BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Tu nhà

Thích Chân Tính


 [04]

II.- SỰ TU THÂN CỦA CON

Bổn phận của kẻ làm con trong gia đình cũng phải thực hành năm điều giới đã nêu trên. Tuy nhiên đối với con cái thì trọng trách nặng nề và ơn đức sâu dầy nhất là sự tri ân và báo ân đối với cha mẹ. Hay nói khác hơn là đạo hiếu, nguồn gốc bao nết tốt và điều thiện. Hiếu là chìa khóa thần kỳ diệu để con trẻ mở toang cánh cửa cuộc đời, là làn hương thơm làm đẹp lòng mọi người. Hiếu thấm nhuần đến đâu đều cảm hóa và vượt qua mọi trở lực để hoàn thành nghĩa vụ cao cả của đạo làm con. "Hiếu đứng đầu trăm nết tốt, hiếu cảm đến trời thì mưa thuận gió hòa, hiếu cảm đến đất thì muôn vật xanh tươi, hiếu cảm đến người thì mọi phước lành đều tới".

1.- Tri ân

Tục ngữ có câu: "Cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông". Phàm tất cả sự vật trên đời đều có cội gốc trước sau thứ lớp mà sinh sinh hóa hóa. Con người cũng vậy, không phải trên trời rơi xuống hay dưới đất chun lên, mà do cha mẹ sinh thành dưỡng dục từ bé cho đến lúc lớn khôn.

a.- Đối với mẹ:

Công ơn mang nặng trong chín tháng mười ngày, đến lúc sanh nở chịu sự khổ sở như đâm thịt xé da, cấu cào thân thể. Trong lúc nhất sanh thập tử ấy, người mẹ chỉ mong sao nghe được tiếng con khóc là tiêu tan hết sự khổ. Đã sanh con ra, người mẹ lại phải hy sinh tất cả, nhường nhìn thức ngon vật béo cho con, nâng niu, chiều chuộng con, chăm sóc lúc trời nồng giá lạnh, sẵn sàng ban những dòng sữa ngọt cho con, thức khuya dậy sớm hầu hạ dơ dáy, nằm ướt nhường khô, không kể đến thân mình đói rách. Chẳng may con trẻ bị đau, mẹ luôn nơm nớp lo sợ chạy chửa thuốc thang, mong sao con khỏe mạnh lòng mẹ mới yên. Khi có đi đâu xa, mẹ luôn thương nhớ, tưởng nghĩ đến con. Ngày lớn khôn cho con đến trường học hành. Tới tuổi thành nhân gây dựng hạnh phúc tương lai. Đôi khi vì gia đình túng thiếu, người mẹ vừa nuôi con, vừa giúp cha lo buôn bán tảo tần, vất vả ngược xuôi kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.

Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

Ôi! Công lao của mẹ vòi vọi như núi Thái, tình thương của mẹ lai láng như biển Thái bình, sự nhẫn chịu bao cay đắng phiền muộn như mặt đất, dung chứa tất cả mọi vật dù xấu xa nhơ bẩn, không bao giờ than trách, chối từ. Công lao, tình thương, khổ nhục của mẹ như thế. Trong khi ngôn ngữ chỉ bằng miệng giếng. Làm sao có thể lấy núi cao bể rộng, đất dầy mà thu hẹp vào miệng giếng cho được. Có lẽ chỉ khi bước vào địa vị làm mẹ, chúng ta mới thấy rõ thế nào là tình mẫu tử.

Tình mẹ sao kể xiết
Lòng mẹ ví sao cùng
Chỉ khi làm cha mẹ
Mới thấm tình thương con.

b.- Đối với cha:

Người đã tạo dựng ra con, hy sinh cả cuộc đời để lo lắng sự sống đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần cho con. Ý nguyện người cha hằng mong ước con mình sẽ là người tài đức mai sau, luôn luôn lấy làm sung sướng khi thấy con hơn mình trên mọi phương diện và rất hạnh phúc khi thấy con được sống sung sướng trong sự yên lành. Mặc dù với công việc sinh kế đa đoan suốt ngày, không đủ thời giờ để săn sóc con từng miếng ăn giấc ngũ. Nhưng tình thương của người cha vô cùng sâu sắc và thầm kín. Sừng sững kiên cố như dáng núi chịu đựng bao sương gió, nắng mưa không hề than trách. Như tàng cây đại thọ tỏa rộng che mát đời con. Như dòng nước âm thầm lăïng lẽ trôi đi, kéo theo bao nhiêu rác rưởi phiền muộn, sau khi đã đem phù sa bồi đắp cho mặt đất, tiếp thêm sức sống cho cây cỏ và hạnh phúc ấm no cho nhân loại. Rộng và xa như cánh chim đại bàng vượt gió tung bay khắp muôn nơi. Cha đã ấp ủ, nuôi dưỡng cho con tâm hồn cao thượng và ý chí lớn lao.

Tại vương quốc Ma Kiệt Đà, thuộc nước Ấn Độ thời xưa, có ông vua tên Bình Sa Vương và người con là Hoàng tử A Xà Thế. Vì nghe lời xúi dục của Đề Bà Đạt Đa, A Xà Thế âm mưu sát hại vua cha để lên ngôi hoàng đế. Nhưng công việc bị bại lộ. Tuy thế vua cha sẵn sàng tha thứ và còn nhường ngôi lại cho con. Để trả ơn, vị hoàng tử bất hiếu liền ra lệnh hạ ngục cha và bỏ đói cho đến chết. Chỉ một mình Hoàng thái hậu được phép vào thăm. Mỗi khi đi, bà dấu đồ ăn trong túi áo đem cho chồng, A Xà Thế hay được quở trách mẹ. Sau bà lại dấu trong đầu tóc, A Xà Thế cũng biết được. Cùng đường bà tắm gội sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong, đường và sữa. Vua gợt lấy món ăn này để nuôi sống. Nhưng A Xà Thế cũng bắt được và cấm hẳn mẹ không cho vào thăm vua cha nữa.

Thấy cha vẫn vui tươi, A Xà Thế nhất định giết cho khuất mắt, hạ lệnh cho người thợ cạo vào khám giết cha.

Cùng ngày ấy, vợ A Xà Thế hạ sinh một hoàng nam. Tin lành đưa đến với vua một lượt với tin vua Bình Sa Vương chết trong ngục.

Tin chánh hậu hạ sinh hoàng nam được đọc trước, nỗi vui mừng của A Xà Thế không kể xiết. Cả người nghe nhẹ nhàng sung sướng. Tình thương của một người cha lần đầu tiên chớm nở trong lòng, mặn nồng và sâu sắc, thấm vô từng khớp xương ống tủy. Đứa con đầu lòng là một nguồn yêu thương, là cơ hội để cha mẹ thưởng thức một tình thương mới mẻ đậm đà vô cùng trong sạch. Cảm giác đầu tiên của người cha mới được đứa con đầu lòng dường như đưa họ vào một cảnh giới kỳ lạ. Khiến họ có cảm tưởng rằng máu huyết mình đã nhỏ giọt ra để tiếp nối đời mình.

Tức khắc A Xà Thế vội vã chạy đi tìm người mẹ yêu dấu và hỏi:

- Thưa mẫu hậu, khi con còn nhỏ, phụ vương có thương con không?

- Tại sao con hỏi vậy? Mẹ tưởng trên thế gian này không thể tìm đâu ra người cha lành như cha con. Để mẹ thuật lại con nghe. Lúc mẹ còn mang con trong lòng, ngày nọ mẹ nghe thèm lạ lùng một món kỳ quái, mẹ thèm hút vài giọt máu trong bàn tay mặt của cha con, mà mẹ nào dám nói ra. Rồi càng ngày mẹ càng xanh xao và sau cùng phải thú nhận với cha con. Khi nghe vậy, cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ hút máu. Lúc ấy nhà chiêm tinh trong triều tiên tri rằng: con sẽ là người thù của cha con. Do đó tên con là A Xà Thế (kẻ thù chưa sanh - Ajatasattu). Mẹ có ý định giết con ngay trong lòng nhưng cha con không cho. Khi con sanh ra, mẹ nhớ lời tiên tri, nên một lần nữa muốn giết con. Một lần nữa, cha con lại cản mẹ. Một hôm con có cái nhọt trên đầu ngón tay, nhức nhối vô cùng, khóc suốt đêm ngày không ai dỗ được. Cha con đang cùng bá quan phân xử việc triều đình, nghe vậy cầm lòng không đặng, bế con trong lòng và không ngần ngại ngạâm ngón tay của con trong miệng, nhè nhẹ nút cho con đỡ đau. Gớm thay! Cái nhọt bể, máu mủ tuôn ra trong miệng cha con, và sợ lấy tay ra con sẽ đau, cha con nuốt luôn vào trong bụng cả mủ lẫn máu! Phải, người cha hết lòng thương yêu con, vì tình phụ tử đậm đà, nhè nhẹ nuốt hết vừa máu và mủ.

