BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Phật giáo Nguyên thủy

PHÁP TRÍCH LỤC - 2

Huỳnh Văn Niệm soạn dịch

Phật Bảo Tự tái bản
Pagode  Buddharatanarama
3, Rue Broca
91600  Savigny Sur Orge - France
Tel: 01 69 96 49 34


Tập I

-ooOoo-

Phần Phụ-Trương

"Khi biết được rằng không sao tránh khỏi những nạn: sinh, già, đau, chết, Ta phát tâm nhờm-chán cõi trần.

"Rồi đó, chẳng màng chi đến cuộc đời phong-phú, trẻ-trung, đến những lời hờn-trách, khóc than của thân-quyến, ta rời bỏ gia-đình, cắt tóc, cạo râu, mang áo cà-sa.

"Trở nên một nhà hành-khất ta-bà, Ta đi tìm điều lợi-ích thiêng-liêng, đi tìm con đường về chốn an-vui tuyệt-đối". -- Phật Ngôn

 

Tư-cách giáng-sinh vào lòng mẹ và tư-cách xuất-gia của đức Bồ-Tát trong kiếp chót

Lời của Ðức Ananda:

Ta có nghe từ cửa miệng của Ðức Thế Tôn thuyết ra như vầy: "Này Ananda, thuở nọ Ðức Bồ-Tát, với cả tâm-trí sáng-suốt, được thọ-sinh lên cung trời Ðâu-Xuất. Trong thời-gian an-hưởng nhàn lạc nơi cõi ấy, cho đến lúc được thọ-sinh vào lòng mẹ, Ðức Bồ-Tát vẫn luôn-luôn sáng-suốt biết mình.

Khi Ðức Bồ-Tát từ cung trời Ðâu-Xuất giáng xuống thế-gian, để thọ-sinh vào lòng Ðức Hoàng-hậu Ma-Da (Maya), thì tất cả cõi trời, những cảnh-giới ma-vương, các thế-giới của hàng nhân-loại, thảy-thảy đều được thọ lãnh sự sáng-lạng tuyệt-đối, lấn hẳn ánh-sáng của tất cả chư-thiên hiệp lại. Sự sáng ấy loan ra cho đến các ta-bà thế-giới, nơi cõi xa-xăm đen tối mà đã từ lâu ánh-sáng của mặt nhật và mặt nguyệt cũng không tài nào xoi-thấu. Nhờ ánh-sáng thiêng-liêng này mà vô-số chúng-sinh đang ở trong các thế-giới tối-tăm mờ-mịt ấy mới được trông thấy lẫn nhau và biết rõ vạn-vật ở chung-quanh mình. Tất cả mười ngàn thế-giới đều rung-động khi tiếp được ánh-sáng lạ-thường này.

Lúc Ðức Bồ-Tát nhập vào bào-thai trong lòng mẹ, thì có bốn thiên-thần trông coi bốn hướng, không cho bất cứ chúng-sinh nào có thể lại gần làm tổn-thương đến Ngài và mẹ Ngài.

Bắt đầu từ đó, đức Ma-Da hoàng-hậu phát-tâm thọ-trì giới hạnh thêm phần trong sạch. Bà đâm ra chán-chê đường tình-dục, tự-chủ lục-căn luôn-luôn thanh-tịnh, chẳng hề biết đau đớn, mỏi-mệt.

Ðức Bồ -Tát ra đời được bảy ngày thì hoàng-hậu Ma-Da thăng-hà và được sanh lên cung trời Ðâu-Suất. Thế thường, phụ-nữ mang thai lối hơn chín tháng, hoàng-hậu Ma-Da phải cưu-mang đức Bồ-Tát trong bụng đến mười tháng. Các trẻ con của thường nhân, khi sinh ra, thì nằm. Ðức Bồ-Tát lúc lọt lòng thì đã đứng được vững-vàng.

(Tới đây dứt lời của đức Ananda).

Lớn lên, đức Bồ-Tát trở nên một bậc văn hay võ giỏi, thông-minh. Hai trường-hợp dưới đây nhắc-nhở chúng ta về tư-cách từ-bi, bác-ái, của Ngài.

Lần nọ, có một con hạc bị hoàng-thân Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) bắn trúng một mũi tên, đến té trước mặt Ngài. Ngài ôm lấy con vật để tìm cách cứu chữa và chẳng chịu trả lại cho ông Ðề Bà Ðạt Ða. Vì Ngài cho rằng chính kẻ cứu-mạng mới có đủ quyền về con vật hơn người sát hại nó.

Một lần khác, trong lúc tranh đua tài-nghệ cùng các hàng vương-tôn công-tử trong dòng Thích-Ca, chẳng ai đủ sức đàn-áp nổi con ngựa hung-hăng, dù rằng họ dùng đủ mánh-khoé và võ-lực, song vô hiệu-quả. Nhưng chỉ với mấy cái vuốt-ve và vài lời dịu ngọt, Ðức Bồ-Tát cảm thắng được con thú một cách dễ-dàng.

Trí-huệ, lòng từ-bi, tâm nhẫn-nại là ba đức-tính cao-thượng của đức Bồ-Tát vậy.

Dầu bị giam-hãm trong cảnh xa-hoa, hầu đẹp, vợ xinh, giường ngọc, chiếu ngà, đủ mùi phú-túc, tâm Ngài vẫn chán-chê thế-sự. Những cảnh-tượng sanh, lão, bệnh, tử, làm tăng-trưởng mối đạo-tâm đã ung-đúc nơi lòng.

Quyết dạ tầm đường giải-thoát, và nhờ nghị-lực thiên-nhiên do trí-huệ của Ngài rèn tập kham-khổ không biết bao nhiêu A-Tăng-Kỳ kiếp đã qua, đức Bồ-Tát không ngần-ngại gì mà lìa bỏ cả ngai vàng, giang-san, lâu-đài, cung-điện, để tìm nơi thanh-vắng suy-tầm chân-lý.

Một đêm nọ, thừa dịp tốt, sau buổi dạ-yến linh-đình, quân-lính say-sưa, mòn-mỏi dưới cảnh trời đông gió lạnh, đức Bồ-Tát, với chí-khí cương-quyết, đoạn-tuyệt cả vợ đẹp con thơ, thót lên lưng ngựa, ra khỏi hoàng-cung, nhắm rừng tòng trực chỉ.

Trời vừa rựng sáng, đức Bồ-Tát xuống yên, trao áo mão cân đai cho nghĩa-bộc Sa Nặc (Channa), với mấy lời ân-cần vĩnh-biệt cha già, vợ yếu. Thần-mã Kiền Trắc (Kantaka) nghe được lời tâm phúc, thương tiếc chủ lành, cảm-động quá đỗi, bể tim té lăn ra chết.

Ðem long-bào đổi áo cà-sa, Ngài trải qua sáu năm trường tầm đạo, được tiếp-xúc, học hỏi với nhiều nhà bác-học trong thời-kỳ ấy. Nhưng Ðức Bồ-Tát vẫn không toại-nguyện. Vì giáo pháp gắt-gao khổ-hạnh của mấy vị đạo-sĩ ấy không đem lại được sự giải-thoát hoàn-toàn mà Ngài mong mỏi.

Không lòng thối-chuyển, Ðức Bồ-Tát quyết-dạ hành-đạo một mình. Ngài tăng-gia các điều khổ-hạnh đến mức cùng-tột của hàng tu khổ-hạnh, giảm bớt vật-thực cho đến nỗi chỉ còn ăn có một hột cơm trong mỗi ngày. Thân mòn sức kiệt, ngày nọ, đức Bồ-Tát lần mò xuống mé sông tắm gội. Vì lưng mỏi gối run, Ngài té quị xuống. Gom cả thần-lực, cố-gắng đủ điều, Ngài cũng không sao đứng dậy nổi. Ngài vớ một cành cây sà thấp xuống gần đó để đứng dậy.

