BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Một cuộc đời, một ngôi sao
(Truyện Ngài Xá-Lợi-Phất)

Minh Ðức Triều Tâm Ảnh, 1996


  

[07]

Hạnh nhẫn nhục

Có một nhóm tỳ-khưu ở Kìtagiri tỏ vẻ coi thường các học giới của Ðức Ðạo Sư do Ðại Ðức Assaji (không phải thầy của Ngài Xá Lợi Phất) và Ðại Ðức Punnabhasuka dẫn đầu, thế là Tôn giả Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên lại phải lên đường.

Ðến nơi, hai Ngài lặng lẽ lắng nghe, dường như ai cũng có cái lý của mình cả. Tuy nhiên, sau đó Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã gạt những cái lý ấy qua một bên rồi kiên nhẫn, ôn hòa, từ tốn phân tích cái nào là đúng pháp, đúng luật, cái nào là không đúng pháp, không đúng luật. Ðúng pháp, đúng luật thì đem đến hạnh phúc cho mình và người. Không đúng pháp và luật thì đem đến xáo trộn, bất hòa, khổ đau cho mình và cho người. Trí tuệ của hai vị Ðại Ðệ Tử quả đã như một ngọn đèn sáng soi rọi vào chỗ tối tăm, làm cho những kẻ có lỗi tự thấy rõ cái lỗi của mình. Khi phân xử xong, các vị tỳ-khưu sai trái tự xin nhận lấy hình phạt để tự răn mình, có vị tình nguyện về nhà, có vị xin sám hối và nguyện chừa cải.

Sau khi từ giã, cả hội chúng tỳ-khưu ở Kìtagiri đều nhìn theo với đôi mắt đầy cảm phục. Vì vậy, danh tiếng của hai vị Ðại Ðệ Tử càng lúc càng vang dội. Về tịnh xá, hai Ngài vào đảnh lễ Ðức Tôn Sư, kể lại kết quả công việc của mình. Ðức Thế Tôn thấy sự phân xử sáng suốt, có lý có tình, lại đặt căn bản trên tinh thần tự giác nên Ngài tán thán trước hội chúng không tiếc lời.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất tự nghĩ:

"- Nơi nào được khen thì nơi đó sẽ bị chê. Nơi nào có yêu mến, kính trọng thì sẽ có người ganh tị, ganh ghét và đố kỵ. Ta hãy biết trước những pháp tương quan phát sanh như vậy."

Khi Tôn giả Xá-Lợi-Phất bước ra thì gặp Trưởng lão Channa (Sa-Nặc) với cái nhìn không được thân thiện. Trưởng lão Channa ngó lên trời, chấp tay sau lưng, nói to, nói trống không:

- Kể từ độ tôi ra đi với Ðức Ðạo Sư cao quý của tôi, làm một cuộc từ bỏ vĩ đại - khi ấy, các ông ở đâu? Các ông ở đâu chui ra mà bây giờ vỗ ngực tự xưng là Ðại Ðệ Tử, hả?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất im lặng.

Trưởng lão Channa nói tiếp:

- Bám sau đuôi của con ngựa Kiền Trắc, vượt qua sông A-Nô-Ma mênh mông sóng dữ, thế mà tôi không hề sợ hãi. Nhưng bây giờ đi đâu, quốc độ này sang quốc độ kia, thị trấn này, làng mạc nọ... Ở đâu cũng nghe người ta nhắc đến Xá -Lợi-Phất Ðại Ðệ Tử, Mục-Kiền-Liên Ðại Ðệ Tử...! Ôi! Quả thật cái danh kia làm tôi sợ hãi vô cùng!

Ngay khi ấy, một giọng phạm âm trầm hùng như sấm dội từ Ðại Giảng Ðường vọng ra:

- Channa! Ông hãy vào đây, Như Lai bảo!

Ðức Thế Tôn kêu Trưởng lão Channa vào khuyên răn, la rầy đấy là ác tri, ác kiến. Channa im lặng tỏ vẻ nhận lỗi, nhưng sau đó, bất cứ đâu, hễ gặp Tôn giả Xá-Lợi-Phất và Ðại Mục-Kiền-Liên là không ngớt lời lăng mạ, phỉ báng:

- Xuất thân từ giống dòng ngoại đạo, chân ướt chân ráo đến Giáo Hội này mà làm oai làm phách, cứ đóng vai như Trưởng lão một trăm hạ không bằng!

- Ðại Ðệ Tử gì chúng nó. Cái vẻ mặt lúc nào cũng giả bộ nghiêm trang, từ hòa, nhẫn nhục... Ngó mà ghét!

Ðược Tăng chúng kể lại, lần thứ hai, lần thứ ba - Ðức Thế Tôn lại kêu Channa đến và dạy bảo:

- Này Channa, ông nên nhớ rằng hai vị Ðại Ðệ Tử của Như Lai là những người bạn tốt, tốt nhất trên nhân loại này. Ðược làm bạn với họ là hạnh phúc vô cùng, an vui và lợi lạc vô cùng.

Tuy thế, như nước đổ đầu vịt, Trưởng lão Channa vẫn chứng nào tật ấy. Ðức Thế Tôn quán căn cơ, Ngài biết, bèn nói với Ngài Ànanda:

- Này Ànanda! Không ai có thể khuyên dạy Channa được đâu. Khi trái cây đang còn xanh thì không ai có khả năng bảo trái cây kia chín được cả. Cũng vậy, khi nào cần thiết, ông hãy thay mặt Như Lai giáng xuống cho Channa một hình phạt gọi là Brahmadanda - tức là cấm không cho ai giao tiếp, nói chuyện với Channa cả. Chỉ khi ấy Channa mới được lợi ích, chính nhờ vậy mà Channa sẽ đắc được đạo quả A-La-Hán cùng với những thắng trí trước khi lâm chung.

Khi nghe lời Ðức Thế Tôn dạy Ðại Ðức Ànanda như vậy, Tôn giả Xá-Lợi-Phất hướng tâm đến, thấy rằng: "Kẻ mà hằng lăng mạ ta đây, khi sắp chết bị căn bệnh dày vò đau đớn thì chính ta đã cùng với Trưởng lão Mahà Cunda đến thăm, tìm thuốc men và vật thực thích hợp cho y. Sau đó, y quyết định chấm dứt mạng sống và Niết Bàn luôn tại chỗ."

* * *

Xung quanh Kỳ Viên tịnh xá và cả thành Xá-Vệ người ta bàn tán nhiều về những đức tính cao thượng của Tôn giả Xá-Lợi-Phất. Người ta bảo rằng, Tôn giả là người đã làm chủ hoàn toàn, đầy đủ các trạng thái tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả; là người không còn ngã mạn, kiêu căng, không còn tham ái, đố kỵ, bất bình, nóng giận...

Có một ông Bà la môn gia chủ đi ngang qua, nghe được, chỏ miệng vào:

- Ai là người không còn nóng giận đâu, chỉ cho tôi coi nào?

Mọi người bảo:

- Ðó là Tôn giả Xá-Lợi-Phất, Ðại Ðệ Tử của Ðức Phật.

