"Con
Đường Hạnh Phúc",Viên Minh và Trần Minh Tài , Con đường hạnh phúcHầu như mọi nỗ lực của con người đều nhắm vào mục đích tìm kiếm một đời sống hạnh phúc. Nhưng thử hỏi mấy ai đã thành công trong mưu cầu tạo dựng một nền hạnh phúc đích thực. Nhiều người càng cố gắng truy tầm hạnh phúc thì nó lại càng trở nên xa vời đối với họ, trong khi nhiều người khác đã nắm sẵn hạnh phúc trong tay nhưng lại thả mồi bắt bóng để rồi cuối cùng hạnh phúc cũng vuột khỏi tầm tay. Sự thật, hạnh phúc không hoàn toàn tùy thuộc nơi tiền tài, danh vọng mà con người đã phí sức đạt cho bằng được. Thực tế chứng minh, lắm người đã lên đến tột đỉnh của danh vọng hay đã thành công trong việc tạo lập một gia sản to lớn, nhưng vẫn sống một đời sống bất an, vô vị. Hạnh-phúc đâu phải xa vời với chúng ta đến thế, chỉ cần hướng tâm về với chủ thể để khai thác một nguồn hạnh phúc bất tận đang sẵn sàng chờ đợi ở nội giới mà chúng ta lãng quên để chạy theo ngoại cảnh. Muốn khai thác nguồn hạnh phúc nội tại đó chúng ta phải biết một số nguyên tắc căn bản khả dĩ tạo điều kiện tất yếu cho một đời sống an lành. Những yếu tố tiên quyết đó là gì ? 1- Kiểm soát nội tâm: Tâm hồn của con người có khả năng chi phối thể xác. Vì thế, tâm chấp chứa những niệm bất thiện thì thật là một điều đại họa, lắm khi có thể giết chết cả một đời người. Ngược lại, nếu an trụ trong Chánh-niệm, Chánh tinh tấn, Chánh tư duy thì tâm có khả năng đem lại cho chúng ta một đời sống hạnh phúc, lành mạnh. Không nên để cho trí phán đoán của chúng ta mang nhiều thành kiến, cố chấp. Hầu hết những phán đoán hay quyết định trong lúc bực tức hay khi hứng khởi bồng bột sẽ làm cho chúng ta ân hận về sau. Phải giữ tâm bình tĩnh và suy xét kỹ càng thì phán đoán mới không thiên lệch. Đức Phật dạy: "Không một kẻ thù nào nguy hiểm cho con bằng tâm dục vọng, lòng oán thù và tính ganh tị của con". Thật vậy, chỉ khi nào tâm được rèn luyện và phát triển theo đúng chánh đạo thì mới đem lại lợi ích cho mình và tha nhân. Tâm trầm lặng không có nghĩa là yếu mềm, tiêu cực. Thái độ trầm tĩnh của một người chứng tỏ họ là tri thức. Vì khi gặp một hoàn cảnh cam go, nan giải mà vẫn không lo âu bối rối thì thật không phải dễ. Sự trầm lặng đó hẳn có một sức mạnh vô song mà bất kỳ trong mọi hoàn cảnh cũng không thể lay chuyễn được. Đó là điều kiện tiên quyết cho một đời sống hạnh phúc, đúng như một danh ngôn Pháp đã nói: "Sự yên lặng và bình an của tâm hồn ngọt ngào hơn các lạc thú". 2- Hành động sáng suốt: Điều quan trọng không phải là tiền tài, sức lực, học vấn, tài năng mà chính là biết cách sử dụng, và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ những khả năng đó để đem lại hạnh phúc cho mình và đồng loại. Vì nếu dùng sai những khả năng sẵn có của mình thì chỉ làm cho mình thêm sa đọa. Chúng ta phải dũng cảm để biết cái nhu nhược của mình, phải can đảm để biết chỗ hèn nhát của mình, phải bất khuất khi thất bại và khiêm nhường khi chiến thắng. Phải luôn luôn giác tỉnh, sáng suốt để không có những hành động ngông cuồng, mù quáng. Nhiều người bỗng nhiên phát tài, hoặc thừa hưởng một gia sản to lớn của cha mẹ để lại nhưng họ không biết gìn giữ, phát triển hoặc xử dụng thế nào cho hợp lý, và vì thế chẳng bao lâu gia tài bị tiêu pha hoang phí cho đến khi kiệt tận. Thường thường những của cải không do mồ hôi nước mắt của mình tạo ra thì không có giá trị đích thực. Phải biết sử dụng tài sản đúng mức