Ðức Bồ-Tát, thân-tâm mòn mỏi như sắp lìa trần. May đâu có cô gái tín tên là nàng Sujjata, buổi sáng ấy, định đem món cơm trộn với sữa tươi đến dâng cho một bậc vĩ-nhân nào ngự nơi vùng ấy. Gặp Ngài, nàng vội-vã dâng cúng vật thực ngon lành bổ-dưỡng.

Sau khi độ xong, thân hình khỏe-khoắn, thần-trí trở lại sáng suốt hơn xưa, Ngài bèn nghĩ như vầy: "Tinh-thần không thế nào được tấn-hóa với một xác-thân mòn-mỏi". Nghĩ vậy, Ngài ráng sức lần mò vào rừng Uruvela, và chính tại nơi đây, đức Bồ-Tát được đắc-quả Chánh-Ðẳng Chánh-Giác vậy.

-- MAJJHIMÃ NIKÃYA 123

Sự-tích ông Devadatta hãm-hại Phật và chia rẽ Tăng-hội

Thuở ấy, Ðức Thế Tôn ngự tại thành Anoupiya, thuộc về xứ Malla.

Noi gương theo Ngài, một số đông hàng vương-tôn, công-tử trong dòng Thích-Ca, cũng xuất-gia hành-đạo.

Trong số đó, có hai vị hoàng-tử anh em ruột cùng nhau, là ông Mahãnãma và ông Anuruddha (A Nậu Ða).

Ông hoàng Mahãnãma đến hỏi ông Anuruddha như vầy: "Này em, giữa anh và em, ai sẽ xuất-gia?". Ông Anuruddha trả lời: "Em thì hay đau ốm, khó bề lìa bỏ gia-đình. Vậy thì anh hãy xuất-gia đi".

Ông Mahãnãma liền giải cho ông Anuruddha nghe như vầy: "Này Anuruddha, người ở trong gia-đình thật lắm công nhiều việc, không khác nào chàng nông-phu phải cày sâu cuốc bẫm, gieo giống, đào mương cho nước vào ruộng, nhổ cỏ, cấy mạ, gặt hái, rồi cột lúa lại từng bó, rồi phải đập cho rớt hột ra, phải hốt rơm, phải đổ trấu, phải sàng lúa rồi đem đổ vô bồ. Năm sau cũng lại làm như thế, và luôn-luôn mỗi năm đều phải làm việc ấy cả. Tuy vậy, công chuyện vẫn không rồi, mà cứ còn mãi-mãi, không sao kể xiết. Này Anuruddha, vậy em nên nghĩ lại các điều phiền-phức trong gia-đình".

Ông hoàng Anuruddha nghe xong liền đi kiếm bà mẫu-hậu, để xin phép xuất-gia tu hành.

Lịnh mẫu-hoàng dạy rằng: "Này con ôi! Con là con yêu quí của mẹ, biết ăn ở hiền-lành, có nhiều đức tốt. Mẹ biết rằng một ngày kia, thế nào sự chết cũng làm cho mẹ con mình phải chia lìa. Nhưng hiện nay, mẹ không nỡ để cho con xuất-gia trong lúc đầu xanh tuổi trẻ!"

Ông Anuruddha xin phép mẹ lần thứ nhì nữa, cũng vô-hiệu-quả.

Ðến lượt thứ ba, lệnh mẫu-hậu liền sực nhớ đến đức vua Bhaddiya đang trị-vì trong xứ. Vua này cũng thuộc dòng Thích-Ca và có tình bầu-bạn thân-thiết với hoàng tử Anuruddha. Bà nghĩ rằng ở địa-vị sang cả như vậy, đức vua Bhaddiya không khi nào chịu xuất-gia bao giờ. Bà liền nói với con như vầy: "Này Anuruddha con, nếu đức vua Bhaddiya chịu xuất-gia, thì mẹ sẽ cho phép con cùng đi với".

Ông hoàng Anuruddha tìm đến đức vua mà tâu rằng: "Tâu đại-vương, chính ngài đã làm cản trở việc xuất-gia hành đạo của tôi".

Nhà vua nghe vậy trả lời rằng: "Vậy trẫm sẳn lòng giúp bạn diệt trừ sự trở-ngại ấy và sẽ đồng ý xuất-gia theo sở-nguyện của bạn".

Ðức Anuruddha nói: "Nếu được vậy thì đại-vương cùng tôi đồng xuất-gia một lượt".

- "Này bạn, thật khó bề cho trẫm lìa bỏ gia-đình đặng. Ngoài việc ấy ra, trẫm sẵn lòng giúp bạn trong mọi sự. Vậy bạn hãy đi tu một mình đi".

Ðức Anuruddha lại tâu rằng: "Mẹ tôi có nói hễ ngài chịu xuất-gia thì bà mới cho tôi đi với. Mà đại-vương cũng vừa mới nói với tôi lời này: "Nếu trẫm làm cản-trở sự xuất-gia của bạn thì trẫm sẳn lòng giúp bạn diệt trừ sự trở-ngại ấy và sẽ đồng-ý xuất-gia theo sở-nguyện của bạn". Vậy xin đại-vương cùng tôi đồng xuất-gia một thể".

Hồi thời-kỳ ấy, con người rất thành-thật và biết kính-trọng lời nói của mình. Nhà vua không biết tính sao, bèn nói với ông hoàng Anuruddha rằng: "Nếu muốn vậy, thì xin bạn rán chờ trẫm trong bảy năm nữa. Chừng đó, chúng mình sẽ xuất-gia một lượt". Ðức Anuruddha không bằng lòng.

Vua Bhaddiya kéo ngắn thời-hạn lần hồi, từ một năm, bảy tháng, một tháng, cho đến 15 ngày, nhưng đức Anuruddha cũng cho rằng lâu quá, không thể chờ đặng. 

Sau cùng, đức vua nói rằng: "Vậy bạn nhận cho trẫm 7 ngày, để trẫm có đủ thì-giờ lo phú-thác việc trào-chánh cho các con và em của trẫm".

- "Tâu đại-vương, bảy ngày không lâu mấy, vậy tôi xin chờ đến khi đó".

Cùng một cơ-hội ấy, đức vua Bhaddiya, đức Anuruddha, đức Ananda, đức Bhagou, đức Kimbila và ông Devadatta, đều là bạn đồng-niên đã có giao-thiệp thân mến với nhau từ xưa, đồng lìa bỏ gia-đình một lúc, để xuất-gia với bác thợ cạo Upali. Tất cả là 7 người.

Ði được một đỗi xa, mấy vị hoàng-thân ấy ra lịnh cho kẻ bộ-hạ trở về và lúc vào một xóm gần đó, đồng cởi đồ y-phục trang-sức quí-giá, gói lại trao cho bác thợ cạo Upali, dặn bác này trở về và hứa cho các vật ấy để bác ta sinh-nhai.

Nhưng khi đi được một đỗi, bác thợ cạo Upali lại nghĩ rằng: "Bọn hoàng-tộc Thích-Ca rất hung-ác. Chúng nó sẽ nghĩ rằng ta đã giết mấy vị vương-tôn ấy, thì thế nào cũng hãm-hại ta chẳng sai. –, mà mấy vị hoàng-thân đó dám bỏ nhà xuất-gia, thì ta còn đợi gì mà không làm như họ". Nghĩ vậy, bác ta liền treo gói đồ lên nhánh cây và nói rằng: "Ðây là những của cải để cho những kẻ nào thấy được". Xong rồi, bác ta liền trở lại tháp-tùng với mấy vị hoàng-thân dòng Thích-Ca.

Thấy bác thợ cạo Upali lủi-thủi đàng kia đi lại, mấy ông hoàng trẻ tuổi dòng Thích-Ca hỏi rằng: "Này bác Upali, tại sao bác trở lại?"

Sau khi nghe rõ tự-sự, các vị hoàng-thân rất tán-thành cử-chỉ của bác thợ cạo như vầy: "Bác trở lại với chúng tôi rất phải lẽ, vì các người dòng Thích-Ca rất hung-ác và sẽ hãm-hại bác chẳng sai".

