BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập I

-ooOoo-

Những việc đã xẩy ra trong khi đức Thế Tôn nhập Niết-Bàn

Khi Ðức Thế Tôn tịch-diệt, lúc Ngài lìa bỏ cõi trần, thì quả đất rung-động một cách dữ-dội, hãi-hùng; tiếng gầm, tiếng sét nổi vang trong khắp cõi trời (Tam-giới).

Khi Ðức Thế Tôn tịch-diệt, lúc Ngài lìa bỏ cõi trần, vị Phạm Thiên Sahampati ngâm kệ như vầy:

"Tất cả chúng-sinh có sự sống,
"Ðều phải bỏ lại xác thân phức-tạp,
"
Là cái khối do vật-chất tinh-thần phối-hợp,
"Ðể tạo nên cá-thể giả-tạm này,
"Tại chốn thiên-đàng cũng như trong cảnh nhân-gian.
"Cho đến đức-thầy là bậc tối-thượng hơn cả loài người,
"Là đấng kế-nghiệp cho các đại-hiền thuở trước,
"Là bậc học hỏi uyên-thâm, có trí-tuệ hoàn-toàn cao-cả,
"Cũng đã tịch-diệt rồi ...".

Khi Ðức Thế Tôn tịch-diệt, lúc Ngài lìa bỏ cõi trần, vị trời Sakha[1], chúa-tể chư thiên ngâm kệ rằng:

"Danh và sắc của mỗi chúng-sinh thật không bền vững.
"Cách sanh hay diệt đều là lẽ tự-nhiên.
"Luôn-luôn cái diệt hằng nối gót cái sanh.
"Chỉ không còn sanh tử mới thật là an vui tuyệt-đối".

Khi Ðức Thế Tôn tịch-diệt, lúc Ngài lìa bỏ cõi trần, Ðại-Ðức Anuruddha[2] ngâm kệ rằng:

"Khi bậc thoát-ly trần-tục,
"
Ðã tịch-tịnh vào Niết-Bàn an vui tuyệt-đối,
"Khi đấng đại-hiền đến buổi lâm-chung,
"
Sự vày-xé của tử-thần cũng không thể nào lay-chuyển tâm Ngài.
"Luôn-luôn quả-quyết, cứng-cỏi,
"Ngài bình-tĩnh chiến-thắng các điều đau-khổ,
"Do sự chết gây nên,
"Rồi như ngọn lửa sáng kia vụt tắt.
"
Cũng như thế ấy, và đây là lần chót,
"Tâm Ngài đã hoàn-toàn giải-thoát ..."

Khi Ðức Thế Tôn tịch-diệt, lúc Ngài lìa bỏ cõi trần, tôn-giả Ananda[3] ngâm kệ rằng:

"Ðầu rỡn gáy, tâm-linh khủng-khiếp,
"Khi Ðấng Trọn-Lành hoàn-toàn đức-hạnh,
"Ðức Phật-Ðà cao-cả lên đường tịch-diệt ...".

Khi Ðức Thế Tôn diệt-độ, trong hàng tăng-chúng, giữa những bậc tỳ-khưu chưa diệt được phiền-não, có nhiều vị vẫy tay lên trời khóc than, kể-lể. Có nhiều vị khác nhào lăn xuống đất, than-van, hối-tiếc rằng: "Ðức Thế Tôn đã sớm bỏ cõi trần! Ðấng ân-nhân sao vội nhập Niết-Bàn như thế? Ánh-sáng thế-gian sao vội tắt?"

Trái lại, những vị tỳ-khưu nào đã diệt được phiền-não thì rất bình-tĩnh, nhẫn-nại trong cảnh khổ ấy, vì các ngài nghĩ rằng: "Tất cả những vật phối-hợp đều phải hư-hoại. Chúng nó không sao tránh khỏi sự tiêu diệt".

Liền đó, Ðại-Ðức Anuruddha an-ủi các vị tỳ-khưu như vầy: "Hỡi các đạo-hữu! Xin các đạo-hữu chớ nên khóc than, thất-vọng. Ðức Phật hằng giảng dạy rằng đó là lẽ tự-nhiên. Những vật nào có liên-hệ với ta, những vật mà ta thương yêu tríu-mến, tất-nhiên chúng ta phải chia lìa, phải rời bỏ, phải mất chẳng sai. Này các đạo-hữu, như thế thì vật nào có nguyên-nhân là sự sanh, sự tạo-tác, sự phối-hợp làm cho phát-khởi, không sao tránh khỏi sự hư-hoại đặng. Một chúng-sinh không sao tránh khỏi sự diệt-vong. Này các đạo-hữu, các chư-thiên sẽ chê trách nếu chúng ta để lộ vẻ âu-sầu, thất-vọng".

Tôn-giả Ananda hỏi rằng: "Bạch Ðức Anuruddha, vậy chớ ngài muốn nói về hạng chư-thiên nào?"

