BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Đi ngược dòng

Bốn bài Pháp của Ni sư Kee Nanayon
Nguyên Mỹ dịch

Nguyên tác: "Going Against the Flow", by Upasika Kee Nanayon,
English translation by Thanissaro Bhikkhu


[01]

Quán niệm giống như những cột trụ của một cái đập

Ngày 6 tháng 11 năm 1970

Bàn về cách tập luyện hữu ích hơn bàn về bất cứ chuyện gì khác vì nó giúp phát triển trí tuệ. Nếu chúng ta theo sự luyện tập từng bước một, chúng ta có thể đọc được mình, liên tục giải đoán sự việc bên trong chúng ta. Khi bạn đọc mình bằng tìm tòi và nghiện cứu sự tai hại, đau khổ gây ra do ô nhiễm, ái dục, và chấp thủ, sẽ có lúc bạn đạt kiến thức chân chính giúp bạn trở nên thản nhiên và buông xả. Rồi tâm sẽ tức khắc lặng lẽ, không còn bất cứ sản phẩm tinh thần nào đang thao túng tâm vì bạn thiếu tự điều tra nghiên cứu mình.

Những nguyên tắc của sự điều tra nghiên cứu bản thân là những khí cụ quan trọng nhất của chúng ta. Chúng ta phải thực hiện một cố gắng phối hợp để có thể hoàn thiện bất cứ lúc nào, đặc biệt nhấn mạnh đến sự xử dụng quán niệm để tập trung vào tâm và đưa tâm đến chỗ tập trung vào một điểm. Nếu chúng ta không giữ tâm an trụ hay trung lập như là một vị thế căn bản của nó, tâm sẽ lang thang đó đây đi tìm chuyện để làm hay tìm tiếp xúc giác quan, gây ra hỗn loạn và bất an. Nhưng khi chúng ta tập luyện hạn chế bớt cửa giác quan nhờ duy trì liên tục quán niệm trong tâm, giống như đóng các cột trụ cho một con đê. Nếu bạn có bao giờ thấy các cột trụ đê, bạn sẽ biết rằng các trụ này được đóng sâu, sâu vào trong đất để chúng hoàn toàn vững chắc, không di động. Nhưng nếu bạn đóng vào bùn, chúng dễ dàng lay chuyển vì một tiếp xúc rất nhẹ. Ðiều này cho chúng ta một ý niệm là quán niệm phải vững chắc như thế nào để kiểm soát tâm, khiến tâm vững chắc có thể chịu đựng sự xúc chạm với giác quan mà không có thích hay ghét đối tượng của nó.

Sự vững bền của quán niệm là điều bạn phải duy trì liên tục trong mọi hoạt động, với từng hơi thở ra, vào. Tâm sẽ không còn chạy tán loạn đi tìm việc làm. Nếu bạn không tìm cách làm được điều này, tâm sẽ bị khích động lên khi có sự tiếp xúc với giác quan, giống như con thuyền không lái trôi dạt đến bất cứ nơi đâu gió và sóng đưa đẩy đi. Ðây là lý do tại sao bạn cần quán niệm để canh giữ tâm trong mọi lúc. Nếu bạn có thể duy trì quán niệm liên tục trong mọi hoạt động, tâm của bạn sẽ liên tục trung lập, sẵn sàng để thăm dò, tìm tòi nghiên cứu để đạt đến tuệ.

Bước đầu tiên trong việc đóng cột trụ cho cái đê của chúng ta - nói một cách khác, để làm cho quán niệm chúng ta vững chắc - chúng ta phải tập trung vào tính trung lập như vị trí nền tảng của chúng ta. Không có gì phải nghĩ ngợi. Chỉ cần làm cho tâm vững chắc trong thế trung lập của nó. Nếu bạn có thể liên tục làm được điều này, chính là lúc bạn sẽ có một tiêu chuẩn đúng đắn cho việc điều tra nghiên cứu của bạn, bởi vì tâm sẽ tập trung lại. Nhưng sự tập trung này là điều bạn phải thận trọng kiểm soát để chắc chắn nó không phải là một sự thờ ơ lảng quên. Hãy làm cho tâm củng cố chắc chắn và tập trung để nó không trở thành lơ đảng hay xao lảng khi bạn ngồi thiền. Hãy ngồi thẳng, duy trì quán niệm đều đặn, và bạn không cần phải làm điều gì khác. Hãy giữ tâm vững chắc và trung lập, không suy nghĩ đến một việc gì hết.

