[BuddhaSasana]

[Unicode Font]


       

"Con Đường Hạnh Phúc",Viên Minh và Trần Minh Tài ,
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ
(1993)


Cúng dường cao thượng

Một điểm đặc biệt đáng để ý là trong tám muôn bốn ngàn giáo pháp của Đức Phật gồm trong tam tạng Kinh, Luật, Luận không thấy đề cập đến những hình thức lễ bái, thờ phượng cúng dường (hiểu theo nghĩa thông thường). Do đó mỗi quốc độ có một lối lễ bái cúng dường riêng. Các hình thức lễ bái này phản ảnh phong tục tập quán của từng địa phương. Cách thiết trí bàn thờ Phật, cách hành lễ, cách tụng kinh, những lễ cụ để điều hòa tiếng kinh câu kệ mỗi nơi một khác. Âm nhạc của quốc gia cũng ảnh hưởng đến lễ nghi thờ lạy ở chùa chiền. Bởi lẽ kinh điển không ấn định một hình thức lễ bái nào nên nhiều nơi, vì ảnh hưởng của các tôn giáo khác, của tục lệ cổ truyền, những nghi thức mang đày tính cách dị đoan mê tín được du nhập khiến kẻ bàng quan dễ có một nhận định sai lầm về Đạo Phật.

Hiện nay vẫn còn những lối lễ bái, tế lễ mà hàng ngoại đạo ngày xưa hay dùng đến, lối lễ bái mà Đức Phật và hàng Thánh nhân thường chê trách. Ở Việt Nam ta trước kia và mãi đến ngày nay, một vài địa phương vẫn còn giữ tục đốt vàng mã ở chùa, làm bùa yểm đạo, làm chay đàn phá ngục... Nhiều người đến chùa lễ bái để cầu Phật ban phúc, cầu được buôn bán phát tài, cầu sinh con trai, cầu được đầy đủ sức khoẻ... Nhưng dầu sao những lối lễ bái mang nặng tính chất mê tín dị đoan ấy, những hình thức cúng dường bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong tục tập quán lỗi thời, không thể một sớm một chiều sửa đổi được. Chỉ mong sao những lễ nghi tôn cách ấy không quá ra ngoài giáo lý của Đức Phật, khiến cho những kẻ si mê chỉ bám víu vào đó, chỉ nô lệ vào những hình thức đó mà sinh ra cố chấp, xao lãng hay làm lệch hướng đi đạo thuần khiết của đấng Từ Phụ.

Đức Phật chê trách những lối cúng dường bằng hình thức ấy. Kinh Kim Cang có ghi:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhân hành tà đạo.
Bất năng kiến Như Lai.

(Nếu dùng sắc để thấy Như Lai, dùng âm thanh để cầu Như Lai đó là kẻ làm tà đạo, không thể thấy Như Lai).

Vậy chúng ta phải cúng dường Đức Phật bằng cách nào mới gọi là cúng dường cao thượng?

Trong tập Digha Nikàya (Trường Bộ Kinh), kinh Đại Niết Bàn, nói đến những ngày cuối cùng của Đức Phật, có chép (đoạn này xảy ra vào ngày Đức Phật đã 80 tuổi, sau hơn 45 năm chu du dựng đạo, giáo hóa chúng sanh):

Một bữa nọ đến gần thành Kusinàrà, sau khi dùng cơm trưa của Cunda dâng cúng, Đức Thế Tôn thọ bịnh kiết lỵ. Bệnh trầm trọng nhưng Ngài vẫn gắng gượng để đến Kusinàrà, vào ngụ trong rừng Sàlà của Đức vua Mala. Khi đến nơi Ngài nói với Đại Đức Ananda:

-- Này Ananda, Như Lai mệt mỏi muốn nằm nghỉ, hãy trải chỗ nằm cho Như Lai, đầu xây về hướng Bắc, giữa hai cây Song Thọ (Sàlà).

-- Xin vâng, Bạch Đức Thế Tôn Đại Đức Ananda nghe theo lời Phật dạy, trải chỗ nằm đầu hướng về phía Bắc, giữa hai cây Song Thọ. Rồi Đức Thế Tôn nằm xuống, nghiêng mình về bên phải, dáng nằm như con sư tử, chân trái gác trên chân mặt, giữ tâm niệm và hoàn toàn giác tỉnh.

Lúc bấy giờ, mặc dầu trái mùa, hai cây Sàlà vẫn trổ hoa, hoa nở tràn đầy cành lá. Hoa rỏi vãi trên thân Đức Thế Tôn để cúng dường Ngài. Hoa Mạn Thù (Mandarava) từ trên không trung nhẹ nhàng rơi xuống, rồi tung lên gieo vãi trên thân Đức Phật. Nhạc trời tấu vang lừng, những bản thiên ca trổi dậy để cúng dường Ngài.

Đức Phật gọi Ananda đến dạy :

-- "Này Ananda, các cây Sàlà trổ hoa trái mùa và hoa nở tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này tung khắp và rơi vãi trên thân thể Như Lai để cúng dường. Hoa Mạn thù từ trên không trung rơi xuống và tung vãi khắp mình Như Lai để cúng dường. Bột chiên đàn từ trên không rơi xuống, rồi tung lên gieo vãi trên thân Như Lai, nhạc trời vang lừng, những bản thiên ca từ hư không trổi lên để cúng dường Như Lai.

