đoạn thanh lọc. Ở đây chỉ xin liệt kê tóm tắt như sau:

1. Thanh lọc giới đức (Giới tịnh, Sìla-visuddhi).

2. Thanh lọc tâm (Tâm tịnh, Citta-visuddhi).

3. Thanh lọc quan kiến (Kiến tịnh, Ditthi-visuddhi).

Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:

(1) Tuệ phân tách danh sắc (Nàmarùpa-pariccheda-nàna)

4. Thanh lọc bằng cách khắc phục hoài nghi (Ðoạn nghi tịnh, Kankhàvitarana-visuddhi).

Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:

(2) Tuệ phân biện nhân duyên (Paccaya-pariggaha-nàna).

5. Thanh lọc bằng cách thấu hiểu và nhận thấy thế nào là Con Ðường, thế nào không phải là Con Ðường (Ðạo Phi-đạo tri kiến tịnh, Maggàmagga-nànadassana-visuddhi).

Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:

(3) Tuệ thấu đạt (Sammasana-nàna), còn gọi là Thẩm sát tuệ.

6. Thanh lọc bằng cách thấu hiểu và nhận thấy Con Ðường (Ðạo tri kiến tịnh, Patipadà-nànadassana-visuddhi).

Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:

(4) Tuệ quán chiếu sanh diệt (Udayabbayànupassanà-nàna)

(5) Tuệ quán chiếu sự diệt (Bhangànupassanà-nàna), còn gọi là Hoại tán tuệ

(6) Tuệ phát hiện kinh sợ (Bhayupatthàna-nàna), còn gọi là Kinh úy tuệ

(7) Tuệ quán chiếu hiểm họa (Adìnavànupassanà-nàna), còn gọi là Nguy hại tuệ

(8) Tuệ quán chiếu sự chán nản (Nibbidànupassanà-nàna), còn gọi là Yếm ố tuệ

(9) Tuệ muốn giải thoát (Muncitukamyatà-nàna), còn gọi là Cầu thoát tuệ

(10) Tuệ quán chiếu sự suy tư (Patisankhànupassanà-nàna), còn gọi là Trạch sát tuệ

(11) Tuệ xả về các hành (Sankhàrupekkhà-nàna), còn gọi là Hành xả tuệ

(12) Tuệ thuận thứ (Saccànulomika-nàna)

7. Thanh lọc bằng cách thấu hiểu và nhận thấy (Tri kiến tịnh, Nànadassana-visuddhi).

Sau giai đoạn nầy, hành giả phát triển được:

(13) Tuệ chuyển tánh (Gotrabhù-nàna)

(14) Ðạo tuệ (Magga-nàna)

(15) Quả tuệ (Phala-nàna)

(16) Tuệ ôn lại (Paccavekkhana-nàna), còn gọi là Phản khán tuệ

Ðể biết thêm chi tiết, quý đạo hữu có thể tìm đọc các tài liệu sau:

1. Nànàràma Mahathera, "The Seven Stages of Purification", Buddhist Publication Society, Sri Lanka (Bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc, Phạm Kim Khánh dịch Việt).

2. Buddhaghosa, "The Path of Purification - Visuddhi Magga", translated by Bhikkhu Nànamoli, Buddhist Publication Society, Sri Lanka (Thanh Tịnh Ðạo, Ni sư Trí Hải dịch Việt).

3. Sayadaw U Janakàbhivamsa, "Vipassana Meditation", Selangor Buddhist Meditation Society, Malaysia.

4. Asabha Thera, "Thiền học Nguyên thủy", Sa di Giác Nguyên dịch Việt, Sài Gòn, 1998.

-oOo-

Bình Anson,
Perth, Western Australia
28 tháng 2, 1999


[Trở về trang Thư Mục]