- "Này đạo-hữu Ananda, có nhiều hạng chư-thiên, tuy ở tại cõi trời, nhưng vẫn còn mến tiếc thế-gian này. Cũng có những hạng chư-thiên khác ở trên mặt đất và hằng quyến-luyến thế-gian. Tất cả các hạng chư-thiên ấy bức đầu, bức tóc, vẫy tay than khóc, nhào lăn xuống đất, kể lể rằng: "Ðức Thế Tôn diệt-độ sớm thật! Ðức Thế Tôn nhập Niết-Bàn sớm thật! Ánh-sáng thế-gian tắt sớm thật!"

"Trái lại, những hạng chư-thiên ít phiền-não thì rất bình-tĩnh, nhẫn-nại, trước cảnh ấy, vì các ngài nhớ câu kệ-ngôn như vầy: "Thật vậy, những vật phối-hợp đều phải hư-hoại. Chúng nó không sao tránh khỏi sự tiêu diệt đặng".

Rồi đó, tôn-giả Ananda cùng với Ðại-Ðức Anuruddha luận về đạo-lý suốt cả đêm trường. Ngài Anuruddha nói với tôn-giả Ananda rằng: "Xin đạo-hữu Ananda sang thành Kusinara tâu với vua Malla như vầy: "Tâu Ðại-Vương, Ðức Thế Tôn đã nhập Niết-Bàn rồi. Vậy xin Ðại-Vương tùy-tiện sắp đặt cách nào cho ổn-thỏa".

- "Tôi xin vâng theo ý ngài".

Sáng sớm ra, Ðức Ananda mặc y mang bát, dắt theo một vị tỳ-khưu, nhắm thành Kusinara trực-chỉ. Lúc ấy, các vị hoàng-gia Malla đang hội-họp cùng nhau tại triều để bàn tính việc nước.

Tôn giả Ananda thân-hành vào đền vua Kusinara, và khi tới nơi, ngài tâu rằng: "Tâu Ðại-Vương, Ðức Thế Tôn đã nhập Niết-Bàn rồi. Vậy xin Ðại-Vương tùy-tiện sắp đặt cách nào cho ổn-thỏa".

Khi nghe đức Ananda thuật rõ mấy điều, đàn bà, trẻ con, thảy-thảy đều hết sức buồn-bã, đau đớn, khổ-não. Người thì bức đầu, bức tóc, vẫy tay lên trời khóc than thảm-thiết; kẻ thì nhào lăn xuống đất, thất-vọng, kể-lể rằng: "Ðức Thế Tôn diệt-độ sớm thật! Ðức Thế Tôn nhập Niết-Bàn sớm thật! Ánh-sáng thế-gian tắt sớm thật!"

Các ông hoàng Malla liền ra lịnh cho kẻ bộ-hạ gom hết thảy những vật thơm, bông hoa và các dụng-cụ về lễ nhạc khắp trong thành Kusinara. Rồi các dân-tộc Malla lấy hết những vật thơm, bông hoa, các dụng-cụ, âm nhạc ấy và 500 bộ y, kéo nhau lên đường sang Upavattana, vào rừng Sala, thuộc lãnh-thổ của họ, đến tại chỗ đức Thế Tôn tịch-diệt. Và suốt ngày đêm ấy, họ hành lễ, cúng dường, tôn-kính, sùng-bái kim-thân Ðức Thế Tôn bằng các những cuộc: múa hát, kèn trống, bằng các vật thơm, bằng bông hoa. Họ lấy những bộ y đã đem theo, và các tràng hoa, kết lại thành một cái kiệu đẹp đẽ.

Khi ấy, các vị hoàng-gia Malla hỏi Ðức Ananda rằng: "Bạch Ðại-Ðức, vậy phải làm cách nào đẻ tẩn-liệm kim thân Ðức Như Lai?"

- "Hỡi các ngài! Các ngài nên hành tang-lễ Ðức Như Lai như các thể-thức bậc đế-vương".

Rồi Ðức Ananda liền dạy mấy vị hoàng-gia Malla những cách táng-chung của các bậc đế-vương mà ngài đã được nghe Ðức Thế Tôn chỉ dẫn lúc trước.

Mấy vị hoàng-gia Malla, tại thành Kusinara, sai những bộ-hạ mình tom góp tất cả bông gòn trong kinh-đô. Họ hiệp nhau lại quấn kim-thân Ðức Thế Tôn trong một khổ vải mới. Xong rồi, họ bao xung quanh bằng một lớp bông gòn dày. Kế đó, họ lại quấn trong một khổ vải mới nữa, và làm như vậy cho đến khi kim thân Ðức Thế Tôn được hoàn-toàn bao-bọc trong 500 khổ vải mới và 500 lớp bông gòn. Rồi họ để kim-thân vào trong một cái hòm bằng sắt và có tẩm dầu, rồi để hòm ấy vào trong một cái hòm thứ nhì nữa cũng bằng sắt và có tẩm dầu. Xong xuôi, mấy vị hoàng-gia Malla ấy khiêng hòm để trên một cái giàng hỏa dựng lên toàn bằng các loại cây trầm hương.