Thế nhưng, này Ananda không phải như vậy là tôn kính, sùng bái cúng dường làm vẻ vang Như Lai đâu. Này Ananda, bất luận Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, thiện nam hay tín nữ nào thực hành đúng Chánh Pháp, sống chơn chánh trong Chánh Pháp, giữ gìn phẩm hạnh thanh cao, ấy là người tôn kính sùng bái, cúng dường và làm vẻ vang Như Lai bằng cách cao thượng. Thế nên, này Ananda, phải gắng công tu tập, thực hành theo chánh pháp, sống chơn chánh trong Chánh Pháp, giữ gìn phẩm hạnh thanh cao."

Cao quí thay! Tốt đẹp thay lời nói vàng ngọc cuối cùng của Đức Phật. Cho đến giờ phút chót, Ngài vẫn còn tìm dịp nhắc nhở Chúng Tăng:

"Sau khi Như Lai tịch diệt, các con hãy lấy giới luật làm thầy. Thực hiện đứng đắn những lời Giáo huấn của Như Lai. Đó là cách cúng dường Như Lai cao thượng nhất."

Thắp nén hương cúng dường Tam Bảo, không phải chúng ta dâng cúng đến chư Phật bằng mùi thơm của hương trầm, của bông hoa, mà bằng hương thơm của Giới, của Định, của Huệ và của Tri kiến (giới hương, định hương, dữ huệ hương, giải thoát, giải thoát trí kiến hương, quang minh vân đài biến pháp giới, cúng dường thập phương chư Phật ...).

-- Không có hương nào thơm bằng hương của Giới.
-- Không có hương nào thơm bằng hương của Định.
-- Không có hương nào thơm bằng hương của Huệ.
-- Không có hương nào thơm bằng hương Tri Kiến.

Chúng ta hãy dùng mùi thơm của Giới, của Định, của Huệ để kết thành một đài hương toả rộng khắp ta bà thế giới cúng dường đến Chư Phật.

Nhưng làm thế nào để có được ba thứ hương thơm cao quí ấy? Muốn có được cái hương thơm tinh khiết ấy để cúng dường Chư Phật, muốn có mùi thơm cao quí ấy để làm phương tiện giải thoát hãy thực hành những điều Phật dạy.

Giáo Pháp của Đức Phật rất nhiều nhưng tựu trung không ngoài công việc tu trì Giới, Định, Huệ để tận diệt Tham-Sân-Si. Đức Phật đã tóm tắt giáo pháp của Ngài bằng 4 câu kệ sau đây :

Sabbapàpassa Akaranam
Kusalassa Upasampadà
Sacitta Pariyodapanam
Etam Buddhàna Sàsanam

Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo

Đừng làm điều ác
Làm những việc lành
Giữ tâm trong sạch
Lời chư Phật dạy (Dhammapadà -- Kinh Pháp Cú, 183)

Chỉ chừng đó thôi sao? Vâng, chỉ chừng đó. Rõ ràng, giản dị, dễ thực hành, dễ nương theo. Nếu làm được, sẽ trở nên cao thượng.

Tùy theo căn cỏ, tùy hạng người, Đức Phật dạy một lối thực hành khác nhau nhưng vẫn đi đến một mục tiêu là Giải Thoát.

Hàng tại gia cư sĩ, Ngài dạy thọTam Qui, trì Ngũ giới, hành Thập thiện và Bố thí, Tham thiền đó là phương thức thoát khổ, là con đường dẫn đến nơi an vui.

-- Thân: không trộm cắp, không tà dâm, không sát sanh.
-- Khẫu: không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói lời vô ích, mắng nhiếc chửi rủa.
-- Ý: không tham lam, không sân hận, không si mê.

Thực hiện những điều đó là cúng dường Đức Phật bằng cách cao thượng.

Giới là bước đầu của Phật tử. Giới năng sinh Định, Định năng sinh Huệ. Giới có trong sạch mới mong có Định và Huệ. Có giữ được ngũ giới mới mong tái sanh làm Trời, làm người, nếu không trì ngũ giới bốn ác đạo sẽ không xa mấy: "Ngũ giới bất trì nhơn thiên lộ triệt"

Tóm lại, phương pháp cúng dường cao thượng nhất, quí báu hơn mọi cách cúng dường là thực hiện giáo Pháp của Đức Phật. Tuy thế những hình thức lễ bái không phải là không cần thiết, nó là cỏ hội để dấy lòng từ thiện từ trong tiềm thức của con người, là thói quen để con người làm việc thiện, là những giây phút hạnh phúc, là cỏ hội để thân, khẩu, ý xa dàn với ngũ dục, là dịp để cõi lòng mở rộng đón nhận ánh đạo vàng. Bởi vậy trong những khi Phật Tử đến chùa lễ bái, các vị có trách nhiệm hướng dẫn tinh thần cho Phật Tử cần nhân dịp này nhợc nhở thiện tín làm lành, lánh dữ, bố thí, trì giới, tham thiền. Có như thế việc đến chùa lễ bái của thiện tín mới đem lại nhiều lợi ích cho kiếp hiện tại lẫn vị lai. Những hình thức lễ bái cúng dường thông thường nếu được hỗ trợ bằng sự cúng dường cao thượng tức là hỗ trợ bằng cách thực hành giáo Pháp của Đức Phật, thì con đường đến nơi an vui không xa mấy:

"Thực hành Giáo Pháp của Như Lai là cúng dường Như Lai cao thượng nhất."

(hiệu đính 06/99)


[Mục lục]


[Main Index]

Last updated: 23-12-1999

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com