BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Kinh Bất Ðộng Lợi Ích
Ananjasappayasuttam

(Trung Bộ, Kinh số 106)

HT Thích Minh Châu dịch

[1]


 

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Kuru (Câu Lâu). Kammassadhamma (Kiềm Ma Sát Ðàm) là thị trấn của dân chúng Kuru. Tại đấy Thế Tôn gọi các Tỷ Kheo: Này các Tỷ Kheo! Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các Tỷ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ Kheo, các dục là vô thường, trống rỗng [2], giả dối, thuộc ngu si tánh. Này các Tỷ Kheo đây là lời chào xáo của kẻ ngu xây dựng trên giả dối. Các dục hiện tại [3] và các dục tương lai [4], các dục tưởng hiện tại và các dục tưởng tương lai, cả hai [5] đều thuộc lảnh vực của Ma, là cảnh giới của Ma, là chổ dinh dưởng của Ma, là chổ ăn uống của Ma.Ở đây, các bất thiện ý này dẫn đến tham dục, sân hận, khích động, và chính những pháp ấy tác thành chướng ngại ở đây cho Thánh đệ tử học tập.

Ở đây, này các Tỷ Kheo: Vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: Các dục hiện tại và các dục tương lai [6] ... cho Thánh đệ tử học tập. Vậy ta hảy an trú với tâm quảng đại, đại hành, và sau khi chiến thắng thế giới [7], sau khi xác định được vị trí của ý [8]. Khi ta an trú với tâm quảng đại, đại hành chiến thắng thế giới, xác định vị trí của ý, các bất thiện ý: tham dục, sân hận, khích động sẽ không nổi lên; các pháp ấy được đoạn trừ, tâm của ta [9] không trở thành hạn hẹp, trái lại thành vô lượng [10] khéo tu tập [11]. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ [12](của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu bất động ngay hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ [13]. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diển tiến ấy [14](samvattanikam vinnanam) có thể tùy theo đây đạt đến Bất Ðộng. Như vậy này các Tỷ Kheo, được gọi là Ðệ Nhất Hành Ðạo Về Lợi Ích Bất Ðộng.

Lại nữa này các Tỷ Kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau [15]: Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, và phàm bất cứ sắc pháp gì, là bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó), Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu bất động ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ [16] . Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diển tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Bất Ðộng. Như vậy này các Tỷ Kheo, được gọi là Ðệ Nhị Hành Ðạo Về Lợi Ích Bất Ðộng.

Lại nữa này các Tỷ Kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau [17]: Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những sắc tưởng hiện tại và những sắc tưởng tương lai, cả hai đều vô thường. Cái gì vô thường không đáng để được hoan hỷ, không đáng để được hoan nghênh, không đáng được chắp trước. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó), Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu [18] Bất Ðộng ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diển tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Bất Ðộng. Như vậy này các Tỷ Kheo, được gọi là Ðệ Tam Hành Ðạo Về Lợi Ích Bất Ðộng.

Lại nữa này các Tỷ Kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau [19]: Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những sắc tưởng hiện tại và những sắc tưởng tương lai, và những bất động tưởng, tất cả tưởng, chổ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu tức là vô sở hữu. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô Sở Hữu Xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diển tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô Sở Hữu Xứ. Như vậy này các Tỷ Kheo, được gọi là Ðệ Nhất Hành Ðạo Về Lợi Ích Vô Sở Hữu Xứ.

Lại nữa này các Tỷ Kheo, Thánh đệ tử đi đến ngoài rừng hay đi đến dưới gốc cây và suy nghĩ nhu sau [20]: Trống không là tự ngã hay ngã này sở hữu [21]. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô Sở Hữu Xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diển tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô Sở Hữu Xứ. Như vậy này các Tỷ Kheo, được gọi là Ðệ Nhị Hành Ðạo Về Lợi Ích Vô Sở Hữu Xứ.

Lại nữa này các Tỷ Kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau [22]: Ta không có bất cứ chổ nào, cho ai và trong hình thức nào, và sớ thuộc của ta không có bất cứ chổ nào, (cho ai) và trong hình thức nào. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô Sở Hữu Xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diển tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô Sở Hữu Xứ. Như vậy này các Tỷ Kheo, được gọi là Ðệ Tam Hành Ðạo Về Lợi Ích Vô Sở Hữu Xứ.

