BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Pháp Duyên Khởi (Paticcasamuppàda)
Ðại Trưởng Lão Mahàsi Sayadaw - Tỳ kheo Minh Huệ dịch Việt


  

[Phần 7]

-oOo-

Ái Dẫn Ðến Thủ

Do duyên ái, thủ khởi sanh. Tiếng Pàli: Upàdàna, là từ ghép của Upa: Mạnh mẽ, hết sức, và Adàna: Nắm giữ, cầm lấy. Vì vậy, nó có nghĩa là nắm giữ chắc hay sự khao khát mạnh mẽ, không rời. Thủ có bốn loại:

1- Dục thủ.
2- Kiến thủ.
3- Giới cấm thủ.
4- Ngã ngữ thủ.

1. Dục Thủ

Các cảnh dục kích thích lòng ham muốn của tất cả chúng sanh chưa thoát khỏi dục ái. Những cảnh này có năm: Sắc, thinh, hương, vị và xúc.

Hình sắc là cảnh có tánh chất khả ái và hấp dẫn đối với con mắt. Nó có vẻ đẹp tự nhiên hoặc xem ra đẹp đối với mắt người xem. Cảnh sắc khả ái, dầu có thật hay chỉ bên ngoài, đều được tìm thấy trong những người đàn ông, đàn bà và nơi hàng tiêu dùng. Ðó là hình tướng của những nữ nhân làm hấp dẫn người nam và ngược lại. Những vật mà những người nam và người nữ ưa thích là quần áo, đồ trang sức, xe hơi v.v... Sự kích thích lòng ham muốn không chỉ ở nơi hình tướng hoặc màu sắc. Người đàn ông và đàn bà thu hút lẫn nhau không phải chỉ ở nơi nước da, mà cả toàn thân của phái khác, và hàng tiêu dùng cũng làm cho người ta khởi lên lòng ham muốn như thế. Hình sắc hoặc màu chỉ để giới thiệu vật ưa thích, cũng như tiếng kêu của con thú giúp người thợ săn định hướng và tìm ra nó.

Âm thanh, một cảnh dục khác, được biểu lộ qua giọng nói của người đàn ông hay đàn bà, lời ca hay tiếng nhạc. Một số âm thanh và giọng nói quả thực ngọt ngào. Lại nữa, không chỉ âm thanh làm hấp dẫn chúng ta, vì khi chúng ta nghe một âm thanh hay giọng nói nào đó, thì toàn thể vật phát ra âm thanh hay lời nói đều trở thành đối tượng tham ái của chúng ta.

Mùi cũng là một nguồn dục lạc, bao gồm tất cả các loại hương thơm, mùi của các loại gia vị, bột thơm, nước hoa. Ðàn ông, đàn bà thường xức những chất thơm vào người và vui thích chúng, và không chỉ những mùi thơm mà toàn thể vật hay người phát ra mùi thơm cũng làm hấp dẫn người ta.

Dục lạc, mà chúng ta có qua việc ăn uống, có nguồn gốc ở đồ ăn và thức uống.

Vị ngon có thể là thực hoặc chỉ bề ngoài. Ðối với loài heo, chó và những con thú khác thì rác rưởi, vật dơ, có thể là nguồn dục lạc của chúng. Một số người rất thích đồ ăn cay hoặc kích thích. Số khác thì thích các chất say. Dục lạc của họ chỉ có vỏ bên ngoài hơn là có thực, vì người bình thường không hưởng cái hương vị có hậu. Khoái lạc của việc ăn không phải nơi vật thực; Nó cũng tùy thuộc vào việc sửa soạn món ăn và do người đàn ông hay đàn bà biến chế chúng. Ðiều này có thể thấy ở người đàn ông thích ăn vật thực do vợ nấu, dầu đối với người khác thì tài nấu nướng của nàng chẳng kể vào đâu.

Một nguồn dục lạc khác là thân hay sự xúc chạm. Giường nệm êm ái, y phục đúng mùa, thân của phái khác. Tất cả những thứ này đều là đối tượng của sự xúc chạm, không chỉ tạo ra sự ưa thích đối với sự xúc chạm mà ở toàn thân của người hay vật. Sự xúc chạm mở đường cho sự tham luyến toàn thân vật xúc chạm.

Những Cơ Sở Của Dục Lạc

Như vậy, có những đối tượng là chúng sanh hoặc không phải chúng sanh hình thành những nguồn dục lạc. Lại có những thứ như vàng, bạc, vật trang sức, gạo, gia súc, xe cộ, nhà cửa, đất đai, người hầu kẻ hạ. Người ta làm việc hằng ngày để kiếm về những nguồn dục lạc này. Họ tầm cầu những thứ này cốt để có đồ ăn ngon, y phục đẹp và nhà cửa tiện nghi, để xem biểu diễn v.v...

Dục ái thường dẫn đến dục thủ. Khi một người bắt đầu hút thuốc, anh ta thích thói quen này, nhưng vì thói quen ấy càng ăn sâu trong người nên anh ta trở thành con sâu nghiện. Như vậy, chúng ta sẽ vô cùng thích một số cảnh nào đó và chúng ta cảm thấy không yên, nao nao, nếu chúng ta không có được chúng. Bằng cách này, ái tiến đến thủ.