- À! Có phải là cái ông độ nọ cùng đến đây với trưởng giả Cấp Cô Ðộc xây dựng tịnh xá đó phải không?

- Chính vị ấy.

Ông Bà la môn gia chủ kia mỉm cười:

- Các bạn lầm rồi. Không nóng giận là vì không có ai khiêu khích, chọc tức. Ðã là con người trên đời này thì ai cũng có lúc phải nóng giận cả, không nóng giận là đồng với gỗ, đá, đất, cát sao? Nếu mà gặp tay tôi, tôi sẽ làm cho ông Xá Lợi Phất ấy nóng giận cho các bạn xem! Tôi rất sành về phương cách chọc giận người ta mà!

Ông Bà la môn nói huyên thuyên vậy, nhưng cách chọc giận của ông ta cũng bình thường: ông rình khi Tôn giả Xá-Lợi-Phất đang đi khất thực trên đường phố, bất thần từ phía sau, ông lấy gậy đánh lên lưng Ngài một cái rất mạnh. Tôn giả Xá-Lợi-Phất bất cứ đâu, bất cứ lúc nào Ngài cũng chánh niệm, tỉnh giác, đôi lúc Ngài trú "không định" - nên cái đánh kia không ảnh hưởng gì tới Ngài. Vẫn với bước chân chậm rãi, từ tốn, với đôi mắt thản nhiên, thanh bình - Tôn giả vẫn không hề quay lại.

Cảm thấy vô cùng hối hận, ông Bà la môn quăng gậy, quỳ mọp xuống dưới chân Tôn giả để tạ tội. Ngài ngạc nhiên, dịu dàng hỏi:

- Có gì vậy hở ông Bà la môn? Hãy đứng lên rồi nói chuyện.

- Vì muốn thử lòng nhẫn nhục của Ngài, vì muốn xem Ngài có nổi nóng không nên tôi đã mạo phạm lấy gậy đánh Ngài. Xin Ngài tha thứ tội lỗi cho tôi.

- Ðược rồi! Vậy là ta đã tha thứ cho ông rồi!

- Nếu Ngài tha thứ cho tôi thì bắt đầu từ bây giờ, xin Ngài hãy đến nhà tôi khất thực để cho tôi được dịp cúng dường.

Nói xong, ông Bà la môn cúi đầu, cung kính nâng cái bát của Tôn Giả, Tôn giả cũng nhẹ nhàng thuận trao cho, rồi đi theo ông ta về nhà.

Cả khu phố bu quanh, chứng kiến tận mắt một câu chuyện đẹp mắt: kẻ chọc giận người lại được người nhiếp phục! Thế nhưng, chuyện đến tai cận sự nam nữ trong thành phố lại khác: có một ông Bà la môn tên vậy, tên kia, ở khu phố nọ, đã dùng gậy đánh Ngài Xá Lợi Phất bị thương nặng! Không mấy lúc, cả hàng chục người với gậy và đá cầm tay đến bao vây căn nhà của ông Bà la môn với quyết tâm là giết chết kẻ hung ác.

Nghe xôn xao, Tôn giả Xá-Lợi-Phất bước ra, ông Bà la môn hai tay trịnh trọng ôm bát theo sau.

Nhóm cận sự nam nữ la lên:

- Bạch Ngài! Ngài có sao không?

- Thưa Tôn Giả! Tôn giả hãy đứng qua một bên.

- Ông Bà la môn hung ác kia! hãy bước ra đây!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất nhìn mọi người, hỏi:

- Này các đạo hữu! Này các cư sĩ tại gia! Có chuyện gì vậy?

Họ trả lời:

- Tên Bà la môn đê tiện, độc ác kia đã dùng gậy đánh Ngài, đánh lén sau lưng khi Ngài đi trì bình khất thực.

- Chúng con đến đây là để trị tội đích đáng, hắn đã xâm phạm đến Trưởng lão, bậc thầy nhân ái của chúng con.

- Dùng gậy trả lại gậy. Hãy đánh cho chết hắn ta!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất mỉm cười cho đám đông yên tâm, xua tay rồi nói:

- Các đạo hữu hãy an tâm! Một chuyện hiểu lầm nho nhỏ thôi

- Bạch Ngài! Nhưng chính Ngài đã bị đánh!

- Ðúng vậy! Ông ta đánh bần đạo chớ có đánh các đạo hữu đâu. Và ông ta đã sám hối. Ta cũng đã chấp nhận sự sám hối ấy rồi. Các ngươi xem! Ông ta đã ôm bát một cách kính cẩn sau khi đã cúng dường vật thực cho ta! Từ rày hãy coi ông ta như một bạn đạo.

Ðám đông nhìn, thấy, hiểu tự sự - nên họ đã tự động giải tán.

- Noi gương hỷ xả của Trưởng lão - chúng tôi tha thứ cho cái mạng của ông đấy, ông Bà la môn. Ráng mà tu hành cho đàng hoàng!

Ông Bà la môn sợ quá, lắp bắp:

- Vâng, vâng, tôi sẽ đàng hoàng!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất thản nhiên, ôm bát lặng lẽ trở về Kỳ Viên tịnh xá.

Tối đến, trên pháp tòa, câu chuyện ấy được Ðức Thế Tôn kể lại để giáo giới cho đại chúng. Ai cũng tấm tắc khen ngợi đức hạnh nhẫn nhục vô song của tôn giả Xá-Lợi-Phất.

* * *

Hôm nọ, cuối mùa mưa, sau khi an cư xong, một số rất đông tỳ-khưu đến chào từ giã Tôn giả Xá-Lợi-Phất để lên đường. Theo thông lệ, Ngài hay ưu ái gọi các vị tỳ-khưu bằng tên của gia đình họ đặt, gọi tên theo giới hạnh hoặc pháp hạnh của vị ấy. Ví dụ:

- Này hiền giả Mangalo! Hiền giả an vui chứ?

- Này con của bà Dhanì! Có khỏe không?

- Vị Ðại Hoan Hỷ đây rồi!

- Ðại Ðức Tinh Thông Tạng Luật đây rồi!

- Thượng Tọa Ðộc Cư Khổ Hạnh đây rồi! v.v...

Thấy Tôn Giả, Bậc Tướng Quân Chánh Pháp niềm nở, vui vẻ, thân tình với tất cả mọi người như vậy, ai cũng hoan hỷ, ai cũng cảm thấy mình được quan tâm, được biết tiếng. Và họ hãnh diện về điều đó. Có một vị tỳ-khưu trẻ, mà hoàn toàn Tôn giả Xá-Lợi-Phất thấy lạ hoắc, không biết gọi tên sao, nên Ngài đành phải bỏ qua.

Nhưng vị tỳ-khưu ấy không bỏ qua, cảm thấy buồn, cảm thấy bực tức, bất mãn, tự nghĩ:

"- Ngài khinh thường ta, coi thường ta, Ngài đã thiên vị, đã không đối xử thân thiện với ta như những vị khác."

