BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


THIỀN QUÁN
Tiếng chuông vượt thời gian

Sayagyi U Ba Khin
Dịch giả:
Tỳ kheo Thiện Minh


Phần Ba

THỰC HÀNH THIỀN


Chương Tám

KHÓA HỌC MƯỜI NGÀY
THEO TRUYỀN THỐNG SAYAGYI U BA KHIN

-ooOoo-

"Ðức Phật là Người Thầy chỉ đường. Tôi là một người tiếp tục chỉ đường, sau khi đã đón nhận di sản Giáo pháp của Ðức Phật. Ðức Phật không phải là người có thể ban cho ta níp-bàn, mà chỉ là một người chỉ đường. Ðừng đến xin tôi cống hiến những kết quả cho bạn; tôi không thể làm việc này. U Ba Khin này làm sao có thể làm điều mà chính Ðức Phật cũng không thể làm? Bạn phải tự mình thực hành." -- Sayagyi U Ba Khin

Như đã được nhấn mạnh nhiều lần trong những chương trước, Thiền Quán là sự thanh luyện tâm của bản thân mỗi người. Nó là hình thức cao nhất của ý thức -- nhận thức toàn diện về những hiện tượng trong bản chất đích thực của chúng như được cảm nghiệm trong thân thể chúng ta. Việc hành thiền là một nghệ thuật sống tạo ra những lợi ích và giá trị sâu xa trong cuộc đời chúng ta. Nó làm suy giảm và cuối cùng loại trừ tham, sân, và si, là nguồn gốc của những mối quan hệ thiếu khoan dung và đau khổ với người khác, từ bình diện cá nhân tới bình diện các mối quan hệ chính trị quốc tế.

Mọi người, bất kể chủng tộc, giai cấp, hệ thống tín ngưỡng hay điều kiện xã hội nào, đều có thể đạt tới chỗ tiêu diệt được những xu hướng tâm linh, những yếu tố chi phối vốn liên tục tạo ra và nuôi dưỡng dục vọng, giận dữ, sợ hãi và lo âu trong cuộc đời mình. Trong một khóa mười ngày, người học thiền chỉ tập trung vào một cuộc chiến duy nhất -- cuộc chiến chống lại sự mê muội của chính mình. Người thầy hiện diện chỉ là để vạch ra con đường phải theo để thiền sinh tự mình có được kinh nghiệm thực hành. Với sự thực hành kiên trì, việc hành thiền cuối cùng sẽ thành công trong việc làm cho tâm thanh thản, tăng sự tập trung, giúp ý thức trở nên sắc bén, và mở tâm ra cho việc quán sát thực tại đúng theo bản chất của nó. Chỉ cần quán sát thực tại trong khung thân thể của mình, thiền sinh sẽ làm tan rã thực tại bề ngoài, để đi sâu vào đáy thẳm của tâm và vật, và cuối cùng, vượt lên trên thế giới có điều kiện. Trong Thiền Quán, không có sự lệ thuộc vào sách vở, lý thuyết, hay những trò chơi tri thức. Thiền Quán là kinh nghiệm trực tiếp chân lí về vô thường (anicca), đau khổ (dukkha), và vô ngã (anattà).

Khóa Thực Hành Thiền Vipassāna Mười Ngày

Những thiền sinh muốn học thiền Vipassāna phải tham dự một khóa ít là mười ngày, họ phải ở lại suốt thời gian này tại nơi diễn ra khóa học. Những khóa tập trung này -- là những khóa học đã được thiền sư U Ba Khin khai triển và trực tiếp dành cho những người sống tại gia có ít thời giờ và phải trở về ngay với những công việc nghề nghiệp và gia đình của mình -- được mở cho bất cứ ai muốn tham dự. Mặc dù thiền Vipassāna được khai triển như một phương pháp bởi Ðức Phật, nhưng nó không chỉ giới hạn cho người Phật giáo. Không có vấn đề truyền đạo. Phương pháp này chủ yếu dựa trên cơ sở đơn giản là mọi con người đều có những vấn đề giống nhau, vì thế một phương pháp có thể loại trừ được những vấn đề này thì cũng có thể áp dụng và có giá trị một cách phổ quát. Thực vậy, những khóa học này, ngày nay được tổ chức dưới sự hướng dẫn của thiền sư S.N. Goenka theo truyền thống của thầy mình là U Ba Khin, đã thu hút nhiều người sùng đạo thuộc mọi tín ngưỡng, không chỉ người Phật giáo, mà cả Thiên Chúa giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, v.v... Từ khi U Ba Khin mất năm 1971, S.N. Goenka đã trở thành đại biểu chính của việc giảng dạy thiền Vipassāna qua những khóa học tập trung mười ngày này.

Người tham dự những khóa học này không phải trả một khoản tiền nào, dù tiền học hay tiền ăn ở. Mọi chi phí đều được trang trải từ những của dâng cúng từ các thiền sinh khóa trước. Chỉ chấp nhận các quà tặng từ các thiền sinh đã hoàn tất một khóa học mười ngày. Bằng cách này, mọi thiền sinh đều được hưởng lợi ích trực tiếp từ lòng biết ơn của các thiền sinh khác và được phép sống trong mười ngày hoàn toàn nhờ sự từ thiện này.

Khóa học mười ngày rất quan trọng; cần có quyết tâm để hoàn thành nó. Vì thế mọi thiền sinh phải cam kết tôn trọng kỉ luật và tuân theo một cách cặn kẽ trong suốt mười ngày.

Trước khi xin dự một khóa học, mọi người được yêu cầu đọc một tập sách hướng dẫn (được tóm lược dưới đây) để giúp họ tham dự những khóa học này nghiêm túc. Cố gắng lớn, tâm hồn cởi mở, và sẵn sàng chấp nhận nội qui và kỉ luật là những yêu cầu cần thiết. Ðương nhiên, những ích lợi cũng tương xứng với những cố gắng đã thực hiện.

-ooOoo-

HƯỚNG DẪN VÀ QUI LUẬT CỦA KHÓA THIỀN MƯỜI NGÀY

(Theo truyền thống Sayagyi U Ba Khin, do S.N. Goenka giảng dạy)

Thiền -Vipassāna là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất của Ấn Ðộ. Nhân loại đã đánh mất nó từ lâu, nhưng nó đã được Ðức Phật Gotama tìm lại hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Thiền Quán có nghĩa là trực giác sự vật trong chân tướng của chúng. Ðó là tiến trình thanh tẩy bản thân mình bằng quán sát bản thân mình. Toàn thể con đường (Dhamma hay luật tự nhiên) là một phương thuốc phổ cập cho những vấn đề phổ cập.

Thiền Vipassāna không phải là:

- Không phải là một nghi thức hay nghi lễ dựa trên sự tin tưởng mù quáng.

- Không phải là một sự thưởng thức triết học hay tri thức.

- Không phải là một cuộc tĩnh dưỡng, một kì nghỉ, hay một cơ hội để gặp gỡ bạn bè.

- Không phải một sự trốn tránh những thử thách và gian nan của cuộc sống hằng ngày.

Thiền Vipassāna là:

- Một kĩ thuật để tận diệt đau khổ.

- Một nghệ thuật sống mà mỗi người có thể sử dụng để đóng góp tích cực cho xã hội.

- Một phương pháp thanh tẩy tâm linh, cho phép người ta đối diện với những căng thẳng và khó khăn của đời sống với sự thanh thản, quân bình.

Thiền Quán nhắm tới những mục tiêu thiêng liêng cao cả nhất, đó là sự giải thoát toàn diện và sự giác ngộ hoàn toàn; mục đích của nó không bao giờ chỉ là để chữa trị những căn bệnh thể xác. Tuy nhiên, nhiều chứng bệnh vật lý cũng được chữa lành như là một kết quả phụ của sự thanh tẩy tâm linh. Thiền Quán tiêu trừ được ba nguyên nhân của mọi đau khổ: tham, sân, và si. Việc hành thiền liên tục sẽ làm giảm sự căng thẳng trong đời sống hằng ngày, gỡ được những nút thắt của thói quen phản ứng thiếu quân bình trước những hoàn cảnh dễ chịu và khó chịu.

Tiến trình tự thanh tẩy bằng nội quan tất nhiên không dễ dàng -- thiền sinh phải làm việc rất vất vả trong việc này. Nhờ cố gắng của chính mình, thiền sinh sẽ đạt tới những nhận thức riêng của mình; không ai khác có thể làm thay cho họ. Vì vậy, việc hành thiền chỉ thích hợp cho những ai muốn làm việc nghiêm túc và tuân giữ kỉ luật, là điều được đặt ra vì lợi ích và sự bảo vệ người hành thiền, và là một phần cốt thiết của việc hành thiền.