Thủ không thể sanh khởi nếu không có ái. Tiếng nhạc và bài ca của người nước ngoài không hấp dẫn lỗ tai người Miến Ðiện Ðiện và vì thế không gây sự say mê trong họ. Người Miến Ðiện Ðiện không ăn thịt chó. Thịt chó có tánh chất ghê tởm đối với họ và vì vậy thủ đối chó không hề có đối với họ.

2. Kiến Thủ

Một loại thủ khác là kiến thủ. Ðó là sự bám chấp theo tà kiến. Nó bao gồm tất cả tà kiến, không kể những tà kiến trong loại thủ thứ ba và thứ tư. Bởi vậy mọi tà kiến đều được xem là thủ. Ở đây, chúng ta sẽ mô tả chi tiết những tà kiến ăn sâu trong mọi người.

Tà kiến thứ nhất cho rằng sự bố thí không phải là thiện nghiệp mà chỉ là sự phung phí tiền bạc. Tà kiến này phủ nhận giá trị và quả của thiện nghiệp. Thực ra nó chẳng có cơ sở nào cả. Hành động bố thí khiến người cho hoan hỷ. Nó đem lại lợi ích về vật chất lẫn tinh thần đến người thọ nhận và nó có thể giúp người ta vượt qua cơn đói. Người cho được mọi người tôn trọng và biết đến. Sau khi chết người ấy được sanh về thiên giới. Thật khó thuyết phục những kẻ hoài nghi về quả báo ở đời sau nhưng các quả nghiệp thuộc thế giới khác lại lọt vào tầm thấy của các vị A-la-hán và những vị thánh khác qua năng lực thần thông của Ngài. Một trong những loại thần thông này là thiên nhãn thông. Loại thần thông này có thể giúp người ta thấy được những người bố thí đang hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, hoặc những người ác, không bố thí đang chịu khổ ở các đọa xứ. Các vị hành giả, dầu chưa có thần thông nhưng đã tiến bộ nhiều về định, cũng có thể nhìn thấy như vậy.

Loại tà kiến thứ hai cũng là sự phủ nhận những lợi ích của sự bố thí ở phạm vi rộng lớn.

Loại tà kiến thứ ba phủ nhận kết quả lành của việc tiếp khách, cho quà biếu vào ngày tết v.v... Quan điểm này chỉ về những hành động bố thí nhỏ, thịnh hành ở Ấn Ðộ cổ xưa và nhóm ngoại đạo xem những bố thí ấy là vô ích.

Quan điểm thứ tư phủ nhận kết quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp.

Ngay trong kiếp sống này, người ta cũng có thể thấy kết quả của những việc làm của con người về mặt đạo đức. Còn nói về quả nghiệp ở thế giới bên kia thì những người có thiên nhãn mới chứng thực được điều ấy. Nhưng những người quá say mê dục lạc thì thích buông thả theo tham muốn của họ. Họ biểu lộ sự bất bình đối với những giá trị và ý tưởng về đạo đức, vì họ nghĩ rằng những điều ấy là chướng ngại cho sự tiến bộ vật chất của họ. Bởi vậy, họ đưa ra nhiều lập luận để phản đối nghiệp báo. Xét cho cùng thì tất cả điều này là do lòng ham muốn dục lạc quá mức của họ.

Tà kiến thứ năm và thứ sáu phủ nhận công ơn của cha mẹ đối với con cái. Tà kiến này chủ trương rằng việc có con của hai vợ chồng chẳng qua là do sự thỏa mãn tình dục một cách ngẫu nhiên của họ, rằng họ nuôi con cái như là bổn phận phải làm, và vì vậy chẳng có lý do gì để con cái phải nhớ ơn cha mẹ. Cho nên những người theo tà kiến này chủ trương rằng giúp đỡ cha mẹ chẳng phải là điều tốt, và bỏ bê cha mẹ cũng chẳng phải là điều xấu. Thật là một quan kiến tệ hại. Những người chấp theo tà kiến này sẽ không được con cái tôn trọng.

Tà kiến thứ bảy phủ nhận sự hiện hữu của thế giới khác ngoài cõi người và cõi súc sanh. Nó cũng phủ nhận niềm tin rằng con thú có thể tái sanh làm người.

Tà kiến thứ tám phủ nhận việc con người tái sanh vào cõi chư thiên, súc sanh hoặc địa ngục. Nó chủ trương sự đoạn diệt sau khi chết.

Tà kiến thứ chín phủ nhận sự hoá sanh. Nói cách khác, nó phủ nhận sự hiện hữu của chư thiên, ngạ quỉ, A tu la v.v..., là những kẻ xuất hiện với thân hình đầy đủ mà không qua trung gian của sự thọ thai. Quan điểm này không thể biện hộ được, bởi vì những vị phi nhân thiện hoặc ác cũng hiện ra cho người ta thấy. Có những người lên đồng và những thầy bùa có thể triệu về những vị phi nhân, và những vị chư thiên, phạm thiên đôi khi cũng hiện rõ trước mắt vị hành giả tu minh sát.

Quan điểm cuối cùng là không có sa môn hay Bà la môn nào nói về thế giới này và thế giới bên kia, và thực hành đúng với những gì họ nói ra. Quan điểm này ám chỉ rằng không có người nào có thể nói một cách độc lập về thế giới này và thế giới bên kia, dựa vào kinh nghiệm phi thường thực có của vị ấy, rằng tất cả giáo lý của họ chỉ là sự phỏng đoán và suy luận cho nên có tính chất huyền hoặc.

