BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Họ đã nghĩ như thế
Giác Nguyên dịch Việt


  

[13]

Ðại đức Munindo

Sống tỉnh thức


Tiểu sử:

Ðại Ðức Munindo (Keith Morgan) sinh năm 1951, gia đình sống tại Missinswille, Tân Tây Lan (North Island). Người trong nhà đại đức hầu hết là mục sư Tin Lành.

Ðại đức bắt đầu biết đến đạo Phật từ những ngày tháng còn học Tâm Lý Học ở đại học Waikato. Năm 1972 khi sang Úc Châu, đại đức đã gặp các vị tỳ kheo người Thái ở xứ này. Sau đó, trong thời gian ở bang New South Wales, đại đức đã tham dự một khóa thiền dưới sự hướng dẫn của Ngài Ajahn Khantipàlo.

Năm 1973 đại đức rời Châu Úc sang Indonesia để từ đó tìm sang Nhật Bản theo đuổi pháp môn thiền Zen theo truyền thống thiền tông của quốc gia này. Thế rồi đại đức lại đi qua Bangkok để dạy Anh ngữ và tình cờ gặp được Ngài Ajahn Sumedho cùng các vị sư người Tây Phương tại chùa Bovornives. Chính tại đây đại đức đã quyết định xuất gia sa-di rồi sau đó thọ giới tỳ kheo với Hòa thượng Phra Somdet Nànasamvara. Lúc này là năm 1974 và ngay mùa an cư đầu tiên đại đức đã đến nhập hạ với Ngài Ajahn Thate ở chùa Hin Mark Peng gần biên giới Ai Lao.

Sau một cơn trọng bệnh phải nhập viện ở Bangkok, đại đức đã gặp Ngài Ajahn Sumedho rồi theo vị này về chùa Pah Pong rồi xuất gia với thiền sư Ajahn Chah (năm 1975).

Năm 1979, vì tình trạng sức khỏe không được tốt, đại đức đã trở về Tân Tây Lan dưỡng bệnh trong sáu tháng. Lúc này ở cả Auckland và Wellington đều có chư tăng cư trú với những cơ sở vững vàng.

Năm 1980, đại đức lại đi sang Anh quốc để nhập chúng tại Chithurst. Ba năm sau đại đức được cử đến Devon, miền Tây Nam nước Anh để xây dựng một ngôi chùa. Hiện nay đại đức đang sống tại Chithurst và giúp thượng tọa trụ trì giáo dục các vị tân sư.

Bài viết sau đây là một thời pháp đêm của đại đức Munindo tại Trung tâm Phật Giáo Dhammaloka ở Perth trong dịp viếng thăm chùa Bodhinyàna ở miền Tây nước Úc.


Sống Tỉnh Thức.

Tôi vô cùng sung sướng được gặp lại đại đức Ajahn Jagaro sau tám năm trời không gặp nhau. Chúng tôi đã cùng trao đổi về sự phát triển ở các thiền viện cùng những hoạt động Phật sự khác ở các cơ sở mà mình chịu trách nhiệm. Chúng tôi hàn huyên với nhau mà chủ yếu cũng vẫn là để tìm ra những đường hướng hoạt động Phật sự sao cho ngày càng tốt hơn.

Ðiều thú vị nhất của chúng tôi là đã thấy được những thành quả mà mình đạt được trong ngay chính cuộc tu. Tôi còn nhớ rõ, trong lễ thọ giới Sadi tại Thái Lan ngày xưa, tôi thật tình đã không mấy thích thú với cái nghi thức thọ trì quy giới bằng cách phải đọc theo thầy Hòa thượng từng điều một. Tuy vậy, một cảm giác gì đó thật kỳ lạ đã âm thầm xuất hiện trong lòng tôi, để tôi cứ tin chắc rằng mình đã tìm được một chỗ trao gởi đúng đắn.