Kỉ Luật

Mười ngày chắc hẳn là một thời gian rất ngắn để đi sâu vào những bình diện sâu thẳm nhất của tâm vô thức và học cách tận diệt những phức cảm trong đó. Thực hành thiền liên tục trong bầu khí cách li là bí quyết để đạt thành công trong phương pháp này. Các qui luật đã được soạn ra phù hợp với khía cạnh thực tiễn này. Chúng không chủ yếu nhắm vào lợi ích của người giảng dạy hay ban điều hành khóa học, cũng không phải là những biểu hiện tiêu cực của truyền thống, giáo điều hay tin tưởng mù quáng của một tổ chức tôn giáo nào. Ðúng hơn, chúng dựa trên cơ sở kinh nghiệm của hàng ngàn thiền giả trong nhiều năm, chúng vừa thực tiễn vừa hợp lí. Tuân giữ qui luật sẽ tạo ra một bầu khí rất thuận lợi cho việc hành thiền; vi phạm qui luật sẽ làm hư hại nó.

Nền tảng của việc hành thiền là sìla -- giới, hay qui luật đạo đức. Giới tạo cơ sở cho việc phát triển samàdhi -- sự tập trung của tâm; và tâm đạt được sự thanh tịnh nhờ paññā -- tuệ giác hay trực giác. Mọi người tham dự một khóa thiền phải ý thức chấp nhận Năm Giới Luật sau đây trong suốt khóa học:

1) Không sát sinh
2) Không trộm cắp
3) Không sinh hoạt tình dục
4) Không nói dối
5) Không sử dụng chất kích thích.

Chấp Nhận Thầy Dạy Và Kỷ Luật

Các thiền sinh phải tuyên bố mình muốn chấp nhận hoàn toàn thời gian học với sự hướng dẫn và chỉ dạy của người thầy. Nghĩa là, tuân giữ kỉ luật và hành thiền đúng theo thày dạy đòi hỏi, không bỏ qua một phần bài giảng nào, cũng không thêm thắt một điều gì. Sự chấp nhận này phải dựa trên sự phán đoán và hiểu biết, chứ không phải một sự chấp nhận mù quáng. Chỉ khi có thái độ tin tưởng như thế, một thiền sinh mới có thể làm việc chuyên chăm và đầy đủ. Sự tin tưởng vào thầy dạy và kĩ thuật này là điều thiết yếu để hành thiền thành công.

Các Kỷ Luật, Lễ Nghi Và Hình Thức Thờ Phượng Khác

Trong khóa học, điều tuyệt đối cần thiết là phải gác bỏ mọi hình thức cầu nguyện, thờ phượng, hay lễ nghi tôn giáo -- ăn chay, đốt nhang, lần chuỗi, đọc niệm thần chú, hát và múa, v.v..., cũng phải tạm gác bỏ mọi kĩ thuật hành thiền khác hay những việc thực hành chữa bệnh hay thiêng liêng khác. Ðây không phải là kết án những kĩ thuật hay việc thực hành khác, mà là để thử thực hành Vipassāna một cách trung thực trong sự tinh tuyền của nó. Mặc dù đã có sự cảnh giác liên tục của thiền sư, trong quá khứ đã từng có những trường hợp thiền sinh cố ý pha trộn kĩ thuật này với một nghi lễ hay việc thực hành khác, và đã làm thiệt hại cho chính bản thân họ. Các thiền sinh được yêu cầu làm đúng theo chỉ dạy của thiền sư, không bỏ bớt hay thêm thắt một bước nào. Phải luôn luôn tìm gặp thiền sư để xin cắt nghĩa nếu có bất kì sự nghi ngờ hay lẫn lộn nào.

Các Tiếp Xúc Với Bên Ngoài

Thiền sinh phải ở trong khuôn viên hành thiền trong suốt khóa học. Họ chỉ được phép ra khỏi đây khi có sự đồng ý đặc biệt của thiền sư. Không được phép tiếp xúc nào với bên ngoài trước khi khóa học kết thúc. Việc này bao gồm các liên lạc bằng thư từ, điện thoại, và các cuộc thăm viếng. Trong trường hợp có chuyện khẩn cấp, một người bạn hay người thân có thể tiếp xúc với nhân viên điều hành.

Nghe Nhạc, Ðọc Sách Và Viết

Không được phép nghe nhạc, rađiô, v.v... Không được mang vào khóa học những sách đọc hay dụng cụ để viết. Thiền sinh không được để mình bị lo ra bởi việc ghi chép. Sự hạn chế đọc và viết là để nhấn mạnh tính chất chuyên thực hành của phương pháp thiền này.

Thinh Lặng Cao Thượng

Mọi thiền sinh phải giữ sự Thinh lặng cao thượng từ ngày bắt đầu tới buổi sáng của trọn ngày cuối cùng. Thinh lặng cao thượng có nghĩa là giữ thinh lặng thể xác, lời nói và tâm trí. Mọi hình thức truyền thông với các thiền sinh bạn, dù bằng cử chỉ, dấu hiệu, ghi chép, v.v... đều bị cấm.

Tuy nhiên, thiền sinh có thể nói chuyện với thiền sư khi cần, và có thể gặp nhân viên điều hành khi có những vấn đề về ăn uống, đồ dùng, sức khoẻ, v.v... Nhưng cả những sự tiếp xúc này cũng phải giữ ở mức tối thiểu. Thiền sinh phải vun trồng cảm giác mình đang làm việc trong bầu khí cách li.

Vấn Ðề Tài Chánh Của Khóa Học

Theo truyền thống Vipassāna tinh tuyền, các khóa học được điều hành chỉ dựa vào của dâng cúng. Chỉ chấp nhận các của dâng cúng từ những thiền sinh cũ, nghĩa là những người đã hoàn tất ít là một khóa thiền với S.N. Goenka hay một người trợ giảng.

Bằng cách này, các khóa học đuợc tài trợ bởi những người mà bản thân đã nhận ra được những ích lợi của việc hành thiền. Vì muốn chia sẻ những ích lợi này với người khác, mỗi người dâng cúng tùy theo khả năng và ý muốn của mình. Có người dự khóa thiền lần đầu tiên có thể dâng cúng khi kết thúc khóa học hay vào một dịp nào khác sau đó.

Những của dâng cúng này là nguồn tài trợ duy nhất cho các khóa thiền theo truyền thống này trên khắp thế giới. Không có tổ chức hay cá nhân giàu có nào tài trợ các khóa học này. Các thầy dạy cũng như các người điều hành đều không nhận bất kì hình thức trả công nào cho các việc phục vụ của họ. Cho nên, việc truyền bá thiền Vipassāna được thực hiện với mục đích tinh tuyền, chứ không nhằm một mục đích tài chánh nào.

Dù quà dâng cúng lớn hay nhỏ, nó phải được dâng với ý muốn giúp ích người khác: "Khóa học mà tôi tham dự đã được chi trả nhờ lòng hảo tâm của các thiền sinh khóa trước; vì thế bây giờ tôi cũng muốn đóng góp chút gì để chi trả cho các khóa học tương lai, để những người khác cũng được hưởng lợi từ phương pháp này."

Còn có những qui luật khác được in trong tập sách qui luật cho các thiền sinh. Nhưng tóm lại, tinh thần ẩn đàng sau những qui luật và kỉ luật có thể tóm lược như sau:

Hãy hết sức cẩn thận để hành động của bạn không làm phiền người khác. Ðừng để ý gì đến những điều người khác có thể làm bạn mất tập trung.

Chương Trình

Ngày học thiền bắt đầu lúc 4 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ tối. Nó gồm khoảng mười một giờ thiền với một ít thời gian giải lao trong ngày. Các giờ thiền cá nhân xen kẽ các giờ thiền tập thể, khi ấy mỗi người thinh lặng ngồi thiền trước mặt thầy dạy. Mỗi tối một bài giảng thu băng video của thầy dạy chính, S.N. Goenka, được mở khoảng một giờ. Bài giảng này cắt nghĩa những khía cạnh khác nhau của việc giảng dạy và thực hành, và được triển khai theo đề tài của mỗi ngày. Các thiền sinh có thể xin nói chuyện với người hướng dẫn trong những thời gian dành riêng cho việc này. Từ ngày đầu tiên trở đi, các bài giảng nhấn mạnh khía cạnh thực hành của thiền và lợi ích của nó trong đời sống hằng ngày.

Ông Goenka nói:

- Ðối với chúng ta, thiền là một nghệ thuật sống. Chúng ta phải huấn luyện tâm trí chúng ta không phải để trốn tránh các vấn đề, nhưng để đi sâu vào chúng, để tìm ra nguyên nhân và loại trừ nó. Tâm trí chúng ta đã tích tụ biết bao điều tiêu cực -- tham, sân, si, sợ, ghen, dục vọng. Chúng ta phải giải phóng bản thân mình khỏi những điều nhơ uế này.

Ba Ngày Ðầu

Khóa học bắt đầu với những bài giảng đầu tiên vào ngày mới đến. Các thiền sinh bắt đầu bằng việc tuyên bố cam kết tuân thủ năm giới luật đạo đức đã nêu trên và làm việc dước sự hướng dẫn của vị thầy hiện diện. Hai ngày đầu dành cho việc phát triển phương pháp niệm hơi thở. Thiền sinh đạt được sự thực hành liên tục nhờ liên tục quán sát hơi thở. Người hành thiền quán sát hơi thở bình thường và tự nhiên lúc hít vào và thở ra. Việc thực hành này làm cho tâm trí tập trung và mở đầu một tiến trình là hoạt động sâu xa của tâm. Ông Goenka giải thích điều này như sau:

Ðối với chúng ta, việc định tâm có mục đích loại trừ sự dao động của tâm và khuynh hướng liên tục phân tâm của nó, để đi sâu vào tâm, diệt trừ những điều tiêu cực chất chứa trong nó, và đạt sự thanh tịnh hoàn toàn của tâm. Chúng ta phải học quán sát chân lí, thực tại của tâm trí và thân thể chúng ta. Chúng ta phải khám phá ra tại sao, do sự mê muội, chúng ta luôn tạo ra những nút thắt của sự căng thẳng bên trong con người mình.

