Buddhasasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chánh Niệm Tỉnh Giác

Nhựt Chiếu



Nếu nhìn dưới góc độ đối trị thì giáo lý của đạo Phật được xem như lương dược, cho nên Ðức Phật được tôn xưng là bậc Ðại Y Vương, nghĩa là ông vua thầy thuốc đại tài chuyên trị tâm bệnh cho con người. Bởi vì dưới tri kiến của Phật, tất cả mọi người đều có bệnh, do đó mọi người phải uống thuốc của Phật mới lành. Những căn bệnh cố hữu của con người được đức Phật đề cập đến là: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến và tà kiến. Ðó là mười thứ bệnh gọi là căn bản phiền não, chúng sai sử loài hữu tình làm điều phi đạo phi pháp; để rồi đưa dần đến khổ đau. Ðể đối trị những tâm bệnh này, đức Phật dùng nhiều phương dược thần hiệu, trong đó Chánh niệm là chi phần thứ bảy trong Bát chánh đạo, lại là phần Ðịnh trong Tam vô lậu học: Giới Ðịnh Tuệ. Chánh niệm được xem như ngọn đèn có khả năng soi sáng tâm ý, lời nói, việc làm của mình, đồng thời lựa chọn tâm ý tốt lành, lời nói lành, việc làm thiện để nuôi dưỡng, duy trì và phát triển, còn tâm ý xấu xa, lời nói tà vạy, việc làm bất lương thì loại trừ. Nhưng khi chánh niệm thường hiện hữu thì việc làm của nó trở nên nhẹ nhàng, vì bấy giờ khả năng tỉnh giác cũng sáng tỏ, khi ý khởi nghĩ điều sai lầm thì liền bị dập tắt mà không còn cơ hội phát ra lời nói hay việc làm. Như thế, nhờ Chánh niệm mà đưa đến sự tỉnh giác; nhờ sự tỉnh giác mà mọi mê mờ, ám muội, tà niệm, vọng tưởng được tảo trừ.

Thực ra việc tu hành trong đạo Phật có nhiều pháp môn, nhưng chỉ riêng môn Chánh niệm, nếu được tu tập một cách thuần thục viên mãn thì cũng hóa giải được những căn bản phiền não, những triền phược khổ đau và đem lại sự an lạc hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại. Vậy Chánh niệm là gì? Chúng ta phải áp dụng trong đời sống tu tập ra sao? Tại sao chúng ta phải Chánh niệm tỉnh giác? Phật tử phải làm gì để nuôi dưỡng và duy trì Chánh niệm?

1. Ðịnh nghĩa Chánh niệm

Trong đạo Nho có câu: "Tư vô tà", nghĩa là không nên suy nghĩ, nhớ tưởng đến việc bất chánh. Vì tư tưởng là mẹ đẻ của hành động, nếu nghĩ và duyên theo điều tà việc ác thì hành động sẽ xấu xa bất thiện. Cho nên muốn có một đời sống trong sạch, đạo đức hiền lương phải nghĩ đến điều thiện luôn luôn. Về phương diện luân lý, đạo Phật cũng dùng giới luật để giúp người ta ở trong khuôn khổ của phạm hạnh. Nhưng về phương diện tu luyện, đaọ Phật tiến xa hơn, nghĩa là nhờ phương tiện giữ giới mà tiến đến Ðịnh và Tuệ. Trong quá trình này, Chánh niệm giữ một vai trò rất quan trọng; Chánh niệm không những có khả năng ngăn dẹp tà niệm, không cho phát ra lời nói ác và việc làm ác, còn có năng lực tịnh hóa tâm thức, để đưa đến tuệ giác.