Nghe đến đó, bỗng A Xà Thế đứng phắc dậy, kêu lên như điên:

- Hãy chạy mau, thả ra lập tức người cha yêu quý của trẫm.

Than ôi! Người cha yêu quý ấy đã ra người thiên cổ. Vua xúc động rơi lụy dầm dề. Bây giờ ông mới nhận định rằng, chỉ khi bắt đầu làm cha mới biết được tình cha thương con như thế nào. (Trích trong "Đức Phật và Phật pháp" của Narada).

Trong Kinh Bổn Sư, đức Phật dạy: "Cha mẹ đối với con ân đức cao nặng sâu dầy, ân đức sanh sản từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao lãng. Nhớ con, thương con như bóng theo hình...".

Quả thật, cha mẹ là quê hương yêu thương muôn thuở của đời con. Do vậy, người Phật tử phải luôn luôn ghi tạc, tưởng nhớ đến sự tri ân của mình đối với đấng sinh thành và tìm cách báo đền phần nào trong muôn một.

2.- Báo ân

Mặc dù cha mẹ có bổn phận lo lắng gây dựng cho con nên người, không có ý mong cầu sẽ được đền ơn trả hiếu. Nhưng bổn phận người con không thể nào quên cái trọng ân thiêng liêng cao quý ấy được. Trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, Phật dạy: "Ví có kẻ nào hai vai kiệu cõng cha mẹ đi chơi, suốt cả mọi nơi, trên rừng dưới biển, hai vai nặng nề, mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận, cũng chưa báo được công đức mẹ cha kể trong muôn một..." Cho đến cắt thịt, moi tim, móc ruột, chẻ xương lấy tủy... cùng nuôi cha mẹ trong lúc cần thiết cũng không đền đáp hết công ân cha mẹ.

Vậy để báo đáp ơn cha mẹ ta phải làm gì?

a.- Đối với cha mẹ khi còn sống:

* Cung nuôi vật thực: Suốt đời cha mẹ hy sinh tận tụy vì con. Ngày nay ta được trưởng thành, thì hởi ơi! Sương trắng thời gian đã phủ giăng trên đầu cha mẹ: sức khỏe hao mòn, thân người suy yếu, dung nhan tàn tạ... chỉ còn nương cậy vào con cháu lúc tuổi đã xế chiều. Làm con phải hiểu rõ công ơn và tâm tư cha mẹ để lo hầu hạ săn sóc từng miếng ăn giấc ngủ, viên thuốc đến việc an ủi, vỗ về tinh thần khi đau yếu. Thời gian luôn luôn trôi qua, mạng người cũng biến đổi sinh diệt mau lẹ. Một hơi thở ra không trở lại đã ra người thiên cổ. Thế nên, cha mẹ còn sống ngày nào tùy theo khả năng, hoàn cảnh mà chúng ta cung cấp thức ăn vật uống. Đừng viện cớ vì điều kiện kinh tế khó khăn chưa thể đáp đền, đợi đến khi giàu có sẽ trả hiếu sau. Thử hỏi cha mẹ chắc còn sống tới ngày ta được giàu có không? Tốt hơn hết, có gì dâng nấy, dù ít hoặc không cao lương mỹ vị. Nhưng với tấm lòng thành kính chăm sóc của ta sẽ làm cha mẹ vui gấp trăm lần hơn là mâm to cỗ đầy mà ta không thiết tha quan tâm đến. Thầy Tử Lộ nói với đức Khổng Tử rằng:

"Đội nặng đi dường xa thì tiện đâu nghỉ đấy, không đợi chọn chỗ rồi mới nghỉ. Nhà nghèo cha mẹ già thì con làm thế nào hay thế ấy, không đợi có quyền cao chức trọng mới chịu làm. Ngày trước, lúc song thân tôi còn, cơm thường dưa muối, đường xa trăm dặm phải đội gạo về nuôi song thân. Lúc song thân mất, làm quan to ở nước Sở, xe ngựa hàng trăm, lương bổng hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những của tốt, mỗi khi nhớ đến song thân lại muốn dưa muối đội gạo để nuôi người như trước, thì không sao được nữa! Cha mẹ tuổi già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống". (Tích truyện Thầy Tử Lộ đội gạo nuôi cha mẹ).

Vấn đề gia đình giàu nghèo, hoặc có món ngon vật lạ hay không, điều này chẳng đáng quan tâm lắm đối với người già. Và cha mẹ cũng thông cảm hoàn cảnh hiện thực của con cháu mà an phận thủ thường. Duy chỉ có một điều làm cho người già vui nhất là hành động và cử chỉ, cung cách đối xử hàng ngày của con cháu, với tấm lòng thương kính cha mẹ thật sự. Chỉ cần một bửa cơm đạm bạc, một ly nước trà nóng cũng đủ làm cha mẹ vui sướng hạnh phúc rồi, thế nên việc đối xử khéo léo, tế nhị với cha mẹ lúc tuổi về già rất là cần thiết. Hãy tỏ ra hết lòng với cha mẹ trong mọi hoàn cảnh, đừng hẹn hò chờ đợi lúc khác. Đến chừng đó cho dù ta có nhà cao cửa rộng, cao lương mỹ vị, hoặc xây mồ to mả đẹp cũng chẳng ích gì nữa.

* Tôn kính vâng lời: Trong Kinh Đại Tập dạy: "Gặp đời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật", quả thật lời dạy cao quý phát xuất ra từ con người cao quý. Vẫn biết Phật và cha mẹ khác xa về mọi phương diện, nhưng ở đây đức Phật muốn đề cao giá trị tôn kính của người con đối với Phật và cha mẹ nên bình đẳng. Chúng ta tôn kính Phật vì Ngài đã đem đến cho ta lý tưởng sống cao thượng, nhưng người đem lại cho ta sự sống là cha mẹ Cho nên phụng thờ cha mẹ tức là tôn kính cúng dường Phật vậy.

Ngày nay ta được nên người có địa vị trong xã hội hay ra sao đi nữa cũng không thể quên công ơn cha mẹ được, phải hết lòng vâng kính tôn thờ. Không vì cha ẹ tuổi già sức yếu hoặc lẩm cẩm, sinh tật mà ta khinh thường. Con người mỗi độ tuổi một khác, tùy theo sức khỏe mà tâm tính thay đổi. Như con nít thích đùa giỡn, thanh niên thích nhạc kích động, trung niên thích nhạc nhẹ, già lão thích yên tĩnh. Hiểu thế, ta sẽ thông cảm và yêu thương người già hơn khi có những dị tính xảy ra như: khó khăn, hay chấp, nói nhiều, nóng nảy, giận hờn... Vì "già sanh tật, đất sanh cỏ". Đôi khi dẫn đến lú lẫn, ăn rồi nói chưa ăn... Dù có biến chứng xấu xa đến đâu đi nữa đó cũng là người sinh thành ra ta. Làm con không được quyền khinh thường mà phải biết tùy cơ mà phục vụ đáp đền.