Hơi thở của chúng ta là chiếc cầu nối kết thành phần ý thức của tâm với thành phần vô thức của chúng ta. Thực vậy, chúng ta không có nhận thức trực tiếp về mọi chức năng điện từ và sinh hóa và các qui trình xảy ra trong thân thể chúng ta. Hơi thở nối kết thành phần nội tâm với tất cả những gì xảy ra ngoài quyền kiểm soát của chúng ta. Thực vậy, hơi thở có một sự liên kết mạnh với những điều tiêu cực của tâm, vì chúng làm cho hơi thở nặng, xáo động, nhẹ, v.v...

Trong những ngày hoàn toàn dành cho việc niệm hơi thở này, thiền sinh ngồi ở một tư thế thoải mái, tốt nhất là ngồi bắt chéo chân, nhưng không bắt buộc như thế. Dù ngồi ở tư thế nào, điềm chính là có khả năng ngồi yên ở tư thế ấy trong một khoảng thời gian hợp lí. Trong ba ngày đầu, có thể thay đổi tư thế ngồi nếu thấy không thoải mái, vì ưu tiên là phải có sự liên tục trong việc quán sát.

Khu vực quán sát được giới hạn, và gồm hai lỗ mũi, bên trong lỗ mũi, và khu vực ở cửa mũi, phía trên môi trên. Thiền sinh trong tư thế ngồi yên tập trung chú ý vào khu vực hạn chế này bằng cách quán sát chăm chú mọi hơi thở vào và thở ra. Họ phải để ý đến mọi thay đổi trong hơi thở, hơi thở đều hay không, mạnh hay yếu, ngắn hay dài, đồng thời để cho nó ra vào tự nhiên mà không thúc ép hay ngăn chặn nó. Ðương nhiên, theo thói quen, đôi khi chúng ta vẫn bị chia trí; lúc đó chúng ta kiên trì gạt bỏ mọi tư tưởng hay những náo động gây chia trí, rồi trở lại ngay với sự ý thức về hơi thở. Ðể tăng cường và làm sự tập trung trở nên sắc bén, vào ngày thứ ba khu vực quán sát được thu hẹp hơn nữa, chỉ tập trung vào khu vực ở dưới mũi và trên môi trên, chăm chú ý thức liên tục vào hơi thở vào và hơi thở ra.

Ðể chuẩn bị cho việc hành thiền, thiền sinh bắt đầu quán sát bất kì cảm giác nào của cơ thể có thể xảy ra ở khu vực ấy. Chúng ta bắt đầu bằng cách này để di chuyển từ việc quán sát thuần tuý hơi thở sang việc quán sát thân thể và những cảm giác thể lí tự nhiên được biểu hiện trong thân thể. Nếu sự tập trung đạt đúng mức, chúng ta bắt đầu nhận thức được những cảm giác tự nhiên khi chúng xuất hiện. Qua các khám phá khoa học, chúng ta biết trong cơ thể chúng ta có vô số qui trình sinh học, vật lí, hóa học và điện diễn ra; những qui trình này cũng đang diễn ra trên bình diện các phân tử, nguyên tử, và dưới nguyên tử. Ðiều chúng ta phải bắt đầu làm là trở nên ý thức về những qui trình này không chỉ trên phương diện tri thức mà cả qua kinh nghiệm trực tiếp. Lúc đầu chúng ta chỉ nhận thức được những hiện tượng thô sơ nhất, những cảm giác dễ nhận thấy nhất, như ngứa, đau, tức, rung, hay những hiện tượng tương tự. Chúng ta phải quán sát chúng một cách rõ ràng và thanh thản nhưng không để cho tâm của mình phán đoán hay suy nghĩ về chúng. Chúng ta chỉ quán sát một cách đơn thuần. Với sự tập luyện ban đầu này, thiền sinh đã sẵn sàng để quán sát toàn thân một cách có phương pháp.

Ngày Thứ Tư

Thiền sinh đã sẵn sàng để học Thiền Quán. Người hành thiền được hướng dẫn di chuyển sự chú ý của họ từ khu dưới mũi tới một khu hẹp trên đỉnh đầu, và quán sát mọi cảm giác xuất hiện ở đó -- cảm giác vật lí tự nhiên như tức, nhói, ngứa, đau, nóng, lạnh, và bất kì cảm giác nào. Rồi người hành thiền dần dần bắt đầu quán sát mọi phần của cơ thể -- đầu, tay, mình, cổ, chân, v.v... Họ luôn được nhắc nhở ý thức một cách thanh thản tối đa về mọi cảm giác họ quán sát được, dù là những cảm giác dễ chịu hay khó chịu. "Chỉ quán sát đơn thuần, đồng thời tỉnh táo và chăm chú."

Toàn thể vũ trụ chỉ là một khối những dao động, đong đưa. Tâm cũng chỉ là những dao động. Nếu tâm chăm chú, sắc bén, ngày càng tập trung hơn, nó có thể có khả năng nhận thức về thân thể như những hiện tượng liên tục thay đổi -- các dao động, phân tử, dòng điện. Vẻ rắn chắc bề ngoài của thân thể chúng ta bắt đầu tiêu tan.

Phần thứ hai của việc hành thiền, phần quan trọng nhất, là phát triển tuệ giác qua kinh nghiệm này. Thước đo của sự thành công không phải là những cảm giác chúng ta nhận được tinh vi và dễ chịu bao nhiêu, mà là chúng ta tỏ ra thanh thản không phản ứng bao nhiêu. Toàn thể việc thực hành Vipassāna là ở chỗ duy trì sự thanh thản của tâm, đồng thời biết rõ rằng mọi kinh nghiệm thay đổi không ngừng. Giống như các nhà khoa học, chúng ta phải quan sát một cách khách quan những chất hóa học và vật lí xuất hiện trong cơ thể chúng ta, tất cả những phản ứng sinh hóa diễn ra trong mọi lúc, mà không đồng hóa mình với chúng, không đồng hóa chúng với một bản ngã cá nhân. Sự thanh thản này là chủ chốt để thanh tẩy tâm. Hơn nữa, nếu chúng ta tiếp tục phát triển những dao động của sự thanh tịnh cùng với sự thanh thản, những điều này sẽ chống lại dòng ảnh hưởng xấu chi phối quá khứ và tiếp tục tiêu diệt những điều tiêu cực.

Người hành thiền không bao giờ được thử tưởng tượng ra hay tạo ra những cảm giác, vì điều này không thể được; cần phải chỉ quán sát những gì xuất hiện một cách tự nhiên. Ðây là một cơ hội tuyệt hảo để nhìn ngắm với sự chăm chú và thản nhiên những cảm giác xuất hiện nơi thân thể. Thỉnh thoảng, khi có một cảm giác dễ chịu hay đau đớn xuất hiện, thiền sinh được hướng dẫn quán sát nó mà không đồng hóa mình với nó, chỉ đơn thuần quán sát nó đúng như nó là một hiện tượng thay đổi không ngừng. Thiền sinh sẽ hiểu biết bằng kinh nghiệm trực tiếp rằng mọi đau đớn vật lí hay đau khổ tinh thần -- dù ban đầu có vẻ mãnh liệt và không thể chịu nổi -- luôn có khuynh hướng thay đổi, giảm bớt, biến mất, giống như mọi cảm giác khác được quán sát trong cơ thể. Trong khi quán sát mọi điều xuất hiện mà không quyến luyến với những cảm giác dễ chịu cũng như không kháng cự lại hay tìm cách tránh đau khổ hay những tư tưởng khó chịu, người hành thiền có kinh nghiệm trực tiếp về việc chấp nhận thực tại đúng theo bản chất của nó, một thực tại không ngừng thay đổi. Ðây chính là cốt tuỷ của Thiền Quán.

Từ Ngày Thứ Năm Tới Ngày Thứ Chín

Sau đó, từ ngày năm tới ngày chín, thiền sinh tiếp tục hành thiền, kiên trì trong việc quán sát thân, hoàn thiện và làm cho tinh tế sự nhận thức về các hiện tượng khi chúng xuất hiện. Phương pháp chủ yếu bao gồm sự khám phá chi tiết mọi phần của cơ thể, di chuyển sự chú ý của mình về các hướng khác nhau, tuỳ theo cường độ và tính chất của các cảm giác. Vì mục đích này, bài giảng dần dần giới thiệu những cách khác nhau để quan sát thân, mỗi lúc mỗi sâu xa và đầy đủ hơn, song song với việc thực hành liên tục và bền bỉ. Sự quán sát liên tục các giác quan cho phép người hành thiền cảm nghiệm trực tiếp rằng cơ thể được cấu thành bởi những hiện tượng không ngừng biến đổi, những hiện tượng tương tác nhau ở một tốc độ và tần số rất cao và chỉ kéo dài trong chốc lát. Sự nhận thức bằng kinh nghiệm trực tiếp này về tính vô thường dẫn người hành thiền tới nhận thức về sự không tồn tại của thực thể hiện tượng và do đó, nhận thức về tính chất không thoả mãn của nó.

