[BuddhaSasana]

[Unicode Font]


       

"Con Đường Hạnh Phúc",Viên Minh và Trần Minh Tài ,
Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ
(1993)


Triết lý về Nghiệp

Trong bài này chúng tôi chỉ trình bày một cách vắn tắt về triết lý nghiệp báo đã được dạy trong kinh điển, chứ không có cao vọng phân tách hay chứng minh cho triết lý cao siêu đó.

Chúng tôi đặc biệt đề cập đến nghiệp lý trong nhà Phật với mục đích phân biệt với những quan niệm khác về "Nghiệp" của các nhà tư tưởng phi Phật Giáo ngay trong thời Đức Phật hay mãi về sau. Thật vậy, càng ghi nhận một sự khác biệt lớn lao về Nghiệp Lý giữa Phật Giáo, Ấn độ Giáo, Bà La Môn Giáo, Kỳ-Na Giáo (Jainism) và Ajivakism.

Người ta có khuynh hướng đề cập đến chữ nghiệp như là một triết lý chung cho hầu hết các Tôn Giáo Đông Phương mặc dù trên thực tế các tôn giáo đều chủ trương dị biệt, hoặc toàn diện hoặc một khía cạnh nào đó.

Một ngộ nhận khác, do một số học giả Tây phương cho rằng Nghiệp đồng nghĩa với thuyết Định Mệnh, trong khi một số người khác chủ trương Nghiệp mang sắc thái xã hội học và sinh vật học. Sở dĩ có những ngộ nhận như thế vì người ta chỉ đọc qua một số sách báo nói về nghiệp lý mà không nghiên cứu giáo lý chính thống được truyền bá qua kinh điển nguyên thủy.

Trước hết ta phải định nghĩa thế nào là Nghiệp, vì đó là mấu chốt giúp chúng ta phân biệt nghiệp lý dùng trong nhà Phật và trong các giáo lý khác.

Theo định nghĩa được tìm thấy trong văn học tiền Phật Giáo thì chữ Nghiệp được dùng để chỉ các nghi lễ tôn giáo, hay bổn phận của mỗi cá nhân trong xã hội.

Chúng ta đọc thấy câu sau đây trong Isàupanisad: "Kurvanne veha karmàni jijìvisecchatam samah" (Hãy để cho con người ước vọng sống lâu trăm tuổi và thi hành bổn phận trong xã hội). Điều này chứng tỏ rằng chữ Karma/Kamma - Nghiệp dùng với nghĩa bổn phận hay nghiệp vụ.

Trong kinh điển Phật Giáo, chữ Karma cũng được dùng với nghĩa nghiệp vụ hay nghề nghiệp khác nhau của mỗi người. Từ ngữ Anavajjàni kammàni được Đức Phật dùng để nhắc nhở tín đồ nên làm những nghề nghiệp hợp với đạo đức tức là ám chỉ Chánh Mạng chứ không phải Chánh Nghiệp. Như thế chứng tỏ rằng trong một vài khía cạnh chữ Nghiệp trong Phật Giáo và trong văn học tiền Phật Giáo đồng nghĩa.

Tuy nhiên đó chỉ là nghĩa phụ thuộc. Về phương diện triết học, chữ nghiệp có một nghĩa chuyên môn đặc biệt chỉ được đề cập trong văn học Phật Giáo mà thôi. Đức Phật dạy rằng: Cetanàham bhikkhave kammam vadàmi (Này các vị Tỳ khưu, Như Lai chủ trương rằng "cố ý" tức là Nghiệp). Định nghĩa này rất phổ thông mà bất cứ ai nghiên cứu kinh điển Pàli đều biết đến. Như vậy, chữ Nghiệp ở đây được dùng để chỉ những hành động cố ý. Những hành động này có thể là Thiện hay Thiện Nghiệp, có thể là Bất Thiện hay Bất Thiện Nghiệp, có thể được biểu hiệu qua thân gọi là Thân nghiệp, qua khẩu gọi là Khẩu nghiệp hay qua ý thức thuần túy gọi là Ý nghiệp.

Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về kết quả của những hành động thiện hay ác này, dù kết quả đó tốt hay xấu, vui hay khổ. Nghiệp quả này có thể thể hiện trong kiếp sống hiện tại, kiếp kế cận hay bất cứ kiếp sống nào trong tương lai tùy theo tiềm lực của chúng. Cũng có khi nghiệp quả không hiệu nghiệm, vì chúng quá yếu ớt, không có đủ điều kiện, hay nói theo danh từ chuyên môn là không đủ nhân duyên, để hiện khởi.

Thật ra, nếu chúng ta nghiên cứu sâu xa hơn, thì sẽ thấy rằng Cố ý (cetanà) chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để tạo nghiệp trừ phi đó là ý Nghiệp thuần túy. Vì có rất nhiều nghiệp cần đến sự hổ trợ của thân và khẩu.

Thí dụ như một người chưa thể bị ghép tội sát nhân khi anh ta mới có ý định đó. Vì vậy trong kinh Atthasàlini phân định rất rõ ràng 5 điều kiện hội đủ để kết tội sát sanh :

1. Người hay vật có sự sống
2. Biết rằng người hay vật còn sống
3. Có ý muốn giết
4. Cố gắng giết
5. Người hay vật ấy chết bởi hành động cố sát của mình.

Như vậy chỉ đơn thuần một điều kiện thứ 3, tức là mới có ý định, chưa đủ để buộc tội sát sanh. Tuy nhiên điều kiện thứ 3 là điều kiện tất yếu, không có nó không thể gọi là nghiệp. Ví dụ một hành động vô ý của ta gây nên một án mạng, thì đó không phải là tội cố sát, mà chỉ có tội ngộ sát thôi. Những nghiệp biểu hiện qua khẩu cũng vậy, phải đòi hỏi những điều kiện tương tự mới thành tựu được.

Nói một cách vắn tắt, chữ nghiệp được dùng trong Phật Giáo để chỉ những hành động cố ý, qua thân, khẩu hay ý và được phẩm định giá trị thiện ác tùy theo kết quả của chúng.

Nhiều người khi nghiên cứu Phật Học thường cho rằng Nghiệp lý xuất từ bài kinh Cùlakammavibhanga (Tiểu nghiệp phân biệt), Majjhima Nikàya (Trung Bộ Kinh). Trong bài kinh này Đức Phật có đề cập đến Nghiệp lý để làm tăng trưởng đức tin của hàng tứ chúng, nhưng thật ra đó chưa phải là bài kinh chính đề cập đến triết lý này.

Trong kinh Cùlakammavibhanga, một thanh niên Bà La Môn đến yết kiến Đức Phật và yêu cầu Ngài giải thích tại sao trong nhân loại có người yểu tử, người lại sống lâu, có người bịnh hoạn, người lại mạnh khoẻ, có người xấu xa, kẻ xinh đẹp, người nghèo hèn, kẻ sang giàu, có người địa vị cao vọng, kẻ lại khốn khổ bần cùng ... nguyên nhân nào khiến cho có sự bất bình đẳng như thế giữa con người với con người trong xã hội. Đức Phật nhân đó trả lời rằng: Chúng sanh thọ lãnh báo ứng của Nghiệp mà họ đã tạo tác và chính vì nghiệp báo này mà có sự bất bình đẳng giữa tất cả chúng sanh.

Maurice Maeterlinek, một văn sĩ nói: "Chúng ta hãy trở lại với thuyết Nghiệp Báo Tái Sanh vì không thể có cái gì cao đẹp hơn, công bình hơn và đạo đức hơn. Cũng không có một thuyết lý nào khả tín hơn. Tự nó cũng đủ chứng minh về tất cả những bất đồng về thể xác, tri thức và cả những bất công xã hội, những sự thiên lệch ghê gớm của số phận." Giáo sư Allan G. Widgery Standon, giảng sư triết học, thần học, tại đại học đường Cambridge và sau này là giảng sư triết học đại học Duke ở Mỹ cũng đã nói: "Chắc chắn là con người sinh ra trong những điều kiện bất đồng. Sự bất đồng đó tùy thuộc tư cách hành động của mỗi người trong kiếp quá khứ qua định luật nghiệp báo."

Nhiều người dùng những phương pháp luận lý như qui nạp, diễn dịch tam đoạn luận, song quan luận... để hiểu triết lý nghiệp báo thậm thâm vi diệu của Đức Phật. Nhưng vấn đề nghiệp báo không phải hoàn toàn thuận lý.

