BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Lá thư bạn đạo
Nghệ sĩ Tiến sĩ Bạch Tuyết
Sài gòn, 2001


  

[08]

Hoa Phượng, cây bút tài hoa

-ooOoo-

Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương còn lẩn khuất giữa sông đây...

Những năm 60 đi xem tuồng hát cải lương Hà Triều Hoa Phượng, Hoàng Khâm, Kiên Giang, Bạch Diệp, Minh Nguyên, Cô Nguyệt v.v... trên sân khấu đoàn Thanh Minh Thanh Nga được xem là hành động văn hóa. Sân khấu nghiêm túc, diễn viên nghệ sĩ nhà nghề, tuồng tích có giá trị, rạp hát có máy lạnh tiện nghi khang trang sạch sẽ, khán giả lịch sự đến rạp thưởng thức nghệ thuật sân khấu với sự toàn tâm, toàn ý, cổ vũ, khâm phục tài năng của các nghệ sĩ chuyên nghiệp chân chính. Trong hoàn cảnh đó, Hà Triều - Hoa Phượng, nhất là Hoa Phượng đã có một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả cũng như đa số diễn viên, nghệ sĩ được hát tuồng của anh là một vinh dự, may mắn cho đời làm nghệ thuật của mình.

Sau thế hệ Nguyễn Thành Châu (Năm Châu), Trần Hữu Trang, Hoa Phượng là người có cách viết độc đáo hiếm thấy, đó là giọng văn theo phong cách trang sức hầu như ai cũng cảm tình mến mộ, uyển chuyển nhưng không cầu kỳ hiện đại mà rất Việt Nam. Ở văn bản kịch người đọc có thể nhận ra cú pháp rõ ràng, từ ngữ chính xác, chưa nói đến bố cục và cách xử lý sắp xếp bài ca, và khi diễn viên đọc lên lại rất sống động hình tượng, không có ranh giới giữa kịch bản văn học và cách diễn đạt trên sân khấu.

Ngày trước, đa số trong chúng tôi ai cũng khó chịu khi nghe Hoa Phượng nhắc nhở ... Không ai được quyền nói sai một chữ cũng như bắt buộc phải chú ý chấm phẩy trong kịch bản nhất là khi được có dịp trao đổi thêm chương trình tiếng Việt hai cách nói và viết, tôi hiểu điều anh đòi hỏi ở các diễn viên, các nghệ sĩ, chính là đòi hỏi nghề phát ngôn trước muôn người.

Nếu không được chăm sóc chu đáo hoặc chịu khó học hỏi nghiêm túc ở những người đi trước, bên cạnh sự thỏa mãn khán thính giả và nghệ thuật luôn luôn có thể sẽ tai hại và tiếng Việt ngày càng xa rời những gì tinh túy của dân tộc. Ở một khía cạnh khác, con người Hoa Phượng rất tự tin, thích hành động hơn thích nói, trung thực với chính anh cũng như trung thực với mọi người. Có lẽ nhờ vậy mà những nhân vật của anh hầu hết đều có tính cách đậm nét dù xuất hiện từ đầu đến cuối hay chỉ xuất hiện 5-10 phút thôi. Anh nói... "Viết kịch bản phải đúng văn phong như người đánh điện tín, ngắn gọn, súc tích, đầy đủ ý nghĩa" ví dụ:

- "Nhà ngươi nói nhiều vì sợ người khác không hiểu, giá như ngươi nói ít một chút, chắc sẽ hiểu nhiều hơn"... (Vô Kỵ Triệu Minh) 1964 ... Công lý như một người phu lục lộ mỗi ngày mỗi quét đường, tội ác như loài rác chợ mỗi ngày mỗi có... (Tần Nương Thất ,1965).

