BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Tăng Chi Bộ - Anguttara
Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
I. Phẩm Sức Mạnh Hữu Học (I) (1) Tóm Lược 1. Như vậy tôi nghe: Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: - Này các Tỷ-kheo. - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 2. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này, cuả bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc hữu học. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: 3. "Tôi sẽ thành tựu tín lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tàm lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu quý lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tinh tấn lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là hữu học lực". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. (II) (2) Rộng Rãi 1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn, tuệ lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín lực? 2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm lực? 3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng hổ thẹn,. Hổ thẹn đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, hổ thẹn đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tàm lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý lực? 4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là quý lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh tấn lực? 5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực, kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tinh tấn lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực? 6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm sức mạnh của bậc Hữu học. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: 7. "Ta sẽ thành tựu tín lực, được gọi là hữu học lực... tàm lực... quý lực... tinh tấn lực... ta sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là hữu học lực". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. (III) (3) Khổ 1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ. Thành tựu với năm pháp này, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại sống đau khổ, với tổn não, với ưu não, với nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. 2. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. (IV) (4) Tương Xứng 1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, không có lòng hổ thẹn, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, có ác tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. 2. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy, được sanh vào cõi Trời. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tương xứng như vậy được sanh vào cõi Trời. (V) (5) Học Pháp 1. - Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống thế tục, năm vấn đề hợp pháp để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? 2. "Trong Thầy (vị ấy nghĩ) không có lòng tín đối với các thiện pháp; trong Thầy không có lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp; trong Thầy không có lòng sợ hãi đối với các thiện pháp; trong Thầy không có tinh tấn đối với các thiện pháp; trong Thầy không có trí tuệ đối với các thiện pháp. "Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, từ bỏ học pháp, trở lui đời sống thế tục, năm vấn đề hợp pháp này để tự trách và chỉ trích đến với vị ấy ngay trong hiện tại. 3. Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, dầu với đau khổ, với ưu tư, với mặt đầy nước mắt, than khóc, vẫn sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn đề hợp pháp để tự tán thán đế với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? "Trong Thầy (vị ấy nghĩ) có lòng tin đối với các thiện pháp; trong Thầy có lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp; trong Thầy có lòng sợ hãi đối với các thiện pháp; trong Thầy có lòng tinh tấn đối với các thiện pháp; trong Thầy có trí tuệ đối với các thiện pháp. Tỷ kheo hay tỷ kheo ni nào, naỳ các Tỷ kheo, dầu với đau khổ, với ưu tư, với mặt đầy nước mắt, khóc than vẫn sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn đề hợp pháp để tự tán thán này đến với vị ấy ngay trong hiện tại. (VI) (6) Bước Vào 1. - Không có sự bước vào bất thiện, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào có lòng tin an trú vào các thiện pháp. Khi nào lòng tin biến mất, này các Tỷ-kheo, lòng không tin khởi lên và tồn tại, thời có sự bước vào bất thiện. 2-5. Không có sự bước vào bất thiện, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào có lòng hổ thẹn... lòng sợ hãi... tinh tấn... trí tuệ an trú vào các thiện pháp. Khi nào lòng hổ thẹn... lòng sợ hãi... tinh tấn... trí tuệ biến mất, này các Tỷ-kheo, không xấu hổ... không sợ hãi... biếng nhác... ác tuệ khởi lên và tồn tại, thời có sự bước vào bất thiện. (VII) (7) Dục Vọng 1. - Phần lớn, này các Tỷ-kheo, các loại hữu tình tìm được lạc thú trong các dục. Với thiện nam tử, này các Tỷ-kheo, đã bỏ một bên lưỡi liềm và đòn gánh, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy vừa đủ để được gọi: "Vị thiện nam tử vì lòng tin xuất gia". Vì cớ sao? 2. Các dục, này các Tỷ-kheo, được tìm thấy với tuổi trẻ, các dục này hay các dục khác. Và này các Tỷ-kheo, các dục hạ liệt, các dục trung đẳng, và các dục tối thắng, tất cả dục đều được chấp nhận là các dục. 3. Ví như, này các Tỷ-kheo, có đứa con nít, trẻ nhỏ, ngây thơ đang nằm ngửa, do người vú vô ý, đức nhỏ cầm một cây que hay hòn sạn cho vào miệng. Người vú hầu ấy phải mau chóng tác ý. Sau khi mau chóng tác ý, phải mau chóng móc cho ra. Nếu không có thể mau chóng móc ra được, thời với tay trái mắn đầu nó, với tay mặt, lấy ngón tay làm như cái móc, móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, làm như vậy, có hại cho đứa trẻ. Ta nói rằng không phải không có hại Như vậy, này các Tỷ kheo, người vú hầu phải làm như vậy vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đứa trẻ). Nhưng này các Tỷ-kheo, khi đức trẻ ấy đã lớn lên, và có đủ trí khôn, người vú hầu ấy không săn sóc nó nữa, nghĩ rằng: "Nay đứa trẻ đã biết tự bảo vệ mình, không phóng dật nữa". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào vị Tỷ-kheo chưa gây được lòng tin đối với các thiện pháp, chưa gây được lòng hổ thẹn đối với các thiện pháp, chưa gây được lòng sợ hãi đối với các thiện pháp, chưa gây được tinh tấn đối với các thiện pháp; chưa gây được trí tuệ đối với các thiện pháp, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta cần phải phòng hộ Tỷ-kheo ấy. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo gây được lòng tin đối với các thiện pháp, gây được lòng hổ thẹn đối với thiện pháp, gây được lòng sợ hãi đối với các thiện pháp gây được lòng tinh tấn đối với các thiện pháp; gây được trí tuệ đối với các thiện pháp, thời khi ấy, này các Tỷ-kheo, Ta không còn săn sóc Tỷ-kheo ấy, nghĩ rằng: "Nay Tỷ-kheo ấy đã biết tự bảo vệ mình, không còn phóng dật nữa". (VIII) (8) Từ Bỏ 1.- Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm? 2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có lòng hổ thẹn, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ không an trú trong diệu pháp. Không có lòng sợ hãi, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Biếng nhác, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. 3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm? Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... có tinh tấn... có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. (IX) (9) Không Tôn Kính (1) 1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm? 2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Không có lòng hổ thẹn... không có lòng sợ hãi... biếng nhác... không có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, từ bỏ, không an trú trong diệu pháp. 3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thế nào là năm? 4. Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... có tinh tấn... có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, không từ bỏ, an trú trong diệu pháp. (X) (10) Không Tôn Kính (2) 1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thế nào là năm? 2. Không có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Không có lòng hổ thẹn... không có lòng sợ hãi... biếng nhác... có ác trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không cung kính, không tôn trọng, không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. 3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thế nào là năm? 4. Có lòng tin, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Có lòng hổ thẹn... có lòng sợ hãi... tinh tấn... có trí tuệ, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có cung kính, có tôn trọng, có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.
II. Phẩm Sức Mạnh (I) (11) Chưa Ðược Nghe 1. - Này các Tỷ-kheo, Ta tự cho là đã đạt được sự cứu cánh với thắng trí đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của Như Lai. Thành tựu các đã đạt được vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng, làm vận chuyển bánh xe Phạm thiên. Thế nào là năm? 2. Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực. Có năm Như Lai lực này của Như Lai, này các Tỷ-kheo. Thành tựu các sức mạnh ấy, Như Lai tự xem đã được vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa các hội chúng, làm vận chuyển bánh xe Phạm thiên. (II) (12) Nóc Nhọn 1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc hữu học. Thế nào là năm? 2. Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực. này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học. Trong năm sức mạnh của bậc Hữu học này, này các Tỷ-kheo, cái này là tối thượng, cái này là tổng nhiếp, cái này là tổng thâu tóm, tức là tuệ lực. 3. Ví như, này các Tỷ-kheo, với ngôi nhà có nóc nhọn, cái này là tối thượng, cái này là tổng nhiếp, cái này là tổng thâu tóm, tức là cái nóc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong năm sức mạnh này của bậc hữu học, cái này là tối thượng, cái này là tổng nhiếp, cái này là tổng thâu tóm, tức là tuệ lực. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: 4. "Tôi sẽ thành tựu tín lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tàm lực, được gọi là hữu học lực. Tôi sẽ thành tựu quý lực... tinh tấn lực... tuệ lực, được gọi là hữu học lực." Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. (III) (13) Các Sức Mạnh Tóm Lược - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, có năm lực này. (IV) (14) Các Sức Mạnh Rộng Thuyết 1. - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? 2. Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, thế nào là tín lực? 3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tấn lực? 4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp, nỗ lực kiên trì tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tấn lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm lực? 5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có chánh niệm, thành tựu tối thắng niệm và tuệ. Vị ấy nhớ và gợi lại trong trí nhớ những điều đã nói và đã làm lâu ngày về trước. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là niệm lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định lực? 6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ly các dục, ly các bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, được các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Ðoạn lạc đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là định lực. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực? 7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực. Này các Tỷ-kheo, các pháp này là năm lực. (V) (15) Cần Phải Thấy - Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Và này các Tỷ-kheo, tín lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn Dự lưu chi phần; ở đấy, tín lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, tấn lực cần phải thấy ở đâu? Trong bốn chánh cần; ở đấy tấn lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, niệm lực cần phải thấy ở đâu? Trong Bốn niệm xứ; ở đấy, niệm lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, định lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, định lực cần phải thấy ở đâu? Ở trong bốn Thiền; ở đấy, định lực cần phải thấy. Và này các Tỷ-kheo, tuệ lực cần phải thấy ở đâu? Ở trong bốn Thánh đế; ở đấy, tuệ lực cần phải thấy. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này. (VI) (16) Lại Nóc Nhọn
(VII) (17) Hạnh Phúc Cho Ai? (1) -Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người khác. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh, không có khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định, không có khuyến khích người khác đầy đủ Thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ, không có khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, không có khuyến khích người khác đầu đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người khác. (VIII) (18) Hạnh Phúc Cho Ai ? (2) - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho người khác, không đem lại hạnh phúc cho mình. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự mình đầy đủ giới hạnh, khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; không tự mình đầy đủ Thiền định... không tự mình đầy đủ trí tuệ... không tự mình đầy đủ giải thoát... không tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Ðầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho người khác, không đem lại hạnh phúc cho mình. (IX) (19) Hạnh Phúc Cho Ai ? (3) - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tự mình đầy đủ giới hạnh, không khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; không tự mình đầy đủ Thiền định... không tự mình đầy đủ trí tuệ... không tự mình đầy đủ giải thoát... không tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, không khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không đem lại hạnh phúc cho mình, không đem lại hạnh phúc cho người. (X) (20) Hạnh Phúc Cho Ai ? (4) - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định... tự mình đầy đủ trí tuệ... tự mình đầy đủ giải thoát... tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Ðầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người.