Khi ấy, các hoàng-gia Malla nghĩ rằng: "Hôm nay đã trễ quá rồi. Rất khó bề cử-hành lễ trà-tỳ[4] đặng. Vậy chúng ta nên hoãn lại ngày mai, rồi sẽ thiêu táng kim-thân". Tính xong, họ lại cúng dường, tôn-kính, sùng-bái kim-thân Ðức Phật bằng những cuộc múa hát, kèn trống, bằng các vật thơm, bằng bông hoa. Họ lấy những bộ y và các tràng hoa, kết lại thành một cái kiệu đẹp đẽ, rực-rỡ ... Họ làm như vậy luôn cả ngày thứ nhì, rồi đến ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu.

Tới ngày thứ bảy, các ông hoàng Malla nghĩ rằng: "Chúng ta nên đem kim-thân Ðức Thế Tôn ra phía ngoài thành, đến một chỗ thuộc về hướng nam, để chúng ta tôn-kính, sùng-bái, cúng dường Ngài bằng những cuộc múa hát, kèn trống, bằng bông hoa, chất thơm, và luôn dịp chúng ta sẽ cử-hành cuộc lễ trà-tỳ tại nơi ấy".

Rồi đó, tám ông hoàng Malla liền tắm gội sạch-sẽ, mặc y phục mới, xúm nhau khiêng kim thân Ðức Thế Tôn, nhưng không làm cách nào đỡ lên nổi.

Họ liền bạch với Ðức Anuruddha rằng: "Bạch Ðại-Ðức, chẳng hay tại duyên-cớ chi làm cho tám vị hoàng thân Malla, đã tắm gội sạch-sẽ, đã mặc y phục mới, mà không thế đỡ nổi kim thân Ðức Thế Tôn để khiêng đi?"

Ðức Anuruddha trả lời rằng: "Các ngài ôi! Vì ý-định của các ngài khác với ý-định của chư-thiên".

- "Bạch Ðại-Ðức, vậy chớ ý-định của chư-thiên là thế nào?"

- "Các ngài ôi! Ý-định của các ngài như vầy: "Chúng ta nên đem kim-thân Phật đến một nơi thuộc về hướng nam để hành-lễ hỏa-táng tại nơi ấy. Trái lại, các vị chư-thiên có ý-định rằng: "Chúng ta nên đem kim-thân Phật về phía bắc thành Kusinara. Theo cửa bắc, chúng ta kéo thẳng vào chính giữa thành rồi trở ra theo cửa thành tây. Chúng ta tôn-kính, sùng-bái, cúng dường kim-thân Ngài bằng những cuộc múa hát, kèn trống, bằng bông hoa, bằng những vật thơm, và luôn dịp chúng ta sẽ hộ-tống kim-thân vào thánh-điạ Malla, tại Makutabandhana, thuộc về hướng tây, để chúng ta hành-lễ hỏa-táng".

Các vị hoàng-gia Malla bạch rằng: "Bạch đại-đức, chúng tôi xin làm theo ý muốn của chư-thiên".

Liền khi đó, trong khắp kinh-đô Kusinara, cho đến các nơi bẩn-thỉu như đường mương, hầm cống và những nơi rác rến, thảy-thảy đều có hoa tiên (Mandarava) từ hư-không rơi xuống, bao-phủ một lớp rất dày. Những chư-thiên trong các cõi trời, hoặc tại thế-gian này, và tất cả dân-cư Malla tại thành Kusinara, đồng cùng nhau tôn-kính, sùng-bái, cúng dường kim-thân Ðức Thế Tôn bằng những cuộc múa hát, kèn trống, bằng bông hoa, bằng các vật thơm. Rồi kim-thân Phật được hộ-tống về phía bắc; do cửa bắc đi vào trung-tâm kinh-đô Kusinara và trở ra theo cửa thành tây, đem đến thánh-địa Makutabandhana của dòng vương-thất Malla và ngừng lại nơi đây.

Trong khi ấy, Ðức Maha-Kassapa cùng với 500 thầy tỳ-khưu đang hành-trình trên con đường từ Kusinara để sang thành Pava. (Tới một chỗ nọ), Ðức Maha-Kassapa tách ra khỏi đường cái, đến ngồi dưới một cội cây.

Ngay lúc đó, thấy một vị đạo-sĩ tu lõa-thể từ xa đi đến, đại-đức Maha-Kassapa liền hỏi rằng: "Này bạn, chắc bạn có được biết đức thầy của chúng tôi chớ?"