cho mình và đôi khi vì lợi ích của kẻ khác. Cũng như tài sản, sức mạnh, học lực, tài năng phải được xử dụng đúng chỗ, đúng lúc thế nào để được lợi ích cho mình và tha nhân. 3- Cải tiến chính mình cho thích ứng với hoàn cảnh: Chúng ta đang sống trong một thế giới luôn luôn bị biến đổi, nhưng ít ai nhận chân ra được thực trạng đó. Chúng ta không nên cố chấp vào truyền thống, tập tục hay tín ngưỡng được truyền lại từ các bậc tiền nhân chỉ vì nghĩ rằng: "Xưa bày nay làm". Nếu mọi người đều có óc thiển cận như thế thì làm thế nào xã hội có thể tiến hóa được. Có nhiều truyền thống từ ngàn xưa để lại mà không lỗi thời vì luôn luôn thích ứng với xã hội mới. Nhưng không phải vì thế mà các bậc phụ huynh câu nệ và bắt con mình giữ đúng mọi tập tục cổ truyền. Hãy để cho thế hệ hậu lai theo kịp đà tiến hóa của xã hội miễn là không quá lố đến vượt qua khỏi giới hạn luân lý căn bản. Như thế chúng ta nên tránh một cuộc xung đột giữa hai cực đoan của nhóm người bảo thủ và duy tân. Vì cả hai đều là chướng ngại vật cho một sự tiến hóa trung dung tất yếu của xã hội con người. Tiến bộ trung dung tức là phải chấp nhận một số truyền thống chân chính làm nền tảng hay làm yếu tố hướng dẫn cho mọi trào lưu tiến hóa của xã hội. Có như thế thì xã hội của chúng ta mới không bị cứng đọng mà cũng không tiến quá nhanh đến độ sa chân vào hố thẳm. Mỗi người là một phần tử tạo thành xã hội, nên phải chịu một phần trách nhiệm về những thăng trầm, tấn thối của xã hội trong đó mình đang sống. Chúng ta phải tự hỏi là đã làm được gì để đóng góp vào trật tự tiến hóa của nhân loại. Đó chính là yếu tố nung đúc tinh thần sáng tạo thay vì tự mãn với những gì đã có. Mặt khác, ai cũng hiểu rằng "bá nhân bá tánh" nên chúng ta không thể sửa đổi mọi người cho hợp với ý mình, lại càng không thể san bằng mọi chông gai hiểm trở để bước những bước thật êm ái trên đường đời. Ai ra khỏi mà không mong trời yên biển lặng, nhưng tốt hơn hết là họ nên luyện tập mọi khả năng thích ứng hầu đối phó với phong ba bão táp xảy đến bất cứ khi nào. Người muốn bước những bước êm đềm trên đường đày chông gai phải mang vào chân một đôi giày an toàn; cũng thế muốn có được một đời sống an vui tự tại phải biết cách chế ngự lục căn để sẳn sàng đối phó và thích ứng với mọi hoàn cảnh mà không bị lôi cuốn hay vướng mắc. 4- Khiêm nhường: Người trí thức lấy khiêm tốn để đo cái sở tri và cái sở bất tri của mình, nhờ thế họ biết được chỗ khiếm khuyết để bổ túc và kiến thức của họ luôn luôn được mở rộng. Tự mãn là một trở ngại lớn lao trong việc tự rèn luyện bản thân. Chính Đức Phật đã làm cho mọi người ngạc nhiên và kính phục khi Ngài từ bỏ vương quyền của mình để sống một nếp sống từ tốn; và khi Ngài trở thành bậc thánh nhân Ngài vẫn không bao giờ tự xưng là giáo chủ. Giáo huấn của Ngài không bao giờ có vẻ tự đắc, tự phụ. Nhờ khiêm nhường ta không những học được những điều hay lẽ đẹp ở người mà còn không bị người ganh tị, tật đố. Một người tài cao như Hàn Tín thật hiếm có, nhưng vì tính tự cao tự đại nên phải hứng chịu một hậu quả thảm khốc về sau. Trái lại, Trương Lương tuy tài cao mà khiêm tốn nên luôn luôn được quí trọng và nhờ thế ông đã sống một đời sống thật thanh nhàn an lạc. 5- Tiết kiệm thì giờ: Thì giờ quả là quí báu hơn cả vàng ngọc, vì một ngày ta chỉ có 24 tiếng đồng hồ chứ không thể mua thêm được một giây một phút dù với bất cứ giá nào. Một đời người thật quá ngắn ngủi