Bất đồ, lúc ấy Tôn giả Xá-Lợi-Phất đứng dậy, bước qua, chéo y của Ngài phất đụng vị tỳ-khưu trẻ nọ. Lòng bất mãn càng tăng, vị tỳ-khưu trẻ qua Ðại Giảng Ðường bạch Phật:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Tôn giả Xá-Lợi-Phất khi không Ngài lại đánh con! Chắc hẳn Tôn giả ấy nghĩ rằng mình là một Ðại Ðệ Tử oai phong lẫm liệt nên muốn làm gì thì làm sao! Xin Ðức Thế Tôn hãy phân xử cho công minh. Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã đánh con một bạt tai - đến nổi tai con như bị bỏng, bị điếc! Sau khi làm vậy rồi, Ngài chẳng tỏ vẻ gì là hối lỗi, thản nhiên bước đi không thèm đếm xỉa gì con cả! Xin Ðức Thế Tôn hãy phân xử, oan con lắm!

Tăng chúng được uy tụ trở lại Ðại Giảng Ðường. Câu chuyện đuợc lan truyền rất nhanh qua miệng của nhiều người. Lúc ấy Ðại Mục-Kiền-Liên và Tôn giả Ànanda biết rõ là đã có một sự cáo oan xảy ra cho huynh trưởng của mình. Nhưng không sao, cả hai Tôn giả đều rất vui, đã tuyên bố trước hội chúng tỳ-khưu của mình:

"- Này chư hiền! Hãy cố gắng tụ họp ở Ðại Giảng Ðường cho đông đủ! Hãy đến đấy và nghe! Khi sư huynh của ta, Tôn giả Xá-Lợi-Phất mà đối diện với Ðức Bổn Sư rồi - chư hiền mới cảm nhận được thế nào là tiếng gầm của con sư tử."

Trước cả hàng ngàn tỳ-khưu có mặt, Ðức Thế Tôn hỏi:

- Này Xá Lợi Phất! Có phải như vậy chăng, ông đã thô bạo đánh vị tỳ-khưu này một bạt tai làm điếc cả lỗ tai rồi bỏ đi không thèm đếm xỉa đến?

Mọi người hồi hộp trước lời chất vấn của Ðức Ðạo Sư. Tôn giả Xá-Lợi-Phất chẳng chấp nhận cũng chẳng chối từ tội, Ngài cất giọng trầm hùng vang vang như chuông ngân:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Khi một thiện gia nam tử xuất ly cần cầu an ổn mọi khổ ách, y đã từ bỏ gia sản, vinh hoa phú quý - thì đối với y chỉ có một mục đích duy nhất là giải thoát mọi khổ đau trên trần thế. Khi một Sa môn tấn tu phạm hạnh, đã đứng vững chắc trong đạo quả, kẻ ấy hoàn toàn làm chủ được chính mình, hoàn toàn với tứ vô lượng tâm: tư, bi, hỷ, xả.

Bạch Ðức Thế Tôn! Những người như vậy có thể nào làm đau đớn đồng đạo của mình mà bỏ đi thản nhiên không một lời xin lỗi.

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi mà trong tâm không còn sân hận, ác độc, hiềm hại ai, kẻ ấy bao giờ cũng có được đức tính trầm lặng, khiêm nhu, nhẫn nại... tâm vị ấy như mặt đất, mặc cho ai chà, ai đạp, ai bước tới, bước lui, quăng lên đấy tất cả mọi dơ uế bất tịnh, ai đại tiện, tiểu tiện lên đấy cũng được hết!

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi mà tự coi tâm mình như nước, thì nước ấy mặc tình ai uống, ai tắm, ai rửa đồ dơ dáy, nước ấy cũng không vui, không buồn, vẫn bình lặng và an nhiên!

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi mà tự coi tâm mình như lửa, thì lửa ấy mặc tình người ta thắp để cúng, để thờ, mặc tình người ta lấy để đốt tử thi, nấu ăn, đốt cỏ rác, đốt đồ dơ uế, lửa ấy cũng chẳng vui, chẳng buồn, vẫn bình lặng và an nhiên!

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi mà tự coi tâm mình như gió, thì gió ấy đâu phải vì qua tha ma, mộ địa mà chồn chân; gió ấy đâu phải vì qua chỗ phú quý, cao sang mà dừng lại? Dơ, sạch gió ấy không phân biệt; buồn, vui gió ấy có biết đâu. Muôn đời nó vẫn bình lặng và an nhiên như thế!

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi đã tự coi mình như miếng vải chùi chân, thì ai chùi chân cũng được cả, nó chẳng bao giờ phàn nàn sao lau vật này mà không lau vật kia! Miếng vải chùi chân là cái thân của vị ấy, cái tâm của vị ấy, ở chỗ dơ uế nhất nào dám khinh khi ai, ác ý với ai, sân hận với ai? Không! Bao giờ nó vẫn như vậy, bình lặng và an nhiên!

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi đã tự coi mình như một hạng người thấp kém nhất trong xã hội, như một gã chiên-đà-la cùng đinh, hạ liệt, thì ai muốn đánh, muốn chửi; cho chí họ có giết chết cũng vô tội, người đó luôn luôn ý thức giá trị thấp hèn của mình dầu có bị đối xử thế nào, vẫn không than van bao giờ!

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi đã tự ví mình như một con bò rụng sừng, thì nó rất sợ đụng chạm đến vật cứng, nó không bao giờ dám gây hấn với ai, báng húc ai. Sống, nó muốn thu rút cái sừng của mình lại, đó là cái thân của vị ấy, cái tâm của vị ấy!

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi đã tự ví mình như con rắn mang cái xác nặng nề, trườn tới trườn lui không ra khỏi cái xác. Cũng vậy, người ấy đã tự thấy rõ cái thân này gồm ba mươi hai thể trược bất tịnh, lại chứa sẵn bao nhiêu bệnh tật ở trong, lại còn ốm đau, già chết, vị ấy chỉ mong cầu tu tập để sớm quẳng bỏ cái xác nặng nề, hôi hám ấy, có đâu còn rảnh thì giờ để cho khi mạn, ác ý phát sanh lên đem đến phiền não cho người!

Bạch Ðức Thế Tôn! Một người, khi đã tự ví tâm mình như chén mỡ đặc thì chén ấy còn đựng được gì? Có thể nào chén mỡ đặc lại đựng thêm được tham, nộ, si, ganh ghét và thù oán?

Bạch Ðức Thế Tôn! Chín điều ấy là con, con chính là chín điều ấy. Tất cả mọi phẩm hạnh, mọi đức tính của một Sa môn mà Ðức Tôn Sư hằng giáo giới, dẫu con chưa thành tựu vẹn toàn nhưng con vẫn đang đi từng bước một, vững chắc và ổn định. Từ khi thấy đạo, thấy quả đến nay, con chưa hề hổ thẹn một điểm nào về giới luật để đến nổi phải tự khiển trách chính mình.

Xin Ðức Thế Tôn và cả đại địa minh chứng cho con sự thật ấy."

Khi Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói xong, địa cầu dày bốn mươi do tuần rung chuyển như chấn động. Ðại Giảng Ðường lặng ngắt như tờ. Có rất nhiều vị tỳ-khưu cảm động quá đến chảy nước mắt. Người mà khiêm tốn đến cùng tận như vậy thì thế gian không có người thứ hai.