- "Thật vậy, tôi đã được biết Ngài. Mà thầy Gotama đã tịch-diệt được bảy hôm rồi. Vì đó nên tôi mới có nhánh hoa tiên Mandarava này".

   Khi nghe mấy lời ấy, trong những vị tỳ-khưu chưa diệt được phiền-não, có nhiều vị vẫy tay lên trời than khóc; có nhiều vị khác nhào lăn xuống đất, thất-vọng, kể-lể rằng: "Ðức Thế Tôn diệt-độ sớm thật! Ðức Thế Tôn nhập Niết-Bàn sớm thật! Ánh-sáng thế-gian tắt sớm thật!"

Trái lại, những vị tỳ-khưu nào đã diệt-tận phiền-não (arhat) thì rất bình-tĩnh, nhẫn-nại, trước cảnh ấy, vì các ngài nghĩ rằng: "Mỗi vật phối-hợp đều phải hư-rã. Không ai tài nào tránh khỏi sự tiêu-hoại đặng".

Khi ấy, trong nhóm tỳ-khưu, có thầy Subhada[5] là người được gia-nhập vào tăng-hội trong buổi lão-niên. Thầy tỳ-khưu Subhada nói với tăng-chúng như vầy: "Hỡi các ngài! Các ngài chớ khóc than, đau khổ, làm chi. Chúng ta khỏi phải vướng lấy ông đại sa-môn nữa. Ðã lâu, chúng ta hằng bị bó buộc vì những lời khuyên-răn, dạy bảo của ông ta, như là: 'Các ngươi hãy làm như thế này; các ngươi hãy làm như thế kia'. Kể từ đây, chúng ta sẽ được tự-do làm theo sở-thích và chẳng làm theo điều nào không vừa ý chúng ta".

Nhưng Ðức Maha-Kassapa lại nói với tăng-chúng rằng: "Hỡi các đạo-hữu! xin các đạo-hữu chớ có khóc than đau khổ. Ðức Phật hằng giảng-giải rằng đó là lẽ tự nhiên. Những vật nào có liên-hệ với ta, những vật mà ta hằng thương yêu, tríu-mến, tất nhiên chúng ta phải chia lìa, phải rời bỏ, phải bị mất chẳng sai. Này các đạo-hữu, như vậy, vật nào có nguyên-nhân là sự sanh, sự tạo-tác, sự phối-hợp làm cho phát-khởi, thì không thế nào tránh khỏi sự hư-hoại. Cũng như thế ấy, một chúng-sinh không sao tránh khỏi sự diệt-vong đặng".

Khi ấy, bốn ông hoàng Malla tắm gội sạch-sẽ, mặc y-phục mới, hiệp nhau nổi lửa lên đốt giàn thiêu kim thân Ðức Thế Tôn, nhưng họ không làm sao cho lửa bắt cháy được.

Các dân tộc Malla ở tại thành Kusinara bèn hỏi Ðức Anuruddha rằng: "Bạch Ðại-Ðức, vậy chớ tại duyên-cớ nào?"

- "Hỡi các ngài, vì ý-định của chư-thiên khác với ý-định của các ngài".

- "Bạch Ðại-Ðức, vậy chớ ý-định của chư-thiên như thế nào?"

- "Hỡi các ngài, chư-thiên có ý-định như vầy: "Ðức tôn-giả Maha-Kassapa, cùng với 500 chư thầy tỳ-khưu, đang hành-trình trên con đường từ Pava để trở về Kusirana. Giàn thiêu kim thân Ðức Thế Tôn không thể phát hỏa trước khi Ðức Maha-Kassapa được đảnh lễ bàn chân Ngài".

- "Bạch Ðại-Ðức, chúng tôi xin làm theo ý-muốn của chư-thiên".

Khi ấy, tôn-giả Maha-Kassapa thân-hành đến Makutabhamdana, vào thánh-địa Malla, nơi mà người ta đã sắp đặt giàn hỏa để làm lể trà-tỳ kim thân Ðức Thế Tôn. Lúc đến nơi, ngài tề-chỉnh, khoác y lên vai, chấp tay, cúi đầu, đi quanh giàn hỏa thiêu ba vòng, rồi cung kính đảnh lễ. Tiếp theo đó, 500 thầy tỳ-khưu, cũng tề-chỉnh, khoác y lên vai, chấp tay, cúi đầu, đi quanh giàn thiêu ba vòng, rồi cung-kính đảnh lễ kim-thân Ðức Thế Tôn.

Sau khi ngài Maha-Kassapa cùng 500 vị tỳ-khưu làm lễ kim-thân Ðức Thế Tôn xong rồi, giàn thiêu mới phát hỏa.

