|
Chương
Một - Phật Bảo
Tiết VI
Các
Tinh Thần Giáo Dục của Thế Tôn và
sự Liên Hệ giữa Ngài với các hàng Ðệ Tử, Chư Thiên,
Ác Ma và Ngoại Ðạo.
(tiếp theo)
Thế Tôn và Ác Ma
Ác ma là tiêu biểu cho
các hạng độc ác ở đời, nghiêng nặng về các ác hành.
Họ cũng có một ít thần thuật, pháp thuật, thường xuất
hiện ở đời và gieo khổ đau cho đời. Họ thường quấy
phá đời sống tu hành của các Sa-môn. Tuy thế, Thế Tôn
vẫn tùy duyên mà thuyết pháp cảm hóa họ.
Có rất nhiều phẩm
kinh và đoạn kinh liên hệ đến Ác ma. Ở đây, chỉ giới
thiệu một số trường hợp tiêu biểu:
1. Khi Thế Tôn trú
tại Gaya, Tamkitamanca, địa phương của Dạ-xoa Sùciloma và
Khara. Họ đến cọ xát vào Thế Tôn, Thế Tôn tránh né,
họ bảo: "Có phải Sa-môn sợ ta?" Thế Tôn dạy: "Này
Hiền giả, Ta không sợ ngươi, nhưng xúc phạm ngươi là ác".
- "Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ông, nếu Ông không trả lời, ta
sẽ làm cho tâm Ông điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ông,
hay tóm chân của Ông ném qua bên kia bờ sông Hằng". Thế Tôn
nói: "Này Hiền giả, Ta không thấy có một ai trong thế
giới... lại có thể làm cho Ta điên loạn... Tuy thế, Ông
cứ hỏi Ta như ý Ông muốn" Sùciloma hỏi:
"Từ những nguyên nhân
nào,
Tham và sân khởi lên?
Không ưa thích, ưa thích,
Sợ hãi từ đâu sanh?
Từ đâu được sanh khởi,
Các suy tầm của ý,
Như đứa trẻ độc ác,
Thả cho con quạ bay?"
Thế Tôn đáp:
"Từ những nguyên nhân
này
Tham sân được khởi lên
Không ưa thích, ưa thích,
Sợ hãi từ đâu sanh?
Từ đây được sanh khởi,
Các suy tầm của ý,
Như đứa trẻ độc ác,
Thả cho con quạ bay".
và:
"Hãy nghe này
Dạ-xoa!
Những ai mà rõ biết
Từ đâu khiến sanh khởi,
Họ tẩy sạch nhân ấy,
Họ vượt qua dòng nước,
Chảy mạnh khó vượt này,
Trước chưa được vượt qua,
Không còn có tái sanh?" (22)
Ác ma thường đến
với Thế Tôn với thái độ hung hãn và đầy sân si. Hóa độ
họ, Thế Tôn đã vận dụng một thái độ thích ứng: vừa
mềm dẻo nhượng bộ vừa cứng rắn, chứng tỏ cho họ
biết sự bất lực của họ trước Thế Tôn.
2. Một trường hợp
xử sự khác của Thế Tôn đối với Dạ-xoa Alavaka:
Khi Dạ-xoa Alavaka xuất
hiện và ra lệnh cho Thế Tôn đi ra, đi vào nhiều lần như
là trò chơi trêu cợt của nó, Thế Tôn từ bi làm theo
mệnh lệnh của nó. Ðến lượt thứ tư, khi nó ra lệnh
ấy, Thế Tôn bảo: "Này Hiền giả, Ta không đi, Ông cần gì
hãy làm".
Alavaka lên giọng càn
dở của loài Ác ma: "Ta sẽ hỏi Ông, nếu Ông không trả
lời, ta sẽ làm cho tâm Ông điên loạn, ta sẽ bóp nát trái
tim Ông..." - "Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong
thế giới có thể làm tâm Ta điên loạn... Tuy vậy, Ông
cứ hỏi như ý muốn".
Alavaka hỏi:
"Ở đời tài sản gì
Là tối thắng của người?
