[BuddhaSasana]

[Unicode Font]


       

"Con Đường Hạnh Phúc",Viên Minh và Trần Minh Tài ,
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ
(1993)


Thu thúc lục căn

Khi mắt ta nhìn một vật ta sẽ nhận biết vật đó to hay nhỏ, màu xanh hay vàng, đỏ, tím v.v. Mắt nhìn thấy vật thì tâm xao động và trí tư tưởng về vật đó ngay. Khi nhìn một vật ta nhận biết được màu sắc, độ lớn và tính chất của nó. Như khi nhìn là ta biết là nóng, là màu đỏ, là để nấu ăn... nhìn dòng nước chảy, nhìn ly nước, ta biết được tính chất uyển chuyển của nước.

Xa hơn nữa, lắm khi mắt ta không nhìn thấy vật, nhưng tâm ta nghĩ đến. Tâm ta nhìn thấy, thì trí ta cũng liên tưởng đến tính chất, độ lớn, màu sắc của vật, của sự kiện mà ta đang nghĩ. Không nhìn thấy vật, óc ta có thể tưởng tượng được hay hình dung được vật ấy nhờ hoài niệm.

Khi giác quan bị kích thích bởi một đối tượng ngoại giới, một vật hay một hiện tượng, mỗi người có một nhận xét, phán đoán hay liên tưởng khác nhau. Như khi tai nghe một âm thanh, dù có thấy vật hay không, ta vẫn đoán được một cách tương đối vật phát ra âm thanh đó. Chẳng hạn khi nghe tiếng chuông, ta liên tưởng đến một cái chuông, một cái dùi chuông đang đưa lên đánh, một cánh tay cầm dùi chuông, một người đang đánh chuông, rồi cái chuông được treo lên một giá gỗ,bên góc chùa hay tại gác chuông. Nhưng tùy theo mỗi người, khi tâm tiếp nhận đối tượng, phản ứng tâm lý không hoàn toàn giống nhau.

Nhìn một người đang ngồi yên lặng, mắt đăm đăm hướng về một phía, ta không đoán được người ấy đang nghĩ gì, họ đang mơ mộng hay đang tư tưởng. Có thể đầu óc họ đang chứa chất những hình ảnh, vụt biến, vụt hiện, xếp đặt phức tạp, nhiều lúc chỉ là ảo tưởng, như nhìn thấy người chết trở về, thấy mình có cánh bay bổng lên trên không.

Trên thực tế, những hình ảnh hiện lên trên "màn bạc tâm giới" được xếp đặt theo thứ tự trước sau, hình ảnh sau kế tiếp hình ảnh trước và thường sự kiện trước tạo điều kiện cho những sự kiện kế tiếp để diễn biến, tiếp nối liên tục tạo thành giòng hiện tượng tâm giới. Như lúc ta đang nghĩ đến một công việc sắp làm, ta sẽ hoạch định những gì ta sẽ làm trước, những gì ta sẽ làm sau, những trở ngại, những khó khăn khi gặp phải, biện pháp giải quyết để đi đến thành công ...

Chỉ trong một phút, một giây, một điểm nhỏ của thời gian, tư tưởng đã tạo nên, đã hủy diệt được biết bao hình ảnh. Theo Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) thì tốc độ của tư tưởng 16 lần nhanh hơn tốc độ biến đổi của vật chất. Khi mắt thấy một vật thể, tai nghe một tiếng động, mũi ngửi một mùi hương, lưỡi nếm một vị... thân tiếp nhận một vật, thì biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu cảm xúc sẽ xảy đến, sẽ hiện ra. Nhiều khi cả một chuỗi dài thời gian hiện ra trong nháy mắt. Một loạt sự kiện liên tục và phức tạp đầy màu sắc linh động chỉ thu gọn trong một tích tắc, trong một cái nhìn, một sự tiếp xúc nhẹ nhàng mau chóng.

Khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tức là khi: Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân đụng chạm và ý suy nghĩ; thì tâm ta đã phản ứng với những cảm xúc, thường gọi là phản ứng tâm lý như: giận hờn, thương mến, ghét bỏ. Tất cả những cảm xúc đó sẽ dẫn chúng sanh đến cảnh giới thích ứng. Bởi vậy, Thu Thúc Lục Căn là một trong "Tứ Thanh Tịnh Giới" mà vị Tỳ Khưu phải vâng giữ. Thu Thúc ở đây không có nghĩa là nhắm mắt, bịt tai, ngồi một chỗ không tiếp xúc với ai, nhưng đừng để ngoại cảnh chi phối mình, đừng quá quyến luyến và say mê lục trần.