... Có phải mới đây người chào hỏi Nguyễn Lưu Trần Ðộ, "trong khi ta cùng bá quan lơ là với họ riêng khanh, nhìn vào dân giả, coi trọng những người chiến sĩ vô danh ngang với bậc đại công thần. Bia đá nhỏ nên người ta chỉ hạn định tính danh trong từng chiến tích oai hùng (Dương Vân Nga, 1979) câu văn trên người ta có thể nói, đọc, ca, theo kiểu nào cũng có cái hay của nó. Ðó là câu vô vọng cổ bình thường với giọng ca không lấy gì làm xuất sắc của tôi. Vậy mà từ thành phố này đến nhà hát Hà Nội cũng như nhà hát nhân dân Thái Nguyên, tiếng vỗ tay kéo dài hơn năm phút, là diễn viên tôi biết rằng khán giả đã vỗ tay đa phần cho cái ý nghĩa cái hay, cái hồn của câu văn phát xuất từ tấm lòng, từ tình thương của một người dành cho con người, những con người thường, thầm lặng, dòng chảy ngầm của dân tộc, những chiến sĩ vô danh sống hết lòng, chết không tính toán, không kể công.

Trong tác phẩm Hoa Phượng chúng ta rất dễ nhận ra cốt cách tâm hồn, tinh thần của dân tộc, của đất nước một cách hào hùng, thú vị và sâu lắng.

Ở một đoạn "Tôi Dương Vân Nga xin tế cáo cùng hoàng thiên hậu thổ, cùng anh linh các đấng Tiên Vương, có phải chăng hồn thiêng sông núi đang quyện khói trầm hương, xin chứng cho hơi thở của Dương Vân Nga đang hòa cùng hơi thở của trăm họ. Ðôi tay tôi thay cho triệu cánh tay người làm nên lịch sử. Nâng long bào Tiên đế như nâng gánh nặng sơn hà. Ðây là quyền tự chủ, là niềm khát khao Lạc nghiệp AÂu ca, là nghiệp cả của Tiên Vương nghìn thu vừa rửa thẹn. Ðể trời Nam rực rỡ ánh minh châu, để chứng minh hào kiệt giống Tiên Rồng đòi đời bất khuất".

Hoặc Lê Hoàng nói ở đoạn cuối trước khi đóng màn với Dương Vân Nga "Ta vừa khoác lên vai những thử thách rất tự hào của nòi giống anh hùng, của 3.000 năm bất khuất, lưng ngựa là ngai vàng ta thiết triều nơi trận mạc cùng ba quân đuổi giặc cứu sơn hà".

Anh đã dùng từ "đuổi" thay vì có thể dùng từ "đánh" hoặc "giết". Tôi hỏi anh tại sao? Anh trả lời Nguyễn Trãi viết trong Bình ngô đại cáo... "Ðem nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo, giặc vào nhà ta đuổi chúng đi, chừng nào không đi mới đánh, đánh không đi mới giết, bị bắt buộc mới xuống tay". Bởi vì... Nhân nghĩa là bản chất của dân tộc Việt Nam. Ngày hôm nay chúng ta đang sống, sự tưởng nhớ biết ơn những người đi trước, không nên chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động nhân nghĩa với con người đương thời, và mỗi hành động ngôn ngữ phải chính xác.

Cũng như trong Dương Vân Nga, ở cảnh chót đoạn gặp lại Lê Hoàng tại Sơn Lăng.

... Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông chảy trong óc, trong tim, trong trang sử tiên rồng thuyền xã tắc.

Phân vân bề tiến thoái
Ðất nước hỡi ai xứng là gạch nối.
Ðể gắn liền hãnh diện giữa xưa nay
Ðể cho ta trang trọng khoác lông bào
Ngôi cửu ngũ từ đây đà có chủ
(Dương Vân Nga 1979)