Ngày nay, quan điểm này được lan rộng bởi những người phỉ báng tôn giáo. Họ phủ nhận sự hiện hữu của chư Phật và chư vị A-la-hán, là những bậc biết thế gian như thật qua sự tinh tấn của các Ngài. Nhưng quan điểm này là thất sách, vì bằng lối suy luận ấy, người ta có thể phủ nhận quan điểm này, bởi vì những người chấp theo quan điểm này cũng không biết gì hơn về thế giới này hoặc thế giới bên kia.

Còn về giáo pháp của Ðức Phật, nó dựa vào tuệ quán phi thường. Do đó, giáo pháp đi đến hiện thực và bằng chứng khoa học. Vào thời Ðức Phật, có một người đàn ông tên là Ajita, chuyên rao giảng thuyết bất khả tri. Ông ta đả kích tất cả giáo lý mà không có sự thẩm định phẩm chất, và vì thế, Ðức Phật và chư vị A-la-hán cũng là những mục tiêu đả kích của ông ta.

Những Quan Ðiểm Ðúng

Tất cả mười tà kiến này đều có chung một ý, là phủ nhận định luật nghiệp báo và phủ nhận nghiệp, tức là phủ nhận mọi lợi ích phát sanh từ những hành động bố thí, công nhận cha mẹ và những việc thiện khác cũng như khả năng chứng đắc quả Phật và quả A-la-hán.

Mười quan điểm được nêu ra dưới đây dựa vào niềm tin nghiệp báo hay sự báo ứng về mặt đạo đức.

(1): Quan điểm thứ nhất là bố thí có lợi ích. Người cho tối thiểu cũng là người được người nhận thương mến và tôn trọng. Họ sẽ tôn kính, khen ngợi và giúp đỡ khi người kia gặp rắc rối. Người ấy chết với những cảnh tốt hiện ra lúc lâm chung, và sau khi chết, được sanh về thiên giới hay trở lại làm người. Người ấy sớm được chứng đắc đạo quả và Niết-bàn. Các vị Bồ tát cũng bắt đầu con đường tu tập bằng hành động bố thí mà tiến đến mục tiêu là Phật quả, Duyên giác hoặc A-la-hán quả.

Quả của sự bố thí cũng có thể thấy trong sự thịnh vượng về vật chất của một số người. Có một số người cũng buôn bán, làm ruộng, nhưng kết quả gặt hái thì khác nhau. Một số người được phát đạt, trong khi số khác thì không. Một số người thành công mà không cần cố gắng nhiều, trong khi số khác, dầu cố gắng hết sức vẫn không phát lên được. Những điều may mắn và không may mắn như vậy rõ ràng là do sự bố thí và không bố thí trong kiếp trước.

(2) và (3): Người tin vào định luật nghiệp báo thì không nghi ngờ khả năng cho quả của nghiệp trong việc bố thí nhiều hoặc ít, như đãi khách, cho quà tặng v.v...

(4): Ba quan điểm chân chánh này đều mặc nhiên công nhận định luật nghiệp báo hay nhân quả báo ứng. Một số người sống làm những việc thiện hoặc những việc ác là sự thật của đời sống không thể chối cãi được. Người mà sống làm những việc lành, vâng lời cha mẹ và thầy cô thì có rất nhiều, người ấy được nhiều người giúp đỡ và sẽ gặt hái thành công, và khi lớn lên trở thành một người có giá trị, được phát đạt. Cũng thế, do thiện nghiệp trong kiếp sống trước, người ta có thể sanh vào gia đình tốt và được khoẻ mạnh, có của cải, sắc thân xinh đẹp và có bạn tốt.

Kết quả của ác nghiệp như bịnh hoạn, ốm yếu, nghèo khó, tướng mạo xấu v.v... cũng được nhiều người biết đến.

(5) và (6): Tin vào nghiệp cũng hàm ý sự công nhận việc tri ân sâu xa của chúng ta đối với cha mẹ. Cha mẹ cưu mang bảo dưỡng con cái từ lúc còn nằm trong bào thai. Người mẹ đặc biệt bảo trọng sức khoẻ, vật thực và sự đi đứng của bà để đứa con trong bụng khoẻ mạnh, không hề hấn gì. Nếu bà là một Phật tử thuần thành, bà còn thọ trì bát quan trai và thường niệm ân Ðức Phật, Pháp, Tăng, với hy vọng sẽ có ảnh hưởng tốt đến tâm linh của đứa con. Sau khi sanh, cha mẹ phải nuôi dưỡng và dạy dỗ, và đến khi đứa con trưởng thành, cha mẹ còn chia gia tài để nó xây dựng đời sống tự lập. Vì những lý do này, nghĩa vụ theo tiếng gọi lương tâm của chúng ta là phải kính dưỡng cha mẹ, và đây là hành động tạo nghiệp lành sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Ðiều rõ ràng là người nào tôn kính cha mẹ thì sẽ được con cái tôn kính lại mình; Còn người nào bất kính với cha mẹ, sau này con cái cũng ngỗ nghịch với người ấy.