III. Phẩm Năm Phần (I) (21) Không Có Cung Kính (1) 1- Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, không cung kính, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này không xảy ra. Không làm cho viên mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn các giới luật, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh tri kiến, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn chánh tri kiến, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này không xảy ra. 2. Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, có cung kính có thận trọng, sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn các giới luật, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh tri kiến, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn chánh tri kiến, vị ấy sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này có xảy ra. (II) (22) Không Có Cung Kính (2) 1. - Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, không cung kính, không thận trọng, không sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, sẽ làm viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm viên mãn hữu học pháp, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn giới uẩn, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn giới uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn định uẩn, sự kiện này không xảy ra. Sau khi không làm cho viên mãn định uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn tuệ uẩn, sự kiện này không xảy ra. 2. Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, có cung kính, có thận trong, sống tương hòa với các vị đồng Phạm hạnh, vị ấy sẽ làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn thắng hạnh pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm viên mãn hữu học pháp, vị ấy sẽ làm cho viên mãn giới uẩn, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn giới uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn định uẩn, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn định uẩn, vị ấy sẽ làm cho viên mãn tuệ uẩn, sự kiện này có xảy ra. (III) (23) Các Uế Nhiễm 1. - Có năm uế nhiễm này của vàng, này các Tỷ-kheo, do các uế nhiễm ấy, vàng bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn và không chơn chánh chịu sự tác thành. Thế nào là năm? 2. Sắt, đồng, thiếc, chì và bạc. Có năm uế nhiễm này của vàng, này các Tỷ-kheo, do uế nhiễm ấy, vàng bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không được dễ sử dụng, không sáng chói bị bể vụn và không chơn chánh chịu sự tác thành. 3. Và khi nào, này các Tỷ-kheo, vàng được giải thoát khỏi năm uế nhiễm này, khi ấy vàng ấy được nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bị bể vụn, và chơn chánh chịu sự tác thành. Và các đồ trang sức nào người ta muốn như nhẫn, như bông tai, như vòng cổ, như dây chuyền vàng, vàng ấy có thể dùng tùy theo ước muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có năm uế nhiễm này của tâm, do các uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm, không nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là năm? 4. Tham dục, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi. Có năm uế nhiễm này của tâm, này các Tỷ-kheo, do năm uế nhiễm ấy, tâm bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh, định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. 5. Và khi nào, này các Tỷ-kheo, tâm được giải thoát khỏi năm uế nhiễm ấy; khi ấy tâm ấy được nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc. Tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đây, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lục đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào. 6. Nếu vị ấy ước muốn, "Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi qua hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm, như trên đất liền; ngồi kiết-già hay đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và sờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên." Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào. 7. Nếu vị ấy muốn: "Với thiên nhĩ thanh tịnh, siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng chư thiên và loài Người, xa và gần". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào. 8. Nếu vị ấy ước muốn: "Mong rằng với tâm của mình có thể biết được tâm của các loại chúng sanh khác, tâm của loài Người khác nhau như sau: "Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không tham, biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân, biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm có si. Tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Ðại hành tâm biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm Thiền định biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định biết là tâm không Thiền định. Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát"". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào. 9. Nếu vị ấy ước muốn: "Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trămđời, hai trăm đời, ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp." Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, đồ ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, đồ ăn như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ở đây." Tại chỗ, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào. 10. Nếu vị ấy ước muốn: "Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự từ bỏ và sanh khởi của chúng sanh. Ta biết rõ chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Các vị chúng sanh ấy làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về lời, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các vị chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi lành, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống chết của chúng sanh. ta có thể rõ biết rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào. 11. Nếu vị ấy ước muốn: "Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát." Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào. (IV) (24) Ác Giới 1. - Với người ác giới, này các Tỷ-kheo, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại. Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến do vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt, với người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị phá hoại. Khi nhàm chán ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham bị phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại. 2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá bị phá hoại, thời đọt cây ấy không đi đến viên mãn, vỏ cây không đi đến viên mãn, giác cây không đi đến viên mãn, lõi cây không đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người ác giới, với người phá giới, chánh định do vậy bị phá hoại. Khi chánh định không có mặt, với người chánh định bị phá hoại, như thật tri kiến nhân vậy bị phá hoại. Khi như thật tri kiến không có mặt, với người như thật tri kiến bị phá hoại, nhàm chán, ly tham do vậy bị phá hoại. Khi nhàm chán, ly tham không có mặt, với người nhàm chán ly tham bị phá hoại, giải thoát tri kiến do vậy bị phá hoại. 3. Với người có giới, này các Tỷ-kheo, với người gìn giữ giới, chánh định do vậy được đầy đủ. Do chánh định có mặt, với người chánh định được thành tựu, như thật tri kiến do vậy được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt, với người như thật tri kiến có mặt, nhàm chán, ly tham do vậy được thành tựu. Do nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán ly tham được thành tựu, giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu. 4. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá được đầy đủ, thời đọt cây ấy đi đến viên mãn vỏ cây đi đến viên mãn, giác cây đi đến viên mãn lõi cây đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với người có giới, với người giữ gìn giới, chánh định nhân vậy được đầy đủ. Do chánh định có mặt, với người chánh định được thành tựu, như thật tri kiến do vậy được thành tựu. Do như thật tri kiến có mặt, với người như thật tri kiến được thành tựu, nhàm chán, ly tham do vậy được thành tựu. Do nhàm chán, ly tham có mặt, với người nhàm chán, ly tham được thành tựu, giải thoát tri kiến do vậy được thành tựu. (V) (25) Nhiếp Thọ 1. - Do nhiếp thọ năm chi phần, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được thành thục với tâm giải thoát quả và với các lợi ích của tâm giải thoát quả và với các lợi ích của tâm giải thoát quả với tuệ giải thoát quả và với các lợi ích của tuệ giải thoát quả. 2. Với năm pháp gì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được giới pháp nhiếp thọ, được văn nhiếp thọ, được luận nghị nhiếp thọ, được chỉ nhiếp thọ, được quán nhiếp thọ. Do được năm chi phần này nhiếp thọ, này các Tỷ-kheo, chánh tri kiến được thành tựu với tâm giải thoát quả và các lợi ích của tâm giải thoát quả, với tâm giải thoát quả, với tuệ giải thoát quả và các lợi ích của tuệ giải thoát quả. (VI) (26) Giải Thoát Xứ 1. - Có năm giải thoát xứ này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được gỉai thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt đến. 2. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Tùy theo bậc Ðạo Sư, hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo như thế nào, nhu thế nào,tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ nhất; ở đấy, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt tới. 3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Và vị Tỷ-kheo ấy thuyết pháp rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị Tỷ-kheo ấy thuyết pháp rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị ấy tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan sanh. Do hân hoan sanh nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ hai, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới. 4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo đọc tụng pháp như vậy, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng, một cách rộng rãi như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy vị Tỷ-kheo ấy tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ ba, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới. 5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư, không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng một cách rộng rãi cho người khác. Vị ấy không đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã nghe, như đã được học thuộc lòng. Nhưng vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tự, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã được đọc tụng. Vị Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, do với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã được đọc tụng như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ tư, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới. 6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai vị Ðạo Sư không thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Vị Tỷ-kheo ấy không thuyết pháp một cách rộng rãi cho các người khác, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy không đọc tụng pháp ấy một cách rộng rãi, như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Vị ấy không với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý quán sát pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng. Vị ấy pháp như đã được nghe, như đã học thuộc lòng. Nhưng vị ấy khéo nắm giữ một định tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thông đạt với trí tuệ như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp nên hân hoan. Do hân hoan, nên hỷ sanh... tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ năm, ở đây, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm... được đạt tới. 7. Có năm giải thoát xứ này, này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tính cần, thời tâm chưa giải thoát, dược giải thoát, hay các lậu hoặc chưa đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt đến. (VII) (27) Ðịnh 1. - Này các Tỷ-kheo, thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh thường niệm, tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy khởi lên năm trí. Thế nào là năm? 2. Ðịnh này hiện tại lạc và tương lai có quả dị thục lạc, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Ðịnh này thuộc bậc Thánh, không thuộc vật chất, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Ðịnh này không do người ác thực hiện, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Ðịnh này an tịnh, thù diệu đem đến khinh an, đạt được nhất tâm, không phải là sự chế ngự gò ép thường xuyên, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên: "An tịnh, ta nhập định này. An tịnh, ta xuất khỏi định này", trong mỗi người trí (như vậy) khởi lên. Này các Tỷ-kheo, thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy, khởi lên năm trí này. (VIII) (28) Năm Chi Phần 1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng. - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: - Này các Tỷ-kheo, như thế nào là sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần? 2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. 3. Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho dung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Ðây là sự tu tập thứ nhất về Thánh chánh định gồm có năm chi phần. 4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. 5. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước, nước tự dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nuớc ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần tẩm ướt làm cho sung mãn tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Ðây là sự tu tập thứ hai về Thánh chánh định gồm có năm chi phần. 6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. 7. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay sen trắng, những bông hoa ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ ba về Thánh chánh định gồm có năm chi phần. 8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. 9. Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngồi người dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che phủ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân này với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ tư về Thánh chánh định gồm có năm chi phần. 10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được vị Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ. 11. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi, hay người ngồi quán sát người nằm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thế nhập với trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ năm về Thánh chánh định gồm có năm chi phần. Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy dầu thuộc loại xứ nào. 12. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè nước đặt trên một cái giá, ghè ấy đựng đầy nước, tràn đầy đến nỗi con quạ có thể uống được. Và một người có sức mạnh đến lắc qua lắc lại cái ghè ấy, như vậy nước có đổ ra chăng? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào. 13. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước trên một khoảnh đất bằng, bốn góc có bờ đê đắp cao đầu tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được. Rồi một người có sức mạnh đến tháo bờ đê chỗ này chỗ kia, như vậy nước có đổ ra chăng? - Thưa có, bạch Thế Tôn. - Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập như vậy... dầu thuộc loại xứ nào. 14. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đất bằng, tại chỗ ngã tư, có một chiếc xe đang đậu, thắng với ngựa thuần chủng, có gậy thúc ngực đặt ngang sẵn sàng. Có người huấn luyện ngựa thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngựa, leo lên xe ấy, tay trái nắm lấy dây cương tay mặt cầm lấy gậy thúc ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui tại chỗ nào và như thế nào theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào. 15. Nếu vị ấy ước muốn: "Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân... " (như trên, số 23, mục 6)... dầu thuộc loại xứ nào. 16. Nếu vị ấy ước muốn: "Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân... " (như trên, số 23, mục 7) 17. Nếu vị ấy ước muốn: "Mong rằng với tâm của mình có thể hiểu biết được tâm của các loại chúng sanh khác... " (như trên, số 23, mục 8)... 18. Nếu vị ấy ước muốn: "Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời... " (như trên, số 23, mục 9)... 19. Nếu vị ấy ước muốn: "Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống chết của chúng sanh... " (như trên, số 23, mục 10) 20. Nếu vị ấy ước muốn: "Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát". Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào. (IX) (29) Kinh Hành 1. - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của kinh hành. Thế nào là năm? 2. Kham nhẫn được đường trường; kham nhẫn được tinh cần; ít bệnh tật; đưa đến tiêu hóa tốt đẹp các đồ được ăn, được uống, được nhai, được nếm; định chứng được trong khi kinh hành được tồn tại lâu dài. Những pháp này, này các Tỷ-kheo là năm lợi ích của kinh hành. (X) (30) Tôn Giả Nàgita 1. Như vầy tôi nghe: Một thời, Thế Tôn bộ hành giữa các người Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến một làng Bà-la-môn tên là Icchànangalam. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchànangalam, trong khóm rừng Icchànangalam. Các Bà-la-môn gia chủ ở Icchànangalam được nghe: "Sa-môn Tôn giả Gotama là Thích tử xuất gia từ gia đình họ Thích, đã đến Icchànangalam, trú ở Icchànanagalam trong khóm rừng Icchànangalam. Về Tôn giả Gotama ấy, tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi: "Ðây là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn các loài Trời và Người. Sau khi đã chứng ngộ, Ngài tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Tốt đẹp thay, sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!"" Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Icchànangalam, sau khi đêm ấy đã màn, cầm theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đi đến khóm rừng Icchànangalam, sau khi đến, đứng ở ngoài cổng vào, và lớn tiếng làm huyên náo. 2. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nàgita là thị giả của Thế Tôn. rồi Thế Tôn bảo Tôn già Nàgita: - Này Nàgita, những ai đã đến, và làm ồn ào như những hàng cá với đống cá lớn? - Các người ấy, bạch Thế Tôn, là các Ba-la-môn gia chủ ở Icchànangalam, đang đứng ở ngoài cổng vào, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cho Thế Tôn và chúng Tăng. - Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức, tìm được an ổn, lạc viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức. Hãy để học thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc. 3. - Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận! Nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Bà-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ cũng sẽ đi đến với tâm hướng về cúng dường. Ví như trời mưa nặng hạt, và nước mưa được chảy tùy theo chiều dốc. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Ba-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ họ cũng sẽ đi đến, với tâm hướng về cúng đường. Vì cớ sao? Bạch Thế Tôn, do vì giới hạnh và trí tuệ của Thế Tôn 4. - Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng, và danh vọng không vó liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức, tìm được an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không phí sức. Hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc. Này Nàgita, với ai ăn, uống, nhai, nếm, thời đại tiện, tiểu tiện, là kết quả tất nhiên cho người ấy. Với những ai nặng nề về ái lạc, này Nàgita, sự biến hoại, đổi khác, sầu bi khổ ưu não khởi lên. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Những ai chuyên chú tâm về tướng bất tịnh, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với tịnh tướng được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán vô thường trong sáu xúc xứ, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với xúc được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán sanh diệt đối với năm thủ uẩn, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với chấp thủ được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy.
IV. Phẩm Sumanà (I) (31) Sumanà , Con Gái Vua 1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cổ xe, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Sumanà, con gái vua bạch Thế Tôn: 2. - Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai được sanh lên cõi lành Thiên giới. Giữa hai vị thiên ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì? Thế Tôn đáp: - Có sự sai biệt, này Sumanà. 3. Người có bố thí, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không có bố thí trên năm phương diện. Về thiên thọ mạng, về thiên sắc, về thiên lạc, về thiên danh xưng, về thiên tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện này. 4. - Bạch Thế Tôn, nếu họ từ đây mạng chung, trở lại trạng thái này, khi họ trở lại làm người, bạch Thế Tôn, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì? Thế Tôn đáp: - Có sự sai biệt, này Sumanà. 5. Người có bố thí, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện: Về nhân thọ mạng, về nhân sắc, về nhân lạc, về nhân danh xưng, về nhân tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện này 6. - Bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Giữa hai người xuất gia ấy, bạch Thế Tôn có thể có những đặc thù gì, những sai khác gì? Thế Tôn đáp: - Có sự sai biệt, này Sumanà. 7. Người có bố thí, khi được xuất gia, vượt qua vị xuất gia không có bố thí trên năm phương diện: Thường hay được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Này Sumanà, người có bố thí khi được xuất gia, vượt qua người không có bố thí trên năm phương diện này. 8. - Nhưng bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều chứng quả A-la-hán. Với hai vị chứng đạt A-la-hán ấy, bạch Thế Tôn có sự đặc thù nào, có sự sai khác nào? 9. - Ở đây, này Sumanà, Ta nói không có sự sai khác nào, tức là so sánh giải thoát với giải thoát. 10. - Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Xa cho đến như vậy là vừa đủ để bố thí, là vừa đủ để làm cho các công đức. Vì rằng chúng là những giúp đỡ, những công đức cho chư Thiên, chúng là những giúp đỡ, những công đức cho loài Người, chúng là những giúp đỡ, những công đức cho các người xuất gia. - Sự việc là như vậy, này Sumanà, là vừa đủ, này Sumanà, để bố thí, là vừa đủ để làm các công đức. Chúng là những giúp ích, những công đức cho chư Thiên. Chúng là những giúp ích, những công đức cho loài Người. Chúng là những giúp ích, những công đức cho những người xuất gia. 11. Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
(II) (32) Cundì, Con Gái Vua 1. Một thời, Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Cundì, con gái vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cỗ xe đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Cundì, con gái vua bạch Thế Tôn: 2. - Anh của chúng con, bạch Thế Tôn, hoàng tử Cunda nói như sau: "Nếu có người đàn bà hay người đàn ông quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ say đắm rượu men, rượu nấu, người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, nhất định sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ". Nhưng bạch Thế Tôn, con xin hỏi Thế Tôn: Với lòng tin bậc Ðạo Sư như thế nào, bạch Thế Tôn sau khi thân hoại mạng chung: nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? Với lòng tin Pháp như thế nào, sau khi thân hoại mạng chung, nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? Với lòng tin chúng Tăng như thế nào, sau khi thân hoại mạng chung, nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? Làm cho đầy đủ các giới như thế nào, sau khi thân loại mạng chung, nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ? 3. - Dầu cho các loại hữu tình nào, này Cundì, không chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác được xem là tối thượng. Những ai đặt lòng tin vào đức Phật, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Vơi những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng. 4. Dầu cho loại pháp nào, này Cundì, hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng trong tất cả pháp, (tức là) sự chiếc phục kiêu mạn, dự nhiếp phục khao khát, sự nhổ lên dục ái, sự chặt đứt tái sanh, sự đoạn diệt tham ái, sự ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Những ai đặt lòng tin vào pháp ly tham, này Cundĩ, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng. 5. Dầu cho loại chúng Tăng hay Hội chúng nào, này Cundì, chúng Tăng đệ tử của Như Lai, được xem là tối thượng trong tất cả hội chúng ấy, tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng đệ tử của Như Lai đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng đường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời. Những ai đặt lòng tin vào chúng Tăng, này Cundì, họ đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng. 6. Dầu cho loại giới nào, này Cundì, các giới được bậc Thánh ái kính được gọi là tối thượng trong các giới ấy, tức là giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được bậc trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến chánh định. Với những ai làm cho đầy đủ trong các giới luật được các bậc Thánh ái kính, họ làm cho đầy đủ những gì tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, họ được quả dị thục tối thượng.