Phải chắc chắn làm cho sự vững bền này duy trì liên tục. Khi có bất cứ gì vọt ra, bất cứ bằng cách nào, hãy duy trì tâm trung lập. Ví dụ, nếu có cảm giác sung sướng hay đau đớn, đừng chú tâm đến cảm giác. Chỉ chú tâm đến sự vững chắc của tâm - và sẽ có một cảm giác trung lập trong sự vững chắc đó.

Nếu bạn thận trọng không để cho tâm lơ đảng hay xao lảng, định tâm sẽ trở nên liên tục. Ví dụ, nếu bạn sẽ ngồi trong thiền một giờ, đặt trọng tâm tập trung tâm lại như thế trong nửa giờ đầu và rồi chắc chắn làm cho tâm không đi vơ vẫn cho đến khi hết giờ. Nếu bạn thay đổi vị thế, chỉ là một sự đổi thay bên ngoài trong cơ thể, trong khi đó tâm vẫn cứ vững chắc an trụ và trung lập từng giây phút, dầu bạn đang đứng, ngồi, nằm xuống hay làm bất cứ việc gì.

Quán niệm chính là yếu tố chính của tất cả điều này, giữ tâm khỏi tạo ra ý nghĩ hay đặt tên đồ vật. Tất cả mọi việc phải dừng lại. Giữ cho nền móng này vững chắc với từng hơi thở vào, ra. Rồi bạn có thể giảm bớt sự tập trung vào hơi thở, trong lúc đó vẫn giữ tâm trong cùng trạng thái trung lập. Giảm bớt sự tập trung quá mạnh của bạn để chỉ cần tập trung vừa phải với hơi thở. Tâm sẽ có thể giữ tình trạng này trong suốt giờ, không có ý nghĩ nào có thể đi trệch đường. Rồi canh chừng để dầu bạn làm hay nói gì, tâm vẫn duy trì vững chắc trạng thái hiểu biết bên trong bình thường của nó.

Nếu tâm vững vàng bên trong nó, bạn được bảo vệ khắp mọi phía. Khi có tiếp xúc với giác quan xảy ra, bạn vẫn duy trì quán niệm vào trạng thái tâm an định. Dầu cho có đôi chút lơ đễnh chốc lát trong quán niệm của bạn, bạn có thể trở lại trạng thái tâm vững chắc ngay. Ngoài ra bạn chẳng phải làm gì cả. Tâm sẽ buông xả mà bạn không cần làm gì khác. Cái cách bạn thường thích cái này, ghét cái kia, quay trái ở đây, quây phải ở đó, sẽ không có thể xảy ra. Tâm sẽ tiếp tục duy trì trung lập, bình thãn, vừa đúng. Nếu quán niệm giảm đi, bạn chú tâm ngay trở lại, nhận biết lúc nào tâm định và trung lập đối với đối tượng và rồi duy trì tình trạng như thế.

Các cột trụ cho cái đê quán niệm phải được đóng sâu vào để chúng vững chắc và an toàn với mọi hoạt động của bạn. Hãy tiếp tục cố gắng bất kể bạn đang làm việc gì. Nếu bạn có thể luyện tâm để tâm có nền tảng vững chắc, tâm sẽ không làm những việc nguy hại. Tâm sẽ không gây phiền não cho bạn. Nó không bày ra ý nghĩ. Nó sẽ lặng lẽ. Một khi tâm lặng lẽ và an định, nó trở nên tế nhị hơn và thăm dò để đi sâu vào trong chính nó, để biết được chính tình trạng định của nó từ bên trong.

Còn những xúc chạm với giác quan, đây chỉ là vật bên ngoài - sinh để rồi diệt - nên tâm không lưu ý đến. Ðiều này có thể khiến cho dục vọng bị tiêu diệt. Ngay cả những lúc chúng ta thay đổi vị thế vì đau đớn nổi lên trong thân, tâm lúc đó vẫn vững bền, vẫn tập trung, không phải vào đau đớn, mà vào sự an định của nó. Khi bạn thay đổi vị thế, sẽ có phản ứng vật chất và tinh thần vì khí huyết lưu thông tốt hơn và cảm giác dễ chịu xảy ra thế chỗ cho những đau đớn, nhưng tâm vẫn sẽ không vướng mắc vào khoái lạc hay đau đớn. Nó sẽ vẫn cứ vững bền:an định và vững chắc trong thế trung lập của nó. Cái trạng thái vững chắc này có thể dễ dàng giúp bạn bỏ những khát vọng tiềm tàng liên hệ đến mọi tình cảm. Nhưng nếu bạn không giữ tâm tập trung trước như thế này, các ham muốn sẽ tạo ra vấn đề, khích động tâm đến chỗ hỗn loạn, muốn thay đổi sự vật để có thứ hạnh phúc này, nọ.