Chánh niệm thường được định nghĩa là tưởng niệm chơn chánh, hay ghi nhớ những điều chơn thật, những đạo lý cao siêu, những điều có lợi ích thiết thực cho mình và người. Chánh niệm là nhớ đến những lỗi lầm của mình để sám hối, suy niệm về bốn trọng ân để đáp đền, nhớ đến giới pháp đã thọ để huân tu, quán xét để thấy cuộc đời là biển khổ mà khởi lòng thương và ra tay cứu độ. Ðây là một pháp môn tu tập rất nhiệm mầu, là ý thức sáng tỏ về sự sống của chính bản thân mình, qua đó thanh lọc những ý niệm xấu ác, chấm dứt những dong duổi của tâm ý về quá khứ và tương lai, mà ý thức ngay trong giờ phút hiện tại. Trong kinh điển Nam truyền thường mô tả trạng thái này qua hình ảnh một vị Tỳ kheo ngồi để niệm trước mặt -- "Chánh niệm tỉnh giác dứt bỏ tham ưu ở đời". Như vậy Chánh niệm tỉnh giác là dùng đèn tâm thắp sáng hiện hữu, nghĩa là khi đối duyên xúc cảnh hay đối diện với tâm ý của mình đều sáng suốt định tĩnh, không cho các phiền não như tham, sân, si chi phối, xâm chiếm, sai sử. Chánh niệm tỉnh giác được thể hiện trong đời sống qua bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Nhưng trong khi ngồi với tư thế tĩnh tọa, Chánh niệm được duy trì một cách vững chãi nhất. Câu chuyện sau đây mà đức Phật và vị lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo cho chúng ta một ý niệm chân xác chính thống về chánh niệm:

Vị ngoại đạo hỏi Ðức Phật: "Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của đạo Phật thế nào? Các Ngài làm gì mỗi ngày? ".

Ðức Phật đáp: "Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ ..."

Vị ngoại đạo hỏi lại:"Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu? Ai lại không đi,đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ? "

Ðức Phật đáp: "Ðặc biệt lắm chứ thưa ngài. Khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ thì chúng tôi biết là chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ. Còn khi những người khác đi đứng, nằm, ngồi ... thì họ không ý thức được họ đang đi, đứng, nằm, ngồi ..."

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy cũng là những động tác đi, đứng, nằm, ngồi ... mà với người có ý thức khác với người không ý thức. Từ đó, kết quả của những hành động ấy mang lại cũng khác nhau.

2. Nội dung và phương pháp chánh niệm

Nếu nói một cách bao quát thì Chánh niệm lại thuộc phần Ðạo đế trong Tứ diệu đế. Ở phạm vi nầy có được triển khai trong nhiều pháp môn. Như Tứ niệm xứ; niệm căn, niệm lực trong ngũ căn, ngũ lực; niệm trong thất giác chi. Ngoài ra còn có mặt trong niệm thí, niệm giới, niệm thiện ... Như vậy Chánh niệm là pháp môn phổ biến thực dụng trong Ðạo Phật. Chúng ta có thể dùng Chánh niệm để tiếp xúc với những hạt giống trong kho tàng tâm thức của mình, theo dõi đường đi nẻo về của tâm ý, dẫn đường cho tác ý đối với thế gian bên ngoài.

- Dùng Chánh niệm tiếp xúc và tưới tẩm những hạt giống tốt trong tâm thức
Ðức Phật cho chúng ta biết trong Tàng thức của con người có đủ các loại hạt giống: Có hạt giống thù hận cũng có hạt giống yêu thương, có hạt giống khổ đau cũng có hạt giống hạnh phúc, có hạt giống si mê cũng có hạt giống trí tuệ ... Cho nên chúng ta dùng Chánh niệm để nhận diện, tiếp xúc và nuôi dưỡng những hạt giống của niềm vui, của hạnh phúc, của từ bi, của trí tuệ, của Niết bàn ... Chúng ta cũng như người làm vườn phải biết chọn giống mà gieo trồng và tưới tẩm để vườn tâm trổ toàn hoa thơm quả ngọt.

-Dùng Chánh niệm để theo dõi đường đi nẻo về của tâm ý
Ðaọ Phật thường ví tâm như con khỉ, ý như con ngựa luôn chạy nhảy lăng xăng. Tâm có thể đưa ta đến một thế giới đầy khổ đau hệ lụy, ý có thể dẫn ta vào ngục thẳm A tỳ. Do đó, chúng ta phải thắp sáng ngọn đèn Chánh niệm để không đi lầm vào những nơi đầy hiểm nạn ấy. Thí dụ, khi nghe một câu chuyện, thấy một sự kiện thì ta liền tác ý; nếu có Chánh niệm thì ta liền nhận diện tác ý đó là thiện hay là bất thiện. Nếu tác ý đó tốt thì ta nuôi dưỡng, xấu thì ta buông bỏ. Do đó, Chánh niệm có khả năng soi sáng cho nẻo đi đường về của tâm ý. Khi chúng ta nuôi dưỡng, duy trì những ý niệm thiện lành, trong sáng an lạc, thì lời nói, việc làm của chúng ta cũng thiện lành, an lạc thanh tịnh; chúng sẽ đem lại lợi ích, an lành hạnh phúc cho mình và mọi nguời xung quanh.