Thiện cảm của tôi với Phật giáo đã bắt đầu từ một cuốn sách đọc được ở trường đại học. Phải nói rằng tư tưởng Phật giáo đã chinh phục tôi ngay từ sau giây phút đó một cách trọn vẹn, cứ như là một định phận. Tôi đã tìm thấy ở quyển sách Phật đó một niềm vui hết sức kỳ lạ, thứ cảm giác của một người vừa khám phá ra điều gì đó mà mình không ngờ trước được. Về điều này có lẽ không chỉ riêng tôi mà đối với ai cũng thế.

Nhưng cái điều trớ trêu là thực tế luôn khó khăn hơn lý thuyết, Ðức Phật dạy ta nhìn thấu bản chất của đời sống, áp dụng trí tuệ thấu thị vào đời sống, phát triển khả năng tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh của đời sống và chúng ta cũng có vẻ như sẵn sàng làm đúng lời Ngài dạy, chỉ khổ nỗi, cái khả năng tỉnh thức của chúng ta thì lại không đủ để làm được cái gì cả. Ðức Phật dạy chúng ta hãy có một cái nhìn như thật về đời sống để đời sống không còn là những vấn đề cực lòng cho mọi người nữa. Ðối với Ðức Phật, chuyện đời chẳng là vấn đề gì hết bỡi Ngài luôn có thể nhìn thấy tất cả. Còn đối với chúng ta, chúng ta không được như Ðức Phật nên dầu cuộc đời có ra sao đi nữa, nó vẫn cứ là cái đày ải chúng ta. Ðiều này không phải nằm ở cuộc đời, mà chính là ở ngay trong cách nhìn của chúng ta về cuộc đời. Thái độ phản tỉnh trước đời sống luôn hết sức quan trọng. Mỗi khi tôi gặp phải chuyện rắc rối, tôi vẫn thường tự cứu mình bằng những suy nghĩ: Con đường của Ðức Phật là một đạo lộ tự tại, thế tại sao con đường của mình lại có quá nhiều rắc rối. Ở đây, mình có hai con đường để tự chọn: Con đường của bản thân và con đường của Ðức Phật. Thế nhưng tại sao ta lại không chọn lấy con đường của Ngài để bỏ đi con đường nhiêu khê của mình.

Có thể nói con đường tu học được bắt đầu từ cái cảm giác khao khát chân lý. Muốn tu học, chúng ta phải nhận ra được cái giá trị và tính cần thiết của mọi sự hiểu biết về chân lý. Chúng ta phải lập tức thực hiện ngay từ bây giờ những gì là thật sự cần thiết chứ không thể ngồi đó mà đợi chờ cho đến khi mình tắt thở, cho đến khi mình thỏa mãn được cái thứ kiến thức lý tính.

Ðôi lúc trong đời sống, chúng ta vẫn thỉnh thoảng thích đối diện với những khó khăn để khẳng định chính mình nhưng rồi chúng ta lại không thể vượt qua nổi chúng. Tất cả vấn đề thực ra nằm ngay ở khả năng mà chúng ta có được. Chẳng hạn chúng ta tự cho mình đã có được cái khả năng tỉnh thức và muốn áp dụng nó trong đời sống. Nhưng cái yêu cầu ở đây không phải là chúng ta chỉ sử dụng sự tỉnh thức trong đời sống thường nhật như một phương tiện hành đạo, mà chúng ta còn phải nghĩ đến việc hàm dưỡng nó nữa: Từ những động tác đứng ngồi, chúng ta phải luôn dàn xếp và ổn định nội tâm của chính mình nữa.

Trong những ngày đầu tiên mới đến Chithurst chúng tôi đã phải đối diện với biết bao khó khăn. Trước mắt chúng tôi lúc đó là một cánh rừng rộng một trăm hai mươi mẫu vừa được cúng dường. Ở đó có một cái hồ nước và môt ngôi nhà đổ nát. Với hai bàn tay trắng, chúng tôi đã vô cùng bối rối trước lời đề nghị của các giới chức địa phương rằng: "Phải biết sửa sang trước khi sử dụng và không được đốt phá thay đổi gì hết". Thế rồi công việc vừa ổn định xong thì chính quyền địa phương lại lên tiếng không đồng ý cách xử lý của chúng tôi trong khu rừng đó. Thế nhưng cũng từ trở lực này mà chúng tôi đã có được một khu rừng thật đẹp ở West Sussex với một tăng phòng thật lý tưởng.