Nếu bạn liên tục luyện tập theo cách này, cố sức bền bĩ làm mãi thì nó giống như đóng cột trụ vào trong đất. Chúng ta đóng càng sâu vào thì cột càng không thể lay động. Chính đó là lúc bạn sẽ có thể chống cự với xúc chạm cảm gíac. Nếu không, tâm sẽ bắt đầu sôi tràn với ý nghĩ đeo đuổi theo hình ảnh, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm thân thể. Ðôi khi nó hâm đi hâm lại cũng cùng những vấn đề xưa cũ vô nghĩa. Ðây là do các cột trụ quán niệm chưa vững chắc. Chúng ta vấp ngã trong đời sống là do chúng ta chưa thật sự tập luyện đến chỗ khiến quán niệm đủ liên tục làm tâm an định vững bền và trung lập. Vì thế, chúng ta phải làm cho đê quán niệm vững chắc, an toàn.

Sự định tâm này là điều chúng ta nên phát triển trong mọi hoạt động, với từng hơi thở vào, ra. Như thế, chúng ta sẽ có thể nhìn thấu suốt qua những mê lầm của chúng ta để thấy những chân lý về vô thường và vô ngã. Nếu không, tâm sẽ đi lạc đó đây, giống như một con khỉ tinh nghịch - ngay cả khỉ cũng có thể bắt được và huấn luyện để làm trò. Cũng vậy, tâm có thể huấn luyện, nhưng nếu bạn không buộc nó vào cây cột quán niệm và cho nó hưởng mùi vị của cái gậy, nó sẽ rất khó huấn luyện.

Khi luyện tâm, bạn không nên ép nó thái quá, cũng không nên để cho nó đi theo lối thông thường của nó. Bạn phải thử mình để xem cách nào có kết quả tốt. Nếu bạn không giữ tâm an định, tâm sẽ nhanh chóng chạy đuổi theo công này việc nọ hay dễ dàng lung lay dao động vì sự va chạm của đối tượng tâm. Khi người ta để tâm trôi dạt theo dòng sự vật, chính là vì họ chưa thiết lập quán niệm thành một nền tảng vững bền.

Trong trường hợp này, họ không thể dừng lại. Họ không thể trở nên yên lặng. Họ không thể tự do. Ðây là lý do tại sao chúng ta phải bắt đầu đóng cọc cho con đê của chúng ta, để cọc tốt và vững chắc, khiến tâm vững vàng, an định, dầu chúng ta ngồi, đứng, đi hay nằm xuống. Sự vững mạnh này sẽ có thể chống cự lại mọi thứ. Quán niệm của bạn sẽ ở yên với nền tảng của nó, giống như con khỉ bị buộc vào cột:nó không thể chạy thoát hay gây tác hại. Nó chỉ có thể chạy vòng quanh cái cột mà dây buộc vào.

Tiếp tục tập luyện tâm cho đến khi tâm khá thuần thục có thể ổn định lại và tìm tòi nghiên cứu sự vật, vì nếu tâm còn tán loạn, tâm chẳng có ích lợi gì cả. Bạn phải huấn luyện tâm cho đến khi nó quen thuộc với sự vững vàng bên trong, vì chính sự không vững chắc và thiếu quyết tâm tập luyện của bạn là điều khiến tâm vướng mắc vào ý nghĩ, vào những vật sinh rồi diệt. Bạn phải làm tâm dừng lại. Tại sao nó tác hại như vậy? Tại sao nó tán loạn như vậy? Tại sao nó cứ lang thang mãi? Ðưa nó vào vòng kiểm soát! Bắt nó dừng lại, ổn định lại và trở nên an định.