Nhìn Thấy Thế Giới Bên Kia

(7), (8) và (9): Những quan niệm chân chánh về sự hiện hữu của thế giới này, thế giới vô hình và những chúng sanh như chư thiên, là những kẻ sanh ra bằng sự vật chất hoá một cách tự phát (hoá sanh). Những chánh kiến này cũng hàm chứa trong định luật nghiệp báo, vì chính định luật này làm cho một chúng sanh, từ cõi thú hay cõi chư thiên, tái sanh vào cõi người hay ngược lại, theo nghiệp của người ấy sau khi chết. Ðiều này có thể chứng minh ở một số chừng mức nào đó, nhưng người quan sát phải là người có thần thông, tuệ quán hoặc khả năng suy xét hợp lý.

Qua sự thực hành thiền chỉ, hành giả có thể đạt được khả năng nhớ lại những kiếp quá khứ, người ấy có thiên nhãn, có thể nhìn thoáng qua mà thấy được hình tướng v.v... của một người đã chuyển sinh sang một kiếp sống mới. Loại thần thông này xảy đến được với hành giả tu thiền minh sát.

Người không tu thiền chỉ hoặc thiền quán thì phải dựa vào khả năng suy luận của họ. Có một số người có thể nhớ lại kiếp sống trước của mình. Theo văn học Phật giáo, họ là những người có Jàtissaranàna-trí nhớ lại kiếp trước. Họ mô tả những kiếp trước của họ ở cõi người, làm thú hoặc quỉ thần. Với óc suy nghĩ đúng đắn thì những sự mô tả này cho thấy sự chuyển sanh sau khi chết, từ thế giới này sang thế giới khác và ngược lại, cũng như sự hoá sanh của một số chúng sanh.

Ở đây, chúng tôi muốn đưa ra một lối suy nghĩ về vấn đề của kiếp sống tương lai mà những bậc trí tuệ đã suy nghĩ. Giả sử có một người chấp nhận niềm tin vào nghiệp và đời sống sau khi chết, trong khi một người khác thì phủ nhận niềm tin này. Người thứ hai sẽ không làm các thiện nghiệp như bố thí, trì giới, kết quả là người ấy không tránh khỏi việc làm điều ác, anh ta sẽ buông thả những ham muốn của mình. Do đó, anh ta không có đức độ để mọi người kính mến. Nếu điều anh ta không tin là có thật, như nghiệp báo và kiếp sau, thì anh ta chắc chắn phải đọa vào khổ cảnh ngay sau khi chết, và anh ta phải chịu khổ trải qua nhiều kiếp luân hồi.

Ngược lại, người tin vào nghiệp và kiếp sau sẽ không làm điều ác, thích làm điều thiện, cho dù không có nghiệp hoặc kiếp sống tương lai thì trong hiện tại anh ta cũng được tán dương và được nhiều người biết về đạo đức của anh ta. Anh ta sẽ hoan hỷ vui sướng khi nghĩ đến những việc làm của mình. Là một công nhân tốt, anh ta sẽ sống một cuộc sống thanh bình. Ðây là những lợi ích chắc chắn sẽ phát sanh đến người tin vào nghiệp trong kiếp sống hiện tại. và nếu thực sự có kiếp sau, thì người ấy chắc chắn sẽ được hạnh phúc sau khi chết. Như vậy, thật hợp lý để tin có kiếp sau. Ðây là cách suy nghĩ vững chắc mà Ðức Phật đưa ra trong bài kinh Apannaka sutta (Thuần Chơn kinh) của trung bộ kinh.

Ba-La-Mật Và Nghiệp

(10): Niềm tin vào Ðức Phật, chư vị A-la-hán hay những bậc Thánh, là những bậc có thể quả quyết, bằng trí tuệ siêu phàm, về thế giới này và thế giới bên kia, những bậc có tánh thánh thiện, làm cho giáo lý của các Ngài đáng tin cậy hơn. Niềm tin như vậy mặc nhiên công nhận niềm tin vào nghiệp, tin sự chứng đắc tâm linh của các vị A-la-hán và Ðức Phật, một phần dựa vào Ba-la-mật của các Ngài mà chính yếu thì không khác với nghiệp. Sự phát triển Ba-la-mật là một cách tu tập. Cũng như một đứa bé học nhiều môn để trở thành người có giáo dục tốt, cũng thế, vị Bồ tát phải tầm cầu trí tuệ và sự tự tu ngõ hầu chứng đạt mục tiêu của mình.

Một số cha mẹ hay những người lớn tuổi trong gia đình thường dẫn con cháu đi xem hát và chiếu bóng, trong khi số khác thì đem con cái đến chùa và tịnh xá. Bằng cách này, con cái sẽ có được thói quen tốt hoặc xấu, phát triển sự tham muốn dục lạc hoặc tiếp thu những điều cao siêu của đời sống. Những thói quen tốt và sự rèn luyện tốt có thể được xem là một loại Ba-la-mật. Một số con cái bẩm sinh đã có tánh ưa thích đời sống tín ngưỡng, một số người nam và người nữ có nhiều tịnh tín và tinh tấn trong việc thực hành minh sát. Sở thích khác thường của đứa bé như vậy đối với tôn giáo hay sự ưa thích khác thường về đời sống tâm linh của một người đều xuất phát từ Ba-la-mật trong kiếp quá khứ.