Toàn thể việc thực hành là con đường thanh tịnh. Sự thanh tịnh không cho phép một tình trạng mới bắt đầu, và vì thế cho nên tình trạng cũ biến mất. Sự loại trừ dần dần tình trạng cũ, các phản ứng, làm cho người hành thiền có thể đối diện với những hoàn cảnh khác nhau của đời sống hằng ngày của họ và đời sống của họ trong thế giới một cách quân bình và hài hòa hơn.

Trong kinh Hạnh Phúc - Mangala Sutta, có người hỏi Ðức Phật rằng theo ngài đâu là tình trạng tốt nhất phải đạt tới. Ngài trả lời tình trạng tốt nhất phải đạt tới là giai đoạn mà một người có thể giữ được sự quân bình của tâm trước mọi thăng trầm, mọi khó khăn của cuộc đời, giữa những hoàn cảnh dễ chịu hay khó chịu, thành công hay thất bại, lợi hay thiệt, may hay rủi.

Ngày Thứ Mười

Vào ngày cuối cùng, sau nhiều ngày vất vả làm việc như thế, và sau khi đã đối diện với vô số khó khăn để học biết kiểm soát tâm và thanh tẩy nó khỏi những điều kiện chi phối tiêu cực, thiền sinh được dạy phần cuối của phương pháp. Ðó là việc thực hành lòng nhân ái, tiếng Pàli gọi là mettà. Ðược thanh tẩy nhờ thực hành Thiền Quán, tâm bây giờ hướng về mọi chúng sinh với lòng nhân hậu. Thiền sinh được khích lệ chia sẻ với mọi chúng sinh khác sự thanh thản và quân bình mà họ đã đạt được.

Như cục than hồng toả sức nóng, hãy để cho cảm giác an bình và thiện chí tuôn trào từ cơ thể bạn đi khắp phía. Hãy nghĩ đến mọi chúng sinh -- những người gần gũi và thân thiết với bạn, những người dưng và những người có thể thù nghịch với bạn; những người bạn biết và những người bạn không biết; gần và xa; người hay không phải người, lớn và nhỏ; không phân biệt. Cảm giác của bạn, lòng nhân ái của bạn, phải đến với hết thảy chúng sinh.

Trong buổi học kết khóa, vào sáng sớm ngày thứ mười một, các bài giảng sẽ nói về cách duy trì sự liên tục của việc thực hành và cách áp dụng phương pháp này trong đời sống hằng ngày.

-ooOoo-

MƯỜI ÐẠO QUÂN CỦA MA VƯƠNG

Dưới đây là bài tóm bản dịch một bài giảng của Sayagyi U Ba Khin. Bài giảng này bằng tiếng Miến, và được giảng cho các thiền sinh Vipassāna trong một khóa học.

Các bạn phải rất thận trọng. Các bạn phải đứng vững và đương đầu với nhiều khó khăn, để các bạn có thể biết được anicca (vô thường) đích thực là gì. Các bạn phải làm việc cật lực -- đó là lí do tại sao chúng tôi không ngừng nhắc nhở các bạn. Những khó khăn đến với các bạn vào giai đoạn này của khóa học. Vào thời vị đại ân nhân của chúng tôi, Sayagyi Thetgyi, các thiền sinh thường gặp nhiều khó khăn khi hành thiền, đến độ họ không thể cảm nhận được đối tượng của thiền gì cả. Khi họ được yêu cầu tập trung chú ý lên đỉnh đầu, họ thường không cảm thấy gì cả. Trong khi niệm hơi thở (Aønàpàna), họ thường không cảm nhận được gì ở vùng quanh mũi. Một số đang khi thở cũng không cảm nhận được hơi thở của mình. Một số thiền sinh nói họ không cảm nhận được thân thể của họ. Trong khi các bạn đang ở đây, các bạn cũng sẽ cảm thấy những điều này xảy ra. Ðôi khi các bạn sẽ không thể cảm nhận được những cảm giác và các bạn sẽ không thể duy trì sự tập trung chú ý được.

Một số thiền sinh nghĩ họ đã đạt níp-bàn khi họ không cảm nhận được thân thể của họ. Nếu bạn không thể cảm nhận được sự hiện diện của thân thể bạn, bạn chỉ cần lấy tay đánh vào nó, hay tự đấm vào người mình rồi bạn sẽ thấy. Không cần phải hỏi thầy dạy. Bạn sẽ biết thân thể của bạn có đó hay không. Những sự không chắc chắn này làm các bạn khá hoang mang, phải không?

Bản chất của vipallasa (sự méo mó, sai lạc của tâm) làm các bạn bối rối. Chúng là những phiền não không mong muốn nhưng tiềm tàng bên trong con người. Chúng hiện diện trong mọi người chúng ta. Khi có sự thấu hiểu về vô thường (anicca), những phiền não này phải biến mất; nhưng chúng không muốn biến đi -- ngược lại, chúng muốn sự thấu hiểu vô thường này phải ra đi. Bản chất Níp-bàn của vô thường rất mạnh, vì thế Ma vương (các lực tiêu cực) tìm cách chống lại nó. Kinh Padhana Sutta mô tả mười tên lính của Ma vương. Chúng ta phải cảnh giác đối với mười tên lính này, vì chúng là những kẻ phá hoại việc hành thiền.

1) Tên lính thứ nhất của Ma vương là ước muốn hưởng thụ vui thú giác quan.

Một số người đến hành thiền không phải vì muốn đạt níp-bàn gì cả. Họ đến với những động cơ sau cùng như "Nếu tôi gần gũi được Sayagyi, ông ấy quen biết nhiều người có địa vị, nên tôi có thể được thăng chức trong nghề của tôi." Có một số người giống như thế. Họ đến vì lòng tham. Những người này không thể nào hành thiền thành công được. Phải không có lòng tham. Khi các bạn xin học phương pháp Thiền Quán, các bạn nói, "Nibbànassa sacchikaranatthaya" -- để đạt được níp-bàn... Tôi sẽ dạy các bạn hiểu Tứ Diệu Ðế, nhưng nếu bạn không quan tâm, và không muốn dành thời giờ để học nó, thì tôi có thể làm được gì?

2) Tên lính thứ hai của Ma vương là không thích ở lại trong một nơi yên tĩnh như trong một khu rừng.

Hôm qua có người dự định bỏ về. Anh thức dậy sớm và thu dọn đồ đạc của anh. Anh định ngồi lại với các bạn lúc 7 giờ 30 rồi sau đó bỏ đi đang khi tôi kiểm tra các thiền sinh vào lúc 8 giờ. Anh ta định chạy trốn thật nhanh, ra đón xe rồi về nhà ngay. Anh nghĩ có thể quay trở lại lấy đồ vào một ngày nào đó. May thay, không hiểu sao, tôi đã cho tập phần ngồi thiền adhitthàna (quyết tâm mạnh) sớm hơn thường lệ, nên anh đã phải ngồi lại giờ thiền đó. Thế là anh bị cầm chân! Sau giờ ngồi thiền adhitthàna, Ma vương đã ra khỏi anh, và anh không còn muốn bỏ đi nữa.

Khi nảy sinh sự không thích ở lại một nơi yên tĩnh, người hành thiền muốn bỏ đi. Anh có thể báo cho chúng ta biết anh muốn về, hoặc cũng có thể lặng thinh bỏ đi. Tên lính thứ hai không muốn ở nơi yên tĩnh vắng vẻ là vì có sự náo động bên trong tâm hồn.

3) Tên lính thứ ba của Ma vương là sự đói bụng -- không hài lòng với đồ ăn.

Bây giờ tất cả các bạn có đói không. Anh Sao Shwe Theik là một người rất hay đói. Anh đến với những bao đầy thức ăn. Anh nói anh không thể ở lại mà phải nhịn đói, vì vậy tôi nói, "Nếu vậy anh có thể ăn, nhưng cứ thử một, hai hay ba ngày xem sao." Tôi phải chiều ý anh ta; nhưng trong suốt mười ngày anh không cảm thấy đói gì cả.

Myanma Alin U Tin nói, nếu chỉ ăn hai bữa mỗi ngày, thì sau ba ngày anh sẽ bị xỉu mất; cả đời anh chưa bao giờ ăn ít như thế trong ba ngày liền. Anh xin phép được ăn, và tôi nói, "Tất nhiên, nếu anh thấy cần." Khi anh đến khóa thiền, anh ngồi thiền ngày thứ nhất, rồi thứ hai, rồi những ngày tiếp theo, mà chẳng cảm thấy đói. Người ta sẽ không cảm thấy đói nếu việc hành thiền có tiến bộ, mà chỉ thấy đói khi hành thiền không tốt. Có điều gì đó bên trong làm cho người ta đói. Lúc đó người ta không thể làm chủ được cơn đói. Một khi người hành thiền đã thành công, họ sẽ không còn cảm thấy đói nữa.