Ở giai đoạn này tất cả các bạn đã tập luyện đủ để đạt ít nhất một chút hương vị của định. Bước kế tiếp là dùng quán niệm để duy trì định tâm trong tất cả mọi hoạt động, để nếu dầu có đôi chút xao lảng xảy ra, chúng chỉ kéo dài trong chốc lát và không biến thành những vấn đề lâu dài. Cứ tiếp tục đóng cọc cho đến khi chúng luôn vững chắc khi có va chạm mạnh của ngoại vật, hay để cho tất cả sản phẩm của tinh thần chạy lạc từ bên trong, tất cả được đưa đến lặng lẽ bằng mọi cách.

Việc luyện tập này thật sự không khó đến thế. Ðiểm quan trọng là, bất kể các bạn lựa chọn đối tượng thiền nào, các bạn phải duy trì quán niệm và biết rõ trạng thái tâm định và trung lập. Nếu khi tâm đi lạc chạy theo đối tuợng, bạn hãy cứ tiếp tục đưa tâm trở lại trung tâm của nó, tâm cuối cùng sẽ có thể nằm vững chắc trong vị thế của nó. Nói một cách khác, quán niệm của nó sẽ liên tục, sẵn sàng để thăm dò và nghiên cứu tìm tòi, vì một khi tâm đã thật sự ổn định, nó có sức mạnh để đọc sự kiện bên trong nó rõ ràng. Nếu tâm không an trụ, nó có thể làm lẫn lộn mọi sự để lừa dối bạn, thay đổi từ vấn đề này qua vấn đề khác, từ vai trò này đến vai trò khác;nhưng nếu nó an định, nó có thể tiêu trừ mọi chuyện - tất cả ô nhiễm, tham ái và chấp thủ - ở khắp tứ phương.

Như vậy, sự luyện tập này chung qui vào vấn đề bạn có thể bỏ ra bao nhiêu cố gắng và kiên trì để làm tâm an trụ vững chắc. Một khi tâm đã vững chắc, thì nếu có đau khổ và ô nhiễm xảy ra thường làm nó dơ bẩn và khích động, tâm bây giờ có thể chống chọi lại, cũng giống như các cột trụ đê có thể chống cự với bão tố mà không lay chuyển. Bạn phải biết rõ ràng trạng thái tâm này để bạn không chạy theo thích cái này hay ghét cái kia. Trạng thái này rồi sẽ trở thành điểm khởi hành để bạn thăm dò và tìm tòi nghiên cứu để đạt tuệ thấy rõ ràng thấu suốt - nhưng bạn phải chắc chắn làm cho sự an trụ này liên tục. Rồi bạn sẽ không phải suy nghĩ gì hết. Chỉ cần nhìn ngay vào bên trong, sâu sắc và tế nhị.

Ðiểm quan trọng là bạn đừng đãng trí và tránh những xao lãng. Ðiều này chính nó loại đi được nhiều mê lầm và u tối và không để chỗ cho ái dục tạo ra bất cứ vấn đề nào có thể quấy động tâm và làm nó đi lang thang. Ðây là do chúng ta đã thiết lập tư thế của chúng ta trước rồi. Ngay cho nếu chúng ta có mất đi sự thăng bằng bình thường một chút, chúng ta sẽ trở lại ngay, và tập trung vào an định. Nếu chúng ta làm được điều này nhiều lần, sự vững chắc của tâm với quán niệm liên tục sẽ giúp chúng ta có thể thăm dò vào trong các chân lý của vô thường, khổ và vô ngã.

Tuy nhiên lúc đầu bạn không cần phải làm vịệc thăm dò. Tốt hơn chỉ nên chú tâm vào sự vững chắc của vị thế của bạn, vì nếu bạn bắt đầu thăm dò trong khi tâm chưa thật sự an trụ và trung lập, rốt cục bạn sẽ tán loạn lên. Vì thế xin chú tâm làm sự an trụ trở thành nền tảng căn bản của tâm và rồi bắt đầu thăm dò càng sâu hơn. Ðiều này sẽ đưa đến các tuệ càng đanh thép và sâu sắc hơn, đưa tâm đến tình trạng tự do trong chính nó, hay đưa đến trạng thái tâm không còn bị ô nhiễm quấy rầy nữa.