-Dùng Chánh niệm quán chiếu hành động của thân thể
Bất cứ một cái nhìn, một cái vung tay, một động tác đứng dậy, ngồi xuống, mặc áo, ăn cơm, don bàn ...đều biểu lộ cái tư duy, cái vui, cái buồn, cái giận, cái thương, cái chánh niệm hay vọng niệm của chính mình. Khi Chánh niệm có mặt thì ta biết mình đang nghĩ gì, làm gì, tâm ở trạng thái nào, tức ta biết được tâm. Nếu tâm tham khởi, sân khởi, si khởi, ta sẽ nhận ra và điều phục được. Như thế có Chánh niệm mới quán chiếu được tâm qua hành động của thân và kịp thời ngăn chặn những hành động có hại.

- Chánh niệm giúp ta sống một cách sâu sắc khôn ngoan
Chánh niệm có khả năng nhìn sâu tận gốc rễ của những đối tượng quán chiếu, nghĩa là tất cả những gì đang xảy ra chung quanh mình; Chánh niệm giúp chúng ta sống an lạc ngay trong giờ phút hiện tại. Ví dụ khi thức vào buổi sáng, ta tự nói với mình rằng đây là một ngày mới, ta phải sống hạnh phúc trọn vẹn một ngày. Ðừng để những tên giặc phiền não như sân giận, thù ghét, hấp tấp đến quấy phá. Nhưng mới tập tu và đời sống hiện nay quá phức tạp, rộn ràng nên chúng ta dễ bị buồn phiền bực bội. Những khi ấy nên tự nhủ và đánh thức: "Ta đang bị phiền não thống trị, nhưng ta đang sống theo hạnh của Ðức Phật, vững chắc như một núi đá. Tại sao lại để cho những con mọt phiền muộn đục khoét đời mình". Nhờ tự đánh thức và khích lệ như vậy mà ta sẽ thoát ra được cơn buồn chán.

Phương pháp Chánh niệm cũng là pháp môn phản quan tự kỷ, nghĩa là nhìn lại chính bản thân mình, để thấy mình đang nghĩ gì, đang nói gì, đang làm gì, đó là cách đưa mình về Chánh niệm.

3. Chánh niệm tỉnh giác là nhu yếu trong thời hiện đại

Chánh niệm là phương pháp tu tập căn bản, cốt lõi của Ðạo Phật, là điểm khởi hành hết sức thiết yếu trên đường tu tập. Chính nó là nền tảng đem lại an lạc hạnh phúc cho minh và cho người, bởi vì sống mà không biết mình sống thì chẳng khác gì như chết; đó là tình trạng vô tâm mà người xưa bảo là "sống say chết mộng". Nhìn lại đời sống hàng ngày, chúng ta thấy mình sống trong quên lãng, thất niệm quá nhiều, chính chúng ta tự đánh mất mình trong những thời gian ấy mà không hay biết. Sở dĩ tình trạng vong thân mà hiện nay là một lối sống phổ biến, một phần do chúng ta thiếu tu tỉnh, phần khác do áp lực của xã hội. Chính lối sống chụp giựt vội vàng, đấu tranh kiên cố, mạnh được yếu thua làm cho con người vọng ngoại, điên đảo, tán động, thác loạn và phát sinh nhiều tâm bệnh. Chính lối sống xô bồ thiếu đạo đức, vô ý thức và thiếu trách nhiệm là nguyên nhân của khổ đau loạn lạc chiến tranh. Con người bị hoàn cảnh chi phối, bị xã hội khuôn dúc, bị tham dục sai sử, bị sân si xâm chiếm, bị phân tán, bị rối loạn, nên không thể trở về con người nguyên vẹn của chính mình.

Vì không ý thức sáng tỏ giờ phút hiện tại mình đang nghĩ gì, nói gì, làm gì, vì không thấy hạnh phúc của kẻ khác chính là hạnh phúc của mình, mà tạo ra biết bao ngăn cách, xung đột, nói chung đã gây đau khổ cho nhau. Do đó, Chánh niệm tỉnh giác là lương dược cần thiết cho con bệnh của thời đại. Nó có khả năng chuyển hướng tâm niệm cuồng vọng điên đảo, ngăn chặn lối sống xô bồ, thác loạn, đưa con người trở lại nhân phẩm của mình.