Ðiều may mắn là về cách làm việc, chúng tôi đã học được kinh nghiệm từ lần trước. Nhưng điều này cũng có nghĩa là chúng tôi phải chờ đợi hàng tháng trời để chờ kết quả. Chúng tôi đã cố hết sức nhưng mọi sự vẫn cứ có vẻ bấp bênh, mong manh. Mỗi lần nghĩ về những người có liên quan đến công trình thì chúng tôi lại bực mình. Chúng tôi đã trải qua từng ngày tháng bồn chồn, khẩn trương như những chiến sĩ thành Troie. Pháp môn thiền định trong thời điểm này quả là vô cùng cần thiết và hơn bất cứ ai hết, đại đức Ajahn Sumedho được xem như là người gương mẫu nhất cho chúng tôi trong thái độ sống này. Chúng tôi đã phải nhờ đến sự trợ lực của một khả năng nội tâm tỉnh thức và điềm tĩnh để có thể đi qua được cái thời điểm đầy chướng duyên này. Mà hành trang thì có gì đâu, nói cho cùng thì chỉ là cái khả năng can đãm chịu đựng thông qua sự tỉnh thức thường trực. Phải nhận rằng sự bất an, lo lắng là một cảm giác hết sức khó chịu. Ngày còn bé, mỗi khi gặp phải những cảm giác như vậy, chúng tôi dĩ nhiên chỉ việc tìm đến cha mẹ. Rồi khi lớn lên, gặp lúc bắt buộc đối mặt với chuyện đời, chúng tôi phải học cách tồn tại bằng chính những kiến thức của mình về tất cả sự thật của đời sống. Như vậy là chúng tôi đã thật sự trưởng thành bỡi nếu không, thì chúng tôi phải nhờ cậy đến biết bao thứ có thể thay thế cho gia đình như đi tìm một người cộng sự, những danh phận hay tiền bạc mà mình có được, một niềm tin tôn giáo hay sự chỉ đạo của một hệ thống triết học nào đó...

Trong khi đó đòi hỏi cao nhất trong cuộc tu của chúng tôi phải là một khả năng cảm nhận trọn vẹn và chín chắn về mọi trở lực của đời sống để thấy chúng là chúng. Có điều là quí vị cũng đừng quên rằng cái khả năng điều chế nội tâm vô cùng quan trọng. Thiếu nó, ta không thể có được những cảm nhận như thật. Trong những ngày đầu ở Chithurst, khi phải bù đầu với hàng chục bận rộn, chúng tôi vẫn cố gắng thực tập bài học này để ghi nhận cái cảm giác bất an là bất an nhưng phải nhìn nhận rằng tất cả công phu của chúng tôi lúc đó chỉ là một thứ cố gắng kiên cưỡng với đủ thứ áp lực đè nặng lên trên.