Cái gì khéo thực hành
Ðem lại chơn an lạc?
Cái gì trong các vị
Là vị ngọt tối thượng?
Nếp sống như thế nào
Là nếp sống hơn cả?".
Thế Tôn đáp:
"Ở đời này lòng
tin
Là tài sản tối thắng.
Chánh pháp khéo tu tập
Ðem lại chơn an lạc.
Sự thật là vị ngọt.
Hơn hết trong các vị.
Nếp sống với trí tuệ
Là nếp sống hơn cả". (23)
3. Một lần khi Thế Tôn
trú ở thành Vương Xá (Ràjagahà), trên núi Linh Thứu
(Gijjhakùta), Dạ-xoa tên là Sakkadi đến nói với Thế Tôn
rằng:
"Thật không tốt lành
gì,
Một Sa-môn như Ngài,
Ðã đoạn mọi phiền trược,
Ðã sống chơn giải thoát,
Lại tiếp tục giảng dạy,
Những kẻ khác tu học."
Các Dạ-xoa thường không
muốn Thế Tôn trú thế vì Ngài đem ánh sáng đến cho đời,
chỉ đường cho con người ra khỏi các trói buộc của Ác
ma.
Thế Tôn đã dạy các
Ác ma rằng, Ngài trú thế độ sinh vì lòng từ mẫn (Tương
Ưng I, phẩm Tương Ưng Ác ma).
4. Tại Tỳ-xá-ly (Vesàli),
khi Thế Tôn nghỉ trưa tại đền Càpàla, Ác ma đi đến ba
lần thỉnh cầu Thế Tôn nhập diệt (trước đó Thế Tôn
đã ba lần gợi ý cho Tôn giả A-nan thỉnh cầu, nhưng Tôn
giả dã không kịp giác tỉnh để thỉnh cầu).
Thế Tôn bác bỏ hai
lần, đến lần thứ ba Thế Tôn nhận lời: "Này Ác ma, hãy
an tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng kể
từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ" (Kinh Ðại Bát-Niết-bàn,
Trường Bộ Kinh III, tr. 115).
Ác ma là thế, không
bao giờ họ muốn đạo Phật được truyền bá, không bao
giờ họ muốn các Thánh nhân ra đời, chỉ bởi vì họ là
ác.
Tuy nhiên, một số các
Ác ma vẫn có khả năng đi về giác ngộ. Một số Ác ma dưới
thời Thế Tôn đã thực hành Phật pháp và có hành động
hộ trì pháp. Ðiển hình như trường hợp sau đây:
Khi ở tại Thắng Lâm,
vườn của ông Cấp Cô Ðộc, thành Xá-Vệ, Thế Tôn đang
thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo về một vấn đề liên hệ đến
Niết-bàn, bấy giờ một nữ Dạ-xoa dỗ con nín như vầy:
"Hãy gìn giữ im
lặng, này Uttarika!
Hãy gìn giữ im lặng, này Pulappasu!
Ðể mẹ được nghe pháp,
Ðạo sư tối thượng - Phật.
Thế Tôn giảng Niết-bàn
Thoát ly mọi triền phược
Mẹ đối với pháp ấy
Thật cực kỳ ái lạc" (24)
Lần đầu tiên khi ông
Cấp Cô Ðộc đến yết kiến Thế Tôn, lúc trời chưa sáng,
ngang qua nghĩa địa Sìvatthikà, được các phi nhân mở
cửa. Bấy giờ trời tối sầm lại, Cấp Cô Ðộc hoảng
sợ muốn đi lui, Dạ-xoa Sìvaka ẩn mình nói lên lời khích
lệ này:
"Trăm voi và trăm
ngựa
Trăm xe do ngựa kéo,
Cả trăm nghìn thiếu nữ,
Ðược trang sức bông tai
Không bằng phần mười sáu
Một bước đi tới này.
Cư sĩ hãy tiến tới!
Cư sĩ hãy tiến tới!
Tiến tới tốt đẹp hơn,
Có có lùi, lùi bước!"