(III) (33) Uggaha, Người Gia Chủ 1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bhaddiya, trong rừng Jàti. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn: 2. - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nhận lời mời của con, ngày mai đến dùng bữa ăn, với Thế Tôn là người thứ tư. Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. 3. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Uggaha, cháu trai của Mendaka; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, với tay của mình thân mời và làm cho thỏa mãn Thế Tôn với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, sau khi Thế Tôn dùng bữa ăn xong, tay rời khỏi bát, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn: - Những đứa con gái này của con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới chúng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyên dạy chúng, để chúng được hạnh phúc an lạc lâu dài. 4. Rồi Thế Tôn nói với các người con gái ấy: - Này các thiếu nữ, các Con hãy học tập như sau: "Ðối với những người chồng nào, mẹ cha cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước, chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập. 5. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Những ai, chồng ta kính trọng, như mẹ, cha, Sa-môn, Bà-la-môn, chúng ta sẽ tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường và khi họ đến, chúng ta sẽ dâng hiến họ chỗ ngồi và nước." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập. 6. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có những công nghiệp trong nhà, hoặc thuộc về len vải hay vải bông, ở đây, chúng ta sẽ phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập. 7. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình". Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập. 8. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chống đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng, và sẽ gìn giữ để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại". Như vậy, này các Thiếu nữ, các con cần phải học tập. Thành tựu năm pháp này, này các Thiếu nữ, người đàn bà, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên có thân khả ái.
(IV) (34) Ðại Tướng Sìha 1. Một thời, Thế Tôn ở Vesàlì, tại Ðại Lâm ở giảng đường có nóc nhọn. Rồi tướng quân Sìha đi đến thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn: - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể trình bày cho con về quả thiết thực hiện tại của bố thí? Thế Tôn đáp: 2. - Có thể được, này Sìha! Người bố thí, này Sìha, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích. Này Sìha, người bố thí, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích, đây quả bố thí thiết thực hiện tại 3. Lại nữa, này Sìha! Bậc thiện, bậc Chân nhân thân cận người bố thí, người thí chủ. Này Sìha, bậc Thiện, bậc Chân nhân, thân cận người bố thí, người thí chủ. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại. 4. Lại nữa, này Sìha! Người bố thí, người thí chủ được đồn tốt đẹp truyền đi. Này Sìha, người bố thí, người thí chủ được tiếng đồn tốt đẹp truyền đi. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại. 5. Lại nữa, này Sìha, người bố thí, người thí chủ đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-ly, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn. Vị ấy đi đến với tự tín, không có do dự hoang mang. Này Sìha, người bố thí, người thí đi đến hội chung nào, hoặc hội chúng Sát Ðế Lỵ, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn; vị ấy đi đến với tự tin, không có do dự hoang mang. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại. 6. Lại nữa, Sìha! Người bố thì, người thí chủ, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Người bố thí, người thí chủ, này Sìha, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Này Sìha, đây là quả bố thí thiết thực hiện tại. 7. Ðược nói vậy, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn: - Bốn quả bố thí thiết thực hiện tại này, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn nói đến, con không nhờ chúng đi đến lòng tin Thế Tôn. Con biết được chúng. Bạch Thế Tôn, con là người bố thì, là thí chủ được quần chúng ái mộ ưa thích. Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, người thí chủ được bậc thiện, bậc Chân nhân thân cận với con. Bạch Thế Tôn, con là người bồ thì, người thì chủ. Tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi về con:" Tướng quân Sìha là người bố thí, là người làm việc, là người hộ trì chúng Tăng." Bạch Thế Tôn, con là người bố thí, là người thí chủ. Con đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-ly, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn. Con đi đến với lòng tự tín, không do dự hoang mang. Bốn quả bố thí hiện tại này, bạch Thế Tôn, được Thế Tôn nói đến, con không nhờ chúng đi lòng tin Thế Tôn. con biết được chúng. Nhưng bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn nói với con: "Người bố thí, này Sìha, người thí chủ sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới." Ðiều này con không được biết, ở đây con đi đến lòng tin Thế Tôn. - Sự kiện là vậy, này Sìha! Sự kiện là vậy, này Sìha! Người bố thí, người thí chủ, sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, Thiên giới.
(V) (35) Lợi Ích và Bố Thí - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của bố thí. Thế nào là năm? Ðược nhiều người ái mộ, ưa thích; được bậc Thiện nhân, Chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là lợi ích của bố thí.
(VI) (36) Cho Ðúng Thời - Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí đúng thời này. Thế nào là năm? Bố thí cho người đến, bố thí cho người đi, bố thí cho người đau bệnh, bố thí trong thời đói, phàm có những hoa quả gì mới gặt hái được, dành chúng đầu tiên để cúng dường các bậc giữ giới. Này các Tỷ-kheo, năm pháp này là năm bố thí đúng thời.
(VII) (37) Bố Thí Bữa Ăn - Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ-kheo, người thí chủ đem lại cho người thọ lãnh năm điều. Thế nào là năm? Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh, cho biện tài. Cho thọ mạng, vị ấy được chia thọ mạng chư Thiên hay loài Người. Cho dung sắc, vị ấy được chia dung sắc chư Thiên hay loài Người. Cho an lạc, vị ấy được chia an lạc chư Thiên hay loài Người. Cho sức mạnh, vị ấy được chia sức mạnh chư Thiên hay loài Người. Cho biện tài, vị ấy được chia biện tài chư Thiên hay loài Người. Người bố thí bữa ăn, này các Tỷ-kheo, người thí chủ đem lại cho người thọ lãnh năm điều này.
(VIII) (38) Sự Lợi Ích Lòng Tin 1. - Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này cho thiên nam tử có lòng tin. Thế nào là năm? Các Thiện nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến vị có lòng tin, không có như vậy đối với vị không có lòng tin; khi đến thăm, trước hết họ đến thăm vị có lòng tin, không có như vậy đối với vị không có lòng tin; khi chấp nhận, họ chấp nhận (các món ăn) trước hết từ những người có lòng tin, không từ những người không có lòng tin; họ thuyết pháp trước hết cho những người có lòng tin, không cho những người không có lòng tin; người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi Trời. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm lợi ích cho thiên nam tử có lòng tin. 2. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên khoảnh đất tốt, tại ngã tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim chung quanh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thiện nam tử có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, cho nam cư sĩ và cho nữ cư sĩ.
(IX) (39) Con Trai - Thấy năm điều này, này các Tỷ-kheo, mẹ cha muốn con trai sanh trong gia đình. Thế nào là năm? Ðược giúp đỡ, sẽ giúp đỡ chúng ta; hay sẽ làm công việc cho chúng ta; sẽ duy trì lâu dài truyền thống gia đình; sẽ tiếp tục di sản thừa hưởng; sẽ cúng dường hiến vật cho các hương linh bị mệnh chung. Do thấy năm điểm này, này các Tỷ-kheo, mẹ cha muốn con trai sanh trong gia đình.
(X) (40) Cây Sàla Lớn - Dựa trên vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các cây sàla lớn được lớn lên trên năm phương diện. Thế nào là năm? Chúng lớn lên về cành cây, về lá, về toàn bộ lá cây; chúng lớn lên về đọt cây, chúng lớn lên về vỏ cây; chúng lớn lên về giác cây; chúng lớn lên về lõi cây. Dựa trên núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các cây sàla lớn, được lớn lên trên năm phương diện này. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, dựa trên thiên nam tử có lòng tin, các người trong gia đình lớn lên về năm phương diện. Thế nào là năm? Lớn lên về lòng tin; lớn lên về giới; lớn lên về học hỏi; lớn lên về bố thí; lớn lên về trí tuệ. Dựa trên thiên nam tử có lòng tin, các người trong gia đình lớn lên từ năm sự lớn lên này.
V. Phẩm Vua Munda (I) (41) Trở Thành Giàu 1. Như vầy tôi nghe: Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên: 2. - Này Gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Ðây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản. 3. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Vị ấy làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Ðây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản. 4. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mổ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp. Các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự được chận đứng, và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Ðây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản. 5. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, có thể làm năm hiến cúng. Hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho hương linh đã chết (peta), hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Ðây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản. 6. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục, nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời. Ðây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản. Này Gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. 7. Này Gia chủ, đối với vị Thánh đệ tử gầy dựng tài sản với năm lý do này, khi tài sản đi đến hoại diệt, vị ấy suy nghĩ như sau: "Các tài sản do những lý do để gầy dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến hoại diệt", vị ấy không có hối hận. Này Gia chủ, đối với vị Thánh đệ gầy dựng tài sản với năm lý do này, nếu tài sản ấy đi đến tăng trưởng, vị ấy suy nghĩ như sau: "Các tài sản do những lý do gầy dựng, ta đã gầy dựng chúng. Nay các tài sản ấy của ta đi đến tăng trưởng". Như vậy, cả hai phương diện, vị ấy không có hối hận.