để cho ta có thể hoàn thành được lý tưởng của mình. Các nhà học giả khi đến tuổi về chiều vẫn còn cảm thấy chưa học hỏi được bao nhiêu. Nên họ ước sao cho ngày tháng dài ra để cho thêm thì giờ học hỏi nghiên cứu. Nhưng trái lại, nhiều người đã không sống trọn vẹn 24 tiếng đồng hồ một ngày để làm những việc đáng làm. Họ tiêu pha thì giờ trong những câu chuyện ngồi lê đôi mách hoặc lo âu cho tương lai, hối tiếc quá khứ mà không biết rằng mình đã đánh mất giây phút quí báu nhất là hiện tại -- giây phút ngắn ngủi mà ta thực sự hiện hữu trong cuộc đời -- cho đến khi giây phút quí báu đó vượt khỏi tầm tay rồi mới than van hối tiếc. Nếu bất cứ một giây phút hiện tại nào cũng được xử dụng hợp lý thì quá khứ có gì đáng nuối tiếc và tương lai chắc chắn phải tươi đẹp huy hoàng. Tiêu phí thì giờ không những làm hại chính mình mà đôi khi còn làm mất thì giờ của kẻ khác. A. De Gasparin nói rằng: "Giữa cái dĩ vãng đã thoát khỏi tay chúng ta và cái tương lai mà ta không thể biết rõ, còn lại cái hiện tại nói rõ bổn phận của ta." Chúng ta phải thực hiện những gì có thể thực hiện được ngày hôm nay, chứ không nên để đến ngày mai. Đừng để cho giây phút hiện tại quí báu này trôi qua một cách vô vị, trong khi những bổn phận đáng làm lại bị lãng quên hoặc hẹn lại một ngày ở tương lai chưa chắc sẽ đến với ta. Boileau cũng bảo rằng: "Hãy giục giã lên, thời gian trôi và lôi cuốn chúng ta theo, chính cái lúc mà tôi nói đây chưa chi đã đi vào quá khứ." Vì quá khứ chỉ là giấc mộng và tương lai nào ai biết chắc sẽ ra sao nên ta phải sống và phải tiết kiệm từng giây, từng phút trong hiện tại này. 6- Kiên nhẫn và chịu đựng: Hãy kiên nhẫn đối với tất cả mọi người. Sân hận chỉ đưa đến một ngõ cụt không lối thoát. Tâm sân hận không những chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm hại chính mình, vì nó gây xáo trộn cho đời sống tâm-vật-lý của ta. Một lời nói bất nhã không dằn được trong khi tức giận cũng như một mũi tên đã lìa khỏi cung, khi đã gây thương tích cho người khác, thì khó có thể tha thứ được dù có ngàn lần ăn năn hối lỗi cũng đã muộn rồi. Tục ngữ có câu "No mất ngon, giận mất khôn". Thật vậy khi nóng giận ta dễ trở thành mù quáng. Vì thế kẻ thù ta chiến đấu không phải ai khác mà là lòng sân hận của mình. Tâm ta vừa là bạn đồng minh, cũng vừa là kẻ thù nguy hiểm nhất. Chúng ta phải chiến đấu để tận diệt kẻ thù nội tuyến Tham, Sân, Si này bằng Giới, Định và Huệ. Hãy nhớ rằng "Một sự nhịn, chín sự lành" đúng như người xưa đã từng kinh nghiệm và dạy lại cho chúng ta. 7- Dĩ ân báo oán: Muốn thắng địch thủ trước hết ta phải tiêu diệt kẻ thù nội tuyến nguy hiểm hơn, là tâm sân hận của chính mình. Mặt khác, nếu chúng ta bối rối, và hành động mất bình tĩnh trước kẻ thù tức là ta vô tình mắc bẫy của họ. Nếu ta học được điều hay lẽ đẹp ở bạn bè thì sao chúng ta lại không học được một vài bài học quí giá nơi kẻ thù nghịch? Đâu phải bất cứ ai thù nghịch với ta đều là xấu cả, họ chắc phải có vài đức tính khả kính mà đôi khi ta lại không có. Một người có điểm khả kính như thế đáng lẽ ta phải kết bạn cầu thân hơn là chỉ vì một lầm lỗi của họ mà xem họ như kẻ thù. Phương pháp tốt đẹp hơn cả là lấy lòng từ ái để đáp lại kẻ đối nghịch. Mới nhìn, xem ra dĩ ân báo oán có vẻ nghịch lý nhưng đó là phương pháp mà các bậc hiền nhân đã từng áp dụng và thành công. Khi có một người bất bình với ta, trước tiên ta phải xem nguyên nhân nào khiến