Và lại nữa này các Tỷ Kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau [23]: Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những sắc tưởng hiện tại và những sắc tưởng tương lai, và những bất động tưởng, và những Vô Sở Hữu tưởng, tất cả các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diển tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, Như vậy này các Tỷ Kheo, được gọi là Hành Ðạo Về Lợi Ích Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

Khi được nói như vậy, Tôn Giả Ananda bạch Thế Tôn:

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, vị Tỷ Kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: Nếu (trước) không có như vậy, thời không thể là của ta; nếu (nay) không có như vậy thời có thể sẽ không là của ta [24]. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có. Và như vậy vị ấy được xả [25]. Bạch Thế Tôn, một vị Tỷ Kheo như vậy có chứng được Niết Bàn không?

-- Ở đây này Ananda, một số Tỷ Kheo có thể chứng được cứu cánh Niết Bàn, và ở đây một số Tỷ Kheo có thể không chứng cứu cánh Niết Bàn.

-- Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số Tỷ Kheo có thể chứng được cứu cánh Niết Bàn, và ở đây một số Tỷ Kheo có thể không chứng cứu cánh Niết Bàn?

-- Ở đây này Ananda, một số Tỷ Kheo hành trì như vậy và suy nghĩ: Nếu (trước) không có như vậy, thời không thể là của ta; nếu (nay) không có như vậy thời có thể sẽ không là của ta [26]. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có, và như vậy vị ấy được xả. Vị ấy hoan hỷ trong xả, hoan nghênh, chấp trước xả ấy. Do vị ấy hoan hỷ trong xả ấy, hoan nghênh, chấp trước xả ấy, thức lệ thuộc xả ấy và thủ trước xả ấy. Có thủ trước, này Ananda, vị ấy không chứng cứu cánh Niết Bàn.

-- Bạch Thế Tôn, vị ấy thủ trước là thủ trước chổ nào?

-- Này Ananda, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

-- Bạch Thế Tôn,Tỷ Kheo ấy thủ trước, thủ trước như vậy là thủ trước tối thượng [27]

-- Này Ananda, vị Tỷ Kheo ấy thủ trước, thủ trước như vậy là thủ trước tối thượng. Này Ananda, đây là thủ trước tối thượng, tức là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Ở đây này Ananda, vi Tỷ Kheo hành trì như vậy [28] và suy nghĩ: Nếu (trước) không có như vậy, thời không thể là của ta; nếu (nay) không có như vậy thời có thể sẽ không là của ta [29]. Ta đoạn trừ những gì hiện có và những gì đã có. Và như vậy vị ấy được xả. Vị ấy không hoan hỷ trong xả, không hoan nghênh, không chấp trước xả ấy. Do vị ấy không hoan hỷ trong xả ấy, không hoan nghênh, không chấp trước xả ấy, thức không lệ thuộc xả ấy và không thủ trước xả ấy. Không thủ trước, này Ananda, vị ấy chứng cứu cánh Niết Bàn.

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Chính nhờ y cứ sự này sự kia [30], bạch Thế Tôn, sự vượt thoát giòng nước mạnh đã được Thế Tôn [31] nói lên. Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Thánh giải thoát?

-- Ở đây này các Tỷ Kheo, Thánh đệ tử [32] suy nghĩ như sau: Những dục hiện tại và những dục tương lai, những dục tưởng hiện tại và những dục tưởng tương lai, những sắc pháp hiện tại và những sắc pháp tương lai, những bất động tưởng, những vô sở hữu tưởng, và những phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, cái gì thuộc tự thân [33], là tự thân. Ðây là bất tử [34]tức là tâm giải thoát không thủ trước [35]. Này Ananda, đây là đạo lộ về lợi ích Bất Ðộng được Ta thuyết giảng, đạo lộ về lợi ích Vô sở hữu xứ được Ta thuyết giảng, đạo lộ lợi ích Phi tưởng phi phi tưởng xứ được Ta thuyết giảng, là sự vượt qua giòng nước mạnh do y cứ sự này sự kia được Ta thuyết giảng, Thánh giải thoát được Ta thuyết giảng. Những gì này, Ananda, vị Ðạo Sư cần phải làm, vì lòng từ mẫn mưu tìm hạnh phúc cho các đệ tử, những điều ấy đã được ta làm, vì lòng từ mẫn của Ta đối với ngươi. Này Ananda, đây là những gốc cây, đây là những khoảng trống. Hảy tu Thiền, này Ananda, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Ðây là lời dạy của ta cho ngươi.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn Giả Ananda hoan hỷ tin thọ lời Thế Tôn dạy.