(II) (42) Bậc Chân Nhân 1. - Bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, sinh ra trong gia đình, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho mẹ cha; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho vợ con; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các người hầu hạ, làm công; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các bạn bè, thân hữu; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các Sa-môn, Bà-la-môn. 2. Này các Tỷ-kheo, ví như trận mưa lớn đem lại các mùa gặt được nhiều chín muồi, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho nhiều người. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân sanh ra trong gia đình, đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho mẹ cha; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho vợ con; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các người hầu hạ, làm công; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho bạn bè, thân hữu; đưa lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho các Sa-môn, Bà-la-môn.
(III) (43) Khả Lạc 1. Rồi Gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên: 2. - Có năm pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời. Thế nào là năm? Tuổi thọ khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; dung sắc khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; an lạc khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; tiếng đồn tốt khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời; cõi trời khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời. Này Gia chủ, năm pháp này, khả lạc, khả ý khó tìm được ở đời. Này Gia chủ, năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, Ta tuyên bố không phải do nhân cầu xin, không phải do nhân ước vọng mà có được. 3. Này Gia chủ, nếu năm pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý khó tìm được ở đời này, do nhân cầu xin, do nhân ước vọng mà có được, thời ai ở đời này lại héo mòn vì một lẽ gì? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng, không có thể do cầu xin thọ mạng hay tán thán để làm nhân đem lại thọ mạng. Vị Thánh đệ tử muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường dẫn đến thọ mạng. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến thọ mạng, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được thọ mạng, vị ấy nhận lãnh được thọ mạng hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người. 4. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc, không có thể do cầu xin dung sắc hay tán thán để làm nhân đem lại dung sắc. Vị Thánh đệ tử muốn có dung sắc cần phải thực hành con đường dẫn đến dung sắc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến dung sắc, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được dung sắc, vị ấy nhận lãnh được dung sắc hoặc Chư Thiên, hoặc loài Người. 5. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có an lạc, không có thể do cầu xin an lạc hay tán thán để làm nhân đem đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có an lạc cần phải thực hành con đường dẫn đến an lạc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến an lạc, sự thực hành ấy đưa đến vị ấy nhận lãnh được an lạc, vị ấy nhận lãnh được an lạc hoặc chư Thiên, hoặc loài Người. 6. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt, không có thể do cầu xin tiếng tốt hay tán thán để làm nhân đem đến tiếng tốt. Vị Thánh đệ tử muốn có tiếng tốt cần phải thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến tiếng tốt, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt, vị ấy nhận lãnh được tiếng tốt hoặc chư Thiên, hoặc loài Người 7. Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử muốn có được Thiên giới, không có do cầu xin Thiên giới hay tán thán để làm nhân đem đến Thiên giới. Vị thánh đệ tử muốn có Thiên giới cần phải thực hành con đường dẫn đến Thiên giới. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến Thiên giới, sự thực hành ấy đưa vị ấy nhận lãnh được Thiên giới, vị ấy nhận lãnh được Thiên giới.
(VI) (44) Cho Các Vật Khả Ái 1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, rừng Ðại Lâm, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xứ của gia chủ Ugga người Vesàlì, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ Ugga, người Vesàlì đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Ugga, người Vesàlì bạch Thế Tôn: 2. - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có cháo nấu từ hoa cây sàla thật là khả ý, có thể ăn được. Mong Thế Tôn nhận lấy cháo ấy, vì lòng từ ái! Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái. - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có thịt heo nấu chung với trái táo, thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái (chúng con)! Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái. - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có loại rau ống dài có dầu thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái! Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái. - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có cháo gạo, các hạt đen được loại bỏ dùng với các món canh, các món đồ ăn nhiều loại, thật là khả ái. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái! Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái. - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật khả ái, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có các loại vải dệt từ Kàdi thật là khả ý. Mong Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái! Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái. - Bạch Thế Tôn, con nghe như sau từ miệng Thế Tôn, con có nhận lãnh như sau từ miệng Thế Tôn: "Ai cho vật khả ý, nhận được điều khả ý". Bạch Thế Tôn, con có ghế dài với nệm trải giường bằng lông cừu, chăn len thuê bông, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadalimigapavarapaccat-tharanam, tấm thảm có lọng che phía trên, ghế dài có hai đầu gối chân màu đỏ. Bạch Thế Tôn dầu rằng chúng con được biết: Những vật ấy không phù hợp với Thế Tôn, nhưng bạch Thế Tôn, tấm phản nằm bằng gỗ chiên đàn này đáng giá hơn một trăm ngàn, mong Thế Tôn hãy nhận lấy, vì lòng từ ái! Và Thế Tôn nhận lấy, vì lòng từ ái. Rồi Thế Tôn làm cho tùy hỷ gia chủ Ugga người xứ Vesàlì, với bài kệ tùy hỷ này:
Rồi Thế Tôn sau khi tùy hỷ gia chủ Ugga với bài kệ tùy hỷ này, liền đứng dậy và ra đi. Rồi gia chủ Ugga người Vesàlì, sau một thời gian bị mệnh chung. Bị mệnh chung, gia chủ Ugga người Vesàlì được sanh với một thân rất khả ý. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thiên tử Ugga, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với Thiên tử Ugga đang đứng một bên: - Này Ugga, sự việc có như ý muốn không? - Bạch Thế Tôn, sự việc có được như ý con muốn. Rồi Thế Tôn với bài kệ nói với Thiên tử Ugga:
(V) (45) Phước Ðiền 1. - Này các Tỷ-kheo, có năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc di thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạng phúc, an lạc. Thế nào là năm? 2. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo trong khi hưởng thọ y của ai, đạt đến và an trú vô lượng tâm định, như vậy là nguồn sanh phước vô lượng cho người ấy, là nguồn sanh thiện, là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc di thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạng phúc, an lạc. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi hưởng thọ đồ ăn khất thực của ai... Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi hưởng thọ tinh xá của ai... hưởng thọ giường ghế của ai... hưởng thọ dược phẩm trị bệnh của ai, đạt đến và an trú vô lượng tâm định, như vậy là nguồn sanh phước vô lượng cho người ấy, là nguồn sanh thiện, là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. Này các Tỷ-kheo, năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này là món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. 3. Và này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, thời không dễ gì để nắm lấy một số lượng phước thiện, và nói rằng: "Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc". Vì rằng cả khối phước thiện lớn được xem là vô số, vô lượng. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong biển lớn, thật không dễ gì để nắm lấy một số lượng nước và nói rằng: "Có chừng ấy thùng nước, hay có chừng ấy trăm thùng nước, hay có chừng ấy ngàn thùng nước, hay có chừng ấy trăm ngàn thùng nước." Vì rằng cả khối lượng lớn nước được xem là vô số, vô lượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu năm nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện này, thời không dễ gì để nắm lấy một số lượng phước thiện và nói rằng: "Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện. món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục đem đến cõi Trời, đưa đến khả lạc. khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc". Vì rằng cả khối thiện lớn được xem là vô số, vô lượng. Biển lớn không hạn lượng,
(VI) (46) Cụ Túc - Này các Tỷ-kheo, có năm cụ túc này. Thế nào là năm? Tín cụ túc, giới cụ túc, văn cụ túc, thí cụ túc, tuệ cụ túc. Những pháp này, này các Tỷ-kheo là năm cụ túc. (VII) (47) Tài Vật 1.- Này các Tỷ-kheo, có năm tài sản này. Thế nào là năm? Tín tài, giới tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín tài? 2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, Bậc La-hán, Chánh Ðẳng Giác,... Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giới tài? 3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là văn tài? 4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử nghe được nhiều... khéo thể nhập với tri kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là văn tai. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài? 5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thí tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ tài? 6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ đối với sanh diệt và sự thể nhập bậc Thánh đưa đến đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ tài. Các pháp này, này các Tỷ-kheo là năm tài sản.
(VIII). (48) Sự Kiện Không Thể Có Ðược 1.- Này các Tỷ-kheo, có năm sự kiện này không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm? 2. Phải bị già, muốn khỏi già, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Phải bị bệnh, muốn không bệnh... Phải bị chết, muốn không chết... Phải hoại diệt, muốn không hoại diệt... Phải bị tiêu diệt, muốn không tiêu diệt. là một sự kiện không thể có dược bởi một Sa môn hay Bà la môn, bởi Ma hay Phạm Thiên, hay bởi một ai ở đời. 3. Với kẻ phàm phu không học, này các Tỷ-kheo, phải bị già và già đến; khi già đến, kẻ ấy không suy tư: "Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến, nhưng đối với loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn". Kẻ ấy phải bị già, khi già đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự làm mình ưu não. 4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với kẻ phàm phu, không học phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, kẻ ấy không suy tư: "Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến, nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt, và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn". Kẻ ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ phàm phu không học, bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, kẻ ấy tự làm mình ưu não. 5. Với vị Thánh đệ tử có học, này các Tỷ-kheo. phải bị già và già đến; khi già đến, vị ấy suy tư như sau: "Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị già, và già đến. Và nếu phải bị già và già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn:. Vị ấy phải bị già, khi già đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình được hoàn toàn tịch tịnh. 6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, với vị Thánh đệ tử có học, phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến...phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, vị ấy suy tư như sau: "Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt, và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn". Vị ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến. không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự mình làm ưu não. Không sầu muộn, không bị bắn tên, vị Thánh đệ tử làm cho chính mình hoàn toàn tịch tịnh. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm sự kiện không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.