Tất cả: da, thịt, ngũ-tạng, gân và các chất lỏng trong kim-thân Ðức Phật đều tiêu tan hết, chẳng còn dấu vết gì trong đống tro tàn than vụn. Chỉ còn lại có chất xương (xá-lợi) mà thôi.

Khi kim-thân Ðức Thế Tôn cháy tan, thì dân-chúng Malla đem lại đủ thứ nước hoa để tưới lên giàn hỏa.

Rồi đó, các hoàng-gia Malla tại thành Kusinara đem xá-lợi Ðức Thế Tôn để tại kim-ngân-điện, giữa đền vua. Xung quanh, có hai vòng quân-lính nai-nịt khí-giới hẳn-hoi để canh giữ; và luôn-luôn như vậy, trong bảy ngày đêm, họ tôn-kính, sùng-bái, cúng dường xá-lợi Ðức Phật bằng những cuộc múa hát, kèn trống bằng bông hoa và các vật thơm.

Trong lúc ấy, quốc-vương xứ Magadha (Ma Kiết Ðà) là Adjatasattu (A Xà Thế) hay tin Ðức Thế Tôn nhập-diệt tại Kusinara. Ngài liền sai sứ-giả đến cho quốc-vương Malla biết như vầy: "Thuở trước, Ðức Thế Tôn cũng thuộc dòng vương-giả như trẫm. Trẫm có quyền thọ lãnh một phần xá-lợi của Ðức Thế Tôn đem về dựng lên một cái tháp để thờ phụng, và luôn dịp trẫm sẽ cử-hành một cuộc lễ long-trọng đặng cúng dường xá-lợi ấy".

Tiếp theo đó, quốc-vương Licchavis tại thành Vesali, cũng hay tin Ðức Phật nhập-diệt tại Kusinara. Ngài cũng sai sứ-giả chuyển đến vua Malla (mấy lời như đã nói trên).

Lần-lần những vị vua:

- Dòng Sakyas (Thích-Ca) ở Kapilavattu (Ca Tỳ La Vệ),
- Dòng Boulis ở Allatkappa,
- Dòng Koliyas ở Ramagama,
- Dòng Malla ở Pava,

và một vị Bà La Môn ở Vethadipa, đều xin như vậy cả.

Khi tiếp-kiến các sứ-giả của mấy nước kể trên xong rồi, các nhân-vật trong hoàng-tộc Malla, tại thành Kusinara, liền đứng lên bố-cáo cho công-chúng biết như vầy: "Ðức Thế Tôn diệt-độ trong lãnh-thổ chúng tôi. Vậy chúng tôi không thế nào chịu rời xá-lợi ấy".

Lúc đó, vị trưởng-lão Dona đứng lên tuyên-bố rằng:

"Xin các ngài nghe tôi phân-giải đôi lời:
Ðức Phật hằng khuyến-hoá các điều nhẫn-nại.
Vì lẽ ấy, chẳng nên làm cho sự phân chia bảo-vật
Của Ðấng Trọn-Lành tối-thượng hơn tất cả chúng-sinh, Thành cơ-hội để gây mầm binh-đao bạo-động.
Hỡi các ngài! Vậy chúng ta nên hòa-nhã cùng nhau,
Chia xá-lợi ra tám phần ổn-thỏa,
Ðể tạo ra thánh-tháp khắp nơi,
Cho người chiêm-ngưỡng ánh quang-minh bất-diệt".

Nghe xong, các vị hoàng-tộc Malla liền nói với trưởng-lão Dona rằng: "Vậy ngươi hãy chia xá-lợi Ðức Thế Tôn ra tám phần đồng nhau".

- "Tôi xin vâng lời các ngài".

Rồi đó, vị trưởng-lão Dona chia xá-lợi Ðức Phật ra làm tám phần. Xong việc, ông ta nói với các vị hoàng-tộc Malla rằng: "Xin các ngài cho tôi cái ô đựng xá-lợi này; tôi sẽ dựng lên một cái tháp để hành-lễ cúng dường trọng-thể".

Các nhân-vật Malla liền trao cái ô không cho trưởng-lão Dona.

Nhưng sau cùng, các vị hoàng-tộc Moryas ở Pipphalivãna cũng hay tin Ðức Thế Tôn diệt-độ tại Kusinara. Họ cũng sai sứ-giả chuyển sang quốc-vương Malla mấy lời như vầy: "Thuở trước, Ðức Thế Tôn cũng thuộc giòng vương-giả như chúng tôi. Chúng tôi có quyền thọ hưởng một phần xá-lợi Ðức Phật đem về dựng lên một tháp để phụng thờ, và luôn dịp chúng tôi sẽ hành-lễ cúng dường xá-lợi ấy".

Sau khi biết rằng xá-lợi đã được chia xong rồi, họ đành hốt đống tro tàn, đem về thờ-phụng.