Mặc dù Đại Đức Ananda khuyên chúng ta chỉ nên tin những gì đạt được bằng lý trí, nhưng triết lý nghiệp báo không thể chỉ dùng lý mà hiểu được. Do đó Đức Phật dạy rằng: "Kammavipàko acinteyyo" (không nên suy nghĩ về hiệu năng của nghiệp lực). Thật vậy chúng ta chỉ có thể thông suốt được sự vận chuyển của nghiệp qua lý trí, kinh nghiệm và nhất là trực giác.

Dẫu sao chúng ta cũng có thể chứng kiến được sự thật hiển nhiên là có sự thiên lệch rõ rệt trong xã hội loài người nói riêng và chúng sanh nói chung. Và khi Đạo Phật đã chứng tỏ được nguyên nhân của sự bất đồng đó thì dĩ nhiên Đạo Phật cũng chủ trương san bằng những bất công trong xã hội.

Thật vậy, những bất công trong xã hội có thể san bằng, hay giảm thiểu. Về phương diện kinh tế, nếu được cải tạo khéo léo thì trật tự xã hội sẽ ổn định, con người có thể sống lâu hơn, mạnh khoẻ hơn, những sự chênh lệch về vật chất được giảm thiểu để đưa xã hội đến chỗ tương đối bình đẳng hơn.

Về phương diện tinh thần, sự bất đồng gây nên do mức độ tham lam, sân hận và si mê nhiều hay ít. Vì vậy muốn san bằng những bất đồng về tinh thần thì phải tiêu diệt tham, sân, si bằng những đức tính Bố Thí, Từ Bi và Trí Tuệ. Thông suốt được tác động vận chuyển của nghiệp tức là đã đắc Đệ Nhị Minh (dutiyà vijjà) trong Tam Minh (tisso vijjà): Túc Mạng Minh, Sinh Tử Minh hay Thiên Nhãn Minh, và Lậu Tận Minh mà Đức Phật đã chứng ngộ trong đêm thành đạo. Khi ấy tâm của Ngài nghiêm tịnh, thanh khiết, vô nhiễm, thoát ly khỏi các lậu hoặc, nhu nhuyến, thích ứng, chánh trực và tự tại. Ngài chuyên chú vào hiện tượng sinh tử của chúng sinh và với Thiên Nhãn, Ngài thấy chúng sanh có kẻ cao thượng, người thấp hèn, kẻ xinh đẹp người xấu xa, kẻ hạnh phúc người khốn khổ; sinh sinh, tử tử tùy theo nghiệp của họ.

Trong kinh Mahàsìhanàda, Majjhima Nikàya (Trung Bộ Kinh), Đức Phật nói đến sự chứng nghiệm của Ngài như là một cuộc thực nghiệm khoa học. Ngài thuyết:

"Có 5 con đường gọi là ngũ đạo. Này Sàrìputta, Ngũ đạo đó là gì? Địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, người và trời. Như Lai biết rõ những cõi địa ngục, con đường dẫn tới địa ngục hay những loại nghiệp nào đưa vào cảnh giới khổ đau này sau khi chết. Này Sàrìputta, Như Lai biết rõ tâm của mỗi chúng sanh trong đó, chúng sanh nào vì hành động như thế nào, tạo những nghiệp nhân như thế nào, rồi phải bị sanh vào địa ngục như thế nào sau khi thân hoại mạng chung. Rồi với tâm thanh tịnh, sáng suốt và siêu việt. Như Lai thấy chúng sanh ấy đọa vào địa ngục chịu nhiều đau khổ. Giống như có một người mệt lã, kiệt lực đang khấp khểnh tiến đến một hầm lá cháy ngùn ngụt. Một người khác chứng kiến tận mắt cảnh đó tự nhủ rằng: chắc chắn người này sẽ sa chân vào hầm lá. Rồi quả nhiên sau đó thấy người kia rơi vào hầm lá và chịu nhiều đau khổ. Chúng sanh sinh vào cảnh giới súc sanh, ngạ quỉ cũng chịu nhiều bất hạnh tương tự. Chỉ có chúng sanh sinh vào cõi người tương đối sống hạnh phúc hơn, và chúng sanh sinh vào cõi trời được hưởng nhiều an lạc."