Những sự kiến liên
hệ giữa Thế Tôn và Ác ma, phần lớn xảy ra khi Thế Tôn
trú tại trú xứ thuộc Ác ma quản lý. Chúng ta không còn
nghi ngờ rằng trong những đối tượng Thế Tôn giáo hóa có
chúng Ác ma.
Liên hệ giữa Thế Tôn
và Chư Thiên.
Chư Thiên là một trong
các đối tượng được Thế Tôn giáo hóa. Các bản kinh thường
ghi "Thế Tôn ra đời vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài Người".
Rất nhiều phẩm kinh
của Nikàya và A-hàm đề cập đến việc chư Thiên thỉnh
giáo Thế Tôn. Các kinh Bắc tạng cũng thường ghi có chư
Thiên trong các thính chúng câu hội. Qua Nikàya và A-hàm, chư
Thiên thường đến hầu Thế Tôn và nghe pháp vào sáng
sớm, trước lúc trời hừng sáng. Một số trường hợp khác,
Thế Tôn đến giáo hóa ở các cung trời (các đại đệ
tử của Ngài cũng thế), một số trường hợp chư Thiên đến
mách Thế Tôn một số Phật sự cần làm hay một số tin
tức Phật sự.
Chư Thiên ở Dục
giới, Sắc giới và Vô sắc giới có những vị là những
Thánh Nhất Lai (ở Dục giới), những Thánh Bất Lai (ở
Sắc giới), có những vị có chánh kiến về Phật pháp,
về con đường giải thoát. Sau đây là một số trường
hợp tiêu biểu về mối liên hệ giáo hóa của Thế Tôn đối
với chư Thiên.
1. Ngay sau khi Thế Tôn
thành đạo, giữa lúc Thế Tôn đang lưỡng lự chuyển bánh
xe pháp thì Phạm thiên Sahampati thường xuất hiện trước
Thế Tôn, đắp thượng y, cung kính đảnh lễ và thỉnh
cầu Thế Tôn trú thế, chuyển bánh xe pháp vì lợi ích cho
chúng sinh (Tương Ưng I, phẩm Chư Thiên).
Khi Thế Tôn khởi lên
ý nghĩ: "Ta cần phải sống y chỉ, cung kính và tôn trọng
pháp mà Ta đã được Chánh đẳng Chánh giác" (Tương Ưng
I, phẩm Chư Thiên) thì Phạm thiên Sahamapati cũng xuất hiện
trước Thế Tôn cung kính bạch Thế Tôn rằng, chư Phật quá
khứ cũng thế, sống y chỉ, cung kính và tôn trọng Chánh pháp.
2. Một số chư Thiên,
khi đêm đã gần mãn, đến hầu Thế Tôn và bạch Thế Tôn
về những trường hợp của họ, trước đây ở cõi người
đã sống thiếu cung kính chư Tăng, hoặc vì họ là chư Tăng
nhưng không sống trọn tinh thần Lục hòa nên sanh về chư
Thiên, mà là những chư Thiên thấp kém (Tăng Chi Bộ Kinh
III-A, tr. 360).
3. Khi Phạm thiên Paka
khởi lên tà kiến: "Ðây là thường hằng không sanh, không
già, không chết" thì Thế Tôn liền rời khỏi Thắng Lâm
ở Xá-vệ và xuất hiện trước Phạm thiên Paka, chỉ dạy
cho Paka con đường giải thoát (Tương Ưng I, phẩm Chư Thiên).
4. Một lần khác, một
Phạm thiên cho rằng không có một Sa-môn, Bà-la-môn nào đến
được Phạm thiên giới. Thế Tôn biết được, liền rời
khỏi Xá-vệ, hiện ra ở Phạm thiên giới, ngồi kiết-già
giữa hư không, trên đầu Phạm thiên ấy, toàn thân phun
lửa. Các Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallàna), Ðại
Ca-diếp (Mahàkassapa), Ðại Kiếp-tân-na (Mahà Kappina),
A-na-luật, A-nậu-lâu-đà (Anurud-dha) với Thiên nhãn thanh
tịnh, biết Thế Tôn đang ở Phạm thiên giới, liền rời
khỏi Xá-vệ, xuất hiện ở Phạm thiên giới, ngồi
kiết-già giữa hư không, phía dưới Thế Tôn, toàn thân
phun lửa.