Phật giáo đã phân định rõ ràng hai thái độ tư tưởng cực đoan được xem là hoàn toàn sai lầm. Ðó chính là thái độ mù quán tin tưởng hết mọi thứ hoặc điên cuồng phủ nhận tất cả. Con đường dẫn đến chân lý phải là thái độ trung dung, hài hòa và khách quan đánh giá mọi sự theo đúng bản chất của chúng. Mà để thực hiện điều này, trước tiên chúng ta phải làm chủ được nội tâm mình để không bị tác động một cách tiêu cực trong tất cả những gì mình cảm nghiệm được bởi hãy nhớ rằng đó chính là một thái độ thua cuộc. Mà trong đời sống, chúng ta thường rất dễ bị rơi vào tình trạng này khi mọi sự đã được chúng ta áp đặt lên nó một khái niệm về cái Tôi rồi chẳng may chúng lại bị đổ vỡ, không được thành tựu như ta đã trù tính. Hồi còn ở Thái Lan, sau khi đã xuất gia được bốn năm rồi, tôi vẫn còn phải trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn ngay trong chính cuộc tu của mình. Lúc còn ở ngoài đời, tôi đã từng bị một tai nạn xe cộ, nên suốt mấy năm sau đó, tư thế ngồi thiền đối với tôi là cả một cực hình. Hai đầu gối của tôi cứ vồng lên mà không thể nào chạm được tới cái tọa cụ. Các bác sỉ ở Bangkok bảo rằng xương chân của tôi có tí vấn đề nhưng khổ nỗi là không thể làm phẩu thuật hay một liệu pháp lâm sàng nào cả. Họ bảo tôi phải đi khám bệnh đôi ba tuần lễ để thăm dò kết quả nhưng rồi sau hai tháng trời với ba lần phẩu thuật, tôi vẫn đi lại một cách khó khăn. Quanh tôi lúc đó là đủ thứ bông, băng rồi nhiều y cụ khác. Ðã vậy thời tiết lại đang bắt đầu vào mùa đông. Lúc đó tôi buồn lắm, tôi nghĩ cuộc đời xuất gia của mình thế là coi như đã hết, bởi đâu có một vị sư nào mà không thể ngồi xếp bằng được đâu. Từ đó, cứ mỗi lần thấy ai ngồi xếp bằng thì tôi lại cảm thấy khó chịu. Tôi tự thấy tình trạng của mình thật đáng sợ và đầu óc tôi cứ quay cuồn với những suy nghĩ: "Mình không còn có thể ngồi xếp bằng như người ta được nữa rồi, các bác sĩ đã thật sự bó tay, luật nghi của hàng xuất gia làm sao có thể chấp nhận được một người như mình". Tôi đã thực sự đau đớn, đau đớn từ thể xác đến tinh thần. Tôi đã sống trong một tình cảnh hết sức bi đát.

Thế rồi tôi được nghe tin thiền sư Ajahn Chah vừa từ trên rừng xuống thăm Bangkok. Tôi bất chợt có suy nghĩ kỳ lạ rằng nếu tôi đến gặp Ngài thì rất có thể Ngài sẽ giúp đỡ được cho tôi. Hình ảnh về Ngài đã sừng sững trong tôi như một thần tượng. Rồi tôi lại đến viếng Ngài như đã dự tính. Ngài nhìn tôi rồi hỏi thăm sức khỏe. Tôi thưa lại với Ngài hết mọi chuyện. Thế rồi với một nét mặt ngạc nhiên, Ngài nói với tôi bằng một giọng nói thật cứng rắn: "Sư nghĩ rằng mình không thể tiếp tục tu tập trong tình trạng này phải không? Nếu bây giờ sư đã nghĩ vậy thì có lẽ suốt đời sư cũng sẽ không bao giờ tu tập được gì đâu!".

Phải nói rằng khi vừa nghe xong câu nói này, ngay trong lòng tôi lúc đó như có một sự hoán chuyển mãnh liệt. Tôi không thể nào diễn tả được cảm giác đó. Rõ ràng là Ngài Ajahn Chah trong câu nói khi nãy đã kín đáo cảnh báo tôi một điều vô cùng quan trọng là tôi đã tự tạo ra cho mình một chuyện rắc rối để cực lòng. Theo cách nói của Ngài thì tất cả nỗi đau thật ra chẳng là gì hết. Vấn đề là thái độ chối từ của tôi đối với những đau khổ cũng như cách xử lý vấn đề của tôi mà thôi. Ðiều này không chỉ là câu lý thuyết suông. Khi có ai đó nhắc nhở cho bạn biết phản tỉnh những gì mình đã làm thì chắc chắn ai cũng có cái cảm giác như tôi lúc này thôi, cho dù lúc đó có thể chúng ta cũng đồng thời cảm nhận một cú sốc.