Pháp thu thúc bao gồm cả hai cái nhìn, cái nhìn phân tích và cái nhìn không phân tích. Lúc nào ta nên nhìn với cặp mắt phân tích và khi nào nên nhìn bằng cặp mắt dửng dưng?

Đức Phật chú trọng nhất cái tâm chúng sanh. địa ngục hay thiên đàng, trầm luân hay giải thoát đều do ở tâm. Nhưng cái gì khiến cho tâm xao động? Chính lục căn tiếp xúc với lục trần, khiến cho ngũ uẫn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành,Thức có cỏ phát hiện. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc, tâm nghĩ đến điều gì thì liền lúc ấy ngũ uẫn cũng chấm dứt ngay. Tâm tựa vào lục căn để nhận biết lục trần và phát hiện qua ngũ uẫn, mà ngũ uẫn vừa hiện lên lại vừa biến mất ngay, do đó tâm không lúc nào đứng yên. Tâm con người chẳng khác nào giống khỉ, giống vượn, ý con người như con ngựa không cương, lúc nào cũng máy động, không lúc nào đứng yên (tâm viên ý mã) mặc dàu chỉ đứng yên trong chốc lát. Cứ mỗi phút giây biết bao nhiêu tư tưởng hiện lên và biết bao nhiêu tư tưởng bị hủy diệt.

Tham, Sân, Si tiêu biểu cho ba cảm xúc bất thiện của con người cũng phát sanh từ sáu căn, chẳng hạn khi mắt nhìn thấy một hình sắc nếu có sự ưa thích sẽ phát sinh tâm tham, nếu không vừa lòng sẽ phát sanh tâm sân, và khi không biết được bản chất hay thực tướng của hình sắc ta sẽ phát sanh tâm si. Bởi vậy, khi nhìn một vật, nghe một âm thanh ta nên thu nhận bằng một cái nhìn bình thản, khách quan và sáng suốt giống như tấm gương trong sáng phản ảnh một cách trung thực mà không bị đối tượng lôi cuốn. Sở dĩ Đức Phật dạy chư vị Tỳ Khưu không nên tiếp nhận đối tượng với một phán đoán chủ quan tùy tình cảm là để cho tâm các vị ấy không khởi theo các vọng niệm Tham, Sân, Si, Mạn v.v.

Nhưng bên cạnh cái nhìn tổng quát ta hãy nhìn bằng một tia nhìn sâu xa hơn, tia nhìn phân tích với tâm không xao động. Về phương diện đối tượng, phải biết rằng mọi vật thể sinh ra đều chất chứa một mầm hủy diệt. Về phương diện chủ thể, khi lục căn tiếp xúc với lục trần, hãy phân tích các phản ứng tâm lý của mình để tìm hiểu đâu là tội đâu là phước. Hãy luôn luôn quán tưởng và nhận thức rằng tội phước phát sanh do sự tiếp xúc giữa lục căn và lục trần để thu thúc lục căn cho thanh tịnh. Nhưng làm thế nào để ngăn ngừa lục căn say đắm, quyến luyến với lục trần?

1- Phải tinh tấn thực hành những pháp lành,lánh xa ác pháp bằng cách tinh tấn:

a) Ác vị sanh, sử bất sanh (Samvara padhàna): tinh tấn ngăn ngừa những tội lỗi chưa có đừng cho phát sanh.
b) Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn (Pahàna padhàna): tinh tấn dứt bỏ những tội lỗi đã có.
c) Thiện vị sanh, sử phát sanh (Bhàvanà padhàna): cố gắng thực hiện những việc thiện chưa có.
d) Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng (Anurakkhana padhàna ): cố gắng làm những việc thiện đã có.

2- Không tham ăn, không mê ngủ, không nói nhiều. Đức Phật thường dạy các hàng Tỳ Khưu nên tiết độ trong việc ẩm thực, phi thời bất thực (không dùng vật thực quá ngọ). Để cho tâm thanh tịnh, bớt tham ái, mỗi ngày chỉ nên ngủ bốn tiếng, thay thế vào những giờ bỏ ngủ bằng những giờ tọa thiền. Không nói nhiều, lời nói cần có đủ các yếu tố: lời nói phải thành thật, lời nói phải êm dịu, lời nói phải có ích, lời nói hợp thời, lời nói phải từ bi.

3- Thu thúc mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm.

4-Trong mọi cử động đi, đứng, nằm, ngồi đều phải chậm chạp khoan thai.