Chợt nhiên, vị tỳ-khưu trẻ sợ hãi, bước tới, quỳ mọp xuống chân Ðức Ðạo Sư:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Chính con là kẻ nói dối! Chính con đã tự dựng nên câu chuyện để nói xấu đến Bậc Tướng Quân Chánh Pháp. Ðấy là lỗi lầm không thể tha thứ của con.

Ðức Phật nói:

- Này Xá Lợi Phất! Ông hãy bi mẫn tha lỗi cho ông tỳ-khưu ngu dại này - nếu không, cái đầu của ông ta sẽ vỡ tan thành bảy mảnh.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất trả lời:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Tự nhiên là đệ tử đã tha thứ cho vị tỳ-khưu này rồi.

Rồi với hai bàn tay chấp lại, Ngài hướng đến vị tỳ-khưu trẻ, nói rằng:

- Ngoài ra cũng xin hiền giả hoan hỷ xá lỗi cho tôi nếu tôi vô tình có làm điều gì đó mếch lòng hiền giả.

Tiếng rống của con sư tử và những hành động sau đó của Tôn giả Xá-Lợi-Phất làm cho Tăng chúng ai nấy cũng đều cảm phục.

Họ bàn luận với nhau:

- Này huynh đệ,! Hãy xem những đức tính siêu việt của Bậc Tướng Quân Chánh Pháp. Ðối với vị tỳ-khưu vu khống mình, đầy ác tri, ác ngữ như thế kia mà Ngài không tỏ vẻ gì là nóng giận hay oán ghét ông ta.

- Vị Ðại Trưởng lão của chúng ta thật là tuyệt vời! Vị tỳ-khưu kia có lỗi, thay vì phải quỳ xuống ôm chân bụi của Ngài mà sám hối trước; ở đây, Trưởng lão của chúng ta lại chấp tay, cung kính xin lỗi mặc dầu Ngài không có lỗi.

- Huynh đệ có nghe rõ tiếng rống của Ngài trước Ðức Thế Tôn và Tăng chúng không? Ôi! Quả đất kia không chịu đựng nổi giới đức của Ngài nên phải rung động đến từng mảy vi trần cát bụi.

Ðức Thế Tôn nói với đại chúng:

- Này các thầy tỳ-khưu! Dĩ nhiên con trai trưởng của Như Lai đã chấm dứt trọn vẹn lòng sân hận, bực tức, bất mãn; chấm dứt trọn vẹn mọi luyến ái trên cuộc đời này.

Tâm hồn con trai trưởng của Như Lai ổn định như quả đất vĩ đại, vững chắc như những trụ cột của một tòa cổ thành và yên lặng như một hồ nước trong không gợn sóng.

Với một con người như vậy, giới đức thanh tịnh như vậy, định tĩnh tựa Tu-Di sơn như vậy thì Ma vương không còn tìm thấy dấu vết và vòng luân hồi tử sanh chẳng còn mảy may hiệu lực gì đối với vị ấy.

Với A-Nậu-Ðà-La

Tôn giả Xá-Lợi-Phất là người bạn tốt của tất cả mọi người, rất nhu thuận, hiền hòa, kham nhẫn; luôn luôn biết chịu khó lắng nghe. Nhưng gặp trường hợp Ngài cũng rất cương trực, thẳng thắn, sẵn sàng vạch rõ những sai lầm của bạn mà không khoan nhượng. Ðấy là đối với trường hợp Ngài A-Nậu-Ðà-La (Anuruddha).

Ðại Ðức A-Nậu-Ðà-La là một trong sáu ông hoàng cũng xuất gia một lần sau hai năm Ðức Phật thành đạo, đó là Bhaddiya, Ànanda, Bhagu, Kimbala và Devadatta. A-Nậu-Ðà-La rất kính mến Tôn giả Xá-Lợi-Phất và Xá Lợi Phất đối với A-Nậu-Ðà-La cũng vậy. Tuy nhiên, lắm lúc Tôn giả Xá-Lợi-Phất thấy A-Nậu-Ðà-La còn những ngã mạn và những ô nhiễm vi tế ở nội tâm mà chưa có cơ hội nói thẳng với bạn.

Hôm kia, vào buổi sớm, Ðại Ðức A-Nậu-Ðà-La đến viếng thăm Tôn giả Xá-Lợi-Phất, sau khi chào hỏi rất lễ độ, Ðại Ðức A-Nậu-Ðà-La ngồi xuống một bên.

- "Người có con mắt thần thân mến" - Tôn giả Xá-Lợi-Phất chậm rãi nói - Hôm nay, hiền giả sao không đi ngao du vào một ngàn thế giới mà lại đến viếng thăm liêu cốc chật hẹp của ngu huynh như thế?

Ðại Ðức A-Nậu-Ðà-La cười thoải mái:

- Không dám đâu, thưa hiền huynh! Ðệ quá ít công việc mà hiền huynh lại quá nhiều công việc. Nghe nói hiền huynh không được khỏe nên đệ đến viếng thăm. Sao hiền huynh không buông bỏ gánh nặng trên vai xuống, sống thảnh thơi, thanh tịnh, vô sự một đời như đệ không hơn sao?

Tôn giả Xá-Lợi-Phất hỏi lại:

- Theo hiền giả cái gì là gánh nặng cần phải buông bỏ?

- Công việc của Giáo Hội là gánh nặng, thuyết pháp là gánh nặng, bôn ba đây đó để giải quyết mối bất hòa giữa Tăng chúng là gánh nặng; sắp xếp, cắt đặt công việc từ bên trong ra bên ngoài là gánh nặng, đi thăm viếng vị này, vị kia là gánh nặng, hướng tâm đâu đó để đi bát gieo duyên là gánh nặng, hóa độ người là gánh nặng v.v... Ôi! hiền huynh quá nhiều gánh nặng phải làm trên đời này!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất kiên nhẫn, chăm chú lắng nghe rồi hỏi tiếp:

- Vậy cái gì là không gánh nặng?

- Thưa hiền huynh! Ðiều ấy Ðức Ðạo Sư đã dạy rồi! Vị tỳ-khưu vào buổi sáng, chánh niệm tỉnh giác đi vào làng để trì bình khất thực. Rồi kia là cội cây, là ngôi nhà trống; sau khi độ thực, vị ấy an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy nhất tâm chú mục vào hơi thở, lìa trạo cử, phóng tâm, cắt đứt hôn trầm, giải đãi, đạt tâm phỉ, tâm an, nhập vào sơ thiền do ly dục sanh... Cứ thế không tầm, không tứ, vị ấy vào định nhị thiền... tam thiền... tứ thiền. Với sự định tĩnh sâu xa, vững chắc không xao động, vị ấy hướng tâm đến một thế giới, hai thế giới, thấy rõ chúng sanh ở đấy y báo là vậy, chánh báo là vậy... Với tâm định tĩnh như Tu-Di sơn, vị ấy nhìn qua phương Ðông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc, trên và dưới thấy rõ được một trăm thế giới, hai trăm thế giới, một ngàn thế giới,... rõ ràng như nhìn những chỉ tay trong lòng bàn tay của mình. Như một vị vua Sát-đế-lị giàu mạnh và oai hùng, buổi sớm leo lên lầu cao, nhìn xuống lâu đài, dinh thự, làng mạc, phố chợ, nhà cửa v.v... Cũng vậy, khi nội tâm đã trong sạch, không còn nhơ bợn; khi trí tuệ đã được huấn luyện, đã được tập trung, đã được làm cho thuần thục; với nghị lực vững chắc và mắt nhìn sắc bén, tinh tường... vị ấy đứng trên đỉnh cao của sự tiến hóa, trên đỉnh cao của sự tu tập, thì dưới cõi trần xôn xao bất tịnh kia đều được thấy rõ, chẳng có gì có thể che dấu được vị ấy...