Sự xuất hiện này
của Thế Tôn giúp Phạm thiên ấy rời khỏi tà kiến kia (Tương
Ưng I, phẩm Chư Thiên).
Có một lần khác,
Phạm thiên Sahampati đến hầu và bạch Thế Tôn về
Tỷ-kheo Sokalikà do Tỷ-kheo này có ý nghĩ xấu, nói xấu,
sai sự thật về Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên,
sau khi vừa chết đã đọa xuống địa ngục Sen hồng (Tương
Ưng I, phẩm Chư Thiên).
Qua Kinh Ðế-Thích Sở
Vấn (Sakka Panhasuttanta), Hán tạng: Trường A-hàm, số 14,
kinh "Thích Ðề Hoàn Nhân Vấn", vua Trời Tam Thập Tam Sakka
(Ðế-thích), cùng Thiên chúng, một hôm đến thành Vương Xá
(Ràjagaha) xứ Ma-kiệt-đà (Magadha), khi Thế Tôn đang trú ở
đó để thỉnh vấn Thế Tôn. Sau thời pháp này, Thiên chủ
và 80.000 Thiên chúng đã đắc Pháp nhãn (Tu-đà-hoàn quả).
Chúng ta hãy đi vào
nội dung cuộc giảng dạy qua vấn đáp của Thế Tôn dành
cho Thiên chủ Sakka.
* Câu hỏi 1: "Bạch
Thế Tôn, do kiết sử gì, các loài Thiên, Nhơn, A-tu-la,
Rồng, Rắn, Càn-thát-bà và tất cả những loài khác ao ước
không hận thù, không ác ý, sống với nhau không hận thù
với đả thương, với thù nghịch...?" (Tr. 276).
Thế Tôn dạy: "Do
tật đố và xan tham...".
* Câu hỏi 2: "Bạch
Thế Tôn, do duyên gì có mặt mà tật đố và xan tham có
mặt?"
- "Này Sakka, do ưa, ghét,
làm nhân duyên, do ưa, ghét có mặt nên tật đố và xan tham
có mặt".
* Câu hỏi 3: "Bạch
Thế Tôn, do duyên gì có mặt mà ưa, ghét có mặt?"
- "Do dục có mặt nên
ưa, ghét có mặt".
* Câu hỏi 4: "Bạch
Thế Tôn, do duyên gì có mặt khiến dục có mặt?"
- "Do tầm có mặt nên
dục có mặt v.v...."
* Câu hỏi 5: "Bạch
Thế Tôn, do duyên gì có mặt khiến tầm có mặt?"
- Do vọng tưởng có
mặt nên tầm có mặt.
* Câu hỏi 6: "Bạch
Thế Tôn, phải chứng đạt như thế nào, phải thành tựu
bằng con đường nào để đưa đến sự đoạn diệt các
loại vọng tưởng?"
Bấy giờ, Thế Tôn
dạy Thiên chủ Sakka rằng có hai loại hỷ, hai loại ưu, hai
loại xả: một loại đưa đến sự phát triển các thiện
pháp, cần được gần gũi; một loại đưa đến bất
thiện pháp, cần được tránh xa. Và vị Tỷ-kheo (người tu
hành) cần phải hiểu như vậy, cần phải thành tựu như
vậy thì sẽ đi đến chỗ đoạn trừ hết các vọng tưởng.
Thiên chủ Sakka tiếp
tục đặt thêm một số câu hỏi về sở hành và đã được
Thế Tôn dạy rõ.
Về chư Thiên, một hôm
Thế Tôn dạy cho chư Tỷ-kheo biết về năm tướng xuất
hiện của một vị Thiên trước khi mệnh chung, và lời
cầu chúc của chư Thiên trước khi một vị Thiên mệnh
chung là:
- Năm tướng chết
của chư Thiên gồm: các vòng hoa héo úa, áo mặc bị uế
nhiễm, mồ hôi sinh ra từ nách, thân sắc trở nên xấu,
vị Thiên ấy không hoan hỷ tại chỗ ngồi chư Thiên.