 


Chú thích:

[ 1] Kinh Hán Tạng tương đương là Kinh Tịnh Bất Ðộng Ðạo Kinh.
[ 2] Tuccha, trống không, không có thường tánh, trụ tánh] không có ngã.
[ 3] Năm dục trưỡng dưỡng.
[ 4] Chỉ cho những gì không phải "ngay trong hiện tại"
[ 5] Các dục vọng và dục tưởng.
[ 6] xin đọc lại nguyên đoạn italic.
[ 7] Thế giới của năm căn.
[ 8] Sau khi quyết định về Jhàna.
[ 9] Trong Jhàna.
[10] Những gi thuộc về Sắc Giới và Vô Sắc Giới.
[11] Cái gì thuộc về Siêu Thế
[12] Ðây là A La Hán quả hay A La Hán hướng hay Ðệ Tứ Thiền hay hướng đi đến.
[13] Ðây có thể đưa đến A La Hán quả và con đường hướng đến quả ấy hay đến Ðệ Tam Thiền, Ðệ Tứ Thiền. Nếu vị ắy không chứng được A La Hán quả, thì câu sau sẻ được áp dụng ở đây.
[14] Samvattanika Vinnàna hay thức hướng tiến, nói vị Tỷ Kheo ấy hướng tiến, khởi lên vì thức có hiệu quả này.
[15] Nghĩa là khi Vị ấy chứng Ðệ Tứ Thiền.
[16] Sự bất động của Hư Không Vô Biên Xứ
[17] Nghĩa là khi vị này chứng Hư Không Vô Biên Xứ. Vị này có trí tuệ hơn hai vị Tỷ Kheo trước kia.
[18] Trong Thức Vô Biên Xứ.
[19] Nghiã là vị này chứng được Thức Vô Biên Xứ.
[20] Khi vị này vẫn còn tại Thức Vô Biên Xứ.
[21] Với tu tưởng NgãNgã sở hữu, như vậy sự trống không có hai loại.
[22] Trong khi vị này còn ở Vô Sở Hữu Xứ nhưng sáng suốt hơn năm Tỷ Kheo trước.
[23] Khi vị này chứng Vô Sở Hữu Xứ.
[24] Nếu không có 5 loại hành động quá khứ của ta (chỉ cho 5 uẩn), thời nay ta không có 5 quả báo hiện tại này; nhưng nếu không có 5 loại hành động hiện tại, thời ta sẽ không có 5 loại quả báo trong tương lai.
[25] Do quán Vipassanà đưa lại.
[26] Nếu không có 5 loại hành động quá khứ của ta (chỉ cho 5 uẩn), thời nay ta không có 5 quả báo hiện tại này; nhưng nếu không có 5 loại hành động hiện tại, thời ta sẽ không có 5 loại quả báo trong tương lai.
[27] Vị ấy cố gắng được tái sanh trong cảnh giới tốt đẹp hơn.
[28] Nay nói đến A La Hán quả của Tỷ Kheo.
[29] Nếu không có 5 loại hành động quá khứ của ta (chỉ cho 5 uẩn), thời nay ta không có 5 quả báo hiện tại này; nhưng nếu không có 5 loại hành động hiện tại, thời ta sẽ không có 5 loại quả báo trong tương lai.
[30] Vì quả vị này và quả vị khác.
[31] Chú ý rằng kinh này nói đến vị khô-kiến A La Hán. Khô kiến: dry-insight, sukkha-vipassaka
[32] Ðây nói vị Thánh khô-kiến đệ tử.
[33] Trong ba giới: Dục,Sắc và Vô Sắc. Ngoài ba giới này không có tự thân.
[34] Ðây là sự thật, đây là thù diệu.
[35] Chỗ khác gọi là Nibbàna, nhưng đây chỉ cho vị khô-kiến A La Hán quả.


Chân thành cám ơn anh Phước Nguyễn đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài kinh nầy (02/98).


[Trở về trang Thư Mục]