4) Tên lính thứ tư của Ma vương là thèm khát những món cao lương mĩ vị.

Bạn đã không ăn cà ri gà một thời gian, và bạn muốn ăn thịt nướng ư? Không thể ở đây được. Ở đây không có thịt gà, nhưng chúng tôi có thể cung cấp những món ăn ngon nhất cho bạn. Chính vì vậy, các đầu bếp cố gắng hết sức để dọn những món ăn làm sao cho mọi người được ăn đàng hoàng và vui vẻ.

Ðiều gì xảy ra khi người ta ăn những thức ăn rất thơm,ngon? Nó không kích thích sự thèm ăn uống sao? Có thể nào ăn mà không tận tưởng hương vị của món ăn không? ... Chỉ các bậc a la hán mới làm được điều này. Không phải mục đích bạn đến đây là để loại trừ phiền não (kilesa), loại trừ tham muốn (taịhà) sao? Nếu bạn nhắm mắt lại để không nhìn thấy gì, bạn sẽ không còn thèm muốn và quyến luyến những hình ảnh nào. Về nghe cũng thế. Tại đây không ai có máy cassette hay radio để nghe những bài hát của May Shin. Bạn không phải nghe những bài hát ấy. Về ngửi cũng vậy. Không ai ở đây xức nước hoa, vì thế sẽ không có sự thèm muốn hay khao khát được ngửi mùi thơm. Không có ai ở đây để làm bạn có những cảm giác dễ chịu nơi thân thể. Nhưng cái lưỡi -- nó có thể tránh vị giác không? Có, với điều kiện bạn không ăn uống gì cả, nhưng trong trường hợp đó bác sĩ sẽ phải truyền nước biển để nuôi bạn. Sẽ có vị giác khi lưỡi bạn tiếp xúc với thức ăn. Nếu bạn ăn ít thức ăn ngon miệng, bạn sẽ giảm được lòng thèm khát của vị giác.

Vì bạn đến đây để loại trừ những phiền não của lòng thèm muốn, chúng tôi phải giúp bạn bằng cách cung cấp một bầu khí tốt nhất để không tăng thêm phiền não, phải không bạn? Bạn đang cố gắng tiêu diệt chúng. Chúng tôi không muốn một đàng thì diệt trừ phiền não, đàng khác lại gia tăng nó bằng thức ăn. Chúng tôi không dọn bữa tối. Không dọn bữa tối chúng tôi sẽ đỡ mệt hơn. Sẽ có lợi cho chúng tôi hơn, và có lợi cả cho bạn nữa, vì nếu bạn ăn tối, chắc chắn bạn sẽ thấy buồn ngủ. Vì vậy, bạn có thể nhịn bữa tối. Nếu bạn ăn uống đàng hoàng vào bữa sáng và bữa trưa, hai bữa này cũng cung cấp đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể bạn.

5) Tên lính thứ năm của Ma vương là buồn ngủ, ươn lười và uể oải.

Bạn có thể hiểu điều này. Ngay cả đại sư Maha Moggallana (một trong những đại đệ tử của Ðức Phật) cũng bị tật buồn ngủ. Một số bạn có thể buồn ngủ khi ngồi thiền. Hồi tôi còn ngồi thiền trong kì tu dưỡng của mình, có một ông già cùng ngồi thiền với tôi. Chúng tôi ngồi thiền trong phòng thiền tại trung tâm thiền của Sayagyi Thetgyi, và ông già ấy ngồi đàng sau tôi, đầu trùm một khăn quàng thiền rất lớn. Một lát sau, ông bắt đầu ngáy rất to. Bình thường ít người có thể ngồi mà ngáy, nhưng cũng có nhiều thiền giả có thể làm việc này -- ngồi và ngáy, rồi thức dậy! Ðây gọi là thina-middha (ươn lười và uể oải). Không thể tránh được tình trạng ươn lười uể oải này. Khi trực giác và tuệ giác trở nên sắc bén, người ta cảm nghiệm được tính chất an lạc của Níp-bàn; và khi những bản tính tốt lành và xấu xa xung đột nhau, thì phát sinh một phản ứng và tạo ra nhiệt. Thế là người ta trở nên buồn ngủ.

Nếu thỉnh thoảng bạn thấy buồn ngủ, chỉ việc thở mạnh hơn một chút; bạn đã mất định, sự tập trung của bạn rồi. Ðây là một sự kích thích bên trong. Sự tập trung của bạn đã biến mất. Nếu bạn bị mất tập trung, thì bạn hãy tập trung chú ý lại vào hai lỗ mũi, thở mạnh hơn và cố gắng bình tĩnh lại. Ðôi lúc, khi tuệ giác về vô thường (aniccavijjà) trở nên mạnh hơn, bạn cảm nghiệm được sự gặp gỡ của cảm nghiệm vật lí và tâm lí nơi thân thể bạn, và trực giác, trực cảm của bạn trở nên rất sâu sắc và rất mạnh. Lúc đó có một sự kích thích rất mạnh bên trong và bạn bị mất nhận thức về vô thường và trở nên hoang mang mất phương hướng. Bạn không hiểu được điều gì đang xảy ra và bạn hỏi thiền sư. Nếu hiện tượng này xảy ra đột ngột, bạn có hai cách để đối phó. Một là cố gắng để thiết lập sự tập trung trở lại, như tôi đã dạy bạn. Hay là bạn có thể đi ra ngoài cho tỉnh táo và phản ứng đó sẽ qua đi. Ðừng đi ngủ khi phản ứng đó xảy ra. Tôi cống hiến bạn những phương pháp để xử lí. Chúng quan trọng về phương diện thực hành. Sự buồn ngủ luôn luôn xảy ra khi những pháp hành phiền não (sankhàras) xuất hiện. Lúc ấy chúng ta phải áp dụng vô thường một cách kiên quyết. Không phải chỉ nói vô thường ngoài cửa miệng. Phải có sự nhận thức thực sự về bản chất thay đổi của thân xác với sự ý thức về các cảm giác. Nếu bạn thực hành theo cách này, thì bạn sẽ khắc phục được và thành công.

6) Tên lính thứ sáu của Ma vương là không muốn ở một mình và sợ cô đơn.

Một số người không thể ngồi mãi trong cùng một phòng nhưng luôn thay đổi phòng ngồi thiền, đi tìm bạn thiền và cảm thấy sợ ngồi một mình. Win Min Tham là một trong những người sợ cô đơn như thế. Nhà của cô rất to nhưng cô không dám ở một mình trong bất cứ phòng nào của nhà mình; cô luôn luôn cần có một người bạn ở với cô. Cô đến đây học thiền và mang theo một đầy tớ gái. Cô xin phép tôi để đèn sáng trong phòng khi cô ngồi thiền, và tôi đã cho phép. Không chỉ có thế, cô còn đòi có người ngồi cạnh cô khi cô ngồi thiền. Cô không dám ngồi trong phòng một mình. Khi cô ở một mình, toàn thân cô đỏ bừng lên. Sau khi dự một khóa học, ocâ đã khá hơn đôi chút. Sau khóa học tiếp theo cô đã ở một mình trong một căn phòng nhỏ và tối. Cô thường xuyên đến ngồi thiền mỗi tháng một khóa mười ngày và đã cảm thấy được lợi rất nhiều. Cô thuộc loại nhát gan bậc nhất đấy, nhưng sự sợ hãi của cô bây giờ đã biến mất. Tuyệt vời không?

7) Tên lính thứ bảy của Ma vương là nghi ngờ mình có thể hành thiền thành công hay không.

Tôi nghĩ điều này đúng với hết mọi người -- đó là nghi ngờ việc ngồi thiền của mình có thể thành công hay không. Bạn có thể thành công đấy. Ðiều quan trọng là tẩy sạch tội lỗi (akusala) và sự phiền não (kilesa) ăn rễ sâu trong chúng ta. Quan trọng lắm.

8) Tên lính thứ tám là kiêu căng tự đắc khi mình ngồi thiền thành công.

Khi việc ngồi thiền tiến triển, người hành thiền có thể cảm thấy sựtiến bộ đó trong lòng. Các phiền não trở nên nhẹ hơn và người tadễ có khuynh hướng tự đắc và nghĩ, "Anh bạn kia có vẻ không khámấy, mình nên giúp anh ta." Tôi kể cho các bạn kinh nghiệm củabản thân tôi. Trước đây khá lâu, khi tôi bắt đầu mở trung tâm thiền này, chúng tôi không có một thiền đường. Khi tôi mua mảnh đất này, chỉ có một túp lều khoảng ba mươi mét vuông ở chỗ này. Chúng tôi thường ngồi tại đó và nói chuyện. Một hôm, sau giờ ngồi thiền buổi sáng, U Hla Maung đi ra và nói, "Xem này." Anh ta vén cao quần lên và cho thấy chân và đùi anh nổi lên những cục u nho nhỏ giống như con gà bị vặt trụi lông. Sự kích thích bên trong anh quá mạnh khiến cho những cục u đó nổi lên. Anh vén cao quần lên và chỉ cho chúng tôi xem thấy những cục u đó. "Các anh xem đi. Xem để biết kích thích bên trong tôi mạnh đến thế nào. Các anh cũng phải cố gắng hết sức như tôi."