- Khi biết một vị
Thiên sắp chết, chư Thiên đến tiễn biệt với ba lời
cầu chúc: "Từ đây, Hiền giả hãy đi đến cõi lành,
ở đó hãy nhận được điều tốt đẹp đáng nhận! Sau
khi nhận được, hãy an trú!".
Cõi lành mà chư Thiên
cầu chúc, theo phẩm Kinh, là cõi Người. Ðiều tốt đẹp
đáng nhận là Phật pháp. Sau khi đón nhận Phật pháp, tin
Pháp, hãy kiên trì tu tập gọi là khéo an trú của lời chúc
(25).
Tại đây, có một điều
đáng được chúng ta suy nghĩ là khuynh hướng của con người
thường mong thác sanh về các cõi Trời, ngay cả lời cầu
chúc nhau trước khi chết. Nhưng chính ở cõi Trời, chư Thiên
lại mong cầu được thác sanh về làm người, gặp Phật pháp
và tu tập theo Phật pháp.
Lời cầu chúc thường
mang ý nghĩa của ước mơ lớn nhất, tốt nhất, như hiện
nay các Phật tử cầu chúc vãng sanh Tịnh độ. Không biết
chúng ta có được thích thú khi đi đến kết luận rằng:
Nhân gian là Tịnh độ của chư Thiên, hay nhân gian cũng là
một cõi Tịnh độ.
Nikàya và A-hàm ghi chép,
hình ảnh của Thế Tôn xuất hiện trước chư Thiên với vùng
hào quang thần túc, và vôùi thần sắc vô lượng trang nghiêm
để nhiếp hóa. Nếu có sự kiện Thế Tôn giáo hóa đủ các
hội chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Càn-thát-bà, Sát-đế-lợi, chư
Thiên v.v... ngay trong đời sống tại thế của Thế Tôn, thì
theo tinh thần giáo dục khế cơ, khế lý và Tứ nhiếp mà
Thế Tôn đã vận dụng (mà thật ra bất cứ một nhà giáo
dục lý tưởng nào cũng cần phải vận dụng như thế),
Thế Tôn phải thị hiện hình thức và ngôn ngữ in hệt hình
thức và ngôn ngữ của hội chúng mà Thế Tôn giáo hóa. Ðiều
này cho chúng ta thấy rằng: Thế Tôn hiện tướng rất là
giản dị, rất là người, để giáo hóa con người, mặt khác,
ắt hẳn Thế Tôn thị hiện với thân tướng đầy thần thông
với hào quang sáng chói để giáo hóa các hàng chư Thiên,
A-tu-la, Càn-thát-bà, và các Dạ-xoa, những loài hữu tình
vốn có nhiều uy lực của thần thông và thân sắc hào
quang. Thế là hình ảnh tổng hợp về Ngài được cả Bắc
tạng và Nam tạng minh họa.
Quan niệm Thế Tôn
chỉ khoác hình ảnh rất "Người" hay rất "Trời" chỉ là
quan niệm hẹp hòi, thiếu sót. Vả lại, cứ với tinh thần
chủ trương, hay quan điểm, thì chúng ta chỉ nuôi sống
chấp thủ, rời xa giáo lý của Thế Tôn và sẽ không nói lên
được hình ảnh trung thực về Thế Tôn.
Thế Tôn và Càn-thát-bà,
Loài Rồng, Kim Xí Ðiểu
- Càn-thát-bà
(Gandhabha) là một loại chư Thiên, nhưng là những vị Thiên
trú hương của rễ cây, lõi cây, giác cây, vỏ cây, trú hương
của hoa, trú hương của vị, và trú hương của hương (26).
Chúng sinh ở các cõi
nếu sống hành mười thiện nghiệp, hành các hạnh bố thí
và với mong ước sanh về các loại Thiên Càn-thát-bà, thì
sau khi mệnh chung sẽ sanh về cõi Càn-thát-bà (27).