Thái độ buông bỏ cũng là một chức năng của đời sống tỉnh thức để giúp ta giải quyết những rắc rối cuộc đời. Với một khả năng tỉnh thức đứng mức, những đau khổ trong đời sống sẽ trở thành một bài học trí tuệ cho chúng ta. Khi biết sống tỉnh thức và chánh niệm với một thái độ nghiêm cẩn, chúng ta có thể chịu đựng được mọi cảm nghiệm chua chát, đồng thời cũng thấu suốt được biết bao vấn đề của đời sống còn nhìn ngắm lại từng sinh hoạt của mình cùng cái thế giới cảm quan thường nhật bằng một khả năng thông minh tự do, chúng ta sẽ không có thái độ chối từ một cách yếu hèn bất cứ cảm giác nào và chúng ta lúc này đã thành ra một người học trò xuất sắc giữa đường đời mênh mông.

Nếu khả năng cảm nhận của chúng ta bị giới hạn, nội tâm bị khép kín thì điều tất nhiên là trí tuệ cũng không được khơi nguồn. Hoặc nếu chúng ta có thái độ hồi tưởng về những cái cay đắng cuộc đời mà mình đã may mắn vượt qua, với tâm trạng của một người vừa thoát nạn thì xem ra chúng ta vẫn chưa học hỏi được gì về cuộc đời, chưa tu tập đúng mức cái khả năng tỉnh thức của chính mình. Tinh thần vô úy trước những đau khổ của đời sống luôn đặt cơ sở trên khả năng tỉnh thức. Trong cuộc tu của mình, chúng ta phải từng ngày và suốt đời trau luyện khả năng tỉnh thức để quân bình nội tâm và dàn xếp tất cả những phúc loạn của nó.

Một khi đã có cái thói quen quan trọng hóa những cảm nghiệm nghịch lý, những câu chuyện đời bất trắc thì đối với những chuyện vui, chúng ta đôi khi cũng có thể bị cực lòng. Lần đó, ở Tân Tây Lan, tôi đã đến thăm một người bạn thân vốn là một vị sư đã từng sống chung với tôi ở Anh quốc. Vị này bây giờ là một bác sĩ ở Chithurst. Anh bạn của tôi đã từng sống qua một thời gian dài trên những dãy núi tuyệt đẹp ở South Island. Theo lời mời của anh, hai chúng tôi đã bỏ ra ít hôm đi chơi trên núi Alps. Tôi chưa từng sống trên núi bao giờ cả, vậy mà bây giờ lại cảm thấy vô cùng thích thú khi được rong chơi ở miền núi non này trong những ngày thật đẹp trời, khí hậu thật tốt và đặc biệt là đi bên cạnh một người bạn thân. Ngoài những giờ phút ngoạn cảnh, chúng tôi còn dành ra nhiều thời gian để đàm đạo rồi ngồi thiền hết sức thú vị. Trong những ngày chơi núi đó, có một buổi sáng đầy ấn tượng mà cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ hoài. Hôm đó, trời còn rất sớm, chúng tôi đã rời khỏi túp lều dã chiến mà mấy hôm nay vẫn ở đó để ngủ qua đêm. Chúng tôi lần xuống một dòng suối đầy những đáù. Những tia nắng mặt trời lấp lánh trên các đỉnh núi phủ tuyết. Quang cảnh đẹp quá. Tôi uống từng ngụm nước suối, hít thở cái không khí trong lành chung quanh và gần như đắm mình một cách vô thức trong bầu không khí huyền hoặc đó. Thế rồi một cảm giác là lạ bắt đầu len lỏi qua tâm hồn tôi, một thứ cảm giác khó gọi tên chợt xuất hiện. Tôi lại lặng lẽ và len lén theo dõi nó... bất chợt tôi có một ước muốn là làm sao có thể giữ lại được nó trong lòng mình mãi mãi. Rồi tư tưởng tôi lại đi xa hơn nữa, tôi nghĩ đến ngày mình trở lại Anh quốc mà vẫn mang theo được cái cảm giác hạnh phúc này.