Ngoài việc tôn kính, người con phải biết vâng lời cha mẹ dạy bảo. Dù sao cha mẹ cũng nhiều tuổi, dày kinh nghiệm việc đời hơn. Tuy nhiên, vâng lời dạy cần phải xét cho kỹ khi hành động chớ nên mù quáng tin tưởng một cách tuyệt đối. Theo Nho gia phong kiến ngày xưa thì: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu". Nghĩa là vua khiến bầy tôi chết mà không chết là bất trung, cha bảo con chết mà con không vâng lời là đứa bất hiếu. Ắt hẳn ta phải xem ông vua đó thế nào? Có xứng đáng để ta chết vì vua không? Giả sử nếu ông vua vô đạo tàn ác, tham dâm, bất chính, hại nước hại dân... mà ta phải phục tùng đem cái chết của mình mà giữ lòng trung thành, vô tình nuôi dưỡng tội ác cho vua thì hóa ra là kẻ dại khờ quá lắm. Trái lại ông vua hết lòng vì dân vì nước, chẳng may Tổ quốc lâm nguy, ngoại xâm lấn chiếm gây bao tang tóc cho dân tộc, nếu ta lẫn tránh từ chối lời kêu gọi của nhà vua tòng quân diệt giặc, không dám hy sinh vì đại nghĩa, như thế mới gọi là bất trung. Vâng lời cha mẹ cũng thế, chúng ta phải xét kỹ càng lời dạy ấy có chính đáng hay không? Nếu nghe lời cha mẹ chết vì việc bất chính, đôi khi hiếu đâu chưa thấy mà còn hại đến cha mẹ nữa.

Thế nên theo tinh thần hiếu tử, bổn phận làm con luôn vâng lời cha mẹ, không nên trái ý là điều tốt. Nhưng cũng phải tùy theo sự việc mà chấp hành. Có nghĩa là nếu cha mẹ là người vô đạo, nghề nghiệp bất chính thì ta không nên nghe theo vội mà phải biết tùy cơ ứng biến, xoay chuyển cha mẹ về con đường thiện, phải luôn luôn có thái độ tôn kính lễ phép, nếu không hậu quả không tốt sẽ xảy ra cho cha mẹ lẫn con cháu.

Thầy Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau quá ngã gục chết giấc một lúc mới hồi tỉnh lại. Khi về nhà liền đến thưa với cha rằng:

- Lúc nãy con có tội để đến nỗi cha phải đánh làm đau tay cha. Thực là con lỗi đạo.

Nói xong lùi xuống vừa gảy đàn vừa hát có ý để cha nghe tiếng, cho rằng mình không còn đau đớn gì nữa. Đức Khổng Tử nghe thấy chuyện, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào.

Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì ngài giận. Đức Khổng Tử nói:

- Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì thì luôn bên cạnh, lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa. Cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu, đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình, để chiều cơn giận đến nỗi cha đánh ngất đi. Giá mà cha đánh quá tay chết mất thì có phải vô tình làm cho cha mắc tội giết người không? Lúc ấy tội bất hiếu còn gì to hơn nữa! (Trích Cổ Học Tinh Hoa).

Qua câu chuyện trên ta thấy, đối với người con hiếu vì cha mẹ hy sinh tính mạng hoặc liều mình cứu cha mẹ trong khi nguy cấp là điều chánh đáng. Trái lại, hy sinh vì cơn giận dữ đánh đập của cha mẹ, chỉ biết nhắm mắt xuôi tay chịu đựng, để thỏa mãn cơn giận dữ ấy, vô tình chúng ta lại tạo cho cha mẹ một tội giết người. Lúc ấy chữ hiếu lại trở thành đại bất hiếu.

* Tránh ác hành thiện: Căn cứ theo lời Phật dạy trong các kinh sách, ngoài sự cung cấp các món ngon vật lạ cho cha mẹ, săn sóc thuốc thang lúc ốm đau, an ủi lúc tuổi già sức yếu, tạo sự an vui thoải mái về nhu cầu vật chất ra, người con còn phải biết khuyên cha mẹ hướng về nẻo thiện, xa lánh đường ác. Cho nên ý nghĩa báo ân song thân khi còn sanh tiền rất là quan trọng, ở chỗ làm thế nào biến cải cuộc đời, tánh tình, chiều hướng của cha mẹ biết tin hiểu giáo lý nhân quả, biết quy kính Tam Bảo. Để từ đấy cha mẹ chúng ta sẽ lần lượt giải nghiệp và tự sửa lấy mình. Tựï cha mẹ sám hối, cải tạo những gì đã sai phạm lầm lỡ trong quá khứ. Nên hiếu hạnh cao tuyệt hơn hết đối với người Phật tử là làm sao cho cha mẹ không rơi vào ba đường ác.