Rồi đó, tất cả 7 vị đồng vầy đoàn cùng nhau tìm đến nơi Ðức Phật ngự. Khi đến nơi, họ cung-kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi ngồi gần bên. Ngồi xong, mấy vị hoàng-phái ấy bạch với Ðức Thế Tôn như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, các người dòng Thích-Ca có tính kiêu-căng lắm. Ðây là bác thợ cạo Upali, đã phụng-sự chúng tôi từ lâu. Vậy xin Ðức Thế Tôn cho phép bác ấy xuất-gia trước, đặng chúng tôi có dịp chào hỏi cung-kính bác như một bậc cao-hạ. Làm vậy để giảm bớt sự kiêu-hãnh của chúng tôi về chủng-tộc".

Ðức Phật liền cho phép đức Upali thọ-giới trước rồi mới tới phiên mấy ông hoàng trẻ tuổi dòng Thích-Ca.

Nhập-môn không bao lâu, và đến lúc gần mãn hạ, thì đức Bhaddiya đắc được ba cái giác, đức Anuruddha đắc huệ-nhãn, đức Ananda đắc Tu Ðà Huờn và ông Devadatta thì đắc phép thần-thông-phàm mà các đạo-sĩ tu theo tôn-giáo khác cũng có thể đắc được.

Một lúc nọ, đức Bhaddiya đang ngồi dưới cội cây, la lên một cách thỏa-thích rằng: "Hạnh-phúc thay! Hạnh-phúc thay!"

Nghe vậy có nhiều vị tỳ-khưu tìm đến nơi Ðức Phật ngự. Ðảnh lễ rồi ngồi kế bên, bạch rõ tự-sự cho Ngài biết. Mấy vị tỳ-khưu ấy lại còn bạch thêm rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, hẳn thật vậy, thầy Bhaddiya không mấy gì thỏa-thích trong sự hành đạo. Cho nên thầy ta mới phát tâm đắc-chí vừa lòng khi nhớ lại thời oanh-liệt trong lúc còn làm vua".

Phật dạy một vị tỳ-khưu đi tìm đức Bhaddiya đến hỏi chuyện.

Ðức Bhaddiya đến nơi, đảnh lễ Ðức Phật xong rồi ngồi kế bên. Ðức Thế Tôn hỏi rằng: "Này Bhaddiya, phải có thật vậy không? Người ta nói rằng thầy vào nơi thanh-vắng, ngồi dưới cội cây trong rừng và la lên không ngớt một cách đắc-chí như vầy: "Hạnh-phúc thay! Hạnh-phúc thay!" Vậy chớ thầy nghĩ sao mà la lên như thế?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, khi tôi còn là một vì vua, thì có quân-lính canh giữ nghiêm-nhặt các cung-điện từ trong đến ngoài; canh-gát từ thành-thị tới thôn-quê và luôn-luôn gìn giữ bờ cõi rất cẩn-thận. Ðược che-chở như vậy, mà nào đâu tôi có an-tâm. Luôn-luôn sợ-hãi, lo-lắng, thổn-thức, bồn-chồn. Bạch Ðức Thế Tôn, trái lại, hiện bây giờ, dầu cho tôi vào nơi thanh-vắng, ngồi dưới cội cây, giữa rừng sâu thẳm, tôi cũng không hề sợ-hãi, lo-lắng, mà lại được an vui, tự-tại, là khác. Tôi rất vừa lòng thỏa-mãn, thân tâm an-tịnh, nhẹ-nhàng, như giống sơn dương[1]. Vì nhớ đến sự vui thích ấy, nên tôi mới la lên không ngớt mấy câu: "Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!"

Sau khi nghe rõ tự-sự, Ðức Thế Tôn ngâm kệ rằng:

"Kẻ nào nuôi dưỡng tâm mình bằng tư-tưởng lành,
Chẳng còn màng đến việc thế-gian.
Kẻ ấy hằng sống trong sự an vui,
Trong sự giải-thoát các điều lo-lắng, thống-khổ,
Cho đến chư-thiên trông thấy phải ngợi-khen, kính-phục".

Khi ngụ tại Anupiya được một thời-gian, Ðức Phật lên đường sang xứ Kosambi. Ði một mạch tới xứ này, Ngài ngừng lại nghỉ nơi tịnh-xá Ghosita-Arama.

Lúc ấy, ông Devadatta đang tham-thiền nơi thanh-vắng, phát tâm nghĩ ngợi như vầy: "Ta có đủ tài đức. Vậy ta nên tìm coi ai có thế chủ-ý, sẳn lòng giúp cho ta được nhiều danh nhiều lợi". Ông ta liền sực nhớ lại: "Hoàng tử Adjatasattu (A Xà Thế) là một thanh-niên có nhiều tương-lai tốt đẹp. Vậy ta hãy ráng tìm cách làm vừa lòng vị đồng-cung ấy, tất-nhiên danh-lợi sẽ đến cho ta chẳng sai".

Nghĩ xong, ông Devadatta liền mặc y, mang bát, đi về thành Radjagaha (Vương Xá Thành) và được tới nơi y theo giờ nhất-định. Ông ta dùng thần-thông hóa ra một đứa trẻ, có con rắn quấn quanh mình, hiện lên ngồi trên bắp vế đông-cung Adjatasattu. Hoàng-tử hết sức kinh-khủng, lo-lắng. Khi ấy, ông Devadatta lên tiếng rằng: "Này đông-cung, ngài có sợ tôi không?"

- "Phải vậy, tôi sợ ông. Mà ông là ai?"

- "Tôi là Devadatta".

- "Bạch ngài, nếu quả thật ngài là đức Devadatta, thì xin hiện lại nguyên hình đi".

Ông Devadatta liền biến lại nguyên hình, đứng trước mặt đông-cung Adjatasattu, mặc y mang bát đàng-hoàng. Ðông-cung hết sức khâm-phục phép thần-thông của ông Devadatta. Từ đó, mỗi ngày, sớm mai và chiều, hoàng-tử cùng với 500 cỗ xe, đem thực-phẩm để trong 500 cái mâm, đến dâng cúng cho ông ta.

Vì say đắm trong bã lợi danh, nên ông Devadatta lại phát tâm suy-nghĩ như vầy: "Ðáng lẽ thì ta phải được cầm đầu coi sóc chư-tăng". Khi ý nghĩ xấu-xa ấy phát-khởi, thì các pháp thần-thông của ông ta đều biến mất.

Lúc ấy, Ðức Thế Tôn đang thuyết-pháp cho một nhóm đông thính-giả nghe và có đức vua đến dự. Ông Devadatta liền đứng dậy khoát rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, hiện nay Ngài đã già yếu tuổi cao, đã lao công khó nhọc nhiều rồi và không còn sống được bao lâu nữa. Vậy xin Ðức Thế Tôn bình tâm vui hưởng sự lạc-thú mà Ngài đã tìm được trên cõi này. Xin Ðức Thế Tôn giao-phó chư-tăng lại cho tôi cầm đầu coi sóc".

Ðức Phật trả lời rằng: "Hỡi Devadatta! Không thể được. Nhà ngươi chớ nên hy-vọng cai-quản chư-tăng. (Devadatta cầu xin lần nữa, Ðức Phật cũng trả lời như vậy). Ðến lượt thứ ba, Ðức Phật nói rằng: "Như Lai đã không trao quyền cho Sariputta (Xá Lợi Phất), hay là Moggallana (Mục Kiền Liên ), cai-quản chư-tăng, thì có lý nào lại giao cho ngươi là một kẻ nói nhảm".

Ông Devadatta nghĩ rằng: "Trước mặt nhà vua và các bộ-hạ, Phật đã chẳng nhận lời ta, mà lại còn chê ta là kẻ nói nhảm-nhí, và khen-tặng Sariputta và Moggallana". Nỗi giận và bất-bình, ông ta liền đảnh lễ Phật rồi lui gót.