Như vậy, một chút lưu luyến, nuối tiếc đối với những niềm hạnh phúc cũng vẫn có thể là một vấn đề nhức nhối khi chúng ta thiếu mất ngay tự nội tâm mình cái khả năng nhìn ngắm trung thực và thực tế. Như vậy là chúng ta đã tự mắc phải một sai lầm, và đã sống trong những ảo tưởng. Cái nguy hiểm của niềm hạnh phúc là khiến chúng ta cứ lo sợ phải đánh mất nó và từ đây chúng ta lại nẩy sinh ra cái hoang tưởng là mãi mãi giữ được nó trong tay mình. Còn đối với những đau khổ, cứ mỗi lần nhớ lại hoặc đang trực diện với chúng thì ta lại nghĩ đến việc trốn chạy. Ðây cũng là lý do tại sao trong bất cứ sự tan vỡ nào cũng có sự đau khổ. Ngay cả cái chết cũng là một trường hợp tan vỡ. Ðiều đáng tiếc là thay vì nhìn thẳng vào sự đau khổ, người ta thường có thói quen nhớ về nó bằng sự tức tưởi rồi cứ nuôi một ảo vọng sửa đổi được nó. Ðây chính là một thái độ sống chối bỏ sự thật.

Trong kinh Pháp Cú có một câu kệ thật tuyệt vời:

- Cứ cho cái giả là thật và ngộ nhận cái thật là cái giả thì người ta vẫn tiếp tục sống trong cái giả.

Chỉ khi nào thấy được cái thật là cái thật và cái giả là cái giả thì người hiền trí mới đạt được cái thật.

Ðể có thể xác định được một cách chính xác cái gì đó là thật hay giả, chúng ta nhất thiết phải tự có cho mình một khả năng tỉnh thức thật sự, Chúng ta phải cần đến một trí tuệ phơi mở để có thể từ đó đón nhận được những tặng vật của cả sự sống và cái chết một cách rốt ráo, hết mình.

Thái độ "hết mình" ở đây có nghĩa là sự cảm nhận đầy đủ và không phân biệt. Chúng ta không thể chỉ đơn giản tùy thích cảm nhận những gì mình muốn rồi chối bỏ những gì mình ghét. Con đường tu học mà Ðức Phật đề nghị ở chúng ta chính là thái độ chuyên tâm một cách khách quan trong từng nhận thức của mình về đời sống. Thái độ này sẽ đem lại cho chúng ta một khả năng bén nhạy cần thiết, một trình độ trí tuệ thật sự độc lập và tự do.

Trình độ tu học này là một phần thưởng cao quý cho người tìm đạo giải thoát. Ðức Phật đã gọi giáo pháp của Ngài là một hệ thống giáo lý thiện thuyết (Svàkkhàta dhamma). Ðức Phật luôn dạy chúng ta hãy thực hiện những gì mình cảm thấy là cần thiết. Trong cuộc tu, chúng ta không thể hành động với tinh thần cầu may. Ở đây chúng ta có tất cả những pháp môn đào luyện thân khẩu ý một cách rõ ràng. Pháp môn tu hành của chúng ta bao gồm những học giới về sinh hoạt và những thiền án để làm thăng hoa tâm linh. Pháp môn thiền định dạy ta biết sống trung thực với từng giây phút hiện tại. Tất cả những khó khăn trở lực mà chúng ta gặp phải trên đường tu của mình rồi cũng sẽ ổn thôi nếu chúng ta biết khéo ứng dụng các pháp môn đối trừ. Bên cạnh chúng ta luôn có những người bạn tốt, những pháp lữ trong giáo hội tăng già, những người vẫn thường có thể cùng chúng ta san sẻ nhiều thứ. Ðại khái chúng ta luôn có thể thực hiện tất cả những gì mà Ðức Phật vẫn mong mỏi ở những người đệ tử.

Sự thật về đời sống luôn là một điều hết sức thú vị và kỳ diệu. Nó đòi hỏi chúng ta phải hiểu rằng đời sống là cái gì đó cần được nhận thức chứ không phải chỉ đơn giản là một định phận buồn tẻ để chúng ta âm thầm chấp nhận vô điều kiện cho đến khi tắt thở. Bản chất của đời sống là cái cần được nhìn thấy và hiểu biết. Có đi qua được giai đoạn tự chuyển hóa bản thân, chúng ta mới thấy rằng mình đã bắt đầu vượt qua được cái bản năng sống lệ thuộc vào những cảm giác buồn vui, đau khổ hay hạnh phúc. Rồi chúng ta vẫn phải tiếp tục để nâng cao tầm nhìn của mình, để thấy rằng trước giờ mình thật ra chưa hề nhìn thấy được bản thân. Chúng ta nhất định phải có được một nhãn quan mới mẻ về mọi sự trên đời. Hai chữ Chân Lý trong chúng ta bây giờ đã có một ý nghĩa hoàn toàn khác, chúng ta lúc này không cần thiết dò dẫm, lần mò để xác định nó nữa. Chúng ta chỉ đơn giản dấn thân, nhập cuộc và lên đường với nó mà thôi.