Thái tử Sĩ Ðạt Ta thành Phật do đã tu tập các pháp Ba-la-mật như bố thí, trì giới, xuất gia, v.v... trong vô số kiếp, không phải trong một kiếp mà có thể thành tựu được. Chính nhờ tiềm lực của nghiệp tích lũy này hay Ba-la-mật khiến ý chí của Ngài được mạnh mẽ, để rời bỏ gia đình và tất cả vinh hoa của đời sống đế vương, ngõ hầu tầm cầu sự giác ngộ. Ngày nay, có một số người nói về cuộc đời là vô thường, khổ v.v... Nhưng từ bỏ tất cả của cải và xuất gia làm một vị sa môn thì không phải dễ, còn làm công việc từ bỏ như Bồ tát thì không ai dám nghĩ đến.

Vị Bồ tát cũng tu tập những pháp Ba-la-mật khác để tầm cầu trí tuệ v.v... Kết quả là trong kiếp cuối của Ngài, Ngài đã quán xét và tự mình giác ngộ bản chất của đời sống, sự tùy thuộc duyên khởi của nó v.v... Chính nhờ những pháp Ba-la-mật ấy mà cuối cùng Ngài đã đạt đến sự giác ngộ tối thượng, và cũng những pháp Ba-la-mật ấy giúp thành tựu quả vị Ðộc giác, Thinh văn giác. Như vậy, niềm tin vào nghiệp giúp người có tâm đạo trở thành bậc A-la-hán, Phật Ðộc giác hoặc Toàn giác, và người công nhận niềm tin ấy thì không nghi ngờ trí tuệ phi thường của Ðức Phật và chư vị thánh Tăng.

Tóm lại, kiến thủ thường đồng nghĩa với sự phủ nhận định luật nghiệp báo. Nó không được lan rộng trong thời Ðức Phật hoặc cách đây một trăm năm, nhưng bây giờ nó đang bành trướng. Theo các bài kinh thì các tà kiến thường xuất phát từ ái dục và do sự khao khát tăng dần của con người đối với vật chất, chủ nghĩa hoài nghi về nghiệp rất có thể sẽ trội hơn, và những người thiện cần phải đề phòng nó.

Ngoài sự phủ nhận nghiệp, kiến thủ còn có nghĩa là sự bám chấp mạnh mẽ vào tất cả tà kiến, tức là ngã kiến, đoạn kiến v.v... Có hai tà kiến không được kể đến vì chúng thuộc về giới cấm thủ và ngã ngữ thủ.

3. Giới Cấm Thủ (Sìlabbatupàdàna)

Giới cấm thủ là sự cố chấp theo những pháp hành sai lạc mà sẽ không dẫn đến chấm dứt đau khổ. Ðó là quan điểm đồng hoá những thói quen của bò, chó và những con thú khác với con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ. Nó được tìm thấy trong một số đạo sĩ thời Ðức Phật. Giống như những con thú, họ sống trần truồng, ăn, đại tiện, tiểu tiện và đi bằng hai chân và hai tay, ngủ trên đất. Họ tin rằng cách sống như vậy giúp họ tẩy sạch tất cả ác nghiệp và ngăn chặn nghiệp mới, nhờ đó, giúp họ chấm dứt đau khổ và được hạnh phúc trường cửu sau khi chết.

Ðối với người Phật tử, loại tín ngưỡng này thật khó tin, nhưng đối với một số người thì sự ưa thích của họ thật ư là kỳ quặc, về quan kiến và khuynh hướng. Bởi vậy, có hai đạo sĩ đi đến Ðức Phật. Một người tên là Punna, anh ta sống như con bò. Một người khác tên là Seniya, người này sống như con chó. Họ hỏi Ðức Thế Tôn về những lợi ích có được trong sự thực hành của họ. Ðức Thế Tôn do dự không muốn trả lời, nhưng họ khẩn khoản thỉnh cầu nhiều lần nên Ngài đáp lại rằng người sống hoàn toàn như bò hoặc chó thì sau khi chết sẽ tái sanh làm bò hoặc chó. Thật là lầm lạc khi tin rằng những pháp hành như vậy sẽ dẫn đến cõi chư thiên. Và người chấp theo tà kiến chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục hoặc súc sanh. Rồi Ðức Phật tiếp tục mô tả:

1- Những sự thực hành ác cho quả khổ.
2- Những sự thực hành thiện cho quả lành.
3- Sự thực hành có ác có thiện lẫn lộn.
4- Sự thực hành theo thánh đạo dẫn đến sự chấm dứt hoàn toàn cả thiện nghiệp lẫn ác nghiệp.

Sau khi nghe qua thời pháp này, Punna trở thành đệ tử của Ðức Phật. Seniya gia nhập vào tăng chúng và chứng đắc đạo quả A-la-hán nhờ thực hành theo chánh pháp.

Chuyện Korakhattiya

Trong thời Ðức Phật, có một người đàn ông tên là Korakhattiya. Anh ta sống như loài chó. Một hôm, Ðức Phật đi ngang qua anh ta, theo hầu Ngài là một vị Tỳ khưu Licchavì, tên là Sunakkhatta.