Ðây là mới lần thứ nhất, Devadatta để cho lộ vẻ bất-bình đối với Ðức Thế Tôn. Khi ấy, Ðức Phật gọi các chư thầy tỳ-khưu lại mà dạy rằng: "Vậy chư-tăng nên bố-cáo cho trong thành Radjagaha biết rằng hiện nay Devadatta đã thay đổi tâm-tính, không còn giống như lúc trước. Vậy thì bất cứ sự hành-động nào, hoặc lời nói nào của Devadatta làm hay nói ra, đều là do ý riêng của Devadatta, chớ chẳng phải do Phật, do Pháp, do Tăng hành-động hay nói ra".

Ðức Phật kêu Ðức Sariputta mà dạy rằng: "Nhà ngươi nên bố-cáo cho trong thành Radjagaha biết rằng Devadatta đã bị trục-xuất ra khỏi tăng-hội".

Ðức Sariputta lại bạch với Phật như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, khi xưa cũng tại thành Radjagaha này, tôi đã bố-cáo khen-tặng công-đức của Devadatta rằng: "Vĩ-đại thay các phép thần-thông! Vĩ-đại thay oai-đức của ngài Devadatta!" Vì vậy, nên nay tôi rất bỡ-ngỡ nếu công-bố cho trong thành Radjagaha biết sự trục-xuất ông ta".

Ðức Phật hỏi đức Sariputta rằng: "Ngày xưa, ngươi khen tặng Devadatta, như vậy có đúng với sự-thật hay không?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, rất đúng với sự-thật vậy".

- "Vậy thì ngày nay, ngươi cũng nên tuyên-bố đúng theo sự-thật, rằng Devadatta đã bị trục-xuất ra khỏi tăng-hội".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, tôi xin vâng lời".

Rồi đó, Ðức Sariputta vào thành Radjagaha, có dắt theo một nhóm đông tỳ-khưu, để bố-cáo cho dân-giả biết rõ về sự trục-xuất Devadatta.

Khi ấy, những kẻ hạ-tiện, vô tín-ngưỡng, tối-tăm, khờ-dại, bàn với nhau rằng: "Các thầy sa-môn dòng Thích-Ca có tâm ganh-tị; mấy ông phân-bua, hờn-ghét về các lợi-lộc và sự niềm-nở của thí-chủ đối với Devadatta".

Trái lại, những kẻ có nhiều đức-tin, tâm trí sáng-suốt, thì nghĩ rằng: "Có lẽ vì chuyện chi đại-sự, bất-thường, đã xẩy ra, nên Ðức Thế Tôn mới dạy công-bố sự trục-xuất Devadatta cho trong thành Radjagaha được biết".

Lúc đó, ông Devadatta tìm đến vị đông-cung Adjatasattu mà nói rằng: "Tâu Ðông-cung, thuở xưa kia, người ta được sống lâu. Còn hiện nay thì tuổi thọ của hàng nhân-loại rất ngắn ngủi. Nếu để vậy mà chờ cho đến lúc chết đi nữa, thì ngài cũng chỉ còn ở địa-vị hoàng-tử mà thôi. Chi bằng Ðông-cung nên hạ-sát vua cha để đoạt lấy ngôi cửu-ngũ. Về phần tôi, thì tôi sẽ giết Ðức Thế Tôn để dành ngôi Phật".

Hoàng-tử Adjatasattu nghĩ rằng: "Ðại-Ðức Devadatta này có nhiều thần-thông phép lạ; ông ta biết rõ chuyện vị-lai".

Ðông-cung liền lấy một báu kiếm dắt vào lưng, đường-đột xông vào cung-nội một cách hung-hăng. Rủi thay, ông ta bị các quan cận-thần nhà vua bắt gặp, lục-soát trong mình thấy gươm báu quả-tang.

Mấy vị quan ấy hỏi đông-cung rằng: "Vậy chớ ngài tính làm gì?"

- "Ta tính giết cha ta".

- "Ai xui giục ngài làm chuyện ấy?"

- "Ðức Devadatta dạy ta".

Khi ấy, có vài vị quan nghĩ rằng: "Ðông-cung Devadatta và cả thảy hàng tăng-chúng đều đáng tội xử-tử".

Vài vị quan khác cho rằng: "Các thầy sa-môn có làm điều chi nên tội; chỉ có hoàng-tử Adjatasattu và Devadatta mới đáng hành-hình". Sau rốt, có mấy ông quan khác lại nói rằng: "Không nên sử-tử ai cả, mà cần phải tâu lại cho nhà vua rõ coi ngài định-đoạt ra sao"

Nghĩ vậy, các quan thị-vệ liền dẫn đông-cung đến trước mặt vua cha là Bimbisara (Bình Sa Vương, hay Tần Bà Xa) mà tâu cho ngài rõ tự-sự.

Vua cha hỏi rằng: "Vậy chớ các khanh tính xử cách nào?".

Sau khi nghe rõ ý-tưởng của ba nhóm quan thị-vệ (như đã nói trên), nhà vua phán rằng: "Này chư-khanh, đức Phật, đức Pháp, đức Tăng, không có liên-quan chi tới chuyện này cả. Vì Ðức Thế Tôn đã cho công-bố trong thành Radhagaha rằng: "Hiện nay, Devadatta đã thay đổi tâm-tính, không còn giống như khi trước nữa. Bất-cứ sự hành-vi nào, hoặc lời nói nào của Devadatta, đều là do ý riêng của Devadatta, chớ chẳng phải do Phật, do Pháp, do Tăng hành-động hay nói ra".

Kế đó, nhà vua xử:

- Lột chức những ông quan nào muốn xử-tử đông-cung Devadatta và chư-tăng.
- Giáng-cấp các vị quan nào tính hành-hình đông-cung và Devadatta.
- Còn mấy vị nào tính không làm tội ai cả, mà có sáng-kiến đem chuyện ấy tâu lại cho ngài rõ, thì đều được thăng chức và ban thưởng.

Xong rồi, đức vua mới hỏi hoàng-tử Adjatasattu như vầy: "Này Ðông-cung, tại sao con muốn giết cha?"

- "Tâu phụ-hoàng, vì con muốn thống-trị giang-san".

- "Nếu con muốn làm vua, thì đây này, cha trao ngôi lại cho con".

Liền khi ấy, vua Bimbisara nhường ngôi lại cho thái-tử Adjatasattu.

Ông Devadatta tìm đến vị tân-quân Adjatasattu mà tâu rằng: "Xin đại-vương cho quân-gia giúp tôi để giết thầy Gotama".

Vua Adjatasattu liền ra lệnh cho quân-lính như vầy: "Các ngươi phải vâng-lệnh Ðức Devadatta khi ngài sai-khiến điều chi".

Ông Devadatta kêu một tên quân mà dặn rằng: "Thầy Gotama ở chỗ kia. Ngươi hãy đi hạ sát ông ta rồi trở về theo lối này".

Trên đường về của tên quân đi thích-khách Ðức Phật, ông Devadatta có cho hai tên quân khác ở đó và dạy như vầy: "Hai ngươi phải hạ-thủ kẻ nào đi ngang qua đây, rồi trở về theo lối kia". Trên nẻo đường về của hai tên này, ông ta lại cho bốn tên quân khác chực sẵn để giết hai tên kia. (Devadatta đặt quân-lính nhiều ngã và dặn dò như vậy cả, cho đến nhóm sau rốt gồm cả 16 tên quân[2]).

Người lính thứ nhất liền nai-nịt khí-giới hẳn-hòi, tìm đến nơi Ðức Phật ngự. Nhưng khi đến trước Ngài, anh ta vội dừng chân lại, lộ vẻ sợ-hãi, lo-âu.

Ðức Thế Tôn thấy vậy nói rằng: "Ngươi chớ sợ, hãy bước lại gần đây".

Tên lính vội-vã liệng gươm, quăng ná đến quì trước Ðức Phật mà bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, vì si-mê, điên-cuồng, khờ-dại, nên tôi đã gây ra tội-lỗi, cố-ý đến đây để thích-khách Ngài. Xin Ðức Thế Tôn tha-thứ các tội-lỗi ấy cho tôi, đặng tôi tránh những điều quấy về sau".