(IX) (49) Người Kosala 1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), khu vườn ông Anàthapindika. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ hoành hậu Mallikà mệnh chung. Rồi một người đi đến Pasenadi nước Kosala; sau khi đến, báo tin kề bên tai vua Pasenadi nước Kosala: "Tâu Ðại vương, hoàng hậu Mallikà đã mệnh chung". Ðược nghe nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala khổ đau, ưu tư, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, không nói nên lời. Rồi Thế Tôn biết được vua Pasenadi nước Kosala đang đau khổ, ưu tư, thụt vai, cúi đầu, sững sờ, không nói nên lời, liền nói với vua Pasenadi nước Kosala: 2. - Thưa Ðại vương, có năm sự kiện này không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm?
(X) (50) Tôn Giả Nàrada 1. Một thời, Tôn giả Nàrada trú ở Pàtaliputta tại khu vườn Kukkuta (Kê Viên). Lúc bấy giờ, hoàng hậu Bhaddà của vua Munda mệnh chung, được ái luyến thương yêu. Vì quá thương yêu hoàng hậu Bhaddà, vua không tắm rửa, không thoa dầu, không ăn uống, không lo các công việc, ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân của hoàng hậu Bhaddà. Rồi vua Munda bảo Piyaka, người giữ kho bạc: - Này Piyaka, hãy đặt thân hoàng hậu Bhaddà vào trong một hòm sắt đựng đầy dầu, và đậy lại với một hòm bằng sắt khác; nhờ vậy chúng ta có thể thấy thân hoàng hậu Bhaddà lâu hơn. - Thưa vâng, tâu Ðại vương. Piyaka, người giữ kho bạc vâng đáp vua Munda, đặt thân hoàng hậu Bhaddà vào trong một hòm sắt đều đầy dầu, và đậy lại với một hòm bằng sắt khác. Rồi Piyaka, vị giữ kho bạc cho vua nghĩ như sau: " Hoàng hậu Bhaddà của vua Munda này đã mệnh chung, được ái luyến thương yêu, vì quá thương yêu hoàng hậu Bhaddà, vua không tắm rửa, không thoa dầu, không ăn uống, không lo các công việc, ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân của hoàng hậu Bhaddà. Hãy để vua Munda đến yết kiến một vị Sa-môn hay Bà-la-môn, sau khi nghe pháp từ vị ấy, có thể bỏ được mũi tên sầu muộn". Rồi Piyaka, người giữ kho bạc nghĩ như sau: "Có Tôn giả Nàrada này trú ở Pàtaliputta, tại khu vườn Kukkuta. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Nàrada: "Bậc Hiền trí, thông minh, bậc trí giả, được nghe nhiều, khéo nói, thiện biện tài, bậc Trưởng lão, bậc A-la-hán". Hãy để vua Munda đến yết kiến Tôn giả Nàrada. Sau khi nghe pháp từ vị ấy, vua có thể gạt bỏ mũi tên sầu muộn". Rồi Piyaka, người giữ kho bạc đi đến vua Munda, sau khi đến, nói với vua Munda: -Tâu Ðại vương, có Tôn giả Nàrada nay trú ở Pàtaliputta, tại khu vườn Kukkuta. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Nàrada: "Bậc Hiền trí, thông minh, bậc trí giả, được nghe nhiều, khéo nói, thiện biện tài, bậc Trưởng lão, bậc A-la-hán". Nếu Ðại vương yết kiến Tôn giả Nàrada, rất có thể, sau khi nghe pháp từ Tôn giả Nàrada, Ðại vương có thể gạt bỏ mũi tên sầu muộn. - Vậy này Piyaka, hãy tin cho Tôn giả Nàrada được biết. Rồi vua nghĩ: "Làm sao ta tự nghĩ, một người như ta, phải đến thăm như thế nào một Sa-môn hay Bà-la-môn sống ở trong quốc độ, từ trước chưa được ai biết?" - Thưa vâng, tâu Ðại vương Pijaka, người giữ kho bạc vâng đáp vua Munda; đi đến Tôn giả Nàrada, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Nàrasa rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Piyaka, vị giữ kho bạc bạch Tôn giả Nàrada: Hoàng hậu Bhaddà của vua Munda, thưa Tôn giả, đã mệnh chung, được ái luyến, thương yêu. Vì quá thương yêu hoàng hậu Bhaddà, nên vua không tắm, không thoa dầu, không ăn uống, không lo các công việc, ngày đêm sầu muộn, ôm ấp thân hoàng hậu Bhaddà. Lành thay, Nếu Tôn giả Nàrada thuyết pháp cho vua Munda như thế nào để vua Mundasau khi nghe pháp từ Tôn giả Nàrada, có thể gạt bỏ mũi tên sầu muộn. - Này Piyaka, nay là thời để vua Munda làm những gì vua nghĩ là phải thời. Rồi Piyaka, người giữ kho bạc, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ tôn giả Nàrada, thân bên hữu hướng về ngài rồi ra đi, và đi đến vua Munda; sau khi đến, thưa với vua Munda: - Tâu Ðại vương, cơ hội đã được sắp đặt với Tôn giả Nàrada. Này Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là phải thời. - Vậy này Piyaka, hãy cho thắng các cỗ xe tốt đẹp. - Thưa vâng, tâu Ðại vương. Pikaka, người giữ kho bạc vâng đáp vua Munda, cho thắng các cỗ xe tốt đẹp, rồi thưa với vua Munda: - Tâu Ðại vương, các cỗ xe tốt đẹp đã thắng xong. Nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là phải thời. 2. Rồi vua Munda leo lên cỗ xe tốt đẹp, cùng với các cỗ xe tốt đẹp khác đi đến khu vườn Kukkuta với uy nghi oai lực của nhà vua để yết kiến Tôn giả Nàrada. Vua đi xe xa cho đến đường đất xe có thể đi được, rồi xuống xe, đi bộ vào khu vườn. Rồi vua Munda đi đến Tôn giả Nàrada, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Nàrada rồi ngồi xuống một bên. Rồi Tôn giả Nàrada nói với vua đang ngồi một bên. - Thưa Ðại vương, có năm sự kiện này không thể có được bởi một Sa-môn, hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Thế nào là năm? 3. Bị già và muốn không già, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Bị bệnh và muốn không bệnh... bị chết và muốn không chết... bị hoại diệt và muốn không hoại diệt... bị hoại diệt và muốn không tiêu diệt, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. 4. Với phàm phu không học, thưa Ðại vương, phải bị già và già đến; và khi già đến, kẻ ấy không suy tư: "Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống, không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến, kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn". Kẻ ấy phải bị già, khi già đến, sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Thưa Ðại Vương, đây gọi là kẻ phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trùng, kẻ ấy tự làm mình ưu não. 5. Lại nữa, thưa Ðại vương, với kẻ phàm phu không học, phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, kẻ ấy không suy tư: "Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ, bạn bè sẽ lo buồn". Kẻ ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến, sầu, bi than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Thưa Ðại vương, đây gọi là kẻ phàm phu không học bị mũi tên sầu muộn tẩm thuốc độc bắn trúng, vị ấy tự làm mình ưu não. 6. Với vị Thánh đệ tử có học, thưa Ðại vương, bị già đến; và già đến; khi già đến, vị ấy có suy tư: "Không phải chỉ một mình ta phải bị già và già đến. Nhưng đối với các loài hữu tình có đến, có đi; có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị già và già đến. Và nếu phải bị già và khi già đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích; thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn". Vị ấy phải bị già, khi già đến, không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngựa, không đi đến bất tỉnh. Thưa Ðại vương, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc, mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn trúng, vị Thánh đệ tử tự làm mình được hoàn toàn tịch tịnh. 7. Lại nữa, thưa Ðại vương, với vị Thánh đệ tử có học phải bị bệnh và bệnh đến... phải bị chết và chết đến... phải bị hoại diệt và hoại diệt đến... phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến; khi tiêu diệt đến, vị ấy có suy tư: "Không phải chỉ một mình ta phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Nhưng đối với các loài hữu tình, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình đều phải bị tiêu diệt và tiêu diệt đến. Và nếu phải bị tiêu diệt và khi tiêu diệt đến, ta lại sầu, bi, than khóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, thời ăn uống không làm ta ưa thích, thân ta trở thành xấu xí; các công việc không có xúc tiến; kẻ thù sẽ hoan hỷ; bạn bè sẽ lo buồn". Vị ấy phải bị tiêu diệt, khi tiêu diệt đến không sầu, không bi, không than khóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh. Thưa Ðại vương, đây gọi là vị Thánh đệ tử có học, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn có tẩm thuốc độc mà kẻ phàm phu không học bị bắn trúng, tự làm mình ưu não. Không sầu muộn, không bị tên bắn, vị Thánh đệ tử tự làm mình được hoàn toàn tịch tịnh. Các pháp này, thưa Ðại vương, là năm sự kiện không thể có được bởi Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời.
8. Sau khi được nghe như vậy, vua Munda thưa với Tôn giả Nàrada: - Thưa Tôn giả, pháp thoại này tên gì? - Thưa Ðại vương, pháp thoại này tên là "Nhổ lên mũi tên sầu muộn". - Thật vậy, thưa Tôn giả, được nhổ lên là mũi tên sầu muộn! Khi con nghe pháp thoại này, mũi tên sầu muộn đã được đoạn tận. Rồi vua Munda bảo Piyaka, vị gìn giữ kho bạc: - Này Piyaka, hãy cho thiêu đốt thân của hoàng hậu Bhaddà, rồi xây tháp cho hoàng hậu. Bắt đầu từ hôm sau, chúng ta sẽ tắm rửa, sẽ thoa dầu, sẽ ăn cơm, sẽ lo làm các công việc.
