BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Bốn quả Thánh

Bình Anson


 

Trong kinh điển thường đề cập đến bốn quả vị mà người con Phật phải nhắm đến trên đường giải thoát đưa đến Niết Bàn. Các quả vị nầy được xem như là các dấu mốc - hoặc các chặng đường - trên hành trình thanh lọc tâm ý, tiêu diệt các nhiễm ô ngủ ngầm trong tâm, vốn thường được gọi là mười kiết sử hay thằng thúc (samyojana), trói buộc chúng sinh vào vòng luân hồi. Bốn quả vị đó là:

- Dự lưu (Sotapanna, Tu-đà-hoàn)
- Nhất lai (Sakadagami, Tư-đà-hàm)
- Bất lai (Anagami, A-na-hàm)
- A-la-hán (Arahat, còn gọi là Vô sinh, ứng cúng)

Người đạt quả Dự lưu là người đã phá bỏ ba kiết sử đầu tiên: thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ. Người nầy được xem như là một người đã nhập vào dòng giải thoát, tùy theo hạnh nghiệp và tinh tấn mà chỉ tái sinh làm người hoặc cõi trời tối đa là bảy lần. Người nầy còn được gọi là đã mở "Pháp nhãn" vì người ấy đã bắt đầu có thanh tịnh về quan kiến, đã trực nhận rõ ràng Chánh Pháp của Ðức Phật. Người đó không còn xem mình như là một bản thể riêng biệt và thường tồn, kể cả hình sắc và tâm thức. Người đó không còn một chút nghi ngờ nào về sự hiện hữu và lợi ích của Tam Bảo: không còn hoài nghi về sự giác ngộ của Ðức Phật, về con đường mà Ðức Phật đã vạch ra để đi đến giác ngộ, và về những đệ tử của Ngài đã đi theo con đường ấy và đã đạt được sự giải thoát tối hậu. Người ấy cũng không còn có ảo tưởng rằng Niết Bàn có thể đạt được bằng cách ép mình vào các hình thức lễ nghi phiến diện hay các điều lệ ước định nào đó.

Có người thường hiểu lầm về chữ "hoài nghi" dùng ở đây. Tiếng Pali là "vicikiccha". Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) luận rằng Vicikiccha phải hiểu là một thái độ cuồng tín mù quáng, không sẵn sàng tra vấn, học hỏi. Do đó cần phải trừ khử kiết sử nầy. Ðức Phật khuyến khích chúng ta phải biết suy tư, luận giải và chứng nghiệm, vì Pháp là "mời mọi người đến xem xét" (ehipassika). Ðể rồi chúng ta thấy, biết rõ ràng sự ích lợi của Phật Pháp cho con đường hành trì của ta, và từ đó, ta có một niềm tin vững chắc vào Tam Bảo, không còn thắc mắc, phân vân, hay do dự gì nữa.

Chữ "giới cấm thủ" (silabataparamasa) cũng thường bị hiểu lầm. Trừ khử "giới cấm thủ" không có nghĩa là một thái độ buông lơi, phóng túng, dễ duôi, không giữ gìn giới hạnh. Trái lại, nó có nghĩa là một thái độ minh triết, xem giới luật như là một phương tiện tốt, cần thiết để luyện tâm, nhưng lại không mù quáng, không quá lệ thuộc vào các hình thức giáo điều. Một người không còn giới cấm thủ là một người lúc nào cũng có giới đức trong sạch, nhưng sống thảnh thơi trong giới luật đạo hạnh, không còn coi đó là một gánh nặng trên con đường hành trì của mình.

Trong giai đoạn kế tiếp, khi sự tham dục (tham đắm vào dục giới) và sân hận được trừ khử một cách đáng kể thì người đó đắc quả Nhất lai, nghĩa là có thể còn tái sinh làm người hoặc trong cõi trời dục giới một lần nữa. Khi hai kiết sử tham dục và sân hận được loại bỏ hoàn toàn, thì người ấy vào quả Bất lai, nghĩa là không còn tái sanh vào cõi dục giới nầy nữa.

Người ấy tiếp tục hành trì thanh lọc tâm ý, và tinh tấn trừ khử năm kiết sử còn lại: tham đắm vào cõi sắc, tham đắm vào cõi vô sắc, trạo cử vi tế, mạn, và si vi tế. Ở đây tham đắm vào cõi sắc và cõi vô sắc là sự tham đắm vào bốn tầng thiền-na hữu sắc và bốn tầng thiền-na vô sắc. "Trạo cử vi tế" là trạng thái vẫn còn một vài giao động nhỏ trước trần cảnh, "mạn" (mana) là các ý tưởng so sánh, và "si vi tế" là một vài dấu vết vô minh ngăn che còn sót lại.

Ðến lúc đó, người ấy đã phá tung tất cả mười sợi dây trói buộc, trừ khử mười loại kiết sử ô nhiễm, lậu hoặc đã đoạn tận, tuệ giác khai mở, không còn tạo nghiệp, không còn phải tái sinh luân hồi nữa. Nói một cách khác, như đã mô tả trong Trung Bộ Kinh, bài kinh số 1 (Kinh Pháp Môn Căn Bản), đối với người ấy: "các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đạt chánh trí giải thoát". Người ấy trở thành bậc A-la-hán, đắc đạo quả Niết Bàn, giải thoát rốt ráo tối hậu.

Bình Anson,
Perth, Western Australia
Tháng 11, 1998


[Trở về trang Thư Mục]