Ðức Phật dậy rằng: "Thật vậy, nhà ngươi đã gây nên tội-lỗi. Nhưng ngươi biết nhận lỗi và ăn-năn, sám-hối, vậy Như Lai xá tội-lỗi ấy cho ngươi. Vì một khi kẻ nào biết nhìn-nhận tội-lỗi mình và biết ăn-năn tự hối, kẻ ấy đã có phần tấn-hóa trong giáo pháp của Như Lai vậy".

Rồi Ðức Phật thuyết-pháp cho tên quân ấy nghe theo thứ tự. Ngài bắt đầu giải về các pháp: bố-thí, trì-giới, quả vui nơi cõi trời, sự tai-hại xấu-xa của tình-dục và các điều lợi-ích về sự dứt bỏ. Khi Ðức Phật xét thấy người ấy thông-hiểu và có nhiều đức-tin chân-chánh rồi, thì Ngài khởi sự thuyết về những pháp đặc sắc nhất của chư Phật là: Sự khổ, nguyên-nhân của sự khổ, tư-cách diệt khổ và con đường để đi đến nơi dứt khổ (Tứ Diệu Ðế).

Cũng như một thửa vải không lem lấm, ăn màu một cách mau chóng, đạo quả mở sáng ra cho người ấy thấy rõ chân-lý và biết rằng, hễ có sanh thì tất-nhiên phải có diệt. Nhờ vậy, người ấy được biết rõ chân-lý, được làm chủ chân-lý, được thấm-nhuần chân-lý, say đắm trong chân-lý, diệt sự hoài-nghi, tin chắc Phật-pháp là cao-thượng hơn cả (đắc quả Tu Ðà Huờn).

Người ấy bạch với Ðức Thế Tôn rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, hay quá, đúng quá! Không khác nào người ta đỡ đứng dậy một vật đã bị ngã, hoặc-giả người ta tìm được vật gì bị giấu kỹ, như kẻ mù đi lạc bước được đưa về nẻo tốt, như chỗ tối-tăm được hưởng ánh-sáng của ngọn đèn, làm cho người có mắt có thể xem rõ mọi vật. Cũng như thế ấy, tôi đã được Ðức Thế Tôn truyền pháp với nhiều cách-thức khác nhau. Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài cho phép tôi qui-y và nương nhờ nơi Ngài cho đến trọn đời".

Ðức Phật dậy người ấy rằng: "Vậy nhà ngươi chớ nên đi theo đường này, mà hãy trở về theo nẻo kia[3]".

Lúc ấy, hai tên lính đứng gác ngõ về của người trước không thấy dạng ai cả, liền cùng nhau đi tìm, kế gặp Ðức Phật đang ngồi dưới cội cây. Họ đến trước Ðức Phật đảnh lễ rồi ngồi kế bên. Ðức Thế Tôn thuyết-pháp cho họ nghe như khi nãy. Sau khi qui-y thọ giới rồi, Phật liền chỉ đường khác cho họ trở về. Lần-lần tới phiên mấy tốp sau: bốn người, tám người và 16 người, Ðức Phật cũng đều dạy như vậy cả.

Khi đó, người thứ nhất trở về bạch với ông Devadatta rằng: "Tôi không thể hạ-sát Ðức Phật đặng, vì Ðức Thế Tôn có rất nhiều hạnh-kiểm và các pháp nhiệm-mầu".

Ông Devadatta nói: "Vậy thì ta không cần đến ngươi đâu. Ðể tự tay ta sẽ giết Ðức Phật cho mà coi".

Lúc ấy, Ðức Phật đang đi kinh-hành dưới bóng triền núi Kỳ Xà Quật (núi kên kên). Ông Devadatta leo lên chót núi, xô một tảng đá to lăn xuống, cốt-ý làm hại Ðức Thế Tôn. Tức thì, hai chót núi tự-nhiên khép lại với nhau, ngăn không cho hòn đá rơi xuống. Chỉ có một mảnh đá nhỏ văng ra trúng nhằm chân Ðức Phật chảy máu.

Ðức Thế Tôn ngước mắt lên nói với Devadatta như vầy: "Ðây là lần thứ nhất, nhà ngươi đã gây lên tội ác và sẽ bị trả quả gần đây. Vì ngươi đã cố-ý làm chảy máu và hãm-hại Ðức Phật".

Chư tăng, khi hay tin Devadatta chú-tâm hại Ðức Thế Tôn, thì thảy-thảy đều lo-ngại: Ông thì tụng vái ra tiếng, ông thì khấn-nguyện lầm-thầm, mong cầu sự che-chở cho Ðức Phật. Nghe vậy, Ðức Phật hỏi tôn-giả Ananda. Ðức Ananda bạch cho Ðức Phật rõ mọi việc. Ngài liền dạy Ðức Ananda đòi chư-tăng đến hầu chuyện.

Tăng-chúng đến nơi, đảnh lễ Ðức Phật xong rồi ngồi kế bên. Ðức Thế Tôn nói rằng: "Này các thầy tỳ-khưu, không thế nào và không ai có tài nào làm cho một bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác phải chết vì một tai-nạn gớm ghê được. Này các thầy tỳ-khưu, vậy các ngươi nên trở về, ai vào tịnh-thất nấy. Các đấng Như Lai không cần đến sự che chở của ai cả".

Hồi thời-kỳ ấy, tại thành Radjagaha, có một con voi tên là Nalagiri, rất hung-hăng và có tánh thù ghét loài người. Ông Devadatta tìm đến chuồng voi mà nói với mấy tên nài rằng: "Ta đây rất thân-thích với đức vua và có cách làm cho các ngươi được thăng chức và ban thưởng trọng-hậu. Vậy các ngươi nên nghe lời ta, khi nào thấy thầy Gotama đi ngang qua đây thì mau thả con voi ấy ra và rượt nó chạy ra đường lớn". Mấy tên nài vâng lời.

Sáng sớm ra, Ðức Thế Tôn mặc y mang bát, dắt nhiều tăng-chúng theo sau, lên đường vào thành Radjagaha để trì-bình khất-thực. Thấy dạng Ngài, mấy tên nài liền mở cửa chuồng, đuổi voi Nalagiri chạy ra. Voi thấy Ðức Phật đằng trước, liền hung-hăng xông tới phóng vòi lên cao, ngóc đuôi, vẫy tai, ra dáng dữ-tợn.

Thấy voi Nalagiri từ xa lướt tới, chư-tăng bạch với Ðức Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, voi Nalagiri rất hung-ác và có tánh thù-nghịch loài người, đã đến kia. Vậy xin Ðức Thế Tôn trở bước" (nói hai lần như vậy).

Ðức Phật dạy rằng: "Này các tỳ-khưu, các ngươi chẳng nên sợ-hãi. Không thế nào và không có ai tài nào làm cho một đấng Chánh-Ðẳng Chánh-Giác phải chết vì một tai-nạn ghê-gớm được. Tất cả các Ðấng Như Lai chỉ tịch diệt khi thời giờ đã đến bằng một cái chết tự-nhiên" (chư-tăng cầu-khẩn Ðức Phật lần thứ nhì và lần thứ ba, Ðức Phật cũng trả lời như vậy).

Lúc ấy, dân-chúng trong thành đều leo lên các từng lầu cao, trên các hành-lang hoặc trên nóc nhà để coi. Bọn hèn-hạ, kém đức-tin, ngu-muội, tối-tăm, xầm-xì với nhau rằng: "Chà! Thầy sa-môn đẹp thật, nhưng sẽ bị con voi làm hại". Nhóm người có đức-tin, hiểu biết chân-lý, thì cho rằng: "Ðây là một cuộc tranh-đấu giữa voi loài thú và voi chúa-tể loài người".

Ðức Phật liền rải lòng từ-bi đến voi Nalagiri. Ðược gội nhuần mối từ-bi mát-mẻ, voi liền hạ vòi xuống, đến gần Ðức Phật, dừng chân trước mặt Ngài.