Trong kinh Màhàkammavibhanga (Đại nghiệp phân biệt), Majjhima Nikàya (Trung Bộ Kinh), Đức Phật dạy rằng, có một vài vị đạo sĩ nhờ tinh tấn, chánh niệm đã đắc được định lực. Với nhãn quan siêu phàm, sáng suốt vị ấy thấy một người bất thiện sau khi thân hoại mạng chung vẫn tái sinh vào cảnh giới an lạc hơn. đạo sĩ ấy nghĩ rằng: không có nghiệp bất thiện cũng không có quả của nghiệp bất thiện, mọi người dù họ hành động bất thiện hay không khi mạng chung vẫn được tái sanh vào nhàn cảnh. Đức Phật không đồng ý với quan niệm đó. Đành rằng có thể có chúng sanh mặc dù hành động bất thiện, sau khi thân hoại mạng chung vẫn được sinh vào cảnh giới an lạc. Nhưng sở dĩ như vậy là vì trong những kiếp xa xưa họ đã tạo nhiều thiện nghiệp. Thêm vào đó trong giờ lâm chung người ấy giữ được tâm niệm chân chính.

Sự sai lầm của các đạo sĩ là do họ chỉ thấy được một vài kiếp sống của một chúng sanh nào đó chứ không thông suốt được toàn diện hiện tượng phức tạp của dòng nghiệp báo.

Sự vận chuyển của dòng nghiệp báo chỉ là một trường hợp đặc biệt của nguyên lý nhân quả trong đó gồm những định luật sinh lý, vật lý, tâm lý và nghiệp lý.

Định luật nghiệp báo còn được gọi là Luật Nhân Quả của hành động thiện hay bất thiện. Theo Phật Giáo, Nghiệp báo không có nghĩa là định mạng, vì vậy định luật nghiệp báo không cố định mà thường được xem như là những khuynh hướng. Theo kinh Cùlakammavibhanga thì thường một nghiệp nhân thiện có khuynh hướng đem lại một nghiệp quả lành, một nghiệp nhân bất thiện có khuynh hướng đưa đến một nghiệp quả dữ.

Nếu phân tích chi tiết hơn chúng ta thấy nghiệp được phân loại theo 4 cách:

1. Về phương diện công tác, có 4 loại :

  1. Sanh nghiệp: là nghiệp lực chi phối tái sanh. Thức tái sanh và sắc uẩn đầu tiên tùy thuộc vào sanh nghiệp này.
  2. Tử nghiệp: là nghiệp lực duy trì sự sinh tồn của một chúng sanh từ khi mới sanh cho đến khi lâm chung. Con người được hưởng hạnh phúc trong kiếp sống của họ hay không tùy thuộc ở trì nghiệp này.
  3. Chuyển nghiệp: là nghiệp lực làm trở ngại sanh nghiệp khiến cho đời sống đang bình thường bỗng gặp khó khăn.
  4. Đoạn nghiệp: là nghiệp lực cắt đứt sanh nghiệp. Như một người bị chết bất đắc kỳ tử.

Bất đắc kỳ tử không phải do định mệnh hay số phận, cũng không phải oan uổng mà chính vì đoạn nghiệp của một người quá mạnh khiến cho kiếp sống bị đứt đoạn nửa chừng.