Ðây là lí do tại sao tôi khuyên tất cả các bạn không nên thuyết giảng. Nếu các bạn có điều gì muốn hỏi, thì hãy hỏi tôi. Nếu có điều gì muốn nói, thì cứ nói với tôi. Khi anh ta thuyết giảng, có "cái tôi" trong anh ta, "Tôi" làm được điều đó, "Tôi" làm khá lắm. Những người này có vẻ không thành công gì được đâu." Anh ta đá banh rất giỏi, nhưng nóng tính, đụng cái gì là đánh, đập. Khi một người nóng tính có một sự kích thích bên trong, người ấy bộc lộ ra bên ngoài thân thể họ. Ngày hôm sau U Hla Maung không thể ngồi thiền được. Anh không thể có một cảm giác nào và phải đến gặp thầy Sayagyi để xin hướng dẫn.

Tôi kể cho các bạn nghe về những người khác vì tôi muốn nói đến bản chất của sự vật. Nếu bạn có tiến bộ trong việc hành thiền, thì hãy cứ làm thinh và tiếp tục hành thiền một mình.

9) Tên lính thứ chín của Ma vương liên quan tới Thiền sư và bao gồm sự ham muốn được nổi tiếng, được nhiều của dâng cúng, và được mọi người tôn kính.

Tôi nhận được rất nhiều sự tôn kính và quà tặng. Tôi đã phải kiểm soát bản thân để không trở nên hợm mình. Tôi phải cảnh giác chính mình. Chúng tôi mở trung tâm thiền này ở đây là để phục vụ những nhân viên của văn phòng Kế toán trưởng, để họ có thể hành thiền vào các giờ rảnh, nhưng quá ít người trong số đó còn lại ở đây bây giờ. Chúng tôi mở trung tâm này không phải vì kinh doanh, nhưng vì Giáo pháp. Bất cứ nhân viên nào của văn phòng đến hành thiền trong mười ngày đều trở thành một hội viên. Lệ phí tiếp nhận là mười ngày ngồi thiền. Hay đấy chứ? Không phải trả một cắc nào để ghi danh. Chỉ cần kiên trì ngồi thiền, để ý thực hành, không đánh mất nó. Chúng tôi đã bắt đầu như thế và đã đạt được ngày hôm nay. Tiền không thể làm điều này. Chính Giáo pháp đã làm điều này. Chúng tôi tin như thế, và chúng tôi cũng chẳng có tiền bạc gì cả.

Trung tâm thiền này không phải của tôi. U Ba Khin này không thể tự phụ và nói, "Ðây là trung tâm của U Ba Khin." Tôi không phải ông chủ trung tâm này. Trung tâm này là của Hiệp hội Vipassāna của văn phòng Kế toán trưởng. Nếu họ đuổi tôi đi thì tôi phải đi. Các bạn thấy đó, hay lắm! Tôi không làm chủ trung tâm này. Tôi phải được bầu lại mỗi năm. Chỉ khi họ bầu lại tôi, tôi mới ở lại đây. Nếu họ nói họ đã tìm được người khá hơn tôi và chọn người ấy, thì tôi hết rồi. Hay có những thành viên trong ủy ban có thể không thích tôi, họ có thể nói tôi nói nhiều quá và họ chọn một người khác. Lúc đó tôi phải ra đi. Tôi không sở hữu nơi này.

10) Tên lính thứ mười của Ma vương là đi theo một Giáo điều sai lạc, tạo ra một Giáo pháp mới và đặc biệt, để nhận được thật nhiều quà dâng cúng, tự đề cao mình và coi khinh kẻ khác.

Chính vì thế tôi không muốn nói quá nhiều về những người khác. Cứ để người khác nói gì về chúng ta thì nói, phải không nào? Một số thầy dạy thích nhận quà biếu. Vì vậy, để có đông học trò, họ dạy những gì học trò thích -- những giáo huấn sai lạc, những giáo huấn không phải của Ðức Phật -- mà chỉ vì họ muốn được tôn sùng và nhận nhiều quà. Họ không còn làm việc cho Giáo pháp chân chính. Ðó là tên lính thứ mười của Ma vương.

Giáo pháp diệt trừ đau khổ và đem lại hạnh phúc. Ai cho hạnh phúc này? Không phải Ðức Phật cho, mà chính là sự tuệ giác về vô thường ở trong bạn đem hạnh phúc đến cho bạn. Chúng ta phải thực hành thiền Vipassāna để cho sự tuệ giác này không ngừng lại hay biến mất. Chúng ta phải thực hành thế nào? Hãy tập trung chú ý vào bốn yếu tố, hãy bình thản, vun trồng định (samàdhi) và đừng để giới (sìla) bị hư hỏng. Nói dối là điều tôi sợ nhất trong ngũ giới -- tôi không sợ các giới khác -- vì khi nói dối, nền tảng của giới bị suy yếu. Khi giới bị suy yếu, định cũng sẽ suy yếu và tuệ giác cũng suy yếu. Hãy nói sự thật, thực hành thường xuyên, xây dựng định và chú ý đến những gì đang xảy ra trong thân thể bạn; thế rồi bản tính của vô thường sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.

Saya Thetgyi vị ân nhân của chúng tôi nói, "Rất nhanh, dao động không ngừng, chuyển động tán loạn, vỡ ra, cháy rụi, tàn phá thân xác -- tất cả đều là những dấu hiệu của vô thường." Chính thân xác là cái luôn thay đổi. Danh (tâm) là tư tưởng biết rằng sắc (vật) thì thay đổi. Khi sắc thay đổi và biến đi, danh là cái biết về sự thay đổi và biến mất của sắc thì cũng thay đổi và biến đi. Cả danh và sắc đều là vô thường. Các bạn hãy luôn ghi tâm điều này, luôn ý thức điều này.

Hãy tập trung chú ý nơi đỉnh đầu của bạn, rồi chuyển xuống toàn thân thể -- từ đỉnh đầu xuống trán rồi mặt, từ mặt xuống cổ, từ cổ xuống vai, từ vai dọc xuống hai tay. Khi tâm di chuyển như thế, nó có thể giống như chạm vào một cây đuốc và cảm thấy sức nóng ở mỗi chỗ cây đuốc chạm vào, ở mỗi chỗ mà tâm đi tới. Tại sao? Bởi vì có sự đốt cháy và hủy diệt xảy ra bên trong; đó là bản tính đốt cháy bẩm sinh của các đơn vị nguyên tử bên trong. Ðiều này chắc chắn là có thực. Hãy học biết nhậy cảm với điều này để bạn có thể cảm nhận nó. Hãy thử điều này với một tâm chăm chú và bạn sẽ biết rõ.

Một khi người ta thực hành thiền và trở nên ý thức và quán sát bằng nhận thức của Thiền quán, thì những phiền não, ác bất thiện- samudaya akusala đã phát sinh không thể tồn tại lâu được. Chúng phải biến mất dần dần và khi tất cả chúng đã biến mất, người ta trở nên làm chủ được mình và ổn định, đồng thời có thể sống tốt lành.

Một người phải thực hành thiền bao lâu? Cho tới khi tất cả những hành vi xấu đã tích lũy vô số trong quá khứ do vòng luân hồi- saưsàra bị tiêu diệt nhờ việc quán sát chân tướng của vô thường. Khi ấy người ta trở thành người nhập lưu (sotàpanna, người đã đạt bậc thánh thứ nhất, đã cảm nghiệm níp-bàn), và trở thành người cao thượng (ariyàpuggala). Ðạt được điều này không phải dễ.

Ðể đạt níp-bàn chung cuộc, nơi mà mọi nghiệp đều đã bị tiêu diệt, con đường còn rất xa, nhưng có thể bạn cũng thích thử xem níp-bàn nhỏ là như thế nào. Nếu chỉ có thể cảm nghiệm sau khi chết, chắc những người nước ngoài này đã không bao giờ thực hành loại thiền này đâu. Họ đã cảm nghiệm một chút níp-bàn, đã thích nó và đã quay lại để tiếp tục thực hành, từ rất nhiều nơi khác nhau, gần và xa. Họ cũng giới thiệu những người thân quen và bạn hữu và những người này cũng đã đến từ những nơi rất xa xôi. Tại sao có chuyện này? Bởi vì họ đã nếm cảm được Giáo pháp.

Ðiều quan trọng là phải có một thầy dạy để giúp thiền sinh nếm cảm được Giáo pháp. Nhưng thiền sinh phải tự mình thực hành để nếm cảm được mùi vị của nó. Mùi vị này gọi là gì? Ðó là Dhamma rasa, mùi vị Giáo pháp. "Sabba rasam dhamma rasam jinati" -- trong mọi mùi vị, mùi vị Giáo pháp là mùi vị cao cả nhất, tuyệt vời nhất.