Thưa hiền huynh! ấy gọi là làm xong việc phải làm, ấy gọi là không còn gánh nặng trên cõi đời này!

Nghe sự thuyết minh tràng giang đại hải của A-Nậu-Ðà-La, Ngài Xá Lợi Phất cảm thấy thương xót cho bạn. Tôn giả nói:

- Này A-Nậu-Ðà-La! Tôi rất mừng cho hiền giả đã có con mắt nhìn thấy một ngàn thế giới. Ấy là hiền giả đã có được "thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân"!

- Không dám!

- Nhưng mà này hiền giả thân mến! Tôn giả Ðại Mục-Kiền-Liên là người có thiên nhãn vĩ đại hơn nữa kia! Tôn giả ấy lại nhìn được một trăm ngàn thế giới, hai trăm ngàn thế giới trong lúc hiền giả chỉ mới nhìn thấy được một ngàn thế giới!

A-Nậu-Ðà-La biết thực sự vậy nên Ngài nín lặng.

- Lại nữa, Ðại Mục-Kiền-Liên không những chỉ có thiên nhãn thông, mà Tôn giả ấy lại có cả thiên nhĩ thông, tha tâm thông, sinh tử thông, thần túc thông và cả biến hóa thần thông ...

A-Nậu-Ðà-La lại nín lặng.

- Với ngũ thông vĩ đại và siêu nhân như vậy nhưng chưa bao giờ Tôn giả ấy lại nói rằng mình có con mắt tinh tường, đứng trên đỉnh cao của sự tiến hóa; chưa bao giờ tự nhận mình trí tuệ đã được huấn luyện, đã làm cho thuần thục... mà Tôn giả ấy luôn luôn cảm thấy mình còn thiếu sót, nông cạn, luôn luôn tầm cầu và học hỏi.

A-Nậu-Ðà-La ngồi im sững như hóa đá.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất nghĩ là phải thời, nên đập mạnh, đánh mạnh không còn nương tay nữa.

- Hiền giả thân mến! Cho dù ngũ thông kia có đến chỗ thuần thục viên mãn thì đấy cũng chỉ là trò chơi, là cái vỏ cây, cái giác cây, chưa phải là tinh tủy của Giáo Pháp. Ngoại đạo cũng có khả năng đắc ngũ thông ấy. Cứu cánh của Sa môn hạnh là phải tận diệt cho được những nhiễm ô, phiền não. Cứu cánh của Sa môn hạnh là giác ngộ giải thoát. Vậy tại sao hiền giả lại tự đắc, tự phụ với con mắt nhìn thấy một ngàn thế giới của mình? Sao hiền giả không tự thấy rõ những vi tế nhiễm ô đang ngủ ngầm trong tâm hiền giả mà ôm cứng, dính chặt nơi cái sở đắc nhỏ nhoi của mình? Chính quan niệm gánh nặng và không gánh nặng của hiền giả là do tâm biếng nhác, ích kỷ của hiền giả. Chính nội dung cái thuyết minh dài dòng của hiền giả chứng tỏ hiền giả bị buộc chặt rất kiên cố bởi ba kiết sử: ngã mạn, phóng tâm và vô minh!

Hiền giả phải biết rõ mình chứ? Phải biết trung thực chứ? Cho đến bao giờ mười kiết sử đều được thấy rõ, đều được cắt đứt như thân cây sa-la cụt ngọn không còn sanh khởi trong tương lai thì khi ấy mới dám nói là buông bỏ gánh nặng trên vai xuống!

A-Nậu-Ðà-La thân mến! Tôi nói thẳng thắn quá, xin hiền giả bỏ qua cho!

Mọi sự thật đã được vạch trần. Chưa bao giờ A-Nậu-Ðà-La nghe được một thời pháp thấm thía như vậy, đau xót đến tận tim tủy mà tri ân cũng đến tận tim tủy. Ngài quỳ xuống sát đất, nằm dài ra đất và ôm bàn chân bụi của Tôn giả Xá-Lợi-Phất mà bạch rằng:

- Bạch tôn huynh vĩ đại khả kính! Những đòn đánh mạnh của tôn huynh đã cho kẻ ngu si này một bài học ngàn đời. Ðệ thấy rõ tất cả rồi, không còn hoài nghi gì nữa cả. Tháng ngày còn lại này, đệ sẽ độc cư, một mực tinh tấn để làm xong công việc cần phải làm. Ðệ hứa chắc như vậy. Nếu không thành tựu được mục đích cuối cùng, đệ không bao giờ dám gặp mặt tôn huynh nữa!

Ðúng như lời hứa, ngày hôm sau, A-Nậu-Ðà-La xin phép Ðức Thế Tôn, rời tịnh xá ẩn dật trong rừng sâu và tinh tấn thiền quán. Không bao lâu sau, Ngài trở về trình diện Tôn giả Xá-Lợi-Phất với nụ cười rạng rỡ, nói rằng:

- Thưa tôn huynh! Ðệ hôm nay nhìn thấy rõ một ngàn thế giới, vững chắc không xao động.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất mỉm cười:

- Ðúng thế, hiền giả thân yêu! Hiền giả đã nói vậy thì không thể sai được!

Vĩnh cửu, chân phúc đang có mặt giữa hai vị Tôn Giả.

Với Tôn giả Ànanda

Hôm nọ, Bậc Tướng Quân Chánh Pháp đang đi khất thực ở thành Xá-Vệ, Ngài chợt thấy một đứa bé không một mảnh vải che thân, đang bới tìm vật thực trong đống rác như một con quỷ ăn bùn, thân hình ốm tong teo tựa que củi. Tôn giả tự nghĩ:

"- Không biết nó là con ai? ở đâu? lại sống đời lang thang đói khổ không nhà không cửa như vậy?"

Khởi lòng từ mẫn đối với nó, Ngài gọi:

- Này con, hãy đến đây coi nào!

Ðứa bé nhìn thấy dung nghi trang nghiêm của Trưởng lão, sợ hãi, đứng khép nép một bên.

- Con sống ở làng nào? Cha mẹ con ở đâu?

- Thưa Ngài - đứa bé lễ phép nói - con không có nơi nương tựa. Cha mẹ con vì con, vì con là số đen nên đời sống quá khốn khổ. Hôm nọ, mẹ con trao cho con một cái bát, đẩy con vô chợ rồi trốn đi!