cho người ấy bất bình. Nếu quả thật vì làm lỗi của ta, thì ta nên nhìn nhận và chịu lỗi. Nếu chỉ vì đôi bên có chỗ hiểu lầm thì sao ta không tìm lời lẽ hòa hoãn để bắt nhịp cầu thông cảm. Còn nếu đối phương vì có tính ganh tỵ, háo thắng thì chỉ có cách ổn thỏa nhất là rải tâm từ ái đến cho họ; và chính nhờ tâm từ ái, một ngày kia có thể biến kẻ thù thành người bạn tốt. Chúng ta hãy ghi nhớ lời khuyên của La Cordaire: "Nếu anh muốn vui sướng trong chốc lát, cứ trả thù; nhưng nếu anh muốn an vui mãi mãi thì hãy tha thứ ". Đó là dĩ ân báo oán vậy. 8- Hòa điệu sống: Lịch sử nhân loại chứng minh rằng những kỳ thị màu da chủng tộc, sự cuồng tín và lòng tham vọng đã đem lại nhiều bất hạnh cho con người. Những kẻ khát khao quyền uy, tiền tài, danh vọng, nếu được cộng thêm vào tính ganh tỵ thì chẳng khác nào là đổ thêm dầu, họ đã không đóng góp được gì cho hòa bình an lạc của đồng loại mà luôn luôn gieo rắc nhiễu hại cho kẻ khác. Họ không biết hòa điệu sống, vì quên rằng nếu ta muốn sống một cách thái hòa, hạnh phúc thì phải để cho kẻ khác được sống thanh bình, an lạc. Và họ lầm tưởng rằng họ có thể sống thanh bình trên sự đau khổ của kẻ khác, nhưng thật ra họ là những kẻ đau khổ nhất trên đời. Chúng ta có thể biến thế giới này thành một thiên đàng hay địa ngục trần gian căn cứ trên khả năng biết hòa điệu sống hay không. Phải biết sống phù hợp với những định luật tự nhiên, như định luật nhân quả, nghiệp báo, vô thường, duyên khởi để chúng ta không còn bối rối hay khó chịu mỗi khi gặp những khó khăn trên đường đời. Đừng tưởng rằng sống phù hợp với những định luật tự nhiên đó tức là chúng ta không tiến hóa. Chính con người tiến hóa hay không là do mức độ thích ứng với những định luật này nhiều hay ít. Bằng chứng là khoa học đã ứng dụng những định luật tự nhiên hay những nguyên lý căn bản để phát minh và chế tạo. Tất cả những môn Xã-hội học, Tâm-lý học, Đạo-đức học, Kinh-tế học... đều có những định luật riêng của nó. Nếu những định luật này được áp dụng đúng mức thì chắc chắn nhân loại sẽ sống trong hòa bình, an lạc. Đáng tiếc là một số người sau khi đã có thế lực, tiền tài lại muốn vượt ra khỏi nhịp sống tự nhiên, hy vọng tìm được một chân trời mới lạ. Và quả thật họ đã đạt được một chân trời mới, nhưng đó không phải là chân trời hạnh phúc mà là một địa ngục tràn gian với đầy đủ cực hình thảm khốc: tranh chấp, giết chóc, thù hận. 9- Chấp nhận phê bình: Tục ngữ ta có câu: "Mật ngọt chết ruồi" và "Thuốc đắng đả tật". Lời khen trông có vẻ ngọt ngào nhưng chỉ làm cho ta thêm cao ngạo tự đắc. Trái lại, lời phê bình chỉ trích xem ra thật là cay đắng nhưng có thể giúp ta sửa chữa được nết hư tật xấu. Vì thế mà người ta có lý khi nói rằng: "khen là thù, chê là bạn". Chúng ta phải can đảm đón nhận những lời chỉ trích, vì trong số những lời chỉ trích đó hẳn phải có điều đúng với sự thật, khi đó ta phải cố gắng sửa sai và thành thật cám ơn người đã chỉ trích mình hơn là oán giận, tự ái. Đành rằng lòng tự ái được đặt đúng chỗ là một đức tính giúp cho ta tiến bộ. Nhưng tự ái quá đáng, nhất là trong trường hợp bị người phê bình thì chẳng những không có lợi gì cho ta mà còn gây thêm oán thù. Mặt khác, khi thấy người lầm lỗi ta cũng nên tìm cách phê bình khéo léo để sửa sai cho họ, bằng không thì im lặng còn hơn làm cho họ mất thể diện. Chúng ta phải nhớ rằng: "Lầm lỗi mà ta thấy nơi tha nhân là phản ảnh những làm lỗi của chính