Trong Cảnh Sách có đoạn: "Muốn báo ơn cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đối Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, đối với các pháp nhân quả... cha mẹ chưa tìn khuyên cha mẹ tin, cha mẹ tin rồi khiến lòng tin tăng trưởng, cha mẹ không giữ tịnh giới khuyên giữ tịnh giới, cha mẹ có lòng xan tham khuyên làm việc bố thí, cha mẹ không có thắng huệ khuyên cha mẹ tu huệ. Khéo an trú để điều phục. Như vậy mới gọi là chân thật báo ơn cha mẹ".

Trường hợp cha mẹ chưa hiểu đạo, làm con nên thể hiện các việc sau:

- Tạo điều kiện cho cha mẹ tin hiểu nhân quả, để khỏi phạm những việc bất chính đáng tiếc xảy ra. Hay nói khác hơn: điều ác chưa sanh, cố gắng đừng cho phát sanh.

- Hàng ngày trong thực tế, vì sự sinh kế đôi khi cha mẹ gây tạo nghiệp bất thiện, hành động trái lương tâm hoặc làm nghề bất chánh như buôn bán đồ lậu, làm đồ tể, làm hàng giả... Chúng ta phải kiên quyết tìm cách thuyết phục, nói rõ quả báo để cha mẹ đình chỉ và dứt tuyệt. Hay nói khác hơn: điều ác đã sanh phải tìm cách ngăn chận không cho phát triển.

- Cha mẹ chưa tin Tam Bảo, chưa hiểu giáo lý Phật, không rõ lợi ích về việc bố thí, cúng dường, không biết giữ gìn cấm giới (ngũ giới). Chúng phải khéo tạo thuận duyên để cha mẹ phát khởi thiện tâm. Hay nói khác hơn: điều thiện chưa sanh phải làm cho phát sanh.

- Khi cha mẹ đã tin hiểu Tam Bảo và rõ sự lợi ích của việc giữ giới, bốn thí, phóng sanh... chúng ta cố gắng khuyến khích và tạo điều kiện để cha mẹ thực hiện. Hay nói khác hơn: điều thiện đã sanh, cố gắng làm cho tăng trưởng thêm lên.

b.- Đối với cha mẹ lúc qua đời:

Tất cả chúng sanh trong thế giới hiện tại đều bị chi phối bởi định luật sinh, trụ, dị, diệt chuyển biến không ngừng, thay đổi từ sát na này đến sát na khác. Cuối cùng những sinh vật có sanh tất phải có diệt. Đó là lẽ đương nhiên không ai có thể đi ngược lại định luật vô thường ấy. Do vậy sự sống của con người chỉ là một sự thay cũ đổi mới về thể chất hình hài. Ví như ta cất một căn nhà đã hơn 50 năm, nay bị hư mục. Nếu có tiền, ta xây lại một căn nhà nguy nga đồ sộ tốt đẹp hơn căn trước. Trái lại, nếu nghèo khổ không tiền, ta phải chịu dột ướt hoặc lâm vào cảnh màn trời chiếu đất tàn tệ hơn. Luân hồi nhân quả cũng thế. Nếu đầy đủ phước đức thì những kiếp lai sanh con người sẽ giàu sang, thân tướng đoan chính, cuộc sống ấm no. Nếu phước mỏng nghiệp dày, tội ác chất chồng thì phải chịu nghèo khó khổ cực.

Nên vấn đề qua đời của cha mẹ là điều kiện tất nhiên của con người trên quả đất không ai tránh khỏi. Do vậy người Phật tử với bổn phận làm con phải hiểu lẽ vô thường ấy, để khi hữu sự ta không nên kêu gào, than khóc làm cho hoang mang tinh thần người sắp mất. Cần phải bình tĩnh niệm Phật, hoặc tán thán những công đức của cha mẹ đã làm khi còn sanh tiền (nếu có), để những lời tốt lành ấy thấu vào tai người sắp mất khiến cho tâm trí cha mẹ an ổn, không có những lo sợ khi bước qua thế giới khác. Vì chập tư tưởng cuối cùng của con người trước khi chết rất là quan trọng, có thể định đoạt được một phần sự tốt hay xấu trong kiếp cận lai. Để dẫn chứng điều ấy tôi xin trích một đoạn trong Kinh Niết Bàn như sau:

"Khi Phật còn tại thế, trong ao Ca La có một con hến, nghe đức Phật thuyết pháp liền bò lên bờ ẩn vào trong đám cỏ để nghe Phật giảng. Lúc ấy, có một người chăn trâu đi ngang thấy số thính giả vây quanh đức Phật, lấy làm lạ bèn chạy đến xem. Vì muốn nghe pháp, người ấy vội vàng đạp nhằm con hến chết ngay lập tức. Do tâm niệm lành trong khi đang nghe đức Phật thuyết pháp, nó liền sanh lên cõi trời Đao Lợi. Bấy giờ, nó bèn nghĩ mình vốn là thân hến, nhờ nghe đức Phật thuyết pháp mà được sanh Thiên, liền rời cung điện đến trước đức Phật kính lễ bái tạ ơn đức của Ngài".

Khi cha mẹ qua đời, ngoài những lễ nghi tang chế, ta cần phải tu phước, bố thí, tránh sát sanh và lễ siêu độ cho cha mẹ trong vòng từ 49 đến 100 ngày. Về sự cúng lễ nên đơn giản, đừng bắt chước thế nhân bày biện cỗ bàn ăn uống, nhậu nhẹt. Có những người lúc cha mẹ còn sống thì hắt hủi thậm tệ, đến lúc mất thì lại than van kêu khóc, ra chiều thương tiếc, rồi giết gà, vịt, heo cúng tế, làm đám thật linh đinh, để người đời thấy mình là con hiếu thảo lo lắng chu toàn tang lễ cha mẹ. Thật là giả dối, đúng với câu: "Khi sống không cho ăn, chết làm văn cúng ruồi" là vậy.

Vấn đề quan trọng của người Phật tử báo ân cha mẹ lúc quá vãng là việc tụng kinh, bái sám, cúng dường, bố thí... hồi hướng những công đức ấy đến người mất. Không phải ở chỗ giết súc vật cho nhiều, cúng tế cho lớn, vô tình ta lại chồng chất thêm tội lỗi, làm cho cha mẹ phải sa đoạ vào ba đường ác. Tội nghiệp của người mất ví như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy, nặng nề khốn khổ, chúng ta lại chồng chất thêm một mớ đá nữa khiến họ càng nặng nề, lún sâu dưới bùn.

Trong kinh Thí Dụ có chép, lúc ấy Phật cùng A Nan đi trên bờ sông, bỗng thấy 500 quỷ đói vừa đi vừa hát, đồng thời lại thấy 500 quỷ đói khác khóc lóc đi qua. A Nan thấy thế bạch hỏi đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, tại sao bọn kia vừa đi vừa hát, còn bọn này lại khóc lóc như thế?

Đức Phật trả lời:

- Bọn quỷ ca hát ấy sắp được sinh lên cõi trời là vì trong nhà con cháu họ biết tu phước, trì trai, lễ bái cúng dường, bố thí, hồi hướng phước quả đến cho họ. Còn bọn quỷ khóc lóc kia sắp bị đọa vào địa ngục, vì trong nhà thân quyến con cháu vì họ mà sát sanh cúng tế, không biết tu phước, bố thí nên họ phải gánh lấy quả nghiệp ác do người thân gây tạo. Vì vậy mà họ khóc lóc.

Có kẻ thắc mắc nghi ngờ không biết hành động báo hiếu bằng cách tụng kinh, cúng dường, bố thí có đem lại lợi ích cho người mất không? Quả thật đây là vấn đề khá phức tạp. Nếu nói có lấy gì chứng minh cho người sống? Nếu nói không thì hóa ra lời dạy của Thánh hiền phi lý vô ích sao? Ở đây với khả năng hiểu biết hữu hạn, chúng tôi xin dựa theo một vài thí dụ thực tế mà giải thích.

Đôi bạn trẻ trai gái quen nhau. Nhân dịp đầu xuân hoặc sinh nhật, người bạn trai tặng bạn gái của mình một tấm thiệp với hàng chữ chúc mừng, người bạn gái nhận tấm thiệp này một cách cảm động và coi như kỷ vật quý báu. Thật ra, tấm giấy đó chẳng có giá trị hiện kim nào, nhưng qua nó người bạn gái nhận một tấm lòng thương yêu của người bạn trai trao cho.