Khi đã bừng tỉnh tức ngọn đèn Chánh niệm được thắp lên thì bóng tối của vô tâm, của vọng niệm được đẩy lùi, áp lực của xã hội, của hoàn cảnh cũng không còn chỗ đứng. Khi ý thức thắp sáng thì lương tri cũng thắp sáng, đường đi nẻo về của thân, khẩu, ý cũng được thắp sáng. Bấy giờ con người chân thật của mình được phục hồi, sự thấy biết trở nên công bình chính trực, tâm linh được tập trung và phát triển. Nhờ đó mối quan hệ của mình và người được cải thiện, khi xúc duyên đối cảnh ý thức sáng tỏ minh bạch, cư xử nói năng hợp thời đúng lúc, thấu lý, đạt tình; nói chung là xử kỷ tiếp vật phù hợp với đạo lý, từ đó niềm an lạc và hạnh phúc phát sinh. Ðó là lý do tại sao chúng ta cần tu tập Chánh niệm.

4. Hai câu chuyện: kết quả của chánh niệm và hậu quả của thất niệm

-- Ngày xưa có một vị Tỳ kheo cư trú bên một bờ ao. Vào một đêm nọ trời trong trăng tỏ, vị Tỳ kheo thấy một con rùa từ dưới ao bò lên. Bỗng đâu có một con chó rừng (dã can) xuất hiện. Thấy mồi, chó vội vàng chạy lại táp vào chân rùa, rùa liền thụt chân vào, chó cắn vào đầu, rùa vội thụt đầu vào. Cả đầu, bốn chân và đuôi là sáu phần đều thụt vào mai một cách an toàn. Con chó rừng cắn mãi vào thân rùa, lật qua lật lại mà con rùa khong hề hấn gì cả. Cuối cùng chó mệt nhoài và đành bỏ đi.

Thấy vậy, vị Tỳ kheo liền giác tỉnh bảo rằng việc tu hành của mình cũng như rùa thụt đầu vậy; nghĩa là phải biết thủ hộ các căn. Từ đó về sau vị Tỳ kheo này rất tinh tấn tu hành, hộ trì sáu căn rất cẩn mật khi tiếp xúc với sáu trần, và chẳng bao lâu đắc quả A la hán.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy vị Tỳ kheo này nhờ an trú trong Chánh niệm đã lâu nên ý thức được sáng tỏ, vì vậy khi gặp sự cố nói trên liền giác tỉnh và vận dụng vào công phu tu tập của mình. Còn đối với người thiếu tỉnh thức hay vô tâm, thì dù gặp cảnh nói trên hàng trăm lần đi nữa cũng không giúp mình tiến bộ. Ðây rõ ràng là kết quả của sự Chánh niệm tỉnh giác đưa lại.

-- Trước mùa an cư thứ 10 của Ðức Phật, ở tu viện Ghosira (Cù Sư La) thuộc xứ Kosambi (Cự Thượng Di) đã xảy ra một vụ tranh chấp nghiêm trọng giữa chúng Tăng mà nguyên nhân thật nhỏ bé. Số là vị Kinh sư vì vô ý đã không đổ nước trong chậu ở nhà cầu sau khi tẩy tịnh. Khi vị Luật sư vào thấy hỏi: " Có phải Ðại đức để nước trong phòng vệ sinh không?" Vị Kinh sư xác nhận" "Phải". Vị Luật sư bảo việc đó phạm luật. Vị Kinh sư nói mình không biết và xin sám hối. Nhưng vị Luật sư cho rằng vì không biết và không tác ý khi làm thì vô tội. Nếu sự việc chỉ có thế thì không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng rủi thay, sau đó vị Luật sư đem việc này nói với đệ tử của mình rằng ông Pháp sư kia phạm luật. Khi tin ấy được truyền ra, học trò của vị Pháp sư nghe được, học lại với thầy mình, vị Pháp sư nói: "Ông Luật sư kia nói dối. Trước đã bảo ta vô tội, nay lại nói ta phạm tội". Từ đó học trò hai bên lời qua tiếng lại, ai cũng bênh vực thầy mình. Cuộc tranh chấp vì thế nổ tung: bên này nói bên kia là vu khống, bên kia nói bên này vọng ngữ. Bấy giờ hai vị thầy đứng đầu hai phía không còn bình tĩnh và sáng suốt nữa. Vị Luật sư tuyên bố giữa đại chúng rằng vị Kinh sư phạm giới và nếu không sám hối thì không được tham dự tụng giới vào mỗi nửa tháng. Vị Kinh sư đã bất chấp lời tuyên bố ấy ... Chính Ðức Phật đã đến tận nơi dàn xếp.