Ðức Thế Tôn lấy bàn tay mặt vuốt-ve trên trán voi và ngâm kệ như vầy:

"Này voi ôi! Ngươi chẳng nên đụng đến voi chúa-tể loài người.
Vì đó là một sự công-hãm muôn phần tai-hại. 
Nầy voi ôi! sau khi thác, kẻ nào làm hại voi chúa-tể loài người,
Không mong gì được sự an vui.
Ngươi chẳng nên hung-dữ, hững-hờ,
Vì kẻ hững-hờ không sao được đến chốn an vui.
Ngươi nên ăn ở cách nào để đạt sự an vui".

Voi Nalagiri liền lấy vòi lau chân Ðức Thế Tôn, rồi đem bụi dính ở chân Ngài mà vãi tủa lên đầu nó; xong việc, nó lui lại, bái chào Ðức Thế Tôn với cặp mắt chăm-chỉ nhìn Ngài.

Trở về chuồng, bắt đầu từ đó, voi Nalagiri trở nên hiền-hậu. Dân chúng thấy vậy, hát lên mấy câu như vầy:

"Người đời có thể dạy nó bằng gậy, bằng đót, bằng roi.
Những bậc đại-hiền điều-khiển voi ấy,
Chẳng cần đến gậy hay võ-khí chi-chi".

Lúc ấy, dân-chúng rất hờn-oán, xôn-xao, bất-mãn, nói với nhau rằng: "Khốn-nạn thay, hung-ác thay, cái lão Devadatta lại đi tìm cách hãm-hại một đấng đại-trí đại-lực như Ngài Gotama!". Bắt đầu từ đó, lễ lộc về phần Devadatta mỗi ngày một suy-giảm; trái lại, lễ lộc đến cho Ðức Phật mỗi ngày càng thêm đầy đủ.

Khi các lễ vật và danh-vọng bị sa-sút, Devadatta và một số tỳ-khưu phải đến các nhà thường-dân để khất-thực, dân-chúng rất hờn-oán, xôn-xao, bất-mãn và nói rằng: "Thế nào? Thầy đạo-sĩ dòng Thích-Ca mà có thể sống được với vật thực của thường-dân bố-thí à? Mấy thuở có ai lại chẳng thích cao-lương mỹ-vị? Ai đâu lại chẳng ưa những vật tốt lành[4]?"

Nghe lời đồn ấy, chư-tăng bạch cho Ðức Phật rõ. Ngài dạy rằng: "Này các thầy tỳ-khưu, vậy Như Lai cấm-nhặt không cho hơn ba vị được thọ lãnh chung vật thực nơi một nhà dân-giả, vì có ba lẽ: phòng-ngừa kẻ ác tâm, không làm bận-lòng thí-chủ, tránh sự lợi-dụng chia rẽ tăng-già do kẻ xấu gây nên và vì lòng từ-bi đối với thiện-nam tín-nữ. Như thế, thầy tỳ-khưu dùng vật thực do một nhóm tỳ-khưu hơn 3 vị thọ lãnh (trong một nhà thí chủ) sẽ bị hành-phạt theo luật của tăng-hội".

Lúc đó, ông Devadatta đi tìm thầy tỳ-khưu Kokalika và hai vị tỳ-khưu Kotamoraka, Tissaka với con của Khandadevi là Samuddadatta mà nói rằng: "Các ngài hãy lại đây, chúng ta sẽ tìm cách chia rẽ tăng-chúng và tín-đồ của thầy Gotama".

Nghe vậy, thầy Kokalika nói với Devadatta như vậy: "Thầy Gotama có oai-lực dõng-mãnh lắm. Chúng ta làm thế nào được?"

Devadatta trả lời rằng: "Chúng ta hãy tìm đến thầy Gotama để trình-bày với ông ta 5 điều yêu-cầu như sau đây: "Bạch Ðức Thế Tôn, Ðức Như Lai thường dùng nhiều phương-pháp để chỉ rõ sự ích-lợi cho những kẻ nào có ít lòng tham muốn, có đức tri-túc, dễ-dãi trong sự thọ lãnh thực-phẩm hay vật-dụng, đã diệt trừ các điều xấu nơi tâm, đã lánh xa tình-dục, có đầy đủ sự cung-kính, nhẫn-nại và đức-tin. Bạch đức Thế Tôn, năm điều học sau đây sẽ đem lại nhiều sự kết-quả tốt đẹp":

1. Tốt hơn là các thầy tỳ-khưu nên ở nơi rừng vắng cho đến trọn đời. Vị nào vào gần xóm sẽ phạm giới-cấm;

2. Tốt hơn là các thầy tỳ-khưu nên đi khất-thực cho đến trọn đời. Vị nào nhận thọ-thực trong một nơi nào sẽ phạm giới-cấm;

3. Tốt hơn là các thầy tỳ-khưu phải mặc y phục bằng vải rách lượm được và chằm-khíu lại cho đến trọn đời. Vị nào nhận lãnh y may sẳn do thiện-tín dâng cúng sẽ phạm giới-cấm;

4. Tốt hơn là các thầy tỳ-khưu nên ngụ dưới cội cây cho đến trọn đời. Vị nào ở nơi tịnh-thất sẽ phạm giới-cấm;

5. Tốt hơn là các thầy tỳ-khưu chẳng nên dùng cá cho đến trọn đời. Vị nào dùng cá sẽ phạm giới-cấm.

"Nếu thầy Gotama không nhận những điều ấy, thì chúng ta sẽ lấy cớ đó mà lập tăng-hội riêng".

Thầy Kokalika rất đồng-ý và nói rằng: "Phải rồi, chúng ta sẽ có thể làm chia rẽ tăng-chúng và tín-đồ của thầy Gotama bằng cách ấy; vì đại đa-số hay chú-ý đến các pháp tu khổ-hạnh".

Tính xong, Devadatta liền dắt những bạn thân của ông ta đi tìm Ðức Phật mà bạch rõ năm điều học cải-cách như đã nói trên.

Ðức Thế Tôn trả lời rằng: "Này Devadatta, không thế được:

1. Tùy thích, vị nào muốn ngự nơi rừng vắng hay gần xóm, cũng được.

2. Tùy thích, vị nào muốn đi khất-thực hay muốn thọ trai-tăng, cũng được.

3. Tùy thích, vị nào muốn mặc y bằng vải rách lượm được và chằm-khíu lại, hay thọ lãnh y may sẳn do thí-chủ dâng, cũng được.

4. Còn sự ngụ dưới cội cây, Như Lai đã cho phép các thầy tỳ-khưu được tùy-tiện trong tám tháng mỗi năm.

5. Sự dùng cá, khỏi phạm giới khi nào có đủ ba điều kiện sau đây: kẻ dùng không thấy bắt cá, không nghe hoặc không biết rằng người ta bắt cá cốt ý làm vật thực dâng cho mình".

Ông Devadatta rất thoả-mãn khi nghe Ðức Phật không chịu nhận lời yêu-cầu của mình. Ông ta liền đứng dậy, đi vòng quanh Ðức Thế Tôn, đảnh lễ rồi lui gót, dắt các bạn đồng ra về.

Devadatta vào thành Radjagaha công-bố cho nhóm dân biết như vầy: "Chúng tôi đã có trưng bày những điều học như thế kia, song thầy Gotama chẳng chịu nhận lời. Vậy về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ hành theo mấy điều học ấy".

Lúc đó, những kẻ kém đức-tin, ngu-muội, tối-tăm, xầm-xì với nhau rằng: "Do mấy vị sa-môn, dòng Thích-Ca kia đã diệt trừ ái-dục và biết trau-giồi tâm-tính cho trở nên trong sạch, tốt lành. Còn về phần thầy Gotama, thì ông ta bằng lòng sống trong sự đầy đủ, sung-sướng".

Nhóm người có đức-tin, hiểu biết chân-chánh, rất căm-hờn, bất-mãn, thì cho rằng: "Vì sao Devadatta lại tìm cách làm chia rẽ tăng-chúng và các tín-đồ của Ðức Thế Tôn?"

Nghe vậy, chư tăng đến bạch cho Ðức Phật rõ tự-sự.