Một người cha bị bệnh nặng, đứa con ở xa hay tin vội về thăm, mua quà bánh, hỏi thăm an ủi, chăm sóc và đưa cha vào bệnh viện chữa trị. Những hành động của người con như thế có gánh chịu phần nào sự đau đớn dày vò cơ thể nơi người cha không? Chắc chắn là không rồi. Nhưng người cha sẽ cảm thấy sung sướng khi biết con hết lòng lo lắng chữa trị cho mình.

Qua hai trường hợp nêu trên. Cô gái nhận tấm thiệp, người cha nhận món quà. Hai vật đó thật ra chẳng có giá trị là bao, nhưng qua đó cô gái cảm nhận tấm chân tình của người bạn trai, người cha nhận được lòng hiếu thảo của người con. Nếu có chết chắc họ cũng lấy làm mãn nguyện. Từ thí dụ ấy có thể suy ra việc cha mẹ qua đời cũng thế. Với mắt thịt xác phàm làm sao chúng ta có thể thấy biết cha mẹ đầu sanh vào cảnh giới nào. Do vì không biết nên chúng ta phải làm hết sức mình để vơi dịu sầu đau, đồng thời tạo thêm được sự lợi ích nào cho người chết là làm (nhưng không làm theo hình thức mê tín dị đoan). Trước mất mát lớn lao ấy chúng ta chỉ biết tụng kinh, bố thí, phóng sanh, cúng dường Tam Bảo... Chúng tôi thiết nghĩ việc làm này rất có lợi. Nếu xét về mặt thật tế, chúng ta đã làm được những điều tốt, đầy tình người và chắc chắn về mặt nhân quả vẫn là lợi ích cho chính mình. Đối với người khuất, bổn phận làm con, đã tỏ hết lòng thành để thực hiện điều nói trên, cầu mong cha mẹ nhờ ơn đức ấy mà sớm siêu thoát. Điều này không biết có được như ý không, nhưng hành động đó đã thể hiện tình cảm sâu sắc của kẻ làm con đối với cha mẹ. Ví như kẻ tù tội trong ngục sẽ rất mãn nguyện khi biết người thân họ hết lòng lo chạy tội cho mình, tuy biết rằng việc ấy không thành công. Thế nên, siêu hay không là tùy theo nhân duyên nghiệp báo của cha mẹ và tấm lòng thành của người con.

*

Tóm lại, thời gian trôi qua một cách mau chóng, như ngựa câu qua cửa sổ, như ngọn đèn treo trước gió... quỷ vô thường không hẹn mà đến, phút chốc đã ra người thiên cổ. Cuộc sống con người ví như chiếc thuyền đang trồi hụp trong giữa biển lớn sanh tử. Chúng ta phải cố gắng tinh tấn ra sức chèo vào bờ. Đừng để một khi mất thân này thì muôn kiếp khó được lại. Mặc dù phương tiện vẫn phải đi từ thấp đến cao nhưng mục đích chung vẫn là lìa khổ đạt vui, giải thoát khỏi nẻo luân hồi sanh tử.Phải luôn nghĩ đến vấn đề sanh tử là việc trọng đại, ráng lo trau dồi tâm trí, tinh tấn học đạo. Được như vậy, chúng ta mới có thể hoàn hảo phần nào việc tri ân và báo ân đối với cha mẹ. Hơn nữa con cái là di thể, là hình bóng của cha mẹ. Nếu bản thân được rạng danh, nhân phẩm, đức hạnh ta cao thượng mọi người tôn trọng kính nể thì cha mẹ ta cũng sẽ được tiếng thơm muôn thuở. Như gương hiếu hạnh của đức Phật và các vị Bồ Tát xưa kia vẫn còn ghi đậm nét vàng son trong sách sử.

Thanh Sĩ có câu:

Tu một thuở cứu thân vĩnh kiếp
Độ được mình còn vớt mẹ cha
Thuyền to một chiếc sắm ra
Tất nhiên chở hết cả nhà xuống đi...

-ooOoo-

Ðầu trang | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4

Source: Đạo Phật Ngày Nay, http://www.daophatngaynay.com


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 23-08-2003