Sunakkhatta trông thấy vị đạo sĩ đang di chuyển bằng bốn chi và ăn vật thực ở trên đất mà không dùng đến hai tay. Lối sống của vị đạo sĩ đã cho vị Tỳ khưu một cái nhìn về một bậc thánh thiểu dục. Thực ra, lối sống của vị đạo sĩ là một loại giới cấm thủ mà sẽ đưa ông ta xuống bốn khổ cảnh. Ðối với những người có nguyện vọng và lý tưởng cao siêu thì điều ấy quả thật đáng ghê tởm. Nó hấp dẫn Sunakkhatta chỉ vì vị ấy có sở thích và dục vọng thấp hèn. Về mặt này, vị Tỳ khưu Licchavì là một ngoại lệ. Chẳng như bây giờ, lúc ấy không có nhiều người thiên về tà kiến và những pháp hành sai lạc, không phù hợp với giáo lý của Ðức Phật. Có lẽ đây là tàn tích của những chấp thủ sai lại trong kiếp quá khứ của họ.

Ðức Phật biết được ý nghĩ của Sunakkhatta và nói rằng: "Như vậy, ngươi xem vị đạo sĩ kia là bậc A-la-hán! Tại sao ngươi không biết xấu hổ khi chính mình là một đệ tử của Ðức Phật?". Rồi vị Tỳ khưu trách Ðức Phật là ganh tỵ với đạo quả A-la-hán của vị đạo sĩ. Dĩ nhiên đây là lối phản bác của kẻ ngu si khi có ai nói sự thật về vị thầy tà đạo của mình. Ðức Phật giải thích rằng mục đích của Ngài là muốn đoạn trừ ảo kiến của vị Tỳ khưu mà chẳng có lợi ích gì cho vị ấy cả. Rồi Ngài tiếp tục tiên đoán rằng sau bảy ngày, vị đạo sĩ sẽ chết vì chứng bội thực và sẽ tái sanh xuống cõi A tu la thấp nhất, thân của vị đạo sĩ sẽ bị quăng ở một bãi tha ma nọ; Nếu vị Tỳ khưu đi đến đó và hỏi chỗ tái sanh của vị đạo sĩ thì xác chết sẽ đứng dậy và nói rõ.

Ðức Phật tiên tri như vậy là để Sunakkhatta phục hồi lại niềm tin nơi Ngài. Nhờ thực hành thiền chỉ, Sunakkhatta đã đắc thiền và có thiên nhãn. Bằng thiên nhãn của mình, Sunakkhatta đã hỏi Ðức Phật phương pháp để chứng đắc thiên nhĩ. Nhưng Ðức Thế Tôn khước từ, không đáp ứng yêu cầu của vị ấy vì ác nghiệp của vị ấy đã cản đường, và vị ấy cho rằng Ðức Thế Tôn không có thiên nhĩ. Tuy nhiên, Sunakkhatta đã mất niềm tin nơi Ngài, vì vị ấy nghĩ rằng chính do ganh tỵ khiến Ðức Thế Tôn từ chối yêu cầu của vị ấy. Bởi vậy, Ðức Phật tiên tri về số phận của vị đạo sĩ là để làm xúc động và phục hồi lại niềm tin cho Sunakkhatta.

Sunakkhatta báo tin cho vị đạo sĩ biết lời tiên tri của Ðức Thế Tôn và bảo vị đạo sĩ đừng ăn quá nhiều. Vị đạo sĩ nhịn đói trong sáu ngày, nhưng vào ngày thứ bảy, không thể cưỡng lại cơn đói, vị đạo sĩ đã ăn hết vật thực do một tín đồ dâng cúng và đã chết vì bội thực trong đêm ấy.

Những vị đạo sĩ khác kéo xác của ông ta đi quăng ở bất cứ chỗ nào ngoài chỗ mà Ðức Phật đã tiên tri. Họ đi đến một bãi tha ma nhưng thấy đó là nơi mà họ muốn tránh, vì chỗ ấy có loại cỏ mà Ðức Phật đã tiên đoán. Họ ra sức kéo xác chết đi chỗ khác, nhưng sợi dây leo đã vướng chắc vào và tất cả cố gắng của họ đều thất bại. Bởi vậy, họ phải để lại xác chết ở đó.

Sunakkhatta nghe tin ấy, nhưng vẫn hy vọng sẽ chứng minh điều tiên tri của Ðức Phật là sai. Vị ấy đi đến bãi tha ma và khi vỗ nhẹ vào xác chết, vị ấy hỏi về chỗ ở của kẻ kia. Xác chết đứng dậy và sau khi nói rằng vị ấy đang ở cõi Kalakamjita asura, thì ngã phịch xuống đất trở lại. Asura là một loại ngạ quỉ có thân hình dị hợm, miệng thì quá nhỏ đến nỗi không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì.

Theo chú giải, chính nhờ thần thông của Ðức Phật mà vị Asura kia mới nhập vào xác chết được. Việc làm cho xác chết ngồi dậy, ngay cả một số thầy bùa cũng có thể làm được. Do đó việc xác chết của vị đạo sĩ dậy được do năng lực thần thông của Ðức Phật là chẳng có gì đáng nghi ngờ.