- Loài Rồng (Nàga: có
nơi dịch là loài rắn) có các loài khác nhau: noãn sanh, thai
sanh, thấp sanh, và hóa sanh. Loài Rồng hóa sanh là hơn cả
trong bốn loài. Bốn loài Rồng này, nếu tu các hạnh lành
về thân, khẩu, ý và với ước mong từ bỏ thân Rồng, thì
sau khi mệnh chung có thể sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi
đời này (28).
- Kim xí điểu là loài
chim, cũng có bốn loại khác nhau; noãn sanh, thai sanh, thấp
sanh và hóa sanh. Hóa sanh là thuộc đẳng cấp cao nhất.
Các loài Càn-thát-bà,
Rồng và Kim xí điểu cũng thường họp mặt cùng với loài
Người và chư Thiên để chiêm ngưỡng tôn nhan Thế Tôn và
nghe Thế Tôn thuyết pháp. Các kinh Nikàya, A-hàm và Bắc
tạng đều có ghi chép sự kiện họp mặt này.
Kinh Ðại Hội (Mahàsamaya)
- Hán tạng: Ðại Hội Kinh, Trường A-hàm số 19 - ghi rõ,
trong một thời pháp của Thế Tôn tại Ðại Lâm (Mahàvana),
thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) có mặt chư Thiên Sắc
giới, chư Thiên Dục giới, Càn-thát-bà (Gandhabha), Cưu-bàn-trà
(Kumbhanda), loài Rồng, Kim xí điểu, Nhơn và Phi nhơn họp
mặt.
Chúa tể của Càn-thát-bà
là Trì Quốc Thiên vương (Dhatarattha), trị vì ở phương
Ðông. Chúa tể của Cưu-bàn-trà là Tăng Trưởng Thiên Vương
(Virùlha), trị vì ở phương Nam. Chúa tể của loài Rồng là
Quản Mục Thiên vương (Virùpakkha), cai quản phương Tây. Loài
Kim xí điểu là Suppanna và Citrà, có uy lực hơn loài Rồng.
Tất cả các loài này
đều họp mặt quy y Phật và nghe Thế Tôn nói kệ, thuyết
pháp.
Khi chúng họp mặt cùng
với chư Thiên và loài Người, Thế Tôn có báo trước cho
chúng Tỷ-kheo hay. Chỉ có những Tỷ-kheo nào có pháp nhãn
thanh tịnh mới thấy sự có mặt của chúng.
* * *
Như thế, trong hiện
kiếp, trên cuộc đời này, Thế Tôn đã thuyết pháp giáo hóa
cho hầu hết các loài chúng sinh, vì lợi ích, an lạc và
giải thoát của chúng sinh.
Cho đến nay, Nikàya và
A-hàm đã cho chúng ta một cái nhìn tương đối đầy đủ
về đối tượng giáo hóa.
Có những thời thuyết
pháp, Thế Tôn chỉ nói cho một người, có trường hợp cho
một nhóm nhỏ, có trường hợp cho cả bốn chúng đệ tử
của Ngài và các ngoại đạo; nhưng cũng có những thời pháp
chỉ dành cho các loài Phi nhơn, chư Thiên, hoặc gồm chung
nhiều loại. Hình ảnh này tiêu biểu cho những thành phẩm
thính chúng, hệt như được trình bày ở phần mở đầu các
kinh Bắc tạng về nội dung giảng dạy, Thế Tôn vẫn tập
trung vào các điểm chính của giáo lý: từ bỏ điều ác, làm
các việc thiện và giữ lòng thanh tịnh, loại bỏ hết các
cấu bẩn của tâm. Phương pháp căn bản của giảng dạy
vẫn là "Thân giáo" và "Khẩu giáo".