Bạn phải cố gắng thực hành chăm chỉ để nếm được mùi vị này. Như một ông vua trần gian hưởng thụ những lạc thú trần gian, ông vua của trời (deva) hưởng thụ những lạc thú của trời, và vị phạm thiên (bậc trời cao hơn) hưởng thụ những lạc thú của cõi phạm thiên; các bậc thánh (ariyàs) như Ðức Phật và các vị A La Hán cũng có thể vui hưởng mùi vị của Giáo pháp mà các ngài đã đạt được. Bạn phải làm việc chăm chỉ cho tới khi chính bạn cũng có thể hưởng mùi vị ấy, nhưng xin đừng làm một cách thái quá, thiếu chừng mực. Hãy cố gắng làm việc theo thời biểu chúng tôi đã vạch ra, làm việc đúng giờ, đầy đủ, hết sức cẩn thận và hết sức cố gắng.

-ooOoo-

HỎI VÀ TRẢ LỜI

Hỏi: Xin ông tóm lại, một khóa thiền dạy cái gì?

S.N. Goenka: Dạy một lối sống, một qui luật sống, một nghệ thuật sống. Mục tiêu là học cách sống an bình và hoà hợp, sống thế nào cho hợp đạo đức, sống thế nào để làm chủ được cái tâm của mình, và sống thế nào để cái tâm ấy luôn tràn đầy những phẩm chất như yêu thương, từ bi, thiện chí.

Hỏi: Các thiền sinh học thiền Vipassāna thế nào?

SNG: Họ phải dự một khóa học thiền. Họ phải sống với một thầy dạy, cách li với mọi quan hệ bên ngoài -- ít là trong mười ngày. Trong thời gian này họ phải tránh mọi hành vi thiếu đạo đức nơi thân xác và lời nói. Thiền sinh học cách kiểm soát tâm của mình nhờ sự trợ giúp của việc hít thở. Họ bắt đầu hành thiền Vipassāna bằng cách quán sát thực tại liên quan tới cấu trúc vật lí và tâm linh của họ, và nhờ việc quán sát này, họ thoát ra khỏi những điều tiêu cực của họ.

Hỏi: Ông nói "kiểm soát tâm của họ nhờ sự trợ giúp của việc hít thở." Phải chăng họ tập luyện hít thở?

SNG: Không, đây không phải một bài luyện tập hít thở. Thực ra, đây là luyện tập để phát triển khả năng ý thức. Thiền sinh bắt đầu quán sát sự hít thở tự nhiên -- không phải sự hít thở được điều khiển mà là sự hít vào thở ra một cách tự nhiên. Nếu hơi thở dài, thì là dài; ngắn, thì là ngắn -- nhưng phải là tự nhiên.

Hỏi: Trong khi luyện hơi thở trong hai hay ba ngày của khóa học, nếu thiền sinh cảm thấy khó chịu hay xáo trộn, họ phải xử lí thế nào?

SNG: Thiền sinh được thong dong thay đổi tư thế. Ðây không phải một bài tập thể dục; thiền sinh không buộc phải ngồi lâu ở một tư thế nhất định nào. Họ có thể ngồi ở bất kì tư thế nào họ thấy thoải mái, nhưng đương nhiên họ phải cố gắng ngồi thẳng lưng và thẳng cổ.

Hỏi: Phương pháp Thiền Quán khác thế nào với các phương pháp thiền khác, như việc sử dụng các câu niệm chú? Những phương pháp khác ấy tâm không tập trung hay sao?

SNG: Với sự định tâm để hình dung ra bất kì hình thù nào, người ta dễ tập trung tâm của mình, điều này không ai nghi ngờ. Nhưng ở đây, mục tiêu là thanh tẩy tâm, nên phương pháp này đi theo một hướng khác. Và các câu niệm chú thường tạo ra một loại dao động nhân tạo nhất định. Mọi lời nói, mọi câu niệm chú đều phát sinh một dao động, và nếu người hành thiền làm việc hàng giờ với câu niệm chú này, họ sẽ bị chìm ngập trong sự dao động do nó tạo ra, trong khi thiền Vipassāna muốn bạn quán sát sự dao động tự nhiên bạn đang có -- những dao động khi bạn đói, hay khi đầy đam mê, sợ hãi, hay ghen ghét -- để bạn có thể quán sát chúng và thoát ra khỏi chúng.

Hỏi: Trong thực tế ông quán sát sự dao động tự nhiên này thế nào?

SNG: Qua các cảm giác của thân thể, bởi vì mọi tư tưởng đều đồng thời phát sinh một cảm giác nơi thân thể.

Hỏi: Tại sao lại xảy ra như thế?

SNG: Tâm và vật tương quan rất mật thiết với nhau khiến bạn không thể tách lìa chúng. Khi có điều gì xảy ra nơi tâm, như tức giận chẳng hạn, thì đồng thời bắt buộc phải có nhiệt hay căng thẳng nơi thân. Ðây là định luật tự nhiên. Bạn không thể quán sát cơn giận như một sự tức giận trừu tượng, nhưng khi bạn bắt đầu quán sát cảm giác nơi thân, là cảm giác bạn nghiệm thấy lúc bạn phát sinh sự tức giận nơi tâm, thì bạn có thể dễ dàng thoát ra khỏi cơn giận.

Hỏi: Và nhờ quán sát, bạn có kiểm soát được nó không?

SNG: Không, kiểm soát là một sự kiềm chế. Còn đối với Thiền Quán, không có sự kiềm chế cũng không có sự thả lỏng. Nếu bạn chỉ quán sát đơn thuần, bạn sẽ thấy những điều tiêu cực này tuần tự bị tiêu diệt từng lớp một.

Hỏi: Ích lợi thực tế là gì? Tôi có thể thấy những người ngồi thiền rồi sau đó ra khỏi khóa học và cảm thấy an bình và sung sướng tuyệt vời, nhưng làm sao có thể áp dụng phương pháp này trong đời sống hằng ngày với tất cả những sự phiền toái của đời sống ấy?

SNG: Những người đến tham dự các khóa thiền mười ngày như thế này không phải nhằm mục đích trốn tránh những khó khăn và đau khổ của đời sống thế tục. Thực ra, họ đến đây học phương pháp này là để họ có thể áp dụng vào đời sống thường ngày của họ. Nếu Thiền Quán không thể áp dụng cho đời sống thường ngày, nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì; nó sẽ chỉ là một nghi thức hay nghi lễ nào đó, chẳng ích lợi gì cả. Vì vậy, bất cứ ai học Thiền Quán đều cố gắng đem áp dụng nó trong đời sống hằng ngày.

Hỏi: Ông có thể nói chi tiết hơn không? Một người làm doanh nghiệp, một công nhân nhà máy, một nội trợ, hay một bác sĩ sẽ áp dụng nó thế nào?

SNG: Mỗi người đều gặp vấn đề này hay vấn đề khác trong đời sống. Luôn luôn có căng thẳng vì vấn đề này hay vấn đề khác. Khi có căng thẳng, tâm trở nên rối loạn, khiến mọi quyết định người ta làm đều sai lầm, và người ta phát sinh những tiêu cực có hại cho bản thân mình và cho người khác. Ðứng trước những khó khăn, người hành thiền Vipassāna đúng mức sẽ giữ được bình tĩnh, dù chỉ trong chốc lát, rồi sau đó làm một quyết định tốt, kéo theo một hành động tích cực.

Hỏi: Ðây có phải một phần của đạo Phật không? Người thuộc các tôn giáo khác có thể thực hành nó không, hay nó đối chọi với những việc thực hành của các tôn giáo khác? Tại sao những người Kitô giáo, chẳng hạn, cũng muốn thực hành thiền?

SNG: Một điều phải rõ ràng -- nhất định đây không phải đạo Phật. Ðồng thời nhất định đây là lời giảng dạy của Ðức Phật. Chúng ta phải hiểu Phật có nghĩa là con người giác ngộ, con người giải phóng. Những con người giác ngộ, giải phóng đều không bao giờ giảng dạy một tôn giáo, mà giảng dạy một nghệ thuật sống phổ quát. Các ngài sẽ không bao giờ sáng lập một giáo phái hay tôn giáo. Vì thế, không có cái gọi là "tôn giáo của Phật"; nó là một nghệ thuật sống. Vì vậy, mọi người bất kể thuộc cộng đồng nào, giáo phái nào, hay tôn giáo nào, đều có thể thực hành thiền một cách dễ dàng,vì nó là một nghệ thuật.

Mọi người đều tìm sự an bình nội tâm; mọi người đều tìm sự thanh tịnh nội tâm. Ðức Kitô là một con người tuyệt vời đã không chỉ giảng dạy sự an bình và hoà hợp của tâm hồn, mà còn giảng dạy sự thanh tịnh của tâm hồn, lòng bác ái, từ bi. Vì thế, những người theo giáo huấn của Ðức Kitô chắc chắn thích phát huy phẩm chất tốt đẹp của lòng trong sạch, bác ái và từ bi. Khi những người Kitô hữu đi dự các khóa học thiền, họ không cảm thấy mình đến với một tôn giáo xa lạ. Nhiều lần có những vị linh mục và nữ tu nói với tôi rằng chúng tôi đang giảng dạy Kitô giáo nhân danh Ðức Phật.

Hỏi: Chỉ chuyên cần thực hành Vipassāna có đủ để tiến bộ không, hay cần phải có sự thay đổi hạnh kiểm và lối sống như một kết quả của việc thực hành?