5. Phong cách của người Chánh niệm - Thái độ của kẻ Vọng niệm

Một vị thầy thuốc giỏi, trước nhất ông ta tự biết mình có bệnh hay không, và khi khám bệnh cho người khác thì vẫn áp dụng trình tự: Vọng, văn, vấn, thiết -- nghĩa là Nghe, nhìn, hỏi và bắt mạch. Nếu là vị lương y đại tài, ông ta chỉ cần nhìn bệnh nhân cũng biết được chứng bệnh mà không sợ nhầm lẫn. Một hành giả trụ trong Chánh niệm lâu ngày, ông ta nhìn hành vi thái cử của người khác sẽ thấy được người dó có Chánh niệm hay không. Người có Chánh niệm dù làm bất cứ một việc gì cũng thong thả, chủ động, ý tứ, ngăn nắp và được hướng dẫn bởi tư tưởng chơn chánh lợi tha. Do đó họ có một phong cách nhẹ nhàng, tế nhị, thanh thoát gọi là thiền vị. Khi nói năng tiếp xử, họ nói một cách từ tốn thành thật, không làm thương tổn đến danh dự của người khác. Khi nhận vật gì của ai, họ thấy cả tấm lòng tốt của người ấy mà không khởi niệm tham lam vọng cầu; nếu là tặng vật gởi cho người khác thì không bao giờ có ý chiếm dụng. Nhờ có Chánh niệm mà tâm được định tĩnh an tường và bầu khí xung quanh họ cũng tươi mát trong lành, khiến mọi người cảm thấy dễ chịu. Ðây là một sự thật rất tế nhị, một cung cách hoàn thiện do Chánh niệm tỉnh giác mang lại mà ít người lưu tâm thực hiện.

Trái lại, một nguời sống thiếu Chánh niệm mà đầy vọng tưởng Tà niệm thì việc làm của họ sơ suất, cẩu thả mà cầu cao, lời nói của họ huênh hoang tự đắc, ngạo mạn mà thiếu trung thực hay thiên lệch làm cho người khác chán ghét lánh xa. Vì lời nói, hành động, suy nghĩ của họ được điều động bởi lòng tham dục, tính tự cao và thiếu ý thức minh chánh. Một thiền sinh vô ý đóng cửa đánh sầm một cái, một Tăng hay Ni sinh để tâm ý đi rong trong giờ học, một người bán hàng cự nự khách trả rẻ, một người nhận tặng vật mà không biểu lộ lòng biết ơn, thấy người khác làm việc lành mà không tùy hỷ, nghe người ta thành công mà sinh lòng ganh ghét, được người xin giúp đỡ mà không đoái hoài v.v. tất cả những biểu hiện ấy đều là trạng thái thất niệm, vô tâm. Khi Chánh niệm không hiện hữu thì tà tư vọng tưởng xâm chiếm, lúc đó đương sự chỉ biết nghe theo tiếng gọi của lòng tham dục và nhiều thói hư tật xấu khác. Từ đó mất sự an lạc của nội tâm và bao nhiêu cảnh bất tường hiện dến.

6. Phương cách nuôi dưỡng và duy trì Chánh niệm

Thấy được lợi ích thiết thực của Chánh niệm tỉnh giác và tai hại của tà niệm vọng tưởng, chúng ta phải tu tập Chánh niệm và loại trừ vọng niệm. Có nhiều cách nuôi dưỡng Chánh niệm được trình bày trong giáo lý Ðạo Phật, chúng ta nên tham khảo học hỏi và hành trì. Làm cho Chánh niệm hiện hữu trong đời sống là công trình tu dưỡng trọn đời của người tu qua bốn oai nghi - đi, đứng, nằm, ngồi. Sau đây là vài phương cách giúp hành giả huân tu Chánh niệm:

- Khởi tư tưởng chánh đi kèm theo hành động
Trong Thiền môn Trung hoa, Thiền Sư Ðộc Thể đã soạn sách "Tỳ ni nhựt dụng thiết yếu" để hướng dẫn thực tập Chánh niệm theo lối này. Mục đích là duy trì Chánh niệm để an trú trong giò phút hiện tại. Ví dụ: Khi rửa mặt, khởi một tư tưởng đi đoi với hành động qua bài thi kệ: "Lấy nước rửa mặt, cầu cho chúng sanh, được pháp thanh tịnh, hết hẳn dơ bẩn". Ðây là hành trì của người xuất gia, nhưng người tại gia vẫn vận dụng được.