Thành phần thính chúng,
nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy của Thế Tôn
là thuộc truyền thống giáo hóa của chư A-la-hán Chánh Ðẳng
Giác của các đời quá khứ, của hiện tại và của tương
lai. Con đường này gọi là Chánh pháp, vẫn mãi mãi tồn
tại, có mặt như thế, dù chư Thế Tôn có xuất hiện ở
đời hay không. Chư Thế Tôn là những đấng phát hiện con
đường và giới thiệu con đường. Nó là sự thật của muôn
thuở, và được gọi là đạo Phật. Ðây là một nội dung
của niềm tin, lẽ sống và hướng đi giải thoát (hay con
đường hạnh phúc của chân lý) của các giới Phật tử
tại gia và xuất gia.
Nội dung Chánh pháp này
sẽ được trình bày ở Chương Hai, "Pháp Bảo"./.
Ghi
chú:
(1) Tăng Chi IV-B, bd HT
Minh Châu, tr. 220; Tương Ưng I, bd HT Minh Châu, tr. 1; Trung
Bộ III, Nhất Dạ Hiền giả.
(2) Dhp 1 & 2; Tăng
Chi I, phẩm Bốn Pháp, phẩm Ðọa Xứ; Tăng Chi II, 1988 tr.
77; Trung Bộ III, Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt.
(3) Tương Ưng I; Hán
tạng tập 36, 3 Ðại 3, 260c; Biệt tập 8: 1, Ðại 2
(4) Trung Bộ III, Kinh
A-nan Nhất Dạ Hiền; Hán tạng: A-nan-đà Thuyết Kinh, Trung
A-hàm, số 167, Ðại 1, 699c.
(5) Trung Bộ II; Hán
tạng Tiểu Du Kinh, Ðại 1, 804a, Ðại 1, 917.
(6) Tăng Chi IV, tr. 39;
Tăng Chi II, Phẩm Bốn Pháp.
(7) Anguttara Nikàya,
Colombo. 1929 tr. 115; Tăng Chi I, 1980, tr. 216-217, bd HT Minh Châu,
Kinh Tư Sát, Trung Bộ I.
(8) Sàmagàmasuttam,
Trung bộ III; Hán tạng, Kinh Tịnh Bất Ðộng Ðạo, Trung
75; Ðại 1, 542b.
(9) Tương Ưng I, chương
Tương Ưng Phạm Thiên, phần Cung Kính, 1982, tr. 171.
(10) Trung Bộ I, Kinh
Thánh Cầu; Hán tạng: Kinh La-ma, Ðại I, 775c.
(11) Trung Bộ III, Kinh
Giới Phân Biệt; Hán tạng: Kinh Phân Biệt Luật, Giới, Ðại
I 690b.
(12) Tăng Chi I, Bd HT
Thích Minh Châu, 1980, tr. 30.
(13) Tương Ưng I, Bd
HT Thích Minh Châu, phẩm kinh "Các Ngoại Ðạo".
(14) Tăng Chi I, tr. 30;
Trưởng Lão Tăng Kệ .
(15) Tương Ưng V,
phẩm Bệnh.
(16) Tương Ưng II, Tương
Ưng Kassapa.
(17) Trung Bộ III, Kinh
Tùy Phiền Nảo; Hán tạng: Trường Thọ Vương Bổn, Trung
A-hàm, số 72 Ðại I, 5320.
(18) Tương Ưng V,
phẩm Bệnh.
(19) Tăng Chi Bộ,
II-A, bd HT Minh Châu, tr, 250.
(20) Kinh Bhàradvàja,
Người cày ruộng. Kinh Tập, số 12, Tiểu Bộ Kinh.
(21) Trường Bộ I, bd
HT Minh Châu, tr. 114-115.
(22) Tiểu Bộ Kinh,
Kinh Tập, số 47.
(23) Tiểu Bộ Kinh,
Kinh Tập, số 51.
(24) Tương Ưng I,
phẩm Dạ-xoa
(25) Tiểu Bộ Kinh,
Kinh Phật Thuyết Như Vậy, 1982, tr. 478-479.
(26) Tương Ưng III,
phẩm Càn-thát-bà, bd HT Minh Châu, 1982, tr. 269.
(27) Ibid., tr. 270.
(28) Ibib., tr. 262-263.
-oOo-
Ðoạn
trước | Mục lục | Bài
kế |