VI. Phẩm Triền Cái (I) (51) Ngăn Chặn 1. Như vậy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: - Này các Tỷ-kheo. - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 2. - Có năm chướng ngại, triền cái này, này các Tỷ-kheo, bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Thế nào là năm? 3. Dục tham, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái boa phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Sân, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại triền cái bao phủ tâm làm yếu ớt trí tuệ. Hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Trạo hối, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Nghi, này các Tỷ-kheo, là chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm chướng ngại, triền cái bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. 4. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Không có sức mạnh, và trí tuệ yếu kém, sẽ biết lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay có thể biết lợi ích của cả hai, hay sẽ chứng ngộ được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông chảy, từ núi xuống, chảy thật xa, dòng chảy nhanh cuốn trôi mọi vật. Rồi có người lấy cày mở hai bên bờ sông. Như vậy, này các Tỷ-kheo, dòng sông ấy ở chặng giữa bị trở ngại, tràn rộng, bị chuyển hướng, không còn chảy ra xa, không còn chảy nhanh, không cuốn trôi mọi vật. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Không có sức mạnh và trí tuệ yếu kém, sẽ biết được lợi ích của mình, của cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, trí kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này không xảy ra. 5. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy, sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ. Có sức mạnh và có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích của mình, hay sẽ biết lợi ích của người, hay sẽ biết được lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra. Ví như, này các Tỷ-kheo, một con sông chảy từ núi xuống, chảy thật xa, dòng nước chảy nhanh, cuốn trôi mọi vật. Có người chận đóng lại các cửa miệng hai bên bờ sông. Như vậy, này các Tỷ-kheo, dòng sông ấy ở chặng giữa không bị trở ngại, không có chảy tràn, không bị chuyển hướng, chảy được thật xa, dòng nước chảy nhanh, cuốn trôi mọi vật. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy sau khi đoạn tận năm chướng ngại triền cái này bao phủ tâm, làm yếu ớt trí tuệ, có sức mạnh, có trí tuệ, sẽ biết được lợi ích mình hay sẽ biết được lợi người, hay có thể biết lợi cả hai, sẽ chứng ngộ được pháp thượng nhân, tri kiến thù, thắng, xứng đáng bậc Thánh; sự kiện này có xảy ra.
(II) (52) Ðống 1. - Nói đến một đống bất thiện, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói đến năm triền cái. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống triền cái. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống bất thiện tức là năm triền cái. Thế nào là năm? 2. Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái. Nói đến một đống bất thiện, này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói đến năm triền cái. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, toàn bộ đống bất tiện này, này các Tỷ-kheo, tức là năm triền cái.
(III) (53) Các Chi Phần 1. - Này các Tỷ-kheo, có năm chi phần tinh cần này. Thế nào là năm? 2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc. Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, điều Ngự Trượng Phu, Phật, Thế Tôn. Ngài ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình hợp với tinh tấn. Ngài không lừa đảo, dối gạt, nêu rõ mình như chân đối với bậc Ðạo sư, đối với các vị sáng suốt hay đối với các vị đồng Phạm hạnh. Ngài sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tự các thiện pháp, kiên trì, nỗ lực, không tránh né đối với các thiện pháp. Ngài có trí tuệ, thành tựu trí tuệ hướng đến sanh diệt (của các Pháp), thành tựu thánh thể nhập, đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau." Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm chi phần tinh cần.
(IV) (54) Thời Gian Ðể Tinh Cần 1.- Có năm phi thần để tinh cần, này các Tỷ-kheo. Thế nào là năm? 2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo già yếu, bị già chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ nhất để tinh cần. 3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo bệnh hoạn, bị bệnh hoạn chinh phục. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ hai để tinh cần. 4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi có nạn đói, mất mùa, đồ ăn khất thực khó được, không dễ gì để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Này các Tỷ-kheo, đây là thời gian phi thời thứ ba để tinh cần. 5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có sự sợ hãi về giặc cướp rừng, dân chúng trong nước leo lên xe đi trốn. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ tư để tinh cần. 6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự kết tội lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín, không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Này các Tỷ-kheo, đây là phi thời thứ năm để tinh cần. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm phi thời để tinh cần. 7. Này các Tỷ-kheo, có năm đúng thời này để tinh cần. Thế nào là năm? 8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ nhất để tinh cần. 9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ hai để tinh cần. 10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi ăn uống được đấy đủ, được mùa, đồ ăn khất thực kiếm được thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thứ ba để tinh cần. 11. Lại nữa, này các Tỷ kheo, các Thầy sống với nhau thuận hoà, thân hữu, không cãi lộn nhau, hoà hợp như nước với sữa, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Này các Tỷ kheo, đây là đúng thời thứ tư để tinh cần. 12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hoà hợp, cùng nhau hòa hợp, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng chung một lời dạy. Này các Tỷ-kheo, giữa chúng Tăng hòa hợp, không có mắng nhiếc lẫn nhau, không có đấu khẩu lẫn nhau, không có kết tội lẫn nhau, không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ở đây, những ai không có tịnh tín, tìm được tịnh tín, những ai có tịnh tín, được tăng trưởng nhiều hơn. Này các Tỷ-kheo, đây là đúng thời thú năm để tinh cần. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm đúng thời để tinh cần.
(V) (55) Mẹ Và Con 1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, tại Sàvatthi, cả hai mẹ và con đều an cư vào mùa mưa, nhân danh Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, họ thường xuyên muốn thấy mặt nhau. Mẹ thường xuyên muốn thấy mặt con, và con cũng thường xuyên muốn thấy mặt mẹ. Vì họ luôn luôn thấy nhau, nên có sự liên hệ. Do có sự liên hệ, nên có sự thân mật. Do có sự thân mật, nên có sự sa ngã. Với tâm sa ngã, buông bỏ sự học tập, làm lộ liễu sự yếu đuối, họ rơi vào thông dâm với nhau. 2. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: - Ở đây, bạch Thế Tôn, tại Sàvatthi, cả hai mẹ con cùng an cư vào mùa mưa, nhân danh Tỷ-kheo và Tỷ-kheo-ni, họ thường xuyên muốn thấy mặt nhau, mẹ thường xuyên muốn thấy mặt con và con cũng thường xuyên muốn thấy mặt mẹ. Vì họ thường xuyên thấy nhau, nên có sự liên hệ. Do có sự liên hệ, nên có sự thân mật. Do có thân mật, nên có sự sa ngã. Với tâm sa ngã, buông bỏ sự học tập, làm lộ liễu sự yếu đuối, họ rơi vào thông dâm với nhau. 3.- Sao, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si này lại nghĩ rằng: "Mẹ không tham đắm con, hay con không tham đắm mẹ"? Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một sắc nào khác lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại như vậy cho sự đạt đến an ổn khỏi các khổ ách, tức là, này các Tỷ-kheo, sắc đẹp của nữ nhân. Và này các Tỷ-kheo, loài hữu tình nào ái nhiễm, tham luyến, tham đắm, say đắm, say mê, sắc đẹp của nữ nhân, chúng sẽ sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực nữ sắc. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một tiếng nào khác... một hương nào khác... một vị nào khác... một xúc nào khác lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại như vậy cho sự đạt đến an ổn khỏi các khổ ách, tức là, này các Tỷ-kheo, cảm xúc của nữ nhân. Và này các Tỷ-kheo, loài hữu tình nào ái nhiễm, tham luyến, tham đắm, say đắm, say mê cảm xúc nữ nhân, chúng sẽ bị sầu ưu lâu dài, vì bị rơi vào uy lực của nữ xúc. Nữ nhân, khi đang đi, sẽ đứng lại để chinh phục tâm người đàn ông; khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười, khi nói, khi hát, khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết, sẽ đứng lại để chinh phục tâm người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói rằng: "Là bẩy mồi toàn diện của Màra", thời người ấy đã nói một cách chơn chánh về nữ nhân, thật là "một bẩy mồi hoàn toàn của Màra".