mình". Vì đã làm người thì ai cũng có cái xấu cái tốt như nhau. Câu tục ngữ: "Suy bụng ta ra bụng người" không phải là không có lý. Họ chỉ hơn kém ở chỗ có biết lánh xa những cái xấu và làm những điều tốt hay không mà thôi. Vả lại, ngoại giới phản ảnh tâm trạng của mỗi cá nhân. Lúc ta buồn, vui, hờn, giận thì ngoại cảnh cũng bàng bạc những tâm trạng đó. Một người bất chánh thấy hành động của người khác tương tự như mình đều cho là bất chánh, nhưng sự thật vị tất đã là thế. Như vậy ta nên hoan hỷ chấp nhận lời chỉ trích đúng dù với thiện tâm hay ác ý. Nhưng khi phải phê bình kẻ khác thì ta chỉ nên phê bình với lòng từ ái. 10- Hãy tự thanh lọc trước: Trong kinh Dhammapada (Pháp Cú), Đức Phật dạy:
Thật là hữu lý khi chúng ta lo tròn bổn phận của mình chứ không xen vào công việc của người khác. Nếu chính mình chưa rành công việc thì dù có xen vào để tiếp tay cho kẻ khác thì cũng chỉ làm cho người vướng bận thêm, lắm khi còn bị người khác oán trách, và vô tình ta làm ơn lại mắc oán. Như vậy ta nên áp dụng câu "Cá nhân tự tảo môn tiền tuyết, mạc vấn tha nhân ốc thượng sương" (Mỗi người hãy tự quét tuyết trước sân mình. Đừng thắc mắc tại sao sương rơi trên mái nhà người khác) để tự cải thiện mình. Khi mình đã được cải thiện thì tự nhiên đã nêu một gương lành cho kẻ khác. Đức Khổng Tử cũng dạy lấy tu thân làm căn bản trước khi muốn tề gia trị quốc hay bình thiên hạ. Nhiều người khi nghe nói Bồ-Tát vị tha thì nghĩ rằng cứ đi lo việc cho thiên hạ tức là trở thành Bồ Tát. Nhưng càng lo việc thiên hạ, thiên hạ càng xua đuổi, mạt sát vì thật ra họ chưa đủ tư cách, đức độ và trí tuệ của một vị Bồ Tát thật sự. Thì ra, muốn trở thành Bồ Tát phải tự rèn luyện đầy đủ Bi-Trí-Dũng trước đã. 11- Không lo âu phiền muộn: Một sự lầm lẫn đáng trách của con người là quá lo âu cho tương lai và nuối tiếc quá khứ. Đại Đức Dhammananda dạy rằng: "Bí quyết của một đời sống hạnh phúc và thành công là cố gắng làm những điều đáng làm trong hiện tại, không lo âu tương lai, không nuối tiếc quá khứ". Chúng ta không thể trở về quá khứ để làm những việc đã rồi , cũng không thể đến trước trong tương lai để thực hiện những chương trình chưa được thực hiện trong hiện tại, hay để xem những gì xảy ra ở đó. Người Anh có hai câu tục ngữ rất phù hợp với bí quyết sống không lo âu phiền muộn này. Họ nói rằng "Let bygones be bygones" nghĩa là hãy để cho cái gì đã qua trở về với quá khứ. Và "Never trouble trouble till trouble troubles you". Đừng bao giờ lo âu về những phiền phức chưa đến. Trong Truyền Đăng Lục có ghi:
Nếu thấy ta có sai lầm trong quá khứ thì hãy ráng cải thiện lấy mình trong hiện tại. Và muốn cho tương lai huy hoàng thì cũng hãy tạo điều kiện lành trong chính hiện tại này. Vậy không cần lo âu tương lai, nuối tiếc quá khứ, hãy sống trong hiện tại; hãy tạo cho hiện tại một đời sống an lành, vì giây phút hôm nay là hiện thân của cả tương lai lẫn quá khứ. Tóm lại, kiểm soát nội tâm, hành động sáng suốt, thích ứng hoàn cảnh, khiêm nhường, tiết kiệm thì giờ, kiên nhẫn, dĩ ân báo oán, hòa điệu sống, chấp nhận phê bình, tự giác, không lo âu phiền muộn là những bí quyết của một đời sống hạnh phúc. Thật ra chúng ta có rất nhiều phương pháp để tạo cho mình một đời sống an lành, nhưng chung qui cũng gói ghém trong lời dạy sau đây của Đức Phật:
(hiệu đính: 06-1999) [Mục lục] |
[Main Index] |
Last updated: 23-12-1999 |
Web master:
binh_anson@yahoo.com |