Ðức Thế Tôn thuyết rằng: "Kẻ nào làm chia rẽ Tăng trong lúc chư-tăng đang ăn ở hòa-nhã cùng nhau, thì phải chịu tội-lỗi trong một kiếp trái đất và phải chịu sự hành-phạt nơi cảnh địa-ngục nước sôi trong một kiếp nữa".

"Còn kẻ nào đem lại sự hoà-nhã cho chư-tăng lúc tăng-chúng đang bị chia rẽ, kẻ ấy sẽ được hưởng quả vui nơi cõi trời trong một kiếp".

Lúc ấy, tôn-giả Ananda, trong buổi sáng sớm, mặc y, mang bát, vào thành Radjagaha khất-thực. Ông Devadatta thấy đức Ananda liền men đến gần mà nói rằng: "Này đạo-hữu Ananda, bắt đầu từ hôm nay, tôi định làm lễ phát-lộ[5] và thực-hành giới bổn ngoài khuôn-khổ và qui-tắc của Ðức Phật và tăng-hội".

Sau khi vào thành Radjagaha khất-thực và trở về độ xong rồi, đức Ananda tìm đến nơi Ðức Phật ngự, đảnh lễ rồi ngồi kế bên mà bạch rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn, hôm nay Devadatta định làm chia rẽ tăng-hội".

Ðức Phật nghe qua thốt rằng: "Người có tâm lành làm điều tốt một cách dễ-dàng. Trái lại, kẻ dữ rất khó bề làm nên việc tốt. Người có tâm ác làm điều xấu rất dễ-dàng. Trái lại, một đấng Như Lai khó bề làm nên việc xấu".

Hôm ấy, nhằm ngày lễ phát-lộ, Devadatta đứng lên giữa tăng-chúng, cầm một xấp lá thăm mà tuyên-bố rằng: "Bạch các ngài, chúng tôi có tìm đến thầy Gotama và đã trình với ông ta năm điều học (như đã nói trên). Nhưng thầy Gotama không khứng nhận lời. Vậy chúng ta nên hành-động theo cách-thức riêng của chúng ta. Vậy những vị nào tán-thành năm điều học nói trên, xin hãy rút một lá thăm".

Lúc bây giờ, có 500 thầy tỳ-khưu thuộc về sắc dân Vajjis ở tại thành Vesali, mới thọ giáo, không rõ Devadatta đang cầm vật gì trong tay. Những vị tỳ-khưu ấy đều nhận lãnh thăm của Devadatta (vì tưởng rằng năm điều học ấy đúng theo pháp, theo luật và lời giáo-huấn của Ðức Phật). Nhờ dùng mánh-khoé ấy mà Devadatta làm chia rẽ được tăng-hội, và dắt 500 thầy tỳ-khưu kia lên ngự trên đảnh núi Gaya.

Hai vị đại-đức Sariputta và Moggalana liền tìm đến nơi Ðức Phật ngự, đảnh lể xong rồi ngồi kế bên. Ðức Sariputta bạch với Ðức Phật như vầy: "Bạch Ðức Thế Tôn, Devadatta đã dắt 500 thầy tỳ-khưu lên núi Gaya rồi".

- "Này Sariputta và Moggallana, hai ngươi nên mở lòng từ-bi đối với những vị tỳ-khưu ấy. Vậy các ngươi nên mau tìm họ, chớ khá trễ nãi".

- "Bạch Ðức Thế Tôn, chúng tôi xin vâng".

Nói xong, hai ngài liền đứng dậy, đảnh lễ, đi vòng quanh Ðức Phật rồi lui gót lên đường về núi Gaya.

Lúc ấy, có một vị tỳ-khưu đứng gần bên Ðức Phật phát lên khóc.

Phật hỏi: "Vì sao nhà ngươi khóc?"

- "Bạch Ðức Thế Tôn, cho đến hai trò giỏi nhất của Phật, là Sariputta và Moggalana, cũng còn theo Devadatta và công-nhận giáo-lý của Devadatta".

- "Hỡi thầy tỳ-khưu, không phải Sariputta và Moggallana công-nhận giáo-lý của Devadatta đâu; hai vị ấy đi kêu 500 thầy tỳ-khưu kia trở về".

Trong khi đó, Devadatta đang ngồi giữa một nhóm đông tăng-chúng mà thuyết-pháp, thoạt thấy hai ngài Sariputta và Moggallana đến nơi, ông ta nói với chư-tăng rằng: "Này các thầy tỳ-khưu, quả thật vậy, giáo pháp của ta rất đúng chân-lý, nên chi hai trò giỏi nhất của thầy Gotama cũng đến nghe ta thuyết".

Nghe Devadatta nói vậy, thầy Kokalika đáp rằng: "Bạch ngài, ngài chớ nên vội tin Sariputta và Mog-gallana, vì hai người ấy thuộc hạng xấu-xa có nhiều ác ý".

Devadatta nói rằng: "Ðạo-hữu ôi, tuy vậy, chúng ta cũng phải niềm-nở với họ, bởi họ đã công-nhận giáo-lý của ta".

Rồi đó, ông ta mời Ðức Sariputta ngồi chung với mình và nói như vầy: "Xin đạo-hữu Sariputta hãy ngồi xuống đây".

Ðức Sariputta chẳng nhận lời mời ấy. Ngài kiếm một chỗ gần đó mà ngồi. Devadatta dùng hết tài-lực mình để thuyết-pháp, dạy bảo, làm cho các thầy tỳ-khưu rất vừa lòng. Thuyết tới một giờ khuya, ông ta liền yêu-cầu Ðức Sariputta như vầy: "Này đạo-hữu Sariputta, chư-tăng còn đang hăng-hái chăm-chú nghe pháp và chưa buồn ngủ. Vậy xin đạo-hữu hoan-hỉ giảng thêm cho các vị ấy nghe. Tôi đã mỏi-mệt và muốn đi nằm nghỉ một chút".

Ðức Sariputta khứng chịu. Devadatta liền trải y xuống, nằm nghiêng mình bên tay mặt. Vì mỏi-mệt quá đỗi, nên ông ta nằm ngủ mê-man, chẳng hay biết chi cả.

Lúc ấy, Ðức Sariputta thuyết về các quả-báo cao-siêu của sự hoằng-pháp cho tăng-chúng nghe. Còn Ðức Moggallana thì giải về quả-báo của các pháp thần-thông. Trong khi nghe pháp, những thầy tỳ-khưu được huệ nhãn mở sáng, làm cho thấy rõ chân-lý và hiểu rằng: "Mỗi vật nào, hễ có sanh thì tất-nhiên phải có diệt".

Ðức Sariputta nói với các thầy tỳ-khưu rằng: "Hỡi các ngài! Chúng ta nên đi tìm Ðức Thế Tôn. Vị nào công-nhận giáo pháp của Ðức Phật, xin hãy theo tôi".

Rồi đó, hai ngài liền dắt 500 vị tỳ-khưu kia trở về Vehuvana.

Thầy Kokalika đánh thức Devadatta dậy mà nói rằng: "Này đạo-hữu Devadatta, ông mau chỗi dậy. Mấy vị tỳ-khưu của ông đã theo Sariputta và Moggallana đi hết rồi. Tôi đã nói với ông rằng chẳng nên quá tin nơi hai người ấy, vì chúng nó thuộc về hạng xấu-xa có nhiều ác ý".

Trong khi đó, một giọt máu đào nóng hổi, tự cửa miệng Devadatta tuôn ra.

Hai vị Ðại-Ðức Sariputta và Moggallana trở về đến nơi Ðức Phật ngự, đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong rồi ngồi kế bên. Ðức Sariputta bạch như vậy: "Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài cho biết coi có nên làm lễ xuất-gia lại cho những vị tỳ-khưu bị chia rẽ kia chăng?"

- "Này Sariputta, không cần chi phải làm lễ xuất-gia lại cho các tỳ-khưu bị chia rẽ ấy đâu, và nên cho những vị ấy sám-hối tội-lỗi đã phạm là đủ. Này Sariputta, vậy chớ Devadatta tiếp rước nhà ngươi cách nào?"