Trên là một đoạn lối cũng như bao đoạn lối khác trong các vở tôi đã diễn, nhưng ở đoạn trên khi nhà hát Trần Hữu Trang về miền Bắc phục vụ tháng tư năm 1979, cả đoàn được đi tham quan các di tích lịch sử. Ðến đền Hùng, chúng tôi trèo từng bậc thang lên đến thượng. Nhìn thấy ngã ba sông thật rõ. Tôi thầm cảm ơn anh, nhờ những câu văn của anh, cũng như một số tác giả có tài năng khác, mà những diễn viên chúng tôi càng ngày càng hiểu, càng thương hơn, cảm thông hơn, càng tự hào hơn với đất nước mình, dân tộc mình để từ đó gửi đến khán giả. Tại sao tôi phải nói lên điều này. Một chuyên gia sân khấu nổi tiếng của nước ngoài đã nói : "Sân khấu có nghĩa là người ta dựa trên cái giả, nói lên cái thật", diễn viên giỏi chừng nào thì thành công lớn chừng nấy. Tôi xin được thêm : Cái hay của sân khấu còn ở chỗ người ta dựa vòa một cái thật để hư cấu thành giả, và khi nào cái giả đó được khán giả tưởng thật, điều đó đưa đến ý nghĩa toàn vẹn của sự thành công. Bởi vì mọi việc bắt nguồn từ cái thật mới có sự thuyết phục, nhưng cái thật ngoài đời ví như một hạt ngọc chưa được mài giũa, nó phải nương nhờ vào cái giả (hư cấu) của sân khấu để trở thành một cái khác "giả mà rất thật". Tác phẩm sân khấu đạt đến trình độ đó thì giá trị nhân bản của nó mới đáng đề cập và sự có mặt của những tác phẩm vừa nói giúp cho con người vươn tới cái đẹp và thật trong cuộc sống.

Trong chừng mực nào đó, một số vở của Hoa Phượng đạt được những yêu cầu nêu trên. Bởi vì anh không đơn điệu lập lại các hình tượng nhân loại trong dân tộc, cũng không "dĩ thành bất biến" mà ở anh chúng ta thấy sự thể hiện nằm trong một phối hợp liên kết cái phẩm chất nhất định. Bởi vì một trong những phương tiện góp phần làm sâu sắc tính dân tộc, trong nghệ thuật sân khấu, chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong tay anh nó trở thành sinh động, chúng ta có cảm tưởng chúng biết đi, biết múa, biết hát, biết khóc, biết giận, biết thương... Cũng như anh đã đưa dân ca, ca dao vào tác phẩm thật hài hòa nhuần nhuyễn hợp lý.

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Anh thêm vào :

Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học mẹ thi trường đời
(Tuyệt Tình Ca)

Mới mà cũ, dân tộc mà hiện đại.

Mãi sau này người ta sẽ quên tên Hoa Phượng để chỉ nhớ những câu tương tự. Tóm lại, Hoa Phượng đã kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc một cách thông minh, không ồn ào, không câu nệ. Phạm vi bài viết không cho phép chúng ta đi sâu vào một khía cạnh khác của tác phẩm của Hoa Phượng. Ở đó bản sắc dân tộc độc đáo anh đã hết sức trân trọng gìn giữ đồng thời với tính nhân loại như BÊ LINH KY nhận định: "Ðối với nhà thơ, nhà văn muốn làm cho thiên tài của anh ta được khắp mọi nơi và mọi người công nhận, anh ta cần phải làm cho tính dân tộc trong tác phẩm của anh ta trở thành hình hài cơ thể, xương thịt diện mạo của toàn nhân loại".

Trong một số tác phẩm của Hoa Phượng chúng ta thấy rất rõ. Trước đây nhiều lần được tiếp xúc với anh, những lời nói của anh tôi sẽ nhớ và sẽ mãi nhớ xin được ghi ra đây một trong nhiều câu anh đã nói trong dịp trao đổi để kết thúc bài viết này:

"Dân tộc mà không chứa đựng cái chung lớn lao của toàn nhân loại thì dễ dẫn đến dân tộc hẹp hòi nhưng cũng không có cái nhân loại chung chung, nhân loại nào cũng dựa trên cơ sở dân tộc cụ thể và con người, càng hiểu biết nhiều càng trở nên từ bi hơn".

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản vi tính (Bình Anson, tháng 04-2001).


[Trở về trang Thư Mục]

update: 14-04-2001