Rồi đó:

- Ðức vua xứ Magadha, là Adjatasattu, dựng lên tại thành Radjagaha (Vương Xá) một tháp và hành-lễ cúng dường phần xá-lợi của Ngài thọ lãnh;

- Các vị hoàng-tộc giòng Licchavis cũng dựng tháp và hành-lễ cúng dường tại thành Vesalì;

- Các vị hoàng-tộc giòng Sakyas dựng tháp và hành-lễ tại thành Kapilavattu (Ca Tỳ La Vệ);

- Các vị hoàng-tộc Koliyas dựng tháp và hành-lễ tại thành Ramagama;

- Các vị hoàng-tộc giòng Bulis dựng tháp và hành-lễ tại thành Allakappa;

- Người Bà La Môn ở xứ Vedhadĩpa dựng tháp và hành-lễ tại thành ấy;

- Các vị hoàng-tộc giòng Malla ở Pava dựng tháp và hành-lễ tại thành Pava;

- Các vị hoàng-tộc giòng Malla ở Kusinara dựng tháp và hành-lễ tại thành Kusinara;

- Vị trưởng-lão Dona dựng tháp và hành-lễ cúng dường cái ô đựng xá-lợi;

- Các vị hoàng-tộc Morisyas dựng tháp và hành-lễ cúng dường mớ tro quí tại thành Pipphalivãna.

Tất cả có tám thánh-tháp phụng thờ xá-lợi, một cái phụng thờ ô đựng xá-lợi và một cái thờ tro (thiêu táng kim-thân Ðức Thế Tôn).

Công việc được sắp đặt an bài như thế ấy.

Như vậy thì:

"Trong tám phần xá-lợi của Ðấng Hoàn-Toàn Giác-Ngộ,
"Của Bậc Tối-Thượng hơn tất cả loài người,
"Xứ Ấn Ðộ thọ hưởng bảy phần để cúng dường chiêm-ngưỡng;
"Phần thứ tám về hoàng-tộc Ramagama đảm-nhận;
"Một đức Dantha
[6] được phụng thờ tại cõi chư-thiên (Cung trời Ðao Lợi);
"Một đức Dantha khác tại kinh-đô Ganghara;
"Một đức Dantha tại quốc-độ Kalinga;
"Một đức Dantha về phần Long Vương gìn giữ;
"Tất cả báu vật để làm bằng-chứng cho thế-gian sùng-bái cúng dường.
"Vì những cách cúng dường cao-thượng,
"Là phương-châm thành-kính Bổn Sư,
"Của những bậc quyền cao thế cả,
"Như chư-thiên, hoàng-tộc, long-vương.
"Vậy các người nên chấp tay phủ phục.
"Di-tích này thế mặt Cha Lành,
"
Vì trải qua biết bao thế-kỷ,
"
Rất khó bề gặp Phật giáng-sinh".

-- MÃHA PARINIBBÃNA SUTTA XVI

-ooOoo-

 

Sử-tích kết-tập Tam-tạng Pháp-bảo

 

"Phật Pháp có một phẩm vị, là sự giải-thoát, cũng như nước trong biển cả chỉ có một phẩm vị mặn mà thôi" -- Phật ngôn

Vài lời của soạn-giả:

Thế-thường, trong một gia-đình nhiều của đông con, thì làm sao cũng có đứa vầy đứa khác. Người cha, dầu cho nghiêm-khắc đến đâu, cũng không thể nào bắt-buộc chúng nó ăn ở theo khuôn-khổ cho được. Khi cha mẹ mãn-phần, có đứa muốn gìn giữ của phụ-ấm cho nguyên-vẹn và sống theo cổ-tục. Ðứa khác lại muốn chia sớt tài-sản cho mau để tự-do bay nhảy. Lắm lúc, trong thời song-thân còn tại thế, chúng nó đã để mắt lườm nhau vì những của-cải ấy.

Trong Phật-Giáo, mầm chia rẽ đã được ông Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða) khởi-xướng từ khi Ðức Phật còn tại thế. Lúc kết-tập kỳ nhất, mầm chia rẽ cũng đã phát-sinh trong vài trường-hợp không đáng kể. Mà chia rẽ là nguyên-nhân làm cho phát-sinh những sự bịa đặt, thêm bớt trong các Thánh Kinh, một tai-hại và là kẻ đại-nghịch của Phật-Giáo.

Vì bịa đặt mà một số đông người Ấn cho trận giặc tinh-thần được mô-tả trong quyển BHAGAVA-GITA là một cuộc chiến-tranh thật-sự, nên họ mới giết hại sinh-vật để tế-lễ.

Vì sửa đổi một vài chữ trong kinh veda mà nhóm Bà La Môn Giáo khư-khư chấp giữ phong-tục thiêu luôn người goá-phụ khi chồng chết.

Không hiểu các nhà bác-học diễn-giải Phật-Giáo ra thế nào mà những nhà sư: Tây Tạng, Nhật Bổn, Mông Cổ, v.v. ... mang súng ra trận một cách tự-nhiên.