(Ðức Sariputta thuật rõ mọi việc cho Ðức Phật nghe).

Ðức Thế Tôn liền thuyết cho tăng-chúng nghe như vầy:

"Hỡi các thầy tỳ-khưu! Thuở nọ, có một cái ao lớn trong rừng. Gần ao ấy, có nhiều thớt voi rừng trú-ngụ. Mỗi khi những voi đó lội xuống ao, thì chúng nó lấy vòi nhổ mấy cọng sen để làm vật thực. Chúng nó đập rửa cọng sen cho thật sạch rồi mới ăn. Nhờ vậy mà những thớt voi ấy được mạnh khỏe, tốt tươi, tránh khỏi sự chết và điều khổ-não về cái chết".

"Mà trong đám voi ấy, cũng có nhiều voi con thấy vậy bắt chước làm theo. Chúng nó cũng lội xuống ao, cũng lấy vòi nhổ những cọng sen để làm vật thực. Nhưng vì không chịu rửa cọng sen cho thật sạch, để vậy ăn luôn cả bùn và các vật dơ bẩn dính theo sen, nên chi đoàn voi con kia không được tốt tươi, khỏe mạnh. Chúng nó hằng phải vong-mạng và bị khổ-não về sự chết (do cách ăn chẳng được sạch sẽ ấy)".

"Này các thầy tỳ-khưu, cũng như thế đó, Devadatta sẽ bị chết một cách khổ-não vì muốn bắt chước làm theo Như Lai".

"Không khác nào thớt voi con, vì muốn bắt chước làm theo voi lớn, nên phải ăn bùn, ăn đất, dẫm đạp sình lầy, ăn những cọng sen và thức suốt đêm dưới nước".

"Kẻ nào muốn bắt chước mà không làm đúng theo Như Lai phải bị chết một cách khổ-não".

"Này các thầy tỳ-khưu, thầy tỳ-khưu nào có đủ tám đức-tính mới đáng là bậc hoằng-pháp. Mà tám đức-tính ấy là như thế nào? Là thầy tỳ-khưu:

1. phải biết cách nghe (pháp),
2. phải biết cách làm cho kẻ khác nghe theo,
3. phải biết học hỏi,
4. phải biết ghi nhớ,
5. phải biết thông-hiểu,
6. phải biết cách giải rõ cho kẻ khác cùng hiểu,
7. rất giỏi-giắng, bặt-thiệp trong việc giao-tế với bằng-hữu, với kẻ nghịch,
8. chẳng làm cho phát-sinh những sự xung-đột, cãi-lẫy cùng nhau.

"Này các thầy tỳ-khưu, đó là tám đức-tính mà thầy tỳ-khưu phải có, mới xứng-đáng làm tròn nhiệm-vụ của một bậc hoằng-pháp".

"Này các thầy tỳ-khưu, chính Sariputta là người có đủ tám chi ấy và rất xứng-đáng để làm tròn nhiệm-vụ của một bậc hoằng-pháp. Mà tám chi ấy là như thế nào? (Ðức Phật nói lại tám điều như đã kể trên) và ngâm kệ rằng:

Kẻ nào vào chỗ đông người đang xôn-xao cãi-lẫy,
Mà chẳng dụ-dự, sợ-hãi trong khi nói, biết bầy-tỏ ý-kiến mình,
Tin chắc lời mình thốt ra, và không hờn giận đối với những lời bất-nhã.
Kẻ ấy thật xứng-đáng ruổi-dung trên đường hoằng-pháp.

"Này các thầy tỳ-khưu, Devadatta, vì bị tám ác pháp làm chủ thân tâm và hằng say đắm theo chúng nó, nên thế nào cũng phải chiụ đau đớn thống-khổ trong một kiếp của trái đất".

"Mà tám ác pháp ấy là như thế nào? Tâm-trí của Devadatta hằng:

1. Say đắm trong lợi-lộc và bị lợi-lộc làm chủ,
2. Khao-khát lợi-lộc,
3. Say đắm danh-dự,
4. Khao-khát danh-dự,
5. Say đắm sự sang-trọng,
6. Khao-khát sự sang-trọng,
7. Tham muốn một cách tội-lỗi xấu-xa,
8. Rẻ-rúng tình bạn-lữ.

"Này các thầy tỳ-khưu, đó là tám ác pháp đã làm chủ thân tâm, đã làm cho Devadatta say đắm, nên phải chịu đau đớn, thống-khổ trong một kiếp của trái đất".

"Vậy các thầy tỳ-khưu nên biết mình nên tự-chủ lấy mình mỗi khi:

- có sự lợi-lộc hay thiệt-thòi phát-sinh,
- có danh-dự hay sự suy-sụp xảy đến,
- có sự cao-sang hay thấp-hèn phát-khởi,
- có ý nghĩ tham muốn tội-lỗi phát-sinh,
- có tư-tưởng xấu-xa đối với bằng-hữu.

"Mà tại sao phải làm như vậy? Nầy các thầy tỳ-khưu, vì các điều cám-dỗ ấy chỉ đem lại sự bồn-chồn, lo-lắng, cho kẻ nào thiếu nghị-lực để kềm-chế lấy mình, mỗi khi chúng nó phát-sinh đến cho kẻ đó. Trái lại, người nào biết tự-chủ, thì những sự cám-dỗ ấy không sao phát-sinh lên được. Vì đó, các thầy tỳ-khưu phải ráng giữ mình (Ðức Phật lập lại những điều nói trên)".

"Này các thầy tỳ-khưu, các ngươi nên biết mình đối với tám điều cám-dỗ ấy. Làm như thế, các ngươi sẽ mau tấn-hóa".

Có ba điều cám-dỗ làm cho Devadatta phải quên mình, say đắm, nên phải chịu đau đớn, thống-khổ, trong một kiếp của trái đất. Mà ba điều ấy như thế nào?

1. Là những bạn xấu mà Devadatta hằng thân-cận;
2. Là sự ham muốn tội-lỗi, xấu-xa;
3. Là thiếu sự tinh-tấn trên đường chân-lý (khi Devadatta thấy mình được chút ít danh-vọng rồi tự cho là đủ).

"Ðó là ba điều cám-dỗ".

Phật ngâm kệ như vầy:

"Thật ra, các ngươi chẳng nên để cho bất cứ sự ham muốn nào thâm-nhập vào tâm,
"Các ngươi dòm lại coi quả-báo như thế nào?
"Kẻ mà ai cũng cho là người trí-thức học hỏi cao-thâm,
"Có danh thơm tiếng tốt như Devadatta,
"Mà vì tánh cống-cao ngã-mạn, mong hãm-hại Ðức Như Lai,
"Nên phải sa-đọa vào cảnh a-tỳ địa-ngục, chịu hành-hình thảm-khốc.
"Vì các tật xấu-xa, con người hung-ác chẳng chút từ-tâm,
"Dám phỉ-báng bậc Trọn-Lành Tối-Thượng,
"Không khác nào kẻ đổ một chậu thuốc độc, mong làm bẩn biển đông,
"Mà chẳng làm sao được, vì biển cả thật muôn phần to lớn.
"Cũng như kẻ nào mong phỉ-báng để làm nhục Ðức Như Lai,
"Thì càng vô hiệu-quả, đối với đấng Trọn-Lành thân tâm mát-mẻ.
"Vậy các bậc sa-môn có giới hạnh nên tìm lấy bạn lành để nương nhờ.
"
Lời dạy dỗ của bạn lành sẽ đem đến nơi dứt khổ".

-- VINAYA, CULLAVAGA VII

-ooOoo-

Đầu trang | 00 || 11 | 12 | 13 | 14 | 15 || 21 | 22 | 23 | 24 | 25 || 31 | 32 | 33 | 34 | 35


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 19-04-2002



[1] Man rừng.

[2] Làm vậy để dễ phi-tang

[3] Cho khỏi bị hại.

[4] Vì lúc trước Devadatta được hàng vương-giả bố-thí trọng-hậu, khỏi trì-bình.

[5] Lễ sám-hối giữa chư-tăng hai lần trong mỗi tháng.