[BuddhaSasana]

[Unicode Font]


       

"Con Đường Hạnh Phúc",Viên Minh và Trần Minh Tài ,
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ
(1993)


Phật Giáo và sự thờ cúng

Khi thấy Phật Tử đến chùa lễ bái, hay những nhà sư đang kính cẩn nghiêng mình trước đài sen trong khung cảnh trang nghiêm, tịch mịch đầy trầm hương nghi ngút, chắc hẳn có người hỏi rằng: Phật Tử có cầu nguyện hay không? Họ làm gì khi đến chùa? Và thái độ của người Phật Tử ra sao đối với sự nguyện cầu?

Trước hết chúng ta phải biết cầu nguyện là gì? Đó là một danh từ có nhiều nghĩa. Trong các tôn giáo tin tưởng và thờ phụng Thượng Đế (Một Đấng Tối Cao, Toàn Năng, Toàn Thiện, Toàn Trí đã dựng thế gian và được coi là thủy tổ muôn loài), cầu nguyện có nghĩa là thỉnh cầu ở nơi Ngài một sự chỉ đạo, hộ trì hoặc cầu xin Ngài ban cho sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng, bính an và đôi khi xin Ngài tha thứ những tội lỗi đã vi phạm.

Chúng ta có thể nói ngay rằng, vì người Phật Tử không tin tưởng nơi thần linh hay bất cứ một đấng quyền uy ban ơn giáng phước nào, nên cầu nguyện cũng không có một ý nghĩa như trên. Mặt khác, Phật Tử tin tưởng ở nghiệp lực theo đó hạnh phúc hay đau khổ đều là kết quả của hành động, lời nói, ý nghĩ mà mỗi cá nhân tạo ra có ý thức. Đó là một luật tự động vận hành chứ không do một ai hướng dẫn, sắp đặt hay an bài. Vì tự động vận chuyển theo một luật tắc nhất định nên nó không thể thiên vị, thương tình hay tội nghiệp mà tha thứ cho những ai đã vi phạm. Cũng theo luật này (luật Nghiệp-quả) tội lỗi không thể được tha thứ bởi một động lực bên ngoài, mà chỉ được sửa sai bằng một pháp đối trị là phước thiện. Bởi vì tội lỗi theo Phật Giáo không phải gây ra bởi vi phạm hay bất tuân những luật định do một đấng tối cao nào đó bày ra cho loài người, mà chính vì tự mình hành động sai lầm qua thân, khẩu và ý để đưa đến ô nhiễm và phiền não.

Như vậy không có vấn đề cầu nguyện trong Phật Giáo theo nghĩa thông thường tức là cầu xin Thượng Đế ban ơn, tha tội, vì mỗi người phải chịu trách nhiệm với chính mình chứ không ai khác về những hành động tội phước, lành, dữ do mình tạo ra.

Thế thì người Phật Tử làm gì khi đến chùa? Nếu là Phật Tử chân chính chắc chắn họ không đến chùa để cầu nguyện.

Chúng ta hãy theo dõi những người Phật Tử đến viếng chùa để xem họ hành động như thế nào và ý nghiã những hành động ấy ra sao. Trong Phật Giáo không ai buộc Phật Tử phải đến chùa vào một ngày nhất định, họ có thể đến lúc nào họ muốn, nhưng phần đông Phật Tử đi chùa vào những ngày lễ sám hối, rằm và ba mươi, vì họ thích tập thể hơn là đơn độc. Họ thường mặc áo trắng, lam, hay nâu thì đó là những màu sắc tượng trưng cho thanh tịnh, giản dị và khiêm nhượng. Họ đem cả hương, đèn, trầm và hoa quả, kính cẩn đi vào chánh điện, nơi đó một tượng Phật uy nghi được trang trí ở chỗ cao trọng nhất, và thành kính dâng những lễ vật lên Đức Phật . Hình tượng tự nó không phải là vật thờ cúng mà chỉ là hình ảnh tượng trưng cho họ tưởng niệm đến Đức Phật. Thực ra dù có hình tượng hay không họ cũng tôn thờ Đức Phật, hình tượng chỉ có tác dụng giúp họ dễ chú ý và định tâm hơn. Vì thế, tuy dùng hình tượng để thờ cúng nhưng nguời Phật Tử không cò thái độ như tín đồ của Vật Tổ Giáo, thờ cúng những vật như cây, núi, đá, sông.... Những ai xem đạo Phật là tôn giáo thờ cúng hình tượng là vô căn cứ và thiếu sáng suốt.

Một điểm đáng chú ý nữa là người Phật Tử lễ bái tượng Phật không có nghĩa là họ tin rằng Đức Phật sau khi nhập diệt vẫn còn hiện diện trên thế gian, đã thị hiện trong các pho tượng khiến cho các pho tượng này trở nên linh ứng có thể hộ trì cho những người lễ bái hay quở phạt những người bất tôn kính đối với Ngài. Hình tượng chỉ để nhắc nhở lại những hình ảnh sống động lúc Đức Phật còn tại thế, như lúc tham thiền nhập định, lúc chuyển pháp luân, lúc trì bình khất thực, lúc nhập diệt v.v. khiến cho người Phật Tử có cảm tưởng được đối diện với Đức Thế Tôn. Cũng vì thế mà việc đắp tượng phải làm thế nào để diễn tả được những vẻ từ, bi, hỷ, xả của Đức Phật, nếu không hình tượng có thể làm sai lạc trí tưởng tượng của người sơ cơ.