Không biết do ai dạy bảo mà một số người tu Phật Việt-Nam chúng ta lại nói rằng Phật cho phép uống rượu khi đau và sát hại những con vật nhỏ như: kiến, rệp, muỗi v.v. ... lúc nào cần-thiết.

Mấy điều kể trên chứng-tỏ rằng sự chia rẽ và thêm bớt trong kinh sách là một điều hại lớn. Nên chi các bậc tu-hành chân-chánh phải cần đến phương-pháp hội-họp các bậc thiện-trí-thức để củng-cố nền Phật-Giáo Nguyên-Thủy.

Vì vậy mới có những cuộc tổ-chức Kết-Tập Tam-Tạng từ cổ chí kim.

* * *

Các kinh-điển Nam-phạn (Pãli) có chép những kỳ-hội kết-tập tam-tạng theo những trường-hợp sau đây:

Kỳ kết-tập toàn-thể lần thứ nhất

(Khẩu truyền) Lối bốn tháng sau khi Phật tịch, có 500 vị đại A-La-Hán nhóm họp tại thành Radjagaha (Vương Xá) dưới quyền chủ-tọa của Ðức Maha-Kassapa (Ðại-Ðức Ca-Diếp).

Mục-đích của Hội: Số là, sau khi Ðức Thế Tôn nhập Niết-Bàn, phần đông các bậc Thinh Văn cho rằng sự duy-trì kiếp sống của các ngài trên thế-gian này chẳng còn ý-vị chi nữa, nên khuyên nhau nhập Vô-Dư Niết-Bàn. Có bổn-phận gìn giữ Giáo Pháp, Ðức Maha-Kassapa liền vội-vã thỉnh các thánh-tăng hội lại để củng-cố những lời di-huấn của Phật.

Kết cuộc: trong cơ-hội ấy, Ðức Ananda (A-Nan) lập lại những câu Phật-Ngôn mà chính ngài đã được nghe Ðức Thế Tôn thuyết ra, để kết-thành hai Tạng: Kinh và Luận. Còn Ðức Upali thì công-bố các điều-học mà Phật đã cấm-chế hàng tăng-chúng để kết-thành Tạng Luật, gồm lại có 227 giới chánh và nhiều giới phụ mà hiện nay Phái Théravada (Nguyên-Thủy) vẫn còn thọ-trì nguyên vẹn. Hội lại quyết-định chẳng sửa đổi những điều-học nhỏ-nhen mà Ðức Phật đã cho phép trong lúc Ngài còn tại thế[7].

Kỳ kết-tập toàn-thể lần thứ nhì

(Khẩu truyền) Cách kỳ trước lối 100 năm về sau, có 700 vị thánh-tăng nhóm họp tại thành Vésali, nhằm đời vua Asoka thứ I.

Mục-đích của Hội: Bàn cãi về việc sửa đổi và chế-biến thêm 10 điều học mới do nhóm tỳ-khưu Vajjiputra đề-xướng mà trong ấy có mấy điều-học quá dễ-dãi như việc cầm vàng bạc, được thọ-thực khi quá ngọ ... và mấy điều-học quá khổ-hạnh của ông Devadatta đã cầu xin Ðức Phật thuở trước, nhưng bị Ngài bát lời.

Kết cuộc: Chư thánh-tăng không chấp-nhận những điều canh-cải ấy. Phật-Giáo bị chia rẽ làm hai phái lớn kể từ đây:

- Phái "Trưởng-Lão Bảo-Thủ" (Sthavira-Théravada), có khi gọi là Thượng Tọa Bộ, nguyện thọ-trì giới y như lời Ðức Phật dạy khi xưa;

- Phái "Ðại Chúng Cải Cách" (Mahasangika), hay gọi là Ðại Chúng Bộ, tổng-hợp các nhà sư với hàng cư-sĩ tại-gia, có mục-đích thay đổi và thêm bớt các điều-học cho dễ bề tu-hành và thâu-thập tín-đồ.

Kỳ kết-tập toàn-thể lần thứ ba

(Khẩu truyền) Cách kỳ trước 118 năm về sau (lối 253 năm trước tây lịch) do hoàng-đế Asoka Ðệ Nhị (vua Chuyển Luân Vương A Dục) triệu-tập. Có 1.000 thánh-tăng hội-họp tại đền vua trong thành Pãtaliputra.

Mục-đích của Hội: Củng-cố Tam-Tạng Pháp-Bảo Nguyên-Thủy. Sa-thải các phần-tử xấu-xa trong tăng-hội. Phái những bậc Thinh Văn sang các nước láng-giềng để truyền-bá chánh pháp.