2. Về phương diện năng lực của quả báo, nghiệp có 4 loại :

  1. Cực trọng nghiệp: là nghiệp lực rất mạnh, nếu là nghiệp ác có thể sa đọa vào địa ngục vô gián nên còn gọi là vô gián nghiệp. Những nghiệp cực-trọng đó là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, chia rẽ Tăng chúng và gây thương tích cho Đức Phật.
  2. Cận tử nghiệp: là nghiệp tạo lúc lâm chung. Nghiệp này có thể do hành động, lời nói hay chỉ nhớ lại những nghiệp đã làm lúc sanh tiền. Một người có thể từng làm nhiều việc thiện nhưng khi chết nhớ lại một điều ác nào đó rồi sanh vào cảnh khổ. Trái lại một người suốt đời hầu như làm ác nhưng lúc lâm chung giữ được tâm niệm lành thì vẫn được sanh vào nhàn cảnh. Tuy nhiên những hành động thiện hay ác kia vẫn còn tích trữ cho đến khi hội đủ nhân duyên sẽ phát khởi.
  3. Tập quán nghiệp: là nghiệp thường được tạo tác trong suốt kiếp sống của ta và nó đã trở thành tập quán. Như một người đồ tể đã biến hành động giết chóc thành thói quen không bỏ được. Do đó, nếu là tập quán bất thiện thì rất nguy hiểm cho sự tu tập. Trái lại nếu đó là tập quán thiện thì đem lại nhiều kết quả khả quan.
  4. Tích lũy nghiệp: là những nghiệp lực còn duy trì chưa phát hiện vì chưa đủ nhân duyên hay điều kiện thuận tiện. Thường nghiệp này không mạnh lắm, nên làm xong có thể quên ngay.

3. Về phương diện thời gian, phản ứng, nghiệp được chia làm bốn loại:

  1. Hiện báo nghiệp: là những nghiệp gây hậu quả ngay trong kiếp hiện tại. Như một người ăn trộm bị bắt cầm tù, hay những tội nhân bị bắt quả tang và bị tử hình ...
  2. Sanh báo nghiệp: là những nghiệp đem lại hậu quả trong kiếp kế tiếp. Như một người bố thí, trì giới và tâm hồn thanh tịnh khi lâm chung được tái sanh nơi nhà cảnh. Trái lại những người sát sanh, trộm cướp... sau khi lâm chung bị sa đọa vào 4 ác đạo .
  3. Hậu báo nghiệp: nếu nghiệp chưa được trả quả trong kiếp hiện tại hay trong kiếp kế cận, thì sẽ phát khởi trong bất cứ một kiếp nào về sau khi hội đủ điều kiện. Thường nghiệp lực này không mạnh lắm. Đây chỉ là trường hợp một người làm lành khi lâm chung có tâm niệm bất thiện, phải tái sanh trong khổ cảnh và sau kiếp sống đó mới nhận được quả lành đã làm trong quá khứ. Trái lại một người làm ác, với tâm niệm lành lúc lâm chung có thể tái sanh trong nhàn cảnh và sau kiếp sống đó mới chịu đau khổ do kết quả của hành động bất thiện trước kia. Đó là lý do tại sao một vài đạo sĩ khi thấy một chúng sanh làm ác sau khi thân hoại mạng chung vẫn được sanh vào nhàn cảnh và kết luận rằng không có kết quả của hành động thiện ác. Thật ra, vì họ chỉ thấy được một vài kiếp sống chứ chưa chứng kiến được toàn diện hiện tượng nghiệp báo.
  4. Vô hiệu nghiệp: là những nghiệp đáng lý có kết quả trong hiện kiếp hay kiếp sau, nhưng không đủ yếu tố để phát khởi nên trở thành vô hiệu quả. Nhất là trường hợp Đức Phật và các vị A-la-hán, những nghiệp lực yếu ớt còn sót lại không chi phối được các Ngài.

4. Về phương diện cảnh giới, nghiệp cũng được chia làm 4 loại:

  1. Bất thiện nghiệp: là những nghiệp trả quả trong bốn đường ác đạo hay làm người trong tình trạng bất hạnh. đó là những nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói hai lưỡi, ác ngữ, nói lời vô ích, tham, sân và tà kiến.
  2. Dục giới thiện nghiệp: là những nghiệp trả quả ở 6 cõi trời dục giới, ở đó chúng sanh được hưởng đời sống hạnh phúc, hoặc trả quả làm người được sống an lạc. Những nghiệp này là phóng sanh, bố thí, phạm hạnh, chân thật, nói lời hòa hợp, ái ngữ, nói lời hữu ích, không tham, không sân và chánh kiến.
  3. Sắc giới thiện nghiệp: là kết quả của thiền định hữu sắc, những người đắc được bốn bực thiền hữu sắc sẽ tái sinh trong 16 cõi sắc giới thiên. ở đó chúng sanh sống rất an tịnh không tham sân và si.
  4. Vô sắc giới thiện nghiệp: là những kết quả của các bậc thiền vô sắc. Có 4 cõi vô sắc giới thiên, trong đó đời sống rất vi tế, thanh tịnh và tự tại, các chúng sanh ở đó sống rất lâu nhưng đến khi quả báo không còn hiệu lực, họ cũng phải trở lại dục giới chịu những quả vui khổ họ đã tạo trước kia.