Những Lối Thực Hành Khác Thuộc Giới Cấm Thủ

Ngoài lối sống bắt chước theo bò và chó, còn có những cách thực hành khác mà có thể được xem là giới cấm thủ. Một số người bắt chước theo lối sống của voi, ngựa, v.v... Nói cách khác họ thờ cúng loài vật. Chú giải nêu ra những người chuyên thờ cúng, ám chỉ những người Miến Ðiện thích thờ cúng nhiều loại Nat (bái vật). Sự thờ cúng Nat trong những người Miến Ðiện không phải do động cơ của ước muốn được thoát khỏi luân hồi. Nó xuất phát từ ước vọng cầu lợi ở đây và bây giờ, và theo đúng nghĩa của từ, nó không rơi vào phạm vi giới cấm thủ, chỉ là thủ đối với niềm tin mà sẽ khiến một số người giết thú để tế thần Nats.

Cũng có tập tục thờ lửa, thờ rồng, thờ thần mặt trăng, mặt trời, thờ thần linh v.v... Nếu mục đích của bất cứ loại thờ cúng nào nhắm đến hạnh phúc và giải thoát sau khi chết, thì đó là giới cấm thủ. Tóm lại, tất cả mọi đường lối thực hành mà ở ngoài Tứ-diệu-đế và Bát chánh đạo thì được mang nhãn hiệu là giới cấm thủ, sự chấp theo chúng như là con đường dẫn đến giải thoát cũng là giới cấm thủ.

Vị hành giả đã chứng đắc tối thiểu là tầng thánh Nhập lưu, qua pháp quán danh sắc, thì biết rõ con đường chân chánh dẫn đến Niết-bàn, và vì vậy vị ấy thoát khỏi giới cấm thủ. Vị ấy thực sự biết con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ chỉ nhờ pháp quán về danh sắc và con đường Bát chánh đạo.

Ví dụ: Nếu qua kinh nghiệm mà bạn biết cách đi từ thiền đường này đến chùa Shwedagon, bạn sẽ không bị người khác dẫn sai đường, cũng thế vị hành giả đạt đến tầng thánh Nhập lưu, biết con đường chân chánh dẫn đến Niết-bàn và vì vậy vị ấy không còn mê mờ tin vào thượng đế, sự thờ cúng Nat hay khổ hạnh, cho đó là con đường giải thoát.

Những người không biết con đường chân chánh thì không thoát khỏi ảo tưởng như vậy. Họ có thể đã tiếp nhận ảo kiến từ cha mẹ ngu dốt, thầy tổ hay bạn bè, hoặc do kiến thức căn bản còn kém cỏi của họ, nên họ tin vào những cuốn sách đề cao những niềm tin và pháp hành sai lạc. Kẻ phàm phu không biết con đường chân chánh dẫn đến Niết-bàn và vì vậy người ấy sẽ phải mò mẫm đi từ ông thầy này đến ông thầy khác, từ sự thực hành này đến sự thực hành khác, trong chuỗi luân hồi của họ. Nếu người ấy mê theo ông thầy tà kiến hoặc lối thực hành lầm lạc nào đó, người ấy sẽ chuốc lấy nhiều đau khổ. Như vậy, những sự thực hành khổ hạnh chỉ đem lại đau đớn, và sự giết thú để tế thần chắc chắn sẽ dẫn đến các khổ cảnh.

Do giới cấm thủ mà người ta tin rằng thiền hữu sắc và thiền vô sắc là sự giải thoát hoàn toàn. Tóm lại, ngay cả sự toàn hảo về giới hay sự chứng đắc thiền định hợp thế, dầu đáng khen ngợi, nhưng nếu tách rời khỏi con đường minh sát của bậc thánh và được xem là sự giải thoát rốt ráo thì cũng dẫn đến giới cấm thủ. Bài kinh Udakasutta của bộ samyutta nikàya nói về ẩn sĩ Udaka, là người sau khi đã chứng thiền vô sắc và được sanh về cõi vô sắc, đã công bố rằng ông ta đã đoạn tận nguyên nhân của khổ. Ðây cũng là tà kiến của một vị ẩn sĩ khác, tên là Alàra. Ảo kiến hay loại thủ này dẫn đến thiện nghiệp và nhờ đó cho sự tái sanh ở cõi vô sắc.

Bởi vậy, trong bài pháp mà Ðức Phật thuyết đến phạm thiên Baka, Ngài nói rằng: "Ta thấy những nguy hiểm trong sự sanh, già v.v... mà vốn có trong ba cõi: dục, sắc và vô sắc. Ta thấy những người tầm cầu Niết-bàn mà vẫn còn chấp hữu. Bởi vậy, ta không khen ngợi bất cứ mọi hữu nào, ta đã khước từ mọi hữu ái".

Giống như hai vị đạo sĩ kia, những người không biết giáo pháp của Ðức Phật thì sẽ không bao giờ đạt đến mục tiêu của họ. Dầu họ tầm cầu hạnh phúc trường cửu, họ vẫn đi theo con đường sai lạc của giới cấm thủ và bị vướng trong cái khổ của kiếp sống luân hồi. Bởi vậy, sự nỗ lực thực hành theo chánh pháp quả thật tối quan trọng

4. Ngã Ngữ Thủ (Sự Bám Chấp Theo Bản Ngã Hay Linh Hồn)

Attavàdu-pàdàna (ngã ngữ thủ) là một từ ghép của hai chữ Attavàda và upàdàna.