Kết cuộc: Vô-số kẻ ngoại-đạo tự mặc áo cà-sa, mang bình bát trà-trộn vào trong hàng tăng-chúng để tìm cách nuôi mạng dễ-dàng, bị đức vua trục-xuất. Nhiều vị đại A La Hán được phái sang các xứ miền Bắc Ấn Ðộ như: Cachemire, Gandhara, Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Tây Tạng v.v. ... để truyền đạo. Cũng trong cơ-hội này, Ðức Mahinda (con của vua A-Dục) đem Pháp-Bảo mà ngài đã thuộc nằm lòng trong kỳ kết-tập lần thứ ba, sang khẩu-truyền trên đảo Tích Lan.

Kỳ kết-tập địa-phương lần thứ tư

(Khẩu truyền) Do Ðức Mahinda tổ-chức tại đảo Tích Lan trong thời-gian Ngài ngụ tại đó, cũng trong vòng thế-kỷ thứ ba trước Tây-lịch, với mục-đích củng-cố Tam-Tạng Pháp-Bảo tiếng Pãli của hội kết-tập kỳ thứ ba qui-định.

Kỳ kết-tập địa-phương lần thứ năm

(Chép ra văn-tự) Vào lối thế-kỷ thứ nhất trước Tây-lịch, do 500 vị A-La-Hán hội tại một ngôi chùa trong đảo Tích Lan (chùa này của đức Mahinda tạo thuở trước) nhằm trào vua Tích Lan Vatta-Gamani[8].

Mục-đích của Hội: Củng-cố Pháp-Bảo chân truyền và kết-tập Tam-Tạng ra văn-tự lần thứ nhất.

Kết cuộc: Hội quyết-định dùng chữ bổn-xứ (Tích Lan) để chép các kinh-điển đã được truyền-khẩu từ xưa đến nay bằng tiếng Pãli vào những tờ lá của một loại cây thốt-nốt trong xứ. Chính các Thánh-Kinh được kết-tập ra văn-tự kỳ này được lưu-truyền cho đến ngày nay trong những nước: Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, Cao Miên, vân-vân ...

Kỳ kết-tập địa-phương lần thứ sáu

(Bằng chữ) Do Ðức Buddhaghosa chủ-trương trên đảo Tích Lan, sau khi Phật diệt-độ được hơn 900 năm, với mục-đích canh-cải lại vài chỗ bất-đồng giữa kinh-điển Pãli/Magadha và kinh-điển Pãli/Tích Lan.

Từ ấy trở về sau, trong các nước tu theo Phật Giáo Nguyên-Thủy, như: Miến Ðiện, Tích Lan, Thái Lan, Lào, Cao Miên ..., thỉnh-thoảng có những cuộc tổ-chức kết-tập địa-phương để lo việc bảo-tồn Thánh Pháp cho đến 5.000 năm.

* * *

Trên đây, chỉ là những cuộc kết-tập Tam-Tạng theo truyền-thống Nguyên-Thủy, ngoài ra còn có những cuộc kết-tập Tam-Tạng theo truyền-thống Ðại Chúng Bộ (Ðại Thừa) được tổ-chức tại miền Bắc Ấn Ðộ.

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Ðức Ðế Thích.

[2] Ðức A-Nậu-Ða.

[3] Ðức A-Nan.

[4] Thiêu-táng.

[5] Không phải thầy Subhada được nhập-môn trong giờ chót của Phật.

[6] Xá-lợi Răng.

[7] Có kinh chép rằng thầy tỳ-khưu Purna cùng 500 môn-đệ vào phòng nhóm trễ và tuyên-bố rằng ông ta chỉ hành theo những điều-học nào chính mình đã được nghe Ðức Phật thuyết ra mà thôi. Ðây là khởi đầu của mầm chia rẽ.

[8] Sau khi kết-tập thứ 5 tại đảo Tích Lan, hơn 100 năm, trên lục-địa Ấn Ðộ, đức vua Kanishka có triệu-tập tại kinh-đô Kudalavana (xứ Cachemire) một hội-nghị Kết-Tập để chép Tam-Tạng Pháp-Bảo ra tiếng Sanscrit (Bắc Phạn), một thứ tiếng gốc của Bà La Môn Giáo thường dùng. Bắt đầu từ đây, Phật-Giáo đã chia hẵn ra làm hai phái lớn: Tiểu-Thừa (Nihayana) và Ðại-Thừa (Mahayana). Những danh-từ Ðại-Thừa và Tiểu-Thừa được Bắc-Tông bịa ra để tự cho mình là lớn lao, cao-thượng và biếm nhẽ sự eo hẹp, thấp hèn của Nam-Tông. Và từ đó về sau, mỗi Tông đều tự-tiện nhóm họp để kết-tập riêng của mình. Bắc-Tông không nhìn-nhận kỳ kết-tập thứ 5 của Nam-Tông, cũng như Nam-Tông chẳng hề biết đến kỳ hội Kanishka vậy.