Như vậy Nghiệp là một định luật Nhân Quả công bằng trong đó có tự do và trách nhiệm, khác hẳn với định mệnh thuyết cho rằng con người phải chịu số phận mà trời đã định sẵn, họ không có quyền tự do quyết định tạo lấy cho mình một đời sống tùy theo ý muốn của mình. Và dĩ nhiên như thế con người không chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình, vì trách nhiệm đó đã có trời gánh vác.

Nếu nói rằng Đạo Phật không nêu cao nhân vị thì quả thật quá sai lầm vì trong nghiệp lý con người được hoàn toàn tự do và nhận lãnh trách nhiệm về sự tự do của mình. Trái lại, chính thuyết thiên mệnh mới chà đạp nhân vị của con người, vì theo đó con người luôn luôn bị trời thưởng phạt, chứ không có quyền tự quyết; và nếu có tự quyết thì cũng tự quyết chiều theo ý trời, và con người không bao giờ có ý định được bình đẳng với trời. Đạo Phật không những tôn trọng nhân vị mà còn cố gắng nâng nhân vị đó lên Phật vị một cách hoàn toàn bình đẳng.

Chúng ta đã định nghĩa, phân loại và nói đến tính cách khả chứng bằng lý trí, quan sát, kinh nghiệm trực giác của Nghiệp theo quan niệm nhà Phật. Nay chúng ta hãy so sánh chữ Nghiệp được dùng trong Phật Giáo và trong các tôn giáo khác.

Trước hết, chúng ta hãy so sánh với chủ trương của đạo Jainism, theo đó con người không thể phát triển đức dục và trí dục nếu chưa trả hết tất cả những hậu quả của bất thiện tiền nghiệp. Vì vậy tôn giáo này dạy tín đồ phải thực hành khổ hạnh để sớm được thoát khỏi ảnh hưởng của tội lỗi mà họ đã làm trong những kiếp quá khứ. Mặt khác, đạo Jainism chủ trương khác hẳn với Phật Giáo rằng giá trị của hành động đạo đức tùy thuộc ở thân hơn là ở ý chí.

Trong kinh Upali, Majjhima Nikàya (Trung Bộ Kinh), có ghi lại trường hợp một vị đạo sĩ, thuộc Jainism mà thời đó gọi là Nigantha, đến yết kiến Đức Phật. Sau đây là một mẫu đối thoại trong Trường Bộ Kinh :

Khi đạo sĩ Nigantha chào hỏi Đức Thế Tôn và an tọa, Đức Phật hỏi đạo sĩ rằng: "Này đạo sĩ, trong đạo Nigantha vị giáo chủ Nàtaputta dạy có bao nhiêu loại nghiệp?"

"Bạch Đức Gotama, trong đạo của chúng tôi, vị giáo chủ Nàtaputta không hề nói đến cái nghiệp nhưng chỉ dạy về cái tội mà thôi."

"Vậy có bao nhiêu thứ tội?"

"Bạch Ngài, tội có 3 loại: tội do thân, do khẩu và do ý."

"Trong ba tội ấy tội nào nặng hơn hết?"

"Bạch Ngài, chính tội của thân nặng hơn cả."

Sau khi xác nhận ba lần như thế, đạo sĩ Nigantha lại hỏi Đức Phật:

"Bạch Đức Gotama, còn theo Giáo Pháp của Ngài có mấy thứ tội?"

"Này đạo sĩ, trong Giáo Pháp của Như Lai không hề nói đến cái tội, nhưng chỉ dạy về cái nghiệp mà thôi."

"Bạch Ngài, vậy có bao nhiêu thứ nghiệp?"

"Nghiệp cũng có 3 loại là: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp."

"Bạch Ngài, trong ba loại nghiệp ấy loại nào quan trọng nhất?"

"Này đạo sĩ, chính ý nghiệp là quan trọng nhất."

Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy chủ trương về nghiệp giữa Phật Giáo và Jainism không hoàn toàn giống nhau. Một đằng xem hành động cố ý mới tạo nghiệp lực một đằng cho rằng dù vô tình hay cố ý vẫn có giá trị thiện ác như nhau. Hai quan niệm như thế không thể bị đồng nhất hóa được.

Một chủ trương khác của giáo phái khổ hạnh Ajivika cho rằng tất cả những hành động cũng như những kinh nghiệm hiện tại hoàn toàn bị chi phối bởi tiền nghiệp. Trong khi đó Đạo Phật không chấp nhận thuyết tiền định và xem nghiệp quá khứ chỉ là một trong những yếu tố chi phối đời sống hay kinh nghiệm vui khổ của con người mà thôi. Theo Đạo Phật con người không phải sống tùy thuộc hoàn toàn vào nghiệp quá khứ mà chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau:

-- Yếu tố ngoại giới: như điều kiện thời tiết, ảnh hưởng của vị trí, phương hướng, cũng như những tình trạng xã hội ...

-- Yếu tố vật lý: tức là những điều kiện vật chất, những ảnh hưởng của hiện tượng vật lý.

-- Yếu tố sinh lý: tức là điều kiện cấu tạo, vận chuyển và tiến hóa của cỏ thể, kể cả luật di truyền.

-- Yếu tố tâm lý: tức là những định luật về hiện tượng nội giới. Điều này được Đức Phật phân tích rõ ràng trong Abhidhamma (Thắng Pháp).

-- Yếu tố nghiệp lý: tức là nguyên lý nhân quả của hành động cố ý như chúng ta đã định nghĩa và phân loại ở trên.

Như vậy đời sống của con người phối hợp bởi nhiều yếu tố và ảnh hưởng bởi nhiều môi trường chứ không hoàn toàn do nghiệp quá khứ của mình (sayam katam), không do quyết định độc đoán của một ngoại nhân nào (param katam), cũng không ngẫu nhiên mà có (adhicca sammuppanna). Con người cũng như vạn hữu đều hình thành bởi nhiều nhân duyên (paticca samupana). Nếu có người hiểu rõ tất cả những điều kiện đó họ có thể chế ngự thiên nhiên và chính mình để đạt đến chỗ tự tại vô ngại.

Đạo Phật nhằm mục đích tiêu diệt mọi điều kiện ràng buộc con người để đưa đến vô điều kiện (unconditioned, vô vi) tức là Niết Bàn, là giải thoát.

Cuối cùng chúng ta so sánh với thuyết định mệnh (fatalism) và thuyết di truyền (heredity).

Như chúng ta đã đề cập trước đây, sự liên quan của nghiệp báo khác hẳn với thuyết định mệnh vì nghiệp không phải là yếu tố duy nhất, độc đoán chi phối đời sống con người và chúng ta có thể tiêu diệt hay biến đổi nghiệp cùng với những điều kiện khác để vươn lên.

Theo kinh điển Bà La Môn, mọi hành động của con người đều bị chi phối bởi thiên nhiên (prakiti) và thiên nhiên lại được vị trời Phạm Thiên (Thượng đế) an bài định đoạt. Bởi thế con người đành phải bó tay trước số phận mà tạo hóa đã định sẵn, hoặc phải cúng tế để cầu xin được gia ân, ban phúc.

Chắc hẳn là có người không chịu nổi số phận quá đen tối của mình mà tự hỏi không biết ai đã trao cho tạo hóa cái thứ quyền năng độc đoán, bất công như thế. Vì sao tạo hóa lại định số phận mỗi người một khác. Nếu đấng tạo hóa toàn năng thì không toàn thiện, vì Ngài đã tạo một sự chênh lệch lớn lao giữa con người với con người. Nhưng nếu Ngài toàn thiện thì không toàn năng vì Ngài không đủ sức san bằng sự chênh lệch đó để đưa con người đến chỗ tương đối hạnh phúc hơn.

Dĩ nhiên con người có quyền đưa ra những vấn nạn hữu lý đó. Vì không lý gì, trong cái thời mà con người đã ý thức được chủ quyền và nhân bản lại bị cưỡng bách phải chịu qui phục trước một tha lực chuyên chế hoàn toàn không do họ ủy quyền.