Attavàda là lý thuyết hay quan điểm về bản ngã linh hồn và Attavàdupàdàna là sự chấp theo quan điểm rằng: Mỗi người là một linh hồn đang sống.

Ngã ngữ thủ có hai loại: Sự chấp thủ thông thường và sự chấp thủ có căn cội sâu đậm. Sự chấp thủ bình thường phổ biến trong những người Phật tử thiếu trí, thì không có hại cho sự tiến bộ trên con đường thánh đạo. Niềm tin ấy không mang tánh chất sâu đậm, vì người Phật tử chấp nhận giáo lý của Ðức Phật, là giáo lý phủ nhận linh hồn trường cửu và công nhận danh sắc như là thực tại duy nhất đằng sau một chúng sanh. Những người Phật tử có trí ít chấp ngã hơn, vì họ biết rằng sự thấy, nghe, v.v... chỉ bao gồm các căn (mắt, tai v.v...), các cảnh tương ứng (sắc, thinh v.v...) và những trạng thái tương ứng của tâm thức.

Nhưng hầu hết mọi người đều không hoàn toàn thoát khỏi ngã kiến này. Ngay cả vị hành giả thực hành minh sát đôi khi cũng có chấp ngã, và nó hầu như hấp dẫn mọi người chưa chứng đắc thánh đạo.

Thực ra, những người rao giảng lý thuyết về bản ngã đã mô tả bản ngã hay linh hồn là chủ nhân của năm uẩn, là thực thể độc lập, có sự tự ý và tự quyết định. Chính quan điểm về tự ngã mà Ðức Phật đã đưa ra câu hỏi của Ngài trong cuộc đàm đạo với đạo sĩ Saccaka. Ðức Phật nói rằng: "ngươi cho rằng thân này là của ngươi. Vậy ngươi có thể giữ cho nó tốt đẹp luôn luôn và thoát khỏi những điều bất lạc không?" Saccaka đã phải trả lời bằng sự phủ định. Sau khi Ðức Phật hỏi thêm một câu nữa, Saccaka tự thú nhận rằng thực ra anh ta không kiểm soát được uẩn nào cả.

Bởi vậy, các vị trưởng lão ngày xưa đã diễn dịch câu Pàli "Rùpam anattà" là "Sắc thân không chịu sự kiểm soát nào cả" v.v... Thực ra, đó là sự phủ nhận thuyết bản ngã, là thuyết cho rằng bản ngã là một thực thể có sự kiểm soát. Mọi người bình thường đều chấp theo quan điểm này và tin vào sự tự ý (do ta). Có thể đoạn diệt hoàn toàn ngã kiến này bằng pháp hành minh sát.

Những vị giáo chủ của thuyết bản ngã cũng nói rằng cái ngã tồn tại thường hằng trong thân. Nói cách khác, nó có nghĩa là cá tính phụ trợ để tồn tại trong suốt kiếp sống.

Lại nữa, người ta nói rằng cái ngã làm chủ mọi hành động, tức là đồng hóa nó với hành uẩn. Ðó là ảo tưởng đẻ ra niềm tin rằng: "Chính tôi thấy, nghe, v.v..."

Người ta cũng nói rằng cái ngã là thực thể sống, biết cảm thọ; Rằng chính cái ngã (ta) được hạnh phúc hay không hạnh phúc. Nói cách khác, họ cho cái ngã hay linh hồn là cảm thọ (vedanà).

Như vậy, dầu các ngã kiến sư vẫn khăng khăng cho rằng cái ta chẳng có liên quan gì đến năm uẩn, họ vẫn tin nó là chủ nhân của cái thân v.v... thường trú ở trong thân, có chủ quyền và cảm thọ. Và vì vậy, kết quả là họ đồng hóa ngã với năm uẩn. Ngã kiến có gốc rễ trong các uẩn và người ta có thể diệt trừ ngã kiến ấy chỉ khi nào họ thấy rõ bản chất chân thực của các uẩn qua pháp quán.

Trong bốn loại thủ, loại thứ nhất-dục thủ-là hình thức phát triển của ái. Ba loại kia chỉ khác về đối tượng của chúng. Trên căn bản thì chúng đều có liên hệ đến các tà kiến, niềm tin vào tính có hiệu quả của những sự thực hành ngoài Bát chánh đạo. Tất cả tà kiến khởi sanh đều có liên quan đến ái.

Người ta chấp theo một niềm tin nào đó vì họ thích nó. Như vậy, không nghi ngờ rằng cả bốn loại thủ đều xuất phát từ ái và vì thế, điều ấy đúng với pháp Phật là: "Do ái, thủ khởi sanh".

Trên thực tế, ái là nguyên nhân và thủ là kết quả. Ái đối với dục lạc, ngã kiến hoặc những pháp hành không phù hợp với thánh đạo hay những tà kiến khác, ái là nhân và ái này phát triển thành dục thủ, ngã kiến thủ, v.v... Do đó, các thủ là quả.

-oOo-

[Mục lục] [01] [02] [03] [04] [05] [06] [07] [08] [09] [10] Ðầu trang

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh, Chùa Kỳ Viên, Quận 3, Sài Gòn,
đã gửi tặng phiên bản vi tính. (Bình Anson, 03-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 01-03-2001