Tất cả nỗ lực trong cuộc tu của chúng ta chỉ nhắm vào mục đích tìm ra bản chất của đời sống. Và chính chúng cũng giúp cho ta có được những sinh phong tuyệt vời. Sự nóng giận trước đây, bây giờ trở thành sự năng động và cứ thế, những chướng ngại tinh thần khác như lòng tham, đố kỵ, khoái cảm, đau buồn đều cùng lúc trở thành những nhân tố cho cái Tri Kiến Như Thật của chúng ta. Ðến lúc này thì chữ Pháp (Dhamma) trong lời nguyện quy y đã có một ý nghĩa vô cùng sâu rộng. Vì pháp ở đây, lúc này, không chỉ có nghĩa là một trong ba ngôi báu, mà còn chỉ cho tất cả những gì hiện hữu!

Như những gì vừa nói trên đây thì phải chăng sự đón nhận trọn vẹn bản chất của mọi hiện hữu là một thái độ cam tâm tiêu cực trong đời sống?

Ðể trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể nói rằng nếu trí tuệ Thiền Quán mang một tinh thần tiêu cực như vậy thì rõ ràng là chúng ta chẳng còn gì để thực hiện thêm nữa trong đời sống tinh thần. Ngược lại với nhận xét đó, trí tuệ Thiền Quán là một phép sống vô cùng năng động bởi nó luôn mang ý nghĩa trưởng dưỡng tất cả khả năng của chúng ta trong việc đối diện với bất cứ tình trạng hiện hữu nào mà mình đang sống qua, một cách sinh tử và chuyên nhất. Trong sinh phong này hoàn toàn không có gì mang tính tiêu cực hay bị động, mà ngược lại, đây chính là một phép sống vô cùng tích cực và năng động. Nếp sống thấu suốt đó là một con đường tối ưu để hành giả ghi nhận được trọn vẹn từng tình huống thực tại. Ta có thể mượn lời của Lão Tử trong Ðạo Ðức Kinh để giải thích, diễn tả nếp sống này là "Vô vi nhi hữu vi, hữu vi nhi vô vi - Làm mà như không làm gì cả, không làm gì cả nhưng thật ra đã làm rất nhiều". Nói vậy có nghĩa là bất cứ một cử động lớn nhỏ nào của chúng ta, dầu đối với những công việc nhỏ nhặt nhất, cũng đều được thực hiện một cách tỉnh thức và sáng suốt, dù xem ra về hình thức thì lại có vẻ ngớ ngẩn hay vô tâm. Ðây mới chính là phương tiện tối ưu để dẫn đến một thành quả thật sự nhiều ý nghĩa. Mọi cảm nghiệm của chúng ta ngay lúc này được kết hợp thông suốt với một khả năng trí tuệ chín chắn. Ở trình độ này chúng ta chỉ có thể nói hoặc làm những gì thật sự là cần thiết. Nếu không thấy có gì cần thiết thì chúng ta đừng làm gì cả. Dĩ nhiên, nếu còn là phàm phu, chúng ta cũng vẫn thường xuyên mắc phải những sai lầm, nhưng chỉ cần kịïp thời phát hiện được thì ta vẫn có thể sửa chữa bằng cách không tiếp tục để mình bị cuốn hút hay bị tác động bởi chúng nữa và chỉ việc cảm nhận chúng một cách như thật. Ðây chính là tâm điểm của pháp môn Thiền Quán.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Ðẳng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 04-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-04-2001