Ðiều này chính nó sẽ mang lại sự kiểm soát thật sự các cửa giác quan. Thoạt tiên khi mới bắt đầu, chúng ta chưa có thể thật sự kiềm chế mắt và tai, nhưng một khi tâm đã vững chắc an trụ, mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân sẽ tự động được kiểm soát. Nếu không có quán niệm và an định, bạn không thể kiểm soát mắt, vì tâm muốn dùng mắt để nhìn, để thấy, nó sẽ muốn dùng tai để nghe tất cả mọi chuyện. Như thế, thay vì kiềm chế bên ngoài, ở giác quan, chúng ta kiềm chế nó bên trong, ngay tại tâm, khiến tâm luôn luôn an trụ vững chắc và trung lập.

Bất kể bạn đang nói hay làm bất cứ việc gì, định tâm vẫn ở nguyên chỗ. Một khi bạn làm được điều này, bạn sẽ xem đối tượng giác quan không có nghĩa lý gì. Bạn không phải đặt vấn đề với sự vật, nghĩ, "Cái này tốt, tôi thích nó. Cái này xấu, tôi không thích. Cái này đẹp; cái kia xấu xí." Ðối với âm thanh bạn nghe cũng thế. Bạn không đặt vấn đề với chúng. Thay vào đó, bạn chú ý vào tâm an định, trung lập và không rắc rối. Ðây là nền tảng căn bản cho sự trung lập.

Khi bạn có thể làm điều này, mọi chuyện sẽ trở nên trung lập. Khi mắt thấy sắc, sắc sẽ trung lập. Khi tai nghe tiếng, tiếng sẽ trung lập - tâm trung lập, tiếng trung lập, mọi sự trung lập - bởi vì chúng ta đã đóng năm cửa giác quan và ổn định chúng ta vào thế trung lập ngay tại tâm. Ðiều này sẽ lo liệu hết thảy mọi sự. Bất cứ điều gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lữơi nếm, hay thân xúc chạm, tâm sẽ không đặt vấn đề với bất cứ cái gì. Tâm vẫn an trụ, trung lập và không thiên vị. Xin chỉ ghi nhận chừng này cũng đủ rồi và làm thử .

Trong bảy ngày kế tiếp tôi muốn các bạn đặc biệt đặt quán niệm ngay tại tâm, vì đây là vào cuối mùa mưa, cái giai đoạn khi hoa sen và hoa súng trổ hoa sau cuối mùa ẩn cư mưa. Vào thời Ðức Phật, Ngài thường yêu cầu các vị tăng lâu năm huấn luyện các tân tăng trong suốt mùa ẩn cư mưa và rồi đến gặp Phật khi sen nở hoa. Tôi đã nêu lên điều này trước đây rồi và tôi muốn nhắc lại như là một cách để khuyến khích các bạn phát triểm một nền tảng vững chắc cho tâm. Nếu sự vững chắc liên tục, thì tâm cũng sẽ nở hoa - nở hoa vì không còn bị đốt cháy, quấy rầy hay kích động vì ô nhiễm. Vì vậy, xin cố gắng đặt biệt trong bảy ngày kế tiếp xem làm sao bạn có thể quan sát và tìm tòi nghiên cứu trạng thái tâm định và trung lập suốt thời gian. Dĩ nhiên, nếu bạn thiếp ngủ, cứ việc ngủ;nhưng ngay cả lúc đó, khi nằm xuống ngủ, cố gắng làm thế nào để luôn luôn giữ tâm an trụ và trung lập cho đến lúc thiếp đi. Khi bạn thức dậy, hoạt động của tâm vẫn ở trong trạng thái an định, trung lập đó. Hãy thử đi, để tâm sẽ có thể trở nên yên tĩnh và thanh thản. Rồi hãy xem nó bắt đầu trổ hoa chưa.

Cảm giác mát mẻ tràn ngập tâm của một tâm an tịnh, không bị ô nhiễm, sẽ tự phát sinh ra mà bạn không cần phải làm gì cả ngoài việc giữ tâm vững chắc và trung lập. Ðây là sự bảo đãm của bạn:Nếu tâm thật sự an định vững chắc, ô nhiễm không thể đốt cháy hay làm nó rối loạn. Nói một cách khác, ái dục sẽ không thể khích động nó. Khi an trụ vững chắc, những ngọn lữa tham, sân, và si, sẽ không thể đốt cháy nó được. Hãy cố gắng nhìn vào trong bạn để xem sự vững chắc của tâm có thể kháng cự lại những điều này như thế nào, diệt trừ đau khổ, dập tắt những ngọn lữa. Nhưng bạn phải nghiêm chỉnh luyện tập, cố gắng giữ quán niệm liên tục. Ðây không phải là chuyện đùa. Bạn không thể yếu hèn, vì nếu yếu hèn, bạn sẽ không thể chống cự lại với điều gì hết. Bạn sẽ chỉ đi theo những kích thích của ô nhiễm và ái dục.