Mặc dầu Đức Phật đã nhập diệt nhưng đời sống và Giáo Pháp của Ngài vẫn còn có một ảnh hưởng lớn lao đối với nhân loại ngày nay, ảnh hưởng đó sống động và thực tế đến nỗi người Phật Tử có cảm tưởng như Đức Phật còn tại thế, có người muốn biến cảm tưởng đó thành sự thật bằng cách cúng cả vật thực đến Đức Phật mặc dù họ biết rằng Ngài không thể thọ dụng.

Linh động hóa như vậy rất hữu ích vì người Phật Tử càng vững tin và tinh tấn trên đường đạo, đồng thời sự thờ cúng càng tăng thêm phần ấm cúng và trang nghiêm. Đó là một cách để chứng tỏ rằng ảnh hưởng của Đức Phật đối với con người mọi thời vẫn mạnh mẽ không kém lúc nguyên thủy.

Theo công lệ, cúng dường đèn, hương, hoa quả là một hành động tỏ dấu kính trọng tôn thờ hay tri ân chứ thực ra những vật cúng dường ấy tự nó không có một giá trị đặc biệt.

Đi xa hơn những thông lệ ấy, nguời Phật Tử có một thái độ sáng suốt hơn là chỉ thuần một hành động thờ cúng; như khi dâng hoa trước đài sen người Phật Tử suy nghĩ đến chân tướng vô thường của vạn hữu qua bài kệ mà họ thường đọc :

Dâng hoa cúng đến Phật Đà
Nguyện mau giải thoát sinh, già, khổ đau.
Hoa tươi nhưng sẽ úa sầu
Tấm thân tứ đại tránh sao điêu tàn.

Bài kệ trên chứng tỏ người Phật tử khi dâng cúng hay tụng niệm không cầu xin được hộ trì hay ban phước, nhưng đến với Đức Phật như người học trò kính mến thầy chỉ đạo và nguyện theo gương Ngài sớm thoát khỏi khổ hải trầm luân.

Chúng ta nên lưu ý đến sự khác biệt giữa thái độ của một tín đồ thờ thần linh và một người Phật Tử khi họ cùng kính cẩn nghiêng mình trước giáo chủ của họ. Trong khi tín đồ thờ thần linh cầu xin được ban phước hay cứu rồi, nghĩa là đời đời họ muốn làm nô lệ cho vị thần linh hay Thượng Đế của họ. Người Phật Tử trái lại, kính cẩn tôn thờ Đức Phật chỉ vì Ngài là người đã đi trước, là người hướng đạo, chứ họ không muốn làm nô lệ Ngài. Ví vậy tuy tôn kính Đức Phật nhưng người Phật Tử vẫn được quyền bình đẳng với Ngài .

Chúng ta hãy tạm lấy so sánh giữa chế độ dân chủ ngày nay và chế độ quân chủ xưa kia để làm thí dụ. Một đàng, trong chế độ quân chủ mọi người dân là con cái hoặc nô lệ của vị Đế Vương. Họ phải tuân phục mọi phán xét, thưởng phạt của vua, vì thế "Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung". Nhưng trong chế độ dân chủ thật sự, mọi người dân đều có quyền bình đẳng, dù là Tổng Thống hay Thủ Tướng cũng là một công dân như bao người khác. Người dân kính trọng vị nguyên thủ quốc gia vì vị này thay thế họ để lãnh đạo, để lo việc chung. Và tất cả mọi người dân đều có thể trở thành nhà lãnh đạo nếu họ có đủ tài, đủ đức và những điều kiện cần thiết, để trở thành vị nguyên thủ.

Bình đẳng và dân chủ hơn, Đức Phật dạy rằng: -- Không nên tôn kính Ngài bằng cách cúng dường lễ bái. Dù cúng dường bằng những trân châu quý báu cũng không phải là cách tôn kính cao thượng. Phải thực hành theo phương pháp mà Ngài đã kinh nghiệm và chỉ dạy lại để sớm được giải thoát và đắc quả vị như Ngài.

Thật hiếm có một vị thầy nào lại không muốn được tôn trọng và chỉ muốn cho học trò sớm ngang hàng bằng mình. Người Phật Tử chân chính hẳn phải biết như vậy để không phụ lòng từ ái của Ngài, không cố chấp vào những hình thức lễ bái mà phải tự tu sửa hầu một ngày kia được giải thoát như Ngài.

Tóm lại, tất cả mọi hình thức thờ cúng tụng niệm của người Phật Tử không phải để cầu xin Đức Phật cứu vớt mà chỉ có mục đích tôn kính Đức Phật và tự nguyện noi gương Ngài để hoàn thành sứ mạng tự giác, giác tha.

(hiệu đính: 06/99)


[Mục lục]


[Main Index]

Last updated: 23-12-1999

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com