Tôn giả ân cần hỏi:

- Hiện giờ con có đói không? Con có muốn ăn chút gì không?

- Dạ, con đói, con luôn luôn đói!

Tôn giả ngồi xuống, mở bình bát - trong ấy chỉ có cái bánh - lấy cho đứa bé rồi nói:

- Con hãy ăn đi!

Ðứa bé sung sướng cầm cái bánh, cắn một miếng. Bất chợt một con chó đi ngang, đớp cái bánh rồi chạy mất. Ðứa bé nhìn theo, khóc tấm tức.

Tôn giả phải dỗ:

- Thôi được rồi, rồi con sẽ được ăn no.

- Dạ!

- Con có muốn sống đời xuất gia như ta không?

- Con muốn lắm, nhưng ai sẽ nhận một kẻ khốn nạn như con?

- Ta, ta sẽ nhận con! Ta sẽ cho con xuất gia!

Với đứa bé bên chân, Tôn giả lại đi bát tiếp tục. Nhưng lạ lùng sao, cả thành phố Xá-Vệ vốn rất kính trọng và đặt đức tin nơi Tôn giả mà sáng hôm ấy Tôn giả chẳng có chút vật thực nào.

Về lại tịnh xá, Tôn giả Xá-Lợi-Phất đến gặp Tôn giả Ànanda:

- Này hiền đệ! Hiền đệ hãy xem đứa bé khốn khổ này!

Tôn giả Ànanda rất giàu lòng từ tâm, thấy đứa bé Ngài vô cùng thương xót, lấy bánh cho ăn. Nhưng đứa bé chỉ ăn được cái bánh thứ nhất, qua cái thứ hai thì một con chim diều hâu bay qua, tha cái bánh đi mất.

Thấy chuyện lạ lùng, Tôn giả Xá-Lợi-Phất kể chuyện ngoài đường phố cho Tôn giả Ànanda nghe. Cả hai thừ người ra suy nghĩ.

Chợt Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói:

- Bây giờ chúng ta sẽ tắm rửa, mặc y áo rồi cạo đầu xuất gia cho nó.

Xong xuôi, Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại ôm bát ra đi, chỉ mới vài con đường nhỏ, Ngài đã đầy bát. Trở lại tịnh xá, Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói vơi Ngài Ànanda:

- Bây giờ hiền đệ ngồi một bên, ta ngồi một bên; cầm cái bát trong tay rồi chúng ta sẽ cho đứa bé ăn.

Ngài Ànanda không hiểu:

- Tại sao?

- Ðứa bé này nghiệp rất nặng, suốt đời phải chịu quả báo rất khốc liệt, nó sẽ không bao giờ được ăn no.

Ðứa bé bây giờ đã trong tăng tướng một sa-di, trông sáng sủa hơn một chút nhưng gầy gò, ốm yếu rất tội nghiệp.

- Hãy ăn đi, này con! Hãy ăn cho no!

Ðược khuyến khích, nó bốc bánh ăn, bốc cơm ăn. Nhưng vừa mới ăn được một ít nó liền bị đau bụng ỉa chảy, nó chạy một mạch ra nhà xí. Ðến khi nó giặt y nội, hết đau bụng thì đã quá ngọ. Tội cho hai vị Tôn Giả, hôm đó, cả hai vị đều không ăn!

* * *

Tôn giả Xá-Lợi-Phất kể cho Tôn giả Ànanda nghe:

"- Thời Phật Ca-Diếp, trong một tịnh xá kia có một tỳ-khưu giữ giới trong sạch, chuyên tu thiền quán, tính tình bộc trực, hồn nhiên.

Hôm kia, qua làng là một Trưởng lão lục căn thanh tịnh, người thí chủ của vị tỳ-khưu trông thấy thỉnh về nhà, cúng dường món ăn rồi nghe pháp. Buổi chiều, người thí chủ thỉnh Trưởng lão về tịnh xá nghỉ ngơi. Mấy ngày hôm sau, thí chủ dâng cúng thực phẩm thượng vị vào buổi trưa, dâng cúng những loại nước trái cây, hương hoa... vào buổi chiều. Thấy vậy, vị tỳ-khưu tâm tư không được vui, nghĩ rằng tâm người thí chủ hôm nay đã bị chia hai . Ðến lúc nào đó người thí chủ sẽ không cần đến ta nữa. Vậy làm thế nào để đuổi vị Trưởng lão kia đi.

Quán tâm, vị Trưởng lão biết tâm của vị trụ trì, đêm ấy Ngài ngồi trọn đêm, thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả. Gần sáng, Ngài dọn dẹp sàng tọa, quét dọn, cất đặt mọi thứ xong xuôi, cầm bát bay qua hư không đi về một trú xứ khác.

Vị trụ trì không biết, buổi sáng, lấy móng tay cào nhẹ nơi cái chuông, gõ nhẹ nơi cánh cửa rồi đến nhà thí chủ. Thí chủ hỏi tin về vị khách tăng, vị trụ trì đáp:

- Bần đạo không rõ. Sáng ngày bần đạo đã đánh chuông, đã gõ cửa nhưng không thể đánh thức vị ấy được. Có lẽ món ăn thượng vị hôm qua chưa tiêu hóa hết nên vị ấy đến giờ còn say ngủ chăng?

Vị thí chủ sau khi dâng cúng một phần vật thực cho vị trụ trì, gói thêm một phần khác nhờ vị trụ trì mang về cho vị khách tăng. Trên đường về, tâm tư vị tỳ-khưu kia phiền muộn, nghĩ rằng: "Nếu hắn ta được ăn mãi những món thượng vị như thế này thì có ai nắm cổ đuổi đi hắn cũng không chịu đi đâu. Giờ đem cho? Sẽ bị bại lộ! Ðổ xuống nước? Sanh tô sẽ nổi lên và sẽ bị thấy! Quăng trên đất? Lũ quạ sẽ tụ họp, kẻ qua đường sẽ biết!"

Cuối cùng, khi đi qua một đám ruộng đang được đốt, vị tỳ-khưu khều cả đống than đỏ hừng hực rồi thiêu cháy phần vật thực. Y khoan khoái, xoa tay hài lòng.

Về lại tịnh xá, mở cửa nhìn chỗ khách tăng, thấy đâu đó sạch sẽ, ngăn nắp, vị trụ trì giật mình: vậy là y đã biết rõ tâm tư của ta. Vì biết rõ tâm tư của ta, y đã không quấy nhiễu, lặng lẽ như tâm của một vị Thánh, bỏ đi nơi khác.

Nghĩ vậy, nỗi sợ hãi nổi lên, tâm y như bị thiêu đốt. Suốt thời gian dài cho đến lúc mạng chung, vị tỳ-khưu kia luôn luôn dằn vặt, khổ sở, ưu sầu; luôn luôn nhu có một lò lửa nằm ở trong ruột gan. Chấm dứt thọ mạng, vị tỳ-khưu kia rơi xuống địa ngục, bị đốt, bị nấu mấy trăm ngàn năm."

Nghe quả báo, Tôn giả Ànanda nói:

- Vì một miếng ăn mà khổ thế đấy. Thế rồi sau đó ra sao hở hiền huynh?