Theo Đạo Phật, thì con người là thượng đế của chính mình chứ không ai khác (attàhi attanonàtho, ko hi nàtho parosiyà). Vì tất cả các điều kiện, kể cả nghiệp đều có thể tự mình sửa đổi được. Bởi thế, hạnh phúc hay đau khổ đều do mỗi cá nhân tạo lấy cho mình. Được tự do hay nô lệ tùy thuộc ở chỗ con người làm chủ các điều kiện hay bị các điều kiện làm chủ.

Về phương diện thuyết di truyền, mặc dù Đạo Phật nhìn nhận rằng luật di truyền có ảnh hưởng đến đời sống con người, nhưng di truyền không phải là một yếu tố quyết định duy nhất như một vài nhà tư tưởng hay khoa học gia chủ trương. Di truyền và nghiệp là hai yếu tố khác nhau trong những điều kiện tạo thành đời sống con người: Di truyền thuộc về điều kiện sinh lý (bìyaniyàma) trong khi nghiệp đặt căn bản trên ý chí (Cetanà). Một người có thể có một đặc tính thể chất nào đó từ cha mẹ di truyền lại nhưng chính nghiệp lực do anh ta tạo ra có ái lực đối với đặc tính đó, sự tương ứng này gọi là nhân duyên tương khởi.

Trong trường hợp tính tình thì nguồn gốc dường như không phải là di truyền mà là nghiệp lực hay những điều kiện xã hội. Hai đứa con song sinh ít khi có tính tình giống nhau, và nếu chúng được đặt trong những điều kiện xã hội khác nhau thì tính tình lại càng biến đổi. Xem thế yếu tố di truyền không phải là yếu tố quyết định.

Khi phân tích các tác phẩm McTaggart, Giáo sư Triết học đại học đường Cambridge, người đã nhiệt liệt bênh vực thuyết nghiệp báo trong cuốn "Vài Giáo Điều Tôn Giáo" (Some Dogmas of Religion), và cuốn "Bản Chất Của Hiện Hữu", Giáo sư C. D Broad đã viết: "McTaggart đã chỉ cho chúng ta thấy rằng giả thuyết về ái lực tương tuyển giữa những loại tâm hồn này và thể xác kia có thể giải thích được sự tương đồng về đặc tính tinh thần, giữa cha mẹ và con cái mà người ta thường cho là trực tiếp ảnh hưởng của sự di truyền. Vì di truyền nên con cái giống với cha mẹ hơn là người khác. Thêm vào đó, những cơ thể giống nhau sẽ tương ứng với những tâm lý giống nhau, và vì thế những tiếp hợp tử phát triển thành những cơ thể tương tự có khuynh hướng hấp dẫn những tâm lý tương tự để tạo thành thai bào. Tôi nghĩ phải nhìn nhận rằng lý thuyết này rất thích đáng và tinh tế" (Examination of McTaggart's Phylosophy, Vol. 2, Part 2, Page 614-615).

Tóm lại, nghiệp báo đóng một vai trí rất quan trọng trong Giáo Lý nhà Phật. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng Đức Phật thuyết minh nghiệp lý không phải với mục đích khuyến khích làm điều kiện để hưởng thụ hạnh phúc trong cõi cực lạc, thiên đường, nhưng để giúp con người thoát ra khỏi dòng nghiệp báo triền miên (Kammakkhayya). Do đó ngay từ những điều kiện đầu tiên để đạt được quả vị thứ nhất - quả Dự Lưu - trong hàng Thánh nhân là phải :

-- Diệt thân kiến (sakyà ditthi), tức là không chấp ngã.

-- Diệt hoài nghi (vicikiccà), tức là nắm được chân lý, không còn tin phù phiếm ở định mệnh.

-- Diệt giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa), tức là không còn chấp vào các nghi lễ, định lệ nữa.

Một người như thế sẽ không còn thối hóa (avinipàta) và chắc chắn sẽ đạt được cứu cánh giác ngộ (Niyatosambo dhiparàyàno). Đó là con đường dẫn tới sự đoạn diệt ảnh hưởng của nghiệp lực và phát triển tinh thần vô ngã, từ bi và trí tuệ.

(hiệu đính: 6/99)


[Mục lục]


[Main Index]

Last updated: 23-12-1999

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com