(VI) (56) Thân Giáo Sư 1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến vị giáo thọ của mình, sau khi đến, thưa với vị giáo thọ của mình như sau: - Bạch Thượng tọa, nay thân con cảm thấy như bị say ngọt, con không thấy rõ phương hướng, pháp không được con nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm con và an trú. Không có hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con có những nghi ngờ đối với Chánh pháp. 2. Rồi Tỷ-kheo ấy đem theo một vị Tỷ-kheo cộng trú, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: - Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nói như sau: "Bạch Thế Tôn, thân con cảm thấy như bị say ngọt, mắt con không thấy rõ phương hướng, pháp không được con nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm con và an trú. Không có hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con có những nghi ngờ đối với Chánh pháp". 3.- Sự việc là vậy, này Tỷ-kheo, khi một người sống với các căn không được bảo vệ, với ăn uống không có tiết độ, không có chú tâm cảnh giác, không có quán nhìn các thiện pháp, không có trước đêm và sau đêm chuyên chú tu tập các pháp giác chi. Do vậy, thân Thầy cảm thấy như bị say ngọt, mắt Thầy không thấy rõ phương hướng, pháp không được Thầy nhớ đến. Hôn trầm thụy miên chinh phục tâm Thầy và an trú. Không có hoan hỷ, Thầy sống Phạm hạnh. Thầy có những nghi ngờ đối với Chánh pháp. Do vậy, này Tỷ-kheo, Thầy phải học tập như sau: "Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, quản nhìn các Thiện pháp, trước đêm và sau đêm ta sẽ sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. 4. Rồi Tỷ-kheo ấy được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Rồi Tỷ-kheo ấy sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tin cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng đạt và an trú. Vị ấy hoàn toàn liễu tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không có trở lui trạng thái này nữa". Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán. Rồi Tỷ-kheo đã chứng đắc A-la-hán ấy đi đến vị giáo thọ sư của mình, sau khi đến, thưa với vị giáo thọ sư của mình: 5.- Bạch Thượng tọa, nay thân con không cảm thấy như bị say ngọt, mắt con thấy rõ các phương hướng. Pháp được con nhớ rõ. Với tâm hoan hỷ, con sống Phạm hạnh, Con không còn nghi nhờ đối với các thiện pháp. 6. Rồi Tỷ-kheo ấy đem theo một Tỷ-kheo cộng trú; đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: -Bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo này nói như sau: "Bạch Thế tôn, nay thân con không cảm thấy như bị say ngọt, con thấy rõ các phương hướng, pháp được con nhớ rõ. Với tâm hoan hỷ, con sống Phạm hạnh. Con không còn nghi ngờ đối với các thiện pháp". 7.- Như vậy là phải, này Tỷ-kheo, khi một người sống với các căn được bảo vệ, với ăn uống có tiết độ, có chú tâm cảnh giác, có quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và sau đêm sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi. Do vậy, thân không cảm thấy như bị say ngọt, các phương hướng được hiện rõ, và pháp được người ấy nhớ rõ. Hôn trầm thụy miên không còn chinh phục tâm của vị ấy. Với tâm hoan hỷ, vị ấy sống Phạm hạnh. Vị ấy không còn nghi ngờ đối với các thiện pháp. Vậy này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: "Ta sẽ bảo vệ các căn, có tiết độ trong ăn uống, chuyên tâm cảnh giác quán nhìn các thiện pháp, trước đêm và sau đêm, ta sẽ sống chuyên chú tu tập các pháp giác chi". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
(VII) (57) Sự Kiện Cần Phải Quan Sát 1.- Có năm sự kiện này, này các Tỷ-kheo, cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Thế nào là năm? 2. "Ta phải bị già, không thoát khỏi già" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Tất cả pháp khả ái, khả ý đối với ta sẽ phải đổi khác sẽ phải biến diệt", là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị già, không thoát khỏi già", là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. 3. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, đang còn trẻ, kiêu mãn trong tuổi trẻ, say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn tuổi trẻ trong tuổi trẻ được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị già, không thoát khỏi già", cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị bệnh, ta không thoát khỏi bệnh" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia? 4. Có những loài hữu tình khỏe mạnh, này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong khỏe mạnh. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn khỏe mạnh trong khỏe mạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh" cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị chết, ta không thoát khỏi chết", là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia? 5. Có những lời hữu tình đang sống, này các Tỷ-kheo, kiêu mạn trong sự sống. Do say đắm trong kiêu mạn ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện này, sự kiêu mạn sự sống trong sự sống được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết", cần phải thường xuyên quán sát như vậy bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia? 6. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, có lòng tham dục đối với các vật khả ái. Do say đắm với lòng tham dục ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, nên tham dục đối với các vật khả ái được đoạn tận hoàn toàn hay được giảm thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Tất cả pháp khả ái, khả hỷ đối với ta sẽ phải đổi khác, phải biến diệt" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. Và do duyên lợi ích như thế nào, này các Tỷ-kheo, "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia? 7. Có những loài hữu tình, này các Tỷ-kheo, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do vị ấy thường xuyên quán sát như vậy, ác hạnh được hoàn toàn đoạn tận hay được giảm thiểu. Do duyên lợi ích này, này các Tỷ-kheo, "Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy" là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia. 8. Nếu vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, suy tư như sau: "Không phải chỉ một mình ta già, không thoát khỏi già, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị già, không thoát khỏi già". Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. "Không phải chỉ một mình ta bị bệnh, không thoát khỏi bệnh, nhưng phàm có những loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả loài hữu tình ấy phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh". Do vị ấy thường xuyên quán sát sự kiện ấy, con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt. "Không phải chỉ một mình ta bị chết, không thoát khỏi chết, nhưng phàm có những loài hữu tình nào, có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy phải bị chết, không thoát khỏi chết..." ... "Không phải chỉ có các pháp khả ái, khả ý của riêng một mình ta sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt. Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, các pháp khả ái, khả ý của tất cả loài hữu tình ấy sẽ phải đổi khác, sẽ phải biến diệt...". "Không phải chỉ có một mình ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác ta sẽ thừa tự nghiệp ấy". Phàm có các loài hữu tình nào có đến, có đi, có diệt, có sanh, tất cả các loài hữu tình ấy là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào họ sẽ làm thiện hay ác, họ sẽ thừa tự nghiệp ấy. Do vị ấy thường xuyên quán sát dự kiện ấy, nên con đường được sanh khởi. Vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy sử dụng con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, nên các kiết sử dụng được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.
(VIII) (58) Thanh Niên Licchavi 1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, tại giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Vesàli để khất thực. Sau khi khất thực ở Vesàli xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Ngài đi sâu vào Ðại lâm, và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ban ngày. Lúc bấy giờ, một số đông thanh niên Licchavi cầm các cung được chuẩn bị sẵn sàng với đàn chó bao vây xung quanh, đang đi qua đi lại ở Ðại Lâm, thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây. Thấy vậy họ liền bỏ các cung được chuẩn bị sẵn sàng xuống, kéo đàn chó về một phía và đi đến Thế Tôn. Sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi yên lặng, yên lặng chắp tay đứng hầu Thế Tôn. Lúc bấy giờ, Mahànàma người Licchavi bộ hành đi qua đi lại trong rừng Ðại Lâm, thấy các thanh niên Licchavi đang yên lặng, yên lặng chắp tay đứng hầu Thế Tôn. Thấy vậy, ông đi đến gần Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Mahànàma người Licchavi nói lên lời cảm hứng ngữ: - Họ sẽ trở thành người Vajji! Họ sẽ trở thành người Vajji! - Này Mahànàma, sao Ông lại nói như vậy: "Họ sẽ trở thành người Vajji! Họ sẽ trở thành người Vajji"? - Bạch Thế Tôn, những thanh niên Licchavi này là hung bạo, thô ác, ngạo mạn. Các đồ vật được các gia đình gửi đi như mía, trái táo, bánh ngọt, kẹo đường, họ cướp giật và ăn; họ đánh sau hông các nữ nhân, thiếu nữ các gia đình; nhưng nay họ đứng yên lặng, yên lặng chắp tay hầu hạ Thế Tôn. - Ðối với thiện nam tử nào, này Mahànàma, năm pháp này được tìm thấy, dầu là vua Sát-đế-ly đã làm lễ quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất trại của người cha, hay là vị tướng trong quân đội hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu. Thế nào là năm? 2. Ở đây, này Mahànàma, thiện nam tử, với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cách tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ. Cha mẹ được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương mến người ấy: "Mong rằng (con ta) được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!" Và này Mahànàma, với một thiện nam tử được cha mẹ thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm tiếu. 3. Lại nữa, này Mahànàma, thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ người làm công. Vợ con, người phục vụ, người làm công và vợ con người phục vụ, người làm công và được người ấy cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên lòng thương tưởng người ấy: "Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài!" Và này Mahànàma, một thiện nam tử được vợ con, người phục vụ, người làm công thương tưởng, chờ đợi là sự tăng trưởng không phải là giảm thiểu. 4. Lại nữa, này Mahànama, vị thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảng lễ, cúng dường các người làm ruộng các chức sắc ở biên cương. Những người làm ruộng các chức sắc ở biên cương được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường... chờ đợi là sự tăng trưởng, không có giảm thiểu. 5. Lại nữa, này Mahànama, thiện nam tử với những tải sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn... đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường chư thiên nhận lãnh các vật cúng tế. Chư Thiên nhận lãnh các vật cúng tế được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường... chờ đợi là sự tăng trưởng, không có giảm thiểu. 6. Lại nữa, này Mahànama, thiện nam tử với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn. Các Sa-môn, Bà-la-môn được người ấy cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường với thiện ý, khởi lên trong lòng thương tưởng người ấy: "Mong rằng được sống lâu! Mong rằng thọ mạng được che chở lâu dài." Và này Mahànama, với một thiện nam tử được các Sa-môn, Bà-la-môn thương tưởng, được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu. Ðối với vị thiện nam tử nào, này Mahànama, năm pháp này được tìm thấy, dầu là Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, hay là người thôn quê sống trên đất của người cha, hay là vị tướng trong quân đội, hay là vị thôn trưởng ở làng, hay là vị tổ trưởng các tổ hợp, hay là những vị có quyền thế trong gia tộc, thời được chờ đợi là sự tăng trưởng, không phải là giảm thiểu.
(IX) (59) Khó Tìm Ðược (1) 1. - Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế nào là năm? 2, Thật khó tìm được, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia tuổi lại tế nhị; thật khó tìm được một người có uy nghi tốt đẹp; thật khó tìm được một người nghe nhiều; thật khó tìm được một người thuyết pháp; thật khó tìm được một người trì luật. Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này.
(X) (60) Khó Tìm Ðược (2) 1. Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. Thế nào là năm? 2. Thật khó tìm được, này các tỷ-kheo, một người xuất gia lớn tuổi lại khéo nói; thật khó tìm được một người có khả năng nắm giữ cái gì khéo năm giữ; thật khó tìm được một người có cử chỉ tốt đẹp; thật khó tìm được một người thuyết pháp; thật khó tìm được một người trì luật. Này các Tỷ-kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại thành tựu năm pháp này. -ooOoo- |
Mục Lục các Chương:
01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | Giới thiệu
Revised: 05-10-2000