SNG: Nếu kĩ thuật này được thực hành đúng đắn và liên tục, tất yếu nó sẽ tự động tạo ra những thay đổi trong đời sống hằng ngày. Dù sao, đây chính là mục tiêu của việc thực hành Vipassāna. Hiển nhiên, việc thanh tẩy tâm sẽ làm phát sinh sự thanh tẩy nơi lời nói và hành động. Tuy nhiên, để làm cho tiến trình này dễ dàng, chúng ta cần có những cố gắng ý thức để điều khiển hạnh kiểm của mình, nghĩa là tránh những hành vi có hại cho người khác và làm những hành vi có ích cho người khác. Một thái độ như thể sẽ giúp cho sự tiến bộ của Vipassāna. Khi bạn gia tăng sự tiến bộ, nếp sống đạo đức của bạn sẽ không còn là một kỉ luật bị áp đặt, mà là một kết quả bình thường, tự nhiên của việc thực hành.

Hỏi: Việc ăn uống, tình dục và việc sinh sống có tầm quan trọng gì trong việc giúp đỡ hay cản trở tiến bộ trong hành thiền?

SNG: Trong một khóa thiền tập trung, điều thiết yếu là người hành thiền phải ăn đồ chay. Ngoài việc này, họ chỉ cần điều độ trong việc ăn uống, tất nhiên phải cẩn thận để ăn những thức ăn lành. Nhiều thiền sinh tự nhiên trở thành những người ăn chay.

Cũng thế, trong khóa học thiền, phải kiêng mọi sinh hoạt tình dục, nhưng trong đời sống thường ngày, bạn có thể tiếp tục các sinh hoạt vợ chồng của bạn. Chúng ta cũng phải hiểu rằng việc thực hành thiền Vipassāna tự nhiên sẽ dẫn bạn tới chỗ loại bỏ sự ham muốn tình dục. Dần dần người hành thiền sẽ trở nên tràn đầy yêu thương đối với người khác mà không chờ đợi sự đáp trả. Dục vọng được thay thế bằng lòng từ bi. Ở giai đoạn này, sinh hoạt tình dục không còn tương xứng để diễn tả tình yêu tinh tuyền. Không cần sự đè nén hay diệt dục, người hành thiền bước vào một bậc độc thân tự nhiên.

Về việc sinh sống, người hành thiền có thể làm bất cứ nghề gì, miễn là nó không gây thiệt hại cho người khác nhưng mang lại hạnh phúc cho người khác. Về phương diện này, điều quan trọng nhất là ở ý muốn của tâm. Dù bạn làm nghề gì, bạn phải làm với ước muốn phục vụ xã hội, và để đổi lại, bạn nhận được tiền công để nuôi sống bản thân và gia đình.

Hỏi: Một người không theo học một khóa thiền mười ngày có thể quán sát những cảm giác nơi thân thể và thành công không?

SNG: Khóa học mười ngày không phải một lễ nghi hay nghi thức. Nó có mục đích tập luyện cho người ta biết quán sát các cảm giác. Chỉ dạy mà thôi thì không có tác dụng. Họ phải học cách quán sát bằng thực hành, nếu không họ sẽ chỉ chấp nhận nó trên bình diện tri thức mà thôi; và trên bình diện thực tế, nó trở nên khó hơn, vì khi một điều tiêu cực xuất hiện, nó rất mạnh và bạn không thể quán sát những cảm giác đúng mức được. Vì vậy, một khóa học thiền mười ngày là điều thiết yếu.

Hỏi: Như vậy một người chỉ cần sống cách li trong mười ngày và quán sát các cảm giác nơi thân thể, hay họ cần có một thầy dạy?

SNG: Phương pháp này là một hoạt động của tâm và bạn đi vào những bình diện thâm sâu hơn của tâm, còn những điều tiêu cực thì xuất hiện ở bề mặt, vì thế bài học đầu tiên về phương pháp này nên được học với một người có kinh nghiệm. Sau mười ngày, người hành thiền không phải lúc nào cũng cần lệ thuộc vào một thầy dạy. Không có chế độ "phụ đạo" trong kĩ thuật này. Thiên nhiên là người thầy và bạn có đường để đi và có thể đi trên con đường này. Lúc đầu, khi bạn hành thiền, cần phải có người hướng dẫn để chỉ cho bạn biết điều gì đang xảy ra. Một mặc cảm sợ hãi sâu xa có thể xuất hiện, một mặc cảm đam mê sâu xa có thể xuất hiện và bạn có thể mất quân bình tâm trí, nên cần có người hướng dẫn để giúp đỡ bạn thực hành đúng đắn.

Hỏi: Như thế Vipassāna thực sự là quán sát những cảm giác nơi thân thể nhưng đồng thời vẫn giữ sự thản nhiên?

SNG: Hầu như thế. Ðó là quán sát thân và những gì xảy ra nơi thân -- các cảm giác. Ðó là quán sát tâm và những gì xảy ra nơi tâm. Nhưng tâm và những gì xảy ra nơi tâm cũng biểu hiện như là cảm giác nơi thân. Vì thế, nguyên tắc cơ bản là: quán sát cảm giác nơi thân. Mọi điều xuất hiện nơi tâm sẽ biểu hiện ra như một cảm giác nơi thân; nếu bạn quán sát cảm giác này, tức là bạn đang quán sát cả tâm và thân.

Hỏi: Nhưng nếu chúng ta không phản ứng với đời sống, thì có còn là sống thực sự không?

SNG: Một câu hỏi rất hay; nhiều khóa học trước cũng đã có câu hỏi này. Người ta không hiểu ý nghĩa của sự thanh thản hay quân bình của tâm là gì. Ðôi khi có sự ngộ nhận, và người ta tưởng bằng việc phát triển một cái tâm thanh thản hay vô tư, người ta sẽ sống một đời sống không hoạt động, một đời sống giống như cỏ cây, mặc kệ cho ai đến và cắt bỏ họ đi tùy ý, vì họ là những hành giả Vipassāna và có tâm thanh thản. Thực ra, không phải vậy; mà hoàn toàn khác hẳn. Vipassāna sẽ làm cho đời sống người ta hoạt động tích cực, nhưng không có hoạt động tiêu cực. Trong thực tế, người ta sống trong sự hoạt động tiêu cực; mọi giây phút người ta đều có phản ứng. Và khi bạn phản ứng tiêu cực, với lòng thèm muốn hay giận ghét, thì tâm của bạn mất quân bình, bạn làm hại chính mình, làm hại người khác. Nhưng trong một tình huống nhất định, nếu một người giữ được sự quân bình và thanh thản, dù chỉ trong chốc lát, và sau đó làm một quyết định, thì đó luôn luôn là một quyết định đúng -- bất cứ hành động nào phát xuất từ quyết định này cũng đều tích cực. Như thế, đời sống người ấy trở nên đầy hoạt động tích cực; nó không phải đời sống hoạt động, cũng không phải hoạt động tiêu cực.

Hỏi: Một số người có thể nói rằng ngồi thiền suốt cả ngày thì rất ích kỉ. Ông trả lời thế nào? Một thiền sinh Vipassāna nên ở cách li thế giới hay nên ở trong thế giới?

SNG: Chắc chắn là ích kỉ nếu ai đó muốn sống cả đời trong một trung tâm thiền, chỉ để suy niệm và quên đi thế giới bên ngoài. Giáo pháp không dạy điều đó. Tôi luôn luôn nói với các thiền sinh: "Bạn hãy đi bệnh viện để lấy sức khoẻ, nhưng chớ ở lại bệnh viện suốt cả đời. Hãy lấy sức khoẻ và sử dụng sức khoẻ ấy trong đời sống hằng ngày của bạn." Bạn đến trung tâm thiền để lấy sức khoẻ tâm linh để bạn có thể thấy sức khoẻ tâm linh này trong đời sống hằng ngày của bạn.

Hỏi: Thế nghĩa là người ta có thể dấn mình trong các vấn đề xã hội mà đồng thời vẫn có thể dành thời giờ để hành thiền Vipassāna?

SNG: "Dành thời giờ cho Vipassāna" chỉ là khi bạn tham dự một khóa thiền như thế này trong mười ngày. Sau đó, nó là một phần đời sống của bạn. Bạn có thể sống một đời sống rất tốt trong tư cách một nhà hoạt động xã hội -- bạn đang phục vụ con người -- nhưng bạn sẽ phục vụ con người tốt hơn nếu bạn phục vụ chính mình. Nếu bạn giữ được tâm thanh tịnh và đầy an bình hòa hợp, bạn sẽ thấy việc phục vụ của bạn rất tích cực, rất hiệu quả. Nhưng trong thâm tâm, nếu bạn cảm thấy náo động, không có an bình, thì mọi việc phục vụ của bạn cũng không thể hiệu quả được

Hỏi: Ông có cần chuẩn bị gì đặc biệt để dạy khóa thiền này không?

SNG: Khóa học mười ngày là sự chuẩn bị. Thực ra, bạn bắt đầu từ tình trạng hiện có của bạn và mười ngày này là sự chuẩn bị của bạn cho cả đời.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 07-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 21-07-2002