- Sau đó, năm trăm kiếp làm Dạ-Xoa đói, không được ăn no bụng dầu chỉ một ngày. Có một bữa được no bởi ăn đồ ố nhiễm của thai bào. Hết năm trăm kiếp Dạ-Xoa là năm trăm kiếp làm chó đói, chẳng bao giờ được no bụng, chỉ có một bữa no do ăn đồ ói mửa của người khác. Hết kiếp chó, nó sinh ra trong ngôi làng nghèo đói, vào một gia đình cùng khổ nhất. Từ khi nó sinh ra, gia đình kia trở nên nghèo đói cùng cực, cuối cùng phải đuổi nó đi. Rồi cứ thế, nó bị tống từ nơi này sang nơi khác. Ở một ngôi làng biên địa, nó làm thuê sinh sống, lấy một người đàn bà bần khổ và sinh được hai con. Từ khi nó ở đây, ngôi làng này bị vua xử phạt bảy lần, nhà cửa bị cháy bảy lần và sông hồ bị khô hạn bảy lần. Dân làng biết nó là con số đen nên tống cổ nó đi. Ðến một ngôi rừng, một phi nhân ăn thịt vợ và hai con của nó. Lại đau khổ, lang thang, nó đến một vùng biển, xin làm thuê trên một chiếc tàu. Tàu đi bảy ngày thì bị đứng yên như bị mắc cạn. Họ rút thăm xem ai là con số đen. Cả bảy lần thăm đều rơi vào tay nó. Người ta quăng nó xuống chiếc bè trên biển rồi bỏ đi.

Tôn giả Ànanda nghe đến sởn tóc gáy.

- Ôi! Quả báo thật là khủng khiếp.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại tiếp tục:

"- Vậy mà đã hết đâu. Suốt năm trăm kiếp nó sinh làm người khốn khổ như vậy. Kiếp này, nó sinh trong một làng đánh cá ở nước Kosala. Từ khi nó ở trong thai bào, cả ngàn gia đình đánh cá ấy rơi vào nghèo đói. Ðã thế, cả làng bị vua xử phạt bảy lần, làng bốc cháy bảy lần. Họ bèn tìm con số đen. Họ phân thành hai nhóm, một nhóm năm trăm gia đình. Thế rồi năm trăm gia đình kia được sung túc, năm trăm gia đình có nó lại nghèo đói. Họ phân chia nữa, cuối cùng tìm ra được gia đình nó, tẩn xuất ra khỏi làng. Khốn khổ thay người đàn bà bụng mang dạ chửa, lê lết tấm thân đi xin ăn không bao giờ đủ no. Khi sinh đứa bé đã biết đi, biết chạy, người mẹ giao cho nó một cái bát, đẩy vào trong chợ rồi bỏ trốn... Chính lúc ấy, ta thấy nó và dẫn nó về đây!"

Kể xong, không khí như lặng lại. Tôn giả Ànanda nói:

- Cái bánh ngoài đường phố - chó ăn! Cái bánh ở đây - diều hâu tha! Khi chúng ta cầm bát muốn cho nó ăn no - thì nó đau bụng!

Tôn giả Xá-Lợi-Phất nói:

- Từ trước đến nay, hiền đệ thường thích nhận trọng trách cho xuất gia sa-di, đến tuổi thọ đại giới, hiền đệ thường dẫn đến ta làm thầy tế độ. Ðệ tử chung của chúng ta đến nay có thể lên đến năm trăm vị rồi. Riêng đứa bé này quá đặc biệt, ta cho nó xuất gia, nhưng hiền đệ chịu khó lưu tâm một chút. Sở dĩ huynh phải kể dong dài về quá khứ như vậy là vì nhờ có một thời y tu hành tinh tấn, duyên ấy giúp y sẽ thành tựu đạo quả A-La-Hán vào cuối đời!

- Thưa vâng, hiền huynh!

Ðã dặn dò Tôn giả Ànanda kỹ lưỡng như vậy mà Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại còn dẫn chú sa-di đến gặp A-La-Hán, kể tóm tắt cho A-La-Hán nghe, rồi nói:

- Vậy con cố gắng chăm sóc cho chú tân sa-di này nhé! Vật thực, cơm, cháo, bánh gì đó - con hằng lưu tâm chia xớt cho chú với nhé! Chú đã khổ sở quá nhiều kiếp sống rồi. Ðại gia đình của Ðức Tôn Sư sẽ là mái nhà ấm cúng nhất cho chú làm nơi nương tựa.

* * *

Tình cảm của Tôn giả Ànanda đối với Tôn giả Xá-Lợi-Phất rất sâu đậm, và Tôn giả Xá-Lợi-Phất đối với Tôn giả Ànanda cũng vậy. Không phải hai vị chỉ liên hệ với nhau bởi đám môn đồ mà vì quý trọng, thương mến phẩm cách của nhau. Tôn giả Ànanda dầu chưa đắc được quả vị cuối cùng nhưng đã được Ðức Thế Tôn tán thán trước đại chúng rằng:

- Này các thầy tỳ-khưu! Có năm lý do mà Như Lai coi Ànanda như là một Ðại Ðệ Tử. Năm lý do ấy là gì? Thứ nhất, Ànanda có sức học uyên thâm, ngoại trừ Xá Lợi Phất ra, không ai bì được. Thứ hai, Ànanda có một trí nhớ thật phi thường, chẳng ai trong Giáo Hội này sánh được. Thứ ba, Ànanda giữ giới luật và phẩm hạnh rất trong sạch, cao thượng. Thứ tư, Ànanda là một Sa môn rất kiên trì học hỏi, kiên trì công việc và kiên trì trong việc giáo giới người khác. Và thứ năm, là Ànanda luôn luôn chuyên tâm cần mẫn trong mọi việc dầu nhỏ hay lớn. Bởi có năm phẩm chất lỗi lạc ấy mà Như Lai coi trọng Ànanda, khen ngợi Ànanda!

Còn đối với Xá-Lợi-Phất, có lần Ðức Thế Tôn hỏi Ànanda rằng:

- Này Ànanda! Trong hàng tứ chúng có rất nhiều người quý trọng, cảm mến Xá-Lợi-Phất, còn ông thì sao? Ông có bằng lòng vị Sa môn ấy không?

Tôn giả Ànanda đáp:

- Bạch Ðức Thế Tôn! Ai mà không bằng lòng Tôn giả Xá-Lợi-Phất trừ phi người ấy khờ dại, ngu muội hoặc tinh thần thấp kém, tối tăm và hư hỏng.