Sự luyện tập chỉ là vấn đề biết dừng lại để tâm có thể ổn dịnh và vững chắc. Ðây không phải việc đi gây tai hại, lang thang đó đây để nhìn, để nghe và dính dáng vào các vấn đề. Cố gắng giữ tâm vững chắc. Trong tất cả mọi hoạt động của bạn - ăn uống, đi cầu, hay làm bất cứ việc gì - giữ tâm an trụ bên trong. Nếu bạn biết trạng thái tâm lúc an định, bất động, không còn do dự, không còn yếu hèn, thì lúc đó mức độ cơ bản của tâm sẽ tự do và trống không - trống không vì không còn những điều thiêu đốt nó, trống không vì không còn chấp thủ. Ðây là điều khiến bạn có thể khám phá ra sự vững chắc của tâm mọi lúc. Nó bảo vệ bạn chống với mọi sự. Tất cả sự chấp thủ vào ngã, "tôi", "chúng nó" hoàn toàn bị tẩy sạch, cắt bỏ đi. Tâm hoàn toàn an định. Nếu các bạn có thể duy trì tình trạng vững bền này trong bảy ngày, nó sẽ giúp bạn tự mình đạt đến tuệ.

Vì vậy tôi yêu cầu mỗi một người trong các bạn xem thử mình có thể đi suốt con đường không. Hãy kiểm soát để xem hằng ngày làm như thế nào. Và bạn phải chắc chắn kiểm soát mọi sự thận trọng. Ðừng để bạn trở nên lơ là, khi thì vững chắc, khi thì không. Làm sao cho tâm tuyệt đối vững chắc. Ðừng để bạn trở nên yếu hèn. Bạn phải chân thành trong tất cả những điều mình làm nếu bạn đích thật muốn dập tắt đau khổ và ưu phiền. Nếu bạn không thật lòng, rốt cục bạn sẽ để mình trở nên hèn yếu trước sự kích động của lòng ham thích cái này hay muốn cái kia, làm điều này hay làm việc nọ, hay bất cứ việc gì khác, cũng cùng một cách bạn đã từng làm nô lệ cho ái dục, bị ái dục khích động không ai biết còn kéo dài đến bao lâu nữa.

Ðời sống hằng ngày là chỗ để bạn thử thách mình - vì thế xin trở lại trận chiến! Duy trì một vị thế trung lập vững chắc. Rồi tất cả những đối tượng tiếp xúc với tâm sẽ trở nên trung lập; tâm chính nó sẽ cảm thấy an định vào trung lập.

Không còn gì để đặt thành vấn đề tốt hay xấy hay bất cứ gì. Tất cả sẽ dừng lại vào chỗ trung lập - bởi vì sự vật chính chúng chẳng tốt hay xấu hay ngã hay bất cứ là gì, chỉ vì tâm chạy ra và làm thành vấn đề với chúng.

Vì thế xin cứ tiếp tục nhìn vào bên trong cho đến khi bạn thấy tâm trung lập và không còn "ngã", và rồi bạn xem thử hoa sen trổ hoa như thế nào. Nếu nó chưa nở hoa, đó chính vì nó bị khô héo vì sức nóng của ô nhiễm, ái dục, và chấp thủ đang ngầm cháy bên trong tâm - những điều này chúng ta sẽ phải học để khám phá ra cho đến khi chúng ta có thể tiêu diệt chúng. Nếu không, đóa hoa sen sẽ héo dần đi, cánh hoa rơi rụng xuống đất và chỉ còn thối nát ở đấy. Vì vậy xin cố gắng giữ cho hoa sen tâm vững chắc cho đến khi hoa nở. Ðừng có thắc mắc cái gì sẽ xẩy ra khi hoa nở. Chỉ cần giữ cho tâm vững chắc và chắc chắn đừng để nó bị ô nhiễm thiêu đốt.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Bài 1| Bài 2 | Bài 3 | Bài 4


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 30-08-2002