5- Mọi cử động đều phải tinh tấn, tâm niệm và giác tỉnh, tức là phải có trí nhớ trong mọi cử động. Cảm xúc, tri giác, ý thức v.v... phát sanh từ trong tâm của mỗi người, nhiều khi sự suy nghĩ, sự nhận biết phát xuất từ năm căn đầu tiên tức là mắt, tai, mũi, lưưỡi và thân thể nhưng lắm lúc nó phát khởi trong tâm như khi hồi tưởng, khi mỏ mộng, khi tư tưởng,khi liên tưởng ... Lúc ta suy nghĩ một điều gì thì nhiều khi khởi điểm của sự suy nghĩ do nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, nhưng thời gian sau, nó thuộc về ý thức... Mọi hành động tội lỗi phần nhiều phát sanh sau những thời gian suy tính; bởi vậy Đức Phật dạy chúng ta, khi có một tư tưởng bất thiện phát khởi trong tâm phải tìm cách đánh đuổi nó đi.

Tâm thường hay rung động, khó giữ cho được yên tịnh, nó có tính chất hay suy tưởng mông lung, thâu nhận đối tượng ưa thích hay trái ý nghịch lòng ... Bởi vậy tâm hay chìu theo cảnh trần, khó mà giữ cho nó được vắng lặng, tâm không chịu dưới quyền sở hữu của người thiếu trí nhớ. Đức Phật dạy rằng: "Này các thầy tỳ khưu, tâm mà người chưa được huấn luyện, chưa được chế ngự hằng đi đến nơi tai hại, và tâm của người hằng được dạy dỗ, cai trị, gìn giữ rồi sẽ hằng đi đến nơi lợi ích cao cả." Bởi vậy thu thúc lục căn không điểm nào quan trọng bằng thu thúc ý. Tức là làm thế nào điều ngự cái tâm đừng cho phiền não phát sanh. Đức Phật dạy: "Người tri thức nên giữ tâm", có nghĩa là phải ngăn đón tâm, không cho nó nghĩ đến đều ác, đó là các tùy phiền não gồm 16 điều:

1) Tham lam, lobhà
2) Sân hận, dosa
3) Giận, Kodha
4) Oan trái ,Upanàha
5) Quên ơn, Makkha
6) Đem sánh mình với bậc cao, Palàsa
7) Ganh tị, Issà
8) Bỏn xẻn, Maccharya
9) Giấu lỗi, Màyà
10) Khoe mình, Sàtheyya
11) Cứng đầu, Thambha
12) Ương ngạnh, Sàrambha
13) Ngã mạn, Màna
14) Khinh người hơn mình, Timàna
15) Trụy lạc (ý nói say mê ngũ trần), Masa
16) Dể duôi, Pamàda

Khi chúng ta ngăn chặn được các tùy phiền não đó phát sanh bằng cách thu thúc lậu căn là chúng ta đạt được phần lớn pháp thu thúc.

Tóm lại, phải ngăn ngừa tâm xao động khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tức là phải dùng tia nhìn phân tích để thấy rõ đâu là tội, đâu là phước, đồng thời phải dùng tia nhìn phi phân tích để khỏi quyến luyến, say mê lục trần, nói một cách khác để khỏi đắm chìm trong vòng tài, tình, danh, lợi.

Chúng ta hãy bắt chước Ngài Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất. Hai Ngài đã dùng tia nhìn phân tích trong khi đi xem hát tuồng và nhờ đó sau này hai Ngài trở thành hai vị đại đệ tử của Đức Phật. Lúc Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên chưa xuất gia là đôi bạn rất thân với nhau. Một hôm hai người rủ nhau đi xem hát (một loại hát giống hát bộ hay cải lương ở Việt Nam ngày nay). Hai vị ấy thấy diễn viên bôi mặt, vẽ mày, kẻ làm vua, người làm quan, kẻ làm người cao sang, kẻ làm người hèn hạ, lúc chưa đóng tuồng là anh em bạn bè, khi đóng tuồng là vợ chồng, là vua chúa, là quan quân ... Nhìn cảnh đó hai Ngài nghĩ đến cảnh sống của con người chẳng khác chi một tuồng hát. Suy rộng hơn chúng sanh biến từ lốt này sang lốt khác, lúc sanh thành thú vật, lúc biến thành côn trùng, khi thành chư thiên, thành người, lúc sa vào ngạ quỷ, địa ngục chẳng khác gì người đóng tuồng mỗi ngày thêm một vai tuồng mới. Quán tưởng như thế hai Ngài vô cùng chán nản và quyết đi tìm thầy học đạo để thoát ra ngoài vòng sanh tử luân hồi.

(hiệu đính 06/99)


[Mục lục]


[Main Index]

Last updated: 23-12-1999

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com