Bạch Ðức Thế Tôn! Sa môn Xá Lợi Phất là một vị tỳ-khưu hoàn toàn siêu việt, có một sức học và một trí tuệ vô biên. Thế gian này khó kiếm ra được một người có kiến thức quảng bác, một tâm hồn trong sáng, một lý trí sắc bén, một tấm lòng quảng đại, bao dung... như Tôn giả ấy. Ngoài ra, vị sư huynh của con là tấm gương chói lọi nhất về một đòi sống ít ham muốn, biết đủ, vắng lặng, ưa tĩnh cư, không thích nơi ồn ào, huyên náo. Bậc Tướng Quân Chánh Pháp lại là người giàu nghị lực, giàu ý chí, có tài biện luận chưa hề thua ai trong tam giới. Ðại huynh của con còn có cả nghệ thuật biết lắng nghe người khác, lắng nghe một cách chăm chú, đầy hiểu biết. Là bậc luôn tự chế, luôn luôn chánh niệm, tỉnh giác, luôn luôn kiểm soát một cách trọn vẹn và thù thắng thân, khẩu, ý của mình. Lại là người luôn luôn có nét mặt trong sáng, dịu dàng, cởi mở, vui tươi... Ôi! Phi Ðức Thế Tôn, trong Giáo Hội, Ngài ấy là ngôi sao sáng về tất cả mọi phương diện vậy.

Sự tán thán, ca tụng của Tôn giả Ànanda về vị huynh trưởng của mình có lẽ là hết chữ nghĩa, vả chăng, điều ấy cũng là đúng sự thật. Những tâm hồn cao cả thường yêu mến những tâm hồn cao cả. Chính Tôn giả Xá-Lợi-Phất khi được người ta dâng cúng vật gì quý báu, cũng để dành lại, trao tặng Tôn giả Ànanda. Mà Ðại Ðức Ànanda cũng vậy. Lần nọ, Tôn giả Ànanda được một ông Bà la môn dâng cúng một bộ y quý giá, Ngài muốn để dành dâng đến Tôn giả Xá-Lợi-Phất mà không biết làm sao - vì theo luật, một vị tỳ-khưu không được phép giữ y lâu nếu chưa xả y cũ - mà lúc ấy Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại đi công tác Phật sự xa, mười hôm sau mới về!

Thế là Tôn giả Ànanda bèn bạch Phật, trình bày lại sự việc. Thấy tấm lòng thành khẩn và chí tình của Tôn giả Ànanda, Ðức Tôn Sư đành phải "du di" thay đổi lại giới luật:

- Thôi được rồi, Ànanda! Nếu Xá-Lợi-Phất mười hôm nữa mới về - thì bắt đầu từ hôm nay, Như Lai cho phép chư tỳ-khưu được giữ y trong vòng mười hôm vậy.

Ôi! Các điều luật của Ðức Ðạo Sư mà tình lý trọn vẹn, dễ mến xiết bao!

* * *

Có một số vị tỳ-khưu bàn tán rằng, vì Tôn giả Ànanda là bậc hữu học nên mới có những tình cảm riêng tư như vậy đối với Tôn giả Xá-Lợi-Phất. Ðiều ấy là sai lầm. Tôn giả Ànanda thường tôn kính và yêu mến tất cả những vị Ðại Trưởng lão giới hạnh trong sạch và trí tuệ uyên thâm. Mà đại biểu cao cả cho giới hạnh và trí tuệ ấy, trong Giáo Hội, không ai bằng được Xá-Lợi-Phất. Ðôi khi, Tôn giả Xá-Lợi-Phất lại còn khiển trách nhẹ nhàng Tôn giả Ànanda là khác nữa.

- Này hiền giả Ànanda! Hiền giả tiếp xúc với Ni giới nhiều quá đấy!

- Biết làm sao được hở sư huynh, khi Ni giới họ có cảm tình với đệ!

- Tại sao lại có cảm tình?

- Vì từ khi đệ xin cho nữ giới được xuất gia, họ coi đệ như ân nhân của họ.

- Rất nhiều vị trong Ni giới là những mệnh phụ phu nhân, xuất thân cành vàng lá ngọc, vương giả, triệu phú... Họ đẹp đến chim sa, cá lặn - hiền giả có thấy như thế không?

- Thưa vâng!

- Vậy khi tiếp xúc với họ, mắt hiền giả để ở đâu?

- Thưa hiền huynh! Ðệ dường như không thấy!

- Vậy nếu khi đã lỡ thấy thật sự rồi?

- Thì đệ sẽ không nói chuyện!

- Vậy giả dụ họ có hỏi chuyện thì phải làm sao?

- Thì đệ sẽ đề phòng, cương quyết lấy chánh niệm làm người canh cửa!

- Lành thay! Hiền giả thật là tuyệt vời! Nhưng không biết đấy có phải là những điều do hiền giả tự nghĩ ra không?

Bỗng Tôn giả Ànanda chấp tay xá lạy:

- Chẳng có gì dấu được đôi mắt sắc bén của hiền huynh! Chính Ðức Thế Tôn đã chỉ dạy phương pháp đối trị ấy cho đệ đấy!

- Nhưng mà hết Ni giới làm phiền - bây giờ lại đến nữ giới, ai họ đến đây cũng tìm cho bằng được Trưởng lão Ànanda!

Tôn giả Ànanda thở dài:

- Ðây là sự thật. Tuy nhiên, mỗi người như vậy có một hoàn cảnh thật đáng thương. Ðệ đã dạy đạo cho họ, an ủi họ, sách tấn họ.

- Vậy là tốt! Nhưng mà này hiền giả thân mến - chính vì tình cảm ấy nên hiền giả cứ mãi loay hoay bên này bờ hữu học, hiền giả biết chứ?

- Thưa vâng!

- Còn tăng tướng của hiền giả cũng đẹp quá. Hiền giả như một nụ hoa tỏa hương thơm ngào ngạt nên ong bướm các nơi lũ lượt tìm đến.

- Ðiều ấy không phải lỗi ở đệ. Ðức Thế Tôn còn đẹp hơn, hiền huynh cũng đẹp đẽ không kém vậy.

Tôn giả Xá-Lợi-Phất chợt nói to:

- Vậy là hiền giả hiểu sai ý của ta rồi. Cái đẹp không phải là điều đáng khiển trách. Ta muốn nói rằng: càng đẹp thì phải càng tinh tấn hơn, giác tỉnh hơn, nghị lực, dõng mãnh nhiều hơn. Phải có một nỗ lực phi thường để thắng lướt tất cả mọi chướng ngại. Sự thành tựu sau này của hiền giả, vì vậy, sẽ là một ngọn đèn lớn soi rạng cho hằng hằng thế hệ, chẳng phải tầm thường đâu.

- Tri ân huynh đã quá khen!

Ðến đây, Tôn giả Xá-Lợi-Phất nắm tay Tôn giả Ànanda ân cần nói:

Bổn phận của ta đối với Giáo Hội chỉ là một giai đoạn ngắn, còn bổn phận của hiền giả đối với Giáo Hội thì vô tận, không thể đo lường được, hiền giả biết không? Ðừng hiểu lầm ý ta nhé!

Ôi! Thật là rất đạo tình, rất thắm thiết, trách gì, sau này, khi nghe tin Tôn giả Xá-Lợi-Phất nhập diệt, Tôn giả Ànanda đã khóc lóc, kêu lên: "Ôi! Khi mà người bạn cao thượng của tôi đã ra đi rồi, thì đối với tôi, cuộc đời như chìm vào trong đêm tối tăm vĩnh viễn!"

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |11| Mục lục


Chân thành cám ơn Ðại đức Giác Ðồng đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, 07-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

updated: 02-07-2001