-Theo dõi hơi thở
Ðời sống theo từng hơi thở, do đó chúng ta phải lưu tâm đến nó, chăm sóc nó. Biết sử dụng hơi thở để điều hòa thân tâm là bí quyết của sự tu hành. Cách đếm hơi thở khi tĩnh tọa là phương pháp tu tập đối trị tâm tán loạn được phổ biến ngay từ thời Ðức Phật cho đến ngày nay. Ngoài ra khi cần tạo ra sinh khí, định lực và giúp mình quay về Chánh niệm, chúng ta nên thở nhẹ nhàng có ý thức, mỗi hơi thở đi theo một câu kệ như sau: "Thở vào tâm tĩnh lặng, Thở ra miệng mỉm cười, hăm bốn giờ Chánh niệm, một ngày đẹp tuyệt vời". Khi thực tập như thế, tâm thần phấn chấn sảng khoái và Chánh niệm được thiết lập.

- Niệm Phật tại tâm
Ðây là pháp môn phổ biến trong thời hiện đại, nhất là đối với người tu theo Tịnh độ giáo. Người niệm Phật trong tâm, không cần niệm ra tiếng, không luận đi đứng, nằm, ngồi, sẽ làm cho tâm khỏi vọng tưởng, thất niệm; hơn nữa nhờ tín lực được Phật gia hộ, được gần gũi hình ảnh của Phật mà hành giả cảm thấy an lạc; không nghĩ đến chuyện bất chánh. Do đó tâm thức thanh bạch, sáng tỏ, tỉnh giác.

- Dùng chữ Chánh niệm để nhắc nhở
Viết chữ Chánh niệm lớn và đẹp treo trong nhà, nơi mọi người thường gặp mặt nhau hay trong phòng cá nhân, hàng ngày nhìn vào đó mà nhắc mình Chánh niệm tỉnh giác. Nhất là khi có vấn đề, lá bùa "Chánh niệm" sẽ giúp họ vượt qua khó khăn sóng gió mà trở về với Chánh niệm.

Từ những phân tích trên, chúng ta thấy tu tập Chánh niệm giúp thân, khẩu, ý trong sạch, không tạo nghiệp ác, không phạm lỗi lầm. Do đó, nó cũng như phần Giới trong Tam vô lậu học: Giới, Ðịnh, Tuệ, nhờ Chánh niệm tỉnh giác mà tạo nên Ðịnh lực và đưa đến Tuệ giác. Nhưng Chánh niệm khác với giữ giới ở chỗ nó là phương pháp cần thiết để đạt đến trí tuệ, chớ không có ý niệm tội phước như khi giữ gìn giới cấm.

Chánh niệm tỉnh giác là một thực tại nhiệm màu, là nền tảng của an lạc, hạnh phúc. Nếu biết dừng lại và quay về với chính mình thì đời sống sẽ có ý nghĩa, có đạo đức, vượt thoát những áp lực của xã hội, nhận thức được những gì đúng sai, tránh được những điều bất thiện, chữa lành những căn bệnh của thời đại, làm vơi đi nỗi thống khổ, làm tăng trưởng lòng từ bi. Chánh niệm giúp cá nhân có một phong cách điềm đạm, thanh thoát thiền vị, có một đời sống minh triết, an lạc hạnh phúc, vì người; do đó góp phần làm xã hội tốt đẹp thuần lương, tiến bộ.

Vậy Phật tử chúng ta muốn xây dựng cuộc sống tịnh lạc Niết Bàn ngay trên nhân gian này, phải tu tập Chánh niệm, và xem Chánh niệm tỉnh giác là pháp môn căn bản hàng đầu trên đường giải thoát.

Nhựt Chiếu
Sài Gòn, 1997